CUỘC CHIẾN ĐỎ ĐEN

Gọi là cuộc chiến vì không còn từ ngữ nào để dùng cho sát nghĩa hơn. Cuộc chiến giữa khách chơi và nhà cái, cuộc chiến giữa bản thân người chơi và gia đình họ, và cuộc chiến cực kỳ quyết liệt, quyết liệt giữa những thế lực để giành quyền chi phối sòng bạc Đại Thế Giới. Từ ngày Đại Thế Giới mở ra, đã có không biết bao nhiêu thảm cảnh gia đình xảy ra. Có người là công chức cấp cao của nhà nước, giàu sang tột bực, vậy mà chỉ trong vài tuần "làm quen" với Grand Monde đã nướng hết sản nghiệp vào đó, và tất nhiên là nướng cả cuộc đời. Có những người vợ, những cô này bà nọ, chỉ vì ham vui, vào thử vài lần rồi bắt bén vào tiếp và..... cuối cùng lột hết vòng vàng nữ trang, lấy cắp cả tiền nhà, "cúng" sạch, và sau đó là "cúng" luôn cả cái ngàn vàng của mình! Thời đó cầu Bình Lợi được xem là nơi kết liễu những cuộc đời bất hạnh, sau một đêm cháy túi ở Đại Thế Giới....

Cả Saigon, vùng phụ cận, cả Nam Kỳ Lục Tỉnh nữa, và cũng không thiếu người ở những miền xa của đất nước đổ xô về Saigon, về với Đại thế Giới lập lòe ánh sáng ma quái, để chơi, để khóc và cà để chết. Vậy mà như một luồng thác lũ, không thể ngăn nổi. Trong khi đó một cuộc đổ xô khác, ở phía những thế lực muốn nắm Đại Thế Giới, cũng đến hồi quyết liệt. Hồi ông vua cuối cùng của triều Nguyễn, Bảo Đại, Đại Thế Giới như rồng lên mây, như được chắp thêm cánh bay. "Đức Quốc Trưởng" Bảo Đại đã được người Pháp giao lại nguồn lợi Đại Thế giới, như một món quà ân thưởng, làm cho ông vua sành cờ bạc này thích thú không gì bằng. Đệ nhị thế chiến nổ ra, tình hình sôi sục, nhưng vẫn không ảnh hưởng gì đến sòng bạc Đại Thế Giới, nếu không muốn nói nó còn chuẩn bị sức để phất mạnh hơn ở tương lai.

Giai đoạn "sục sôi" nhất của Đại Thế Giới là thời điểm yên hùng lục lâm và vài tay chính trị hàng đầu chĩa mủi dùi vào sòng bài. Từ năm 1947 đến 1953, đã nhiều lần Đại Thế Giới nằm trong tầm ngắm của nhiều người. Đến khi xảy ra cuộc đối đầu chính trị giữa phe ông Ngô Đình Diệm và phe trung thành của vua Bảo Đại, thì rỏ ràng có một người rắp tâm nuốt chửng cái "máy hốt bạc "này. Người đó là Bảy Viễn, thủ lãnh của nhóm Bình Xuyên. Vốn là tay "anh chị", từng nuôi mộng như Sáu Ngọ, nên khi được quyền lực trong tay, được vua Bảo Đại ủng hộ, được các tướng lãnh thân Pháp hậu thuẫn, Bảy Viễn đã làm một cuộc "đảo chánh", lật đổ sự thống trị của các nhà thầu Hong Kong khỏi lãnh địa Đai Thế Giới. Bình Xuyên đã trúng thầu khai thác Đại Thế Giới với giá 500 ngàn đồng mỗi đêm, thừa sức có tiền nuôi quân đóng bên kia cầu chữ Y của họ, và thả sức ăn tiêu, bỏ túi riêng. Đại Thế Giới như một mỏ vàng vô tận, ai nắm được nó thì nắm được sức mạnh chính trị về tay mình. Đã có lúc người ta ngỡ là Bảy Viễn sẽ trở thành nhân vật hàng đầu nhờ khai thác quyền lợi béo bở đó. Kịp đến khi nổ ra cuộc "huynh đệ tương tàn" trong nội chính - chính phủ miền Nam lúc đó, giữa tổng thống Ngô Đình Diệm và Bình Xuyên, mà cuối cùng Bình Xuyên bị thua, tan rã và Đại Thế Giới cũng bị khai tử luôn. Những ngày đầu năm 1955 đã đánh dấu ngày tàn của Grand Monde, khi chính quyền thời đó trước áp lực của đồng bào quần chúng, đã phải ngậm ngùi ký sắc lệnh dẹp sòng bạc lớn nhất Đông Nam Á. Người Saigon thở phào nhẹ nhõm mỗi khi đi ngang qua nơi vừa "Thiên Đàng" vừa "Địa Ngục" mà không còn nhìn thấy mấy chữ Grand Monde - Đại Thế Giới.....