QUAN NIỆM TRIẾT HỌC CỦA PHẬT GIÁO.

Còn một điều tưởng phải nói là : chúng ta đừng quên rằng Phật giáo phát sanh ở Thiên Trước thì những quan niệm của nó về Triết học và Xã hội học vốn thuần túy và hoàn toàn Thiên Trước chớ không có chịu ảnh hưởng ngoại lai. Những quan niệm triết học của Phật giáo người ta vẫn thấy ở trong kinh Upanishads [14] , những kinh sách dạy ở các trường Nyâya, Védânta và nhứt là Sankhya của Kapila (xin xem đoạn Sáu phái triết học của Ấn Độ).

Phần nhiều những giới cấm, những lời khuyên răn vẫn giống những lời dạy trong cuốn Luật của Đức Bàn Cổ (Lois de Manou). Một lẽ khác, ba đức tánh trọng yếu của người Bà la môn là :

Tư tưởng trong sạch,

Lời nói trong sạch,

Việc làm trong sạch.

Ba sợi dây mà người Bà la môn nịt luôn trong mình tượng trưng ba đức tánh đó để trong Đạo Bát Chánh, sau Chánh kiến, tức là :

Chánh Tư duy,

Chánh Ngữ,

Chánh Nghiệp.

Trong cuốn Pháp Cú (Dammapada), chương chót, chương XXVI “Người Bà la môn” nói toàn là đức tánh của người “thật là Bà la môn”. Ngoài ta còn vài câu khác cũng nói về người Bà la môn như câu thứ 294 – 295 – 332.

Chúng ta phải tự hỏi tại sao trong kinh sách Phật lại có nói về người Bà la môn nhiều quá vậy. Vì lý do nào ? Phải có chớ. Nhưng ngày nay ít ai đoán trúng được.

ĐẶC SẮC CỦA PHẬT GIÁO.

Trong cuốn Phật pháp (Le Dharma du Bouddha) xuất bản năm 1947, tác giả là ông Jagdish Katvapa (Ca Diếp) nơi chương V. trương 64, có đoạn nói về “Đặc sắc của Phật giáo”, tôi xin trích ra đây cho quí bạn xem.

ĐẶC SẮC CỦA PHẬT GIÁO.

1.- Đối với các hàng Phật tử thì ba tạng kinh không nên xem như chiếm được một địa vị quan trọng in như Thánh kinh Bíp (Bible - Cựu Ước và Tân Ước) đối với tín đồ Cơ Đốc giáo hay là cuốn Cơ răn (Coran) đối với tín đồ Hồi giáo, hay là những cuốn Phệ Đà đối với dân chúng Ấn.

2.- Vị Phật tử không hề nô lệ ba tạng kinh. Y không nhắm mắt tin chúng một cách mù quáng như là Chơn lý tuyệt đối do một Đấng Thần minh tiết lộ hay chúng là mục phiêu của sự tín ngưỡng.

3.- Đức Phật không đòi hỏi đức tin của một ai, dù y không hiểu giáo lý của Ngài ra sao ?

KALAMA SUTTA (Kinh Kalama).

4.- Có một lần những người Kalama tới tìm Phật và nói “Bạch Phật ! mấy vị Bà la môn và những vị lãnh đạo nhiều phái khác tới viếng chúng tôi và thuyết đạo, ai ai cũng nói giáo lý của mình đều đúng với Chơn lý. Chúng tôi lấy làm bối rối, không biết phải tin cái nào và phủ nhận cái nào.

5.- Để trả lời câu hỏi nầy, Đức Phật không nói : mấy anh hãy tin tôi. Tôi là con của Trời. Tôi sẽ dắt mấy anh lên cõi Thiên đường. Ngài cũng không bài xích giáo lý của mấy đạo khác, Ngài không cho nó là tà thuyết dị đoan và phạm thượng.

