CHƯƠNG THỨ NHÌ

NHỮNG CHUYỆN THẦN BÍ.

Những chuyện Thần bí cũng chia ra làm hai thứ : một thứ ở ngoài và một thứ ở trong mình.

Thứ ở ngoài là những sự cám dỗ của Ma vương, điều đó các hàng Phật tử đều biết.

Thứ ở trong là những thần thông biến hóa, tôi chỉ nói tới tài phép của Đức Phật và các đệ tử mà thôi.

1.- Chuyện Thứ Nhứt.

PHẬT BAY QUA SÔNG.

Khi tìm được đường giải thoát cho chúng sanh rồi thì Đức Phật liền đi Bê na rết (Bénarès); tới sông Hằng, Phật kiếm anh lái đò xin nhờ anh đưa qua bờ bên kia. Anh lái đò bằng lòng với điều kiện là phải trả tiền đò. Phật đáp : “Ta không có tiền”. Nói rồi Ngài bay qua sông.

(Đời sống của Đức Phật do theo kinh sách của cổ Ấn Độ - trương 105).

2.- Chuyện Thứ Nhì.

PHẬT BAN PHÉP LÀNH CỨU KHỔ CỨU NẠN.

PHẬT CỨU CÔNG CHÚA VIROUPA.

Trong cuốn “Đời sống của Đức Phật” có thuật hai lần Phật ban phép lành cứu khổ cứu nạn; lần thứ nhứt cho Công chúa Viroupa, con của Ba sê na đi (Ba tỉ nặc), lần thứ hai cho Kala, em của Ba tỉ nặc.

Vua Ba tỉ nặc (Ba sê na đi) có một người con gái tên Viroupa, mặt mũi xấu xí lắm. Đã đến tuổi có chồng rồi mà không có một vị Vương Tôn nào dám đến hỏi. Vua mới lập thế gả Công chúa cho một người đại thương gia tên Ganga mới tới lập nghiệp tại Çravasti.

Hôn lễ cử hành trong lúc ban đêm cho nên Ganga không biết mặt vợ. Sáng ra Ganga thấy Công chúa giống như Mẫu dạ xoa nên đâm ra hoảng hốt. Nhưng không dám đuổi Công chúa đi vì sợ vua cha bắt tội chém đầu. Chàng nhứt định nhốt Công chúa trong nhà, mặc dầu viện lẽ gì cũng không được ra khỏi cửa. Công chúa hết sức chìu chuộng chồng, nhưng Ganga không đoái hoài tới. Một bữa kia, bằng hữu Ganga tổ chức một bữa tiệc rất lớn, những khách tới dự phải dắt vợ theo, không thì bị phạt 500 đồng vàng. Ganga ra đi một mình.

Công chúa ở lại nhà buồn rầu tủi hổ bèn treo cổ tự vận.

Lúc ấy Phật ngự tại vườn Kỳ Viên. Ngài mới tự hỏi : “Hôm nay những ai ở Çravasti đương đau khổ; ta phải tế độ ai ? Cứu vớt ai ? Ngài dùng huệ nhãn xem xét thì thấy Công chúa Viroupa đương lâm nguy. Ngài bèn bay lại nhà Ganga, cắt dây đem Công chúa xuống. Công chúa tỉnh lại dòm chung quanh thấy Phật thì biết bèn lạy tạ ơn cứu mạng. Phật bảo : “Viroupa , con hãy lấy kiếng soi mặt”. Viroupa vâng lời. Nàng bèn la lên một tiếng, mừng rỡ vô cùng. Nàng đẹp như Tiên Nga. Nàng muốn tôn kính Đức Phật nữa nhưng Ngài đã biến mất.

(Đời sống của Đức Phật do theo kinh sách của cổ Ấn Độ trương 202).

3.- Chuyện Thứ Ba.

PHẬT SAI ANANDA ĐI CỨU KALA BỊ CHẶT TAY CHƠN.

