Đường ra pháp trường của “thầy pháp” sát nhân

Sau 11 năm gây tội ác, thủ phạm giết 42 phụ nữ ở Indonesia mới bị bắt và cũng từng đó thời gian sau khi bị tống giam, kẻ giết người hàng loạt mới bị đem ra trường bắn.

Tội ác

Tháng 4.1997, cảnh sát Indonesia bắt giam Ahmad Suradji - một thầy pháp 48 tuổi còn được biết đến với cái tên Nasib Kelewang - sau khi xác chết của một phụ nữ được tìm thấy gần nhà ông ta ở Lubukpakan, phía bắc đảo Sumatra. Theo một bản tin của BBC hồi năm đó, cảnh sát cũng đã khai quật được thêm 41 xác phụ nữ khác trong khu vực quanh nhà Ahmad. Hầu hết những người phụ nữ này được cho là gái mại dâm. Họ tìm đến Ahmad để cầu xin "thầy" giúp họ trông quyến rũ hơn trong mắt đàn ông. Một số phụ nữ khác thì nhờ Ahmad giúp họ giàu có hoặc may mắn hơn trong tình duyên. Khi mỗi nạn nhân đến nhờ cậy "thầy", Ahmad đều dụ họ đến một cánh đồng mía gần nhà mình và nói đó là nơi "làm phép". Sau đó, hắn chôn nạn nhân đến ngang hông, đầu quay về hướng nhà hắn rồi bóp cổ nạn nhân cho đến chết. Tất cả 42 phụ nữ, ở độ tuổi từ 11 đến 30, tìm đến Ahmad trong hơn 10 năm đều không bao giờ trở về nhà nữa.

Cũng theo thông tin từ cảnh sát Indonesia, Ahmad kể rằng trước khi tội ác trên bị đưa ra ánh sáng khoảng 10 năm, hắn mơ thấy hồn của người cha hiện về nói rằng hắn phải giết 70 người phụ nữ và uống nước bọt của họ. Ahmad thừa nhận việc giết 42 người phụ nữ kể trên từ suốt năm 1986 đến khi bị bắt. "Thầy pháp" này tin rằng các xác chết sẽ làm tăng sức mạnh siêu nhiên của hắn. Với tội ác này, Ahmad được coi là một trong những tên sát nhân hàng loạt tàn ác nhất thế kỷ 20. Sở dĩ những hành động ghê rợn của Ahmad không bị phanh phui trong suốt một thời gian dài là do những nạn nhân trước khi đến với "thầy" không bao giờ nói với gia đình là họ đi đâu. Cảnh sát cho rằng họ cảm thấy xấu hổ khi phải nói với gia đình về "ước nguyện thầm kín" của mình.

Một trong 3 người vợ của Ahmad là Tumini cũng bị đem ra xét xử trong một phiên tòa khác vì tiếp tay cho người chồng của mình gây tội ác. Ba người vợ của Ahmad đều là chị em ruột. Cũng vào thời điểm Ahmad bị xét xử, theo BBC, một bộ phim về vụ án này đã được phát hành ở Indonesia. Luật sư của Ahmad đã lên tiếng phản đối việc này vì cho rằng nó sẽ làm cho thân chủ của ông không được xét xử công bằng.

Tại Indonesia, tin vào các thầy pháp là chuyện thường thấy ở vùng nông thôn, nơi có mức sống thấp và người dân ít được học hành. Bản thân những người dân làng nơi Ahmad sinh sống cũng đã tỉnh ngộ sau việc "thầy pháp" bị bắt vì tội giết người hàng loạt. Họ cảm thấy bị phản bội bởi người từng được cả cộng đồng trọng vọng. Ngôi nhà của Ahmad sau đó cũng bị dân làng đốt cháy trong sự giận dữ.

Thi hành công lý

Đúng 1 năm sau khi bị bắt, tháng 4.1998, Ahmad đã bị một tòa án tại Sumatra kết án tử hình. Phiên tòa kéo dài gần 1 năm với bản cáo trạng dày 363 trang đã trải qua nhiều phiên lấy lời khai từ các nhân chứng, những người nói rằng thân nhân của họ đã "một đi không trở lại" từ khi đến gặp Ahmad. Một bản tin của BBC hồi năm 1998 cho hay khoảng 100 người có mặt trong phòng xử chật hẹp lúc đó đã reo mừng khi nghe bản án dành cho Ahmad. "Thầy pháp" thì tỏ ra điềm tĩnh khi nghe hình phạt.

Nhưng mãi tới 11 năm sau khi tòa tuyên án, bản án mới được thi hành. Hôm 10/07/2008 vừa rồi, sau 11 năm ngồi tù, Ahmad đã được đưa ra pháp trường. Bản án được thi hành lúc 10 giờ đêm. Trước khi bị bắn, Ahmad, năm nay 59 tuổi, muốn được gặp lại vợ và một số người thân thiết. Hắn đã được toại nguyện. Theo AP, bản thân người vợ Tumini của hắn cũng bị kết án tử hình vì tiếp tay cho chồng nhưng sau đó được giảm án xuống tù chung thân. Trước đó, vào tháng 11.2007, đơn xin ân xá của Ahmad đã bị Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono bác.

Theo DPA, xác của Ahmad đã được chuyển ngay đến bệnh viện để khám nghiệm tử thi sau cuộc hành quyết trước khi được giao cho gia đình để chôn cất. Chính quyền địa phương đã hủy bỏ việc chôn cất Ahmad tại nghĩa trang công cộng do có khoảng 100 thân nhân của các nạn nhân đợi sẵn ở đó để phá đám tang.

http://www.thanhnien.com.vn/News/Pri...aspx?ID=250327