Thăng Long võ đạo, môn võ... trị bệnh


Thăng Long võ đạo là một trong những môn phái còn giữ môn quy nghiêm ngặt, có phần khắc nghiệt. Lý do một phần vì tinh thần võ đạo: luyện võ để bảo vệ sức khỏe chứ không phải để đánh nhau. Một phần là: những đòn thế công phu của môn võ này có tính bạo liệt rất cao. Vì thế, nếu thi triển bừa bãi, với võ sinh chưa đủ đức, rất dễ dẫn đến nguy hiểm cho người khác và tai vạ cho bản thân.

Dãy phố Hồng Mai nhỏ hẹp. Căn nhà riêng 4 tầng của bác sĩ Nguyễn Văn Thắng, từ tầng trệt đến tầng 4 là một không gian trọn vẹn dành cho võ. 20 giờ, giữa cơn gió mùa đông, vị chưởng môn đời thứ 2 của Thăng Long võ đạo này tiếp tôi trên gác thượng, nơi tiếng quyền cước đánh vào gió nghe ràn rạt. Gần chục võ sinh đang kẻ người trần, kẻ manh áo mỏng tập luyện dưới ánh trăng. Ông Thắng dáng mảnh khảnh như một thầy giáo dạy văn. Quả thật, nếu chỉ nhìn bề ngoài chắc chắn không ai nghĩ ông có võ, chứ không nói đến một chưởng môn hiện có hàng ngàn đệ tử. Nhưng chỉ sau động tác đề khí, người đàn ông này như chuyển sang một thế cực khác. Nét mặt chỉ đanh lại chút ít, ông đứng bình thản, mặc các võ sinh thay nhau nện những cây gậy dài 2m, tiết diện cỡ... 8cm vào các huyệt “hiểm” trên người. Đến khi gậy gãy, ông quay lại chỗ tôi cười: “Tập một tý cho nóng người”...

Rồi ông tâm sự: “Một trong những yêu cầu của môn phái chúng tôi là sự kiên trì tập luyện”. Thăng Long võ đạo hiện vẫn duy trì những bài tập khá nặng, thậm chí, với những võ sinh có nhiều thâm niên, độ “nghiệt” còn cao hơn. Đơn giản nhất là treo người trên cây bốc sỏi (hoặc múc nước) từ xô dưới đất lên xô trên đầu, hơn chút nữa là luyện Trang công, đứng tấn trên cọc nhọn. Khi ngọn nến trên đầu tắt mới được xuống. Đến giai đoạn cao, võ sinh bắt đầu tập Thiết xa chưởng. Bắt đầu, người tập phải sắm đủ 12 cái đũa. Tháng đầu tiên, phải làm sao tay không... đóng ngập chiếc đũa đó xuống nền đất cứng. Ý chí kém thì đất không lún mà tay thủng. Nhưng đó mới chỉ là phần đầu. Mỗi tháng sau, người tập phải tăng thêm một cái đũa, để sau một năm, một nhát chém có thể đóng liền lúc 12 chiếc đũa xuống đất! “Chính cách luyện tập ấy giải thích tại sao lính Mỹ - ngụy đã dính đòn của đặc công Việt Nam là coi như bị loại khỏi vòng chiến đấu” - võ sư Nguyễn Văn Thắng giải thích.

Thăng Long võ đạo là sự kết hợp của 3 dòng võ thuật: Thiếu lâm nội gia, võ cổ truyền và những đòn căn cốt của đặc công để tạo ra thế mạnh môn phái: những bài quyền giúp hạ địch thủ nhanh và khi đã ra đòn, đối phương sẽ không còn sức để báo động hoặc phản kháng. Là một trong những môn võ mang tính thực dụng rất cao, theo nhận định của các chuyên gia võ thuật, trong cách đi quyền của Thăng Long võ đạo, trong cương đã có nhu, trong nhu đã có cương chứ không phân biệt rạch ròi như các phái võ ngoại nhập...


Luyện khí công: Nằm trên bàn đinh, đóng cọc nhọn vào bụng.

