BẢY CUNG CỦA THÁI DƯƠNG HỆ.

Bảy cung của Thái dương hệ là :

Cung thứ nhứt là cung Hành Chánh

Cung thứ nhì là cung Đạo Đức và Giáo Dục.

Cung thứ ba là cung Thích Nghi và Đồng Hóa coi về Chiêm tinh.

Đúng với câu của ông Thánh Phao Lồ (Saint Paul) đã nói “Tất cả mọi vật cho tất cả mọi người” (toutes choses pour tous les hommes)

Cung thứ tư là cung Điều Hòa và Mỹ lệ - Cung Kỹ Thuật.

Cung thứ năm là cung Quan sát tỉ mỉ - Cung Khoa Học.

Cung thứ sáu là cung Sùng Đạo.

Cung thứ bảy là cung Pháp môn Phù thủy.

---------

Mỗi người trên thế gian đều thuộc về một cung chánh, hoặc cung thứ nhứt hoặc cung thứ nhì v. v. . . và cũng chịu ảnh hưởng của 6 cung kia nữa. Tiện đây tôi xin nói : Không phải khoa Chiêm tinh học để dành coi số mạng như Tử vi của mình thường thấy đâu. Nó khảo cứu sự sống của các hành tinh, ảnh hưởng lẫn nhau của chúng, ảnh hưởng của chúng đối với con người cũng như đối với loài vật khác. Nó liên lạc với các vị Tinh Quân (Esprits Stellaires), các Đại Thiên Thần. Còn khoa Thiên văn chỉ xem xét về hình thể của các hành tinh mà thôi, tức là vật chất làm ra vũ trụ hữu hình chớ chưa biết đến tinh thần hay là sự sống của các thế giới trên không gian. Thuở xưa các nhà Chiêm tinh Chadée nổi tiếng khắp hoàn cầu, nhưng ở Ai Cập, Trung Hoa, Ấn Độ cũng có những nhà Chiêm tinh học trứ danh vậy.

Vấn đề cung cực kỳ khó khăn, từ bực Chơn Tiên trở lên mới hiểu nhiều, còn các hàng đệ tử chỉ biết chút đỉnh mà thôi.

Tôi xin nói tóm tắt là : Từ những Thái dương hệ cho tới những hạt nguyên tử, nghĩa là từ loài tinh chất, kim thạch, thảo mộc, thú cầm cho tới con người và các bực Siêu phàm, cả thảy đều chia ra làm 7 nhóm. Mỗi nhóm thuộc về một cung chánh, hoặc cung thứ nhứt hoặc cung thứ nhì, cung thứ ba v. v. . . và cũng chịu ảnh hưởng của 6 cung kia nữa.


CHỦ TỂ CỦA BẢY CUNG.

Chủ tể của Cung thứ nhứt là Đức Ngọc Đế.

Chủ tể của Cung thứ nhì là Đức Phật Đạo Đức.

Chủ tể của 5 Cung còn lại, từ Cung thứ ba đến Cung thứ bảy, là Đức Văn Minh Đại Đế.


TAM THANH.

Tam Thanh là :

Đức Bàn Cổ - Đức Bồ Tát - Đức Văn Minh Đại Đế.

Công việc của Đức Ngọc Đế chỉ xuống tới cõi Niết Bàn, các vị Độc Giác Phật phụ tá với Ngài. Ngài giao cho Đức Bàn Cổ thay mặt cho Ngài ở mấy cõi dưới.

Công việc của Phật chỉ xuống tới cõi Bồ Đề. Ngài nhờ Đức Bồ Tát thay mặt cho Ngài ở mấy cõi dưới.

Đức Bàn Cổ coi sóc sự sanh hóa một giống dân. Ngài sửa đổi cục diện của Địa cầu cho đúng với Cơ Trời. Đức Bồ Tát lãnh phần giáo hóa một giống dân. Ngài chăm nom những tôn giáo đã có và lập những tôn giáo mới tùy theo sự nhu cầu của dân chúng. Có khi Ngài sai một vị Chơn Sư thay mặt cho Ngài.

Đức Văn Minh Đại Đế coi sóc sự văn minh tiến bộ của dân chúng. Đối với Ngài tương lai của nhơn loại là cuốn sách giở ra trước mắt Ngài.


