Ðạo-Gia Khí Công

Thai-Tức Pháp

Nguồn gốc khí công của các giáo phái

Trước thời Ðông Hán (58 A.D) bộ môn khí công được chia làm hai loại và phương pháp luyện tập hầu như chưa nhuốm màu sắc tôn giáo như vào những thời đại sau này. Một loại được các môn đồ của Lão giáo và Khổng giáo thường xuyên luyện tập nhằm mục đích dưỡng sinh, bảo tồn sức khỏe; loại khác được sử dụng bởi Y-gia trong việc điều trị dưới những hình thức như châm, cứu, án, ma, kết hợp với nhiều động tác để điều chỉnh, quân bình khí huyết hoặc để chữa trị bệnh tật. Sau này khi Phật-giáo được du nhập vào Trung-quốc, một số những kỹ thuật khí công từng được luyện tập bên Ấn Ðộ cũng bắt đầu được lưu truyền tại Trung-hoa. Ðặc biệt vì vua chúa Hán triều đa số là những Phật tử thuần thành, nên Phật-giáo nghiễm nhiên trở thành một tôn giáo chính, nhờ thế nên các chư tăng đã có cơ hội học hỏi một số phương pháp luyện tâm, định thần. Tuy nhiên vì trở ngại về giao thông và truyền thống nên họ đã không thu thập được toàn bộ các phương pháp nói trên.

Hơn nữa, trong khoảng gần năm thế kỷ Phật-giáo được phổ biến ở Trung-quốc, chỉ có hai vị cao tăng của Phật-giáo Ấn Ðộ được mời sang thuyết giảng về Phật học. Theo sử sách, vị thứ nhất là Pao Jaco (Mỹ-Lệ Phật) và vị thứ nhì là Bồ-Ðề Ðạt-Ma. Tình trạng này đưa đến hậu quả là các tăng ni Trung-quốc hoàn toàn học hỏi, nghiên cứu triết học, giáo lý Phật-giáo qua kinh điển, chứ không được trực tiếp truyền thụ bởi những bậc thầy uyên thâm về kiến thức cũng như về kinh nghiệm tu tập. Nên từ đó những cách thức tu luyện của các giáo sĩ Phật-giáo Trung-quốc đã hoàn toàn khác biệt với giáo sĩ Phật-giáo Ấn-Ðộ. Họ quan niệm rằng phần tâm linh là chính, xác thân là phụ, nên chỉ chú trọng vào việc tôi luyện tinh thần, mà sao lãng phần thể xác. Thêm vào đó, vì chế độ dinh dưỡng thiếu quân bình nên đa số các sư sãi Trung-hoa thời bấy giờ nếu không bệnh hoạn thì cũng yếu kém về thể lực. Tình trạng bi đát này tiếp tục kéo dài mãi cho đến khi Ðạt-Ma sư tổ đặt chân lên đất Trung-hoa vào năm 527 A.D. dưới triều nhà Lương.

Ðạt-Ma sư tổ ra đời vào khoảng 483 A.D., Ngài nguyên là hoàng tử của một tiểu quốc thuộc miền nam Ấn-Ðộ, sau thoát tục trở thành tăng sĩ thuộc hệ phái Mahayana, thường được xem là một vị Bồ-Tát chuyên cứu độ chúng sanh. Theo sự thỉnh cầu của Lương Ðế, năm 527 Ngài đến Trung-hoa để thuyết pháp. Về sau khi thấy nhà vua và triều đình không đồng ý với những tư tưởng Ngài truyền bá, Ngài đã lui về ẩn thân ở Thiếu-Lâm tự. Tại đây, nhận thấy đa số chư tăng đều ốm yếu và bệnh hoạn, Ngài đã trao tặng họ hai bộ Dịch-Cân kinh và Tẩy-Tủy công, là những phương pháp tu luyện khả dĩ giúp họ thăng tiến trên đường tu tập. Dịch-Cân kinh hướng dẫn các sư tăng làm cách nào để gia tăng thể lực, thay đổi bản chất từ yếu đuối suy nhược đến chỗ tráng kiện. Phương pháp này đã giúp học sau một thời gian luyện tập không những sức khỏe được hồi phục, còn tăng cường thể lực. Hơn nữa khi phối hợp những kỹ thuật của Dịch-Cân kinh với võ thuật, những chiêu thức cũ bỗng trở nên vô cùng dũng mãnh và lợi hại. Riêng môn Tẩy-Tủy công là một phương pháp "rửa" sạch chất tủy, gia tăng số lượng hồng huyết cầu, tăng cường sức đề kháng của cơ thể, đồng thời trì hoãn lại sự già nua của các tế bào, nhưng quan trọng nhất là những ảnh hưởng trực tiếp đến não bộ, giúp họ trong việc an định tinh thần, là phần tối quan trọng trong tiến trình tu tập để đạt đến sự giác ngộ. Vì những môn công phu này rất cao về phần lý thuyết và khó luyện tập, nên mỗi thế hệ sư tăng chỉ có một số ít cao đồ được bí mật truyền dạy và thành đạt.

