Sự khác nhau giữa THÔNG THIÊN HỌC và HUYỀN BÍ HỌC

trích trong Bí Quyết Thông Thiên Hoc

Vấn : Bạn nói về Thông Thiên Học và Huyền bí học. Vậy, có sự đồng nhất nào giữa hai môn học đó không ?

Ðáp : Không bao giờ có. Thật ra một người có thể là một nhà Thông Thiên Học rất tốt, thuộc bên trong hay bên ngoài Hội, nhưng họ không phải là một nhà Huyền bí học. Tuy nhiên, không một ai có thể là nhà Huyền bí học chân chính và đồng thời lại không phải là một nhà Thông Thiên Học thực sự; nói cách khác, họ chỉ là người có tà thuật mặc dù họ ý thức được điều đó hay không ?


Vấn : Bạn giải thích như thế nghĩa là sao ?

Ðáp : Tôi nói rằng một người Thông Thiên Học chân chính phải thực hành lý tưởng luân lý cao siêu nhất; họ phải cố gắng trực cảm sự đơn nhất của mình đối với toàn thể nhân loại, và phải luôn luôn làm việc cho sự ích lợi của đồng bào. Nhà Huyền bí học nào không xử sự như thế họ sẽ hành động vì quyền lợi cá nhân một cách ích kỷ, và một khi đã hoạch đắc được những quyền năng thực tiễn cao siêu hơn quyền năng của người thường, họ trở thành kẻ thù rất nguy hiểm hơn người thường đối với thế gian, cũng như đối với người xung quanh. Ðiều nầy thật là rõ ràng minh bạch.



Vấn : Phải chăng nhà Huyền bí học chỉ là người hoạch đắc được các quyền năng cao siêu hơn người thường ?

Ðáp : Họ còn hơn thế nữa, nếu thực sự họ là một nhà Huyền bí học thông thái và thực tiễn, chẳng phải về danh từ mà là do việc làm. Khoa học Huyền bí không như trong Bách khoa toàn thư đã trình bày “các khoa ảo tưởng của Thời Trung Cổ có liên quan đến tác động hoặc ảnh hưởng giả thuyết của các đức tính huyền bí, hoặc những quyền năng siêu nhiên như: Thần Thuật, Khoa Luyện Kim, Khoa Chiêu Hồn và Khoa Chiêm Tinh.” Ðây là các khoa học thực sự, chân chính và rất nguy hiểm. Các khoa nầy dạy về quyền lực bí nhiệm của các sự vật trong thiên nhiên bằng cách phát triển những quyền năng còn “tiềm tàng nơi con người’’; chúng nó cung cấp những quyền năng vĩ đại cho người nào thực hiện được chúng hơn người thường. Ngày nay, khoa Thôi miên được truyền bá và trở thành mục tiêu của các sự sưu tầm khoa học rất nghiêm chỉnh; đây là một thí dụ điển hình. Sau khi được khoa Từ điện trị liệu chuẩn bị cho đường lối; thì quyền năng thôi miên đã được phát giác gần như là một sự ngẫu nhiên. Một nhà thôi miên tài ba có thể vận dụng quyền năng của mình theo ý muốn, họ có thể sai khiến một người cử động một cách vô ý thức và buồn cười, hoặc xúi họ phạm tội sát nhân hầu thay thế và làm lợi cho mình. Một quyền năng như thế không đáng khủng khiếp hay sao nếu nó bị rơi vào tay những kẻ tán tận lương tâm ? Nhưng bạn nên nhớ rằng, Thôi Miên Học chỉ là một khoa hạ đẳng trong các khoa của Huyền bí học.


Vấn : Nhưng tất cả các khoa huyền bí như: thần thuật và phù thủy há chẳng được các chơn linh trí thức và các nhà thông thái xem như là dư âm của sự mê tín, dốt nát thời xưa hay sao ?

Ðáp : Xin bạn cho phép tôi lưu ý rằng, điều bạn quan sát là con dao hai lưỡi “các chơn linh trí thức và các nhà thông thái”; trong dân gian có người xem Cơ Ðốc giáo cũng như tất cả các tôn giáo khác là dư âm của sự mê tín, dốt nát. Mặc dù thế, bấy giờ người ta lại khởi sự tin tưởng vào khoa thôi miên; vài chơn linh, cho đến những chơn linh trí thức, nhất là họ tin tưởng vào Thông Thiên Học và các hiện tượng. Ngoài các nhà thuyết giáo và những người cuồng tín mù quáng, vậy ai trong số nầy sẽ thú nhận rằng họ tin tưởng vào Thánh Kinh ? Và bạn nên ghi nhận sự sai biệt nầy: nếu có những người Thông Thiên Học rất tốt, rất thanh khiết, có khả năng tin tưởng vào những điều siêu nhiên, kể luôn những phép lạ thiêng liêng, thì không một nhà Huyền bí học vào lại tin tưởng như thế. Vì nhà Huyền Bí Học thực hành Thông Thiên Học rất khoa học; họ căn cứ vào sự hiểu biết chính xác và sự diễn tiến bí mật của Thiên Nhiên. Còn người Thông Thiên Học khi sử dụng các quyền năng được gọi là phi thường mà không nhờ sự soi sáng của Huyền Bí Học sẽ đi ngay vào hình thức đồng cốt rất nguy hại. Tuy họ vẫn tuân thủ theo Thông Thiên Học vì luân lý rất siêu việt, nhưng họ lại thực hành một cách vô ý thức, thúc đẩy bởi một đức tin chân thật nhưng mù quáng.

Người nào dù là nhà Thông Thiên Học hay Thần Linh Học đang cố gắng nghiên cứu một số các ngành của khoa học huyền môn, thí dụ như: Thôi miên học, Từ điện trị liệu cho đến việc tìm các phương thức bí mật phát sinh những hiện tượng vật lý. . . mà vẫn chưa hiểu biết căn nguyên triết lý về các quyền năng nầy, thì người đó, chẳng khác nào một chiếc thuyền không lái, trôi giạt trên đại dương đang dao động phong ba.