SGTT.VN - Nhiều khi một sự kiện nhỏ mang ý nghĩa lớn. Sự cố ngày 22.7 vừa rồi trên Biển Đông, qua phân tích của nhà ngoại giao Nguyễn Ngọc Trường, là một trường hợp như vậy.

Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết, khi chiến hạm INS Airavat của nước họ đang thực hiện hải trình trong vùng biển quốc tế ngoài khơi Việt Nam, đã nhận được tín hiệu điện đàm của người tự xưng là “hải quân Trung Quốc” đòi nêu danh tính, giải thích về sự hiện diện của tàu trên vùng biển này và yêu cầu tàu Airavat chuyển lộ trình. Ngày 1.9, bộ Ngoại giao Ấn Độ ra tuyên bố yêu cầu tất cả các bên tôn trọng tự do hàng hải trong vùng biển quốc tế, bao gồm cả biển Biển Đông, và quyền qua lại trên biển phù hợp các nguyên tắc được luật pháp quốc tế thừa nhận.

Bộ Ngoại giao Ấn Độ xác nhận với Thời báo tài chính (Anh) và Thời báo Eo biển (Singapore) rằng tàu INS Airavat của hải quân nước này đã nhận cảnh báo về việc nó đang “tiến vào hải phận Trung Quốc”, trong khi tàu này chỉ cách bờ biển Việt Nam 45 hải lý (83km).

Là tàu đổ bộ tấn công do Ấn Độ sản xuất thuộc biên chế một hạm đội lớn hải quân Ấn Độ, Airavat có thể chở 500 quân và 10 xe cơ giới hoặc xe bọc thép chở lính. INS Airavat vừa tiến hành chuyến thăm thiện chí mười ngày tại Việt Nam, sau khi thăm cảng Campuchia.

Sự cố đầu tiên

Đây là sự cố đầu tiên giữa hải quân của hai cường quốc châu Á. Một sĩ quan hải quân Ấn Độ cho biết tàu chiến hai nước thường vẫn thực hiện các hải trình ngang qua nhau ngoài khơi vịnh Aden và gửi tới nhau “lời chào thân thiện”. Chưa hề xảy ra một sự cố nào vì các tàu chiến Trung Quốc biết rằng họ phải vượt qua toàn bộ bờ biển phía Tây của Ấn Độ dọc Ấn Độ Dương. Vì vậy, “sự cố trên biển Biển Đông không thể xem xảy ra một cách vô tình và không thể bỏ qua”.

Vụ việc này khiến người ta nhớ lại cuộc va chạm giữa các tàu thuyền Trung Quốc nhằm ngăn chặn việc thăm dò địa chấn của tàu hải quân Mỹ Impeccable tại Biển Đông tháng 3.2009.

Theo giới quan sát nước ngoài, việc hải quân Trung Quốc “thách thức” tàu hải quân Ấn Độ ngoài khơi Việt Nam là nhằm tái khẳng định chủ quyền của nước này tại Biển Đông. Đây là bước mới trong chiến dịch của Trung Quốc khẳng định tuyên bố chủ quyền trong vùng biển Đông Nam Á. Nó cho thấy hai điều. Trong cuộc tranh chấp về chủ quyền với các nước giáp Biển Đông, Trung Quốc ngày càng táo bạo thách thức sự hiện diện hải quân các nước lớn khác. Ở một phương diện khác, sự cố ngày 22.7 làm tăng thêm mối quan ngại của các bên liên quan về việc Trung Quốc tuy tuyên bố tôn trọng tự do hàng hải trong vùng biển quốc tế Biển Đông, nhưng một khi họ kiểm soát được vùng biển này, Bắc Kinh sẽ áp đặt luật chơi của mình.

Tại Bắc Kinh, một người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết phía Trung Quốc không nhận được bất kỳ phản đối ngoại giao về “bất kỳ sự cố hải quân nào”. Tại Washington, người phát ngôn bộ Ngoại giao Mỹ trong cuộc họp báo ngày 2.9 kêu gọi tất cả các bên hợp tác ngoại giao để giải quyết bất đồng ở Biển Đông.

