kết quả từ 1 tới 12 trên 12

Ðề tài: Nền Tảng Phật Giáo - Quyển III : Nghiệp và Quả Của Nghiệp -Tỳ Khưu Hộ Pháp

Hybrid View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1
    Đai Nâu Avatar của raucucai
    Gia nhập
    Mar 2012
    Nơi cư ngụ
    Sơn La
    Bài gởi
    302

    Mặc định Nền Tảng Phật Giáo - Quyển III : Nghiệp và Quả Của Nghiệp -Tỳ Khưu Hộ Pháp

    Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa

    Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, Đức Arahán, Đức Chánh Đẳng Giác ấy.

    Paṇāmagāthā

    Tilokekagaruṃ Buddhaṃ,

    Pāyādibhayahiṃsakaṃ,

    Āyuno pariyosānaṃ,

    Gacchāmi saraṇaṃ ahaṃ.

    Ādimajjhantakalyāṇam,

    Buddhassa dhammamosadhaṃ,

    Nibbānapariyosānaṃ,

    Gacchāmi saraṇaṃ ahaṃ.

    Tassa sāvakasaṃghañca,

    Puññakkhettaṃ anuttaraṃ,

    Arahattapriyosānaṃ,

    Gacchāmi saraṇaṃ ahaṃ.

    Buddhaṃ Dhammañca Saṃghañca,

    Abhivandiya sādaraṃ,

    Mūlabuddhasāsanan’ ti,

    Ayaṃ gantho mayā kato.

    Kệ lễ bái Tam Bảo

    Đức Thế Tôn cao thượng nhất tam giới,

    Dắt dẫn chúng sinh thoát khỏi họa tai,

    Nguyện suốt đời con xin quy y Phật,

    Mong chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế.

    Pháp của Ngài như linh dược nhiệm mầu,

    Hoàn hảo ở phần đầu giữa và cuối,

    Nguyện suốt đời con xin quy y Pháp,

    Mong được chứng ngộ Niết Bàn thoát khổ.

    Tăng bậc Thánh Thanh Văn đệ tử Phật,

    Là phước điền cao thượng của chúng sinh,

    Nguyện suốt đời con xin quy y Tăng,

    Mong được chứng đắc Thánh A-ra-hán.

    Đức Phật Đức Pháp Đức Tăng cao thượng,

    Con hết lòng thành kính lạy Tam Bảo,

    Rồi góp nhặt biên soạn tập sách nhỏ,

    Soạn phẩm này gọi “Nền Tảng Phật giáo”

    Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa

    Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, Đức Arahán, Đức Chánh Đẳng Giác ấy.

    NỀN TẢNG PHẬT GIÁO

    (MŪLABUDDHASĀSANA)


    QUYỂN IV

    NGHIỆP VÀ QUẢ CỦA NGHIỆP

    (KAMMA – KAMMAPHALA)

    Soạn giả: Tỳ khưu Hộ Pháp

    (Dhammarakkhita Bhikkhu)

    Lời Nói Đầu

    Bộ Nền Tảng Phật Giáo gồm có 9 chương, được chia làm 7 quyển.

    Quyển I: Tam Bảo (Ratanattaya)

    Gồm có 2 chương: Chương thứ nhất và chương thứ nhì.

    Chương thứ nhất: Ba Ngôi Cao Cả (Tiyagga)

    Đức Phật (Buddha)

    Đức Pháp (Dhamma)

    Đức Tăng (Saṃgha)

    Chương thứ nhì: Tam Bảo (Ratanattaya)

    Đức Phật Bảo (Buddharatana)

    Đức Pháp Bảo (Dhammaratana)

    Đức Tăng Bảo (Saṃgharatana)

    Quyển II: Quy Y Tam Bảo (Tisaraṇa)

    Gồm có 2 chương: Chương thứ ba và chương thứ tư.

    Chương thứ ba: Ân Đức Tam Bảo (Ratanattayaguṇa)

    Ân đức Phật (Buddhaguṇa)

    Ân đức Pháp (Dhammaguṇa)

    Ân đức Tăng (Saṃghaguṇa)

    Chương thứ tư: Quy Y Tam Bảo (Tisaraṇa)

    Quy y Phật Bảo (Buddhasaraṇa)

    Quy y Pháp Bảo (Dhammasaraṇa)

    Quy y Tăng Bảo (Saṃghasaraṇa)

    Quyển III: Hành Giới (Sīlācāra)

    Gồm có một chương: Chương thứ năm, chia làm 2 phần.

    Giới của người tại gia cư sĩ (Gahaṭṭhasīla)

    Giới của bậc xuất gia tu sĩ (Pabbajitasīla)

    Ba quyển này đã ấn hành xong, tiếp đến chương thứ VI nghiệp và quả của nghiệp (kamma - kammaphala) sẽ được trình bày trong quyển IV này.


    Quyển IV: Nghiệp và Quả Của Nghiệp

    (Kamma - Kammaphala)

    Nghiệp và quả của nghiệp là 2 pháp có liên quan với nhau theo nhân và quả:

    Nghiệp là nhân.

    Quả của nghiệp là quả.


    Đức Phật dạy về nghiệp và quả của nghiệp bằng câu kệ:


    “Yādisaṃ vapate bījaṃ,

    tādisaṃ harate phalaṃ.

    Kalyāṇakārī kalyānaṃ,

    pāpakārī ca pāpakaṃ”

    “Người nào gieo hạt giống thế nào,

    Người ấy gặt quả như thế ấy.

    Người hành thiện thì được quả thiện,

    Người hành ác thì chịu quả ác”.


    Quả của nghiệp hiện hữu trong kiếp hiện tại là quả của vô số nghiệp mà người ấy (chúng sinh ấy) đã tạo và đã tích lũy từ vô số kiếp trong quá khứ, trải qua vô số kiếp trái đất. Và cũng có trường hợp quả của nghiệp hiện hữu trong kiếp hiện tại là quả của nghiệp mà người ấy đã tạo ngay trong kiếp hiện tại này. Chỉ có duy nhất Đức Phật Chánh Đẳng Giác - Bậc Toàn Giác mới có khả năng thấy rõ, biết rõ nghiệp và quả của nghiệp của mỗi chúng sinh mà thôi. Ngoài ra, không một ai trong tam giới có khả năng thấu suốt nghiệp và quả của nghiệp, dù là chư Phạm thiên. Thật vậy, nghiệp và quả của nghiệp là 1 trong 4 điều bất khả tư nghì mà Đức Phật đã dạy trong bài kinh Acinteyyasutta có nghĩa như sau:

    - “Này chư Tỳ khưu 4 điều bất khả tư nghì, không nên suy nghĩ, người nào suy nghĩ, người ấy sẽ trở thành người loạn trí cuồng điên, chỉ tự làm khổ tâm mà thôi.

    4 điều bất khả tư nghì là:

    1. Những Ân đức của Chư Phật như trí tuệ toàn giác của Chư Phật v.v... đó là điều bất khả tư nghì không nên suy nghĩ, người nào suy nghĩ, người ấy sẽ trở thành người loạn trí cuồng điên, chỉ tự làm khổ tâm mà thôi.

    2. Thần thông, thiền định, đó là điều bất khả tư nghì không nên suy nghĩ, người nào suy nghĩ, người ấy sẽ trở thành người loạn trí cuồng điên, chỉ tự làm khổ tâm mà thôi.

    3. Nghiệp và quả của nghiệp, đó là điều bất khả tư nghì không nên suy nghĩ, người nào suy nghĩ, người ấy sẽ trở thành người loạn trí cuồng điên, chỉ tự làm khổ tâm mà thôi.

    4. Tạo thiên lập địa, đó là điều bất khả tư nghì không nên suy nghĩ, người nào suy nghĩ, người ấy sẽ trở thành người loạn trí cuồng điên, chỉ tự làm khổ tâm mà thôi.

    - “Này chư Tỳ khưu, đó là 4 điều bất khả tư nghì, không nên suy nghĩ, người nào suy nghĩ, người ấy sẽ trở thành người loạn trí cuồng điên, chỉ tự làm khổ tâm mà thôi”.

    Nghiệp là gì?

    Đức Phật dạy:

    “Cetanā’ haṃ, bhikkhave, kammaṃ vadāmi, cetayitvā kammaṃ karoti kāyena vācāya manasā”.


    (Này chư Tỳ khưu, sau khi đã có tác ý, rồi mới tạo nghiệp bằng thân, bằng khẩu, bằng ý. Do đó Như Lai dạy “Tác ý gọi là nghiệp”).

    - Tác ý đó là tác ý tâm sở (cetanācetasika) là 1 trong 52 tâm sở đồng sinh với 89 hoặc 121 tâm.

    - “Tác ý gọi là nghiệp” là mỗi khi tác ý tâm sở này đồng sinh với 12 bất thiện tâm (12 ác tâm), và đồng sinh với 21 hoặc 37 thiện tâm, thì tác ý tâm sở ấy mới gọi là nghiệp.

    Tác ý tâm sở khi đồng sinh với 12 bất thiện tâm (12 ác tâm) tạo nên 12 bất thiện nghiệp (12 ác nghiệp) bằng thân, bằng khẩu, bằng ý.

    Tác ý tâm sở khi đồng sinh với 8 dục giới đại thiện tâm tạo nên 8 dục giới đại thiện nghiệp bằng thân, bằng khẩu, bằng ý.

    Tác ý tâm sở khi đồng sinh với 5 sắc giới thiện tâm tạo nên 5 sắc giới thiện nghiệp bằng ý.

    Tác ý tâm sở khi đồng sinh với 4 vô sắc giới thiện tâm tạo nên 4 vô sắc giới thiện nghiệp bằng ý.

    Tác ý tâm sở khi đồng sinh với 4 hoặc 20 Thánh Đạo Tâm tạo nên 4 hoặc 20 Siêu tam giới thiện nghiệp bằng ý.

    Ngoài ra, tác ý tâm sở đồng sinh với 36 hoặc 52 quả tâm và 20 duy tác tâm, thì tác ý tâm sở ấy không gọi là nghiệp.

    Quả của nghiệp như thế nào?

    Đức Phật dạy:

    “Kammassako’mhi kammadāyādo kammayoni kamma-bandhu kammappaṭisaraṇo, yaṃ kammaṃ karissāmi kalyāṇaṃ vā pāpakaṃ vā tassa dāyādo bhavissāmi”.

    (Ta có nghiệp là của riêng, ta là người thừa hưởng quả của nghiệp, nghiệp là nhân sinh ra ta, nghiệp là bà con thân quyến của ta, nghiệp là nơi nương nhờ của ta; ta sẽ tạo nghiệp nào ‘thiện nghiệp hoặc ác nghiệp’, ta sẽ là người thừa hưởng ‘quả của thiện nghiệp hoặc quả của ác nghiệp ấy’).

    Kammassako’mhi: Ta có nghiệp là của riêng, nghĩa là nếu ta đã tạo thiện nghiệp nào hoặc bất thiện nghiệp (ác nghiệp) nào rồi, thì thiện nghiệp ấy hoặc bất thiện nghiệp (ác nghiệp) ấy là của riêng ta, được tích lũy ở trong tâm từ vô số kiếp trong quá khứ cho đến kiếp hiện tại này, không phải của chung với ai cả. Nếu khi thiện nghiệp hoặc bất thiện nghiệp (ác nghiệp) nào có cơ hội cho quả của nó, thì chỉ cho quả trực tiếp đến người đã từng tạo nên thiện nghiệp hoặc bất thiện nghiệp (ác nghiệp) ấy mà thôi; chắc chắn không bao giờ cho quả trực tiếp đến người khác.

    Do đó, ta có thiện nghiệp, bất thiện nghiệp (ác nghiệp) là của riêng.

    Ngoài thiện nghiệp, bất thiện nghiệp (ác nghiệp) là của riêng ta ra, còn tất cả những gì mà ta có đều là của chung giữa ta và một số chúng sinh khác có quan hệ với ta. Đó là cách nói theo sự thật Chế định pháp (Sammuti-sacca).

    Theo sự thật Chân nghĩa pháp (Paramatthasacca), ngũ uẩn này không phải của ta, ta không phải là chủ nhân của ngũ uẩn này, nên ta không có quyền điều khiển nó theo ý muốn của ta; ngũ uẩn này có sinh, có già, có bệnh, có chết, chịu khổ, được an lạc v.v… đều tùy thuộc theo nhân duyên của nó. Bởi vì ngũ uẩn này là pháp vô ngã, không phải ta, không phải của ta, cũng không thuộc về một ai cả.

    Nghiệp có phải là pháp vô ngã hay không?

    Vâng, thiện nghiệp, bất thiện nghiệp (ác nghiệp) đó là tác ý tâm sở đồng sinh với thiện tâm, bất thiện tâm (ác tâm) mà thiện tâm, bất thiện tâm (ác tâm) là pháp vô ngã. Cho nên nghiệp cũng là pháp vô ngã.

    Thật vậy, chính ta đã tạo nên thiện nghiệp, đã tạo nên bất thiện nghiệp (ác nghiệp), rồi tích lũy trong tâm, nhưng ta không có quyền điều khiển, bắt buộc, cầu xin thiện nghiệp này cho quả đối với ta như thế này; bất thiện nghiệp (ác nghiệp) kia đừng cho quả đối với ta như thế kia. Sự thật, nếu khi nghiệp nào hội đủ nhân duyên, có cơ hội thì nghiệp ấy sinh quả của nó một cách tự nhiên, hoàn toàn không lệ thuộc vào một ai cả.

    Nếu thiện nghiệp nào hội đủ nhân duyên, có cơ hội, thì thiện nghiệp ấy cho quả an lạc của thiện nghiệp ấy.

    Nếu bất thiện nghiệp (ác nghiệp) nào hội đủ nhân duyên, có cơ hội, thì bất thiện nghiệp (ác nghiệp) ấy cho quả khổ của bất thiện nghiệp (ác nghiệp) ấy.

    Như vậy, thiện nghiệp, bất thiện nghiệp (ác nghiệp) khi cho quả hoàn toàn không tùy thuộc vào một ai cả. Cho nên, nghiệp và quả của nghiệp đều là pháp vô ngã.

    Quả của nghiệp như thế nào?

    Tassa dāyādo bhavissāmi: Ta sẽ là người thừa hưởng quả của thiện nghiệp, quả của bất thiện nghiệp (ác nghiệp) ấy, nghĩa là ta đã tạo thiện nghiệp nào, rồi chính ta sẽ là người trực tiếp hưởng quả an lạc của thiện nghiệp ấy. Và ta đã tạo bất thiện nghiệp (ác nghiệp) nào, rồi cũng chính ta sẽ là người trực tiếp chịu quả khổ của bất thiện nghiệp (ác nghiệp) ấy.

    Thiện nghiệp nào, bất thiện nghiệp (ác nghiệp) nào mà ta đã tạo, dĩ nhiên thiện nghiệp ấy, bất thiện nghiệp (ác nghiệp) ấy là của riêng ta; những người thân yêu khác không thể chia xẻ, san sẻ được phần nào cả, họ hoàn toàn không liên quan đến thiện nghiệp, bất thiện nghiệp (ác nghiệp) của ta, bởi vì nghiệp là của riêng của mỗi người. Nhưng quả an lạc của thiện nghiệp, quả khổ của bất thiện nghiệp (ác nghiệp) không chỉ là trực tiếp riêng của mỗi người, mà còn có ảnh hưởng gián tiếp đến những người thân yêu, gần gũi và thân cận với người ấy, tùy theo năng lực quả của thiện nghiệp, quả của bất thiện nghiệp (ác nghiệp) ấy.

    Ví dụ 1: Ảnh hưởng quả tốt của thiện nghiệp

    Tích Ngài Đại đức Sīvali được tóm lược như sau:

    Trong thời kỳ Đức Phật Padumuttara xuất hiện trên thế gian, tiền kiếp của Ngài Đại đức Sīvali là một người cận sự nam trong gia đình giàu có. Một hôm, người cận sự nam đến chùa nghe Đức Phật Padumuttara thuyết pháp. Khi ấy, Đức Phật Padumuttara tuyên dương một vị Thanh Văn đệ tử, Đại đức Sudassana là bậc Đại Thanh Văn có tài lộc bậc nhất trong hàng Thanh Văn đệ tử của Ngài.

    Người cận sự nam, tiền kiếp của Ngài Đại đức Sīvali nhìn thấy Ngài Đại đức Sudassana, liền phát sinh thiện tâm trong sạch, có nguyện vọng muốn trở thành bậc Thánh Đại Thanh Văn có tài lộc bậc nhất trong hàng Thanh Văn đệ tử của Đức Phật trong thời vị lai.

    Ngay sau đó, người cận sự nam đến hầu đảnh lễ, cung thỉnh Đức Phật Padumuttara cùng 500 chư Đại đức Tỳ khưu Tăng ngự đến nhà để làm phước bố thí suốt 7 ngày.

    Đức Phật Padumuttara im lặng nhận lời.

    Người cận sự nam ấy đã làm phước thiện bố thí cúng dường đến Đức Phật cùng chư Tỳ khưu Tăng những món vật thực ngon lành suốt 7 ngày. Đến ngày thứ 7, người cận sự nam kính dâng cúng dường đến Đức Phật cùng 500 vị Đại đức Tỳ khưu Tăng mỗi vị một bộ tam y (1 tấm y hai lớp, 1 tấm y choàng bên trên và 1 y mặc phía dưới).

    Sau khi dâng cúng tam y xong, người cận sự nam đến hầu đảnh lễ Đức Phật, rồi ngồi một nơi hợp lẽ bèn bạch rằng:

    - Kính bạch Đức Thế Tôn, những phước thiện mà con đã tạo suốt 7 ngày qua, con không cầu mong gì khác hơn là muốn trở thành một bậc Thánh Đại Thanh Văn có tài lộc bậc nhất trong hàng Thanh Văn đệ tử của một Đức Phật trong thời vị lai, như ngôi vị cao quý của Ngài Đại đức Sudassana, bậc Thánh Đại Thanh Văn của Đức Thế Tôn hiện nay.

    Đức Phật Padumuttara thấy rõ, biết rõ nguyện vọng của người cận sự nam này sẽ thành tựu, nên Ngài thọ ký xác định rằng:

    - "Này chư Tỳ khưu, trong thời vị lai, kể từ kiếp trái đất này, rồi sẽ trải qua 100 ngàn đại kiếp trái đất, đến kiếp trái đất gọi là Bhaddakappa, sẽ có Đức Phật Gotama(1) xuất hiện trên thế gian. Khi ấy người cận sự nam này sinh ra trong gia đình hoàng tộc, từ bỏ nhà đi xuất gia sẽ trở thành bậc Thánh Đại Thanh Văn đệ tử có tài lộc bậc nhất trong các hàng Thanh Văn đệ tử của Đức Phật Gotama, như Sudassana - Bậc Thánh Đại Thanh Văn của Như Lai hiện nay"

    Lắng nghe lời thọ ký của Đức Phật Padumuttara, người cận sự nam vô cùng hoan hỷ tạo mọi phước thiện bố thí 4 thứ vật dụng đến Đức Phật cùng chư Đại đức Tỳ khưu Tăng cho đến trọn đời.

    Trên con đường tử sinh luân hồi, để đạt đến nguyện vọng của mình, mỗi tiền kiếp của Ngài cố gắng tinh tấn tạo bồi bổ 10 pháp hạnh ba-la-mật, nhất là pháp hạnh bố thí ba-la-mật. Ngài thường tạo phước thiện bố thí mà những người khác không thể làm được. Ngài đã bồi bổ 10 pháp hạnh ba-la-mật cho đầy đủ, suốt 100 ngàn đại kiếp trái đất,

    Trong kiếp trái đất gọi là Bhaddakappa này rất diễm phúc, đã có 3 Đức Phật là Đức Phật Kakusandha, Đức Phật Koṇāgamana, Đức Phật Kassapa đã xuất hiện trên thế gian. Đến thời kỳ Đức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, hậu kiếp của người cận sự nam trong thời kỳ Đức Phật Padumuttara do nhờ thiện nghiệp cho quả tái sinh kiếp chót vào lòng Công chúa Suppavāsā xứ Koliya; từ khi tái sinh nằm trong lòng mẹ, mỗi ngày đêm người mẹ của Ngài thường nhận được những món quà quý giá, đặc biệt trong kho của cải dù xuất nhiều bao nhiêu cũng không thấy vơi bớt chút nào, của cải lúc nào cũng đầy kho. Những người thân yêu trong gia đình và cả dòng dõi hoàng tộc đều được đầy đủ sung túc, hạnh phúc an lạc hơn trước.

    Đó là quả báu phước thiện của Ngài ảnh hưởng đến những người thân yêu trong gia đình và trong dòng dõi hoàng tộc của Ngài.

    Ngày Ngài sinh ra đời đã làm cho mọi người trong gia đình, trong hoàng tộc Koliya đều hưởng sự mát mẻ an lạc, do đó Ngài được đặt tên là Sīvali.

    Cha mẹ của công tử Sīvali kính thỉnh Đức Phật cùng chư Đại đức Tăng đến tư thất để làm phước thiện bố thí cúng dường suốt 7 ngày, mừng công tử Sīvali ra đời. Đến ngày thứ 7, Ngài Đại đức Sāriputta hỏi công tử Sīvali có muốn xuất gia Sadi hay không.

    Công tử Sīvali bạch với Ngài Đại đức Sāriputta ý nguyện muốn xuất gia Sadi của mình. Cha mẹ cũng hoan hỷ cho phép công tử Sīvali xuất gia.

    Khi ấy, Ngài Đại đức Mahāmoggallāna đang cạo tóc cho giới tử. Trong khi đang cạo tóc, giới tử Sīvali thực hành thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt tất cả mọi phiền não, mọi tham ái, trở thành bậc Thánh Arahán cùng một lúc vừa cạo tóc xong, không trước không sau.

    Sau đó, Ngài Đại đức Sāriputta là thầy tế độ làm lễ xuất gia Sadi cho giới tử Sīvali. Sau khi trở thành Sadi, những thứ vật dụng phát sinh không chỉ đến Ngài Sadi Sīvali, mà còn phát sinh đến chư Sadi, chư Tỳ khưu một cách đầy đủ sung túc chưa từng có.

    Hằng ngày, không chỉ có loài người, mà còn có chư thiên cũng đem những thứ vật dụng đến dâng lễ cúng dường đến Ngài Sadi Sīvali cùng chư Sadi, chư Tỳ khưu một cách đầy đủ sung túc chưa từng có.

    Khi Ngài Sadi Sīvali tròn 20 tuổi, chư Tỳ khưu Tăng làm lễ nâng lên trở thành Tỳ khưu. Những thứ vật dụng được phát sinh càng dồi dào sung túc hơn.

    Mỗi khi một đoàn chư Tỳ khưu Tăng rất đông du hành đến một nơi khác, phải đi qua những vùng hẻo lánh, không có người sinh sống. Trong đoàn chư Tỳ khưu rất đông ấy, nếu có Ngài Đại đức Sīvali cùng đi, thì Đức Phật cho phép đi, bởi vì đến vùng hẻo lánh nào đúng giờ chư Tỳ khưu đi khất thực, thì chư thiên liền biến hóa ra xóm làng, thành thị có dân chúng đông đúc trù phú để bát dâng lễ cúng dường đến Ngài Đại đức Sīvali cùng chư Tỳ khưu Tăng. Khi chư Tỳ khưu du hành đến nơi khác thì xóm làng, thành thị ấy biến mất v.v…

    Đó là quả báu thiện nghiệp của Ngài Đại đức Sīvali có ảnh hưởng đến chư Tỳ khưu Tăng.

    Một hôm chư Tỳ khưu đang bàn luận về tài lộc đặc biệt của Ngài Đại đức Sīvali, thì Đức Phật ngự đến, nhân dịp ấy Đức Phật tuyên dương Ngài Đại đức Sīvali rằng:

    “Etadaggaṃ, bhikkhave mama sāvakānaṃ lābhīnaṃ yadidaṃ Sīvali!”.

    (Này chư Tỳ khưu, Sīvali là bậc Thánh Đại Thanh Văn có tài lộc bậc nhất trong hàng Thanh Văn đệ tử của Như Lai!).

    Ngài Sīvali là bậc Thánh Đại Thanh Văn có tài lộc bậc nhất trong hàng đệ tử của Đức Phật Gotama, đó là kết quả thành tựu nguyện vọng của Ngài đã từng phát nguyện từ thời Đức Phật Padumuttara trong quá khứ.

    Ví dụ 2: Ảnh hưởng quả xấu của bất thiện nghiệp (ác nghiệp)

    Tích Ngài Đại đức Losakatissa được tóm lược như sau:

    Trong thời kỳ Đức Phật Kassapa, tiền kiếp của Ngài Đại đức Losakatissa là vị Tỳ khưu trụ trì chùa. Một hôm, một vị Tăng khách là bậc Thánh Arahán đến vùng ấy, người thí chủ hộ độ ngôi chùa ấy nhìn thấy vị Tăng khách liền phát sinh đức tin trong sạch nơi vị Tăng khách ấy, cung kính để bát cúng dường vật thực, rồi kính thỉnh vị Tăng khách đến nghỉ tại ngôi chùa ấy.

    Nhìn thấy người thí chủ đối xử cung kính đặc biệt với vị Tăng khách, vị Tỳ khưu trụ trì có vẻ không hài lòng với vị Tăng khách.

    Chiều hôm ấy, người thí chủ hộ độ chùa đến thăm vị Tăng khách, rồi kính thỉnh Ngài cùng với vị Tỳ khưu trụ trì chùa ngày hôm sau đến tư gia để cúng dường vật thực.

    Vị Tỳ khưu trụ trì phát sinh tâm ganh tỵ, nên sáng hôm sau, vị Tỳ khưu trụ trì làm bộ dùng ngón tay đánh chuông, gõ cửa, rồi một mình đi đến nhà người thí chủ.

    Người thí chủ bạch hỏi vị Tỳ khưu trụ trì về vị Tăng khách. Vị Tỳ khưu trụ trì nói xấu vị Tăng khách đủ điều, nhưng người thí chủ vốn có đức tin trong sạch nơi vị Tăng khách, nên sau khi cúng dường vật thực đến vị Tỳ khưu trụ trì độ xong, người thí chủ xin cái bát rửa sạch, rồi để một phần vật thực trong bát dâng đến vị Tỳ khưu trụ trì, nhờ Ngài đem về dâng cúng dường đến vị Tăng khách.

    Trên đường đi về chùa, vị Tỳ khưu trụ trì nghĩ rằng:

    “Nếu ta đem vật thực ngon lành này về cho vị Tăng khách ấy, thì dù ta lôi y ra khỏi chùa, y cũng không dễ gì chịu đi; tốt hơn ta nên đổ bỏ vật thực này”.

    Vị Tỳ khưu trụ trì đã thực hiện ý định ấy, khi về đến chùa, không nhìn thấy vị Tăng khách nữa. Vị Tỳ khưu trụ trì ăn năn hối hận việc làm tội lỗi của mình. Sau khi vị Tỳ khưu trụ trì chết, ác nghiệp ấy liền cho quả tái sinh trong cõi địa ngục, chịu quả khổ cho đến khi mãn quả của ác nghiệp ấy mới thoát ra khỏi cõi địa ngục; cũng do ác nghiệp ấy cho quả tái sinh trong các cõi ác giới khác như ngạ quỷ, súc sinh... Khi mãn quả của ác nghiệp mới được thoát ra khỏi cõi ác giới. Do nhờ thiện nghiệp cho quả trong thời kỳ tái sinh làm người, nhưng do quả của ác nghiệp đổ bỏ vật thực ấy, nên người ấy phải chịu cảnh cực khổ, đói khát.

    Trong thời kỳ Đức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, hậu kiếp của vị Tỳ khưu trụ trì trong thời kỳ Đức Phật Kassapa, do thiện nghiệp cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp chót vào xóm dân chài gồm có 1.000 (một ngàn) gia đình. Từ khi tái sinh nằm trong lòng mẹ trong xóm 1.000 gia đình dân chài ấy, do quả của ác nghiệp cũ của thai nhi (hậu kiếp của vị Tỳ khưu trụ trì) khiến cho xóm dân chài 1.000 gia đình lâm vào cảnh đói khổ. Ông trưởng xóm dân chài đoán biết có người kālakaṇṇī (người xúi quẩy) sinh trong xóm này, cho nên ông chia xóm dân chài ra thành 2 nhóm. Nhóm 500 (năm trăm) gia đình có người mẹ mang thai Ngài đều phải chịu cảnh đói khổ, còn nhóm 500 gia đình kia vẫn làm ăn bình thường.

    Từ đó, nhóm 500 gia đình có người mẹ mang thai Ngài lại chia ra làm 2, mỗi nhóm 250 (hai trăm năm mươi) gia đình; và cứ thế lại chia làm 2, làm 2... Cuối cùng còn 2 gia đình lại chia làm 2. Như vậy, chỉ còn gia đình người mẹ mang thai Ngài chịu cảnh đói khổ. Đến khi đủ tháng ngày, người mẹ sinh ra Ngài, đặt tên Ngài là Losakatissa. Cha mẹ của Ngài phải vất vả khổ cực lắm mới nuôi nấng Ngài lên 7 tuổi.

    Một hôm, người mẹ dẫn Ngài đi xin ăn, người mẹ trao cho Ngài một cái bát đi xin, rồi bà trốn đi, bỏ Ngài một mình bơ vơ đói khát.

    Khi ấy, Ngài Đại đức Sāriputta nhìn thấy Ngài, phát sinh tâm bi mẫn cứu giúp Ngài, dẫn Ngài về cho làm lễ xuất gia Sadi.

    Hằng ngày, vị Sadi Losakatissa đi khất thực không đủ ăn, luôn luôn chịu đói khổ. Đến khi vị Sadi Losakatissa tròn 20 tuổi, chư Tỳ khưu Tăng làm lễ nâng lên trở thành Tỳ khưu. Tuy vị Tỳ khưu Losakatissa chịu cảnh đói khổ, nhưng Ngài cố gắng tinh tấn thực hành thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não, mọi tham ái, trở thành bậc Thánh Arahán cao thượng, do nhờ pháp hạnh ba-la-mật đã tích lũy từ nhiều đời, nhiều kiếp trong quá khứ.

    Đến khi hết tuổi thọ, Ngài Losakatissa tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài, đồng thời mọi ác nghiệp cũng như mọi thiện nghiệp đều trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma).

    Như vậy, một bậc có đầy đủ trọn vẹn các pháp hạnh ba-la-mật, do thiện nghiệp cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp chót sẽ chứng đắc thành bậc Thánh Arahán, song bất thiện nghiệp (ác nghiệp) cũng có cơ hội cho quả sau khi đã tái sinh, trong kiếp hiện hữu. Như trường hợp Ngài Đại đức Losakatissa, từ khi tái sinh kiếp chót, khi sinh ra đời cho đến khi trở thành bậc Thánh Arahán, suốt cuộc đời vẫn còn chịu ảnh hưởng quả của ác nghiệp đổ bỏ vật thực của bậc Thánh Arahán trong thời kỳ Đức Phật Kassapa. Quả của ác nghiệp ấy không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến suốt cuộc đời của Ngài, mà còn gây ảnh hưởng gián tiếp đến những người thân yêu gần gũi thân cận với Ngài, cũng phải chịu cảnh khổ như Ngài.

    Trong bài kinh Maṅgalasutta (kinh An Lành), Đức Phật thuyết dạy 38 pháp an lành cho chư thiên và nhân loại.

    2 pháp đầu tiên là:

    Asevanā ca bālānaṃ

    Paṇḍitānañca sevanā.

    Không nên thân cận với những kẻ ác.

    Nên thân cận với những bậc thiện trí.

    Đó là điều an lành cao thượng nhất.

    Mỗi chúng sinh có nghiệp là của riêng mình, sinh, tử, chịu khổ, hưởng an lạc v.v... đều tùy thuộc vào nghiệp và quả của nghiệp của mỗi chúng sinh ấy.

    Tại sao nạn thiên tai làm nhiều người chết cùng một lúc, hoặc tai nạn xảy ra làm nhiều người chết, bị thương cùng một lúc, hoặc nhiều người cùng khổ trong hoàn cảnh giống nhau. Vậy, có phải họ cùng tạo bất thiện nghiệp (ác nghiệp) giống nhau hay không?

    Thật ra, quả xấu của ác nghiệp thì dễ thấy, còn để biết ác nghiệp nào cho quả xấu, quả khổ như thế này thì không thể biết được dễ dàng, nghĩa là chỉ có thể biết được ác nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại, rồi cho quả xấu, quả khổ ngay trong kiếp hiện tại mà thôi; còn các ác nghiệp nào đã từng được tạo trong những kiếp quá khứ, nay kiếp hiện tại các ác nghiệp ấy có cơ hội cho quả xấu, quả khổ của ác nghiệp ấy, thì chỉ có duy nhất Đức Phật Chánh Đẳng Giác

    - Bậc Toàn Giác mới có khả năng biết rõ mà thôi, ngoài ra không một ai có thể biết rõ được.

    Ví dụ 3:

    Trường hợp những người trong dòng họ Sakya đều bị tàn sát do bởi Đức vua Viṭatūbha xứ Kosala. Đức Phật đã 3 lần ngự đến ngồi dưới gốc cây tại biên giới để cứu dòng họ Sakya. Đức vua Viṭatūbha 3 lần cầm đầu đem quân đến kinh thành Kapilavatthu, khi nhìn thấy Đức Phật, Đức vua ngự đến hầu đảnh lễ Đức Phật xong, rồi kéo quân trở về kinh thành Sāvatthi. Nhưng đến lần thứ tư, Đức Phật thấy rõ, biết rõ tiền kiếp của những người trong dòng họ Sakya đã từng cùng nhau tạo ác nghiệp nặng, bỏ thuốc độc xuống dòng sông sát hại chúng sinh trong thời quá khứ. Đến nay, ác nghiệp ấy đến thời kỳ có cơ hội cho quả khổ của ác nghiệp ấy, cho nên khiến Đức vua Viṭatūbha đem quân đến tàn sát những người trong dòng họ Sakya.

    Sở dĩ, Đức vua Viṭatūbha đem quân đến tàn sát những người trong dòng họ Sakya là vì: “Khi Đức vua còn là Thái tử Viṭatūbha đã đến thăm viếng bên dòng họ Sakya, nhưng đã bị những người trong dòng họ Sakya khinh thường,

    Thái tử vốn là người có dòng máu bên cha là Đức vua Mahānāma dòng Sakya, còn bên mẹ là nữ tỳ của dòng họ Sakya. Cho nên, khi Thái tử Viṭatūbha lên ngôi làm Vua liền đem quân đến trả thù giết hại tàn sát những người trong dòng họ Sakya.

    Trường hợp bà chánh cung Hoàng hậu Sāmāvatī của Đức vua Udena cùng nhóm 500 nữ tỳ, trong số ấy có một số là bậc Thánh Nhập Lưu, có một số là bậc Thánh Nhất Lai, có một số là bậc Thánh Bất Lai, đều bị chết thiêu do bởi âm mưu thâm độc của bà chánh cung Hoàng hậu Māgandhiyā. Bà chánh cung Hoàng hậu Māgandhiyā đã sai khiến những người bà con thân quyến đến đốt cháy ngôi cung thất của bà chánh cung Hoàng hậu Sāmāvatī cùng nhóm 500 nữ tỳ của bà, rồi chặn các cửa ra vào và các cửa sổ không để cho một ai thoát thân. Bà chánh cung Hoàng hậu Māgandhiyā thù ghét bà chánh cung Hoàng hậu Sāmāvatī cùng nhóm 500 nữ tỳ của bà, bởi vì họ là những đệ tử của Đức Phật Gotama.

    Sở dĩ, bà chánh cung Hoàng hậu Sāmāvatī và nhóm 500 nữ tỳ đều bị chết thiêu là vì đã từng cùng nhau tạo ác nghiệp trong tiền kiếp quá khứ như sau:

    “Trong thời quá khứ, Đức vua Brahmadatta trị vì kinh thành Bārāṇasī. Hằng ngày Đức vua hộ độ cúng dường đến 8 Đức Phật Độc Giác; Đức vua truyền lệnh cho nhóm cung nữ gồm có một người trưởng nhóm cùng với 500 người bộ hạ thân tín lo hộ độ cúng dường đến 8 Đức Phật Độc Giác.

    Khi ấy, 7 Đức Phật Độc Giác ngự trở về núi Himavanta, còn một Đức Phật Độc Giác nhập diệt thọ tưởng suốt 7 ngày đêm trong đống cỏ gần bên bờ sông. Cho nên nhóm cung nữ được rảnh rỗi.

    Một hôm, Đức vua cho phép nhóm cung nữ đi tắm sông, mải ham chơi dưới nước, khi lên bờ cảm thấy lạnh, nhóm cung nữ liền đến đống cỏ đốt lửa sưởi ấm, đến lúc đống cỏ cháy tàn rụi, họ mới nhìn thấy Đức Phật Độc Giác đang ngồi nhập diệt thọ tưởng tại nơi ấy. Vì sợ bị Đức vua trị tội, nên nhóm cung nữ bàn tính cùng nhau đi tìm củi đem đến chất thành đống thiêu rụi Đức Phật Độc Giác, để không còn tang chứng; nhưng do năng lực nhập diệt thọ tưởng của Đức Phật Độc Giác nên lửa không thể thiêu rụi Ngài được, nên đến ngày thứ 7 thì Đức Phật Độc Giác xả diệt thọ tưởng trở lại cuộc sống bình thường.

    Như vậy, lúc đầu nhóm cung nữ đốt cỏ để sưởi ấm không có tác ý sát sinh, nhưng sau đó, do có tác ý thiêu rụi Đức Phật Độc Giác, để làm mất tang chứng, thì họ có tác ý sát sinh, cùng nhau tạo ác nghiệp nặng.

    Sau khi nhóm cung nữ chết, do ác nghiệp thiêu đốt Đức Phật Độc Giác ấy cho quả tái sinh trong cõi địa ngục, bị thiêu đốt suốt nhiều ngàn năm. Sau khi mãn quả của ác nghiệp ấy, nếu thiện nghiệp cho quả tái sinh làm người, thì thường bị chết thiêu hằng trăm kiếp như vậy.

    Nay kiếp hiện tại này, bà chánh cung Hoàng hậu Sāmā-vatī cùng nhóm 500 nữ tỳ của bà là hậu kiếp của nhóm cung nữ trong thời quá khứ ấy, tất cả đều bị chết thiêu, đó là do quả xấu của ác nghiệp thiêu đốt Đức Phật Độc Giác trong thời quá khứ ấy.

    Trường hợp những người chết cùng một lúc do bởi thiên tai hoặc tai nạn xảy ra, những người ấy không chắc hẳn là đã từng tạo ác nghiệp giống nhau, mà có thể là đã từng tạo ác nghiệp khác nhau, nhưng do ác nghiệp nặng của một người này có cơ hội cho quả xấu, quả khổ của ác nghiệp ấy có thể làm ảnh hưởng đến những người thân cận gần gũi cùng phải chịu chung quả khổ.

    Trong trường hợp này, nếu những người nào bị ảnh hưởng quả xấu, quả khổ của ác nghiệp của người nào đó, thì những người ấy có thể tránh xa người đó, để không còn chịu ảnh hưởng quả xấu, quả khổ của người đó nữa (như tích Ngài Đại đức Losakatissa).

    Một số người có quan niệm rằng: “Tạo thiện nghiệp để xóa bỏ ác nghiệp”. Quan niệm như vậy có đúng hay không?

    Ác nghiệp nào mà người ấy đã tạo trong kiếp hiện tại, hoặc trong nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ, ác nghiệp ấy đã được tích lũy ở trong tâm rồi. Về sau, người ấy dù có tạo thiện nghiệp nào, có năng lực mạnh như thế nào cũng không thể trở lại ngược thời gian trong quá khứ để xóa bỏ ác nghiệp quá khứ ấy được, còn thiện nghiệp ấy cũng đã được tích lũy ở trong tâm.

    Tuy thiện nghiệp không thể xóa bỏ được ác nghiệp trong quá khứ, nhưng nếu cố gắng tạo nhiều thiện nghiệp (dù là dục giới đại thiện nghiệp), thì cũng có khả năng làm giảm tiềm năng cho quả của ác nghiệp.

    Thực ra, ác nghiệp nào nếu khi hội đủ điều kiện, thì ác nghiệp ấy mới có cơ hội cho quả khổ của ác nghiệp ấy; nếu không hội đủ điều kiện, thì ác nghiệp ấy không có cơ hội cho quả của nó.

    Và thiện nghiệp nào nếu khi hội đủ điều kiện, thì thiện nghiệp ấy mới có cơ hội cho quả an lạc của thiện nghiệp ấy; nếu không hội đủ điều kiện, thì thiện nghiệp ấy không có cơ hội cho quả của nó.

    Bởi vậy cho nên, không phải tất cả mọi ác nghiệp, tất cả mọi thiện nghiệp đều được cho quả của chúng. Sự thật, ác nghiệp nào, thiện nghiệp nào khi hội đầy đủ điều kiện, thì ác nghiệp ấy, thiện nghiệp ấy mới có cơ hội cho quả của nó.

    Nền Tảng Phật Giáo quyển IV, chương VI này trình bày: “Nghiệp và quả của nghiệp”. Nghiệp phân loại có 4 phần chính:


    Phần nghiệp được phân loại theo phận sự, có 4 loại nghiệp.

    Phần nghiệp được phân loại theo tuần tự cho quả của nghiệp, có 4 loại nghiệp.

    Phần nghiệp được phân loại theo thời gian cho quả của nghiệp, có 4 loại nghiệp.

    Phần nghiệp được phân loại theo cảnh giới cho quả của nghiệp, có 4 loại nghiệp.


    Như vậy, 4 phần nghiệp gồm có 16 loại nghiệp, mỗi loại nghiệp có tên gọi như sau:


    Phần nghiệp được phân loại theo phận sự, có 4 loại nghiệp:

    Janakakamma: Nghiệp sinh quả trong thời kỳ tái sinh và sinh quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu.

    Upathambhakakamma: Nghiệp hỗ trợ cho nghiệp khác sinh quả.

    Upapīḷakakamma: Nghiệp hãm hại nghiệp đối nghịch.

    Upaghātakakamma: Nghiệp sát hại cắt đứt nghiệp khác.

    Phần nghiệp được phân loại theo tuần tự cho quả của nghiệp, có 4 loại nghiệp:

    Garukakamma: Nghiệp trọng yếu, ưu tiên cho quả tái sinh kiếp sau trước tiên.

    Āsannakamma: Nghiệp cận tử, phát sinh lúc lâm chung. Nếu không có nghiệp trọng yếu thì nghiệp cận tử này cho quả tái sinh kiếp sau.

    Āciṇṇakamma: Nghiệp thường hành hằng ngày đêm. Nếu không có nghiệp trọng yếu và nghiệp cận tử, thì nghiệp thường hành này cho quả tái sinh kiếp sau.

    Kaṭattākamma: Nghiệp loại thường, yếu hơn 3 loại nghiệp trên. Nếu không có 3 loại nghiệp trên, thì nghiệp loại thường này cho quả tái sinh kiếp sau.

    Phần nghiệp được phân loại theo thời gian cho quả của nghiệp, có 4 loại nghiệp:

    Diṭṭhadhammavedanīyakamma: Nghiệp cho quả ngay trong kiếp hiện tại (kiếp thứ nhất).

    Upapajjavedanīyakamma: Nghiệp cho quả kiếp kế tiếp (kiếp thứ nhì).

    Aparāpariyavedanīyakamma: Nghiệp cho quả trong những kiếp sau kế tiếp (kể từ kiếp thứ ba cho đến kiếp chót trở thành bậc Thánh Arahán trước khi tịch diệt Niết Bàn).

    Ahosikamma: Nghiệp vô hiệu quả (nghiệp không còn có hiệu lực cho quả của nghiệp ấy được nữa).

    Phần nghiệp được phân loại theo cảnh giới cho quả của nghiệp, có 4 loại nghiệp:

    Akusalakamma: 12 bất thiện nghiệp (12 ác nghiệp) cho quả tái sinh trong 4 cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh.

    Kāmāvacarakusalakamma: 8 dục giới đại thiện nghiệp cho quả tái sinh trong cõi thiện dục giới: Cõi người, 6 cõi trời dục giới.

    Rūpāvacarakusalakamma: 5 sắc giới thiện nghiệp cho quả tái sinh trong 16 cõi trời sắc giới phạm thiên.

    Arūpāvacarakusalakamma: 4 vô sắc giới thiện nghiệp cho quả tái sinh trong 4 cõi trời vô sắc giới phạm thiên.

    Đó là 4 phần nghiệp mà mỗi phần có 4 loại nghiệp thành 16 loại nghiệp.

    Nghiệp và quả của nghiệp là một đề tài vô cùng rộng lớn, sâu sắc, vi tế chỉ có duy nhất Đức Phật Chánh Đẳng Giác - Bậc Toàn Giác có trí tuệ đặc biệt thấy rõ, biết rõ nghiệp và quả của nghiệp của tất cả chúng sinh trong ba giới bốn loài mà thôi. Ngoài ra, không một vị nào khác có khả năng thấy rõ, biết rõ nghiệp và quả của nghiệp của tất cả mọi chúng sinh.

    Quyển IV “Nghiệp và Quả Của Nghiệp” thuộc về bộ sách “Nền Tảng Phật Giáo” mà bần sư đã dày công biên soạn trích dịch từ Tam Tạng, Chú Giải, các bộ sách giáo khoa chương trình Đại học Abhidhamma tại Bangkok - Thái Lan do Ngài cố Đại Trưởng Lão Saddhammajotika, và gom nhặt những lời giải thích của các bậc tiền bối uyên thâm về pháp học Phật giáo.

    Bần sư đã cố gắng hết sức mình để sưu tầm, gom nhặt những tài liệu về nghiệp và quả của nghiệp chỉ được bấy nhiêu thôi!

    Tuy bần sư đã cố gắng hết sức mình giải thích để giúp cho độc giả tìm hiểu về nghiệp và quả của nghiệp, nhưng thật ra, nghiệp và quả của nghiệp là một đề tài vô cùng rộng lớn, sâu sắc, vi tế. Do khả năng của bần sư có hạn, nên chắc chắn không sao tránh khỏi những điều sơ sót, thậm chí còn có chỗ sai ngoài khả năng hiểu biết của bần sư.

    Để lần sau tái bản được hoàn thiện hơn, kính mong chư bậc thiện trí từ bi chỉ giáo, góp ý chân tình.

    Kính xin quý vị xem soạn phẩm này như là của chung mà mỗi người trong chúng ta, ai cũng có bổn phận đóng góp xây dựng để cho soạn phẩm này được hoàn hảo, hầu mong đem lại sự lợi ích chung, sự tiến hóa, sự an lạc cho phần đông chúng ta. Bần sư kính cẩn đón nhận những lời đóng góp phê bình xây dựng ấy của chư bậc thiện trí và kính xin quý Ngài ghi nhận nơi đây lòng chân thành biết ơn sâu sắc của bần sư.

    Quyển sách “Nghiệp và Quả Của Nghiệp” này được hoàn thành do nhờ có nhiều người giúp sức như: Dhamma-citta Bhikkhu (Tỳ khưu Tâm Pháp), cô Dhammanandā, cô Sumittā xem bản thảo; đệ tử Sīlācāra (Giới Hạnh) đã tận tình đánh máy vi tính, dàn trang, làm thành quyển; các thí chủ trong nước và ngoài nước có đức tin trong sạch lo ấn hành là: Pháp đệ Tịnh Đức cùng nhóm Phật tử chùa Đạo Quang (Hoa Kỳ), Pháp đệ Bửu Đức cùng nhóm Phật tử chùa Hương Đạo (Hoa Kỳ), sư cô Trí Hạnh, gia đình anh Đinh Vạn Xuân cùng nhóm Phật tử ở Úc, gia đình cô Dhammanandā (Pháp), gia đình cô Thái Ngọc Dung, gia đình Đặng Thị Phương Mai, các nhóm Phật tử ở Mỹ, Pháp, Thụy Sĩ, Canada, Úc..., gia đình Hoàng Quang Chung, và các gia đình... và đã được Nhà xuất bản Tôn Giáo cho phép ấn hành. Bần sư vô cùng hoan hỷ và biết ơn tất cả quý vị.

    Nhân dịp này, con là Dhammarakkhita Bhikkhu (Tỳ khưu Hộ Pháp) thành kính dâng phần pháp thí thanh cao này đến Ngài Vaṃsarakkhitamahāthera (Cố Đại Trưởng Lão Hộ Tông) là sư phụ của con, đồng thời đến quý Ngài Cố Đại Trưởng Lão Thiện Luật, Ngài Cố Đại Trưởng Lão Bửu Chơn, Ngài Cố Đại Trưởng Lão Giới Nghiêm, Ngài Cố Đại Trưởng Lão Hộ Giác (chùa Từ Quang) cùng chư Đại Trưởng Lão, Đại đức khác đã dày công đem Phật giáo Nguyên Thủy (Theravāda) về truyền bá trên quê hương Việt Nam thân yêu, và xin kính dâng đến chư Đại Trưởng Lão ở nước Thái Lan, nước Myanmar (Miến Điện), đã có công dạy dỗ con về pháp học và pháp hành.

    Con kính mong quý Ngài hoan hỷ.

    Idaṃ no ñātinaṃ hotu, sukhitā hontu ñātayo.

    Phước thiện pháp thí thanh cao này, xin hồi hướng đến tất cả thân quyến của chúng con, từ kiếp hiện tại cho đến vô lượng kiếp trong quá khứ, cầu mong quý vị hoan hỷ thọ nhận phần phước thiện này để thoát khỏi cảnh khổ, được an lạc lâu dài.

    Imaṃ puññābhāgaṃ mātāpitu-ācariya-ñāti-mittānañceva sesasabbasattānañca dema, sabbepi te puññapattiṃ laddhāna sukhitā hontu.

    Chúng con thành tâm hồi hướng, chia phước đến ông bà, cha mẹ, thầy tổ, thân quyến, bạn hữu cùng tất cả chúng sinh từ cõi địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh, nhân loại, chư thiên trong các cõi trời dục giới, chư Phạm thiên trong các cõi trời sắc giới... Kính xin tất cả quý vị hoan hỷ thọ nhận phần phước thiện pháp thí thanh cao này, cầu mong quý vị thoát khỏi mọi sự khổ, được an lạc lâu dài.

    Idaṃ me dhammadānaṃ āsavakkhayāvahaṃ hotu.

    Phước thiện pháp thí thanh cao này của mỗi người chúng con, xin làm duyên lành dẫn dắt mỗi người chúng con đến chứng đắc Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não trầm luân, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

    Nếu mỗi người trong chúng con chưa diệt đoạn tuyệt được phiền não trầm luân, chưa giải thoát khổ sinh, vẫn còn tiếp tục tử sinh luân hồi, thì do năng lực phước thiện pháp thí thanh cao này ngăn cản mọi ác nghiệp không có cơ hội cho quả tái sinh trong 4 cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh; và cũng do năng lực pháp thiện này chỉ hỗ trợ thiện nghiệp cho quả tái sinh trong cõi thiện giới... mà thôi. Được sinh kiếp nào, mỗi người trong chúng con là người có chánh kiến, có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, có duyên lành được gần gũi thân cận với bậc thiện trí, có đức tin trong sạch nơi bậc thiện trí, cố gắng tinh tấn hành theo lời giáo huấn của bậc thiện trí, không ngừng tạo mọi pháp hạnh ba-la-mật cho sớm được đầy đủ trọn vẹn, để mong sớm chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, mong diệt đoạn tuyệt mọi phiền não trầm luân, trở thành bậc Thánh Arahán.

    Trong vòng tử sinh luân hồi, mỗi khi chúng con được nghe tin lành Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng ngự nơi nào, dù gần dù xa, chúng con liền phát sinh tâm hỷ lạc, có đức tin trong sạch nơi Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng; quyết tâm tìm đến nơi ấy, để hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, hoặc chư Thánh Thanh Văn đệ tử của Ngài, lắng nghe chánh pháp, cố gắng tinh tấn hành theo chánh pháp của Ngài, để mong chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não, mọi tham ái, mọi ác pháp, trở thành bậc Thánh Arahán sẽ tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

    Do nhờ năng lực phước thiện pháp thí thanh cao này hỗ trợ, nhắc nhở cho mỗi người chúng con, khi thành tựu quả báu ở cõi người (manussasampatti) như thế nào, cũng không đắm say trong cõi người; hoặc khi thành tựu quả báu ở cõi trời (devasampatti) hưởng được an lạc như thế nào, cũng không đắm say trong cõi trời. Bởi vì mục đích cứu cánh cao cả của mỗi chúng con là cầu mong sớm thành tựu quả báu chứng ngộ Niết Bàn (Nibbānasampatti), giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

    Icchitaṃ patthitaṃ amhaṃ,

    Khippameva samijjatu.

    Điều mong ước, ý nguyện của chúng con,

    Cầu mong sớm được thành tựu như ý.



    Mùa xuân Đinh Hợi 2007

    Thiền viện Viên Không

    Tỳ khưu Hộ Pháp

    (Dhammarakkhita Bhikkhu)
    Itipi so Bhagavà Araham, Sammàsambuddho, Vijjàcaranasampanno, Sugato, Lokavidù, Anuttaro purisadammasàrathi, Satthàdevamanussànam, Buddho, Bhagavà.

  2. #2
    Đai Nâu Avatar của raucucai
    Gia nhập
    Mar 2012
    Nơi cư ngụ
    Sơn La
    Bài gởi
    302

    Mặc định

    PHẦN I

    BÀI KINH DẠY VỀ NGHIỆP

    Kinh Cūḷakammavibhaṅgasutta

    Tích chuyện cậu Subha

    Cậu Subha là con trai của phú hộ Todeyya. Trong kinh thành Sāvatthi, phú hộ Todeyya có của cải đến 87 koṭi (870 triệu), nhưng ông nổi tiếng là người keo kiệt bủn xỉn trong của cải tài sản của mình. Tuy ông được sinh ra trong thời kỳ Đức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, nhưng ông không từng làm phước thiện bố thí cúng dường đến Đức Phật dù chỉ là một muỗng cháo, một vá cơm.

    Đến lúc lâm chung, ông phú hộ Todeyya có tâm tham luyến tiếc của cải tài sản ấy, cho nên sau khi chết, ác nghiệp ấy cho quả tái sinh làm con chó trong nhà cũ của ông. Con chó được cậu Subha hết mực thương yêu, hễ cậu dùng món ăn nào thì nó cũng được ăn món ăn ấy; nó còn được cậu bồng ẵm cho nằm trên giường sang trọng.

    Canh chót đêm ấy, sau khi xả đại bi định, Đức Thế Tôn quán xét chúng sinh nên tế độ, thì thấy con chó trong nhà cậu Subha. Ngài quán xét thấy rõ con chó ấy vốn tiền kiếp là ông phú hộ Todeyya; vì tâm luyến tiếc của cải tài sản lúc lâm chung, cho nên sau khi chết, ác nghiệp cho quả tái sinh làm con chó trong nhà của ông.

    Buổi sáng ngày hôm sau, Đức Thế Tôn đi khất thực đến đứng trước biệt thự của cậu Subha. Nhìn thấy Đức Thế Tôn, con chó chạy ra sủa. Khi ấy, Đức Thế Tôn gọi nó Todeyya, tên tiền kiếp của nó, nó tủi phận chạy vào nhà nằm trên đống tro bên cạnh bếp lò.

    Đó là nguyên nhân khiến cậu Subha tìm đến gặp Đức Thế Tôn vấn đạo.

    Sau khi lắng nghe Đức Thế Tôn giải đáp những điều thắc mắc của mình, cậu Subha phát sinh đức tin trong sạch nơi Tam Bảo rồi xin thọ phép quy y Tam Bảo. Còn con chó sau khi chết, ác nghiệp lại cho quả tái sinh trong cõi đại địa ngục Avīci.

    Nhân duyên Đức Phật thuyết bài kinh Cūḷakammavibhaṅgasutta

    Đức Thế Tôn quán xét thấy rõ cậu Subha sẽ xin thọ phép quy y Tam Bảo, cho nên, buổi sáng hôm ấy, Đức Thế Tôn ngự đi khất thực đến đứng trước biệt thự của cậu Subha. Khi ấy, cậu Subha đi vắng, con chó nhìn thấy Đức Thế Tôn nó chạy ra sủa. Đức Thế Tôn gọi tên con chó rằng:

    - Này Todeyya, ngươi không biết thân phận làm chó của ngươi, mà còn sủa Như Lai nữa. Kiếp sau ngươi còn phải tái sinh trong đại địa ngục Avīci.

    Nghe Đức Thế Tôn truyền như vậy, con chó vô cùng khổ tâm, cúi đầu chạy vào nhà và đến nằm chỗ đống tro gần bếp. Những người trong nhà không một ai có thể bồng nó lên nằm trên giường sang trọng của nó.

    Cậu Subha trở về nhà nhìn thấy con chó đáng yêu của mình nằm chỗ đống tro gần bếp, nên hỏi rằng:

    - Ai đem con chó xuống nằm chỗ này vậy?

    Những người trong nhà thưa rằng:

    - Thưa cậu chủ, không có ai bồng nó xuống nằm chỗ ấy. Nó tự đến nằm, chúng tôi đã cố gắng bồng nó lên nằm trên giường, nhưng nó không chịu.

    - Thưa cậu chủ, nguyên do sự việc xảy ra như vầy:

    Sáng nay, Samôn Gotama đi khất thực đến đứng trước cổng nhà, con chó nhìn thấy Samôn Gotama, nó chạy ra sủa thì Samôn Gotama truyền rằng:

    “Này Todeyya, ngươi không biết thân phận làm chó của ngươi sao, mà còn sủa Như Lai nữa. Kiếp sau ngươi còn phải tái sinh trong đại địa ngục Avīci”.

    Nghe như vậy, con chó vô cùng đau khổ chạy vào nhà và đến nằm trên đống tro gần bếp.

    Nghe người nhà thuật lại như vậy, cậu Subha nổi giận nói rằng:

    - Thân phụ của ta đã tái sinh lên cõi Phạm thiên, làm gì có con chó tên Todeyya. Nhưng tại sao Samôn Gotama gọi con chó bằng tên thân phụ của ta. Samôn Gotama chỉ nói nhảm mà thôi.

    Cậu Subha muốn tìm đến Đức Thế Tôn để hăm dọa Ngài, vì lời nói của Ngài. Cậu Subha liền đi thẳng đến ngôi chùa Jetavana gặp Đức Thế Tôn để hỏi rõ những sự việc xảy ra có đúng như những người trong nhà thuật lại hay không?

    Đức Thế Tôn xác nhận đúng sự thật như vậy, rồi Ngài hỏi cậu Subha rằng:

    - “Này Subha, những thứ của báu mà cha của con đã chôn giấu nơi nào, ông có nói cho con biết hay không?”

    Nghe Đức Thế Tôn hỏi như vậy, cậu Subha liền phát sinh tâm tham những thứ của báu ấy, nên tâm không còn tức giận nữa, mà từ tốn bạch rằng:

    - Kính bạch Đức Samôn Gotama, cha của con chôn giấu những thứ của báu như: Những thỏi vàng đáng giá 100 ngàn kahāpana, đôi dép bằng vàng đáng giá 100 ngàn kahāpana, và nhiều báu vật vô giá khác… ở chỗ nào, mà cha của con không nói cho con biết. Nay cha của con đã chết rồi thì làm sao con có thể biết được? Bạch Ngài.

    - Này Subha, con trở về nhà, cho con chó ăn món cơm nấu bằng sữa tươi với nước mía… rồi bồng ẵm nó lên nằm trên giường. Khi nó vừa bắt đầu ngủ, con vỗ về hỏi nó về những thứ của báu chôn giấu chỗ nào. Nó sẽ chỉ chỗ ấy cho con biết.

    Cậu Subha phát sinh tâm tham hoan hỷ nghĩ rằng:

    “Nếu có thật thì ta được những thứ của báu ấy. Nếu không có thật thì ta sẽ trở lại để hăm dọa Samôn Gotama vì lời nói của Ngài”.

    Cậu Subha làm theo lời chỉ dẫn của Đức Thế Tôn, con chó thức dậy, nhảy xuống giường vừa chạy vừa kêu, đến chỗ chôn giấu những thứ của báu, nó lấy chân cào chỗ ấy. Cậu Subha đào xuống đất và gặp được những báu vật của người cha đã chôn giấu, mà cậu không biết.

    Được những thứ báu vật ấy, cậu Subha phát sinh tâm vô cùng hoan hỷ, đồng thời phát sinh đức tin trong sạch nơi Đức Thế Tôn - Bậc Toàn Giác biết rõ mọi điều, mà những người khác không có một ai biết được như Ngài.

    Cậu Subha đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, cậu đặt 14 câu hỏi, bạch hỏi Đức Thế Tôn, kính xin Ngài giải đáp những câu hỏi ấy.

    Đó là nguyên nhân mà Đức Thế Tôn thuyết bài kinh Cūḷakammavibhaṅgasutta.

    Nội dung bài kinh Cūḷakammavibhaṅgasutta

    Con là Ānanda, được nghe bài kinh Cūḷakammavibhaṅga-sutta từ nơi kim ngôn của Đức Thế Tôn như vầy:

    Một thuở nọ, Đức Thế Tôn đang ngự tại ngôi chùa Jetavana của ông phú hộ Anāthapiṇḍika gần kinh thành Sāvatthi. Khi ấy, cậu Subha là con của ông phú hộ Todeyya đến hầu đảnh lễ, vấn an Đức Thế Tôn xong, rồi ngồi một nơi hợp lẽ. Cậu Subha con của ông phú hộ Todeyya bạch hỏi rằng:

    - Kính bạch Đức Gotama, pháp nào là nhân, là duyên phân loại con người thấp hèn hoặc con người cao quý trong đời này như:

    Số người chết yểu, số người sống lâu.

    Số người có nhiều bệnh hoạn, số người có ít bệnh hoạn.

    Số người có thân hình xấu xí, da dẻ sần sùi đáng ghê sợ; số người xinh đẹp, da dẻ hồng hào duyên dáng đáng chiêm ngưỡng.

    Số người có ít quyền lực, số người có nhiều quyền lực.

    Số người có ít của cải tài sản, số người có nhiều của cải tài sản.

    Số người sinh trong gia đình thuộc dòng dõi thấp hèn, số người sinh trong gia đình thuộc dòng dõi cao quý.

    Số người không có trí tuệ, số người có nhiều trí tuệ.

    Kính bạch Đức Gotama, pháp nào là nhân, là duyên phân loại con người thấp hèn hoặc cao quý như vậy? Bạch Ngài.

    Đức Thế Tôn truyền dạy rằng:

    - “Này Subha, tất cả chúng sinh đều có nghiệp là của riêng mình, họ là người thừa hưởng quả của nghiệp, nghiệp là nhân sinh ra họ, nghiệp là bà con thân quyến của họ, nghiệp là nơi nương nhờ của họ. Chính nghiệp phân loại chúng sinh thấp hèn hoặc cao quý”.

    - Kính bạch Đức Gotama, con không thể hiểu rõ ý nghĩa rộng lớn của lời dạy tóm tắt ấy, bởi vì Ngài chưa phân tích giảng giải.

    Kính xin Đức Gotama phân tích giảng giải rộng cho con hiểu rõ ý nghĩa của lời dạy tóm tắt ấy. Bạch Ngài.

    - Này Subha, như vậy, con hãy nên chú tâm lắng nghe. Như Lai sẽ phân tích giảng giải.

    Cậu Subha con của ông Todeyya cung kính vâng lời dạy của Đức Thế Tôn rằng:

    Kính bạch Đức Gotama, dạ con xin vâng lời Ngài.

    Khi ấy Đức Thế Tôn truyền dạy rằng:

    1. Người chết yểu

    - Này Subha, trong đời này, một số người đàn ông hay đàn bà là người sát hại sinh mạng của chúng sinh, là người tàn nhẫn có bàn tay đẫm máu, hăng say trong sự sát hại chúng sinh, không có lòng thương xót đến tất cả chúng sinh cùng khổ… Sau khi người ấy chết, ác nghiệp sát sinh ấy cho quả tái sinh trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh).

    Hoặc sau khi người ấy chết, nếu ác nghiệp sát sinh ấy không có cơ hội cho quả tái sinh trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh), mà nhờ thiện nghiệp khác cho quả tái sinh trở lại làm người trong cõi người này, thì người ấy sẽ là người chết yểu (do quả của ác nghiệp sát sinh trong kiếp quá khứ của họ).

    Này Subha, sát hại sinh mạng của chúng sinh, tâm tàn nhẫn, bàn tay đẫm máu, hăng say trong sự sát hại chúng sinh, không có lòng thương xót đến tất cả mọi chúng sinh cùng khổ là tạo ác nghiệp dẫn đến cho quả làm người chết yểu.

    2. Người sống lâu

    - Này Subha, trong đời này, một số người đàn ông hay đàn bà là người không sát hại sinh mạng của chúng sinh, là người tránh xa sự sát sinh, từ bỏ khí giới sát sinh, có tâm hổ thẹn tội lỗi và ghê sợ tội lỗi, có lòng thương xót đến tất cả mọi chúng sinh cùng khổ, có tâm từ bi tế độ đến tất cả mọi chúng sinh. Sau khi người ấy chết, thiện nghiệp không sát sinh ấy cho quả tái sinh trong cõi thiện dục giới, cõi trời (do nhờ thiện nghiệp mà họ đã tạo trong kiếp trước).

    Hoặc sau khi người ấy chết, nếu thiện nghiệp không sát sinh ấy không cho quả tái sinh lên cõi trời mà lại cho quả tái sinh trở lại làm người trong cõi người này, thì người ấy sẽ là người sống lâu (do nhờ quả của thiện nghiệp không sát sinh trong kiếp quá khứ của họ).

    Này Subha, không sát hại sinh mạng của chúng sinh, tránh xa sự sát sinh, từ bỏ khí giới sát sinh, tâm biết hổ thẹn tội lỗi và biết ghê sợ tội lỗi, thương xót tất cả mọi chúng sinh, tâm từ bi tế độ đến tất cả mọi chúng sinh là tạo thiện nghiệp dẫn đến cho quả làm người sống lâu.

    3. Người có nhiều bệnh hoạn

    - Này Subha, trong đời này, một số người đàn ông hay đàn bà là người thường hay hành hạ, làm khổ chúng sinh bằng tay chân, hoặc bằng cách ném đá, hoặc đánh bằng gậy gộc, hoặc bằng khí giới… Sau khi người ấy chết, ác nghiệp hành hạ làm khổ chúng sinh cho quả tái sinh trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh).

    Hoặc sau khi người ấy chết, nếu ác nghiệp hành hạ làm khổ chúng sinh không có cơ hội cho quả tái sinh trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh), mà do nhờ thiện nghiệp khác cho quả tái sinh trở lại làm người trong cõi người này, thì người ấy sẽ là người có nhiều bệnh hoạn (do quả của ác nghiệp hành hạ, làm khổ chúng sinh trong kiếp quá khứ của họ).

    Này Subha, thường hành hạ, làm khổ chúng sinh bằng tay chân, hoặc bằng cách ném đá, hoặc đánh bằng gậy gộc, hoặc bằng khí giới… là tạo ác nghiệp dẫn đến cho quả làm người có nhiều bệnh hoạn.

    4. Người có ít bệnh hoạn

    - Này Subha, trong đời này, một số người đàn ông hay đàn bà là người không hành hạ, không làm khổ chúng sinh bằng tay chân, hoặc bằng cách ném đá, hoặc đánh bằng gậy gộc, hoặc bằng khí giới… Sau khi người ấy chết, thiện nghiệp không hành hạ, không làm khổ chúng sinh cho quả tái sinh trong cõi thiện dục giới, cõi trời.

    Hoặc sau khi người ấy chết, nếu thiện nghiệp không hành hạ, không làm khổ chúng sinh không có cơ hội cho quả tái sinh lên cõi trời, mà lại cho quả tái sinh trở lại làm người trong cõi người này, thì người ấy sẽ là người có ít bệnh hoạn (do nhờ quả của thiện nghiệp không hành hạ, không làm khổ chúng sinh trong kiếp quá khứ của họ).

    Này Subha, không hành hạ, không làm khổ chúng sinh bằng tay chân, hoặc bằng cách ném đá, hoặc đánh bằng gậy gộc, hoặc bằng khí giới… là tạo thiện nghiệp dẫn đến cho quả làm người có ít bệnh hoạn.

    5. Người xấu xí, da dẻ sần sùi đáng ghê sợ

    - Này Subha, trong đời này, một số người đàn ông hay đàn bà là người có tính hay nóng giận, thường căm tức nhiều, khi bị người khác xúc phạm dù chút đỉnh cũng phát sinh tâm sân hận, căm thù, giận dữ, gây tai hại, hành động tàn ác, biểu lộ tính hung ác. Sau khi người ấy chết, ác nghiệp sân hận ấy cho quả tái sinh trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh).

    Hoặc sau khi người ấy chết, nếu ác nghiệp sân hận ấy không có cơ hội cho quả tái sinh trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh), mà do nhờ thiện nghiệp khác cho quả tái sinh trở lại làm người trong cõi người này, thì người ấy sẽ là người xấu xí, da dẻ sần sùi đáng ghê sợ (do quả của ác nghiệp sân hận trong kiếp quá khứ của họ).

    Này Subha, tính hay nóng giận, thường căm tức nhiều, khi bị người khác xúc phạm dù chút đỉnh cũng phát sinh tâm sân hận, căm thù, giận dữ, gây tai hại, hành động tàn ác, biểu lộ tính hung ác là tạo ác nghiệp dẫn đến cho quả làm người xấu xí, da dẻ sần sùi đáng ghê sợ.

    6. Người xinh đẹp, da dẻ hồng hào đáng ngưỡng mộ

    - Này Subha, trong đời này, một số người đàn ông hay đàn bà là người không hay nóng giận, tâm mát mẻ, không tức giận; khi bị người khác xúc phạm cũng không phát sinh tâm sân hận, không oán thù, không giận dữ, không gây tai hại, không hành động tàn ác, không biểu lộ tính hung ác. Sau khi người ấy chết, thiện nghiệp không sân hận ấy cho quả tái sinh trong cõi thiện dục giới, cõi trời.

    Hoặc sau khi người ấy chết, nếu thiện nghiệp không sân hận ấy không cho quả tái sinh lên cõi trời, mà lại cho quả tái sinh trở lại làm người trong cõi người này, thì người ấy sẽ là người xinh đẹp, da dẻ hồng hào đáng ngưỡng mộ (do nhờ quả của thiện nghiệp không sân hận trong kiếp quá khứ của họ).

    Này Subha, tính không hay nóng giận, không tức giận; khi bị người khác xúc phạm cũng không phát sinh tâm sân hận, không oán thù, không giận dữ, không gây tai hại, không hành động tàn ác, không biểu lộ tính hung ác là tạo thiện nghiệp dẫn đến cho quả làm người có thân hình xinh đẹp, da dẻ hồng hào đáng ngưỡng mộ.

    7. Người có ít quyền lực

    Này Subha, trong đời này, một số người đàn ông hay đàn bà là người có tính hay ganh tỵ, tỏ ra ganh tỵ, sinh tâm ganh tỵ trong lợi lộc, lễ vật, tôn kính, yêu mến, lễ bái, cúng dường của người khác. Sau khi người ấy chết, ác nghiệp ganh tỵ ấy cho quả tái sinh trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh).

    Hoặc sau khi người ấy chết, nếu ác nghiệp ganh tỵ ấy không có cơ hội cho quả tái sinh trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh), mà do nhờ thiện nghiệp khác cho quả tái sinh trở lại làm người trong cõi người này, thì người ấy sẽ là người có ít quyền lực (do quả của ác nghiệp ganh tỵ trong kiếp quá khứ của họ).

    Này Subha, tính hay ganh tỵ, tỏ ra ganh tỵ, sinh tâm ganh tỵ trong lợi lộc, lễ vật, tôn kính, yêu mến, lễ bái, cúng dường của người khác là tạo ác nghiệp dẫn đến cho quả làm người có ít quyền lực.

    8. Người có nhiều quyền lực

    Này Subha, trong đời này, một số người đàn ông hay đàn bà là người không có tính ganh tỵ, không tỏ ra ganh tỵ, không sinh tâm ganh tỵ trong lợi lộc, lễ vật, tôn kính, yêu mến, lễ bái, cúng dường của người khác (là người có tâm hoan hỷ). Sau khi người ấy chết, thiện nghiệp không ganh tỵ ấy cho quả tái sinh trong cõi thiện dục giới, cõi trời.

    Hoặc sau khi người ấy chết, nếu thiện nghiệp không ganh tỵ ấy không có cơ hội cho quả tái sinh lên cõi trời, mà lại cho quả tái sinh trở lại làm người trong cõi người này, thì người ấy sẽ là người có nhiều quyền lực (do nhờ quả của thiện nghiệp không ganh tỵ trong kiếp quá khứ của họ).

    Này Subha, tính không ganh tỵ, không tỏ ra ganh tỵ, không sinh tâm ganh tỵ trong lợi lộc, lễ vật, tôn kính, yêu mến, lễ bái, cúng dường của người khác (là người có tâm hoan hỷ) là tạo thiện nghiệp dẫn đến cho quả làm người có nhiều quyền lực.

    9. Người có ít của cải

    Này Subha, trong đời này, một số người đàn ông hay đàn bà là người không bố thí cơm, nước, vải, xe cộ phương tiện, hoa, vật thơm, vật thoa, chỗ nằm, chỗ ở đến Samôn, Bàlamôn… Sau khi người ấy chết, ác nghiệp không bố thí ấy cho quả tái sinh trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh).

    Hoặc sau khi người ấy chết, nếu ác nghiệp ấy không có cơ hội cho quả tái sinh trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh), mà do nhờ thiện nghiệp khác cho quả tái sinh trở lại làm người trong cõi người này, thì người ấy sẽ là người có ít của cải (do quả của ác nghiệp không bố thí trong kiếp quá khứ của họ).

    Này Subha, tính không bố thí cơm, nước, vật thực, vải, xe cộ phương tiện, hoa, vật thơm, vật thoa, chỗ nằm, chỗ ở đến Samôn, Bàlamôn… là tạo ác nghiệp dẫn đến cho quả làm người có ít của cải (người nghèo khổ).

    10. Người có nhiều của cải

    Này Subha, trong đời này, một số người đàn ông hay đàn bà là người hay làm phước bố thí cơm, nước, vải, xe cộ phương tiện, hoa, vật thơm, vật thoa, chỗ nằm, chỗ ở đến Samôn, Bàlamôn… Sau khi người ấy chết, thiện nghiệp bố thí ấy cho quả tái sinh trong cõi thiện dục giới, cõi trời.

    Hoặc sau khi người ấy chết, nếu thiện nghiệp bố thí ấy không có cơ hội cho quả tái sinh lên cõi trời, mà lại cho quả tái sinh trở lại làm người trong cõi người này, thì người ấy sẽ là người có nhiều của cải (do nhờ quả của thiện nghiệp bố thí trong kiếp quá khứ của họ).

    Này Subha, tính hay làm phước bố thí cơm, nước, vải, xe cộ phương tiện, hoa, vật thơm, vật thoa, chỗ nằm, chỗ ở đến Samôn, Bàlamôn… là tạo thiện nghiệp dẫn đến cho quả làm người có nhiều của cải (người giàu có).

    11. Người sinh trong gia đình thuộc dòng dõi thấp hèn

    Này Subha, trong đời này, một số người đàn ông hay đàn bà là người có tính ngã mạn, khó dạy, không biết đảnh lễ bậc đáng đảnh lễ (như Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng…, Đức Phật Độc Giác, bậc có giới đức cao thượng…); không biết cung kính đón rước bậc đáng đón rước, không biết nhường chỗ cao quý cho bậc đáng nhường chỗ, không biết tránh đường cho bậc đáng tránh đường, không biết cung kính cúng dường bậc đáng cung kính cúng dường, không biết tôn trọng bậc đáng tôn trọng, không biết lễ bái cúng dường bậc đáng lễ bái cúng dường… Sau khi người ấy chết, ác nghiệp không tôn kính ấy cho quả tái sinh trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh).

    Hoặc sau khi người ấy chết, nếu ác nghiệp không tôn kính ấy không có cơ hội cho quả tái sinh trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh), mà do nhờ thiện nghiệp khác cho quả tái sinh trở lại làm người trong cõi người này, thì người ấy sẽ sinh trưởng trong gia đình thuộc dòng họ thấp hèn (do quả của ác nghiệp không tôn kính trong kiếp quá khứ của họ).

    Này Subha, tính ngã mạn, khó dạy, không biết đảnh lễ bậc đáng đảnh lễ (như Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng…, Đức Phật Độc Giác, bậc có giới đức cao thượng…); không biết cung kính đón rước bậc đáng đón rước, không biết nhường chỗ cao quý cho bậc đáng nhường chỗ, không biết tránh đường cho bậc đáng tránh đường, không biết cung kính cúng dường bậc đáng cung kính cúng dường, không biết tôn trọng bậc đáng tôn trọng, không biết lễ bái cúng dường bậc đáng lễ bái cúng dường… là tạo ác nghiệp dẫn đến cho quả làm người trong gia đình thuộc dòng dõi thấp hèn.

    12. Người sinh trong gia đình thuộc dòng dõi cao quý

    Này Subha, trong đời này, một số người đàn ông hay đàn bà là người có tính dịu dàng, không ngã mạn, dễ dạy, biết đảnh lễ bậc đáng đảnh lễ (như Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng…, Đức Phật Độc Giác, bậc có giới đức cao thượng…), biết cung kính đón rước bậc đáng đón rước, biết nhường chỗ cao quý cho bậc đáng nhường chỗ, biết tránh đường cho bậc đáng tránh đường, biết cung kính cúng dường bậc đáng cung kính cúng dường, biết tôn trọng bậc đáng tôn trọng, biết lễ bái cúng dường bậc đáng lễ bái cúng dường… Sau khi người ấy chết, thiện nghiệp biết tôn kính ấy cho quả tái sinh trong cõi thiện dục giới, cõi trời.

    Hoặc sau khi người ấy chết, nếu thiện nghiệp biết tôn kính ấy không cho quả tái sinh lên cõi trời, mà lại cho quả tái sinh trở lại làm người trong cõi người này, thì người ấy sẽ là người sinh trưởng trong gia đình thuộc dòng dõi cao quý (do nhờ quả của thiện nghiệp biết tôn kính trong kiếp quá khứ của họ).

    Này Subha, tính dịu dàng, không ngã mạn, dễ dạy, biết đảnh lễ bậc đáng đảnh lễ (như Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng…, Đức Phật Độc Giác, bậc có giới đức cao thượng…), biết cung kính đón rước bậc đáng đón rước, biết nhường chỗ cao quý cho bậc đáng nhường chỗ, biết tránh đường cho bậc đáng tránh đường, biết cung kính cúng dường bậc đáng cung kính cúng dường, biết tôn trọng bậc đáng tôn trọng, biết lễ bái cúng dường bậc đáng lễ bái cúng dường… là tạo thiện nghiệp dẫn đến cho quả làm người trong gia đình thuộc dòng dõi cao quý.

    13. Người không có trí tuệ

    Này Subha, trong đời này, một số người đàn ông hay đàn bà là người gần gũi thân cận với Samôn hay Bàlamôn mà không bạch hỏi rằng:

    Kính bạch Ngài, pháp nào là pháp thiện? Pháp nào là pháp bất thiện (ác pháp)?

    Pháp nào là pháp có tội? Pháp nào là pháp vô tội?

    Pháp nào là pháp nên thực hành? Pháp nào là pháp không nên thực hành?

    Pháp nào mà con đã thực hành rồi, sẽ đem lại sự bất lợi, sự khổ não lâu dài? Pháp nào mà đã con thực hành rồi, sẽ đem lại sự lợi ích, sự an lạc lâu dài?...

    Sau khi người ấy chết, ác nghiệp ấy cho quả tái sinh trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh).

    Hoặc sau khi người ấy chết, nếu ác nghiệp ấy không có cơ hội cho quả tái sinh trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh), mà do nhờ thiện nghiệp khác cho quả tái sinh trở lại làm người trong cõi người này, thì người ấy sẽ là người không có trí tuệ (do quả của ác nghiệp ấy trong kiếp quá khứ của họ).

    Này Subha, gần gũi, thân cận Samôn hoặc Bàlamôn mà không bạch hỏi rằng:

    Kính bạch Ngài, pháp nào là pháp thiện? Pháp nào là pháp bất thiện (ác pháp)?

    Pháp nào là pháp có tội? Pháp nào là pháp vô tội?

    Pháp nào là pháp nên thực hành? Pháp nào là pháp không nên thực hành?

    Pháp nào mà con đã thực hành rồi, sẽ đem lại sự bất lợi, sự khổ não lâu dài? Pháp nào mà đã con thực hành rồi, sẽ đem lại sự lợi ích, sự an lạc lâu dài?

    Đó là ác nghiệp dẫn đến cho quả làm người không có trí tuệ (người ngu dốt).

    14. Người có nhiều trí tuệ

    Này Subha, trong đời này, một số người đàn ông hay đàn bà là người gần gũi thân cận với Samôn hay Bàlamôn và thường bạch hỏi rằng:

    Kính bạch Ngài, pháp nào là pháp thiện? Pháp nào là pháp bất thiện (ác pháp)?

    Pháp nào là pháp có tội? Pháp nào là pháp vô tội?

    Pháp nào là pháp nên thực hành? Pháp nào là pháp không nên thực hành?

    Pháp nào mà con đã thực hành rồi, sẽ đem lại sự bất lợi, sự khổ não lâu dài? Pháp nào mà con đã thực hành rồi, sẽ đem lại sự lợi ích, sự an lạc lâu dài?...


    Sau khi người ấy chết, thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh trong cõi thiện dục giới, cõi trời.

    Hoặc sau khi người ấy chết, nếu thiện nghiệp ấy không cho quả tái sinh lên cõi trời mà lại cho quả tái sinh trở lại làm người trong cõi người này, thì người ấy sẽ là người có nhiều trí tuệ (do nhờ quả của thiện nghiệp ấy trong kiếp quá khứ của họ).

    Này Subha, khi gần gũi, thân cận Samôn hoặc Bàlamôn và thường bạch hỏi rằng:

    Kính bạch Ngài, pháp nào là pháp thiện? Pháp nào là pháp bất thiện (ác pháp)?

    Pháp nào là pháp có tội? Pháp nào là pháp vô tội?

    Pháp nào là pháp nên thực hành? Pháp nào là pháp không nên thực hành?

    Pháp nào mà con đã thực hành rồi, sẽ đem lại sự bất lợi, sự khổ não lâu dài? Pháp nào mà con đã thực hành rồi, sẽ đem lại sự lợi ích, sự an lạc lâu dài?

    Đó là thiện nghiệp dẫn đến cho quả làm người có nhiều trí tuệ.

    Này Subha, tóm lại nghiệp và quả của nghiệp là như sau:

    Hành ác nghiệp sát sinh, quả của ác nghiệp sát sinh là người chết yểu, trở thành người chết yểu.

    Hành thiện nghiệp không sát sinh, quả của thiện nghiệp không sát sinh là người sống lâu, trở thành người sống lâu.

    Hành ác nghiệp hành hạ chúng sinh, quả của ác nghiệp hành hạ chúng sinh là người có nhiều bệnh hoạn, trở thành người có nhiều bệnh hoạn.

    Hành thiện nghiệp không hành hạ chúng sinh, quả của thiện nghiệp không hành hạ chúng sinh là người có ít bệnh hoạn, trở thành người có ít bệnh hoạn.

    Hành ác nghiệp sân hận, quả của ác nghiệp sân hận là người xấu xí, trở thành người xấu xí, da dẻ sần sùi đáng ghê sợ.

    Hành thiện nghiệp không sân hận (có tâm từ), quả của thiện nghiệp không sân hận (có tâm từ) là người xinh đẹp, trở thành người xinh đẹp, da dẻ hồng hào đáng chiêm ngưỡng.

    Hành ác nghiệp hay ganh tỵ, quả của ác nghiệp hay ganh tỵ là người có ít quyền lực, trở thành người có ít quyền lực.

    Hành thiện nghiệp không ganh tỵ (hoan hỷ), quả của thiện nghiệp không ganh tỵ (hoan hỷ) là người có nhiều quyền lực, trở thành người có nhiều quyền lực.

    Hành ác nghiệp không bố thí, quả của ác nghiệp không bố thí là người có ít của cải, trở thành người có ít của cải (người nghèo khổ).

    Hành thiện nghiệp bố thí, quả của thiện nghiệp bố thí là người có nhiều của cải, trở thành người có nhiều của cải (người giàu có).

    Hành ác nghiệp khó dạy, không biết tôn kính, quả của ác nghiệp khó dạy, không biết tôn kính là người thấp hèn, trở thành người sinh trong dòng dõi thấp hèn.

    Hành thiện nghiệp dễ dạy, biết tôn kính, quả của thiện nghiệp dễ dạy, biết tôn kính là người cao quý, trở thành người sinh trong dòng dõi cao quý.

    Hành ác nghiệp không học hỏi về ác pháp, thiện pháp từ các bậc thiện trí, quả của ác nghiệp không học hỏi về ác pháp, thiện pháp là người không có trí tuệ, trở thành người không có trí tuệ (người ngu dốt).

    Hành thiện nghiệp học hỏi về ác pháp, thiện pháp từ các bậc thiện trí, quả của thiện nghiệp học hỏi về ác pháp, thiện pháp là người có trí tuệ, trở thành người có nhiều trí tuệ.

    Này Subha, tất cả mọi chúng sinh đều có nghiệp là của riêng họ, họ là người thừa hưởng quả của nghiệp của họ; nghiệp là nhân sinh ra họ, nghiệp là bà con thân quyến của họ; nghiệp là nơi nương nhờ của họ. Chính nghiệp phân loại chúng sinh thấp hèn hoặc cao quý.

    Khi nghe Đức Thế Tôn truyền dạy như vậy, cậu Subha con của ông Todeyya bạch với Đức Thế Tôn rằng:

    Kính bạch Đức Gotama, lời giáo huấn của Ngài rõ ràng quá!

    Kính bạch Đức Gotama, lời giáo huấn của Ngài rõ ràng quá!