6.- Lời khuyên của Ngài rất nhơn đạo và rất khôn khéo. Ngài nói : “Mấy anh đừng tin điều nào chỉ vì tại mấy anh nghe người ta lập lại; đừng tin một điều nào đó bởi vì nó là một truyền thống xưa và đã trải qua từ thời đại nầy tới thời đại khác; đừng tin những tiếng phong vân, những tin đồn đãi bởi vì tại người ta đã nói đến mấy việc đó rất nhiều; đừng tin một điều nào bởi vì tại người ta chỉ cho mấy anh coi một bài của một vị hiền triết thuở xưa viết ra để chứng minh điều đó; đừng tin một điều nào bởi vì tại có sự suy định tán thành lý luận đó, hay là có một phong tục lâu đời làm cho anh có ý tin rằng điều đó đúng với sự thật; đừng tin điều nào chỉ vì tại uy tín Thầy của mấy anh hay là của mấy vị mục sư. Nhưng sau khi kinh nghiệm riêng và suy xét sâu xa rồi thì điều chi hạp với lý trí của mấy anh, đem lại hạnh phúc cho mấy anh và luôn cho các sanh linh khác, thì mấy anh hãy công nhận điều đó là Chơn lý và hãy sống với nó”.

7.- Người ta có thể khảo cứu giáo lý của Đức Phật và xem xét nó một cách bình tĩnh với trí sáng suốt rồi công nhận nó nếu nó ứng đáp với sự kêu gọi của nội tâm, hoặc phủ nhận nó nếu người ta không hiểu nó.

Phật giáo không bắt ai phải nhắm mắt tin càn nó, bởi vì một đức tin mù quáng luôn luôn là một chướng ngại cản trở sự tiến bộ trên đường đời.

Tinh thần Phật giáo vẫn hoàn toàn hợp lý.

---------

Chí lý thay những lời trên đây ! Nhưng nó được mấy người tuân theo.

Trước nhứt ta nên hiểu, Đức Phật không để một chữ nào cả và lối 300 năm sau khi Phật nhập Niết Bàn, ba tạng kinh mới viết ra thành sách sau cuộc Hội nghị Phật giáo lần thứ ba. Thế thì ai dám nói không có sự sửa đổi trong bản chánh và hơn nữa người mới học đạo không bao giờ có một tiêu chuẩn để nhận thức được lời nầy vốn thiệt của Phật nói, còn lời khác thì không phải. Vì vậy đụng đâu tin đó.

Đoạn kinh trên đây rất hữu ích cho các hàng Phật tử đi tìm chơn lý. Nó thuộc về chánh kiến tức là phải mở trí phân biệt cái nào chơn, cái nào giả, cái nào tạm thời, cái nào vĩnh viễn trường tồn.

Nó không hề bảo : Không nên xem kinh kệ. Chẳng phải như thế đâu. Đọc kinh nào thì phải tìm hiểu kinh đó muốn dạy con người làm cái chi, rồi suy nghĩ nếu đem áp dụng vào đời sống hằng ngày thì có hiệu quả nào. Sự thật là không có một cuốn kinh sách công truyền nào diễn tả được phân nửa tư tưởng của tác giả. Tác giả có những ý kiến tốt đẹp mà chừng đem viết ra thì thấy không bao giờ được hay như lúc mình đã suy nghĩ. Ấy tại cái óc chúng ta chưa được mảnh mai, chưa ứng đáp được với nhiều làn rung động mau lẹ của những tư tưởng cao siêu.

Thật sự, chơn lý ở khắp mọi nơi, trên trời, dưới đất, trong gió mây, sương tuyết, sông biển, núi non; trong mình con người, thú vật, thảo mộc, kim thạch đều có chơn lý.

Cảnh vật thiên nhiên là một cuốn sách lớn chứa đầy chơn lý. Nếu học được phương pháp đọc và hiểu rõ cuốn sách nầy thì còn hay hơn là đọc kinh kệ cả trăm bận.

Nhưng tất cả những điều bí mật của sự sanh hóa Thái dương hệ thâu gọn trong mình con người bởi vì con người là Tiểu Thiên Địa. Trong con người có :

Tiểu Thượng Đế là Chơn thần . . . và tất cả những chất khí đã lập ra những cõi Trời. Học hỏi ở ngoài thì lâu lắc, nhọc nhằn mà cái kết quả của ta mong muốn lại thường không được tốt đẹp lắm. Con người phải học hỏi thân mình mới mau lẹ và dễ dàng.

Vì mấy lẽ trên đây nên thuở xưa mới có câu châm ngôn : “Ngươi hãy biết ngươi [15] rồi ngươi sẽ biết Vũ trụ và các vị Thượng Đế”.