Vua Ba tỉ nặc (Ba sê na đi) có một người em rất đẹp trai tên Kala. Một hôm Kala đi ngang qua vườn Ngự Uyển gặp một bà phi của vua Ba sê na đi thảy cho một vòng hoa. Mấy vị đạo sĩ hay tin nầy bèn vô tâu với vua rằng Kala muốn quyến rủ Hoàng phi. Vua nghe qua nổi trận lôi đình sai tả đao bắt Kala đem chặt tay chơn. Kala kêu oan thế nào cũng không được. Bằng hữu Kala biết Kala vô tội nên thương xót vô cùng. Vừa gặp một đạo sĩ đi qua, họ bèn nói : “Xin Ngài dùng thần thông cứu Kala. Ngài cũng biết Kala không làm điều trái nghịch luân thường”. Đạo sĩ nói : “Kala tin Thích Ca thì để Thích Ca cứu va”. Kala bèn kêu lên : “Tại sao Đức Thế Tôn không thấy sự đau khổ của tôi. Hãy tôn sùng Đức Phật. Ngài đã trừ được dục vọng. Ngài rất thương xót chúng sanh”.

Bỗng chốc Ananda hiện đến trước mặt Kala và nói : “Kala, Đức Phật dạy tôi một câu chơn ngôn để cứu anh”. Nói rồi niệm chú, tay chơn Kala lành lẽ như xưa. Kala bèn nói : “Từ đây tôi phụng sự Đức Phật luôn luôn. Dầu Ngài sai tôi làm những việc hèn hạ thế mấy đi nữa tôi cũng vâng lời Ngài”. Kala bèn tới vườn Kỳ Viên. Phật bèn thâu Kala làm đệ tử.

(Đời sống của Đức Phật do theo kinh sách của cổ Ấn Độ trương 195).

Mới nghe qua thì dị đoan hết sức nhưng mà đời nay cũng có những việc tương tợ như thế.

Nhớ lại từ 45 hay 50 năm về trước, lúc nào ôn dịch thạnh hành thì người ta cầu ông lên; ngồi nghinh, xiêng quai, cầm dao yếm chém ngược ra sau lưng liền liền nghe bịch bịch mà không thấy chảy máu. Tắm dầu sôi, đi hỏa than. Có khi cắt một khúc lưỡi vẽ bùa. Xong rồi đâu hai khúc lưỡi lại, dán vàng bạc lên, lưỡi dính liền như cũ, vài bữa lành. Khi rút cây sắt ra, chỗ bị đâm có quần đỏ, không chảy máu, dán bùa lên ít ngày thì không còn dấu vết, không bao giờ làm độc. Thuở đó mấy người Pháp cũng cho là chuyện phi thường.

Trọn hai năm,1910 và 1911 có lần tại quận Tịnh Biên (Châu Đốc) rộn lắm, mỗi ngày đều có vài người chết về bịnh dịch tả.

Tôi đã thấy “Ông”, ngồi nghinh, xiêng quai, lấy dao rạch lưỡi phun máu vẽ bùa. Mấy ông hương chức và những người khiên kiệu dọn đường hò hét, không cho đàn bà con gái ra ngoài dòm ngó vì sợ ô uế.

Chắc chắn có nhiều vị lão thành trong nước từ 58 tuổi sấp lên đã chứng kiến mấy việc nầy. Nói ra dường như nói láo, mà sự thật như thế đó.

Đây thuộc về những hiện tượng siêu hình như thư da trâu, thư gạo, cất nhà trong bụng, quỉ nhập tràng v. v. . . Không lấy những luật vật lý ở cõi trần mà cắt nghĩa được.

Ngạn ngữ Pháp có câu “Savoir c’est pouvoir” “Biết thì làm được” thật đúng lắm vậy.

Nhơn đọc báo Sài Gòn Mai số 700 xuất bản ngày Chúa nhựt 7 và thứ hai 8-4-63 nơi mục “Thế giới siêu hình”. Phóng sự sưu tầm của Hoàng Ly thấy có bài “Xiên Lình” tôi xin mạn phép trích đoạn trong bài đó ra đây đặng cho quí bạn xem.

XIÊN LÌNH

Những chiếc dùi nhọn hoắc xiên dọc xiên ngang khắp mặt mày, cả chùm móc sắt cắm loái sau lưng, dùi móc đều to như lưỡi kiếm tay xiên sâu vào da thịt. Không rỏ qua một giọt máu !

