PHẦN THỨ NHỨT


TRONG ĐỜI SỐNG CỦA ĐỨC PHẬT.

CHƯƠNG THỨ NHỨT

CÔNG NHẬN THẦN QUYỀN

Trong lịch sử Phật giáo có thiếu chi việc chứng tỏ Phật giáo mặc nhiên công nhận Thần quyền, tôi xin kể 7 chuyện thôi.

1.- Chuyện Thứ Nhứt

THIÊN THẦN MỞ CỬA.

Sách Phật nói rằng : lúc Thái tử trốn đi, nhờ Thiên thần làm cho các cửa thành tự nhiên mở ra và quân canh ngã lăn ra ngủ mê man không nghe có vó ngựa Kantaka sải đi.

(La Lumière de l’Asie – Ánh Sáng Á Châu trương 125 – 116)

2.- Chuyện Thứ Nhì

ĐẤT RUNG CHUYỂN.

Sau khi Đức Bồ Tát đắc quả Phật thì đất rung chuyển 12 lần. Quả Địa cầu giống một cái bông. (Đời sống của Đức Phật theo kinh sách cổ Ấn Độ trương 91)

(La vie du Bouddha d’après les textes de l’Inde ancienne par Hérold page 91).

Về việc đất rung chuyển, sách Phật có ghi hai lần nữa.

Một lần là lúc Phật nói với Ma Vương : “Ma Vương ơi ! từ đây tới ba tháng nữa, ta sẽ nhập Niết Bàn”. Phật vừa dứt lời thì đất rung chuyển và sấm sét vang rền.

Khi Phật nhập Niết Bàn tại Kusinara, đất cũng rung chuyển và sấm sét vang rền một lần nữa, ấy là lần chót.

3. - Chuyện Thứ Ba.

MƯA HOA.

Trong kinh sách Phật có thuật nhiều chuyện Mưa Hoa. Tôi xin kể vài vụ mà thôi.

a/ Lúc Đức Phật trở về Ka bi la hoát tu (Kapilavastu) Ngài ở trong một cái vườn xoài. Khi Ngài vừa bước lên ngồi trên ngai của người ta làm sẵn cho Ngài thì một trận mưa hoa rơi xuống; người ta thấy toàn là bông hường.

Vua Tịnh Phạn và Hoàng Thân Quốc Thích rất kinh ngạc và kính phục vô cùng.

(Đời sống của Đức Phật do theo kinh sách cổ Ấn Độ trang 144).

b/ Lúc Phật gần bỏ xác đặng nhập Niết Bàn thì cũng có một trận mưa hoa rơi xuống và trên không có tiếng tiêu thiều nhạc trổi để tiển đưa Đấng Trọn Lành từ giả cõi trần.

(Le Bouddha, sa vie, sa doctrine, sa communauté par Oldenberg page 223)

c/ Ông Sư Nghiêm đời Đường ngồi tụng kinh tại chùa Vân Hoa thì có một trận mưa hoa rớt xuống. Vì thế trong cuốn “Quan Âm Thị Kính” có mấy câu nầy :

311 - Cửa thiền sẽ lén chân coi,

Trông lên Sư Cụ vừa ngồi tụng kinh.

313 – Mưa hoa rải khắp bên mình,

Nhấp nhô đá cũng xếp quanh gật đầu.

315 - Mới hay đạo Phật rất mầu,

Nghĩ đây cũng dễ đổi sầu làm vui.

Câu chuyện Mưa Hoa, Vụ Hoa và chuyện học trò Sư La Thập giảng kinh Niết Bàn tại núi Hổ Khưu và khi ông hỏi mấy hòn đá ở chung quanh nghe lời ông nói có hạp với lòng Phật hay không thì mấy hòn đá gật đầu. Có thật hay không ? Dám chắc đời nay không ai hiểu rõ điều ấy. Nhưng bây giờ đây, trong cuốn Chơn Sư và Đường Đạo, chương thứ 14, Đức Leadbeater có nói về Đức Phật và hai cuộc lễ : lễ Huê Sắc tức là ngày Vía của Đức Phật và lễ A Sa La là lễ kỷ niệm ngày Phật Chuyển Pháp Luân.

