kết quả từ 1 tới 8 trên 8

Ðề tài: Số phận chìm nổi của các bức họa VN nổi tiếng

  1. #1

    Mặc định Số phận chìm nổi của các bức họa VN nổi tiếng

    Số phận chìm nổi của các bức họa VN nổi tiếng

    - Kỳ 1: Bức tranh của người họa sĩ "Tây học" đầu tiên
    21/08/2011 23:54


    Bức Bình văn của Lê Huy Miến (ảnh) được xem là một trong những tác phẩm sơn dầu đầu tiên của nền hội họa nước nhà, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật VN. Việc bức tranh được phát hiện và còn nguyên vẹn cho tới bây giờ như là sự ưu ái của số phận.
    Từ 30 năm trước khi trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương thành lập, ở nước ta đã có một họa sĩ sơn dầu tài danh, đó là Lê Huy Miến (1873-1943).

    Lê Huy Miến sinh ra trong gia đình khoa bảng tại làng Ông La, xã Kim Khê (nay là xã Nghi Long), H.Nghi Lộc, Nghệ An. Cha ông là Lê Năng Nghiêm, người giữ nhiều chức quan dưới triều Nguyễn, trong đó có chức Án sát Hải Dương. Bản thân Lê Huy Miến là người học rộng tài cao, có tư tưởng chống Pháp nên e ngại chốn quan trường. Mãi đến năm 1902, Lê Huy Miến theo Đào Tấn về kinh, giữ chức Hành tẩu bộ Công. Cuộc đời ông gắn bó nhiều với việc dạy học. Ở Huế, ông từng dạy tại trường Quốc học, trường École des Mandarins. Năm 1923, ông giữ chức Tế tửu (hiệu trưởng) tại trường Quốc Tử Giám (Hà Nội).


    Bức Bình văn của Lê Huy Miến - Ảnh: Tư liệu


    Con đường hội họa đến với Lê Huy Miến bắt đầu từ khi ông sang Pháp du học theo chương trình tuyển chọn con của quan lại triều đình, đào tạo thành quan chức cấp cao cho chính quyền thuộc địa. Năm 1892, Lê Huy Miến tới Paris học tại trường Thuộc địa (École Coloniale) ở Paris, cùng với Hoàng Trọng Phu (con trai của Hoàng Cao Khải) và Thân Trọng Huề (con trai của Thân Văn Nhiếp - Tổng đốc Bình Phú).


    Sau khi tốt nghiệp trường Thuộc địa, vì không muốn về làm quan, Lê Huy Miến ở lại tiếp tục theo học tại trường Mỹ thuật Paris (École des Beaux - Arts de Paris). Từ đây, ông được biết tới nghệ thuật vẽ sơn dầu và trở thành người vẽ tranh sơn dầu đầu tiên của Đông Dương, người họa sĩ “Tây học” đầu tiên ở VN. Với tài năng xuất sắc, ông được trường Mỹ thuật Paris cử sang Rome (Ý) trang trí cho tòa thánh Vatican. Nhưng cuối cùng, trường Thuộc địa đã không chấp thuận.

    Tác phẩm đầu tiên của Lê Huy Miến là bức chân dung cụ Nguyễn Văn Mạ, vẽ năm 1894 tại Paris. Hầu hết các bức tranh của ông vẽ chân dung, truyền thần như chân dung cụ Tú Mền, cụ Lê Văn Hy, Đào Tấn, vua Thành Thái…, hiếm hoi mới có bức tranh vẽ cảnh sinh hoạt như Bình văn.

    Bức tranh bí ẩn

    Trong ký ức của nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến (nguyên chuyên viên nghiên cứu của Viện Mỹ thuật và Bảo tàng Mỹ thuật), vẫn còn nguyên những kỷ niệm khi tìm thấy tác phẩm hội họa vô giá này.

    Đó là những năm 1969 - 1970. Tình cờ, bức tranh được tìm thấy ở nhà cụ Nguyễn Đình Chữ ở đường Khâm Thiên, Hà Nội. Theo nhiều tài liệu, lúc đầu, bức tranh ở nhà cụ Nguyễn Phúc Đoan ở làng Kim Liên, rồi sau đó mới đến tay cụ Hội là cha cụ Chữ. Bức tranh được truyền qua tay nhiều người con trai của cụ Hội. Cuối cùng, cụ Chữ là người con giữ bức tranh cổ, quý giá.

    Nói bức tranh bí ẩn là bởi người ta không tìm thấy tên tác phẩm, tên người vẽ, năm vẽ. Cụ Nguyễn Đình Chữ cũng không hay biết, chỉ nhớ rằng từ nhỏ bức tranh đã được treo ở nhà. Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung (khi ấy là Viện trưởng Viện Mỹ thuật) cùng nhiều họa sĩ, nhà nghiên cứu đã tới thẩm định và kết luận bức tranh là của Lê Huy Miến. Bức tranh có bố cục cân xứng, vẽ tả thực, theo phong cách cổ điển của hội họa phương Tây trùng hợp với lối vẽ của Lê Huy Miến. Việc tìm thấy bức tranh vào thời gian đó đã làm chấn động giới mỹ thuật. Nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân đã từng nhận xét: bức Bình văn làm cho hội họa hiện đại VN có thêm một phần tư thế kỷ tuổi đời.

