CHÚNG TÔI KHÔNG BAO GIỜ TIN RẰNG

ĐỨC PHẬT ĂN THỊT HEO NÊN NGÀI BỎ XÁC.

Chúng tôi không bao giờ tin rằng tại Đức Phật ăn thịt heo nên Ngài bỏ xác do những lý lẽ sau đây :

Một là :Theo bài “Phật độ thợ săn” thì không bao giờ Ngài dùng mặn. Anh thợ rèn Cung Đa (Counda) đâu dám dọn thịt heo ra đãi, mà dầu anh không biết nên mới làm như vậy, Phật cũng không ăn đâu.

Hai là : Theo ông Oldenberg thì chữ Phạn dịch là thịt heo có nhiều nghĩa khác nhau, như là xương ngực của con heo; hoặc nấm của con heo đào. Nói rằng Phật ăn nấm của con heo đào thì còn có lẽ đúng hơn.

Ba là : Không bao giờ đồ ăn hay là bịnh làm hại xác thân Ngài được. Tới bực Chơn Tiên, dưới Phật ba bực mà còn cầm được quyền sanh tử trong tay, huống chi là Ngài. Bằng chứng là đoạn nầy “. . . Đức Phật qua sông. Ngài đi về Vaisali. Nhưng tới làng Bailva, Ngài phát bịnh nặng. Ngài đau đớn dữ dội. Ananda khóc lóc tưởng Ngài chết. Nhưng Ngài dùng nghị lực trị lành bịnh và mạnh như thường.

Bốn là : Tới Vaisali rồi Ngài vô ngồi nghỉ trong thánh điện Tchapala. Ma vương hiện ra nói : “Bạch Phật; đã đúng ngày giờ rồi, Đức Thế Tôn nhập Niết Bàn đi”. Phật đáp : “Ma vương ơi ! chưa đến lúc đó đâu. Ta biết hơn Ma vương ngày giờ nào ta lìa cõi thế. Ba tháng nữa ta sẽ nhập Niết Bàn”.

Năm là : Trong lúc ở tại thánh điện Tchapala, Phật nhứt định bỏ xác tại Kousinagara [16] . Phật bèn tỏ cho Ananda biết ý định của Ngài. Ananda bèn cầu khẩn xin Ngài ở lại trong Kalpa (Đại kiếp) nầy. Phật mới nói : “Ananda ơi ! lời cầu khẩn của con đã trễ rồi. Ta nhứt định nhập Niết Bàn”. Ananda nài nỉ Phật ba lần như vậy. Phật ở lại Bhagagama một ít lâu rồi Ngài đi Pâvâ.

Sáu là : Tới Pâvâ, anh thợ rèn Cung Đa mới thỉnh Phật về nhà anh. Sau khi dùng bữa, Ngài ra đi. Khỏi Pâvâ một đỗi thì bịnh kiết nổi lên dữ dội. Phật rất mệt mỏi, nhưng Ngài làm cho sức lực phục hồi rồi tiếp tục ra đi. Tới mé rạch Kakoutsha Ngài xuống tắm, uống nước rồi mới đi vô một cái vườn xoài. Ngài bảo Cung Đa Ka ( Coundaka) lấy áo cà sa xếp làm tư trải xuống đất cho Ngài nằm ngủ. Vài giờ sau Ngài thức dậy rồi đi nữa. Tới Kousinagara Ngài mới bảo Ananda làm một chỗ nằm chính giữa hai cây Sala đầu day về hướng Bắc.

Đoạn nầy chứng chắc một lần nữa Ngài đã thắng phục được bịnh. Nếu thịt heo làm hại xác thân của Ngài được thì khi ra khỏi Pâvâ một đỗi Ngài đã nằm liệt rồi ? Ngài bỏ mình tại đó chớ đâu còn sức lực xuống dưới rạch tắm và tiếp tục đi tới Kousinagara được. Từ Pâvâ tới Kousinagara có lẽ cũng xa cho nên Ngài đã nghỉ hai chặng đường.

