Báu vật sống của miền đất võ

Võ sư Phan Thọ kể chỉ bằng một đòn “độc xà thám nguyệt” (rắn độc thăm khuôn trăng), ông đã hạ gục một huấn luyện viên Teakwondo người Hàn Quốc cách đây gần 8 năm. Thua cuộc, anh chàng người Hàn xin làm đệ tử ông Thọ.



Võ sư Lâm Ngọc Phú.

Triều đại ngắn ngủi của ba anh em nhà Tây Sơn đã kết thúc cách đây hơn 200 năm nhưng truyền thống võ nghệ, yếu tố làm nên sức mạnh quân sự của đoàn quân áo vải cờ đào, vẫn được bao lớp nhà võ Bình Định, trong đó hạt nhân là những thầy võ, tiếp nối và phát triển. Khi những tinh hoa của võ cổ truyền Bình Định ngày càng bị mai một dần, họ có thể được xem như những báu vật sống của miền đất võ.

Kỳ lão tinh thông cả 18 ban võ Tây Sơn

Võ sư Phan Thọ, 82 tuổi, thôn 2, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, có thể được xem như một kỳ lão trong làng võ Bình Định. Ông tinh thông cả 18 ban võ nghệ Tây Sơn sau 18 năm học võ đầy khổ luyện. Không như những võ sư khác, ông không có may mắn được thừa hưởng nền tảng võ học gia truyền. Mãi đến năm 17 tuổi, ông mới bắt đầu học võ. Học chưa hết bí kíp của thầy này thì thầy mất, ông phải đến thọ giáo thầy võ khác. Cứ như vậy đến năm 35 tuổi, ông vẫn còn đi học.

“Ban đầu học võ chỉ để tự vệ. Sau đó mê võ không thể nào dứt ra được”, ông nói. Đến độ trong một gia đình thuần nông như ông, thứ gia sản lớn nhất là cặp bò ông cũng tìm cách thuyết phục ba mẹ bán đi để lấy tiền học võ.

Nếu Bình Định khi đó có tổ chức thi marathon, chắc chắn ông Thọ sẽ về nhất. Bởi hồi học võ, ông phải chạy bộ từ nhà đến nhà thầy, gần thì khoảng 9km, xa cũng khoảng 12km. “Hồi đó không có xe đạp như bây giờ nên phải chạy bộ. Ban ngày làm ruộng, chiều về chạy bộ lên nhà thầy võ. Học xong, đêm nghỉ lại nhà thầy, sáng hôm sau lại chạy bộ về nhà”, ông kể. Ông đã chạy bộ như vậy suốt 18 năm trời.

Trong đời võ nghệ của mình, ông Thọ đã làm nên một kỳ tích khiến mọi người làng phải nể phục. Đó là một mình hạ con heo rừng nặng 150kg, con vật trước đó đã từng giết hại 3 người làng khi đi rừng. Với chĩa ba và nhiều lần được dân làng ở vòng ngoài tiếp gậy tre, ông đã hạ được con vật hung dữ sau khoảng 3 giờ quần thảo. Năm đó ông đã ngoài 40 tuổi. Kỷ vật mà ông còn lưu giữ đến tận bây giờ để ghi nhớ trận “thư hùng” đó là cặp răng nanh của con heo rừng.

Võ Bình Định đơn giản nhưng quyền biến và hiểm. Võ sư Phan Thọ kể chỉ bằng một đòn “độc xà thám nguyệt” (rắn độc thăm khuôn trăng), ông đã hạ gục một huấn luyện viên Teakwondo người Hàn Quốc cách đây gần 8 năm. Trước một đối thủ hăng đòn, tràn đầy sức trẻ liên tục tấn công bằng những cú đá chớp nhoáng, ông Thọ chỉ né đỡ để đối phương tung hết sức mạnh.

Sức mạnh của đối thủ được đo bằng uy lực làm nứt cột nhà của ông mà nếu nhằm trúng người ông thì sự nguy hại không thể nào lường. Cuối cùng, sau một hồi thăm dò, lựa thế lúc đối thủ đá cao chân, ông đã luồn người qua háng anh ta và đánh trúng chỗ hiểm. Chàng huấn luyện viên Teakwondo Hàn Quốc bị... knock out. Thua cuộc, anh chàng người Hàn xin làm đệ tử ông Thọ.

Đó là một trong những học trò đặc biệt của ông Thọ. Còn tính từ năm ông 40 tuổi, năm bắt đầu dạy võ, đến nay ông đã đào tạo khoảng 2.000 học trò là những thanh niên địa phương và từ khắp các tỉnh thành trong Nam ngoài Bắc. 17 người trong số đó đã lên võ sư. Ông có 3 người con trai, 1 người con gái, tất cả đều biết võ, thì có 2 con trai đã lên võ sư.

