Rồi ngài đọc kệ thị tịch:

Ðời ta chí gởi chốn Liên Trì

Trần thế vinh hư sá kể gì

Bốn tám năm dài chuyên lễ niệm

Mừng nay được thấy đức A Di.


Nói xong, Ðại Sư yên lặng nhập định. Ðến 6 giờ 15 phút, Ðại Sư bỗng mở mắt, chắp tay nói:

- Ta đi đây! Ðại chúng nên bảo trọng.

Rồi tay vẫn kết ấn Di Ðà định, an nhiên tọa hóa quy Tây ngay trên bản tọa. Ðại Sư thọ 68 tuổi đời, 48 tuổi đạo, hạ lạp 42.

Lễ di quan, nhập tháp hoàn tất vào khoảng 8 giờ sáng ngày 25 tháng 11 năm Nhăm Thân (tức 18 tháng 12 năm 1992). Trong lễ khai mộ vào ngày 21 tháng 12, 1992, đại chúng thấy có một cặp rắn vàng óng bò đến nằm trước mộ một lúc lâu, rồi ngẩng đầu, gật đầu chào ni sư Thanh Nguyệt ba lần trước khi bò mất dạng. Theo các môn nhân, đó là cặp vợ chồng rắn đã từng quy y với Hòa Thượng trước kia. Ðại Sư có lưu lại một kim cang nha xỉ xá lợi (tức là một cái răng rất chắc chắn, sáng đẹp, không ai cưa cắt nổi).
Xét công hạnh, Ðại Sư không những chỉ giáo hóa bằng ngôn giáo mà còn bằng cả thân giáo. Bao nhiêu người nhờ vào những tác phẩm của ngài hay được gặp gỡ ngài mà được lợi lạc nơi pháp môn Tịnh Ðộ. Ðiểm qua những dịch phẩm và trước tác của ngài, điểm nổi bật là một trình độ Phật học uyên thâm, một mức độ hiểu biết sâu xa các nền triết học ngoài Phật giáo được trình bày bằng một văn pháp giản dị, chính xác, trong sáng, trau chuốt, nhẹ nhàng, thanh thoát, bóng bảy nhưng không hoa mỹ, cầu kỳ, ý tứ thâm trầm nhưng dễ hiểu. Có nhiều đoạn Ðại Sư chỉ dịch ý để cho hàng hậu học dễ lãnh hội được ý nghĩa của từng văn bản cổ thay vì bám chặt theo mạch văn khiến cho người đọc có cảm giác những tác phẩm ấy vừa được viết ngay trong thời đại này, thay vì đã được viết ra vào thời Ðường, thời Tống cách đây cả ngàn năm.
Có đọc những dịch phẩm ấy, ta mới thấy kiến văn của Ðại Sư vô cùng quảng bác, không những chỉ đọc hết những kinh điển Tịnh Ðộ trong Ðại Tạng và Tục Tạng, Ðại Sư còn đọc rất nhiều tác phẩm Tịnh Ðộ cận đại nữa. Tuy chuyên chú nơi Tịnh Ðộ, Ðại Sư vẫn bác lãm các kinh điển của chư Tông, mà điển hình nhất là Ðại Sư đã được cung thỉnh dạy môn Duy Thức cho học tăng và sinh viên ngành Phật Học tại Ðại Học Vạn Hạnh khi còn rất trẻ.

Không những là một vị tôn sư của Tịnh Ðộ, Vô Nhất Thượng Nhân còn là một hành giả thành tựu trong Kim Cang Thừa. Tuy chỉ dùng Mật chú làm trợ hạnh để hỗ trợ cho Tịnh nghiệp, Ðại Sư đã đạt những thành tựu lớn lao trong Mật tông. Rất nhiều hành giả Mật Tông được pháp ích khi đến cầu học với ngài. Qua những dẫn giải thi thoảng đây đó trong các tác phẩm giảng dạy về Tịnh Ðộ, ta thấy Vô Nhất Thượng Nhân là một trong số rất ít những đại sư thâm hiểu tột cùng giáo pháp phức tạp, vi diệu của Ðông Mật, nhất là hai hệ thống giáo nghĩa Kim Cang và Thai Tạng. Cùng với A Xà Lê thượng Viên hạ Ðức, Ðại Sư Thiền Tâm được xưng tụng là tối thượng Kim Cang A Xà Lê của Mật tông Việt Nam. Khi chọn các bản kinh Mật Tông để dịch, Hòa Thượng cũng thận trọng chọn lấy những bản hoàn chỉnh nhất để dịch và chú giải tỉ mỉ khiến cho dịch phẩm của ngài dễ hiểu, dễ thực hành, vượt xa các dịch phẩm của những vị hoằng truyền Mật tông khác.

Thị hiện chỉ 68 năm trên cõi trần gian này và thực sự hành hóa chỉ 42 năm nhưng Ðại Sư đã đóng góp rất lớn lao vào kho tàng văn hóa Phật Giáo Việt Nam. Chỉ bằng những tác phẩm của mình, Ðại Sư đã hóa độ bao nhiêu tứ chúng hữu duyên, huống hồ là những ai có cơ duyên gặp gỡ, đích thân lãnh thọ sự giáo hóa của ngài. Thế mà, Ðại Sư vẫn khiêm tốn chỉ xưng mình là Vô Nhất, lấy ý từ câu “Nhất sự vô thành, thân tiệm lão” (không có chuyện gì làm cho ra hồn hết mà thân đã già dần mất rồi). Ðức hạnh, phong thái khiêm tốn ấy càng làm cho tứ chúng ngưỡng mộ, khâm kính. Ngưỡng mong hàng Phật tử Việt Nam ta sẽ luôn được giác linh ngài thầm gia hộ, dìu dắt để cùng được hội ngộ chốn Lạc Bang.