Thiền và khả năng nhận thức


Thiền là phương pháp hiệu quả để thư giãn và giảm các ngưỡng sinh lý, kể cả giảm mức độ hoạt động tinh thần. Thiền giảm lo âu, căng thẳng và tăng cường sự tự tin. Nhiều nhà tâm lý dùng thiền để cải thiện thành tích vận động viên, ít nhất cũng giúp họ trấn tĩnh trước một sự kiện thể thao quan trọng. Cũng có ý kiến cho rằng, thiền có thể giúp phát lộ những tiềm năng còn đang ẩn giấu.



Khi các phật tử Thiền tông muốn đạt tới một trạng thái "tâm linh" cao hơn, họ thường dùng một quy cách đã có từ ngàn xưa. Đó là thiền, một kỹ thuật tập trung sự chú ý để đạt tới một trạng thái biến đổi của ý thức. Khác với quan niệm thường gặp, thiền xuất hiện trong hầu hết các tôn giáo lớn, như Thiên Chúa hay Do Thái giáo.

Hiện ở Mỹ, nhiều người tập phương pháp của Maharishi Mahesh, được gọi là thăng thiền TM (transcendental meditation), mặc dù các phương pháp khác cũng rất phổ biến. TM dùng cách thức cơ bản là lặp đi lặp lại một mantra - một âm thanh, một từ hay một vần. Các phương pháp khác thì hướng sự chú ý tới bức tranh, ngọn nến hay một bộ phận cơ thể. Chìa khóa thành công chung là tập trung vào đối tượng cho đến khi quên hết các kích thích bên ngoài và đạt tới một trạng thái khác của ý thức. Nói cách khác, thiền giúp thanh lọc các tạp niệm để vươn tới một trạng thái tinh thần siêu việt nào đó.

Nói chung, người tập thiền thường cảm thấy thư giãn. Kiên trì tập thiền có thể cải thiện sức khỏe. Năm 1989, Alexander thấy người già tập trên ba năm có tuổi thọ cao hơn, vì thiền có tác dụng hạ mức tiêu thụ oxy, giảm nhịp hô hấp, giảm nhịp tim và huyết áp, hạ mức thán khí và lactate trong máu, thay đổi sóng điện não. Tuy nhiên, những thay đổi đó cũng xuất hiện với các hình thức thư giãn khác, cho thấy chúng còn quá "thô" khi lượng giá một kỹ thuật khá kì lạ như thiền.

Năm 1993, nhà tâm lý Benson chứng tỏ có thể thiền qua một quy trình khá đơn giản: ngồi nhắm mắt trong phòng kín, thở sâu theo nhịp, lặp đi lặp lại một mantra. Sau 20 phút, đa số người thực hành đều thấy thư giãn rõ rệt. Tập hai lần hàng ngày, kỹ thuật đạt hiệu quả như thiền kinh điển trong việc thư giãn cả thể xác và tâm hồn.

Hình ảnh của thiền

Ngược với những ý kiến nghi ngờ, hơn 10 năm nay, ngành thần kinh học bắt đầu đo được trạng thái thiền bằng nhiều kỹ thuật tạo ảnh não mới như tạo ảnh bằng bức xạ positron PET hay bức xạ đơn photon SPECT. Nhờ theo dõi dòng máu lưu thông trong não, chúng cho biết vùng não nào hoạt động khi ta đang thiền, đang trải nghiệm một kinh nghiệm tâm linh hay đang hoạt động nhận thức (như học ngoại ngữ chẳng hạn).

Những nghiên cứu đó được tổng kết trong nhiều ấn phẩm, điển hình là cuốn Thiền và bộ não (844 trang) của James Austin, do Viện Công nghệ Massachusetts danh tiếng của Mỹ xuất bản năm 2001. Tờ Tuần tin tức (Mỹ) ngày 14/5/2001 đưa ra hình ảnh bộ não trong trạng thái thiền. Khi đó, cảm xúc tôn giáo liên quan với hoạt tính vùng giữa, những hình ảnh thiêng gắn với vùng phía sau bên dưới thùy thái dương; còn khi thùy đỉnh trấn dịu, người đang thiền có thể thấy mình hòa làm một với vũ trụ…

Cần lưu ý hình ảnh vùng Broca ở thùy trán và vùng Wernicke ở thùy thái dương bên trái. Đó là hai vùng liên quan với ngôn ngữ. Người bị tổn thương vùng Broca khó phát âm đúng, nói rất vất vả nhưng nghe và đọc bình thường. Còn khi tổn thương vùng Wernicke, sẽ không còn khả năng hiểu nghĩa của ngôn ngữ nữa. Khi thiền, có người nghe thấy "tiếng nói từ bên trong". Hình ảnh PET cho thấy, khi đó vùng Broca hoạt động. Bình thường thì ta biết đó là tiếng nói bên trong của bản thân, nhưng khi đang thiền thì thông tin cảm giác bị giảm thiểu, nên nhiều người hiểu lầm là chúng gắn với một nguyên nhân bên ngoài, như thánh thần hay ma quỷ. Đó cũng là lý do người tâm thần có thể giết người, khi cho rằng mình đang thực hiện mệnh lệnh của một đấng tối cao nào đó. Nhiều nhân vật lừng danh như Dostoyevsky, Thánh Paul, Mẹ Teresa, Proust… cũng được xem là có ổ động kinh tại thùy thái dương, nên rất giầu cảm xúc tâm linh.