    Vì sao bức tranh lại không đề tên tác giả? Có tài liệu viết rằng bức Bình văn vẽ theo một bức ảnh, do ký giả người Anh - Alfred Cunningham, chụp trong chuyến đi tới Hà Nội vào những năm 1900. Chính vì vậy, Lê Huy Miến đã không đề tên mình vào tranh.

    Viện trưởng Nguyễn Đỗ Cung đã giao cho nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến tới nhà cụ Chữ (con trai cụ là nhà điêu khắc Mạnh Quân) để thương lượng mua lại bức tranh. Bà Yến kể: “Trong những lần thương lượng, tôi đều viết tên bức tranh là Bình văn. Mọi người dần quen gọi bức tranh với cái tên này”. Đi đi lại lại nhiều lần, nhưng việc thương lượng mãi không xong. Cụ Chữ muốn để lại bức tranh với giá 1.000 đồng nhưng khi đó, bảo tàng không có đủ tiền. Về sau, cụ đồng ý đổi lấy chiếc xe đạp Pơ - giô thì bảo tàng không tìm mua được. “Bảo tàng cũng dần quên đi việc mua lại bức Bình văn. Mãi tới năm 1972, khi đó cụ Chữ đã mất, anh Mạnh Quân tới bảo tàng và đề nghị để lại bức tranh với giá 900 đồng. Lúc đó bom đạn, mọi người đang đi sơ tán, bảo tàng chưa có đủ số tiền lớn như vậy” - nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến kể lại.

    Giống như định mệnh, cuối năm 1972, khi ấy họa sĩ Nguyễn Văn Y là Viện trưởng thay họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung, đang cho chuẩn bị tổ chức một cuộc triển lãm tranh. Nhà phê bình Nguyễn Hải Yến bỗng nhớ tới bức Bình văn của cụ Lê Huy Miến liền xin bảo tàng mua lại. “Thật kỳ lạ, mọi chuyện diễn ra rất thuận lợi. Bảo tàng đã có đủ tiền để mua tranh. Tôi vẫn nhớ đó là buổi chiều mùa đông lạnh giá tháng 12. Tôi thuê một chuyến xích lô tới chở bức tranh Đêm khuya chờ xe điện ngầm mượn của ông Thanh Đức ở đường Khâm Thiên cho triển lãm. Tiện đường tôi tới nhà anh Mạnh Quân chở luôn bức Bình văn về bảo tàng. Chỉ vài ngày sau, máy bay B52 của Mỹ thả bom xuống Hà Nội, phố Khâm Thiên bị nặng nhất” - bà Yến nhớ lại. Khi bà quay trở lại nhà ông Mạnh Quân, chỗ treo bức tranh trước đó đã thành đống đổ nát. Về sau, khi nghĩ lại, bà Yến vẫn thấy như định mệnh “bức Bình văn quý giá đã được cứu sống”.

    Minh Ngọc
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  2. #2

    Mặc định

    Kỳ 2: Sự trở về của bức tranh lụa
    22/08/2011 23:51


    Năm 1931, bốn bức tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh (ảnh) dự Đấu xảo thuộc địa quốc tế Paris là Chơi ô ăn quan, Lên đồng, Rửa rau cầu ao và Em cho chim ăn, đã nhanh chóng được giới chơi tranh nước ngoài mua lại.


    Nguyễn Phan Chánh không phải là họa sĩ vẽ tranh lụa đầu tiên ở VN. Bởi từ thời nhà Lê đã có hai bức tranh lụa cổ còn giữ cho tới bây giờ là bức chân dung Nguyễn Trãi và Phùng Khắc Khoan. Tuy nhiên, lối vẽ trong tranh chịu nhiều ảnh hưởng từ phong cách tranh lụa Trung Hoa. Chỉ đến thời Nguyễn Phan Chánh, “con đường” tranh lụa VN mới thực sự được khai mở.

    Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh (1892-1984) là một trong 6 sinh viên tốt nghiệp khóa đầu tiên trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, cùng các họa sĩ Mai Trung Thứ, Lê Phổ, Lê Văn Đệ, Công Văn Trung và nhà điêu khắc Georges Khánh. Trường do Victor Tardieu và Nguyễn Nam Sơn cùng sáng lập vào năm 1925, đào tạo tất cả các môn học về mỹ thuật: hội họa, điêu khắc, nghệ thuật trang trí và kiến trúc. Bắt đầu từ thời gian này, các nghệ sĩ tạo hình VN được tiếp cận với nhiều trường phái khác nhau mang âm hưởng “Tây họa”, đặc biệt là kỹ thuật vẽ chất liệu sơn dầu.


    Bức tranh lụa Chơi ô ăn quan - Ảnh: Tư liệu


    Thế nhưng, Nguyễn Phan Chánh lại không mấy hứng thú với những thứ mới mẻ ấy. Ông không thích dùng sơn dầu mà chỉ thích lấy bút lông vẽ. Cứ thế, ông trở thành người học trò học kém ở lớp. Người phát hiện ra tài năng của Nguyễn Phan Chánh là thầy Hiệu trưởng Victor Tardieu. Nếu không có con mắt tinh tường của một nhà giáo dục, một nghệ sĩ tâm huyết với nghề như Tardieu thì chúng ta và cả thế giới có thể đã bỏ qua một danh họa lớn.