BẢY VỊ ĐẾ QUÂN COI SÓC BẢY CUNG.

Bảy vị Đế Quân coi sóc 7 cung. Công việc của mỗi cung rất nhiều và rất phức tạp, người thường như chúng ta đây không sao hiểu nổi.


SỰ THAY ĐỔI NGÔI VỊ TAM THANH CỦA GIỐNG DÂN CŨ.

Khi một giống dân chánh gần tàn rồi thì Đức Bàn Cổ của giống dân đó lên làm một vị Độc Giác Phật. Đức Bồ Tát của giống dân đó lên làm một vị Phật Đạo Đức. Ngài xuống trần dạy đạo một lần chót rồi từ đó không còn dính dấp chi tới thế tục nữa.

Đức Văn Minh Đại Đế muốn làm một vị Độc Giác Phật thì phải đổi qua cung thứ nhứt, muốn làm một vị Phật Đạo Đức thì phải đổi qua cung thứ nhì.

Mỗi vị trước phải qua một kỳ điểm đạo nữa là kỳ thứ tám.

Còn vị Độc Giác Phật và vị Phật Đạo Đức thế nào ?

Vị Độc Giác Phật tu hành thêm nữa đặng một ngày sau làm một vị Ngọc Đế cai trị một bầu hành tinh.

Còn vị Phật Đạo Đức muốn làm một vị Ngọc Đế thì phải đổi qua cung thứ nhứt, hoặc là lãnh một nhiệm vụ khác; như Phật Đỉnh Quang Dipânkara vốn là một nhân viên của Bộ Tham Mưu của Đức Thái Dương Thượng Đế.

Muốn làm một vị Ngọc Đế phải được 9 lần điểm đạo. Kỳ thứ chín nầy không ai điểm đạo cho mình cả, mình tự điểm lấy, chắc chắn là có những Đấng Cao Cả chứng minh.

Trước hết phải lãnh trách nhiệm cai trị một bầu hành tinh trong một kỳ hạn vắn (vài triệu năm) với địa vị Ngọc Đế thứ nhứt hay thứ nhì. Nhiệm vụ nầy xong rồi thì qua bầu hành tinh khác làm một vị Ngọc Đế thứ ba. Trách nhiệm nặng nề hơn. Thế nên trên mỗi bầu hành tinh phải có 3 vị Ngọc Đế.



TAM THANH CỦA GIỐNG DÂN MỚI.

Đức Đế Quân chưởng cung thứ nhứt sẽ lên ngôi Bàn Cổ và coi sóc sự sanh hóa giống dân mới.

Đức Đế Quân chưởng cung thứ nhì sẽ lên giữ địa vị Bồ Tát dạy dỗ giống dân mới nầy.

Một vị Đế Quân trong 5 vị còn lại sẽ lãnh chức Văn Minh Đại Đế.

Ba vị nầy trước phải qua một kỳ điểm đạo nữa là kỳ thứ bảy.

Thuở xưa, 5 vị Đế Quân còn lại thay phiên nhau mỗi vị lãnh chức Văn Minh Đại Đế trong một kỳ gian sau khi được 7 lần điểm đạo.

Mới đây có sự thay đổi, có một vị Văn Minh Đại Đế khác hơn 5 vị Đế Quân.

Bốn vị Đế Quân còn lại cũng được 7 lần điểm đạo, song lãnh nhiệm vụ khác.


NHỮNG VỊ ĐẾ QUÂN CỦA GIỐNG DÂN MỚI.

Bảy vị Chơn Tiên lên ngôi Đế Quân coi sóc 7 cung, song phải qua một kỳ điểm đạo nữa, là kỳ thứ sáu. Còn những vị Chơn Tiên khác thì được 6 lần điểm đạo rồi lãnh những nhiệm vụ mới, tùy theo Thiên cơ.

Nói tóm lại : từ khi nhơn loại qua ở bầu Trái đất cho tới lúc bỏ nó mà về bầu Thủy tinh (Mercure) đặng tiếp tục sự tiến hóa của mình thì có 7 giống dân chánh (Race mère).

Mỗi giống dân chánh sanh ra 7 giống dân phụ (Sous race) tức là có 49 giống dân phụ (không kể các chi nhỏ nữa).

Giống dân thứ nhứt và giống dân thứ nhì tàn đã lâu rồi, không còn để di tích nào cả.

