Ban quản lý tiếp tay, chính quyền không biết

Trong khi giải quyết việc làm cho lao động địa phương gặp nhiều khó khăn thì tại nhiều dự án điện năng như nhiệt điện, thủy điện ở Quảng Nam, nhà thầu Trung Quốc thi công ào ạt đưa lao động phổ thông qua làm việc chui.

Dự án xây dựng thủy điện Sông Bung 4 nằm ở xã Pà Lừa (H.Nam Giang), do nhà thầu Sinohydro Corporation Limited (Trung Quốc - TQ) thi công đang bước vào giai đoạn nước rút. Trên công trường, hàng trăm công nhân hối hả làm việc. Trong số này có gần 300 lao động đến từ TQ. Theo Ban quản lý (BQL) dự án thủy điện Sông Bung 4, tại công trường nhà thầu TQ đưa sang tất thảy 296 người, trong số đó có 186 lao động phổ thông, công nhân, lái xe... Theo Sở LĐ-TB-XH tỉnh Quảng Nam, BQL dự án thủy điện Sông Bung 4 chỉ đăng ký với tỉnh 50 người, hầu hết được cho là kỹ sư, chuyên gia.



Lao động phổ thông TQ trên công trường thủy điện Sông Bung 4 - Ảnh: H.T

Trong khi đó, tại công trường Nhà máy nhiệt điện Nông Sơn (H.Nông Sơn), do nhà thầu Tổng công ty thiết bị nặng TQ thi công, có khoảng 197 công nhân TQ tá túc, ăn ngủ tại khu vực công trường. Ông Lê Văn Châu, Trưởng phòng LĐ-TB-XH H.Nông Sơn, cho biết trong số này chỉ có 30 người có giấy phép lao động, 5 kỹ sư, còn lại là lao động phổ thông. BQL dự án nhà máy nhiệt điện Nông Sơn chỉ báo cáo với Sở LĐ-TB-XH có 10 người là chuyên gia, kỹ sư. Số còn lại là ai, làm việc gì thì BQL lờ đi.

''Số lượng chính xác lao động người nước ngoài làm việc tại Quảng Nam là bao nhiêu, có giấy phép hay không phải đến cuối tháng 9.2011 mới biết được'' - Ông Vũ Duy Thông, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Quảng Nam

Quản lý kiểu gì?

Từ năm 2009, khi các dự án đầu tư điện năng ở Quảng Nam phát triển rầm rộ, nhà thầu TQ giành nhiều gói thầu quan trọng như cung cấp thiết bị, máy móc lẫn thi công. Họ ào ạt đưa lao động phổ thông sang các công trường. Quan điểm của UBND tỉnh Quảng Nam lúc đó rất rõ ràng là chỉ tiếp nhận chuyên gia ở các lĩnh vực mà nước ta còn thiếu, nhất định không tiếp nhận lao động phổ thông. Thế nhưng, sau một thời gian siết chặt, đến nay tình hình khá bi đát, khi mà hầu hết lao động nước ngoài trên công trường đều là lao động phổ thông, lại không đăng ký với chính quyền. Cụ thể, ngay tại H.Nam Giang, từ Chủ tịch đến Phòng LĐ-TB-XH huyện đều không biết có bao nhiêu lao động người nước ngoài đang tá túc trên đất do mình quản lý. Lãnh đạo H.Nông Sơn cũng không rõ số lượng lao động TQ thực tế trên công trường.

Trao đổi với PV Thanh Niên ngày 29.8, ông Vũ Duy Thông, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Quảng Nam, cho biết đến thời điểm này sở vẫn chưa nắm cụ thể có bao nhiêu lao động TQ làm việc tại tỉnh. "Số lượng chính xác lao động người nước ngoài làm việc tại Quảng Nam là bao nhiêu, có giấy phép hay không phải đến cuối tháng 9.2011 mới biết được. Hiện sở đã phát công văn đến các doanh nghiệp yêu cầu báo cáo cụ thể”, ông Thông nói.

Hiện ở các huyện miền núi Quảng Nam, giải quyết việc làm cho thanh niên, người lao động, nhất là lao động phổ thông đang rất khó khăn. Thế nhưng, hàng trăm lao động phổ thông người TQ đang làm "chui" ở các dự án ngay tại Quảng Nam là điều không thể chấp nhận.

Rất khó biết số lượng thực tế!

Một lãnh đạo UNBD huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, nơi từng có hàng ngàn công nhân làm việc tại công trường Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng, cho biết lao động TQ tại địa bàn đã gây ra khá nhiều vấn đề phức tạp về an ninh trật tự. Một số công nhân TQ ý thức kém, uống rượu bia say xỉn gây gổ, đánh nhau với người dân địa phương; một số còn tổ chức cờ bạc, tán tỉnh con gái nhà dân gần khu vực công trường...

“Số lao động thực tế là bao nhiêu chúng tôi cũng rất khó nắm vì công nhân liên tục vào ra. Tất cả số liệu cũng chỉ chờ báo cáo của nhà thầu, của chủ đầu tư, công an đã nắm địa bàn nhưng cũng rất khó thống kê số lượng thực tế. Trước đây, từng có vụ một công nhân TQ chết, nhưng các chủ thầu không nhận, họ bảo không phải công nhân của họ. Chúng tôi lại phải làm các thủ tục ma chay, phúng viếng vì nghĩa tử là nghĩa tận”, vị cán bộ này cho biết.