    Kính bạch Đức Gotama, ví như lật ngửa ra vật nằm sấp, hoặc mở ra vật bị đóng, hoặc chỉ đường cho người lạc đường, hoặc rọi đèn vào chỗ tối tăm để cho người có đôi mắt sáng được nhìn thấy mọi vật như thế nào, Đức Thế Tôn thuyết pháp bằng nhiều cách cũng rõ ràng như thế ấy.

    Kính bạch Đức Gotama, con thành kính xin quy y nương nhờ nơi Đức Gotama, nơi Đức Pháp và nơi chư Tỳ khưu Tăng. Kính xin Đức Gotama công nhận con là người cận sự nam đã quy y nương nhờ nơi Tam Bảo kể từ nay cho đến trọn đời.

    (Xong bài kinh Cūḷakammavibhaṅgasutta)

    Kinh Mahākammavibhaṅgasutta

    4 Hạng Người

    Một đoạn trong bài kinh Mahākammavibhaṅgasutta Đức Phật thuyết giảng cho Ngài Đại đức Ānanda, có 4 hạng người trong đời như sau:

    - Này Ānanda, trong đời này, có 4 hạng người, đó là:

    1. Trong đời này, một số người là người sát hại chúng sinh, trộm cắp của cải tài sản của người khác, tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), nói lời vô ích, có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, có tâm thù hận, có tà kiến; sau khi số người ấy chết, ác nghiệp ấy cho quả tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh.

    2. Trong đời này, một số người là người sát hại chúng sinh, trộm cắp của cải tài sản của người khác, tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), nói lời vô ích, có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, có tâm thù hận, có tà kiến; sau khi số người ấy chết, ác nghiệp ấy không có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau, mà là thiện nghiệp khác có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau trên cõi thiện dục giới, cõi trời.

    3. Trong đời này, một số người là người tránh xa sự sát hại chúng sinh, tránh xa sự trộm cắp của cải tài sản của người khác, tránh xa sự tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, tránh xa sự nói dối, tránh xa sự nói lời chia rẽ, tránh xa sự nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), tránh xa sự nói lời vô ích, không có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, không có tâm thù hận, có chánh kiến; sau khi số người ấy chết, thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh kiếp sau trên cõi thiện dục giới, cõi trời.

    4. Trong đời này, một số người là người tránh xa sự sát hại chúng sinh, tránh xa sự trộm cắp của cải tài sản của người khác, tránh xa sự tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, tránh xa sự nói dối, tránh xa sự nói lời chia rẽ, tránh xa sự nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), tránh xa sự nói lời vô ích, không có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, không có tâm thù hận, có chánh kiến; sau khi số người ấy chết, thiện nghiệp ấy không có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau, mà là ác nghiệp khác có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh.

    4 Nhóm Samôn, Bàlamôn

    1. Này Ānanda, một số Samôn hoặc Bàlamôn nhờ sự tinh tấn đè nén được phiền não chướng ngại, nên tâm an định, không dễ duôi, tinh tấn không ngừng dẫn đến chứng đắc thiên nhãn thông trong sáng hơn hẳn mắt thường của con người, có định tâm vững chắc nhìn thấy rõ người kia là người sát hại chúng sinh, trộm cắp của cải tài sản của người khác, tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), nói lời vô ích, có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, có tâm thù hận, có tà kiến; và thấy rõ sau khi người ấy chết, ác nghiệp ấy cho quả tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh.

    Vị Samôn hay Bàlamôn công bố rằng:

    - Thưa quý vị, điều đó chứng tỏ rằng: “Có các ác nghiệp, và cũng có quả của các ác nghiệp”.

    Thật vậy, chính tôi có thiên nhãn thông trong sáng nhìn thấy số người kia là người sát hại chúng sinh, trộm cắp của cải tài sản của người khác, tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), nói lời vô ích, có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, có tâm thù hận, có tà kiến; và tôi cũng thấy rõ sau khi số người ấy chết, ác nghiệp ấy cho quả cả thảy đều bị tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh.

    Thưa quý vị, những người nào là người sát hại chúng sinh, trộm cắp của cải tài sản của người khác, tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), nói lời vô ích, có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, có tâm thù hận, có tà kiến; sau khi tất cả những người ấy chết, ác nghiệp cho quả cả thảy đều bị tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh.

    Những người nào thấy và biết như vậy, thì những người ấy thấy và biết đúng; còn những người nào thấy và biết khác (không đúng như vậy), thì những người ấy thấy và biết sai.

    Vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy căn cứ vào điều tự mình thấy, tự mình biết, tự mình chứng kiến, rồi phát sinh tà kiến chấp thủ vững chắc, nên khẳng định rằng:

    “Chỉ có biết như vậy mới đúng sự thật mà thôi, còn biết khác chỉ là vô dụng”.

    2. Này Ānanda, một số Samôn hoặc Bàlamôn nhờ tinh tấn đè nén được phiền não chướng ngại, nên tâm an định, không dễ duôi, tinh tấn không ngừng dẫn đến chứng đắc thiên nhãn thông trong sáng hơn hẳn mắt thường của con người, có định tâm vững chắc nhìn thấy rõ người kia là người sát hại chúng sinh, trộm cắp của cải tài sản của người khác, tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), nói lời vô ích, có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, có tâm thù hận, có tà kiến; và thấy rõ sau khi người ấy chết, được tái sinh kiếp sau trên cõi thiện dục giới, cõi trời.

    Vị Samôn hay Bàlamôn ấy công bố rằng:

    - Thưa quý vị, điều đó chứng tỏ rằng: “Không có các ác nghiệp, và cũng không có quả của các ác nghiệp”.

    Thật vậy, chính tôi có thiên nhãn thông trong sáng nhìn thấy rõ người kia là người sát hại chúng sinh, trộm cắp của cải tài sản của người khác, tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), nói lời vô ích, có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, có tâm thù hận, có tà kiến; và tôi cũng thấy rõ sau khi người ấy chết, được tái sinh kiếp sau trên cõi thiện dục giới, cõi trời.

    Thưa quý vị, những người nào là người sát hại chúng sinh, trộm cắp của cải tài sản của người khác, tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), nói lời vô ích, có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, có tâm thù hận, có tà kiến; tất cả những người ấy sau khi chết, cả thảy đều được tái sinh kiếp sau trên cõi thiện dục giới, cõi trời.

    Những người nào thấy và biết như vậy, thì những người ấy thấy và biết đúng; còn những người nào thấy và biết khác (không đúng như vậy), thì những người ấy thấy và biết sai.

    Vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy căn cứ vào điều tự mình thấy, tự mình biết, tự mình chứng kiến, rồi phát sinh tà kiến chấp thủ vững chắc, nên khẳng định rằng:

    “Chỉ có biết như vậy mới đúng sự thật mà thôi, còn biết khác chỉ là vô dụng”.

    3. Này Ānanda, một số Samôn hoặc Bàlamôn nhờ tinh tấn đè nén được phiền não chướng ngại, nên tâm an định, không dễ duôi, tinh tấn không ngừng dẫn đến chứng đắc thiên nhãn thông trong sáng hơn hẳn mắt thường của con người, có định tâm vững chắc nhìn thấy rõ người kia người là người tránh xa sự sát hại chúng sinh, tránh xa sự trộm cắp của cải tài sản của người khác, tránh xa sự tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, tránh xa sự nói dối, tránh xa sự nói lời chia rẽ, tránh xa sự nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), tránh xa sự nói lời vô ích, không có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, không có tâm thù hận, có chánh kiến; và thấy rõ sau khi người ấy chết, thiện nghiệp ấy cho quả được tái sinh kiếp sau trên cõi thiện dục giới, cõi trời.

    Vị Samôn hay Bàlamôn ấy công bố rằng:

    - Thưa quý vị, điều đó chứng tỏ rằng: “Có các thiện nghiệp, và cũng có quả của các thiện nghiệp”.

    Thật vậy, chính tôi có thiên nhãn thông trong sáng nhìn thấy rõ người kia là người tránh xa sự sát hại chúng sinh, tránh xa sự trộm cắp của cải tài sản của người khác, tránh xa sự tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, tránh xa sự nói dối, tránh xa sự nói lời chia rẽ, tránh xa sự nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), tránh xa sự nói lời vô ích, không có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, không có tâm thù hận, có chánh kiến; và tôi cũng thấy rõ sau khi người ấy chết, thiện nghiệp cho quả tái sinh kiếp sau trên cõi thiện dục giới, cõi trời.

    Thưa quý vị, những người nào là người tránh xa sự sát hại chúng sinh, tránh xa sự trộm cắp của cải tài sản của người khác, tránh xa sự tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, tránh xa sự nói dối, tránh xa sự nói lời chia rẽ, tránh xa sự nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), tránh xa sự nói lời vô ích, không có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, không có tâm thù hận, có chánh kiến; sau khi tất cả những người ấy chết, thiện nghiệp cho quả cả thảy đều tái sinh kiếp sau trên cõi thiện dục giới, cõi trời.

    Những người nào thấy và biết như vậy, thì những người ấy thấy và biết đúng; còn những người nào thấy và biết khác (không đúng như vậy), thì những người ấy thấy và biết sai.

    Vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy căn cứ vào điều tự mình thấy, tự mình biết, tự mình chứng kiến, rồi phát sinh tà kiến chấp thủ vững chắc, nên khẳng định rằng:

    “Chỉ có biết như vậy mới đúng sự thật mà thôi, còn biết khác chỉ là vô dụng”

    4. Này Ānanda, trong đời này, một số Samôn hoặc Bàlamôn nhờ tinh tấn đè nén được phiền não chướng ngại, nên tâm an định, không dễ duôi, tinh tấn không ngừng dẫn đến chứng đắc thiên nhãn thông trong sáng hơn hẳn mắt thường của con người, có định tâm vững chắc nhìn thấy rõ người kia là người tránh xa sự sát hại chúng sinh, tránh xa sự trộm cắp của cải tài sản của người khác, tránh xa sự tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, tránh xa sự nói dối, tránh xa sự nói lời chia rẽ, tránh xa sự nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), tránh xa sự nói lời vô ích, không có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, không có tâm thù hận, có chánh kiến; và thấy rõ sau khi người ấy chết, bị tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh.

    Vị Samôn hay Bàlamôn ấy công bố rằng:

    Thưa quý vị, điều đó chứng tỏ rằng: “Không có các thiện nghiệp, và cũng không có quả của các thiện nghiệp”.

    Thật vậy, chính tôi có thiên nhãn thông trong sáng nhìn thấy rõ người kia là người tránh xa sự sát hại chúng sinh, tránh xa sự trộm cắp của cải tài sản của người khác, tránh xa sự tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, tránh xa sự nói dối, tránh xa sự nói lời chia rẽ, tránh xa sự nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), tránh xa sự nói lời vô ích, không có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, không có tâm thù hận, có chánh kiến; và tôi cũng thấy rõ sau khi người ấy chết, bị tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh.

    Thưa quý vị, những người nào là người tránh xa sự sát hại chúng sinh, tránh xa sự trộm cắp của cải tài sản của người khác, tránh xa sự tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, tránh xa sự nói dối, tránh xa sự nói lời chia rẽ, tránh xa sự nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), tránh xa sự nói lời vô ích, không có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, không có tâm thù hận, có chánh kiến; sau khi tất cả những người ấy chết, cả thảy đều bị tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh.

    Những người nào thấy và biết như vậy, thì những người ấy thấy và biết đúng; còn những người nào thấy và biết khác (không đúng như vậy), thì những người ấy thấy và biết sai.

    Vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy căn cứ vào điều tự mình thấy, tự mình biết, tự mình chứng kiến, rồi phát sinh tà kiến chấp thủ vững chắc, nên khẳng định rằng:

    “Chỉ có biết như vậy mới đúng sự thật mà thôi, còn biết khác chỉ là vô dụng”.

    Đức Phật công nhận và không công nhận những lời lẽ của Samôn hoặc Bàlamôn

    1. Này Ānanda, trong 4 nhóm Samôn hoặc Bàlamôn ấy:

    - Vị Samôn hoặc vị Bàlamôn nào nói rằng:

    “Thưa quý vị, có các ác nghiệp, và cũng có quả của các ác nghiệp”.

    Như Lai công nhận lời lẽ của vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy.

    - Vị Samôn hoặc vị Bàlamôn nào nói rằng:

    “Thưa quý vị, người nào sát hại chúng sinh, trộm cắp của cải tài sản của người khác, tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), nói lời vô ích, có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, có tâm thù hận, có tà kiến; sau khi người ấy chết, ác nghiệp cho quả tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh”.

    Như Lai cũng công nhận lời lẽ của vị Samôn hay vị Bàlamôn ấy.

    - Vị Samôn hoặc vị Bàlamôn nào nói rằng:

    “Thưa quý vị, những người nào sát hại chúng sinh, trộm cắp của cải tài sản của người khác, tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), nói lời vô ích, có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, có tâm thù hận, có tà kiến; sau khi tất cả những người ấy chết, cả thảy đều bị tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh”.

    Như Lai không công nhận lời lẽ của vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy.

    - Vị Samôn hoặc vị Bàlamôn nào nói rằng:

    “Những người nào thấy và biết đúng như vậy, thì những người ấy thấy và biết đúng. Những người nào thấy và biết khác (không đúng như vậy), thì những người ấy thấy và biết sai”.

    Như Lai cũng không công nhận lời lẽ của vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy.

    Những vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy căn cứ vào điều tự mình thấy, tự mình biết, tự mình chứng kiến, rồi phát sinh tà kiến chấp thủ vững chắc, nên khẳng định rằng:

    “Chỉ có biết như vậy mới đúng sự thật mà thôi, còn biết khác chỉ là vô dụng”.

    Như Lai cũng không công nhận lời lẽ của vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy.

    Tại vì sao?

    Này Ānanda, bởi vì trí tuệ phân tích của Như Lai biết rõ nhiều loại nghiệp, biết rõ trạng thái của mỗi loại nghiệp (nghiệp hiện tại và nghiệp quá khứ).

    2. Này Ānanda, trong 4 nhóm Samôn hoặc Bàlamôn ấy:

    Vị Samôn hoặc vị Bàlamôn nào nói rằng:

    “Thưa quý vị, không có các ác nghiệp, và cũng không có quả của các ác nghiệp”.

    Như Lai không công nhận lời lẽ của vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy.

    Vị Samôn hoặc vị Bàlamôn nào nói rằng:

    “Thưa quý vị, thật vậy, người nào sát hại chúng sinh, trộm cắp của cải tài sản của người khác, tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), nói lời vô ích, có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, có tâm thù hận, có tà kiến; sau khi người ấy chết, được tái sinh kiếp sau trên cõi thiện dục giới, cõi trời”.

    Như Lai công nhận lời lẽ của vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy.

    Vị Samôn hoặc vị Bàlamôn nào nói rằng:

    “Thưa quý vị, những người nào sát hại chúng sinh, trộm cắp của cải tài sản của người khác, tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), nói lời vô ích, có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, có tâm thù hận, có tà kiến; sau khi tất cả những người ấy chết, cả thảy đều được tái sinh kiếp sau trên cõi thiện dục giới, cõi trời”.

    Như Lai không công nhận lời lẽ của vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy.

    Vị Samôn hoặc vị Bàlamôn nào nói rằng:

    “Những người nào thấy và biết đúng như vậy, thì những người ấy thấy và biết đúng. Những người nào thấy và biết khác (không đúng như vậy), thì những người ấy thấy và biết sai”.

    Như Lai cũng không công nhận lời lẽ của vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy.

    Những vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy căn cứ vào điều tự mình thấy, tự mình biết, tự mình chứng kiến, rồi phát sinh tà kiến chấp thủ vững chắc, nên khẳng định rằng:

    “Chỉ có biết như vậy mới đúng sự thật mà thôi, còn biết khác chỉ là vô dụng”.

    Như Lai cũng không công nhận lời lẽ của vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy.

    Tại vì sao?

    - Này Ānanda, bởi vì trí tuệ phân tích của Như Lai biết rõ nhiều loại nghiệp, biết rõ trạng thái của mỗi loại nghiệp (nghiệp hiện tại và nghiệp quá khứ).

    3. Này Ānanda, trong 4 nhóm Samôn hoặc Bàlamôn ấy:

    Vị Samôn hoặc vị Bàlamôn nào nói rằng:

    “Thưa quý vị, có các thiện nghiệp, và cũng có quả của các thiện nghiệp”.

    Như Lai công nhận lời lẽ của vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy.

    Vị Samôn hoặc vị Bàlamôn nào nói rằng:

    “Thưa quý vị, thật vậy, người nào tránh xa sự sát hại chúng sinh, tránh xa sự trộm cắp của cải tài sản của người khác, tránh xa sự tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, tránh xa sự nói dối, tránh xa sự nói lời chia rẽ, tránh xa sự nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), tránh xa sự nói lời vô ích, không có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, không có tâm thù hận, có chánh kiến; sau khi người ấy chết, thiện nghiệp cho quả tái sinh kiếp sau trên cõi thiện dục giới, cõi trời”.

    Như Lai cũng công nhận lời lẽ của vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy.

    Vị Samôn hoặc vị Bàlamôn nào nói rằng:

    “Thưa quý vị, những người nào là người tránh xa sự sát hại chúng sinh, tránh xa sự trộm cắp của cải tài sản của người khác, tránh xa sự tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, tránh xa sự nói dối, tránh xa sự nói lời chia rẽ, tránh xa sự nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), tránh xa sự nói lời vô ích, không có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, không có tâm thù hận, có chánh kiến; sau khi tất cả những người ấy chết, cả thảy đều được tái sinh trên cõi thiện dục giới, cõi trời”.

    Như Lai không công nhận lời lẽ của vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy.

    Vị Samôn hoặc vị Bàlamôn nào nói rằng:

    “Những người nào thấy và biết đúng như vậy, thì những người ấy thấy và biết đúng. Những người nào thấy và biết khác (không đúng như vậy), thì những người ấy thấy và biết sai”.

    Như Lai cũng không công nhận lời lẽ của vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy.

    Những vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy căn cứ vào điều tự mình thấy, tự mình biết, tự mình chứng kiến, rồi phát sinh tà kiến chấp thủ vững chắc, nên khẳng định rằng:

    “Chỉ có biết như vậy mới đúng sự thật mà thôi, còn biết khác chỉ là vô dụng”.

    Như Lai cũng không công nhận lời lẽ của vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy.

    Tại vì sao?

    - Này Ānanda, bởi vì trí tuệ phân tích của Như Lai biết rõ nhiều loại nghiệp, biết rõ trạng thái của mỗi loại nghiệp (nghiệp hiện tại và nghiệp quá khứ).

    4. Này Ānanda, trong 4 nhóm Samôn hoặc Bàlamôn ấy:

    Vị Samôn hoặc vị Bàlamôn nào nói rằng:

    “Thưa quý vị, không có các thiện nghiệp, và cũng không có quả của các thiện nghiệp”.

    Như Lai không công nhận lời lẽ của vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy.

    Vị Samôn hoặc vị Bàlamôn nào nói rằng:

    “Thưa quý vị, thật vậy, người nào tránh xa sự sát hại chúng sinh, tránh xa sự trộm cắp của cải tài sản của người khác, tránh xa sự tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, tránh xa sự nói dối, tránh xa sự nói lời chia rẽ, tránh xa sự nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), tránh xa sự nói lời vô ích, không có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, không có tâm thù hận, có chánh kiến; sau khi người ấy chết, bị tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh”.

    Như Lai công nhận lời lẽ của vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy.

    Vị Samôn hoặc vị Bàlamôn nào nói rằng:

    “Thưa quý vị, những người nào tránh xa sự sát hại chúng sinh, tránh xa sự trộm cắp của cải tài sản của người khác, tránh xa sự tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, tránh xa sự nói dối, tránh xa sự nói lời chia rẽ, tránh xa sự nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), tránh xa sự nói lời vô ích, không có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, không có tâm thù hận, có chánh kiến; sau khi tất cả những người ấy chết, cả thảy đều bị tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới: Địa ngục, atula,ngạ quỷ, súc sinh”.

    Như Lai không công nhận lời lẽ của vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy.

    Vị Samôn hoặc vị Bàlamôn nào nói rằng:

    “Những người nào thấy và biết đúng như vậy, thì những người ấy thấy và biết đúng. Những người nào thấy và biết khác (không đúng như vậy), thì những người ấy thấy và biết sai”.

    Như Lai cũng không công nhận lời lẽ của vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy.

    Những vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy căn cứ vào điều tự mình thấy, tự mình biết, tự mình chứng kiến, rồi phát sinh tà kiến chấp thủ vững chắc, nên khẳng định rằng:

    “Chỉ có biết như vậy mới đúng sự thật mà thôi, còn biết khác chỉ là vô dụng”.

    Như Lai cũng không công nhận lời lẽ của vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy.

    Tại vì sao?

    - Này Ānanda, bởi vì trí tuệ phân tích của Như Lai biết rõ nhiều loại nghiệp, biết rõ trạng thái của mỗi loại nghiệp (nghiệp hiện tại và nghiệp quá khứ).

    Nghiệp Và Quả Của Nghiệp

    1. Này Ānanda, trong 4 hạng người ấy, hạng người nào trong đời là người sát hại chúng sinh, trộm cắp của cải tài sản của người khác, tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), nói lời vô ích, có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, có tâm thù hận, có tà kiến; sau khi người ấy chết, ác nghiệp có cơ hội cho quả tái sinh trong cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh; do trong thời gian trước, người ấy đã tạo ác nghiệp cho quả khổ; hoặc trong thời gian sau, người ấy cũng tạo ác nghiệp cho quả khổ; hoặc trong lúc lâm chung, người ấy có tà kiến. Cho nên, sau khi người ấy chết, ác nghiệp có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh.

    Trong đời này, người ấy là người sát hại chúng sinh, trộm cắp của cải tài sản của người khác, tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), nói lời vô ích, có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, có tâm thù hận, có tà kiến. Ác nghiệp ấy có cơ hội cho quả trong kiếp hiện tại (kiếp thứ nhất); hoặc có cơ hội cho quả kiếp kế tiếp (kiếp thứ 2); hoặc có cơ hội cho quả từ kiếp thứ 3 và những kiếp tiếp theo v.v…).

    2. Này Ānanda, trong 4 hạng người ấy, hạng người nào trong đời là người sát hại chúng sinh, trộm cắp của cải tài sản của người khác, tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), nói lời vô ích, có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, có tâm thù hận, có tà kiến; sau khi người ấy chết, được tái sinh kiếp sau trên cõi thiện dục giới, cõi trời; do trong thời gian trước, người ấy đã tạo thiện nghiệp cho quả an lạc; hoặc trong thời gian sau, người ấy cũng tạo thiện nghiệp cho quả an lạc, hoặc trong lúc lâm chung, người ấy có chánh kiến. Cho nên, sau khi người ấy chết, thiện nghiệp có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau trên cõi thiện dục giới, cõi trời.

    Trong đời này, người ấy là người sát hại chúng sinh, trộm cắp của cải tài sản của người khác, tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), nói lời vô ích, có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, có tâm thù hận, có tà kiến. Ác nghiệp ấy không có cơ hội cho quả trong kiếp hiện tại (kiếp thứ nhất); hoặc không có cơ hội cho quả kiếp kế tiếp (kiếp thứ 2); hoặc không có cơ hội cho quả từ kiếp thứ 3 và những kiếp tiếp theo v.v…).

    3. Này Ānanda, trong 4 hạng người ấy, hạng người nào trong đời là người tránh xa sự sát hại chúng sinh, tránh xa sự trộm cắp của cải tài sản của người khác, tránh xa sự tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, tránh xa sự nói dối, tránh xa sự nói lời chia rẽ, tránh xa sự nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), tránh xa sự nói lời vô ích, không có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, không có tâm thù hận, có chánh kiến; sau khi người ấy chết, thiện nghiệp có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau trên cõi thiện dục giới, cõi trời; do trong thời gian trước, người ấy đã tạo thiện nghiệp cho quả an lạc; hoặc trong thời gian sau, người ấy cũng tạo thiện nghiệp cho quả an lạc, hoặc trong lúc lâm chung, người ấy có chánh kiến. Cho nên, sau khi người ấy chết, thiện nghiệp có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau trên cõi thiện dục giới, cõi trời.

    Trong đời này người ấy là người tránh xa sự sát hại chúng sinh, tránh xa sự trộm cắp của cải tài sản của người khác, tránh xa sự tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, tránh xa sự nói dối, tránh xa sự nói lời chia rẽ, tránh xa sự nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), tránh xa sự nói lời vô ích, không có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, không có tâm thù hận, có chánh kiến. Thiện nghiệp ấy có cơ hội cho quả trong kiếp hiện tại (kiếp thứ nhất); hoặc có cơ hội cho quả kiếp kế tiếp (kiếp thứ 2); hoặc có cơ hội cho quả từ kiếp thứ 3 và những kiếp tiếp theo v.v…).

    4. Này Ānanda, trong 4 hạng người ấy, hạng người nào trong đời là người tránh xa sự sát hại chúng sinh, tránh xa sự trộm cắp của cải tài sản của người khác, tránh xa sự tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, tránh xa sự nói dối, tránh xa sự nói lời chia rẽ, tránh xa sự nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), tránh xa sự nói lời vô ích, không có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, không có tâm thù hận, có chánh kiến; sau khi người ấy chết, bị tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh; vì trong thời gian trước, người ấy đã tạo ác nghiệp cho quả khổ; hoặc trong thời gian sau, người ấy cũng tạo ác nghiệp cho quả khổ, hoặc trong lúc lâm chung, người ấy có tà kiến. Cho nên, sau khi người ấy chết, ác nghiệp có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh.

    Trong đời này người ấy là người tránh xa sự sát hại chúng sinh, tránh xa sự trộm cắp của cải tài sản của người khác, tránh xa sự tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, tránh xa sự nói dối, tránh xa sự nói lời chia rẽ, tránh xa sự nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), tránh xa sự nói lời vô ích, không có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, không có tâm thù hận, có chánh kiến. Thiện nghiệp ấy không có cơ hội cho quả trong kiếp hiện tại (kiếp thứ nhất); hoặc không có cơ hội cho quả kiếp kế tiếp (kiếp thứ 2); hoặc không có cơ hội cho quả từ kiếp thứ 3 và những kiếp tiếp theo v.v…).

    4 Tính Chất Của Nghiệp

    Này Ānanda, như vậy tóm lại:

    Ác nghiệp nặng ngăn cản ác nghiệp nhẹ.

    Ác nghiệp có cơ hội ngăn cản thiện nghiệp.

    Thiện nghiệp có cơ hội ngăn cản ác nghiệp.

    Thiện nghiệp có nhiều năng lực ngăn cản thiện nghiệp có ít năng lực.

    (Tóm lược từ bài kinh Mahākammavibhaṅgasutta)


    Giải Thích 4 Tính Chất Của Nghiệp

    Theo Chú giải bài kinh Mahākammavibhaṅgasutta, giảng giải 4 tính chất của nghiệp và cơ hội cho quả của nghiệp.

    1. Ác nghiệp nặng ngăn cản ác nghiệp nhẹ như thế nào?

    Ác nghiệp có vô số loại, trong vô số ác nghiệp ấy, nếu ác nghiệp nào có cơ hội, thì ác nghiệp ấy mới có thể cho quả. Ác nghiệp có cơ hội, có quyền ưu tiên nhất trong các ác nghiệp, đó là ác nghiệp nặng nhất.

    Ác nghiệp nặng nhất có khả năng ngăn cản ác nghiệp nhẹ khác không cho có cơ hội cho quả; ác nghiệp nặng nhất ấy giành quyền ưu tiên cho quả của ác nghiệp ấy trong thời kỳ tái sinh kiếp sau (paṭisandhikāla), và tiếp tục cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu (pavattikāla). Còn các ác nghiệp khác trở thành ác nghiệp hỗ trợ cho ác nghiệp nặng nhất ấy cho quả càng nặng thêm nữa.

    Như vậy, gọi là ác nghiệp nặng ngăn cản ác nghiệp nhẹ.

    2. Ác nghiệp có cơ hội ngăn cản thiện nghiệp như thế nào?

    Mỗi chúng sinh trong vòng tử sinh luân hồi từ vô thuỷ cho đến kiếp hiện tại này, chắc chắn đã tích luỹ cả vô số ác nghiệp lẫn vô số thiện nghiệp. Vậy ác nghiệp nào có cơ hội, thì ác nghiệp ấy cho quả của nó.

    Ác nghiệp có cơ hội cho quả thì ngăn cản thiện nghiệp cho quả trong những trường hợp như sau:

    Trường hợp người tạo ác nghiệp tà kiến cố định (aniyata-micchādiṭṭhikamma) nghĩa là người này hoàn toàn không tin nghiệp và quả của nghiệp. Trong các loại ác nghiệp, ác nghiệp tà kiến cố định này nặng nhất, không có nghiệp nào có thể ngăn cản ác nghiệp ấy cho quả của nó được. Cho nên, sau khi người ấy chết, chắc chắn ác nghiệp tà kiến cố định cho quả tái sinh kiếp sau trong cõi đại địa ngục Avīci.

    Trường hợp người không có ác nghiệp tà kiến cố định, mà có tạo ác nghiệp vô gián (anantariyakamma) như giết cha, giết mẹ, giết bậc Thánh Arahán, làm bầm máu bàn chân của Đức Phật, và chia rẽ chư Tỳ khưu Tăng. Ác nghiệp vô gián này nặng thứ nhì, sau khi chết chắc chắn ác nghiệp vô gián này cho quả tái sinh kiếp sau trong cõi đại địa ngục Avicī (không có nghiệp nào có thể ngăn cản được).

    Trường hợp người không có ác nghiệp tà kiến cố định và ác nghiệp vô gián, mà có tạo ác nghiệp thường hành nghĩa là tạo ác nghiệp hằng ngày đêm trở thành thói quen. Nếu không có thiện nghiệp nào có năng lực hơn, thì chính ác nghiệp thường hành này có cơ hội cho quả của nó.

    Trường hợp trong lúc lâm chung, người ấy bị mê sảng, hoặc phát sinh tâm sợ hãi… do hiện tượng của ác nghiệp, đó là ác nghiệp phát sinh trong lúc lâm chung, cho nên sau khi người ấy chết, ác nghiệp ấy có cơ hội cho quả tái sinh trong cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh.

    Như vậy, gọi là ác nghiệp có cơ hội ngăn cản thiện nghiệp không cho quả, để cho ác nghiệp ấy cho quả của nó.

    3. Thiện nghiệp có cơ hội ngăn cản ác nghiệp như thế nào?

    Ngoại trừ 2 loại ác nghiệp trọng tội đặc biệt là: Ác nghiệp tà kiến cố định và ác nghiệp vô gián ra, người nào đã tạo các loại ác nghiệp loại thường khác, nhưng về sau, người ấy có tâm biết hổ thẹn tội lỗi, biết ghê sợ tội lỗi, có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, rồi cố gắng tinh tấn, có khả năng tạo mọi thiện nghiệp từ dục giới thiện nghiệp, sắc giới thiện nghiệp, vô sắc giới thiện nghiệp, cho đến Siêu tam giới thiện nghiệp (4 Thánh Đạo), thì thiện nghiệp này có khả năng, có cơ hội ngăn cản ác nghiệp không cho quả, để cho thiện nghiệp ấy cho quả của nó.

    Hoặc trường hợp trong lúc lâm chung, người thân của bệnh nhân thỉnh mời chư Tỳ khưu Tăng đến thăm bệnh nhân, khi còn sáng suốt hiểu biết, Ngài Đại đức hướng dẫn bệnh nhân thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì ngũ giới, rồi chư Tỳ khưu Tăng tụng kinh cho bệnh nhân nghe, thuyết pháp giảng dạy, làm cho bệnh nhân phát sinh đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, và giữ gìn ngũ giới cho được trong sạch, lắng nghe kinh, lắng nghe pháp… đó là thiện nghiệp phát sinh trong lúc lâm chung. Cho nên người bệnh sau khi chết, chính thiện nghiệp phát sinh lúc lâm chung ấy cho quả tái sinh trong cõi thiện dục giới, cõi trời, hưởng được mọi sự an lạc trong cõi trời.

    Như vậy, gọi là thiện nghiệp có cơ hội cho quả ngăn cản ác nghiệp không cho quả.

    4. Thiện nghiệp có nhiều năng lực ngăn cản thiện nghiệp có ít năng lực như thế nào?

    Thiện nghiệp có 4 loại từ thấp đến cao như sau:

    8 dục giới đại thiện nghiệp đó là tác ý tâm sở đồng sinh với 8 dục giới đại thiện tâm trong sự bố thí giữ giới, hành thiền v.v...

    5 sắc giới thiện nghiệp đó là tác ý tâm sở đồng sinh với 5 sắc giới thiền thiện tâm.

    4 vô sắc giới thiện nghiệp đó là tác ý tâm sở đồng sinh với 4 vô sắc giới thiền thiện tâm.

    4 Siêu tam giới thiện nghiệp đó là tác ý tâm sở đồng sinh với 4 Thánh Đạo Tâm.

    Thiện nghiệp có nhiều năng lực có cơ hội cho quả, ngăn cản các thiện nghiệp có ít năng lực không cho có cơ hội cho quả như sau:

    Trong những dục giới đại thiện nghiệp, dục giới đại thiện nghiệp nào có cơ hội, có quyền ưu tiên cho quả tái sinh, thì dục giới đại thiện nghiệp ấy ngăn cản các dục giới đại thiện nghiệp khác còn lại không có cơ hội trực tiếp cho quả, mà trở thành đại thiện nghiệp hỗ trợ cho quả của đại thiện nghiệp ấy được an lạc thêm nữa.

    Trong những sắc giới thiện nghiệp và vô sắc giới thiện nghiệp, nếu hành giả đã chứng đắc đến bậc thiền hữu sắc hoặc bậc thiền vô sắc nào cao nhất, thì chỉ có bậc thiền cao nhất ấy mới có cơ hội, có quyền ưu tiên cho quả tái sinh mà thôi; các bậc thiền thấp còn lại trở thành thiện nghiệp vô hiệu quả, không còn có cơ hội cho quả của chúng được nữa.

    Như vậy, gọi là thiện nghiệp có nhiều năng lực ngăn cản thiện nghiệp có ít năng lực cho quả.

    4 Siêu tam giới thiện nghiệp có đó là tác ý tâm sở đồng sinh với 4 Thánh Đạo Tâm liền cho quả tương ứng là 4 Thánh Quả Tâm, không có thời gian khoảng cách (akālikadhamma) nghĩa là sau khi Thánh Đạo Tâm nào diệt liền tiếp theo Thánh Quả Tâm ấy sinh, chỉ sau 1 sát-na tâm sinh và diệt trong cùng một Thánh Đạo lộ trình tâm ấy.

    4 Thánh Đạo Tâm tương ứng với 4 Thánh Quả Tâm trở thành 4 bậc Thánh Nhân:

    1. Nhập Lưu Thánh Đạo Tâm - Nhập Lưu Thánh Quả Tâm trở thành bậc Thánh Nhập Lưu.

    2. Nhất Lai Thánh Đạo Tâm - Nhất Lai Thánh Quả Tâm trở thành bậc Thánh Nhất Lai.

    3. Bất Lai Thánh Đạo Tâm - Bất Lai Thánh Quả Tâm trở thành bậc Thánh Bất Lai.

    4. Arahán Thánh Đạo Tâm – Arahán Thánh Quả Tâm trở thành bậc Thánh Arahán.

    4 Siêu tam giới thiện nghiệp hoàn toàn không cho quả tái sinh kiếp sau như những tam giới thiện nghiệp. 4 bậc Thánh Nhân có khả năng đặc biệt hạn chế kiếp tái sinh theo tuần tự từ thấp đến cao như sau:

    - Bậc Thánh Nhập Lưu vĩnh viễn không còn tái sinh trong 4 cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh, mà chỉ còn tái sinh kiếp sau trong cõi thiện dục giới nhiều nhất 7 kiếp; đến kiếp thứ 7 bậc Thánh Nhập Lưu ấy chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh Arahán rồi tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

    - Bậc Thánh Nhất Lai chỉ còn tái sinh trong cõi thiện dục giới 1 kiếp duy nhất nữa mà thôi; trong kiếp ấy bậc Thánh Nhất Lai ấy chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh Arahán rồi tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

    - Bậc Thánh Bất Lai vĩnh viễn không còn tái sinh trở lại trong cõi thiện dục giới, mà chỉ tái sinh lên cõi trời sắc giới mà thôi; tại cõi trời sắc giới, bậc Thánh Bất Lai chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh Arahán, rồi tịch diệt Niết Bàn tại cõi trời sắc giới, chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới.

    - Bậc Thánh Arahán ngay trong kiếp hiện tại, khi hết tuổi thọ đồng thời tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới.
    Itipi so Bhagavà Araham, Sammàsambuddho, Vijjàcaranasampanno, Sugato, Lokavidù, Anuttaro purisadammasàrathi, Satthàdevamanussànam, Buddho, Bhagavà.

  3. #3
    Đai Nâu Avatar của raucucai
    Gia nhập
    Mar 2012
    Nơi cư ngụ
    Sơn La
    Bài gởi
    302

    Mặc định

    PHẦN II
    NGHIỆP VÀ QUẢ CỦA NGHIỆP
    (KAMMA - KAMMAPHALA)

    Chương V Hành Giới đã được trình bày xong trong Nền Tảng Phật Giáo quyển III Hành Giới, chương VI sẽ trình bày về nghiệp và quả của nghiệp.

    Nghiệp và quả của nghiệp có 2 phần

    Nghiệp dịch từ chữ Pāḷi “Kamma”.

    Quả của nghiệp dịch từ chữ Pāḷi “Kammaphala”.

    Nghiệp là gì?

    Đức Phật dạy trong bài kinh Nibbedhikasutta:

    “Cetanā’haṃ bhikkhave kammaṃ vadāmi, cetayitvā kammaṃ karoti kāyena vācāya manasā”.

    (Này chư Tỳ khưu, sau khi đã có tác ý, rồi mới tạo nghiệp bằng thân, bằng khẩu, bằng ý. Do đó Như Lai dạy “Tác ý gọi là nghiệp”).

    Muốn tạo nghiệp nào, người ta có tác ý phát sinh trước, rồi mới tạo nghiệp ấy sau.

    Như vậy tác ý và nghiệp không đồng sinh với nhau, mà có liên quan trực tiếp với nhau:

    - Tác ý phát sinh rồi tạo nghiệp bằng thân gọi là thân nghiệp (kāyakamma).

    - Tác ý phát sinh rồi tạo nghiệp bằng khẩu gọi là khẩu nghiệp (vacīkamma).

    -Tác ý phát sinh rồi tạo nghiệp bằng ý gọi là ý nghiệp (manokamma).

    Do đó nghiệp phát sinh do nương nhờ nơi 3 môn: Thân môn, khẩu môn, ý môn.

    Tác ý (cetanā) đó là tác ý tâm sở (cetanācetasika) là 1 trong 52 tâm sở đồng sinh với 89 hoặc 121 tâm.

    Tác ý gọi là nghiệp là mỗi khi tác ý tâm sở này đồng sinh với 12 bất thiện tâm (12 ác tâm), và đồng sinh với 21 hoặc 37 thiện tâm, thì tác ý tâm sở ấy mới gọi là nghiệp.

    - Tác ý tâm sở khi đồng sinh với 12 bất thiện tâm (12 ác tâm) tạo nên 12 bất thiện nghiệp (12 ác nghiệp) bằng thân, bằng khẩu, bằng ý.

    - Tác ý tâm sở khi đồng sinh với 8 dục giới đại thiện tâm tạo nên 8 dục giới đại thiện nghiệp bằng thân, bằng khẩu, bằng ý.

    - Tác ý tâm sở khi đồng sinh với 5 sắc giới thiện tâm tạo nên 5 sắc giới thiện nghiệp bằng ý.

    - Tác ý tâm sở khi đồng sinh với 4 vô sắc giới thiện tâm tạo nên 4 vô sắc giới thiện nghiệp bằng ý.

    - Tác ý tâm sở khi đồng sinh với 4 hoặc 20 Thánh Đạo Tâm tạo nên 4 hoặc 20 Siêu tam giới thiện nghiệp bằng ý.

    Còn tác ý tâm sở đồng sinh với 36 hoặc 52 quả tâm, và 20 duy tác tâm, thì tác ý tâm sở ấy không gọi là nghiệp.

    Quả của nghiệp như thế nào?

    Đức Phật dạy:

    “Kammassako’mhi kammadāyādo kammayoni kamma-bandhu kammappaṭisaraṇo, yaṃ kammaṃ karissāmi kalyāṇaṃ vā pāpakaṃvā, tassa dāyādo bhavissāmi”

    (Ta có nghiệp là của riêng, ta là người thừa hưởng quả của nghiệp, nghiệp là nhân sinh ra ta, nghiệp là bà con thân quyến của ta, nghiệp là nơi nương nhờ của ta. Ta sẽ tạo nghiệp nào ‘thiện nghiệp hoặc ác nghiệp’, ta sẽ là người thừa hưởng quả của thiện nghiệp hoặc quả của ác nghiệp ấy).

    12 bất thiện nghiệp (12 ác nghiệp) cho quả trong 2 thời kỳ:

    - Cho quả trong thời kỳ tái sinh trong 4 cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh.

    - Cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu trong 11 cõi dục giới và một số cõi sắc giới.

    8 dục giới đại thiện nghiệp cho quả trong 2 thời kỳ:

    - Cho quả trong thời kỳ tái sinh trong cõi thiện dục giới: Cõi người và 6 cõi trời dục giới.

    - Cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu trong 11 cõi dục giới, 15 cõi sắc giới (trừ cõi sắc giới Vô Tưởng Thiên) tùy theo đối tượng và chúng sinh.

    5 sắc giới thiện nghiệp cho quả trong 2 thời kỳ đối với hành giả.

    - Cho quả trong thời kỳ tái sinh trong 16 cõi trời sắc giới phạm thiên, tùy theo quả của mỗi bậc thiền sắc giới thiện tâm.

    - Cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu trong 16 cõi trời sắc giới phạm thiên, tùy theo quả của mỗi bậc thiền sắc giới thiện tâm.

    4 vô sắc giới thiện nghiệp cho quả trong 2 thời kỳ đối với hành giả.

    - Cho quả trong thời kỳ tái sinh trong 4 cõi trời vô sắc giới phạm thiên, tùy theo quả của mỗi bậc thiền vô sắc giới thiện tâm.

    - Cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu trong 4 cõi trời vô sắc giới phạm thiên, tùy theo quả của mỗi bậc thiền vô sắc giới thiện tâm.

    4 hoặc 20 Siêu tam giới thiện nghiệp trong 4 hoặc 20 Thánh Đạo Tâm không cho quả tái sinh kiếp sau, mà cho quả trong kiếp hiện tại, ngay sau khi chứng đắc Thánh Đạo Tâm nào liền cho quả là Thánh Quả Tâm tương ứng ấy, không có thời gian ngăn cách, nghĩa là sau khi Thánh Đạo Tâm nào diệt liền cho quả là Thánh Quả Tâm tương ứng ấy sinh sau 1 sát-na tâm trong cùng Thánh Đạo lộ trình tâm ấy.

    4 Siêu tam giới thiện nghiệp trong 4 Thánh Đạo Tâm không cho quả tái sinh kiếp sau, mà có khả năng đặc biệt hạn chế kiếp tái sinh của mỗi bậc Thánh Nhân như sau:

    - Nhập Lưu Thánh Đạo thiện nghiệp của bậc Thánh Nhập Lưu chắc chắn vĩnh viễn không còn tái sinh trong 4 cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh, mà chỉ còn tái sinh kiếp sau trong cõi thiện dục giới nhiều nhất 7 kiếp; trong kiếp thứ 7, bậc Thánh Nhập Lưu ấy chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh Arahán, rồi sẽ tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới.

    - Nhất Lai Thánh Đạo thiện nghiệp của bậc Thánh Nhất Lai chỉ còn tái sinh một kiếp trong cõi thiện dục giới mà thôi; trong kiếp ấy bậc Thánh Nhất Lai ấy chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh Arahán, rồi sẽ tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới.

    - Bất Lai Thánh Đạo thiện nghiệp của bậc Thánh Bất Lai chắc chắn vĩnh viễn không còn trở lại tái sinh trong cõi thiện dục giới, mà chỉ tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi trời sắc giới phạm thiên; tại cõi trời sắc giới bậc Thánh Bất Lai ấy chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh Arahán, rồi sẽ tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới.

    - Arahán Thánh Đạo thiện nghiệp của bậc Thánh Arahán chắc chắn ngay trong kiếp hiện tại đến khi hết tuổi thọ đồng thời tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới.

    Như vậy, nghiệp có 2 loại: Bất thiện nghiệp (ác nghiệp) và thiện nghiệp.

    - Bất thiện nghiệp (ác nghiệp) có 12 loại trong 12 bất thiện tâm:

    8 bất thiện nghiệp (ác nghiệp) trong 8 tâm tham.

    2 bất thiện nghiệp (ác nghiệp) trong 2 tâm sân.

    2 bất thiện nghiệp (ác nghiệp) trong 2 tâm si.

    - Thiện nghiệp có 4 loại:

    8 dục giới đại thiện nghiệp.

    5 sắc giới thiện nghiệp.

    4 vô sắc giới thiện nghiệp.

    4 hoặc 20 Siêu tam giới thiện nghiệp trong 4 hoặc 20 Thánh Đạo Tâm.

    Tóm lại, nghiệp (kamma) và quả của nghiệp (kamma-phala) là 2 vấn đề riêng biệt mà có liên quan theo định luật nhân và quả tương ứng.

    - Nghiệp (kamma): Có 2 loại

    Thiện nghiệp.

    Bất thiện nghiệp (ác nghiệp).

    Thiện nghiệp và bất thiện nghiệp (ác nghiệp) là hoàn toàn do con người chủ động, con người có quyền lựa chọn theo ý riêng của mình, có thể tự hỏi rằng:

    Thiện nghiệp này nên tạo hay không nên tạo?

    Bất thiện nghiệp (ác nghiệp) này nên tạo hay không nên tạo?

    Việc nên hoặc không nên tạo là hoàn toàn do chính ta có quyền lựa chọn.

    Một khi ta đã có tác ý tạo nên thiện nghiệp hoặc bất thiện nghiệp (ác nghiệp) nào rồi thì nghiệp ấy là của riêng ta, không liên quan đến những người khác; nếu người khác có liên quan, thì chỉ có thể liên quan với quả của nghiệp mà thôi.

    Như Đức Phật dạy:

    - Này chư Tỳ khưu, bậc xuất gia hoặc người tại gia, người đàn ông hoặc người đàn bà nên thường suy xét rằng:

    “Kammassako’mhi kammadāyādo kammayoni kamma-bandhu kammapaṭisarano, yaṃ kammaṃ karissāmi kabyāṇaṃ vā pāpakaṃ vā, tassa dāyādo bhavissāmi”

    (Ta có nghiệp là của riêng, ta là người thừa hưởng quả của nghiệp, nghiệp là nhân sinh ra ta, nghiệp là bà con thân quyến của ta, nghiệp là nơi nương nhờ của ta; ta sẽ tạo nghiệp nào: ‘Thiện nghiệp hoặc ác nghiệp’, ta sẽ là người thừa hưởng quả của thiện nghiệp hoặc quả của ác nghiệp ấy).

    - Quả của nghiệp (kammaphala): Có 2 loại

    Quả của thiện nghiệp là quả an lạc, quả tốt,…

    Quả của bất thiện nghiệp (ác nghiệp) là quả khổ, quả xấu,…

    An lạc hoặc khổ là quả của nghiệp, cho nên, con người hoàn toàn bị động phải chấp nhận quả của nghiệp, mà không có quyền phủ nhận, cũng không có quyền lựa chọn. Bởi vì, ta là người thừa hưởng quả của nghiệp mà chính ta đã tạo trong những kiếp quá khứ, hoặc trong kiếp hiện tại.

    Tất cả chúng sinh trong 31 cõi trong tam giới:

    Dục giới có 11 cõi

    Sắc giới có 16 cõi

    Vô sắc giới có 4 cõi

    Tất cả chúng sinh có 4 loài:

    - Loài thai sinh là chúng sinh tái sinh trong thai của mẹ như loài người, loài gia súc: Trâu, bò, chó, mèo,…

    - Loài noãn thai là chúng sinh trong trứng, rồi từ trứng nở ra con như: Con gà, con vịt, con chim,…

    - Loài thấp sinh là chúng sinh tái sinh nơi ẩm thấp như dưới đất, trong vũng nước: Con giun, con sán, con dòi,…

    Ba loài chúng sinh này sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu theo thời gian dần dần tăng trưởng lớn lên.

    - Loài hóa sinh là chúng sinh hóa sinh ra có thân hình đầy đủ các bộ phận lớn nhỏ ngay tức khắc, mà không cần chờ đợi thời gian tăng trưởng. Đó là những hạng chúng sinh như sau:

    Con người đầu tiên hóa sinh hiện ra trên trái đất (không có cha mẹ).

    Chư thiên trong 6 cõi trời dục giới.

    Chư Phạm thiên trong 16 cõi trời sắc giới.

    Chư Phạm thiên trong 4 cõi trời vô sắc giới (Phạm thiên trong cõi trời vô sắc giới không có thân, chỉ có tâm mà thôi).

    Chúng sinh trong các cõi địa ngục.

    Chúng sinh là các hạng atula.

    Chúng sinh là các hạng ngạ quỷ.

    Tất cả các loài chúng sinh này đều thuộc về loài hóa sinh.

    Trong tất cả 4 loài chúng sinh trong 31 cõi trong tam giới, thì con người trong cõi Nam Thiện Bộ Châu này mà chúng ta đang sống có nhiều điểm đặc biệt mà các chúng sinh trong cõi khác không có như cõi người chúng ta.

    Những điểm đặc biệt ấy là những điểm nào?

    Tạo ác nghiệp cực ác

    Nếu con người tạo ác nghiệp, thì có thể tạo ác nghiệp cực ác như:

    Tạo ác nghiệp tà kiến cố định (niyatamicchādiṭṭhi-kamma) là tà kiến hoàn toàn không tin nghiệp và quả của nghiệp, đó là ác nghiệp cực ác không có ác nghiệp nào ác hơn.

    Tạo ác nghiệp vô gián trọng tội (anantariyakamma) là trọng tội giết cha, giết mẹ, giết bậc Thánh Arahán, làm bầm máu bàn chân của Đức Phật, chia rẽ chư Tỳ khưu Tăng, đó là ác nghiệp vô gián cực ác. Sau khi người ấy chết, chắc chắn ác nghiệp vô gián trọng tội này cho quả tái sinh trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trong cõi đại địa ngục Avīci, chịu quả khổ thiêu đốt suốt nhiều đại kiếp trái đất.

    Đó là 2 loại ác nghiệp cực ác mà chỉ có con người trong cõi Nam Thiện Bộ Châu của chúng ta mới có thể tạo ác nghiệp cực ác này được. Ngoài ra, các chúng sinh trong các cõi khác không thể tạo ác nghiệp cực ác này được.

    Tạo thiện nghiệp cực thiện

    Nếu con người chúng ta là Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác thì có khả năng tạo đầy đủ 30 pháp hạnh ba-la-mật, đó là thiện nghiệp cực thiện để trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, độc nhất vô nhị trong 10 (mười) ngàn thế giới chúng sinh.

    Hoặc nếu con người chúng ta là Đức Bồ Tát Độc Giác thì có khả năng tạo đầy đủ 20 pháp hạnh ba-la-mật, đó là thiện nghiệp cực thiện để trở thành Đức Phật Độc Giác (Đức Phật Độc Giác có nhiều Vị ).

    Hoặc nếu con người chúng ta là Đức Bồ Tát Thanh Văn thì có khả năng tạo đầy đủ 10 pháp hạnh ba-la-mật, đó là thiện nghiệp cực thiện để trở thành bậc Thánh Tối Thượng Thanh Văn đệ tử của Đức Phật (chỉ có 2 vị bậc Thánh Tối Thượng Thanh Văn).

    Hoặc ...Bậc Thánh Đại Thanh Văn đệ tử v.v...

    Đó là những thiện nghiệp cực thiện mà chỉ có con người trong cõi Nam Thiện Bộ Châu của chúng ta mới có thể tạo được, những pháp hạnh ba-la-mật này là thiện nghiệp cực thiện.

    Như vậy, con người có thể tạo ác nghiệp cực ác, sau khi chết chắc chắn ác nghiệp cực ác cho quả tái sinh trong cõi đại địa ngục Avīci chịu quả khổ thiêu đốt suốt nhiều đại kiếp trái đất.

    Và con người là chư Bồ Tát có thể tạo thiện nghiệp cực thiện đó là những pháp hạnh ba-la-mật để trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, hoặc trở thành Đức Phật Độc Giác, hoặc trở thành bậc Thánh Tối Thượng Thanh Văn Giác... Khi hết tuổi thọ đồng thời tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

    Mỗi chúng sinh trong vòng tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài, chắc chắn đã từng tạo và tích lũy các ác nghiệp lẫn các thiện nghiệp. Đối với những hạng chúng sinh trong các cõi địa ngục chỉ có ác nghiệp có cơ hội cho quả khổ mà thôi, còn những thiện nghiệp không có cơ hội cho quả an lạc v.v... Đối với những hàng chư thiên, Phạm thiên trong các cõi trời dục giới, cõi trời sắc giới, cõi trời vô sắc giới chỉ có thiện nghiệp cho quả an lạc mà thôi, còn những ác nghiệp không có cơ hội cho quả khổ.

    Riêng loài người trong cõi Nam Thiện Bộ Châu này, khi thì thiện nghiệp có cơ hội cho quả an lạc, khi thì ác nghiệp có cơ hội cho quả khổ. Quả an lạc hoặc quả khổ ấy là quả của thiện nghiệp hoặc ác nghiệp của ta mà chính ta là người đã tạo, đã tích lũy từ nhiều đời, nhiều kiếp trong quá khứ từ vô thủy, hoặc đã tạo ngay trong kiếp hiện tại này, chứ không phải của ai khác; chắc chắn các thiện nghiệp và các ác nghiệp ấy là của chính ta, thì chính ta là người thừa hưởng quả an lạc của các thiện nghiệp ấy và phải chịu quả khổ của các ác nghiệp ấy.

    Người Phật tử phải nên có chánh kiến về nghiệp của mình (kamassakatā sammādiṭṭhi), có trí tuệ thấy đúng, hiểu đúng rằng: “Ta có nghiệp là của riêng, ta là người được thừa hưởng quả an lạc của thiện nghiệp của ta và phải chịu quả khổ của ác nghiệp của ta. Cho nên nếu khi ta hưởng được mọi quả an lạc của thiện nghiệp thì ta hoan hỷ chấp nhận. Và nếu khi ta phải chịu mọi quả khổ của ác nghiệp thì ta cũng phải nên nhẫn nại chấp nhận. Bởi vì thiện nghiệp, ác nghiệp chỉ là của riêng ta mà thôi”.

    Như vậy, người Phật tử có chánh kiến về nghiệp, là người biết sống công bình với chính mình; đồng thời biết sống, biết cư xử công bình với tất cả mọi người, mọi chúng sinh, không tự làm khổ mình, không làm khổ người.

    Một số người nếu khi hưởng mọi quả an lạc của các thiện nghiệp thì hoan hỷ chấp nhận, nhưng nếu khi chịu mọi quả khổ của các ác nghiệp, thì không chịu chấp nhận, trách người khác, mà không chịu trách mình đã tạo ác nghiệp ấy. Số người ấy sống như vậy không công bình với chính họ, thì họ sống và cư xử cũng không công bình đối với tất cả mọi người, mọi chúng sinh khác. Số người ấy chỉ tự làm khổ mình, làm khổ người gấp bội mà thôi.

    Phân Loại Về Nghiệp

    Trong chương VI này sẽ trình bày về nghiệp và quả của nghiệp. Trong bộ Abhidhammasaṅgaha (Vi Diệu Pháp Yếu Nghĩa), Ngài Đại Trưởng Lão Anuruddha trình bày trong phần Kammacatukka, nghiệp được phân loại có 4 phần chính là:

    I. Kiccacatukka: Phần nghiệp được phân loại theo phận sự có 4 loại nghiệp.

    II. Pākadānapariyāyacatukka: Phần nghiệp được phân loại theo tuần tự cho quả của nghiệp có 4 loại nghiệp.

    III. Pākakālacatukka: Phần nghiệp được phân loại theo thời gian cho quả của nghiệp có 4 loại nghiệp.

    IV. Pākaṭṭhānacatukka: Phần nghiệp được phân loại theo cảnh giới cho quả của nghiệp có 4 loại nghiệp.

    Như vậy, 4 phần nghiệp gồm có 16 loại nghiệp, mỗi loại nghiệp có tên gọi như sau:

    I. Phần nghiệp được phân loại theo phận sự (kiccacatukka): Có 4 loại nghiệp

    Janakakamma: Nghiệp sinh quả trong thời kỳ tái sinh và sinh quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu.

    Upathambhakakamma: Nghiệp hỗ trợ cho nghiệp khác sinh quả.

    Upapīḷakakamma: Nghiệp hãm hại nghiệp đối nghịch.

    Upaghātakakamma: Nghiệp sát hại cắt đứt nghiệp khác.

    II. Phần nghiệp được phân loại theo tuần tự cho quả của nghiệp (pākadānapariyāyacatukka): Có 4 loại nghiệp

    Garukakamma: Nghiệp trọng yếu, ưu tiên cho quả tái sinh kiếp sau trước tiên.

    Āsannakamma: Nghiệp cận tử, phát sinh lúc lâm chung.

    Nếu không có nghiệp trọng yếu, thì nghiệp cận tử này cho quả tái sinh kiếp sau.

    Āciṇṇakamma: Nghiệp thường hành hằng ngày đêm.

    Nếu không có nghiệp trọng yếu và nghiệp cận tử, thì nghiệp thường hành này cho quả tái sinh kiếp sau.

    Kaṭattakamma: Nghiệp loại thường, yếu hơn 3 loại nghiệp trên.

    Nếu không có 3 loại nghiệp trên, thì nghiệp loại thường này cho quả tái sinh kiếp sau.

    III. Phần nghiệp được phân loại theo thời gian cho quả của nghiệp (pākakālacatukka): Có 4 loại nghiệp

    Diṭṭhadhammavedanīyakamma: Nghiệp cho quả ngay trong kiếp hiện tại (kiếp thứ nhất)

    Upapajjavedanīyakamma: Nghiệp cho quả kiếp kế tiếp (kiếp thứ nhì)

    Aparāpariyavedanīyakamma: Nghiệp cho quả trong những kiếp tiếp theo (kể từ kiếp thứ 3 cho đến kiếp chót trước khi tịch diệt Niết Bàn).

    Ahosikamma: Nghiệp vô hiệu quả (nghiệp không còn có hiệu lực cho quả của nghiệp ấy được nữa).

    IV. Phần nghiệp được phân loại theo cảnh giới cho quả của nghiệp (pākaṭṭhānacatukka): Có 4 loại nghiệp

    Akusalakamma: 12 bất thiện nghiệp (12 ác nghiệp) cho quả tái sinh trong 4 cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh.

    Kāmāvacarakusalakamma: 8 dục giới đại thiện nghiệp cho quả tái sinh kiếp sau trong cõi thiện dục giới: Cõi người, 6 cõi trời dục giới.

    Rūpāvacarakusalakamma: 5 sắc giới thiện nghiệp cho quả tái sinh trong 16 cõi trời sắc giới phạm thiên.

    Arūpavacarakusalakamma: 4 vô sắc giới thiện nghiệp cho quả tái sinh trong 4 cõi trời vô sắc giới phạm thiên.

    Đó là 4 phần nghiệp mà mỗi phần có 4 loại thành 16 loại nghiệp.


    PHẦN GIẢI THÍCH 16 LOẠI NGHIỆP

    I. Kiccacatukka: 4 Nghiệp Phân Loại Theo Phận Sự

    Nghiệp được phân loại theo phận sự, có 4 loại nghiệp:

    1. Janakakamma: Nghiệp sinh quả là nghiệp có phận sự sinh quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau và sinh quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu cho đến lúc chết.

    2. Upathambhakakamma: Nghiệp hỗ trợ là nghiệp có phận sự hỗ trợ cho nghiệp khác tái sinh, và hỗ trợ cho nghiệp khác hiện hữu.

    3. Upapīḷakakamma: Nghiệp hãm hại là nghiệp có phận sự hãm hại nghiệp đối nghịch khác không cho sinh quả; khi nghiệp đối nghịch khác đã sinh quả rồi thì hãm hại tiềm năng cho quả.

    4. Upaghātakakamma: Nghiệp sát hại là nghiệp có phận sự cắt đứt nghiệp khác không cho có cơ hội cho quả, hoặc cắt đứt một phần hoặc toàn phần quả của nghiệp khác.

    Giải thích 4 nghiệp phân loại theo phận sự

    1. Janakakamma: Nghiệp Sinh Quả

    Thế nào gọi là nghiệp sinh quả?

    Nghiệp nào có phận sự sinh quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) và sinh quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu (pavattikāla) cho đến trước khi chết, nghiệp ấy gọi là nghiệp sinh quả, đó là 12 bất thiện nghiệp (ác nghiệp, tác ý tâm sở đồng sinh với 8 tâm tham + 2 tâm sân + 2 tâm si), 17 thiện nghiệp (tác ý tâm sở đồng sinh với 8 dục giới đại thiện tâm + 5 sắc giới thiện tâm + 4 vô sắc giới thiện tâm) trong tam giới.

    * Nghiệp sinh quả ấy gồm có 4 loại nghiệp:

    1. 1 12 bất thiện nghiệp sinh quả trong 2 thời kỳ.

    1. 2 8 dục giới đại thiện nghiệp sinh quả trong 2 thời kỳ.

    1. 3 5 sắc giới thiện nghiệp sinh quả trong 2 thời kỳ.

    1. 4 4 vô sắc giới thiện nghiệp sinh quả trong 2 thời kỳ.

    Giải thích 4 trường hợp:

    1. 1 12 bất thiện nghiệp sinhquả trong 2 thời kỳ:

    a) Trong thời kỳ tái sinh kiếp sau (paṭisandhikāla):

    12 bất thiện nghiệp đó là tác ý tâm sở đồng sinh với 12 bất thiện tâm (ác tâm). Trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, chỉ có bất thiện nghiệp trong 11 bất thiện tâm (ác tâm) (không có tâm si hợp với phóng tâm - Tác ý tâm sở đồng sinh với tâm si hợp với phóng tâm là bất thiện nghiệp không có năng lực cho quả trong thời kỳ tái sinh, nhưng bất thiện nghiệp này có khả năng cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu, nếu nó có cơ hội cho quả.) có khả năng sinh quả là suy xét tâm hợp với thọ xả thuộc bất thiện quả vô nhân tâm (Vô nhân tâm là tâm không có nhân nào trong 6 nhân: Tham, sân, si, vô tham, vô sân, vô si. Bất thiện quả vô nhân tâm là tâm không có nhân thuộc quả bất thiện) làm phận sự tái sinh (paṭisandhikicca) trong 4 cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh.

    - Suy xét tâm hợp với thọ xả thuộc bất thiện quả vô nhân tâm làm phận sự tái sau làm chúng sinh trong cõi địa ngục, phần nhiều do năng lực của ác nghiệp trong tâm sân.

    - Suy xét tâm hợp với thọ xả thuộc bất thiện quả vô nhân tâm làm phận sự tái sinh làm chúng sinh trong hàng atula, phần nhiều do năng lực của ác nghiệp trong tâm sân và tâm si.

    - Suy xét tâm hợp với thọ xả thuộc bất thiện quả vô nhân tâm làm phận sự tái sinh làm chúng sinh trong hàng ngạ quỷ, phần nhiều do năng lực của ác nghiệp trong tâm tham.

    - Suy xét tâm hợp với thọ xả thuộc bất thiện quả vô nhân tâm làm phận sự tái sinh kiếp sau làm chúng sinh trong hạng súc sinh, phần nhiều do năng lực của ác nghiệp trong tâm si.

    Suy xét tâm hợp với thọ xả thuộc bất thiện quả vô nhân tâm, sau khi quả tâm ấy đã làm phận sự tái sinh (paṭisan-dhikicca) xong, rồi chính quả tâm ấy liền tiếp tục làm phận sự hộ kiếp (bhavaṅgakicca) giữ gìn duy trì kiếp chúng sinh ấy cho đến tận kiếp, hết tuổi thọ, rồi cuối cùng chính quả tâm ấy làm phận sự tử (cutikicca) (chết) chấm dứt kiếp chúng sinh ấy.

    b) Thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu (pavattikāla):

    12 bất thiện nghiệp đó là tác ý tâm sở đồng sinh với 12 bất thiện tâm. Trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu, bất thiện nghiệp trong 12 bất thiện tâm có khả năng sinh quả là 7 bất thiện quả vô nhân tâm đó là 7 tâm không có nhân thuộc quả bất thiện.

    7 bất thiện quả vô nhân tâm:

    7 bất thiện quả vô nhân tâm phát sinh trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu của chúng sinh ấy như sau:

    - Nhãn thức tâm thuộc bất thiện quả vô nhân tâm nhìn thấy sắc trần, hình dáng xấu, không đáng hài lòng.

    - Nhĩ thức tâm thuộc bất thiện quả vô nhân tâm nghe thanh trần, âm thanh dở, không đáng hài lòng.

    - Tỷ thức tâm thuộc bất thiện quả vô nhân tâm ngửi hương trần hôi, không đáng hài lòng.

    - Thiệt thức tâm thuộc bất thiện quả vô nhân tâm nếm vị trần dở, không đáng hài lòng.

    - Thân thức tâm thuộc bất thiện quả vô nhân tâm xúc giác xúc trần thô, cứng, không đáng hài lòng.

    - Tiếp nhận tâm thuộc bất thiện quả vô nhân tâm tiếp nhận 5 đối tượng (sắc, thanh, hương, vị, xúc) xấu, không đáng hài lòng.

    - Suy xét tâm thuộc bất thiện quả vô nhân tâm suy xét 5 đối tượng (sắc, thanh, hương, vị, xúc) xấu, không đáng hài lòng.

    7 bất thiện quả vô nhân tâm này là quả của 12 bất thiện nghiệp có thể phát sinh trong 11 cõi dục giới và 1 số cõi sắc giới.

    Mỗi bất thiện quả vô nhân tâm này phát sinh cần phải hội đủ nhân duyên, điều kiện của mỗi quả tâm này, còn tùy theo mỗi hạng chúng sinh trong mỗi cõi giới ấy.

    Quả của 12 bất thiện nghiệp này là quả khổ được phát sinh đối với mỗi chúng sinh tùy theo bất thiện nghiệp (ác nghiệp) mà họ đã tạo trong kiếp hiện tại hoặc trong những kiếp quá khứ, trải qua từ nhiều đời nhiều kiếp.

    Tất cả mọi cảnh khổ của chúng sinh trong cõi địa ngục, các hàng atula, các hàng ngạ quỷ, các loài súc sinh đều do quả của bất thiện nghiệp (ác nghiệp) mà chính chúng đã tạo trong kiếp hiện tại hoặc trong những kiếp quá khứ.

    1.2 8 dục giới đại thiện nghiệp sinh quả trong 2 thời kỳ:

    a) Thời kỳ tái sinh kiếp sau (paṭisandhikāla):

    8 dục giới đại thiện nghiệp đó là tác ý tâm sở đồng sinh với 8 dục giới đại thiện tâm sinh quả là 9 quả tâm đó là 8 dục giới đại quả tâm và 1 suy xét tâm hợp với thọ xả thuộc thiện quả vô nhân tâm. 9 quả tâm này làm phận sự tái sinh (paṭisandhikicca) trong 7 cõi thiện dục giới: Cõi người và 6 cõi trời dục giới như sau:

    8 dục giới đại quả tâm có 2 loại tâm:

    - 4 dục giới đại quả tâm hợp với trí tuệ.

    - 4 dục giới đại quả tâm không hợp với trí tuệ.

    − Nếu 4 dục giới đại quả tâm hợp với trí tuệ làm phận sự tái sinh làm người thì người ấy là hạng người có tam nhân (tihetukapuggala) vô tham, vô sân và vô si (trí tuệ); hoặc hóa sinh làm chư thiên thì vị chư thiên ấy là hạng chư thiên có tam nhân: Vô tham, vô sân và vô si, có nhiều oai lực, có hào quang sáng tỏa, có nhiều sự an lạc trong cõi trời dục giới ấy.

    − Nếu 4 dục giới đại quả tâm không hợp với trí tuệ làm phận sự tái sinh làm người thì người ấy là hạng người có nhị nhân (dvihetukapuggala) chỉ có vô tham và vô sân, không có vô si; hoặc hóa sinh làm chư thiên thì vị chư thiên ấy là hạng chư thiên có nhị nhân: Vô tham và vô sân, không có vô si, có ít oai lực, có ít hào quang sáng tỏa, có ít sự an lạc trong cõi trời dục giới ấy.

    Nếu suy xét tâm hợp với thọ xả thuộc thiện quả vô nhân tâm làm phận sự tái sinh làm người thì người ấy là hạng người vô nhân (ahetukapuggala, là hạng người không có nhân nào trong 3 nhân: Vô tham, vô sân và vô si từ khi tái sinh đầu thai.), đó là hạng người đui mù, câm điếc, tật nguyền... từ khi đầu thai trong bụng mẹ; hoặc hóa sinh làm chư thiên thì vị chư thiên ấy thuộc hạng chư thiên vô nhân, không có nhân nào trong 3 nhân: Vô tham, vô sân và vô si, là hạng chư thiên đui mù, câm điếc, tật nguyền... từ khi hóa sinh đầu tiên.

    Sau khi 1 trong 9 quả tâm (8 dục giới đại quả tâm + suy xét tâm thuộc thiện quả vô nhân tâm) đã làm phận sự tái sinh (paṭisandhikicca) xong, rồi chính 1 quả tâm ấy liền tiếp tục làm phận sự hộ kiếp (bhavaṅgakicca) giữ gìn duy trì kiếp chúng sinh ấy cho đến tận kiếp, hết tuổi thọ, rồi cuối cùng cũng chính quả tâm ấy làm phận sự tử (cutikicca) (chết) chấm dứt kiếp chúng sinh ấy.

    b) Thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu (pavattikāla):

    8 dục giới đại thiện nghiệp đó là tác ý tâm sở đồng sinh với 8 dục giới đại thiện tâm. Trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu, thiện nghiệp trong 8 dục giới đại thiện tâm này có khả năng sinh quả là 16 quả tâm đó là 8 dục giới đại quả tâm và 8 thiện quả vô nhân tâm.

    8 thiện quả vô nhân tâm:

    8 thiện quả vô nhân tâm phát sinh trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu của chúng sinh ấy:

    - Nhãn thức tâm thuộc thiện quả vô nhân tâm nhìn thấy sắc trần tốt, đẹp, đáng hài lòng.

    - Nhĩ thức tâm thuộc thiện quả vô nhân tâm nghe thanh trần hay, đáng hài lòng.

    - Tỷ thức tâm thuộc thiện quả vô nhân tâm ngửi hương trần thơm, đáng hài lòng.

    - Thiệt thức tâm thuộc thiện quả vô nhân tâm nếm vị trần ngon, đáng hài lòng.

    - Thân thức tâm thuộc thiện quả vô nhân tâm xúc giác xúc trần mềm mại, đáng hài lòng.

    - Tiếp nhận tâm thuộc thiện quả vô nhân tâm tiếp nhận 5 đối tượng (sắc, thanh, hương, vị, xúc) tốt, đáng hài lòng.

    - Suy xét tâm hợp với thọ hỷ thuộc thiện quả vô nhân tâm suy xét 5 đối tượng (sắc, thanh, hương, vị, xúc) tốt, đáng hài lòng.

    - Suy xét tâm hợp với thọ xả thuộc thiện quả vô nhân tâm suy xét 5 đối tượng (sắc, thanh, hương, vị, xúc) tốt, đáng hài lòng.

    8 thiện quả vô nhân tâm này là quả của 8 dục giới đại thiện nghiệp có thể phát sinh trong 11 cõi dục giới và 15 cõi sắc giới (không có cõi sắc giới Vô Tưởng Thiên). Mỗi thiện quả vô nhân tâm này phát sinh cần phải hội đủ nhân duyên, điều kiện của mỗi quả tâm này, còn tùy thuộc vào hạng chúng sinh trong cõi giới ấy.

    Quả của 8 dục giới đại thiện nghiệp này là an lạc được phát sinh đối với mỗi chúng sinh tùy theo thiện nghiệp mà họ đã tạo trong kiếp hiện tại hoặc trong kiếp quá khứ từ nhiều đời, nhiều kiếp.

    Tất cả mọi sự an lạc của chúng sinh trong cõi thiện dục giới: Cõi người và 6 cõi trời dục giới đều do quả của thiện nghiệp mà chính họ đã tạo trong kiếp hiện tại hoặc trong những kiếp quá khứ.

    1. 3 5 sắc giới thiện nghiệp sinh quả trong 2 thời kỳ:

    a) Thời kỳ tái sinh kiếp sau (paṭisandhikāla):

    5 sắc giới thiện nghiệp đó là tác ý tâm sở đồng sinh với 5 bậc thiền sắc giới thiện tâm. Trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, thiện nghiệp trong 5 bậc thiền sắc giới thiện tâm này sinh quả là 5 bậc thiền sắc giới quả tâm làm phận sự tái sinh (paṭisandhikicca) trong 16 cõi trời sắc giới phạm thiên.

    Thiện nghiệp trong 5 bậc thiền sắc giới thiện tâm sinh quả tương ứng với 5 bậc thiền sắc giới quả tâm. Trong 5 bậc thiền sắc giới thiện tâm này, hành giả chứng đắc được bậc thiền sắc giới thiện tâm nào cao, thì bậc thiền cao ấy có quyền ưu tiên sinh quả là bậc thiền sắc giới quả tâm ấy làm phận sự tái sinh (paṭisandhikicca) lên tầng trời sắc giới tương ứng với quả của bậc thiền ấy.

    Ví dụ: Hành giả thực hành thiền định có khả năng chứng đắc đến đệ tứ thiền sắc giới thiện tâm. Sau khi hành giả chết, thì chỉ có đệ tứ thiền sắc giới thiện tâm sinh quả là đệ tứ thiền sắc giới quả tâm mà thôi, làm phận sự tái sinh (hóa sinh) lên cõi trời sắc giới của đệ tứ thiền.

    (sẽ trình bày rõ trong phần “Nghiệp phân loại theo cảnh giới cho quả”)

    b) Thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu (pavattikāla):

    Trong 5 bậc thiền sắc giới quả tâm, bậc thiền sắc giới quả tâm nào sau khi đã làm phận sự tái sinh (paṭisandhikicca) xong, rồi bậc thiền sắc giới quả tâm ấy tiếp tục làm phận sự hộ kiếp (bhavaṅgakicca) giữ gìn duy trì kiếp Phạm thiên ấy cho đến lúc hết tuổi thọ tại tầng trời sắc giới ấy, rồi cuối cùng cũng chính bậc thiền sắc giới quả tâm ấy lại làm phận sự tử (cutikicca) (chết) chấm dứt kiếp Phạm thiên tại tầng trời sắc giới ấy.

    1. 4 4 vô sắc giới thiện nghiệp sinh quả trong 2 thời kỳ:

    a) Thời kỳ tái sinh kiếp sau (paṭisandhikāla):

    4 vô sắc giới thiện nghiệp đó là tác ý tâm sở đồng sinh với 4 bậc thiền vô sắc giới thiện tâm. Trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, thiện nghiệp trong 4 bậc thiền vô sắc giới thiện tâm này sinh quả là 4 bậc thiền vô sắc giới quả tâm làm phận sự tái sinh trong 4 cõi trời vô sắc giới phạm thiên.

    Thiện nghiệp trong 4 bậc thiền vô sắc giới thiện tâm sinh quả tương ứng với 4 bậc thiền vô sắc giới quả tâm. Trong 4 bậc thiền vô sắc giới thiện tâm này, hành giả chứng đắc được bậc thiền vô sắc giới thiện tâm nào cao, thì bậc thiền cao ấy có quyền ưu tiên sinh quả là bậc thiền vô sắc giới quả tâm ấy làm phận sự tái sinh (paṭisandhikicca) lên tầng trời vô sắc giới tương ứng với quả của bậc thiền ấy.

    Ví dụ: Hành giả thực hành thiền định có khả năng chứng đắc đến đệ tam thiền vô sắc giới, vô sở hữu xứ thiền thiện tâm. Sau khi hành giả chết, thì chỉ có đệ tam thiền vô sắc giới, vô sở hữu xứ thiền thiện tâm sinh quả là đệ tam thiền vô sắc giới vô sở hữu xứ thiền quả tâm mà thôi, làm phận sự tái sinh (hóa sinh) lên tầng trời vô sắc giới gọi là Vô Sở Hữu Xứ Thiên.

    (sẽ trình bày rõ trong phần “Nghiệp phân loại theo cảnh giới cho quả”)

    b) Thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu (pavattikāla):

    Trong 4 bậc thiền vô sắc giới quả tâm, bậc thiền vô sắc giới quả tâm nào sau khi đã làm phận sự tái sinh (paṭisandhi-kicca) xong, rồi bậc thiền vô sắc giới quả tâm ấy tiếp tục làm phận sự hộ kiếp (bhavaṅgakicca) giữ gìn duy trì kiếp Phạm thiên ấy cho đến lúc hết tuổi thọ tại tầng trời vô sắc giới ấy, rồi cuối cùng cũng chính bậc thiền vô sắc giới quả tâm ấy lại làm phận sự tử (cutikicca) (chết) chấm dứt kiếp Phạm thiên tại tầng trời vô sắc giới ấy.

    Thời Kỳ Tử (Cuti) và Tái Sinh (Paṭisandhi)

    Mỗi kiếp của chúng sinh bắt đầu từ tái sinh tâm (paṭi-sandhicitta) đó là quả tâm của thiện tâm nào hoặc bất thiện tâm nào làm phận sự tái sinh (paṭisandhikicca) chỉ 1 sát-na tâm xong rồi diệt, rồi chính quả tâm ấy làm phận sự hộ kiếp (bhavaṅgakicca) giữ gìn kiếp sống của chúng sinh ấy đến hết tuổi thọ hoặc hết nghiệp hỗ trợ, rồi cũng chính quả tâm ấy làm phận sự tử (cutikicca) cuối cùng của một kiếp chúng sinh.

    Ví dụ: Chúng sinh ấy là loài người, người ấy trong lúc lâm chung (maraṇāsannakāla) có 1 trong 3 hiện tượng hiện ra: Nghiệp (kamma), hoặc hiện tượng của nghiệp (kamma-nimitta), hoặc cảnh tượng nơi sắp tái sinh (gatinimitta). Hiện tượng này là đối tượng của lộ trình tâm lúc lâm chung (maraṇāsannavīthicitta).

    Đồ Biểu Ngũ Môn Cận Tử Lộ Trình Tâm

    (Lộ trình tâm lúc lâm chung theo 5 giác quan:

    Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân)



    Ngũ môn cận tử lộ trình tâm khi chết và tái sinh kiếp sau:

    1. Bhavaṅgacitta: Tâm hộ kiếp viết tắt (bha)

    2. Atītabhavaṅgacitta: Tâm hộ kiếp quá khứ vt (ati)

    3. Bhavaṅgacalana: Tâm hộ kiếp rung động vt (na)

    4. Bhavaṅgupaccheda: Tâm hộ kiếp bị cắt vt (da)

    5. Pañcadvāravajjanacitta: Ngũ môn hướng tâm vt (pañ)

    6. Pañcaviññāṇacitta: Ngũ thức tâm:

    (nhãn thức tâm, nhĩ thức

    tâm, tỷ thức tâm, thiệt thức

    tâm, thân thức tâm) vt (viñ)

    7. Sampaticchanacitta: Tâm tiếp nhận vt (sam)

    8. Santīraṇacitta: Suy xét tâm vt (san)

    9. Voṭṭhabbanacitta: Tâm quyết định vt (vot)

    10. Javanacitta: Tâm tác hành vt (ja)

    11. Tadārammaṇacitta: Tâm tiếp đối tượng vt (ta)

    12. Cuticitta: Tâm tử (kiếp hiện tại) vt (cu)

    13. Paṭisandhicitta: Tâm tái sinh (kiếp sau) vt (paṭi)

    14. Bhavaṅgacitta: Tâm hộ kiếp vt (bha)

    Đồ Biểu Ý Môn Cận Tử Lộ Trình Tâm



    (Những chữ viết tắt giống đồ biểu ngũ môn cận tử lộ trình tâm, chỉ còn Manodvārāvajjanacitta: Ý môn hướng tâm, viết tắt (ma)).

    Kiếp hiện tại tử - kiếp sau sinh không có khoảng cách thời gian chờ đợi

    Qua cận tử lộ trình tâm (maraṇāsannavīthicitta) đối với tất cả chúng sinh, đến khi cuticitta: Tâm tử diệt (chết), liền tiếp theo sau paṭisandhicitta: Tâm tái sinh sinh, không có khoảng cách thời gian chờ đợi.

    − Cuticitta: Tâm tử (chết) là quả tâm cuối cùng của mỗi kiếp chúng sinh diệt, ở đây có nghĩa là tử (chết), chấm dứt kiếp hiện tại của một chúng sinh nói chung.

    − Paṭisandhicitta: Tâm tái sinh là quả tâm đầu tiên của mỗi kiếp chúng sinh sinh, ở đây có nghĩa là sự bắt đầu một kiếp hiện tại của mỗi chúng sinh nói chung.

    Tâm tái sinh là quả tâm làm phận sự tái sinh kiếp sau của tất cả chúng sinh, gồm có 19 quả tâm:

    * 19 quả tâm làm phận sự tái sinh (paṭisandhikicca)

    - 1 suy xét tâm hợp với thọ xả thuộc bất thiện quả vô nhân tâm là quả tâm của 11 bất thiện tâm (không có tâm si hợp với phóng tâm), làm phận sự tái sinh trong 4 cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh.

    - 1 suy xét tâm hợp với thọ xả thuộc thiện quả vô nhân tâm là quả tâm của 8 dục giới đại thiện tâm ít năng lực làm phận sự tái sinh trong cõi thiện dục giới: Cõi người và một số cõi trời dục giới thuộc hạng chúng sinh vô nhân như đui mù, câm điếc, tật nguyền từ khi tái sinh.

    - 8 dục giới đại quả tâm là quả tâm của 8 dục giới đại thiện tâm nhiều năng lực, làm phận sự tái sinh trong cõi thiện dục giới: Cõi người và 6 cõi trời dục giới, thuộc hạng chúng sinh tam nhân và nhị nhân.

    - 5 sắc giới quả tâm là quả tâm của 5 bậc thiền sắc giới thiện tâm, làm phận sự tái sinh (hóa sinh) làm Phạm thiên trong 15 cõi trời sắc giới.

    - 4 vô sắc giới quả tâm là quả tâm của 4 bậc thiền vô sắc giới thiện tâm, làm phận sự tái sinh (hóa sinh) làm Phạm thiên trong 4 cõi trời vô sắc giới.

    * 19 quả tâm làm phận sự hộ kiếp (bhavaṅgakicca)

    Trong 19 quả tâm này, sau khi quả tâm nào đã làm xong phận sự tái sinh xong, rồi chính quả tâm ấy lại tiếp tục làm phận sự hộ kiếp (bhavaṅgakicca) hộ trì, giữ gìn, duy trì kiếp chúng sinh ấy cho đến hết tuổi thọ của chúng sinh ấy tại nơi cõi giới ấy.

    * 19 quả tâm làm phận sự tử (cutikicca) (chết)

    Trong 19 quả tâm này, sau khi quả tâm nào đã làm xong phận sự tái sinh (paṭisandhikicca) xong, rồi chính quả tâm ấy lại tiếp tục làm phận sự hộ kiếp (bhavaṅgakicca) giữ gìn, duy trì kiếp chúng sinh ấy cho đến hết tuổi thọ của chúng sinh tại nơi cõi giới ấy, và cuối cùng cũng chính quả tâm ấy làm phận sự tử (cutikicca) (chết) chấm dứt kiếp của chúng sinh tại nơi cõi giới ấy.

    Như vậy, mỗi chúng sinh bắt đầu với một quả tâm nào làm phận sự tái sinh (paṭisandhikicca) chỉ có 1 sát-na tâm sinh bắt đầu kiếp hiện tại rồi diệt, tiếp theo cũng quả tâm ấy làm phận sự hộ kiếp (bhavaṅgakicca) giữ gìn, duy trì kiếp hiện tại theo tuổi thọ hoặc theo nghiệp hỗ trợ của chúng sinh ấy cho đến hết tuổi thọ, rồi cuối cùng của kiếp hiện tại cũng chính quả tâm ấy làm phận sự tử (cutikicca) (chết) chấm dứt kiếp hiện tại của một chúng sinh.

    Mỗi kiếp chúng sinh chỉ có 1 quả tâm làm phận sự tái sinh, rồi làm phận sự hộ kiếp và cuối cùng phận sự tử cùng trong một kiếp mà thôi.

    Nếu mỗi chúng sinh đã trải qua vòng tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài, từ kiếp này đến kiếp khác, thì chắc chắn tâm tử của kiếp này khác với tâm tái sinh của kiếp khác. Bởi vì do thiện nghiệp, bất thiện nghiệp (ác nghiệp) khác nhau, nên cho quả tâm khác nhau.



    Theo cận tử lộ trình tâm của mỗi kiếp chúng sinh, thì thấy rõ rằng: “Kiếp này chết rồi liền tái sinh kiếp khác không có khoảng cách thời gian chờ đợi ”.

    Ví dụ 1: Ông A là người phạm giới, không có giới, thường tạo ác nghiệp. Đến lúc lâm chung, hiện tượng của ác nghiệp phát sinh làm cho tâm của ông A bị ô nhiễm. Sau khi ông A chết, nếu ác nghiệp có cơ hội cho quả thì liền tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới như sinh làm loài ngạ quỷ, không có khoảng cách thời gian chờ đợi.

    Như vậy, sau khi ông A chết, chính ác nghiệp của ông A cho quả tái sinh kiếp sau làm loài ngạ quỷ; không phải ông A chết, rồi đi tái sinh làm loài ngạ quỷ.