Một mặt khác chúng ta cũng nên hiểu kinh sách đạo đức công truyền cũng như những tấm bảng để chỉ đường ngay nẻo thẳng cho ta đi đặng tránh những cạm bẫy và hầm hố chông gai.

Nếu mỗi ngày ta cứ xem mấy tấm bảng ấy và đọc những hàng chữ ghi trên đó rồi ta đứng một chỗ dậm cẳng mãi mà không cất bước ra đi thì đừng nói vài chục năm, mà ba chục ngàn năm nữa ta cũng chưa đi đến mục tiêu mà ta đã định. Thật đúng với câu : “Người được kêu gọi thì nhiều, mà người được chọn lựa thì ít” (Beaucoup d’appelé, peu d’élus).

Ông Jagdish Kasyapa nói rất đúng. Nếu người Phật tử không nô lệ ba tạng kinh thì chẳng bao giờ nhắm mắt tin càn những kinh sách khác ngoài ba tạng. Thật vậy, tất cả những kinh sách không phải toàn là do những vị đắc đạo viết ra. Ngày nay ta thấy có nhiều cuốn sách đề Phật dạy cái nầy, Phật dạy cái kia. Tổ nầy bàn như thế nầy, Tổ kia bàn như thế kia. Người đời sau sanh đồng thời với chúng ta làm sao biết được chỗ nào hư, chỗ nào thật mà tin, bởi vì không phải mỗi người mới học đạo mở được Trực giác nên không lầm. E cho không phải Phật nói hay là Chư Tổ nói mà chính là tác giả nói, và như thế họ phạm hai tội : Vọng ngữ và Vu cáo Phật và Chư Tổ một cách trắng trợn.

Thầy Mạnh có nói : “Tận tín thư bất như vô thư”.

Đức Lục Tổ Huệ Năng há chẳng bảo :

Lòng mê Pháp Hoa chuyển

Lòng ngộ chuyển Pháp Hoa

Châm ngôn đạo đức Tây phương có nói :

Văn tự giết chết mà Tinh thần dưỡng sanh.

(La lettre tue mais l’Esprit vivifie)

Ông Vivekananda – Ngài tên thật là Narendranath Dutt, Ngài lấy tên là Vivekananda lúc Ngài đi qua Mỹ châu năm 1893. Ngài bỏ xác lúc 39 tuổi – đệ tử của đức Ramakrishna, cũng có nói : “Hãy đọc những cuốn Phệ Đà, nhưng khi anh hiểu chúng nó rồi thì hãy dẹp chúng nó qua một bên và hãy tự kinh nghiệm riêng lấy mình”.

Tất cả những người biết Đạo và hành Đạo vẫn đồng một quan điểm với nhau.

Phật giáo muốn cho các tín đồ khỏi mắc cái họa mê tín dị đoan , tức là phải tự giác và mở rộng lòng khoan dung, cho nên mới căn dặn : “Điều nào mà các hàng Phật tử sau khi đã kinh nghiệm và suy xét sâu xa thấy nó đem hạnh phúc cho mình và cho những kẻ khác thì hãy công nhận nó là chơn lý và sống với nó”.

Chắc chắn là sau khi đem áp dụng những lời dạy trong đoạn kinh Kalama Sutta vào đời sống đạo đức của mình thì các hàng Phật tử tiến rất mau.

PHẬT ĂN CHAY HAY ĂN MẶN ?

Còn một vấn đề phải giải quyết là : Phật ăn chay hay ăn mặn ? Nêu câu hỏi nầy ra thì sẽ có nhiều bạn đưa ra hai lý lẽ sau đây :

Một là : Khi đi bát, người ta cho cái chi thì mình dùng cái nấy, đừng phụ lòng người. Miễn là mình đừng sát sanh thì thôi.

Hai là : Bằng chứng cụ thể là Phật ăn thịt heo của anh thợ rèn Cung Đa (Counda) đãi nên bỏ mình. Nói trắng ra là Phật ăn mặn.

Nhưng sự thật là hai lý lẽ nầy không có cái nào đứng vững cả.