Về giải pháp quản lý, theo ông Nguyễn Trần Lanh, Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên, cần phải làm chặt 2 việc. Một là, chỉ cấp phép lao động cho kỹ sư, cán bộ kỹ thuật có trình độ cao, hạn chế tối đa lao động phổ thông. “Thực tế cho thấy, lao động có trình độ là người được học hành bài bản, ý thức kỷ luật, văn hóa ứng xử của họ cũng tốt hơn. Một số lao động chân tay từ vùng núi, vùng sâu vùng xa đến, thậm chí họ còn không biết chữ, nên cách cư xử không được tế nhị”, ông Lanh nói. Hai là, phải đảm bảo 100% lao động nước ngoài có chỗ ở tập trung: “Theo tôi, trước khi cho phép nhà thầu đưa lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc tại công trường, cần phải kiểm tra số chỗ ở mà chủ thầu đã chuẩn bị. Cơ quan chức năng chỉ nên cho phép đưa người vào khi đã có đủ chỗ ở tập trung trong các khu chung cư, ký túc xá”.

Thanh Phong

Hạn cuối: 5 tháng 9

Theo ông Ninh Công Dũng, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý lao động, Sở LĐ-TB-XH Đắk Nông hiện có 313 lao động TQ đang làm việc tại công trường Nhà máy Alumin Nhân Cơ. Qua kiểm tra của đoàn công tác liên ngành vào đầu tháng 8, tại đây có 171 lao động TQ chưa có giấy phép lao động. Từ đó đến nay mới cấp thêm giấy phép cho 21 lao động, hiện còn 150 lao động chưa có giấy phép. “Đoàn kiểm tra đã yêu cầu sau một tháng kể từ ngày kiểm tra, tức đến ngày 5.9.2011, BQL dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ phải hoàn tất các hồ sơ thủ tục để số lao động còn lại được cấp giấy phép; nếu không thì các cơ quan quản lý sẽ tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật”, ông Dũng nhấn mạnh. Theo ông Dũng, gần một nửa trong số 150 lao động TQ chưa được cấp phép lao động nêu trên chưa có lý lịch tư pháp.

Ông Bùi Quang Tiến, Giám đốc BQL dự án, cho biết số lao động chưa đủ hồ sơ đang chờ giấy tờ từ TQ gửi sang, các nhà thầu hứa sẽ hoàn chỉnh hồ sơ trước ngày 5.9. “Đến thời hạn, lao động nào không đủ hồ sơ để xin cấp phép lao động, chúng tôi sẽ không cho vào công trường. BQL cũng thông báo sắp tới nếu lao động TQ sang làm việc mà không đủ hồ sơ thủ tục, Ban sẽ không bảo lãnh đăng ký lưu trú trên địa bàn”, ông Tiến nói.

Trao đổi với PV Thanh Niên, bà Bùi Thị Hòa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, nhấn mạnh: “Sau thời hạn cơ quan chức năng yêu cầu, tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành kiểm tra đơn vị sử dụng lao động thực hiện đến đâu, tùy theo tình hình để có mức độ xử lý thích hợp. Trường hợp lao động không có đủ hồ sơ để cấp giấy phép lao động thì tỉnh sẽ đề nghị trục xuất”.

Hết hạn vẫn chưa khám sức khỏe

Như Thanh Niên đã thông tin, ngày 30.8 là ngày cuối UBND tỉnh Cà Mau gia hạn cho nhà thầu đưa lao động không phép người Trung Quốc (TQ) ở công trường Nhà máy đạm Cà Mau (KCN khí-điện-đạm Cà Mau, xã Khánh An, H.U Minh, Cà Mau) đi khám sức khỏe bổ sung hồ sơ để cấp phép cho 600 lao động của mình.

Trong 2 ngày qua, Bệnh viện đa khoa Cà Mau đã phân công y bác sĩ trực và chuẩn bị sẵn sàng, chờ lao động TQ đến khám như lịch hẹn nhưng không có ai đến. Chiều 30.8, ông Lưu Anh Tài - Giám đốc bệnh viện cho biết: “Đến gần cuối giờ chiều 30.8, đại diện nhà thầu đến đưa 15 hộ chiếu (bản photo) và giấy giới thiệu thông báo ngày mai 15 người này sẽ đến khám”. Chiều cùng ngày, ông Nguyễn Tiến Hải - Phó chủ tịch tỉnh Cà Mau khẳng định: “Tôi chưa nghe Sở LĐ-TB-XH báo cáo về tiến độ thực hiện của nhà thầu về việc bổ sung lý lịch tư pháp để cấp phép cho lao động không phép người TQ”.

Còn đối với 90 lao động phổ thông người TQ, các nhà thầu TQ hứa sẽ đưa về nước trước ngày 31.8, nhưng theo nguồn tin riêng của Thanh Niên, đến chiều 30.8, các nhà thầu vẫn chưa có động thái gì về việc này.

Gia Bách

Trần Ngọc Quyền

Hữu Trà
(Theo Thanh Niên)


ignored