    Sau chuyến đi từ Trung Quốc trở về, Victor Tardieu đưa tranh lụa đời Đường, Tống, một xấp vải Vân Nam cho Nguyễn Phan Chánh và nói ông hãy thử vẽ tranh lụa xem sao. Liên tiếp, ào ạt các tác phẩm ra đời không lâu sau đó. Các bạn cùng lớp thích vẽ những thiếu nữ Hà thành đài các, điệu đà, còn Nguyễn Phan Chánh lại thích đưa hình ảnh sinh hoạt đời thường của nông thôn Việt trên mặt lụa: Chơi ô ăn quan, Lên đồng, Rửa rau cầu ao, Cô gái dóc mía, Người đàn bà hái rau muống, Đi cày…

    Đặc biệt là Nguyễn Phan Chánh vẽ tranh lụa với phong cách riêng, không lẫn với tranh lụa Trung Quốc hay Nhật Bản: Tranh ông thường vẽ kỹ tóc, tai, mắt, mũi. Song, hình họa lại mang tính ước lệ là những mảng lớn, không có lớp lang trước sau. Những bức tranh ông vẽ thường có gam màu đặc trưng của vùng quê VN như màu nâu, xám nhấn chút nền vàng đất nhẹ…

    Khi Victor Tardieu mang bốn bức tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh sang Đấu xảo Paris vào năm 1931, giới mỹ thuật Pháp và thế giới náo động vì một phong cách mới lạ, chưa từng thấy, mang nét vẽ vừa của phương Đông vừa của phương Tây. Trong tờ tạp chí L’Illustration (số 4608 ra ngày 27.6.1931 tại Paris), Jean Gallotti đã ca ngợi Nguyễn Phan Chánh là bậc thầy: “...Sự hài hòa của bố cục, đôi khi cái duyên dáng của các khuôn mặt, và luôn luôn là cái thi vị thấm đậm của đời sống Viễn Đông, sự lan tỏa của một tâm hồn khác với tâm hồn chúng ta, mà chúng ta thấy rất gần gũi do một sự cảm thông trong tình yêu cái đẹp, chúng ta bị bao phủ bằng một sự huyền diệu...”.

    Hội ngộ

    Chơi ô ăn quan là tác phẩm tranh lụa đầu tay của người họa sĩ tài ba. Trong cuốn hồi ký của mình, ông đã kể lại chuyện cho ra đời tác phẩm này: “…Tôi tới làng Kim Liên, một làng về phía đông nam Hà Nội, cách Hà Nội chừng một cây số từ đường xe hỏa đi vào. Đường làng lát gạch đi thẳng vào chùa Kim Liên... Thường tôi lấy ký họa các chị em ngồi chơi hoặc các chị, các bà qua lại. Một lần, thấy các em ngồi đánh ô ăn quan, tôi tò mò đứng xem và lấy phác thảo. Tôi vào nhờ bà mẹ nói cô gái nho nhỏ xinh xinh ngồi cho tôi làm mẫu...”. Vốn là người văn hay chữ tốt nên trên mỗi bức tranh lụa, Nguyễn Phan Chánh thường đề bài thơ chữ Hán, đánh dấu son và ký tên. Trong bức Chơi ô ăn quan, tác giả có viết bài thơ chữ Hán dịch như sau: “Đương ngây thơ chưa quen gì mùi son phấn/Chỉ biết đua nhau đuổi bướm tranh hoa/Nhưng lại choán được màu xuân hơn nơi lầu son gác tía/Mà không học thói làm mây làm mưa trên núi Dương Đài...”.

    Trước năm 1954, trong một lần dạo qua các cửa hàng bán đồ cổ tại Paris, nhà sưu tập Đức Minh vô tình bắt gặp bức Chơi ô ăn quan. Không một chút chần chừ, ông mua lại ngay. Sau hơn hai chục năm, bức tranh đã quay trở về Hà Nội. Nghe tin, Nguyễn Phan Chánh vội vã tìm đến nhà ông Đức Minh. Hạnh phúc như vừa được gặp lại đứa con từ xa trở về, Nguyễn Phan Chánh ôm chầm lấy nhà sưu tập Đức Minh, rưng rưng cảm ơn ông.




    Chơi ô ăn quan giờ ở đâu?

    Đức Minh là nhà sưu tầm nổi tiếng đất Hà thành. Ông bày tỏ ý định hiến tất cả các tác phẩm hội họa sưu tầm được cho Nhà nước với mong muốn được xây dựng bảo tàng mang tên Đức Minh. Đáng tiếc, mong muốn đó của ông không được chấp thuận. Sau này, khi ông Đức Minh và vợ qua đời, các con ông là những người tiếp quản các bức tranh. Vì nhiều lý do, có bức tranh được giữ lại, có bức phải bán đi. Bức tranh Chơi ô ăn quan được để lại cho một nhà sưu tầm tranh nước ngoài. Một lần nữa, Chơi ô ăn quan lại phiêu du, chẳng biết lúc nào sẽ quay trở lại nơi đã được người họa sĩ bậc thầy sinh ra đời...


