Những chuyện Thần Quyền và Huyền Bí trong Đạo Phật

tác giả Bạch Liên


VÀI LỜI NÓI ĐẦU


Kính thưa chư quí độc giả thân mến.

Những chuyện tích trích trong sử sách Phật mà tôi kể ra sau đây không lạ chi với các hàng Phật tử và các vị đã nghiên cứu Phật giáo. Tôi chỉ giải thích nó dưới một hình thức khác hơn ý nghĩa thông thường mà thôi.

Điều nầy không có chi gọi là lạ, bởi vì Chơn lý hiện ra nhiều mặt, mỗi người nhận thức một mặt khác nhau tùy theo trình độ tiến hóa của mình.

Chơn lý ở khắp nơi. Trên trời, dưới đất, giữa không trung, trong mình con người, thú vật, cây cỏ, sắt đá đều có Chơn lý ẩn tàng. Nó cũng hiện ra trong văn chương, mỹ thuật, khoa học chớ không phải riêng gì Tôn giáo mà thôi.

Bây giờ ta hãy nêu ra câu hỏi nầy. Tại làm sao con người khát khao Chơn lý mà phải đi tầm nó ? Nó đem lại hạnh phúc gì cho con người ?

Giải ra thì dài dòng lắm. Tôi xin nói tóm tắt rằng : Ta phải tìm Chơn lý để hiểu biết vì duyên do nào con người sanh ra trên cõi trần nầy ? Thật sự con người có phải là xác thân nầy không ? Con người phải làm những gì và phải tránh những gì ?

Nếu con người sanh ra, lớn khôn, lo học tập đặng lập thân danh và gia đình, rồi già, kế chết; mà chết rồi thì hết chuyện thì cuộc đời không có mục đích gì cả.

Bởi con người chưa nhận thấy được mục đích thật của cuộc đời cho nên mới có những việc xô xát nhau, hà hiếp nhau, sát hại nhau, chỉ vì bã vinh hoa phú quí, miếng ăn, đất ở, chỗ đứng, nơi ngồi, để chung qui cũng nắm hai tay trắng mà xuống mồ. Con người sống trong giấc mộng mà không ngờ chút nào, mà cũng không dè mình còn tồn tại đây chẳng những nhờ vật thực mà cũng nhờ Chơn lý nữa.

Chơn lý đã hữu ích như thế thì ta phải tìm nó ở đâu ? Hiện giờ ta không thể nương theo khoa học vì khoa học chưa nói tiếng chót.

Ta quay về Tôn giáo thì ta lại càng thêm thất vọng. Tôn giáo không thể giải thích nổi những sự ta đang thắc mắc đây, không làm cho ta được hài lòng. Tôn giáo dạy chúng ta phải :

Lánh những việc ác

Làm những điều lành

Lo rửa lòng cho trong sạch.

Thử hỏi làm mấy việc nầy ích lợi gì ?

Người ta sẽ bảo : “Có thế mới hưởng hạnh phước kiếp sau và thác rồi khỏi sa Địa ngục”.

Cứu cánh tôn giáo chỉ có thế thôi ư ?

Phải chăng tôn giáo đã mất chơn truyền rồi nên không hiểu rằng việc tu tâm luyện tánh có một mục đích cao siêu hơn nữa, ấy là giúp cho con người học được khoa Huyền bí học. Khoa nầy dạy lý do sanh hóa một Thái dương hệ và chỉ phương pháp cho con người luyện mình đặng trở nên trọn sáng, trọn lành trong một thời gian ngắn ngủi, trước hạn kỳ của cơ trời đã định sẵn. Trong tôn giáo người ta gọi khoa nầy là “Mật” hay là “Hình nhi thượng học”.

Thuở xưa hồi mới ra đời, mỗi tôn giáo lớn như Ai Cập giáo, Ấn Độ giáo, Phật giáo, Thiên Chúa giáo, đều có khoa Hình nhi thượng học để đào tạo những bậc Thánh nhân, Hiền Triết. Ngày nay khoa Hình nhi thượng học trong các tôn giáo không còn nữa. Vì lý do nào ? Người học đạo đều biết nhưng không tốt chi mà đem nói ra tất cả những sự thật về mấy việc ấy. Luôn luôn chúng ta chỉ nên nhớ câu nầy của Shakespeare :

“Xin lắng nghe cho êm thấm.

Xét đoán cho nhơn từ.

“Écoutez avec douceur

Jugez avec bonté.

Thật ra sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn một ít lâu và các vị đệ tử lớn đều nối gót mà qui vị thì khoa Hình nhi thượng học của Phật giáo cũng theo thời gian mà lẫn khuất trong đám sương mù.

Hiện giờ những di tích Hình nhi thượng học của Phật giáo còn thấy trong nhiều cuốn kinh Phật, nhưng nếu không nhờ ánh sáng của Huyền bí học thì khó mà thật hiểu được nghĩa lý của chúng nó.

Thử hỏi một chuyện nhỏ mọn nầy. Muốn thành Phật phải có những điều kiện nào thì không một ai trả lời nổi ? – vì không một người nào biết việc đó. Không biết thì làm sao tu cho thành Phật bây giờ.