Học võ ở Thăng Long võ đạo, môn sinh phải duy trì được một tốc độ cao bằng các bài tập khó, cộng với các đòn đánh chính xác mới đem lại hiệu quả cao. Các thế võ này thích hợp cho những người phải đối đầu trực diện với nguy hiểm và trên thực tế, nó đã phát huy hiệu quả bảo vệ được bản thân, góp phần bảo vệ người khác.

Những bài tập khắc nghiệt của Thăng Long võ đạo đã tạo ra những công phu đặc dị của riêng môn phái, một võ sinh bình thường cũng có thể dùng miệng nâng được cái bàn trên có để lư đồng và ảnh Đạt ma sư tổ.

Nhắc đến Thăng Long võ đạo không thể không nói đến những bài võ dùng binh khí. Song, quyền cước môn võ này chỉ bạo chứ không tàn. Vì vậy, người ta biết đến Thăng Long võ đạo như một môn võ... cứu người hơn là những đòn sát thủ.

Võ công trị bệnh

Nói đến Thăng Long võ đạo không thể không nói đến khí công. 10 năm tập quyền mà không luyện công cũng coi như không. Võ sư Thắng tâm đắc với quan điểm trên.

Là một võ sư nhưng công việc hàng ngày của ông Nguyễn Văn Thắng lại ở bệnh viện. Ông là Chủ nhiệm một khoa trong Bệnh viện Thanh Nhàn. Công việc đầu tiên trong ngày của ông, từ lúc 6 giờ sáng cũng là chữa bệnh. Đó là lớp dùng khí công chữa trị cho bệnh nhân tiểu đường do Sở Y tế Hà Nội tổ chức.

Theo võ sư Thắng, các bệnh về thận, khớp hay tiểu đường, cao huyết áp, thậm chí liệt nửa người... đều có thể điều trị bằng khí công kết hợp. Cao huyết áp cũng như nhiều bệnh khác về thận là do sự tăng trưởng hệ dương. Quan niệm phương Đông cho rằng thân thể con người chia làm 2 phần: trên là thân khí, dưới là thân huyết. Khi thân khí tăng, hỏa bốc. Đến đỉnh não, nó bị giữ lại nên sinh các bệnh xuất huyết não, nhồi máu cơ tim, mạch vành. Khí đã thăng hỏa thì tình trạng lắng thủy cũng xuất hiện. Vì thế, theo bác sĩ Thắng, đến tầm tuổi 60, người ta thường ngại đi, thích ngồi, ít vận động. Dần dần, tình trạng lắng thủy sinh ra chứng đau lưng, mỏi gối, ù, điếc tai...

Y học phương Đông lấy đả thông làm trọng. Các bệnh nhân cao huyết áp khi được bác sĩ Thắng hướng dẫn tập Kim cương khí công để trong sáng tinh thần, từ đó dùng ý thủ vào mạch âm của hội âm, huyết áp đã giảm rõ rệt, đồng thời nội khí cũng tăng trưởng, sức khỏe tốt hơn. Người có các bệnh về thận được hướng dẫn tập 3 công năng để án hỏa, nhiều bệnh nhân đã... khỏi hẳn.

Bệnh nhân tiểu đường được hướng dẫn tập Trang công, sau 180 ngày, tất cả đều có dấu hiệu thay đổi rõ rệt. Theo cụ Phạm Tích Đức, 76 tuổi, khi phát hiện bị tiểu đường, cụ đến điểm tập của bác sĩ Thắng trong tư thế khập khiễng thì sau 4 tháng tập luyện, khớp đã hết đau “đường huyết của tôi xuống 2 bậc!”. Bà Nguyễn Thị Loan còn vui hơn. Bà biết bệnh khi tay chân đã tê cứng. Sau khi được điều trị kết hợp khí công, đường huyết của bà từ trên 20 nay hạ xuống chỉ còn 7-8. Theo Sở Y tế Hà Nội, đến nay đã có hơn 800 bệnh nhân nhờ tập khí công của Thăng Long võ đạo đã khỏi bệnh hoặc giảm rõ rệt.

Hiện nay, người tập Thăng Long võ đạo ngày một đông. Dạy võ, chữa bệnh, cũng theo Chưởng môn Nguyễn Văn Thắng là vì tiêu chí: Học võ để giúp đời của Thăng Long võ đạo

Thu Trang