    Minh Ngọc
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  3. #3

    Mặc định

    ông Đức Minh muốn hiến tất cả tranh cho nhà nước nhưng với 1 bảo tàng mang tên ông mà không được công nhận, khiến các bức tranh bị chia sẻ do thừa kế nên đã bị thất lạc rất nhiều . Bộ sưu tập của ông Đức Minh là giá trị nhất và lớn nhất của nền Mĩ thuật Vn từ trước đến giờ, kể cả Bảo tàng Mĩ thuật cũng không nhiều tranh và tranh quí như bộ sưu tập của ông. Còn nhớ bức Cô Gái Ngồi Bên Hoa Huệ nổi tiếng của Tô Ngọc Vân mà chúng ta thường thấy chính là của bộ sưu tập của ông Đức Minh. Phải nói rằng rất may mắn có 1 nhà tư sản thời bấy giờ như ông Đức Minh mà lại yêu và có ý thức sưu tập , gìn giữ những tuyệt tác của nền mĩ thuật VN. Tiếc thay cho những năm bao cấp ấu trĩ thiển cận của Miền Bắc thời trước đã phá hỏng lòng yêu nước của ông
    Last edited by Bin571; 30-08-2011 at 01:21 PM.
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  4. #4

    Mặc định

    Số phận chìm nổi của các bức họa VN nổi tiếng - Kỳ 3
    Thứ Năm, 25/08/2011 --- cập nhật 02:53 GMT+7

    Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh đã vẽ không chỉ một mà tới hai bức tranh Người đàn bà hái rau muống. Bức vẽ đầu tiên có một miếng “vá” và không phải là bức đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật VN hiện nay.



    Bức tranh quý dưới chân tường
    Vào thế kỷ trước, ở chốn Hà thành, ngoài ông Đức Minh còn có ông Nguyễn Văn Lâm (còn gọi là Lâm cà phê hay Lâm toét) nổi tiếng với những bộ sưu tập tranh lớn. Cà phê ở quán ông Lâm trên đường Nguyễn Hữu Huân từ xưa đã nức tiếng bởi vị đậm đà quyến rũ đặc biệt (cho đến giờ vẫn vậy). Tính ông chủ lại quý mến giới văn nghệ sĩ. Thành ra, nhiều người trong giới rất thích lui tới quán ông tụ tập, hàn huyên. Ông Lâm có nhiều người bạn thân là họa sĩ, trong đó có bộ tứ Nghiêm-Liên-Sáng-Phái. Các họa sĩ nghèo đến uống cà phê không có tiền trả, toàn đưa tranh trừ nợ mà chẳng bao giờ thấy ông Lâm phiền lòng.

    Bảo tàng Mỹ thuật VN được thành lập vào năm 1966. Thời kỳ đầu khi còn thiếu tranh, bảo tàng thường đến mượn các bộ sưu tập của ông Đức Minh và ông Lâm cà phê để trưng bày. Hai ông lúc nào cũng sẵn sàng, duy chỉ có điều cả hai không bao giờ đồng ý bán tranh. Trong một lần đến quán ông Lâm, năm 1973, bà Nguyễn Hải Yến - lúc đó đang công tác tại Phòng Nghiên cứu của Viện Mỹ thuật và Bảo tàng Mỹ thuật VN, bỗng nhìn thấy một khung kính nhỏ phủ lớp bụi thời gian, để ở dưới chân tường. Bà hỏi thì chủ quán cho biết bức tranh này đã hỏng nên để tạm ở đó. Bà lại gần, nhìn kỹ và ngạc nhiên khi nhận ra chữ ký của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh.

    Vẫn là hình ảnh người phụ nữ nông thôn thường thấy trong tranh Nguyễn Phan Chánh. Có lẽ, do sinh ra và lớn lên tại làng quê (thôn Tiền Bạt, xã Trung Tiết, Thạch Hà, Hà Tĩnh) mà cả con người lẫn tranh của ông đều đầy chất quê. Có nhiều câu chuyện vui kể về Nguyễn Phan Chánh khi học tại trường CĐ Mỹ thuật Đông Dương. Trong khi các bạn thường mặc âu phục thì ông vẫn thích giữ lấy vẻ quê kiểng: mặc áo the, đi guốc mộc, tay cầm ô đen. Lúc nào, Phan Chánh cũng giữ khư khư cái ô bên mình, ngay cả trong giờ học. Thầy hiệu trưởng Victor Tardieu nhẹ nhàng lấy chiếc ô mang ra khỏi lớp thì quay lại đã thấy Nguyễn Phan Chánh đi ngay phía sau cầm ô vào.

    Bức tranh, khi được nhận ra, đã bị hỏng hết phần trên, chỉ còn thấy rõ từ chiếc mũi của người phụ nữ trở xuống. Bức tranh được vẽ trên lụa Vân Nam, loại lụa rất giòn, để lâu vụn thì như cám. Tranh dính hết cả vào mặt kính. Khi biết đây là tranh quý, không một ai dám tháo ra vì sợ làm hỏng hết tranh. Bà Yến liền đem cả khung kính về, đưa cho tổ phục chế ở bảo tàng.