    Ví dụ 2: Ông B là người cận sự nam đã thọ phép quy y Tam Bảo, thọ trì ngũ giới… có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, giữ gìn giới của mình trong sạch và trọn vẹn, tin nghiệp và quả của nghiệp. Đến lúc lâm chung, hiện tượng của thiện nghiệp phát sinh làm cho tâm của ông hoan hỷ trong thiện nghiệp ấy. Cho nên, sau khi ông B chết, thiện nghiệp có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau trong cõi thiện dục giới: Hoá sinh làm vị thiên nam trong cõi trời dục giới, có lâu đài nguy nga, có hào quang sáng ngời v.v…, không có khoảng cách thời gian chờ đợi.

    Như vậy, sau khi ông B chết, chính thiện nghiệp của ông B cho quả tái sinh kiếp sau làm vị thiên nam; không phải ông B chết, rồi đi tái sinh làm vị thiên nam.

    Thực ra, trong vòng tử sinh luân hồi của mỗi chúng sinh trong ba giới bốn loài, từ kiếp này sang kiếp khác có quan hệ liên đới với nhau bằng thiện nghiệp, ác nghiệp của mỗi chúng sinh ấy; tất cả mọi thiện nghiệp, ác nghiệp dù nhẹ dù nặng cũng được tích lũy đầy đủ ở trong tâm, mà tâm thì luôn luôn sinh rồi diệt liên tục không ngừng, từ kiếp này sang kiếp khác trong vòng tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

    Thật vậy, Chư Đức Bồ Tát có nguyện vọng muốn trở thành bậc Thánh Thanh Văn Giác hạng thường, hoặc trở thành bậc Thánh Đại Thanh Văn Giác, hoặc trở thành bậc Thánh Tối Thượng Thanh Văn Giác, hoặc trở thành Đức Phật Độc Giác, hoặc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác; tất cả Chư Đức Bồ Tát ấy đều cần phải cố gắng tinh tấn không ngừng tạo các pháp hạnh ba-la-mật cho được đầy đủ trọn vẹn, thì mới mong thành tựu được như ý nguyện của mình.

    Ví như:

    * Đức Bồ Tát Thanh Văn Giác hạng thường cần phải cố gắng tinh tấn không ngừng tạo 10 pháp hạnh ba-la-mật suốt khoảng thời gian dưới 100 ngàn đại kiếp trái đất, trải qua vô số kiếp tích lũy 10 pháp hạnh ba-la-mật suốt trong vòng tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

    Đến khi 10 pháp hạnh ba-la-mật được tích lũy đầy đủ và trọn vẹn, Đức Bồ Tát Thanh Văn sinh ra gặp thời kỳ Đức Phật Chánh Đẳng Giác xuất hiện trên thế gian, hoặc được nghe giáo pháp của Đức Phật, Đức Bồ Tát Thanh Văn Giác ấy có khả năng chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn trở thành bậc Thánh Arahán được thành tựu đúng theo nguyện vọng của Ngài.

    Cũng tương tự như vậy:

    * Đức Bồ Tát Đại Thanh Văn Giác cần phải cố gắng tinh tấn không ngừng tạo 10 pháp hạnh ba-la-mật suốt khoảng thời gian tròn đủ 100 ngàn đại kiếp trái đất, trải qua vô số kiếp tích lũy 10 pháp hạnh ba-la-mật suốt trong vòng tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

    Đến khi 10 pháp hạnh ba-la-mật được tích lũy đầy đủ và trọn vẹn, Đức Bồ Tát Đại Thanh Văn Giác ấy trực tiếp đến hầu Đức Phật Chánh Đẳng Giác, lắng nghe chánh pháp liền chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn trở thành bậc Thánh Arahán và được Đức Phật tuyên dương là bậc Thánh Đại Thanh Văn đúng theo nguyện vọng của Ngài từ trước.

    * Đức Bồ Tát Tối Thượng Thanh Văn Giác cần phải cố gắng tinh tấn không ngừng tạo 10 pháp hạnh ba-la-mật suốt khoảng thời gian 1 a-tăng-kỳ và đủ 100 ngàn đại kiếp trái đất, trải qua vô số kiếp tích lũy 10 pháp hạnh ba-la-mật suốt trong vòng tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

    Đến khi 10 pháp hạnh ba-la-mật được tích lũy đầy đủ và trọn vẹn, Đức Bồ Tát Tối Thượng Thanh Văn Giác ấy chắc chắn trực tiếp đến hầu Đức Phật Chánh Đẳng Giác, lắng nghe chánh pháp liền chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn trở thành bậc Thánh Arahán và được Đức Phật tuyên dương là bậc Thánh Tối Thượng Thanh Văn Giác đúng theo nguyện vọng của Ngài từ trước.

    Mỗi Đức Phật chỉ có 2 Vị Thánh Tối Thượng Thanh Văn đệ tử.

    * Đức Bồ Tát Độc Giác cần phải cố gắng tinh tấn không ngừng tạo 20 pháp hạnh ba-la-mật: 10 pháp hạnh ba-la-mật bậc hạ và 10 pháp hạnh ba-la-mật bậc trung suốt khoảng thời gian 2 a-tăng-kỳ và đủ 100 ngàn đại kiếp trái đất, trải qua vô số kiếp tích lũy 20 pháp hạnh ba-la-mật suốt trong vòng tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

    Đến khi 20 pháp hạnh ba-la-mật được tích lũy đầy đủ trọn vẹn, Đức Bồ Tát Độc Giác sinh ra trong thời kỳ không có Đức Phật Chánh Đẳng Giác xuất hiện trên thế gian. Đức Bồ Tát Độc Giác đi xuất gia, không có thầy chỉ giáo, tự mình có khả năng chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn trở thành bậc Thánh Arahán đồng thời là Đức Phật Độc Giác, đúng theo nguyện vọng của Ngài từ trước.

    Đức Phật Độc Giác có thể có nhiều Vị cùng xuất hiện trên thế gian.

    * Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác có trí tuệ ưu việt (hơn đức tin và tinh tấn) như Đức Bồ Tát tiền kiếp của Đức Phật Gotama của chúng ta, cần phải cố gắng tinh tấn không ngừng tạo 30 pháp hạnh ba-la-mật: 10 pháp hạnh ba-la-mật bậc hạ và 10 pháp hạnh ba-la-mật bậc trung và 10 pháp hạnh ba-la-mật bậc thượng trải qua 3 thời kỳ.

    - Thời kỳ đầu: Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác phát nguyện ở trong tâm có ý nguyện muốn trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác suốt 7 a-tăng-kỳ tạo các pháp hạnh ba-la-mật.

    - Thời kỳ giữa: Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác phát nguyện ra bằng lời nói để cho chúng sinh nghe hiểu rõ ý nguyện muốn trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác của Ngài suốt 9 a-tăng-kỳ tạo các pháp hạnh ba-la-mật.

    - Thời kỳ cuối: Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác được Đức Phật Chánh Đẳng Giác thọ ký xác định thời gian còn lại 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác.

    Trong suốt khoảng thời gian này, Đức Bồ Tát đã trải qua vô số kiếp tích lũy 30 pháp hạnh ba-la-mật suốt trong vòng tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

    Đến khi 30 pháp hạnh ba-la-mật được tích lũy đầy đủ trọn vẹn, vào thời kỳ tuổi thọ của con người ở khoảng 100 năm, Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác sinh ra tại cõi người, Ngài đi xuất gia không có thầy chỉ giáo, tự mình chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn trở thành bậc Thánh Arahán đầu tiên độc nhất vô nhị trên toàn cõi thế giới chúng sinh. Ngài là Đức Phật Chánh Đẳng Giác có danh hiệu Đức Phật Gotama thuyết pháp tế độ chúng sinh cùng chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn trở thành bậc Thánh Arahán y theo Ngài.

    Chư Đức Bồ Tát (Bodhisatta) là những chúng sinh có trí tuệ, có mục đích cứu cánh cuối cùng. Khi Đức Bồ Tát chưa đạt đến mục đích cứu cánh cuối cùng, thì quý Ngài vẫn còn phải tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài. Mỗi kiếp của quý Ngài cố gắng tinh tấn tạo các pháp hạnh ba-la-mật, đó là thiện nghiệp được tích lũy từ kiếp này sang kiếp khác, cho đến khi được đầy đủ trọn vẹn các pháp hạnh ba-la-mật, để đạt đến mục đích cứu cánh cuối cùng là Niết Bàn giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

    Mỗi chúng sinh khác không phải là Đức Bồ Tát, cũng không có mục đích cứu cánh cuối cùng là Niết Bàn, thì sự tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài từ vô thủy cho đến vô chung. Trong mỗi kiếp đã tạo các thiện nghiệp, các ác nghiệp rồi lại tích lũy các thiện nghiệp, các ác nghiệp ấy, và quả của các thiện nghiệp, quả của các ác nghiệp, kéo dài tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài đến vô chung.

    Trong vô số kiếp tử sinh luân hồi của mỗi chúng sinh từ kiếp này sang kiếp khác chỉ có quan hệ liên đới với nhau bằng thiện nghiệp, ác nghiệp mà thôi, hoàn toàn không liên quan đến thân xác.

    * Tử sinh luân hồi

    Tử là chết, kiếp hiện tại diệt, sinh là tái sinh, kiếp sau sinh; hay kiếp trước diệt, kiếp sau sinh liền với nhau không có khoảng cách thời gian chờ đợi và cứ tiếp tục như vậy gọi là tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

    * Ba Giới: Dục giới, sắc giới, vô sắc giới.

    – Dục giới có 11 cõi

    – Sắc giới có 16 cõi

    – Vô sắc giới có 4 cõi

    Tam giới gồm có 31 cõi là nơi tạm trú của chúng sinh.

    11 Cõi Dục Giới

    * 4 cõi ác giới:

    Bất thiện nghiệp (ác nghiệp) có 12 loại, chỉ có 11 bất thiện nghiệp (ác nghiệp) (không có ác nghiệp trong tâm si hợp với phóng tâm) có khả năng sinh quả tái sinh kiếp sau trong 4 cõi ác giới mà thôi. Đó là:

    - Cõi địa ngục có tuổi thọ không nhất định.

    - Cõi atula có tuổi thọ không nhất định.

    - Cõi ngạ quỷ có tuổi thọ không nhất định.

    - Cõi súc sinh có tuổi thọ không nhất định.

    * 7 cõi thiện dục giới:

    Dục giới đại thiện nghiệp có 8 loại có khả năng cho quả tái sinh kiếp sau trong 7 cõi thiện dục giới, tùy theo năng lực của thiện nghiệp ấy, 7 cõi thiện dục giới đó là:

    - Cõi người có tuổi thọ không nhất định.

    - Cõi trời Tứ Đại Thiên Vương có tuổi thọ 500 tuổi trời, bằng 9 triệu năm cõi người (bởi vì 1 ngày 1 đêm ở cõi trời này bằng 50 năm cõi người).

    - Cõi trời Tam Thập Tam Thiên có tuổi thọ 1.000 tuổi trời, bằng 36 triệu năm cõi người (bởi vì 1 ngày 1 đêm ở cõi trời này bằng 100 năm cõi người).

    - Cõi trời Dạ Ma Thiên có tuổi thọ 2.000 tuổi trời, bằng 144 triệu năm cõi người (bởi vì 1 ngày 1 đêm ở cõi trời này bằng 200 năm cõi người).

    - Cõi trời Đấu Xuất Đà Thiên có tuổi thọ 4.000 tuổi trời, bằng 576 triệu năm cõi người (bởi vì 1 ngày 1 đêm ở cõi trời này bằng 400 năm cõi người).

    - Cõi trời Hóa Lạc Thiên có tuổi thọ 8.000 tuổi trời, bằng 2.304 triệu năm cõi người (bởi vì 1 ngày 1 đêm ở cõi trời này bằng 800 năm cõi người).

    - Cõi trời Tha Hóa Tự Tại Thiên có tuổi thọ 16.000 tuổi trời, bằng 9.216 triệu năm cõi người (bởi vì 1 ngày 1 đêm ở cõi trời này bằng 1.600 năm cõi người)

    16 Cõi Sắc Giới Phạm thiên

    Sắc giới thiện nghiệp có 5 loại trong 5 bậc thiền sắc giới thiện tâm. Trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, thiện nghiệp trong 5 bậc thiền sắc giới thiện tâm sinh quả là 4 bậc thiền sắc giới quả tâm làm phận sự tái sinh trong 15 cõi sắc giới phạm thiên như sau:

    * 3 cõi đệ nhất thiền sắc giới:

    Thiện nghiệp trong đệ nhất thiền sắc giới thiện tâm sinh quả là đệ nhất thiền sắc giới quả tâm làm phận sự tái sinh kiếp sau vào 1 trong 3 cõi, tùy theo năng lực của bậc thiền. 3 cõi đệ nhất thiền sắc giới phạm thiên là:

    - Cõi Phạm Chúng Thiên có tuổi thọ 1/3 a-tăng-kỳ kiếp trụ.

    - Cõi Phạm Phụ Thiên có tuổi thọ 1/2 a-tăng-kỳ kiếp trụ.

    - Cõi Đại Phạm thiên có tuổi thọ 1 a-tăng-kỳ kiếp trụ.

    * 3 cõi đệ nhị thiền sắc giới:

    Thiện nghiệp trong đệ nhị thiền sắc giới thiện tâm và đệ tam thiền sắc giới thiện tâm sinh quả là đệ nhị thiền sắc giới quả tâm làm phận sự tái sinh kiếp sau vào 1 trong 3 cõi, tùy theo năng lực của bậc thiền. 3 cõi sắc giới phạm thiên đó là:

    - Cõi Thiểu Quang Thiên có tuổi thọ 2 đại kiếp.

    - Cõi Vô Lượng Quang Thiên có tuổi thọ 4 đại kiếp.

    - Cõi Quang Âm Thiên có tuổi thọ 8 đại kiếp.

    * 3 cõi đệ tam thiền sắc giới:

    Thiện nghiệp trong đệ tứ thiền sắc giới thiện tâm sinh quả là đệ tam thiền sắc giới quả tâm làm phận sự tái sinh kiếp sau vào 1 trong 3 cõi, tùy theo năng lực của bậc thiền. 3 cõi sắc giới phạm thiên là:

    - Cõi Thiểu Tịnh Thiên có tuổi thọ 16 đại kiếp.

    - Cõi Vô Lượng Tịnh Thiên có tuổi thọ 32 đại kiếp.

    - Cõi Biến Tịnh Thiên có tuổi thọ 64 đại kiếp.

    * 7 cõi đệ tứ thiền sắc giới:

    Thiện nghiệp trong đệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm sinh quả là đệ tứ thiền sắc giới quả tâm làm phận sự tái sinh kiếp sau vào 1 trong 6 cõi, tùy theo năng lực của bậc thiền và hành giả. 7 cõi sắc giới phạm thiên là:

    - Cõi Quảng Quả Thiên có tuổi thọ 500 đại kiếp.

    - Riêng cõi Vô Tưởng Thiên có tuổi thọ cũng 500 đại kiếp, mà được tái sinh lên cõi trời sắc giới này không phải do đệ tứ thiền sắc giới quả tâm, mà tái sinh bằng nhóm sắc pháp gọi là jīvitanavakakalāpa.

    - Cõi Phước Sinh Thiên có 5 cõi dành riêng cho bậc Thánh Bất Lai chứng đắc đệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm sinh quả là đệ tứ thiền sắc giới quả tâm, làm phận sự tái sinh trong 5 cõi Phước Sinh Thiên:

    + Cõi Vô Phiền Thiên có tuổi thọ 1.000 đại kiếp.

    + Cõi Vô Nhiệt Thiên có tuổi thọ 2.000 đại kiếp.

    + Cõi Thiện Hiện Thiên có tuổi thọ 4.000 đại kiếp.

    + Cõi Thiện Kiến Thiên có tuổi thọ 8.000 đại kiếp.

    + Cõi Sắc Cứu Cánh Thiên có tuổi thọ 16.000 đại kiếp.

    4 Cõi Vô Sắc Giới Phạm Thiên

    Vô sắc giới thiện nghiệp có 4 loại trong 4 bậc thiền vô sắc giới thiện tâm. Thiện nghiệp trong mỗi bậc thiền vô sắc giới thiện tâm sinh quả là mỗi bậc thiền vô sắc giới quả tâm làm phận sự tái sinh kiếp sau trong mỗi cõi vô sắc giới riêng biệt. 4 cõi vô sắc giới phạm thiên là:

    - Thiện nghiệp trong đệ nhất thiền vô sắc giới thiện tâm gọi là không vô biên xứ thiền thiện tâm sinh quả là không vô biên xứ thiền quả tâm làm phận sự tái sinh trong cõi Không Vô Biên Xứ Thiên có tuổi thọ 20.000 đại kiếp.

    - Thiện nghiệp trong đệ nhị thiền vô sắc giới thiện tâm gọi là thức vô biên xứ thiền thiện tâm sinh quả là thức vô biên xứ thiền quả tâm làm phận sự tái sinh trong cõi Thức Vô Biên Xứ Thiên có tuổi thọ 40.000 đại kiếp.

    - Thiện nghiệp trong đệ tam thiền vô sắc giới thiện tâm gọi là vô sở hữu xứ thiền thiện tâm sinh quả là vô sở hữu xứ thiền quả tâm làm phận sự tái sinh trong cõi Vô Sở Hữu Xứ Thiên có tuổi thọ 60.000 đại kiếp.

    - Thiện nghiệp trong đệ tứ thiền vô sắc giới thiện tâm gọi là phi tưởng phi phi tưởng xứ thiền thiện tâm sinh quả là phi tưởng phi phi tưởng xứ thiền quả tâm làm phận sự tái sinh trong cõi Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Thiên có tuổi thọ 84.000 đại kiếp lâu dài nhất trong tam giới.

    Tam giới gồm có 31 cõi.

    1 tiểu thế giới gồm có 31.000 cõi.

    1 trung thế giới gồm có 31 triệu cõi.

    1 đại thế giới có 31.000 tỷ cõi.

    * Bốn Loài: Thai sinh, noãn sinh, thấp sinh, hóa sinh.

    – Loài thai sinh là chúng sinh tái sinh trong thai của mẹ như loài người, loài gia súc: Trâu, bò, chó, mèo,…

    – Loài noãn thai là chúng sinh trong trứng rồi từ trứng nở ra con như: Gà, vịt, chim,…

    – Loài thấp sinh là chúng sinh sinh nơi ẩm thấp, dưới đất, vũng nước như: Giun, sán, dòi,…

    Ba loài chúng sinh này sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu rồi theo thời gian dần dần tăng trưởng lớn lên.

    – Loài hóa sinh là chúng sinh hóa ra thân hình có đầy đủ các bộ phận ngay tức khắc, mà không chờ đợi thời gian tăng trưởng như:

    + Con người đầu tiên hiện ra trên trái đất (không có cha mẹ).

    + Chư thiên trong 6 cõi trời dục giới.

    + Chư Phạm thiên trong 16 cõi trời sắc giới và 4 cõi trời vô sắc giới.

    + Chúng sinh trong các cõi địa ngục.

    + Chúng sinh là loài atula.

    + Chúng sinh là loài ngạ quỷ.

    Tất cả các loài chúng sinh này đều thuộc loài hóa sinh.

    Chúng sinh hễ còn có vô minh như người mù, có tham ái như những sợi dây cột siết vào cổ, thì nghiệp như người dẫn dắt mới có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau trong ba giới bốn loài.

    Chúng sinh sinh làm loài nào, trong cõi nào, hoàn toàn chỉ tùy thuộc vào nghiệp và quả của nghiệp của chúng sinh ấy mà thôi.

    * Chúng sinh ngay sau khi chết, nếu bất thiện nghiệp (ác nghiệp) có cơ hội sinh quả thì liền tái sinh trong cõi ác giới như địa ngục, hoặc atula, hoặc ngạ quỷ, hoặc súc sinh, tùy theo năng lực của ác nghiệp và quả của ác nghiệp, không có thời gian khoảng cách chờ đợi.

    * Chúng sinh ngay sau khi chết, nếu thiện nghiệp có cơ hội sinh quả, thì liền tái sinh trong cõi thiện dục giới như cõi người hoặc 6 cõi trời dục giới, hoặc 16 cõi trời sắc giới, hoặc 4 cõi trời vô sắc giới, tùy theo năng lực của thiện nghiệp và quả của thiện nghiệp, không có thời gian khoảng cách chờ đợi.

    Đối với những chúng sinh là những hạng phàm nhân trong ba giới bốn loài, vẫn còn nguyên tham ái chưa diệt đoạn tuyệt được, thì tử sinh luân hồi vô số kiếp từ vô thủy không sao kể được và còn tiếp tục tử sinh luân hồi đến vô chung, tùy theo nghiệp của mình đã tạo trong kiếp hiện tại hoặc trong những kiếp quá khứ, sinh quả tái sinh kiếp sau.

    Đối với ba bậc Thánh hữu học là bậc Thánh Nhập Lưu, bậc Thánh Nhất Lai và bậc Thánh Bất Lai, quý Ngài đã diệt đoạn tuyệt được một phần tham ái, còn lại một phần, nên vẫn còn tử sinh luân hồi, nhưng số kiếp tái sinh được hạn chế còn lại như sau:

    − Chư bậc Thánh Nhập Lưu còn phải tử sinh luân hồi trong cõi thiện dục giới từ 1 kiếp cho đến nhiều nhất là 7 kiếp, rồi chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh Arahán tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

    − Chư bậc Thánh Nhất Lai chỉ còn tái sinh một kiếp nữa, chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh Arahán tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

    − Chư bậc Thánh Bất Lai không còn trở lại cõi dục giới mà chỉ tái sinh lên cõi trời sắc giới phạm thiên, rồi sẽ trở thành bậc Thánh Arahán, tịch diệt Niết Bàn tại cõi trời sắc giới ấy, chấm dứt tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

    − Chư bậc Thánh Arahán đã diệt đoạn tuyệt mọi tham ái không còn dư sót, cho nên, ngay trong kiếp hiện tại đến khi hết tuổi thọ đồng thời quý Ngài tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

    Bậc Thánh Arahán tịch diệt Niết Bàn, không còn tái sinh kiếp sau nữa là do không còn tham ái, chứ không phải do không còn nghiệp.

    Khi bậc Thánh Arahán tịch diệt Niết Bàn, đồng thời tất cả thiện nghiệp và bất thiện nghiệp (ác nghiệp), đã từng được tích lũy trong vô số kiếp từ vô thủy cho đến trước khi chứng đắc thành bậc Thánh Arahán, tất cả mọi nghiệp ấy đều trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma), không còn có khả năng sinh quả tái sinh kiếp sau nữa.

    Những Trường Hợp Tử (Cuti) và Tái Sinh (Paṭisandhi)

    Vấn: Một chúng sinh đầu thai trong tử cung của mẹ (là người hoặc loài gia súc, gia cầm), nếu chúng sinh ấy bị chết trong bụng mẹ do bởi một nguyên nhân nào đó, thì nghiệp nào sinh quả tái sinh kiếp sau?

    Đáp: Chúng sinh bị chết trong tử cung của mẹ (là người hoặc loài gia súc, gia cầm) nghĩa là trong kiếp hiện tại, chúng sinh ấy chưa tạo nghiệp. Như vậy, sau khi chúng sinh ấy chết, thiện nghiệp hoặc bất thiện nghiệp (ác nghiệp) mà chúng sinh ấy đã từng tạo trong những kiếp quá khứ sinh quả là quả tâm làm phận sự sinh quả tái sinh kiếp sau.

    - Nếu dục giới thiện nghiệp nào trong dục giới đại thiện tâm làm phận sự sinh quả là dục giới đại quả tâm làm phận sự tái sinh kiếp sau, thì sẽ sinh làm người trong cõi người, hoặc sinh làm chư thiên trong 6 cõi trời dục giới, tùy theo năng lực quả của thiện nghiệp ấy, mà chúng sinh ấy đã từng tạo trong những kiếp quá khứ.

    - Nếu bất thiện nghiệp (ác nghiệp) nào trong bất thiện tâm làm phận sự sinh quả là suy xét tâm hợp với thọ xả thuộc bất thiện quả vô nhân tâm làm phận sự tái sinh kiếp sau, thì sẽ sinh làm chúng sinh trong cõi địa ngục, hoặc loài atula, hoặc loài ngạ quỷ, hoặc loài súc sinh, tùy theo năng lực quả của bất thiện nghiệp (ác nghiệp) ấy, mà chúng sinh ấy đã từng tạo trong những kiếp quá khứ.

    Vấn: Chúng sinh vừa mới sinh ra đời trong thời gian ngắn ngủi rồi chết, thì nghiệp nào sinh quả tái sinh kiếp sau?

    Đáp: Chúng sinh vừa mới sinh ra đời trong thời gian ngắn ngủi rồi chết, trong kiếp hiện tại chúng sinh ấy chưa tạo nghiệp, sau khi chúng sinh ấy chết, bất thiện nghiệp hoặc thiện nghiệp mà chúng sinh ấy đã từng tạo trong những kiếp quá khứ có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau.

    Nếu thiện nghiệp nào trong dục giới đại thiện tâm làm phận sự sinh quả là dục giới đại quả tâm làm phận sự tái sinh kiếp sau, thì sẽ sinh làm người trong cõi người hoặc làm chư thiên trong 6 cõi trời dục giới, thuộc loài chúng sinh nào hoàn toàn tùy thuộc vào năng lực quả của thiện nghiệp ấy, mà chúng sinh ấy đã từng tạo trong những kiếp quá khứ.

    - Nếu bất thiện nghiệp nào trong bất thiện tâm làm phận sự sinh quả là suy xét tâm hợp với thọ xả thuộc bất thiện quả vô nhân tâm làm phận sự tái sinh kiếp sau, thì sẽ sinh làm loài chúng sinh trong cõi địa ngục, hoặc làm loài atula, hoặc loài ngạ quỷ, hoặc loài súc sinh, thuộc loài chúng sinh nào hoàn toàn tùy thuộc vào năng lực quả của bất thiện nghiệp ấy, mà chúng sinh ấy đã từng tạo trong những kiếp quá khứ.

    Vấn: Chư thiên trong cõi trời dục giới, sau khi chết từ cõi trời ấy rồi sẽ tái sinh kiếp sau như thế nào?

    Đáp: Chư thiên tái sinh trong 6 cõi trời dục giới do quả của dục giới đại thiện nghiệp. Chư thiên trong mỗi tầng trời có tuổi thọ khác nhau như sau:

    - Chư thiên trong tầng trời Tứ Đại Thiên Vương có tuổi thọ 500 tuổi trời, bằng 9 triệu năm cõi người.

    - Chư thiên trong tầng trời Tam Thập Tam Thiên có tuổi thọ 1.000 tuổi trời, bằng 36 triệu năm cõi người.

    - Chư thiên trong tầng trời Dạ Ma Thiên có tuổi thọ 2.000 tuổi trời, bằng 144 triệu năm cõi người.

    - Chư thiên trong tầng trời Đấu Xuất Đà Thiên có tuổi thọ 4.000 tuổi trời, bằng 576 triệu năm cõi người.

    - Chư thiên trong tầng trời Hoá Lạc Thiên có tuổi thọ 8.000 tuổi trời, bằng 2.304 triệu năm cõi người.

    - Chư thiên trong tầng trời Tha Hoá Tự Tại Thiên có tuổi thọ 16.000 tuổi trời, bằng 9.216 triệu năm cõi người.

    Đến khi hết tuổi thọ, chư thiên trong mỗi tầng trời đều phải chết từ bỏ cõi trời ấy. Sau khi chết chư thiên ấy:

    - Nếu thiện nghiệp đã từng được tạo trong những kiếp quá khứ hoặc kiếp hiện tại còn có nhiều năng lực có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau, thì sẽ sinh trở lại tầng trời cũ, hoặc tầng trời cao hơn tầng trời cũ, hoặc tầng trời thấp hơn tầng trời cũ, hoặc tái sinh xuống cõi người, tùy theo năng lực quả của thiện nghiệp của vị chư thiên ấy.

    - Nếu thiện nghiệp không có cơ hội sinh quả, mà ác nghiệp có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau, thì sẽ sinh trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh).

    Vấn: Chư Phạm thiên trong các tầng trời sắc giới, hoặc tầng trời vô sắc giới, khi hết tuổi thọ tại cõi trời sắc giới, vô sắc giới rồi thì tái sinh kiếp sau như thế nào?

    Đáp: Chư Phạm thiên sinh trong 16 cõi trời sắc giới, hoặc 4 cõi trời vô sắc giới do quả của sắc giới thiện nghiệp, quả của vô sắc giới thiện nghiệp, tùy theo bậc thiền sở đắc của mỗi vị Phạm thiên.

    Trong 15 tầng trời cõi sắc giới (trừ tầng Vô Tưởng Thiên) từ thấp đến cao tột đỉnh, chư Phạm thiên ở trong mỗi tầng trời sắc giới có tuổi thọ mà thời gian kể bằng đại kiếp trái đất (không thể đếm bằng số) lâu dài khác nhau theo mỗi tầng trời sắc giới ấy. Nhưng đến khi vị Phạm thiên ấy hết tuổi thọ (chết) trong cõi trời sắc giới ấy, phải tái sinh kiếp sau như sau:

    - Nếu vị Phạm thiên nào trong cõi trời sắc giới ấy hưởng quả của bậc thiền cũ (kiếp trước), đồng thời thực hành thiền định chứng đắc được bậc thiền mới (trong kiếp hiện tại) ngang bằng, hoặc thấp, hoặc cao hơn bậc thiền cũ, thì sau khi vị Phạm thiên ấy chết tại cõi trời sắc giới ấy, bậc thiền mới là thiện nghiệp sinh quả tái sinh kiếp sau trong cõi trời sắc giới cũ, hoặc cõi trời sắc giới thấp hơn, hoặc cõi trời sắc giới cao hơn (cõi trời cũ) tùy theo quả của bậc thiền sở đắc của vị Phạm thiên ấy.

    - Nếu vị Phạm thiên nào trong cõi sắc giới ấy chỉ hưởng quả của bậc thiền cũ (kiếp trước) mà không thực hành thiền định, không chứng đắc bậc thiền nào, thì sau khi vị Phạm thiên ấy chết, dục giới đại thiện nghiệp nào trong những kiếp quá khứ làm phận sự sinh quả tái sinh kiếp sau trong cõi thiện dục giới : Cõi người hoặc cõi trời dục giới.

    * Trong cõi trời Vô Tưởng Thiên, vị Phạm thiên tái sinh lên cõi trời sắc giới này do năng lực của đệ tứ thiền thiện nghiệp cho quả là nhóm 9 sắc pháp có sắc mạng chủ là chính (jīvitanavakakalāpa) làm phận sự tái sinh trong cõi Vô Tưởng Thiên này. Do đó, chư Phạm thiên trong cõi trời vô tưởng này không có tâm mà chỉ có thân là sắc pháp (sắc uẩn) mà thôi. Chư Phạm thiên cõi vô tưởng này có 3 oai nghi: Một số trong oai nghi ngồi, một số trong oai nghi nằm, một số trong oai nghi đứng, có tuổi thọ suốt 500 đại kiếp trái đất. Nhưng đến khi vị Phạm thiên cõi vô tưởng (không tâm) này hết tuổi thọ (chết), sau khi chết, dục giới đại thiện nghiệp đã từng tạo trong kiếp quá khứ kể từ kiếp thứ 3 trở về trước làm phận sự sinh quả tái sinh kiếp sau trong cõi thiện dục giới (cõi người và 6 cõi trời dục giới).

    * Trong 4 cõi trời vô sắc, chư Phạm thiên ở trong 4 cõi trời vô sắc giới này, chỉ có 4 danh uẩn (thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn) mà thôi, không có sắc uẩn (không có thân). Đó là quả của 4 bậc thiền vô sắc là vô sắc giới thiện nghiệp.

    Chư Phạm thiên ở trong 4 cõi trời vô sắc từ thấp cho đến cao tột đỉnh có tuổi thọ, thời gian kể bằng đại kiếp trái đất (không thể đếm bằng số) lâu dài khác nhau tùy theo mỗi tầng trời. Nhưng đến khi vị Phạm thiên ấy hết tuổi thọ (chết) trong cõi trời ấy, phải tái sinh kiếp sau như sau:

    − Vị Phạm thiên ở cõi Không Vô Biên Xứ Thiên, cõi Thức Vô Biên Xứ Thiên và cõi Vô Sở Hữu Xứ Thiên hưởng quả của bậc thiền cũ (kiếp trước) đồng thời thực hành thiền định có khả năng chứng đắc bậc thiền mới (kiếp hiện tại) ngang bằng với bậc thiền cũ hoặc cao hơn bậc thiền cũ, mà không thể chứng đắc bậc thiền thấp hơn bậc thiền cũ (vì không có đối tượng thiền định). Sau khi vị Phạm thiên ấy chết, bậc thiền vô sắc ấy là vô sắc giới thiện nghiệp làm phận sự sinh quả tái sinh kiếp sau trong tầng trời vô sắc cũ hoặc tầng trời vô sắc cao hơn (không thể trong tầng trời thấp hơn tầng trời cũ).

    − Vị Phạm thiên ở trong cõi trời vô sắc cao tột đỉnh là tầng trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Thiên có tuổi thọ 84.000 đại kiếp trái đất, lâu dài nhất. Nhưng đến khi hết tuổi thọ (chết) cũng phải tái sinh kiếp sau.

    Nếu vị Phạm thiên đang hưởng quả trong cõi trời này, có khả năng thực hành thiền định, thì chỉ có thể chứng đắc bậc thiền ngang bằng với bậc thiền cũ (bậc thiền phi tưởng phi phi tưởng xứ thiền) mà thôi, không thể chứng đắc bậc thiền thấp hơn, còn bậc thiền cao hơn bậc thiền cũ thì không có, bởi vì, bậc thiền phi tưởng phi phi tưởng xứ thiền là bậc thiền tột đỉnh trong tam giới. Khi vị Phạm thiên ấy hết tuổi thọ, sau khi chết, thì chỉ có bậc thiền phi tưởng phi phi tưởng xứ thiền làm phận sự sinh quả tái sinh trở lại tầng trời vô sắc cũ tột đỉnh ấy mà thôi.

    Nếu vị Phạm thiên trong cõi vô sắc giới này chỉ hưởng quả của bậc thiền vô sắc cũ (kiếp trước) mà không thực hành thiền định, không chứng đắc bậc thiền nào; sau khi vị Phạm thiên ấy chết, thì dục giới đại thiện nghiệp mà vị Phạm thiên ấy đã từng tạo trong những kiếp quá khứ làm phận sự sinh quả tái sinh xuống cõi thiện dục giới: Cõi người hoặc 6 cõi trời dục giới.

    Tóm lại, tất cả mọi chúng sinh nói chung (chỉ trừ bậc Thánh Arahán) và mỗi cá nhân chúng sinh nói riêng, trong vòng tử sinh luân hồi (vòng luẩn quẩn) sinh rồi tử, tử rồi lại tái sinh do bởi nghiệp và quả của nghiệp chi phối trong ba giới bốn loài. Điều đáng kinh sợ nhất là trong vòng tử sinh luân hồi của mỗi chúng sinh còn có vô minh như người mù và tham ái như sợi dây cột siết cổ, nghiệp như người dẫn dắt luẩn quẩn trong ba giới bốn loài, chắc chắn khó tránh khỏi 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh). Mỗi khi ác nghiệp sinh quả tái sinh vào cõi ác giới nào rồi, thì cũng khó thoát ra khỏi. Nếu có chúng sinh thoát ra khỏi cõi ác giới, thì cũng chỉ có một số ít không đáng kể mà thôi.

    Đức Phật lấy ví dụ:

    “Ngài lấy một ít hạt cát đặt trên đầu móng tay mà dạy với đại ý rằng: Chúng sinh từ cõi địa ngục, cõi atula, cõi ngạ quỷ, cõi súc sinh được thoát ra khỏi cõi ấy, nhờ thiện nghiệp sinh quả tái sinh kiếp sau trở lại làm người, hoặc làm chư thiên trong cõi trời chỉ có số ít như số hạt cát mà Đức Phật đặt trên đầu móng tay mà thôi. Còn các chúng sinh tử sinh luân hồi luẩn quẩn trong 4 cõi ác giới như số hạt cát trên mặt đất này”.

    Điều này đối với mỗi người phàm nhân chúng ta là điều thật đáng kinh sợ!

    Thật vậy, nếu kiếp nào chúng ta cũng được sinh làm người, là người xinh đẹp, giàu sang phú quý, có quyền cao chức trọng… thì có gì phải đáng sợ! Nhưng tất cả những điều tốt lành ấy đâu có phải do ta muốn là được. Sự thật hoàn toàn đều do thiện nghiệp và quả của thiện nghiệp là chính, còn năng lực của con người chỉ là phụ mà thôi.

    Trong vòng tử sinh luân hồi từ kiếp vô thủy cho đến nay, mỗi chúng sinh đều đã từng tạo vô số thiện nghiệp và vô số bất thiện nghiệp (ác nghiệp). Khi thì thiện nghiệp có cơ hội sinh quả của nó, cũng có khi bất thiện nghiệp (ác nghiệp) sinh quả của nó, mà mỗi chúng sinh không có quyền lựa chọn được quả tốt của thiện nghiệp; cũng không có quyền phủ nhận quả xấu của bất thiện nghiệp (ác nghiệp).

    Thực ra, mỗi người trong chúng ta chỉ có quyền chọn lựa tạo thiện nghiệp hoặc bất thiện nghiệp (ác nghiệp) mà thôi. Nhưng một khi đã tạo thiện nghiệp hoặc bất thiện nghiệp (ác nghiệp) rồi, thì chỉ còn phải chấp nhận quả của thiện nghiệp hoặc quả của bất thiện nghiệp (ác nghiệp) ấy mà thôi.

    Mỗi thiện nghiệp nào, mỗi bất thiện nghiệp nào nếu có cơ hội thì nó có khả năng sinh quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) và trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu (pavattikāla). Bởi vì, nghiệp ấy là của ta và quả của nghiệp ấy cũng là của ta.
    Itipi so Bhagavà Araham, Sammàsambuddho, Vijjàcaranasampanno, Sugato, Lokavidù, Anuttaro purisadammasàrathi, Satthàdevamanussànam, Buddho, Bhagavà.

  4. #4
    Đai Nâu Avatar của raucucai
    Gia nhập
    Mar 2012
    Nơi cư ngụ
    Sơn La
    Bài gởi
    302

    Mặc định

    2. Upathambhakakamma: Nghiệp Hỗ Trợ

    Thế nào gọi là nghiệp hỗ trợ?

    Nghiệp nào mà hỗ trợ cho nghiệp khác chưa có cơ hội sinh quả, thì có cơ hội được sinh quả; hoặc hỗ trợ cho nghiệp khác khi đã có cơ hội sinh quả rồi, lại giúp cho quả của nghiệp ấy được phát triển đầy đủ; và hỗ trợ cho ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của nghiệp khác được phát triển và duy trì tồn tại trong kiếp ấy; nghiệp ấy gọi là nghiệp hỗ trợ, đó là 12 bất thiện nghiệp (ác nghiệp) và 8 dục giới đại thiện nghiệp.

    * Nghiệp hỗ trợ có 3 phận sự:

    2. 1 Nghiệp hỗ trợ có phận sự hỗ trợ cho nghiệp nào chưa có cơ hội sinh quả, thì nghiệp hỗ trợ này giúp cho nghiệp ấy có cơ hội sinh quả.

    2. 2 Nghiệp hỗ trợ có phận sự hỗ trợ cho nghiệp nào đã có cơ hội sinh quả rồi, thì nghiệp hỗ trợ này giúp cho quả của nghiệp ấy được phát triển đầy đủ.

    2. 3 Nghiệp hỗ trợ có phận sự hỗ trợ cho quả của nghiệp khác đó là ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp được phát triển và duy trì tồn tại trong kiếp ấy.

    2.1 Giải thích 3 trường hợp:

    Nghiệp hỗ trợ có phận sự hỗ trợ cho nghiệp nào đã từng được tạo trong những kiếp quá khứ, hoặc trong kiếp hiện tại chưa có cơ hội sinh quả, thì nghiệp hỗ trợ này giúp cho nghiệp ấy có cơ hội sinh quả trong 2 thời kỳ:

    – Thời kỳ lúc lâm chung.

    – Thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu cho đến trước lúc chết.

    Nghiệp hỗ trợ đó là thiện nghiệp, bất thiện nghiệp có phận sự hỗ trợ cho nghiệp nào đã từng được tạo trong những kiếp quá khứ hoặc trong kiếp hiện tại chưa có cơ hội sinh quả, thì nghiệp hỗ trợ giúp cho nghiệp ấy có cơ hội sinh quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, có 8 trường hợp là:

    1- Thiện nghiệp phát sinh trong lúc lâm chung, hỗ trợ cho thiện nghiệp đã từng được tạo trong những kiếp quá khứ có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau, trong cõi thiện dục giới.

    2- Thiện nghiệp phát sinh trong lúc lâm chung, hỗ trợ cho thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại, có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau, trong cõi thiện dục giới.

    3- Bất thiện nghiệp (ác nghiệp) phát sinh trong lúc lâm chung, hỗ trợ cho bất thiện nghiệp (ác nghiệp) đã từng được tạo trong những kiếp quá khứ có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới.

    4- Bất thiện nghiệp phát sinh trong lúc lâm chung, hỗ trợ cho bất thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau, trong cõi ác giới.

    5- Thiện nghiệp phát sinh bình thường trong kiếp hiện tại, hỗ trợ cho thiện nghiệp đã từng được tạo trong những kiếp quá khứ có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau, trong cõi thiện dục giới.

    6- Thiện nghiệp phát sinh bình thường trong kiếp hiện tại, hỗ trợ cho thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau, trong cõi thiện dục giới.

    7- Bất thiện nghiệp phát sinh bình thường trong kiếp hiện tại, hỗ trợ cho bất thiện nghiệp đã từng được tạo trong những kiếp quá khứ có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau, trong cõi ác giới.

    8- Bất thiện nghiệp phát sinh bình thường trong kiếp hiện tại, hỗ trợ cho bất thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau, trong cõi ác giới.

    Để giúp hiểu rõ trường hợp thiện nghiệp hoặc bất thiện nghiệp phát sinh trong lúc lâm chung hỗ trợ cho thiện nghiệp hoặc bất thiện nghiệp đã từng tạo trong những kiếp quá khứ hoặc trong kiếp hiện tại, có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau, Đức Phật dạy như sau:

    “Citte saṅkiliṭṭhe duggatiṃ paṭikaṅkhā…

    Citte asaṅkiliṭṭhe sugatiṃ paṭikaṅkhā…”

    (Lúc lâm chung tâm bị ô nhiễm,

    thì bị tái sinh trong cõi ác giới.

    Lúc lâm chung tâm không bị ô nhiễm,

    thì được tái sinh trong cõi thiện dục giới).

    Bởi vậy cho nên, trong lúc lâm chung, tâm bị ô nhiễm do bởi phiền não hoặc tâm không bị ô nhiễm do bởi phiền não, thiện tâm trong sạch thanh tịnh đóng vai trò chính yếu hỗ trợ cho nghiệp sinh quả tái sinh kiếp sau.

    Giải thích 8 trường hợp:

    1- Thiện nghiệp phát sinh trong lúc lâm chung, hỗ trợ cho thiện nghiệp đã từng được tạo trong những kiếp quá khứ có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau, trong cõi thiện dục giới như thế nào?

    Ví dụ: Ông A là một cận sự nam, nhưng ông tạo thiện nghiệp thì ít, mà tạo bất thiện nghiệp (ác nghiệp) thì nhiều, ông là người giữ gìn giới không được trong sạch và trọn vẹn. Cho nên, đến lúc lâm chung, phiền não phát sinh trong tâm của ông, làm cho tâm của ông bị ô nhiễm, phát sinh tâm kinh hãi. Nếu ông chết trong lúc ấy thì chắc chắn ác nghiệp sẽ có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau, trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh).

    Khi ấy, bên cạnh ông, một người thân có trí tuệ cứu giúp ông A được thoát ra khỏi đối tượng của ác nghiệp, thay thế bằng đối tượng của thiện nghiệp, bằng cách kính thỉnh Ngài Đại đức đến hướng dẫn ông A thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì ngũ giới, thỉnh chư Tỳ khưu tụng kinh Paritta (những bài kinh An Lành), thuyết pháp nhắc nhở, khuyên dạy ông A niệm Ân đức Phật,… Ông A phát sinh đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, có giới trong sạch.

    Nhờ vậy, đối tượng của ác nghiệp biến mất, tâm không còn bị ô nhiễm, đồng thời đối tượng của thiện nghiệp hiện ra, thiện tâm phát sinh, thiện nghiệp phát sinh lúc lâm chung này hỗ trợ cho thiện nghiệp đã từng được tạo trong những kiếp quá khứ có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau trong cõi thiện dục giới, làm người trong cõi người, hoặc làm chư thiên trong cõi trời dục giới tùy theo thiện nghiệp sinh quả.

    Đó là thiện nghiệp phát sinh trong lúc lâm chung, hỗ trợ cho thiện nghiệp đã từng được tạo trong những kiếp quá khứ có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau, trong cõi thiện dục giới.

    2- Thiện nghiệp phát sinh trong lúc lâm chung, hỗ trợ cho thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau trong cõi thiện dục giới như thế nào?

    Ví dụ: Ông B là một cận sự nam, có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, có giới trong sạch, thường làm mọi phước thiện như bố thí cúng dường đến chư Tỳ khưu Tăng… Nhưng ông B không thường thực hành thiền định, không thực hành thiền tuệ; không theo học môn Vi Diệu Pháp; không hiểu rõ các pháp là vô ngã (không phải là ta, không phải của ta); không hiểu biết rõ về pháp tử sinh luân hồi của mỗi chúng sinh v.v… Khi bị lâm bệnh nặng trầm trọng, không thể sống được nữa, ông B phát sinh tâm sợ chết, phải từ bỏ vợ con, nhà cửa, của cải, tài sản v.v…, do đó làm cho tâm của ông B bị ô nhiễm bởi phiền não, đối tượng của ác nghiệp hiện ra. Ông B phát sinh tâm kinh hãi. Nếu ông B chết trong lúc ấy, thì khó tránh khỏi bất thiện nghiệp sinh quả tái sinh kiếp sau, trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh).

    Khi ấy, bên cạnh ông B, một người thân có trí tuệ hiểu biết giáo pháp của Đức Phật, nhắc nhở hướng dẫn ông B thọ phép quy y Tam Bảo, thọ trì ngũ giới; khuyên ông B nhớ lại những phước thiện mà ông đã từng tạo trong kiếp hiện tại này. Ông B phát sinh đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, có giới trong sạch, niệm tưởng lại những phước thiện của mình.

    Do đó, sau khi ông B chết, nhờ thiện nghiệp phát sinh lúc lâm chung, hỗ trợ cho thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại này có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau trong cõi thiện dục giới, sinh làm người trong cõi người hoặc sinh làm chư thiên trong cõi trời dục giới.

    Đó là thiện nghiệp phát sinh trong lúc lâm chung, hỗ trợ cho thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau, trong cõi thiện dục giới.

    3- Bất thiện nghiệp (ác nghiệp) phát sinh trong lúc lâm chung, hỗ trợ cho bất thiện nghiệp (ác nghiệp) đã từng được tạo trong những kiếp quá khứ có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau, trong cõi ác giới như thế nào?

    Ví dụ: Ông C là người cận sự nam có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, giữ gìn giới trong sạch, thường làm mọi phước thiện như bố thí cúng dường đến chư Tỳ khưu Tăng v.v… Nhưng không thường thực hành thiền định, không thực hành thiền tuệ; không theo học môn Vi Diệu Pháp, không hiểu rõ các pháp là vô ngã (không phải ta, không phải của ta); không hiểu biết về pháp tử sinh luân hồi của mỗi chúng sinh…

    Khi bị lâm bệnh nặng trầm trọng, không thể sống được nữa, ông C phát sinh tâm sợ chết, phải từ bỏ vợ con, của cải, tài sản,… làm cho tâm của ông C bị ô nhiễm bởi phiền não; đối tượng của ác nghiệp hiện rõ, ông C phát sinh tâm kinh hãi.

    Khi ấy bên cạnh ông C, có người thân không có trí tuệ, không hiểu biết giáo pháp của Đức Phật, không biết cách cứu giúp ông C, không nhắc nhở, không khuyên bảo ông niệm tưởng lại mọi phước thiện mà ông C đã tạo trong kiếp hiện tại này.

    Bởi vậy cho nên, sau khi ông C chết, bất thiện nghiệp phát sinh trong lúc lâm chung, hỗ trợ cho bất thiện nghiệp mà ông đã từng được tạo trong những kiếp quá khứ có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh).

    Đó là bất thiện nghiệp phát sinh trong lúc lâm chung, hỗ trợ cho bất thiện nghiệp đã từng được tạo trong những kiếp quá khứ có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau, trong cõi ác giới.

    4- Bất thiện nghiệp phát sinh trong lúc lâm chung, hỗ trợ cho bất thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau, trong cõi ác giới như thế nào?

    Ví dụ: Khi còn trẻ, ông D là người không có giới, thường tạo bất thiện nghiệp (ác nghiệp) như sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu và các chất say… Ông D sống bằng nghề giết các loài gia súc, gia cầm để bán thịt. Đến khi tuổi già sức yếu, thường hay bệnh hoạn ốm đau, ông D mới biết ăn năn hối lỗi, biết hổ thẹn tội lỗi, biết ghê sợ tội lỗi, nên ông D quyết định xuất gia trở thành Tỳ khưu trong Phật giáo.

    Về sau, Tỳ khưu D bị lâm bệnh nặng trầm trọng nằm trên giường, những cảnh tượng giết các loài gia súc, gia cầm khi còn trẻ hiện ra trong tâm của Tỳ khưu D, làm cho tâm của Tỳ khưu D bị ô nhiễm do bởi phiền não. Tỳ khưu D phát sinh tâm kinh hãi, bất thiện nghiệp phát sinh, tâm bị ô nhiễm, đau khổ cho đến chết. Sau khi Tỳ khưu D chết, bất thiện nghiệp (ác nghiệp) phát sinh lúc lâm chung, hỗ trợ bất thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau, trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh).

    Đó là bất thiện nghiệp phát sinh trong lúc lâm chung, hỗ trợ cho bất thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau, trong cõi ác giới.

    5- Thiện nghiệp phát sinh bình thường trong kiếp hiện tại, hỗ trợ cho thiện nghiệp đã từng được tạo trong những kiếp quá khứ có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau, trong cõi thiện dục giới như thế nào?

    Ví dụ: Ông Đ là người tà kiến, thấy sai hiểu lầm, không tin tội, không tin phước, không tin có địa ngục, không tin có các cõi trời... Ông cho rằng: “Làm tội không bị tái sinh kiếp sau trong cõi địa ngục, làm phước cũng không được tái sinh kiếp sau lên cõi trời…”

    Cho nên, hàng ngày ông sinh sống bằng tà nghiệp, giết gia cầm để bán thịt. Công việc làm ăn không được thuận lợi.

    Về sau, ông Đ đến giúp việc trong một gia đình giàu sang, theo truyền thống Phật giáo. Hằng ngày, ông Đ thức dậy sớm lo sửa soạn các món vật thực sẵn sàng, mang theo cùng với người chủ đến chùa để cúng dường tới chư Đại đức Tỳ khưu Tăng.

    Vào những ngày giới uposathasīla hằng tháng, ông Đ cũng đi theo người chủ đến chùa. Tại nơi chánh điện người chủ ngồi xin thọ phép quy y Tam Bảo và bát giới uposathasīla xong, ngồi lắng nghe Ngài Đại đức Pháp sư thuyết pháp. Ông Đ ngồi chờ đợi người chủ nghe pháp xong trở về nhà. Cho nên, dù muốn dù không, ông Đ cũng ngồi lặng lẽ nghe hết thời pháp.

    Hằng ngày, làm những công việc như vậy, dần dần về sau ông Đ đã có chánh kiến, rồi từ bỏ tà kiến, phát sinh đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, xin thọ phép quy y Tam Bảo và ngũ giới, rồi giữ gìn giới được trong sạch và trọn vẹn.

    Khi ông Đ bị lâm bệnh trầm trọng, vốn đời sống độc thân, nên không lưu luyến đến ai; do không có của cải, nên không luyến tiếc đến của cải; do nhờ sống gần gũi với những người có chánh kiến trong Phật giáo, nên từ bỏ được tà kiến, trở thành người có chánh kiến, thấy đúng hiểu đúng nghiệp là của riêng mình, có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, có giới trong sạch và trọn vẹn.

    Do đó, sau khi ông Đ chết, thiện nghiệp phát sinh bình thường trong kiếp hiện tại, hỗ trợ cho thiện nghiệp đã từng được tạo trong những kiếp quá khứ có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau, trong cõi trời dục giới tầng cao.

    Đó là thiện nghiệp phát sinh bình thường trong kiếp hiện tại, hỗ trợ cho thiện nghiệp đã từng được tạo trong những kiếp quá khứ có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau, trong cõi thiện dục giới.

    6- Thiện nghiệp phát sinh bình thường trong kiếp hiện tại, hỗ trợ cho thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau, trong cõi thiện dục giới như thế nào?

    Ví dụ: Ông E đã từng xuất gia trở thành Tỳ khưu trong Phật giáo. Trong suốt thời gian xuất gia, Tỳ khưu E là người có giới hạnh trong sạch, theo học pháp học Phật giáo, và theo thực hành pháp hành thiền định mà chưa chứng đắc đến bậc thiền nào và thực hành thiền tuệ cũng chưa chứng đắc đến trí tuệ thiền tuệ nào.

    Về sau, vị Tỳ khưu E xả giới Tỳ khưu, hoàn tục trở lại gia đình, trở thành một cận sự nam. Hằng ngày, ông E theo cha đi làm nghề đánh cá để nuôi sống gia đình. Tuy ông E biết rằng: “Đó là cách sống tà mạng, nhưng không còn biết làm nghề nào khác”. Vì vậy, ông E cố gắng tinh tấn mỗi ngày làm mọi phước thiện, như bố thí, cúng dường vật thực đến chư Tỳ khưu đi khất thực. Vào những ngày bát giới uposathasīla hằng tháng, ông E cố gắng đi đến chùa xin thọ phép quy y Tam Bảo và bát giới uposathasīla trong ngày hôm ấy.

    Đến lúc lâm chung, tâm của ông E không bị ô nhiễm bởi phiền não, tâm vẫn bình tĩnh sáng suốt. Cho nên, sau khi ông E chết, thiện nghiệp phát sinh bình thường trong cuộc đời người tại gia, hỗ trợ cho thiện nghiệp mà ông đã từng tạo khi ông còn là vị Tỳ khưu trước kia cũng trong kiếp hiện tại này có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau làm chư thiên trong cõi trời dục giới tầng cao.

    Đó là thiện nghiệp phát sinh bình thường trong kiếp hiện tại, hỗ trợ cho thiện nghiệp đã từng tạo cũng trong kiếp hiện tại có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau, trong cõi thiện dục giới.

    7- Bất thiện nghiệp phát sinh bình thường trong kiếp hiện tại, hỗ trợ cho bất thiện nghiệp đã từng tạo trong những kiếp quá khứ có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau, trong cõi ác giới như thế nào?

    Ví dụ: Cậu G được sinh trong một gia đình có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, giữ gìn mọi truyền thống trong Phật giáo. Cho nên, khi còn nhỏ, cậu G thường theo cha mẹ đến chùa làm phước thiện bố thí cúng dường đến chư Đại đức Tỳ khưu Tăng. Vào những ngày bát giới uposathasīla hằng tháng, cậu G cũng đi theo cha mẹ đến chùa xin thọ phép quy y Tam Bảo và bát giới uposathasīla, nghe pháp v.v…

    Đến lúc trưởng thành, cậu G lập gia đình và có đông con. Cha mẹ của ông G lần lượt qua đời, nên ông không còn nương nhờ vào cha mẹ được nữa. Hằng ngày, ông G tự mình cố gắng làm việc vất vả để nuôi sống gia đình (vợ và các con). Cho nên, cơ hội tạo mọi phước thiện càng ngày càng giảm dần, bởi gánh nặng gia đình càng ngày càng thêm. Ông G không có cơ hội làm mọi phước thiện như trước nữa, giữ gìn giới không được trong sạch và trọn vẹn, nhưng chưa đến nỗi tạo bất thiện nghiệp (ác nghiệp) nặng. Đến lúc lâm chung, tâm bị mê muội. Do đó, sau khi ông G chết, bất thiện nghiệp bình thường trong kiếp hiện tại, hỗ trợ cho bất thiện nghiệp đã từng được tạo trong những kiếp quá khứ có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau, trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh).

    Đó là bất thiện nghiệp phát sinh bình thường trong kiếp hiện tại, hỗ trợ cho bất thiện nghiệp đã từng tạo trong những kiếp quá khứ có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau, trong cõi ác giới.

    8- Bất thiện nghiệp phát sinh bình thường trong kiếp hiện tại, hỗ trợ cho bất thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau, trong cõi ác giới như thế nào?

    Ví dụ: Cậu H vốn là một đứa trẻ khó dạy, hư đốn, thích gần gũi thân cận với bạn ác, thích làm việc ác như uống rượu, hút thuốc lá, chơi cờ bạc…, y ăn cắp tiền của cha mẹ để ăn chơi lêu lổng. Cha mẹ dạy y không được, nên gởi y vào chùa, nhờ quý Ngài Đại đức, chư Tỳ khưu dạy dỗ y nên người.

    Quý Ngài Đại đức dạy dỗ cậu H với tâm từ, tâm bi, cậu H dần dần trở nên thuần tính, biết vâng lời quý Ngài Đại đức, chư Tỳ khưu.

    Qua một thời gian, quý Ngài cho phép cậu H được xuất gia trở thành Sadi, Sadi H cố gắng tinh tấn theo học pháp học Phật giáo, và thực hành pháp hành Phật giáo có phần tiến bộ. Do đó, quý Ngài cho làm lễ thọ Tỳ khưu nâng đỡ Sadi H lên trở thành Tỳ khưu.

    Tỳ khưu H sống gần gũi thân cận với quý Ngài Đại đức, biết vâng lời dạy dỗ của quý Ngài, cho nên Tỳ khưu H có được một ít kiến thức trong Phật giáo. Nhưng Tỳ khưu H lại thích giao du với một số người tại gia, bạn bè cũ, rồi từ đó đức tin càng ngày càng suy giảm, tâm không còn hoan hỷ thực hành phạm hạnh của bậc xuất gia như trước nữa, mà muốn hoàn tục trở lại làm người tại gia. Do đó, Tỳ khưu H giữ gìn giới của mình không còn được trong sạch, cho nên tâm cảm thấy nóng nảy.

    Trong khi chờ đợi bạn bè tìm giúp một việc làm, để có thể làm ăn sinh sống, sau khi hoàn tục, nhưng chưa thực hiện được ý định hoàn tục, thì Tỳ khưu H bị lâm bệnh nặng rồi chết đột ngột. Sau khi Tỳ khưu H chết, bất thiện nghiệp bình thường của Tỳ khưu H, hỗ trợ cho bất thiện nghiệp mà Tỳ khưu H đã từng tạo trước khi xuất gia trở thành Tỳ khưu có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau, trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh).

    Đó là bất thiện nghiệp phát sinh bình thường trong kiếp hiện tại, hỗ trợ cho bất thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau, trong cõi ác giới.

    2.2. Nghiệp hỗ trợ có phận sự hỗ trợ cho nghiệp nào đã có cơ hội sinh quả rồi, lại giúp cho quả của nghiệp ấy được phát triển đầy đủ, có 10 trường hợp như sau:

    1- Thiện nghiệp phát sinh trong lúc lâm chung, hỗ trợ cho thiện nghiệp đã từng được tạo trong những kiếp quá khứ đang có cơ hội sinh quả rồi, lại giúp cho quả của thiện nghiệp ấy được phát triển đầy đủ.

    2- Thiện nghiệp phát sinh trong lúc lâm chung, hỗ trợ cho thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại đang có cơ hội sinh quả rồi, lại giúp cho quả của thiện nghiệp ấy được phát triển đầy đủ.

    3- Bất thiện nghiệp phát sinh trong lúc lâm chung, hỗ trợ cho bất thiện nghiệp đã từng được tạo trong những kiếp quá khứ đang có cơ hội sinh quả rồi, lại giúp cho quả của bất thiện nghiệp ấy được phát triển đầy đủ.

    4- Bất thiện nghiệp phát sinh trong lúc lâm chung, hỗ trợ cho bất thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại đang có cơ hội sinh quả rồi, lại giúp cho quả của bất thiện nghiệp ấy được phát triển đầy đủ.

    5- Thiện nghiệp phát sinh trong kiếp hiện tại (pavattikāla(1)), hỗ trợ cho thiện nghiệp đã từng được tạo trong kiếp quá khứ đang có cơ hội sinh quả rồi, lại giúp cho quả của thiện nghiệp ấy được phát triển đầy đủ.

    6- Thiện nghiệp phát sinh trong kiếp hiện tại, hỗ trợ cho thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại đang có cơ hội sinh quả rồi, lại giúp cho quả của thiện nghiệp ấy được phát triển đầy đủ.

    7- Bất thiện nghiệp phát sinh trong kiếp hiện tại, hỗ trợ cho bất thiện nghiệp đã từng được tạo trong kiếp quá khứ đang có cơ hội sinh quả rồi, lại giúp cho quả của bất thiện nghiệp ấy được phát triển đầy đủ.

    8- Bất thiện nghiệp phát sinh trong kiếp hiện tại, hỗ trợ cho bất thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại đang có cơ hội sinh quả rồi, lại giúp cho quả của bất thiện nghiệp ấy được phát triển đầy đủ.

    9- Thiện nghiệp đã từng được tích lũy trong những kiếp quá khứ, hỗ trợ cho thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại đang có cơ hội sinh quả rồi, lại giúp cho quả của thiện nghiệp ấy được phát triển đầy đủ.

    10- Bất thiện nghiệp đã từng được tích lũy trong những kiếp quá khứ, hỗ trợ cho bất thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại đang có cơ hội sinh quả rồi, lại giúp cho quả của bất thiện nghiệp ấy được phát triển đầy đủ.

    Giải thích 10 trường hợp:

    1- Thiện nghiệp phát sinh trong lúc lâm chung, hỗ trợ cho thiện nghiệp đã từng được tạo trong kiếp quá khứ đang có cơ hội sinh quả rồi, lại giúp cho quả của thiện nghiệp ấy được phát triển đầy đủ như thế nào?

    Ví dụ: Ông A vốn là người hiền lương, biết hổ thẹn tội lỗi, biết ghê sợ tội lỗi, thường tránh xa mọi tội ác, làm ăn sinh sống lương thiện. Gia đình của ông nghèo, hằng ngày ông phải vất vả làm mọi công việc để nuôi sống gia đình. Cho nên, ông không có khả năng làm phước bố thí lớn lao. Bởi vì, còn bận lo công việc làm ăn, nên ông ít có cơ hội nghe pháp, xem kinh, đọc sách,... Nhưng do nhờ sống lương thiện, cho nên lúc lâm chung tâm của ông được trong sạch, bình tĩnh, sáng suốt.

    Sau khi ông A chết, thiện nghiệp làm phận sự sinh quả tái sinh kiếp sau làm người trong một gia đình giàu sang phú quý, có quyền cao chức trọng, hoặc tái sinh làm vị thiên nam ở địa vị cao quý trong cõi trời ấy.

    Đó là thiện nghiệp phát sinh lúc lâm chung, hỗ trợ cho thiện nghiệp mà ông A đã từng tạo trong những kiếp quá khứ đang có cơ hội sinh quả rồi, lại giúp cho quả của thiện nghiệp ấy được phát triển đầy đủ.

    2- Thiện nghiệp phát sinh trong lúc lâm chung, hỗ trợ cho thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại đang có cơ hội sinh quả rồi, lại giúp cho quả của thiện nghiệp ấy được phát triển đầy đủ như thế nào?

    Ví dụ: Ông B là người cận sự nam có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, giữ gìn ngũ giới trong sạch và trọn vẹn; thọ trì bát giới uposathasīla trong những ngày giới hằng tháng. Ông B thường làm phước thiện bố thí đến người khác, cung kính lắng nghe chánh pháp; đôi khi ông cũng thực hành thiền định, nhưng chưa chứng đắc bậc thiền nào, cũng thực hành thiền tuệ, nhưng cũng chưa chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả nào. Cho nên, lúc lâm chung tâm của ông được trong sạch, bình tĩnh, sáng suốt.

    Sau khi ông B chết, thiện nghiệp làm phận sự sinh quả tái sinh kiếp sau làm người trong gia đình giàu sang phú quý, có quyền cao chức trọng, hoặc tái sinh làm vị thiên nam ở địa vị cao quý trong cõi trời ấy.

    Đó là thiện nghiệp phát sinh trong lúc lâm chung, hỗ trợ cho thiện nghiệp mà ông B đã được tạo trong kiếp hiện tại đang có cơ hội sinh quả rồi, thì giúp cho quả của thiện nghiệp ấy được phát triển đầy đủ.

    3- Bất thiện nghiệp phát sinh trong lúc lâm chung, hỗ trợ cho bất thiện nghiệp đã từng được tạo trong kiếp quá khứ đang có cơ hội sinh quả rồi, lại giúp cho quả của bất thiện nghiệp ấy được phát triển đầy đủ như thế nào?

    Ví dụ: Ông C vốn là người keo kiệt bủn xỉn trong của cải tài sản của mình. Ông rất cần cù làm việc để kiếm cho được nhiều vàng bạc của cải, nên không quan tâm đến việc làm phước bố thí tiếp độ người khác, nhưng ông không làm những việc ác do thân, khẩu và ý. Đến lúc lâm chung, ông sợ chết phải bỏ hết của cải tài sản mà ông đã dành dụm, cho nên, tâm của ông bị ô nhiễm.

    Sau khi ông C chết, bất thiện nghiệp sinh quả tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh) chịu khổ lâu dài.

    Đó là bất thiện nghiệp phát sinh trong lúc lâm chung, hỗ trợ cho bất thiện nghiệp mà ông đã từng tạo trong những kiếp quá khứ đang có cơ hội sinh quả rồi, lại giúp cho quả của bất thiện nghiệp ấy được phát triển đầy đủ.

    4- Bất thiện nghiệp phát sinh lúc lâm chung, hỗ trợ cho bất thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại đang có cơ hội sinh quả rồi, lại giúp cho quả của bất thiện nghiệp ấy được phát triển đầy đủ như thế nào?

    Ví dụ: Ông D vốn là người có tà kiến, không tin nghiệp và quả của nghiệp. Ông thấy sai hiểu lầm rằng: “Làm phước không có phước, làm tội cũng không có tội, không có cõi địa ngục, cũng không có cõi trời nào…” Do đó, ông không chịu lắng nghe lời dạy của các bậc thiện trí. Đến lúc lâm chung, tâm của ông bị ô nhiễm, mê muội.

    Sau khi ông D chết, bất thiện nghiệp sinh quả tái sinh kiếp sau trong cõi địa ngục chịu khổ lâu dài.

    Đó là bất thiện nghiệp phát sinh trong lúc lâm chung, hỗ trợ cho bất thiện nghiệp mà ông đã tạo trong kiếp hiện tại đang có cơ hội sinh quả rồi, lại giúp cho quả của bất thiện nghiệp ấy được phát triển đầy đủ.

    5- Thiện nghiệp phát sinh trong kiếp hiện hữu (pavattikāla), hỗ trợ cho thiện nghiệp đã từng tạo trong kiếp quá khứ đang có cơ hội sinh quả rồi, lại giúp cho quả của thiện nghiệp ấy được phát triển đầy đủ như thế nào?

    Ví dụ: Cậu bé Đ được sinh trong gia đình theo truyền thống Phật giáo. Khi cậu bé mới được 2 - 3 tuổi, cha mẹ dạy cậu biết đảnh lễ Đức Phật. Khi cha mẹ dắt cậu lên chùa, cậu biết vào chánh điện đảnh lễ Đức Phật; gặp chư Đại đức, Tỳ khưu, Sadi cậu đều đảnh lễ quý Ngài; biết dâng cúng dường vật thực đến chư Đại đức Tỳ khưu, Sadi, rồi đảnh lễ quý Ngài.

    Cậu bé Đ chết lúc 4 tuổi, sau khi chết, thiện nghiệp có cơ hội sinh quả tái sinh lên cõi trời dục giới tầng cao, ở địa vị cao quý, được hưởng mọi sự an lạc cao quý đặc biệt trong cõi trời ấy.

    Đó là thiện nghiệp phát sinh trong kiếp hiện hữu (pavat-tikāla), hỗ trợ cho thiện nghiệp mà cậu bé Đ đã từng tạo trong những kiếp quá khứ đang có cơ hội sinh quả rồi, lại giúp cho quả của thiện nghiệp ấy được phát triển đầy đủ (còn cậu bé Đ chết lúc 4 tuổi là do nghiệp khác).

    6- Thiện nghiệp phát sinh trong kiếp hiện hữu (pavattikāla), hỗ trợ cho thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại đang có cơ hội sinh quả rồi, lại giúp cho quả của thiện nghiệp ấy được phát triển đầy đủ như thế nào?

    Ví dụ: Cậu E là con của gia đình theo Phật giáo, cha mẹ của cậu đều là người trí thức, có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, hiểu biết sâu sắc trong Phật giáo. Cho nên, khi cậu E còn nhỏ, cha mẹ đã dạy cậu biết thọ phép quy y Tam Bảo, biết giữ gìn ngũ giới hằng ngày, biết thọ trì bát giới uposathasīla trong những ngày giới hằng tháng. Cậu biết phân biệt thiện nghiệp, bất thiện nghiệp (ác nghiệp). Khi lớn lên, cậu E có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, giữ gìn ngũ giới trong sạch, thọ trì bát giới uposathasīla trong những ngày giới hằng tháng, thích làm phước bố thí đến những người nghèo khổ. Cậu thường đến chùa nghe pháp, ham học pháp học Phật giáo, ham hành pháp hành thiền định, nhưng chưa chứng đắc được bậc thiền nào, và ham hành pháp hành thiền tuệ, nhưng chưa chứng đạt đến bậc Thánh.

    Sau khi cậu E chết, thiện nghiệp có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau làm người trong gia đình phú hộ, khi sinh ra đời, hậu kiếp của cậu E được mọi người trong gia đình đều thương yêu quý mến nhất, cậu hưởng mọi sự thuận lợi, sự an lạc trong cuộc đời của cậu.

    Đó là thiện nghiệp phát sinh trong kiếp hiện hữu (pava-ttikāla), hỗ trợ cho thiện nghiệp mà cậu E đã được tạo trong kiếp hiện tại đang có cơ hội sinh quả rồi, lại giúp cho quả của thiện nghiệp ấy được phát triển đầy đủ.

    7- Bất thiện nghiệp phát sinh trong kiếp hiện hữu (pavatti-kāla), hỗ trợ cho bất thiện nghiệp đã từng được tạo trong kiếp quá khứ đang có cơ hội sinh quả rồi, lại giúp cho quả của bất thiện nghiệp ấy được phát triển đầy đủ như thế nào?

    Ví dụ: Cậu G là con của một gia đình giàu có, nhưng không có đức tin nơi Tam Bảo, cho nên, từ nhỏ đến lớn, cậu không được nghe chánh pháp, không có đức tin nơi Tam Bảo, không giữ giới, không hiểu biết về thiện nghiệp, ác nghiệp… Cậu là đứa con được cha mẹ nuông chiều, nên cậu G chỉ biết ăn chơi lêu lổng, nhưng chưa đến mức tạo bất thiện nghiệp nặng.

    Sau khi cậu G chết, bất thiện nghiệp có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau trong cõi địa ngục, chịu bao nhiêu nỗi khổ.

    Đó là bất thiện nghiệp phát sinh trong kiếp hiện hữu (pavattikāla), hỗ trợ cho bất thiện nghiệp mà cậu G đã từng tạo trong những kiếp quá khứ đang có cơ hội sinh quả rồi, lại giúp cho quả của bất thiện nghiệp ấy được phát triển đầy đủ.

    8- Bất thiện nghiệp phát sinh trong kiếp hiện hữu (pavatti-kāla), hỗ trợ cho bất thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại đang có cơ hội sinh quả rồi, lại giúp cho quả của bất thiện nghiệp ấy được phát triển đầy đủ như thế nào?

    Ví dụ: Ông H là người có tà kiến, không tin nghiệp và quả của nghiệp, không tin rằng: làm phước thì được phước, làm tội thì có tội. Ông tự cho rằng: “Chết là hết”.

    Sau khi ông H chết, bất thiện nghiệp có cơ hội sinh quả tái kiếp sau sinh trong cõi địa ngục, phải chịu bao nhiêu nỗi khổ trong cõi địa ngục.

    Đó là bất thiện nghiệp phát sinh trong kiếp hiện hữu (pavattikāla), hỗ trợ cho bất thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại đang có cơ hội sinh quả rồi, lại giúp cho quả của bất thiện nghiệp ấy được phát triển đầy đủ.

    9- Thiện nghiệp đã từng được tích lũy trong những kiếp quá khứ, hỗ trợ cho thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại đang có cơ hội sinh quả rồi, lại giúp cho quả của thiện nghiệp ấy được phát triển đầy đủ như thế nào?

    Ví dụ: Ông I là người đã từng tích lũy các pháp hạnh ba-la-mật từ nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ và đã từng có lời phát nguyện kiếp sau được xuất gia. Kiếp hiện tại, ông I sinh ra đời gặp Phật giáo, lắng nghe pháp sư thuyết pháp, ông liền phát sinh đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, rồi tư duy rằng: “Đời sống người tại gia bị nhiều ràng buộc, khó thực hành phạm hạnh cho được trong sạch thanh tịnh. Điều tốt nhất ta nên từ bỏ nhà đi xuất gia trở thành Tỳ khưu trong Phật giáo”. Sau khi đã nhận thức đúng đắn, ông liền thực hiện theo ý nghĩ của mình. Ông I đã xuất gia trở thành Tỳ khưu. Tỳ khưu I cố gắng tinh tấn theo học pháp học Phật giáo và theo thực hành pháp hành Phật giáo. Tỳ khưu I thực hành pháp hành thiền định, nhưng chưa chứng đắc các bậc thiền nào, và thực hành thiền tuệ, chưa chứng đắc bậc Thánh nào. Vị Tỳ khưu I trở thành một vị pháp sư có tài thuyết pháp tế độ nhiều người.

    Sau khi vị Tỳ khưu I chết, thiện nghiệp có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau làm vị thiên nam cao quý trong tầng trời cao cõi dục giới, được hưởng mọi sự an lạc đặc biệt trong tầng trời ấy.

    Đó là thiện nghiệp đã từng tích lũy trong những kiếp quá khứ, hỗ trợ cho thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại đang có cơ hội sinh quả rồi, lại giúp cho quả của thiện nghiệp ấy được phát triển đầy đủ.

    * Như trường hợp chư Bồ Tát đã từng tích lũy các pháp hạnh ba-la-mật từ vô số kiếp trong quá khứ, hỗ trợ cho mỗi kiếp hiện tại càng cao thượng hơn, nghĩa là kiếp hiện tại cao thượng hơn kiếp quá khứ.

    * Như Đức Bồ Tát tiền kiếp của Đức Phật Gotama, kiếp Đức Bồ Tát Đức vua Vessantara tạo pháp hạnh bố thí ba-la-mật, như bố thí voi báu, bố thí Hoàng tử Jālī, bố thí Công chúa Kaṇhājinā và bố thí chánh cung Hoàng hậu Maddī…

    Sau khi Đức vua băng hà, thiện nghiệp làm phận sự sinh quả tái sinh làm vị thiên nam cao thượng nhất trong tầng trời Tusita (Đấu Xuất Đà Thiên), cõi trời thứ tư trong 6 tầng trời dục giới.

    Đức Bồ Tát thiên nam Setaketu tiền kiếp của Đức Phật Gotama, sau khi chết từ cõi trời Tusita, thiện nghiệp sinh quả tái sinh đầu thai vào lòng mẫu thân Mahāmayādevi - chánh cung Hoàng hậu của Đức vua Suddhodana kinh thành Kapila-vatthu. Đúng 10 tháng sau, vào ngày rằm tháng tư (âm lịch) Đức Bồ Tát Thái tử Siddhattha đản sinh ra đời, kiếp chót có đầy đủ 32 tướng tốt của bậc Đại nhân và 80 tướng tốt phụ.

    Đó là quả của thiện nghiệp cũng là quả của 30 pháp hạnh ba-la-mật mà Đức Bồ Tát đã tích lũy từ vô số kiếp trong quá khứ. Chính thiện nghiệp 30 pháp hạnh ba-la-mật đã từng được tích lũy từ vô số kiếp trong quá khứ ấy hỗ trợ cho kiếp hiện tại Đức Bồ Tát Siddhattha trở thành Đức Phật Gotama.

    10- Bất thiện nghiệp đã được tích lũy trong những kiếp quá khứ, hỗ trợ cho những bất thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại đang có cơ hội sinh quả rồi, lại giúp cho quả của bất thiện nghiệp ấy được phát triển đầy đủ như thế nào?

    Ví dụ: Ông K là người ác, không có giới, tạo mọi ác nghiệp như sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu và các chất say…

    Sau khi ông K chết, bất thiện nghiệp có cơ hội sinh quả tái sinh trong cõi đại địa ngục, phải chịu bị hành hạ cực hình nặng nề, khổ thân, khổ tâm lâu dài trong cõi địa ngục.

    Đó là bất thiện nghiệp đã tích lũy trong những kiếp quá khứ, hỗ trợ cho những bất thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại đang có cơ hội sinh quả rồi, lại giúp cho quả của bất thiện nghiệp ấy được phát triển đầy đủ.

    2.3 Nghiệp hỗ trợ có phận sự hỗ trợ cho quả của nghiệp khác đó là ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp được phát triển và duy trì tồn tại trong kiếp ấy, có 7 trường hợp:

    1- Thiện nghiệp đã từng được tạo trong những kiếp quá khứ, hỗ trợ cho quả của thiện nghiệp đó là ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp được phát triển và duy trì tồn tại trong kiếp hiện tại.

    2- Thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại, hỗ trợ cho quả của thiện nghiệp đó là ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp được phát triển đầy đủ và duy trì tồn tại trong kiếp hiện tại.

    3- Bất thiện nghiệp đã từng được tạo trong những kiếp quá khứ, hỗ trợ cho quả của bất thiện nghiệp đó là ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp được phát triển và duy trì tồn tại trong kiếp hiện tại.

    4- Bất thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại, hỗ trợ cho quả của bất thiện nghiệp đó là ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp được phát triển và duy trì tồn tại trong kiếp hiện tại.

    5- Thiện nghiệp đã từng được tạo trong những kiếp quá khứ, hỗ trợ cho quả của bất thiện nghiệp đó là ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp được phát triển và duy trì tồn tại trong kiếp hiện tại.

    6- Thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại, hỗ trợ cho quả của bất thiện nghiệp đó là ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp được phát triển và duy trì tồn tại trong kiếp hiện tại.

    7- Bất thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại, hỗ trợ cho quả của thiện nghiệp đó là ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp được phát triển và duy trì tồn tại trong kiếp hiện tại.

    Giải thích 7 trường hợp:

    - Trường hợp thứ nhất đến trường hợp thứ tư, giải thích theo Chú giải và bộ Phụ chú giải.

    - Trường hợp thứ 5 đến trường hợp thứ 7, giải thích theo bộ Paramatthadīpanīṭīka và bộ Bhāsāṭīkā.

    1- Thiện nghiệp đã từng được tích lũy trong những kiếp quá khứ, hỗ trợ cho quả của thiện nghiệp đó là ngũ uẩn, danh pháp, sắc pháp được phát triển và duy trì tồn tại trong kiếp hiện tại như thế nào?

    Đức Bồ Tát Siddhattha kiếp chót đản sinh ra đời, kim thân của Ngài có đầy đủ 32 tướng tốt của Bậc Đại nhân, và 80 tướng tốt phụ; khi nhãn thức tâm thấy sắc trần, khi nhĩ thức tâm nghe thanh trần, khi tỷ thức tâm ngửi hương trần, khi thiệt thức tâm nếm vị trần, khi thân thức tâm xúc giác xúc trần phần nhiều bằng thiện quả vô nhân tâm phát sinh biết các đối tượng đáng hài lòng…

    Đó là thiện nghiệp đã từng được tích lũy trong những kiếp quá khứ, hỗ trợ cho quả của thiện nghiệp đó là ngũ uẩn, danh pháp, sắc pháp được phát triển và duy trì tồn tại trong kiếp hiện tại.

    2- Thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại, hỗ trợ cho quả của thiện nghiệp đó là ngũ uẩn, danh pháp, sắc pháp được phát triển và duy trì tồn tại trong kiếp hiện tại như thế nào?

    Trong thời kỳ Đức Phật Gotama của chúng ta, gia đình ông Puṇṇa nghèo khổ, làm ruộng thuê của ông phú hộ Sumana, toàn thể mọi người trong gia đình đều có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo:

    Ngài Đại đức Sāriputta nhập diệt thọ tưởng suốt 7 ngày đêm. Sáng hôm ấy, sau khi xả diệt thọ tưởng, Ngài Đại đức Sāriputta đi khất thực, khi đi ngang qua nơi ông Puṇṇa đang cày ruộng, ông Puṇṇa đón rước đảnh lễ Ngài và dâng cây tăm xỉa răng và nước uống. Ngài Đại đức nhận xong, đi theo đường hướng về nhà ông Puṇṇa, gặp vợ ông Puṇṇa đang đem cơm cho chồng. Bà đảnh lễ Ngài Đại đức xong bạch rằng:

    - Kính bạch Ngài Đại đức, kính xin Ngài từ bi tế độ thọ nhận phần vật thực của phận nghèo khó của gia đình con.

    Ngài Đại đức từ bi tế độ thọ nhận tất cả phần vật thực. Bà vô cùng hoan hỷ trở về nhà, nấu phần cơm khác đem cho chồng.

    Ông Puṇṇa thả bò đi ăn cỏ, ông ngồi dưới bóng cây chờ đợi vợ, tuy đói bụng, nhưng tâm vô cùng hoan hỷ niệm tưởng đến phước thiện bố thí tăm xỉa răng và nước uống đến Ngài Đại đức Sāriputta.

    Ông nhìn thấy vợ từ xa đến trễ hơn mọi ngày, nhưng bà có vẻ khác thường. Chắc chắn bà đang hoan hỷ một điều gì đó.

    Vừa mới đến nơi, bà liền thưa với chồng rằng:

    - Hôm nay, xin anh hãy hoan hỷ thật nhiều! Sáng nay, khi em đem cơm cho anh, giữa đường gặp Ngài Đại đức Sāriputta đang đi khất thực, em phát sinh đức tin trong sạch đem phần cơm của anh để bát cúng dường đến ngài Đại đức. Ngài không chê vật thực nghèo khó của chúng ta, mà thọ nhận phần vật thực ấy.

    Xin anh nên hoan hỷ phần phước thiện bố thí này!

    Ông Puṇṇa phát sinh thiện tâm vô cùng hoan hỷ và ông cũng nói cho bà biết rằng:

    - Chính sáng nay, anh cũng làm phước bố thí tăm xỉa răng và nước uống đến Ngài Đại đức Sāriputta.

    Khi hai vợ chồng ông Puṇṇa đang phát sinh thiện tâm hoan hỷ phước thiện bố thí, ông nhìn xuống thửa ruộng, đất vừa mới cày đã hóa thành vàng ròng sáng chói. Ông không tin vào mắt mình, ông xuống thửa ruộng lấy lên một thỏi vàng ròng và đưa cho vợ xem.

    Đúng là vàng thật! Ông Puṇṇa đem thỏi vàng ấy đến xin yết kiến Đức vua, xin Đức vua truyền lệnh đem 1000 chiếc xe khuân tất cả số vàng về cất trong kho báu của Đức vua.

    Thực ra, số vàng to lớn ấy không phải là của Đức vua, mà là của ông bà Puṇṇa. Số vàng to lớn ấy là quả báu của phước thiện bố thí, mà ông bà Puṇṇa đã dâng cúng dường đến Ngài Đại đức Sāriputta ngày hôm ấy.

    Thật vậy, lính trong triều đình đem 1000 chiếc xe đến thửa ruộng, để thu nhặt những thỏi vàng của Đức vua, thì những thỏi vàng ấy trở lại thành cục đất như cũ.

    Lính về tâu lên Đức vua rõ sự việc. Đức vua truyền lệnh rằng:

    - Các người hãy nghĩ rằng: “Vàng của ông bà Puṇṇa”.

    Họ vâng lệnh Đức vua. Thật đúng vậy, lần này họ khuân toàn bộ số vàng ấy đem về chất giữa sân rồng thành một đống vàng cao 180 gang tay.

    Do đó, Đức vua tấn phong ông Puṇṇa là “đại phú hộ”.

    Sau khi trở thành đại phú hộ Puṇṇa, gia đình ông càng có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, làm phước thiện bố thí cúng dường đến chư Đại đức Tăng có Đức Phật chủ trì suốt 7 ngày. Đến ngày thứ 7 Đức Phật thuyết pháp tế độ gia đình ông Puṇṇa. Toàn gia đình ông đại phú hộ Puṇṇa: Ông, bà và cô con gái Uttarā đều chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu.

    Đó là thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại, hỗ trợ cho quả của thiện nghiệp đó là ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp được phát triển và duy trì tồn tại trong kiếp hiện tại.

    3- Bất thiện nghiệp đã từng được tạo trong những kiếp quá khứ, hỗ trợ cho quả của bất thiện nghiệp đó là ngũ uẩn, danh pháp, sắc pháp được phát triển và duy trì tồn tại trong kiếp hiện tại như thế nào?

    – Chúng sinh trong địa ngục luôn luôn bị hành hạ chịu bao nỗi thống khổ cùng cực, tử rồi lại tái sinh cứ tiếp diễn như vậy trong cõi địa ngục trải qua nhiều đại kiếp trái đất.

    – Chúng sinh loài ngạ quỷ chịu cảnh đói khát khổ đau trải qua thời gian lâu dài hằng bao nhiêu kiếp trái đất vẫn chưa thoát khỏi.