Hiểu mấy đoạn trên đây ta thấy rõ, nếu hai phen Ngài đã dùng quyền năng trị lành bịnh thì Ngài cũng có thể dùng quyền năng kéo dài sanh mạng tới bao lâu cũng được. Mà tại sao xác Ngài chết. Ấy tại Ngài nhứt định bỏ nó. Ngài đã nói điều đó với Ma vương và Ananda ba tháng trước rồi. Bằng cớ còn rành rành đó. Đời sau đổ lỗi cho anh thợ rèn Cung Đa thì rất là oan cho anh. Tội nghiệp cho anh lắm. Ta nên giải oan cho anh.

Sự thật là dầu không dùng bữa tại nhà anh thợ rèn đúng kỳ hạn Phật cũng từ giả cõi trần vậy.

Thế thì riêng phần tôi, câu chuyện Phật ăn mặn và bị thịt heo rừng làm cho Ngài bỏ mình đã giải quyết xong. Nó không đúng với sự thật, nhưng tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng.



NGHĨA BÓNG CỦA CÂU CHUYỆN PHẬT ĂN THỊT HEO MÀ BỎ MÌNH.

Theo thần thoại Ấn Độ, Đức Thượng Đế VISHNOU hóa hình heo rừng dẫy đất trên không gian mà lập ra quả địa cầu của mình, đạo Bà la môn thờ đức VISHNOU.

Câu chuyện Đức Phật ăn thịt heo rừng mà chết có nghĩa bóng là đạo Bà la môn tiêu diệt đạo Phật.

Quả thật, bắt đầu từ thế kỷ thứ V đạo Phật đã suy đồi. Nếu tôi nhớ không lầm thì sau khi nể lời cầu khẩn của Ananda, Đức Phật thâu nhận bà “Dì” là Mahaprajapati vào giáo hội, Ngài có nói câu nầy : “Ananada ơi ! giáo pháp của ta chỉ còn giữ được có 500 năm mà thôi”. Thật đúng như vậy.

Qua thế kỷ thứ XI, đạo Bà la môn đã quét sạch đạo Phật ra khỏi xứ Ấn Độ, không còn dấu vết của một cái chùa nào cả. Cảnh vật điêu tàn.

Ta hãy thử tìm hiểu nguyên nhân làm cho Phật giáo mau tàn tạ ở Ấn Độ, là chỗ Đức Phật giáng sanh và truyền đạo. Nói truyền đạo thì e sái một chút bởi vì đạo Phật có ý cải cách Ấn Độ giáo hơn là lập một đạo mới, nhưng điều đó không thuộc về phạm vi cuốn nầy.

NGUYÊN NHÂN LÀM CHO PHẬT GIÁO MAU TÀN TẠ Ở ẤN ĐỘ.

Có ba nguyên nhân kết cấu lại làm cho Phật giáo mau tàn tạ trên đất Ấn. Nguyên nhân đầu tiên thuộc về Huyền bí, còn hai nguyên nhân sau vốn thông thường.

NGUYÊN NHÂN HUYỀN BÍ.

Theo luật Trời, mỗi Đức Bồ Tát sau khi thành Phật thì phải xuống thế dạy đạo một lần chót.

Thế nên, trước khi lâm phàm lần cuối cùng, Đức Bồ Tát mà ngày nay mình gọi là Đức Phật Thích Ca, sắp đặt cách nào cho các vị đệ tử của Ngài mấy kiếp trước đi đầu thai, hoặc một lượt với Thái tử Sĩ Đạt Ta, hoặc một vài năm sau hay trước. Chừng Phật ra truyền đạo thì mấy vị nầy trở về với Ngài.

Một mặt nhờ từ điện của Ngài sau khi Ngài thành Phật, một mặt nhờ công phu luyện tập theo chánh pháp cho nên nhiều vị đệ tử của Ngài đắc quả La Hán như Ma Ha Ca Diếp, Mục Kiền Liên, Kiều Trần Như, Xá Lợi Phất, A Nan Đa, Chullapanthaka v. v. . .

Lúc nầy đạo Bà la môn phải lu mờ trước Phật giáo. Sau khi Phật nhập Niết Bàn một ít lâu thì các vị đệ tử lớn cũng lần lượt nối gót nhau mà qui vị. Mặt trời đã chen lặn và các ngọn đèn pha đã tắt hết rồi thì cảnh vật chìm đắm trong đêm tối, con người phải lần mò mà đi.