    Lớp hội họa và điêu khắc trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khoảng năm 1930 - Ảnh: tư liệu


    Bức Người đàn bà hái rau muống được Nguyễn Phan Chánh vẽ năm 1938 - Ảnh: chụp lại


    Vá tranh

    Sau một thời gian, tổ phục chế đã tìm được cách tách bức tranh ra khỏi tấm kính. Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh vừa nhìn thấy đã mừng rỡ nhận ra ngay đây là bức Hái muống hay Người đàn bà hái rau muống mà ông vẽ từ năm 1938. Ông cùng họa sĩ Nguyễn Xuân Kế ở tổ phục chế của bảo tàng quyết tìm lại hình ảnh như ban đầu cho bức tranh, nhưng mọi việc không hề đơn giản. Khó nhất là hình chiếc khăn vấn của người phụ nữ đã bị hỏng, trong khi vào thời kỳ đó có rất ít người vấn khăn theo lối cổ. Phải làm sao đây?

    Trong một lần ngồi ăn cơm cùng gia đình, bà Hải Yến chăm chú nhìn nếp vấn khăn nền nã của mẹ, rồi mừng rỡ reo lên: “Người mẫu đây rồi!”. Ngay sau ngày hôm đó, họa sĩ Phan Chánh đi xe đạp tới nhà bà. Ông và họa sĩ Nguyễn Xuân Kế cùng chăm chú quan sát lối vấn khăn của “người mẫu”, rồi mải miết ký họa. Cuối cùng, một bản vẽ ưng ý nhất đã được chọn ra.

    Nhưng khó khăn vẫn chưa phải đã hết. Màu lụa mới và màu lụa trải màu thời gian đã hơn 30 năm hoàn toàn khác nhau. Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh sau đó nghĩ ra cách làm cũ lụa bằng nước chè. Khi vẽ, ông rửa lụa nhiều lần để màu phần vẽ mới hòa với màu tranh cũ. Để ghép nối lại hình ảnh khuôn mặt người phụ nữ một cách hoàn hảo, Nguyễn Phan Chánh đã phải vô cùng khéo léo, tỉ mỉ.

    Cần nói thêm về kỹ thuật vẽ lụa tuyệt vời của Nguyễn Phan Chánh. Thường ông phải mất hàng tháng trời mới hoàn thành một tác phẩm tranh lụa. Nguyễn Phan Chánh thường vẽ hình họa lên trên tờ giấy rồi áp vào sau tấm lụa để in nét vẽ lên, vì thế trên tranh không có nét chì. Màu được phủ lên hình họa, để khô. Sau đó, người họa sĩ cọ rửa nhẹ nhàng cho hết lớp gợn của bột màu, để khô rồi lại tiếp tục quết lên lớp màu nữa. Để khô, rồi lại cọ đi. Cứ làm như thế cho đến khi có được màu ưng ý.

    Lụa thấm từ mặt phải sang mặt trái tranh, nên màu sắc hai mặt tranh hoàn toàn giống nhau. Đặc biệt là màu từng mảng trong tranh lụa Nguyễn Phan Chánh không bao giờ bị loang, lẫn với màu của mảng khác. Điều đó minh chứng rằng, người họa sĩ không chỉ có tài năng mà còn rất kiên trì, bền bỉ. Bức tranh Người đàn bà hái rau muống được phục hồi nguyên vẹn. Nếu nhìn bình thường, chẳng mấy ai phát hiện thấy trên tranh có một miếng “vá”.

    Sau khi họa sĩ Nguyễn Phan Chánh và Nguyễn Xuân Kế phục hồi xong bức tranh Người đàn bà hái rau muống, Bảo tàng Mỹ thuật VN đã đề nghị hai họa sĩ sao chép lại tác phẩm này trên một tấm lụa nguyên. Hiện tại bức tranh chép đang được giữ ở bảo tàng.

    Bức tranh đầu tiên với miếng “vá” đã được trả lại cho ông Lâm cà phê. Muốn nhận biết bức Người đàn bà hái rau muống đâu là thật, đâu là chép, người ta chỉ cần dựa vào miếng “vá” này.


    Theo Thanh Niên Online
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  5. #5

    Mặc định

    Số phận chìm nổi của các bức họa VN nổi tiếng - Kỳ 4
    Thứ Hai, 29/08/2011 --- cập nhật 09:41 GMT+7

    Nhờ tài năng của người họa sĩ, trải qua thời gian dài, gương mặt, ánh nhìn của người mẫu trong nhiều bức tranh chân dung vẫn sống động, như kể cho hậu thế câu chuyện về số phận, thời thế đã qua.


    Nhà nho xứ Bắc

    Nhiều học trò của họa sĩ Nam Sơn tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương chưa một lần được nhìn thấy bức tranh Nhà nho xứ Bắc hay Sĩ phu Bắc Hà, dù ông hoàn thành tác phẩm này từ năm 1923.

