Trong lúc khai quật những ngôi mộ tập thể của khoảng 1.500 nạn nhân chết vì bệnh dịch hạch ở thời trung cổ trên đảo Lazzaretto Nuovo tại Venice, nhóm chuyên gia nhân chủng của Đại học Florence (Italy) tìm thấy một bộ xương phụ nữ với một viên gạch trong miệng.

Vào thời điểm người phụ nữ chết (cách đây hơn 400 năm), nhiều người tin ma cà rồng là thủ phạm phát tán bệnh dịch hạch. Thậm chí họ còn cho rằng, sau khi chết, ma cà rồng vẫn có thể sống lại và đào các ngôi mộ khác để ăn xác thối, tạo điều kiện cho dịch hạch lây lan. Vì thế, khi một người bị nghi là ma cà rồng, người ta thường giết chết rồi nhét gạch vào mồm trước khi chôn để “ma” không thể ăn tử thi nếu đội mồ sống lại.

Nhiều nhà khoa học cho biết, những người chết vì dịch hạch rất dễ bị coi là ma cà rồng do máu thường trào ra khỏi mồm tử thi.

Matteo Borrini, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết bộ xương được chôn vào năm 1576. Vào năm đó, bệnh dịch hạch đang hoành hành tại Venice. Không có tài liệu nào thống kê số người chết trong đợt dịch đó. Nhưng trong đợt dịch tiếp theo (kéo dài từ năm 1630 tới 1631), hơn 50 nghìn trong tổng số 150 nghìn dân tại Venice đã chết. Matteo Borrini khẳng định bộ xương mà nhóm của ông tìm thấy là bằng chứng đầu tiên về nỗi sợ hãi của người trung cổ đối với ma cà rồng.