Cũng vào thời gian này, một tôn giáo khác được khai sinh lấy danh xưng là Ðạo-giáo. Người khai sáng ra tôn giáo này là Học-sĩ Trương Ðạo Lăng. Ông học được phép trường sinh bất lão, vào đất Thục ngụ ở núi Hạc-Minh soạn ra bộ Ðạo thư gồm 24 chương và chuyên làm bùa để trị bệnh. Ông đã kết hợp nền triết học cổ truyền của Lão giáo với giáo lý Phật-giáo như những thuyết về kiếp số, những luật khai độ để lập thành Ðạo-giáo. Chúng ta cũng đừng quên rằng: trước khi Ðạo-giáo ra đời, các học sĩ Lão-giáo đã xuất hiện từ nhiều thế kỷ về trước, vì thế phương thuật thiền định khí công của họ đã đạt đến trình độ thượng thừa, nên dù sau này khi Phật-giáo đã được dung hòa với Ðạo-giáo, chỉ có một số ít những phương pháp tập luyện được biến cải. Còn về mặt thể lực, vì đồng quan điểm với Phật-gia, nên Ðạo-gia cũng không mấy quan tâm và chú trọng.

Vào giai đoạn này, sự liên hệ giữa hai giáo phái trở nên rất mật thiết, nên sau khi Ðạt-Ma sư tổ qua đời, Ðạo-gia dần dà cũng nắm được những bí kiếp luyện khí công của Phật-gia. Chỉ vài trăm năm sau, môn Dịch-Cân Kinh hầu như đã được truyền bá rất rộng rãi trong giới Ðạo-gia. Ðến đời nhà Tống (960 A.D.), Thái Cực quyền, một môn nội đan khí công chú trọng đến việc luyện khí được sáng tác bởi Ðạo-sĩ Trương-Tam-Phong trên núi Võ Ðang, đã biến địa danh này trở thành trung tâm điểm của Ðạo-giáo và phái Nội-Ðan khí công. Trong khi đó Thiếu-Lâm tự thường được coi là nơi có nhiều thẩm quyền hơn về môn Ngoại-Ðan khí công.

Riêng về môn Tẩy-Tủy công tưởng đã bị thất truyền, cơ may xảy ra dưới thời nhà Thanh (1644-1912 A.D.) khi cả Phật-gia lẫn Ðạo-gia đều góp phần vào công cuộc lật đổ triều đại này. Ðể đàn áp và trả thù, rất nhiều đạo sĩ, tu sĩ đã bị bắt bớ, tù đầy, giam cầm, khủng bố và sát hại; số lượng chùa chiền, lăng tự bị quan quân nhà Thanh đốt phá cũng không ít (điển hình là trường hợp chùa Thiếu-Lâmm, núi La-Phù). Một số Ðạo-sĩ, cao tăng may mắn đào thoát được, và để tiếp tục kháng chiến họ bắt đầu truyền dạy những tuyệt kỹ của môn Dịch-Cân kinh và Tẩy-Tủy công cho dân gian. Nhờ vậy cả hai bí kiếp này vẫn còn được lưu truyền cho đến ngày nay.

