CHƯƠNG THỨ TƯ


HUYỀN BÍ HỌC LÀ GÌ ?

Theo nghĩa từ chữ thì Huyền bí học là khảo cứu những sự Huyền bí. Nhưng sự thật Huyền bí học là khoa dạy về sự sanh hóa một Thái dương hệ. Nó giải rành rẽ về Đạo hay là toàn thể Chơn lý.

Nó chia ra làm hai phần :

a) Phần lý thuyết

b) Phần thực hành

Huyền bí học luôn luôn khẩu khẩu tương truyền, nhứt là về phần thực hành, rất khó khăn và rất nguy hiểm.

Về phần lý thuyết, dầu người ta có đem mấy chương đầu viết ra thì cũng dùng toàn là lời lẽ bóng dáng. Không có chìa khóa, không bao giờ mở cửa bí mật đó được.


AI ĐEM KHOA HUYỀN BÍ HỌC RA DẠY LẦN ĐẦU TIÊN

TRÊN CÁC DÃY HÀNH TINH CỦA THÁI DƯƠNG HỆ NẦY.

Nếu khoa Huyền bí học vốn do người phàm dạy thì nó không có giá trị, vì con người còn mắc trong vòng thất tình lục dục, chưa thoát khỏi đọa sanh tử luân hồi, thì làm sao thấu rõ được những sự bí mật của Tạo Công.

Từ đời nầy qua đời kia, người ta đưa ra những giả thuyết, chúng nó có một giá trị tương đối, nghĩa là dùng trong một thời gian thôi. Rồi không bao lâu, có những thuyết mới sanh ra thay thế giả thuyết cũ. Cứ tiếp tục như thế, vì con người càng ngày càng tiến hóa. Chính là những Đấng Thiên Tôn, trường sanh bất tử, đã góp công vào sự sanh hóa Thái dương hệ nầy, đem khoa Huyền bí học dạy lại loài người ở khắp các dãy hành tinh của Thái dương hệ đặng giúp con người tiến hóa mau.

Muốn hiểu được lẽ nầy phải biết chút ít về Thái dương hệ trên không gian.


NHỮNG THÁI DƯƠNG HỆ TRÊN KHÔNG GIAN.

Những ngôi tinh tú trên không gian đều xếp thành những hệ thống gọi là những Thái dương hệ. Mỗi hệ thống hay Thái dương hệ gồm một ngôi mặt trời ở chính giữa và những hành tinh xây chung quanh.

Mỗi Thái dương hệ đều có một Đấng Thiên Tôn sanh ra, xin gọi Ngài là Đức Thái dương Thượng Đế (Logos d’un système solaire). Còn Đấng Độc Nhất Vô Nhị sanh hóa hết thảy các Đức Thái dương Thượng Đế. Người ta gọi Ngài dưới nhiều danh từ khác nhau : Ông Trời, Đấng Tạo Hóa, Hóa Công, Thái Cực Thánh Hoàng, Dieu, Logos Cosmique, Brahman, Allah, Ahura Mazda v . v. . . Ấy là Đấng không sanh mà có, trí người phàm tưởng tượng không nỗi.

Về Thái dương hệ có ba điều ta nên ghi nhớ là :

a) Mỗi ngôi tinh tú cũng như xác thân làm bằng vật chất, nhưng nó có sự sống là tinh thần.

Lấy con mắt phàm mà xem thì lầm ngay.

Muốn hiểu cho trúng, thấy cho đúng thì phải dùng Huệ nhãn hoặc ra ngoài trái đất, lên không gian - hoặc dùng bề đo thứ tư (4è dimension).

b) Trên mỗi hành tinh của những Thái dương hệ đều có những nhân vật như chúng ta, chẳng những sanh sanh hóa hóa mà lại còn tiến hóa nữa. Nhưng có một điều chắc chắn là hình thù và ngôn ngữ không giống chúng ta, mặc dầu có thể hiểu nhau bằng tư tưởng.

c) Có nhiều Thái dương hệ lớn hơn Thái dương hệ của chúng ta, xin kể vài thí dụ thôi.

Bề trực kính của ngôi mặt trời chúng ta đo được lối 1.391.000 cây số ngàn.

Bề trực kính của tinh cầu Antarès 478 lần lớn hơn bề trực kính ngôi mặt trời chúng ta và dung tích của nó bằng 113 triệu dung tích mặt trời.