    – Loài súc sinh như những con chó bị bệnh ghẻ ngứa khó chịu, nó cứ chạy chỗ này đến chỗ khác, chạy đến nơi nào cũng bị người ta xua đuổi, nó bị đói khát, thân mình ốm gầy… Thế mà chúng vẫn kéo dài sinh mạng qua nhiều tháng v.v…

    Đó là bất thiện nghiệp đã từng được tạo trong những kiếp quá khứ, hỗ trợ cho quả của bất thiện nghiệp đó là ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp được phát triển và duy trì tồn tại trong kiếp hiện tại.

    4- Bất thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại, hỗ trợ cho quả của bất thiện nghiệp đó là ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp được phát triển duy trì tồn tại trong kiếp hiện tại như thế nào?

    – Một số loài súc sinh như con cọp, con beo, con thằn lằn, con mèo… là quả của bất thiện nghiệp, chúng nó sống bằng cách bắt sống các con vật khác làm vật thực để duy trì tồn tại trong kiếp sống hiện tại.

    – Hoặc có một số người mang chứng bệnh nan y là quả phát sinh từ bất thiện nghiệp. Nhưng số người ấy không biết giữ gìn sức khoẻ, mà hằng ngày họ hút thuốc lá, uống rượu… làm cho chứng bệnh ngày càng phát triển, sự khổ thân càng ngày càng tăng thêm.

    Đó là bất thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại, hỗ trợ cho quả của bất thiện nghiệp đó là ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp được phát triển và duy trì tồn tại trong kiếp hiện tại.

    5- Thiện nghiệp đã từng được tạo trong những kiếp quá khứ, hỗ trợ cho quả của bất thiện nghiệp đó là ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp được phát triển duy trì tồn tại trong kiếp hiện tại như thế nào?

    Loài gia súc như con chó là quả của bất thiện nghiệp. Nhưng có một số con chó được người chủ chăm nom săn sóc nuôi dưỡng rất tử tế. Thậm chí, hằng ngày chúng nó có người lo phục vụ: Nào tắm rửa, nào lau mình, nào làm vệ sinh chỗ ở...; về mùa lạnh, chúng nó được mặc đồ ấm; khi chúng nó bị bệnh có bác sĩ thú y chăm lo chữa trị. Chúng nó được người chủ hết mực thương yêu, cho nên đời sống của chúng rất đầy đủ.

    Đó là thiện nghiệp đã được tạo trong những kiếp quá khứ, hỗ trợ cho quả của bất thiện nghiệp đó là ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp được phát triển và duy trì tồn tại trong kiếp hiện tại.

    6- Thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại, hỗ trợ cho quả của bất thiện nghiệp đó là ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp được phát triển và duy trì tồn tại trong kiếp hiện tại như thế nào?

    – Loài súc sinh như một số con chó rất tinh khôn, biết nghe lời người chủ dạy như: Bảo chúng ngồi đưa 2 chân trước lên chắp lại cúi xuống lạy; sai chúng ngậm tiền chạy mua tờ báo; loại chó cảnh sát biết ngửi mùi tìm kẻ gian, nhận ra kẻ gian,… những con chó ấy được người chủ thương yêu, chăm nom nuôi nấng chúng rất tử tế, cho nên đời sống của chúng được an lạc.

    – Hoặc những con chim sáo, con chim vẹt mà người chủ có thể dạy chúng nói được tiếng người như: Chào hỏi khách đến, biết tụng bài kinh ngắn,… làm cho người nghe vui tai, nên chúng được người trong gia đình thương yêu, được nuôi nấng tử tế.

    Đó là thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại, hỗ trợ cho quả của bất thiện nghiệp đó là ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp được phát triển và duy trì tồn tại trong kiếp hiện tại.

    7- Bất thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại, hỗ trợ cho quả của thiện nghiệp đó là ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp được phát triển và duy trì tồn tại trong kiếp hiện tại như thế nào?

    Một số người làm nghề bán vũ khí giết người, buôn bán rượu và các chất say; buôn bán ma tuý, heroin; làm nghề đánh cá; làm nghề giết gia súc, giết gia cầm, giết trâu, bò, gà, vịt,… để bán thịt; trộm cắp, hối lộ phi pháp v.v… số người ấy sống bằng tà nghiệp, tà mạng, tạo bất thiện nghiệp, hỗ trợ cho họ có nhiều tiền của, giàu có, đời sống đầy đủ sung túc trong kiếp hiện tại.

    Đó là bất thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại, hỗ trợ cho quả của thiện nghiệp đó là ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp được phát triển và duy trì tồn tại trong kiếp hiện tại.

    Tóm lại: Cõi người này, trong thời kỳ thiện pháp tăng trưởng, thì mọi thiện nghiệp tăng trưởng (bất thiện nghiệp không tăng trưởng), hỗ trợ cho quả của thiện nghiệp đó là ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp được phát triển và duy trì tồn tại trong kiếp hiện tại.

    Và trong thời kỳ bất thiện pháp (ác pháp) tăng trưởng, thì mọi bất thiện nghiệp (ác nghiệp) tăng trưởng (thiện nghiệp không tăng trưởng) hỗ trợ cho quả của thiện nghiệp đó là ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp được phát triển và duy trì tồn tại trong kiếp hiện tại.

    3. Upapīḷakakamma: Nghiệp Hãm Hại

    Thế nào gọi là nghiệp hãm hại?

    Nghiệp nào hãm hại nghiệp đối nghịch và hãm hại ngũ uẩn, quả của nghiệp đối nghịch, nghiệp ấy gọi là nghiệp hãm hại, đó là 12 bất thiện nghiệp và 8 dục giới đại thiện nghiệp.

    * Nghiệp hãm hại có 3 phận sự:

    3.1 Nghiệp hãm hại có phận sự ngăn cản nghiệp đối nghịch khác không cho có cơ hội sinh quả của nó.

    3.2 Nghiệp hãm hại có phận sự kìm hãm nghiệp đối nghịch đã có cơ hội sinh quả rồi, thì làm cho suy yếu tiềm năng sinh quả.

    3.3 Nghiệp hãm hại có phận sự làm biến đổi ngũ uẩn, quả của nghiệp đối nghịch ấy.

    Mỗi phận sự như thế nào?

    3.1 Nghiệp hãm hại có phận sự ngăn cản nghiệp đối nghịch khác không cho có cơ hội sinh quả của nó, có 2 trường hợp:

    a- Thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại, hãm hại, ngăn cản bất thiện nghiệp không cho có cơ hội sinh quả của nó.

    b- Bất thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại, hảm hại, ngăn cản thiện nghiệp không cho có cơ hội sinh quả của nó.

    Giải thích 2 trường hợp:

    a) Thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại, hãm hại, ngăn cản bất thiện nghiệp không cho có cơ hội sinh quả của nó như thế nào?

    Ví dụ: Khi chưa gặp được bậc thiện trí, ông A thường thân cận, gần gũi với các người ác, bắt chước theo các người ác, nên ông đã tạo mọi ác nghiệp như sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu và các chất say…

    Về sau, ông A gặp được bậc thiện trí, lắng nghe chánh pháp của bậc thiện trí, đã phát sinh đức tin trong sạch nơi Tam Bảo. Ông A xin thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì ngũ giới, ông biết hổ thẹn tội lỗi, biết ghê sợ tội lỗi, tin nghiệp và quả của nghiệp. Cho nên ông A có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, và giữ gìn ngũ giới của mình được trong sạch và trọn vẹn, cố gắng tạo mọi thiện nghiệp như bố thí, giữ giới, thực hành thiền định nhưng chưa chứng đắc bậc thiền nào; thực hành thiền tuệ mà chưa chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả nào, vẫn còn là hạng phàm nhân. Đến lúc lâm chung ông A nằm bình tĩnh, tâm trí sáng suốt, hoan hỷ với những thiện nghiệp của mình đã tạo.

    Sau khi ông A chết, thiện nghiệp có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau làm vị thiên nam trong cõi trời dục giới, hưởng mọi sự an lạc trong cõi trời ấy.

    Đó là thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại, hãm hại, ngăn cản những bất thiện nghiệp (ác nghiệp) đã được tạo trong thời gian trước, không có cơ hội sinh quả của nó.

    b) Bất thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại, hãm hại, ngăn cản thiện nghiệp không cho có cơ hội sinh quả của nó như thế nào?

    Ví dụ: Cậu B là người được sinh trưởng trong gia đình theo truyền thống Phật giáo. Khi còn nhỏ ở nhà, cậu được cha mẹ dạy dỗ biết tụng kinh lễ bái Tam Bảo; lúc đến chùa, cha mẹ dạy cậu biết đảnh lễ Phật, biết đảnh lễ chư Tỳ khưu Tăng, biết dâng những thứ vật dụng... đến chư Tỳ khưu, Sadi.

    Khi lớn lên được 10 tuổi, cha mẹ chấp thuận cho phép cậu xuất gia trở thành Sadi, ở trong chùa theo học pháp học. Đến khi vị Sadi B tròn 20 tuổi, chư Tỳ khưu Tăng cho phép làm lễ nâng vị Sadi B trở thành Tỳ khưu. Tỳ khưu B cố gắng tinh tấn ham học pháp học, ham hành pháp hành: Giới-định-tuệ, nên mọi thiện pháp được phát triển.

    Về sau, Tỳ khưu B có đức tin càng ngày càng giảm dần, nên không còn muốn ham học pháp học và không còn muốn ham hành pháp hành như trước nữa. Do đó, Tỳ khưu B xin xả giới Tỳ khưu hoàn tục, xin thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì ngũ giới trở về nhà, trở thành người cận sự nam sống tại gia.

    Cận sự nam B có vợ và có nhiều con, khi cha mẹ đã qua đời, gia đình cận sự nam B không còn nhờ cậy cha mẹ được nữa. Gia đình lâm vào cảnh nghèo khổ, túng thiếu, cận sự nam B phải làm lụng vất vả suốt ngày đêm, để nuôi vợ và các con. Do làm nghề giết hại gia súc, gia cầm bán thịt… cho nên, cận sự nam B giữ gìn giới của mình không còn trong sạch như trước. Tuy làm bằng tà nghiệp, sống bằng tà mạng, nhưng gia đình cận sự nam B vẫn nghèo khổ, thiếu thốn. Đến lúc sắp lâm chung, cận sự nam B cảm thấy khổ thân, khổ tâm vô cùng, tâm bị ô nhiễm.

    Sau khi cận sự nam B chết, bất thiện nghiệp (ác nghiệp) có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới.

    Đó là bất thiện nghiệp (ác nghiệp) đã được tạo trong kiếp hiện tại, trong thời gian sau, hãm hại, ngăn cản thiện nghiệp đã được tạo kiếp hiện tại trong thời gian trước không cho có cơ hội cho quả của nó.

    3. 2 Nghiệp hãm hại có phận sự kìm hãm nghiệp đối nghịch đã có cơ hội sinh quả rồi, thì làm cho suy yếu tiềm năng sinh quả, có 2 trường hợp:

    a- Thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại, có phận sự kìm hãm bất thiện nghiệp đã có cơ hội sinh quả rồi, thì làm cho suy yếu tiềm năng sinh quả của bất thiện nghiệp ấy.

    b- Bất thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại, có phận sự kìm hãm thiện nghiệp đã có cơ hội sinh quả rồi, thì làm cho suy yếu tiềm năng sinh quả của thiện nghiệp ấy.

    Giải thích 2 trường hợp:

    a) Thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại, có phận sự kìm hãm bất thiện nghiệp đã có cơ hội sinh quả rồi, thì làm cho suy yếu tiềm năng sinh quả của bất thiện nghiệp ấy như thế nào?

    Ví dụ: Đức vua Ajātasattu vốn là một người có đầy đủ thiện nghiệp ba-la-mật có thể trở thành bậc Thánh ngay trong kiếp hiện tại. Nhưng Đức vua gần gũi thân cận với Tỳ khưu Devadatta, nghe lời khuyến dụ của Tỳ khưu Devadatta, giết cha là Đức thái thượng hoàng Bimbisāra, Đức vua Ajātasattu phạm trọng tội giết cha thuộc vào 1 trong 5 ác nghiệp vô gián, chắc chắn sẽ sinh quả tái sinh trong cõi đại địa ngục Avīci chịu khổ thiêu đốt suốt thời gian lâu dài nhiều kiếp trái đất. Nhưng Đức vua Ajātasattu biết ăn năn hối lỗi về trọng tội giết Phụ vương của mình, ngự đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, xin sám hối tội lỗi của mình. Đức Thế Tôn chứng minh lời sám hối của Đức vua, rồi thuyết pháp tế độ Đức vua. Khi ấy, nếu Đức vua không phạm trọng tội giết cha, thì ngay sau khi lắng nghe Đức Phật thuyết pháp, Đức vua sẽ trở thành bậc Thánh Nhập Lưu tại nơi ấy. Nhưng vì phạm trọng tội giết cha, nên Đức vua không thể trở thành bậc Thánh Nhân, Đức vua chỉ có đức tin nơi Tam Bảo, xin thọ phép quy y Tam Bảo, hết lòng tận tâm lo phục vụ Tam Bảo.

    Đức vua là người hộ độ 500 vị Thánh Arahán trong kỳ kết tập Tam Tạng và Chú giải lần thứ nhất, sau khi Đức Phật tịch diệt Niết Bàn được 3 tháng 4 ngày, do Ngài Đại trưởng lão Mahākassapa chủ trì, tại động Sattapaṇṇi gần kinh thành Rājagaha xứ Magadha, thời gian suốt 7 tháng mới hoàn thành trọn bộ Tam Tạng Pāḷi và Chú giải.

    Như vậy, trong kiếp hiện tại Đức vua Ajātasattu đã tạo thiện nghiệp lớn lao trong thời kỳ sau khi đã phạm trọng tội giết cha thuộc vào 1 trong 5 ác nghiệp vô gián. Cho nên, đáng lẽ sau khi Đức vua Ajātasattu chết, ác nghiệp vô gián ấy chắc chắn sinh quả tái sinh trong cõi đại địa ngục Avīci, chịu khổ bị thiêu đốt suốt thời gian lâu dài hằng nhiều kiếp trái đất. Nhưng nhờ thiện nghiệp lớn lao mà Đức vua Ajātasattu đã tạo suốt thời gian sau cho đến trọn đời, kìm hãm bất thiện nghiệp giết cha, thay vì sinh quả tái sinh kiếp sau trong cõi đại địa ngục Avīci chịu khổ suốt thời gian lâu dài hằng nhiều kiếp trái đất; thì tái sinh kiếp sau trong cõi địa ngục nhỏ Lohakumbhī (nồi đồng sôi) suốt thời gian 60.000 năm mới mãn quả ác nghiệp ấy.

    Hậu kiếp của Đức vua Ajātasattu sau khi thoát ra khỏi địa ngục Lohakumbhī, rồi nhờ thiện nghiệp làm phận sự sinh quả tái sinh trở lại làm người trong thời kỳ không có Phật giáo trên thế gian, hậu thân của Đức vua Ajātasattu xuất gia sẽ trở thành Đức Phật Độc Giác có danh hiệu “Đức Phật Độc Giác Vijitāvī” rồi tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

    Đó là thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại có phận sự kìm hãm bất thiện nghiệp đã có cơ hội sinh quả rồi, thì làm cho suy yếu tiềm năng sinh quả của bất thiện nghiệp ấy.

    b) Bất thiện nghiệp phát sinh trong kiếp hiện tại, có phận sự kìm hãm thiện nghiệp đã có cơ hội sinh quả rồi, thì làm cho suy yếu tiềm năng sinh quả của thiện nghiệp ấy như thế nào?

    Ví dụ: Một thí chủ là người cận sự nữ có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp đứng ra tổ chức buổi lễ làm phước cúng dường đến chư Đại đức Tăng rất đông. Thật ra, thí chủ này đã có tác ý thiện tâm hoan hỷ từ trước, nên đã chuẩn bị sẵn sàng những thứ vật dụng. Đến ngày lễ chính thức tại ngôi chùa mọi người tụ hội đông đủ, chư Đại đức Tăng khách cũng được thỉnh mời đến. Toàn thể chư Đại đức Tăng và khách đều tập trung tại chánh điện. Buổi lễ làm phước bố thí cúng dường được cử hành rất long trọng. Riêng người thí chủ chính có điều không hài lòng trong buổi lễ ấy; tuy vậy, người thí chủ chính vẫn tự tay dâng cúng dường đến chư Đại đức Tăng một cách cung kính bình thường, nhưng tâm không được hoan hỷ bởi do có điều không hài lòng trong buổi lễ ấy. Còn phần đông mọi người đều phát sinh thiện tâm vô cùng hoan hỷ trong buổi lễ làm phước thiện cúng dường lớn lao ấy.

    Như vậy, khi thí chủ tạo thiện nghiệp bố thí cúng dường đến chư Đại đức Tăng, và bất thiện nghiệp phát sinh vì không hài lòng trong buổi lễ lẫn lộn. Do đó, làm cho thiện nghiệp bố thí cúng dường đến chư Đại đức Tăng không hoàn toàn trong sạch. Cho nên, bất thiện nghiệp ấy kìm hãm thiện nghiệp bố thí cúng dường đến chư Đại đức Tăng, làm cho suy yếu tiềm năng sinh quả của thiện nghiệp bố thí ấy.

    Thật vậy, sau khi người thí chủ ấy chết, nếu thiện nghiệp bố thí ấy có cơ hội sinh quả tái sinh làm người đáng lẽ có tam nhân (vô tham, vô sân và vô si (trí tuệ)), thì chỉ có nhị nhân (vô tham và vô sân) mà thôi. Bởi vì, bất thiện nghiệp được phát sinh kìm hãm thiện nghiệp, làm suy yếu tiềm năng sinh quả của thiện nghiệp ấy.

    Đó là bất thiện nghiệp phát sinh trong kiếp hiện tại, có phận sự kìm hãm thiện nghiệp đã có cơ hội sinh quả rồi, thì làm cho suy yếu tiềm năng sinh quả của thiện nghiệp ấy.

    3. 3 Nghiệp hãm hại có phận sự làm biến đổi ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của nghiệp đối nghịch ấy, có 2 trường hợp:

    a- Thiện nghiệp hãm hại làm biến đổi ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của bất thiện nghiệp.

    b- Bất thiện nghiệp hãm hại làm biến đổi ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của thiện nghiệp.

    Giải thích 2 trường hợp:

    a) Thiện nghiệp hãm hại làm biến đổi ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của bất thiện nghiệp ấy như thế nào?

    Ví dụ: Một người nghèo khổ, thường hay bệnh hoạn ốm đau, chịu bao nhiêu nỗi khổ thiếu thốn những nhu cầu cần thiết trong cuộc sống... đó là quả của bất thiện nghiệp mà người ấy đã từng tạo trong những kiếp quá khứ, hoặc trong kiếp hiện tại này. Hằng ngày, người ấy sống bằng nghề lượm đồ phế thải, không có nơi nương tựa.

    Một hôm, một người thiện trí có tâm bi cứu khổ, gặp người ấy đang lâm bệnh, nằm một nơi không có người săn sóc. Người thiện trí gọi xe đưa bệnh nhân ấy đi bệnh xá để chữa trị, ít hôm sau người ấy được khỏi bệnh. Người thiện trí nghĩ rằng: “Nếu ta đem người ấy về ở trong nhà, thì người ấy chỉ giảm bớt được phần khổ thân mà thôi; nếu ta gửi người ấy vào ở trong chùa, thì người ấy không những chỉ giảm được phần khổ thân, mà còn giảm được phần khổ tâm nữa”.

    Nghĩ xong, người thiện trí dẫn người ấy đem gửi vị Đại đức trụ trì một ngôi chùa, nhờ Ngài tế độ người nghèo khổ ấy. Từ đó, người ấy có nơi ăn chốn ở đàng hoàng, rồi phát sinh đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, xin thọ phép quy y Tam Bảo trở thành người cận sự nam trong Phật giáo, thọ trì bát giới uposathasīla để thích ứng với đời sống ở trong chùa.

    Hằng ngày, người cận sự nam ấy biết lo công việc lau chùi, quét dọn sạch sẽ trong và xung quanh chánh điện, nơi cội Đại Bồ Đề, chăm sóc cây cảnh trong chùa... tạo cho cảnh quang ngôi chùa sạch đẹp.

    Người cận sự nam ấy là người dễ dạy, hằng ngày, biết tụng kinh, thực hành thiền định niệm Ân đức Phật...; biết cung kính hộ độ từ Ngài Đại Trưởng Lão cho đến vị Tỳ khưu, Sadi nhỏ, cho nên, người cận sự nam được quý Ngài thương yêu quý mến. Người ấy còn tận tâm giúp đỡ, tạo mọi điều kiện, tiện nghi, phụ giúp những người cận sự nam, cận sự nữ đến chùa dâng hoa lễ Phật, làm phước thiện bố thí cúng dường đến chư Đại đức, Tỳ khưu, Sadi, cho nên, người cận sự nam ấy cũng được những người cận sự nam, cận sự nữ khác thương yêu quý mến.

    Từ khi người ấy ở trong chùa đời sống vật chất và tinh thần được thoải mái, cho nên người ấy không còn bệnh hoạn ốm đau như trước nữa. Bây giờ, người ấy là người cận sự nam có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, có giới hạnh, có sức khỏe tốt, mỗi ngày, mọi thiện pháp tăng trưởng; nhất là người cận sự nam ấy được phần đông chư Đại đức, Tỳ khưu, Sadi, và cận sự nam, cận sự nữ thương yêu quý mến giúp đỡ.

    Đó là thiện nghiệp hãm hại làm biến đổi ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của bất thiện nghiệp.

    b) Bất thiện nghiệp hãm hại làm biến đổi ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của thiện nghiệp như thế nào?

    Ví dụ: Trong đời này, một người có thân thể khỏe mạnh, tâm trí sáng suốt, có một cuộc sống giàu sang phú quý, có quyền cao chức trọng, có đầy đủ về mọi phương diện, cuộc sống được an lành hạnh phúc..., đó là quả của thiện nghiệp mà người ấy đã từng tạo trong những kiếp quá khứ hoặc trong những kiếp hiện tại. Nhưng về sau, người ấy bị lâm bệnh nan y (bệnh ung thư, hoặc bị bệnh bại liệt toàn thân, hoặc bị tai biến mạch máu não, hoặc bị tai nạn gây thương tật suốt đời...), hoặc gặp cơn tai biến tan gia bại sản, mất chức mất quyền v.v.. Những điều bất hạnh xảy ra trong đời sống của người ấy đều là quả của bất thiện nghiệp mà người ấy đã từng tạo trong những kiếp quá khứ hoặc kiếp hiện tại này.

    Hoặc một đứa trẻ được tái sinh làm người đó là quả của thiện nghiệp. Nhưng khi sinh ra đời, đứa trẻ bị mù, bị câm điếc... đó là quả của bất thiện nghiệp kìm hãm tiềm năng sinh quả của thiện nghiệp ấy.

    Đó là bất thiện nghiệp hãm hại làm biến đổi ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của thiện nghiệp.

    4. Upaghātakakamma: Nghiệp Sát Hại

    Thế nào gọi là nghiệp sát hại?

    Nghiệp nào có phận sự sát hại, cắt đứt nghiệp khác, và sát hại cắt đứt ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của nghiệp khác, nghiệp ấy gọi là nghiệp sát hại, đó là 12 bất thiện nghiệp (ác nghiệp - là tâm sở tác ý đồng sinh trong 8 tâm tham, trong 2 tâm sân và trong 2 tâm si), 21 thiện nghiệp (tâm sở tác ý đồng sinh trong 8 dục giới đại thiện tâm, 5 sắc giới thiện tâm, 4 vô sắc giới thiện tâm và 4 Siêu tam giới thiện tâm (4 Thánh Đạo Tâm).

    *Sự khác biệt giữa nghiệp hãm hại và nghiệp sát hại

    – Nghiệp hãm hại là nghiệp có phận sự hãm hại, ngăn cản nghiệp đối nghịch khác không cho có cơ hội sinh quả, hoặc khi đã có cơ hội sinh quả rồi thì làm cho suy yếu tiềm năng sinh quả hoặc làm biến đổi ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của nghiệp đối nghịch ấy.

    – Nghiệp sát hại là nghiệp có phận sự cắt đứt nghiệp nào rồi, thì nghiệp ấy vĩnh viễn không còn có cơ hội sinh quả được nữa, hoặc cắt đứt ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của nghiệp khác, cắt đứt một phần hoặc cắt đứt toàn phần, sát hại sinh mạng của chúng sinh ấy.

    * Nghiệp sát hại có 2 phận sự:

    4. 1 Nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt nghiệp khác vĩnh viễn không còn có cơ hội sinh quả được nữa.

    4. 2 Nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của nghiệp khác, cắt đứt một phần hoặc cắt đứt toàn phần, sát hại sinh mạng của chúng sinh ấy.

    4. 1 Nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt nghiệp khác vĩnh viễn không còn có cơ hội sinh quả được nữa, có 3 trường hợp:

    a- Thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt bất thiện nghiệp khác.

    b- Thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt thiện nghiệp khác.

    c- Bất thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt thiện nghiệp khác.

    Giải thích 3 trường hợp:

    a) Thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt bất thiện nghiệp khác vĩnh viễn không còn có cơ hội sinh quả được nữa như thế nào?

    Trước khi chưa chứng đắc thành bậc Thánh Arahán, Ngài Đại đức Aṅgulimāla là kẻ cướp sát nhân đã từng giết chết hơn 1.000 người. Như vậy, bất thiện nghiệp (ác nghiệp) sát sinh của Ngài khó tránh khỏi sinh quả tái sinh trong cõi địa ngục. Khi Đức Thế Tôn ngự đến tế độ và cho phép Ngài xuất gia trở thành Tỳ khưu. Tỳ khưu Aṅgulimāla thực hành thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt tất cả mọi phiền não, mọi tham ái không còn dư sót, trở thành bậc Thánh Arahán cao thượng. Đến khi hết tuổi thọ, Ngài đã tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài. Cho nên, tất cả mọi bất thiện nghiệp và thiện nghiệp mà Ngài đã tạo trong vô số kiếp quá khứ từ vô thủy cho đến kiếp hiện tại trước khi trở thành bậc Thánh Arahán, đều trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma) vĩnh viễn không còn có cơ hội sinh quả được nữa.

    Đó là Siêu tam giới thiện nghiệp có phận sự cắt đứt bất thiện nghiệp khác vĩnh viễn không còn có cơ hội sinh quả được nữa.

    b) Thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt thiện nghiệp khác vĩnh viễn không còn có cơ hội sinh quả được nữa như thế nào?

    Hành giả thực hành thiền định có khả năng chứng đắc từ đệ nhất thiền hữu sắc cho đến đệ ngũ thiền hữu sắc tột đỉnh của sắc giới. Nếu hành giả có khả năng giữ gìn 5 bậc thiền hữu sắc ấy cho đến chết, thì sau khi hành giả chết, chắc chắn đệ ngũ thiền hữu sắc đó là đệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm sinh quả là đệ ngũ thiền sắc giới quả tâm làm phận sự tái sinh lên tầng trời sắc giới tột đỉnh.

    – Nếu hành giả là hạng phàm nhân, thì đệ ngũ thiền sắc giới quả tâm làm phận sự tái sinh trong cõi trời sắc giới phạm thiên cõi Quảng Quả Thiên (hoặc Vô Tưởng Thiên), có tuổi thọ 500 đại kiếp trái đất.

    – Nếu hành giả là bậc Thánh Bất Lai, thì đệ ngũ thiền sắc giới quả tâm làm phận sự tái sinh 1 trong 5 cõi Tịnh Cư Thiên có tuổi thọ từ 1000 đại kiếp trái đất đến 16.000 đại kiếp trái đất, tùy theo mỗi tầng trời thấp cao.

    Còn 4 bậc thiền hữu sắc bậc thấp đó là 4 sắc giới thiện nghiệp từ đệ nhất thiền sắc giới thiện nghiệp cho đến đệ tứ thiền sắc giới thiện nghiệp bị cắt đứt bởi đệ ngũ thiền sắc giới thiện nghiệp.

    Cho nên, đệ ngũ thiền sắc giới thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt 4 bậc thiền sắc giới thiện nghiệp bậc thấp vĩnh viễn không còn có cơ hội sinh quả được nữa.

    Hoặc hành giả thực hành thiền định sau khi đã chứng đắc 5 bậc thiền hữu sắc, rồi tiếp tục thực hành thiền định có khả năng chứng đắc 4 bậc thiền vô sắc.

    Sau khi hành giả chết, chỉ có bậc thiền phi tưởng phi phi tưởng xứ thiền vô sắc giới quả tâm làm phận sự tái sinh trong cõi trời vô sắc giới Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Thiên mà thôi, còn lại 5 bậc thiền hữu sắc và 3 bậc thiền vô sắc bậc thấp đều bị cắt đứt vĩnh viễn không còn có cơ hội sinh quả được nữa.

    Đó là thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt thiện nghiệp khác vĩnh viễn không còn có cơ hội sinh quả được nữa.

    c) Bất thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt thiện nghiệp khác không còn có cơ hội sinh quả được nữa như thế nào?

    Người nào đã tạo dục giới đại thiện nghiệp, sắc giới thiện nghiệp (5 bậc thiền hữu sắc) và vô sắc giới thiện nghiệp (4 bậc thiền vô sắc). Về sau, người ấy bị phạm trọng tội thuộc vào 1 trong 5 ác nghiệp vô gián (pañcānantariya-kamma) là giết cha, giết mẹ, giết bậc Thánh Arahán, làm bầm máu bàn chân của Đức Phật và chia rẽ chư Tỳ khưu Tăng. Sau khi người ấy chết, chắc chắn chỉ có ác nghiệp vô gián này có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau trong cõi đại địa ngục Avīci mà thôi, chịu khổ do bị thiêu đốt trong cõi đại địa ngục suốt thời gian lâu dài trải qua nhiều kiếp trái đất. Còn các thiện nghiệp khác đều bị cắt đứt không có cơ hội sinh quả.

    Đó là bất thiện nghiệp (ác nghiệp) sát hại có phận sự cắt đứt mọi thiện nghiệp khác không còn có cơ hội sinh quả được nữa.

    4. 2 Nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của nghiệp khác, cắt đứt một phần hoặc cắt đứt toàn phần, sát hại sinh mạng của chúng sinh ấy, có 4 trường hợp:

    a- Thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của bất thiện nghiệp.

    b- Thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của thiện nghiệp khác.

    c- Bất thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của thiện nghiệp.

    d- Bất thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của bất thiện nghiệp khác.

    Giải thích 4 trường hợp:

    a) Thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của bất thiện nghiệp như thế nào?

    Ví dụ: Trường hợp nhóm ngạ quỷ đã từng là thân quyến của Đức vua Bimbisāra từ thời Đức Phật Phussa, thời gian cách Đức Phật Gotama 92 đại kiếp trái đất, trải qua 6 Đức Phật.

    Tiền kiếp của chúng trong thời kỳ Đức Phật Phussa, đã tạo ác nghiệp trộm cắp vật thực của chư Đại đức Tăng, tự mình ăn và cho con cái ăn. Sau khi họ chết, ác nghiệp trộm cắp ấy có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau trong cõi địa ngục, từ cõi địa ngục lớn đến cõi địa ngục nhỏ, chịu quả khổ trải qua thời gian lâu dài nhiều đại kiếp trái đất. Đến lúc mãn quả của ác nghiệp trong cõi địa ngục nhỏ, song ác nghiệp ấy vẫn còn năng lực sinh quả tái sinh làm kiếp ngạ quỷ chịu cảnh đói khát khổ cực.

    Trong thời kỳ Đức Phật Kassapa xuất hiện trên thế gian, nhóm ngạ quỷ đến hầu đảnh lễ Đức Phật, bèn bạch rằng:

    – Kính bạch Đức Thế Tôn, đến khi nào mới có thân quyến làm phước bố thí, rồi hồi hướng phần phước thiện ấy đến cho loài ngạ quỷ chúng con, để cho chúng con được thoát khỏi cảnh khổ đói khát, được an lạc? Bạch Ngài.

    Đức Phật Kassapa dạy rằng:

    – Này các ngạ quỷ, bây giờ các con chưa có được gì đâu! Các con ráng chờ đến thời kỳ Đức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian. Khi ấy sẽ có Đức vua Bimbisāra đã từng là thân quyến của các con cách đây 92 đại kiếp trái đất. Đức vua Bimbisāra sẽ làm phước thiện bố thí cúng dường đến Đức Phật Gotama cùng chư Đại đức Tăng, rồi sẽ hồi hướng phần phước thiện ấy cho các con.

    Nghe lời thọ ký của Đức Phật Kassapa, nhóm ngạ quỷ vô cùng hoan hỷ chờ đợi, mong ngóng, từ thời Đức Phật Kassapa cho đến thời kỳ Đức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, trải qua một thời kỳ lâu dài chờ đợi.

    Đến thời kỳ Đức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, Đức vua Bimbisāra ngự tại kinh thành Rājagaha trị vì xứ Magadha. Đức Phật Gotama cùng chư Tỳ khưu Tăng ngự đến kinh thành Rājagaha, thuyết pháp tế độ Đức vua cùng các quan trong triều và dân chúng trong kinh thành. Sau khi lắng nghe chánh pháp, Đức vua đã chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu, phần đông các quan và dân chúng cũng chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu.

    Đức vua Bimbisāra có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, xây dựng ngôi chùa Veḷuvana xong, làm lễ dâng cúng dường đến chư Đại đức Tăng có Đức Phật chủ trì. Khi ấy, Đức vua quên hồi hướng phần phước thiện đến cho nhóm ngạ quỷ.

    Nhóm ngạ quỷ vô cùng thất vọng, đêm đến chúng hiện đến cung điện của Đức vua kêu la, khóc than thảm thiết phát ra những âm thanh đáng kinh sợ.

    Sáng ngày hôm sau, Đức vua ngự đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, bèn bạch hỏi do nhân nào có âm thanh đáng kinh sợ như vậy.

    Đức Thế Tôn dạy:

    - “Này Đại vương, Đại vương không nên kinh sợ! Đó là tiếng kêu la than khóc của nhóm ngạ quỷ. Nhóm ngạ quỷ này đã từng là thân quyến của Đại vương trong kiếp quá khứ, chúng trông ngóng từ lâu, với hy vọng Đại vương làm phước thiện bố thí, rồi hồi hướng phần phước thiện ấy đến cho chúng, để chúng thoát khỏi cảnh khổ kiếp ngạ quỷ. Nhưng Đại vương làm phước thiện bố thí xong, không hồi hướng phần phước thiện ấy đến cho chúng. Do đó, chúng thất vọng hiện đến kêu la than khóc như vậy”.

    Lắng nghe Đức Thế Tôn dạy như vậy, Đức vua Bimbisāra bèn bạch rằng:

    - Kính bạch Đức Thế Tôn, ngày mai, con xin kính thỉnh Đức Thế Tôn cùng chư Đại đức Tăng ngự đến cung điện của con, để con làm phước thiện cúng dường một lần nữa. Lần này, con sẽ hồi hướng phần phước thiện ấy đến cho nhóm ngạ quỷ thân quyến của con.

    Đức Thế Tôn nhận lời bằng cách im lặng.

    Đức vua Bimbisāra đảnh lễ Đức Thế Tôn, rồi xin phép trở về cung điện.

    Sáng hôm sau, Đức Thế Tôn cùng chư Đại đức Tăng ngự đến cung điện của Đức vua Bimbisāra. Chính Đức vua tự tay dâng cúng dường vật thực đến Đức Thế Tôn cùng chư Đại đức Tăng.

    Đức Thế Tôn thuyết bài kinh Tirokuḍḍapetavatthu tế độ nhóm ngạ quỷ, đồng thời Đức vua Bimbisāra hồi hướng phần phước thiện ấy đến nhóm ngạ quỷ thân quyến. Nhóm ngạ quỷ phát sinh thiện tâm hoan hỷ thọ hưởng phần phước thiện ấy. Ngay khi ấy, tất cả nhóm ngạ quỷ đều thoát khỏi kiếp ngạ quỷ đói khát, nhờ thiện nghiệp ấy sinh quả tái sinh làm chư thiên trên cõi trời dục giới, hưởng mọi sự an lạc trong cõi trời ấy.

    Đó là thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của bất thiện nghiệp.

    Chúng ta được sinh làm người mới có được cơ hội tốt làm phước thiện bố thí, còn các chúng sinh khác khó có cơ hội làm phước thiện bố thí như chúng ta. Cho nên, nếu chúng ta gặp được dịp may, có cơ hội tốt làm phước bố thí những nhu cầu gì đến cho người khác, thì chúng ta không nên bỏ lỡ cơ hội tốt ấy. Chúng ta nên nghĩ rằng: “Những vật nào mà ta đem ra làm phước thiện bố thí, những vật ấy mới thật sự trở thành phước thiện của ta. Những vật khác còn lại thuộc về của chung, thì không chắc là của riêng ta”.

    Khi ta đã làm phước thiện bố thí, không những ta được phước thiện mà ta còn có thể hồi hướng đến cho thân bằng quyến thuộc và tất cả chúng sinh khác đã quá vãng, họ cũng có thể thọ nhận được phần phước thiện ấy, rồi thoát khỏi cảnh khổ, đồng thời được hưởng sự an lạc lâu dài, như tái sinh làm người hoặc làm chư thiên trong cõi trời dục giới. Thật là hạnh phúc biết dường nào!

    Vì vậy, sau khi đã làm phước thiện nào rồi, chúng ta nên hồi hướng đến thân quyến của chúng ta bằng câu Pāḷi và tiếng Việt như sau:

    “Idaṃ no ñātinaṃ hotu,

    Sukhitā hontu ñātayo”.

    Chúng con xin thành tâm hồi hướng,

    Trọn phần phước thiện thanh cao này,

    Đến các thân quyến của chúng con,

    Kể từ vô lượng kiếp quá khứ,

    Mãi cho đến kiếp hiện tại này.

    Cầu xin tất cả mọi thân quyến,

    Hoan hỷ thọ nhận phước thiện này,

    Để giải thoát khỏi mọi cảnh khổ,

    Hưởng được sự an lạc lâu dài.

    Hoặc hồi hướng đến tất cả chúng sinh như sau:

    “Imaṃ puññabhāgaṃ sabbasattānaṃ dema,

    sabbepi te puññapattiṃ laddhāna sukhitā hontu”.

    Chúng con xin thành tâm hồi hướng,

    Trọn phần phước thiện thanh cao này,

    Đến tất cả chúng sinh muôn loài,

    Trong ba giới bốn loài cả thảy.

    Cầu xin quý vị đều hoan hỷ,

    Thọ nhận phước thiện thanh cao này,

    Để giải thoát khỏi mọi cảnh khổ,

    Hưởng được sự an lạc lâu dài.

    Chúng sinh nào phát sinh thiện tâm hoan hỷ phần phước thiện thanh cao ấy, nếu chúng sinh ấy đang ở trong cõi khổ, thì sẽ được giải thoát khỏi cõi khổ ngay tức thì; nếu chúng sinh ấy đang ở trong cõi an lạc, thì sự an lạc càng được tăng trưởng. Đó là điều hạnh phúc cao thượng biết dường nào!

    b) Thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn danh pháp sắc pháp là quả của thiện nghiệp khác như thế nào?

    Ví dụ: Người tại gia là cận sự nam hoặc cận sự nữ thực hành thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não, mọi tham ái không còn dư sót, trở thành bậc Thánh Arahán cao thượng. Sau đó, nếu bậc Thánh Arahán vẫn sống tại gia, thì bậc Thánh Arahán ấy chắc chắn sẽ tịch diệt Niết Bàn ngay trong ngày hôm ấy, không thể duy trì sinh mạng sang ngày hôm sau được. Bởi vì, Ân đức cao thượng của bậc Thánh Arahán, phạm hạnh cao thượng của bậc Thánh Arahán không thích hợp với đời sống của người tại gia. Cho nên, bậc Thánh Arahán ấy phải tịch diệt Niết Bàn ngay ngày hôm ấy.

    * Trong thời kỳ Đức Phật còn trên thế gian, trường hợp Đức vua Suddhodana (Phụ hoàng của Đức Phật) sau khi đã chứng đắc thành bậc Thánh Arahán, rồi tịch diệt Niết Bàn ngay ngày hôm ấy.

    * Trường hợp vị quan đại cận thần Santati trong triều đình của Đức vua Pasenadi Kosala, sau khi đã chứng đắc thành bậc Thánh Arahán, rồi đảnh lễ xin phép Đức Thế Tôn tịch diệt Niết Bàn ngay ngày hôm ấy.

    Đối với người tại gia, Arahán Thánh Đạo là Siêu tam giới thiện nghiệp có phận sự cắt đứt ngũ uẩn là quả của thiện nghiệp khác, gọi là Ngũ Uẩn Niết Bàn ngay trong ngày hôm ấy, không thể duy trì sinh mạng sang ngày hôm sau.

    Như vậy, người tại gia sau khi chứng đắc thành bậc Thánh Arahán, nếu bậc Thánh Arahán ấy cần duy trì sinh mạng cho đến hết tuổi thọ, thì bậc Thánh Arahán ấy phải xuất gia trở thành Tỳ khưu.

    * Nhưng trường hợp đặc biệt trong thời kỳ Đức Phật còn trên thế gian, trường hợp bà Khemā - chánh cung Hoàng hậu của Đức vua Bimbisāra, sau khi chứng đắc thành bậc Thánh Arahán, Đức vua Bimbisāra chấp thuận để cho bà được xuất gia. Bà Khemā được xuất gia trở thành Tỳ khưu ni, về sau Đức Phật tuyên dương Đại đức Tỳ khưu ni Khemā là bậc Thánh nữ Tối Thượng Thanh Văn xuất sắc nhất về trí tuệ trong hàng nữ Thanh Văn đệ tử của Đức Phật.

    Đó là thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của thiện nghiệp.

    c) Bất thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của thiện nghiệp như thế nào?

    Con người sinh ra đời, có ngũ uẩn tốt đẹp, thân thể khoẻ mạnh, có đầy đủ ngũ quan tốt (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân)… Đó là quả của thiện nghiệp trong kiếp quá khứ. Người ấy tòng quân đi chiến đấu, giữa trận địa, hai bên giao chiến với nhau, người ấy chẳng may bị thương nặng gẫy chân, và các vết thương khác quá nặng nên bị tử trận (chết do bất thiện nghiệp trong kiếp hiện tại).

    Hoặc trường hợp người bị tai nạn làm cho gẫy chân hoặc gẫy tay, hoặc bị mù mắt, bị điếc gây thương tích trọn đời hoặc bị thương nặng rồi tử vong, hoặc bị lâm bệnh nặng gây ra bệnh mất trí cuồng điên cho đến chết (chết do bất thiện nghiệp trong kiếp quá khứ).

    Đó là bất thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của thiện nghiệp.

    d) Bất thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của bất thiện nghiệp khác như thế nào?

    e) Tất cả mọi loài súc sinh sinh ra trên trái đất này đều là quả của bất thiện nghiệp trong kiếp quá khứ. Nhưng có một số loài súc sinh gặp nhau cắn xé lẫn nhau, gây thương tích cho nhau, thậm chí còn cắn chết rồi ăn thịt nữa. (chết do bất thiện nghiệp trong kiếp hiện tại).

    Hoặc trường hợp, một số loài súc sinh bị tai nạn gây ra thương tích trọn đời, hoặc bị thương nặng rồi tử vong (chết do bất thiện nghiệp trong kiếp quá khứ).

    Đó là bất thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của bất thiện nghiệp khác.

    Nghiệp Sát Hại Cắt Đứt Ngũ Uẩn

    Nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của nghiệp khác có 3 trường hợp đặc biệt:

    a- Nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của nghiệp khác xong, rồi chính nghiệp ấy không sinh quả tái sinh kiếp sau và cũng không cho nghiệp khác có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau.

    b- Nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của nghiệp khác xong, rồi chính nghiệp ấy giành cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau.

    c- Nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của nghiệp khác xong, rồi cho nghiệp khác có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau.

    Giải thích 3 trường hợp:

    a) Nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của nghiệp khác xong, rồi chính nghiệp ấy không sinh quả tái sinh kiếp sau, và cũng không cho nghiệp khác có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau như thế nào?

    – Trường hợp hành giả thực hành thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Arahán xong, đồng thời tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

    Arahán Thánh Đạo là Siêu tam giới thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn và đồng thời Ngũ uẩn Niết Bàn gọi là Jīvitasanrasīsi: Chứng đắc Arahán Thánh Quả xong, đồng thời Ngũ uẩn Niết Bàn ngay khi ấy.

    – Hoặc trường hợp Ngài Đại đức Mahāmoggallāna, Ngài bị bọn cướp đánh đập tan xương nát thịt đến gần chết. Chúng tưởng Ngài đã chết rồi, nên đem thi thể của Ngài bỏ vào bụi cây, rồi bỏ đi khỏi nơi ấy.

    Ngài Đại đức Mahāmoggallāna dùng thần thông kết nối xương thịt lại, rồi bay đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, xin phép tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới.

    Tiền kiếp của Ngài Đại đức Mahāmogallāna đã từng tạo bất thiện nghiệp đánh đập cha mẹ Ngài đến chết trong kiếp quá khứ. Nay bất thiện nghiệp ấy trở thành bất thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn và đồng thời ngũ uẩn Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới.

    Đó là nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của thiện nghiệp khác xong, rồi chính nghiệp ấy không sinh quả tái sinh kiếp sau, và cũng không cho nghiệp khác có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau. (trường hợp bậc Thánh Arahán tịch diệt Niết Bàn gọi là Ngũ uẩn Niết Bàn).

    b) Nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của nghiệp khác xong, rồi chính nghiệp ấy lại giành cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau như thế nào?

    – Trường hợp chúng sinh trong cõi địa ngục, bất thiện nghiệp sát hại nào có phận sự cắt đứt ngũ uẩn của chúng sinh trong cõi địa ngục xong, rồi chính bất thiện nghiệp ấy lại giành cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau cũng trong cõi địa ngục ấy. Bởi vì, chúng sinh trong cõi địa ngục thuộc về loài hóa sinh, cho nên khi chúng sinh ấy bị hành hạ đến chết, rồi lại hóa sinh trở lại, cứ tiếp tục tử rồi sinh, sinh rồi tử trong cõi địa ngục cho đến khi mãn quả của bất thiện nghiệp ấy mới thoát ra khỏi địa ngục, rồi được tái sinh trong cõi khác tùy theo nghiệp của chúng sinh ấy.

    Đó là bất thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của bất thiện nghiệp khác, rồi chính bất thiện nghiệp ấy lại giành cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau.

    – Trường hợp chư thiên trong cõi trời dục giới cũng thuộc về loài hóa sinh, đến khi hết tuổi thọ của cõi trời dục giới ấy, nếu thiện nghiệp ấy còn có nhiều năng lực, thì thiện nghiệp ấy lại có cơ hội sinh quả tái sinh trở lại cõi trời cũ, hoặc cõi trời thấp hơn, hoặc cõi trời cao hơn cõi trời cũ, tùy theo năng lực của thiện nghiệp ấy.

    – Hoặc trường hợp ông phú hộ Anāthapiṇdika là bậc Thánh Nhập Lưu. Sau khi ông chết, thiện nghiệp có cơ hội sinh quả tái sinh lên cõi trời Tusita (Đấu Xuất Đà Thiên) có tuổi thọ 4.000 (bốn ngàn) năm trời (bằng 576 triệu năm cõi người).

    Khi hết tuổi thọ ở cõi trời Tusita, sau khi vị thiên nam Anāthapiṇdika chết, chính thiện nghiệp ấy giành cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau lên cõi trời cao Nimmānaratī có tuổi thọ 8.000 (tám ngàn) năm trời (bằng 2.304 triệu năm cõi người).

    Khi hết tuổi thọ ở cõi trời Nimmānaratī, sau khi vị thiên nam Anāthapiṇdika chết, chính thiện nghiệp ấy giành cơ hội sinh tái sinh kiếp sau lên cõi trời cao Paranimmitavasavatti có tuổi thọ 16.000 (mười sáu ngàn) năm trời (bằng 9.216 triệu năm cõi người).

    Khi hết tuổi thọ ở cõi trời Paranimmitavasavatti, sau khi vị thiên nam Anāthapiṇdika chết, sắc giới thiện nghiệp sinh quả tái sinh kiếp sau lên cõi trời sắc giới phạm thiên. Và cứ như vậy, từ cõi trời sắc giới tầng thấp cho đến tầng cao tột đỉnh của cõi trời sắc giới là cõi Akaniṭṭhā có tuổi thọ 16.000 đại kiếp trái đất. Vị Phạm thiên Anāthapiṇdika sẽ trở thành bậc Thánh Arahán, rồi tịch diệt Niết Bàn tại cõi trời ấy, chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới.

    – Tương tự như ông phú hộ Anāthapiṇdika, có bà đại thí chủ Visākhā Mahā upāsikā là bậc Thánh Nhập Lưu. Sau khi bà chết tại cõi trời thấp, thiện nghiệp sinh quả tái sinh kiếp sau lên các cõi trời dục giới và các cõi trời sắc giới tột đỉnh, sẽ trở thành bậc Thánh Arahán, rồi sẽ tịch diệt Niết Bàn tại cõi trời ấy, chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới.

    Đó là trường hợp đặc biệt của ông phú hộ Anāthapiṇḍika và bà đại thí chủ Visākhā Mahā upasikā đã từng phát nguyện.

    Đó là thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của nghiệp khác, rồi chính thiện nghiệp ấy lại giành cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau.

    c) Nghiệp sát hại có phận sự cắt dứt ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của thiện nghiệp khác xong, rồi cho nghiệp khác có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau như thế nào?

    Trong thời quá khứ, tiền kiếp của Đức vua Bimbisāra đã từng mang dép đi vào trong khuôn viên xung quanh ngôi Bảo Tháp hoặc khuôn viên xung quanh cội Đại Bồ Đề. Nay kiếp hiện tại được sinh làm Đức vua Bimbisāra là quả của thiện nghiệp. Nhưng do năng lực của bất thiện nghiệp mang dép đi vào khuôn viên xung quanh ngôi Bảo Tháp, cội Đại Bồ Đề sinh quả, khiến cho Đức vua Ajātasattu truyền lệnh cho người thợ cạo lấy dao rạch hai bàn chân, thoa dầu, hơ lửa hai bàn chân làm cho Đức vua Bimbisāra băng hà. Nhưng sau khi Đức vua băng hà, do thiện nghiệp khác có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau trong cõi trời Tứ Đại Thiên Vương.

    Đó là bất thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn là quả của thiện nghiệp xong, rồi cho thiện nghiệp khác có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau.

    Tóm lược 4 loại nghiệp phân loại theo phận sự

    1- Nghiệp sinh quả (janakakamma) gồm có thiện nghiệp, bất thiện nghiệp (ác nghiệp) có phận sự sinh quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) và sinh quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu (pavattikāla) cho đến cuối cùng của kiếp ấy. Như vậy, nghiệp sinh quả là nghiệp cho quả từ đầu đến cuối cùng của một kiếp chúng sinh.

    2- Nghiệp hỗ trợ (upathambhakakamma) gồm có thiện nghiệp, bất thiện nghiệp (ác nghiệp) có phận sự hỗ trợ cho nghiệp nào chưa có cơ hội sinh quả, giúp cho nghiệp ấy có cơ hội sinh quả; nếu nghiệp nào đã có cơ hội sinh quả rồi, thì nghiệp hỗ trợ này hỗ trợ cho nghiệp ấy được phát triển đầy đủ. Nghiệp hỗ trợ giúp cho ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp được phát triển và duy trì để tồn tại theo tuổi thọ của kiếp chúng sinh ấy.

    3- Nghiệp hãm hại (upapīḷakakamma) gồm có thiện nghiệp, bất thiện nghiệp (ác nghiệp) có phận sự hãm hại nghiệp đối nghịch khác không cho có cơ hội sinh quả; hoặc làm cho suy yếu tiềm năng sinh quả của nghiệp đối nghịch khác; hoặc làm biến đổi ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của nghiệp đối nghịch khác.

    4- Nghiệp sát hại (upaghāṭakakamma) gồm có thiện nghiệp, bất thiện nghiệp (ác nghiệp) có phận sự sát hại nghiệp khác vĩnh viễn không có cơ hội sinh quả; hoặc sát hại một phần ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp; hoặc sát hại toàn phần ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của nghiệp khác (sát hại sinh mạng).

    Tất cả mọi chúng sinh nói chung, con người nói riêng đều phải chịu sự chi phối của nghiệp sinh quả trong thời kỳ tái sinh, bắt đầu một kiếp hiện tại, rồi còn phải chịu ảnh hưởng quả của nghiệp trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu (pavattikāla) cho đến lúc chết. Do đó, kiếp hiện tại là một phần quả của các thiện nghiệp và ác nghiệp trong những kiếp quá khứ, và cũng có một phần quả của các thiện nghiệp và ác nghiệp trong kiếp hiện tại.
    Itipi so Bhagavà Araham, Sammàsambuddho, Vijjàcaranasampanno, Sugato, Lokavidù, Anuttaro purisadammasàrathi, Satthàdevamanussànam, Buddho, Bhagavà.

  5. #5
    Đai Nâu Avatar của raucucai
    Gia nhập
    Mar 2012
    Nơi cư ngụ
    Sơn La
    Bài gởi
    302

    Mặc định

    II. Pākadānapariyāyacatukka: 4 Loại Nghiệp Theo Tuần Tự Cho Quả Nhất Định

    Phần 4 loại nghiệp phân loại theo phận sự xong, tiếp theo phần 4 loại nghiệp phân loại theo tuần tự cho quả nhất định trước sau như sau:

    4 loại nghiệp ấy như thế nào?

    1. Garukakamma: Nghiệp trọng yếu, loại nghiệp nặng là nghiệp nặng nhất có quyền ưu tiên cho quả tái sinh kiếp sau trước tiên, không có nghiệp nào có thể ngăn cản được.

    Nếu không có nghiệp trọng yếu này, thì kế tiếp nghiệp cận tử (āsannakamma) cho quả tái sinh kiếp sau.

    2. Āsannakamma: Loại nghiệp cận tử là nghiệp phát sinh lúc lâm chung. Nếu không có nghiệp trọng yếu, thì nghiệp cận tử này có cơ hội ưu tiên cho quả tái sinh kiếp sau.

    Nếu không có nghiệp trọng yếu và nghiệp cận tử, thì kế tiếp nghiệp thường hành (āciṇṇakamma) cho quả tái sinh kiếp sau.

    3. Āciṇṇakamma: Loại nghiệp thường hành là nghiệp thường được hành hằng ngày đêm đã trở thành thói quen. Nếu không có nghiệp trọng yếu và nghiệp cận tử, thì nghiệp thường hành này có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau.

    Nếu không có cả 3 loại nghiệp trên (nghiệp trọng nhẹ, nghiệp cận tử và nghiệp thường hành), thì kế tiếp nghiệp loại thường (kaṭattākamma) cho quả tái sinh kiếp sau.

    4. Kaṭattākamma: Loại nghiệp loại thường là nghiệp yếu hơn 3 loại nghiệp trên, nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại, hoặc nghiệp đã được tạo trong những kiếp quá khứ có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau.

    4 loại nghiệp cho quả tái sinh kiếp sau theo tuần tự nhất định. Trong mỗi loại nghiệp, nghiệp nào có nhiều năng lực nhất, thì nghiệp ấy có quyền ưu tiên, có cơ hội ưu tiên cho quả tái sinh kiếp sau.

    Giải thích 4 loại nghiệp theo tuần tự cho quả

    1. Garukakamma: Nghiệp Trọng Yếu

    Thế nào gọi là nghiệp trọng yếu?

    Loại nghiệp nào có nhiều năng lực nhất, chắc chắn có quyền ưu tiên, có cơ hội ưu tiên cho quả tái sinh kiếp sau kế tiếp, mà không có nghiệp nào có thể ngăn cản được, loại nghiệp ấy gọi là nghiệp trọng yếu; đó là tác ý tâm sở đồng sinh với tâm tham hợp với tà kiến trực tiếp tạo ác nghiệp tà kiến cố định (niyatamicchādiṭṭhikamma), tác ý tâm sở đồng sinh với tâm sân trực tiếp tạo 5 ác nghiệp vô gián (pañcānantariyakamma), và tác ý tâm sở đồng sinh với 5 sắc giới thiện tâm, 4 vô sắc giới thiện tâm. Các loại nghiệp này gọi là loại nghiệp nặng, nghiệp trọng yếu.

    Nghiệp trọng yếu (garukakamma) có 2 loại:

    1.1 Ác nghiệp trọng tội (akusala garukakamma) có 2 loại: Ác nghiệp tà kiến cố định (niyatamicchādiṭṭhikamma) và 5 ác nghiệp vô gián (pañcānantariyakamma) .

    1.2 Thiện nghiệp trọng yếu (kusala garukakamma) có 2 loại: 4 vô sắc giới thiện nghiệp và 5 sắc giới thiện nghiệp.

    1.1 Ác Nghiệp Trọng Tội

    Ác nghiệp trọng tội có 2 loại:

    a- Ác nghiệp tà kiến cố định (niyatamicchādiṭṭhikamma).

    b- 5 ác nghiệp vô gián (pañcānantariyakamma).

    a) Ác nghiệp tà kiến cố định có 3 loại:

    Natthikadiṭṭhi: Vô quả tà kiến.

    Ahetukadiṭṭhi: Vô nhân tà kiến.

    Akiriyādiṭṭhi: Vô hành tà kiến.

    * Vô quả tà kiến nghĩa là tà kiến thấy sai, chấp lầm cho rằng: “Không có quả của ác nghiệp, không có quả của thiện nghiệp. Người đã có tác ý tạo ác nghiệp xong, rồi không có quả khổ của ác nghiệp, không cho quả tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh). Hoặc người đã có tác ý tạo thiện nghiệp xong, rồi cũng không có quả an lạc của thiện nghiệp, không cho quả tái sinh trong cõi thiện giới (cõi người, các cõi trời dục giới, cõi trời sắc giới, cõi trời vô sắc giới), chết rồi là hết, không tái sinh kiếp sau trong cõi nào cả”. Tà kiến này còn gọi là đoạn kiến (ucchedadiṭṭhi) chết rồi là hết, không có tái sinh kiếp sau trong cõi nào cả.

    Người có vô quả tà kiến này là người phủ nhận quả của ác nghiệp, quả của thiện nghiệp, cũng có nghĩa là phủ nhận nhân ác nghiệp, nhân thiện nghiệp.

    * Vô nhân tà kiến nghĩa là tà kiến thấy sai, chấp lầm rằng: “Chúng sinh đang chịu mọi cảnh khổ, hoặc đang hưởng mọi sự an lạc. Đó là điều tự nhiên, không phải do từ nhân nào, duyên nào nghĩa là không do từ ác nghiệp hoặc thiện nghiệp nào cả”.

    Người có vô nhân tà kiến này là người phủ nhận nhân là ác nghiệp, nhân là thiện nghiệp, cũng có nghĩa là phủ nhận quả của ác nghiệp, quả của thiện nghiệp.

    Vô hành tà kiến nghĩa là tà kiến thấy sai, chấp lầm rằng: “Mọi hành động ác do thân, khẩu, ý không tạo nên ác nghiệp; và mọi hành động thiện do thân, khẩu, ý cũng không tạo nên thiện nghiệp”.

    Ví như tự mình sát sinh, hoặc sai khiến người khác sát sinh; tự mình trộm cắp, hoặc sai khiến người khác trộm cắp... đều không tạo nên ác nghiệp. Cũng như vậy, tự mình bố thí, giữ giới trong sạch, hành thiền... không tạo nên thiện nghiệp. Làm tội không có tội, làm phước không có phước.

    Người có vô hành tà kiến này là người phủ nhận nhân là ác nghiệp, nhân là thiện nghiệp và phủ nhận quả của ác nghiệp, quả của thiện nghiệp.

    Như vậy, vô nhân tà kiến, vô quả tà kiến, vô hành tà kiến gọi là ác nghiệp tà kiến cố định.

    Người nào có ác nghiệp tà kiến cố định này, sau khi người ấy chết, chắc chắn chỉ có ác nghiệp tà kiến cố định mới có quyền ưu tiên, có cơ hội ưu tiên cho quả tái sinh kiếp sau trong cõi đại địa ngục Avīci mà thôi, phải chịu khổ trong cõi địa ngục này suốt thời gian lâu dài trải qua vô số đại kiếp trái đất, khó thoát ra khỏi cõi địa ngục ấy.

    2 Hạng Người Có Tà Kiến Cố Định

    1- Hạng người có tà kiến cố định sống biết tuân thủ theo pháp luật nhà nước. Tuy họ không tin nghiệp và quả của nghiệp, song họ biết sợ vi phạm pháp luật, cho nên, họ có thể hành động mọi việc ác mà không phạm pháp. Ví như: Họ xin phép nhà nước mở lò giết gia súc, giết gia cầm để bán thịt; xin phép làm xưởng đúc súng, đúc đạn để giết người, v.v...

    2- Những hạng người có tà kiến cố định sống phạm pháp như lập bè, lập đảng đi cướp của giết người; chúng có thể hành động bất cứ mọi việc ác mà không biết sợ tội lỗi.

    2 hạng người này có tà kiến cố định không tin nghiệp và quả của nghiệp, cho nên họ thường hành việc ác hơn là việc thiện. Khi họ đã tạo nên bất thiện nghiệp (ác nghiệp) dù tội nặng đến đâu đi nữa, họ cũng không bao giờ biết ăn năn hối lỗi, không từ bỏ điều ác, không làm điều thiện; không từ bỏ điều tà, không làm điều chánh....

    Do đó, ác nghiệp tà kiến cố định là trọng tội, không có tội lỗi nào sánh được.

    b) 5 ác nghiệp vô gián là:

    - Ác nghiệp giết cha.

    - Ác nghiệp giết mẹ.

    - Ác nghiệp giết bậc Thánh Arahán.

    - Ác nghiệp làm bầm máu bàn chân của Đức Phật.

    - Ác nghiệp chia rẽ chư Tỳ khưu Tăng.

    5 ác nghiệp này gọi là ác nghiệp vô gián, bởi vì người nào tạo 1 trong 5 ác nghiệp này, sau khi người ấy chết, chắc chắn chỉ có ác nghiệp này mới có quyền ưu tiên, có cơ hội ưu tiên cho quả tái sinh kiếp sau kế tiếp trong cõi đại địa ngục Avīci mà thôi; không có nghiệp nào khác có thể ngăn cản được. Nghĩa là kiếp hiện tại chết, ác nghiệp này liền sinh quả tái sinh kiếp kế tiếp ngay, không có gián đoạn. Do đó, ác nghiệp này gọi là ác nghiệp vô gián.

    Tính Chất Của 5 Ác Nghiệp Vô Gián

    Giết cha, giết mẹ, giết bậc Thánh Arahán, làm bầm máu bàn chân của Đức Phật, chia rẽ Tỳ khưu Tăng đó là ác nghiệp vô gián. Người phạm 1 trong 5 ác nghiệp vô gián này, sau khi người ấy chết, chắc chắn chỉ có ác nghiệp vô gián ấy có quyền ưu tiên, có cơ hội ưu tiên cho quả tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi đại địa ngục Avīci mà thôi. Do đó ác nghiệp này, gọi là ác nghiệp vô gián (pañcānantariyakamma).

    Người phạm ác nghiệp vô gián không hẳn là người có tà kiến cố định, mà chỉ là người hành động do năng lực của tâm sân, chắc chắn có tâm si trong khi hành ác nghiệp vô gián ấy.

    Vốn không phải là người có ác nghiệp tà kiến cố định, cho nên, sau khi đã phạm ác nghiệp vô gián xong, rồi người ấy biết ăn năn hối lỗi, biết sám hối tội lỗi của mình đã phạm, từ đó, người ấy từ bỏ mọi ác nghiệp, cố gắng tạo một số thiện nghiệp, nhưng chỉ có thể tạo được dục giới đại thiện nghiệp mà thôi, chắc chắn không thể tạo được sắc giới thiện nghiệp, vô sắc giới thiện nghiệp, và Siêu tam giới thiện nghiệp, không thể chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả nào cả. Bởi vì, ác nghiệp vô gián có khả năng đặc biệt ngăn cản mọi thiện nghiệp ấy. Sau khi người ấy chết, chắc chắn chỉ có ác nghiệp vô gián có quyền ưu tiên, có cơ hội ưu tiên cho quả tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi đại địa ngục Avīci mà thôi.

    Trường hợp sau khi tạo ác nghiệp vô gián, người ấy đã phát sinh thiện tâm biết ăn năn hối lỗi, biết sám hối tội lỗi của mình, đã từ bỏ mọi ác nghiệp, cố gắng tạo những dục giới đại thiện nghiệp. Tuy không thể tránh khỏi tái sinh trong cõi đại địa ngục, do bởi ác nghiệp vô gián, nhưng đến khi mãn hạn quả của ác nghiệp vô gián ấy, được thoát ra khỏi cõi địa ngục, do nhờ thiện nghiệp cho quả tái sinh trở lại làm người, người ấy có thể tạo được mọi thiện nghiệp mà không có nghiệp nào ngăn cản được nữa.

    * Như trường hợp Tỳ khưu Devadatta đã từng tạo ác nghiệp vô gián, đó là ác nghiệp chia rẽ chư Tỳ khưu Tăng và ác nghiệp làm bầm máu bàn chân của Đức Phật.

    Khi bị lâm bệnh nặng, trước lúc chết Tỳ khưu Devadatta nằm trên giường, bảo nhóm đệ tử khiêng Tỳ khưu đến ngôi chùa Jetavana để hầu đảnh lễ sám hối Đức Phật, và kính xin nương nhờ nơi Đức Phật.

    Đến gần ngôi chùa Jetavana, nhóm đệ tử đặt cái giường xuống nghỉ cạnh cái hồ để tắm rửa Tỳ khưu Devadatta cho sạch sẽ trước khi đến hầu đảnh lễ Đức Phật.

    Tỳ khưu Devadatta vừa bước xuống giường, đôi bàn chân vừa chạm mặt đất, ngay khi ấy mặt đất nứt ra làm đôi, rồi hút Tỳ khưu Devadatta vào trong lòng đất. Tỳ khưu Devadatta liền chắp hai tay đưa lên quá đầu xin sám hối Đức Thế Tôn, và kính xin nương nhờ nơi Đức Thế Tôn. Sau khi Tỳ khưu Devadatta chết, chính ác nghiệp vô gián chia rẽ Tỳ khưu Tăng ấy có quyền ưu tiên, có cơ hội ưu tiên cho quả tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi đại địa ngục Avīci, chịu hành hạ thiêu đốt suốt 100 ngàn đại kiếp trái đất.

    Đức Phật thọ ký xác định thời gian rằng: “Từ kiếp trái đất này rồi trải qua 100 ngàn đại kiếp trái đất nữa, hậu kiếp của Tỳ khưu Devadatta sẽ trở thành Đức Phật Độc Giác có danh hiệu Đức Phật Độc Giác Aṭṭhissara”.

    * Trường hợp Đức vua Ajātasattu đã nghe lời khuyên dụ của Tỳ khưu Devadatta, Đức vua đã giết Phụ hoàng Bimbisāra. Khi nghe tin Tỳ khưu Devadatta bị hút sâu vào trong lòng đất, Đức vua Ajātasattu phát sinh tâm hoảng sợ, biết ăn năn hối lỗi.

    Đức vua ngự đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, rồi xin sám hối nơi Đức Thế Tôn về tội giết Vua cha của mình. Đức Thế Tôn chứng minh lời sám hối của Đức vua xong, Ngài thuyết pháp tế độ Đức vua. Nếu Đức vua Ajātasattu không phạm ác nghiệp vô gián giết cha, thì ngay tại nơi ấy, Đức vua có thể chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu. Nhưng Đức vua đã phạm ác nghiệp vô gián giết cha, cho nên không thể chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu. Đức vua kính xin thọ phép quy y Tam Bảo trở thành người cận sự nam trong giáo pháp của Đức Phật.

    Từ đó về sau, Đức vua Ajātasattu có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, hết lòng phụng sự cúng dường Tam Bảo.

    Thật vậy, Đức vua Ajātasattu đã hộ độ 500 vị Thánh Arahán có Ngài Đại Trưởng Lão Mahākassapa chủ trì trong kỳ kết tập Tam Tạng và Chú giải lần thứ nhất tại động Satta-paṇṇi gần kinh thành Rājagaha, sau khi Đức Phật tịch diệt Niết Bàn khoảng 3 tháng 4 ngày, suốt 7 tháng mới hoàn thành trọn bộ Tam Tạng và Chú giải.

    Đức vua Ajātasattu có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, hộ độ chư Tỳ khưu Tăng cho đến trọn đời. Sau khi Đức vua Ajātasattu băng hà, lẽ ra ác nghiệp vô gián (giết cha) cho quả tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi đại địa ngục Avīci, chịu khổ do bị thiêu đốt suốt nhiều đại kiếp trái đất, nhưng Đức vua đã biết ăn năn hối lỗi, ngự đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, xin sám hối những tội lỗi của mình; đặc biệt kính xin thọ phép quy y Tam Bảo. Từ đó về sau, Đức vua có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, tạo mọi phước thiện hộ trì Tam Bảo cho đến trọn đời. Chính nhờ mọi thiện nghiệp ấy làm giảm bớt tiềm năng cho quả tái sinh của ác nghiệp vô gián (giết cha), thay vì phải tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi đại địa ngục Avīci, thì tái sinh kiếp kế tiếp trong địa ngục nhỏ nồi đồng sôi Lohakumbhī, chịu khổ trong địa ngục nhỏ nồi đồng sôi suốt 60.000 năm.

    Đức Phật dạy rằng:

    “Sau khi Đức vua Ajātasattu băng hà, ác nghiệp vô gián (giết cha) cho quả tái sinh trong địa ngục nồi đồng sôi từ miệng nồi chìm xuống đến đáy nồi suốt 30.000 năm, rồi từ đáy nồi nổi lên đến miệng nồi suốt 30.000 năm, mới mãn quả của ác nghiệp vô gián ấy. Do nhờ thiện nghiệp cho quả tái sinh trở lại làm người, hậu kiếp của Đức vua Ajātasattu xuất gia sẽ trở thành Đức Phật Độc Giác có danh hiệu: Đức Phật Độc Giác Vijitāvī”.

    Như vậy, ác nghiệp vô gián tuy là trọng tội chắc chắn sẽ cho quả tái sinh trong cõi đại địa ngục Avīci, mà không có nghiệp nào có khả năng ngăn cản được, nhưng còn có thời gian mãn hạn quả của ác nghiệp vô gián ấy, rồi thiện nghiệp khác cho quả tái sinh làm người, mọi thiện nghiệp lại có thể phát triển không có gì làm trở ngại.

    Còn ác nghiệp tà kiến cố định cũng chắc chắn sẽ cho quả tái sinh trong cõi đại địa ngục Avīci, nhưng khó có thời gian mãn hạn quả của ác nghiệp tà kiến cố định ấy.

    Do đó, ác nghiệp tà kiến cố định nặng hơn 5 ác nghiệp vô gián.

    Thật vậy, trường hợp tiền kiếp của Ngài Đại đức Mahā-moggallāna là người con trai duy nhất chí hiếu đối với cha mẹ bị mù đôi mắt. Hằng ngày, sáng sớm người con lo cơm nước cho cha mẹ ăn, giặt giũ quần áo,... xong mọi công việc trong nhà, rồi mới đi ra ngoài lo công việc đồng áng. Chiều về, người con lo tắm rửa cho cha mẹ,... Cha mẹ thấy con vất vả như vậy, nên muốn tìm cho con một người vợ để lo giúp đỡ công việc trong nhà, nhưng người con trai một mực từ chối. Cha mẹ cứ khuyên dạy như vậy nhiều lần, nếu không vâng lời cha mẹ, thì sợ cha mẹ sẽ buồn, cho nên bất đắc dĩ, người con phải chịu lấy vợ cho cha mẹ vui. Người vợ lo phục vụ cho cha mẹ chồng được một thời gian ngắn, sau đó, nàng bịa đặt chuyện nói xấu cha mẹ chồng.

    Người vợ than vãn với người chồng rằng:

    - Em chịu đựng không nổi với cha mẹ anh. Em không thể sống chung cùng với cha mẹ của anh được nữa....

    Mặc dù người chồng khuyên lơn, năn nỉ vợ, nhưng người vợ vẫn khăng khăng cự tuyệt không chịu sống chung với cha mẹ của mình. Đế chiều theo ý vợ, người con thưa với cha mẹ rằng:

    - Thưa cha mẹ, từ lâu rồi, cha mẹ chưa đi thăm người bà con ở xóm bên kia, xin cha mẹ lên ngồi trên chiếc xe bò, con sẽ đưa cha mẹ đến thăm người bà con ấy.

    Hai ông bà mù tin lời của người con lên xe, người con đưa cha mẹ đến khu rừng, rồi thưa với cha mẹ rằng:

    - Thưa cha mẹ, khoảng khu rừng này thường có nhiều bọn cướp đón đường cướp của giết người, xin cha mẹ ngồi trên xe để con xuống đi thăm dò đường.

    Người con xuống xe, một lát sau quay trở lại giả làm bọn cướp đến đánh đập cha mẹ già mù đến chết, rồi bỏ xác ở trong rừng.

    Người con phạm ác nghiệp vô gián giết cha, giết mẹ. Sau khi người con chết, ác nghiệp vô gián giết cha, giết mẹ ấy cho quả tái sinh trong cõi đại địa ngục Avīci chịu khổ bị thiêu đốt suốt nhiều đại kiếp trái đất trong địa ngục ấy.

    Đến thời gian mãn quả của ác nghiệp vô gián ấy, do nhờ thiện nghiệp đã được tạo trong những kiếp quá khứ cho quả tái sinh trở lại làm người. Người ấy đã tạo mọi thiện nghiệp nhất là 10 pháp hạnh ba-la-mật, cho nên hậu kiếp của người con trai giết cha, giết mẹ trong kiếp quá khứ ấy, nay là tu sĩ ngoại đạo Kolita, sau đó xuất gia trở thành Tỳ khưu trong giáo pháp của Đức Phật Gotama, có tên gọi theo dòng dõi là Ngài Đại đức Mahāmoggallāna. Ngài thực hành thiền tuệ, chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Arahán cùng với Tứ tuệ phân tích, đặc biệt chứng đắc Lục thông. Đức Phật tuyên dương: “Ngài Đại đức Mahāmoggallāna là bậc Thánh Tối Thượng Thanh Văn của Đức Phật xuất sắc nhất về thần thông trong hàng Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Phật”.

    Nhận xét về tích Tỳ khưu Devadatta và tích Đức vua Ajātasattu

    Tỳ khưu Devadatta và Đức vua Ajātasattu đều đã tạo ác nghiệp vô gián giống nhau, nhưng sau khi mỗi người chết, do nhân nào mà ác nghiệp vô gián cho quả tái sinh kiếp kế tiếp nhưng trong cõi địa ngục khác nhau?

    * Tỳ khưu Devadatta

    Tỳ khưu Devadatta đã tạo 2 ác nghiệp vô gián: Ác nghiệp vô gián chia rẽ chư Tỳ khưu Tăng và ác nghiệp vô gián làm bầm máu bàn chân của Đức Phật. Đó là 2 loại ác nghiệp vô gián nặng thứ nhất và thứ nhì. Đến khi bị lâm bệnh nặng gần chết, Tỳ khưu Devadatta mới biết ăn năn hối lỗi, muốn đến hầu Đức Thế Tôn, thành tâm sám hối tội lỗi của mình trước khi chết.

    Tỳ khưu Devadatta nằm trên chiếc giường, nhờ nhóm đệ tử khiêng đến ngôi chùa Jetavana. Nhóm đệ tử đặt chiếc giường xuống gần hồ nước để tắm rửa Tỳ khưu Devadatta cho sạch sẽ trước khi vào hầu Đức Thế Tôn. Tỳ khưu Devadatta vừa đặt hai bàn chân xuống mặt đất, thì mặt đất nứt ra làm 2 phun ngọn lửa lên hút Tỳ khưu Devadatta vào trong lòng đất. Khi ấy, Tỳ khưu Devadatta còn kịp thốt lên một bài kệ rằng:

    “Imehi aṭṭhīhi tamaggapuggalaṃ,

    Devātidevaṃ naradammasārathiṃ.

    Samantacakkhuṃ satapuññalakkhanaṃ,

    Pāṇehi Buddhaṃ saraṇaṃ upemi”

    Phút cuối cùng con hết lòng thành kính,

    Xin quy y nương nhờ nơi Đức Phật,

    Là Bậc Vô Thượng nhất trong nhân loại,

    Bậc Phạm thiên cao nhất trong Phạm thiên,

    Bậc Vô Thượng giáo hóa mọi chúng sinh,

    Bậc có tuệ nhãn toàn tri tuyệt vời,

    Bậc có đầy đủ hằng trăm phước tướng.

    Con thành kính cúng dường bằng sinh mạng,

    Bằng bộ xương gầy còn lại của con.

    Thốt xong bài kệ tán dương Đức Phật với tấm lòng tôn kính sâu sắc và xin quy y nương nhờ nơi Đức Phật xong, cùng lúc ấy Tỳ khưu Devadatta bị hút sâu vào lòng đất.

    Do nhờ thiện tâm trong sạch xin quy y nương nhờ nơi Đức Phật trong lúc lâm chung ấy, tuy ác nghiệp vô gián cho quả tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi đại địa ngục Avīci chịu khổ suốt thời gian lâu 100 ngàn đại kiếp trái đất, nhưng sau khi mãn hạn quả của ác nghiệp vô gián ấy; trong thời vị lai, nhờ thiện nghiệp ba-la-mật đã từng tích lũy trải qua 2 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trong những kiếp quá khứ sẽ làm phận sự tái sinh làm người, sẽ chứng đắc thành Đức Phật Độc Giác có danh hiệu là “Đức Phật Độc Giác Aṭṭhissara” rồi tịch diệt Niết Bàn (Đức Phật Gotama thọ ký).

    * Đức vua Ajātasattu

    Trong 5 ác nghiệp vô gián, Đức vua Ajātasattu đã tạo ác nghiệp vô gián giết Phụ hoàng (Đức vua Bimbisāra là bậc Thánh Nhập Lưu), đó là ác nghiệp vô gián nặng thứ năm.

    Khi nghe tin Tỳ khưu Devadatta bị đất hút chết, Đức vua Ajātasattu kinh hãi vô cùng, biết ăn năn hối lỗi, ngự đến hầu đảnh lễ Đức Phật, xin thành tâm sám hối những tội lỗi lớn lao của mình. Đức Phật chứng minh, rồi Ngài thuyết pháp tế độ Đức vua Ajātasattu. Nhưng vì ác nghiệp vô gián ngăn cản, nên Đức vua không thể chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu, mà chỉ phát sinh đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, Đức vua xin thọ phép quy y Tam Bảo trở thành người cận sự nam trong giáo pháp của Đức Phật, phụng sự hộ trì Tam Bảo cho đến trọn đời.

    Đức vua Ajātasattu đã hộ độ 500 vị Thánh Arahán trong kỳ kết tập Tam Tạng và Chú giải lần thứ nhất, sau khi Đức Phật tịch diệt Niết Bàn, do Ngài Đại Trưởng Lão Mahākassapa chủ trì, tại động Sattapaṇṇi gần kinh thành Rājagaha xứ Magadha, suốt 7 tháng mới hoàn thành xong trọn bộ Tam Tạng và Chú giải. Đó là phần phước thiện thanh cao của Đức vua.

    Đức vua Ajātasattu là người có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, hết lòng phụng sự hộ độ Tam Bảo cho đến trọn đời. Sau khi Đức vua Ajātasattu băng hà, đáng lẽ ác nghiệp vô gián cho quả tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi đại địa ngục Avīci, nhưng nhờ thiện nghiệp làm giảm bớt tiềm năng cho quả của ác nghiệp vô gián ấy, nên cho quả tái sinh trong cõi địa ngục có tên là Lohakumbhī (địa ngục nồi đồng sôi), phải chịu quả khổ trong khoảng thời gian 60.000 năm. Sau khi mãn quả của ác nghiệp vô gián ấy, do nhờ thiện nghiệp ba-la-mật đã tích lũy từ vô số kiếp quá khứ, cho quả tái sinh lại làm người. Hậu kiếp của Đức vua Ajātasattu sẽ xuất gia, trở thành Đức Phật Độc Giác có danh hiệu là Đức Phật Độc Giác Vijitāvī rồi tịch diệt Niết Bàn.

    Như vậy, Tỳ khưu Devadatta và Đức vua Ajātasattu cùng tạo ác nghiệp vô gián, nhưng tính chất ác nghiệp vô gián của mỗi người khác nhau, và thời gian biết ăn năn hối lỗi, sám hối tội lỗi khác nhau, cho nên ác nghiệp vô gián cho quả tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi địa ngục khác nhau.

    Điều chúng ta nên suy ngẫm về Tỳ khưu Devadatta và Đức vua Ajātasattu, hai vị vốn là người đã từng tích lũy 20 pháp hạnh ba-la-mật từ vô số kiếp quá khứ. Ngay kiếp hiện tại, từ khi tái sinh Tỳ khưu Devadatta là hạng người có tam nhân (vô tham, vô sân, vô si (trí tuệ)), bởi vì Tỳ khưu Devadatta đã chứng đắc các bậc thiền hữu sắc, (bậc thiền vô sắc), chứng đắc thần thông.

    Đức vua Ajātasattu vốn là hạng người có tam nhân (vô tham, vô sân, vô si (trí tuệ)) có khả năng chứng đắc thành bậc Thánh Nhân trong kiếp hiện tại, nhưng cũng không chứng đắc thành bậc Thánh Nhân, bởi vì Đức vua đã tạo ác nghiệp vô gián làm ngăn cản Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn.

    Những người vốn có trí tuệ như vậy, nhưng họ vẫn bị phiền não chi phối, sai khiến tạo ác nghiệp như vậy.

    Tỳ khưu Devadatta và Đức vua Ajātasattu sau khi chết, ác nghiệp vô gián cho quả tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi địa ngục. Trong thời gian này, tuy họ vẫn còn phải chịu quả khổ trong cõi địa ngục, nhưng họ đã được Đức Phật thọ ký xác định thời gian còn lại hậu kiếp của họ trong kiếp vị lai, sẽ trở thành Đức Phật Độc Giác rồi tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài. Đó là điều chắc chắn.

    Còn những hạng phàm nhân như mỗi người trong chúng ta, trong vòng tử sinh luân hồi từ vô thủy không biết, và kiếp cuối cùng cũng chưa biết được.

    Vậy có ai dám chắc rằng: “Mình sẽ là người không có ác nghiệp tà kiến cố định, hoặc không tạo ác nghiệp vô gián trong những kiếp vị lai hay không???

    Đó là điều nên suy ngẫm!

    Vấn: Nếu một người có ác nghiệp tà kiến cố định và đã tạo đủ 5 ác nghiệp vô gián, thì ác nghiệp nào sẽ có quyền ưu tiên, có cơ hội ưu tiên cho quả tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi đại địa ngục Avīci?

    Đáp: Nếu một người có ác nghiệp tà kiến cố định và đã tạo đủ 5 ác nghiệp vô gián, thì chỉ có ác nghiệp tà kiến cố định mới có quyền ưu tiên, có cơ hội ưu tiên cho quả tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi đại địa ngục Avīci mà thôi. Bởi vì, ác nghiệp tà kiến cố định nặng hơn 5 ác nghiệp vô gián. Tuy 5 ác nghiệp vô gián không có cơ hội cho quả tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi đại địa ngục Avīci, nhưng 5 ác nghiệp vô gián trở thành ác nghiệp hỗ trợ cho quả của ác nghiệp tà kiến cố định nặng thêm gấp bội phần.

    Vấn: Nếu một người đã phạm đủ 5 ác nghiệp vô gián, thì ác nghiệp nào sẽ có quyền ưu tiên, có cơ hội ưu tiên cho quả tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi đại địa ngục Avīci?

    Đáp: Nếu một người đã phạm đủ 5 ác nghiệp vô gián, thì chắc chắn ác nghiệp chia rẽ chư Tỳ khưu Tăng sẽ có quyền ưu tiên, có cơ hội ưu tiên cho quả tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi đại địa ngục Avīci. Còn lại 4 ác nghiệp vô gián trở thành ác nghiệp hỗ trợ cho quả của ác nghiệp chia rẽ chư Tỳ khưu Tăng càng nặng thêm.

    * Trường hợp phạm 4 ác nghiệp vô gián: Làm bầm máu bàn chân của Đức Phật, giết bậc Thánh Arahán, giết mẹ, giết cha, thì chắc chắn ác nghiệp làm bầm máu bàn chân của Đức Phật sẽ có quyền ưu tiên, có cơ hội ưu tiên cho quả tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi đại địa ngục Avīci. Còn lại 3 ác nghiệp vô gián trở thành ác nghiệp hỗ trợ cho quả của ác nghiệp làm bầm máu bàn chân của Đức Phật càng nặng thêm.

    * Trường hợp phạm 3 ác nghiệp vô gián: Giết bậc Thánh Arahán, giết mẹ, giết cha, thì chắc chắn ác nghiệp giết bậc Thánh Arahán sẽ có quyền ưu tiên, có cơ hội ưu tiên cho quả tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi đại địa ngục Avīci. Còn lại 2 ác nghiệp vô gián trở thành ác nghiệp hỗ trợ cho quả của ác nghiệp giết bậc Thánh Arahán càng nặng thêm.

    * Trường hợp phạm 2 ác nghiệp vô gián: Giết mẹ, giết cha.

    - Nếu người mẹ có giới đức, còn người cha không có giới đức, thì chắc chắn ác nghiệp giết mẹ sẽ có quyền ưu tiên, có cơ hội ưu tiên cho quả tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi đại địa ngục Avīci. Còn ác nghiệp vô gián giết cha trở thành ác nghiệp hỗ trợ cho quả của ác nghiệp giết mẹ càng nặng thêm.

    - Nếu người cha có giới đức, còn người mẹ không có giới đức, thì chắc chắn ác nghiệp giết cha sẽ có quyền ưu tiên, có cơ hội ưu tiên cho quả tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi đại địa ngục Avīci. Còn ác nghiệp vô gián giết mẹ trở thành ác nghiệp hỗ trợ cho quả của ác nghiệp giết cha càng nặng thêm.