    Năm 1923, bức sơn dầu Nhà nho xứ Bắc đã dự cuộc đấu xảo tại Hà Nội do hội Khai trí Tiến Đức tổ chức. Nam Sơn là một trong những người nhận được giải thưởng tại cuộc đấu xảo. Bức tranh được in trên bìa cuốn sách Nho Phong của nhà văn Nhất Linh sau đó. Với bức Nhà nho xứ Bắc, Nam Sơn càng khẳng định tài năng, khiến Victor Tardieu nể phục.


    Bức tranh Nhà nho xứ Bắc của họa sĩ Nam Sơn


    Cũng trong năm 1923, sau cuộc đấu xảo, Nam Sơn đã có một ý tưởng được cho là ngông cuồng khi đó, là đề xuất với Victor Tardieu về việc thành lập một trường học mỹ thuật cho người dân xứ thuộc địa. Ông đã tự viết bản đề cương xây dựng trường mỹ thuật Việt Nam. Tâm huyết, lòng nhiệt thành của người họa sĩ đất An Nam đã thuyết phục họa sĩ Victor Tardieu. Tardieu đã đề cập vấn đề này trong bản phúc trình gửi lên toàn quyền Đông Dương. Ngày 27.10.1924, toàn quyền Đông Dương Martial Henri Merlin đã phê chuẩn bản nghị định thành lập trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Đến tháng 10.1925, trường chính thức khai giảng khóa đầu tiên.

    Quay trở lại với bức Nhà nho xứ Bắc, do bọn mật thám Pháp cho rằng bức họa ẩn giấu ý đồ chính trị, ca ngợi sĩ phu Bắc Hà, phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục nên họa sĩ Nam Sơn đã phải đem giấu ở trên bàn thờ gia tiên để chúng không tìm thấy. Nhiều người vì thế không được biết tới bức tranh này.
    Sau quãng thời gian tới gần 80 năm, vào năm 2000, tức là gần 30 năm sau ngày họa sĩ Nguyễn Nam Sơn qua đời (1890-1973), gia đình ông mới cho công bố rộng rãi bức chân dung sơn dầu Nhà nho xứ Bắc hay còn có cái tên Sĩ phu Bắc Hà.

    Thiếu phụ

    Là học trò của họa sĩ Nam Sơn, họa sĩ Lương Xuân Nhị (1914 - 2006) nổi danh với các tác phẩm vẽ chân dung thiếu nữ, phong cảnh và tranh lụa. Giới phê bình nhận xét các tác phẩm của ông mang đậm nét, sắc thái Á Đông.

    Tranh của Lương Xuân Nhị thanh thoát, mềm mại, bình dị và gần gũi với người Việt. Tài năng của ông còn thể hiện ở việc tạo nên một màu xanh đặc biệt cho cỏ cây, thiên nhiên, tạo cảm giác ấm áp cho người xem. Ông còn được gọi là họa sĩ của màu xanh. Những bức họa về người phụ nữ của Lương Xuân Nhị thì thể hiện rõ nét đẹp tân thời nhưng cũng vừa mang vẻ cổ điển, truyền thống.

    Họa sĩ Lương Xuân Nhị là người có duyên với phái đẹp. Ông có rất nhiều bức vẽ chân dung người phụ nữ. Nhiều người bạn đến nhờ ông vẽ cho vợ mình. Cũng có nhiều cô, nhiều bà đến đặt hay nhờ ông vẽ. Không ít bức họa ông được giới chơi tranh đặt mua ngay khi còn đang vẽ. Lương Xuân Nhị đã để cho nhiều tác phẩm ra đi, nhưng có một bức chân dung ông luôn giữ bên mình. Bức vẽ người đàn bà có vẻ đẹp đoan trang, đài các, nhưng đôi mắt lại có chút đượm buồn, như muốn nói về một số phận đáng thương.


    Bức chân dung Thiếu phụ


    Có một người yêu tranh nước ngoài nhiều lần đến xin ông cho mua lại bức tranh với giá cao nhưng ông nhất quyết không bán. Năm nào, người đó cũng đến nhà ông chỉ cốt được ngắm nhìn bức chân dung. Vậy mà, ông cũng không siêu lòng.

    Đó là bức Thiếu phụ, vẽ chân dung người vợ của bạn ông vào khoảng những năm 1940. Khi gặp bà, Lương Xuân Nhị linh cảm mình cần phải lưu giữ lại hình ảnh người phụ nữ vào khoảnh khắc này, không thể chậm trễ hơn. Dù trong ánh mắt bà ẩn chứa sự u buồn, nhưng nhìn bà, người ta vẫn thấy sự bình lặng, viên mãn. Một thời gian sau, người thiếu phụ qua đời vì bệnh hiểm nghèo.

    Bức chân dung như sự thương cảm với cuộc đời hồng nhan bạc mệnh được ông giữ bên cạnh cho đến tận cuối đời. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, người cháu ruột gọi Lương Xuân Nhị là bác, nói rằng dù lúc cuối đời ông không căn dặn gì, nhưng gia đình hiểu tâm nguyện của ông mong muốn giữ lại bức chân dung Thiếu phụ.

    Nguyên mẫu nhà nho xứ bắc là ai?