Lúc xiên lình cơ thể con người như đã thoát ra ngoài những định luật về vật lý và như có một vạn năng vô hình nào đã chế biến thịt da thành cao su dẻo. Đây ! Mời các bạn vào sâu “Thế giới xiên lình” kỳ dị từ Á sang Phi.

. . . Tôi ngó xuống ngực, biến sắc vì chỗ lình vừa rút ra, để lại một vết thép đâm, và có một giòng máu từ trong ứa ra đỏ lắm.

Khán giả cả kinh, giương mắt tròn xoe, người bạn Nam Phi của tôi không nén được tiếng kêu lo ngại.

Trời, sao thế nầy ! Bạn tôi có sao không ?

Khalifa nghiêm sắc mặt, nhìn mọi người, chẫm rãi nói : “Ông bạn nầy còn yếu đức tin At La ! Miệng nói tay trỏ ông đặt luôn lên vết thương day nhẹ mấy cái, tay kia cầm khăn lau giòng máu chảy trên ngực tôi. Khi ông ta bỏ ngón trỏ ra, cả tôi lẫn khán giả tưởng mình mê ngủ vì . . . trên ngực tôi vết lình vừa đâm đã biến sạch, da thịt đã liền vào như vừa có phép mầu ban lại.

Vết thương ! Trời ! Vết thương đâu rồi ! Rõ ràng vừa đây còn sâu hỏm, máu ra mà !

Có thể thế được ư ! Kìa ! da thịt ông ta đã liền vào như trong thần thoại . . .

Đến lượt cô gái da trắng để Khalifa xiên lình qua cặp má hồng !

-------------

. . . Đứng ngoài, đám khán giả chúng tôi nhìn mũi lình nhọn hoắc đặt trên làn da mịn như nhung tơ, lòng không khỏi bồi hồi lo ngại.

Khalifa bất thần ấn mạnh tay lình một cái, rồi cứ thế từ từ đẩy mãi.

Mũi lình cắm sâu vào má nàng, một đốt tay, rồi cả nửa gang tay, thoát cái đã thấy má bên kia phập phồng nhấp nhô, rồi mũi lình từ từ chui ra tới hơn đốt tay mới đứng lại.

Cây thép đã đâm qua cặp má hồng. Tôi chăm chú quan sát sắc diện cô ta, tuyệt nhiên không thấy vẻ chi đau đớn, vẫn tươi tỉnh như thường, cặp mắt long lanh sáng ngời tin tưởng.

Khalifa lại chọn cây lình lớn, xiên từ má bên kia sang. Rồi có lẽ đã tin tưởng nhiều về đức tin của cô gái da trắng nầy, ông ta quơ luôn hai ba cái móc cắm loài luôn vào hai bả vai của nàng.

Cô ta như sai lình, mặt nàng đỏ gay, cứ để mặc cho Khalifa xiên dọc, xiên ngang. Và thân nhân cô ta chỉ còn nước tắt thở, đứng im xem trò thí nghiệm nổi da gà.

Mãi tới lúc cô ta sắp biến thành con dím lủng lẳng đầy lình, Khalifa mới ngừng tay xiên và từ từ rút ra từng cái một.

Cả chục chỗ thép đâm, không chỗ nào rỉ máu, lình rút đến đâu da thịt cô gái trắng nầy như liền ngay đến đó, rõ ràng có thứ gì huyền bí nhiệm mầu đã khiến xác thịt cô ta bỗng chốc thoát ra ngoài định luật về vật lý !

Đức tin cô ta cao lắm, At La đã giúp cô vượt qua thử thách khó khăn.

Khalifa cất tiếng khen và còn xiên thử cho hai kẻ nữa. Có một chàng trai lình vừa đi vào đã kêu oải oải, còn tệ hơn tôi, nhưng cũng như lần trước, Khalifa chỉ xoa nhẹ lên chỗ đó, da thịt lại như thường.

Đọc bài nầy ta thử tự hỏi “nếu một người thường chỉ xoa nhẹ ngón tay lên vết thương mà da thịt liền lại, thì Đức Phật, một Đấng Chí Tôn quyền năng phi thường, há không có phép làm lành tay chơn được sao ?”

4.- Chuyện Thứ Tư.

PHẬT ĐẤU PHÉP VỚI CÁC ĐẠO SĨ.