    - Nếu cả người cha lẫn người mẹ đều có giới đức, hoặc cả người cha lẫn người mẹ đều không có giới đức, thì ác nghiệp vô gián giết mẹ sẽ có quyền ưu tiên, có cơ hội ưu tiên cho quả tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi đại địa ngục Avīci. Còn ác nghiệp vô gián giết cha trở thành ác nghiệp hỗ trợ cho quả của ác nghiệp giết mẹ càng nặng thêm.

    Vấn: Tại sao ác nghiệp tà kiến cố định có tội nặng hơn 5 ác nghiệp vô gián?

    Đáp: Ác nghiệp tà kiến cố định (niyatamicchādiṭṭhikamma) có tội nặng hơn 5 ác nghiệp vô gián (pañcānantariya-kamma) là vì người có tà kiến cố định là người hoàn toàn không tin nghiệp và quả của nghiệp. Họ không tin rằng:

    * Những thiện nghiệp có khả năng cho quả an lạc trong kiếp hiện tại và nếu có cơ hội thì thiện nghiệp sẽ cho quả tái sinh những kiếp sau trong các cõi thiện dục giới: Cõi người, các cõi trời dục giới, cõi trời sắc giới, cõi trời vô sắc giới. Nếu Siêu tam giới thiện nghiệp đó là 4 Thánh Đạo thì cho 4 Thánh Quả tương ứng không có thời gian ngăn khoảng cách, cùng trong Thánh Quả lộ trình tâm (Maggavīthicitta).

    * Những bất thiện nghiệp (ác nghiệp) cho quả khổ trong kiếp hiện tại và nếu có cơ hội thì bất thiện nghiệp sẽ cho quả tái sinh những kiếp sau trong 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh).

    Do không tin nghiệp và quả của nghiệp, nên họ có thể làm mọi bất thiện nghiệp (ác nghiệp). Khi đã tạo ác nghiệp xong, họ không biết hổ thẹn tội lỗi, không biết ghê sợ tội lỗi, không biết ăn năn sám hối tội lỗi của mình. Cho nên, họ vẫn tiếp tục tạo mọi ác nghiệp. Còn người đã tạo ác nghiệp vô gián do năng lực phiền não, về sau họ biết hổ thẹn tội lỗi, biết ghê sợ tội lỗi, biết ăn năn sám hối tội lỗi của mình. Bởi vì, họ có đức tin nơi nghiệp và quả của nghiệp, nên họ cố gắng tạo mọi dục giới đại thiện nghiệp cho đến hết tuổi thọ. Người ấy sau khi chết, tuy ác nghiệp vô gián cho quả tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi đại địa ngục, nhưng nhờ thiện nghiệp kìm hãm, làm suy giảm tiềm năng cho quả của ác nghiệp ấy.

    1.2 Thiện Nghiệp Trọng Yếu

    Thiện nghiệp trọng yếu có 2 loại:

    a- Sắc giới thiện nghiệp có 5 loại.

    b- Vô sắc giới thiện nghiệp có 4 loại.

    b) Sắc giới thiện nghiệp

    Sắc giới thiện nghiệp có 5 loại, đó là tác ý tâm sở đồng sinh với 5 sắc giới thiện tâm, mà 5 sắc giới thiện tâm đó là 5 bậc thiền hữu sắc.

    * 5 bậc thiền hữu sắc

    Đệ nhất thiền hữu sắc có 5 chi thiền là hướng tâm, quan sát, hỷ, lạc và định.

    Đệ nhị thiền hữu sắc do nhờ diệt được chi thiền hướng tâm, còn lại 4 chi thiền là quan sát, hỷ, lạc và định.

    Đệ tam thiền hữu sắc do nhờ diệt được chi thiền quan sát, còn lại 3 chi thiền là hỷ, lạc và định.

    Đệ tứ thiền hữu sắc do nhờ diệt được chi thiền hỷ, còn lại 2 chi thiền là lạc và định.

    Đệ ngũ thiền hữu sắc do nhờ thay đổi chi thiền lạc bằng chi thiền xả, nên cũng có 2 chi thiền là xả và định.

    Đó là 5 bậc thiền hữu sắc đối với hành giả thuộc hạng mandapuggala có trí tuệ trung bình. Đối với hành giả thuộc hạng tikkhapuggala có trí tuệ sắc bén, nhanh nhẹn, thiền hữu sắc chỉ có 4 bậc như sau:

    * 4 bậc thiền hữu sắc

    1. Đệ nhất thiền hữu sắc có 5 chi thiền là hướng tâm, quan sát, hỷ, lạc và định.

    2. Đệ nhị thiền hữu sắc do nhờ diệt được 2 chi thiền hướng tâm và quan sát cùng một lúc, còn lại 3 chi thiền là hỷ, lạc và định.

    3. Đệ tam thiền hữu sắc do nhờ diệt được chi thiền hỷ, còn lại 2 chi thiền là lạc và định.

    4. Đệ tứ thiền hữu sắc do nhờ thay đổi chi thiền lạc bằng chi thiền xả, nên cũng có 2 chi thiền là xả và định.

    Thiền hữu sắc tính theo 5 bậc thiền hoặc tính theo 4 bậc thiền khác nhau ở đệ nhị thiền hữu sắc như sau:

    - Đối với hành giả có trí tuệ bậc trung (mandapuggala), thực hành thiền định có khả năng chứng đắc đệ nhất thiền hữu sắc có 5 chi thiền là hướng tâm, quan sát, hỷ, lạc và định.

    Hành giả tiếp tục phát triển thiền định, do nhờ diệt được chi thiền hướng tâm, nên chứng đắc đến đệ nhị thiền hữu sắc, còn 4 chi thiền là quan sát, hỷ, lạc và định…

    - Đối với hành giả có trí tuệ bậc thượng (tikkhapuggala), thực hành thiền định có khả năng chứng đắc đệ nhất thiền hữu sắc có 5 chi thiền là hướng tâm, quan sát, hỷ, lạc và định giống như hành giả có trí tuệ bậc trung. Nhưng hành giả tiếp tục thiền định, do nhờ diệt được 2 chi thiền hướng tâm và quan sát cùng một lúc, nên chứng đắc đệ nhị thiền hữu sắc, còn lại 3 chi thiền là hỷ, lạc và định…

    Do đó, thiền hữu sắc tính 5 bậc thiền hữu sắc hoặc tính 4 bậc thiền hữu sắc như vậy.

    * Quả của 5 hoặc 4 sắc giới thiện nghiệp:

    5 bậc thiền hữu sắc thiện tâm đó là 5 sắc giới thiện tâm có quả là 5 sắc giới quả tâm.

    Nếu hành giả thực hành thiền định có khả năng chứng đắc các bậc thiền hữu sắc thiện tâm, từ đệ nhất thiền sắc giới thiện tâm cho đến đệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm; và có khả năng giữ gìn và duy trì đủ 5 bậc thiền sắc giới thiện tâm ấy cho đến lúc lâm chung. Sau khi hành giả chết, thì chỉ có đệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm sinh quả là đệ ngũ thiền sắc giới quả tâm làm phận sự cho quả tái sinh kiếp kế tiếp trong tầng trời sắc giới đệ tứ thiền, có 7 cõi, tùy theo hạng người và tùy theo năng lực của đệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm ấy như sau:

    - Nếu hành giả là hạng phàm nhân, bậc Thánh Nhập Lưu và bậc Thánh Nhất Lai, thì đệ ngũ thiền sắc giới quả tâm cho quả tái sinh kiếp kế tiếp trong tầng trời sắc giới Quảng Quả Thiên, có tuổi thọ 500 đại kiếp trái đất.

    - Nếu hành giả là hạng phàm nhân, khi chứng đắc đến đệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm do năng lực tâm nhàm chán danh uẩn (thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn); sau khi hành giả chết, thì đệ ngũ thiền sắc giới quả tâm không làm phận sự cho quả tái sinh kiếp kế tiếp mà sắc pháp gọi là jīvitanavakakalāpa (nhóm sắc pháp có sắc mạng chủ là thứ 9) làm phận sự tái sinh kiếp kế tiếp trong tầng trời sắc giới Vô Tưởng Thiên. Vị Phạm thiên này chỉ có nhất uẩn là sắc uẩn mà thôi, không có 4 danh uẩn (thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn), có tuổi thọ cũng 500 đại kiếp trái đất.

    - Nếu hành giả là bậc Thánh Bất Lai chứng đắc các bậc thiền hữu sắc thiện tâm, từ đệ nhất thiền sắc giới thiện tâm cho đến đệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm; thì chỉ có đệ ngũ thiền sắc giới quả tâm làm phận sự tái sinh kiếp kế tiếp trong tầng trời sắc giới Phước Sinh Thiên, có 5 cõi tùy theo năng lực của 5 pháp chủ (tín pháp chủ, tấn pháp chủ, niệm pháp chủ, định pháp chủ, tuệ pháp chủ) từ thấp đến cao như sau:

    Tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi Vô Phiền Thiên do năng lực của tín pháp chủ, có tuổi thọ 1.000 đại kiếp.

    Tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi Vô Nhiệt Thiên do năng lực của tấn pháp chủ, có tuổi thọ 2.000 đại kiếp.

    Tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi Thiện Hiện Thiên do năng lực của niệm pháp chủ, có tuổi thọ 4.000 đại kiếp.

    Tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi Thiện Kiến Thiên do năng lực của định pháp chủ, có tuổi thọ 8.000 đại kiếp.

    Tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi Sắc Cứu Cánh Thiên do năng lực của tuệ pháp chủ, có tuổi thọ 16.000 đại kiếp.

    Như vậy nếu hành giả chứng đắc đủ 5 bậc thiền sắc giới thiện tâm, sau khi hành giả chết, chỉ có đệ ngũ thiền sắc giới quả tâm cao nhất làm phận sự tái sinh kiếp kế tiếp 1 trong 7 cõi mà thôi. Còn lại 4 bậc thiền sắc giới thiện tâm bậc thấp đều trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma) vĩnh viễn không còn có cơ hội cho quả của chúng được nữa.

    Nếu hành giả thực hành thiền định có khả năng chứng đắc các bậc thiền hữu sắc thiện tâm từ đệ nhất thiền sắc giới thiện tâm cho đến đệ tứ thiền sắc giới thiện tâm, sau khi hành giả chết, thì chỉ có đệ tứ thiền sắc giới quả tâm làm phận sự tái sinh kiếp kế tiếp trong tầng trời sắc giới đệ tam thiền, có 3 cõi, tùy theo năng lực của bậc thiền ấy như sau:

    Tái sinh kiếp kế tiếp trong tầng Thiểu Tịnh Thiên do năng lực 5 pháp chủ bậc hạ, có tuổi thọ 16 đại kiếp.

    Tái sinh kiếp kế tiếp trong tầng Vô Lượng Tịnh Thiên do năng lực 5 pháp chủ bậc trung, có tuổi thọ 32 đại kiếp.

    Tái sinh kiếp kế tiếp trong tầng Biến Tịnh Thiên do năng lực 5 pháp chủ bậc thượng, có tuổi thọ 64 đại kiếp.

    Còn lại 3 bậc thiền hữu sắc bậc thấp đều trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma) vĩnh viễn không còn có cơ hội cho quả của chúng được nữa.

    Nếu hành giả thực hành thiền định có khả năng chứng đắc các bậc thiền hữu sắc thiện tâm từ đệ nhất thiền sắc giới thiện tâm, đệ nhị thiền sắc giới thiện tâm cho đến đệ tam thiền sắc giới thiện tâm, sau khi hành giả chết, thì đệ nhị thiền sắc giới quả tâm và đệ tam thiền sắc giới quả tâm làm phận sự tái sinh kiếp kế tiếp trong tầng trời sắc giới đệ nhị thiền có 3 cõi, tùy theo năng lực của bậc thiền ấy như sau:

    Tái sinh kiếp kế tiếp trong tầng Thiểu Quang Thiên do năng lực 5 pháp chủ bậc hạ, có tuổi thọ 2 đại kiếp.

    Tái sinh kiếp kế tiếp trong tầng Vô Lượng Quang Thiên do năng lực 5 pháp chủ bậc trung, có tuổi thọ 4 đại kiếp.

    Tái sinh kiếp kế tiếp trong tầng Quang Âm Thiên do năng lực 5 pháp chủ bậc thượng, có tuổi thọ 8 đại kiếp.

    Còn đệ nhất thiền hữu sắc trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma) vĩnh viễn không còn có cơ hội cho quả của chúng được nữa.

    Nếu hành giả thực hành thiền định có khả năng chứng đắc đệ nhất thiền sắc giới thiện tâm, sau khi hành giả chết, đệ nhất thiền sắc giới quả tâm làm phận sự tái sinh kiếp kế tiếp trong tầng trời sắc giới đệ nhất thiền có 3 cõi, tùy theo năng lực của bậc thiền ấy như sau:

    Tái sinh kiếp kế tiếp trong tầng Phạm Chúng Thiên do năng lực 5 pháp chủ bậc hạ, có tuổi thọ 1/3 a-tăng-kỳ kiếp trụ trái đất.

    Tái sinh kiếp kế tiếp trong tầng Phạm Phụ Thiên do năng lực 5 pháp chủ bậc trung, có tuổi thọ 1/2 a-tăng-kỳ kiếp trụ trái đất.

    Tái sinh kiếp kế tiếp trong tầng Đại Phạm Thiên do năng lực 5 pháp chủ bậc thượng, có tuổi thọ 1 a-tăng-kỳ kiếp trụ trái đất.

    b) Vô sắc giới thiện nghiệp

    Vô sắc giới thiện nghiệp có 4 loại, đó là tác ý tâm sở đồng sinh với 4 vô sắc giới thiện tâm, mà 4 vô sắc giới thiện tâm là 4 bậc thiền vô sắc:

    Trường hợp hành giả thực hành thiền định, sau khi đã chứng đắc 5 bậc thiền hữu sắc xong, rồi tiếp tục thực hành thiền định có khả năng chứng đắc 4 bậc thiền vô sắc tuần tự như sau:

    Đệ nhất thiền vô sắc thiện tâm, gọi là không vô biên xứ thiền thiện tâm có 2 chi thiền: Xả và định.

    Đệ nhị thiền vô sắc thiện tâm, gọi là thức vô biên xứ thiền thiện tâm có 2 chi thiền: Xả và định.

    Đệ tam thiền vô sắc thiện tâm, gọi là vô sở hữu xứ thiền thiện tâm có 2 chi thiền: Xả và định.

    Đệ tứ thiền vô sắc thiện tâm, gọi là phi tưởng phi phi tưởng xứ thiền thiện tâm có 2 chi thiền: Xả và định.

    4 bậc thiền vô sắc thiện tâm này đều có 2 chi thiền xả và định giống nhau, nhưng đối tượng của mỗi bậc thiền là hoàn toàn khác nhau.

    * Quả của 4 vô sắc giới thiện nghiệp:

    Nếu hành giả thực hành thiền định có khả năng chứng đắc các bậc thiền vô sắc thiện tâm từ không vô biên xứ thiền thiện tâm cho đến phi tưởng phi phi tưởng xứ thiền thiện tâm, sau khi hành giả chết, thì chỉ có phi tưởng phi phi tưởng xứ thiền quả tâm làm phận sự tái sinh kiếp kế tiếp trong tầng trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Thiên tột đỉnh, có tuổi thọ lâu dài nhất trong tam giới 84.000 (tám mươi bốn ngàn) đại kiếp trái đất.

    Còn lại 3 vô sắc giới thiện nghiệp bậc thấp đều trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma) vĩnh viễn không còn có cơ hội cho quả của chúng được nữa.

    Nếu hành giả thực hành thiền định có khả năng chứng đắc các bậc thiền vô sắc thiện tâm từ không vô biên xứ thiền thiện tâm cho đến vô sở hữu xứ thiền thiện tâm, sau khi hành giả chết, thì chỉ có vô sở hữu xứ thiền quả tâm làm phận sự tái sinh kiếp kế tiếp trong tầng trời Vô Sở Hữu Xứ Thiên, có tuổi thọ 60.000 (sáu mươi ngàn) đại kiếp trái đất.

    Còn lại 2 vô sắc giới thiện nghiệp bậc thấp đều trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma) vĩnh viễn không còn có cơ hội cho quả của chúng được nữa.

    Nếu hành giả thực hành thiền định có khả năng chứng đắc các bậc thiền vô sắc thiện tâm từ không vô biên xứ thiền thiện tâm cho đến thức vô biên xứ thiền thiện tâm, sau khi hành giả chết, thì chỉ có thức vô biên xứ thiền quả tâm làm phận sự tái sinh kiếp kế tiếp trong tầng trời Thức Vô Biên Xứ Thiên, có tuổi thọ 40.000 (bốn mươi ngàn) đại kiếp trái đất.

    Còn lại không vô biên xứ thiền thiện nghiệp trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma) vĩnh viễn không còn có cơ hội cho quả của chúng được nữa.

    Nếu hành giả thực hành thiền định có khả năng chứng đắc không vô biên xứ thiền thiện tâm, sau khi hành giả chết, thì không vô biên xứ thiền quả tâm làm phận sự tái sinh kiếp kế tiếp trong tầng trời Không Vô Biên Xứ Thiên, có tuổi thọ 20.000 (hai mươi ngàn) đại kiếp trái đất.

    Sự khác biệt giữa Ác Nghiệp Trọng Tội với Thiện Nghiệp Trọng Yếu

    * Ác nghiệp trọng tội có 2 loại: Ác nghiệp tà kiến cố định và ác nghiệp vô gián. Trong 2 loại ác nghiệp trọng tội này, nếu người nào đã tạo 1 hay nhiều ác nghiệp trọng tội này, sau khi người ấy chết, thì chỉ có ác nghiệp trọng tội nặng nhất cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi đại địa ngục Avīci mà thôi.

    Ác nghiệp trọng tội còn lại trở thành ác nghiệp hỗ trợ (upathambhakakamma) giúp cho quả của ác nghiệp trọng tội càng nặng thêm nữa.

    * Thiện nghiệp trọng yếu có 2 loại: 5 sắc giới thiện nghiệp và 4 vô sắc giới thiện nghiệp. Trong 2 loại thiện nghiệp trọng yếu này, nếu hành giả nào có khả năng chứng đắc nhiều bậc thiền, sau khi hành giả chết, thì chỉ có thiện nghiệp trọng yếu cao nhất cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp kế tiếp trong tầng trời phạm thiên cõi sắc giới hoặc cõi vô sắc giới, tương ứng với bậc thiền sở đắc của hành giả mà thôi.

    Thiện nghiệp trọng yếu (các bậc thiền bậc thấp) còn lại trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma) vĩnh viễn không còn có cơ hội cho quả của chúng được nữa.

    Đó là sự khác biệt giữa ác nghiệp trọng tội và thiện nghiệp trọng yếu.

    Trong 4 loại nghiệp theo tuần tự cho quả nhất định, nếu không có loại nghiệp trọng yếu (garukakamma), thì loại nghiệp cận tử (āsannakamma) có quyền ưu tiên, có cơ hội ưu tiên cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau.

    2. Āsannakamma: Nghiệp Cận Tử

    Thế nào gọi là nghiệp cận tử?

    Nghiệp nào phát sinh lúc gần lâm chung, nghiệp ấy gọi là nghiệp cận tử (āsannakamma) đó là 12 bất thiện nghiệp (ác nghiệp) và 8 dục giới đại thiện nghiệp.

    * Nghiệp cận tử có 2 loại:

    2.1 Bất thiện nghiệp (ác nghiệp) cận tử (akusala āsanna-kamma) đó là 12 bất thiện nghiệp.

    2.2 Thiện nghiệp cận tử (kusala āsannakamma) đó là 8 dục giới đại thiện nghiệp.

    2.1 Nghiệp cận tử phát sinh lúc gần lâm chung, có 2 trường hợp:

    a) Trường hợp thứ nhất: Thiện nghiệp, ác nghiệp tưởng nhớ trong lúc lâm chung

    Āsanne anussaritaṃ āsannaṃ: Thiện nghiệp nào hoặc bất thiện nghiệp (ác nghiệp) nào mà người bệnh tưởng nhớ trong lúc lâm chung, sau đó không lâu người ấy chết, thiện nghiệp hoặc bất thiện nghiệp (ác nghiệp) ấy có cơ hội ưu tiên cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau (paṭisandhikāla), tùy theo quả của nghiệp ấy.

    * Tưởng nhớ đến thiện nghiệp lúc lâm chung:

    Một người đã từng tạo thiện nghiệp nào đó trong kiếp hiện tại đã từ lâu không còn nhớ nữa, nhưng đến lúc lâm chung, tự mình hồi tưởng đến phước thiện ấy, hoặc có người thân bên cạnh nhắc nhở để nhớ đến phước thiện ấy. Phước thiện ấy gọi là thiện nghiệp được hồi tưởng lại lúc lâm chung. Sau đó người bệnh ấy chết, chính thiện nghiệp ấy có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trong cõi thiện dục giới (cõi người hoặc cõi trời dục giới) hưởng mọi sự an lạc trong cõi ấy cho đến hết tuổi thọ.

    Ví dụ:

    Ông A đã từng cùng chung với các thí chủ khác làm phước thiện lễ dâng y kathina đến chư Tỳ khưu Tăng tại một ngôi chùa. Thời gian đã trải qua nhiều năm, ông A không còn nhớ đến phước thiện lễ dâng y kathina ấy nữa.

    Nghe tin ông A đang lâm bệnh nặng trầm trọng, ông B vốn là người bạn thân thiết đến thăm ông A. cũng là người đã cùng chung với ông A làm phước thiện lễ dâng y kathina năm xưa. Nhân dịp này, ông B nhắc lại cho ông A nhớ lại phước thiện lễ dâng y kathina đến chư Tỳ khưu Tăng năm xưa tại ngôi chùa ấy.

    Lắng nghe ông B nhắc đến phước thiện ấy, ông A liền phát sinh thiện tâm hồi tưởng lại phước thiện của buổi lễ dâng y kathina ấy, nên phát sinh thiện tâm vô cùng hoan hỷ trong phước thiện ấy. Sau đó không lâu ông A từ trần. Sau khi chết, chính thiện nghiệp mà ông A hồi tưởng lại lúc lâm chung ấy có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trong cõi trời dục giới, hưởng mọi sự an lạc trong cõi trời ấy cho đến hết tuổi thọ.

    Đó là tưởng nhớ thiện nghiệp lúc lâm chung.

    * Tưởng nhớ đến ác nghiệp lúc lâm chung:

    Ví dụ: Vị Tỳ khưu trẻ trong thời kỳ Đức Phật Kassapa, một hôm đi thuyền trên dòng sông Gangā, nước chảy xiết, vị Tỳ khưu trẻ nắm lấy lá sả làm đứt lá sả bên bờ sông (nếu phạm giới thì chỉ phạm giới nhẹ thôi). Sau đó vị Tỳ khưu trẻ không có cơ hội gặp một vị Tỳ khưu khác để sám hối āpatti. Về sau, vị Tỳ khưu trẻ không còn nhớ đến việc làm đứt lá sả ấy nữa.

    Suốt cuộc đời xuất gia hành phạm hạnh của vị Tỳ khưu ấy, thời gian trải qua 20.000 (hai mươi ngàn) năm, trong thời kỳ Đức Phật Kassapa. Đến lúc lâm chung, hiện tượng hình ảnh lá sả hiện ra trong tâm, vị Tỳ khưu hồi tưởng lại thời kỳ quá khứ xa xưa ấy đã từng làm đứt lá sả mà chưa có cơ hội sám hối āpatti. Ngay lúc đó, muốn sám hối āpatti ấy, nhưng không có vị Tỳ khưu nào tại đó. Cho nên vị Tỳ khưu ăn năn về lỗi của mình, tự cho mình giới không trong sạch. Do đó, sau khi tịch, ác nghiệp ấy có cơ hội cho quả tái sinh làm Long vương có tên là Erakapattanāgarājā: Long vương Erakapatta (lá sả), từ thời kỳ Đức Phật Kassapa cho đến thời kỳ Đức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, vẫn chưa thoát khỏi kiếp Long vương.

    Đó là tưởng nhớ ác nghiệp lúc lâm chung.

    b) Trường hợp thứ nhì: Thiện nghiệp, ác nghiệp được tạo trong lúc lâm chung

    Āsanne kataṃ āsannaṃ: Thiện nghiệp nào hoặc ác nghiệp nào mà người bệnh tạo trong lúc lâm chung, thì thiện nghiệp hoặc ác nghiệp ấy có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, tùy theo quả của nghiệp ấy.

    * Thiện nghiệp được tạo trong lúc lâm chung:

    Ví dụ:

    Tích sư phụ của Ngài Đại đức Soṇa

    Ngài Đại đức Soṇa ở tại ngôi chùa Acelavihāra dưới chân núi Soṇagiri. Thân phụ của Ngài hành nghề săn bắn thú rừng để nuôi mạng. Ngài đã khuyên thân phụ từ bỏ nghề săn bắn thú rừng, rồi hành nghề lương thiện khác nuôi mạng, nhưng thân phụ của Ngài đã quen với nghề này vả lại không biết nghề khác, cho nên ông vẫn tiếp tục hành nghề ấy. Đến lúc tuổi già sức yếu, thân phụ của Ngài không thể hành nghề săn bắn thú rừng được nữa. Ngài Đại đức Soṇa khuyên thân phụ xuất gia trở thành Tỳ khưu. Sau khi trở thành Tỳ khưu, sư phụ của Ngài vì tuổi già sức yếu, khi thực hành thiền định, hoặc thực hành thiền tuệ, tâm vẫn chưa được ổn định.

    Khi bị lâm bệnh nặng trầm trọng, trước lúc lâm chung, sư phụ của Ngài thấy những hiện tượng ác nghiệp sát sinh trong thời quá khứ hiện ra trong tâm, làm cho sư phụ của Ngài kinh hoảng kêu la, nhờ Ngài Đại đức Soṇa xua đuổi.

    Ngài Đại đức Soṇa nghĩ rằng: “Nếu sư phụ tịch (chết) trong lúc này, chắc chắn ác nghiệp ấy có cơ hội cho quả thì khó tránh khỏi tái sinh trong cõi địa ngục, ta phải tìm cách hóa giải đối tượng xấu của ác nghiệp ấy”.

    Ngài Đại đức Soṇa bảo vị Sadi đem lại cho Ngài một ít cành hoa, và nhờ người khiêng chiếc gường sư phụ của Ngài nằm đem lên đặt trên nền ngôi Bảo Tháp, rồi Ngài trao những cành hoa để cho sư phụ cúng dường đến ngôi Bảo Tháp, và xin sư phụ đem hết lòng thành kính bạch rằng:

    - Kính bạch Đức Thế Tôn, đây là những cành hoa, lễ vật mọn của con, con đem hết lòng thành kính dâng lên Đức Thế Tôn.

    Xin sư phụ phát sinh đức tin trong sạch nơi Đức Thế Tôn, nơi Đức Pháp và nơi Đức Tăng, Tam Bảo.

    Sư phụ đã làm theo sự hướng dẫn của Ngài. Thật phi thường! Ngay khi ấy, đối tượng xấu của ác nghiệp kia biến mất, thay bằng đối tượng những cảnh đẹp ở trên cõi trời, lâu đài nguy nga, những thiên nữ hiện ra hầu hạ sư phụ của Ngài.

    Sư phụ của Ngài cảm thấy vô cùng hoan hỷ thốt lên rằng:

    - Các cô thiên nữ đã đến rồi!

    Nghe vậy, Ngài Đại đức Soṇa nghĩ rằng: “Cõi trời dục giới đã hiện ra với sư phụ rồi”.

    Sau khi sư phụ của Ngài tịch, nhờ thiện nghiệp phát sinh trong lúc lâm chung có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh làm vị thiên nam trong cõi trời dục giới, hưởng mọi sự an lạc trong cõi trời ấy cho đến hết tuổi thọ ở nơi ấy.

    Đó là thiện nghiệp được tạo lúc lâm chung.

    * Ác nghiệp được tạo lúc lâm chung:

    Ví dụ:

    Ông A đã thù hận ông B từ lâu. Một hôm, ông A gặp ông B, hai người cãi lộn, gây gỗ lẫn nhau. Ông A tức giận đánh ông B, ông B lấy dao đâm ông A bị thương nặng rồi chết. Sau khi ông A chết, ác nghiệp thù hận có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh), chịu quả khổ của ác nghiệp ấy, cho đến lúc mãn quả của ác nghiệp ấy.

    Đó là ác nghiệp thù hận được tạo trong lúc lâm chung.

    Hoặc những người đang uống rượu, các chất say, hoặc đang say mê trong sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, xúc thỏa thích… với tâm tham. Ngay khi ấy bị xảy ra tai nạn rồi chết đột ngột. Sau khi chết, ác nghiệp ấy có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh) chịu quả khổ của ác nghiệp ấy, cho đến lúc mãn quả của ác nghiệp ấy.

    Đó là ác nghiệp tham được tạo trong lúc lâm chung.

    Hoặc người có tà kiến, khi người ấy bị lâm bệnh nặng trầm trọng, sai bảo người khác giết gà, giết heo… cúng thần để cho mau khỏi bệnh, nhưng chẳng may, người bệnh đến thời kỳ hết tuổi thọ hoặc mãn thiện nghiệp hỗ trợ nên phải chết. Trước lúc chết người ấy có tà kiến, dị đoan mê tín đã tạo ác nghiệp sát sinh, cho nên sau khi chết, ác nghiệp tà kiến ấy có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh) chịu quả khổ của ác nghiệp ấy.

    Đó là ác nghiệp tà kiến được tạo trong lúc lâm chung.

    Trong 4 loại nghiệp theo tuần tự cho quả nhất định, nếu không có loại nghiệp trọng yếu (garukakamma) và cũng không có loại nghiệp cận tử (āsannakamma) thì loại nghiệp thường hành (āciṇṇakamma) có quyền ưu tiên, có cơ hội ưu tiên cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau.

    3. Āciṇṇakamma: Nghiệp Thường Hành

    Thế nào gọi là nghiệp thường hành?

    Ācīyati punappunaṃ karīyatīti āciṇṇaṃ: Nghiệp nào mà người luôn luôn hành, thường được tích lũy hoài hoài, nghiệp ấy được gọi là nghiệp thường hành, đó là 12 bất thiện nghiệp (ác nghiệp), và 8 dục giới đại thiện nghiệp.

    * Nghiệp thường hành có 2 loại:

    3.1 Bất thiện nghiệp (ác nghiệp) thường hành (akusala āciṇṇakamma), đó là 12 bất thiện nghiệp (ác nghiệp).

    3.2 Thiện nghiệp thường hành (kusala āciṇṇakamma), đó là 8 dục giới đại thiện nghiệp.

    3.1 Bất thiện nghiệp (ác nghiệp) thường hành

    Người thường tạo bất thiện nghiệp (ác nghiệp) bằng thân, bằng khẩu, bằng ý hằng ngày để nuôi mạng hoặc không phải để nuôi mạng, bất thiện nghiệp (ác nghiệp) ấy gọi là bất thiện nghiệp (ác nghiệp) thường hành.

    Ví dụ: Người dân chài làm nghề đánh cá, người làm nghề giết gà, giết vịt, giết heo, giết bò… để bán thịt; người làm nghề buôn bán rượu và các chất say v.v… là những người thường tạo bất thiện nghiệp bằng thân, bằng khẩu, bằng ý.

    Đó là ác nghiệp thường hành.

    Hay một trường hợp đặc biệt khác:

    Một người đã tạo bất thiện nghiệp nào đó, tuy chỉ có một lần, nhưng ác nghiệp cứ ám ảnh trong tâm của người ấy, luôn luôn làm cho tâm ân hận, nóng nảy, khổ tâm, khổ thân.

    Đó cũng là ác nghiệp thường hành.

    Nếu một người không có ác nghiệp trọng tội, cũng không có ác nghiệp cận tử trong lúc lâm chung, sau khi người ấy chết, thì chắc chắn ác nghiệp thường hành có quyền ưu tiên, có cơ hội ưu tiên cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh) chịu quả khổ của ác nghiệp ấy cho đến khi mãn quả của ác nghiệp ấy.

    3.2 Thiện nghiệp thường hành

    Người cận sự nam, người cận sự nữ là những người có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, nên thường hay làm phước thiện bố thí đến những người khác, thường hay làm phước thiện cúng dường những thứ vật dụng đến chư Tỳ khưu, Sadi… Họ là những người giữ gìn ngũ giới trong sạch và trọn vẹn, thọ trì bát giới uposathasīla trong những ngày giới hằng tháng, là những người thường hay thực hành pháp hành thiền định, thực hành pháp hành thiền tuệ, vẫn còn thuộc về dục giới đại thiện nghiệp, và hoan hỷ tạo mọi thiện nghiệp khác.

    Vị Sadi giữ gìn mọi giới của Sadi được trong sạch và trọn vẹn, thực hành đầy đủ 14 pháp hành, thường hay thực hành pháp hành thiền định, thực hành pháp hành thiền tuệ, vẫn còn thuộc về dục giới đại thiện nghiệp.

    Vị Tỳ khưu giữ gìn mọi giới của Tỳ khưu được trong sạch và trọn vẹn, thực hành 14 pháp hành, thực hành pháp hành thiền định, thực hành pháp hành thiền tuệ, vẫn còn thuộc về dục giới đại thiện nghiệp.

    Đó là thiện nghiệp thường hành.

    Hay một trường hợp đặc biệt khác:

    Một người đã tạo thiện nghiệp nào đó, tuy chỉ có một lần, nhưng đặc biệt ghi nhớ không quên thiện nghiệp ấy, cứ mỗi lần niệm tưởng đến thiện nghiệp ấy thì thiện tâm phát sinh và tăng trưởng nhiều, thiện tâm cảm thấy vô cùng hoan hỷ nơi thiện nghiệp ấy.

    Đó cũng là thiện nghiệp thường hành.

    Nếu một người không có thiện nghiệp trọng yếu và không có thiện nghiệp cận tử trong lúc lâm chung, sau khi người ấy chết, thì chắc chắn thiện nghiệp thường hành có quyền ưu tiên, có cơ hội ưu tiên cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trong cõi thiện dục giới (cõi người, cõi trời dục giới) hưởng được quả an lạc của thiện nghiệp ấy cho đến mãn quả của thiện nghiệp ấy.

    Trong 4 loại nghiệp theo tuần tự cho quả nhất định, nếu không có loại nghiệp trọng yếu (garukakamma), cũng không có loại nghiệp cận tử (āsannakamma), và cũng không có loại nghiệp thường hành (āciṇṇakamma), thì nghiệp loại thường (kaṭattākamma) có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau.

    Nhận xét về nghiệp cận tử và nghiệp thường hành

    Nếu xét về năng lực của nghiệp thì nghiệp cận tử không thể có nhiều năng lực hơn nghiệp thường hành, bởi vì nghiệp cận tử được phát sinh trong khoảng thời gian ngắn ngủi lúc lâm chung, còn nghiệp thường hành đã được tạo và được tích lũy trong khoảng thời gian lâu dài trong kiếp hiện tại. Do đó, nghiệp thường hành có nhiều năng lực hơn nghiệp cận tử.

    Tuy nghiệp cận tử có ít năng lực hơn nghiệp thường hành, nhưng nếu nghiệp cận tử này phát sinh lúc lâm chung có khả năng đem lại 1 trong 3 hiện tượng là nghiệp (kamma) hoặc hiện tượng của nghiệp (kammanimitta) hoặc hiện tượng cảnh giới tái sinh (gatinimitta) làm đối tượng trong lộ trình tâm cận tử (maraṇāsannavīthicitta) thì nghiệp cận tử này có quyền ưu tiên, có cơ hội ưu tiên cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau.

    Ví dụ: Trong chuồng bò, nếu có con bò yếu đứng gần cổng chuồng, người chăn bò mở cổng chuồng, thì con bò yếu đi ra cổng trước các con bò lực lưỡng khác. Cũng như vậy, nghiệp cận tử tuy có ít năng lực hơn nghiệp thường hành nhưng nghiệp cận tử được phát sinh trong lúc sắp lâm chung, cho nên, sau khi chết, nghiệp cận tử có quyền ưu tiên, có cơ hội ưu tiên cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau.

    Do đó, trong bộ Abhidhammasaṅgaha: Vi Diệu Pháp Yếu Nghĩa, giải về nghiệp theo tuần tự cho quả, Ngài Đại Trưởng Lão Anuruddha sắp đặt nghiệp cận tử trước, nghiệp thường hành sau.

    4. Kaṭattākamma: Nghiệp Loại Thường

    Thế nào gọi là nghiệp loại thường?

    Kaṭattā eva kammanti kaṭattākammaṃ: Nghiệp nào mà người chỉ tạo một cách cho có tạo mà thôi, không quan tâm, không chú ý nhiều trong việc ấy, nghiệp ấy không thuộc về 3 loại nghiệp trên gọi là nghiệp loại thường (kaṭattākamma), đó là 12 bất thiện nghiệp (12 ác nghiệp), và 8 dục giới đại thiện nghiệp.

    Nghiệp loại thường gồm tất cả những bất thiện nghiệp (ác nghiệp), thiện nghiệp nào mà người đã tạo nghiệp ấy có ít năng lực nên không thuộc về loại nghiệp trọng yếu, cũng không phải phát sinh lúc lâm chung nên không thuộc về loại nghiệp cận tử, cũng không phải nghiệp được tạo nhiều lần thành thói quen nên không thuộc về loại nghiệp thường hành.

    Trong kiếp hiện tại, nghiệp loại thường này không thuộc về 3 loại nghiệp trên. Sau khi chết, nếu trường hợp không có 3 loại nghiệp trên, thì nghiệp loại thường này mới có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau.

    Trong những kiếp quá khứ, nghiệp loại thường này chính là bất thiện nghiệp, thiện nghiệp đã từng tích lũy trong nhiều đời nhiều kiếp. Cho nên, tất cả chúng sinh đều có nghiệp loại thường này.

    Ví dụ:

    Những thai nhi bị chết trong bụng mẹ, những đứa trẻ sơ sinh vừa mới sinh ra đời rồi bị chết, những đứa bé còn nhỏ dại chưa biết gì rồi bị chết v.v…, trong kiếp hiện tại, những thai nhi, trẻ sơ sinh v.v… chưa tạo nên bất thiện nghiệp, thiện nghiệp, cho nên, sau khi chết, nghiệp loại thường này mới có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trong cõi nào, thuộc chúng sinh loại nào, hoàn toàn tùy thuộc vào quả của nghiệp loại thường này.

    Hoặc vị Phạm thiên ở cõi trời sắc giới vô tưởng, sau khi hết tuổi thọ 500 đại kiếp trái đất, rồi phải tái sinh kiếp sau với kusala kaṭattākamma (thiện nghiệp loại thường) mà đã tích lũy nhiều kiếp trong quá khứ, kể từ tiền kiếp thứ ba trở về trước. Bởi vì, vị Phạm thiên ở cõi trời sắc giới vô tưởng thuộc về loại chúng sinh chỉ có nhất uẩn là sắc uẩn mà thôi (không có 4 danh uẩn). Như vậy, kiếp hiện tại, vị Phạm thiên ở cõi trời sắc giới vô tưởng không có tâm, cho nên hoàn toàn không tạo nên thiện nghiệp hoặc ác nghiệp, chỉ hưởng quả của đệ ngũ thiền sắc giới thiện nghiệp mà thôi. Và tiền kiếp thứ nhì về trước, hành giả thực hành thiền định đã chứng đắc đệ ngũ thiền sắc giới thiện nghiệp đã cho quả tái sinh lên cõi trời sắc giới vô tưởng xong rồi, còn lại các bậc thiền sắc giới thiện nghiệp bậc thấp đều trở thành nghiệp vô hiệu quả, không còn có khả năng cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau. Do đó, sau khi vị Phạm thiên ấy hết tuổi thọ 500 đại kiếp trái đất tại cõi trời sắc giới vô tưởng rồi, kusala kaṭattākamma (thiện nghiệp loại thường) mà đã tích lũy từ tiền kiếp thứ 3 trở về trước có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trong cõi thiện dục giới (cõi người, cõi trời dục giới).

    Tính Chất 4 Loại Nghiệp Theo Tuần Tự Cho Quả

    4 loại nghiệp theo tuần tự cho quả:

    1. Nghiệp trọng yếu

    2. Nghiệp cận tử

    3. Nghiệp thường hành

    4. Nghiệp loại thường

    Mỗi loại nghiệp có bất thiện nghiệp và thiện nghiệp.

    * 4 loại ác nghiệp theo tuần tự cho quả:

    1. Ác nghiệp trọng tội có 2 loại

    - 3 ác nghiệp tà kiến cố định

    - 5 ác nghiệp vô gián

    2. Ác nghiệp cận tử

    3. Ác nghiệp thường hành

    4. Ác nghiệp loại thường

    Trong các loại ác nghiệp này, chỉ có ác nghiệp tà kiến cố định là nặng nhất mà thôi, các ác nghiệp còn lại từ nặng xuống nhẹ giảm dần theo tuần tự.

    * Nếu người nào có đủ các ác nghiệp này, thì sau khi người ấy chết, chỉ có ác nghiệp tà kiến cố định có quyền ưu tiên hàng đầu, có cơ hội ưu tiên cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau kế tiếp trong cõi đại địa ngục Avīci, chịu quả khổ trong cõi địa ngục này lâu dài, khó có thể mãn hạn. Bởi vì, chúng sinh này không tin nghiệp và quả của nghiệp.

    * Nếu người nào không có ác nghiệp tà kiến cố định, mà có ác nghiệp vô gián (giết cha, giết mẹ, giết bậc Thánh Arahán, làm bầm máu bàn chân của Đức Phật và chia rẽ chư Tỳ khưu Tăng), thì sau khi người ấy chết, chỉ có ác nghiệp vô gián ấy có quyền ưu tiên hàng đầu, có cơ hội ưu tiên cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi đại địa ngục Avīci, chịu quả khổ thiêu đốt trong cõi đại địa ngục này lâu dài, cho đến khi mãn quả của ác nghiệp ấy, mới thoát ra khỏi cõi đại địa ngục ấy.

    * Nếu người nào không có ác nghiệp tà kiến cố định, và cũng không có ác nghiệp vô gián, mà có ác nghiệp cận tử đặc biệt phát sinh trong lúc lâm chung, thì sau khi người ấy chết, ác nghiệp cận tử ấy có quyền ưu tiên, có cơ hội ưu tiên cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh) tùy theo năng lực quả của ác nghiệp ấy, rồi chịu quả khổ cho đến khi mãn quả của ác nghiệp ấy, mới thoát khỏi cõi ác giới ấy.

    * Nếu người nào không có ác nghiệp tà kiến cố định, không có ác nghiệp vô gián, cũng không có ác nghiệp cận tử đặc biệt phát sinh trong lúc lâm chung, mà có ác nghiệp thường hành, thì sau khi người ấy chết, ác nghiệp thường hành ấy có quyền ưu tiên, có cơ hội ưu tiên cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh) tùy theo năng lực quả của ác nghiệp ấy, rồi chịu quả khổ cho đến khi mãn quả của ác nghiệp ấy, mới thoát khỏi cõi ác giới ấy.

    * Nếu người nào không có ác nghiệp tà kiến cố định, không có ác nghiệp vô gián, không có ác nghiệp cận tử, cũng không có ác nghiệp thường hành, chỉ có ác nghiệp loại thường, thì sau khi người ấy chết, ác nghiệp loại thường ấy mới có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới tùy theo năng lực quả của ác nghiệp ấy, rồi chịu quả khổ cho đến khi mãn quả của ác nghiệp ấy, mới thoát khỏi cõi ác giới ấy.

    * Trường hợp thai nhi nằm trong bụng mẹ, trẻ sơ sinh vừa mới ra đời, trẻ con còn nhỏ dại chưa có thể tạo ác nghiệp nào trong kiếp hiện tại; nếu chúng bị chết, thì chỉ có nghiệp loại thường (kaṭattākamma) đã tích lũy từ nhiều kiếp trong quá khứ mới có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau. Nếu ác nghiệp loại thường (akusala kaṭattākamma) cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, thì tái sinh trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh) tùy theo năng lực quả của ác nghiệp ấy, rồi chịu quả khổ cho đến khi mãn quả của ác nghiệp ấy, mới thoát khỏi cõi ác giới ấy.

    * 4 loại thiện nghiệp theo tuần tự cho quả:

    1. Thiện nghiệp trọng yếu có 2 loại

    Vô sắc giới thiện nghiệp

    Sắc giới thiện nghiệp

    2. Thiện nghiệp cận tử

    3. Thiện nghiệp thường hành

    4. Thiện nghiệp loại thường

    Trong 4 loại thiện nghiệp này, chỉ có thiện nghiệp trọng yếu có năng lực bậc nhất, cho nên, thiện nghiệp trọng yếu này có quyền ưu tiên, có cơ hội ưu tiên cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trước tiên, 3 thiện nghiệp còn lại có tầm quan trọng giảm dần theo tuần tự.

    Thiện nghiệp trọng yếu có 2 loại: 4 vô sắc giới thiện nghiệp và 5 sắc giới thiện nghiệp. Trong 2 loại thiện nghiệp này, 4 vô sắc giới thiện nghiệp có nhiều năng lực nhất nên có quyền ưu tiên, có cơ hội ưu tiên cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trước tiên.

    * 4 vô sắc giới thiện nghiệp ở trong 4 bậc thiền vô sắc thiện tâm. Nếu hành giả chứng đắc 4 bậc thiền vô sắc thiện tâm, thì bậc thiền vô sắc phi tưởng phi phi tưởng xứ thiện tâm là tột đỉnh. Cho nên, sau khi hành giả chết chỉ có bậc thiền vô sắc phi tưởng phi phi tưởng xứ thiện nghiệp có cơ hội ưu tiên cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trong cõi trời vô sắc Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Thiên có tuổi thọ 84.000 đại kiếp trái đất, thời gian lâu dài nhất trong các cõi vô sắc giới.

    3 bậc thiền vô sắc thiện nghiệp còn lại trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma), vĩnh viễn không còn có cơ hội cho quả của chúng được nữa.

    * 5 sắc giới thiện nghiệp ở trong 5 bậc thiền sắc giới thiện tâm. Nếu hành giả không chứng đắc 4 bậc thiền vô sắc thiện tâm, mà chỉ chứng đắc 5 bậc thiền sắc giới thiện tâm, thì đệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm là bậc thiền sắc giới cao nhất, có nhiều năng lực nhất. Cho nên, sau khi hành giả chết, chỉ có đệ ngũ thiền sắc giới thiện nghiệp có cơ hội ưu tiên cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trong cõi trời sắc giới đệ tứ thiền có 7 tầng, tùy theo hạng người và tùy theo năng lực của bậc thiền ấy.

    * Nếu người nào không có 4 vô sắc giới thiện nghiệp, cũng không có 5 sắc giới thiện nghiệp, mà chỉ có thiện nghiệp phát sinh lúc lâm chung, thì sau khi người ấy chết, chính thiện nghiệp phát sinh lúc lâm chung ấy có cơ hội ưu tiên cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trong cõi thiện dục giới (cõi người hoặc cõi trời dục giới) tùy theo năng lực quả của thiện nghiệp ấy.

    * Nếu người nào không có 4 vô sắc giới thiện nghiệp, cũng không có 5 sắc giới thiện nghiệp, cũng không có thiện nghiệp phát sinh lúc lâm chung, mà chỉ có thiện nghiệp thường hành, thì sau khi người ấy chết, chính thiện nghiệp thường hành ấy có cơ hội ưu tiên cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trong cõi thiện dục giới (cõi người hoặc cõi trời dục giới) tùy theo năng lực quả của thiện nghiệp ấy.

    * Nếu người nào không có 4 vô sắc giới thiện nghiệp, cũng không có 5 sắc giới thiện nghiệp, cũng không có thiện nghiệp phát sinh lúc lâm chung, cũng không có thiện nghiệp thường hành, mà chỉ có thiện nghiệp loại thường, thì sau khi người ấy chết, chính thiện nghiệp loại thường ấy mới có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trong cõi thiện dục giới (cõi người hoặc cõi trời dục giới) tùy theo năng lực quả của thiện nghiệp ấy.

    Như trường hợp thai nhi nằm trong bụng mẹ, trẻ sơ sinh vừa mới ra đời, trẻ con còn nhỏ dại chưa có thể tạo thiện nghiệp nào trong kiếp hiện tại. Nếu chúng bị chết, sau khi chết, thì chỉ có thiện nghiệp loại thường (kaṭattākamma) đã tích lũy từ nhiều kiếp trong quá khứ mới có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trong cõi thiện dục giới (cõi người hoặc cõi trời dục giới) tùy theo năng lực quả của thiện nghiệp ấy.

    Và đặc biệt trong cõi trời sắc giới vô tưởng, vị Phạm thiên hết tuổi thọ 500 đại kiếp, sau khi chết, chính thiện nghiệp loại thường này cho quả tái sinh trong cõi thiện dục giới: Cõi người hoặc cõi trời dục giới

    Đó là 4 loại thiện nghiệp theo tuần tự cho quả căn cứ vào năng lực của thiện nghiệp ấy.

    4 nghiệp theo tuần tự cho quả theo bộ Visuddhimagga

    và bộ Chú giải Aṅguttaranikāya

    Trong bộ Visuddhimagga (Thanh Tịnh Đạo) và bộ Chú giải Aṅguttaranikāya (Chú giải Kinh Chi Bộ) trình bày sắp đặt về 4 nghiệp theo tuần tự cho quả như sau:

    1. Nghiệp trọng yếu (garukakamma)

    2. Nghiệp được tạo nhiều lần (bahulakamma)

    3. Nghiệp cận tử (āsannakamma)

    4. Nghiệp loại thường (kaṭattākamma)

    Trong bộ Chú giải Thanh Tịnh Đạo và bộ Chú giải Kinh Chi Bộ có giải thích rằng:

    “Tuy nghiệp cận tử là nghiệp phát sinh trong lúc lâm chung, nhưng không phải lúc nào cũng có khả năng, có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau được”.

    Ví dụ: Trường hợp nghiệp cận tử có ít năng lực quá yếu, không có khả năng đem lại 1 trong 3 hiện tượng: Nghiệp (kamma) hoặc hiện tượng của nghiệp (kammanimitta) hoặc hiện tượng cảnh giới tái sinh (gatinimitta) làm đối tượng trong lộ trình tâm cận tử (maraṇāsannavīthicitta), thì nghiệp cận tử không có khả năng cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau được. Khi ấy nghiệp được tạo nhiều lần (nghiệp thường hành) có nhiều năng lực, có khả năng đem lại 1 trong 3 hiện tượng: Nghiệp (kamma) hoặc hiện tượng của nghiệp (kamma-nimitta) hoặc hiện tượng cảnh giới tái sinh (gatinimitta) làm đối tượng trong lộ trình tâm cận tử (maraṇāsannavīthicitta). Cho nên, sau khi chết, do nghiệp được tạo nhiều lần (nghiệp thường hành) ấy có quyền ưu tiên, có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau.

    Do đó, Chú giải bộ Thanh Tịnh Đạo và bộ Chú giải Kinh Chi Bộ trình bày, sắp đặt nghiệp được tạo nhiều lần (bahulakamma) tương đương với nghiệp thường hành (āciṇṇa kamma) trước nghiệp cận tử theo tuần tự cho quả của nghiệp.
    Itipi so Bhagavà Araham, Sammàsambuddho, Vijjàcaranasampanno, Sugato, Lokavidù, Anuttaro purisadammasàrathi, Satthàdevamanussànam, Buddho, Bhagavà.

  6. #6
    Đai Nâu Avatar của raucucai
    Gia nhập
    Mar 2012
    Nơi cư ngụ
    Sơn La
    Bài gởi
    302

    Mặc định

    III. Pākakālacatukka: 4 Loại Nghiệp Theo Thời Gian Cho Quả

    Phần 4 loại nghiệp theo tuần tự cho quả nhất định trước sau xong, tiếp theo phần 4 loại nghiệp theo thời gian cho quả kiếp hiện tại, kiếp sau v.v...:

    1. Diṭṭhadhammavedanīyakamma: Nghiệp cho quả ngay trong kiếp hiện tại (kiếp thứ nhất)

    2. Upapajjavedanīyakamma: Nghiệp cho quả kiếp kế tiếp (kiếp thứ hai)

    3. Aparāpariyavedanīyakamma: Nghiệp cho quả những kiếp sau, kể từ kiếp thứ ba cho đến kiếp chót của bậc Thánh Arahán trước khi tịch diệt Niết bàn.

    4. Ahosikamma: Nghiệp vô hiệu quả là nghiệp không còn hiệu lực cho quả của nó được nữa.

    Mỗi loại nghiệp có 2 loại là thiện nghiệp và bất thiện nghiệp (ác nghiệp).

    Đức Phật dạy:

    “Cetanā’ haṃ, bhikkhave, kammaṃ vadāmi, cetayitvā kammaṃ karoti kāyena vācāya manasā”.

    (Này chư Tỳ khưu, sau khi đã có tác ý, rồi tạo nghiệp bằng thân, bằng khẩu, bằng ý. Do đó, Như Lai dạy “Tác ý gọi là nghiệp”).

    Cetanā = Tác ý: Là 1 trong 52 tâm sở, gọi là tác ý tâm sở (cetanācetasika) đồng sinh với tất cả các tâm gồm có 84 hoặc 121 tâm.

    Tác ý khi nào gọi là nghiệp? Và tác ý khi nào không gọi là nghiệp?

    Nếu khi tác ý tâm sở đồng sinh với 12 bất thiện tâm (ác tâm), thì tác ý tâm sở ấy gọi là bất thiện nghiệp (ác nghiệp). Cho nên, có 12 bất thiện nghiệp (12 ác nghiệp) như sau:

    - 8 bất thiện nghiệp (ác nghiệp) trong 8 tâm tham.

    - 2 bất thiện nghiệp (ác nghiệp) trong 2 tâm sân.

    - 2 bất thiện nghiệp (ác nghiệp) trong 2 tâm si.

    Nếu khi tác ý tâm sở đồng sinh với 21 hoặc 37 thiện tâm, thì tác ý tâm sở ấy gọi là thiện nghiệp. Cho nên, có 21 hoặc 37 thiện nghiệp như sau:

    - 8 dục giới đại thiện nghiệp trong 8 dục giới đại thiện tâm.

    - 5 sắc giới thiện nghiệp trong 5 sắc giới thiện tâm.

    - 4 vô sắc giới thiện nghiệp trong 4 vô sắc giới thiện tâm.

    - 4 hoặc 20 Siêu tam giới thiện nghiệp trong 4 hoặc 20 Thánh Đạo Tâm.

    Ngoài ra, tác ý tâm sở đồng sinh với 36 hoặc 52 quả tâm và 20 duy tác tâm, tác ý tâm sở ấy không gọi là nghiệp.

    - Bất thiện nghiệp (ác nghiệp), thiện nghiệp nương nhờ nơi 3 môn: Thân, khẩu, ý như sau:

    - Bất thiện nghiệp (ác nghiệp) theo 3 môn: Thân, khẩu, ý đó là:

    Thân ác nghiệp là ác nghiệp nương nhờ nơi thân.

    Khẩu ác nghiệp là ác nghiệp nương nhờ nơi khẩu.

    Ý ác nghiệp là ác nghiệp nương nhờ nơi ý.

    - Thiện nghiệp theo 3 môn: Thân, khẩu, ý đó là:

    Thân thiện nghiệp là thiện nghiệp nương nhờ nơi thân.

    Khẩu thiện nghiệp là thiện nghiệp nương nhờ nơi khẩu.

    Ý thiện nghiệp là thiện nghiệp nương nhờ nơi ý.

    Thực ra, tác ý gọi là nghiệp: Bất thiện nghiệp (ác nghiệp) hoặc thiện nghiệp, khi tác ý tâm sở đồng sinh với bất thiện tâm (ác tâm) hoặc thiện tâm, khi tâm ấy làm phận sự tác hành tâm (javanakicca) trong lộ trình tâm sinh rồi diệt liên tục (vīthicitta).

    Lộ trình tâm có 6 loại:

    1. Nhãn môn lộ trình tâm.

    2. Nhĩ môn lộ trình tâm.

    3. Tỷ môn lộ trình tâm.

    4. Thiệt môn lộ trình tâm.

    5. Thân môn lộ trình tâm.

    6. Ý môn lộ trình tâm.

    Nếu mỗi loại lộ trình gồm có các loại tâm sinh rồi diệt liên tục và đầy đủ, thì chắc chắn có đủ tác hành tâm (javana-citta).

    Tác hành tâm (javanacitta) liên quan trực tiếp đến 4 loại nghiệp theo thời gian cho quả trong kiếp hiện tại, trong kiếp kế tiếp, và trong những kiếp sau sau nữa v.v... đó là dục giới tác hành tâm (kāmajavanacitta) chỉ có 12 bất thiện tâm và 8 dục giới đại thiện tâm mà thôi (không có 1 tiếu sinh tâm và 8 dục giới đại duy tác tâm).

    Mỗi lộ trình tâm có dục giới tác hành tâm đầy đủ 7 sát-na tâm cùng một loại tâm sinh rồi diệt liên tục trong một lộ trình ấy, gồm có 3 loại nghiệp theo thời gian cho quả trong kiếp hiện tại, trong kiếp kế tiếp, và trong những kiếp sau sau nữa...

    Lộ trình tâm, 7 dục giới tác hành tâm (kāmajavanacitta)

    Mỗi lộ trình tâm, nếu có 7 dục giới tác hành tâm (kāma-javanacitta ) thì gồm có 3 loại nghiệp được phân loại như sau:

    1. Tác ý tâm sở đồng sinh với tác hành tâm thứ nhất gọi là nghiệp cho quả ngay trong kiếp hiện tại (kiếp thứ nhất): Diṭṭhadhammavedanīyakamma.

    2. Tác ý tâm sở đồng sinh với tác hành tâm thứ 7 gọi là nghiệp cho quả ngay kiếp kế tiếp kiếp hiện tại (kiếp thứ 2): Upapajjavedanīyakamma.

    3. Tác ý tâm sở đồng sinh với 5 tác hành tâm từ thứ 2 đến thứ 6 gọi là nghiệp cho quả trong những kiếp sau kể từ kiếp thứ 3 cho đến kiếp chót của bậc Thánh Arahán trước khi tịch diệt Niết Bàn, nếu có cơ hội cho quả: Aparāpariyavedanīyakamma.

    Trong 3 loại nghiệp kể trên, khi nghiệp nào không có cơ hội cho quả, thì nghiệp ấy gọi là nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma), nghiệp không còn hiệu lực cho quả của nó nữa.

    Giải thích 4 loại nghiệp theo thời gian cho quả

    1. Diṭṭhadhammavedanīyakamma: Nghiệp cho quả ngay trong kiếp hiện tại

    Thế nào gọi là nghiệp cho quả ngay trong kiếp hiện tại (kiếp thứ nhất)?

    Diṭṭhadhamme vedanīyaṃ phalaṃ etassāti: Diṭṭha-dhammavedanīyaṃ

    Nghiệp nào chỉ cho quả ngay trong kiếp hiện tại mà thôi (không có khả năng cho quả trong kiếp sau), nghiệp ấy gọi là nghiệp cho quả ngay trong kiếp hiện tại (kiếp thứ nhất). Đó là tác ý tâm sở đồng sinh với 12 bất thiện tâm và 8 dục giới đại thiện tâm, khi làm phận sự tác hành tâm thứ nhất của mỗi lộ trình tâm.

    - Nghiệp cho quả ngay trong kiếp hiện tại có 2 loại:

    Bất thiện nghiệp (ác nghiệp) cho quả ngay trong kiếp hiện tại.

    Thiện nghiệp cho quả ngay trong kiếp hiện tại .

    1.1. Bất thiện nghiệp (ác nghiệp) cho quả ngay trong kiếp hiện tại

    Nếu bất thiện nghiệp (ác nghiệp) có cơ hội cho quả ngay trong kiếp hiện tại, thì cho quả qua 6 môn, có 7 bất thiện quả vô nhân tâm như sau:

    - Nhãn thức tâm thuộc bất thiện quả vô nhân tâm nhìn thấy sắc trần không đáng hài lòng.

    - Nhĩ thức tâm thuộc bất thiện quả vô nhân tâm nghe thanh trần không đáng hài lòng.

    - Tỷ thức tâm thuộc bất thiện quả vô nhân tâm ngửi hương trần không đáng hài lòng.

    - Thiệt thức tâm thuộc bất thiện quả vô nhân tâm nếm vị trần không đáng hài lòng.

    Thân thức tâm thuộc bất thiện quả vô nhân tâm xúc giác xúc trần không đáng hài lòng.

    - Tiếp nhận tâm thuộc bất thiện quả vô nhân tâm tiếp nhận 5 đối tượng sắc, thanh, vị, hương, xúc không đáng hài lòng.

    - Suy xét tâm thuộc bất thiện quả vô nhân tâm suy xét 5 đối tượng sắc, thanh, vị, hương, xúc không đáng hài lòng.

    1.2. Thiện nghiệp cho quả ngay trong kiếp hiện tại

    Nếu thiện nghiệp có cơ hội cho quả ngay trong kiếp hiện tại, thì cho quả qua 6 môn, có 8 thiện quả vô nhân tâm như sau:

    Nhãn thức tâm thuộc thiện quả vô nhân tâm nhìn thấy sắc trần đáng hài lòng.

    Nhĩ thức tâm thuộc thiện quả vô nhân tâm nghe thanh trần đáng hài lòng.

    Tỷ thức tâm thuộc thiện quả vô nhân tâm ngửi hương trần đáng hài lòng.

    Thiệt thức tâm thuộc thiện quả vô nhân tâm nếm vị trần đáng hài lòng.

    Thân thức tâm thuộc thiện quả vô nhân tâm xúc giác xúc trần đáng hài lòng.

    Tiếp nhận tâm thuộc thiện quả vô nhân tâm tiếp nhận 5 đối tượng sắc, thanh, vị, hương, xúc đáng hài lòng.

    Suy xét tâm hợp với hỷ thuộc thiện quả vô nhân tâm suy xét 5 đối tượng sắc, thanh, vị, hương, xúc đáng hài lòng.

    Suy xét tâm hợp với xả thuộc thiện quả vô nhân tâm suy xét 5 đối tượng sắc, thanh, vị, hương, xúc đáng hài lòng.

    Diṭṭhadhammavedanīyakamma là nghiệp chỉ có khả năng cho quả ngay trong kiếp hiện tại mà thôi. Cho nên, nếu nghiệp này không có cơ hội cho quả trong kiếp hiện tại, thì nghiệp này trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma), nghiệp không còn hiệu lực cho quả của nó được nữa. Nghiệp này hoàn toàn không có khả năng cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) và cũng không thể cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh (pavattikāla) nữa. Vì sao?

    Bởi vì diṭṭhadhammavedanīyakamma là nghiệp mà tác ý tâm sở vừa mới đồng sinh với tác hành tâm thứ nhất trong 7 tác hành tâm chưa nhận được sự hỗ trợ của duyên trợ lực (āsevanappaccaya), nên chưa có nhiều năng lực. Do đó, nghiệp này chỉ có khả năng cho quả trong kiếp hiện tại mà thôi. Nếu nghiệp này không có cơ hội cho quả trong kiếp hiện tại, thì nghiệp này trở thành nghiệp vô hiệu quả, nghiệp không còn hiệu lực cho quả của nó được nữa.

    Nghiệp cho quả ngay trong kiếp hiện tại (diṭṭhadhammavedanīya-kamma) có 2 loại:

    a) Paripakka diṭṭhadhammavedanīyakamma: Nghiệp già dặn, có nhiều năng lực, cho quả trong khoảng thời gian 7 ngày trong kiếp hiện tại ấy.

    b) Aparipakka diṭṭhadhammavedanīyakamma: Nghiệp chưa già dặn, có ít năng lực, cho quả sau thời gian sau 7 ngày cho đến trọn kiếp hiện tại ấy.

    Phần giải thích

    a) Nghiệp già dặn, có nhiều năng lực, cho quả trong khoảng thời gian 7 ngày ngay trong kiếp hiện tại như thế nào?

    Nghiệp già dặn, có nhiều năng lực, cho quả trong khoảng thời gian 7 ngày ngay trong kiếp hiện tại, nghĩa là sau khi đã tạo nghiệp xong, nghiệp này có năng lực rất mạnh, chắc chắn trong vòng 7 ngày ngay trong kiếp hiện tại, nghiệp ấy sẽ cho quả của nó.

    - Thiện nghiệp cho quả trong khoảng thời gian 7 ngày ngay trong kiếp hiện tại

    Ví dụ:

    Trường hợp một người nghèo khó tên Mahāduggata làm phước thiện bố thí cúng dường vật thực đến Đức Phật Kassapa. Sau khi Đức Phật ngự đến tế độ thọ thực tại nhà ông xong, ông ôm bát tiễn đưa Đức Phật Kassapa ngự về đến cốc của Ngài. Đảnh lễ Đức Phật xong, ông xin phép trở về nhà, ông nhìn thấy 7 thứ báu vật từ hư không rơi xuống tràn từ trong ra ngoài nhà của mình.

    Đức vua tấn phong ông là đại phú hộ ngay trong ngày hôm ấy.

    Trường hợp ông bà Puṇṇa nghèo khó làm phước thiện bố thí cúng dường đến Ngài Đại đức Sāriputta vừa mới xả diệt thọ tưởng buổi sáng hôm ấy. Ông Puṇṇa đã cày thửa ruộng từ buổi sáng, đến buổi trưa, những luống đất cày ấy hóa thành những thỏi vàng ròng sáng chói. Ông đem một thỏi vàng đến trình lên Đức vua Bimbisāra, tâu xin Đức vua truyền lệnh đem 1.000 (một ngàn) chiếc xe đến thửa ruộng kia để khuân tất cả số vàng ấy về cung điện.

    Quân lính trong triều khuân toàn bộ số vàng ấy đem về chất giữa sân rồng thành đống vàng cao 80 hắc tay.

    Đức vua Bimbisāra tấn phong ông Puṇṇa là vị đại phú hộ có số vàng nhiều nhất v.v…

    - Ác nghiệp cho quả trong khoảng thời gian 7 ngày ngay trong kiếp hiện tại

    Ví dụ:

    Trường hợp tên Nanda hãm hiếp Ngài Đại đức Tỳ khưu ni Uppalavaṇṇattherī là bậc Thánh Arahán. Sau khi đã tạo ác nghiệp trọng tội xong, tên Nanda vừa đặt hai chân xuống mặt đất, thì mặt đất nứt nẻ làm hai phun lên ngọn lửa hút tên Nanda vào trong lòng đất. Sau khi chết, ác nghiệp ấy cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi đại địa ngục Avīci, chịu quả khổ suốt thời gian lâu dài.

    Trường hợp tên đồ tể Nanda làm nghề giết bò để bán thịt. Một hôm, người nhà bán hết thịt bò, không còn lại miếng thịt nào cho y. Tức giận, y lấy con dao đến chuồng bò cắt cái lưỡi con bò còn sống, đem vào bảo vợ làm món ăn cho y. Khi y ăn món lưỡi bò ấy, thì ngay khi ấy, cái lưỡi của y bị đứt lìa rơi xuống, vô cùng đau đớn khiến y quằn quại, rống lên như con bò bị cắt tiết, rồi y chết tại nơi ấy.

    b) Nghiệp chưa già dặn, ít năng lực, cho quả sau thời gian 7 ngày cho đến trọn kiếp hiện tại như thế nào?

    Nghiệp chưa già dặn, ít năng lực, cho quả sau thời gian 7 ngày cho đến trọn kiếp hiện tại, nghĩa là sau khi đã tạo nghiệp xong, nếu có cơ hội cho quả thì nghiệp ấy sẽ chỉ cho quả sau 7 ngày cho đến suốt kiếp hiện tại ấy mà thôi (không cho quả trong thời gian kiếp sau).

    Người nào đã tạo thiện nghiệp nào hoặc ác nghiệp nào trong thời kỳ thiếu niên, thì người ấy có thể thọ nhận quả của thiện nghiệp ấy hoặc quả của ác nghiệp ấy trong thời kỳ thiếu niên, hoặc trong thời kỳ trung niên, hoặc trong thời kỳ lão niên.

    Người nào đã tạo thiện nghiệp nào hoặc ác nghiệp nào trong thời kỳ trung niên, thì người ấy có thể thọ nhận quả của thiện nghiệp ấy, hoặc quả của ác nghiệp ấy trong thời kỳ trung niên, hoặc trong thời kỳ lão niên.

    Người nào đã tạo thiện nghiệp nào hoặc ác nghiệp nào trong thời kỳ lão niên, thì người ấy có thể thọ nhận quả của thiện nghiệp ấy hoặc quả của ác nghiệp ấy trong thời kỳ lão niên trong kiếp hiện tại. Nghiệp ấy không có khả năng cho quả trong thời kỳ kiếp sau.

    Như vậy, gọi là nghiệp chưa già dặn, ít năng lực, cho quả sau thời gian 7 ngày cho đến trọn kiếp hiện tại ấy.

    Như trong bộ Chú giải Uparipaṇṇāsaṭṭhakathā giải thích rằng:

    “Yaṃ pathamavaye kataṃ pathamavaye vā majjhimavaye vā pacchimavaye vā. Majjhimavaye kataṃ majjhimavaye vā pacchimavaye vā. Pacchimavaye vā kataṃ tattheva vipākaṃ deti taṃ diṭṭhadhammavedanīyaṃ nāma”.

    (Nghiệp nào đã được tạo trong thời kỳ thiếu niên, thì nghiệp ấy có thể cho quả trong thời kỳ thiếu niên hoặc trong thời kỳ trung niên hoặc trong thời kỳ lão niên. Nghiệp nào đã được tạo trong thời kỳ trung niên, thì nghiệp ấy có thể cho quả trong thời kỳ trung niên hoặc trong thời kỳ lão niên. Nghiệp nào đã được tạo trong thời kỳ lão niên, thì nghiệp ấy có thể cho quả trong thời kỳ lão niên).

    Đó gọi là nghiệp diṭṭhadhammavedanīyakamma: Nghiệp cho quả ngay trong kiếp hiện tại.

    Tính chất đặc biệt của nghiệp cho quả trong khoảng thời gian 7 ngày

    Nghiệp mà có khả năng cho quả trong khoảng thời gian 7 ngày ngay trong kiếp hiện tại, thì chắc chắn người tạo nghiệp ấy và đối tượng để tạo nghiệp ấy phải có tính chất đặc biệt hơn các nghiệp khác. Cho nên, không phải nghiệp nào cũng có khả năng đặc biệt cho quả của nó trong khoảng thời gian 7 ngày được.

    a) Thiện nghiệp bố thí có khả năng cho quả trong khoảng thời gian 7 ngày

    Thiện nghiệp bố thí có khả năng cho quả trong khoảng thời gian 7 ngày, cần phải hội đầy đủ 4 nhân duyên như sau:

    1. Vatthusampadā: Bậc thọ thí là Đức Phật, hoặc bậc Thánh Arahán hoặc bậc Thánh Bất Lai.

    2. Paccayasampadā: Vật bố thí được phát sinh một cách hợp pháp và hoàn toàn trong sạch.

    3. Cetanāsampadā: Thí chủ là người có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, có đầy đủ 3 thời tác ý thiện tâm trong sạch và hoan hỷ là:

    Tác ý thiện tâm trong sạch và hoan hỷ trước khi làm phước thiện bố thí.

    Tác ý thiện tâm trong sạch và hoan hỷ đang khi làm phước thiện bố thí.

    Tác ý thiện tâm trong sạch và hoan hỷ sau khi đã làm phước thiện bố thí xong.

    4. Guṇātirekasampadā: Bậc thọ thí có ân đức đặc biệt như Đức Phật, hoặc bậc Thánh Arahán, hoặc bậc Thánh Bất Lai vừa mới xả diệt thọ tưởng suốt 7 ngày đêm xong, rồi đi khất thực.

    Nếu phước thiện bố thí hội đủ 4 nhân duyên này, thì chắc chắn thiện nghiệp ấy sẽ cho quả trong khoảng thời gian 7 ngày, có khi ngay trong ngày hôm ấy, như những trường hợp sau:

    - Tích người nghèo khó Mahāduggata

    Tích người nghèo khó Mahāduggata được tóm lược như sau:

    Vào thời kỳ Đức Phật Kassapa xuất hiện trên thế gian, Đức Phật cùng với 20 ngàn bậc Thánh Arahán ngự đến thành Bārāṇasī. Một hôm, sau khi độ vật thực xong, Đức Phật thuyết pháp dạy rằng:

    - Này cận sự nam, cận sự nữ, trong đời này:

    Số người tự mình làm phước thiện bố thí, mà không động viên, khuyến khích người khác cùng làm phước thiện bố thí với mình, thì phước thiện bố thí ấy cho quả đối với số người ấy là họ có nhiều của cải, nhưng không có bạn bè, thuộc hạ thân thiết.

    Số người động viên, khuyến khích những người khác làm phước thiện bố thí, nhưng chính mình thì không chịu đem của cải ra làm phước thiện bố thí, thì phước thiện của sự động viên, khuyến khích ấy cho quả đối với số người ấy là họ có nhiều bạn bè, thuộc hạ thân thiết, nhưng không có nhiều của cải.

    Số người tự mình không làm phước thiện bố thí, cũng không động viên, khuyến khích những người khác làm phước thiện bố thí, thì số người ấy sống ở nơi nào cũng là người ít của cải, nghèo khổ, thiếu thốn và cũng không có bạn bè, không có thuộc hạ thân thiết.

    Số người tự mình làm phước thiện bố thí, còn động viên, khuyến khích những người khác cùng làm phước thiện bố thí với mình, thì những phước thiện ấy cho quả đối với số người ấy là giàu sang phú quý, có nhiều của cải, tài sản lớn và có nhiều bạn bè, có nhiều thuộc hạ thân thiết,…

    Một người cận sự nam có trí tuệ ngồi nghe pháp, suy tư rằng: “Ta muốn có được nhiều của cải và được nhiều bạn bè, thuộc hạ thân thiết”.

    Người ấy đảnh lễ Đức Phật, rồi bạch rằng:

    - Kính bạch Đức Thế Tôn, ngày mai con kính thỉnh Đức Thế Tôn cùng tất cả 20.000 (hai mươi ngàn) chư Đại đức Tăng, để làm phước thiện bố thí vật thực.

    Đức Phật nhận lời bằng cách im lặng.

    Ông trở về đi thông báo cho toàn thể dân chúng trong thành biết rằng ngày hôm sau sẽ làm phước thiện bố thí đến Đức Phật cùng tất cả 20.000 chư Đại đức Tăng, ai có khả năng làm phước thiện bố thí đến bao nhiêu vị, xin ghi danh. Có gia đình xin thỉnh 10 vị, có gia đình xin thỉnh 20 vị, ... có gia đình xin thỉnh 100 vị, v.v…

    Khi gặp cậu Mahāduggata là người nghèo khó nhất trong thành, ông động viên khuyến khích rằng:

    - Này cậu Mahāduggata, ngày mai, tôi có thỉnh Đức Phật cùng 20.000 Đại đức Tăng để làm phước thiện bố thí, cậu có khả năng làm phước thiện bố thí được bao nhiêu vị?

    - Thưa ông! Gia đình con nghèo khó, vợ chồng con đi làm thuê, làm được ngày nào ăn ngày ấy còn không đủ nữa, thì lấy gì mà làm phước thiện bố thí! Thưa ông.

    - Này cậu Mahāduggata, trong thành này, những người giàu sang phú quý, có nhiều của cải, có quyền cao chức trọng… là do nhờ quả của phước thiện bố thí. Còn gia đình cậu, ngày qua ngày làm thuê mà không đủ ăn, đó là do không làm phước thiện bố thí, cậu có hiểu biết rõ như vậy không?

    - Thưa ông! Con hiểu rồi, xin ông ngày mai cho gia đình con thỉnh một vị Đại đức Tăng, để làm phước thiện bố thí.

    Ông cận sự nam hoan hỷ chấp thuận cho gia đình cậu Mahāduggata thỉnh một vị Đại đức Tăng, để làm phước thiện bố thí vào ngày hôm sau, nhưng ông quên ghi vào danh sách, mà tiếp tục đi động viên khuyến khích người khác nhận đủ 20.000 vị Đại đức Tăng.

    Sau khi được ông cận sự nam chấp thuận cho thỉnh một vị Đại đức để làm phước thiện bố thí vào ngày hôm sau, cậu Mahāduggata vô cùng hoan hỷ, trở về báo tin cho người vợ hay biết, người vợ cũng vô cùng hoan hỷ, bàn tính nhau làm thuê kiếm gạo, đồ ăn về để ngày hôm sau làm phước thiện bố thí đến vị Đại đức ấy.

    Mahāduggata đi tìm việc làm, ông phú hộ nhìn thấy cậu gọi lại thuê chẻ đống củi, để ngày hôm sau nấu đồ ăn dâng cúng đến chư Đại đức Tăng, cậu vô cùng hoan hỷ, lấy búa chẻ trong chốc lát là xong ngay đống củi lớn, ông phú hộ ngạc nhiên hỏi:

    - Này Mahāduggata, sao hôm nay cậu làm việc siêng năng và nhanh nhẹn thế?

    - Thưa ông! Ngày mai gia đình con sẽ làm phước thiện bố thí đến một vị Đại đức Tăng, nên con cảm thấy hoan hỷ, sung sướng mà làm việc không biết mệt.

    Ông phú hộ ca tụng cậu, làm một việc khó làm. Ông trả công cho 4 ô gạo sāli (loại gạo ngon thời xưa).

    Về phần vợ của cậu đi giúp việc nhà bếp cho bà phú hộ, cô cũng rất hân hoan làm mọi công việc một cách sạch sẽ, gọn gàng, nhanh nhẹn, nên bà phú hộ vừa rất hài lòng, lại vừa ngạc nhiên hỏi:

    - Này con, sao hôm nay con có vẻ vui sướng và làm việc giỏi vậy?

    - Thưa bà! Ngày mai gia đình con sẽ làm phước thiện bố thí đến một vị Đại đức Tăng, nên con cảm thấy sung sướng làm việc, để được những món gia vị làm đồ ăn cho ngày mai.

    Nghe nói vậy, bà phú hộ ca tụng cô đã làm được một việc khó làm. Bà trả công bằng bơ, dầu, đồ dùng…

    Vợ chồng Mahāduggata vô cùng hoan hỷ được gạo ngon, dầu bơ, đồ dùng để làm phước thiện bố thí vào hôm sau.

    Sáng sớm hôm sau, người vợ thưa với chồng, đi kiếm một ít rau về nấu một bát canh. Mahāduggata đi ra khỏi nhà, vừa đi vừa ca hát, đi ngang bến ghe chài; đêm hôm trước, người dân chài bắt được nhiều cá vừa cập bến, nghe tiếng ca hát của Mahāduggata bèn gọi:

    - Này Mahāduggata cậu đi đâu đó? Sao hôm nay vui sướng quá vậy? Hãy xuống đây giúp tôi đem cá bán, rồi tôi sẽ cho một ít cá.

    - Này bạn, hôm nay gia đình tôi sẽ làm phước thiện bố thí đến một vị Đại đức Tăng, tôi đang đi tìm rau về nấu canh; may quá, có được cá lại càng tốt.

    Mahāduggata hăng hái đem cá bán, hôm ấy dân chúng trong thành mua cá làm đồ ăn để làm phước thiện bố thí cúng dường đến chư Đại đức Tăng, nên phần cá bán không còn con nào cả. Cậu nóng lòng muốn về nhà cho kịp làm phước thiện bố thí, bèn hỏi người chủ thuyền:

    - Này bạn, phần cá của tôi đâu?

    - Bạn đừng lo, tôi còn một phần cá đặc biệt ở dưới ghe, để tôi lấy cho bạn.

    Người chủ đem cho Mahāduggata 4 con cá hồi (rohita-maccha). Cậu vội vàng đem về nhà.

    Canh chót đêm ấy, Đức Thế Tôn nhập đại bi định, khi xả định quán xét chúng sinh nào có duyên lành nên tế độ; Đức Phật nhìn thấy Mahāduggata là người có đức tin trong sạch, nhận lãnh một vị Đại đức Tăng để làm phước thiện bố thí, nhưng người cận sự nam quên ghi vào danh sách, đến khi Mahāduggata gặp người cận sự nam xin nhận lãnh vị Đại đức ấy thỉnh về nhà, thì không còn một vị Đại đức nào cả. Vậy, chính Như Lai sẽ tế độ Mahāduggata mà thôi.

    Vua trời Sakka cảm thấy chỗ ngồi phát nóng, quán xét thấy rõ hôm nay Mahāduggata sẽ làm phước thiện bố thí cúng dường Đức Phật, nên hiện xuống giúp đỡ cậu để tạo phước thiện. Vua trời Sakka biến hóa thành một người đầu bếp tài giỏi đến xin giúp việc cho Mahāduggata không lấy tiền công, chỉ bỏ công làm phước thiện mà thôi. Mahāduggata đồng ý chấp thuận, xin mời vào nhà lo giúp việc nấu ăn, Vua trời Sakka nấu cơm, các món ăn đều bỏ đồ gia vị cõi trời, hương trời, Đức vua trời Sakka bảo rằng:

    - Này bạn, công việc nấu nướng để tôi lo, bạn hãy đi thỉnh vị Đại đức về nhà cho kịp giờ.

    Mahāduggata đi đến tìm người cận sự nam xin thỉnh một vị Đại đức, mà ông đã động viên khuyến khích. Khi đến gặp ông, hởi ôi! Ông đã quên, nên không còn một vị Đại đức nào cả, cậu thất vọng buồn tủi ôm mặt khóc; mọi người nhìn thấy cậu đáng thương và trách người cận sự nam ấy, người cận sự nam ấy an ủi cậu rồi hướng dẫn rằng:

    - Còn Đức Phật ở trong cốc chưa mở cửa. Đức vua, các quan, phú hộ đang trông chờ Đức Phật mở cửa để thỉnh bát của Ngài. Chư Phật thường tế độ những người nghèo khó, vậy cậu hãy vào xin Đức Phật tế độ.

    Nghe nói vậy, đôi mắt của Mahāduggata sáng lên, niềm hy vọng phát sinh, cậu dũng cảm đến trước cửa cốc, đảnh lễ, đầu va chạm vào cửa, bạch rằng:

    - Kính bạch Đức Thế Tôn, trong thành này người nghèo khó hơn con không có, kính xin Ngài có lòng đại bi tế độ con. Bạch Ngài.

    Đức Phật mở cửa trao bình bát trên tay cậu. Cậu được bình bát của Đức Phật mừng hơn được ngai vàng của Đức Chuyển Luân Thánh Vương. Đức vua, các quan, phú hộ xin lại bình bát trên tay cậu hứa sẽ ban cho cậu nhiều tiền của, nhưng cậu không màng đến.

    Cậu kính thỉnh Đức Phật về đến nhà, Đức vua trời Sakka hóa thành người đầu bếp đã làm xong vật thực ngon lành, trải chỗ ngồi cao quý, thỉnh Đức Phật vào nhà.

    Khi Đức Phật vừa bước vào, thì căn nhà cao hẳn lên, nên Ngài không phải cúi khom người xuống, Ngài ngự trên chỗ ngồi đã trải sẵn. Còn Đức vua trời là người đầu bếp đã làm xong những món vật thực, liền bảo Mahāduggata đem những món vật thực dâng cúng đến Đức Phật. Mùi thơm của các món vật thực toả khắp cả kinh thành Bārāṇasī. Trong khi đó, Đức vua cùng các quan, phú hộ đi theo sau Đức Phật đến nhà của Mahāduggata để biết xem cậu làm phước thiện bố thí cúng dường Đức Phật bằng những món vật thực gì, khi đến nơi tất cả đều được ngửi mùi thơm của những món vật thực, mà trong đời chưa từng được ngửi bao giờ. Đức vua trời Sakka đảnh lễ Đức Phật, rồi ngồi hầu Đức Phật.

    Độ vật thực xong, Đức Phật thuyết pháp tế độ gia đình Mahāduggata, rồi Ngài ngự trở về chùa, Mahāduggata ôm bát theo sau tiễn đưa Đức Phật.

    Đức vua trời Sakka hoan hỷ phước thiện bố thí xong, cũng trở về cung Tam Thập Tam Thiên.

    Khi Mahāduggata trở về đứng trước cửa, nhìn thấy từ hư không rơi xuống 7 thứ báu vật đầy nhà, người vợ phải dắt tay đứa con ra khỏi nhà, vì 7 thứ báu vật tràn từ trong ra ngoài nhà của ông, không còn chỗ nào trống cả.

    Cậu nghĩ rằng: “Đó là quả báu của phước thiện bố thí của chúng ta ngày hôm nay”.

    Mahāduggata liền đến chầu Đức vua tâu rằng:

    - Tâu Hoàng thượng, nhà của tiện dân đầy cả thất báu, xin bệ hạ đem 1.000 chiếc xe đến nhà tiện dân chở tất cả thất báu ấy về cung điện.

    Đức vua truyền quân lính trong triều đình đem 1.000 chiếc xe chở tất cả 7 thứ báu vật đem về chất thành đống trước sân rồng.

    Đức vua truyền hỏi:

    - Trong thành này, người nào có của cải nhiều như thế này không?

    Tất cả mọi người đều tâu:

    - Tâu Hoàng thượng, không một người nào có nhiều của báu như thế ấy cả.

    Do đó, Đức vua tấn phong Mahāduggata địa vị đại phú hộ, rồi truyền rằng:

    - “Tất cả của cải này là quả báu phước thiện bố thí của nhà ngươi, vậy nhà ngươi hãy nhận lấy”

    Đức vua cấp đất đai, xây cất những căn nhà lớn, cấp nhiều gia nhân. Khi xây cất nhà xong, phú hộ Mahāduggata thỉnh Đức Phật cùng chư Đại đức Tăng làm phước đại bố thí suốt 7 ngày và từ đó về sau cậu thường bố thí, giữ giới, tạo mọi thiện pháp cho đến hết tuổi thọ, do năng lực mọi phước thiện ấy cho quả tái sinh lên cõi trời dục giới hưởng mọi sự an lạc.

    Đến thời kỳ Đức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, hậu kiếp của Mahāduggata trong thời kỳ Đức Phật Kassapa là vị thiên nam, sau khi hết tuổi thọ tại cõi trời, thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh đầu thai vào người con gái của ông phú hộ. Đến thời kỳ, người mẹ sinh ra một bé trai đặt tên là “Paṇḍita”. Người mẹ của cậu vốn là người hộ độ Ngài Đại đức Sāriputta.

