Tác giả : Huỳnh Minh

Như chúng ta đã biết, ngày xưa Tây Ninh toàn là rừng già, chưa được khai thác trống trải như ngày nay nên nó là giang sơn của cọp voi, mang mến...v..v.. Thời ấy, chúa sơn lâm hay bén mảng gần xóm đông dân cư, để rình bắt heo bò và cõng người về rừng xé xác.
Chẳng rõ "cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận" dữ đến thế nào chứ riêng nạn cọp Tây Ninh có lắm lúc bất trị, khiến dân chúng coi như là một đại họa hãi hùng. Cho đến khoảng cận đại, mặc dù đã có khoa học tiến bộ mà vùng Tây Ninh vẫn còn ghi dấu vết ghê gợn về nạn cọp hoành hành.
ngược dòng lịch sử, khoảng năm 1914, vào đêm 13 tháng 7, đồng bào Tây Ninh bắt đầu trải qua nạn cọp lẻn về xóm trường học và nhà thờ công giáo, trong phạm vi châu thành Tây Ninh. Chiều hôm ấy, cọp rời rừng, vào xóm, rình bắt heo, bò và tiện bắt luôn cả người, nếu như chúa sơn lâm thấy tiện...
Mới hơn 4 giờ chiều mà cọp đã làm lộng lắm rồi. Bắt được bò, cọp lôi ngay vào một nơi khuất tịch ở gần đấy. Nơi này bốn bề phủ kín bởi các lùm cây ổi tây dày bịch, nên không ai hay biết và trông thấy để kịp thời truy hô cùng nhau đánh đuổi chúng.
Nhưng, tạo hóa chí công. Những loài độc dữ đi đến đâu, thường loài khác biết được nên tránh xa. Cho nên, lúc ấy tín đồ công giáo đến nhà thờ làm lể, bỗng ngửi thấy mùi khét và hôi. Xem lại thì trời đang đứng gió, mà trong bụi ổi lại thấy cành lá xao động. Sinh nghi, những người dạn dĩ hết sức cẩn thận dò xét. Quả nhiên, họ thấy ngay một con cọp đang ngấu nghiến con bò. Không chút chần chừ người ta liền báo ngay cho dân chúng để cùng nhau tiêu diệt con cọp gian ác kia.
Người có súng dùng súng, có gậy gộc thì dùng gậy gộc. Nhưng không kịp rồi. Cọp thấy động liền phản ứng nhanh chóng, xông ra vồ ngay ông đội Nhiều và một người nữa. Nhanh trí và bình tĩnh, ông Đội Nhiều lấy nón phang vào mặt cọp để cọp phải né tránh, ông và người kia kịp thời lách mình đối phó.
Bị ném nón thình lình, cọp đâm ra hoảng hốt, chụp lấy nón xé nát. Không chút chậm trể , Đội Nhiều nhanh chân trèo lên cây me gần đấy thủ thế. Còn người kia thì chạy thoát ra đường, vào bưu điện cấp báo về tỉnh.
Trong khi ấy, cọp vẫn ngạo nghễ phục nơi lùm cây, không thèm chạy đi đâu cả, dường như có ý thách loài người. Mà loài người thì đâu chịu bó tay đầu hàng trước con vật hung ác.
Trong lúc cọp ngạo mạn, người thủ thế bao vây, viện binh kéo tới. Ông tỉnh trưởng cùng với viên cận vệ, ông đội Lê Văn Lâm đến nơi . Tức thì súng nổ đạn bay. Quả là cây súng tài, ngay loạt đạn đầu tiên, vị tỉnh trưởng đã hạ được cọp. Mà cũng quả là tới số, nên cọp ở lại chờ chết để đền tội với dân chúng nơi đây. Có điều là sau khi kiểm soát lại, nhận thấy Đội Lâm hớ hênh lẻn ra phía sau định phục kích đường tháo lui của chúa sơn, chẳng may bị lạc đạn, bị thương nơi mắt cá chân.