Vua Ba tỉ nặc (Ba sê na đi) cho cất một cái phòng rộng lớn đặng Phật đấu phép với các vị đạo sĩ.

Đúng ngày kỳ hẹn, sáng sớm vua ngự đến phòng thì mấy vị đạo sĩ đã có mặt ở đó rồi. Họ ngó nhau cười. Một vị nói : “Tâu Bệ Hạ ! Chúng tôi tới trước. Không biết người mà chúng đợi sẽ đến hay không?”

Đức vua bèn nói : “Quí vị chớ nên nhạo báng. Quí vị đã biết rằng Phật mới sai đệ tử của Ngài đến cứu em tôi là Kala bị tôi hành tội rất oan ức. Biết đâu Ngài đã có mặt tại đây rồi”. Vua vừa dứt lời thì hào quang rực rỡ bao phủ cái phòng. Phật hiện ra giữa những lằn hào quang chói sáng, sau lưng là hai đệ tử Ananda và Kala. Ananda cầm một cái bông đỏ. Kala thì cầm một cái bông vàng; tại vườn Thượng Uyển Çravasti không hề có những bông đẹp như hai cái bông nầy. Vua rất bái phục. Mấy vị đạo sĩ không cười nữa. Họ mắc cỡ cúi đầu xuống vì thấy vua tỏ dấu khinh bỉ họ.

Bỗng chốc nóc nhà biến mất. Phật hiện lên trên không rồi bay một vòng từ đông sang tây.

(Đời sống của Đức Phật do theo kinh sách của cổ Ấn Độ trương 196 – 197).

5.- Chuyện Thứ Năm.

PHẬT ĐẬP NÁT CÁI BÁT BẰNG BẠCH ĐÀN.

Djotichka, con của Subadra, là một vị phú hộ ở Vương Xá Thành (Rajagriha), ông đem một cái bát bằng bạch đàn nhận châu ngọc rất quí để trên chót vót một cột trụ cao, và ở dưới treo một tấm bảng có mấy hàng chữ “Thầy Sa Môn nào không dùng thang, không dùng móc mà chỉ dùng thần thông lấy được cái bát, xin cái chi ta cúng dường cái nấy.

Ma ha Ca diếp (Maha Kasyapa) hay được, tới trước cây trụ, chắp tay lại, cái bát liền rớt xuống nằm trên tay. Ngài đem cái bát về tịnh xá. Thiên hạ tới trước mặt Phật khen ngợi rằng đệ tử của Ngài là Ma ha Ca diếp phép tắc cao cường. Phật hay tin nầy xách gậy lại tịnh xá đập nát cái bát và cấm đệ tử dùng phép thần thông đặng khoe khoang.

(Phúc Âm của Đức Phật trương 129)

(Evangile du Bouddha page 129 par Carus).

6.- Chuyện Thứ Sáu.

CHULLAPANTHAKA HÓA PHÉP PHÂN THÂN.

Một bữa Phật sai một vị tín đồ tới tịnh xá đòi Chullapanthaka (một vị La Hán) đến cho Ngài dạy việc. Vị tín đồ tới tịnh xá gặp 300 vị tỳ kheo giống hệt nhau như khuôn đúc, vị nào cũng nói tôi là Chullapanthaka cả.

Không biết làm sao, vị tín đồ mới trở về bạch với Phật tự sự. Phật bèn dạy : “Người trở lại tịnh xá, gặp người đầu tiên xưng mình là Chullapanthaka thì cứ nắm tay dẫn về đây”.

(Giảng lý Pháp Cú – Commentaires sur Dhammapada – Catéchisme bouddhique par Colonel Olcott page 127).

7.- Chuyện Thứ Bảy.

XÁ LỢI PHẤT DÙNG THẦN NHÃN

THẤY NHỮNG SANH VẬT TRONG NƯỚC.

Xá Lợi Phất dùng thần nhãn dòm vô bầu lọc nước của Ngài thấy có nhiều sanh vật vì bình lọc của Ngài chưa được tinh vi. Ngài đành chịu chết khát chớ không uống nước. Phật hay vậy bèn nói : “Con kính trọng sanh mạng mà vì đó con sát hại sanh mạng”. Từ đó Phật cấm đệ tử dùng thần nhãn xem nước uống, phải xem bằng con mắt thường mà thôi.