Bề trực kính của tinh cầu Hercule 400 lần lớn hơn,

Bề trực kính của tinh cầu Bételgeuse 300 lần lớn hơn, dung tích của nó bằng 27 triệu dung tích mặt trời của chúng ta.

Bề trực kính của tinh cầu Mira Ceti cũng 300 lần lớn hơn.

Bề trực kính của tinh cầu Pégase 140 lần lớn hơn.

Bề trực kính của tinh cầu Aldélaran 38 lần lớn hơn.

Bề trực kính của tinh cầu Arcturus 27 lần lớn hơn.

Sau rốt tinh cầu Canopus 1 triệu lần lớn hơn ngôi mặt trời chúng ta.

Đây tôi không có ý so sánh về mặt vật lý. Tôi muốn kính cẩn nói rằng : Các vị Thượng Đế của những tinh cầu nói trên cao hơn Đức Thượng Đế của ta nhiều lắm. Các Ngài đã từng sanh hóa những ngôi mặt trời, ban đầu nhỏ cũng như ngôi mặt trời của chúng ta rồi sau lớn hơn, và trước ngôi mặt trời của chúng ta không biết mấy trăm tỉ năm rồi, nghĩa là các Ngài cũng tiến hóa thêm mãi. Ngôi mặt trời của chúng ta mới sanh ra trên hai ngàn triệu năm nay. Nói tóm lại, không biết đâu là nấc cuối cùng của thang tiến hóa.

Đối với chúng ta 100 năm thật lâu lắm, nhưng đối với không gian và thời gian vô cùng, vô tận thì 100 ngàn năm chỉ là một chớp mắt thôi.


SỰ SANH HÓA THÁI DƯƠNG HỆ CỦA CHÚNG TA.

Trên một Thái dương hệ sanh trước Thái dương hệ của chúng ta lâu đời, có bảy Đấng Thiên Tôn toàn năng toàn thiện đủ sức sanh hóa một Thái dương hệ. Một trong những vị ấy chọn một chỗ trên không gian đặng sanh hóa Thái dương hệ của chúng ta. Hào quang của Ngài dứt tới đâu thì chỗ đó là giới hạn Tiểu giang san của Ngài.

Trong công việc khó khăn nầy, Ngài nhờ nhiều vị phụ tá. Mấy vị nầy là những vị mà mình gọi là những vị Thiên Đế, những vị Thiên Tôn, những vị Ngọc Đế, những vị Phật, những vị Bồ Tát, những vị Đại Thánh, những vị Đại Tiên và những Đại Thiên Thần. Những vị nầy đồng ở một Thái dương hệ với Ngài, có vị là bạn thân với Ngài dưới Ngài một bực, người ta gọi là Hành Tinh Thượng Đế (Logos planétaire). Có vị là đệ tử của Ngài, có vị là đệ tử của đệ tử của Ngài v. v. . .

Đối với chúng ta Ngài là Đấng Tạo Hóa chúng ta, ông Trời chúng ta.

Trên mỗi hành tinh đều có một đoàn thể thay mặt cho Ngài để cai trị và coi sóc sự sanh hóa của sự tiến hóa của muôn loài vạn vật. Tại quả địa cầu của mình, Đoàn thể đó là Quần Tiên Hội (xin xem tới). Chính là những nhân viên trong Quần Tiên Hội đem khoa Huyền bí học dạy lại thế gian như tôi đã nói.

CỘI RỄ CON NGƯỜI VÀ MỤC ĐÍCH CUỘC ĐỜI.

Huyền bí học dạy rằng :

Con người là Chơn Thần, một Điểm Linh Quang của Thượng Đế, có đủ những quyền năng như Ngài – nhưng mà chúng nó chưa phát triển. Con người phải đầu thai xuống trần đặng học hỏi những luật sanh hóa muôn loài vạn vật trong cõi hữu hình là địa cầu nầy và những cõi vô hình khác ở chung quanh chúng ta nữa. Tới một ngày kia người sẽ vận dụng được tất cả những quyền năng siêu việt ở trong mình, con người sẽ thành một vị Thượng Đế và sanh hóa một Thái dương hệ như Thái dương hệ của mình đây. Nhờ Huyền bí học giải rõ về cội rễ của con người nên tín đồ Phật giáo, Thiên Chúa giáo mới hiểu được ẩn nghĩa của mấy câu nầy.