Đạt được quả vị Phật không khác nào việc thi đậu Thạc sĩ ở dưới trần. Muốn tới trình độ nầy thì phải trải qua nhiều cấp, từ Sơ học, Tiểu học cho đến Trung học và Đại học, phải thi đậu văn bằng Tiểu học, Tú Tài và Cử nhân.

Tin rằng chỉ niệm Lục Tự Di Đà hay là tụng kinh gõ mõ và ngồi thiền vài năm thì đắc đạo, được về Tây phương Cực lạc, ngự trên tòa sen thì không khác việc tin rằng một đứa bé mới biết đọc, biết viết, chưa học qua hết chương trình Tiểu học, nói chi đến Trung học và Đại học mà thình lình lại thành một vị Thạc sĩ. Nếu quả vị Phật đạt được như trở bàn tay thì nó không có giá trị gì cả.

Không nói tới luật trời; ở trần thế nầy đây, mỗi người phải ở một ngôi vị xứng đáng với tài và đức của mình. Thiên Địa chí công, không có một sự tư vị nào cả. Chúng ta phải diệt những thành kiến cũ kỹ trước đây và lo dọn mình cho trong sạch như lời Phật dạy đặng bước tới thềm Thánh Điện mà trên ngưỡng cửa có khắc hai chữ thật to “ PHỤNG SỰ ”.

Thí sanh phải qua năm cửa, mỗi cửa đều có những điều kiện nhứt định và khác nhau, nhứt là về các đức tánh. Qua khỏi một cửa nào rồi thì một bức màn vô minh vén lên, thí sanh mở rộng tâm và trí một lượt và thành một người mới; khác hơn trước. Vào cửa thứ năm rồi, toàn thể Chơn lý ở dãy Địa cầu nầy hiện ra. Con người thành một vị Siêu phàm. Đó là con đường Đạo cũng gọi là Minh Triết thiêng liêng, con đường duy nhứt, trường tồn với thời gian, không bao giờ hư hoại, mà từ ngàn xưa các vị tu hiền đều phải noi theo đặng đi tới bực Chánh đẳng, Chánh giác. 2.500 năm trước, nhiều vị đệ tử của Phật như Ma Ha Ca Diếp, Mục Kiền Liên, Kiều Trần Như, A Nan Đa, U Ba Li, Chullapanthaka v. v. . . đã nối gót các bực tiền bối và nhờ đó mới đắc quả La Hán.

Trong cuốn Những chuyện Thần Quyền và Thần Bí trong Đạo Phật tôi cố gắng thuật lại cho quí bạn nghe, nhứt là những bạn ái mộ Chơn lý và những bạn thanh niên nam nữ, mặc dầu một cách vụng về, những lời châu ngọc của các vị Đại Sư Huynh tôi đã chỉ dạy về con đường Minh Triết thiêng liêng nầy. Cầu xin chúng nó giúp ích quí bạn tu hiền phần nào và được góp công vào công việc chấn hưng Phật Giáo nước nhà.

Lành thay ! Lành thay !

Châu đốc ngày mùng bốn tháng chạp năm Canh Tý

nhằm ngày 20 tháng giêng dương lịch năm 1961 (20-1-1961).

I

Tây phương nghe nói những trông mong,

Bến giác thuyền từ đáy vốn không,

Ai biết Tây phương là cảnh đó ?

Đèn linh một ngọn chiếu trong lòng.

II

Phật tại lòng ta chớ có lầm,

Tây phương đâu nữa nhọc công tầm,

Khéo vun cội phúc gìn tâm ý,

Tám Chánh, Năm Hằng pháp diệu thâm.

III

Tám Đường, Năm Cấm Phật phân rành,

Dưỡng tánh tu tâm khá tập tành,

Đến hội Bàn Đào nên quả vị,

Mau đem thuyền giác độ nhơn sanh.

BẠCH LIÊN

--------------------------------------------------------


CHƯƠNG DẪN NHẬP



ĐẠO PHẬT CŨNG NHƯ CÁC TÔN GIÁO KHÁC CHỨA ĐẦY NHỮNG CHUYỆN THẦN QUYỀN VÀ THẦN BÍ TỪ ĐỜI SỐNG CỦA ĐỨC PHẬT GÔ TA MA CHO ĐẾN GIÁO LÝ CỦA NGÀI.

Nhiều bạn thường nói với tôi : Đạo Phật không công nhận Thần quyền tức là không tin có Đức Thượng Đế và trong giáo lý cũng không có chi gọi là Thần bí cả. Luôn luôn tôi vẫn đáp : Tôn giáo là gạch nối giữa con người và Đức Thượng Đế. Nói đến Tôn giáo tức là nói đến chuyện Thần quyền và Thần bí. Chỉ tại người ta không phân biệt thế nào là “Công nhận Thần quyền” và thế nào là “Ỷ lại Thần quyền”. Tất cả những người học Đạo đều công nhận Thần quyền mà không bao giờ ỷ lại Thần quyền. Khi con người hiểu được Bản Tánh Thiêng Liêng của mình và mục đích sự sanh hóa một Thái dương hệ thì con người mới biết được cứu cánh của các tôn giáo và tại sao có những tôn giáo khác nhau sanh ra trên Địa cầu. Con người cũng sẽ hiểu rằng Thần quyền tức là sự áp dụng Luật Trời và những quyền năng còn tiềm tàng trong mính con người, ấy là những Thần quyền vậy.