Beal Catena 56

La Morale Bouddhique par Louis de la Vallée Poussin, page 56.

Luân lý đạo Phật trương 56.

NHỮNG PHÉP THẦN THÔNG CÓ THẬT HAY KHÔNG ?

Tôi dám quả quyết có thật. Phép thần thông là những quyền năng còn tiềm tàng trong thân thể con người. Biết cách mở chúng nó thì dùng được chớ không có chi lạ.

Trong cuốn : Những văn tập nguyên thủy của Phật giáo trương 71 (Les Ecrits primitifs du Bouddhisme par Eiward J. Thomas) có nói về bốn phép thần thông như sau đây :

Les 4 pouvoirs psychiques

1- Oreille dinine – Thiên nhĩ.

2- La lecture du mental - Đọc trong tư tưởng.

3- Connaissance des existences passées - Biết được kiếp trước.

4- Vision divine - Huệ nhãn.

Kinh phái Nam Tôn gọi phép thần thông là Iddhid, còn Bắc Tôn là Siddhis. Phương pháp luyện phép thần thông có chỉ trong cuốn Kinh Visuddhis Mârga. Khoa luyện phép thần thông gọi là Iddhi Vidhanâna.

Có hai phương pháp :

Phương pháp thứ nhứt gọi là Lankika, dạy người ta dùng ngải nghệ, bùa chú, thuốc men v.v. . . Cái hiệu quả tạm thời vì người ta nhờ những viện trợ ở ngoài.

Phương pháp thứ hai gọi là Lokottara, dạy người ta mở những quyền năng còn tiềm tàng trong thân thể con người nhờ sự Thiền Định (Dhyâna). Luyện được thì thần thông rộng lớn và không hư hoại.

Đức Phật có 80 vị đệ tử phép tắc cao cường, đứng đầu là Mục Kiền Liên (Mogallâna). Kế đó là Ma ha Ca diếp, Xá Lợi Phất, Kiều Trần Như . . . , trọn 25 năm Ananda không có một phép nào cả.

Sau khi Phật bỏ xác rồi Ananda mới thành công trong lúc Phật giáo nghị hội lần thứ nhứt tại động Sattapanni. Chúng ta có thể nói những việc kể trước đây đã xảy ra 2.500 năm, thành ra xưa rồi, không ai kiểm soát được.

Bây giờ xin nói những chuyện Thần bí trong đạo Phật ở thời cận kim và hiện đại.

NHỮNG CHUYỆN THẦN BÍ Ở THỜI CẬN KIM VÀ HIỆN ĐẠI.

Xác của Đức Huệ Năng, xác của Đại sư Hán Sơn, xác của Đại sư Đơn Điền khô rom và để thờ trong chùa bên Trung Hoa đã mấy trăm năm rồi giống như thây ướp bên Ai Cập.

Mới đây, năm 1959, xác của Từ Hàng Đại Sư chôn đã 5 năm rồi mà không rã, người ta mới đem di hài sơn son thếp vàng thờ tại một ngôi chùa cất trên đỉnh đồi Cơ Lung ở Đài Bắc (Đài Loan).

Nhưng chẳng riêng gì ở Trung Hoa, bên Tây Tạng cũng có những trường hợp như thế. Mấy chuyện nầy thuộc về chuyện Thần bí hay không bởi vì chúng nó nghịch hẳn với những luật tự nhiên bắt buộc các thứ thây, dầu thây con người hay thây thú vật, nội trong ba ngày cũng phải bắt đầu tan rã.

Nếu cho rằng mấy vị ấy có phép luyện riêng thì phép đó có thuộc về huyền bí không ? Ngày nay nói đến việc có thần nhãn, tiếng Pháp gọi clairvoyance astrale, vision astrale, seconde vue, sixième sens (theo ông Charles Richet là quan thứ sáu) thì những nhà Âu Mỹ không còn cho là lạ lùng nữa vì đã thường thấy nhiều người có thần nhãn rồi. Xin đọc những cuốn sau nầy : Le sixième sens của ông Charles Richet. La clairvoyance par Leadbeater. Le troisième œil par Lossang Rampa (Lanna).