Phật Giáo

a) Chúng sanh đều có Phật tánh.

b) Ta là vị Phật hiện tại còn các ngươi là những Phật vị lai.


Thiên Chúa giáo

a) Đức Jésus trả lời với họ :

Trong luật pháp của các ngươi há không có chép rằng : “Các ngươi là những vị Thượng Đế” (Vous êtes des Dieux) Saint Jean X,34 – 36.

b) Các ngươi không biết rằng các ngươi là đền thờ của Đức Chúa Trời và Đức Thánh Linh ở trong mình của các ngươi sao. Corinthiens I, 3 -16.

Nói trắng ra duy có Huyền bí học mới giải được cội rễ của con người và mục đích cuộc đời, tức là : Con người là ai ? Xuống cõi Trần làm chi ? Nó cắt nghĩa rành rẽ luật Luân Hồi Nhân Quả, và chỉ cho con người những phương pháp luyện mình đặng trở nên trọn sáng trọn lành trong một thời gian ngắn, thay vì theo luật tiến hóa bình thường, con người phải mất cả trăm triệu năm luân hồi từ kiếp nầy qua kiếp kia.


NHỮNG DI TÍCH HÌNH NHI THƯỢNG HỌC TRONG PHẬT GIÁO.

Những di tích Hình Nhi Thượng Học của Phật giáo là :

1.- Những phép thần thông.

2.- Chuyện những lá cây Huê mộc.

3.- Bốn bực điểm đạo.


1.- Những phép thần thông.

Những phép thần thông tôi đã bàn đến rồi. Nay xin nói về chuyện Những lá cây Huê mộc và bốn bực điểm đạo mà thôi.

2.- Chuyện Những lá cây Huê mộc (Çinçapas)

Phật ngự tại Cô sam bi (Kauçambi) trong vườn cây Huê mộc. Ngài nắm trong tay vài lá cây rồi mới hỏi mấy vị đệ tử : “Các trò tưởng thế nào ? Những lá cây nầy nhiều hay là lá ở trên cây trong cụm rừng nầy nhiều ?” Các đệ tử bèn thưa : “Bạch Phật, lá của Phật nắm trong tay thì ít, còn hết thảy những lá cây trong rừng thì nhiều.” Phật mới nói : “Hỡi các đệ tử ! cũng thế ấy. Những điều Ta học hỏi thì nhiều, còn những điều Ta đem dạy cho các con thì rất ít”. Nhưng Ta không làm như mấy ông sư, họ nắm bàn tay lại và giữ làm của riêng những sự bí mật của họ, bởi vì Ta dạy cho các con những điều hữu ích cho các con. Ta dạy cho các con Tứ Diệu Đề mà không dạy các con những điều nào vô ích.

(Giáo lý và Triết lý của đạo Phật. Tác giả : Louis de la Vallée Poussin trương 64)

Bây giờ ta hãy tìm hiểu Đức Phật muốn nói cái chi trong bài nầy qua những câu sau đây chứa đầy ý nghĩa sâu xa :

“Cũng thế ấy ! Những điều Ta học hỏi thì nhiều, còn những điều Ta đem dạy các con thì rất ít.

Ta dạy các con Tứ Diệu Đề mà Ta không dạy các con những điều nào vô ích”.


PHẬT HỌC HỎI CÁI CHI ?

Phật học hỏi cái chi ? Trừ ra nhân viên trong Quần Tiên Hội thì không một ai ở trần thế hiểu được điều đó. Cũng không một ai hiểu rằng Đức Thích Ca làm những công việc nào trọn 6 năm trong chốn rừng sâu Hi Mã Lạp Sơn. Nói rằng Ngài tham thiền, nhịn ăn, có lần té xỉu ngất đi sau tỉnh lại, không đúng với sự thật. Nói một câu: “Những điều Ta học hỏi rất nhiều” đã chứng minh mấy lời trên đây rồi. Những chi tiết đó nói ra cũng không ích chi, ai muốn tin sao cũng được. Nhưng có một điều ta nên nhớ rằng “Phật học hỏi” đây có nghĩa là nhiều điều Phật chưa rõ biết. Thật vậy, Vũ trụ vô tận vô biên. Càng lên cao càng thấy cơ Trời vô cùng mầu nhiệm.