Ðạo-Gia Khí Công

Cùng quan niệm như Phật-gia, Ðạo-gia tin rằng căn nguyên của những phiền não thế tục là do thất tình, lục dục mang đến. Muốn chế ngự được những cảm xúc này chúng ta phải tu tập và tôi luyện để thần khí đạt đến được trạng thái an định, độc lập. Từ đó không những giác ngộ, trường sinh bất lão còn có thể làm chủ được định mệnh của mình sau khi lìa thế. Tiến trình luyện tập của Ðạo-gia được chia làm 3 giai đoạn như sau:

1) Luyện tinh hóa khí:
Giai đoạn này liên quan đến việc gia tăng và kết tụ nguyên tinh (original essence). Sau đó chuyển hóa tinh thành khí bằng những phương pháp thiền định hay những kỹ thuật nội công theo đúng một chu kỳ là 100 ngày.

2) Luyện khí hóa thần:
Sau một thời gian luyện tập, chúng ta sẽ cảm thấy một vùng hơi ấm ở dưới rốn. Ðiều này chứng tỏ rằng khí sau khi đã được chuyển hóa từ dạng nguyên tinh ở thận, bắt đầu hội tụ ở đan điền, được gọi là khí hỏa hay Dương khí. Từ đó khí được truyền dẫn lên vùng thượng đan điền (đầu) để nuôi não và dưỡng thần.

3) Luyện thần hoàn hư:
Giai đoạn tu luyện đưa thần trở về với hư không (vô-cực).

Dịch-Cân kinh và Tẩy-Tủy công cũng được Ðạo-gia coi là những phương pháp giúp chống lại sự già nua, kéo dài tuổi thọ. Trong khi Dịch-Cân kinh tôi luyện phần thân xác, thì Tẩy-Tủy công giúp khí lưu chuyển trong tủy sống, giúp tủy sạch sẽ tươi nhuận. Tủy sống là nơi sản xuất phần lớn số lượng hồng huyết và bạch huyết cầu. Chúng có nhiệm vụ mang những dưỡng chất cần thiết cho việc nuôi dưỡng các tế bào cùng các cơ quan trong cơ thể của chúng ta, đồng thời tẩy trừ, thanh lọc các chất cặn bã và độc tố. Khi hồng huyết cầu tươi tốt hoạt động bình thường, cơ thể chúng ta khỏe mạnh hữu hiệu trong việc chống lại bệnh tật, đình trệ sự già nua. Vì thế đối với Ðạo-gia trên 100 tuổi vẫn chưa được coi là thọ. Tục truyền Lão-tử thọ đến 250 tuổi.

Nhằm mục đích tôi luyện Thân, Tâm. Ðạo-gia đề ra 3 đường lối để luyện tập:

1) Kim Ðơn Ðại Ðạo: Ðường lối này hướng dẫn cách luyện tập tự bản thân vì cho rằng chúng ta có thể đạt được sự trường sinh bất lão hay giác ngộ tự bản thể của mỗi cá nhân.

2) Tính Mệnh Song Tu: Phương pháp này đòi hỏi phải có đối tượng giúp chúng ta trong việc luyện tập để quân bình khí. Con người phần đông khí vốn đã không cân bằng. Người thì Dương khí quá vượng, kẻ thì Âm khí quá suy. Nếu chúng ta biết cách trao đổi khí lực với người khác, chúng ta có thể trợ giúp cho nhau để cùng thăng tiến torng việc luyện tập. Ðối tượng có thể cùng phái tính hoặc ngược lại.

3) Ðạo Ngoại Dược Giáo: Cách này chuyên dùng dược liệu để vận hành và kiểm soát khí lực trong khi luyện tập. Những vị như sâm, nhung thường được sử dụng để bào chế phương dược. Theo một số đông Ðạo-sĩ, dược liệu cũng có nghĩa là khí. Có thể trao đổi hoặc tiếp nhận do đó họ chủ trương lối sống khoáng dật.