NGUYÊN NHÂN THỨ NHÌ

Nguyên nhân thứ nhì là sự chia rẽ của các giáo phái, bởi những chỗ bất đồng ý kiến. Vì vậy các giáo phái bị cô lập và yếu thế. Lời xưa nói không lầm. Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết.

Trước sự tấn công mãnh liệt và liên tiếp của đạo Bà la môn, mỗi giáo phái phải tìm cách tự vệ và tự nhiên không giáo phái nào đủ sức ngăn chống nổi. Giáo phái nầy bị hạ rồi thì tới giáo phái khác. Đây là một cái gương để cho đoàn hậu tấn soi chung.

NGUYÊN NHÂN THỨ BA

Ở cõi trần, nguyên nhân thứ ba nầy rất quan trọng. Nó là chướng ngại hết sức lớn lao mà tất cả các tôn giáo từ xưa tới nay đều vấp phải và không khéo thì phải sụp đổ. Ấy là sự quá ư sung sướng về vật chất làm mất tinh thần sùng bái đạo đức và tăng cường sức mạnh của tánh ích kỷ tham lam, kiêu căng tự phụ của các tín đồ. Họ không giữ giới hay là giữ cho có lệ chớ không phải thật là dọn mình cho trong sạch đặng xứng đáng thọ lãnh chơn truyền.

Vì vậy cho nên cửa Đạo đóng kín từ thế kỷ nầy qua thế kỷ nọ để chờ những người có thiện căn, những người có đủ những đức tánh cần thiết tới chứng đó thì Đạo sẽ mở cửa đặng rước vào. Mấy lời trên đây có đúng hay không xin quí bạn đọc đoạn bình luận sau nầy về sự suy đồi của Phật giáo của ông L. de Milloné tác giả cuốn Đạo Phật trên thế gian trương 216. ( Le Bouddhisme dans le monde page 216).

On croit généralement que le Bouddhisme est mort d’épuisement, énervé par la richesse des monastère, ruiné par le manque d’énergie du clergé abandonné par ses fidèles séduit par le culte éminemment populaire du Dieu Homme Krishna inventé ou tout au moins présenté par les Brahmannes afin de contre balancer l’homme Dieu Bouddha.

XIN TẠM DỊCH.

Đại để người ta tưởng rằng đạo Phật chết mòn vì bị sự giàu sang của chùa chiền làm cho suy nhược, sụp đổ bởi vì Giáo hội Tăng già mất hết khí phách nghị lực, bị bỏ rơi bởi vì các tín đồ say mê sự tôn thờ Đấng Krishna, là Đức Thượng Đế hóa thân làm người, được phổ biến khắp dân chúng, vốn của người Bà la môn bịa đặt hoặc giả đề xướng để đối phó với Đức Phật là con người thành Đức Thượng Đế.

--------

Người học đạo và hành đạo không phê bình mà cũng không xét đoán ai cả vì biết rằng trên đường tu hành sẽ gặp những cảnh ngộ éo le, khắc nghiệt. Chưa ai dám tự phụ rằng mình sẽ đứng vững trước những sự thử lòng mà không sa ngã. Tốt hơn cứ lặng thinh mà đi tới. Cười người tháng trước, tháng sau người cười. Luật Nhân quả Báo ứng không bao giờ dung tha một ai.

Nhưng xe trước gãy, xe sau phải tránh. Ta thấy gương người xưa, rồi thì ta phải thận trọng, dè dặt từ chút không dám buông lung và phải luyện ý chí cho cứng cỏi. Sắt không đem nung lửa đỏ, không đem trui nhiều bận thì không bao giờ trở nên thép cứng rắn để dùng vào những việc hữu ích cho đời.

Mà cũng đừng bao giờ quên rằng đời là một cái trường học lớn, nếu ham học và biết học thì tiến mau, nhược bằng lười biếng không cố gắng thì phải rớt sau xa lắc trong khi các bạn đồng hành vượt tới trước cả chục cây số rồi.