Đức Leadbeater thuật lại rằng : lúc Phật hiện ra và giơ tay ban ân huệ tức thì một trận mưa hoa rơi xuống giữa đám đông quần chúng. ( . . . en même temps qu’il élève la main droite en l’attitude de bénédiction, tandis qu’une grande pluie de fleurs tombe sur le peuple).

(Xin xem cuốn Chơn Sư và Đường Đạo trương 288)

(Les Maîtres et le Sentier page 288, Edition 1926)

Nhưng tin hay không, quyền đó là ở nơi quí bạn.



4. - Chuyện Thứ Tư

THIÊN ĐẾ INDRA CHỨNG LỜI NGUYỆN VÀ BAN ÂN HUỆ

CHO THÁI TỬ VICVANTARA.

Đức Phật mới thuật cho vua Tịnh Phạn và Hoàng Thân Quốc Thích dòng Thích Ca nghe câu chuyện nầy :

“Trong một kiếp trước, tôi đã thấy gia quyến tôi tụ họp chung quanh tôi và ca tụng tôi.

Thuở ấy có một vị Vương đế ngự trị tại thành Jayatoura tên là Sânjaya.

Vợ là Hoàng hậu Phousati và con là Thái tử Vicvantara. Vicvantara cưới Công chúa Madri và sanh được hai đứa con : một trai đặt tên Jâlin, một gái đặt tên là Krishnajâna.

Thái tử có nuôi một con Bạch Tượng có tài kêu mưa hú gió giờ nào cũng được.

Ngày kia xứ Kalinga bị hạn hán. Người và vật chết đói và chết khát rất nhiều. Vua xứ Kalinga nghe đồn tài phép của Bạch Tượng bèn sai một đoàn sứ giả qua yết kiến Thái tử và xin Bạch Tượng đem về Kalinga. Khi nghe đoàn sứ giả phân trần tự sự, Thái tử bèn nói : “Sao mấy vị không xin cặp mắt tôi, da thịt tôi”.

Nói rồi Thái tử sai người dẫn Bạch Tượng ra cho đoàn sứ giả. Hay tin nầy dân chúng thành Jâyatoura đâm ra hoảng hốt. Họ sợ bị trời hạn thì họ sẽ chết đói. Họ bèn kéo nhau vào triều phản đối và xin vua xử tử Thái tử. Vua an ủi họ, hứa hẹn với họ đủ điều, hồi lâu họ mới dịu giọng và xin đày Thái tử ra chốn sa mạc xa xăm. Vua phải nghe theo.

Thái tử bèn dẫn vợ con lên xe ngựa chở đồ đạc ra đi. Dọc đường Thái tử gặp ba thầy Bà la môn xin Ngài bố thí. Thái tử cho người thứ nhứt cặp ngựa, người thứ nhì cái xe, còn người thứ ba cây kiềng vàng của Công chúa.

Vợ chồng con cái Thái tử phải đi bộ vô cùng khổ sở.

Trên trời, Thiên Đế Anh Tra (Indra) thấy rõ mọi việc. Ngài bèn hóa ra thành trì rộng lớn, lầu đài tráng lệ, vườn tược sum sê rồi Ngài biến thành một ông già cỡi một con ngựa ra đón rước Thái tử và vợ con về cung điện của Ngài ở. Vợ chồng Thái tử ngồi trên ngai vàng. Yến tiệc dọn ra đầy cao lương mỹ vị. Ông già mới nói : “Thái tử hãy ở đây trọn đời với tôi”. Ăn uống xong xuôi, Thái tử ngồi suy nghĩ rồi bổng chốc đứng dậy nói : “Thưa Cụ ! Tôi đã cãi lịnh vua cha. Tôi bị đày ra sa mạc, tôi không có quyền ở đây hưởng hạnh phúc. Tôi xin từ giả cụ”.

Ông già hết lòng cầm lại nhưng không được.

