Đạo Đức Kinh là quyển sách do Đức Lão Tử viết ra, truyền lại cho ông Doãn Hỷ, trong lúc ông Doãn Hỹ đang làm quan Doãn giữ ải Hàm Cốc, dặn Doãn Hỷ cứ tu theo đó thì đắc đạo. Do đó, Đạo Đức Kinh còn được gọi là sách Lão Tử.

Đạo Đức Kinh gồm có 81 chương, chia làm 2 phần: Thượng Kinh và Hạ Kinh.

■ Thượng Kinh gồm 37 chương, bắt đầu bằng câu: Đạo khả Đạo phi thường Đạo. Thượng Kinh luận về chữ Đạo nên được gọi là Đạo Kinh.

■ Hạ Kinh gồm 44 chương, bắt đầu bằng câu: Thượng Đức bất Đức thị dĩ hữu Đức. Hạ Kinh luận về chữ Đức nên được gọi là Đức Kinh.

Lời lẽ trong Đạo Đức Kinh rất khúc chiết, ý nghĩa rất uyên thâm, luận về hai chữ Đạo Đức, nói về cơ Tạo Hóa, định vị Trời Đất, hóa sanh vạn vật, và những phương pháp huyền bí dạy về tu luyện để đắc thành bậc Thiên Tiên.

Đây là quyển Kinh căn bản của Tiên Giáo do Đức Lão Tử viết ra và chính Ngài là Giáo Chủ Tiên giáo.

Quan niệm về Vũ trụ và nhân sinh của Đức Lão Tử căn cứ trên hai chữ Đạo và Đức, nên Ngài theo đó mà lập thành giáo lý của Ngài.

1. Bàn về chữ Đạo:
Trong chương mở đầu phần Thượng Kinh, Đức Lão Tử bàn về chữ Đạo:

Đạo khả Đạo phi thường Đạo,
Danh khả Danh phi thường Danh.
Vô Danh Thiên Địa chi thủy,
Hữu danh vạn vật chi mẫu.
Nghĩa là: Đạo nói được không phải là Đạo thường,
Danh gọi được không phải là Danh thường.
Vô Danh (không tên) là đầu của Trời Đất,
Hữu Danh (có tên) là mẹ của muôn vật.

Chữ thường ở đây có nghĩa là mãi mãi, luôn luôn , bất biến, dù mọi vật biến đổi nhưng tự nó không đổi. Vậy chữ thường mà Đức Lão Tử dùng để chỉ cái gì luôn luôn là thế, tức là xem nó là qui tắc.

Đạo là vô danh, nên nó không thể chứa đựng ngôn ngữ, nhưng khi ta muốn nói tới nó , ta phải mượn ngôn ngữ nên gọi là Đạo. Đạo là cái mà bất cứ vật gì và tất cả mọi vật đều do đó mà sanh ra. Bởi nó luôn luôn có trong mọi vật nên Đạo luôn luôn hiện hữu. Nó là cái bắt đầu của mọi cái bắt đầu.

Đức Lão Tử nói về Lý Âm Dương: Đạo sinh nhứt, nhứt sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật. Nghĩa là: Đạo sanh một, một sanh hai, hai sanh ba, ba sanh vạn vật.

Vạn vật giai phụ Âm bảo Dương, xung khí dĩ vi hòa. Nghĩa là: Muôn vật đều cõng một Âm và bồng một Dương, nhân chỗ xung nhau mà hòa nhau.

2. Bàn về chữ Đức:
Đức Lão Tử nói: Đạo sinh chi, Đức xúc chi, vật hình chi, thế thành chi. Thị dĩ vạn vật mạc bất tôn Đạo nhi quí Đức. Đạo chi tôn, Đức chi quí, phù mạc chi mệnh nhi thường tự nhiên. Cố Đạo sinh chi, Đức xúc chi, trưởng chi, dục chi, đình chi, độc chi, dưỡng chi, phúc chi.

Nghĩa là: Đạo sanh ra nó (vạn vật), Đức chứa đựng nó, rồi thì vật chất khiến nó thành hình, hoàn cảnh khiến nó thành vật. Vì thế, muôn vật đều phải tôn Đạo mà quí Đức. Đạo được tôn, Đức được quí, không có cái gì sai khiến mà vẫn tự nhiên như thế. Cho nên, Đạo sanh ra nó, Đức xúc tích nó, làm cho nó lớn, làm cho nó sống, làm cho nó hiện ra hình, làm cho thành ra chất, và nuôi nấng che chở nó.

Xem như thế thì Đạo sanh ra và Đức nuôi dưỡng.

Đạo như là khối gỗ chưa đẽo gọt, tức là giản dị. Không có gì giản dị hơn cái Đạo vô danh. Đức là cái gì giản dị sau Đạo, và người theo Đức thì phải sống cuộc đời càng giản dị càng hay. Người có cuộc sống hợp với Đức thì phải ở ngoài vòng phân biệt tốt xấu, thiện ác. Lão Tử nói: Nếu thiên hạ biết được đẹp là đẹp thì ấy là có xấu, biết thiện là thiện ấy là có bất thiện. (Thiên hạ giai tri mỹ chi vi mỹ, tư ác dĩ; giai tri thiện chi vi thiện, tư bất thiện dĩ.)

Vì vậy, Đức Lão Tử cho cái Nhân và Nghĩa của Nho gia là những đức tánh làm suy đồi Đạo và Đức. Do đó, Lão Tử nói: Mất Đạo mới có Đức, mất Đức mới có Nhân, mất Nhân mới có Nghĩa, mất Nghĩa mới có Lễ. Lễ là suy đồi của Trung Tín, bước đầu của rối loạn. (Cố thất Đạo nhi hậu Đức, thất Đức nhi hậu Nhân, thất Nhân nhi hậu Nghĩa, thất Nghĩa nhi hậu Lễ. Phù Lễ giả Trung Tín chi bạc, nhi loạn chi thủ).

Người ta để mất cái Đức nguyên thủy là vì có quá nhiều ham muốn và hiểu biết. Thỏa mãn ham muốn tức là tìm hạnh phúc, nhưng khi cố tìm cách thỏa mãn quá nhiều ham muốn thì ta chỉ đạt kết quả trái lại. Lão Tử nhấn mạnh đến quả dục (ít muốn) nên nói: Chẳng có họa nào lớn hơn là không biết đủ, chẳng có lỗi nào lớn hơn là muốn được.

3. Chủ nghĩa Vô Vi:
Vô Vi là không làm, tức là để cho tự nhiên diễn tiến.

Đức Lão Tử thấy cái tự nhiên bao giờ cũng có lợi chớ không có hại. Đã thế thì cứ phó mặc cho tự nhiên làm việc. Nhúng tay vào guồng máy thiên nhiên thì không khỏi mang họa vào mình.

Bởi vậy, Lão Tử cho Vô Vi là chủ nghĩa rất hợp với lẽ tự nhiên, vừa là chủ nghĩa vạn năng. Lão Tử đem nó ứng dụng vào tất cả các việc trong đời, từ việc nhỏ như tu thân, xử sự hằng ngày, cho đến việc lớn như lo hạnh phúc cho xã hội.

Chữ Vô trong Vô Vi không có nghĩa tuyệt đối, nên chủ nghĩa Vô Vi cũng không phải là không hành động mảy may.

Lão Tử nói: "Đạo thường không làm", nghĩa là thuận với lẽ tự nhiên, nhưng không cái gì mà nó không làm. (Đạo thường Vô Vi nhi vô bất vi). Vì sao thế?

Trong Trời Đất, cái gì cũng có nguyên nhân. Có sống mới có chết, có làm mới có thất bại, có cạnh tranh mới có người tranh cạnh với mình. Muốn được bình yên vô sự thì đừng cạnh tranh, mình không tranh thì thiên hạ không ai cạnh tranh với mình. (Phù duy bất tranh, cố thiên hạ mạc năng dữ chi tranh.)

Vậy muốn khỏi thất bại và muốn tránh những di hại do nó mà ra, người ta phải trừ cái nguyên nhân của nó.

Nguyên nhân của sự thất bại là gì?

Đức Lão Tử cho nó là "Có làm" (Hữu vi). Lão Tử nói: Người có làm tất có thất bại, người muốn cầm giữ tất bị mất. Cho nên Thánh nhân không làm việc gì nên không bại, không giữ cái gì nên không mất. Người thường làm việc, thường khi gần thành thì thất bại. (Vi giả bại chi, chấp giả thất chi. Thị dĩ Thánh nhân vô vi cố vô bại, vô chấp cố vô thất. Dân chi tòng sự, thường ư cơ thành nhi bại chi).

Chủ nghĩa Vô Vi làm thế nào mà trừ được những nguyên nhân sanh ra những điều có hại?

Người đời thường hay khinh suất, coi thường những việc nhỏ mọn dễ dàng, đến lúc những cái nhỏ mọn đã thành ra những nguyên nhân to lớn, những cái dễ dàng đã thành ra những nguyên nhân khó khăn mới làm, thì lúc bấy giờ không thể làm được nữa.

Chủ nghĩa Vô Vi cốt diệt những nguyên nhân tai hại từ khi nó chưa phát hiện. Lão Tử nói: Làm cách Vô Vi, thờ cái Vô Sự, mến cái Vô Vị. Lớn nhỏ nhiều ít đều lấy Đức báo lại thù oán. Lo việc khó từ khi còn dễ, làm việc lớn từ khi còn nhỏ. Việc khó trong thiên hạ tất phải làm từ khi còn dễ, việc lớn trong thiên hạ tất phải làm từ khi còn nhỏ. Vì vậy, Thánh nhân không bao giờ làm việc lớn nào mà có thể thành được việc lớn. Vâng nhận một cách khinh suất tất nhiên ít được đúng lời, coi là dễ bao nhiêu thì càng khó khăn bấy nhiêu. Vì vậy Thánh nhân thường lấy làm khó mà chung qui không có việc gì khó. (Vi Vô Vi, Sự Vô Sự, Vị Vô Vị. Đại tiểu đa thiểu báo oán dĩ đức. Đồ nan ư kỳ dị, vi đại ư kỳ tế. Thiên hạ nan sự tất tác ư dị, thiên hạ đại sự tất tác ư tế. Thị dĩ Thánh nhân chung bất vi đại, cố năng thành kỳ đại. Phù khinh nặc tất quả tín, đa dị tất đa nan. Thị dĩ Thánh nhân do nan chi, cố chung vô nan kỳ.)

Bổn ý của Đức Lão Tử không phải ngồi khoanh tay mà nhìn. Ngài cũng muốn lo việc thiên hạ, nhưng lo hẳn bằng cách trừ những cái mầm hại trước khi nó xảy ra.

Vì vậy chủ nghĩa Vô Vi không phải là không làm, không trị, nhưng phải làm từ lúc chưa có việc gì xảy ra, trị lúc chưa loạn. (Vi chi ư vị hữu, trị chi ư vị loạn).

4. Bàn về việc Chánh trị:
Đức Lão Tử cho rằng quốc gia lý tưởng là quốc gia được một Thánh nhân cai trị. Điều nầy đồng quan điểm với Nho gia, nhưng Nho gia lại nói rằng: Khi lên cầm quyền, Thánh nhân phải làm nhiều việc cho dân.

Còn Lão Tử thì nói trái lại: Bổn phận của Thánh vương không phải làm việc mà phải không làm gì cả (Vô Vi) vì những việc rối loạn xảy ra trong đời nầy không phải vì nhiều việc chưa được làm, mà vì quá nhiều việc đã được làm.

Lão Tử nói rõ: Dân có nhiều ngày kỵ húy thì dân nghèo, dân có nhiều khí giới thì nước loạn. Nhiều người tài khéo thì vật giả mạo càng thêm, pháp lệnh càng tăng thì trộm cướp càng nhiều. Hành động đầu tiên của Thánh vương là bãi bỏ hết những điều ấy.

Lão Tử nói thêm: Dứt Thánh bỏ trí, dân lợi gấp trăm; dứt nhân bỏ nghĩa, dân lại hiếu từ; dứt khéo bỏ lợi, trộm cướp chẳng còn. Không chuộng người hiền, khiến dân không tranh; không trọng vật quí hiếm khiến dân không trộm cướp; không thấy vật đáng ham khiến lòng dân không loạn. (Tuyệt Thánh khí trí, dân lợi bách bội; tuyệt nhân khí nghĩa, dân phục hiếu từ; tuyệt xảo khí lợi, đạo tặc vô hữu; bất thượng hiền, sử dân bất tranh; bất quí nan đắc chi vật, sử dân bất vị đạo; bất kiến khả dục,sử dân tâm bất loạn)

Cho nên, lối trị dân của Thánh vương là làm cho lòng trống bụng no, yếu chí, mạnh xương, thường khiến dân không biết ham muốn, để những kẻ có biết cũng không dám làm. (Thánh nhân chi trị, hư kỳ tâm, thực kỳ phúc, nhược kỳ chí, cường kỳ cốt. Thường sử dân vô tri vô dục, sử tri giả bất cảm vi giả.)

Thánh vương sẽ diệt mọi nguyên nhân rối loạn trong đời, sau đó sẽ trị vì bằng chủ nghĩa Vô Vi. Vô Vi là không làm gì nhưng mọi việc đều thành.

Đức Lão Tử nói: Ta không làm mà dân tự hay, ta thích yên mà dân tự chánh, ta vô sự mà dân tự giàu, ta không muốn mà dân tự phác.

Không làm (Vô Vi) mà không có gì chẳng làm được. Đó là một tư tưởng đặc biệt của Lão Tử, nó có vẻ như mâu thuẫn, nghịch lý, nhưng theo các Đạo gia, vị cầm quyền quốc gia phải bắt chước theo Đạo. Nhà cầm quyền không làm gì, mà để cho mọi người dân làm điều gì mà mỗi người có thể làm.

Từ luận lý đó, Đức Lão Tử nói thêm: Thánh vương không làm cho dân sáng mà làm cho dân ngu.

Chữ ngu ở đây có nghĩa đặc biệt như: Đại trí nhược ngu. Cái ngu của bực Thánh nhân là đại trí; cái ngu của dân ở đây là không tham vọng, sống giản dị tự nhiên.

(suu tập)