Angkor - Huyền Thoại Đế Thiên Đế Thích


Bình Minh Angkor Vat
Đế Thiên Đế Thích là tiếng phiên dịch từ tiếng Miên:

Angkor Vat và Angkor Thom.

Angkor theo tiếng Phạn, có nghĩa là kinh thành, đô thị. Vat là chùa, Thom là lớn. Angkor Vat là khu đền thờ, Angkor Thom là khu đền vua.

Angkor Vat và Angkor Thom, tiếng Việt gọi là Đế Thiên Đế Thích, do các vua Miên xây dựng. Angkor Vat được xây dựng vào đầu thế kỷ 12; Angkor Thom và đền Bayon được xây dựng vào cuối thế kỷ 12, dưới thời các vua nước Miên anh hùng là Suryavarman II và vua Jayavarman VII, đánh dấu một giai đoạn văn minh rực rỡ trước kia của nước Miên.

Đế Thiên Đế Thích nằm phía Bắc Siem-Reap cách tỉnh lỵ chừng mười mấy cây số. Chung quanh Đế Thiên Đế Thích là một vùng đất rộng lớn trù phú, ruộng vườn mầu mỡ, gần với Biển Hồ là vựa cá lớn của thiên nhiên. Cho nên các vua Miên chọn nơi đây để xây dựng kinh thành, chỉ có điều không tốt là vùng nầy gần biên giới Thái Lan, cách biên giới chừng 100 cây số về hướng Bắc, nên dễ bị quân Thái tràn qua cướp phá khi nước Miên suy yếu. Sau cùng thì từ giữa thế kỷ 15, vua và dân chúng Miên phải rời bỏ khu đền nầy, di cư xuống miền đông nam, dựng đô ở Oudon, phía trên bến đò Kompong Luong vài cây số, rồi lại dời lần xuống nữa, đến Phnom Pênh ngày nay.

Từ đó khu Angkor lần lần bị rừng rậm bao phủ trở thành hoang phế, ít người lui tới. Đến khi người Pháp chiếm lấy Đông Dương, họ mới khám phá ra khu di tích nầy, và năm 1898, Chánh phủ Pháp lập trường Viễn Đông Bác Cổ đặt ra bộ phận bảo tồn khu di tích vĩ đại nầy.

Đền Angkor Vat được xây dựng để thờ Thần Vishnou.

Đường vào Angkor Vat là một đại lộ dài gần 2 cây số, lót những tảng đá lớn. Cuối đường là một cái cổng lớn và rộng độ 200 thước. Bước qua cổng là một đoạn đường rộng chừng 10 thước, hai bên có hành lang bằng đá chạy dọc theo, có hình chạm rắn thần bảy đầu. Trước khi đến chánh điện, có hai hồ nước rất lớn, hình vuông, soi bóng đền Angkor Vat lung linh. Trước chính điện là một sân rộng lót đá, là nơi tổ chức các buổi lễ tôn giáo. Chánh điện là một tháp lớn cao khoảng 60 thước, có 4 tháp nhỏ vây quanh 4 bên. Trong tháp lớn, có một cái giếng sâu, tương truyền là nơi chôn giấu các báu vật của vua, bên cạnh đó là Tàng Kinh Các, lầu chuông, lầu trống, phòng chứa cả ngàn tượng Thần đủ cở lớn nhỏ.

Toàn bộ các công trình kiến trúc nầy được bao bọc bởi 3 dãy hành lang làm bằng đá tảng. Trên các dãy hành lang ấy, nghệ nhân Miên điêu khắc những bức phù điêu khổng lồ, dài cả ngàn thước, ghi lại đời sống nơi cung đình, hoạt cảnh Thần Tiên và các sinh hoạt xã hội khác.

Rời Angkor Vat, đi về hướng Bắc hơn một cây số thì đến khu hoàng thành Angkor Thom, một đại công trình kiến trúc hình vuông, mỗi cạnh chừng 3 cây số, được bảo vệ bởi một tường thành rất kiên cố, ghép bằng đá tảng, cao 8 thước, dày 1 thước. Các tảng đá chồng lên nhau khít khao, khéo đến nỗi cỏ cũng không có chỗ để mọc.