Ra khỏi cửa thành vài bước, Thái tử dòm lại thì thành trì biến đi đâu mất, chung quanh toàn là cát trắng nóng nực. Thái tử và vợ con đi tới một cái núi, chung quanh rừng rú bao bọc gặp một cái chòi bỏ hoang, vợ chồng mới vô đó ở. Vợ chồng con cái ăn trái rừng, uống nước suối. Bảy tháng trôi qua, không một bóng người lai vãng. Bữa kia, một thầy Bà la môn đi ngang qua chòi thấy hai đứa nhỏ đang chơi giỡn trước sân; thầy bèn ngắm nghía chúng nó rồi mới nói với Thái tử : “Vợ tôi làm việc mệt nhọc quá, nó muốn có kẻ đỡ tay chân. Vậy ông cho tôi hai đứa con ông đi”. Thái tử nghe qua sửng sốt, hồi lâu mới trả lời :” Được, ông hãy dẫn chúng nó đi”. Lúc đó Công chúa đang hái trái trong rừng, thình lình trong lòng hồi hộp, như linh tính báo cho nàng biết có việc chẳng lành xảy ra, nàng bương bả chạy về. Nhưng đã trễ. Thầy Bà la môn dẫn hai đứa nhỏ đi mất rồi. Công chúa khóc than thảm thiết. Bổng đâu có một người Bà la môn khác bước đến. Ông đã già và đi đứng mệt nhọc. Ông dòm Công chúa rồi nói với Thái tử : “Ông hãy coi, tôi già quá mà lại bị bịnh tê. Tôi đi đứng khó khăn. Tôi không có người giúp đỡ. Vậy ông hãy cho tôi cô nầy. Cô sẽ săn sóc tôi. Ông làm một việc phước đức rất lớn, cả hoàn cầu sẽ ca tụng ông”. Thái tử nghe qua ngồi suy nghĩ rồi nói với Công chúa : “Em có nghe ông già nói hay không ? Tôi phải trả lời làm sao đây ?” Công chúa bèn đáp : “Anh đã cho hai đứa con yêu quí của chúng ta rồi, anh hãy ừ đi, em không phàn nàn đâu”. Thái tử bèn cầm tay Công chúa đặt vào tay ông già. Ông già cám ơn Thái tử rồi nói : “VINH DIỆU THAY THÁI TỬ VICVANTARA ! CẦU NGUYỆN XIN NGƯỜI SỚM ĐƯỢC THÀNH PHẬT”. Ông bước đi vài bước rồi trở lại nói : “Tôi còn phải qua xứ khác kiếm một con hầu nữa. Tôi để nàng nầy lại cho ông và từ đây ai xin nàng ông cũng đừng cho”. Nói rồi ông già biến hình thành một người rất xinh đẹp, mặt chiếu hào quang sáng rỡ. Thái tử và Công chúa nhìn ra là Thiên Đế (Indra) bèn cúi đầu làm lễ. Thiên Đế nói : “Thái tử và Công chúa mỗi người xin ta một ân huệ, ta sẽ ban cho”. Thái tử bèn nói : “Cầu xin một ngày kia tôi được thành Phật và giải thoát chúng sanh ở miền rừng núi”. Thiên Đế bèn đáp : “Thái tử sẽ được toại nguyện”.

Tới phiên Công chúa : “Cầu xin thầy Bà la môn đã dẫn hai đứa con tôi đi đừng để chúng nó trong nhà mà đem bán chúng nó tại thành Jayatoura và người mua chúng nó là đức Vua Sanjaya”.

Thiên Đế bèn đáp : “Công chúa sẽ được hài lòng”. Nói rồi Thiên Đế bèn bay lên trời. Công chúa bèn than : “Ước sao vua cha tha tội cho Thái tử”. Trên không có tiếng vọng lại : “Vĩệc ấy sẽ được”.

Thái tử được vua cha tha tội. Thái tử trở về Jayatoura được dân chúng tiếp đón nồng hậu và đoàn tụ với hai con.

Thuật xong chuyện nầy đức Phật bèn nói : “Thái tử Vicvantara là tôi đây. Quí Ngài hoan nghinh tôi bây giờ cũng như người ta đã hoan nghinh tôi thuở xưa. Hãy đi theo con đường giải thoát.

(Đời sống của Đức Phật do theo kinh sách của cổ Ấn Độ trương 144 – 159 tóm tắt).

Rõ ràng Phật công nhận Thần quyền.



5.- Chuyện Thứ Năm

CINCA ĐỘN BỤNG VU CÁO PHẬT

THIÊN ĐẾ ANH TRA GIẢI NGUY.