“Dạy võ phải chọn người”, ông Thọ nói, “Tùy tính cách của mỗi học trò mà người thầy có cách dạy riêng và dạy đến mức nào cho thích hợp. Đến con cái trong nhà dù có cố truyền nhưng cũng không cách nào truyền hết bí kíp nếu thiếu duyên”.

Lưu Hồng Loan, 31 tuổi, quê ở Kon Tum, hiện là một trong số ít những học trò ở xa được ông Thọ yêu quý như con cháu. Loan tạm gác việc nhà, vượt hàng trăm cây số đến nhà thầy để chuyên tâm suốt 3 năm “đèn, lửa” học võ. Loan nói được gặp thầy là một duyên kỳ ngộ. “Lúc gặp nhau, thầy thì muốn truyền nghề, còn tôi thì dốc lòng học”, Loan nói. 3 năm qua, anh đã học được 18 ban, nhưng mỗi ban chỉ thành thạo 3 bài đầu. “Nếu điều kiện cho phép, tôi sẽ học hết những tuyệt kỹ còn lại của thầy”, Loan cho biết.

Bí kíp của võ sư Phan Thọ.

Theo võ sư Phan Thọ, điều mà ông tạm hài lòng sau một đời theo nghiệp võ là đã soạn một cuốn sách ghi lại các bài thiệu, dạng bài thơ vần mô tả thế đánh của từng bài võ, của 18 ban võ Tây Sơn. Hiện nó được chủ nhân giữ gìn như một báu vật.

“Ngọc Trản thần công” đệ nhất

Bài quyền nổi tiếng được cho là do Quang Trung sáng tạo ra này thuộc vào dạng bài nằm lòng của tất cả các võ sinh ở các võ đường Bình Định. Tuy nhiên, người đánh có thần nhất là võ sư Trương Văn Vịnh, 72 tuổi, chưởng môn võ đường Phi Long Vịnh ở thôn Kỳ Sơn, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước.

Được chân truyền từ họ tộc Trương, bắt đầu từ ông nội ông, đến cha ông, rồi đến ông, nay tiếp tục được truyền lại cho con cháu, bài quyền này như một tuyệt kỹ của nhà Phi Long. Bài quyền này ông học vào năm 8 tuổi và được ông thực hành cho đến nay.

Ông Vịnh cho biết cái độc đáo của bài “Ngọc Trản thần công” là nó được thực hiện chỉ gói gọn trong phạm vi một chiếc chiếu (1m x 1,2m). Đánh rộng hơn là không hay. Để tập thuần thục bài này phải mất đến 3 tháng. Sau đó còn phải tập luyện thêm các kỹ năng về thủ pháp, nhãn pháp, cước pháp và thân pháp để đạt đến mức có “thần”. Khi xem võ sư Vịnh biểu diễn “Ngọc Trản thần công”, tôi tưởng tượng ra ở đó vừa có dáng rồng phủ, hổ phục, thế giương cung lại vừa có điệu uyển chuyển như lá rơi.

Hiện nay, dù tuổi đã cao, mỗi ngày võ sư Vịnh vẫn đều đặn làm cái việc mình đã làm trong suốt hơn 50 năm qua là dạy võ cho các thanh thiếu niên đến từ khắp nơi. Ông cho biết mình còn đi khắp xã để dạy võ cho học sinh THCS như một môn thể dục đặc biệt trong học đường.

Người bất khả chiến bại

Mặc dù năm nay mới bước vào tuổi 66 nhưng ông Lý Xuân Hỷ, thôn Tây Phương Danh, Đập Đá, huyện An Nhơn, được xếp vào hàng “lão” võ sư. Ông có thành tích thi đấu đáng nể về môn võ tự do. Trong số khoảng 300 lần thượng đài từ Nam chí Bắc, từ năm 18 đến năm 35 tuổi, ông chỉ thua 1 lần. Số bằng danh dự ông nhận được sau những trận thắng nếu xếp chồng lên thì phải đến 4 chồng cao ngang nửa người ông.

“Thời của tôi, khi thi đấu võ tự do, võ sĩ chỉ mặc quần đùi và ở trần mà thượng đài”, ông Hỷ kể. Thành tích thắng như chẻ tre của ông khiến nhiều lần một người chỉ 57 kg như ông được đặc cách “chiến đấu” với những võ sĩ có hạng cân nặng hơn, từ 65 đến 70 kg, và ông vẫn luôn là người chiến thắng.