Tôi xin trưng những bằng cớ sau đây :



I

Trong quyển thứ nhì của bộ sách Đời sống của Đức Phật theo kinh Trung Hoa, tác giả là ông cố đạo Léon Wieger nơi trương 170 có bài nầy :

ĐỘ BỔ LẠP NHƠN

Pháp Cú kinh vân : La duyệt chi quốc (Rajagriha) hữu sơn. Sơn hạ nhơn sinh trưởng sơn lâm, sát lạp vi nghiệp. Phật chỉ kỳ sở, tọa ư thọ hạ. Phật phóng quang minh chiếu diệu sơn trung mộc thạch, giai kim sắc. Sơn trung nam tử câu xuất hành lạp; duy hữu phụ nữ kiến Phật quang minh, lai chỉ Phật sở, tất giai lễ bái. Phật tức vi chư mẫu nhơn thuyết sát sinh chi tội, hành từ bi chi phước. Ân ái nhứt thời hội hữu biệt ly. Chư mẫu nhơn bạch Phật ngôn; sơn nhơn vụ lạp dĩ nhục vi thực. Dục thuyết vi cung nguyện đương nạp thọ.

Phật ngôn : “Chư Phật, chư pháp, bất dĩ nhục thực, bất tu phục biện. Nhân cáo chi viết: Phù nhơn sinh thế, sở thực vô số, hà dĩ bất tác hữu ích chi thực, nhi tàn hại quần sinh dĩ tự tễ hoạt tử đọa ác đạo, tổn nhi vô ích. Nhơn thực ngũ cốc tăng diên thọ mạng, sát sinh thực nhục đa bịnh yểu vong. Sát bỉ hoạt kỷ tội nghiệp vô lượng. Từ nhân bất sát sở thích vô hoạn.

Nam tử lạp hoàn, kiến chư phụ nữ giai tọa Phật tiền, sân khuê loan cung dục đồ hại Phật. Chư phụ gián viết : Thử thi Thánh nhơn, vật hưng ác ý, tức các hối quá, vi Phật tác lễ. Phật trùng vi thuyết bất sát chi phước, tàn hại chi tội. Nhơn giai bất sát hành đại nhân từ, đương mẫn chúng sinh bác ái tế chúng, phước thường tùy thân, tại sở đắc lợi, tử thăng Phạn thiên. Lạp nhơn văn dĩ, hoan hỉ tín thọ, giai thọ ngũ giới.
(Trích ở quyển Les vies chinoises du Boudha par Léon Wieger trang 170 tome II.)

PHẬT ĐỘ THỢ

Kinh Pháp Cú nói : “Ở nước La duyệt Chi (Rajagraha) có nhiều núi non. Người sanh trưởng ở chơn núi đểu chỉ chuyên nghề săn bắn.

Phật đến nước đó, ngồi dưới gốc cây đại thọ. Hào quang Phật phóng ra một màu vàng chói chiếu khắp rừng núi, cây đá. Đàn ông ở đây đều vào non săn bắn, chỉ có đàn bà con gái ở nhà. Những người nầy thấy hào quang sáng chiếu của Phật, mới tìm đến nơi ngồi, đồng làm lễ bái Phật. Phật nhơn đó giải cho các phụ nữ ấy nghe rằng : “Hễ giết hại sanh vật thì mắc tội, còn làm lành thì được hưởng phước và sự ân ái cũng chỉ một thời, chung cuộc rồi cũng phải biệt ly nhau v. v. . .” . Các phụ nữ ấy nghe xong bạch với Phật rằng : “Dân ở núi đây chỉ chuyên nghề săn bắn nuôi sống nên phải sát sanh”.