Những luật Trời ở chung quanh ta đây, nhưng tại ta không đủ sức hiểu chúng nó, chớ chẳng phải chẳng có chi cả.

PHẬT HỌC VỚI AI ?

Chắc chắn là không phải với hai ông U Trà Ca (Oudraka) và A Ra Ta (Arâta), trọn chữ là Arâta hay là Arata Kâlâma, vì Ngài đã bỏ hai ông nầy mà đi. Lẽ tự nhiên Phật phải học với những người cao hơn Phật, giỏi hơn Phật, tiến hóa hơn Phật. Câu nầy có nghĩa là trên Phật còn nhiều bực nữa và Huyền bí học có kể ra mấy vị đó không phải ở tại cõi trần nầy, trừ ra Đức Ngọc Đế.


NÊN PHÁ TAN THÀNH KIẾN PHẬT CAO HƠN HẾT

Nội hai câu của Phật thốt ra cũng đủ phá tan thành kiến xưa nay : Phật cao hơn hết. Ý niệm nầy đúng là khi nào so sánh nhơn loại trên địa cầu với Đức Thế Tôn, vì Ngài là Người đầu tiên của nhơn loại đắc quả Phật. Mà sự thật là Phật không hề khi nào nói rằng Ngài cao hơn hết. Trong kinh Phật có một câu nầy mà ít ai để ý tới : “Ta đã thành Phật còn ngươi đang thành Phật” . Chúng sanh đều có Phật tánh, sẽ thành những Phật vị lai. Vâng ! đúng vậy. Chúng sanh sẽ tiến hóa tới bực Phật là ngôi vị của Đức Thế Tôn đương giữ ngày nay. Nhưng sự tiến hóa nầy đòi hỏi một thời gian khá lâu. Người thường không tích đức tu hành phải đầu thai đi đầu thai lại cả trăm triệu năm chưa tới mức đó.

Nếu đinh ninh rằng : “Bực Phật là cao hơn hết”, bực chót của đường tiến hóa của con người thì hãy nêu ra hai câu hỏi sau đây :

a) Tại sao trong thời gian cả trăm triệu năm, chúng sanh tiến mà Phật không tiến ?

b) Tại sao Phật ở một chỗ chờ cả trăm triệu năm, sao bánh xe tiến hóa nầy lăn tới bực Phật rồi ngưng lại đó. Rồi cả trăm triệu năm sau nữa, bánh xe tiến hóa khác cũng lăn tới bực Phật rồi ngưng lại đó nữa. Cứ tiếp tục như thế mãi vì sự sanh sanh hóa hóa cứ tiếp nối nhau không nghỉ, không ngừng trong một đại kiếp Manvantara.

Lấy theo Túc Sanh Truyện mà nói : Chẳng lẽ hồn con cua, con cá, biến thành hồn con nai, con voi, sau rốt đầu thai làm người tu tới bực Phật là Đức Thích Ca rồi không đi tới nữa. Ai sanh hồn đó ra rồi làm kỳ lạ như thế ?

Thế nên, tin Phật cao hơn hết là trái với chánh lý.

Nên phá tan những thành kiến cũ kỹ, chúng nó là những kiếng màu đeo vô mắt thì biến đổi sự thấy của con người, làm sai lạc tất cả sự thật.


TẠI SAO PHẬT KHÔNG ĐEM NHỮNG ĐIỀU PHẬT ĐÃ HỌC HỎI

DẠY LẠI CÁC ĐỆ TỬ ?

Điều nầy rất dễ hiểu, các đệ tử giống như học trò lớp ba, lớp nhì, còn Phật là Khoa Trưởng Trường Đại học. Đem những bài của Phật học hỏi giảng lại cho các vị đệ tử nghe thì các vị nầy sẽ ngơ ngác, không biết chi cả, vì không đủ sức lãnh hội.

Tại sao Phật dạy các đệ tử Tứ Diệu Đề và Đạo Bát Chánh ?

Bởi vì Đạo Bát Chánh là phép mầu diệt khổ, ai ai cũng có thể thực hành được, tùy duyên, tùy phận.