Madame Fraya m’a dit par Simone Tervagne (Edition Adyar) và mới đây những bài trong báo Dân Chúng nói về bà Fraya, ông Croiset, Trạng Nguyễn, ông sãi cả Pramo Sarnin v.v. . .

Đời nay cũng có nhiều người có những phép thần thông như thuở xưa. Tôi xin thuật hai chuyện thôi.



CHO CHÔN SỐNG DƯỚI ĐẤT.

Nhiều vị đạo sĩ Dô Ghi (Yogui) kiểm soát được các cơ quan trong mình một cách hoàn toàn. Họ muốn cho trái tim nhảy thì nhảy, ngừng thì ngừng mà họ không chết. Họ cho đem chôn sống họ trong một thời gian từ vài tháng cho đến vài năm, tùy theo công phu luyện tập. Đào lên họ sống dậy.

Có người nằm trong hòm kiếng để cho thiên hạ đến coi. Các báo Âu Mỹ đã đăng nhiều sự thí nghiệm như thế rồi.



BỊ CHÔN SỐNG DƯỚI ĐẤT TRÊN HAI NGÀN NĂM MÀ KHÔNG CHẾT.

Trong cuốn “Les mystères de l’Etre” (Những sự mầu nhiệm của con người ) trang 289, ông Đốc Tơ Ely Star có thuật lại chuyện nầy hết sức kỳ lạ.

Tôi xin dịch tóm tắt như sau đây :

Năm 1898 trong một thành phố nhỏ kia bên Thiên Trước, có một cái đường rộng, song vắn quá, vì bị cái chùa nhỏ chận ngang đường.

Chánh phủ Anh nhứt định nối con đường đó cho dài ra, nhưng muốn cho công việc hoàn thành thì phải phá cái chùa ấy rồi cất lại một bên.

Sau khi cho ông Sãi già ở giữ chùa đó hay lịnh của Chánh phủ rồi, viên kỹ sư sai dân phu thi hành phận sự.

Lúc đào tới nền, người ta gặp một cái tháp nhỏ ở dưới đất ngay chính giữa chùa. Có một cái cửa vô tháp, song bị lấp kín hồi đời nào. Ông kỹ sư coi sóc công việc đó mới dạy phá một phía vách tường rồi Ngài đích thân cầm đèn bin (pile) vô tháp xem coi. Ngài thấy chính giữa có một cái hòm đựng một cái xác người giống như thây ướp để dành vậy (momie). Ông kỹ sư mới kêu ông Sãi già lại xem. Ông Sãi nầy lại xem coi kỹ lưỡng rồi mới nói với viên kỹ sư : “ Ngài lầm rồi, không phải cái xác chết ướp đâu. Ngài hãy coi : con mắt, lổ tai, lổ mũi đều bịt sáp, cái miệng còn có vải băng. Tôi dám chắc người nầy chịu cho người ta thử mình.

Đối với người Âu Châu thì sự nầy lạ lùng; còn đối với chúng tôi thì cũng như giấc ngủ thường vậy. Người nầy không chết đâu”.

Viên kỹ sư sửng sốt mới nói : “Ông giả ngộ sao chớ !” Ông Sãi bèn đáp : “Không, tôi không giả ngộ với ông đâu. Chúng tôi dám quả quyết với ông rằng :“Người nào chịu cho thí nghiệm như vậy không có chết đâu, mà dầu va có chết là tại ý va muốn đó thôi.

Xác va ở trong và ở ngoài đã rữa hết các sự nhơ bợn rồi. Người ta nhét sáp vào lổ tai, lổ mũi và con mắt đặng đừng cho sâu bọ chun vào, trước khi bịt miệng người ta uốn lưỡi lên ổ gà. Nếu quả người ấy chết, khi Ngài phá hòm ra thì Ngài sẽ thấy một bộ xương trắng mà thôi”. Đứng trước những câu trả lời hữu lý đó, viên kỹ sư lấy làm bối rối hơn nữa. Ngài mới hỏi ông Sãi :
“Ông tưởng mấy phép cúng kiến của mấy ông có thể làm cho người nầy sống lại được chăng ?”

