CHƯƠNG THỨ NHÌ



GIÁO PHÁP CỦA ĐỨC PHẬT ĐÃ TRẢI QUA BA GIAI ĐOẠN.



Những việc trái nghịch về thuyết Ngũ Uẩn suy ra cũng dễ hiểu vì chúng tôi thấy giáo pháp của Đức Phật đã trải qua ba giai đoạn.

GIAI ĐOẠN THỨ NHỨT .- Lúc Đức Phật còn tại thế. Ngài chỉ thuyết pháp mà thôi.

GIAI ĐOẠN THỨ NHÌ .- Từ lúc Phật nhập Niết Bàn cho tới Phật giáo Hội Nghị lần thứ ba. Giai đoạn nầy là thời kỳ hổn loạn, xin tóm tắt ra sau đây :

PHẬT GIÁO HỘI NGHỊ LẦN THỨ NHỨT.

Vì có sự bất tuân kỷ luật của phe SU BA TRA (Subhadra) nổi lên vài ngày (có chỗ nói 7 ngày) sau khi Phật bỏ xác, cho nên mới có Phật giáo Hội nghị lần thứ nhứt mở tại động Satapani trong rừng Nigrodha gần Vương Xá thành (Rajagriha) dưới quyền chủ tọa của Đức Ma Ha Ca Diếp, lối năm 544 trước Tây lịch kỷ nguyên, trọn 7 tháng với 500 tăng đồ theo cách vấn đáp, người nầy hỏi người kia trả lời.

Đức Ananda lập lại những đoạn kinh của Phật nói về Pháp (Dharma).

Đức Upali kể lại những giới luật.

Đức Ma Ha Ca Diếp giải về phần triết lý cao siêu.

Ba Ngài chỉ nói miệng.

PHẬT GIÁO HỘI NGHỊ LẦN THỨ NHÌ.

Lối 20 năm sau lại có cuộc Phật giáo Hội nghị lần thứ nhì, gồm 700 tăng đồ mở ra tại thiền viện Balukarama gần Hoai Sa Ly (Vaisali) dưới quyền chủ tọa của vua xứ Magadha là Đức Kalaçoka, trọn 8 tháng đặng giải quyết 10 điều xin “khoan hồng” như sau đây :

1. Được phép để dành muối luôn luôn chớ không phải nội trong 7 ngày qui định mà thôi.

2. Được phép ăn thêm một lần nữa sau buổi ăn ngọ.

3. Các tăng đồ ở trong làng được phép giảm bớt sự giữ gìn giới luật, như các tăng đồ trong thiền viện.

4. Được phép hành lễ trong liêu một mình khỏi tới phòng chung hay là chỗ công cộng.

5. Được phép làm vài chuyện khỏi phải xin phép trước.

6. Được phép hành động theo các vị Thượng Tọa, Trưởng Lão.

7. Được phép uống sữa buổi chiều.

8. Được phép uống rượu nếu mấy thứ nầy trong như nước lã.

9. Được phép ngủ trên giường nệm ấm áp, ngồi trên ghế có phủ vải sồ gấm vóc.

10. Được phép nhận tiền bạc và quần áo của người ta cho.



Sự đấu khẩu kịch liệt, có khi vua phải can thiệp và cho phần phải về phe Bảo thủ. Chung cuộc 10 điều thỉnh cầu bị bác bỏ, phe đối lập bị trục xuất ra khỏi Giáo hội (tất cả là 20.000 tăng đồ và 60.000 cư sĩ). Lúc đó Phật giáo đã chia ra làm 18 phái khác nhau và chắc chắn mấy vị đệ tử lớn đã từ trần rồi.

Có sách nói một phần của Kinh Tàng và Luật Tàng đã chép ra thành sách. Sự tranh chấp nói trên đây không phải xảy ra lần thứ nhứt đâu. Hồi Phật còn sanh tiền đã có một sự bất tuân giới luật chia các tăng đồ làm hai phe chống báng nhau rất dữ dội. Phải mất một thời gian mới đem sự hòa khí lại như cũ.

PHẬT GIÁO HỘI NGHỊ LẤN THỨ BA.