Khi Đạo Tam Kỳ khởi khai phá rừng để hoằng dương đạo pháp tại nơi Tòa Thánh hiện nay, trong rằm tháng Giêng năm Đinh Mão 1927 một con cọp ra đầu đường quốc lộ 13, vồ một con ngựa đang bắt kế trong một xe thổ mộ, lôi vào mé rừng móc họng.
Khuya đêm ấy, ông cụ thân sinh của giáo sư Trần văn Thử, nguyên hiệu trưởng trường Pétrus Ký, từ nhà ở xóm Phan đánh xe bò ra thăm con ở nhà đốc học Trần Văn Giảng đi học. Xe gần đến chổ cọp tác quái, trời còn nhá nhem chưa sáng, ông cụ thấy lờ mờ bên đường, một chiếc xe ngựa chổng đuôi tôm nhúc nhích. thấy lạ, ông gò dây bó chậm lại để xem cho kỹ thì một tiếng chúa sơn lâm hộc vang dậy xé không gian đêm tàn. Đôi bò đánh được hơi cọp liền nhảy sải 2 nước lớn kéo xe chạy như bay bất chấp lỗ hang, một mạch tới châu thành Tây Ninh. Lương thực, bánh trái đem theo cho con văng xuống đường mất hết không còn vật gì ông cụ cũng không hay.
Từ ấy đến năm 1946 và trở về trước, mặc dù Tây Ninh là xứ núi rừng, đồng bào phần đông sinh hoạt về lâm sản, trãi bao năm vẫn không nghe ai bị cọp bắt voi chà. Nhưng đến năm 1947-1948, cọp lại loạn rừng.
Mỗi đêm, khoảng 8 giờ tối, quân Pháp ban hành lệnh giới nghiêm tới 6 giờ sáng. Ngoài đường, trong vườn tược không một bóng người. Súc vật cũng nhốt trong chuồng hay trong nhà, vì có ba lẽ : nhất là Pháp bắn bỏ hoặc bắt giam, muốn được trả tự do phải lo lót, hai là bị cướp bắt đi, ba l à bị cọp bắt ăn thịt, chết không toàn mạng.
Tại xã Ninh Thạnh, ấp Chánh, cọp đã ăn ba mạng, và mỗi đêm thường về ấp này bắt heo mang vô rừng ăn dần.
Một hôm, vào lúc 5 giờ sáng, đạo đồng chùa Long Sơn vừa dứt công phu, còn ngồi gióng chuông, dòm qua kẹt cửa để xem trời sáng chưa, chợt thấy một con cọp cái đang nằm với cọp con cách đó một thước tây thôi. Những người trong chùa cửa đóng then cài, cọp ngoài sân nằm ngửa giởn với con. Mặt chú đạo đồng tái mét, cắt không còn chút máu, bò càn xuống hậu liêu, đánh thức chư tăng mà báo động :
- trời đất ơi! Cọp về ! Cọp
Chư tăng cố trấn tĩnh :
- Cọp về đâu?
- Cọp nằm trước cửa chùa. Cọp mẹ cọp con đang trửng giởn, xem bắt lạnh mình rởn óc. Quý Thầy ra xem thì biết.
Mọi người nhẹ gót dòm lén, thảy đều hồn bất phụ thể. Không ai dám động tịnh gì, ở đâu ngồi yên đó, chờ tới sáng , cọp bỏ ra đi. Chừng xem xét lại, thì ra cọp đã nằm suốt đêm. Chư Tăng thở một hơi nhẹ nhàng, tỉnh hồn tỉnh vía.
Trên đây, chúng tôi dò tài liệu của ông cụ trụ trì chùa Long Sơn mà ghi chép lại một cách trung thực. Riêng chúng tôi, có thân hành đến viếng chùa Long Sơn, được Hòa Thượng trụ trì hướng dẩn đến xem nơi cọp vồ một người rồi đem xuống bụi tre xé xác, đứa bé xấu số ấy là con của một lão thầy pháp trong làng.
Ngày nay gợi lại câu chuyện cọp loạn rừng, ăn thịt người, vật bò, bắt ngựa khiến cho mọi người phải giựt mình hãi sợ cho đó là tai họa của thời chúa sơn lâm tung hoành, gieo tai ương cho người dân tỉnh Tây Ninh.