Qua những cách thức luyện tập kể trên, sau đời nhà Tống (960-1367) Ðạo-gia lại chia làm hai phái rõ rệt:

Chính Diêu Phái:
Phái này cực lực lên án việc luyện khí công với đối tượng cùng phái hoặc khác phái tính là trái với luân thường, đạo lý. Họ chủ trương như Phật-gia: phương thức dẫn dắt đến sự giác ngộ là tôi luyện chính bản thân mình. Nếu tập luyện với người khác bất kể phái tính nào, cũng sẽ làm tâm trí mất đi nét thanh tịnh gây trở ngại cho việc tu tập.

Thái Dược Phái:
Phái này chủ trương tu luyện cho thân xác khỏe mạnh và trường thọ để tiêu dao trên cõi trần hoàn chứ không đặt nặng phần tâm linh, nên họ lý luận rằng: nếu kết hợp cả 3 đường lối kể trên, không những đạt được kết quả mau chóng, còn rất thực tế và hữu dụng. Phái này còn được mệnh danh là phái "Thần Tiên Ðan Ðỉnh".

Thai-Tức Pháp
hay Tiên-Thiên Tức Pháp

Con người khi còn là một bào thai trong lòng mẹ, tiếp nhận dưỡng khí và những dưỡng chất cần thiết cho việc phát triển và nuôi dưỡng cơ thể từ cuống rốn (umbilical cord) qua sự chuyển động vào ra của bụng theo từng nhịp thở. Lối hô hấp này vẫn tiếp tục từ lúc mở mắt chào đời cho đến những năm tháng đầu của tuổi thơ ấu (7,8 tuổi). Theo dòng thời gian, qua cách ẩm thực bằng miệng, cách hít thở không khí bằng mũi, sự chuyển động của bụng từ từ giảm dần rồi ngưng hẳn, nhường chỗ cho lối hô hấp bằng phổi. Cách thở tự nhiên này tuy đã mang lại một số lượng dưỡng khí đáng kể, cũng như tẩy trừ thán khí ra khỏi cơ thể để giúp cho các tế bào tăng trưởng, các cơ quan hoạt động bình thường, dù sao vẫn còn tùy thuộc vào chế độ dinh dưỡng, lề lối sinh hoạt của từng cá nhân hầu có được một sức khỏe tương đối khả quan. Nhưng cũng không kéo dài được tuổi thọ vì chúng ta chỉ sử dụng hoàn toàn khí tiên thiên mà không phát triển được khí hậu thiên hằng tiềm ẩn, chất chứa trong bản thể của mỗi người ngỏ hầu bồi dưỡng cho khí tiên thiên theo tuổi tác ngày càng hao tổn. Chợt đến khi đứng tuổi, khí tiên thiên suy kiệt, sức đề kháng của cơ thể suy giảm, chính là lúc ngoại tà dễ dàng xâm nhập gây nên bệnh tật, nêu không kịp thời ngăn chận và chữa trị, có thể dễ dàng đi đến chỗ thương, vong.

Riêng đối với bộ môn khí công, hơi thở là một trong những yếu tố quan trọng trong việc truyền dẫn khí lực một cách có hiệu quả. Khi chúng ta hít vào, động tác này có liên hệ đến hành Thủy vì chúng ta nhiếp khí vào sâu trong tủy sống nơi nguồn khí lực được tồn trữ. Ðiều này làm giảm bớt khí lực tụ ở gân và cơ bắp khiến Dương khí được điều hòa. Ngược lại động tác thở ra liên hệ đến hành Hỏa vì chúng ta dẫn khí đến gân, cơ bắp cùng da thịt để tác động đến chúng, khiến cơ thể ở trạng thái thuần Dương. Nếu cơ thể luôn ở trạng thái thuần Dương thì khí hỏa sẽ đốt cháy gân, cơ bắp và da thịt. Nếu ở trạng thái thuần Âm thì hàn khí sẽ bao trùm lấy cơ thể. Muốn quân bình Âm Dương (thủy, hỏa) chúng ta phải luyện tập để điều hòa được hơi thở. Thai-Tức pháp hay Tiên-Thiên tức pháp của Ðạo-gia nằm trong "Lục tự đại khai tiên thiên" của chương trình Vô-cực công cao cấp không những giúp chúng ta điều hòa được Thủy Hỏa, còn là một phương pháp giúp chúng ta quay về với lối thở thời son trẻ để hồi phục lại nguồn khí tiên thiên.