    Trong tranh Nhà nho xứ Bắc là người đàn ông có gương mặt cương nghị, vầng trán cao rộng, nhưng trong ánh mắt ẩn sâu nỗi đau buồn. Người đàn ông trong bức chân dung ấy là cụ Nguyễn Sĩ Đức, người cậu và cũng là thầy giáo dạy Hán học và hội họa phương Đông của họa sĩ Nam Sơn. Cụ là nhà nho yêu nước, tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục.

    Trường Đông Kinh Nghĩa Thục thành lập vào tháng 3.1907 ở phố Hàng Đào, tới tháng 11 năm đó, thực dân Pháp nhận thấy đây là mối nguy với chế độ thuộc địa nên đã đóng cửa trường và giải tán phong trào. Trong tranh là hình ảnh cụ Nguyễn Sĩ Đức vào năm 1907. Trên đầu cụ chít chiếc khăn trắng để tang vì nước mất, Đông Kinh Nghĩa Thục không còn.


    (Còn nữa)

    Theo Thanh Niên Online
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  6. #6

    Mặc định

    Số phận chìm nổi của các bức họa VN nổi tiếng - Kỳ 5
    Thứ Ba, 30/08/2011 --- cập nhật 08:48 GMT+7




    Sau năm 1945, hội họa VN chuyển tiếp từ thời kỳ Mỹ thuật Đông Dương sang thời kỳ Cách mạng và kháng chiến, tiếp tục những bước phát triển rực rỡ. Nhiều tác phẩm ra đời trong mưa bom lửa đạn, gắn liền với những thời khắc lịch sử quan trọng. Nay có bức còn, bức mất, nhưng đó luôn là những tác phẩm sống mãi với thời gian.


    Hai bức tranh, hai số phận

    Họa sĩ Tô Ngọc Vân (1905-1954) nổi tiếng với những bức sơn dầu vẽ thiếu nữ: Thiếu nữ bên hoa huệ, Thiếu nữ bên hoa sen, Buổi trưa... Chàng họa sĩ trẻ luôn mê mải với hình ảnh những người con gái Hà thành đài các, lả lướt. Nhưng kể từ sau Cách mạng tháng Tám và trong phong trào đấu tranh kháng chiến chống Pháp, Tô Ngọc Vân đi sâu vào sáng tác chủ đề hình tượng người chiến sĩ cách mạng, cổ động tinh thần cách mạng và lòng yêu nước.


    Hình chụp lại tác phẩm Bác Hồ làm việc tại Bắc Bộ phủ của Tô Ngọc Vân


    Không chỉ riêng Tô Ngọc Vân, kể từ năm 1945 khi Cách mạng tháng Tám nổ ra, giới mỹ thuật VN bắt đầu thức tỉnh ý thức dân tộc, chính trị. Năm đó, một phong trào nghệ thuật ủng hộ Việt Minh đã diễn ra bột phát, nhưng đầy sôi nổi tại Hà Nội. Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc lần thứ nhất tổ chức vào tháng 8.1946 tại Nhà hát Lớn cho thấy những thay đổi lớn trong chủ đề, phong cách sáng tác của các họa sĩ yêu nước, thể hiện rõ trên từng tác phẩm của triển lãm.

    Tô Ngọc Vân đã gây ngạc nhiên cho giới mỹ thuật khi không mang đến những thiếu nữ Hà thành quen thuộc mà thay vào đó là xây dựng hình tượng người chiến sĩ cách mạng. Có thể nói bức tranh Bác Hồ làm việc tại Bắc Bộ phủ của ông là thành công, điểm nhấn hình ảnh người chiến sĩ.

    Trước ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường sang Pháp dự Hội nghị Fontainebleau vào năm 1946, nhà văn Nguyễn Đình Thi đưa họa sĩ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung, nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim tới Bắc Bộ phủ gặp Người. Trong lần đó, họa sĩ Tô Ngọc Vân đã thể hiện thành công hình tượng Bác. Trong tranh, Bác mặc bộ quần áo ka-ki giản dị, khuôn mặt chăm chú suy nghĩ, chân đi đôi giày vải được các cô gái dân tộc khâu tặng. Bức tranh được vẽ theo lối cổ điển với những điểm nhấn đậm, nhạt về màu sắc, làm hình ảnh Bác Hồ bừng sáng giữa trung tâm. Người xem tranh có thể cảm nhận rõ phong thái, nhân cách lớn của một vị chủ tịch nước.

    Đáng tiếc là chiến tranh đã làm chúng ta mất đi tác phẩm hội họa quý giá này. Có thể, bức tranh sơn dầu này đã bị thất lạc khi thực dân Pháp mở chiến dịch mang tên Léa nhảy dù xuống Bắc Kạn năm 1947. Hiện tại, chúng ta chỉ có thể ngắm tranh qua những tấm hình chụp lại mà thôi.

    So với bức Bác Hồ làm việc tại Bắc Bộ phủ của Tô Ngọc Vân, số phận của bức tranh bột màu Du kích tập bắn của họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung (1912-1977) - vị giám đốc đầu tiên của Bảo tàng Mỹ thuật VN may mắn hơn.

    Sau khi kết thúc kỳ họp Quốc hội khóa đầu tiên 1946, họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung - khi ấy là đại biểu QH tỉnh Hà Đông, đã vội đuổi theo đoàn quân Nam tiến. Khi ông đến khu 5 thì quân địch từ Sài Gòn đánh ra, chia cắt đường đi. Nguyễn Đỗ Cung được đề nghị ở lại khu 5 làm việc và trở thành Chủ tịch Hội Văn nghệ kháng chiến.