Khi bọn đạo sĩ đấu phép thua Phật rồi (xin xem tới) thì họ đâm ra oán hận và tìm dịp báo thù. Họ lại ở gần vườn Kỳ Viên và rình mò những việc làm của Phật và các đệ tử Ngài. Họ toa rập với một cô gái đẹp tên Cinca, tánh nết rất lẳng lơ và xảo quyệt. Cinca độn bụng lên càng ngày càng lớn và đi rêu rao rằng : Vì ăn ở với Phật nên nàng đã thọ thai. Tới tháng thứ chín, Cinca bèn lại chỗ Phật đương thuyết pháp nói lớn tiếng rằng : “Vì Ngài mà tôi mang thai nghén, Ngài không đoái hoài đến tôi. Tôi không chỗ ở để sanh đẻ”.

Phật điềm nhiên nói : “Cinca cô có nói láo không ? Chỉ có một mình tôi và cô biết mà thôi”. Cinca la lên : “Tôi không bao giờ nói láo”. Phật vẫn ngồi im lặng. Lúc đó trên trời, Thiên Đế Anh Tra thấy rõ mọi việc. Ngài xét rằng đã đến lúc phải gỡ mặt nạ của Cinca. Tức thì bốn vị Thiên thần được lịnh hóa ra bốn con chuột lắt chung vô áo Cinca cắn đứt dây. Một khúc cây tròn rớt xuống đất. Phật bèn cười và nói : “Cinca ! Đứa con của cô đó”. Các tín đồ nổi giận nguyền rủa Cinca, phun nước miếng vào mặt nàng. Cinca hoảng hồn chạy mất.

(Đời sống của Đức Phật do theo kinh sách của cổ Ấn Độ trương 206 – 209).

Chuyện nầy chứng thật Phật nhờ Thần quyền giải nguy. Nhưng còn có chứa một ý nghĩa sâu xa về Huyền bí học. Người đắc đạo không bao giờ được phép dùng thần thông đặng minh oan cho mình khi mình bị vu cáo.

Tới bực Phật, thần thông rộng lớn, đạo pháp cao cường, Phật làm cho khúc cây rớt xuống không được hay sao, lựa phải nhờ tới bốn vị Thiên thần xuống giúp. Nhưng Phật yên lặng để Nhân quả định đoạt. Những Đấng Chí Tôn cầm cân tội phước gọi là những Đấng Nam Tào Bắc Đẩu không khi nào để Phật bị hàm oan.



6.- Chuyện Thứ Sáu.

PHẬT BIẾT RÕ PHẠN VƯƠNG (BRAHMA) NHƯ MỘT NGƯỜI

ĐÃ VÀO CÕI CỦA PHẠN VƯƠNG Ở VÀ SANH ĐẺ NƠI ĐÓ.

Phật đi đến xứ CÔ SA LA (Kosala) vào một cái làng của người Bà la môn tên Manasâkrita và ngự trong một cái vườn xoài. Có hai thầy Bà la môn còn trẻ, một người tên Vâsichtha, một người tên Bhâradvâdja, học hai trường khác nhau, tới ra mắt Phật.

Vâsichtha bèn thưa : “Bạch Phật ! chúng tôi mới cãi nhau về con đường chánh. Tôi nói con đường của thầy Bà la môn Panchkarasâdi chỉ là con đường ngay hơn hết, dắt đến sự hợp nhứt với Phạn Vương. Còn người bạn của tôi đây lại cho rằng con đường của thầy Târoukchya dặn dò mới thật con đường ngay hơn hết. Bạch Phật chúng tôi biết Phật là bực Toàn giác, giáo chủ các Thiên thần và con người. Chúng tôi mới tới đây hỏi Phật hai con đường đó có phải là những đường giải thoát hay không ? Chung quanh làng chúng tôi có nhiều con đường mà cả thảy đều dắt đến Manasâkrita. Những đường của mấy thầy Bà la môn dạy đều giống mấy con đường đó không ?

Phật bèn hỏi : “Hai thầy có tưởng rằng hết thảy những con đường đều tốt hết không ?”

- Bạch Phật ! chúng tôi đều tưởng như vậy.

Phật nói tiếp : “Có thầy Bà la môn nào thông thạo kinh Phệ đà thấy tận mặt Đức Phạn Vương không”.

- Bạch Phật không có vị nào thấy cả.

Phật hỏi thêm . . . “Vậy trong những vị dạy mấy thầy Bà la môn có vị nào thấy Phạn Vương không ?

- Bạch Phật cũng không ai thấy cả.