Giống dân da đen bây giờ là con cháu của nhánh nhóc thứ bảy của giống dân thứ ba là giống Lê mu ri dien (Lémuriens). Giống da vàng và giống da đỏ là con cháu của nhánh nhóc thứ bảy của giống thứ tư là giống Ắt lăng (Atlantes).

Giống da trắng bây giờ là con cháu của giống dân phụ thứ tư và thứ năm của giống dân chánh thứ năm là giống A ri dien (Aryens). Giống dân phụ thứ sáu đã ra đời, nhưng ở rải rác khắp nơi chưa thành lập một nước.

Khi giống dân chánh thứ bảy tàn rồi thì sự hoạt động của bầu trái đất của chúng ta đã chấm dứt. Nhơn loại bỏ quả địa cầu về Niết Bàn nghỉ ngơi một ít lâu. Đúng ngày giờ thì qua bầu hành tinh thứ năm là bầu Thủy tinh đặng học hỏi và kinh nghiệm hơn nữa. (Xin xem quyển Đời sống huyền bí của Thái dương hệ của tôi).

Bởi mỗi giống dân chánh thì có :

Một vị Bàn Cổ.

Một vị Bồ Tát.

Một vị Văn Minh Đại Đế.

Thế nên có tất cả :

3 vị Ngọc Đế.

7 vị Độc Giác Phật.

7 vị Phật Đạo đức.

7 vị Bàn Cổ.

7 vị Văn Minh Đại Đế.

49 vị Đế Quân.

Một số Chơn Tiên và

Một số đệ tử được từ một đến bốn lần điểm đạo.



VÀI LỜI VỀ TIỂU SỬ CỦA ĐỨC NGỌC ĐẾ HIỆN KIM

Đức Ngọc Đế hiện kim là Đức thứ ba. Mười sáu triệu rưỡi năm trước, Ngài và ba vị Độc Giác Phật đệ tử của Ngài, từ Kim tinh qua cai trị quả địa cầu mình. Thân thể Ngài và ba vị đệ tử do phép thần thông hóa ra, cả triệu năm không ăn không uống, mà cứ trẻ đẹp mãi không hề hư hại. Thật là vóc ngọc mình vàng, trường sanh bất tử.

Ngài thay mặt cho Đức Thượng Đế đặng điều khiển sự tiến hóa của con người, các Thiên Thần và những loài vật khác. Hào quang Ngài bao trùm quả địa cầu nầy, không có một con kiến nào chết hay là sự bất công nào xảy ra mà Ngài không hay không biết. Trái đất nầy tuy lớn song ở trong lòng bàn tay của Ngài. Ngài dùng được trọn vẹn thần lực Fohat và những lực của vũ trụ ngoài dãy địa cầu.

Những lực đó có thể nhận chìm xuống đáy biển những châu thế giới và làm cho quả địa cầu tan rã từ mảnh.

Duy có một mình ngài cầm quyền điểm đạo, nhưng trong hai kỳ điểm đạo đầu tiên, lần thứ nhứt và lần thứ nhì, Ngài cậy Đức Bồ Tát hay Đức Đế Quân chưởng cung thứ nhứt hoặc cung thứ nhì thay mặt cho Ngài. Có khi lần thứ ba và lần thứ tư, Ngài cũng giao cho một vị Độc Giác Phật nhơn danh Ngài đặng điểm đạo. Ngài thật là Đại Hùng, Đại Lực, Đại Từ Bi. Nhiều thí sanh tới bực A na Hàm rồi mà khi quì trước mặt Ngài thì nắm nắm nớp nớp không dám ngó lên, vì Ngài rất oai nghi lẫm liệt.

Ngày sau nhơn loại sẽ bỏ bầu trái đất nầy mà qua bầu Thủy tinh đầu thai đặng tiến hoá nữa. Ba vị Độc Giác Phật sẽ thay phiên nhau lãnh ngôi vị Ngọc Đế đặng cai trị và lo lắng cho sự mở rộng đường tinh thần của chúng sanh.


BA VỊ ĐỘC GIÁC PHẬT

Tiện đây tôi xin nói vài lời về ba chữ Độc Giác Phật theo chỗ hiểu của tôi.