    Khi lớn lên được 7 tuổi, cậu bé Paṇḍita xin mẹ cha chấp thuận cho phép xuất gia trở thành Sadi Paṇḍita, với Ngài Đại đức Sāriputta là thầy tế độ.

    Cha mẹ của Ngài đến chùa làm phước thiện bố thí vật thực, đặc biệt có món cá hồi (rohitamaccha) đến Đức Phật cùng chư Đại đức Tăng suốt 7 ngày. Qua đến ngày thứ 8, Sadi Paṇḍita thực hành thiền tuệ chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc từ Nhập Lưu Thánh Đạo - Nhập Lưu Thánh Quả cho đến Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả cùng với Tứ tuệ phân tích, trở thành bậc Thánh Arahán, hoàn thành xong phận sự của Samôn.

    Ngài Đại đức Sāriputta đi khất thực độ xong, còn đem về cho Sadi Paṇḍita một phần vật thực, trong đó có món cá hồi, theo nguyện vọng của Sadi, người đệ tử có sắc thân bé nhỏ, song tâm là bậc Thánh Arahán cao thượng.

    Làm phước thiện bố thí đến Đức Phật với đức tin trong sạch, hoan hỷ trong phước thiện, quả báu của phước thiện bố thí ấy không chỉ được giàu sang phú quý ngay trong kiếp hiện tại, những kiếp vị lai đầy đủ của cải thế gian, mà còn kiếp chót cũng có đầy đủ 9 pháp Siêu tam giới đó là: 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn.

    * Tích gia đình ông Puṇṇa

    Tích ông Puṇṇa, người làm thuê của ông phú hộ Sumana, được tóm lược như sau:

    Trong thời kỳ Đức Phật Gotama còn tại thế, gia đình ông Puṇṇa nghèo khó làm ruộng thuê của ông phú hộ Sumana, mọi người trong gia đình đều có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo.

    Một buổi sáng, ông đi cày ruộng, cũng vào buổi sáng hôm ấy, Ngài Đại đức Sāriputta xả diệt thọ tưởng (sau 7 ngày đêm), đi khất thực để tế độ gia đình ông Puṇṇa, nên Ngài đi thẳng về hướng ông Puṇṇa đang cày ruộng. Nhìn thấy Ngài Đại đức Sāriputta từ xa đến, ông Puṇṇa liền bỏ cày, đến hầu đảnh lễ Ngài, dâng cúng cây tăm xỉa răng và nước dùng, nước uống. Ngài Đại đức Sāriputta thọ nhận xong, đi theo đường hướng về nhà ông Puṇṇa, gặp vợ ông Puṇṇa đang đem cơm cho chồng. Bà đảnh lễ Ngài Đại đức Sāriputta xong, bạch rằng:

    - Kính bạch Ngài Đại đức, kính xin Ngài từ bi thọ nhận phần vật thực nghèo nàn này của gia đình chúng con.

    Ngài Đại đức Sāriputta từ bi tế độ thọ nhận tất cả phần vật thực, bà vô cùng hoan hỷ phát nguyện:

    - Do nhờ phước thiện bố thí này của chúng con, cầu mong cho gia đình chúng con được một phần pháp mà Ngài đã chứng đắc.

    Ngài Đại đức Sāriputta chúc phúc rằng:

    - Mong cho gia đình các con được toại nguyện.

    Bà vô cùng hoan hỷ quay trở về nhà, nấu lại phần cơm khác đem cho chồng, rồi vội vàng mang cơm ra đồng ruộng, với tâm hoan hỷ phước thiện bố thí đến Ngài Đại đức Sāriputta, làm cho thân tâm của bà nhẹ nhàng, nhu nhuyến không sao giấu được.

    Còn phần ông Puṇṇa, trễ giờ đói bụng, thả bò đi ăn cỏ, ông lên bờ ngồi dưới bóng mát cây, chờ đợi vợ. Dù đói bụng, nhưng tâm vẫn hoan hỷ, niệm tưởng lại việc làm phước thiện bố thí tăm xỉa răng và nước đến Ngài Đại đức Sāriputta. nhìn từ xa, ông thấy vợ mình đang đi đến trễ hơn mọi ngày, nhưng bà có vẻ khác thường, chắc chắn bà đang hoan hỷ một điều gì đó. Bà vừa đến nơi liền thưa với chồng rằng:

    - Hôm nay, xin anh hoan hỷ thật nhiều! Sáng nay, khi em đem cơm cho anh, giữa đường gặp Ngài Đại đức Sāriputta đang đi khất thực, em phát sinh đức tin trong sạch, đem phần cơm của anh để bát cúng dường đến Ngài Đại đức Sāriputta, Ngài không chê vật thực nghèo hèn của chúng ta. Ngài Đại đức có tâm từ bi tế độ thọ nhận tất cả vật thực phần của anh, xin anh nên hoan hỷ phần phước thiện bố thí này!

    Ông Puṇṇa vừa lắng nghe từng tiếng, từng câu làm cho ông phát sinh thiện tâm hỷ lạc đến cực độ, nên không thể theo dõi liên tục trọn vẹn lời nói của vợ ông. Sực tỉnh lại, ông muốn biết chắc chắn chính mình nghe đúng sự thật là như vậy không, nên ông bảo với vợ rằng:

    - Này em, xin em hãy nói lại cho anh nghe một lần nữa!

    Bà vợ thưa lại rõ ràng một lần nữa, lần này ông nghe rõ biết chắc chắn đúng sự thật như vậy rồi, ông vô cùng hoan hỷ phước thiện bố thí của vợ, đã đem phần cơm của mình cúng dường đến Ngài Đại đức Sāriputta; tiếp theo ông nói cho vợ biết ông cũng vừa làm phước thiện bố thí cúng dường cây tăm xỉa răng và nước đến Ngài Đại đức Sāriputta. nghe xong, bà cũng vô cùng hoan hỷ việc phước thiện bố thí của chồng.

    Hai vợ chồng cùng nhau hoan hỷ việc phước thí cúng dường đến Ngài Đại đức Sāriputta. Dùng cơm xong, ông nằm niệm tưởng đến phước thiện bố thí vừa mới làm, mới thiu thiu giấc ngủ, ông bừng tỉnh lại, ngồi nhìn thấy phần đất ruộng vừa cày buổi sáng, đã hóa thành những thỏi vàng y (vàng ròng) làm cho ông hoa cả mắt; và vợ của ông cũng cảm thấy như ông vậy. Ông lấy lại bình tỉnh đi xuống ruộng, lấy lên một thỏi, đúng thật là thỏi vàng ròng; ông đem đến khoe và nói với vợ rằng:

    - Này em, vợ chồng chúng ta đã làm phước thiện bố thí cúng dường đến Ngài Đại đức Sāriputta, do phước thiện bố thí ấy, liền cho quả báu đến vợ chồng chúng ta ngày hôm nay, chúng ta không thể nào giấu một số vàng lớn như thế này được!

    Ông Puṇṇa lấy một số thỏi vàng bỏ vào khay, đem trình lên Đức vua và tâu rằng:

    - Tâu Đức vua, sáng nay tiện dân đi cày ruộng, tất cả đất cày đều hóa thành những thỏi vàng ròng. Kính xin Đức vua truyền lệnh cho binh lính đem xe đến chở số vàng ấy về cất trong kho báu của Đức vua.

    Đức vua hỏi:

    - Nhà ngươi là ai?

    Ông Puṇṇa tâu:

    - Tâu Đức vua, tiện dân là Puṇṇa, một nông dân nghèo khó làm thuê.

    - Sáng nay, nhà ngươi đã làm được việc gì đặc biệt?

    - Tâu Đức vua, tiện dân làm phước cúng dường cây tăm xỉa răng và nước dùng, nước uống đến Ngài Đại đức Sāriputta; còn phần vợ tiện dân làm phước cúng dường phần cơm của tiện dân đến Ngài Đại đức.

    Đức vua truyền rằng:

    - Này Puṇṇa, vợ chồng ngươi đã làm phước thiện bố thí cúng dường đến Ngài Đại đức Sāriputta, cho nên, quả báu phát sinh ngay trong ngày hôm nay. Vậy, ngươi muốn Trẫm làm gì?

    Ông Puṇṇa tâu:

    - Tâu Đức vua, tiện dân xin Đức vua truyền lệnh đem ngàn chiếc xe đến thửa ruộng kia, để khuân tất cả số vàng ấy về cung điện.

    Đức vua truyền lệnh đem hàng ngàn chiếc xe đến chở vàng ròng, quân lính trong triều nghĩ và nói rằng: “Vàng của Đức vua”, tức thì những thỏi vàng trở lại thành đất như cũ. Quân lính trong triều trở về tâu lên Đức vua sự việc xảy ra như vậy. Đức vua sáng suốt bèn truyền rằng:

    - Các ngươi nghĩ như thế nào, khi nhặt lấy những thỏi vàng ấy?

    - Tâu Bệ hạ, chúng hạ thần nghĩ và nói rằng: “Vàng của Đức vua”.

    Đức vua phán:

    - Số vàng ròng kia không phải của Trẫm. Các người nên trở lại nghĩ và nói rằng: “Vàng của ông bà Puṇṇa” rồi khuân số vàng ấy về đây.

    Họ vâng lệnh Đức vua trở lại nơi ấy.

    Thật đúng vậy, lần này họ khuân toàn bộ số vàng ấy đem về, chất giữa sân rồng thành một đống vàng cao 80 hắc tay.

    Ông Puñña trình thỉnh với Phật

    Đức vua cho truyền dân chúng trong thành hội họp tại sân rồng, bèn hỏi rằng:

    - Trong kinh thành này, có người nào khác có số vàng lớn như thế này không?

    Toàn thể dân chúng trong thành tâu:

    - Tâu bệ hạ, không có người nào khác cả.

    Đức vua hỏi tiếp:

    - Trẫm nên tấn phong ông Puṇṇa như thế nào mới xứng đáng?

    - Xin Hoàng thượng tấn phong ông Puṇṇa địa vị đại phú hộ.

    Đức vua phán rằng:

    - Này Puṇṇa, từ nay ngươi là đại phú hộ, có tên “Bahu-dhanaseṭṭhi: Phú hộ nhiều của cải”.

    Sau khi trở thành đại phú hộ Puṇṇa, gia đình ông càng có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, làm phước thiện bố thí cúng dường đến chư Tỳ khưu Tăng có Đức Phật chủ trì suốt 7 ngày. đến ngày thứ 7 Đức Phật thuyết pháp tế độ gia đình ông Puṇṇa, toàn gia đình ông đại phú hộ Puṇṇa (hai vợ chồng và đứa con gái tên Uttarā) đều chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu.

    Vợ chồng ông Puṇṇa làm phước thiện bố thí cúng dường đến Ngài Đại đức Sāriputta, sau khi xả diệt thọ tưởng, do năng lực phước thiện bố thí trong sạch và hội đủ nhân duyên ấy, liền cho quả báu trong ngày hôm ấy, trở thành đại phú hộ nhiều của cải thế gian và đặc biệt hơn nữa, toàn gia đình chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo - Nhập Lưu Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Nhập Lưu, thuộc pháp Siêu tam giới.

    Những trường hợp tương tự trên, có không ít trong Phật giáo.

    b) Ác nghiệp nặng có khả năng cho quả trong 7 ngày

    Tích nàng kỹ nữ Ciñcāmāṇavikā

    Tích nàng kỹ nữ Ciñcāmāṇavikā, được tóm lược như sau:

    Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh thành Sāvatthi. Khi ấy, Đức Thế Tôn đang ngự tại giảng đường thuyết pháp tế độ tứ chúng đệ tử, thì nàng kỹ nữ Ciñcāmāṇavikā xinh đẹp giả làm người mang thai hằn học bước vào, đứng chỉ tay về Đức Thế Tôn, buông lời vu khống rằng: “Nàng mang thai với Đức Thế Tôn”, rồi mắng nhiếc Ngài giữa tứ chúng đệ tử, để làm mất uy tín của Ngài theo âm mưu của các nhóm ngoại đạo.

    Đức Phật xuất hiện trên thế gian, vào thời kỳ đầu, chánh pháp của Đức Phật được phát triển mạnh mẽ, có nhiều người chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn trở thành bậc Thánh Nhân, cho nên, danh thơm tiếng tốt của Đức Phật được lan truyền khắp mọi nơi. Vua chúa, Hoàng tộc, giai cấp Bàlamôn, các phú hộ, phần đông dân chúng phát sinh đức tin nơi Đức Phật, nơi Đức Pháp, nơi Đức Tăng, có số xin xuất gia trở thành Tỳ khưu trong Phật giáo, còn số khác xin thọ phép quy y Tam Bảo trọn đời, càng ngày càng thêm đông. Đại đa số, trước kia đã từng là đệ tử của nhóm ngoại đạo, nay họ đã từ bỏ các nhóm ngoại đạo để trở thành đệ tử của Đức Phật, họ có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, thường cúng dường những thứ vật dụng đến Đức Phật cùng chư Đại đức Tỳ khưu Tăng, không cúng dường đến các nhóm tu sĩ ngoại đạo nữa. Đó là điều mà các tu sĩ ngoại đạo cảm thấy bị tổn thương, những tín đồ cũ không giữ được, tín đồ mới không có, cho nên, những lễ vật cúng dường, lợi lộc càng ngày càng giảm dần.

    Các nhóm ngoại đạo tìm mọi cách ngăn cản nhóm đệ tử không cho tìm đến Đức Phật nhưng chúng hoàn toàn bất lực, không thể ngăn cản được. Cho nên, lợi lộc càng ngày càng suy giảm, đời sống không được sung túc như trước nữa. Các nhóm tu sĩ ngoại đạo hội họp với nhau, bày mưu tính kế thâm độc để hạ uy tín của Đức Phật.

    Thời ấy, trong thành Sāvatthi có cô kỹ nữ xinh đẹp như thiên nữ tên là Ciñcāmāṇavikā, nàng vốn là đệ tử thuần thành của các nhóm tu sĩ ngoại đạo. Thấy sắc đẹp tuyệt trần của nàng, các tu sĩ nghĩ ra một diệu kế: “Chúng ta dùng nàng kỹ nữ Ciñcāmāṇavikā giả mang thai rồi vu khống cho Samôn Gotama, gây ra sự hiểu lầm, để làm mất uy tín của Samôn”.

    Mưu kế ấy được chúng đều chấp nhận.

    Một hôm, như lệ thường nàng Ciñcāmāṇavikā đến tu viện ngoại đạo, đảnh lễ các tu sĩ xong, nàng ngồi một bên. Nàng Ciñcāmāṇavikā rất ngạc nhiên không hiểu sao các tu sĩ ngồi im lặng không nói với nàng một câu nào. Nàng thầm nghĩ: “Mình có lỗi gì đây!”.

    Nàng bạch vị Trưởng Lão rằng:

    - Kính bạch Ngài, con đã lễ bái quý Ngài ba lần rồi, nhưng con không biết con có lỗi gì mà quý Ngài không nói với con một lời nào?

    Vị Trưởng Lão tỏ vẻ nghiêm nghị nói với nàng:

    - Không! Này con, con là một đệ tử rất tốt, con không có lỗi gì! Hiện nay đời sống của quý thầy khổ sở, thiếu thốn lắm con à! Vì vậy, quý thầy buồn bực, khổ tâm, không ai buồn nói với ai điều gì cả.

    Nàng Ciñcāmāṇavikā ngạc nhiên, nóng lòng hỏi:

    - Kính bạch quý Ngài, trước đây đời sống của quý Ngài được đầy đủ lắm, sao hiện nay lại lâm vào hoàn cảnh khổ cực như vậy?

    - Này Ciñcāmāṇavikā, con không biết gì hay sao? Chính Samôn Gotama đã làm khổ quý thầy, chính Samôn Gotama đã làm cho quý thầy mất hết cả uy tín, danh vọng và những lợi lộc cúng dường… cho nên, quý thầy phải sống trong cảnh thiếu thốn khổ cực như vậy!

    Nàng Ciñcāmāṇavikā cảm thấy rất đau lòng, chân tình thưa:

    - Vậy mà con có hay biết gì đâu? Không biết con có thể làm gì, để giúp đỡ cho quý Ngài?

    Các vị tu sĩ ngoại đạo giả vờ im lặng một lúc rồi có vị nói:

    - Chỉ sợ con ngại khó, mà không giúp quý thầy đó thôi.

    Nàng Ciñcāmāṇavikā mau mắn đáp:

    - Không, khó khăn gì con cũng có thể làm được, miễn là làm sao cho quý Ngài được sống an lạc, thế là con mãn nguyện lắm rồi!

    Vị tu sĩ ngoại đạo nghiêm chỉnh nói:

    - Đây là việc rất hệ trọng, đòi hỏi con phải khôn khéo. Nếu con thật tình muốn giúp đỡ quý thầy, thì chỉ có một phương pháp duy nhất là con hãy dùng cái sắc đẹp duyên dáng, đầy quyến rũ của con, làm thế nào đó giả mang thai với Sa môn Gotama. Con làm được như vậy, sẽ làm giảm uy tín của Sa môn Gotama, như thế thì phần đông tín đồ của Samôn Gotama sẽ trở về lại với chúng ta.

    Nàng Ciñcāmāṇavikā hớn hở nói:

    - Đúng vậy, kế này rất hay! Xin quý Ngài hãy tin tưởng nơi con, con sẽ cố gắng làm tròn bổn phận để đền đáp công ơn của quý Ngài đối với con.

    Từ hôm ấy, cứ vào mỗi buổi chiều dân chúng trong thành Sāvatthi sau khi nghe Đức Phật thuyết pháp tại chùa Jetavana xong, đảnh lễ Đức Phật trở về nhà, họ thường gặp nàng Ciñcāmāṇavikā ăn mặc đẹp đẽ rất quyến rũ, cầm một bó hoa trên tay đang đi trên đường hướng đến chùa Jetavana, có người tò mò dừng lại hỏi:

    - Chiều tối rồi, cô đi đâu mà ăn mặc đẹp vậy?

    Nàng Ciñcāmāṇavikā trả lời cố ý tạo ra một sự nghi ngờ:

    - Tôi đi đâu là việc của tôi, quý vị biết phỏng có ích lợi gì!

    Nói xong, nàng bước đi theo hướng đến chùa Jetavana, nhưng lại nghỉ qua đêm tại một tu viện ngoại đạo ở gần đó.

    Rồi sáng hôm sau, khi có một số cận sự nam, cận sự nữ đem vật dụng đến chùa Jetavana để cúng dường Đức Phật và Tăng chúng, thì lại thấy nàng Ciñcāmāṇavikā từ hướng chùa Jetavana trở lại thành Sāvatthi, người ta lại hỏi nàng:

    - Đêm hôm qua cô nghỉ ở đâu mà sáng nay lại vào thành sớm vậy?

    Nàng Ciñcāmāṇavikā ỡm ờ đáp:

    - Tôi nghỉ ở đâu có nơi có chỗ của tôi, quý vị biết phỏng có lợi ích gì!

    Và từ đó, cứ vào mỗi buổi chiều và mỗi buổi sáng, từ tháng này sang tháng khác, nàng Ciñcāmāṇavikā đều làm như vậy. Cho đến một hôm, có số người cận sự nam, cận sự nữ khác hỏi rằng:

    - Đêm hôm qua cô nghỉ ở đâu mà sáng nay lại vào thành sớm vậy?

    Nàng Ciñcāmāṇavikā thấy đã đến lúc cần phải nói, để bắt đầu gây ra sự ngờ vực.

    - Chuyện riêng tư của tôi mà quý vị muốn biết hay sao? Sớm muộn gì quý vị cũng sẽ biết thôi mà! Nếu quý vị muốn biết bây giờ tôi xin khai thật: “Đêm qua tôi nghỉ ở Gandhakuṭi chung với Samôn Gotama để phục vụ Ngài, đó là một niềm vinh dự lớn lao của đời tôi”.

    Nói xong, nàng tỏ vẻ đắc ý bỏ vào thành.

    Khi nghe nàng Ciñcāmāṇavikā nói vậy, một số cận sự nam, cận sự nữ thiểu trí, sinh tâm bán tín bán nghi. 3 - 4 tháng sau, nàng Ciñcāmāṇavikā lấy vải độn bụng, mặc áo lụng thụng che bên ngoài làm như người đang mang thai. Có một số người không có trí tuệ, không hiểu biết về giáo pháp của Đức Phật nghĩ là cô Ciñcāmāṇavikā thật sự có thai với Samôn Gotama rồi.

    Thời gian đã đến 9 tháng, màn kịch hạ uy tín Đức Thế Tôn đến hồi chung cuộc. Nhóm tu sĩ ngoại đạo gọi nàng Ciñcāmāṇavikā đến, họ dùng một miếng gỗ đẽo hình dạng giống như cái thai sắp đến ngày sinh nở, có 4 đầu dây giăng. Nàng Ciñcāmāṇavikā mang vào buộc chặt sau lưng, mặc áo phủ kín lại, nhìn giống như người mang thai thật; sau đó, nhóm tu sĩ ngoại đạo dùng cây đánh vào sống bàn tay, bàn chân của nàng cho sưng lên nhìn đúng là người đàn bà sắp đến thời kỳ sinh nở.

    * Đức Phật thắng nàng Ciñcāmāṇavikā

    Vào một buổi chiều, khi Đức Phật đang ngự trên pháp tòa, tại giảng đường chùa Jetavana, tứ chúng đệ tử đang ngồi im lặng lắng nghe pháp như thường lệ, thì nàng Ciñcāmāṇavikā từ ngoài xồng xộc đi vào, đến trước Đức Phật, chỉ tay buông lời mắng nhiếc:

    - Này ông Đại Samôn Gotama! Ông thuyết pháp thật là hay, thật là giỏi, ông tế độ biết bao nhiêu người, còn tôi sao ông không tế độ? Tôi bụng mang dạ chửa là vì ông, ông nói ngon nói ngọt với tôi, bảo là sẽ giúp tôi thế này, thế nọ… Hôm nay, sắp đến ngày sinh nở, ông lo thuyết pháp tế độ người khác, chẳng đoái hoài gì đến tôi. Dầu ông bận không lo cho tôi được, thì ông bảo những người hộ độ ông như Đức vua Pasenadi, ông phú hộ Anāthapiṇḍika, bà Visākhā… lo cho tôi cũng được. Nhưng đằng này, ông chỉ biết thỏa mãn dục vọng cá nhân, ông không hề biết đến nỗi khổ của tôi phải chịu bụng mang dạ chửa như thế này đây!

    Nghe nàng Ciñcāmāṇavikā mắng nhiếc, Đức Phật ngưng thuyết pháp, vẫn ngồi an nhiên tự tại, an tịnh trên pháp tòa rồi từ tốn nói:

    “Bhagini, tayā kathitassa tathabhāvaṃ vā vitathabhāvaṃ vā ahameva ca tvañca jānāma”.

    (Này cô! Cô nói lời chân thật hay giả dối chỉ có Như Lai và cô biết rõ mà thôi!)

    Nàng Ciñcāmāṇavikā liền đáp:

    - Đúng vậy, này ông Đại Samôn, chỉ có ông và tôi biết rõ mà thôi!

    Ngay giây phút ấy, tại cung trời Tam Thập Tam Thiên, bảo tòa của Vua trời Sakka nóng lên, bằng thiên nhãn quan sát nguyên nhân, vua trời thấy rõ nàng Ciñcāmāṇavikā đang mắng nhiếc Đức Phật trước tứ chúng đệ tử, bởi những chuyện không có thật. Đây là âm mưu thâm độc của nhóm tu sĩ ngoại đạo, dùng cô kỹ nữ Ciñcāmāṇavikā vô liêm sĩ, cố ý làm hạ uy tín của Đức Phật trước tứ chúng đệ tử. Vua trời Sakka quyết định phải làm sáng tỏ chuyện này. Vua trời cùng 4 thiên nam xuất hiện xuống giảng đường chùa Jetavana ngay tức khắc. Theo lệnh của Đức vua trời, 4 vị thiên nam hóa thành 4 con chuột, cùng một lúc bò lên cắn đứt 4 sợi dây dùng để cột tấm gỗ, hình dạng giống bào thai, sau lưng nàng Ciñcāmāṇa-vikā, đồng thời Vua trời hóa một luồng gió thổi cho tấm gỗ kia rơi xuống đất đụng nhằm hai bàn chân của nàng Ciñcā-māṇavikā, làm cho đôi chân của nàng bầm máu.

    Sự việc xảy ra trong thời gian ngắn ngủi, mọi sự thật hiển nhiên phơi bày trước mắt tứ chúng đệ tử. Nàng Ciñcāmāṇavikā bị mắng nhiếc không tiếc lời, có người đánh đập, nhổ nước bọt rồi xua đuổi nàng ra khỏi khuôn viên chùa. Nàng Ciñcā-māṇavikā thất vọng, thất tha, thất thểu bước đi ra vừa khuất tầm mắt của mọi người, mặt đất liền nứt ra làm hai, phát lên một tia lửa thiêu cháy nàng rồi hút xác nàng xuống sâu dưới lòng đất. Sau khi nàng Ciñcāmāṇavikā chết, do ác nghiệp ấy cho quả tái sinh vào đại địa ngục Avīci, chịu quả khổ do ác nghiệp đã tạo.

    Chuyện nàng Ciñcāmāṇavikā vu khống Đức Phật đã lan truyền khắp mọi nơi, từ xứ này sang xứ khác. Và ai ai cũng đều biết đó là âm mưu thâm độc đê tiện của nhóm tu sĩ ngoại đạo. Một số người trước kia còn hộ độ nhóm tu sĩ ngoại đạo, nay họ nghe thấy như vậy, mất hết đức tin, nên không còn phát sinh tâm cúng dường các thứ vật dụng cho nhóm tu sĩ ngoại đạo nữa, đời sống của nhóm tu sĩ ngoại đạo thiếu thốn khổ cực, nay lại càng tệ hại hơn nữa.

    Trái lại, dân chúng khắp mọi nơi phát sinh thiện tâm trong sạch cúng dường Đức Phật và chư Tăng các thứ vật dụng sung túc; số người nào chưa có đức tin thì nay lại có đức tin nơi Tam Bảo; số người nào đã có đức tin nơi Tam Bảo rồi, đức tin lại càng thêm tăng trưởng.

    * Tích tên Nanda hãm hiếp Ngài Đại đức Tỳ khưu ni Uppalavaṇṇattherī

    Chuyện tên Nanda hãm hiếp Ngài Đại đức Tỳ khưu ni Uppalavaṇṇattherī là bậc Thánh Arahán, được tóm lược như sau:

    Tiền kiếp của Ngài Đại đức Tỳ khưu ni Uppalavaṇṇattherī

    Trong thời kỳ Đức Phật Padumuttara xuất hiện trên thế gian, tiền kiếp của Ngài Đại đức Tỳ khưu ni Uppalavaṇṇat-therī là một tiểu thư của phú hộ trong thành xứ Haṃsavatī. Một hôm, cô cùng với dân chúng trong thành đến hầu Đức Phật Pamuduttara, lắng nghe Đức Phật thuyết pháp. Nhân dịp ấy, Đức Phật có tuyên dương một vị Đại đức Tỳ khưu ni, là bậc Thánh Nữ Tối Thượng Thanh Văn xuất sắc nhất về thần thông trong hàng nữ Thanh Văn đệ tử của Ngài. Nhìn thấy như vậy, cô vô cùng hoan hỷ, phát sinh thiện tâm trong sạch, có ý nguyện muốn được địa vị cao quý như vị Đại đức Tỳ khưu ni ấy. Cho nên, cô kính bạch với Đức Phật, kính thỉnh chư Đại đức Tăng có Đức Phật chủ trì, để làm phước thiện đại thí suốt 7 ngày. Đến ngày thứ 7, cô kính bạch với Đức Phật Padumuttara ý nguyện của cô muốn địa vị: “Bậc Thánh nữ Tối Thượng Thanh Văn xuất sắc nhất về thần thông trong hàng nữ Thanh Văn đệ tử của Đức Phật trong thời vị lai”.

    Đức Phật Padumuttara đã thọ ký xác định thời gian còn lại 100 ngàn đại kiếp trái đất nữa, đến thời kỳ Đức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, cô sẽ thành tựu được như ý nguyện.

    Cô vô cùng hoan hỷ tiếp tục bồi bổ 10 pháp hạnh ba-la-mật từ thời kỳ Đức Phật Padumuttara cho đến thời kỳ Đức Phật Gotama thời gian suốt 100 ngàn đại kiếp trái đất, tử sinh luân hồi trải qua vô số kiếp, khi thì tái sinh làm thiên nữ cao quý trong cõi trời, khi thì tái sinh làm người trong cõi người. Có một kiếp, cô làm phước kính dâng đến Đức Phật Độc Giác vừa xả diệt thọ tưởng một đóa hoa sen hồng rất xinh đẹp, do nhờ quả báu cúng dường đóa hoa sen ấy, kiếp nào cô cũng là người rất xinh đẹp, có màu da hồng hào như màu cánh sen hồng.

    Đến thời kỳ Đức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, kiếp áp chót của cô là một thiên nữ, chết từ cõi trời, thiện nghiệp cho quả tái sinh đầu thai làm con của gia đình phú hộ tại kinh thành Sāvatthi. Khi sinh ra đời, cô là một bé gái rất xinh đẹp, có màu da hồng hào như màu cánh sen hồng, nên cô được đặt tên là Uppalavaṇṇā. Khi đến tuổi trưởng thành, cô nổi tiếng là người xinh đẹp trong cõi Nam Thiện Bộ Châu, các công tử, phú hộ đều gởi người đến ông phú hộ xin cầu hôn với tiểu thư của ông, khiến ông phú hộ gặp phải điều khó xử, bởi vì không thể nào làm vừa lòng tất cả những người ấy được. Cho nên, ông chỉ còn có một cách là gọi đứa con gái đến dạy rằng:

    - “Amma pabbajituṃ sakkhissasi?”.

    (Này con yêu quý! Con có muốn xuất gia trở thành Tỳ khưu ni hay không?).

    Vốn kiếp này là kiếp chót của cô, khi nghe phụ thân hỏi đến pabbajituṃ (xuất gia), cô vô cùng hoan hỷ thưa với phụ thân rằng:

    - “Pabbajissāmi tātā”.

    (Kính thưa phụ thân, con muốn xuất gia trở thành Tỳ khưu ni).

    Ông phú hộ đưa cô đến ngôi chùa Tỳ khưu ni, xin cho cô xuất gia trở thành Tỳ khưu ni. Sau khi trở thành Tỳ khưu ni không lâu, một hôm, đốt đèn trong chánh điện, Tỳ khưu ni Uppalavaṇṇa nhìn thấy ánh sáng đèn, liền dùng làm đề mục lửa để thực hành thiền định, chứng đắc các bậc thiền hữu sắc, dùng bậc thiền hữu sắc làm nền tảng đối tượng để thực hành thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Arahán cùng tứ Tuệ phân tích, đặc biệt chứng đắc Lục thông.

    Về sau, Đức Phật tuyên dương Ngài Đại đức Tỳ khưu ni Uppalavaṇṇa là bậc Thánh nữ Tối Thượng Thanh Văn xuất sắc nhất về thần thông trong hàng nữ Thanh Văn đệ tử của Đức Phật, đúng theo nguyện vọng của Ngài Đại đức Tỳ khưu ni, đã được Đức Phật Padumuttara thọ ký trong quá khứ.

    Ngài Đại Đức Tỳ khưu ni Uppalavaṇṇattherī bị hãm hiếp

    Một thuở nọ, Ngài Đại đức Tỳ khưu ni Uppalavaṇṇa ở trong cốc nhỏ trong rừng, Ngài đi vào kinh thành Sāvatthi để khất thực.

    Khi ngài còn sống tại gia, tên Nanda, con của một người cô, say mê sắc đẹp của Ngài, y đã theo dõi biết Ngài đã xuất gia trở thành Tỳ khưu ni ở trong rừng, biết giờ Ngài đã đi khất thực, nên y lén vào cốc của Ngài trong rừng, nằm chờ ở dưới giường. Khi khất thực độ xong, Ngài trở về cốc trong rừng, vừa ngồi lên giường, tên Nanda bò ra từ dưới giường, dùng sức mạnh cưỡng hiếp Ngài, Ngài đã ngăn cấm rằng:

    - Này tên si mê ngu muội (bāla) chớ nên làm điều tội lỗi!

    - Này tên si mê ngu muội chớ nên làm điều tội lỗi!

    Mặc dù Ngài ngăn cấm, tên Nanda vì quá si mê, không còn biết ghê sợ tội lỗi, nên đã dùng sức mạnh hãm hiếp Ngài theo dục vọng của y. Cho nên, sau khi thỏa mãn, y đã tạo ác nghiệp trọng tội, mặt đất nứt nẻ ra, ngọn lửa phun lên hút y vào trong lòng đất. Sau khi chết, ác nghiệp trọng tội cho quả tái sinh trong cõi đại địa ngục Avīci ngay trong ngày hôm ấy, chịu quả khổ thiêu đốt trong cõi địa ngục ấy suốt thời gian lâu dài.

    Đó là những trường hợp bất thiện nghiệp (ác nghiệp) cho quả ngay trong kiếp hiện tại trong khoảng 7 ngày.

    2. Upapajjavedanīyakamma: Nghiệp cho quả kiếp kế tiếp

    Thế nào gọi là nghiệp cho quả kiếp kế tiếp (kiếp thứ 2)?

    Upapajjavedanīyaṃ phalaṃ etassāti: Upapajjavedanīyaṃ

    Nghiệp nào cho quả kiếp kế tiếp liền sau khi chấm dứt kiếp hiện tại (kiếp thứ nhất), nghiệp ấy gọi là nghiệp cho quả kiếp kế tiếp (kiếp thứ 2), đó là tác ý tâm sở đồng sinh với 12 bất thiện tâm hoặc 8 dục giới đại thiện tâm làm phận sự dục giới tác hành tâm (kāmajavanacitta), sát-na tâm thứ 7 (cuối cùng) trong mỗi lộ trình tâm.

    * Nghiệp cho quả kiếp kế tiếp có 2 loại:

    Bất thiện nghiệp (ác nghiệp) cho quả kiếp kế tiếp.

    Thiện nghiệp cho quả kiếp kế tiếp.

    - Nghiệp được tạo bằng thân có 2 loại:

    Thân ác nghiệp.

    Thân thiện nghiệp.

    - Nghiệp được tạo bằng khẩu có 2 loại:

    Khẩu ác nghiệp.

    Khẩu thiện nghiệp.

    - Nghiệp được tạo bằng ý có 2 loại:

    Ý ác nghiệp.

    Ý thiện nghiệp.



    Thiện nghiệp nào hoặc bất thiện nghiệp (ác nghiệp) nào cũng chỉ được thành tựu trong mỗi lộ trình tâm, trong phần 7 sát-na dục giới tác hành tâm (kāmajavanacitta) cùng một loại tâm sinh rồi diệt liên tục mà thôi. Trong 7 sát-na tác hành tâm cùng một loại sinh rồi diệt liên tục, mà tác ý tâm sở (cetanācetasika) đồng sinh trong mỗi sát-na tác hành tâm làm phận sự tạo nghiệp như sau:

    - Tác ý tâm sở đồng sinh trong sát-na dục giới tác hành tâm thứ nhất, làm phận sự tạo nghiệp cho quả ngay kiếp hiện tại (kiếp thứ nhất).

    - Tác ý tâm sở đồng sinh trong sát-na dục giới tác hành tâm thứ 7, làm phận sự tạo nghiệp cho quả kiếp kế tiếp (kiếp thứ 2).

    - Tác ý tâm sở đồng sinh trong 5 sát-na dục giới tác hành tâm, từ tác hành tâm thứ 2 đến tác hành tâm thứ 6, làm phận sự tạo nghiệp cho quả những kiếp sau từ kiếp thứ 3 cho đến kiếp chót của bậc Thánh Arahán trước khi tịch diệt Niết Bàn, nếu có cơ hội cho quả của nó.

    Thật ra, trong 7 sát-na dục giới tác hành tâm của mỗi lộ trình tâm, thì sát-na tác hành tâm thứ 7 đóng vai trò chính yếu trong mọi hành động, lời nói, ý nghĩ để tạo thân ác nghiệp hoặc thân thiện nghiệp; khẩu ác nghiệp hoặc khẩu thiện nghiệp; ý ác nghiệp hoặc ý thiện nghiệp. Cho nên, sát-na tác hành tâm thứ 7 này có nhiều năng lực hơn 6 sát-na tác hành tâm ở trước nó, bởi vì, nó tiếp nhận được đầy đủ sự hỗ trợ năng lực từ 6 sát-na tác hành tâm sinh rồi diệt theo tuần tự. Do đó, tác ý tâm sở đồng sinh với sát-na tác hành tâm thứ 7 này tạo nên nghiệp cho quả kiếp kế tiếp liền sau chấm dứt kiếp hiện tại, không có khoảng cách thời gian gián đoạn; nghĩa là trong cận tử lộ trình tâm (maraṇāsan-navīthicitta) các sát-na tâm sinh rồi diệt theo tuần tự đến sát-na tâm tử (cuticitta), quả tâm làm phận sự chết (chấm dứt kiếp hiện tại) liền tiếp theo 1 sát-na quả tâm khác sinh, làm phận sự tái sinh kiếp sau, bắt đầu 1 kiếp mới. Quả tâm tái sinh (paṭisandhicitta) này hoàn toàn khác với quả tâm tử trong kiếp trước.

    * Nghiệp nào chắc chắn cho quả tái sinh kiếp kế tiếp?

    Trong tất cả các bất thiện nghiệp (ác nghiệp), thì chỉ có ác nghiệp trọng tội (akusala garukakamma) là ác nghiệp chắc chắn cho quả tái sinh kiếp kế tiếp (kiếp thứ 2).

    - Ác nghiệp trọng tội, có 2 loại đó là ác nghiệp tà kiến cố định và ác nghiệp vô gián.

    - Ác nghiệp tà kiến cố định hoàn toàn không tin nghiệp và quả của nghiệp, có tà kiến chấp thủ vững chắc, không chịu từ bỏ cho đến lúc lâm chung. Sau khi chết, chắc chắn ác nghiệp tà kiến cố định có quyền ưu tiên, có cơ hội ưu tiên cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi đại địa ngục Avīci, chịu quả khổ thiêu đốt trong đại địa ngục này suốt thời gian lâu dài không hạn định.

    - Ác nghiệp vô gián là giết cha, giết mẹ, giết bậc Thánh Arahán, làm bầm máu bàn chân của Đức Phật, chia rẽ chư Tỳ khưu Tăng. Ác nghiệp vô gián này cho quả không có thời gian gián đoạn nghĩa là sau khi chết, chắc chắn ác nghiệp vô gián này cho quả tái sinh trong cõi địa ngục Avīci, chịu quả khổ thiêu đốt trong đại địa ngục này suốt thời gian lâu dài.

    Nếu không có ác nghiệp tà kiến cố định, mà có ác nghiệp vô gián, thì sau khi chết, chắc chắn ác nghiệp vô gián có quyền ưu tiên, có cơ hội ưu tiên cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi đại địa ngục Avīci, chịu quả khổ thiêu đốt trong đại địa ngục này cho đến khi mãn quả của ác nghiệp vô gián ấy, mới thoát ra khỏi cõi đại địa ngục Avīci này.

    Hai loại ác nghiệp trọng tội này chính là ác nghiệp upapajjavedanīyakamma: Ác nghiệp cho quả kiếp kế tiếp (liền sau khi kiếp hiện tại vừa chấm dứt (chết)).

    Ngoài 2 loại ác nghiệp trọng tội này ra, còn lại đối với các ác nghiệp khác; sau khi chết, nếu ác nghiệp nào có cơ hội, thì ác nghiệp ấy cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi ác giới: Cõi địa ngục hoặc cõi atula hoặc cõi ngạ quỷ hoặc cõi súc sinh, tùy theo năng lực quả của ác nghiệp ấy.

    Trong tất cả mọi dục giới đại thiện nghiệp, sau khi chết, không có dục giới đại thiện nghiệp nào gọi là dục giới đại thiện nghiệp chắc chắn cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp kế tiếp (liền sau khi kiếp hiện tại chấm dứt (chết)). Cho nên, dục giới đại thiện nghiệp nào có cơ hội ưu tiên, thì dục giới đại thiện nghiệp ấy cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp kế tiếp (liền sau khi kiếp hiện tại chấm dứt (chết)) trong cõi thiện dục giới như cõi người hoặc cõi trời dục giới. Đó chính là thiện nghiệp upapajjavedanīyakamma: Thiện nghiệp cho quả kiếp kế tiếp (liền sau khi kiếp hiện tại vừa chấm dứt (chết)).

    Tóm lại: Nghiệp upapajjavedanīkamma (nghiệp cho quả kiếp kế tiếp), có 2 thời kỳ:

    - Nghiệp cho quả kiếp kế tiếp, trong thời kỳ tái sinh kiếp kế tiếp (kiếp thứ nhì).

    - Nghiệp cho quả kiếp kế tiếp, trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu (kiếp thứ nhì).

    * Nghiệp cho quả kiếp kế tiếp có 2 loại:

    - Ác nghiệp cho quả kiếp kế tiếp.

    Dục giới đại thiện nghiệp cho quả kiếp kế tiếp.

    Nếu ác nghiệp nào có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp kế tiếp, thì ác nghiệp ấy cho quả tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi ác giới: Cõi địa ngục, hoặc cõi atula, hoặc cõi ngạ quỷ, hoặc cõi súc sinh, phải chịu quả khổ trong cõi ác giới ấy. Còn lại các ác nghiệp khác không có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh, thì các ác nghiệp này trở thành nghiệp hỗ trợ cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu, giúp cho quả của ác nghiệp ấy (kiếp hiện hữu) càng thêm khổ nhiều.

    Nếu dục giới đại thiện nghiệp nào có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp kế tiếp, thì dục giới đại thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi thiện giới: Cõi người, hoặc cõi trời dục giới, được hưởng mọi sự an lạc trong cõi thiện giới ấy. Còn lại các thiện nghiệp khác không có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, thì các thiện nghiệp này trở thành nghiệp hỗ trợ cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu, giúp cho quả của thiện nghiệp ấy (kiếp hiện hữu) càng thêm an lạc.

    Tất cả mọi ác nghiệp, mọi dục giới đại thiện nghiệp thuộc nghiệp upapajjavedanīkamma: Nghiệp cho quả kiếp kế tiếp nếu không có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp kế tiếp, và cũng không có cơ hội cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu, thì tất cả mọi nghiệp cho quả kiếp kế tiếp upapajjavedanīkamma trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma), không còn có cơ hội nào cho quả của chúng được nữa. Bởi vì, tất cả mọi nghiệp ấy chỉ có cơ hội cho quả trong kiếp kế tiếp (kiếp thứ 2) mà thôi, không thể cho quả từ kiếp thứ 3 và những kiếp vị lai nữa.

    Nghiệp theo thời gian cho quả được phân định căn cứ theo 7 sát-na dục giới tác hành tâm trong mỗi lộ trình tâm:

    Tâm sở tác ý trong tác hành tâm thứ nhất gọi là diṭṭha-dhammavedanīyakamma nghiệp chỉ cho quả ngay trong kiếp hiện tại (kiếp thứ nhất) mà thôi.

    Tâm sở tác ý trong tác hành tâm thứ 7 gọi là upapajja-vedanīkamma nghiệp chỉ cho quả kiếp kế tiếp kiếp thứ nhì mà thôi.

    Do đó, diṭṭhadhammavedanīyakamma và upapajjavedanī-kamma này, gọi là nghiệp cho quả theo thời gian.

    3. . Aparāpariyavedanīyakamma: Nghiệp cho quả từ kiếp thứ 3 cho đến kiếp chót của bậc Thánh Arahán trước khi tịch diệt Niết Bàn

    Thế nào gọi là nghiệp cho quả từ kiếp thứ 3 cho đến kiếp chót của bậc Thánh Arahán trước khi tịch diệt Niết Bàn?

    Aparāpariyāyavedanīyaṃ phalaṃ etassāti: Aparāpari-yāyavedanīyaṃ

    Nghiệp nào cho quả trong mọi kiếp kể từ kiếp thứ 3 cho đến kiếp chót của bậc Thánh Arahán trước khi tịch diệt Niết Bàn, nghiệp ấy gọi là nghiệp cho quả kể từ kiếp thứ 3 cho đến kiếp chót của bậc Thánh Arahán trước khi tịch diệt Niết Bàn, đó là tác ý tâm sở đồng sinh với bất thiện tâm hoặc 8 dục giới đại thiện tâm làm phận sự 5 dục giới tác hành tâm (kāmajavanacitta) từ sát-na tâm thứ 2 cho đến sát-na tâm thứ 6 trong mỗi lộ trình tâm.

    * Nghiệp cho quả từ kiếp thứ 3 cho đến kiếp chót của bậc Thánh Arahán trước khi tịch diệt Niết Bàn có 2 loại:

    3.1 Bất thiện nghiệp (ác nghiệp) cho quả từ kiếp thứ 3 cho đến kiếp chót của bậc Thánh Arahán trước khi tịch diệt Niết Bàn.

    3.2 Thiện nghiệp cho quả từ kiếp thứ 3 cho đến kiếp chót của bậc Thánh Arahán trước khi tịch diệt Niết Bàn.

    Bất thiện nghiệp (ác nghiệp) hoặc dục giới đại thiện nghiệp được tạo bằng thân, bằng khẩu, bằng ý trong mỗi lộ trình tâm trong phần 7 sát-na dục giới tác hành tâm (kāma-javanacitta) cùng một loại tâm sinh rồi diệt liên tục, mà bất thiện nghiệp (ác nghiệp) hoặc thiện nghiệp thuộc về nghiệp aparāpariyavedanīyakamma (nghiệp cho quả kể từ kiếp thứ 3 cho đến kiếp chót của bậc Thánh Arahán trước khi tịch diệt Niết Bàn), đó là tác ý tâm sở đồng sinh với 5 sát-na dục giới tác hành tâm (kāmajavanacitta) kể từ sát-na tâm thứ 2 cho đến sát-na tâm thứ 6 trong mỗi lộ trình tâm.



    Aparāpariyavedanīyakamma: Nghiệp cho quả kể từ kiếp thứ 3 cho đến kiếp chót của bậc Thánh Arahán trước khi tịch diệt Niết Bàn.

    - Nếu nghiệp này có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau (paṭisandhikāla), thì chỉ được tái sinh kiếp sau một kiếp duy nhất mà thôi, còn cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh kiếp hiện hữu (pavattikāla), thì không có giới hạn, nghĩa là có thể cho quả nhiều đời, nhiều kiếp, nếu có cơ hội cho quả.

    - Nếu chúng sinh còn tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài, thì nghiệp aparāpariyavedanīyakamma này không thể trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma).
    Itipi so Bhagavà Araham, Sammàsambuddho, Vijjàcaranasampanno, Sugato, Lokavidù, Anuttaro purisadammasàrathi, Satthàdevamanussànam, Buddho, Bhagavà.

  7. #7
    Đai Nâu Avatar của raucucai
    Gia nhập
    Mar 2012
    Nơi cư ngụ
    Sơn La
    Bài gởi
    302

    Mặc định

    * Vậy trường hợp nào thì nghiệp aparāpariyavedanīya-kamma trở thành nghiệp vô hiệu quả?

    Trong trường hợp đặc biệt, khi nào bậc Thánh Arahán tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới. Khi ấy, không những nghiệp aparāpariyavedanīyakamma trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma), mà còn tất cả mọi ác nghiệp, mọi thiện nghiệp đã tích lũy từ vô thủy, vô lượng kiếp trong quá khứ cho đến trước khi trở thành bậc Thánh Arahán, tất cả mọi nghiệp ấy cũng đều trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma), tuyệt nhiên không còn có cơ hội cho quả của chúng được nữa.

    Thực ra, khi đã trở thành bậc Thánh Arahán xong rồi, thì tác ý tâm sở đồng sinh với duy tác tâm (kiriyācitta) trong mọi lộ trình tâm, rồi hành động bằng thân, nói bằng khẩu, nghĩ bằng ý hoàn toàn không tạo nghiệp (không tạo bất thiện nghiệp (ác nghiệp), thiện nghiệp nào cả). Như vậy, bậc Thánh Arahán không tạo nghiệp mới nào cả. Song tất cả mọi nghiệp cũ (gồm có mọi bất thiện nghiệp (ác nghiệp), mọi thiện nghiệp) đã tích lũy từ vô thủy trải qua vô lượng kiếp trong quá khứ cho đến khi trở thành bậc Thánh Arahán, tất cả mọi nghiệp ấy, nếu nghiệp nào có cơ hội cho quả của nó trong kiếp hiện hữu cho đến trước khi tịch diệt Niết Bàn, thì nghiệp ấy vẫn có thể cho quả của nó. Nhưng sau khi bậc Thánh Arahán đã tịch diệt Niết Bàn rồi, thì tất cả mọi loại nghiệp, cả nghiệp aparāpariyavedanīyakamma, cũng đều trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma) vĩnh viễn không còn có cơ hội cho quả của chúng được nữa, bởi vì sau khi bậc Thánh Arahán tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

    3 Loại Nghiệp Được Thành Tựu và Vô Hiệu Quả

    Trong cõi dục giới nếu mỗi lộ trình tâm có đầy đủ 7 sát-na dục giới tác hành tâm (kāmajavanacitta) sinh rồi diệt liên tục qua mỗi lộ trình tâm, thì 3 loại nghiệp được thành tựu cùng trong một lộ trình tâm ấy là:

    1. Diṭṭhadhammavedanīyakamma: Nghiệp cho quả ngay trong kiếp hiện tại (kể kiếp thứ nhất).

    2. Upapajjavedanīyakamma: Nghiệp cho quả tái sinh kiếp kế tiếp liền sau khi chấm dứt kiếp hiện tại (chết) (kể kiếp thứ nhì).

    3. Aparāpariyavedanīyakamma: Nghiệp cho quả kiếp sau kể từ kiếp thứ 3 cho đến kiếp chót của bậc Thánh Arahán trước khi tịch diệt Niết Bàn.

    Trong mỗi lộ trình tâm cõi dục giới, các loại tâm theo tuần tự sinh rồi diệt liên tục nhiều nhất qua 17 sát-na tâm, theo thời gian tuổi thọ của đối tượng dục giới, qua ngũ môn lộ trình tâm.

    * Ngũ môn lộ trình tâm

    Ví dụ: Nhãn môn lộ trình tâm tiếp nhận sắc trần rõ ràng làm đối tượng, thì nhãn môn lộ trình tâm, có các loại tâm theo tuần tự sinh rồi diệt liên tục qua 17 sát-na tâm theo thời gian tuổi thọ của sắc trần ấy.

    Đồ Biểu Nhãn Môn Lộ Trình Tâm



    Bhavaṅgacitta: Hộ kiếp tâm có đối tượng cũ (viết tắt bha).

    1. Atītabhavaṅgacitta: Hộ kiếp tâm có sắc trần mới hiện tại (viết tắt atī).

    2. Bhavaṅgacalanacitta: Hộ kiếp tâm rung động do sắc trần mới (viết tắt na).

    3. Bhavaṅgapacchedacitta: Hộ kiếp tâm bị ngưng do sắc trần mới (viết tắt da).

    4. Pañcadvāravajjanacitta: Ngũ môn hướng tâm có khả năng tiếp nhận 5 đối tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc (viết tắt pañ).

    5. Cakkhuviññāṇacitta: Nhãn thức tâm làm phận sự nhìn thấy sắc trần (viết tắt cak).

    6. Sampaṭichanacitta: Tiếp nhận tâm làm phận sự tiếp nhận đối tượng sắc trần (viết tắt sam).

    7. Santīraṇacitta: Suy xét tâm làm phận sự suy xét đối tượng tốt hoặc xấu (viết tắt san).

    8. Voṭṭhabbanacitta: Xác định tâm đó là ý môn hướng tâm làm phận sự xác định đối tượng sắc trần (viết tắt voṭ) .

    9-15 Javanacitta: Tác hành tâm làm phận sự tạo thiện nghiệp hoặc bất thiện nghiệp (ác nghiệp) hoặc tâm duy tác không phải thiện nghiệp cũng không phải bất thiện nghiệp (ác nghiệp) (tâm của bậc Thánh Arahán) (viết tắt ja).

    16-17 Tadālambanacitta: Tiếp đối tượng tâm làm phận sự tiếp đối tượng sắc trần, còn lại 2 sát-na tâm nữa là hết tuổi thọ của sắc trần, đồng thời chấm dứt nhãn môn lộ trình tâm (viết tắt ta).

    Bhavaṅgacitta: Hộ kiếp tâm trở lại tiếp nhận đối tượng cũ (viết tắt bha).

    Đó là nhãn môn lộ trình tâm, tương tự như vậy nhĩ môn lộ trình tâm, tỷ môn lộ trình tâm, thiệt môn lộ trình tâm, thân môn lộ trình tâm, mỗi lộ trình tâm chỉ khác mỗi thức tâm làm phận sự tiếp xúc biết đối tượng như:

    Nhĩ thức tâm làm phận sự nghe thanh trần.

    Tỷ thức tâm làm phận sự ngửi hương trần.

    Thiệt thức tâm làm phận sự nếm vị trần.

    Thân thức tâm làm phận sự xúc giác xúc trần.

    * Ý môn lộ trình tâm

    Ý môn lộ trình tâm có nhiều loại, ví dụ ý môn lộ trình tâm có dục giới tác hành tâm .

    Ý môn lộ trình tâm có dục giới tác hành tâm sinh rồi diệt liên tục theo tuần tự như sau:



    Những chữ viết tắt giống như ngũ môn lộ trình tâm, chỉ còn manodvāravajjanacitta: Ý môn hướng tâm tiếp nhận 1 trong 6 đối tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp trần (viết tắt ma).

    Ý môn lộ trình tâm có dục giới tác hành tâm sinh rồi diệt liên tục theo tuần tự qua mỗi ý môn lộ trình tâm có nhiều nhất 12 sát-na tâm.

    Trong Chú giải giải thích rằng:

    “Chỉ một lần búng đầu ngón tay, các tâm sinh rồi diệt liên tục 1.000 tỷ lần”.

    Cho nên, mỗi khi nhìn thấy sắc trần hình dáng hoặc nghe thanh trần âm thanh v.v... hoặc mỗi khi hành động bằng thân, nói bằng khẩu, nghĩ bằng ý v.v... có vô số lộ trình tâm sinh rồi diệt tiếp diễn từ lộ trình tâm này đến lộ trình tâm khác suốt ngày đêm từ những kiếp quá khứ đến kiếp hiện tại. Cứ qua mỗi lộ trình tâm là đã tạo 3 loại nghiệp theo thời gian cho quả rồi.

    * Có khoảng thời gian nào không tạo nghiệp hay không?

    Thời gian không tạo thiện nghiệp, không tạo bất thiện nghiệp (ác nghiệp) bằng thân, hoặc bằng khẩu, hoặc bằng ý thì chỉ có thời gian lúc ngủ say không mộng mị, chiêm bao... mà thôi. Khi ngủ say chỉ có hộ kiếp tâm (bhavaṅgacitta) sinh rồi diệt liên tục suốt thời gian ngủ say, khi ấy không có lộ trình tâm nào phát sinh, do đó không tạo thiện nghiệp, cũng không tạo bất thiện nghiệp (ác nghiệp). Nhưng khi nằm mộng, chiêm bao..., khi ấy có mộng lộ trình tâm (supinavīthicitta) phát sinh, nên có thể có thiện nghiệp hoặc bất thiện nghiệp (ác nghiệp).

    - Thiện nghiệp trong mộng như:

    Trường hợp bà chánh cung Hoàng hậu Mahāmayādevī nằm mộng thấy con bạch tượng cao thượng chui vào người bà vào canh chót đêm rằm tháng 6 âm lịch. Đó là lúc Đức Bồ Tát Siddhattha kiếp chót tái sinh đầu thai vào lòng Phật mẫu.

    Trường hợp Đức Bồ Tát Siddhattha nằm thấy 5 đại mộng vào canh chót đêm 14 tháng 4 âm lịch. Đức Bồ Tát tiên đoán, chắc chắn Ngài sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác.

    Trường hợp nằm mộng thấy bay trên hư không từ ngọn núi này sang ngọn núi khác v.v... khi tỉnh dậy cảm thấy an lạc.

    - Ác nghiệp trong mộng như:

    Nằm thấy cảnh rùng rợn, cảnh thú dữ đuổi, cảnh bị rơi xuống hố sâu v.v... khi tỉnh dậy cảm thấy hồi hộp, bàng hoàng, sợ sệt v.v...

    Thật ra, thiện nghiệp, bất thiện nghiệp (ác nghiệp) trong mộng, chiêm bao không có năng lực cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau.

    Hai thời kỳ của một kiếp chúng sinh:

    Paṭisandhikāla - Pavattikāla

    1. Paṭisandhikāla: Thời kỳ tái sinh là thời kỳ bắt đầu một kiếp mới của mỗi chúng sinh nói chung, con người nói riêng.

    2. Pavattikāla: Thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu là khoảng thời gian sau khi đã tái sinh và tiếp diễn suốt một kiếp cho đến khi chết, chấm dứt một kiếp chúng sinh nói chung hoặc một kiếp người nói riêng.

    * Một kiếp người phải trải qua 2 thời kỳ ấy như thế nào?

    Được sinh làm kiếp người là quả của dục giới đại thiện nghiệp mà dục giới đại thiện nghiệp đó là tác ý tâm sở đồng sinh với 8 dục giới đại thiện tâm.

    Một kiếp người phải trải qua 2 thời kỳ: Paṭisandhikāla và pavattikāla

    1. Paṭisandhikāla: Thời kỳ bắt đầu tái sinh đầu thai làm người

    Trong thời kỳ tái sinh làm người thì 8 dục giới đại thiện tâm có khả năng cho 9 quả tâm: 8 dục giới đại quả tâm và suy xét tâm hợp với thọ xả thuộc thiện quả vô nhân tâm. 9 quả tâm này có khả năng làm phận sự tái sinh kiếp sau (paṭi-sandhikicca) làm người hoặc làm chư thiên trong 6 cõi trời dục giới.

    9 quả tâm này làm phận sự bắt đầu tái sinh đầu thai làm người, có 3 hạng người như sau:

    - 4 dục giới quả tâm hợp với trí tuệ làm phận sự bắt đầu tái sinh đầu thai làm người có tam nhân (tihetukapuggala): Vô tham, vô sân và vô si (trí tuệ) từ khi tái sinh.

    - 4 dục giới quả tâm không hợp với trí tuệ làm phận sự bắt đầu tái sinh đầu thai làm người có nhị nhân (dvihetuka-puggala): Vô tham và vô sân, không có vô si từ khi tái sinh.

    - 1 suy xét tâm hợp với thọ xả thuộc thiện quả vô nhân tâm làm phận sự bắt đầu tái sinh đầu thai làm người vô nhân (ahetukapuggala) không có nhân nào trong 3 thiện nhân (Vô tham, vô sân và vô si), người này sẽ là người đui mù, câm điếc, tật nguyền, đần độn, ngu muội, dốt nát... từ khi tái sinh.

    Trong thời kỳ tái sinh đầu thai làm người, dục giới quả tâm làm phận sự tái sinh đồng sinh với 3 sắc pháp là sắc thân (kāyarūpa), sắc nam tính hoặc sắc nữ tính (bhavarūpa), sắc ý căn (hadayavatthu) cùng một lúc. Cho nên, khi tái sinh đầu thai làm người trong lòng mẹ lần đầu tiên, thai nhi đã được xác định là nam tính hoặc nữ tính (con trai hoặc con gái).

    2. Pavattikāla: Thời kỳ sau khi đã tái sinh làm người.

    Trong thời kỳ sau khi đã tái sinh đầu thai làm người, 8 dục giới đại thiện tâm này có khả năng cho 16 quả tâm: 8 dục giới đại quả tâm và 8 thiện quả vô nhân tâm.

    Trong 16 quả tâm này, có 1 trong 9 quả tâm đã làm phận sự tái sinh (paṭisandhikicca) bắt đầu đầu thai làm người, trong thời kỳ tái sinh chỉ 1 sát-na quả tâm, rồi trong thời kỳ sau khi đã tái sinh đầu thai làm người, 1 trong 9 quả tâm này liền tiếp tục làm phận sự hộ kiếp (bhavaṅgakicca) suốt kiếp người cho đến tận cùng của kiếp người; rồi cuối cùng cũng 1 trong 9 quả tâm này làm phận sự tử (chết) (cutikicca) chấm dứt một kiếp người.

    8 thiện quả vô nhân tâm phát sinh trong kiếp hiện tại:

    1. Nhãn thức tâm, thuộc thiện quả vô nhân tâm nhìn thấy sắc trần những hình dáng đáng hài lòng.

    2. Nhĩ thức tâm, thuộc thiện quả vô nhân tâm nghe thanh trần những âm thanh đáng hài lòng.

    3. Tỷ thức tâm, thuộc thiện quả vô nhân tâm ngửi hương trần các mùi thơm đáng hài lòng.

    4. Thiệt thức tâm, thuộc thiện quả vô nhân tâm nếm vị trần các vị ngon đáng hài lòng.

    5. Thân thức tâm, thuộc thiện quả vô nhân tâm xúc giác xúc trần tốt đáng hài lòng.

    6. Tiếp nhận tâm, thuộc thiện quả vô nhân tâm tiếp nhận 5 đối tượng: Sắc trần, thanh trần, hương trần, vị trần, xúc trần tốt đáng hài lòng.

    7. Suy xét tâm hợp với thọ hỷ, thuộc thiện quả vô nhân tâm suy xét 5 đối tượng: Sắc trần, thanh trần, hương trần, vị trần, xúc trần tốt đáng hài lòng.

    8. Suy xét tâm hợp với thọ xả, thuộc thiện quả vô nhân tâm suy xét 5 đối tượng: Sắc trần, thanh trần, hương trần, vị trần, xúc trần tốt đáng hài lòng

    Mỗi quả tâm trong 8 thiện quả vô nhân tâm này, phát sinh do hội đủ nhân duyên của nó. 8 thiện quả vô nhân tâm này có thể phát sinh trong 11 cõi dục giới và một số cõi sắc giới, không có cõi sắc giới Vô Tưởng Thiên.

    * Tóm lược, nghiệp và quả của nghiệp của 2 loại nghiệp: Nghiệp upapajjavedanīyakamma và nghiệp aparāpariya-vedanīyakamma

    * Bất thiện nghiệp và quả của bất thiện nghiệp

    Một người đã tạo bất thiện nghiệp (ác nghiệp) nặng, chắc chắn phải trải qua vô số lộ trình tâm phát sinh đầy đủ sinh rồi diệt liên tục trải qua 7 sát-na dục giới tác hành tâm (kāmajavanacitta) tạo bất thiện nghiệp (ác nghiệp) ấy, cho nên bất thiện nghiệp (ác nghiệp) ấy cũng có vô số. Sau khi người ấy chết, nếu bất thiện nghiệp (ác nghiệp) ấy có cơ hội cho quả, thì cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp kế tiếp (kiếp thứ 2) trong cõi địa ngục, do bởi ác nghiệp nặng upapajja-vedanīyakamma. Đến khi mãn quả của bất thiện nghiệp (ác nghiệp) ấy, được thoát ra khỏi cõi địa ngục ấy, rồi lại tái sinh trong cõi địa ngục khác hoặc tái sinh làm loài ngạ quỷ, hoặc tái sinh làm loài súc sinh,... do bởi ác nghiệp aparāpariya-vedanīyakamma. Ác nghiệp aparāpariyavedanīyakamma này có khả năng cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau kể từ kiếp thứ 3 và cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu nhiều đời, nhiều kiếp, nếu ác nghiệp ấy có cơ hội cho quả của nó.

    - Trong Chú giải ví dụ trường hợp:

    Một người đã tạo ác nghiệp sát sinh giết một con heo để ăn thịt. Sau khi người ấy chết, ác nghiệp sát sinh giết heo ấy cho quả tái sinh kiếp sau trong cõi địa ngục (do bởi ác nghiệp upapajjavedanīyakamma). Đến khi mãn quả của ác nghiệp ấy, được thoát ra khỏi cõi địa ngục. Khi thì bất thiện nghiệp (ác nghiệp) ấy cho quả tái sinh kiếp sau làm loài súc sinh; khi thì thiện nghiệp cho quả tái sinh kiếp sau làm người... kiếp nào cũng bị giết chết như vậy, số kiếp bị giết bằng số lông của con heo mà người ấy đã giết trong kiếp quá khứ. Do năng lực quả của ác nghiệp sát sinh giết heo, đó là ác nghiệp aparāpariyavedanīyakamma cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu (pavattikāla), nếu ác nghiệp ấy có cơ hội cho quả của nó.

    * Thiện nghiệp và quả của thiện nghiệp

    Một người đã từng tạo thiện nghiệp bố thí, giữ giới trong sạch... chắc chắn trải qua vô số lộ trình tâm phát sinh đầy đủ sinh rồi diệt liên tục qua 7 sát-na dục giới tác hành tâm (kāmajavanacitta) tạo thiện nghiệp ấy, cho nên thiện nghiệp ấy cũng có vô số. Sau khi người ấy chết, thiện nghiệp ấy có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp kế tiếp (kiếp thứ 2) trong cõi trời dục giới, do bởi thiện nghiệp upapajja-vedanīyakamma. Đến khi mãn quả của thiện nghiệp ấy, rồi lại tái sinh kiếp sau trong cõi trời dục giới cao hơn, hoặc thấp hơn, hoặc tái sinh kiếp sau trở lại làm người trong gia đình phú hộ... (do bởi thiện nghiệp aparāpariyavedanīyakamma). Thiện nghiệp aparāpariyavedanīyakamma này có khả năng cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau kể từ kiếp thứ 3 và cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu (pavattikāla) nhiều đời, nhiều kiếp, nếu thiện nghiệp ấy có cơ hội cho quả của nó.

    - Trong Chú giải ví dụ trường hợp:

    Một người đã tạo thiện nghiệp bố thí cúng dường đến chư Tỳ khưu Tăng một lần. Sau khi người ấy chết, thiện nghiệp ấy có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau trong cõi trời dục giới (do bởi thiện nghiệp upapajjavedanīya kamma). Đến khi mãn quả của thiện nghiệp ấy rồi, khi thì thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh kiếp sau làm người; khi thì cũng thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh kiếp sau làm chư thiên trong cõi trời dục giới. Trong vòng tử sinh luân hồi, dù tái sinh làm chư thiên hoặc làm người, kiếp nào cũng là người cao quý. Đó là do năng lực quả của thiện nghiệp aparāpariyavedanīyakamma ấy có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau kể từ kiếp thứ 3 và cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu, nếu thiện nghiệp ấy có cơ hội cho quả của nó.

    Đến kiếp chót, được tái sinh làm người gặp thời kỳ Đức Phật xuất hiện trên thế gian, hoặc thời kỳ Phật giáo hiện đang tồn tại trên thế gian, người ấy phát sinh đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, xin phép xuất gia trở thành Tỳ khưu. Vị Tỳ khưu ấy thực hành pháp hành thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn trở thành bậc Thánh Arahán. Khi bậc Thánh Arahán tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới, thì đồng thời tất cả mọi thiện nghiệp, tất cả mọi bất thiện nghiệp (ác nghiệp) đã được tích lũy từ vô số kiếp trong quá khứ cho đến kiếp hiện tại trước khi trở thành bậc Thánh Arahán đều trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma).

    4. Ahosikamma: Nghiệp vô hiệu quả

    Thế nào gọi là nghiệp vô hiệu quả?

    “Ahosi ca taṃ kammañcāti: Ahosi kammaṃ”.

    (Nghiệp nào đã tạo xong mà không có quả của nghiệp, nghiệp ấy gọi là nghiệp vô hiệu quả).

    “Ahosi kammaṃ nāhosi kammavipāko.

    Ahosi kammaṃ natthi kammavipāko.

    Ahosi kammaṃ na bhavissati kammavipāko”.

    Nghĩa:

    Nghiệp đã tạo, nhưng đã không có quả của nghiệp (quá khứ)

    Nghiệp đã tạo, nhưng đang không có quả của nghiệp (hiện tại)

    Nghiệp đã tạo, nhưng sẽ không có quả của nghiệp (tương lai)

    Trong lộ trình tâm phát sinh đầy đủ trải qua 7 sát-na dục giới tác hành tâm (kāmajavanacitta) tạo nghiệp, nếu nghiệp nào không có cơ hội sinh quả thì nghiệp ấy gọi là nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma).

    Nghiệp vô hiệu quả có trong những trường hợp như sau:

    - Tác ý tâm sở đồng sinh trong sát-na dục giới tác hành tâm thứ nhất gọi là nghiệp cho quả ngay trong kiếp hiện tại (kiếp thứ nhất), nếu nghiệp này không có cơ hội cho quả ngay trong kiếp hiện tại, thì nghiệp ấy trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma).

    - Tác ý tâm sở đồng sinh trong sát-na dục giới tác hành tâm thứ 7 gọi là nghiệp cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp kế tiếp (kiếp thứ 2), nếu nghiệp này không có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp kế tiếp, thì nghiệp ấy trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma). Và nếu không có cơ hội cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu, thì nghiệp ấy cũng trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma).

    - Tác ý tâm sở đồng sinh trong sát-na dục giới tác hành tâm thứ 2 cho đến sát-na dục giới tác hành tâm thứ 6 gọi là nghiệp cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, kể từ kiếp thứ 3 cho đến kiếp chót của bậc Thánh Arahán trước khi tịch diệt Niết Bàn v.v…; nếu nghiệp này không có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, kể từ kiếp thứ 3 v.v… trở về sau, thì nghiệp này trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma). Và nếu không có cơ hội cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu, thì nghiệp ấy cũng trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma).

    * Vậy tác ý tâm sở nào gọi là nghiệp ahosikamma: Nghiệp vô hiệu quả?

    Khi nào tác ý tâm sở trong 7 tác hành tâm đã thành nghiệp nào rồi, mà không có cơ hội cho quả của nghiệp ấy. Khi ấy, tác ý tâm sở trong 7 tác hành tâm ấy trở thành nghiệp ahosikamma: Nghiệp vô hiệu quả.

    Thật vậy, trong Chú giải Sammohavinodānī aṭṭhakathā, phần Ñāṇavibhaṅga giải thích rằng:

    “Diṭṭhidhammavedanīyādīsu pana bahūsu pi āyūhitesu ekaṃ diṭṭhadhamma vedanīyaṃ vipākaṃ deti, sesāni avipākāni..., ... Idaṃ sandhāya nāhosi kamma vipāko’ti vuttaṃ”.

    Ý nghĩa:

    Trong nhiều loại nghiệp đã tạo, đã tích lũy như nghiệp diṭṭhadhamma vedanīyakamma v.v...

    * Trong tất cả mọi nghiệp diṭṭhadhamma vedanīyakamma, một nghiệp diṭṭhadhamma vedanīya kamma nào có cơ hội cho quả ngay trong kiếp hiện tại (kiếp thứ nhất); các nghiệp diṭṭha-dhammavedanīya kamma còn lại không có cơ hội cho quả của chúng, đều trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma).

    * Trong tất cả mọi nghiệp upapajjavedanīya kamma, một nghiệp upapajjavedanīyakamma nào có cơ hội cho quả ngay trong thời kỳ tái sinh kiếp kế tiếp (kiếp thứ 2); các nghiệp upapajjavedanīyakamma còn lại không có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp kế tiếp, và đều trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma). Nhưng các nghiệp upapajja-vedanīyakamma còn lại có thể có cơ hội cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu ấy (kiếp thứ 2). Nếu các nghiệp upapajjavedanīyakamma này không có cơ hội cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu ấy, thì các nghiệp upapajjavedanīya kamma này mới trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma).

    - Nếu người nào đã tạo tất cả 5 ác nghiệp vô gián trọng tội, sau khi người ấy chết, thì chỉ có ác nghiệp vô gián trọng tội chia rẽ chư Tỳ khưu Tăng là ác nghiệp nặng nhất có quyền ưu tiên, có cơ hội ưu tiên cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp kế tiếp (kiếp thứ 2) trong cõi đại địa ngục Avīci. 4 ác nghiệp vô gián trọng tội còn lại không có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp kế tiếp, nên 4 ác nghiệp vô gián trọng tội còn lại trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosi-kamma). Nhưng 4 ác nghiệp vô gián này lại trở thành ác nghiệp hỗ trợ trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu ấy, cho nên, chúng sinh trong cõi đại địa ngục Avīci phải chịu quả khổ càng nặng thêm, khổ càng tăng thêm.

    - Hành giả thực hành thiền định có khả năng chứng đắc 5 bậc thiền hữu sắc và 4 bậc thiền vô sắc. Sau khi chết, chắc chắn chỉ có bậc thiền vô sắc tột đỉnh đó là bậc thiền phi tưởng phi phi tưởng xứ thiền, thiện nghiệp vô sắc tột đỉnh có quyền ưu tiên, có cơ hội ưu tiên cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp kế tiếp (kiếp thứ 2) trong cõi Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Thiên, có tuổi thọ lâu nhất là 84.000 đại kiếp trái đất. 3 bậc thiền vô sắc và 5 bậc thiền hữu sắc còn lại không còn có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau và cũng không còn có cơ hội cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu. Cho nên, các bậc thiền còn lại đều trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma).

    Thật ra, tác ý tâm sở đồng sinh trong 7 tác hành tâm trải qua vô số lộ trình tâm, đã tạo vô số thiện nghiệp hoặc đã tạo vô số bất thiện nghiệp (ác nghiệp). Trong vô số nghiệp ấy, rất nhiều nghiệp không có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, và không có cơ hội cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu, đều trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma).

    Tác ý tâm sở bình thường đồng sinh trong 7 tác hành tâm không đủ chi pháp để tạo thành nghiệp, hoặc trường hợp một người làm ác, hoặc một người làm thiện một cách hời hợt, phóng tâm, chỉ làm cho có lệ mà thôi v.v... Những bất thiện nghiệp (ác nghiệp) hoặc thiện nghiệp ấy sẽ không có năng lực, không có khả năng cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, thường trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma). Tuy các nghiệp ấy cũng có thể có cơ hội cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu, nhưng quả của nghiệp ấy cũng không có năng lực nhiều, phần nhiều không có cơ hội cho quả, thì các nghiệp ấy cũng trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma).

    * Tạo thiện nghiệp như thế nào mà trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma)? Và làm cách nào để không trở thành nghiệp vô hiệu quả?

    a) Thiện nghiệp trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma)

    Trong đời, có số người là người không có đức tin nơi Tam Bảo, không tin nghiệp và quả của nghiệp; là những người giàu có, có địa vị trong xã hội. Một hôm, có hội từ thiện đến nhà của những người ấy, xin họ cứu giúp những đồng bào bị nạn bão lụt. Thật ra, số người ấy vốn không tin nghiệp và quả của nghiệp, nhưng với tâm tham ái muốn cho nhiều người biết đến mình, với tâm ngã mạn muốn mình hơn người, với tâm tà kiến chấp ngã, nên số người ấy mới dám bỏ ra một số tiền lớn để ủng hộ cứu giúp đồng bào bị nạn bão lụt.

    Khi làm được việc ấy, số người này được báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình... hết lời tán dương ca tụng, đưa tin họ là những người hảo tâm đã làm việc từ thiện cứu trợ giúp những đồng bào bị gặp nạn bão lụt. Số người ấy nhìn thấy tên của mình được đăng trên báo, nghe tên của mình được phát trên đài, v.v... họ cảm thấy vô cùng hoan hỷ, vì đã đạt được mục đích mong muốn của mình.

    Xét về hình thức, đó là việc làm từ thiện, một nghĩa cử cao đẹp, đúng lúc, hợp thời đáng được mọi người tán dương ca tụng.

    Xét về nghiệp, đó là thiện nghiệp không trong sạch, không thanh tịnh, do bởi tâm tham ái, tâm ngã mạn, tâm tà kiến làm ô nhiễm. Cho nên, thiện nghiệp này không có đủ năng lực, để có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh những kiếp sau, thì thiện nghiệp này trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma), thật đáng tiếc.

    b) Thiện nghiệp không trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma)

    Trong đời, có số người là người có đức tin nơi Tam Bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp; là những người giàu có, có địa vị trong xã hội. Khi nghe tin những đồng bào bị nạn bão lụt tàn phá, lâm vào cảnh khổ. Số người ấy phát sinh tâm bi, muốn cứu giúp đồng bào giảm bớt cảnh khổ, họ tự xuất ra một số tiền, để mua các thứ nhu cầu cần thiết của cuộc sống; rồi tự mình đem đến phân phát cho những đồng bào bị nạn, cứu giúp họ giảm bớt cảnh khổ trong hoàn cảnh ấy.

    Số người này, trước khi tạo thiện nghiệp bố thí, họ phát sinh thiện tâm hoan hỷ; đang khi tạo thiện nghiệp bố thí phân phát đến những đồng bào bị nạn bão lụt, họ cũng có thiện tâm hoan hỷ; sau khi đã tạo thiện nghiệp bố thí xong rồi, họ cũng phát sinh thiện tâm hoan hỷ.

    Đó là thiện nghiệp rất trong sạch, thanh tịnh, bởi vì không bị ô nhiễm do phiền não tham ái, ngã mạn, tà kiến... cho nên, thiện nghiệp này có nhiều năng lực, có khả năng cho quả trong kiếp hiện tại; có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau và cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu, trải qua nhiều đời, nhiều kiếp vị lai không giới hạn.

    Thiện nghiệp này chỉ trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma) khi quá hạn thời gian cho quả của mỗi thiện nghiệp mà thôi.

    * Bất thiện nghiệp (ác nghiệp) trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma) bằng cách nào?

    Trong mọi bất thiện nghiệp (ác nghiệp) thì ác nghiệp tà kiến cố định và ác nghiệp vô gián là cực kỳ trọng tội, vô phương cứu chữa.

    * Ác nghiệp tà kiến cố định (niyatamicchādiṭṭhi kamma) là ác nghiệp hoàn toàn không tin nghiệp và quả của nghiệp, cho nên khi người ấy tạo ác nghiệp xong rồi, hoàn toàn không có tâm hổ thẹn tội lỗi, không có tâm ghê sợ tội lỗi của mình đã tạo, không biết ăn năn hối lỗi, không từ bỏ tội ác. Sau khi người ấy chết, chắc chắn ác nghiệp tà kiến cố định ấy cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi đại địa ngục Avīci, chịu khổ thiêu đốt trong cõi đại địa ngục này, khó có thời hạn thoát ra khỏi địa ngục.

    Đó là ác nghiệp tà kiến cố định vô phương cứu chữa.

    * 5 ác nghiệp vô gián trọng tội (pañcānantariya kamma) là giết cha, giết mẹ, giết bậc Thánh Arahán, làm bầm máu bàn chân của Đức Phật và chia rẽ Tỳ khưu Tăng. Người nào phạm phải 1 trong 5 tội này gọi là tạo ác nghiệp vô gián trọng tội. Sau khi người ấy chết, chắc chắn ác nghiệp vô gián trọng tội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi đại địa ngục Avīci, chịu quả khổ thiêu đốt suốt thời gian lâu dài, có thời hạn. Đến khi mãn quả của ác nghiệp ấy mới thoát ra khỏi cõi địa ngục ấy.

    Trường hợp người nào đã phạm lỗi lầm tạo ác nghiệp vô gián trọng tội, sau đó người ấy biết ăn năn hối lỗi, thành tâm sám hối tội lỗi, có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, xin thọ phép quy y Tam Bảo, thọ trì ngũ giới, rồi giữ gìn giới trong sạch, cố gắng tạo mọi dục giới đại thiện nghiệp, nhưng chắc chắn không thể tạo được sắc giới thiện nghiệp, hoặc vô sắc giới thiện nghiệp, hoặc Siêu tam giới thiện nghiệp, bởi vì, do ác nghiệp vô gián trọng tội ngăn cản. Đến khi người ấy chết, ác nghiệp vô gián trọng tội có quyền ưu tiên, có cơ hội ưu tiên cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp kế tiếp, đáng lẽ trong cõi đại địa ngục Avīci, chịu quả khổ lâu dài trải qua nhiều đại kiếp trái đất, nhưng nhờ thiện nghiệp quy y Tam Bảo, giữ gìn ngũ giới và các dục giới đại thiện nghiệp khác làm suy giảm tiềm năng cho quả của ác nghiệp vô gián trọng tội, chỉ cho quả tái sinh trong cõi địa ngục nhỏ phụ thuộc cõi đại địa ngục Avīci, chịu quả khổ suốt thời gian ngắn hơn cõi đại địa ngục Avīci.

    Ví dụ:

    Trường hợp Đức vua Ajātasattu nghe lời khuyên bảo của Tỳ khưu Devadatta, giết Phụ vương là Thái thượng hoàng Bimbisāra. Về sau, biết ăn năn hối lỗi, Đức vua Ajātasattu ngự đến hầu đảnh lễ và thành tâm sám hối với Đức Phật. Đức Thế Tôn thuyết pháp tế độ Đức vua Ajātasattu, sau khi lắng nghe pháp, Đức vua phát sinh đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, kính xin thọ phép quy y Tam Bảo. Kính xin Đức Thế Tôn công nhận Đức vua là người cận sự nam đã quy y Tam Bảo kể từ đó cho đến trọn đời, trọn kiếp. Từ đó, Đức vua là người có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, thường ngự đến cúng dường những thứ vật dụng đến chư Tỳ khưu Tăng có Đức Phật chủ trì.

    Sau khi, Đức Phật tịch diệt Niết Bàn, Đức vua Ajātasattu là người thí chủ hộ độ 500 vị Thánh Arahán đứng đầu là Ngài Đại Trưởng Lão Mahākassapa trong kỳ kết tập Tam Tạng lần thứ nhất, thời gian sau khi Đức Phật tịch diệt Niết Bàn được 3 tháng 4 ngày, tại động Sattapaṇṇi gần kinh thành Rājagaha xứ Magadha, suốt thời gian 7 tháng mới hoàn thành xong trọn bộ Tam Tạng và Chú giải.

    Sau khi Đức vua Ajātasattu băng hà, ác nghiệp vô gián trọng tội giết Phụ vương đáng lẽ có quyền ưu tiên, có cơ hội ưu tiên cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi đại địa ngục Avīci, chịu quả khổ thiêu đốt lâu dài hằng nhiều đại kiếp trái đất. Nhưng nhờ thiện nghiệp quy y Tam Bảo, thiện nghiệp hộ độ 500 vị Thánh Arahán trong kỳ kết tập Tam Tạng lần thứ nhất suốt 7 tháng... chính nhờ thiện nghiệp ấy làm giảm tiềm năng của ác nghiệp vô gián trọng tội giết Phụ vương, chỉ cho quả tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi địa ngục tên “Lohakumbī: Địa ngục nước đồng sôi”, chịu quả khổ suốt thời gian 60.000 (sáu mươi ngàn) năm mà thôi.

    Như vậy, thiện nghiệp có khả năng làm giảm tiềm năng cho quả của bất thiện nghiệp (ác nghiệp) được (không phải xóa bỏ được bất thiện nghiệp (ác nghiệp)).

    Sự khác biệt giữa ác nghiệp tà kiến với ác nghiệp vô gián như thế nào?

    Xét về tính chất của 2 loại ác nghiệp này, dĩ nhiên ác nghiệp tà kiến cố định là nặng hơn ác nghiệp vô gián trọng tội.

    Xét về tính chất ưu tiên cho quả của 2 loại nghiệp này, nếu người nào có ác nghiệp tà kiến cố định vẫn chấp thủ tà thuyết của mình cho đến lúc lâm chung, sau khi người ấy chết, thì chắc chắn chỉ có ác nghiệp tà kiến cố định có quyền ưu tiên, có cơ hội ưu tiên cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi đại địa ngục Avīci, chắc chắn không có nghiệp nào có khả năng ngăn cản được, bởi vì ác nghiệp tà kiến cố định này nặng nhất.

    Nhưng nếu người nào có ác nghiệp tà kiến chưa đến mức độ cố định, khi người ấy có duyên lành gặp được chư bậc thiện trí, chịu lắng nghe lời giáo huấn của bậc thiện trí, rồi thực hành theo lời dạy của bậc thiện trí, chịu từ bỏ tà kiến thấy sai chấp lầm đã có từ trước; người ấy có tâm biết hổ thẹn tội lỗi, có tâm biết ghê sợ tội lỗi, trở thành người có đức tin nơi Tam Bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, biết giữ gìn giới của mình được trong sạch và trọn vẹn, biết thực hành pháp hành thiền định có khả năng chứng đắc các bậc thiền hữu sắc…, biết thực hành pháp hành thiền tuệ có khả năng chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn trở thành bậc Thánh Nhân, thì ác nghiệp tà kiến ấy trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma), không còn có khả năng cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau nữa. Do đó sau khi chết, người ấy chắc chắn tránh khỏi tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi đại địa ngục Avīci.

    Như vậy, nếu ác nghiệp tà kiến chưa đến mức cố định, thì nhờ đến sự giúp đỡ của bậc thiện trí cũng có thể hóa giải được, cứu chữa được.

    Như trường hợp vị tỉnh trưởng Pāyāsi tỉnh Setabyā, ông tỉnh trưởng ấy có tà kiến thấy sai chấp lầm rằng:

    “Itipi natthi paro loko, natthi sattā opapātikā, natthi sukatadukkaṭānaṃ kammaṃ vipāko”.

    (Đúng như vậy, không có cõi thế giới khác, không có chúng sinh hóa sinh ‘như chư thiên, Phạm thiên, chúng sinh cõi địa ngục, chúng sinh loài atula, chúng sinh loài ngạ quỷ’; không có quả của thiện nghiệp, quả của ác nghiệp).