Thiền và học ngoại ngữ

Tuy chưa được theo lớp học của Giáo sư Lê Khánh Bằng cũng như chưa đọc giáo trình Phương pháp tự học và hướng dẫn tự học ngoại ngữ có chất lượng và hiệu quả cao, người viết bài này vẫn mạnh dạn cho rằng, cách đặt vấn đề của phương pháp học ngoại ngữ bằng thiền như thế có nhiều điều chưa ổn.

Thứ nhất, giáo trình vẽ hai trung khu tiếng mẹ đẻ và ngoại ngữ tách biệt nhau trên não người. Đây là điều khá lạ vì khi nói về cấu trúc vỏ não của ngôn ngữ, người ta thường vẽ hai vùng Broca và Wernicke. Ngoài ra là các vùng thị giác (để đọc), thính giác (để nghe), vận động (để đọc), cũng như nhiều cấu trúc dưới vỏ não khác. Điều đó là hiển nhiên vì nhận thức là sự kết hợp tinh diệu giữa các hoạt động ý thức vỏ não và các hoạt tính vô thức dưới vỏ. Chúng ta rất băn khoăn vì không hiểu tiếng Anh và tiếng Pháp có nằm trong cùng một trung khu hay không. Theo giáo trình thì chắc là không vì với người Mỹ chẳng hạn, tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ, còn tiếng Pháp là ngoại ngữ. Vậy một người biết 20 ngoại ngữ sẽ có 20 trung khu trên vỏ não?

Vì không có máy móc kiểm chứng giả thuyết của Giáo sư Lê Khánh Bằng, nên ta đành bằng lòng với những suy luận vậy. Rất khó tin là trên vỏ não lại có nhiều trung khu ứng với từng ngôn ngữ, vì đó chính là sự lãng phí lớn. Một cách thô thiển, có thể xem não là một máy tính với khả năng tính toán song song siêu hạng. Có lẽ, bộ não chỉ dùng các vùng nói trên chung cho mọi ngôn ngữ mà thôi. Tất nhiên, nếu các tác giả đưa ra được những bằng chứng thuyết phục, chúng tôi sẽ rút lại suy luận này.

Thứ hai, dường như đó không phải học ngoại ngữ qua thiền, vì "việc đầu tiên mà các học viên phải làm là… thư giãn và thở. Sau đó học viên bước vào thiền tĩnh, mắt nhắm nghiền, toàn thân bất động". Và họ được hướng dẫn "tập đọc chữ cái, các âm cơ bản" rồi tiến lên học các bài cụ thể. "Tiếp theo là thiền động, vẫn tập trung cao độ vào môn học, nhưng có sự hỗ trợ của tay viết, cử chỉ, điệu bộ nếu cần, sau đó học viên viết ra những suy nghĩ của mình bằng tiếng Anh hay tiếng Việt, tùy theo trình độ".

Đối chiếu với kỹ thuật thiền nói ở trên, ta thấy kỹ thuật học ngoại ngữ như thế không phải là thiền. Bản chất của thiền là giảm các hoạt động tinh thần để hướng tới sự thư giãn như một cách thanh lọc tinh thần, giữ bỏ tạp niệm. Vì thế nó thích hợp với các xã hội phương Tây vốn quay cuồng với nhịp sống công nghiệp. Bí quyết thành công của thiền là sự cách ly cảm giác, tức hạn chế kích thích bên ngoài mà chỉ tập trung vào mantra. Theo lời Giáo sư Nguyễn Hoàng Phương thì đó là cách "làm trống" bộ não. Còn khi học ngoại ngữ, ta phải tập đọc, tập phát âm, tập các bài học theo hướng dẫn; tiếp đó lại suy nghĩ và viết ra các suy nghĩ đó… Đó đều là kích thích cảm giác, theo một nghĩa nào đó thì đều là "tạp niệm" cả. Nói cách khác, thiền và học ngoại ngữ là hai việc khác nhau về bản chất.

Thứ ba, chỉ 5 buổi tập trong 5 tuần mà hình thành được trung khu ngoại ngữ thì thật khó tin, vì điều đó trái với cách thức vận hành chung của vũ trụ. Làm gì có chuyện chi phí tối thiểu mà kết quả lại tối đa như thế? Kinh nghiệm thông thường cho thấy, phải lao tâm khổ tứ rất nhiều mới có thể bước đầu làm chủ một sinh ngữ. Vậy các tác giả hãy đưa ra bằng chứng thuyết phục cho sự tồn tại của một trung khu ngoại ngữ như thế sau mỗi khóa học. Và nếu đúng như thế thì tại sao ta không phổ biến phương pháp ra toàn thế giới để nhân loại không còn vất vả khi tìm hiểu nhau?

Cuối cùng, đúng như một chuyên gia tiếng Anh đã nhận xét, thực chất của phương pháp có lẽ chỉ là: thiền giúp đầu óc thanh thản, loại bỏ các suy tư không cần thiết để tập trung toàn bộ tinh lực vào bài học. Vì thế kết quả có thể tốt hơn. Trẻ em Làng SOS mạnh dạn, hoạt bát và phát âm tốt hơn cũng có thể giải thích như vậy, vì như đã nói, thiền có thể phát lộ những tiềm năng còn đang ẩn giấu. Còn lại những lập luận như tạo được trung khu ngoại ngữ chỉ sau 5 buổi tập, tình trạng "leo cột mỡ"… đều mang dấu ấn suy luận chủ quan. Chúng chưa được khẳng định bằng khoa học (như các trắc nghiệm tâm lý hay chụp ảnh não chẳng hạn). Vì thế ta cũng không nên căn cứ vào những lời động viên, khuyến khích của một số nhà khoa học nổi tiếng mà cho rằng, phương pháp học ngoại ngữ bằng thiền nói trên đã là đáng tin cậy về mặt học thuật


Đỗ Kiên Cường