Sự tranh chấp không ngừng và phe đối lập thắng thế cho đến đỗi khi vua A Dục mới lên ngôi thì có không biết bao nhiêu thiền viện; có bao nhiêu thiền viện thì có bao nhiêu phái; có bao nhiêu phái là có bao nhiêu tôn giáo. Muốn chấm dứt tình trạng hỗn loạn nầy vua A Dục [11] mới triệu tập Phật giáo Hội nghị lần thứ ba tại thiền viện Açokarama gần Pataliputra (ngày nay là Patna) lối năm 252 hay 254 trước Chúa Giáng sinh (có sách nói 244 hoặc 242, cũng như năm sanh của Đức Phật các sách đều nói khác nhau) dưới quyền chủ tọa của Đức Tshya Maudgalapoutra, 72 tuổi, kéo dài tới 9 tháng đặng thống nhất các môn phái. Mỗi phái đều được phép trình bày và binh vực giáo lý của mình. Chung cuộc 8 phái bị liệt vào hạng Tà giáo và bị trục xúat ra khỏi Giáo hội không được phép mặc áo cà sa. Xong rồi Hội nghị xem xét và sửa đổi bản văn của Kinh Tàng và Luật Tàng, có lẽ của Luận Tàng nữa, rồi mới chép ra thành sách tức là 300 năm sau khi Phật nhập Niết Bàn.

GIAI ĐOẠN THỨ BA.- Sau cuộc Hội nghị nầy, Phật giáo chia ra hai phái lớn Nam Tôn và Bắc Tôn rõ rệt.

Bắc Tôn dùng chữ Bắc Phạn (sanscrit) đặng chép kinh sách, còn Nam Tôn thì dùng chữ Nam Phạn Ba Li (Pâli).

Bắc Tôn tiến lên miền Bắc, Nam Tôn lại xuống miền Nam.



CÔNG ĐỨC VUA A DỤC VÀ SỰ BÀNH TRƯỚNG ĐẠO PHẬT.

Vua A Dục cho xây dựng cả ngàn chùa tháp [12] trong đó có nhiều tháp để kỷ niệm những Phật tích, nhứt là bốn chỗ hành hương có danh tiếng và đã được ghi vào lịch sử Phật giáo, ấy là :

1.- Vườn Lumbini (Lâm tỳ Ni), chỗ Đức Bồ Tát giáng sanh.

2.- Bồ Đề Đạo Tràng – Bodhi Gaya - chỗ Đức Bồ Tát chứng quả Phật.

3.- Vườn Isipatana - Lộc giả, chỗ Đức Phật chuyển Pháp luân.

4.- Vườn Kusinara, chỗ Phật bỏ xác nhập vào Niết Bàn.

Ngài cho ban hành tám mươi bốn ngàn sắc lịnh, và cho khắc vào những bia đá và những thạch trụ dựng lên khắp phía Bắc xứ Ấn Độ để tán dương công đức Phật.

Sau cuộc Hội nghị Phật giáo lần thứ ba, vua A Dục sai sứ giả đem kinh Phật qua năm vị vua của những nước đã giao hảo với Ngài dưới đây :

Antiochus, de Syrie (Antiochus II)

Ptolémée, d’Egypte.

Antigonus, de Macédoine.

Margas, de Cyrène.

Alexandre, d’Epire.

Năm vị nầy ký hiệp ước với Ngài cho phép những vị Trưởng Lão và Thiền sư được tự do truyền bá đạo Phật trong nước mình. Các nhà sư cũng đi truyền bá Phật giáo khắp 14 nước của xứ Bắc Ấn Độ



ĐẠO PHẬT TRUYỀN QUA TÍCH LAN.

Vua A Dục sai hai đứa con yêu quí của Ngài là hoàng tử Ma hanh Đa (Mahinda) và công chúa Săn ga mít ta (Shangamita) qua Tích Lan truyền bá đạo Phật.

Công chúa Săn ga mít ta đem trồng tại A nu ra đa bu ra (Anurâdhapura) một nhánh cây Bồ Đề tự tay vua A Dục chiết ra [13] lối năm 306 trước Tây lịch kỷ nguyên. Ấy là cây lịch sử xưa nhứt trên đời. Hiện giờ cây nầy còn sống. Những cây Bồ Đề nhỏ của Đại Đức Narada hiến cho các chùa Việt Nam, Cam Bốt và Ai Lao vốn là cháu chắt của cây Bồ Đề nầy.

Hoàng hậu Anulâ, vợ của vua Tích Lan, Devanampiyatissa, xin công chúa lập phái Tỳ Khưu Ni (Bikkhounis). Chẳng bao lâu Hoàng hậu, nhiều vị Hoàng phi và 500 trinh nữ xin qui y thế độ.



PHẬT GIÁO TRUYỀN QUA TRUNG HOA, CAO LY, NHỰT BỔN, VIỆT NAM,

ĐÀI LOAN, MIẾN ĐIỆN, THÁI LAN, CAM BỐT, NAM DƯƠNG.

Hai cuốn kinh Nam Tôn, Sa măn ta Ba sa đi ca (Samanta Pasadika) và Sa rát ta Đi ba ni (Sarattha Dipani) có chép rằng : lối thế kỷ thứ ba trước Chúa giáng sinh, vua A Dục sai năm vị Thiền sư đem kinh Phật qua Trung Hoa, mỗi vị đi đến một vùng khác nhau.