    Một thuở nọ, Ngài Đại đức Kumārakassapa cùng với 500 chư Tỳ khưu đến trú tại rừng Siṃsapā, tỉnh Setabyā xứ Kosala. Danh tiếng của Ngài lan truyền khắp mọi nơi, cho nên dân chúng trong thành Setabyā từng đoàn lũ lượt kéo nhau đến khu rừng Siṃsapā để nghe Ngài thuyết pháp. Ông tỉnh trưởng Pāyāsi cũng đến khu rừng Siṃsapā gặp Ngài Đại đức Kumārakassapa, ông tỉnh trưởng ngồi một nơi hợp lẽ xong, rồi bạch với Ngài Đại đức Kumārakassapa rằng:

    - Kính thưa Ngài Đại đức Kumārakassapa, tôi có quan niệm rằng: “Đúng như vậy, không có cõi thế giới khác, không có chúng sinh hóa sinh ‘như chư thiên, Phạm thiên, chúng sinh cõi địa ngục, chúng sinh loài atula, chúng sinh loài ngạ quỷ’, không có quả của thiện nghiệp, quả của ác nghiệp”.

    Ngài Đại đức Kumārakassapa là bậc Thánh Arahán có tài thuyết pháp rất hay, bằng nhiều cách đã làm cho vị tỉnh trưởng Pāyāsi chịu thuần phục, mà từ bỏ tà kiến, trở thành vị tỉnh trưởng có chánh kiến, có đức tin nơi Tam Bảo, rồi xin thọ phép quy y Tam Bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp. Sau khi vị tỉnh trưởng Pāyāsi chết, thiện nghiệp cho quả tái sinh làm thiên nam có tên là Pāyāsidevaputta: Thiện nam Pāyāsi trong cõi trời Tứ Đại Thiên Vương có tuổi thọ 500 tuổi trời ấy, so sánh với thời gian ở cõi người bằng 9.000.000 năm, bởi vì 1 ngày 1 đêm trên cõi trời Tứ Đại Thiên Vương bằng 50 năm ở cõi người.

    Như vậy, ác nghiệp tà kiến chưa đến mức cố định, thì nhờ đến bậc thiện trí giúp đỡ có thể hóa giải được, cứu chữa được.

    Ác nghiệp vô gián trọng tội tuy là ác nghiệp không nặng hơn ác nghiệp tà kiến cố định, nhưng vô phương cứu chữa, bời vì ác nghiệp này là ác nghiệp vô gián trọng tội (anantariyakamma) chắc chắn cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp kế tiếp (sau khi chết) trong cõi đại địa ngục Avīci, mà không có nghiệp nào có khả năng ngăn cản ác nghiệp này cho quả tái sinh được. Do đó, ác nghiệp này gọi là ác nghiệp vô gián trọng tội.

    Đó là sự khác biệt giữa ác nghiệp tà kiến cố định với ác nghiệp vô gián trọng tội.

    * Siêu tam giới thiện nghiệp có khả năng làm cho ác nghiệp upapajjavedanīyakamma trở thành nghiệp vô hiệu quả như thế nào?

    Người nào đã tạo những bất thiện nghiệp (ác nghiệp) bình thường, ngoại trừ ác nghiệp tà kiến cố định và ác nghiệp vô gián trọng tội ra; sau đó, người ấy biết ăn năn hối lỗi, biết hổ thẹn tội lỗi, biết ghê sợ tội lỗi nên đã tránh xa mọi tội lỗi, trở thành người có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, kính xin thọ phép quy y Tam Bảo, giữ gìn giới của mình được trong sạch và trọn vẹn, cố gắng tạo mọi thiện nghiệp, nhất là thiện nghiệp thực hành thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo, Nhập Lưu Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Nhập Lưu trong Phật giáo. Tuy bậc Thánh Nhập Lưu vẫn còn tử sinh luân hồi trong cõi thiện dục giới nhiều nhất 7 kiếp nữa, nhưng chắc chắn bậc Thánh Nhập Lưu vĩnh viễn không còn tái sinh kiếp sau trong 4 cõi ác giới.

    Như vậy, tất cả mọi bất thiện nghiệp (ác nghiệp) nào mà bậc Thánh Nhập Lưu đã từng tạo trước khi chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu, tất cả mọi bất thiện nghiệp (ác nghiệp) ấy chắc chắn vĩnh viễn không còn có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh) được nữa, bởi vì Nhập Lưu Thánh Đạo chỉ có thiện nghiệp sinh quả tái sinh kiếp sau trong cõi thiện dục giới nhiều nhất 7 kiếp nữa mà thôi. Do đó, mọi ác nghiệp upapajjavedanīya-kamma đều trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma).

    Ví dụ:

    * Trường hợp ông đao phủ tên Tambadāṭhika ở trong kinh thành Rājagaha, suốt 55 năm ông làm nghề giết kẻ phạm tội trộm cướp theo lệnh của Đức vua.

    Khi ông tuổi đã cao, không còn đủ sức để chặt đầu bọn trộm cướp, Đức vua cho ông về nghỉ hưu, dưỡng già.

    Một hôm Ngài Đại Trưởng Lão Sāriputta vừa mới xả thiền rồi mang bát đi vào trong kinh thành để khất thực, Ngài đứng trước cổng nhà ông Tambadāṭhika. Ông nhìn thấy Ngài liền phát sinh đức tin trong sạch nơi Ngài, ông nghĩ rằng: “Suốt 55 năm ta đã giết nhiều kẻ trộm cắp theo lệnh của Đức vua. Hôm nay có Ngài Đại Trưởng Lão đến đứng trước cổng nhà, ta nên kính thỉnh Ngài vào nhà để làm phước thiện bố thí đến cho Ngài”.

    Kính thỉnh Ngài Đại Trưởng Lão Sāriputta vào nhà, ông Tambadāṭhika đảnh lễ Ngài rồi cúng dường vật thực đến Ngài. Khi ấy, Ngài Đại Trưởng Lão thuyết pháp tế độ ông Tambadāṭhika. Sau khi lắng nghe Ngài thuyết pháp xong, ông liền chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo - Nhập Lưu Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Nhập Lưu ngay tại nơi ấy.

    Ngài Đại Trưởng Lão Sāriputta từ giã trở về chùa, ông Tambadāṭhika theo tiễn đưa Ngài. Khi trở về nhà, trên đường đi, một nữ dạ xoa đã hóa thành con bò húc vào ngực ông, làm ông chết ngay tại chỗ. Sau khi ông chết, thiện nghiệp có quyền ưu tiên, có cơ hội ưu tiên cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp kế tiếp (kiếp thứ 2) trong cõi trời Tusita (Đấu Xuất Đà Thiên) có tuổi thọ trời 4.000 (bốn ngàn) năm (bằng 576 triệu năm cõi người, bởi vì 1 ngày 1 đêm ở cõi trời này bằng 400 năm cõi người) an hưởng mọi sự an lạc trong cõi trời ấy.

    Ác nghiệp sát sinh mà ông đã tạo suốt 55 năm không có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp kế tiếp, cho nên tất cả mọi ác nghiệp upapajjavedanīyakamma ấy trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma).

    * Trường hợp Ngài Đại đức Aṅgulimāla, trước khi Ngài chưa xuất gia trở thành Tỳ khưu, Ngài là một tên cướp sát nhân ẩn trú trong khu rừng, đã từng giết chết hơn 1.000 người, rồi cắt lấy đầu ngón tay xâu thành vòng đeo ở cổ. Do đó, Ngài có biệt danh là Aṅgulimāla.

    Khi Đức Thế Tôn ngự đến khu rừng để tế độ Ngài. Ngài tỉnh ngộ, rồi ném gươm giáo, từ bỏ sự sát hại chúng sinh. Ngài đã xin Đức Thế Tôn cho phép xuất gia trở thành Tỳ khưu. Đức Thế Tôn cho phép Ngài xuất gia theo cách “Ehi Bhikkhu!”. Sau khi trở thành Tỳ khưu không lâu, Ngài thực hành thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn trở thành bậc Thánh Arahán cao thượng trong Phật giáo.

    Những ác nghiệp sát sinh mà Ngài đã tạo chỉ có khả năng cho quả trong kiếp hiện tại mà thôi. Đến lúc Ngài tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài, thì tất cả bất thiện nghiệp (ác nghiệp), thiện nghiệp đã tích lũy từ vô thủy trải qua vô lượng kiếp trong quá khứ cho đến kiếp hiện tại trước khi thành bậc Thánh Arahán đều trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma).

    Tóm lại: 4 loại nghiệp theo thời gian cho quả, trong mỗi lộ trình tâm phát sinh đầy đủ trải qua 7 sát-na tác hành tâm (javanacitta) tạo nghiệp:

    Tác ý tâm sở đồng sinh trong sát-na dục giới tác hành tâm thứ nhất gọi là nghiệp diṭṭhadhammavedanīya kamma chỉ có khả năng cho quả ngay trong kiếp hiện tại (kiếp thứ nhất) mà thôi.

    1. Tác ý tâm sở đồng sinh trong sát-na dục giới tác hành tâm thứ 7 gọi là nghiệp upapajjavedanīyakamma chỉ có khả năng cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp kế tiếp (kiếp thứ 2) mà thôi; và có khả năng cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu, nếu có cơ hội cho quả.

    2. Tác ý tâm sở đồng sinh trong sát-na dục giới tác hành tâm thứ 2 cho đến tác hành tâm thứ 6 gọi là nghiệp aparā-pariyavedanīyakamma có khả năng cho quả trong thời kỳ tái sinh những kiếp sau kể từ kiếp thứ 3 cho đến kiếp chót trở thành bậc Thánh Arahán trước khi tịch diệt Niết Bàn; và có khả năng cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu, không giới hạn, nếu có cơ hội cho quả.

    3. Nghiệp ahosikamma có trong những trường hợp sau:

    Tác ý tâm sở đồng sinh trong sát-na dục giới tác hành tâm thứ nhất gọi là nghiệp diṭṭhadhammavedanīya-kamma nếu không có cơ hội cho quả trong kiếp hiện tại (kiếp thứ nhất), thì nghiệp ấy trở thành nghiệp ahosi-kamma (nghiệp vô hiệu quả).

    Tác ý tâm sở đồng sinh trong sát-na dục giới tác hành tâm thứ 7 gọi là nghiệp upapajjavedanīyakamma nếu không có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp kế tiếp (kiếp thứ 2), thì nghiệp ấy trở thành nghiệp ahosi-kamma (nghiệp vô hiệu quả).

    Tác ý tâm sở đồng sinh trong sát-na dục giới tác hành tâm thứ 2 cho đến dục giới tác hành tâm thứ 6 gọi là nghiệp aparāpariyavedanīyakamma nếu không có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau kể từ kiếp thứ 3 cho đến kiếp chót của bậc Thánh Arahán trước khi tịch diệt Niết Bàn, thì nghiệp ấy trở thành nghiệp ahosikamma (nghiệp vô hiệu quả).

    Như vậy tác ý tâm sở đồng sinh trong 7 sát-na dục giới tác hành tâm đã tạo nghiệp rồi mà không có cơ hội cho quả của chúng thì đều trở thành nghiệp ahosikamma (nghiệp vô hiệu quả), không còn có hiệu lực cho quả của chúng được nữa.

    * Sắc giới thiện nghiệp, vô sắc giới thiện nghiệp, Siêu tam giới thiện nghiệp được ghép vào loại nghiệp nào trong 4 loại nghiệp theo thời gian cho quả?

    Hành giả là hạng phàm nhân thực hành thiền định có khả năng chứng đắc 5 bậc thiền hữu sắc là 5 sắc giới thiện nghiệp. Và tiếp tục có khả năng chứng đắc 4 bậc thiền vô sắc là 4 vô sắc giới thiện nghiệp. Hành giả có khả năng giữ gìn duy trì 9 bậc thiền thiện nghiệp bậc cao (mahaggata-kusalakamma) (sắc giới thiện nghiệp và vô sắc giới thiện nghiệp) này cho đến lúc chết. Sau khi hành giả chết, chắc chắn thiện nghiệp vô sắc tột đỉnh là phi tưởng phi phi tưởng xứ thiền thiện nghiệp có quyền ưu tiên, có cơ hội ưu tiên cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp kế tiếp (kiếp thứ 2) trong cõi trời vô sắc tột đỉnh, cõi Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xư Thiên có tuổi thọ 84.000 (tám mươi bốn ngàn) đại kiếp trái đất lâu nhất; còn lại 5 sắc giới thiện nghiệp và 3 vô sắc giới thiện nghiệp đều trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma).

    Như vậy, sắc giới thiện nghiệp và vô sắc giới thiện nghiệp tương đương với thiện nghiệp upapajjavedanīya-kamma (thiện nghiệp cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp kế tiếp) (kiếp thứ 2).

    Hành giả thực hành thiền tuệ có khả năng dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo - Nhập Lưu Thánh Quả, chứng đắc Nhất Lai Thánh Đạo - Nhất Lai Thánh Quả, chứng đắc Bất Lai Thánh Đạo - Bất Lai Thánh Quả, chứng đắc Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả.

    4 Siêu tam giới thiện nghiệp trong 4 Thánh Đạo Tâm, mà 4 Thánh Đạo Tâm liền cho quả 4 Thánh Quả Tâm tương ứng với nhau cùng trong lộ trình Thánh Đạo Tâm (Magga-vīthicitta). Thánh Đạo Tâm nào sinh rồi diệt tiếp theo Thánh Quả Tâm ấy tương ứng sinh rồi diệt liên tục 2 sát-na hoặc 3 sát-na Thánh Quả Tâm ấy, rồi diệt chấm dứt lộ trình Thánh Đạo Tâm.

    4 Thánh Đạo Tâm cho quả tương ứng 4 Thánh Quả Tâm không có thời gian ngăn cách, nghĩa là sau khi chứng đắc Thánh Đạo nào liền cho Thánh Quả ấy sau một sát-na tâm sinh rồi diệt.

    Như vậy, 4 Siêu tam giới thiện nghiệp cho quả tương ứng 4 Thánh Quả ngay kiếp hiện tại không có thời gian ngăn cách, tương đương với thiện nghiệp diṭṭhadhamma-vedanīyakamma (thiện nghiệp cho quả ngay trong kiếp hiện tại) (kiếp thứ nhất).

    * Tại sao nghiệp ahosikamma (nghiệp vô hiệu quả) ở trong phần nghiệp theo thời gian cho quả?

    Bởi vì tất cả mọi nghiệp không phải lúc nào cũng có cơ hội cho quả của chúng cả thảy. Cho nên, nghiệp nào theo thời gian cho quả mà không có cơ hội cho quả của nó, thì nghiệp ấy trở thành nghiệp ahosikamma (nghiệp vô hiệu quả) như sau:

    1. Nghiệp diṭṭhadhammavedanīyakamma chỉ có cơ hội cho quả ngay trong kiếp hiện tại (kiếp thứ nhất) mà thôi. Nếu nghiệp này không có cơ hội cho quả trong kiếp hiện tại (kiếp thứ nhất), thì nghiệp ấy trở thành nghiệp ahosikamma.

    2. Nghiệp upapajjavedanīyakamma chỉ có cơ hội cho quả trong kiếp kế tiếp (kiếp thứ 2) mà thôi. Nếu nghiệp này không có cơ hội cho quả trong kiếp kế tiếp (kiếp thứ 2), thì nghiệp ấy trở thành nghiệp ahosikamma.

    3. Nghiệp aparāpariyavedanīyakamma có cơ hội cho quả từ kiếp thứ 3 cho đến kiếp của thành bậc Thánh Arahán tịch diệt Niết Bàn. Nếu nghiệp này không có cơ hội cho quả trong khoảng thời gian lâu dài ấy, thì nghiệp ấy trở thành nghiệp ahosikamma.

    Vì vậy, cho nên nghiệp ahosikamma (nghiệp vô hiệu quả) ở trong phần nghiệp theo thời gian cho quả.
    Itipi so Bhagavà Araham, Sammàsambuddho, Vijjàcaranasampanno, Sugato, Lokavidù, Anuttaro purisadammasàrathi, Satthàdevamanussànam, Buddho, Bhagavà.

  8. #8
    Đai Nâu Avatar của raucucai
    Gia nhập
    Mar 2012
    Nơi cư ngụ
    Sơn La
    Bài gởi
    302

    Mặc định

    IV. Pākaṭṭhānacatukka: 4 Loại Nghiệp Theo Cảnh Giới Cho Quả

    Phần 4 loại nghiệp theo thời gian cho quả kiếp hiện tại, kiếp sau v.v... xong, tiếp theo phần 4 loại nghiệp theo cảnh giới cho quả trong tam giới:

    1. Akusalakamma: Bất thiện nghiệp (ác nghiệp) đó là tác ý tâm sở đồng sinh với 12 bất thiện tâm (12 ác tâm).

    2. Kāmāvacarakusalakamma: Dục giới đại thiện nghiệp đó là tác ý tâm sở đồng sinh với 8 dục giới đại thiện tâm.

    3. Rupāvacarakusalakamma: Sắc giới thiện nghiệp đó là tác ý tâm sở đồng sinh với 5 sắc giới thiện tâm.

    4. Arūpāvacarakusalakamma: Vô sắc giới thiện nghiệp đó là tác ý tâm sở đồng sinh với 4 vô sắc giới thiện tâm.

    Giải thích 4 loại nghiệp theo cảnh giới cho quả

    1. Akusalakamma: Bất thiện nghiệp (ác nghiệp)

    * Pháp nào gọi là bất thiện nghiệp (ác nghiệp)?

    Tác ý tâm sở đồng sinh với 12 bất thiện tâm (12 ác tâm) tính theo bất thiện tâm có 12 bất thiện nghiệp (12 ác nghiệp).

    Bất thiện nghiệp (ác nghiệp) được phát sinh do nhờ nơi thân môn, khẩu môn, ý môn. Do đó, bất thiện nghiệp (ác nghiệp) có 3 loại.

    Bất thiện nghiệp (ác nghiệp) được phát sinh nơi thân môn gọi là thân bất thiện nghiệp hoặc thân ác nghiệp.

    Bất thiện nghiệp (ác nghiệp) được phát sinh nơi khẩu môn gọi là khẩu bất thiện nghiệp hoặc khẩu ác nghiệp.

    Bất thiện nghiệp (ác nghiệp) được phát sinh nơi ý môn gọi là ý bất thiện nghiệp hoặc ý ác nghiệp.

    10 loại ác nghiệp tính theo 3 môn

    Bất thiện nghiệp (ác nghiệp) phát sinh nơi 3 môn gồm có 10 bất thiện nghiệp hoặc 10 ác nghiệp như sau:

    1. Thân ác nghiệp là ác nghiệp phát sinh do nương nhờ nơi thân môn tạo 3 ác nghiệp bằng thân:

    Ác nghiệp sát sinh.

    Ác nghiệp trộm cắp.

    Ác nghiệp tà dâm.

    3 thân ác nghiệp này còn gọi là 3 thân hành ác (kāya-duccarita).

    2. Khẩu ác nghiệp là ác nghiệp phát sinh do nương nhờ nơi khẩu môn tạo 4 ác nghiệp bằng khẩu:

    Ác nghiệp nói dối.

    Ác nghiệp nói lời chia rẽ.

    Ác nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc).

    Ác nghiệp nói lời vô ích.

    4 khẩu ác nghiệp này còn gọi là 4 khẩu hành ác (vacī-duccarita).

    3. Ý ác nghiệp là ác nghiệp phát sinh do nương nhờ nơi ý môn tạo 3 ác nghiệp bằng ý

    Ác nghiệp tham lam của cải, tài sản của người khác.

    Ác nghiệp thù hận người khác.

    Ác nghiệp tà kiến thấy sai chấp lầm.

    3 ý ác nghiệp này còn gọi là 3 ý hành ác (manoduccarita).

    Trong 3 loại ác nghiệp này, Đức Phật dạy: “Ý ác nghiệp có năng lực mạnh hơn thân ác nghiệp và khẩu ác nghiệp”.

    Chi pháp của 10 ác nghiệp

    Trong 10 ác nghiệp, mỗi ác nghiệp đều có những chi pháp riêng của ác nghiệp ấy. Nếu ác nghiệp nào hội đủ các chi pháp của ác nghiệp ấy, thì ác nghiệp ấy có nhiều năng lực, có khả năng, có cơ hội cho quả của ác nghiệp ấy, trong thời kỳ tái sinh kiếp sau (paṭi-sandhikāla) trong 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh), và có khả năng cho quả khổ trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu (pavattikāla), nếu có cơ hội cho quả của nó.

    Nếu ác nghiệp nào không hội đầy đủ các chi pháp của ác nghiệp ấy, thì ác nghiệp ấy không có nhiều năng lực, không có cơ hội cho quả của ác nghiệp ấy trong thời kỳ tái sinh kiếp sau (paṭisandhikāla); mà có khả năng cho quả khổ trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu (pavattikāla), nếu có cơ hội cho quả của nó.

    Giải thích 10 ác nghiệp theo 3 môn

    1. Thân ác nghiệp:

    Thân nghiệp ác là tác ý ác được biểu hiện ra ở thân hành ác có 3 loại ác nghiệp:

    1.1 Ác nghiệp sát sinh.

    1.2 Ác nghiệp trộm cắp.

    1.3 Ác nghiệp tà dâm.

    1.1. Ác nghiệp sát sinh

    Sự sát sinh là một ác nghiệp giết hại chúng sinh, cắt đứt sinh mạng của chúng sinh ấy chết trước khi chúng sinh ấy hết tuổi thọ, hoặc khi hết quả của nghiệp hỗ trợ. Chúng sinh ấy còn có tuổi thọ, còn có nghiệp hỗ trợ, chưa đến thời kỳ chết, mà người nào giết hại chúng sinh ấy, thì người ấy đã tạo ác nghiệp sát sinh.

    Giết hại chúng sinh như thế nào?

    Danh từ gọi chúng sinh là danh từ chế định, do căn cứ vào “ngũ uẩn”. Ngũ uẩn là sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn.

    Sắc uẩn đó là sắc thân, thân thể thuộc về sắc pháp.

    Sắc pháp gồm có 28 sắc pháp. Sắc uẩn riêng của mỗi chúng sinh đầy đủ nhất chỉ có 27 sắc pháp mà thôi. Nếu chúng sinh có khuyết tật như mắt mù, tai điếc... thì số sắc pháp bị giảm theo khuyết tật ấy.

    Ví dụ: Chúng sinh là loài người.

    Nếu là người đàn ông, thì sắc uẩn có 27 sắc pháp, trừ sắc nữ tính.

    Nếu là người đàn bà, thì sắc uẩn có 27 sắc pháp, trừ sắc nam tính.

    Sắc uẩn này có trạng thái sinh rồi diệt liên tục không ngừng, luôn luôn biến chuyển từ nhỏ đến lớn, từ trẻ sang già cho đến chết.

    Sắc uẩn này có sắc mạng chủ (jīvitindriyarūpa) giữ gìn, duy trì mỗi kiếp chúng sinh cho đến khi hết tuổi thọ, hoặc hết nghiệp hỗ trợ mới chết, chấm dứt kiếp chúng sinh ấy một cách bình thường, gọi là chết đúng thời (kālamaraṇa).

    - Thọ uẩn, tưởng uẩn và hành uẩn đó là các tâm sở thuộc về danh pháp.

    - Thức uẩn đó là các loại tâm thuộc về danh pháp.

    4 danh uẩn (thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn) này luôn luôn đồng sinh cùng trong một tâm.

    Tâm có trạng thái sinh rồi diệt liên tục không ngừng, nghĩa là 4 danh uẩn có trạng thái sinh rồi diệt liên tục không ngừng từ kiếp này sang kiếp khác, được thay đổi mỗi kiếp do năng lực nghiệp và quả của nghiệp, từ vô thủy cho đến kiếp hiện tại này. Nếu chúng sinh nào chưa phải là bậc Thánh Nhân, vẫn còn tham ái, phiền não, chúng sinh ấy vẫn còn tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài, thì 4 danh uẩn vẫn còn sinh rồi diệt liên tục không ngừng từ kiếp này sang kiếp khác, không có giới hạn số kiếp của chúng sinh ấy.

    4 danh uẩn này có danh mạng chủ tâm sở (jīvitindriya-cetasika) giữ gìn, duy trì kiếp này sang kiếp khác, được thay đổi mỗi kiếp do năng lực nghiệp và quả của nghiệp.

    Như vậy, mỗi chúng sinh được sống do nhờ sắc mạng chủ và danh mạng chủ. Người nào tạo ác nghiệp giết hại chúng sinh, cắt đứt sinh mạng của chúng sinh ấy chết trước khi hết tuổi thọ, hoặc chết trước khi hết quả của nghiệp hỗ trợ, thì người ấy chỉ có thể cắt đứt dòng sinh mạng của sắc mạng chủ, nghĩa là phá hoại sắc uẩn không còn duy trì sự sống được nữa mà thôi, nhưng không thể cắt đứt dòng sinh mạng của danh mạng chủ, bởi vì danh mạng chủ thuộc về tâm sở đồng sinh với tâm, đồng diệt với tâm, đồng đối tượng với tâm, đồng nơi sinh với tâm. Tâm sở này và tâm không bao giờ tách rời nhau được, hễ có tâm sinh thì ắt có tâm sở này đồng sinh; tâm và tâm sở sinh rồi diệt liên tục không ngừng, hay nói cách khác 4 danh uẩn sinh rồi diệt liên tục không ngừng.

    * Người đã tạo ác nghiệp sát sinh ấy là làm hại, phá hoại sắc uẩn, mà không thể hại, không thể phá hoại được 4 danh uẩn có phải không?

    Thực ra, người đã tạo ác nghiệp sát sinh ấy trực tiếp làm hại, phá hoại sắc uẩn kiếp hiện tại, đồng thời gián tiếp làm hại, phá hoại 4 danh uẩn kiếp hiện tại ấy, bởi vì ngũ uẩn luôn luôn nương nhờ lẫn nhau. Sắc uẩn kiếp hiện tại nương nhờ nơi 4 danh uẩn kiếp hiện tại ấy để có sự sống còn, và 4 danh uẩn kiếp hiện tại ấy cũng nương nhờ nơi sắc uẩn kiếp hiện tại để biết các đối tượng. Cho nên, khi sắc uẩn kiếp hiện tại bị giết hại, thì đồng thời 4 danh uẩn kiếp hiện tại cũng bị chấm dứt kiếp hiện tại, bởi vì, không còn sắc uẩn để nương nhờ nữa.

    Ví dụ: Con người bị giết trong kiếp hiện tại.

    Người ấy đã từng tạo và tích lũy những thiện nghiệp và những bất thiện nghiệp (ác nghiệp); khi người ấy bị giết chết, sau khi chết:

    - Nếu ác nghiệp có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, thì suy xét tâm hợp với thọ xả (upekkhāsantīraṇa-citta) thuộc bất thiện quả vô nhân tâm (đó là tâm không có nhân thuộc quả bất thiện) có 4 danh uẩn làm phận sự tái sinh kiếp sau trong 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh), đồng thời nương nhờ nơi sắc uẩn mới để có đầy đủ ngũ uẩn mới kiếp hiện tại ấy.

    - Nếu dục giới đại thiện nghiệp có cơ hội cho quả thời kỳ tái sinh kiếp sau làm người, thì dục giới đại quả tâm (mahāvipākacitta) có 4 danh uẩn làm phận sự tái sinh kiếp sau thuộc loài thai sinh làm người trong lòng mẹ đầu tiên, đồng thời nương nhờ nơi 3 sắc pháp đầu tiên: Sắc thân (kāyarūpa), sắc nam tính hoặc sắc nữ tính (bhavarūpa) và sắc ý căn (hadayavatthu) là nơi tâm nương nhờ. 3 sắc pháp này thuộc về sắc uẩn mới, để có đầy đủ ngũ uẩn mới kiếp hiện tại ấy.

    - Nếu dục giới đại thiện nghiệp có cơ hội cho quả thời kỳ tái sinh kiếp sau làm chư thiên trong 6 cõi trời dục giới, thì dục giới đại quả tâm (mahāvipākacitta) có 4 danh uẩn làm phận sự tái sinh kiếp sau thuộc loài hóa sinh làm chư thiên, ngay tức thì trở thành vị thiên nam khoảng 20 tuổi hoặc thiên nữ khoảng 18 tuổi duy trì cho đến khi hết tuổi thọ trong cõi trời ấy.

    - Nếu sắc giới thiện nghiệp cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp kế tiếp thì bậc thiền sắc giới quả tâm làm phận sự tái sinh làm Phạm thiên trong cõi trời sắc giới trong tầng trời nào, tùy thuộc vào bậc thiền sắc giới quả tâm ấy. Vị Phạm thiên hưởng sự an lạc trong tầng trời sắc giới phạm thiên ấy cho đến hết tuổi thọ.

    - Nếu vô sắc giới thiện nghiệp cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp kế tiếp thì bậc thiền vô sắc giới quả tâm làm phận sự tái sinh làm Phạm thiên trong cõi trời vô sắc giới tầng trời nào, tùy thuộc vào bậc thiền vô sắc giới quả tâm ấy. Vị Phạm thiên hưởng sự an lạc trong tầng trời vô sắc giới phạm thiên ấy cho đến hết tuổi thọ.

    - Nếu người bị chết ấy là bậc Thánh Arahán, thì sau khi chết, đồng thời tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt mọi cảnh khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

    Như vậy, ngũ uẩn kiếp hiện tại hoàn toàn khác với ngũ uẩn kiếp quá khứ. Ngũ uẩn kiếp hiện tại là quả của những nghiệp trong những kiếp quá khứ. Cho nên, trong vòng tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài, mỗi chúng sinh chỉ có nghiệp liên quan với nhau trong mỗi kiếp mà thôi.

    Chi pháp của ác nghiệp sát sinh

    Để biết ác nghiệp sát sinh có hội đầy đủ các chi pháp hay không hội đầy đủ các chi pháp, thì căn cứ vào 5 chi pháp của ác nghiệp sát sinh như sau:

    1. Pāṇo: Chúng sinh còn sinh mạng.

    2. Pāṇasaññitā: Biết rõ chúng sinh còn sinh mạng.

    3. Vadhakacittaṃ: Ác tâm nghĩ sẽ giết hại chúng sinh.

    4. Payogo: Cố gắng giết hại chúng sinh.

    5. Tena maraṇaṃ: Chúng sinh ấy bị chết do sự cố gắng ấy.

    Nếu hội đầy đủ 5 chi pháp của ác nghiệp sát sinh này, thì gọi là người ấy tạo ác nghiệp sát sinh hội đủ các chi pháp; nhưng nếu không hội đầy đủ 5 chi pháp này, thì gọi là người ấy tạo ác nghiệp sát sinh không hội đủ các chi pháp. Quả của 2 loại ác nghiệp sát sinh này có sự khác biệt nhau:

    Nếu ác nghiệp sát sinh hội đầy đủ 5 chi pháp này, thì ác nghiệp ấy có khả năng, có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh, và trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu.

    Nếu ác nghiệp sát sinh không hội đầy đủ các chi pháp này, thì ác nghiệp ấy không có khả năng, không có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh, mà chỉ có khả năng cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu mà thôi, nếu khi có cơ hội cho quả.

    Cố gắng tạo ác nghiệp sát sinh

    Người cố gắng tạo ác nghiệp sát sinh bằng 6 cách:

    1. Sāhatthikapayoga: Tự mình cố gắng tạo ác nghiệp sát sinh, nghĩa là tự mình sử dụng khí giới, dùng sức mạnh cố gắng giết hại chúng sinh ấy, chúng sinh ấy bị giết do chính mình. Gọi là tự mình cố gắng tạo ác nghiệp sát sinh.

    2. Āṇattikapayoga: Cố gắng sai khiến người khác tạo ác nghiệp sát sinh bằng lời nói, hoặc bằng chữ viết gởi đến nhờ họ, sai khiến họ tạo ác nghiệp giết hại chúng sinh ấy.

    3. Nissaggiyapayoga: Cố gắng dùng khí giới như phóng lao, ném đá, bắn cung tên, bắn súng, ném chất nổ... để giết hại chúng sinh ấy.

    4. Thāvarapayoga: Cố gắng làm ra những thứ vũ khí để giết hại chúng sinh có tính cách lâu dài như đào hầm, đặt bẫy, rèn gươm giáo, đúc súng đạn, làm bom, chất nổ, thuốc độc... Hễ khi nào có người sử dụng những thứ vũ khí ấy để giết hại chúng sinh, thì người làm ra những thứ vũ khí ấy cũng gọi là tạo ác nghiệp sát sinh, bởi vì người ấy có tác ý ác giết hại chúng sinh có tính cách lâu dài.

    5. Vijjāmayapayoga: Cố gắng sử dụng bùa chú, phù phép trù ếm... làm cho chúng sinh ấy chết.

    6. Iddhimayapayoga: Cố gắng sử dụng phép mầu của mình để giết hại chúng sinh ấy.

    Đó là 6 cách cố gắng tạo ác nghiệp sát sinh.

    Ác nghiệp sát sinh có tội nhẹ - tội nặng

    Người đã tạo ác nghiệp sát sinh có tội nhẹ hoặc tội nặng căn cứ vào tác ý ác (akusalacetanā) trong đối tượng chúng sinh:

    * Chúng sinh là loài súc sinh:

    Giết hại súc sinh có thân hình nhỏ bé như con muỗi, con kiến... thì có tội nhẹ, vì cố gắng ít.

    Giết hại súc sinh có thân hình to lớn như con bò, con trâu, con voi... thì có tội nặng, vì cố gắng nhiều.

    * Chúng sinh là loài người:

    Giết hại người không có giới, người ác thì tội nhẹ.

    Giết hại người có giới đức, bậc thiện trí thì có tội nặng.

    Giết cha, giết mẹ, giết bậc Thánh Arahán thì có tội cực kỳ nặng thuộc về ác nghiệp vô gián trọng tội (anantariya-kamma) chắc chắn sẽ cho quả tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi đại địa ngục Avīci, chịu quả khổ thiêu đốt suốt thời gian lâu dài hằng đại kiếp trái đất.

    Người nào đã tạo ác nghiệp sát sinh rồi, về sau, người ấy biết hổ thẹn tội lỗi, biết ghê sợ tội lỗi, biết ăn năn hối lỗi, từ bỏ việc sát sinh, rồi cố gắng tinh tấn tạo mọi thiện nghiệp; như vậy, người ấy dù có tội nặng cũng được giảm bớt trở thành tội nhẹ; còn tội nhẹ thì làm cho không có cơ hội cho quả của ác nghiệp ấy (nhưng không phải tạo thiện nghiệp, rồi sẽ xóa được ác nghiệp).

    Người nào đã tạo ác nghiệp sát sinh rồi mà không biết hổ thẹn tội lỗi, không biết ghê sợ tội lỗi, không biết ăn năn hối lỗi, không từ bỏ sự sát sinh, vẫn cứ tiếp tục tạo ác nghiệp sát sinh hằng ngày như người đồ tể giết bò, giết heo, giết gà, giết vịt... để bán thịt; như vậy, người ấy đã có tội nặng lại càng nặng thêm; có tội nhẹ thì trở thành tội nặng, bởi vì ác nghiệp thường hành hằng ngày, ác nghiệp được tích lũy lâu ngày.

    Quả xấu của ác nghiệp sát sinh

    Người nào phạm giới sát sinh, giết hại sinh mạng của chúng sinh, dù lớn dù nhỏ cũng tạo nên ác nghiệp sát sinh. Nếu có tội nặng, thì sau khi người ấy chết, ác nghiệp sát sinh ấy cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp kế tiếp trong 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh), chịu quả khổ của ác nghiệp ấy cho đến khi mãn quả của ác nghiệp ấy, mới thoát được khỏi cõi ác giới.

    Sau khi thoát khỏi cõi ác giới, nếu trường hợp thiện nghiệp nào khác cho quả tái sinh làm người; và trường hợp, nếu người nào phạm giới sát sinh, tạo ác nghiệp sát sinh có tội nhẹ; sau khi người ấy chết, ác nghiệp ấy không có khả năng cho quả tái sinh kiếp sau, mà thiện nghiệp nào khác có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh làm người; thì cả 2 trường hợp này, người ấy sẽ còn phải chịu quả xấu của ác nghiệp sát sinh từ kiếp quá khứ.

    Trong Chú giải Khuddakapātha giảng giải về 23 quả xấu của ác nghiệp sát sinh từ kiếp quá khứ như sau:

    1. Có thân hình tật nguyền.

    2. Có thân hình không cân đối, xấu xí.

    3. Là người chậm chạp.

    4. Có lòng bàn tay, và dưới lòng bàn chân lõm sâu (không đều đặn).

    5. Có thân hình xấu xí, đầy sẹo.

    6. Có sắc diện tối tăm.

    7. Có da thịt sần sùi.

    8. Có tính hay sợ hãi.

    9. Có sức khỏe yếu đuối.

    10. Có tật cà lăm, lời nói lặp đi lặp lại, không suôn sẻ.

    11. Bị mọi người ghét bỏ.

    12. Có những bộ hạ tùy tùng bị chia rẽ.

    13. Có tính hay giật mình, hoảng sợ.

    14. Thường bị tai nạn do khí giới, thuốc độc…

    15. Là người si mê, ngu dốt.

    16. Có rất ít bạn bè.

    17. Có thân hình dị hợm, đáng ghê sợ.

    18. Có thân hình kỳ dị.

    19. Hay bệnh hoạn ốm đau.

    20. Thường sầu não, lo sợ.

    21. Con cháu thường xa lánh.

    22. Mỗi kiếp thường bị chết yểu.

    23. Bị chết do người khác giết.

    Đó là 23 quả xấu của ác nghiệp sát sinh từ trong kiếp quá khứ.

    Tự sát có phải tạo ác nghiệp sát sinh hay không?

    Tự sát là tác ý tự giết mình, bởi do nguyên nhân nào đó, còn tạo ác nghiệp sát sinh cần phải căn cứ vào 5 chi pháp:

    1. Chúng sinh còn có sinh mạng, đó là chính mình.

    2. Biết rõ chúng sinh còn sinh mạng (paṇasaññitā), chi pháp này ám chỉ đến chúng sinh khác, không phải chính mình.

    3. Tâm nghĩ sẽ tự giết hại mình.

    4. Cố gắng tự giết hại mình bằng cách nào đó.

    Mình chết do sự cố gắng của chính mình.

    Xét theo 5 chi pháp của ác nghiệp sát sinh, thì tự sát thiếu chi pháp thứ 2 là biết rõ chúng sinh còn sinh mạng, bởi vì chi pháp này ám chỉ đến chúng sinh khác, không phải chính mình. Cho nên, tự sát không đủ 5 chi pháp của ác nghiệp sát sinh, vậy tự sát không phải tạo ác nghiệp sát sinh.

    Thật vậy, để trở thành một Đức Phật Chánh Đẳng Giác, Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác cần phải tạo đầy đủ 30 pháp hạnh ba-la-mật (10 pháp hạnh ba-la-mật bậc hạ, 10 pháp hạnh ba-la-mật bậc trung, 10 pháp hạnh ba-la-mật bậc thượng):

    - 10 pháp hạnh ba-la-mật bậc hạ: Khi tạo pháp hạnh ba-la-mật bậc hạ nào, Đức Bồ Tát cần phải hy sinh những của cải, tài sản, ngôi báu, vợ con v.v.. những gì thuộc về bên ngoài thân thể của mình, để tạo pháp hạnh ba-la-mật ấy.

    - 10 pháp hạnh ba-la-mật bậc trung: Khi bồi bổ pháp hạnh ba-la-mật bậc trung nào, Đức Bồ Tát cần phải hy sinh những bộ phận trong thân thể như đôi mắt v.v.. để bồi bổ pháp hạnh ba-la-mật ấy.

    - 10 pháp hạnh ba-la-mật bậc thượng: Khi bồi bổ pháp hạnh ba-la-mật bậc thượng nào, Đức Bồ Tát cần phải hy sinh sinh mạng của mình, để bồi bổ pháp hạnh ba-la-mật ấy cho được thành tựu.

    Đối với Chư Bồ Tát Chánh Đẳng Giác có đại thiện tâm hợp với trí tuệ dám hy sinh sinh mạng của mình, vì mục đích cứu cánh cao cả nhất, để mong trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác. Như vậy, ba-la-mật thiện nghiệp bậc thượng, chắc chắn không phải là ác nghiệp sát sinh được.

    Tuy nhiên, trong đời đối với số người tuyệt vọng cùng cực, không muốn sống trên đời này nữa, nên họ tự sát do tâm sân chán ngán cuộc đời. Xét theo nhân và quả thì tâm sân tuyệt vọng cùng cực là nhân đã phát sinh trước, rồi dẫn đến quả là tự sát. Tuy hành động tự sát này không phải là ác nghiệp sát sinh hội đầy đủ 5 chi pháp, nhưng người ấy chết do tâm sân chán ngán cuộc đời, do ác nghiệp ấy, nên khó tránh khỏi tái sinh kiếp sau trong 4 cõi ác giới.

    Nếu bị tái sinh kiếp sau trong 4 cõi ác giới, thì ác nghiệp tâm sân phát sinh trước khi tự sát là nguyên nhân dẫn đến trước lúc lâm chung tâm bị ô nhiễm; chính ác nghiệp phát sinh trước lúc lâm chung ấy cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trong 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh) chứ không phải do ác nghiệp tự sát.

    1.2. Ác nghiệp trộm cắp

    Sự trộm cắp là một ác nghiệp chiếm đoạt của cải, tài sản, đất đai, nhà cửa… mà người chủ không sẳn lòng cho.

    Người tạo ác nghiệp trộm cắp bằng nhiều cách:

    Lén vào nhà trộm cắp của cải, tài sản của chủ nhà.

    Dùng sức mạnh cướp đoạt của cải, tài sản, đất đai, nhà cửa… của người khác.

    Dùng quyền lực hăm dọa, bắt buộc người khác trao của cải, tài sản… cho mình.

    Lừa gạt, dối trá để chiếm đoạt của cải, tài sản… của người khác.

    Dùng phù phép, bùa mê làm mê hoặc người khác để chiếm đoạt của cải, tài sản v.v…

    Dùng phép thuật thôi miên khiến cho người khác làm theo ý đồ xấu xa của mình; làm cho người khác không còn biết tự chủ mà trao của cải, tài sản… của họ đến cho mình.

    Hành vi tham nhũng, tham ô chiếm đoạt của cải, tài sản tư nhân; của cải, tài sản của tập thể; của cải, tài sản của nhà nước v.v…

    Bằng mọi cách mà chiếm đoạt của cải, tài sản… của người khác một cách bất hợp pháp đều tạo ác nghiệp trộm cắp.

    Chi pháp của ác nghiệp trộm cắp

    Để biết ác nghiệp trộm cắp có hội đầy đủ các chi pháp hay không hội đầy đủ các chi pháp, thì căn cứ vào 5 chi pháp của ác nghiệp trộm cắp như sau:

    1. Parapariggahitaṃ: Của cải có chủ nhân giữ gìn.

    2. Parapariggahitasaññitā: Biết rõ của cải, tài sản có chủ nhân giữ gìn.

    3. Theyyacittaṃ: Tâm nghĩ trộm cắp.

    4. Payogo: Cố gắng để trộm cắp.

    5. Avahāro: Chiếm được của cải, tài sản ấy bằng sự cố gắng ấy.

    Nếu hội đầy đủ 5 chi pháp của ác nghiệp trộm cắp này, thì gọi là người ấy tạo ác nghiệp trộm cắp hội đủ các chi pháp; nhưng nếu không hội đầy đủ 5 chi pháp này, thì gọi là người ấy tạo ác nghiệp trộm cắp không hội đầy đủ các chi pháp. Quả của 2 loại ác nghiệp trộm cắp này có sự khác biệt nhau:

    - Nếu ác nghiệp trộm cắp hội đầy đủ 5 chi pháp này, thì ác nghiệp ấy có khả năng, có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh, và trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu.

    - Nếu ác nghiệp trộm cắp không hội đầy đủ các chi pháp này, thì ác nghiệp ấy không có khả năng, không có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh, mà chỉ có khả năng cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu mà thôi, nếu khi có cơ hội cho quả.

    Cố gắng tạo ác nghiệp trộm cắp

    Người cố gắng tạo ác nghiệp trộm cắp bằng 6 cách:

    1. Sāhatthikapayoga: Tự mình cố gắng tạo ác nghiệp trộm cắp, nghĩa là tự mình cố gắng bằng nhiều cách để chiếm đoạt của cải, tài sản… của người khác một cách bất hợp pháp.

    2. Āṇattikapayoga: Cố gắng sai khiến người khác tạo ác nghiệp trộm cắp bằng lời nói; hoặc bằng chữ viết gửi cho họ, sai khiến họ tạo ác nghiệp trộm cắp của cải, tài sản của người khác.

    3. Nissaggiyapayoga: Cố gắng ném hàng hóa qua cửa khẩu, hoặc cất giấu hàng hóa qua cửa khẩu để trốn thuế.

    4. Thāvarapayoga: Cố gắng sai khiến bộ hạ rằng: “Nếu có cơ hội lúc nào, chúng mày hãy cố gắng trộm cắp, chiếm đoạt của cải, tài sản người khác cho bằng được” thời gian mau hoặc lâu không hạn định.

    5. Vijjāmayapayoga: Cố gắng sử dụng bùa chú, phù phép làm cho chủ nhân mê, rồi chiếm đoạt của cải, tài sản của họ; hoặc dùng phép thuật thôi miên điều khiển chủ nhân theo ý đồ xấu của mình, bằng cách sai khiến, bắt buộc chủ nhân trao của cải, tài sản cho mình một cách bất hợp pháp.

    6. Iddhimayapayoga: Cố gắng sử dụng phép thần thông của mình để lấy một thứ nào đó mà không gây ra sự thiệt hại cho chủ nhân.

    Ác nghiệp trộm cắp có tội nặng - tội nhẹ

    Người đã tạo ác nghiệp trộm cắp có tội nhẹ hoặc tội nặng, cần phải căn cứ vào tác ý ác (akusalacetanā) chiếm đoạt của cải, tài sản… và chủ nhân.

    * Căn cứ vào giá trị của cải, tài sản:

    Nếu người nào trộm cắp của cải, tài sản… có giá trị ít, thì người ấy có tội nhẹ.

    Nếu người nào trộm cắp của cải, tài sản… có giá trị nhiều, thì người ấy có tội nặng.

    Nếu người nào trộm cắp của cải, tài sản… của người không có giới đức trong sạch, thì người ấy có tội nhẹ.

    Nếu người nào trộm cắp của cải, tài sản… của người có giới đức trong sạch, thì người ấy có tội nặng.

    Nếu người nào trộm cắp của cải, tài sản… của riêng cá nhân, thì người ấy có tội nhẹ.

    Nếu người nào trộm cắp của cải, tài sản… của chung trong tập thể, của nhà nước... thì người ấy có tội nặng.

    * Chủ nhân có 4 hạng:

    1. Của cải, tài sản… của người tại gia, của nhà nước.

    2. Của cải vật dụng của bậc xuất gia là Sadi, Tỳ khưu.

    3. Của cải vật dụng của nhóm là Tỳ khưu, Sadi từ 2 - 3 vị.

    4. Của cải vật dụng của chư Tỳ khưu Tăng.

    Trong 4 hạng chủ nhân này:

    Nếu người nào trộm cắp của cải, tài sản… của người tại gia, của cải, tài sản của nhà nước thì người ấy có tội nhẹ; trộm cắp của cải vật dụng của bậc xuất gia là Sadi, Tỳ khưu, thì có tội nặng.

    Nếu người nào trộm cắp của cải vật dụng của cá nhân vị Sadi, Tỳ khưu, thì người ấy có tội nhẹ; trộm cắp của cải vật dụng của nhóm Tỳ khưu 2 - 3 vị, thì có tội nặng.

    Nếu người nào trộm cắp của cải vật dụng của chư Tỳ khưu Tăng, thì người ấy có tội nặng nhất.

    Chủ nhân còn có 5 hạng:

    Chủ nhân là hạng phàm nhân và bậc Thánh Nhân nên phân loại có 5 hạng:

    1. Của cải, tài sản… của các hạng phàm nhân.

    2. Của cải, tài sản… của bậc Thánh Nhập Lưu.

    3. Của cải, tài sản… của bậc Thánh Nhất Lai.

    4. Của cải, tài sản… của bậc Thánh Bất Lai.

    5. Của cải vật dụng của bậc Thánh Arahán.

    Trong 5 hạng chủ nhân này:

    Nếu người nào trộm cắp của cải, tài sản… của hạng phàm nhân, thì người ấy có tội nhẹ; trộm cắp của cải, tài sản… của bậc Thánh Nhập Lưu, thì có tội nặng.

    Nếu người nào trộm cắp của cải, tài sản… của bậc Thánh Nhập Lưu, thì người ấy có tội nhẹ; trộm cắp của cải, tài sản… của bậc Thánh Nhất Lai, thì có tội nặng.

    Nếu người nào trộm cắp của cải, tài sản… của bậc Thánh Nhất Lai, thì người ấy có tội nhẹ; trộm cắp của cải, tài sản… của bậc Thánh Bất Lai, thì có tội nặng.

    Nếu người nào trộm cắp của cải, tài sản… của bậc Thánh Bất Lai, thì người ấy có tội nhẹ; trộm cắp của cải vật dụng của bậc Thánh Arahán, có tội nặng nhất.

    Tóm lại, người nào trộm cắp của cải, tài sản… có giá trị càng nhiều, thì người ấy có tội càng nặng. Người nào trộm cắp của cải, tài sản… của người có giới đức trong sạch hoàn toàn, thì người ấy càng có tội nặng hơn.

    Quả xấu của ác nghiệp trộm cắp

    Người nào phạm giới trộm cắp của cải, tài sản của người khác dù ít, dù nhiều cũng tạo nên ác nghiệp trộm cắp. Nếu có tội nặng, thì sau khi người ấy chết, ác nghiệp trộm cắp cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trong 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh), chịu quả khổ của ác nghiệp ấy cho đến khi mãn quả của ác nghiệp ấy, mới thoát được khỏi cõi ác giới,

    Sau khi thoát khỏi cõi ác giới, nếu trường hợp thiện nghiệp nào khác cho quả tái sinh làm người; và trường hợp, nếu người nào phạm giới trộm cắp, tạo nên ác nghiệp trộm cắp có tội nhẹ, sau khi người ấy chết, ác nghiệp trộm cắp ấy không có khả năng cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, mà thiện nghiệp nào khác cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau làm người, thì cả hai trường hợp này, người ấy sẽ còn phải chịu quả xấu của ác nghiệp trộm cắp từ kiếp quá khứ.

    Trong Chú giải Khuddakapātha giảng giải về 11 quả xấu của ác nghiệp trộm cắp từ kiếp quá khứ như sau:

    1. Không thể có những thứ của cải quý giá.

    2. Thiếu thốn những nhu yếu phẩm như lúa gạo, tiền bạc, đồ dùng, v.v…

    3. Là người nghèo khổ túng thiếu của cải.

    4. Không phát triển được những thứ của cải mới.

    5. Khi làm ra được của cải quý giá, thì không giữ gìn được lâu dài.

    6. Không thể có được thứ của cải mà mình mong muốn.

    7. Khi có được của cải, thì thường bị thiệt hại do lửa thiêu cháy, do nước lũ cuốn trôi, do kẻ trộm cướp chiếm đoạt, do nhà Vua tịch thu...

    8. Của cải được phát triển, thì cũng liên quan đến nhiều người, không riêng cho mình được.

    9. Là người không thể nào chứng đắc được pháp Siêu tam giới (4 Thánh Đạo + 4 Thánh Quả và Niết Bàn).

    10. Là người thường nghe đến danh từ ‘không có’.

    11. Là người sống không được an lạc.

    Đó là 11 quả xấu của ác nghiệp trộm cắp từ trong kiếp quá khứ.

    Trường hợp tạo ác nghiệp trộm cắp, không tạo ác nghiệp trộm cắp (tạo thiện nghiệp)

    * Căn cứ vào đâu để xác định ác nghiệp, thiện nghiệp?

    Ác nghiệp hay thiện nghiệp được căn cứ vào tác ý tâm sở (cetanācetasika) là chính.

    Nếu có tác ý ác (akusalacetanā) đồng sinh với bất thiện tâm (ác tâm), thì tạo bất thiện nghiệp (ác nghiệp).

    Nếu có tác ý thiện (kusalacetanā) đồng sinh với thiện tâm, thì tạo thiện nghiệp.

    Ví dụ 1: Tạo ác nghiệp

    Trường hợp một người nhìn thấy con mèo cắn cổ con gà đã chết mang đi ăn thịt; người ấy có tác ý ác muốn giành lại con gà để ăn thịt, chạy đuổi theo, thì con mèo hoảng sợ chạy bỏ lại con gà; Người ấy đem con gà về nhà làm thịt ăn.

    Như vậy, người ấy đã tạo ác nghiệp trộm cắp con gà của con mèo.

    Ví dụ 2: Tạo thiện nghiệp

    Trường hợp một người nhìn thấy con mèo cắn con gà còn sống, con gà vẫy cánh cầu cứu; người ấy có tác ý thiện muốn cứu mạng con gà, chạy đuổi theo, thì con mèo hoảng sợ chạy bỏ lại con gà. Người ấy đến ẵm con gà đem về nhà, chữa trị cho lành vết thương của con gà, cứu sống con gà.

    Như vậy, người ấy không tạo ác nghiệp trộm cắp con gà, mà đã tạo thiện nghiệp cứu sống con gà.

    Cho nên, muốn biết người ấy đã tạo ác nghiệp hoặc thiện nghiệp, thì căn cứ vào tác ý ác hoặc tác ý thiện.

    Nếu có tác ý ác đồng sinh với bất thiện tâm (ác tâm), thì tạo nên ác nghiệp. Nếu có tác ý thiện đồng sinh với đại thiện tâm, thì tạo nên thiện nghiệp; mà bất thiện tâm (ác tâm) hoặc thiện tâm phát sinh thì chính người ấy biết rõ, hoặc những bậc có tha tâm thông mới có khả năng biết rõ, và chư thiên cũng có khả năng biết rõ được ngay khi ấy. Còn những người bình thường khác, muốn biết thiện nghiệp hoặc ác nghiệp của người ấy, thì phải có thời gian sớm hoặc muộn mới có thể biết được.

    Đối với người làm ác nghiệp, Đức Phật dạy rằng:

    “Natthi loke raho nāma,

    Pāpakammaṃ pakubbakā…”.

    (Trong đời này, không có nơi kín đáo,

    Đối với người đã tạo ác nghiệp…).

    Thông thường người nào làm ác nghiệp nào cũng có tâm si mê, người ấy tự suy nghĩ rằng: “Ác nghiệp này không một ai có thể biết được đâu!”.

    Nhưng thực ra, chính họ là người biết rõ ác nghiệp ấy, những bậc có tha tâm thông cũng biết rõ ác nghiệp ấy, và chư thiên có thiên nhãn cũng biết rõ ác nghiệp ấy. Về sau, trải qua thời gian sớm hay muộn nhiều người cũng biết được ác nghiệp ấy. Bởi vì, ác nghiệp đã được tạo rồi, đã gây thiệt hại cho người khác, chúng sinh khác rồi, thì chắc chắn không thể nào giấu kín được, không sớm thì muộn mọi người cũng đều biết ác nghiệp của người ấy. Vì vậy, Đức Phật dạy:

    “Natthi loke raho nāma,

    Pāpakammaṃ pakubbakā…”

    (Trong đời này, không có nơi kín đáo,

    Đối với người đã tạo ác nghiệp…).

    * Trường hợp vị Sadi đến gặp vị Long vương trông coi hồ nước, để xin nước uống. Vị Long vương không chịu cho nước, nên vị Sadi sử dụng thần thông bay lên hư không, rồi đáp xuống giữa hồ lấy bát múc nước uống. Việc làm của Sadi không gọi là ác nghiệp trộm cắp, bởi vì số lượng nước uống quá ít so với số lượng nước trong hồ.

    * Trường hợp Đức vua Sakka trị vì trên cõi trời Tam Thập Tam Thiên là bậc Thánh Nhập Lưu, có giới hạnh hoàn toàn trong sạch. Đức vua trời Sakka, bằng thiên nhãn tự nhiên nhìn thấy Bàlamôn Doṇa đứng ra phân chia Xá lợi của Đức Phật Gotama cho 8 Đức vua của 8 nước. Ông Bàlamôn thỉnh Xá lợi Răng Nhọn giấu trong túi tóc trên đầu của ông. Đức vua trời Sakka suy xét rằng: “Bàlamôn Doṇa không có khả năng xây Bảo tháp xứng đáng để tôn thờ Xá lợi Răng Nhọn của Đức Thế Tôn, ta nên thỉnh Xá lợi Răng Nhọn của Đức Thế Tôn đem về tôn thờ trên cõi trời Tam Thập Tam Thiên ”.

    Sau khi suy xét đúng đắn xong, Đức vua trời Sakka hiện xuống thỉnh Xá lợi Răng Nhọn của Đức Thế Tôn, tôn kính đặt vào trong một cái hộp bằng vàng, rồi thỉnh đem về đặt tôn thờ trong ngôi Bảo tháp Cūḷamanī tại cung trời Tam Thập Tam Thiên.

    Hành vi của Đức vua trời Sakka không tạo ác nghiệp trộm cắp, bởi vì Đức vua có tác ý thiện tôn kính Xá lợi Răng Nhọn của Đức Thế Tôn. Đức vua muốn Xá lợi Răng Nhọn của Đức Thế Tôn phải được tôn thờ tại ngôi Bảo Tháp xứng đáng.

    v.v...

    1.3 Ác nghiệp tà dâm

    Sự tà dâm là sự hành dâm, sự quan hệ tình dục với người khác mà không phải là vợ, là chồng của nhau. Sự tà dâm là một hành vi xấu xa, bất chính, thấp hèn mà chư thiện trí chê trách; tà dâm là ác nghiệp, do đó gọi là ác nghiệp tà dâm.

    Nếu người đàn ông và người đàn bà là vợ chồng của nhau, đúng theo phong tục tập quán, được hai bên cha mẹ, bà con dòng họ công nhận, được chính quyền chấp thuận đúng theo luật, được mọi người đều công nhận… thì sự hành dâm, sự quan hệ tình dục giữa vợ chồng của nhau không gọi là tà dâm, bởi vì đó là việc bình thường của những người tại gia, cũng không bị mọi người chê trách.

    Chi pháp của ác nghiệp tà dâm

    Để biết được ác nghiệp tà dâm có hội đầy đủ các chi pháp hay không hội đầy đủ các chi pháp, thì căn cứ vào 4 chi pháp của ác nghiệp tà dâm như sau:

    1. Agamaniyavatthu: Đối tượng là người nữ không được quan hệ tình dục.

    2. Tasmiṃ sevanacittaṃ: Tâm tham muốn quan hệ tình dục.

    3. Payogo: Cố gắng hành dâm.

    4. Maggenamaggapaṭipatti addhivāsaṃ: Tâm thỏa thích trong sự tiếp xúc giữa hai bộ phận sinh dục nam và nữ.

    Nếu hội đầy đủ 4 chi pháp của ác nghiệp tà dâm này, thì gọi là người ấy tạo ác nghiệp tà dâm hội đầy đủ các chi pháp; nhưng nếu không hội đầy đủ 4 chi pháp này, thì gọi là người ấy tạo ác nghiệp tà dâm không hội đầy đủ các chi pháp. Quả của 2 loại ác nghiệp tà dâm này có sự khác biệt nhau:

    Nếu ác nghiệp tà dâm hội đầy đủ 4 chi pháp này, thì ác nghiệp ấy có khả năng, có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, và trong thời sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu.

    Nếu ác nghiệp tà dâm không hội đầy đủ 4 chi pháp này, thì ác nghiệp ấy không có khả năng, không có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh, mà chỉ có khả năng cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu mà thôi, nếu khi có cơ hội cho quả.

    Giảng giải về chi pháp của ác nghiệp tà dâm

    Đối tượng 20 người nữ mà người nam không được phép quan hệ tình dục là:

    1. Con gái có mẹ trông nom (cha chết hay ở xa).

    2. Con gái có cha trông nom (mẹ chết hay ở xa).

    3. Con gái có mẹ cha trông nom.

    4. Con gái có chị hoặc em gái trông nom.

    5. Con gái có anh hoặc em trai trông nom.

    6. Con gái có bà con trông nom.

    7. Con gái có dòng họ trông nom (nếu con gái sống ở ngoại quốc, thì có người cùng nòi giống trông nom).

    8. Con gái hành phạm hạnh có thầy, bạn trông nom.

    9. Con gái đã được Đức vua hoặc người có quyền thế đến mai mối rồi.

    10. Con gái đã nhận lễ hứa hôn (lễ ăn hỏi) của đằng trai.

    11. Con gái đã được một người đàn ông chuộc về làm vợ.

    12. Con gái đã ưng thuận đi theo người mình yêu, để làm vợ.

    13. Con gái đã ưng thuận làm vợ của một người đàn ông với hy vọng có được của cải.

    14. Con gái đã ưng thuận làm vợ của một người đàn ông với hy vọng có được đồ trang sức.

    15. Con gái đã làm lễ thành hôn với một người đàn ông đúng theo phong tục tập quán.

    16. Con gái nghèo buôn bán, đã được một người đàn ông thương yêu, rồi đem về nuôi, để làm vợ (con gái không còn buôn bán nữa).

    17. Con gái là tù nhân đã được người đàn ông lấy làm vợ.

    18. Con gái làm trong công sở đã được người chủ sở lấy làm vợ.

    19. Con gái tôi tớ trong nhà đã được người chủ nhà lấy làm vợ.

    20. Con gái chịu làm vợ trong thời gian ngắn (như các cô kỹ nữ).

    Trong 20 hạng con gái ấy, 8 hạng con gái phần đầu kể từ “con gái có mẹ trông nom” cho đến “con gái là người hành phạm hạnh” tuy có người thân trông nom bảo vệ, nhưng người thân này không phải là chủ cuộc đời của họ. 8 hạng con gái này là người chưa có chồng, chưa có người đàn ông nào làm chủ cuộc đời của họ.

    Do đó, nếu những người con gái này tự ý lén lút yêu thương một người con trai còn độc thân, và hai người này đã có quan hệ tình dục với nhau, nếu xét về nghiệp, thì người con gái ấy không tạo ác nghiệp tà dâm hội đầy đủ 4 chi pháp, chỉ có người con trai phạm giới tạo ác nghiệp tà dâm hội đầy đủ 4 chi pháp mà thôi, bởi vì người con trai ấy đã xúc phạm đến hạng người con gái mà người thân của cô ấy chưa cho phép.

    Tuy người con gái không tạo ác nghiệp tà dâm hội đầy đủ 4 chi pháp, nhưng đó là một hành vi xấu xa không đúng theo phong tục tập quán, đáng cho mọi người chê trách, cha mẹ, bà con dòng họ bị mang tiếng xấu. Cho nên, người con gái cảm thấy hổ thẹn, hối hận, làm cho tâm bị ô nhiễm, có thể cho quả tái sinh trong 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh).

    12 hạng con gái còn lại, kể từ hạng con gái thứ 9 cho đến hạng con gái thứ 20, là người đã có chồng, đã có người đàn ông làm chủ cuộc đời của họ (cô kỹ nữ ưng thuận làm vợ của một người đàn ông trong thời gian ngắn, cô vẫn được xem như đã có chồng).

    Trong 12 hạng con gái này, nếu người con gái nào tự ý ngoại tình và có quan hệ tình dục với một người đàn ông nào khác (không phải là chồng của mình), thì người con gái ấy đã phạm giới tà dâm tạo ác nghiệp tà dâm hội đầy đủ 4 chi pháp. Và người đàn ông có quan hệ tình dục với 12 hạng người con gái này cũng phạm giới tà dâm tạo ác nghiệp tà dâm hội đầy đủ 4 chi pháp.

    Như vậy, người con trai không được phép quan hệ tình dục với 20 hạng con gái này. Nếu người con trai nào có quan hệ tình dục với 1 trong 20 hạng người con gái này, thì người con trai ấy tạo ác nghiệp tà dâm. Và người đàn ông nào đã có vợ (dù là vợ chưa cưới), người vợ ấy đã là chủ cuộc đời của ông, nếu người đàn ông ấy tự ý ngoại tình và có quan hệ tình dục với một người đàn bà nào khác (không phải là vợ của mình), thì người đàn ông ấy tạo ác nghiệp tà dâm.

    Sự cố gắng hành dâm

    Sự cố gắng hành dâm là hành vi của thân môn, không phải lời nói từ khẩu môn. Do đó, người tạo ác nghiệp tà dâm chính tự thân mình, không phải sai khiến người khác. Cho nên ác nghiệp tà dâm chỉ được tạo do chính tự mình mà thôi, không do người khác, còn ác nghiệp sát sinh, ác nghiệp trộm cắp... được tạo do chính mình và do sai khiến người khác.

    Tội nặng - tội nhẹ của ác nghiệp tà dâm

    Người tạo ác nghiệp tà dâm với người có giới đức, thì phạm tội nặng.

    Người tạo ác nghiệp tà dâm với người không có giới đức, thì phạm tội nhẹ.

    Người tạo ác nghiệp tà dâm bằng cách hiếp dâm, dù với người không có giới, thì vẫn phạm tội nặng.

    Người tạo ác nghiệp tà dâm giữa hai bên nam nữ cùng thỏa thích với nhau, thì phạm tội nhẹ.

    Người tạo ác nghiệp tà dâm với bậc Thánh Nhân, thì phạm tội nặng hơn tạo ác nghiệp tà dâm với hạng phàm nhân.

    Người tạo ác nghiệp tà dâm với bậc Thánh Nhân càng cao, thì phạm tội càng nặng.

    Người hiếp dâm bậc Thánh nữ Arahán, thì phạm tội nặng nhất.

    Như trường hợp tên Nanda hiếp dâm Ngài Đại đức Tỳ khưu ni Uppalavaṇṇā, là bậc Thánh Arahán. Tên Nanda đã phạm tội nặng làm cho mặt đất nứt nẻ ra, hút gã vào sâu trong lòng đất. Sau khi chết, do ác nghiệp ấy cho quả tái sinh vào cõi đại địa ngục Avīci, chịu quả khổ suốt thời gian lâu dài.

    Vấn đề liên quan đến tà dâm

    Người đàn bà nào đã có chồng, nghĩa là người đàn bà đã có người đàn ông làm chủ và cũng đã chấp nhận làm vợ của người đàn ông ấy rồi; như vậy, phần thể xác của cô đã có chủ, cô có phận sự giữ gìn thể xác của mình, chỉ dành cho người chồng của cô mà thôi.

    Nếu cô ấy ngoại tình, yêu một người đàn ông khác, và có quan hệ tình dục với người đàn ông ấy, thì cô đã tự trộm cắp thể xác đã có chủ đem trao cho người đàn ông khác, cho nên cô ấy tạo ác nghiệp tà dâm.

    Cũng tương tự như vậy, người đàn ông đã có vợ, nghĩa là người đàn ông đã có một người đàn bà làm chủ và cũng đã chấp nhận làm chồng của cô ấy rồi; như vậy, phần thể xác của ông ấy đã có chủ, ông ấy có phận sự giữ gìn thể xác của mình, chỉ dành cho người vợ của mình mà thôi.

    Nếu ông ấy ngoại tình, yêu một người đàn bà nào khác, và có quan hệ tình dục với người đàn bà ấy, thì ông đã tự trộm cắp thể xác đã có chủ đem trao cho người đàn bà khác, cho nên ông ấy tạo ác nghiệp tà dâm.

    Quả xấu của ác nghiệp tà dâm

    Người nào tạo ác nghiệp tà dâm với vợ, chồng, con người khác; nếu có tội nặng, thì sau khi người ấy chết, ác nghiệp tà dâm ấy cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trong 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh), chịu quả khổ của ác nghiệp ấy cho đến khi mãn quả của ác nghiệp ấy mới thoát được khỏi cõi ác giới.

    Sau khi thoát khỏi cõi ác giới, nếu trường hợp thiện nghiệp nào khác cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau làm người; và trường hợp, nếu người nào tạo ác nghiệp tà dâm có tội nhẹ, sau khi người ấy chết, ác nghiệp tà dâm ấy không có khả năng cho quả tái sinh kiếp sau, mà thiện nghiệp nào khác cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau làm người; thì cả hai trường hợp này, người ấy sẽ còn phải chịu quả xấu của ác nghiệp tà dâm từ kiếp quá khứ.

    Trong Chú giải Khuddakapātha giảng giải về 20 quả xấu của ác nghiệp tà dâm từ kiếp quá khứ như sau:

    1. Là người có nhiều người oan trái.

    2. Là người có nhiều người thù ghét.

    3. Là người nghèo khổ, thiếu thốn.

    4. Là người ngủ không được an lạc.

    5. Là người thức không được an lạc.

    6. Là người không tránh khỏi 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh).

    7. Là người ái nam, ái nữ (không phải đàn ông, cũng không phải đàn bà).

    8. Là người có tính hay nóng giận.

    9. Là người sinh vào dòng họ thấp hèn, hạng người thấp hèn.

    10. Là người có tính không minh bạch, hay che giấu tội lỗi.

    11. Là người có thân hình tật nguyền, xấu xí.

    12. Là người có sắc diện mặt mày sầu não, khổ tâm.

    13. Là người bị mọi người coi thường khinh bỉ, không tin tưởng.

    14. Là người khuyết tật: Đui mù, câm điếc,...

    15. Sinh làm người đàn bà (tiền kiếp là người đàn ông).

    16. Là người có nhiều chứng bệnh đáng ghê sợ.

    17. Là người không biết đủ, sống khổ cực.

    18. Là người sống nơi nào cũng không được an lạc.

    19. Là người gặp nhiều tai hại, oan trái với mọi người.

    20. Là người sống xa người thân yêu, hay bị ruồng bỏ.

    Đó là 20 quả xấu của ác nghiệp tà dâm từ kiếp quá khứ.

    Tóm lại, thân ác nghiệp là ác nghiệp phần nhiều được tạo bằng thân môn hành động, còn gọi là thân hành ác, có 3 loại ác nghiệp:

    Ác nghiệp sát sinh.

    Ác nghiệp trộm cắp.

    Ác nghiệp tà dâm.

    Ác nghiệp sát sinh và ác nghiệp trộm cắp không những được tạo phần nhiều bằng thân môn hành động, mà còn có thể được tạo bởi khẩu môn sai khiến, ra kệnh, truyền lệnh người khác sát sinh, trộm cắp theo lời nói của người ấy.

    Như vậy, tuy ác nghiệp sát sinh và ác nghiệp trộm cắp cũng được tạo bằng khẩu, nhưng không thuộc về khẩu ác nghiệp mà thuộc về thân ác nghiệp là vì 2 ác nghiệp này phần nhiều được tạo bằng thân môn hơn là bằng khẩu môn.

    Ác nghiệp tà dâm chỉ được tạo bằng thân môn do mình hành động mà thôi; ác nghiệp tà dâm này không phải tạo bằng khẩu môn sai khiến người khác.

    Trong 10 ác nghiệp theo 3 môn: Thân môn, khẩu môn, ý môn thì ác nghiệp sát sinh, ác nghiệp trộm cắp và ác nghiệp tà dâm đều thuộc về thân hành ác.

    2. Khẩu ác nghiệp:

    Khẩu ác nghiệp là tác ý ác được biểu hiện ra ở khẩu môn nói ác còn gọi là khẩu hành ác có 4 loại ác nghiệp:

    Ác nghiệp nói dối.

    Ác nghiệp nói lời chia rẽ.

    Ác nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc).

    Ác nghiệp nói lời vô ích.

    2.1. Ác nghiệp nói dối

    Sự nói dối là lời nói không thật, với tác ý ác để lừa dối người nghe làm cho họ tin là thật.

    * Nói dối như thế nào?

    Vật nào mình có, nói dối rằng: “Tôi không có vật ấy”.

    Vật nào mình không có, nói dối rằng: “Tôi có vật ấy”.

    Điều nào mình biết rõ, nói dối rằng: “Tôi không biết rõ điều ấy”.

    Điều nào mình không biết rõ, nói dối rằng: “Tôi biết rõ điều ấy”.

    Điều mình thấy, nói dối rằng: “Tôi không thấy”.

    Điều mình không thấy, nói dối rằng: “Tôi có thấy”.

    Điều mình nghe, nói dối rằng: “Tôi không nghe”.

    Điều mình không nghe, nói dối rằng: “Tôi có nghe”.

    Điều mình biết, nói dối rằng: “Tôi không biết”.

    Điều mình không biết, nói dối rằng: “Tôi có biết”.

    V.v… người nói trái với sự thật có tác ý ác để lừa dối người nghe làm cho họ tin là sự thật, đó là ác nghiệp nói dối.

    Chi pháp của ác nghiệp nói dối

    Đế biết ác nghiệp nói dối có hội đầy đủ các chi pháp hay không hội đầy đủ các chi pháp, thì căn cứ vào 4 chi pháp của ác nghiệp nói dối như sau:

    1. Atthavatthu: Điều không thật, vật không có.

    2. Visaṃvādacittatā: Tâm nghĩ lừa dối.

    Payoga: Cố gắng lừa dối bằng lời nói hoặc bằng thân cử động theo tâm nghĩ lừa dối của mình.

    3. Tadattha vijānanaṃ: Người nghe tin theo sự lừa dối ấy.

    Nếu hội đầy đủ 4 chi pháp của ác nghiệp nói dối, thì gọi là người ấy tạo ác nghiệp nói dối hội đầy đủ các chi pháp; nhưng nếu không hội đầy đủ 4 chi pháp này, thì gọi là người ấy tạo ác nghiệp nói dối không hội đầy đủ các chi pháp. Quả của 2 loại ác nghiệp nói dối này có sự khác biệt nhau:

    Nếu ác nghiệp nói dối hội đầy đủ 4 chi pháp này, thì ác nghiệp ấy có khả năng, có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, và trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu.

    Nếu ác nghiệp nói dối không hội đầy đủ 4 chi pháp này, thì ác nghiệp ấy không có khả năng, không có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh, mà chỉ có khả năng cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu mà thôi, nếu khi có cơ hội cho quả.

    Cố gắng tạo ác nghiệp nói dối

    Người tạo ác nghiệp nói dối bằng lời nói hoặc bằng thân hành động có 4 cách:

    1. Tự mình cố gắng lừa dối bằng lời nói, bằng thân cử động lắc đầu phủ nhận điều có thật, hoặc gật đầu khẳng định điều không có thật.

    2. Sai khiến người khác lừa dối bằng khẩu hoặc bằng thân.

    3. Viết chuyện không có thật trong thư, trên báo, nói trong đài phát thanh… lan truyền cho độc giả, thính giả… tin theo.

    4. Viết sách nội dung không có thật, ghi âm thanh vào băng, đĩa, phim, hình… có tính cách lâu dài, để lừa dối độc giả, thính giả, khán giả… tin theo.

    Người nào có tác ý lừa dối người khác, nếu người khác tin theo sự lừa dối của mình, thì người ấy tạo ác nghiệp nói dối hợp đầy đủ 4 chi pháp. Nhưng nếu người khác không tin theo sự lừa dối của mình, thì người ấy tạo ác nghiệp nói dối không hợp đầy đủ chi pháp.

    Tội nặng - tội nhẹ của ác nghiệp nói dối

    Người tạo ác nghiệp nói dối có tội nặng hoặc tội nhẹ được căn cứ vào sự thiệt hại nhiều hoặc ít đến cho người tin theo sự nói dối ấy.

    Nếu người tạo ác nghiệp nói dối đã gây ra sự thiệt hại nhiều đến cho người tin theo lời nói dối, thì người nói dối ấy có tội nặng, có khả năng cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trong 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh).

    Nếu người tạo ác nghiệp nói dối không gây ra sự thiệt hại nào đáng kể đến cho người tin theo sự nói dối ấy, thì người nói dối ấy có tội nhẹ, không có khả năng cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trong 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh).

    Quả xấu của ác nghiệp nói dối

    Người nào tạo ác nghiệp nói dối, nếu có tội nặng, thì sau khi người ấy chết, ác nghiệp nói dối cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trong 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh), chịu quả khổ của ác nghiệp ấy cho đến khi mãn quả của ác nghiệp ấy mới thoát được khỏi cõi ác giới.

    Sau khi thoát khỏi cõi ác giới, nếu trường hợp thiện nghiệp nào khác cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau làm người; và trường hợp, nếu người nào tạo nên ác nghiệp nói dối có tội nhẹ, sau khi người ấy chết, ác nghiệp nói dối ấy không có khả năng cho quả tái sinh kiếp sau, mà thiện nghiệp nào khác cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau làm người; thì cả hai trường hợp này, người ấy sẽ còn phải chịu quả xấu của ác nghiệp nói dối từ kiếp quá khứ.

    Trong Chú giải Khuddakapātha giảng giải về 14 quả xấu của ác nghiệp nói dối từ kiếp quá khứ như sau:

    1. Là người có ngũ quan (5 giác quan của con người) không trong sáng.

    2. Là người có giọng nói không rõ, khó nghe.

    3. Là người có đôi hàm răng không đều đặn, xấu xí.

    4. Là người có thân hình quá mập, dị kỳ.

    5. Là người có thân hình quá ốm, tong teo.

    6. Là người có thân hình quá thấp, lùn tịt.

    7. Là người có thân hình quá cao, lêu nghêu.

    8. Là người có da thịt sần sùi, xấu xí.

    9. Là người mà trong miệng thường thoát ra mùi hôi khó chịu.

    10. Là người nói không ai tin theo.

    11. Là người nói không ai muốn nghe.

    12. Là người có cái lưỡi cứng và ngắn.

    13. Là người có tâm thường thoái chí nản lòng.

    14. Là người có tật nói cà lăm, hoặc bị câm điếc.

    Đó là 14 quả xấu của ác nghiệp nói dối từ trong kiếp quá khứ.

    Nếu người nói dối không gây ra sự thiệt hại nào đến cho người tin theo lời nói dối ấy; thậm chí còn đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc lâu dài cho người tin theo lời nói dối ấy, thì lời nói dối ấy không có tội, mà còn có phước nữa.

    2.2. Ác nghiệp nói lời chia rẽ

    Sự nói lời chia rẽ là lời nói làm cho người này và người kia hiểu lầm nhau, rồi ghét bỏ lẫn nhau, để mong được hai người ấy cùng thương yêu và tin tưởng nơi người nói lời chia rẽ ấy.

    Ví dụ: Cậu A và cô B là hai người bạn thân thiết với nhau, cô C phát sinh tâm ganh tỵ đặt điều nói xấu để cho cậu A và cô B hiểu lầm nhau, rồi ghét bỏ lẫn nhau, bằng cách như sau:

    Lén tìm đến cậu A, cô C đặt điều nói xấu rằng:

    - Này anh A, em báo cho anh biết, cô B không thật tâm với anh đâu! Em thấy cô ấy lén lút quan hệ với người con trai khác, anh nên thận trọng là hơn!

    Ban đầu cậu A không tin, nhưng cô C nói nhiều lần, khiến cho cậu A sinh tâm nghi ngờ cô B. Từ nghi ngờ, nên mỗi khi gặp cô B, cậu A thường có thái độ dè dặt.

    Lúc khác, cô C lén đến gặp cô B khuyên rằng:

    - Này em B, chị báo cho em biết, anh A không thật tâm với em đâu! Chị thấy anh ấy lén lút quan hệ với người con gái khác, em hãy nên thận trọng, để tránh sự hối hận về sau.

    Ban đầu cô B không tin, nhưng do cô C nói nhiều lần, khiến cho cô B phát sinh tâm nghi ngờ cậu A. Từ nghi ngờ, nên cô B có thái độ dè dặt, bắt đầu để ý, dò xét thấy gần đây cậu A có thái độ thờ ơ đối với cô. Cho nên, cô B tin lời cô C nói là thật và nghĩ rằng: “Chị C thật tâm thương mình, nên mới nhắc nhở mình như vậy!”.

    Về phía cậu A, từ khi nghe lời cô C, cậu A cũng dò xét, để ý thấy cô B gần đây có thái độ rất đáng nghi ngờ, nên nghĩ rằng: “Điều mà cô C nói có lẽ là sự thật!”.

    Một hôm, bất ngờ cậu A nhìn thấy cô B đang nói cười vui vẻ với một người con trai khác ở một nơi nào đó, cậu A bèn lẫn tránh không cho cô B nhìn thấy, rồi nghĩ rằng: “Cô C thật tốt với mình, cô ấy không muốn mình thất vọng”.

    * Chuyện gì sẽ xảy ra?

    Cậu A đến tìm gặp cô B, mắng nhiếc cô B rằng:

    - Cô là người lừa dối, không thật tâm với tôi!

    Khi nghe vậy, cô B do bị xúc phạm quá nặng và quá oan ức, nên cô cũng phản ứng gay gắt rằng:

    - Anh cũng không tốt gì đâu!

    Vì nghe theo lời chia rẽ của cô C, nên làm cho cậu A và cô B đã gây ra sự hiểu lầm lẫn nhau, ghét bỏ nhau, rồi xa lánh nhau.

    Như vậy, gọi là tạo ác nghiệp nói lời chia rẽ.

    Chi pháp của ác nghiệp nói lời chia rẽ

    Để biết được ác nghiệp nói lời chia rẽ có hội đầy đủ các chi pháp hay không hội đầy đủ các chi pháp, thì căn cứ vào 5 chi pháp của ác nghiệp nói lời chia rẽ như sau:

    1. Bhinditabbo: Những người bị chia rẽ.

    2. Bhedapurakkhāro: Tác ý ác làm cho hai người ấy chia rẽ nhau.

    3. Payogo: Cố gắng bằng khẩu và bằng thân để hai người ấy chia rẽ.

    4. Tadatthajānanaṃ: Những người nghe hiểu rõ ý nghĩa lời nói chia rẽ ấy.

    5. Hai người ghét bỏ lẫn nhau, rồi chia rẽ xa lánh nhau.

    Nếu hội đầy đủ 5 chi pháp của ác nghiệp nói lời chia rẽ, thì gọi là người ấy tạo ác nghiệp nói lời chia rẽ hội đầy đủ các chi pháp; nhưng nếu không hội đầy đủ 5 chi pháp này, thì gọi là người ấy tạo ác nghiệp nói lời chia rẽ không hội đầy đủ các chi pháp. Quả của 2 loại ác nghiệp nói lời chia rẽ này có sự khác biệt nhau:

    Nếu ác nghiệp nói lời chia rẽ hội đầy đủ 5 chi pháp này, thì ác nghiệp ấy có khả năng, có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, và trong thời sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu.

    Nếu ác nghiệp nói lời chia rẽ không hội đầy đủ 5 chi pháp này, thì ác nghiệp ấy không có khả năng, không có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh, mà chỉ có khả năng cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu mà thôi, nếu khi có cơ hội cho quả.

    Tội nặng - tội nhẹ của ác nghiệp nói lời chia rẽ

    Tội nặng hoặc tội nhẹ của ác nghiệp nói lời chia rẽ tùy thuộc vào đối tượng người có giới đức hoặc không có giới đức.

    Nếu người có tác ý ác nói lời chia rẽ giữa hai người có giới đức, thì có tội nặng. Sau khi người ấy chết, ác nghiệp này có khả năng cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trong 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh).

    Nếu người có tác ý ác nói lời chia rẽ giữa hai người không có giới đức, thì có tội nhẹ.

    Quả xấu của ác nghiệp nói lời chia rẽ

    Người tạo ác nghiệp nói lời chia rẽ có tội nặng, sau khi người ấy chết, ác nghiệp nói lời chia rẽ ấy cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trong 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh) chịu quả khổ của ác nghiệp cho đến khi mãn quả của ác nghiệp ấy, mới thoát khỏi được cõi ác giới.

    Sau khi thoát khỏi cõi ác giới ấy, nếu trường hợp thiện nghiệp nào khác cho quả tái sinh làm người; và trường hợp, nếu người đã phạm điều giới nói lời chia rẽ, tạo ác nghiệp nói lời chia rẽ có tội nhẹ, sau khi người ấy chết, ác nghiệp nói lời chia rẽ ấy không có khả năng, không có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau, mà thiện nghiệp nào khác cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau làm người; thì cả 2 trường hợp này, người ấy vẫn còn phải chịu quả xấu của ác nghiệp nói lời chia rẽ từ kiếp quá khứ như sau:

    1. Tâm thường bất hòa với bạn bè, vợ chồng, anh em, bà con...

    2. Thường bị người khác đánh đập, bị tàn tật.

    3. Không có bạn bè thân thiết.

    4. Bạn bè không bền vững, không lâu sẽ bỏ nhau.

    5. Có nhiều người không ưa thích, không thân thiết.

    6. Tâm thường bị ô nhiễm bởi phiền não, sống đau khổ.

    Đó là 6 quả xấu của ác nghiệp nói lời chia rẽ từ trong kiếp quá khứ.

    2.3. Ác nghiệp nói lời thô tục

    Sự nói lời thô tục là nói lời chửi rủa, mắng nhiếc với tác ý ác đồng sinh với tâm sân để làm khổ người mà mình không ưa thích, oán ghét.

    Trường hợp tác ý ác đồng sinh với tâm sân dù nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) chua chát, hoặc dù nói lời ngọt ngào, nghe êm tai với mục đích muốn tiêu diệt đối tượng vẫn là ác nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc).

    Ví dụ: Một người có tâm sân muốn giết người khác, nhưng nói bằng lời lẽ ngọt ngào rằng:

    - “Tôi sẽ giúp anh được yên giấc nghìn thu, hoặc tôi sẽ đưa anh về nơi chín suối, hoặc tôi sẽ gửi anh lên chầu trời…”.

    Như vậy, cũng gọi là ác nghiệp nói lời thô tục, bởi vì tác ý ác muốn làm khổ người, muốn hại người.

    Chi pháp của ác nghiệp nói lời thô tục

    Để biết được ác nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) có hội đầy đủ các chi pháp hay không hội đầy đủ các chi pháp, thì căn cứ vào 3 chi pháp của ác nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) như sau:

    1. Kopo: Tâm sân tức giận.

    2. Upakuṭṭho: Có người bị chửi rủa, mắng nhiếc.

    3. Akkosanā: Nói lời chửi rủa, mắng nhiếc.

    Nếu hội đầy đủ 3 chi pháp của ác nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), thì gọi là người ấy tạo ác nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) hội đầy đủ các chi pháp; nhưng nếu không hội đầy đủ 3 chi pháp này, thì gọi là người ấy tạo ác nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) không hội đầy đủ các chi pháp. Quả của 2 loại ác nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) này có sự khác biệt nhau:

    Nếu ác nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) hội đầy đủ 3 chi pháp này, thì ác nghiệp ấy có khả năng, có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, và trong thời sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu.

    Nếu ác nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) không hội đầy đủ 3 chi pháp này, thì ác nghiệp ấy không có khả năng, không có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh, mà chỉ có khả năng cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu mà thôi, nếu khi có cơ hội cho quả.