Tuy nhiên, giống như trường hợp đứa bé từ lúc sơ sinh còn nằm trong vòng tay mẹ, phải biết lật, biết ngồi, biết bò, rồi mới biết đứng, đi, chạy nhẩy. Tiến trình hoàn nguyên cũng đòi hỏi chúng ta phải trở gót bước lần qua từng giai đoạn, cộng với nhiều công phu luyện tập, để có thể loại bỏ dần dần những tập quán từ lâu đã được lý trí dẫn dắt hoặc chỉ định.

Phương Pháp Luyện Tập
Thai-Tức pháp của Hồng-Gia Việt-Nam

Sau khi Dương khí đã được tích tụ ở đan điền, giai đoạn kế tiếp là luyện tập để duy trì nguồn khí lực này. Nói về cách thức luyện tập, Ðạo-gia tạm dùng hình ảnh cỗ bánh xe được luân chuyển bằng giòng nước lũ hoặc như tia lửa nơi ngọn mỏ hàn của người thợ bạc, được điều chỉnh bằng những nhịp chân đều đặn trên "con cóc" để giúp chúng ta mường tượng ra được Thai-tức pháp. Riêng Hồng-Gia quyền vốn theo khuynh hướng Tiên/Phật hợp tôn, nên trong pháp điều tức của môn phái cả hai lối thở nghịch và thuận của Ðạo-gia lẫn Phật-gia đều được sử dụng.

Thực hành
1. Lập tấn Thái-âm, hai tay đan vào nhau đặt trước bụng.
2. Ðặt đầu lưỡi chạm vào hàm trên, hóp bụng xả hơi ra hết (tống thán khí).
3. Khi đã xả hết hơi, từ từ phình bụng ra một nửa, hít khí trời vào đầy bụng dưới.
4. Khi đã hít khí trời đầy bụng dưới, phình bụng ra hết, đoạn thở ra, xả hết hơi như buông một tiếng thở dài. Từ từ hóp bụng trong khi vẫn tiếp tục thở ra, bắt đầu lại một chu kỳ từ bước thứ 3.

Một khi Thai-tức pháp (điều tức) được phối hợp với những kỹ thuật nội công (điều thân), và tấn Thái-âm (điều thần), sự tổng hợp này không những sẽ giúp hành giả đạt đến sự hiệp nhất của Tinh, Khí, Thần, còn rất hữu ích trong việc luyện Thiên-Cân-Trụy tấn, là một thế tấn vững chãi như bàn thạch, nặng ngàn cân khó bề xoay chuyển. Vì những lý do kể trên, khi luyện Thai-tức pháp thay vì ngồi bán già hoặc kiết già Hồng-gia quyền chủ trương đứng tấn Thái-âm. Thế tấn này không những tạo một đường thẳng từ huyệt Bách Hội đến huyệt Hội-âm (hư linh đỉnh kình) có lợi cho việc nâng đỡ tinh thần, còn luôn luôn đi đôi với khí trầm đan điền có ích cho việc ổn định trọng tâm của thân. Tương truyền khi luyện Thai-tức pháp viên thành, hơi thở của hành giả sẽ nhẹ như tơ trời. Ðây chính là gia đoạn để chuẩn bị điều Tâm. Tâm ở đây phải hiểu là nhân-tâm và nhân-đạo bao hàm trong triết lý Tam-Tài được thể hiện qua đạo sống thuần phác, đôn hậu, đầu đội trời chân đạp đất của người Việt-Nam, mà Hiền-Triết Nguyễn-Du đã từng đề cao từ trăm năm trước: "Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài".

Mặc-Hạnh