Những câu của Phật trả lời cho ông Ma lum ky da bút ta (Maloumkyâboutta) chứng minh điều nầy :

“Ma lum ky da bút ta ơi ! Một người kia bị một mũi tên tẩm thuốc độc. Cha mẹ và thân bằng cố hữu va lật đật đi rước một lương y đại tài tới. Nếu bịnh nhơn nói : Tới chừng nào tôi biết người bắn tôi là Bà la môn hay là Tỷ xá (Vaisyas) hay là Thủ đà la (Chandala) tôi mới chịu bó thuốc. Như thế tánh mạng va sẽ ra thế nào ? Hay là va nói : chừng nào tôi biết người bắn tôi tên chi, họ chi, gia quyến nó sang hay hèn, tác nó bao lớn, cây cung nó dùng ra sao tôi mới chịu cho bó thuốc, thì va lành bịnh hay không ? Va ắt phải chịu chết.

Tại sao Ta không dạy cõi đời vô tận, vô biên hay là nó sẽ hư hoại; sau khi thác rồi Ta còn hay là không còn. Bởi vì sự hiểu biết mấy việc ấy không giúp con người tiến hóa trong đàng đạo đức, bởi vì mấy việc ấy không làm cho con người được giác ngộ và tịnh tâm, tịnh trí.

NHỮNG ĐIỀU NÀO GIÚP CON NGƯỜI ĐƯỢC GIÁC NGỘ VÀ TỊNH TRÍ, TỊNH TÂM, TA ĐÃ DẠY CÁC ĐỆ TỬ RỒI ĐÓ, ẤY LÀ TỨ DIỆU ĐỀ : KHỔ, TẬP, DIỆT, ĐẠO.

Ma lum ky da bút ta ơi ! Bởi vậy cho nên cái chi ta không chỉ bảo thì cái đó hãy ẩn khuất đi, còn cái chi ta chỉ bảo thì cái đó hãy bày tỏ ra rõ ràng.

Đọc bài : “Những lá cây Huê mộc” ta có thể kết luận :

a) Còn nhiều bực cao hơn Phật.

b) Phật không nói những việc siêu hình cho người thường biết vì không ích chi cho sự tu tâm luyện tánh của họ chớ không phải mấy thế giới huyền bí không có.

c) Phật dạy con người tu tắt, không có con đường nào tắt hơn Đạo Bát Chánh nữa. Phật đã khai con sông lớn là Đạo Bát Chánh. Các môn phái sanh ra sau nầy là những con kinh đào theo hai bên bờ sông. Ghe thuyền trong kinh đi được là nhờ nước chảy vô đầy tràn. Không nước sông, kinh cạn, chúng nó nằm một chỗ không đi đâu được cả.

d) Không phải cái chi Phật không có nói là không có thật. Nên phá tan những thành kiến đó đi. Vũ trụ vô tận, vô biên. Phải đọc hết các kinh thánh, những sách văn chương, triết lý, khoa học, mỹ thuật đặng coi chơn lý hiện ra dưới bao nhiêu mặt khác nhau; nó cản đến tánh tình và mở mang trí hóa con người đến bực nào. Như thế mới mở rộng kiến thức và tránh được cái họa mê tín, cuồng tín và dị đoan.

đ) Phật không bao giờ nói : “Không có Đức Thượng Đế, không có hạng Thiên Thần, không có những Đấng Chí Tôn cầm cân tội phước coi sóc sự Luân hồi Báo ứng (không phải các vua Diêm Vương đâu, mấy vị nầy không có thật) v .v . . .

e) Nói cho đúng lý không phải Phật không công nhận Thần quyền mà Phật bảo : Không nên ỷ lại Thần quyền, đừng cầu đảo mà phải tự mình giải thoát cho mình. Phật chặt đứt những dây xiềng xích buộc trói con người vào bánh xe luân hồi.




--------------------------------------------------

CHƯƠNG THỨ NĂM


MƯỜI DÂY XIỀNG XÍCH TRÓI BUỘC CON NGƯỜI VÀO BÁNH XE LUÂN HỒI

(THEO KINH NAM TÔN) SAMYOJANA.

Phật dạy rằng có mười dây xiềng xích trói buộc con người vào bánh xe luân hồi. Phải chặt đứt chúng nó mới vào cõi Niết Bàn được. Chúng nó là :

1.- Sakkkâyaditthi – L’illusion du moi

Phàm nhơn mộng ảo.

2.- Vichikichcha – Le doute ou l’incertitude

Sự hoài nghi hay không chắc ý.

3.- Silabbatapârâmâsa – La supersition

Sự mê tín dị đoan.