Tôi thấy thường thường người ta tưởng là những vị Độc Giác Phật chỉ lo khai sáng cho một mình mình chớ không đoái hoài tới kẻ khác, nói trắng ra là có tánh ích kỷ. Hiểu như thế e cho sự lầm lạc rất lớn.

Các vị Độc Giác Phật thuộc về cung thứ nhứt, là cung Hành chánh. Ngài lo việc quản trị, còn chuyện giáo hóa nhơn loại thuộc về phần trách nhiệm của vị Phật Đạo Đức. Các Ngài không thể nào bỏ bổn phận của mình mà đi làm những công việc khác. Hơn nữa, từ khi khởi sự tu hành được vào hàng đệ tử cho đến lúc thành chánh quả và lên tới ngôi vị Bàn Cổ thì Đấng Chí Tôn mà mình gọi là Đức Độc Giác Phật đã độ đời không biết được mấy trăm triệu lần rồi.

Một lẽ khác, ba vị Độc Giác Phật thuộc về hệ thống tiến hóa khác, hệ thống Kim tinh, chớ không phải hệ thống địa cầu của chúng ta. Chúng ta không hiểu được các Ngài ra sao.

Hiện giờ, trong nhơn loại của chúng ta, chưa có một vị nào lên tới bực Độc Giác Phật cả. Chỉ có một mình Đấng Chí Tôn mà người ta gọi là Đức Thích Ca thành Phật Đạo Đức mới có 2.500 năm nay.

600 năm nữa, khi giống dân chánh thứ sáu sanh ra rồi, thì Đức Bàn Cổ của giống dân thứ năm bây giờ là Đức Vaivasvata Manou mới lên ngôi Độc Giác Phật.

Còn Đức Di Lạc, Đức Bồ Tát của giống dân thứ năm, cũng gọi là Đức Mết Trai Da (Maîtreya) mới làm một vị Phật Đạo Đức thế cho Đức Phật Thích Ca.


ĐỨC PHẬT THÍCH CA LÀ ĐỨC PHẬT ĐẠO ĐỨC THỨ TƯ.

Vị Phật Đạo Đức hiện nay là Đấng Chí Tôn mà người ta gọi là Đức Thích Ca Mâu Ni. Ngài là người thứ nhứt của nhơn loại đạt được quả vị Phật. Ngài điều khiển công việc đặc biệt của cung thứ nhì ở mấy cõi cao và giao cho Đức Bồ Tát công việc thế cho Ngài ở mấy cõi thấp.

Ngài là Đức Phật của giống dân thứ tư, giống Ắt lăng (Atlantes) hay là vị Phật thứ tư. Ba vị Phật trước vốn ở Kim tinh qua giúp đỡ nhơn loại.

Đức Phật thứ ba là Đức Kasyapa (Ca Diếp).

Cả triệu năm trước, khi đúng ngày giờ mà nhơn loại phải sản xụất những vị Bồ Tát, những vị Phật riêng cho mình thì chỉ có hai Chơn Sư đồng bực tiến hóa với nhau. Ấy là Đức Thích Ca và Đức Di Lạc Bồ Tát hiện nay. Vì lòng thương nhơn loại nên Đức Thích Ca tình nguyện xuống trước. Ngài còn thiếu những điều kiện nào, không ai rõ. Nhưng Đức Thích Ca nổ lực tu hành từ kiếp nầy qua kiếp kia, mỗi kiếp phải lập vài đại hạnh cần thiết cho địa vị cao cả sau nầy . . .

Đây mới thiệt là sự hi sinh cao cả của Ngài.

Còn việc Thái tử Sĩ đạt Ta, lìa ngai vàng điện ngọc, bỏ cung phi mỹ nữ và vợ yêu con quí vào rừng sâu tu luyện, có một ý nghĩa khác. Sánh nó với việc hi sinh cao cả kia thì nó chỉ là một góc nhỏ đường tơ.

Lúc còn ở ngôi Bồ Tát, Đức Phật có lâm phàm dạy đạo. Người ta biết được những tiền kiếp sau đây :

1.- Vyasa - ở Ấn Độ.

2.- Hermès Trismégiste ở Ai Cập.

3.- Zoroastre đầu tiên trong 29 vị ở Ba Tư.

4.- Orphée ở Hi Lạp.

Kiếp chót Ngài mượn xác Thái tử Sĩ đạt Ta [20] .