Tờ “Đăng Cổ Tùng Báo” xuất bản ở Hà Nội ra mắt số đầu vào tháng 3-1907 vốn là sự nối tiếp của tờ “Đại Nam Đồng Văn Nhật báo” đã được ra đời từ những năm cuối thế kỷ XIX. Nhưng nét đặc sắc của “Đăng Cổ” gắn với phong trào Đông Kinh Nghĩa thục của các nhà Duy tân đầu thế kỷ XX, do vậy nó có thêm phần quốc ngữ bên cạnh phần viết bằng chữ Hán của tờ “Đại Nam”.


Với lịch sử báo chí quốc ngữ Việt Nam thì “Đăng Cổ” được coi là tờ báo đầu tiên ở miền Bắc trong khi ở miền Nam thì từ ngót một nửa thế kỷ trước đã có tờ “Gia Định Báo” (1865). Nét đặc sắc của “Đăng Cổ” như nghĩa nôm của nó (đánh trống) là sự cổ vũ cho những tư tuởng mới của phong trào nghĩa thục. Trên số báo ra ngày 26-9-1907 có đăng một bài báo mô tả cảnh quan ngày tết trẻ con tại Hà Nội. Xin giới thiệu để bạn đọc hình dung những tập quán và tâm tính của con trẻ cách nay vừa tròn một thế kỷ (câu chữ và chính tả xin được giữ nguyên như trong báo)




“Trung Thu


Bài này là của học trò tràng Đông- kinh- nghĩa- thục, năm nay mới có 14 tuổi, tập làm văn quốc- ngữ theo lối Pháp. Bài làm cốt để cho trẻ con đọc với nhau. Bản báo xin phép các quya khách đăng vào để những ông nào vẫn nói rằng chỉ Pháp- văn mới làm được sách cho trẻ đọc, xem xem giá thử cứ tập làm mãi lối này, rồi nước Nam mình có văn được không:


Giăng sáng quắc. Phố xá ngộn những người. Đây: dình tùng sèng; đó : dình tùng sèng; đầu phố một đám rước, quối phố một đám rước. Nào rồng, nào sư- tử; nào cá nào thiềm- thử, kéo đàm kéo lũ, như đi tắm sáng giăng tròn.


Chỗ nọ lập trống quân; chỗ kia chăng trống quít. Hàng Đuờng, hàng Ngang, nhà nào nhà nấy đua nhau bày cỗ. Khéo gớm! Khéo ghê! Kìa đu đủ gọt ra hoa sói hoa nhài, nọ đùi gà bày thành Tiều- phu, Lão-vọng. Đèn chạy quân, đèn sẻ-rãnh: Truơng-phi cưỡi ngựa đi vạch thẳng; vua Thuấn cày voi chạy chữ công. Cái chạy hoả-lò cái chạy cát; cái ghép lá nứa cái vặn bằng tay. Hơi lửa mới biết dùng quay tán giấy.


Bánh dẻo, bánh nướng, đủ các lối bột đường; trái dừa trái bưởi, thiếu chi loài hoa quả?


Giai giai, gái gái, mặt mũi hởn hơ; trán cỗ nhà lại đi ghé cỗ người. Nhà ta khéo, nhà nó vụng; nhà ta nhiều bánh, nhà nó ít sôi.


Ngoài đuờng thì hai bên hè lốc nhốc những trẻ hồ khoan. Anh này thỏ cốc lếu, chị kia cá tí-hon. Lũ lũ lượt lượt, bắt cái hồ khoan! Hết: mẹ bán than, đến: mẹ bán củi. Bắt cái hồ khoan!


Vui! cha chá! là vui! giai vui, gái vui, nhớn bui, bé vui ; trẻ vui chưa lo nghĩ, già vui nhớ thiếu niên.


Duy chỉ cõ thằng Cõn là không vui…


Chớ thằng Cõn là con nhà ai ? nó bao nhiêu tuổi ?


Thằng Cõn là con mụ ăn mày, năm nay nó mới lên sáu tuổi.


Nhà nó ở đâu? Nay ở tam quan nọ! mai ở cửa đình kia. Đất làm giường, manh chiếu rách làm chăn. Áo không có, quần không có, chỉ có mụn tã để tối quàng vai cho đỡ lạnh. Cơm không có, bánh không có, hoạ chăng thỉnh- thoảng ai cho miếng cháy khô nhá đỡ đói lòng. Ngày ngày con rắt mẹ loà đi kêu từng cửa, mười cửa hoạ may được một đồng tiền. Mọi khi còn dễ, nhà nào còn thừa xương xẩu còn nhớ đem cho. Mấy hôm nay, đâu đâu cũng bận. Nhà dọn bàn độc, nhà bầy đồ chơi. Và tiếng trống tiếng cười, lấp mất tiếng kêu thằng ốm đói. Tay cầm gậy rắt mẹ, miệng lậy van ông bà, mắt thỉnh thoảng ghé qua lũ đồng niên, đương lôi voi rắt ngựa. Nước mắt ứa hai hàng, miệng nuốt nước rãi.


Các anh em ơi, lúc ta bày đình bày chùa, có ai nghĩ đến phận thằng Cõn không?


Nguyễn Văn Xuân"


Cuối bài báo có một lời nhận xét của “Đăng Cổ”, viết rằng “Than ôi! Trí trẻ mới nghĩ đến có một thàng Cõn, mà đã thương tâm thế rồi. Những ở Hà Nội ta này có bao nhiêu là thằng Cõn?”.