- “Tôi tin chắc như vậy. Nếu ông cho phép, tôi sẽ thưa với các Đấng bề trên của tôi coi các Ngài định đoạt như thế nào rồi tôi sẽ cho ông hay”.

Vài ngày sau các vị Trưởng lão trong chùa lớn ở gần đó tựu lại rồi người ta làm một cái lễ rất long trọng. Sau khi phá hòm một cách kỹ lưỡng, người ta mới đem cái xác đó ra ngoài. Quần áo của cái xác đều tan rã ra tro bụi. Người ta mới dùng một thứ dầu riêng đặng gỡ sáp ở lổ mũi, lổ tai, con mắt và lấy luôn miếng vải bịt miệng nữa. Xong rồi mới ngâm cái xác ở trong bồn nước thơm và ấm.

Ông Sãi cả (Grand Lama) đứng đọc lớn những câu thần chú đặng trục hồn người đó về nhập xác. Trọn 12 giờ đồng hồ làm như vậy cái xác có mòi sống dậy, cái kiếng để trước miệng thấy hơi bay ra.

Ông Sãi cả rán sức hơn nữa, Ngài để tay trên trán và trên ngực cái xác. Trong giây phút cái xác mở mắt ra dòm những người đứng chung quanh coi bộ lấy làm lạ lắm, dường như muốn hỏi thăm điều chi vậy. Nhờ đọc những chữ viết trong tấm lá buông (papyrus) để trong hòm, người ta mới biết anh nầy xuất hồn trên hai ngàn năm từ đời vua A Lịch Sơn Đại Đế (Alexandre le Grand). Có lẽ lúc anh nhập định, xứ anh bị loạn lạc, người ta lo chạy giặc nên quên phứt anh đi. Sau khi sống dậy, anh mới nghe theo các vị Đại sư vô ở chùa lớn gần đó. Trong hai năm phục hồi các năng lực và học tiếng bổn xứ rất làu thông. Anh thuật chuyện lại thì cũng giống in những chữ viết trong tấm lá buông cũ rích đó. Ngày kia anh lại nói với ông Sãi cả rằng anh ở trần tục buồn quá, xin để cho anh đi. Người ta bằng lòng. Đúng ngày kỳ hẹn các sãi tựu hội lại. Anh đứng trên nóc chùa, vấn một tấm da chiên trắng nõn, cột một sợi dây lưng bằng lông lạc đà rất dài. Sau khi từ giả các đạo hữu, anh niệm thần chú rồi quăng sợi dây lưng lên trên không, sợi dây nầy bay lên cao mãi rồi rút anh lần lần vô trong đám mây mù. Anh ra dấu từ giả lần cuối cùng rồi trong giây phút mất tăm dạng.

Những tấm lá buông, sáp và vải bịt miệng nhờ có nhúng một thứ nước thuốc nên không bao giờ mục, mấy ngàn năm cũng không hề hư hoại. Những hột lúa mì để trong hòm vua Pharaon trót 5.000 năm đem ra gieo xuống đất cũng mọc lên cây lúa và trổ bông sanh quả như thường. Nếu quí bạn cho chuyện của đạo sĩ nầy là dị đoan thì trong đạo Phật còn một chuyện dị đoan hơn cả trăm lần chuyện nầy nữa, ấy là :

CHUYỆN CỦA MỘT VỊ ĐỆ TỬ­ CỦA ĐỨC PHẬT CA DIẾP “KASYAPA”

BAY BỔNG LÊN TRỜI

(Do Đức Trần Huyền Trang thuật lại)

Gần Oucha có ngọn núi cao luôn luôn mây mù bao phủ, trên đó có một cái tháp. Người ta thuật sự tích như sau đây :

Mấy trăm năm trước, một bửa kia giông mưa nổi dậy, sấm sét ầm ầm, trời đánh sụp đổ một góc núi. Người ta mới lại đó xem thì thấy một người ngồi xếp bằng nhắm mắt lại. Hình thù cao lớn, da thịt khô rom, râu dài thậm thượt, tóc phủ tới vai và bao trùm cả mặt mày. Đức vua hay tin, bèn tới đó xem và kính cẩn vái chào ông ấy rồi Ngài mới hỏi dân chúng : “Ai đó vậy?”