    Bức Du kích tập bắn của Nguyễn Đỗ Cung

    Rất nhiều tác phẩm ghi lại hình ảnh quân, dân chiến đấu, sản xuất, lao động trong những tháng năm lịch sử oai hùng được Nguyễn Đỗ Cung cho ra đời. Họa sĩ Nguyễn Đỗ Bảo - con trai họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung, kể: “Khi từ khu 5 trở về Hà Nội vào năm 1949, ông đã làm ba chiếc ống tôn, cho tranh vào đó gửi ra qua bưu điện. Đáng tiếc là hai chiếc ống tôn đã bị thất lạc, chỉ còn lại duy nhất một chiếc ống”. Trong chiếc ống đó có tác phẩm bột màu nổi tiếng Du kích tập bắn, hay còn có tên khác là Du kích La Hai, vẽ năm 1947. Tác phẩm như một nhân chứng lịch sử, ghi lại chân thực không khí tập quân sự hăng hái của du kích địa phương thời kỳ ấy, xung quanh những ngôi nhà hoang vắng vì người dân đi sơ tán. Bức tranh hiện được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật VN.

    Bức tranh hoàn thành sau 20 năm

    Đó là bức tranh Vườn xuân Bắc Trung Nam của họa sĩ Nguyễn Gia Trí (1908-1993) - bậc thầy của tranh sơn mài VN (người xưa đã phong: nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn).

    Bức tranh sơn mài có kích thước lớn, gồm nhiều tấm ghép lại, được Nguyễn Gia Trí vẽ từ năm 1969, đến năm 1989 thì hoàn thành. Điều đặc biệt là sau 6 năm kể từ khi họa sĩ Nguyễn Gia Trí bắt đầu thực hiện bức tranh, năm 1975, đất nước ta đã được thống nhất, Bắc - Trung - Nam sum họp một nhà. Tác phẩm - được cho là một trong những tác phẩm sơn mài xuất sắc nhất của mỹ thuật VN, vẽ hình ảnh thiếu nữ 3 miền đang múa hát, vui chơi, với màu sắc, tươi vui, rộn rã giống như điềm dự báo trước về tương lai tốt đẹp: đất nước được giải phóng, giành độc lập, tự do.

    Vào những năm 1990, sau khi bức tranh được hoàn thành, UBND TP.HCM đã mua lại với số tiền 600 triệu đồng. Giá tiền này đã làm nhiều người lúc đó choáng váng bởi từ trước đến nay chưa có họa sĩ VN nào được trả giá tranh cao như vậy. Đây là mức giá kỷ lục tính đến thời điểm bấy giờ.

    Những tác phẩm hội họa ra đời trong những năm tháng đất nước chia cắt, chiến đấu như có “lửa” trong tranh, là minh chứng cho những câu chuyện của hy sinh, mất mát và niềm tin chiến thắng. Đó là những tác phẩm hội họa vô giá trong lòng công chúng và của lịch sử.

    Theo Thanh Niên Online
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  7. #7

    Mặc định

    Trước khi nhắm mắt xuôi tay mình sẽ quyết tâm để lại cho hậu thế vài bức tranh để đời mới được ..:))
    Xuân đến hoa nở...
    Xuân đi hoa tàn....
    .....Bận lòng chi chuyện rơi nở....
    .....Tự tại thả thuyền trôi .....

  8. #8
    Lục Đẳng Avatar của Dieudiem
    Gia nhập
    Nov 2011
    Nơi cư ngụ
    Đơn sơ nhà gỗ !
    Bài gởi
    13,103

    Mặc định

    Trích dẫn Nguyên văn bởi musashi Xem Bài Gởi
    Trước khi nhắm mắt xuôi tay mình sẽ quyết tâm để lại cho hậu thế vài bức tranh để đời mới được ..:))
    Nói được làm được nhé ! và nhớ đào tạo học trò cho tốt nửa ?
    *BI QUAN LÀ TÂM TRẠNG,LẠC QUAN LÀ Ý CHÍ !

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. VÌ SAO PHẬT GIÁO SUY TÀN TẠI ẤN ĐỘ
    By Bin571 in forum Đạo Phật
    Trả lời: 24
    Bài mới gởi: 20-10-2022, 08:20 AM
  2. Tổng hợp về PHỞ - Món ăn Quốc Hồn của VN
    By Bin571 in forum Văn hóa Ẩm Thực
    Trả lời: 59
    Bài mới gởi: 02-12-2017, 06:38 PM
  3. NHÀ TRỪ QUỶ KỂ CHUYỆN
    By satyaa in forum Đạo Thiên Chúa
    Trả lời: 87
    Bài mới gởi: 24-07-2012, 09:28 PM
  4. Tìm hiểu về TĐGCL
    By tinhkhithan in forum Đạo Việt Nam
    Trả lời: 33
    Bài mới gởi: 28-06-2011, 05:51 PM
  5. Trả lời: 48
    Bài mới gởi: 29-04-2011, 12:15 AM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •