Bài ghi lại 4 cuộc nói chuyện của thầy Hằng Trường trên Radio Khai Tâm (9giờ tối mỗi thứ Tư trên băng tần 1480AM của đài Little Saigon Radio)
Nghiệp là gì?

Hỏi: Thi sĩ Nguyễn Du đã có viết: “Đã mang lấy nghiệp vào thân, Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.” Vậy nghiệp là gì, thưa thầy?

Thi sĩ Nguyễn Du nói “Đã mang lấy nghiệp vào thân” thì có vẻ như mình bị thụ động nhưng có lẽ mình nên nghĩ khác chút xíu, tức là không phải mình mang cái nghiệp vào thân mà mình tạo ra cái nghiệp từ trong thân. Mà nói thân cũng chưa đủ mà là trong cả lời nói, hành động và cuộc sống của mình nữa. Khi mình tạo ra nghiệp rồi thì cái khó khăn nhất của mình là mình không thể tránh được cái nghiệp báo vì mình tạo ra cái gì thì mình sẽ nhận lại cái đó. Quan niệm về Nghiệp rộng vô cùng và mang nhiều mầu sắc trong đó mầu sắc nhân quả là quan trọng nhất

Hỏi: Có khi nghe nói là cha mẹ ông bà mình tạo ra nghiệp xấu nên mình phải chịu hậu quả, như vậy có đúng không?

Nói như vậy thì chỉ đúng nửa phần thôi vì khi nhận lãnh gia tài của cha mẹ để lại thì mình cũng nhận luôn cái nhân quả cột với cái gia tài đó. Thí dụ như trong chuyện Godfather thì anh chàng Michael Corleone đã nhận hết quả nghiệp chướng do ông bố tạo ra khi nhận lãnh gia tài của ông. Nhưng theo triết lý căn bản của nhân quả thì người nào tạo ra cái nghiệp nào thì người đó gánh chịu hậu quả của nó.

Trong cuộc sống, khi phân tích sâu sắc hơn thì mình biết rằng khi mình làm một chuyện gì đó thì không phải mình chỉ nhận cái quả cho mình thôi mà còn ảnh hưởng tới những người chung quanh và môi trường sống chung quanh. Do đó mình phải hiểu nghiệp như là một cái từ trường. Khi mình làm một chuyện nào đó thì mình tạo ra một từ trường ảnh hưởng tới mình và các người chung quanh.
Mình sẽ nói tới cái guồng máy tạo ra cái nghiệp. Đó là thân, miệng lưỡi, và óc.
Sản phẩm của thân tạo ra là hành động, cử chỉ, động tác ảnh hưởng tới người chung quanh. Sản phẩm của miệng lưỡi là lời nói. Ngôn từ có thể khác nhau, có người nói dữ, người nói hiền, người nói trực tiếp, người nói gián tiếp... Cuối cùng, sản phẩm của óc là sự suy tư suy nghĩ, cũng rất khác nhau, có người nghĩ rất ngắn 3 tầng thôi, có người thì nghĩ tới 5, 6, nhiều tầng, phát triển rộng ra, có người lúc nào cũng nghĩ về mình, có người thì nghĩ tới người khác, vị tha...
Cho nên khi nói tới nghiệp là mình nói tới guồng máy tạo nghiệp và những sản phẩm của nó.

Những cái này tạo ra ảnh hưởng giống như những vòng từ trường. Hình dung một mặt nước phẳng lì, nay mình vứt một hòn đá xuống thì sẽ tạo ra những làn sóng. Vật gì nằm trong làn nước như chiếc lá chẳng hạn, thì làn sóng nhấp nhô tạo ra những biến động cho chiếc lá đó. Sự biến động đó là ảnh hưởng của cái nghiệp.

Vậy guồng máy là thân, miệng lưỡi và óc. Sản phẩm là hành động, lời nói và sự suy tư. Những sản phẩm này tạo ra ảnh hưởng. Đối tượng của những ảnh hưởng này là gì? Đó là những người chung quanh, vật chung quanh, có thể là động vật hay vật chết như nhà cửa đồng hồ bàn ghế, môi trường cây cối nơi mình sống.

Lời nói của mình ảnh hưởng tới phản ứng của người khác, họ phản ứng hiền hậu hay dữ dằn tùy theo lời nói của mình.

Suy tư, hành động, lời nói của mình ảnh hưởng trực tiếp tới hành động của người đó. Thí dụ như nhiều khi mình không nói nhưng trợn mắt, nhìn cũng đủ khiến cho người ta khó chịu rồi. Thành ra phản ứng của người đó bị ảnh hưởng trực tiếp từ hành động của mình.

Lối sống hay sự suy nghĩ người đó cũng có thể thay đổi. Thí dụ mình nhục mạ họ bằng cách suy nghĩ trong đầu thôi, thì mình cũng sẽ cảm thấy người đó rụt lại, họ xa mình ngay trong tích tắc, phản ứng, mặt họ đó thay đổi liền. Nên thường thường khi sống với nhau mình có những phản ứng gọi là “non verbal” không nói ra lời. Nếu không tinh tế thì mình sẽ không biết người ta phản ứng như thế nào.

Nói tóm lại, thế nào là nghiệp?

Nghiệp là ảnh hưởng tạo ra bởi thân, miệng lưỡi, và óc, phát hiện ra trong hành động, lời nói, suy tư. Ảnh hưởng này có tính cách như từ trường, có phạm vi rộng lớn.

Nghiệp có thể hình dung như vòng từ trường do những chuyện mình làm ra, không những ảnh hưởng tới người khác mà cuối cũng sẽ ảnh hưởng ngược lại lên thân mình, lời nói, hành động, cả cái nhìn, tình cảm, và sự suy nghĩ của mình.

Thí dụ nếu mình thường mắng nhiếc người khác, họ sẽ khó chịu, cảm thấy bị đè xuống. Ảnh hưởng đó làm cho hành động, suy nghĩ của người đó đối với mình rất là tiêu cực. Trước sau gì họ cũng sẽ trả lại những lời nói tiêu cực trở về với mình, khi đó mình sẽ cảm nhận sự khó chịu in hệt như khi mình sỉ nhục họ. Do đó ảnh hưởng đi ngược lại về mình như cái boomerang, đem tới một cảm thọ in hệt như mình đã gây ra cho đối phương.

Nghiệp là ảnh hưởng của lời nói, hành động, suy tư, luôn luôn trở lại với mình Cái gì mình tạo ra cho người ta thì mình sẽ kinh nghiệm y hệt như vậy.

Có 1 điều rất hay trong triết lý ngàn đời của người Trung Hoa: Giúp người là căn bản của niềm vui. Nếu suy nghĩ kỹ sẽ thấy đúng. Giúp người mình thấy vui, lạ lắm, tâm mình nhẹ, thấy như có cơ hội để thở một cách nhẹ nhàng, tâm mình mở rộng ra. Khi mình vui giúp người, mình sẽ làm cho người ta an lạc, người được giúp sẽ cảm thấy nhẹ nhàng..., kết quả là không phải chờ về sau mình mới an lạc mà ngay lúc đó là mình thấy vui rồi

Có người nói: Sao mình đi giúp người mà cứ bị người ta chửi? Mình nghĩ: Sao lạ vậy. Nhưng ngồi suy nghĩ chừng 2 phút thì sẽ thấy ra rằng khi đi giúp người, cô này đã quên đi sự an lạc của họ, quên đi rằng khi giúp người thì mình phải mở tâm ra. Nếu cái động cơ mình đi giúp người là để được cái danh, được tiếng khen, được người ta công nhận... thì sẽ không làm người ta an lạc. Người ta không cảm nhận được cái giúp của mình an lạc, chuyện giúp đỡ của mình như một cái bổn phận mình làm thôi, người ta không cảm kích được sự giúp đỡ đó.
Thành ra do mình cầu cái danh, mình không làm cho người ta an lạc. Hành động của cái thân tạo ra thấy tương tự như giúp người nhưng thực ra chỉ làm bổn phận để được cái danh. Đây là cái động cơ giấu bên trong, mình nghĩ rằng làm tốt sẽ được an lạc nhưng té ra không có an lạc. Thành ra bất kỳ làm chuyện gì mình cũng nên nghĩ đến hậu quả chuyện mình làm để khi làm thì mình làm đúng. Trong đạo Phật, lý tưởng quan trọng nhất là sống làm sao để được an lạc. Muốn được vậy thì cái NHÂN, tức khi mình làm chuyện gì mình phải làm với sự an lạc, đem an lạc cho người khác thì mình sẽ có sự an lạc trở về với mình. Khi mình làm chuyện gì không có an lạc, không đem an lạc cho người ta thì mình sẽ không có an lạc.

Hỏi: Em bé mới 7, 8 tuổi đã bị ung thư đau đớn khổ sở. Nó còn quá nhỏ chưa làm gì hết mà sao đã phải mang nghiệp nặng như vậy

Khi nói có nghiệp nặng thì phải có nghiệp nhẹ, như là có cái bàn cân để đo? Vô hình trung mình có cảm nhận về cái mức độ nặng của từ trường, cảm nhận là đau khổ nhiều thì nghiệp nặng, an lạc sung sướng thì là nghiệp nhẹ hơn...
Mình thấy em bé dễ thương nhưng mà nó lại bịnh nặng, tuy nó chưa làm gì cả, chưa có chuyện gì ảnh hưởng tới ai.

Nhưng nghiệp không phải chỉ trong một đời sống mà thôi mà có nhiều đời sống khác nữa, có những chuyện mình làm trong đời quá khứ mà kết quả nó hiện ra trong đời này. Chuyện này đưa tới nhân và quả.

Nhân là chuyện mình làm do cái thân, miệng lưỡi, sự suy nghĩ còn cái quả là ảnh hưởng tạo ra cho người khác cũng là nghiệp mà ảnh hưởng trở lại cho mình cũng là nghiệp.

Nghiệp là ảnh hưởng hay từ trường tạo ra bởi lời nói, hành động, suy nghĩ. Ảnh hưởng này tới ai? Luôn luôn nó có ảnh hưởng tới chính mình. Em bé đó có thể bị ảnh hưởng từ kiếp trước. Mình có nên nói bịnh như vậy là tốt hay xấu không? Mình không nói tới xấu tốt mà nên nói cái nghiệp đó là do hậu quả của đời trước. Mỗi người mình không ai có thể tránh khỏi cái hậu quả của nghiệp mình tạo ra, mình chỉ chịu thôi. Hậu quả đó không phải là tốt hay xấu mà là đau khổ hay sung sướng an lạc. Trong trường hợp này mình thấy là đau khổ.

Tóm lại, đề tài này rất rộng lớn, với nhiều định lý mà mình sẽ từ từ khai triển. Định lý thứ nhất là nhân quả, cho biết từ một chuyện sẽ xẩy ra chuyện khác như thế nào, thứ hai là chiêu cảm tức những chuyện mình làm có thể hấp dẫn những chuyện khác tới, thứ 3 là duyên khởi tức giữa nhân và quả có những duyên, những chuyện xảy tới mình không làm chủ được mà nó hiện ra lúc nào mình cũng không làm chủ được, thứ 4 là nghiệp báo hay nghiệp quả khi nhiều chuyện do lời nói, hành động, suy nghĩ tạo ra rất nhiều từ trường, ảnh hưởng như thế nào.

Cuối cùng cả, cuộc sống của mình không phải chỉ 1 đời mà nhiều đời lắm. Thời gian một đời mấy chục năm không đủ để giải thích, không đủ cho mình thấy cái nghiệp có thể đột ngột chấm dứt mà nó sẽ tiếp tục hoài. 5 định lý này là 5 định lý căn bản. Trong cuộc sống, sự quan trọng nhất là nên đem an lạc cho người khác. Chỉ khi mình đem an lạc cho người khác thì an lạc sẽ trở lại với mình. Khi mình đem an lạc cho người khác thì mình cũng sẽ thấy an lạc ngay lúc đó.