Phật nói : “Các vị Phật xưa đều dạy không nên dùng thịt, nên ta không còn khuyên gì khác nữa”. Phật lại giảng : “Người sanh trên thế, vật nuôi sống vô số, tại sao không ăn những vật bổ ích cho mình mà phải sát sanh hại vật để nuôi sống, rồi khi chết phải bị đọa vào ác đạo. Con người nên ăn ngũ cốc để mạnh khỏe, lại sống lâu. Giết thú vật lấy thịt ăn phải mang nhiều bịnh lại còn chết yểu. Sát sanh mang tội không lường, còn có lòng nhân không thích sát sanh thì được hưởng phước lành vậy”. Lúc đó các thợ săn đều về đến, thấy đám phụ nữ đang ngồi trước mặt Phật, liền nổi giận, giương cung chực bắn Phật. Song các vợ con họ đều ngăn lại và bảo rằng : “Đây là bực Thánh nhơn, đừng nóng lòng ác đối với Ngài. Tất cả thợ săn nghe vậy đều đến xin lỗi Phật và đảnh lễ Ngài. Phật mới giảng lại những điều Phật đã giảng cho các phụ nữ khi nảy cho các thợ săn nghe rằng sự không sát hại sanh linh là phước, mà sát sanh là tội. Người không còn sát sanh tức là lập hạnh đại từ bi, biết lân mẫn rộng thương giúp đỡ chúng sanh nên phước liền theo thân, rất là lợi ích, lúc thác được về cõi Trời Phạm Thiên. Các thợ săn nghe Phật thuyết xong đều hoan hỉ tuân theo, đồng thọ ngũ giới.

(Tạm dịch theo “Độ bổ lạp nhơn” trong quyển Les vies chinoises du Boudha của éon Wieger trang 170 - cuốn thứ II.)

Bài nầy chứa đựng ba ý nghĩa sâu xa.

Một là : Các vị cổ Phật đều dạy con người không nên dùng thịt, cho nên Đức Thích Ca không còn khuyên gì khác hơn nữa.

Hai là : Ăn ngũ cốc, thân thể khỏe mạnh lại sống lâu.

Ba là : Giết thú vật lấy thịt ăn, phải mang nhiều bịnh, thác yểu lại còn mắc tội.

Nó chứng chắc Đức Thích Ca không bao giờ ăn mặn. Nếu Ngài dùng thịt thì không phải là Phật nữa vì Ngài làm trái với những vị Phật đời trước. Ngài khuyên người ta không nên dùng thịt khi Ngài còn ăn thịt thì những lời dạy dỗ của Ngài không có giá trị chi cả. Lời nói và việc làm của Ngài không đi đôi với nhau. Như vậy còn ai tin Ngài nữa, còn ai nghe Ngài nữa. Ngài không làm gương cho người ta bắt chước theo và chẳng khác nào những kẻ đã bảo : “Anh hãy làm theo những lời của tôi nói mà đừng làm những điều tôi đương làm đây”.

Bài nầy rành rẽ lắm, không có chi gọi là mờ ám : “Người tu hành không nên dùng thịt”.



II

Chuyện thứ Nhì

Bà Ambapâli (cũng có một tên nữa là Amra) thỉnh Phật và các đệ tử của Ngài về nhà dùng bữa. Bà dọn ra cơm trộn mật và bánh ngọt mà đãi.

Nguyên văn chữ Pháp

Alors Ambapâli, la courtisane, plaçe le riz sucré et les gâteaux,, devant les moines, le Bouddha étant à leur tête les servit jusqu’à ce qu’ils refusassent de manger davantage.

(Avangile du Bouddha par Carus page 268).

-------------

Bà Ambapâli giàu sang tột bực, bà dư sức mua 100 ngàn con heo làm thịt dâng đãi Phật và các đệ tử. Nhưng tại sao mà bà không dọn đồ mặn. Vì lẽ bà biết Phật và các đệ tử trường chay. Thử hỏi, người ta biết mình tu hành ăn chay thì lúc mình đi bát, người ta có dám đem thịt cá dâng cho mình ăn không ? Bởi tại mình không kiêng cữ thịt nên người ta mới đem mấy thứ món đó độ mình.

40 năm nay, đọc nhiều sách Phật chữ Pháp, tôi chỉ thấy người ta dâng cho Phật sữa, cơm trộn mật và bánh ngọt mà thôi. Tôi chưa gặp đoạn nào nói Phật dùng thịt cả.

Người thường còn ở trong vòng trần tục hay là người học đạo mà chưa hành đạo thì được quyền tự do, muốn ăn uống cách nào cũng được. Trái lại, một người tu trì, một người đã được vào hàng đệ tử rồi thì phải trường chay. Đó là luật đạo, đúng theo cơ trời, bên chánh đạo không ai dám cãi. Không một nhà Huyền bí học nào tin rằng : “Phật ăn mặn cả”.