SÁU PHÁI TRIẾT HỌC CỦA ẤN ÐỘ

Mục đích của Triết học là giải thoát cho con người vậy. Sự đau khổ ấy liên quan tới kiếp sống trên trần thế khi linh hồn đầu thai lấy xác phàm.

Bên Ấn Độ có sáu trường triết học, mỗi trường dạy một giáo lý độc lập và đầy đủ; con người luyện mình theo đó, đến lúc thành công thì thoát đọa Luân hồi.

Sáu trường nầy chia ra làm hai phái :

A/ - Phái PRAKRITI : thiên về vật chất, con người phải hiểu biết vật chất và thống trị nó. Nhờ vậy con người sẽ thoát ra khỏi nó; phái nầy gồm ba trường [17] :

1) Thắng Luận – La Vaysheshika : Hệ thống của những đặc điểm (particularités)

2) Chánh Lý – La Nyâya : Hệ thống của Luận lý học.

3) Di Man Tác - La Mimâmsa : Nguyên tắc chỉ huy.

B/ - Phái PURUSHA : thuộc về tinh thần, dạy phải làm cho tinh thần tiến hóa mới thoát đọa Luân hồi. Nó gồm ba trường :

1) Số Luận – La Sankhya : Hệ thống của Số.

2) Du Già - La Yoga de Patanjali : Hệ thống hiệp nhứt với Thượng Đế.

3) Phệ Đàn Đà – La Védanta : Sự hiểu biết cùng tột.



NHỮNG QUAN NIỆM CHUNG CỦA HAI PHÁI

Tuy vậy hai phái vẫn có quan niệm chung như sau đây :

1) Có một nguyên nhân đầu tiên sanh hóa Vũ trụ, người ta gọi là Trời, hay Thượng Đế, hay Brahma, Thái Cực Thánh hoàng, Dieu v. v. . .

2) Ba căn nguyên của Vũ trụ là :

a.- Atma : Cội rễ của Bản Ngã.

b.- Purusha : Cội rễ của Tinh thần.

c.- Prakriti : Cội rễ của Vật chất

3) Sự tiến hóa của con người nhờ ba luật :

a.- Luân hồi

b.- Nhân quả

c.- Đạt ma (Dharma : Pháp)

Giáo lý của mỗi trường phái tóm tắt như sau đây :

Phái Vật Chất.

Trường Thắng Luận Vaysheshika

Giáo chủ là Rishi Kanâda.

Theo trường nầy : Vũ trụ chia ra làm bảy hạng bao gồm hết thảy những điều mà người ta có thể hiểu. Cái quan trọng hơn hết là Vaysheshika hay là đặc điểm, nó làm ra dòng giống cá nhân.

Giáo lý nguyên tử là căn bản của phương pháp nầy, vì mọi vật trong vũ trụ sanh ra đều do sự kết hợp của những nguyên tử.

Những nguyên tử thì không thể chia ra được, chúng nó nhỏ lắm; con mắt không thấy được.

Theo thuyết nguyên tử nầy, Kanâda trạng tả vạn vật rất tỉ mỉ. Mục đích của khoa triết học của Ngài là đạt tới chỗ tận thiện tận mỹ và sự giải thoát tuyệt đối của linh hồn, nhờ sự hiểu biết chắc chắn về thế giới hữu hình nầy. Khoa triết học nầy tuy là duy vật nhưng nó đi tới mục đích tinh thần. Nó làm cho linh hồn tiến hóa, đại để là nhờ sự học hỏi vật chất nhứt là sự hiểu biết cái xác thân nầy.

Trường Chánh Lý Nyâya

Giáo chủ là Rishi Gautama.

Nyâya nghĩa là Luận Lý học.

Nó có thể xem như là khoa học của lý trí, bởi vậy nó quan hệ nhứt là tới cái trí của con người, Gautama công nhận giáo lý nguyên tử của Kanâda, nhưng mục đích cốt yếu của hệ thống Ngài là lập những phương pháp lý luận đúng đắn nhờ phép Tam đoạn luận (syllogisme) hoàn bị gồm có :

a) Đại tiền đề (La majeur).

b) Tiểu tiền đề hay là Hậu đề (La mineur) và

c) Đoán án (La conclusion).

Thí dụ : Đại tiền đề : Tất cả con người đều chết,

Tiểu tiền đề : Anh là con người.

Đoán án : Thì anh sẽ chết.

Đó là đường đi đến sự đoạt được chơn lý. Sau khi giải bày phương pháp luận lý học rồi, Nyâya kết luận rằng : Con người giải thoát là nhờ sự suy luận chính chắn và ngay thẳng, con người lìa khỏi sự hiểu biết sai lầm, mập mờ. Thâu thập được chơn lý toàn vẹn rồi, con người trở xuống trần vô ích, con người đã thoát kiếp Luân hồi.


Trường Di Man Tác Mimâmsa

Giáo chủ Rishi Jaimini.

Hệ thống nầy xem xét khoa học Nhân quả và xác định coi mỗi việc làm có sự phản động trong thế giới vô hình và hữu hình như thế nào và sanh ra nơi đó những hiệu quả chắc chắn làm sao.

Đức Jaimini cũng giải nghĩa tại sao những nghi lễ tôn giáo có ảnh hưởng đến nhân quả con người.

La Mimâmsa cũng gọi là triết học của Luân lý và Việc làm, nghĩa là triết học của sự Hành động và Bổn phận. Sau khi giải thích luật Nhân quả và Đạt Ma, nó trạng tả bản tánh thật của Bổn phận và những Việc phải làm mỗi ngày. Nó có quan hệ nhứt là tới cái Vía, nó giúp cho thể nầy tiến hóa. Nhờ làm những việc bác ái càng ngày càng nhiều chung cuộc con người không bị bắt buộc đi đầu thai nữa, giờ giải thoát đã đến.