4.- Kâmarâga – Passions qui viennent des sens

Dục tình do giác quan sanh ra.

5.- Vyâpada ou Patigha – La collère

Sự giận dữ.

6.- Rouparâga – Le désire de vivre dans un monde de formes

Muốn sống trong cõi có hình dạng.

7.- Arouparâga – Le désire de vivre dans un monde sans formes

Muốn sống trong cõi không có hình dạng.

8.- Mâna – L’orgueil

Sự kiêu căng.

9.- Ouddhatchcha – L’incapacité de sérénité mentale

Cái trí còn xao động.

10.- Avidjdjâ – L’ignorance

Vô minh.


ĐƯỜNG ĐẠO VÀ MỤC ĐÍCH CỦA NÓ

Mười dây xiềng xích nầy mới nghe qua thấy dễ quá, nhưng sự thật là cực kỳ khó khăn. Người đời theo đuổi những công việc làm ăn, còn chìu theo dục vọng, chưa biết tự trị là sao, khi nghe nói đến Phàm nhơn, Chơn nhơn thì không khỏi bật lên những tiếng cười ngạo nghễ vì không hiểu chi cả.

Ít ra biết rằng cõi đời là một cái trường học lớn và mỗi người là một sinh viên. Con người xuống đây, mỗi kiếp phải học cho xong một bài và mở một đức tánh. Nhưng mấy ai làm được việc nầy. Không khác nào những trẻ thơ ham chơi hơn là ham học, con người bỏ mồi theo bóng, không chịu làm bổn phận, cứ nhứt quyết thỏa thích cho kỳ được sự ham muốn của mình, gặp ai cản trở thì oán giận và thù hiềm liền.

Chừng nào đoạt được mục đích rồi thì biết những điều mình ước ao bấy lâu nay không khác nào mây khói. Tưởng là nắm chúng nó trong tay được mãi, không dè chúng nó lỏn đi đâu mất hồi đời nào rồi.

Sè tay ra thì không còn thấy chi cả. Con người khinh thường luật Nhân quả, cho nên phải đầu thai đi đầu thai lại, cả ngàn kiếp như vậy, đau khổ ê chề thì mới chịu tìm hiểu coi mình sanh ra ở cõi trần làm chi đây ? Tới chừng đó con người mới chịu quay về cửa đạo. Vậy thì ta có thể nói những người đi tìm chơn lý là những linh hồn có tuổi tác, đã già rồi và có nhiều kinh nghiệm. Trái lại, những linh hồn còn thơ ấu mới đi đầu thai vài trăm kiếp, rất tham luyến hồng trần, ít chịu nghe theo lẽ phải. Dầu biết đường đạo cũng không thích vô đó.

Đường đạo cũng như cái thang, bắt đầu từ dưới đất lên cõi Niết Bàn. Mục đích của nó là để đào tạo con người trở nên trọn sáng trọn lành trong một thời gian ngắn ngủi, vài chục kiếp, thay vì con đường tiến hóa bình thường phải kéo dài cả trăm triệu năm mới đưa con người qua tới bờ giác, như tôi đã nói khi nãy.

Nó chia ra làm năm bực mà Phật giáo ngày nay kể có bốn bực :

Bực thứ nhứt là : Sotapatti ou Sohan. Bực Tu đà Huờn.

Bực thứ hai là : Sakagadami. Bực Tư đà Hàm.

Bực thứ ba là : Anagami. Bực A na Hàm.

Bực thứ tư là : Arahat. Bực La Hán.


THỜI KỲ CHUẦN BỊ HAY LÀ THỜI KỲ DỌN MÌNH CHO TRONG SẠCH

CŨNG GỌI LÀ CON ĐƯỜNG NHẬP MÔN.

Không phải mỗi người bước vô đường tu hành được vào hàng Tu đà Huờn liền. Đâu có dễ dàng như thế. Ai ai cũng phải trải qua một thời kỳ dọn mình hay thời kỳ chuẩn bị, bởi vì lòng tuy muốn làm những việc lành, việc phải, nhưng thân, ý, trí còn xúi dục thật hành những điều chúng nó ưa thích. Phải sửa trị chúng nó, buộc phải nghe theo mạng lịnh của mình, không vậy chúng nó lôi cuốn mình xuống bùn lầy mắc dính cứng đó [18].