Angkor Vat từ vệ tinh

Sau bức tường đá dày nầy là một lũy đất có bề mặt trên rộng 25 thước, đủ rộng để hành quân bảo về hoàng thành, có thiết lập các trạm gác cách khoảng đều nhau và đài chỉ huy.

Bên ngoài tường thành là hào nước sâu, bề mặt rộng hơn 100 thước, như một con sông lớn bao quanh hoàng thành.


Cổng vào Angkor Vat

Năm cổng vào hoàng thành, tại mỗi cổng có đặt những tượng thần khổng lồ cao 3 thước ôm rắn thần 7 đầu, có tượng voi đá 3 đầu.

Vượt qua những tượng thần, rắn và voi, là 5 con đường đi vào hoàng cung, đoạn đường khá dài, khoảng 1500 thước, với những vách đá hai bên, cuối đường là điện Bayon, trung tâm của hoàng cung.

Điện Bayon dài 160 thước, ngang 140 thước, có hai lớp hành lang bằng đá bao bọc. Nền Điện là một tảng đá khổng lồ. Tại đây có hàng ngàn tượng Thần, vách các tháp đá có tạc hình 172 mặt Phật khổng lồ dài 2 đến 3thước, ngoài ra còn có những bức phù điêu dài hàng ngàn thước giống như ở Angkor Vat.

Điện Bayon thờ vua Jayavarman VII, được xây dựng trong 30 năm mới xong.

Ngoài Điện Bayon, khu hoàng thành còn có hàng ngàn dinh thự bằng đá, hàng trăm ngôi tháp nhỏ, có một ngôi tháp bằng vàng là nơi để cho vua ngủ.



Sau Angkor Wat thì phải nói đến Angkor Thom, một thành lớn của đế quốc Angkor vào thời hùng mạnh nhất được xây dựng vào cuối thế kỷ 12. Nhưng Angkor Thom thì không còn là kiến trúc của tôn giáo Hindu nữa, mà nó lại mang nét kiến trúc của nền văn hóa Phật giáo Đại thừa.

Bên ngoài hai khu vực Angkor Vat và Anhkor Thom, còn có vài chục khu đền khác nằm rải rác cách nhau một tầm nhìn. Toàn bộ các công trình vĩ đại bằng đá ấy tập hợp thành một toàn cảnh hùng vĩ không kép Kim Tự Tháp Ai Cập.

Gần khu đền Đế Thiên Đế Thích còn có một ngôi đền nhỏ hơn, ở về phía biên giới Thái Lan, nhưng tuyệt mỹ, những nét chạm trỗ còn nguyên vẹn rất tinh vi, đường nét đặc sắc gọi là Đền Banteai Srey, được vua Jayavarman V xây dựng vào thế kỷ thứ 10, bị bỏ hoang trong rừng rậm, được một người Pháp tìm ra vào năm 1914.

Khu đền Angkor Vat và Angkor Thom hiện nay được liệt vào một trong những kỳ quan của thế giới, giống như Kim Tự Tháp của Ai Cập, Điện Parthenon của Hy Lạp, Vạn Lý Trường Thành của Trung Hoa, vv . . .

Các khu đền Angkor tượng trưng nền văn hóa cổ của người Cao Miên có một thời rất huy hoàng. Người Cao Miên rất hãnh diện về những khu đền đài nầy, nên trên lá cờ của nước họ, có hình ảnh 5 cái tháp của Angkor.

Trước đời nhà Minh, quân Mông Cổ kéo vòng quanh Đông Nam Á vào thế kỷ 13, đến tàn phá Đế Thiên Đế Thích. Trước khi giặc đến tàn phá thì những báu vật đã được chôn giấu dưới nền chùa để làm đồ trấn quốc, nên về đêm ánh ngọc phát sáng cả chùa.

Nơi đây trụ xứ các vị Bồ Tát như: BAKHANAYOUK,BADANAYA, BADANAYA...



Angkor Thom