Nhiều võ sư, võ sĩ ở khắp nơi ngưỡng mộ ông đã lặn lội tìm ông để giao lưu, học hỏi. Ông kể cách đây 4 năm, tức là năm ông đã 62 tuổi, một võ sư người Ý, 42 tuổi, nặng 120 kg, có 3 năm học võ Tàu đến gặp ông để phân cao thấp. “Người đó đá rất hay. Tôi không phản công mà chỉ né. Những người đứng ngoài xem nói ông Tây đá hay quá, còn ông Hỷ thì né cũng lẹ quá”, ông Hỷ kể. “Tới chừng ông ta đá ngang mặt tôi, tôi né kịp, tay quặp lấy đầu đối thủ. Ông ta mất đà, tôi đá tiếp một đòn phá chân trụ làm đối thủ ngã chúi xuống đất và... knock out luôn”.

Sau đó, thể theo lời của khách, ông dạy cho ông người Ý ba đòn đá, đòn được cho là thế mạnh của ông ta, trong vòng 30 phút. Tuy nhiên, ông cho rằng: “Khi đấu đối kháng, không có thế võ nào thắng thế võ nào mà quan trọng là võ sĩ chiến thắng đã tinh nhuệ hơn đối phương của mình mà thôi”. Do đó thắng không kiêu mà bại cũng không nản.

Gia phái họ Lý của ông Hỷ mạnh về hai môn roi và quyền, nhưng tuyệt kỹ của họ Lý là bài quyền “Miêu tẩy diện” (mèo rửa mặt) nổi tiếng khắp làng võ Bình Định. Bài quyền mô phỏng theo thế đánh nhu nhuyễn, linh hoạt của mèo này do ông nội ông Hỷ sáng tạo ra, tính đến nay đã trên 100 năm.

Nhập môn vào năm lên 10, đến năm 12 tuổi ông Hỷ được cha truyền lại bài này. Ông cho biết để học thuộc nó chỉ mất khoảng hai ngày nhưng để đánh cho ra “bộ” thì phải mất cả tháng, với điều kiện người đó phải có khiếu võ. “Khó nhất là tập thân pháp, tập đến khi nào tới lui uyển chuyển, mặt lắc theo bộ đồng điệu thì mới coi là đạt”.

Truyền nhân sau cùng của làng võ An Thái

Làng An Thái (huyện An Nhơn) từ lâu vốn nổi tiếng là nơi phát tích truyền thống “tiên học... võ, hậu học văn” của người Bình Định. Tương truyền, đây là nơi ngày xưa ba anh em nhà Tây Sơn đến để học võ, học văn, sau đó xây dựng nên nền tảng võ thuật cho các đội quân tinh nhuệ của mình.

Vào những năm đầu thế kỷ XX, An Thái đón nhận một nhân vật quan trọng, ông Diệp Trường Phát, gốc Hoa, giỏi võ Thiếu Lâm, đến dạy võ để biến nơi này thành một trung tâm võ thuật kết hợp tinh hoa võ ta - võ Tàu. Một trong những truyền nhân sau cùng của trung tâm võ này là võ sư Lâm Ngọc Phú năm nay 73 tuổi, chưởng môn võ đường Bình Sơn, võ đường lớn nhất tại An Thái hiện nay.

Theo ông Phú, ở An Thái hiện có đến 80-90% số người biết võ, cả trai lẫn gái, trẻ em lên 7-8 tuổi đã đi học võ. Trong gia đình, tính đến ông là đời thứ ba theo nghiệp võ, còn tính đến cháu ông là đời thứ năm.

Tính từ năm 1970, năm ông Phú bắt đầu dạy võ, đến nay ông đã đào tạo trên 1.000 võ sinh tại địa phương và các tỉnh thành khác. Hiện nay, ngoài việc dạy võ, ông còn làm việc như một lương y để chữa bệnh cho mọi người trong làng. Bởi cũng như nhiều thầy võ khác, thời còn học võ, ông học cả môn “thuốc võ”, thuốc Đông y chân truyền của những thầy võ.

Đặc biệt, ông còn lưu giữ và thực hành cuốn “Võ thuật bí truyền Võ đường Bình Sơn”, cuốn sách mô tả các huyệt đạo được cha ông dịch từ chữ Hán mà theo lời ông nó nguyên là một sách thuốc của phái Thiếu Lâm. Một báu vật khác cũng được ông trân trọng giữ gìn là cặp kiếm, một bằng sắt, một bằng nhôm, do cha ông để lại, áng chừng trên 100 năm tuổi.

Nếu xem võ thuật như một di sản văn hóa của Bình Định thì những ông thầy võ ở đây chính là linh hồn của di sản đó, loại di sản mà bạn không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác tại Việt Nam.

Theo nguồn tin không chính thức từ Liên đoàn Võ thuật tỉnh Bình Định, một Festival võ thuật lần đầu tiên của Việt Nam dự kiến sẽ được tổ chức vào khoảng tháng 8 năm nay ngay tại cái nôi võ thuật này. Tại festival này, trong số những người xứng đáng được tôn vinh không thể không kể đến những thầy võ, những người đã góp phần xây dựng nên truyền thống thượng võ của người Bình Định

Trần Văn Thưởng