Phật nói : “Bây giờ thí dụ một người kia làm một cái thang tại ngã tư đặng leo lên nhà. Người ta mới hỏi y : “Cái nhà anh ở đâu mà làm cái thang đặng leo lên ? Anh biết nó ở hướng đông hay hướng tây ? Hướng nam hay hướng bắc ? Nó cao hay thấp, hay là không lớn không nhỏ ?”

Y trả lời : “Tôi không biết”. Người ta liền nói : “Anh làm một cái thang đặng leo lên một cái nhà mà anh không biết ra sao và anh cũng không thấy nó nữa ?” Y trả lời : “Quả thật tôi đã làm như thế”. Hai thầy nghĩ sao về người đó ?

Hai thầy có cho lời của y là điên khùng hay không ?

- Bạch Phật ! Những lời đó thật là điên khùng.

- Vậy thì những thầy Bà la môn phải nói : “Chúng tôi chỉ cho anh con đường hiệp nhứt với cái mà chúng tôi không hiểu mà cũng không thấy nữa”. Nếu tục lệ của người Bà la môn như thế thì công việc của họ làm vô ích quá.

Bharadvadja bèn thưa : “Bạch Phật ! Thật đúng như vậy”.

Phật mới nói : “ Vậy thì không thế nào người Bà la môn thông thạo kinh Phệ đà có thể chỉ đường hiệp nhứt với cái mà họ không biết và cũng không thấy nữa. Thật là không khác nào một đoàn người mù níu nhau đi. Người đi đầu, người đi chính giữa, người đi chót đều không thấy đường. Theo ý Ta chuyện mấy thầy Bà la môn thuộc kinh Phệ đà thuật lại là chuyện của người mù. Nó thiệt là kỳ dị, thiệt là chuyện nói suông, không ích lợi vào đâu cả.

Bây giờ thí dụ một người đi đến mé rạch, va có việc muốn qua bờ bên kia. Va bèn cầu khẩn cho bờ bên kia dời qua bên nây đặng cho va bước lên dễ dàng. Cái bờ bên kia vì có lời cầu khẩn của va mà dời qua bên nây không ?

- Bạch Phật ! Không khi nào được bao giờ.

- Đó là công việc của mấy thầy Bà la môn bấy lâu nay. Họ không tập luyện những tánh tình tốt để thành ra “thật một người Bà la môn” mà họ đã nói.

Indra (Anh Tra) ! Chúng tôi cầu khẩn Ngài.

Soma (Sô Ma) ! Chúng tôi cầu khẩn Ngài.

Varouna (Hoa ru na) ! Chúng tôi cầu khẩn Ngài.

Brahma (Phạn Vương) ! Chúng tôi cầu khẩn Ngài.

Thật ra không thể nào nhờ sự cầu nguyện, nhờ sự van vái, nhờ sự xưng tụng công đức mà khi thác rồi họ được hiệp nhứt với Phạn Vương.

Bây giờ ta hỏi hai thầy : “Người Bà la môn nói về đức Phạn Vương ra làm sao ! Ngài có ưa hoa nguyệt không ?”

- Bạch Phật ! không .

- Đức Phạn Vương có hung ác không ? Có kiêu căng không ? Có biếng nhác không ?

- Bạch Phật ! không.

- Còn mấy người Bà la môn có tránh khỏi mấy tánh đó không ?

Vasichtha bèn thưa : “Bạch Phật ! Họ còn mấy tánh đó”.

Phật bèn nói : “Người Bà la môn còn ưa khoái lạc, còn bị giác quan cám dỗ, họ say hoa đắm nguyệt, họ hung bạo, họ biếng nhác, họ kiêu hảnh, họ hoài nghi. Làm sao họ hiệp nhứt với cái không đồng bản tánh với họ được. Thế nên ba đức minh triết [1] của họ là một sa mạc khô khan, một cái rừng rậm rạp, một cảnh điêu tàn không thể nào tạo lập lại được.

Khi nghe Phật nói xong thì Vasichtha liền thưa : “Bạch Phật ! người ta nói rằng Đức Thích Ca Mâu Ni biết con đường hiệp nhứt với Phạn Vương”. Phật mới nói : “Hai thầy nghĩ sao về việc một người kia sanh trưởng tại Manasâkrita, khi gặp con đường ngay hơn hết dắt từ đây đi thẳng đến Manasâkrita, y có ngần ngại gì mà không theo con đường đó chăng ?

