Tác giả Thượng Hồng

Ai đã từng sống ở Saigon trước đây, đều đã nghe câu nói : Nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định (về một giai thoại khác trong bài viết về Chú Hỏa, chi tiếc nói rằng Chú Hỏa được xếp đầu danh sách, xem ra không đúng, chúng tôi ghi lại để tham khảo)... Đó là bốn nhà giàu bậc nhất Saigon, đồng thời cũng là tứ đại phú gia của cả Nam Kỳ Lục Tỉnh. Ngày nay ít ai còn được biết tường tận về từng người trong danh sách này.....

NHẤT SĨ

Sĩ là tên hiệu của Lê Phát Đạt, sinh quán tại Cầu Kho, thuộc địa phận Saigon. Tên thuở thiếu thời của Đạt là Sĩ, nhưng khi lớn lên theo học trường dòng (sĩ là một tín đồ Thiên Chúa Giáo) nên đã tự nguyện đổi thành Đạt. Sau khi đi học ở nước ngoài về, lúc này Đạt lấy lại tên ban đầu, và từ đó mọi người quen gọi la ông Sĩ.
Đầu tiên, Sĩ làm trong nghành thông ngôn (interprete), rồi sao đó leo lên chức tham biện. Lúc mới ra làm công chức, Sĩ chưa phải là nhà giàu, lại còn lận đận đường công danh, bị thuyên chuyển từ Saigon về tận tỉnh Tân An. Nhẫn nại, giỏi chịu đựng, do đó Sĩ không hề chán nãn công việc, luôn tỏ ra là nô bộc trung thành. Do đó, chỉ hơn một năm sau, Sĩ được chuyển trở lại Saigon. Lần này Sĩ may mắn hơn, được thăng chức Huyện hàm. Nhưng điều may mắn nhất lớn nhất của ông Sĩ là thuộc về đất đai. Khi ấy đất đai ở Saigon còn bỏ hoang rất nhiều, nhà cửa thưa thớt, đường xá thô sơ... Huyện Sĩ là một công chức mẫn cán, nên được ưu tiên mua đấtvới giá rất rẻ, và muốn mua bao nhiêu cũng được. Nghe nói lúc đầu Sĩ từ chối, vì ngại không đủ sức, nhưng sau đó được bạn bè khuyến khích, Sĩ đã mạnh dạn mua. Số ruộng đất này không chỉ riêng ở Saigon, mà còn nhiều ở tỉnh Tân An. Không ngờ, sau đó ít lâu, khi mật độ dân cư đông lên, đất đai hiếm dần và giá cả tăng vọt. Mua một bán mười, thậm chí cả trăm lần hơn. Rồi cứ thế, tài sản của Huyện Sĩ lên đến con số kếch sù, không thể nào ngờ nổi. Ông ta trở thành đại phú.
Phú quý sinh lễ nghĩa, Huyện Sĩ quá thừa tiền của, nên hay làm việc thiện, mà một trong những việc thiện đó là xây một ngôi thánh đường còn lưu dấu tích tới ngày nay ở vùng trung tâm Saigon : Nhà thờ Chợ Đũi hay còn gọi là nhà thờ Huyện Sĩ (góc đường Nguyễn Trãi - Tôn Thất Tùng ngày nay).


NHỊ PHƯƠNG

Phương là tên tộc của Đỗ Hữu Phương, một hàm Tổng đốc thời Pháp đô hộ Nam Kỳ. Nhắc đến Tổng Đốc Phương, dân Saigon cũ ai cũng biết đó là một tay Việt gian cỡ lớn, có nhiều nợ máu với dân. Nhưng về mặt tài sản, thì Phương là một đại phú, đứng hàng thứ nhì, chỉ sau Huyện Sĩ.
Về nguồn tài sản kếch sù của Đỗ Hữu Phương, có người nói là do tài sản của bà vợ ông ta, Trần phu nhơn. Bà này giỏi về kinh doanh, đã làm mọi việc để làm giàu... Song, nhiều người rành chuyện hơn, đã cho rằng đó là do nhà nước bảo hộ Pháp trả ơn cho Phương về lòng trung thành của Phương, hay nói một cách rõ hơn, đó là nhờ tài luồn cuối, nịnh nọt trong suốt cuộc đời làm Việt gian của Phương!
Những giai thoại của Phương phần nhiều đượm tính tiếu lâm, ngụ ý mỉa mai một con người phản dân hại nước. Trong số những giai thoại đó, có chuyện sau, xin thuật lại dựa theo tư liệu của cố học giả Vương Hồng Sển: Tuy là người phục vụ đắc lực cho chính quyền Pháp, nhưng Tổng đốc Phương chỉ có vốn tiếng Pháp rất ba trợn. Do đó, vào một ngày kia, nhân dịp tết Tây, quan Tổng đốc nhà ta bèn nịnh quan lớn Tây bằng một con dê quay vàng ngậy! Biếu quà ăn mừng năm mới thì phải giới thiệu chủng loại con vật đã được quay vàng. Khổ nỗi, do trình độ tiếng Tây của Tổng đốc nhà ta quá khiêm nhường, nên thay vì nói là "bouc" hay "chèvre" để chỉ con dê, ông ta đã làm một màn pạc-lê bồi như thế này: "Lui mêm xối xiên, dà na bắp, dà na cót" (lui même chóe chien, il y a corne): Hắn giống như con chó, mà có râu, có sừng. Dù cho quan Tây có hiểu được sự mô tả của kẻ cúc cung tận tụy với mình, nhưng phải cố lắm mới kìm được tràng cười vỡ bụng!


