Một tâm thức giác ngộ không hề chịu sự ngăn ngại của thời gian hay không gian, vượt qua mọi trở ngại (tưởng chừng có thực) , để gần học trò của mình, dù người học trò đó đi tới ( đang tồn tại) cõi nào, sắc giới hay vô sắc giới.


Chư Phật là bậc đại giác ngộ, ngài có thể thị hiện mọi điều để độ sanh, bất kể chúng sanh đang tồn tại ở cõi giới nào

..........

Ngày nọ, một Lạt-ma đi du hành qua một cùng cô quạnh, đầy gió lạnh tại miền Bắc Tây Tạng. Nơi đó chỉ có ít gia đình sống với đàn trâu, xa tất cả mọi tu viện, đạo tràng. Vị Lạt-ma đi bộ, toàn thân lẫn trong đống áo quần xác xơ, ăn tạm lá cỏ qua ngày. Thỉnh thoảng có vài kẻ chăn cừu ném cho vài miếng thức ăn.

Ngày nọ, vị Lạt-ma thấy một người đàn bà chạy từ trong một lều đá ra, kêu ngoắt dữ dội. Ông dừng lại và người đàn bà hỏi: “Ông chỉ là một kẻ ăn xin thông thường hay một Lạt-ma có tu học?”.

Người khách trả lời dửng dưng: “Cả hai đều không”. Người đàn bà bắt đầu lên tiếng khóc: “Cha tôi vừa mất và chúng tôi đang cần một vị Lạt-ma biết phép chuyển tâm thức để đưa thần thức ông vào cõi Tịnh độ. Lúc tôi mới thấy ông thì tưởng ông đến có chủ ý, tưởng có người đã đưa ông đến đây để giúp gia đình chúng tôi! Thôi hãy vào nhà đi và tìm cách chỉ cho hồn vía cha tôi biết phương hướng rời bỏ đời sống trần gian này mà đi vào cõi Phật”.

“Tiếc thay tôi chỉ là kẻ còn non tay”, vị Lạt-ma nói thật, “bản thân tôi cũng chỉ là kẻ tìm đạo, còn học tập chính kiến và tìm cách định tâm. Chưa ai dạy tôi cách chuyển thần thức người chết cả, đó là phép tu ẩn mật, là một nghệ thuật, có lẽ là nghệ thuật lớn nhất trên cõi đời này. Tôi còn chưa biết đọc biết viết và mới học thuộc vài bài kinh thôi”.

Trước cặp mắt khẩn cầu của người đàn bà, Lạt-ma nói thêm: “Nhưng tôi có được một khả năng đặc biệt, đó là lòng tin kiên định và tha thiết nơi sức mạnh của Lạt-ma Karmapa, bà có biết ngài không? Đó là một vị Phật sống, ngay phút này đang ở trên trái đất này, lấy dạng của một người Tây Tạng, mặc áo của một Lạt-ma. Nhưng đó là một vị Phật sống”.

Người đàn bà nói: “Thế thì cầu Ngài đi để tiếp dẫn cho cha tôi”. Bà cầm tay Lạt-ma kéo thẳng vào nhà, cả gia đình đang ngồi quanh xác chết.

Tại giường, vị Lạt-ma quì xuống và ông không biết làm gì hơn là giơ hai tay lên và gọi: “Karmapa Kjenno, Karmapa, hãy nghe!” , ông cũng đọc hoài câu đó, cứ như đọc thần chú.

Với làng thiết tha và sự tôn kính sâu xa từ trái tim mình, ông kêu gọi sự cứu độ của Karmapa dễ cả trăm lần. Sau lần thứ một trăm thì như có ai bảo, ông lấy tràng hạt bằng gỗ gõ nhẹ vào đầu người chết và ra lệnh thần thức người chết hãy kiếm cõi Tịnh độ Dewachen để tái sinh tại đó và nhất quyết không vào bất cứ cõi nào khác, hữu sắc hay vô sắc.

“Karmapa Kjenno, Karmapa Kjenno”, Lạt-ma gõ nhẹ tràng hạt, ra lệnh thần thức, nhân danh Karmapa mà tái sinh trong cõi Phật, không dừng lại với bất cứ hiện tượng nào, “Karmapa Kjenno”, cứ thế ông niệm hàng giờ.

Trời đã tối, khi những kết quả đầu tiên của phép chuyển hoá tâm thức (người Tây Tạng gọi là Phowa) bắt đầu rõ nét thì một mùi thơm dịu xuất phát từ đầu người chết và tóc trên đỉnh đầu bắt đầu rụng bớt và đầu người chết dường như sưng lên, ngay tại chỗ thỏm đầu. Ai cũng biết, đó là dấu hiệu chắc chắn khi thần thức thoát ra khỏi thân và người cha đã về lại đất Phật với đầy đủ sự tỉnh giác.

Tất cả mọi người đều vui mừng, thậm chí reo lên, sung sướng quên mình như ta thường thấy nơi những con người đơn giản. Họ chúc tụng vị Lạt-ma, cảm tạ và xin ông nán ở luôn tại vùng đó. Họ sẽ xây cho ông một căn nhà đá, xin ông trở thành đạo sư của toàn làng để có thể trao truyền phép chuyển tâm thức Phowa, cùng với một đại sư Karmapa vô hình.

Vị Lạt-ma ở lại với dân làng một thời gian và mọi người đều tin vị đại sư karmapa chính là một cánh cửa vào đất Phật Dewachen dù Ngài không trực tiếp hiện diện. Cả gia đình đó đều cầu khẩn tới ngài vì họ biết rằng cõi Dewachen không phải đợi người ta lúc chết mới mở mà ngay tại đây và bây giờ, ai cũng có thể tìm kiếm được.

Một ngày nọ, tin tức bay tới miền Bắc Tây Tạng xa xôi: vị Karmapa hiện đang ở miền Nam và đang truyền bá giáo pháp. Vị Lạt-ma nọ nghe tin, vội vã từ giã dân làng và đi về phía Nam.

Vài tháng sau, ông quì trước Gyalwa Karmapa(31) và nhận phước lành của Ngài, sau lưng là một hàng dài tín đồ, tăng sĩ, tầm sư từ mọi nơi của đất Tây Tạng. Ông nhìn thẳng vào mắt Karmapa không nói một lời. Trên mặt vị Phật sống bỗng xuất hiện một nụ cười rạng rỡ. Ngài cúi mình, nói nhỏ vào tai vị Lạt-ma du sĩ: “Lần đó trên miền Bắc, làm phép chuyển tâm thức cũng mệt lắm nhỉ?”.

Sau đó Karmapa lấy vòng cầu nguyện đeo cổ, cầm trên tay, gõ vài cái vào đầu Lạt-ma và nói thêm: “Nhưng lần đó, chúng ta cũng làm được việc rồi… Tất cả đều tốt cả chứ?”.

“Tốt cả”, Lạt-ma du sĩ trả lời, nước mắt đầy tròng. Bây giờ ông đã biết rõ, một tâm thức giác ngộ như Karmapa không hề chịu sự ngăn ngại của thời gian hay không gian, vượt qua mọi trở ngại tưởng chừng có thực, để gần học trò của mình, dù người học trò đó đi tới cõi nào, sắc giới hay vô sắc giới.