Thời kỳ chuẩn bị rất cần thiết cho tất cả sinh viên Huyền bí học.

Nó gồm có bốn giai đoạn :

Giai đoạn thứ nhứt :

Manodvaravajjana [19] (L’ouverture des portes de l’intelligence

ou peut être la fuite par les portes de l’intelligence).

Mở cửa của trí khôn hay là có lẽ sự thoát ra do những cửa của trí khôn.

Giai đoạn thứ nhì :

Parikamma (La préparation à l’action)

Chuẩn bị đặng hành động.

Giai đoạn thứ ba :

Upacharo (L’attention ou la conduite)

Chủ ý hay là tánh hạnh.

Giai đoạn thứ tư :

Anuloma (L’ordre direct ou la conduite)

Thứ tự trực tiếp hay là liên tục.

I.- Manodvaravajjana. Mở cửa cái trí.

Mở cửa cái trí tức là trở nên khôn ngoan. Nhờ học hỏi và suy nghĩ sâu xa, sinh viên thấy rõ ràng những quyền lợi vật chất dưới thế gian có một cái giá trị tương đối. Chúng nó dùng tạm thời, nhiều lắm là trong một đời người mà thôi. Chúng nó không được vĩnh viễn trường tồn.

Giai đoạn nầy cũng gọi là phân biệt sự chơn và sự giả. Sinh viên phải trải qua một thời gian khá lâu, phải học nhiều bài học khó khăn mới thấy mình tiến bộ. Sự chiến đấu giữa tinh thần và vật chất bắt đầu diễn ra luôn luôn và dữ dội. Con người vấp ngã nhiều lần trước khi bước đi vững. Bước đầu tiên nầy Ấn Độ gọi là : Viveka ou Discernement : Tánh phân biện.


II.- Parikamma. Chuẩn bị đặng hành động.

Trong thời kỳ nầy sinh viên tập tánh lãnh đạm với kết quả những việc lành, việc phải của mình đã làm, nghĩa là làm lành vì chưng mến cái lành chớ không phải trông mong hưởng phước đức hay được tiếng người khen.

Đức tánh thứ nhì là kết quả của đức tánh thứ nhứt. Sinh viên đã thấy cái chơn giá trị của mọi việc, đã thấy cả thảy đều vô thường thì chỉ lo làm bổn phận chớ không còn luyến tiếc hay ước ao cái chi cho mình cả.

Ấn Độ giáo gọi đức tánh thứ nhì là Vairagya étachement, tức là Dứt bỏ, đoạn tuyệt.



III.- Upacharo. Chủ ý hay tánh hạnh.

Trong giai đoạn nầy sinh viên phải tập cho được 6 đức tánh kể ra như sau đây :

1/ Samo : Le calme. La pureté et le calme de la pensée.

Sự yên tịnh. Tư tưởng yên tịnh và trong sạch.

Cái trí của con người rất lao chao, nó tưởng cái nầy rồi bắt qua cái kia. Các hàng Phật tử gọi là Tâm viên ý mã . Đấy là cái Thức chớ không phải là cái Tâm đâu. Phải làm chủ cái trí, tư tưởng mới trong sạch và yên lặng được. Phải biết cách diệt trừ tư tưởng xấu, phải biết định trí và tham thiền mỗi giờ, mỗi phút, nghĩa là trọn đời chớ không phải chỉ trong một khoảng thời gian nhứt định mà thôi. Nói một cách khác là phải kiểm soát tư tưởng luôn luôn, không bao giờ gián đoạn. Kiểm soát tư tưởng là lo xây dựng tương lai và luôn sửa đổi phần số kiếp nầy và kiếp sau nữa. Có ai ngờ tư tưởng là một khí cụ vô cùng lợi hại. Nó làm lành cũng được, làm ác cũng được. Thế nên phải sanh sản những tư tưởng tốt và diệt trừ những tư tưởng xấu. Người ta tưởng cái chi thì sẽ thành cái đó.

2/ Damo. Contrôle des sens et du corps.

Kiểm soát giác quan và thân thể.

Kiểm soát cái trí được thì kiểm soát lời nói và việc làm được, vì luôn luôn người ta tưởng trước, muốn trước và mới nói và làm sau. Có khi người ta vụt làm liền không ngăn cản được, là vì người ta nghĩ tới việc đó mấy tháng trước, mấy năm trước rồi, có khi hồi kiếp trước nữa.