Từ Trung Hoa đạo Phật truyền sang qua Cao Ly lối năm 372 sau Chúa giáng sinh, rồi từ Cao Ly qua Nhựt Bổn, lối năm 552 đạo Phật thâm nhập vào Việt Nam, Đài Loan, Mông Cổ, Yarkan, Balk, Bokhara, A Phú Hãn (Afghanistan) và nhiều nước khác ở Trung Bộ Á Châu lối thế kỷ thứ tư hay thứ năm.

Từ Kashmir (Cachemire) đạo Phật truyền qua Nê bôl (Népal) lối thế kỷ thứ nhứt và Tây Tạng lối thế kỷ thứ hai.

Phật giáo của mấy nước nầy thuộc về Bắc Tôn hay là Đại Thừa. Còn phái Nam Tôn hay là Tiểu Thừa trụ tại Tích lan rồi từ đó truyền bá qua Miến Điện lối năm 450 và sang Arakan, Cam Bốt, Thái Lan. Người ta còn tìm thấy di tích Phật giáo ở Nam Dương như đền Borobudur.



PHẬT GIÁO HỘI NGHỊ LẦN THỨ TƯ

Có sách nói 10 năm sau, vua A Dục triệu tập Hội nghị Phật giáo lần thứ tư để xác định qui luật của giáo hội. Hội nghị nầy thanh minh rằng : Có những ngụy kinh kết nhiều đoạn kinh lại làm một bổn và làm nhiều thứ kinh giả đặng hòa hợp giáo lý của Đức Phật với những chuyện Thần thoại địa phương.



PHẬT GIÁO HỘI NGHỊ LẦN THỨ NĂM.

Lối 500 năm sau khi Phật bỏ xác, nhằm thế kỷ thứ nhứt Tây lịch kỷ nguyên, vua Kanisha (Già nhị sắc đà) triệu tập Phật giáo Hội nghị lần thứ năm (có sách nói là lần thứ tư) tại Jolandhara, trung tâm xứ Cachemire dưới quyền chủ toạ của hai vị Đại Đức Vasumitra và Pârcya. Cũng như bốn lần trước kết quả không được tốt, song phái Đại Thừa được công nhận là Quốc Đạo.



PHẬT NGỪA TRƯỚC.

Trước khi lìa trần, Phật kêu Ananda lại dặn : “Mỗi lần thuyết pháp thì phải khởi đầu bằng câu nầy :

“Đây là bài kinh của tôi đã nghe hay là những điều tôi đã nghe một lần :

Đức Thế Tôn ngự tại . . . , trong xứ . . . , trong thiền viện . . . chung quanh có 500 hoặc một số đông tỳ kheo đã được hoàn toàn giải thoát.

Thuyết xong thì dùng một trong hai thể thức nầy :

Hoặc : Phật dạy như thế. Các thính giả đều vui mừng và đồng ca tụng công đức Phật.

Hoặc : Hai chữ : Saddha ! Saddha !

(C’est bien ! C’est bien !)

Lành thay ! Lành thay !

Câu “Bài kinh tôi đã nghe” khác nghĩa câu “Phật nói như vầy” . Dùng câu Phật nói như vầy là quả quyết mình lập lại y lời của Phật đã nói, không thêm không bớt một tiếng. Cái trí con người đâu phải là máy ghi âm, hễ nghe một lần rồi thì nói lại không mất một tiếng nào cả. Nếu quả quyết Phật đã nói như vậy mà mình lập lại sai một lời hay không đúng là mắc tội Vọng ngữ.

Chúng tôi vẫn biết hiện nay có nhiều nhà sư, nhứt là ở Miến Điện thuộc lòng ba tạng kinh, lập lại không sai một chữ. Nhưng mà họ thuộc lòng trong sách và nghe thuyết pháp là hai việc khác nhau rất xa. Sau nhiều năm chịu khó nhọc có thể học thuộc lòng một cuốn sách. Nhưng mà nghe một bài thuyết pháp rồi lập lại không sót một tiếng là điều không thể có được. Hễ nhớ khúc đầu là quên khúc giữa, nhớ khúc giữa thì quên khúc đuôi, khúc đầu. Phật thuyết pháp trọn 45 năm không biết bao nhiêu lần, ai dám bảo : “Tôi nhớ hết những lời thuyết pháp đó, không quên một tiếng nào”.

Trái lại câu : “Bài kinh tôi đã nghe” có ẩn nghĩa. Đây là những điều tôi đã nghe, không biết có thiếu sót điều chi chăng ? Như vậy dầu mình có quên đoạn nào, mình cũng vô tội.

Thật Phật đã ngừa trước vậy, chẳng những riêng cho các đệ tử của Ngài mà luôn cho các hàng Phật tử đời sau nữa