TAM XƯỜNG

Nhân vật đứng hàng thứ ba, được gọi là tam Xường, tức bá hộ Xường, tên thật là Lý Tường Quan, gốc người Minh Hương (người Hoa ủng hộ Minh triều chống Mãn Thanh, chạy nạn sang Việt Nam) Ông là người sớm hòa nhập vào nền văn hóa Việt Nam, theo đạo Thiên Chúa và được học trường College des Interprètes (trường thông ngôn) của Pháp, ra làm thông ngôn cho chính quyền bảo hộ Pháp. Với trình độ tiếng Pháp giỏi, rành tiếng Việt, lại được trong dụng, nên con đường hoạn lộ của ông tràn đầy tương lai... Bất ngờ năm 30 tuổi, Lý Tường Quan, tự Xường bỏ việc, ra ngoài làm thương mại.
Bắt đầu, ai cũng cho rằng ông Xường sai lầm, bởi thời buổi đó muốn nằm mơ cũng khó lòng được địa vị như ông. Tuy nhiên, chỉ ít lâu sau, mọi dị nghị về ông điều tỏ ra thiếu chính xác. Bởi nghề kinh doanh lương thực và dịch vụ của ông tỏ ra đắc địa vào thời Saigon mới phát triển. Độc quyền cung cấp thịt cá, một công việc bị nhiều người coi thường, vậy mà chỉ chưa đầy 5 năm, Lý Tường Quan được mọi người gọi là bá hộ Xường (bá hộ là từ chỉ những người giàu lớn). Ông có sản nghiệp lớn, nhà đất nhiều. Dinh thự riêng của ông vào thời đó toa lạc tại đường Gaudot (ải Thượng Lãn Ông ngày nay) được nhiều người nể vì.
Chỉ tiếc một điều là, khi ông chết rồi, số sản nghiệp còn lại đã bị con cháu tranh chấp, dẫn đến những vụ kiện tụng kéo dài nhiều thế hệ sau, đến nổi hầu như xóa sạch dấu vết vào những năm hậu bán thế kỷ 20 này.


TỨ ĐỊNH

Người đứng hàng thứ tư, tứ Định, là Trần Hữu Định, cũng được gọi là Bá hộ Định. Làm giàu do tự thân làm nên, không tham gia hàng ngũ công bộc của Pháp. Bá hộ Định vốn là con của mộ nghiệp chủ gốc Hoa ở Chợ Lớn (thuở sinh thời, ông có ngôi nhà lớn gần cầu Palikao, chợ Kim Biên- Bình Tây ngày nay). Phải nói rằng, vào thời buổi ấy mà ông và bá hộ Xường được đứng trong hàng ngũ "tứ đại phú" quả là điều hi hữu. Bởi nếu không quyền thế, thì chỉ làm giàu thường thường mà thôi, khó leo lên đến tột đỉnh như Huyện Sĩ hay Tổng đốc Phương được. Vậy mà hai ông Xường và Định đã làm được và theo nhiều người, họ không hề thua kém bao nhiêu so với hai cự phú hàng đầu.
Theo lời kể lại của nhiều người am tường thời ấy, sở dĩ Bá hộ Định làm giàu nhanh là do đã sớm đứng ra làm một dịch vụ mà thời sau ông , Chú Hỏa từng làm, đó là mở tiệm cầm đồ. Nghề này đặc biệt dễ làm giàu, bởi nhiều người dân Saigon vốn dĩ ăn tiêu phóng khoáng, có đồng nào xào đồng nấy, hết tiền thì có cái gì trong nhà đem xào cái nấy, rồi mua sắm cái khác, và cứ thế... bởi vậy, dịch vụ cầm đồ tỏ ra đắc lợi. Ông Định lại bành trướng nghề nghiệp, tổ chức nhiều hộ cầm đồ ở khắp Saigon, Chợ Lớn, Gia Định. Khi mọi người nhận ra việc "trúng quả lớn" của ông, thì ông đã nghiễm nhiên trở thành Bá hộ, vượt xa mọi đối thủ có ý cạnh tranh. Của đẻ ra của, triệu phú đã trở thành đại phú chỉ trong vòng chưa đầy 10 năm. Đến khi ông mất, các con cháu ông không còn mặn mà nghành ấy nữa. Chỉ khi có một số người Pháp và Chú Hỏa nổi lên, thì nghề ấy mới sống mạnh hơn.
Ngày nay, khi Saigon đang bước vào thời điểm kỷ niệm 300 năm, hầu như mọi người đều đã quên bốn con người vừa kể trên. Còn chăng là một vài địa danh như Nhà thờ Huyện Sĩ và con đường Tổng Đốc Phương nay đã đổi thành đường Châu Văn Liêm.