Các nhà tu hành đáp : “Tâu Hoàng thượng ! Ông ấy mặc áo cà sa, râu dài, tóc bay phất phơ, ấy là một nhà sư tham thiền nhập định. Người nào nhập định như thế, thì ở trong một trạng thái không nhứt định được một thời gian bao lâu, nhưng xác thân không chết và cũng không hư hại. Người thì nói phải đánh chiêng khánh lên cho Đức Ngài nghe, người thì nói phải nhờ vào ánh sáng mặt trời dọi vào mặt thì Đại Đức mới tỉnh lại liền, nhưng xác thân ngài sẽ ngã ra chết tức tốc. Vậy thì trước hết phải lấy bơ và dầu thoa đánh cùng mình đặng tay chân mềm dịu lại rồi tụng kinh trục hồn về. Vua khen phải. Sau khi làm y theo phép thì đại đức mở mắt ra, làm thinh một hồi lâu rồi mới hỏi lớn : “Mấy anh là ai, mà hình thù nhỏ bé như vậy”. Một nhà sư đáp : “Chúng tôi là những tăng lữ như Ngài vậy”. Đại Đức bèn hỏi nữa : “Thầy tôi là Đức Phật Ca Diếp (Kasyapa) bây giờ ở đâu ?” Người ta đáp : “Đức Phật Kasyapa nhập Niết Bàn đã lâu lắm rồi” – “Còn Đức Thích Ca Mâu Ni đã đắc quả Phật chưa ?” - “Đức Thích Ca đã thành đạo và sau khi khai sáng cho đời Ngài cũng tịch diệt rồi”. Nghe qua Đại Đức liền hét lên một tiếng đau thương. Ngài bèn nâng mái tóc rồi bay bổng lên trên không. Ngài vận dụng thần thông, tức thì thân hình Ngài biến thành một bầu lửa đỏ, còn xương cốt thì rớt xuống đất từng mảnh. Vua mới lượm đống xương này rồi đem chứa trong một cái tháp xây lên tại chỗ đó.

(Cuộc hành hương của một nhà sư Trung Hoa nơi đất Phật – Voyage d’un pellerin chinois dans l’Inde du Bouddha – par Henri Valentino page 225).

Đức Phật Kasyapa trước kia là một vị Thượng Tiên ở bầu Kim Tinh (Vénus) qua giúp nhơn loại ở địa cầu mình. Ngài là Đức Bồ Tát của giống dân thứ ba, giống Lê-mu-ri-den (Lémurien) tổ tiên của giống da đen bây giờ.

Khi giống thứ tư là giống Ắt-lăn (Atlantes) tổ tiên giống da vàng sanh ra được ít lâu (người ta biết giống thứ tư sanh ra đã tám triệu năm rồi) thì đức Kasyapa giao quyền Bồ Tát cho Đấng Chí Tôn mà mình gọi là Đức Thích Ca. Ngài xuống thế dạy đạo một lần chót sau khi đắc quả vị Phật. Nếu Đức Phật Kasyapa là thầy của Đại Đức thì Đại Đức phải nhập định cả triệu năm rồi. Thật là quá sức tưởng tượng của con người : Thế thì trong hai trường hợp mới kể ra đây, trường hợp nào phi thường hơn, dị đoan hơn, có thể nói cả ngàn lần chớ không phải cả trăm lần mà thôi.

ĐI HỎA THAN

Năm 1938, tại Luân Đôn, kinh đô nước Anh, các nhà thông thái, các nhà bác học có tổ chức một cuộc đi hỏa than.

Người chịu cho thí nghiệm là một vị giáo sĩ quê ở Cachemire tên Kudabux. Đạo sĩ mình trần chỉ vận một tấm vải, đi qua đi lại, đi tới đi lui trên lửa than. Một chập bước ra không bị phỏng và tấm vải cũng không bị xém.

Lần sau đạo sĩ không đi mà đứng sửng trên than hồng. Đạo sĩ lấy một tấm nỉ trải trên lửa đỏ mà nó cũng không cháy. Đạo sĩ vẫn như thường. Khoa học vật chất không bao giờ cắt nghĩa nổi mấy việc nầy vì chúng nó thuộc về Huyền bí học.