Biển Đông và Ấn Độ Dương

Biển Đông được xem là biển phía trước của vùng Đông Á – Tây Thái Bình Dương, nhưng là “sân sau” của Ấn Độ Dương. Hải quân Ấn Độ là binh chủng hoạt động tích cực nhất của các lực lượng vũ trang Ấn Độ, thường thực hiện các chuyến tuần tra trên Biển Đông trong chín năm qua.

Trung Quốc không có lối tiếp cận thẳng ra Ấn Độ Dương, nhưng ráo riết hoá giải thế lực của Ấn Độ trong khu vực. Bắc Kinh tích cực theo đuổi chiến lược biển xanh, trước hết phát triển về phía nam, khống chế Biển Đông làm bàn đạp tiến vào Ấn Độ Dương. Tàu sân bay dù lớn đến mấy cũng không làm thay đổi tận gốc rễ cán cân lực lượng quân sự trên Ấn Độ Dương. Khả năng tác chiến dài ngày của hải quân Trung Quốc ở Ấn Độ Dương đang tăng lên, nhờ từ năm 1985, Bắc Kinh kiên trì theo đuổi chiến lược “chuỗi ngọc trai” với các cơ sở hải quân ở Pakistan, Sri Lanka, Bangladesh và Myanmar.

Đối với New Delhi, mọi nỗ lực của Trung Quốc tiến vào Ấn Độ Dương đều nhằm bao vây chiến lược Ấn Độ. Mới đây có hai động thái đáng chú ý. Hồi tháng 7, Trung Quốc đã được cơ quan Quyền lực đáy đại dương của Liên hiệp quốc cho phép thăm dò và khai thác khoáng sản tại một khu vực rộng 10.000km2 ở đáy phía Tây Nam Ấn Độ Dương. New Delhi quan ngại về triển vọng Trung Quốc lấy cớ đó để triển khai tàu chiến tại vùng biển sân sau của nước này. Đầu tháng 8, Bắc Kinh phát đi tín hiệu mong muốn Ấn Độ khởi xướng cuộc đối thoại hợp tác để đảm bảo an ninh cho các tuyến đường biển tại Ấn Độ Dương. Một quan chức của trung tâm Nghiên cứu phát triển thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc giải thích rằng Bắc Kinh không thể chủ động đề xuất vấn đề này vì “Mỹ và Nhật Bản sẽ không ủng hộ”.

Trong khi ra sức tăng cường sức mạnh quân sự tại Ấn Độ Dương, Ấn Độ tích cực theo đuổi chiến lược “hướng Đông”. Dường như là điều bí mật công khai, Ấn Độ (cũng như Mỹ) đặc biệt quan tâm theo dõi căn cứ hải quân chiến lược Tam Á, đảo Hải Nam. Tam Á có các đường hầm đào sâu vào núi chứa được hàng chục tàu ngầm nguyên tử mang vũ khí tấn công chiến lược của Trung Quốc. Vụ Impeccable xảy ra ngoài khơi đảo Hải Nam.

Về phía Mỹ, Robert Kaplan, tác giả cuốn sách nổi tiếng Ấn Độ Dương và tương lai sức mạnh của Mỹ dự đoán đại dương này là chiến trường tương lai giữa Mỹ – Trung – Ấn. Ngày 25.10.2010, ông này phát biểu trước một cuộc hội thảo ở Cambridge (Anh): “Tôi cho rằng đây là một cuộc cạnh tranh sức mạnh rất phức tạp, kéo dài từ Sừng châu Phi đến biển Nhật Bản. Chúng ta (Mỹ) không phải can dự khắp nơi, mà chỉ cần quan hệ chặt chẽ với các nước đồng minh dân chủ trong khu vực để họ có thể chia sẻ gánh nặng hơn nữa”.

Trong tiến trình Ấn Độ tăng cường hiện diện tại Biển Đông còn Trung Quốc mở rộng hoạt động sang Ấn Độ Dương, sự cọ xát hải quân là khó tránh khỏi. Cần đối thoại giữa các nước lớn hàng hải. Từ giữa năm nay, Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu cơ chế đối thoại này. Còn giữa Ấn Độ và Trung Quốc xem ra cần thêm khá nhiều thời gian để hình thành một cơ chế như vậy.

TS NGUYỄN NGỌC TRƯỜNG