Người học đạo để ý đến cách dạy dỗ của ba trường nầy thì thấy :

Trường Thắng Luận Vaysheshika dạy con người học rành rẽ về xác thịt.

Trường Chánh Lý Nyâya dạy con người luyện cái Trí cho linh hoạt.

Trường Di Man Tác Mimâmsa dạy con người mở mang cái Vía cho nó trở nên tinh khiết.

Phái Tinh Thần

Trường Số Luận Sânkhya

Giáo chủ là Rishi Kapila

Sânkhya chú trọng đến Chơn nhơn. Chơn nhơn là tinh thần trong con người. Trường nầy dạy rằng Chơn nhơn ngồi xem vật chất Prakriti tiến hóa vì vật chất chứa sẳn tinh lực trong mình. Chơn nhơn tuy ngồi xem vật chất tiến hóa mà nó cũng tiến hóa và tăng trưởng mãi mãi. Sự tiến hóa của Chơn nhơn vẫn tự nhiên và dễ dàng từ kiếp nầy qua kiếp kia không cần sự cố gắng cho tới khi nào nó chấm dứt. Tới lúc đó Chơn nhơn trở nên trọn lành, nó tách ra khỏi vật chất cũng như trái chín muồi lìa cây. Sự tiến hóa của Chơn nhơn chấn dứt thì không còn Luân hồi nữa.

Trường Du Già Yoga

Giáo chủ là Patanjali.

Patanjali công nhận thuyết của Sânkhya là đúng, nhưng Ngài cho rằng muốn Chơn nhơn lìa khỏi vật chất thì phải có sự cố gắng.

Sự cố gắng đó thế nào ? Phải cố gắng thống trị cái Trí bằng cách Định trí, Tham thiền, Nhập định và vài phương pháp luyện tập đặng mở và dùng những quan tinh vi khác hơn ngũ quan.

Với phương pháp đó, người ta đi tới chỗ Đại định (Samâdhi) lúc nầy Chơn nhơn lìa vật chất trong chốc lát đặng hiệp nhứt với Thượng Đế (Yoga : Union à Dieu). Sự hiệp nhứt nầy sẽ vĩnh viễn sau khi con người bỏ xác và chấm dứt sự tiến hóa của Chơn nhơn ở cõi Trần.

Trường Phệ Đàn Đà Védanta

Giáo chủ là Rishi Vyâsa.

Védanta chỉ thích hợp với những người tiến hóa đã cao. Trường nầy nói với con người như vầy : Sự hiểu biết cùng tột, ngươi hãy tìm trong mình ngươi, ngươi sẽ gặp, ngươi đừng tìm kiếm ở ngoài ngươi. Nếu ngươi muốn biết Đức Thượng Đế thì “Ngươi hãy tự biết ngươi trước đã” bởi vì Chơn nhơn và Đức Thượng Đế vẫn là một. Sự phân tách một giọt nước biển đủ làm cho ta biết biển cả làm bằng chất chi hợp lại, Chơn nhơn đối với Đức Thượng Đế cũng thế. Nếu ngươi muốn tự biết ngươi thì phải lìa khỏi vật chất và thắng phục nó.

Muốn thành công, con người phải nhờ phương pháp Yoga (Dô Ga).

Dô Ga nầy khác với Yoga của Patanjali dầu rằng nó trùng tên.

Yoga hay là sự hiệp nhứt với Đức Thượng Đế chia ra làm 5 nhánh :

Hatha Yoga (theo con đường luyện hô hấp)

Bhakti Yoga (theo con đường tín ngưỡng)

Karma Yoga (theo con đường hành động)

Jnana Yoga (theo con đường trí tuệ)

Râja Yoga (Chúa tể các Yoga)

Học hết sáu hệ thống nầy rồi suy nghĩ, chúng ta phải công nhận sáu vị giáo chủ toàn là những bực Đại giác ngộ. Mấy ngàn năm trước người ta đã biết vạn vật do những nguyên tử cấu thành; thật là đáng cho người đời nay bái phục.

Tại sao sáu vị giáo chủ nầy không dám tự xưng là Phật ? Nếu mấy vị khoe mình là Phật, thì người đời cũng không có phương pháp nào kiểm soát được đặng, biết mấy Ngài là Phật thật hay Phật giả. Tại sao người ta cứ nói đến ba Đức Phật nầy :

Phật Đỉnh Quang – Dipankara

Phật Ca Diếp – Kasyapa

Phật Thích Ca.

Bởi vì Phật không có nghĩa Giác mà thôi, mà có một nghĩa nữa, nghĩa chánh là Một ngôi vị ở Thiên đình trong Quần Tiên Hội. Phải ở trong Quần Tiên Hội mới biết ông nào là Phật, ông nào là Chơn Tiên, ông nào là La Hán.

Sáu vị giáo chủ nầy đều biết ngôi thứ trên Thiên đình và mình ở vào địa vị nào nên không bao giờ dám tự xưng là Phật cả.

Trong sáu hệ thống, có hai hệ thống Yoga và Védanta dạy cách hiệp nhứt với Đức Thượng Đế, cũng giống như lời của Hermès dạy bảo Tat và câu của Phật trả lời cho Vasichtha.

Tất cả sáu hệ thống nầy đều thuộc về Huyền bí học. Thế nên tôi tưởng phải nói vài lời về Huyền bí học trước khi bàn đến những di tích Hình nhi thượng học trong Phật giáo. Không vậy e cho những đoạn sau nầy sẽ làm cho nhiều bạn thắc mắc.