Tư tưởng nầy ghi trong hột lưu tánh phân tử, cũng gọi là phân tử trường tồn (molécule permanente) của cái trí.

Người đời chú trọng về việc làm, trái lại trong đạo đức người ta chú trọng về tư tưởng trước nhứt.

3/ Uparati : Cessation. La meilleure traduction serait une tolérance large, noble et soutenue.

Chấm dứt.( Xin dịch là Sự khoan dung rộng rãi, cao thượng và bền vững.(có lẽ là đúng hơn hết.)

Chấm dứt đây là không còn mê tín và tin dị đoan nữa vì biết rằng : những sự cúng kiến, lễ bái không làm cho tâm con người trở nên trong sạch được, nhưng mà trong những bước đầu tiên chúng nó cũng giúp ích cho con người được đôi chút.

Còn sự khoan dung rộng rãi, cao thượng bắt buộc phải đủ hai điều kiện nầy:

Một là : Thật biết người và biết hoàn cảnh.

Hai là : Hiểu chơn lý.

Thật biết người và biết hoàn cảnh thì mới tha thứ được những việc làm lầm lỗi, sơ sót và những tội lỗi của người gây ra mà cũng không đòi hỏi cái gì quá sức con người. Tùy theo trình độ tiến hóa, mỗi người cố gắng làm tròn bổn phận thì tốt rồi.

Hiểu chơn lý mới khoan dung những tín ngưỡng bất đồng mà ra.

4/ Titiksha : Endurance : Nhẫn nại.

Nhẫn nại đây là bền chí chịu đựng các khổ não do Nhân quả đưa đến, không than van, không rên siết, cũng không oán hờn, không trả thù những kẻ làm hại mình mặc dầu gặp trường hợp tự vệ thì phải tự vệ. Nói tóm lại là vui lòng trả quả.

5/ Samâdhâna : La force d’attention : Sức mạnh của sự chú ý.

Luôn luôn để tâm vào đường đạo, không có sự cám dỗ nào làm cho con người quên được mục đích của mình.

6/ Shraddhâ : La foi. La confiance en son Maître et en soi même.

Đức tin. Sự tin cậy Thầy mình và sự tin cậy mình nữa, tự tin.

Tới giai đoạn nầy sinh viên thấy rằng bấy lâu nay mình thực hành những lời Thầy chỉ bảo, cái kết quả rất tốt đẹp nên đặt hết đức tin vào Thầy mình và cũng tin rằng tới một ngày kia mình đắc đạo thành chánh quả thì cũng sẽ làm được những việc mà hiện giờ Thầy mình đang làm đây.

Giai đoạn thứ ba nầy Ấn Độ giáo gọi là Shatsampatti gồm 6 đức tánh là :

1.- Shâma

2.- Dâma

3.- Uparati

4.- Titiksha

5.- Shraddhâ

6.- Samâdhâna

Ấn Độ giáo để đức tánh Đức tin trước sự Chú ý



IV.- Anuloma. L’ordre direct ou la succession.

Thứ tự trực tiếp hay là liên tục.

Đức tánh thứ tư là qui kết ba đức tánh trước. Tới giai đoạn nầy trong lòng sanh ra sự ham muốn thoát đọa Luân hồi và trở về sống với Thiêng Liêng.

Ấn Độ giáo gọi là Mumukshâ hay là Moumoukshoutva : le désir de la libération : Muốn được giài thoát.

Quí bạn hãy so sánh bốn giai đoạn của thời kỳ chuẩn bị nầy với bốn đức tánh của Ấn Độ giáo và bốn đức tánh kể trong cuốn Dưới Chơn Thầy.

a) Phân biện

b) Đoạn tuyệt

c) Hạnh kiểm tốt

d) Lòng từ bi.

Thì thấy chúng nó giống hệt nhau vì cả thảy đều ở một gốc mà ra. Gốc đó là Thiên Đình, là Quần Tiên Hội. Chúng nó là luật lệ của Thiên Đình ban ra do ý muốn của Đức Thượng Đế.

Luôn luôn chơn lý vẫn một.

Lá xanh ngó trắng bông sen thắm,

Tam giáo xưa nay vẫn một nhà.

Phải có đủ bốn đức tánh kể ra trên đây mới bắt đầu học được Huyền bí học, rồi từ đó đi lần lên cao.