Tôi xin đem hai thí dụ nầy để chứng minh :

Một là : vỗ tay sấm nổ.

Hai là : con mắt thần.

I: VỖ TAY SẤM NỔ.

Đọc chuyện Tàu, nhứt là truyện Phong Thần và Phong Kiếm Xuân Thu, ta thấy nói Thần Tiên vỗ tay sấm nổ.

Người xưa cho rằng việc đó có thật. Người đời nay lại bảo đừng tin dị đoan như thế. Vậy thì ai trúng, ai trật ?

Còn người học Đạo biết rằng : không phải là chuyện hoang đường, nó đúng với Chơn lý.

Tôi xin thử cắt nghĩa ra đây để quí bạn xem xét coi như thế nào.

Phân nửa bên mặt của đàn ông chứa đầy dương điện, còn phân nửa bên trái thì chứa đầy âm điện. Trái lại, đàn bà bên mặt thì chứa đầy âm điện, còn bên trái thì chứa đầy dương điện. Theo luật vật lý thì điện theo mấy chỗ nhọn mà ra. Nếu ta biết cách làm cho dương điện và âm điện theo mười đầu ngón tay xẹt ra ngoài tức thì ta vỗ tay sấm nổ.

Bí quyết thành công là ở tại chỗ biết cách làm cho điện xẹt ra. Không ai chỉ mối thì vỗ tay lốp bốp chớ không có gì lạ.

Mà tại sao trong mình con người lại có điện ? Muốn hiểu tại sao thì phải phân tách nguyên tử.

Mỗi nguyên tử gồm có hai phần :

Chính giữa là Nhân, chứa dương điện tử (protons) và trung hòa tử (neutrons).

Ở ngoài thì những âm điện tử (électrons) xây tròn, không khác nào những hành tinh xây chung quanh mặt trời.

Ta cũng biết da, thịt, gân, xương con người làm bằng những tế bào hiệp lại, mà mỗi tế bào là sự kết hợp nhiều nguyên tử.

Chung cuộc thì thân thể con người, thú vật, cây cỏ, sắt đá toàn là những bầu điện lực, những máy biến điện; chỉ tại chúng ta chưa biết dùng nên không thâu được những luồng sóng điện do các đài phát thanh hay là Vũ trụ tuyến phát ra.

Những loài bướm, loài ong đều có cách truyền tin tức cho nhau, do những luồng điện của chúng nó phát ra, những vòi của chúng giống như cột “giây thép gió” của mình dùng. Loài cá ông cũng có phương pháp cảm thông với nhau vậy.

VỀ VIỆC CON NGƯỜI BIẾT DÙNG SẤM SÉT

TÔI XIN KỂ BA CHUYỆN

1/ - Trong bộ giáo sử của Sozomène ( Histoire ecclésiatique de Sozomène) (L. IX, ch VI) có thuật chuyện vua Alaric tới công phá thành Narnia bị những giáo sĩ Etrusques dùng sấm sét đánh lui. Thành Narnia khỏi bị thất thủ.

2/ - Lucius Pison cũng nói Đệ nhị Quốc Vương La Mã hồi thế kỷ thứ 7 là Numa Pompilius xuất thân từ một tu viện biết dùng sấm sét đặng giết thú rừng. Pline cũng công nhận việc nầy là đúng với sự thật.

3/ - Bà Alexandra David Néel cũng có nói một vị Lạt Ma ở Tây Tạng dùng sấm sét giết một đứa chăn chiên vì nó phá khuấy ông.

II : CON MẮT THẦN

Người ta nói rằng Thần Thánh biết lòng dạ con người ra sao. Hồi chưa học Đạo thì chúng ta lấy làm lạ lắm. Về sau chúng ta biết rằng tư tưởng và ý muốn của con người đều có hình dạng.

Thần Thánh có thần nhãn, thiên nhãn nên thấy được ý muốn của con người, điều nầy rất dễ hiểu.

Hiện giờ những vị tu hành đắc Đạo có thần nhãn, thiên nhãn cũng đọc được tư tưởng và ý muốn của con người vậy.

Tôi đem hai thí dụ nầy ra cho quí bạn thấy rằng càng ngày nhơn loại càng tiến hóa thì khoa Huyền bí học càng được phổ biến và thiên hạ sẽ không còn cho câu chuyện Thần quyền và Thần bí là lạ lùng hay dị đoan nữa.

Tôi xin chia Những chuyện Thần quyền và Thần bí trong đạo Phật ra làm hai phần :

Phần thứ nhứt – Trong đời sống của đức Phật.

Phần thứ nhì – Trong giáo lý hay là Thuyết Luân Hồi và Nhân Quả.