- Chắc chắn là va không hề ngần ngại chi cả.

Phật bèn nói : “Vasichtha ! Cũng thế ấy, Như Lai biết con đường ngay thẳng dắt đến sự hiệp nhứt với Phạn Vương. Như Lai biết nó như một người đã vào cõi Phạn Vương và sanh đẻ tại đó. Như Lai không có nghi ngờ cái chi cả”.

TEVIJJA SUTTA (Sacred Books XI 157 – 203).

Nguyên văn chữ Pháp : “De Même, reprit le Bouddha, le Tathâgata connait le chemin direct qui conduit à l’union avec Brahma. Il le connait comme une personne qui est entrée dans le monde de Brahma, qui y est née. Il ne peut exister de doute en lui”.

Xin quí bạn chú ý tới ba điểm nầy :

Một là : Cuốn Tevejja Sutta là cuốn kinh Phật.

Hai là : Nếu quả thật Phạn Vương không phải là Đấng Tạo Hóa Vũ Trụ nầy và sự hiệp nhứt với Ngài rất vô ích thì Đức Phật đã bảo hai thầy Bà la môn là lầm lạc rồi.

Ba là : Ngài còn nói : Ngài biết rõ Phạn Vương và sanh đẻ tại đó. Ngài không có nghi ngờ chi cả.



7.- Chuyện Thứ Bảy.

PHẬT MẶC NHẬN PHẠN VƯƠNG LÀ ĐẤNG TẠO HÓA.

Trong cuốn “Ánh Sáng Á Châu” (La Lumière de l’Asie) trương 202, có thuật những lời của Phật thuyết cho vua cha Tịnh Phạn nghe như vầy : “Om ! AMITAYA ! Chớ nên ướm thử dùng lời nói mà đo cõi vô biên, hay là nhúng dây tư tưởng vào cõi vô tận. Người hỏi cũng lầm mà người trả lời cũng lầm vậy. Đừng nói chi hết”.

Kinh sách dạy rằng : Trước khi vạn vật sanh ra thì chỉ có một mình Phạn Vương trầm tư mặc tưởng mà thôi. Nhưng chớ nên suy gẫm đến Phạn Vương hay là một ánh sáng nào cả, cái trí người phàm cũng không hiểu được. Những màn lần lượt vén lên; cái nầy rồi tới cái kia. Phải có những bức màn và sau những bức màn nầy thì có những bức màn khác. Các ngôi tinh tú cứ vận hành mà không hỏi han chi cả. Miễn là sự sanh, sự tử, sự buồn vui, cái nguyên nhân và cái hậu quả còn lại là đủ rồi.

Cuộc đời và ngày giờ cứ thay đổi và luân chuyển không ngừng cũng như giòng nước của con kinh chảy từ nguồn ra biển, dầu mau hay chậm, các lượn sóng cũng vẫn là một, mặc dầu coi khác nhau, cứ nối tiếp với nhau, cái sau nhồi cái trước.

Tin có Đức Thượng Đế sanh hóa vũ trụ hay là không tin đó là quyền tự do của bạn, không ai xâm phạm được. Nhưng chắc chắn quí bạn dư biết tín ngưỡng không sửa đổi Chơn lý được.

Cũng như rõ ràng ta thấy sớm mai mặt trời mọc ở phương Đông, chiều lặn về hướng Tây. Bây giờ, dầu hết thảy dân chúng trên địa cầu đều tin như vậy, sự tin nầy cũng không sửa đổi việc trái đất xây chung quanh mặt trời hay là bắt buộc mặt trời chìu theo ý mình phải xây chung quanh trái đất.

Nếu không có thật ông Trời mà người ta tin rằng “có” đi nữa thì bất quá người ta tạo ra một ông Trời giả. Ngày nào người ta hết tin, ngày đó ổng tan mất.

Trái lại, nếu ông Trời “có thật” mà thế gian không tin có Ngài thì Ngài cũng là Ngài. Ngài không có kém sút quyền năng chút nào. Có lẽ Ngài mỉm cười rằng : “Các con của ta còn khờ dại lắm vậy. Rồi đây chúng nó sẽ biết”.

Người học đạo phải thận trọng và dè dặt từ chút trong việc tầm Chơn lý.