    Thực ra ác nghiệp hoặc thiện nghiệp căn cứ vào tác ý tâm sở là chính.

    * Trong Chú giải Aṭṭhasālinī giảng giải về lời nói thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) rằng:

    “Cha mẹ rầy la, chửi mắng con; hoặc thầy rầy la, chửi mắng học trò… là cốt để dạy dỗ, khuyên răn, hăm dọa… muốn cho con cái, học trò… trở nên người tốt, người thiện. Những lời rầy la, chửi mắng ấy hoàn toàn không có tác ý ác làm hại con cái, làm hại học trò…”.

    Như vậy, khi cha mẹ, thầy rầy la, chửi mắng đã tạo ác nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) không hội đầy đủ các chi pháp. Cho nên ác nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) này không có khả năng cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, mà chỉ cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh mà thôi, nếu khi có cơ hội.

    * Trong Phụ chú giải (Ṭikā) của Trường Bộ Kinh và Chi Bộ Kinh giảng giải về lời nói thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) rằng:

    “Người nào nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) với tâm sân, tác ý ác dù không có người oán thù nghe, hoặc người thù ghét đã chết, người ấy vẫn tạo ác nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) hợp đủ 3 chi pháp”.

    Ác nghiệp nói lời thô tục bằng 2 môn

    Nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) bằng khẩu môn.

    Nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) bằng thân môn.

    Nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) phần nhiều bằng khẩu môn, nhưng cũng có thể bằng thân như hành vi cử chỉ thô tục; hoặc viết thư, viết sách đồi trụy… bằng những lời lẽ thô tục.

    Tội nặng - tội nhẹ của ác nghiệp nói lời thô tục

    Người nào tạo ác nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) đến cha mẹ, thầy tổ, những bậc Trưởng Lão, chư Đại đức, chư Tỳ khưu, Sadi có giới đức trong sạch; chửi rủa mắng nhiếc xúc phạm đến Đức Phật Độc Giác, Đức Phật Chánh Đẳng Giác, thì người ấy có tội nặng. Sau khi chết, ác nghiệp ấy cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trong cõi địa ngục.

    Người nào tạo ác nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) đến người không có giới đức trong sạch, thì người ấy có tội nhẹ.

    Quả xấu của ác nghiệp nói lời thô tục

    Người tạo ác nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) có tội nặng, sau khi người ấy chết, ác nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trong cõi địa ngục, chịu quả khổ cho đến khi mãn quả của ác nghiệp ấy, mới thoát khỏi được cõi ác giới.

    Sau khi thoát khỏi cõi ác giới, nếu trường hợp thiện nghiệp nào khác cho quả tái sinh làm người; và trường hợp nếu người nào đã phạm điều giới nói lời thô tục, ác nghiệp nói lời thô tục có tội nhẹ, sau khi người ấy chết, ác nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) ấy không có khả năng cho quả tái sinh kiếp sau, mà do nhờ thiện nghiệp nào khác cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau làm người; thì cả 2 trường hợp này, người ấy còn phải chịu quả xấu của ác nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) từ kiếp quá khứ như sau:

    Thường nghe những lời không hài lòng như lời chửi rủa, mắng nhiếc, v.v...

    1. Có nhiều người ghét.

    2. Thường bị chê trách, bị vu oan giá họa.

    3. Ít được nghe những lời ngon ngọt mật thiết.

    4. Đời sống nghèo nàn khổ cực.

    5. Bị tàn tật câm điếc, đui mù.

    Đó là 6 quả xấu của ác nghiệp nói lời thô tục từ trong kiếp quá khứ.

    Tích Ngài Đại đức Jambuka

    * Người tạo ác nghiệp nói lời thô tục

    Đức Phật đang ngự tại ngôi chùa Veḷuvana gần kinh thành Rājagaha, Ngài đề cập đến tiền kiếp của Ngài Đại đức Jambuka đã nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) bậc Thánh Arahán trong thời kỳ Đức Phật Kassapa được tóm lược như sau:

    Trong thời kỳ Đức Phật Kassapa, một người thí chủ giàu, có đức tin nơi Tam Bảo, tạo dựng một ngôi chùa xong, rồi thỉnh vị Đại đức làm trụ trì tại ngôi chùa ấy và xin hộ độ 4 thứ vật dụng: Y phục, vật thực, chỗ ở và thuốc trị bệnh,...

    Hằng ngày, vị Đại đức trụ trì đến độ ngọ tại nhà thí chủ. Một hôm, một vị Đại đức Tăng khách là bậc Thánh Arahán du hành khất thực đến đứng trước cổng nhà người thí chủ ấy, Ngài biết thu thúc lục căn thanh tịnh thật đáng tôn kính. Nhìn thấy Ngài Đại đức Tăng khách, người thí chủ liền phát sinh đức tin trong sạch nơi Ngài; người thí chủ ra tận cổng, kính thỉnh Ngài vào trong nhà, thỉnh Ngài ngồi chỗ cao quý, rồi kính dâng vật thực đến Ngài Đại đức Tăng khách một cách cung kính; thấy tấm y của Ngài đã cũ, người thí chủ xin phép dâng đến Ngài tấm y mới; thấy tóc Ngài hơi dài, người thí chủ xin phép gọi người thợ hớt tóc đến cạo tóc cho Ngài; người thí chủ kính thỉnh Ngài đến nghỉ tại chùa, và xin phép mang một chiếc giường đến dâng Ngài,…

    Vị Đại đức trụ trì đang ngồi trong nhà thí chủ, theo dõi nhìn thấy người thí chủ hết lòng thành kính đối với vị Đại đức Tăng khách như vậy, nên phát sinh tâm ganh tỵ, rồi nghĩ rằng: “Mới gặp vị Đại đức Tăng khách này, mà người thí chủ hết lòng tôn kính và ân cần săn sóc đến như thế; còn ta đến đây độ ngọ mỗi ngày, mà ta đâu có được người thí chủ này đối xử như vậy”.

    Người thí chủ kính thỉnh Ngài Đại đức Tăng khách đến nghỉ tại ngôi chùa, cung kính tiễn đưa Ngài Đại đức Tăng khách và Ngài Đại đức trụ trì trở về chùa, người thí chủ kính dâng một tấm y mới đến Ngài Đại đức Tăng khách; gọi người thợ hớt tóc đến cạo tóc cho Ngài; kính dâng đến Ngài một chiếc giường, kính thỉnh Ngài sử dụng chiếc giường ấy để cho thí chủ có được sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc lâu dài.

    Người thí chủ kính thỉnh Ngài Đại đức Tăng khách và Ngài Đại đức trụ trì sáng ngày hôm sau đến nhà ông độ ngọ. Người thí chủ cung kính đảnh lễ hai vị Đại đức, rồi xin phép trở về nhà.

    Theo dõi thấy người thí chủ hết lòng tôn kính và ân cần săn sóc chu đáo vị Đại đức Tăng khách, vị Đại đức trụ trì phát sinh tâm ganh tỵ không sao chịu nổi được, nên vội vàng đến chỗ ở của Ngài, buông lời chửi mắng Ngài Đại đức Tăng khách, bậc Thánh Arahán 4 điều là:

    - Này ông Tăng khách!

    Ông nên ăn phẩn hơn là độ vật thực của nhà thí chủ.

    Ông nên ở truồng hơn là mặc tấm y của nhà thí chủ.

    Ông nên nằm trên mặt đất hơn là nằm trên giường của nhà thí chủ.

    Ông nên tự nhổ tóc hơn là để cho người thí chủ gọi người thợ hớt tóc đến cạo tóc cho ông.

    Nghe lời chửi mắng như vậy, Ngài Đại đức Tăng khách nghĩ rằng: “Xin cho vị Đại đức trụ trì này đừng có bị tai hại vì ta”.

    Ngài Đại đức Tăng khách nghỉ lại một đêm tại ngôi chùa ấy, khi thức dậy, không quan tâm đến lời thỉnh mời hôm trước của người thí chủ, từ sáng sớm Ngài đã lặng lẽ đi ra khỏi chùa du hành đến nơi khác.

    Sáng hôm ấy, sau khi làm mọi công việc trong chùa xong, đến giờ đi khất thực, vị Đại đức trụ trì dùng ngón tay búng nhẹ vào cái chuông báo hiệu giờ đi khất thực, rồi một mình đi đến nhà người thí chủ.

    Người thí chủ đảnh lễ Ngài Đại đức trụ trì xong, bèn bạch rằng:

    - Kính bạch Ngài, Ngài đến đây một mình, còn Ngài Đại đức Tăng khách sao chưa thấy đến. Bạch Ngài.

    Vị Đại đức trụ trì bảo rằng:

    - Này ông thí chủ, xin ông đừng nhắc đến vị ấy nữa. Hôm qua, sau khi ông trở về, vị Tăng khách ấy vào phòng ngủ. Sáng nay bần sư thức dậy sớm làm mọi công việc quét dọn sạch sẽ bên trong, bên ngoài chùa, lấy nước uống, nước dùng… xong, đến giờ đi khất thực bần sư đã đánh chuông báo hiệu, mà vẫn chưa thấy vị ấy thức dậy, nên chỉ một mình bần sư đến đây.

    Người thí chủ nghĩ rằng: “Ngài Đại đức Tăng khách là bậc biết thu thúc lục căn thanh tịnh, đáng tôn kính như vậy, thì chắc chắn không phải là bậc ham mê ngủ như vị Đại đức trụ trì đã nói. Có lẽ vị Đại đức trụ trì thấy ta hết lòng tôn kính, ân cần chăm sóc chu đáo đặc bịêt vị Đại đức Tăng khách, cho nên vị Đại đức trụ trì phát sinh tâm ganh tỵ mà bịa chuyện nói xấu vị Đại đức Tăng khách ấy”.

    Người thí chủ kính dâng vật thực đến vị Đại đức trụ trì độ xong, đem bát rửa sạch sẽ, rồi để vật thực ngon lành vào đầy bát, mang đến kính dâng vị Đại đức trụ trì và bạch rằng:

    - Kính bạch Ngài, kính xin Ngài hoan hỷ mang bát vật thực này về chùa dâng lại cho vị Đại đức Tăng khách. Bạch Ngài.

    Vị Đại đức trụ trì nhận lấy bát đầy vật thực, trên đường về chùa Ngài nghĩ rằng: “Nếu vị ấy có được vật thực ngon như thế này, thì sẽ ở mãi ngôi chùa của ta, không dễ gì chịu đi nơi khác đâu!”. Nghĩ xong, vị Đại đức trụ trì đem cái bát đầy vật thực ấy đổ bỏ, rồi mang cái bát không trở về chùa.

    Khi đến chùa, vị Đại đức trụ trì đi vào chỗ ở của Ngài Đại đức Tăng khách, nhưng không còn thấy Ngài nữa.

    Từ đó về sau, vị Đại đức trụ trì phát sinh tâm hối hận, nóng nảy khổ tâm, cho nên thực hành pháp hành thiền định hoặc thực hành pháp hành thiền tuệ không thể phát triển được; bởi vì vị Đại đức trụ trì phạm điều giới nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) đến Ngài Đại đức Tăng khách là một vị Thánh Arahán. Vị Đại đức trụ trì đã tạo khẩu ác nghiệp, lương tâm bị dày vò, duy trì sinh mạng đến 20.000 năm hết tuổi thọ. Sau khi chết, do khẩu ác nghiệp cho quả tái sinh trong cõi đại địa ngục Avīci, chịu biết bao nhiêu nỗi khổ do quả của ác nghiệp mà mình đã tạo, suốt thời gian lâu dài, từ thời kỳ Đức Phật Kassapa cho đến thời kỳ Đức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian.

    Quả của khẩu ác nghiệp chửi rủa mắng nhiếc bậc Thánh Arahán còn dư sót

    Trong thời kỳ Đức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, hậu kiếp của vị Đại đức trụ trì ấy, do nhờ thiện nghiệp cho quả tái sinh đầu thai vào một gia đình khá giả ở trong kinh thành Rājagaha. Đứa trẻ sinh ra đời được đặt tên là Jambuka, khi bé Jambuka lớn lên biết đi, nó có những tính cá biệt như:

    - Nó chỉ thích ăn phân của nó mà thôi, không chịu ăn món vật thực nào khác. Cha mẹ nó tưởng rằng: “Trẻ con còn nhỏ dại không biết nên ăn bậy”.

    - Nó chỉ thích nằm dưới đất mà thôi, không chịu nằm trên giường.

    - Nó chỉ thích ở truồng mà thôi, không chịu mặc quần áo gì cả (mặc dù trời lạnh hay trời nóng).

    Tuy đã lớn, nhưng cậu Jambuka vẫn thích ăn phân, không chịu ăn các món ăn khác; vẫn thích ở truồng, không chịu mặc quần áo; vẫn thích nằm trên mặt đất, không chịu nằm trên giường.

    Cha mẹ của cậu bàn tính với nhau rằng:

    - Tuy Jambuka đã lớn rồi, nhưng không biết hổ thẹn, không biết mắc cở; nó thích ở truồng, không chịu mặc quần áo; chúng ta nên cho Jambuka xuất gia theo phái ngoại đạo lõa thể, thì sẽ thích hợp với nó hơn là sống tại gia với chúng ta.

    Cha mẹ dẫn Jambuka đến nhóm ngoại đạo tu sĩ lõa thể, xin cho Jambuka được xuất gia theo nhóm tu sĩ này. Nhóm tu sĩ lõa thể chấp thuận cho Jambuka xuất gia theo họ, nhưng bắt buộc Jambuka phải nhổ tóc cho sạch, không được cạo tóc.

    - Jambuka tự nhổ sạch tóc mới được xuất gia trở thành tu sĩ lõa thể. Cha mẹ của tu sĩ Jambuka mời tất cả tu sĩ lõa thể đến nhà ông để dùng cơm vào ngày hôm sau.

    Sáng hôm ấy, tất cả nhóm tu sĩ đều đến nhà cha mẹ của Jambuka, nhưng tu sĩ Jambuka xin phép ở lại tu viện một mình. Thấy tất cả nhóm tu sĩ vừa đi ra khỏi chùa, tu sĩ Jambuka đến hầm cầu dùng 2 bàn tay hốt phân ăn no đủ. Khi nhóm tu sĩ trở về, có mang một phần ăn về cho Jambuka, nhưng Jambuka không thọ nhận, bèn thưa rằng:

    - Con đã dùng vật thực no đủ rồi.

    Và những ngày kế tiếp… Jambuka vẫn xin phép ở lại tu viện một mình ăn phân no đủ. Nhóm tu sĩ mang một phần ăn về cho Jambuka, nhưng lần nào Jambuka cũng không nhận phần ăn ấy, mà thưa rằng:

    - Con đã dùng vật thực no đủ rồi.

    Nhóm tu sĩ sinh tâm hoài nghi rằng: “Tại sao Jambuka không dùng vật thực mà mình đem về? Vật thực mà Jambuka dùng mấy hôm vừa qua có từ đâu? Chúng ta nên cho người dò xét xem để biết sự thật”.

    Cũng như mọi ngày, tất cả nhóm tu sĩ lõa thể ra khỏi tu viện đi khất thực, nhưng đặc biệt hôm ấy còn hai vị tu sĩ lõa thể ở lại ẩn vào một chỗ kín đáo làm phận sự theo dõi tu sĩ Jambuka có được vật thực từ đâu?

    Thấy tất cả tu sĩ đã ra khỏi tu viện, tu sĩ Jambuka đi đến hầm cầu dùng 2 tay hốt phân ăn no đủ rồi đi ra, không hề hay biết có người đang theo dõi mình.

    Khi nhóm tu sĩ đi khất thực trở về, hai vị tu sĩ làm phận sự theo dõi tu sĩ Jambuka trình bày sự thật, mà họ đã tận mắt thấy cho mọi người cùng nghe.

    Nghe xong, nhóm tu sĩ lõa thể bàn tính với nhau rằng:

    - “Nếu chúng ta để Jambuka ở lại nơi đây, không sớm thì muộn đệ tử của Samôn Gotama hay biết, chắc chắn chúng ta sẽ mất uy tín, tiếng xấu sẽ lan tỏa đi khắp mọi nơi. Vậy chúng ta nên đuổi Jambuka ra khỏi tu viện”.

    Tu sĩ Jambuka bị đuổi ra khỏi tu viện, đi đến trú ở một nơi gần tảng đá, chỗ để cho mọi người đi đại tiện. Buổi tối, tu sĩ lõa thể Jambuka lén đến nơi đó lấy phân ăn, còn ban ngày y đứng một chân, một chân kia chống vào đầu gối; và một tay vịn vào tảng đá há miệng ngửa mặt nhìn trời.

    Một số đông người qua lại gặp tu sĩ lõa thể Jambuka hành hạnh lạ thường, đảnh lễ xong, bạch rằng:

    - Kính bạch Ngài, tại sao Ngài đứng há miệng như vậy?

    Tu sĩ Jambuka đáp rằng:

    - Này quý vị, ta là người dùng vật thực bằng gió, chỉ có gió là vật thực của ta mà thôi, ngoài vật thực gió ra ta không dùng một thứ vật thực nào khác.

    Kính bạch Ngài, tại sao Ngài đứng một chân, còn một chân kia chống vào đầu gối như vậy?

    - Thưa quý vị, ta là người hành hạnh cao thượng, hạnh này có nhiều thần lực. Nếu ta đứng cả 2 chân trên mặt đất, thì sẽ làm cho mặt đất này rung chuyển. Vì vậy, ta chỉ đứng một chân mà thôi, còn chân kia chống vào đầu gối, suốt ngày đêm không ngồi, không nằm.

    Một số đông người kém trí tuệ, mê tín tin theo lời của tu sĩ Jambuka, họ tán dương ca tụng, cho đó là hạnh phi thường chưa từng thấy bao giờ!

    Một số đông dân chúng xứ Aṅga và xứ Magadha đem nhiều phẩm vật đến cúng dường, nhưng tu sĩ Jambuka không nhận một thứ nào cả.

    Tu sĩ Jambuka ở truồng, ăn phân, nằm trên mặt đất, nhổ tóc trải qua suốt 55 năm ròng rã.

    Đức Phật ngự đến tế độ tu sĩ Jambuka

    Vào canh chót đêm ấy, Đức Thế Tôn quán xét với tâm đại bi xem chúng sinh nào có duyên lành nên tế độ. Ngài thấy tu sĩ Jambuka hiện rõ trong màng lưới trí tuệ của Ngài. Đức Phật quán xét thấy tu sĩ Jambuka có duyên lành chứng đắc thành bậc Thánh Arahán cùng với Tứ tuệ phân tích, và đồng thời có 84.000 chúng sinh cũng được chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn cùng với tu sĩ lõa thể Jambuka.

    Sáng hôm ấy, Đức Thế Tôn cùng chư Tỳ khưu Tăng ngự vào kinh thành Rājagaha để khất thực, khi trở về Đức Phật gọi Ngài Đại đức Ānanda dạy rằng:

    - Này Ānanda, Như Lai sẽ ngự đi một mình đến tế độ tu sĩ Jambuka.

    Chư thiên biết Đức Phật sẽ ngự đến chỗ ở dơ bẩn của tu sĩ Jambuka, cho nên, chư thiên làm một trận mưa lớn để rửa sạch nơi ấy, làm cho các loại cây đều trổ hoa tạo nên một phong cảnh sạch mát, xinh đẹp.

    Buổi chiều hôm ấy, Đức Thế Tôn ngự đến gặp tu sĩ Jambuka xin nghỉ trọ một đêm. Tu sĩ Jambuka một mực khước từ, y nói rằng:

    - Thưa Samôn, nơi đây không có chỗ cho Samôn nghỉ trọ một đêm đâu, xin Samôn hãy đi đến nơi khác.

    Đức Thế Tôn bèn hỏi Jambuka rằng:

    - Này Jambuka, ngươi có phải là tu sĩ lõa thể không?

    Tu sĩ Jambuka khẳng định trả lời rằng:

    - Này Samôn, ta là tu sĩ đạo lõa thể.

    Này Jambuka, những đồ vật dụng của tu sĩ đạo lõa thể của ngươi để đâu mà ta không thấy?

    Nghe Đức Thế Tôn hỏi như vậy, tu sĩ Jambuka nổi giận, nói như xua đuổi rằng:

    - Này Samôn, nơi đây không có chỗ để Samôn nghỉ trọ đâu.

    - Này Jambuka, xin đừng nổi giận, xin ngươi chỉ cho Như Lai một chỗ ở.

    - Này Samôn, tùy Samôn tự tìm lấy chỗ ở.

    Đức Thế Tôn ngự đến một nơi không xa chỗ ở của tu sĩ Jambuka, Ngài trải tọa cụ ngồi nhập thiền.

    Canh đầu đêm, Đức Tứ Đại Thiên Vương từ 4 hướng cùng nhau đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, ánh hào quang của các Ngài hiện rõ tỏa ra khắp một vùng trời. Tu sĩ Jambuka nhìn thấy cảnh lạ thường chưa từng thấy, nên nghĩ rằng: “Ánh sáng hào quang gì vậy, 4 vị ấy là ai mà đến hầu đảnh lễ Samôn ấy? Vị Samôn ấy phải là Bậc cao thượng”.

    Canh giữa đêm, Đức vua trời Sakka cõi Tam Thập Tam Thiên ngự đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, ánh hào quang hiện rõ tỏa ra khắp vùng rộng lớn hơn canh đầu đêm.Tu sĩ Jambuka nhìn thấy cảnh lạ thường chưa từng thấy, nên nghĩ rằng: “Ánh hào quang này lớn hơn lần trước, vị đến hầu đảnh lễ Samôn cũng có oai lực hơn 4 vị trước. Vị Samôn ấy phải là Bậc cao thượng”.

    Vào canh chót đêm, một vị Đại Phạm Thiên đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, ánh sáng hào quang lần này gấp bội hơn hai lần trước làm sáng tỏa cả khu rừng rộng lớn. Tu sĩ Jambuka nhìn thấy cảnh lạ thường chưa từng thấy, nên nghĩ rằng: “Ánh hào quang lần này gấp bội hơn hai lần trước, vị đến hầu đảnh lễ Samôn cũng có nhiều oai lực hơn các vị trước. Chắc chắn vị Samôn ấy phải là Bậc cao thượng”.

    Sáng hôm sau, tu sĩ Jambuka đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn bèn bạch rằng:

    - Kính thưa Đại Samôn, canh đầu đêm hôm qua, 4 vị nào từ 4 hướng đến hầu đảnh lễ Ngài, 4 vị ấy có ánh hào quang hiện rõ tỏa ra một vùng như vậy? Bạch Ngài.

    Đức Phật dạy rằng:

    - Này Jambuka, 4 vị ấy là Tứ Đại Thiên Vương từ 4 hướng của cõi trời Tứ Đại Thiên Vương.

    - Kính thưa Đại Samôn, như vậy Ngài cao thượng hơn cả Tứ Đại Thiên Vương.

    - Này Jambuka, Như Lai là Bậc cao thượng hơn Tứ Đại Thiên Vương, cho nên, Tứ Đại Thiên Vương đến hầu hạ Như Lai.

    - Kính thưa Đại Samôn, canh giữa đêm hôm qua, vị nào đến hầu đảnh lễ Ngài, vị ấy có ánh hào quang hiện rõ tỏa ra một vùng rộng lớn như vậy? Bạch Ngài.

    - Này Jambuka, vị ấy là Đức vua Sakka trị vì cõi trời Tam Thập Tam Thiên.

    - Kính thưa Đại Samôn, như vậy Ngài cao thượng hơn Đức vua trời Sakka.

    - Này Jambuka, Như Lai là Bậc cao thượng hơn Đức vua trời Sakka, cho nên, Đức vua trời Sakka như người nuôi bệnh của Như Lai, hay như một Sadi nhỏ hầu hạ Như Lai.

    - Kính thưa Đại Samôn, canh chót đêm hôm qua, vị nào đến hầu đảnh lễ Ngài, vị ấy có ánh hào quang hiện rõ tỏa khắp một vùng rộng lớn như vậy? Bạch Ngài.

    - Này Jambuka, vị ấy là vị Đại Phạm Thiên.

    - Kính thưa Đại Samôn, như vậy Ngài cao thượng hơn cả Đại Phạm Thiên.

    - Này Jambuka, Như Lai là bậc cao thượng hơn cả vị Đại Phạm Thiên.

    - Kính thưa Đại Samôn, Ngài là Bậc cao thượng nhất, tôi hành hạnh cao thượng, chỉ đứng một chân, còn chân bên kia chống vào đầu gối; không ngồi, không nằm, ngửa mặt lên trời dùng gió làm vật thực trải qua 55 năm rồi, mà không có một chư thiên nào đến hầu hạ tôi cả.

    Khi ấy, Đức Thế Tôn dạy tu sĩ Jambuka rằng:

    - “Này Jambuka, ngươi lừa dối được những người mê tín; ngươi không thể lừa dối được Như Lai đâu!

    - Có phải trải qua suốt 55 năm, hằng ngày ngươi phải ăn phân, nằm trên mặt đất, ở trần truồng, tự nhổ sạch tóc. Thế mà ngươi đã lừa dối những người mê tín rằng: “Ngươi ăn vật thực bằng gió, đứng một chân, không ngồi, không nằm”.

    - Như vậy, ngươi còn muốn lừa dối cả Như Lai nữa hay sao!

    - Trong tiền kiếp, ngươi đã tạo khẩu ác nghiệp, kiếp hiện tại này ngươi phải chịu quả khổ của khẩu ác nghiệp còn dư sót, cho nên, ngươi phải ăn phân, nằm trên mặt đất, ở trần truồng, tự nhổ sạch tóc.

    - Bây giờ ngươi còn chấp thủ do tà kiến thấp hèn như vậy nữa hay sao?”

    Tu sĩ Jambuka kính thỉnh Đức Thế Tôn rằng:

    - Kính bạch Đại Samôn, khẩu ác nghiệp nào mà con đã tạo trong tiền kiếp quá khứ? Bạch Ngài.

    Đức Thế Tôn thuyết giảng cho biết về tiền kiếp của tu sĩ Jambuka. Tu sĩ đã từng là vị Tỳ khưu trụ trì đã tạo nghiệp khẩu nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) đối với một vị Thánh Arahán trong thời kỳ Đức Phật Kassapa. Lắng nghe về khẩu ác nghiệp của mình như vậy, tu sĩ Jambuka phát sinh động tâm và vô cùng hổ thẹn với tội lỗi của mình, liền ngồi chồm hổm xuống. Đức Thế Tôn trao cho một tấm vải choàng tắm đến tu sĩ Jambuka, tu sĩ cung kính nhận tấm vải rồi mặc vào, đảnh lễ Đức Thế Tôn, rồi ngồi một nơi hợp lẽ. Đức Thế Tôn thuyết pháp tế độ Jambuka. Sau khi lắng nghe Đức Phật thuyết pháp xong, tu sĩ Jambuka liền chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não, mọi tham ái không còn dư sót, trở thành bậc Thánh Arahán cùng với Tứ tuệ phân tích. Đặc biệt đồng thời ngay khi ấy, khẩu ác nghiệp đã tạo đối với vị Thánh Arahán từ thời kỳ Đức Phật Kassapa cũng đã mãn quả ác nghiệp ấy, hết hiệu lực cho quả xấu. Tu sĩ Jambuka kính xin Đức Thế Tôn cho phép xuất gia Sadi, Tỳ khưu trong giáo pháp của Ngài.

    Đức Thế Tôn quán xét thấy tu sĩ Jambuka có đủ phước thiện đã tạo trong những tiền kiếp, nhất là kiếp Tỳ khưu trong thời kỳ Đức Phật Kassapa suốt 20.000 năm, quả báu của thiện nghiệp được tích lũy từ vô lượng kiếp trong quá khứ. Do đó, 8 thứ vật dụng của Samôn có thể phát sinh như thần thông nhờ phước thiện ấy cho quả, nên Đức Thế Tôn dạy rằng:

    - “Ehi bhikkhu, cara brahmacariyaṃ sammā dukkhassa antakiriyāya”.

    (Này Jambuka, hãy đến đây, con được trở thành Tỳ khưu theo ý nguyện!

    Con nên thực hành phạm hạnh cao thượng dẫn đến tận cùng của khổ sinh).

    Khi Đức Thế Tôn truyền dạy như vậy vừa dứt, tướng mạo của tu sĩ Jambuka liền biến mất. Và ngay khi ấy, Jambuka trở thành Tỳ khưu có đầy đủ 8 thứ vật dụng của Samôn, và có tăng tướng như một vị Đại đức có 60 hạ.

    Như mọi hôm, dân chúng xứ Aṅga và xứ Magadha đem những lễ vật đến cúng dường tu sĩ Jambuka. Hôm ấy họ gặp Đức Phật tại nơi ấy, cho nên họ suy nghĩ rằng: “Không biết Samôn Gotama cao thượng hơn tu sĩ Jambuka vị thầy của họ, hay vị thầy của họ cao thượng hơn Samôn Gotama?”.

    Để phá tan sự hoài nghi của dân xứ Aṅga và xứ Magadha tại nơi ấy, Ngài Đại đức Jambuka xin Đức Thế Tôn cho phép Ngài nhập đệ tứ thiền, biến hóa thần thông bay lên hư không cao khoảng một cây thốt nốt, rồi bạch rằng:

    - “Satthā me Bhante Bhagavā. Sāvako’ hamasmi”.

    (Kính bạch Đức Thế Tôn, Ngài là vị Tôn sư của con, và con là Thanh Văn đệ tử của Ngài).

    Khi bạch xong, Đại đức Jambuka đáp xuống đảnh lễ dưới 2 bàn chân của Đức Thế Tôn.

    Một lần nữa, Đại đức Jambuka bay lên cao khoảng 2 cây thốt nốt, 3 cây thốt nốt,…, 7 cây thốt nốt,… rồi bạch như lần trước xong đáp xuống đảnh lễ dưới 2 bàn chân của Đức Thế Tôn.

    Tại nơi ấy, mọi người đã thấy và nghe rõ lời của Đại đức Jambuka, cho nên không còn hoài nghi nữa, họ đồng tán dương ca tụng Ân đức Phật thật phi thường!

    Khi ấy, Đức Phật thuyết một bài kệ, vừa chấm dứt bài kệ, có 84.000 chúng sinh đều chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn tùy theo ba-la-mật của mỗi vị.
    Itipi so Bhagavà Araham, Sammàsambuddho, Vijjàcaranasampanno, Sugato, Lokavidù, Anuttaro purisadammasàrathi, Satthàdevamanussànam, Buddho, Bhagavà.

  9. #9
    Đai Nâu Avatar của raucucai
    Gia nhập
    Mar 2012
    Nơi cư ngụ
    Sơn La
    Bài gởi
    302

    Mặc định

    2.4 Ác nghiệp nói lời vô ích

    Sự nói lời vô ích là nói lời không đem lại sự lợi ích với tác ý ác làm cho người nghe, người đọc say mê theo lời nói của mình, rồi họ phát sinh tâm tà kiến thấy sai chấp lầm, làm mất sự lợi ích, sự an lạc đến với họ. Như vậy, gọi là người ấy tạo ác nghiệp nói lời vô ích (samphappalāpa).

    Trường hợp người nói, người viết những chuyện không có thật, để làm ví dụ trong việc giảng dạy, giúp cho người nghe, người đọc dễ hiểu theo lời dạy ấy, thì lời nói của người ấy không gọi là lời nói vô ích.

    Trường hợp người nói hoặc người viết trình bày những câu chuyện có thật, đúng theo sự thật, nhưng không đem lại lợi ích gì cho người nghe hoặc người đọc, thì lời nói của người ấy không gọi là lời nói vô ích.

    Trường hợp người nói hoặc người viết những câu chuyện nhảm nhí, hoang đường, không có thật để làm cho người nghe, người đọc say mê tiêu khiển trong chốc lát, làm mất thời gian mà không đem lại sự lợi ích, gọi là lời nói vô ích (samphappalāpa) không gọi là lời nói dối (musāvāda), bởi vì người nói hoặc người viết không có tác ý ác nói dối làm cho người nghe, người đọc tin theo rồi gây ra sự tai hại).

    Nếu người nói hoặc người viết những chuyện nhảm nhí, hoang đường, không có thật để làm cho người nghe, người đọc say mê tin theo, làm mất sự lợi ích, gây ra sự tai hại đến với họ, thì người nói hoặc người viết tạo ác nghiệp nói lời vô ích và ác nghiệp nói dối nữa.

    Chi pháp của ác nghiệp nói lời vô ích

    Để biết được ác nghiệp nói lời vô ích có hội đầy đủ các chi pháp hay không hội đầy đủ các chi pháp, thì căn cứ vào 2 chi pháp của ác nghiệp nói lời vô ích như sau:

    1. Niratthakathāpurakkhāro: Tác ý nói lời vô ích.

    2. Kathanaṃ: Nói lời vô ích.

    Nếu hội đầy đủ 2 chi pháp của ác nghiệp nói lời vô ích, thì gọi là người ấy tạo ác nghiệp nói lời vô ích hội đầy đủ các chi pháp; nhưng nếu không hội đầy đủ 2 chi pháp này, thì gọi là người ấy tạo ác nghiệp nói lời vô ích không hội đầy đủ các chi pháp. Quả của 2 loại ác nghiệp nói lời vô ích này có sự khác biệt nhau:

    Nếu ác nghiệp nói lời vô ích hội đầy đủ 2 chi pháp này, thì ác nghiệp ấy có khả năng, có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, và trong thời sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu.

    Nếu ác nghiệp nói lời vô ích không hội đầy đủ 2 chi pháp này, thì ác nghiệp ấy không có khả năng, không có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh, mà chỉ có khả năng cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu mà thôi, nếu khi có cơ hội cho quả.

    Tội nặng - tội nhẹ của ác nghiệp nói lời vô ích

    Nếu người nào hằng ngày nói lời vô ích trở thành thói quen như các diễn viên hài; người viết chuyện vui cười, nhảm nhí, hoang đường, không có thật làm cho người nghe, người đọc say mê, làm mất lợi ích…, thì người ấy tạo ác nghiệp nói lời vô ích có tội nặng. Sau khi người ấy chết, ác nghiệp ấy có khả năng cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trong 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh).

    Nếu người nào thỉnh thoảng, hoặc đôi khi vui đùa nói lời vô ích, thì người ấy tạo ác nghiệp nói lời vô ích có tội nhẹ. Sau khi người ấy chết, ác nghiệp nói lời vô ích ấy không có khả năng cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, mà nếu có cơ hội ác nghiệp này sẽ cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu.

    Quả xấu của ác nghiệp nói lời vô ích

    Đối với người tạo ác nghiệp nói lời vô ích có tội nặng, sau khi chết, do ác nghiệp nói lời vô ích cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trong 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh) chịu quả khổ của ác nghiệp ấy, cho đến khi mãn quả của ác nghiệp ấy, mới thoát khỏi được cõi ác giới.

    Sau khi thoát khỏi cõi ác giới, nếu trường hợp thiện nghiệp nào khác cho quả tái sinh làm người; và trường hợp nếu người nào đã tạo ác nghiệp nói lời vô ích có tội nhẹ, sau khi người ấy chết, ác nghiệp ấy không có khả năng cho quả tái sinh kiếp sau, mà do nhờ thiện nghiệp nào khác cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau làm người; thì cả 2 trường hợp này, người ấy còn phải chịu quả của ác nghiệp nói lời vô ích (chửi rủa, mắng nhiếc) từ kiếp quá khứ như sau:

    1. Có nhiều người không tin theo lời nói của mình.

    2. Có nhiều người không ưa thích.

    3. Không được nhiều người kính trọng.

    4. Không thể nói cho người khác tin theo.

    5. Là người nghèo khổ.

    6. Là người không có quyền lực.

    7. Là người thiểu trí (ngu dốt).

    Đó là 7 quả xấu của ác nghiệp nói lời vô ích từ trong kiếp quá khứ.

    Tóm lại, khẩu ác nghiệp là ác nghiệp phần nhiều được tạo bằng khẩu môn nói ác còn gọi là khẩu hành ác, có 4 loại ác nghiệp:

    Ác nghiệp nói dối.

    Ác nghiệp nói lời chia rẽ.

    Ác nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc).

    Ác nghiệp nói lời vô ích.

    4 ác nghiệp này không những được tạo bằng khẩu môn nói ác, mà còn có thể tạo bằng thân môn với hành vi cử chỉ ác. Nhưng 4 ác nghiệp này không thuộc về thân ác nghiệp, mà thuộc về khẩu ác nghiệp, là vì 4 ác nghiệp này phần nhiều được tạo bằng khẩu môn hơn là thân môn.

    Trong 10 ác nghiệp theo 3 môn: Thân môn, khẩu môn, ý môn, thì ác nghiệp nói dối, ác nghiệp nói lời chia rẽ, ác nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) và ác nghiệp nói lời vô ích, cả 4 loại ác nghiệp này thuộc về khẩu ác nghiệp.

    3. Ý ác nghiệp:

    Ý ác nghiệp là tác ý ác phát sinh bên trong tâm chưa biểu hiện ra bên ngoài thân môn hoặc khẩu môn còn gọi là ý hành ác, có 3 loại ác nghiệp:

    3.1 Ác nghiệp tham lam của cải, tài sản của người khác.

    3.2 Ác nghiệp thù hận người khác.

    3.3 Ác nghiệp tà kiến, thấy sai chấp lầm.

    3.1 Ác nghiệp tham lam của cải, tài sản của người khác

    Ác nghiệp tham lam của cải, tài sản của người khác như thế nào?

    Phàm phần đông hạng phàm nhân, khi tiếp xúc với những đối tượng tốt đáng vừa lòng như sắc đẹp, âm thanh hay, hương thơm, vị ngon, xúc êm ấm, pháp vừa lòng, thì thường phát sinh tâm tham muốn các đối tượng ấy thuộc về của mình.

    Tâm tham muốn phát sinh đối với 2 hạng người:

    Hạng người có tâm tham muốn một cách hợp pháp, thì không gọi là ý ác nghiệp nghĩ tham lam của cải, tài sản của người khác.

    Hạng người có tâm tham muốn một cách bất hợp pháp, thì mới gọi là ý ác nghiệp nghĩ tham lam của cải, tài sản của người khác.

    * Hạng người có tâm tham muốn một cách hợp pháp như thế nào?

    Người nào phát sinh tâm tham muốn món đồ quý giá nào của người khác, người ấy muốn được món đồ quý giá ấy thuộc về của mình bằng cách mua lại, hoặc trao đổi, hoặc xin người chủ nhường lại… bằng mọi cách làm cho người chủ của món đồ quý giá ấy ưng thuận trao món đồ quý giá ấy cho mình.

    Như vậy, người ấy có tâm tham muốn món đồ quý giá của người khác một cách hợp pháp, thì không gọi là ý ác nghiệp tham lam của cải, tài sản của người khác.

    * Hạng người có tâm tham muốn một cách bất hợp pháp như thế nào?

    Người nào phát sinh tâm tham muốn món đồ quý giá nào của người khác, người ấy nghĩ tìm cách chiếm đoạt món đồ quý giá ấy đem về làm của riêng mình bằng cách trộm cắp, hoặc lừa đảo, hoặc dùng thế lực bắt buộc người chủ trao món đồ quý giá ấy cho mình.

    Như vậy, người ấy có tâm tham muốn món đồ quý giá của người khác một cách bất hợp pháp, người ấy tạo ác nghiệp tham lam của cải, tài sản của người khác.

    Chi pháp của ác nghiệp tham lam của cải, tài sản

    của người khác

    Để biết được ác nghiệp tham lam của cải, tài sản của người khác có hội đầy đủ các chi pháp hay không hội đầy đủ các chi pháp, thì căn cứ vào 2 chi pháp của ác nghiệp tham lam của cải, tài sản của người khác như sau:

    1. Parabhaṇḍaṃ: Của cải, tài sản của người khác.

    2. Attanopariṇāmanaṃ: Tâm nghĩ tham lam muốn của cải, tài sản ấy thuộc về của riêng mình một cách bất hợp pháp.

    Nếu hội đầy đủ 2 chi pháp của ác nghiệp tham lam của cải, tài sản của người khác, thì gọi là người ấy tạo ác nghiệp tham lam của cải, tài sản của người khác hội đầy đủ các chi pháp; nhưng nếu không hội đầy đủ 2 chi pháp này, thì gọi là người ấy tạo ác nghiệp tham lam của cải, tài sản của người khác không hội đầy đủ các chi pháp. Quả của 2 loại ác nghiệp tham lam của cải, tài sản của người khác này có sự khác biệt nhau:

    Nếu ác nghiệp tham lam của cải, tài sản của người khác hội đầy đủ 2 chi pháp này, thì ác nghiệp ấy có khả năng, có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, và trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu.

    Nếu ác nghiệp tham lam của cải, tài sản của người khác không hội đầy đủ 2 chi pháp này, thì ác nghiệp ấy không có khả năng, không có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh, mà chỉ có khả năng cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu mà thôi, nếu khi có cơ hội cho quả.

    Chi pháp parabhaṇḍaṃ: Của cải, tài sản của người khác, có nghĩa rộng gồm có những thứ của cải, tài sản là những thứ vật dụng, thuộc về vật chất và tinh thần; các loài gia súc, gia cầm, con người v.v… thuộc về của cải, tài sản có chủ. Ngoài ra, nếu những thứ của cải, tài sản không thuộc về người chủ, chưa có chủ, thì không phải là chi pháp này.

    Ví dụ: Trong 20 hạng con gái, có 8 hạng con gái là con gái có mẹ trông nom, con gái có cha trông nom, con gái có cha mẹ trông nom, con gái có chị hoặc em gái trông nom, con gái có anh hoặc em trai trông nom, con gái có bà con trông nom, con gái có dòng họ trông nom, con gái hành phạm hạnh có thầy bạn trông nom. 8 hạng con gái này, tuy có người thân trông nom, bảo vệ, nhưng những người thân này không phải là chủ cuộc đời của họ. 8 hạng con gái này chưa có chồng, chưa có người đàn ông nào làm chủ cuộc đời của họ. Cho nên, nếu người con trai nào phát sinh tâm tham muốn lấy một trong những cô gái ấy làm vợ của mình, thì người con trai ấy không tạo ác nghiệp tham lam người con gái của người khác.

    Tội nặng - tội nhẹ của ác nghiệp tham lam của cải của người khác

    Nếu người nào phát sinh tâm tham muốn chiếm đoạt của cải, tài sản của người có giới đức, thì người ấy đã tạo ác nghiệp có tội nặng. Sau khi người ấy chết, ác nghiệp ấy có cơ hội cho quả tái sinh làm loài ngạ quỷ, chịu cảnh đói khát, khổ cực...

    Nếu người nào phát sinh tâm tham muốn chiếm đoạt của cải, tài sản của người không có giới đức, thì người ấy đã tạo ác nghiệp có tội nhẹ. Sau khi người ấy chết, ác nghiệp ấy không có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau, mà do nhờ thiện nghiệp nào khác cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau làm người; thì người ấy sẽ là người nghèo khổ, thiếu thốn...

    3.2 Ác nghiệp thù hận người khác

    * Ác nghiệp thù hận người khác như thế nào?

    Giận dỗi, ghét bỏ người nào, không tiếp xúc thân mật, không gần gũi giúp đỡ… đó là tâm sân bình thường, không phải là ác nghiệp thù hận người khác.

    Người nào phát sinh tâm sân nghĩ tìm cách phá hoại sự lợi ích, sự an lạc, sự tiến hóa của người khác đó là tâm sân tạo ác nghiệp nghĩ thù hận người khác.

    Chi pháp của ác nghiệp thù hận người khác

    Để biết được ác nghiệp thù hận người khác có hội đầy đủ các chi pháp hay không hội đầy đủ các chi pháp, thì căn cứ vào 2 chi pháp của ác nghiệp thù hận người khác như sau:

    1. Parasatto: Người khác.

    2. Vināsacintā: Tâm sân nghĩ tìm cách phá hoại sự lợi ích, sự an lạc, sự tiến hóa của người khác.

    Nếu hội đầy đủ 2 chi pháp của ác nghiệp thù hận người khác, thì gọi là người ấy tạo ác nghiệp thù hận người khác hội đầy đủ các chi pháp; nhưng nếu không hội đầy đủ 2 chi pháp này, thì gọi là người ấy tạo ác nghiệp thù hận người khác không hội đầy đủ các chi pháp. Nếu nghĩ cách phá hoại sự lợi ích, sự an lạc, sự tiến hóa của mình, thì không tạo ác nghiệp thù hận này. Quả của 2 loại ác nghiệp thù hận người khác này có sự khác biệt nhau:

    Nếu ác nghiệp thù hận người khác hội đầy đủ 2 chi pháp này, thì ác nghiệp ấy có khả năng, có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, và trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu.

    Nếu ác nghiệp thù hận người khác không hội đầy đủ 2 chi pháp này, thì ác nghiệp ấy không có khả năng, không có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, mà chỉ có khả năng cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu mà thôi, nếu khi có cơ hội cho quả.

    Tội nặng - tội nhẹ của ác nghiệp thù hận người khác

    Nếu người nào phát sinh tâm sân thù hận người có giới đức, thì người ấy đã tạo ác nghiệp thù hận có tội nặng. Sau khi người ấy chết, ác nghiệp thù hận ấy có cơ hội cho quả tái sinh trong cõi địa ngục, chịu quả khổ.

    Nếu người nào phát sinh tâm sân thù hận người không có giới đức, thì người ấy đã tạo ác nghiệp thù hận có tội nhẹ. Sau khi người ấy chết, ác nghiệp thù hận ấy không có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau, mà do nhờ thiện nghiệp khác cho quả tái sinh làm người, thì người ấy sẽ là người có thân hình xấu xí, kỳ dị, đáng ghê tởm...

    3.3. Ác nghiệp tà kiến

    Ác nghiệp tà kiến là tác ý ác đồng sinh trong 4 tâm tham hợp với tà kiến. Tà kiến đó là tâm sở tà kiến (diṭṭhicetasika) thấy sai chấp lầm cho là đúng, là thật.

    Người có tà kiến là người thấy sai, chấp lầm từ chủ thể bên trong mình đến các đối tượng bên ngoài mình cho là đúng, là thật.

    Tà kiến có nhiều loại như:

    - Sakkāyadiṭṭhi: Tà kiến chấp ngã trong ngũ uẩn.

    - Niyatamicchādiṭṭhi: Tà kiến cố định v.v…

    * Tà kiến chấp ngã nương nhờ trong ngũ uẩn như thế nào?

    Đối với những hạng phàm nhân, chưa phải bậc Thánh Nhân đều có tà kiến chấp ngã, thấy sai chấp lầm do nương nhờ trong ngũ uẩn cho là ngã, là ta.

    Có 20 loại tà kiến như sau:

    * Tà kiến chấp ngã do nương nhờ trong sắc uẩn, có 4 loại:

    Sắc uẩn là ta.

    Ta là sắc uẩn.

    Sắc uẩn trong ta.

    Ta trong sắc uẩn.

    * Tà kiến chấp ngã do nương nhờ trong thọ uẩn, có 4 loại:

    Thọ uẩn là ta.

    Ta là thọ uẩn.

    Thọ uẩn trong ta.

    Ta trong thọ uẩn.

    * Tà kiến chấp ngã do nương nhờ trong tưởng uẩn, có 4 loại:

    Tưởng uẩn là ta.

    Ta là tưởng uẩn.

    Tưởng uẩn trong ta.

    Ta trong tưởng uẩn.

    * Tà kiến chấp ngã do nương nhờ trong hành uẩn, có 4 loại:

    Hành uẩn là ta.

    Ta là hành uẩn.

    Hành uẩn trong ta.

    Ta trong hành uẩn.

    * Tà kiến chấp ngã do nương nhờ trong thức uẩn, có 4 loại:

    Thức uẩn là ta.

    Ta là thức uẩn.

    Thức uẩn trong ta.

    Ta trong thức uẩn.

    * Tà kiến chấp ngã do nương nhờ trong ngũ uẩn gồm có 20 loại tà kiến như vậy.

    Thật ra, trong ngũ uẩn này, phần sắc uẩn thuộc về sắc pháp là pháp vô ngã, không phải ta, không phải của ta. Và phần thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn thuộc về danh pháp là pháp vô ngã, không phải ta, không phải của ta. Nhưng tà kiến chấp ngã do nương nhờ trong ngũ uẩn, thấy sai chấp lầm cho là ngã, là ta.

    Đối với những hạng phàm nhân, chưa phải là bậc Thánh Nhân thì tà kiến chấp ngã do nương nhờ trong ngũ uẩn, chỉ là tà kiến thông thường mà thôi. Tà kiến này chỉ làm trở ngại cho việc thực hành thiền tuệ dẫn đến chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn mà thôi. Tà kiến này không làm trở ngại cho việc tạo mọi dục giới đại thiện nghiệp, sắc giới thiện nghiệp và vô sắc giới thiện nghiệp. Cho nên, tà kiến này không ngăn cản dục giới đại thiện nghiệp cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trong cõi thiện dục giới: Cõi người và 6 cõi trời dục giới; tà kiến này cũng chắc chắn không ngăn cản sắc giới thiện nghiệp, vô sắc giới thiện nghiệp cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi trời sắc giới hoặc cõi trời vô sắc giới, tùy theo bậc thiền sở đắc của hành giả.

    Tà kiến cố định như thế nào?

    Người có tà kiến cố định là người hoàn toàn không tin nơi nghiệp và quả của nghiệp

    Tà kiến cố định có 3 loại:

    - Natthikadiṭṭhi: Tà kiến thấy sai rằng: “Không có quả của nghiệp”.

    - Ahetukadiṭṭhi: Tà kiến thấy sai rằng: “Chúng sinh hiện hữu không phải do nhân, do nghiệp”.

    - Akiriyadiṭṭhi: Tà kiến thấy sai rằng: “Hành động ác không có ác nghiệp, hành động thiện, không có thiện nghiệp”.

    3 loại tà kiến cố định này gọi là ác nghiệp tà kiến.

    Chi pháp của ác nghiệp tà kiến

    Để biết được ác nghiệp tà kiến có hội đầy đủ các chi pháp hay không hội đầy đủ các chi pháp, thì căn cứ vào 2 chi pháp của ác nghiệp tà kiến như sau:

    1. Atthaviparītatā: Ý nghĩa trái ngược với sự thật chân lý.

    2. Tathābhāvupaṭṭhānaṃ: Thấy sai chấp lầm cho là sự thật.

    Nếu hội đầy đủ 2 chi pháp của ác nghiệp tà kiến, thì gọi là người ấy tạo ác nghiệp tà kiến hội đầy đủ các chi pháp; nhưng nếu không hội đầy đủ 2 chi pháp này, thì gọi là người ấy tạo ác nghiệp tà kiến không hội đầy đủ các chi pháp. Quả của 2 loại ác nghiệp tà kiến này có sự khác biệt nhau:

    Nếu ác nghiệp tà kiến hội đầy đủ 2 chi pháp này, thì ác nghiệp tà kiến cố định thì chắc chắn có cơ hội ưu tiên cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi đại địa ngục Avīci, mà không có nghiệp nào có thể ngăn cản được, chịu quả khổ trong cõi đại địa ngục này suốt thời gian lâu dài hằng nhiều đại kiếp trái đất.

    Nếu ác nghiệp tà kiến không hội đầy đủ 2 chi pháp này, thì ác nghiệp tà kiến ấy không có khả năng, không có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, mà chỉ có khả năng cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu mà thôi, nếu khi có cơ hội cho quả.

    Tội nặng - tội nhẹ của ác nghiệp tà kiến

    Người nào tuy có tà kiến, loại tà kiến chấp ngã, nhưng lại có đức tin nơi nghiệp và quả của nghiệp, tin chắc rằng:

    Ác nghiệp sẽ cho quả khổ cả trong kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp vị lai.

    Thiện nghiệp sẽ cho quả an lạc cả trong kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp vị lai.

    Cho nên, người ấy cố gắng tinh tấn tránh xa mọi ác nghiệp, cố gắng tinh tấn tạo mọi thiện nghiệp như dục giới đại thiện nghiệp, sắc giới thiện nghiệp, vô sắc giới thiện nghiệp.

    Khi người ấy hưởng quả an lạc của nghiệp thiện, thì người ấy có tà kiến chấp ngã trong sự an lạc là thọ lạc rằng:

    “Ta hưởng sự an lạc,

    Sự an lạc trong ta,

    Ta đang sống trong sự an lạc...”

    Tà kiến này là tà kiến tâm sở đồng sinh với 4 tâm tham hợp với tà kiến thuộc bất thiện tâm (ác tâm) do đó ác nghiệp tà kiến này có tội nhẹ, bởi vì chỉ là tà kiến chấp ngã bình thường đối với tất cả mọi chúng sinh còn là phàm nhân, chưa phải Thánh Nhân.

    Chúng sinh nào là phàm nhân còn có tà kiến, thì chúng sinh ấy trong vòng tử sinh luân hồi chưa chắc chắn tránh khỏi 4 cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh. Chỉ có từ chư bậc Thánh Nhập Lưu trở lên đã diệt đoạn tuyệt được mọi loại tà kiến không còn dư sót, chư bậc Thánh ấy mới chắc chắn tránh khỏi 4 cõi ác giới mà thôi.

    Người nào có tà kiến cố định, người ấy không tin nghiệp và quả của nghiệp, cho nên tà kiến cố định này thuộc ác nghiệp tà kiến có tội nặng nhất. Sau khi người ấy chết, ác nghiệp tà kiến cố định chắc chắn cho quả tái sinh trong cõi đại địa ngục Avīci, chịu quả khổ lâu hằng đại kiếp trái đất.

    Giải thích 3 loại ác nghiệp tà kiến cố định (niyatamicchādiṭṭhikamma)

    1. Natthikadiṭṭhi: Ác nghiệp tà kiến cố định thấy sai lầm rằng: “Không có quả của nghiệp”.

    Người có ác nghiệp tà kiến cố định này thấy sai chấp lầm rằng: “Không có quả khổ của ác nghiệp, cũng không có quả an lạc của thiện nghiệp. Người đã tạo ác nghiệp, tạo thiện nghiệp rồi, đều không có quả của ác nghiệp, quả của thiện nghiệp. Tất cả mọi chúng sinh chết rồi đều là hết, trở thành “số không”, không có nghiệp nào dẫn dắt cho quả tái sinh kiếp sau. Người có tà kiến cố định này còn gọi là người có Ucchedadiṭṭhi: Đoạn kiến, thấy sai chấp lầm rằng: ‘Chết rồi là hết’, không có nghiệp nào dẫn dắt cho quả tái sinh kiếp sau nữa”.

    Ác nghiệp tà kiến cố định này hoàn toàn thấy sai chấp lầm rằng: “Không có quả của nghiệp”.

    Như trong bài kinh Sāmaññaphalasutta, vị Đạo sư Ajitakesakambala ngoại đạo, có tà thuyết cố định thấy sai chấp lầm rằng: “Không có quả của nghiệp” như sau:

    Thấy sai lầm rằng:

    Làm phước thiện bố thí không có quả của phước thiện bố thí.

    Lễ bái cúng dường cũng không có quả của lễ bái cúng dường.

    Sự đón rước, sự thỉnh mời… cũng không có quả của sự đón rước, sự thỉnh mời…

    Làm thiện nghiệp không có quả an lạc của thiện nghiệp ấy; làm ác nghiệp không có quả khổ của ác nghiệp ấy.

    Không có kiếp hiện tại này, nghĩa là chúng sinh ở các cõi khác, sau khi chết, rồi không tái sinh đến cõi này.

    Không có kiếp sau, nghĩa là chúng sinh sau khi kiếp hiện tại này chết, rồi không có tái sinh kiếp sau nữa.

    Hai trường hợp này, đối với người có đoạn kiến thấy sai chấp lầm rằng: “Sau khi tất cả mọi chúng sinh chết rồi là hết không có nghiệp nào dẫn dắt cho quả tái sinh kiếp sau nữa”.

    Làm phước, làm tội đối với mẹ, không có quả của phước, không có quả của tội nào đối với con.

    Làm phước, làm tội đối với cha, không có quả của phước, không có quả của tội nào đối với con.

    Không có chúng sinh loài hóa sinh, nghĩa là không có chúng sinh địa ngục, không có chúng sinh loài atula, không có chúng sinh loài ngạ quỷ; không có chư thiên trong 6 cõi trời dục giới, không có chư Phạm thiên trong cõi trời sắc giới, cõi trời vô sắc giới.

    Không có Samôn, Bàlamôn, chính tự mình thực hành thiền định dẫn đến chứng đắc các bậc thiền sắc giới, các bậc thiền vô sắc giới; chứng đắc thần thông thấy rõ cõi này, cõi khác. Không có Samôn, Bàlamôn, chính mình thực hành thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn v.v…

    Theo quan niệm của phái ngoại đạo này, con người gồm có tứ đại và hơi thở… Cho nên sau khi con người chết, chất đất tan rã theo đất, chất nước tan rã theo nước, chất lửa tan rã theo lửa, chất gió tan rã theo gió, hơi thở tan rã theo hư không…

    Tà thuyết cố định của vị Đạo sư Ajitakesakambala là ác nghiệp tà kiến cố định thấy sai chấp lầm rằng: “Không có quả của nghiệp”.

    Người nào có ác nghiệp tà kiến cố định phủ nhận quả của thiện nghiệp, quả của ác nghiệp; cũng đồng thời phủ nhận thiện nghiệp, ác nghiệp, người ấy tạo ác nghiệp thuộc loại vô quả tà kiến (natthikadiṭṭhi).

    2. Ahetukadiṭṭhi: Ác nghiệp tà kiến cố định thấy sai lầm rằng: “Không có nhân”.

    Người có ác nghiệp tà kiến cố định thấy sai chấp lầm cho rằng: “Không có nhân sinh quả (janakahetu), cũng không có nhân hỗ trợ cho quả. Cũng có nghĩa là không có thiện nghiệp sinh quả an lạc, không có ác nghiệp sinh quả khổ. Và cũng không có thiện nghiệp hỗ trợ, ác nghiệp hỗ trợ cho quả của thiện nghiệp, quả của ác nghiệp”.

    Người có ác nghiệp tà kiến cố định thấy sai chấp lầm không có nhân này cho rằng: “Tất cả mọi chúng sinh hiện hữu trong đời này có tự nhiên, không phải là quả của thiện nghiệp, ác nghiệp nào cả. Tất cả mọi chúng sinh tự nhiên ô nhiễm, tự nhiên đến thời kỳ trong sạch thanh tịnh. Cho nên tất cả mọi người ác và bậc thiện, người ngu, bậc trí trải qua vòng tử sinh luân hồi nhiều đời, nhiều kiếp đến thời kỳ nào đó, rồi cũng sẽ giải thoát khổ cả thảy”.

    Như trong bài kinh Sāmaññaphalasutta, vị Đạo sư Makkhaligosāla ngoại đạo, có tà thuyết cố định thấy sai chấp lầm rằng: “Không có nhân” như sau:

    Thấy sai lầm rằng:

    Không có nhân nào, không có duyên nào làm cho tất cả chúng sinh bị ô nhiễm; tất cả chúng sinh bị ô nhiễm tự nhiên, không do nhân nào, duyên nào cả.

    Không có nhân nào, không có duyên nào làm cho tất cả chúng sinh được trong sạch thanh tịnh; tất cả chúng sinh được trong sạch thanh tịnh, không do nhân nào, duyên nào cả.

    Không có nghiệp riêng của mình, không có nghiệp của người khác… Tất cả chúng sinh sống hằng ngày tùy thuộc vào sự may, sự rủi, sự ngẫu nhiên, tự nhiên rồi thọ khổ, thọ lạc….

    Tất cả chúng sinh là người ác, người thiện, người ngu, người trí trải qua vòng tử sinh luân hồi nhiều đời, nhiều kiếp đến thời gian nào đó, rồi cũng sẽ giải thoát khổ cả thảy...

    Tà thuyết cố định của vị Đạo sư Makkhaligosāla là ác nghiệp tà kiến cố định thấy sai chấp lầm rằng: “Không có nhân”.

    Người nào có ác nghiệp tà kiến cố định phủ nhận nhân đó là thiện nghiệp, ác nghiệp; cũng đồng thời phủ nhận quả của thiện nghiệp, quả của ác nghiệp, người ấy tạo ác nghiệp tà kiến thuộc loại vô nhân tà kiến (ahetukadiṭṭhi).

    3. Akiriyadiṭṭhi: Ác nghiệp tà kiến cố định thấy sai lầm rằng: “Không có hành ác, không có hành thiện”.

    Người có ác nghiệp tà kiến cố định này thấy sai chấp lầm rằng: “Người tạo ác nghiệp không gọi là ác, và người tạo thiện nghiệp không gọi là thiện. Hành chỉ là hành mà thôi, không có hành ác, không có hành thiện”.

    Như trong bài kinh Sāmaññaphalasutta, vị Đạo sư Pūraṇakassapa ngoại đạo có tà thuyết cố định thấy sai chấp lầm rằng: “Không có hành ác, không có hành thiện” như sau:

    Thấy sai chấp lầm rằng:

    Tự mình hành ác, sai khiến người khác hành ác đều không có hành ác, như:

    Tự mình sát sinh, sai khiến người khác sát sinh đều không có hành ác sát sinh.

    Tự mình trộm cắp, sai khiến người khác trộm cắp đều không có hành ác trộm cắp.

    Tự mình tà dâm, sai khiến người khác tà dâm đều không có hành ác tà dâm.

    Tự mình nói dối, sai khiến người khác nói dối đều không có hành ác nói dối v.v…

    Tự mình bố thí, khuyên người khác bố thí đều không có hành phước thiện bố thí.

    Tự mình giữ giới, khuyên người khác giữ giới đều không có hành phước thiện giữ giới.

    Tự mình lễ bái cúng dường, khuyên người khác lễ bái cúng dường đều không có hành phước thiện lễ bái cúng dường v.v…

    Tà thuyết cố định của vị Đạo sư Pūraṇakassapa là ác nghiệp tà kiến cố định thấy sai chấp lầm rằng: “Không có hành ác, không có hành thiện”.

    Người nào có ác nghiệp tà kiến cố định phủ nhận nhân đó là thiện nghiệp, ác nghiệp; và phủ nhận quả của thiện nghiệp, quả của ác nghiệp, người ấy tạo ác nghiệp tà kiến thuộc loại vô hành tà kiến (akiriyadiṭṭhi).

    Nhận xét về 3 loại ác nghiệp tà kiến

    Trước thời kỳ Đức Phật chưa xuất hiện trên thế gian, đã có 6 nhóm ngoại đạo lớn, đứng đầu là 6 vị Đạo sư: Đạo sư Pūraṇakassapa, Đạo sư Makkhaligosāla, Đạo sư Ajitakesakambala, Đạo sư Pakudhakaccāyana, Đạo sư Nigaṇṭhanāṭaputta và Đạo sư Sañjayabelaṭṭhaputta. Mỗi vị Đạo sư có tà thuyết riêng biệt của bình, rồi chấp thủ vững chắc trong tà thuyết ấy.

    3 loại ác nghiệp tà kiến cố định liên quan đến 3 tà thuyết của 3 vị Đạo sư như sau:.

    - Vị Đạo sư Ajitakesakambala có tà thuyết “Natthikadiṭṭhi” tà kiến cố định thấy sai chấp lầm rằng: “Không có quả của nghiệp”.

    - Vị Đạo sư Makkhaligosāla có tà thuyết “Ahetukadiṭṭhi” tà kiến cố định thấy sai chấp lầm rằng: “Không có nhân (nghiệp)”.

    - Vị Đạo sư Pūraṇakassapa có tà thuyết “Akiriyadiṭṭhi” tà kiến cố định thấy sai chấp lầm rằng: “Không có hành ác, không có hành thiện”.

    Tuy 3 tà thuyết của 3 vị Đạo sư có khác về quan điểm, nhưng chung quy đều giống nhau là phủ nhận quả của nghiệp, phủ nhận nghiệp, phủ nhận nghiệp và quả của nghiệp. Người có tà kiến cố định này là người hoàn toàn không tin nơi nghiệp và quả của nghiệp. Song thật ra, có thiện nghiệp. có ác nghiệp; có quả của thiện nghiệp, có quả của ác nghiệp.

    Chư bậc thiện trí có chánh kiến về nghiệp của mình (kammassakatā sammādiṭṭhi) có đức tin về nghiệp và quả của nghiệp:

    “Mỗi chúng sinh khi đã tạo thiện nghiệp, ác nghiệp nào, thì chắc chắn thiện nghiệp, ác nghiệp ấy là của riêng chúng sinh ấy, hoàn toàn không liên quan đến chúng sinh khác.

    Nếu thiện nghiệp có cơ hội cho quả của thiện nghiệp, thì chúng sinh ấy hưởng được sự an lạc, đáng hài lòng.

    Nếu ác nghiệp có cơ hội cho quả của ác nghiệp, thì chúng sinh ấy phải chịu sự khổ não, không đáng hài lòng”.

    Bởi vậy cho nên, mỗi chúng sinh nào được hưởng sự an lạc, đó là quả của thiện nghiệp mà chúng sinh ấy đã từng tạo trong những kiếp quá khứ hoặc trong kiếp hiện tại. Và chúng sinh nào chịu mọi cảnh khổ, đó là quả của ác nghiệp mà chúng sinh ấy đã từng tạo trong những kiếp quá khứ hoặc kiếp hiện tại.

    Đức Phật dạy về nghiệp và quả của nghiệp rằng:

    “Kammassako’mhi kammadāyādo kammayoni kamma-bandhu kammappaṭisaraṇo, yaṃ kammaṃ karissāmi kalyānaṃ vā pāpakaṃ vā, tassa dāyādo bhavissāmi”.

    (Ta có nghiệp là của riêng, ta là người thừa hưởng quả của nghiệp, nghiệp là nhân sinh ra ta, nghiệp là bà con thân quyến của ta, nghiệp là nơi nương nhờ của ta. Ta sẽ tạo nghiệp nào ‘thiện nghiệp hoặc ác nghiệp’, ta sẽ là người thừa hưởng quả của thiện nghiệp hoặc quả của ác nghiệp ấy).

    Tính chất của 3 ác nghiệp tà kiến cố định

    Trong tất cả các loại ác nghiệp, chỉ có 3 loại ác nghiệp tà kiến cố định này là trọng tội, cực kỳ nặng nhất mà thôi, không có ác nghiệp nào tội nặng hơn 3 loại ác nghiệp tà kiến cố định này. Dù 5 ác nghiệp vô gián trọng tội là giết cha, giết mẹ, giết bậc Thánh Arahán, làm bầm máu bàn chân của Đức Phật và chia rẽ chư Tỳ khưu Tăng, cũng không sánh bằng 3 loại ác nghiệp tà kiến cố định này. Bởi vì, người có ác nghiệp tà kiến cố định này hoàn toàn không tin nghiệp và quả của nghiệp, hoàn toàn phủ nhận nghiệp và quả của nghiệp. Cho nên, họ không chịu lắng nghe lời giáo huấn của chư bậc thiện trí, không thực hành theo lời giáo huấn của chư bậc thiện trí. Họ thường hành ác nghiệp, nhưng họ không tin ác nghiệp sẽ cho quả khổ trong kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp vị lai, nên họ không có tâm biết hổ thẹn tội lỗi, không có tâm biết ghê sợ tội lỗi. Chính do tâm si mê này, nên họ càng ngày càng lún sâu vào tội lỗi.

    Người có ác nghiệp tà kiến cố định này, tuy họ không tin có kiếp sau, nhưng sau khi họ chết, chắc chắn ác nghiệp tà kiến cố định có quyền ưu tiên, có cơ hội ưu tiên cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi đại địa ngục Avīci, mà không có nghiệp nào có khả năng ngăn cản được, phải chịu quả khổ thiêu đốt suốt thời gian lâu dài trải qua nhiều đại kiếp trái đất, khó thoát ra khỏi cõi đại địa ngục này.

    Người có ác nghiệp tà kiến cố định sống trong kiếp hiện tại như thế nào?

    Người có ác nghiệp tà kiến cố định là người hoàn toàn không tin nơi nghiệp và quả của nghiệp, nghĩa là không tin rằng: “Ác nghiệp cho quả khổ, thiện nghiệp cho quả an lạc trong kiếp hiện tại và những kiếp vị lai”. Hay nói cách khác: “Sự khổ không phải là quả của ác nghiệp, sự an lạc không phải là quả của thiện nghiệp”. Sự khổ hoặc sự an lạc trong cuộc sống ở đời chỉ là điều rủi, điều may ngẫu nhiên xảy ra mà thôi. Cho nên, trong kiếp sống hiện tại, người có ác nghiệp tà kiến cố định này có thể tạo mọi ác nghiệp, nếu khi có cơ hội; bởi họ hoàn toàn không tin rằng: “Làm ác là có tội, làm thiện là có phước, không tin: Nghiệp là của riêng ta”.

    Đôi khi người ấy không dám làm ác, không phải là họ sợ tội, mà họ sợ vi phạm pháp luật của nhà nước, rồi sẽ bị bắt ở tù, hoặc e ngại người khác chê trách mà lánh xa họ… Nhưng nếu ác nghiệp nào hợp pháp, được nhà nước cho phép ví như làm lò sát sinh giết mổ gia súc, gia cầm để bán thịt, thì họ hăng say giết mổ các loài gia súc, các loài gia cầm bán thịt, miễn sao để được thu thật nhiều lợi nhuận v.v…

    Đó là người tạo tà nghiệp, sống tà mạng trong kiếp hiện tại. Nếu những người này thuộc về hạng khá giả, giàu có thì họ cũng tham gia vào những việc từ thiện, đem của cải, tài sản của mình giúp đỡ cứu trợ những người gặp cảnh thiên tai bão lụt... hoạn nạn, những người tàn tật, nghèo khổ… không phải tác ý thiện làm phước (vì họ không tin phước), mà có lòng thương người, muốn giúp đỡ cứu trợ người trong cảnh khổ, cũng có thể muốn có danh thơm tiếng tốt được lan truyền, để cho mọi người biết đến mình trong kiếp hiện tại này. Đó cũng là việc làm phước thiện, nhưng phước thiện ấy không hoàn toàn trong sạch, không có nhiều năng lực, bởi vì họ không có chánh kiến thấy đúng về nghiệp là của riêng mình (kammassakatā sammādiṭṭhi).

    3 ý ác nghiệp là nhân sinh các loại ác nghiệp

    3 ý ác nghiệp là ác nghiệp tham lam của cải, tài sản của người khác; ác nghiệp thù hận người khác và ác nghiệp tà kiến là nhân khiến cho thân hành ác, tạo thân ác nghiệp; khẩu hành ác, tạo khẩu ác nghiệp như sau:

    1. Ý ác nghiệp tham lam của cải, tài sản người khác:

    Là nhân khiến cho thân hành ác, tạo thân ác nghiệp như: Ác nghiệp trộm cắp, ác nghiệp tà dâm.

    Là nhân khiến cho khẩu hành ác, tạo khẩu ác nghiệp như: Ác nghiệp nói dối, ác nghiệp nói lời chia rẽ, ác nghiệp nói lời vô ích.

    Là nhân khiến cho ý hành ác tạo nên ác nghiệp tà kiến.

    2. Ý ác nghiệp thù hận người khác:

    Là nhân khiến cho thân hành ác, tạo thân ác nghiệp như: Ác nghiệp sát sinh, ác nghiệp trộm cắp.

    Là nhân khiến cho khẩu hành ác, tạo khẩu ác nghiệp như: Ác nghiệp nói dối, ác nghiệp nói lời chia rẽ, ác nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), ác nghiệp nói lời vô ích.

    3. Ý ác nghiệp tà kiến: Thấy sai chấp lầm là nhân khiến cho thân hành ác tạo 3 loại thân ác nghiệp, khiến cho khẩu hành ác tạo 4 loại khẩu ác nghiệp và khiến cho ý hành ác tạo 3 loại ý ác nghiệp.

    Giải thích nguồn gốc phát sinh mỗi ác nghiệp

    - 3 ác nghiệp là ác nghiệp sát sinh, ác nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), ác nghiệp thù hận, cả 3 loại ác nghiệp này được phát sinh do từ gốc tâm sân (dosa-mūlacitta).

    - 3 ác nghiệp là ác nghiệp tà dâm, ác nghiệp tham lam, ác nghiệp tà kiến, cả 3 loại ác nghiệp này được phát sinh do từ gốc tâm tham (lobhamūlacitta).

    - 4 ác nghiệp là ác nghiệp trộm cắp, ác nghiệp nói dối, ác nghiệp nói lời chia rẽ, ác nghiệp nói lời vô ích, cả 4 loại ác nghiệp này được phát sinh khi thì do từ gốc tâm tham, khi thì do từ gốc tâm sân như sau:

    Ác nghiệp trộm cắp được phát sinh do từ gốc tâm tham, nghĩa là trộm cắp của cải, tài sản của người khác đem về làm của riêng mình, hoặc đem về cho vợ con, cha mẹ, bà con, dòng họ của mình.

    Ác nghiệp trộm cắp được phát sinh do từ gốc tâm sân, nghĩa là trộm cắp của cải, tài sản của người khác, không phải muốn lấy làm của riêng mình, mà chỉ để phá hoại của cải, tài sản của người ấy, bởi vì, người ấy là kẻ thù của mình.

    Ác nghiệp nói dối được phát sinh do từ gốc tâm tham, nghĩa là nói dối, lừa gạt người khác để có lợi cho mình.

    Ác nghiệp nói dối được phát sinh do từ gốc tâm sân, nghĩa là nói dối vu oan, giá họa người ấy để làm khổ người ấy, bởi vì, thù ghét người ấy.

    Ác nghiệp nói lời chia rẽ được phát sinh do từ gốc tâm tham, nghĩa là nói lời chia rẽ giữa người này với người khác, để muốn cho hai người ấy nghi kỵ lẫn nhau, rồi ghét bỏ xa lánh nhau, đồng thời để cho hai người ấy tin cậy nơi mình, mà thương yêu mình.

    Ác nghiệp nói lời chia rẽ được phát sinh do từ gốc tâm sân, nghĩa là nói lời chia rẽ hai người thân nhau, để cho hai người ấy nghi kỵ lẫn nhau, rồi xa lánh nhau, bởi vì không muốn hai người ấy thân với nhau, cốt để trả thù.

    Ác nghiệp nói lời vô ích được phát sinh do từ gốc tâm tham, nghĩa là nói lời vô ích, hoặc viết những câu chuyện hài hước… để vui cười, để đem lại sự lợi ích cho mình.

    Ác nghiệp nói lời vô ích được phát sinh do từ gốc tâm sân, nghĩa là nói lời vô ích, hoặc viết những câu chuyện hoang đường không có thật, có tác ý làm cho người nghe, người đọc mất lợi ích, gây ra sự tai hại đến với họ.

    Đó là ác nghiệp riêng biệt được phát sinh trực tiếp từ gốc tâm tham hoặc gốc tâm sân. Còn 10 ác nghiệp nói chung được phát sinh đều có gốc tâm si trong mỗi ác nghiệp ấy.

    * Tại sao trong 10 ác nghiệp không đề cập đến ác nghiệp uống rượu và các chất say? Vậy ác nghiệp uống rượu và các chất say thuộc về ác nghiệp nào trong 10 loại ác nghiệp ấy?

    Sự uống rượu và các chất say là một điều giới trong ngũ giới, trong bát giới uposathasīla, trong cửu giới uposathasīla, trong thập giới của người tại gia và trong thập giới của bậc Sadi, trong giới của bậc Tỳ khưu; nhưng trong 10 loại ác nghiệp, sự uống rượu và các chất say không quy định rõ một ác nghiệp riêng rẽ, bởi vì uống rượu và các chất say là ác nghiệp có tính chất nghiệp bất định. Cho nên, sự uống rượu và các chất say không quy định rõ một ác nghiệp riêng biệt như các ác nghiệp khác.

    Sự uống rượu và các chất say dĩ nhiên là ác nghiệp, mà ác nghiệp này có tính chất nghiệp bất định, để xác định uống rượu và các chất say thuộc về ác nghiệp nào trong 10 loại ác nghiệp, cần phải xét theo từng trường hợp đối với người uống rượu và các chất say như sau:

    - Trường hợp một người uống rượu và các chất say, cốt chỉ để thưởng thức vị trần của rượu hoặc các chất say, rồi say lúy túy, hoàn toàn không còn biết mình, nằm ngủ cho đến khi tỉnh say rượu. Như vậy, người ấy đã tạo ác nghiệp thưởng thức vị trần, hương trần của chất rượu hoặc các chất say, giống như người tạo ác nghiệp tà dâm cốt chỉ để thưởng thức xúc trần, hương trần của người khác phái.

    Trong trường hợp này, người uống rượu và các chất say đã tạo ác nghiệp như là ác nghiệp tà dâm.

    - Trường hợp một người vốn có tính nhút nhát, biết hổ thẹn tội lỗi, biết ghê sợ tội lỗi, không dám làm mọi ác nghiệp. Nhưng khi người ấy uống rượu hoặc các chất say vào, chất rượu hoặc các chất say kích thích tâm tham, tâm sân, tâm si; người ấy trở nên người hung hăng, bạo dạn, liều lĩnh, không còn biết hổ thẹn tội lỗi, không còn biết ghê sợ tội lỗi, dám tạo 10 loại ác nghiệp.

    Trong trường hợp này, người nào uống rượu và các chất say, rồi say sưa, không còn biết hổ thẹn tội lỗi, không còn biết ghê sợ tội lỗi, dám tạo ác nghiệp nào, thì người uống rượu và các chất say ấy đã tạo ác nghiệp ấy, ví như:

    Nếu như người uống rượu và các chất say, rồi tạo ác nghiệp sát sinh, thì người ấy đã tạo ác nghiệp sát sinh do nguyên nhân uống rượu và các chất say.

    Nếu như người uống rượu và các chất say, rồi tạo ác nghiệp trộm cắp, thì người ấy đã tạo ác nghiệp trộm cắp do nguyên nhân uống rượu và các chất say.

    Nếu như người uống rượu và các chất say, rồi tạo ác nghiệp tà dâm, thì người ấy đã tạo ác nghiệp tà dâm do nguyên nhân uống rượu và các chất say.

    Nếu như người uống rượu và các chất say, rồi tạo ác nghiệp nói dối, thì người ấy đã tạo ác nghiệp nói dối do nguyên nhân uống rượu và các chất say.

    Nếu như người uống rượu và các chất say, rồi tạo ác nghiệp nói lời chia rẽ, thì người ấy đã tạo ác nghiệp nói lời chia rẽ do nguyên nhân uống rượu và các chất say.

    Nếu như người uống rượu và các chất say, rồi tạo ác nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), thì người ấy đã tạo ác nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) do nguyên nhân uống rượu và các chất say.

    Nếu như người uống rượu và các chất say, rồi tạo ác nghiệp nói lời vô ích, thì người ấy đã tạo ác nghiệp nói lời vô ích do nguyên nhân uống rượu và các chất say.

    Nếu như người uống rượu và các chất say, rồi tạo ác nghiệp nghĩ tham lam của cải, tài sản của người khác, thì người ấy đã tạo ác nghiệp nghĩ tham lam của cải, tài sản của người khác do nguyên nhân uống rượu và các chất say.

    Nếu như người uống rượu và các chất say, rồi tạo ác nghiệp nghĩ thù hận người khác, thì người ấy đã tạo ác nghiệp nghĩ thù hận người khác do nguyên nhân uống rượu và các chất say.

    Nếu như người uống rượu và các chất say, rồi tạo ác nghiệp nghĩ tà kiến, thì người ấy đã tạo ác nghiệp nghĩ tà kiến do nguyên nhân uống rượu và các chất say.

    Do đó, uống rượu và các chất say là nhân tạo 10 loại ác nghiệp. Cho nên, uống rượu và các chất say không được chế định ra ác nghiệp riêng biệt, chỉ có tùy thuộc vào ác nghiệp mà nó liên quan trực tiếp mà thôi.

    Thật vậy, Ngài Đại đức Ānanda (lớp người hậu sinh) biên soạn bộ Mūlaṭīkā giải thích rằng:

    “Tassa sabhāgattena micchācāre, upakārakattena dasasu pi kammapathesu anuppaveso hoti”.

    (Sự uống rượu và các chất say này cũng như ác nghiệp tà dâm, bởi vì tính chất của đối tượng tương tự như ác nghiệp tà dâm. Và sự uống rượu và các chất say cũng được ghép chung trong 10 loại nghiệp, bởi vì uống rượu và các chất say là nhân tạo 10 loại ác nghiệp).

    Tính chất nghiêm trọng của sự uống rượu và các chất say

    Người đã tạo ác nghiệp uống rượu và các chất say, có thể dám làm mọi tội ác nghiêm trọng:

    Khi nào đã uống rượu, lên cơn say, thì người ấy không còn tự chủ, trở nên người hung hản, tàn bạo, không còn biết hổ thẹn tội lỗi, không còn biết ghê sợ tội lỗi, dám làm mọi tội ác nghiêm trọng mà lúc tỉnh không dám làm.

    Khi người nào thường dùng các chất say như thuốc phiện, ma túy,... trở thành bệnh nghiện nặng, đến khi người ấy lên cơn thèm khát các chất say ấy mà không có sẵn, khiến cho người ấy lên cơn điên loạn, dám làm mọi tội ác nghiêm trọng mà lúc tỉnh không dám làm.

    Như vậy, tạo ác nghiệp uống rượu và các chất say là nguyên nhân dẫn đến tạo mọi ác nghiệp nghiêm trọng, có nguy hại trong kiếp hiện tại và nhiều kiếp vị lai.

    Trong Chú giải Suttanipāta, giải về tội lỗi của sự uống rượu và các chất say như sau:

    “Yasmā pana majjapāyī atthaṃ na jānāti, dhammaṃ na jānāti, mātupi antarāyaṃ karoti, pitupi Buddhapacceka-buddhatathāgatasāvakānampi antarayaṃ karoti, diṭṭhadhamme ca garahaṃ samparāye ca duggatiṃ aparāpariyāye ummādaṃ pāpuṇāti”.

    (Người thường uống rượu và các chất say, không biết quả, không biết nhân, gây ra sự tai hại đến với sinh mạng của cha mẹ, Đức Phật, Đức Phật Độc Giác, các hàng đệ tử của Như Lai. Trong kiếp hiện tại, người uống rượu và các chất say thường bị chư thiện trí chê trách. Sau khi người ấy chết, ác nghiệp ấy cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh), khi mãn quả của ác nghiệp trong cõi ác giới, do nhờ thiện nghiệp khác cho quả tái sinh làm người, người ấy sẽ là người mất trí, người điên cuồng).

    Và Ngài Đại đức Mahābuddhaghosa dạy về tội lỗi của sự uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện pháp, dám tạo mọi ác pháp, có tội lỗi nghiêm trọng như sau:

    “Apicettha surāmerayamajjappamādaṭṭhānameva mahā-sāvajjaṃ na tathā pāṇātipātādayo, kasmā manussabhūtassapi ummattakabhavasaṃvattanena ariya dhammantarāya kara-ṇato”.

    (Thật sự, trong ngũ giới ấy, phạm điều giới uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện pháp, có tội lỗi nghiêm trọng hơn 4 điều giới còn lại là phạm điều giới sát sinh, phạm điều giới trộm cắp, phạm điều giới tà dâm, phạm điều giới nói dối; 4 điều giới này gây hậu quả ít nghiêm trọng hơn phạm điều giới uống rượu và các chất say. Bởi vì, phạm điều giới uống rượu và các chất say này còn là nhân làm cho người ấy mang bệnh điên, mất trí, làm nguy hại cho sự chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả).

    10 loại ác nghiệp ở trong tâm nào? Nương nhờ nơi môn nào?

    10 loại ác nghiệp đó là tác ý tâm sở đồng sinh với 12 ác tâm đó là: 8 tâm tham + 2 tâm sân + 2 tâm si.

    10 loại ác nghiệp được tạo do nương nhờ nơi 3 môn như sau:

    1. Thân môn: Những ác nghiệp được tạo do nương nhờ nơi thân môn, có 3 loại ác nghiệp.

    Ác nghiệp sát sinh

    Ác nghiệp trộm cắp

    Ác nghiệp tà dâm

    3 loại ác nghiệp này được tạo phần nhiều do nương nhờ nơi thân môn, do đó gọi là thân ác nghiệp hoặc thân hành ác.

    2. Khẩu môn: Những ác nghiệp được tạo do nương nhờ nơi khẩu môn, có 4 loại ác nghiệp.

    Ác nghiệp nói dối

    Ác nghiệp nói lời chia rẽ

    Ác nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc)

    Ác nghiệp nói lời vô ích

    4 loại ác nghiệp này được tạo phần nhiều do nương nhờ nơi khẩu môn, do đó gọi là khẩu ác nghiệp hoặc khẩu hành ác.

    3. Ý môn: Những ác nghiệp được tạo do nương nhờ nơi ý môn, có 3 loại ác nghiệp.

    Ác nghiệp tham lam của cải, tài sản người khác

    Ác nghiệp thù hận người khác

    Ác nghiệp tà kiến thấy sai chấp lầm

    3 loại ác nghiệp này được tạo phần nhiều do nương nhờ nơi ý môn, do đó gọi là ý ác nghiệp hoặc ý hành ác.

    30 loại ác nghiệp tính theo 3 thời kỳ tác ý ác

    10 loại ác nghiệp này nếu tính theo 3 thời kỳ tác ý ác, thì có 30 loại ác nghiệp như sau:

    - Pubbacetanā: Tác ý ác phát sinh trước khi tạo 10 ác nghiệp.

    - Muñcacetanā: Tác ý ác phát sinh trong khi đang tạo 10 ác nghiệp.

    - Aparacetanā: Tác ý ác phát sinh sau khi đã tạo 10 ác nghiệp.

    Như vậy, 10 loại ác nghiệp nhân với 3 thời kỳ tác ý ác thành 30 loại ác nghiệp.

    40 loại ác nghiệp tính theo 4 hạng người

    10 loại ác nghiệp này tính theo 4 hạng người, thì có 40 loại ác nghiệp như sau:

    - Sāhatthikaduccarita: Tự mình tạo 10 ác nghiệp.

    - Āṇattikaduccarita: Sai khiến người khác tạo 10 ác nghiệp.

    - Vaṇṇabhāsanaduccarita: Tán dương, ca tụng, khuyến khích tạo 10 ác nghiệp.

    - Samanuññāduccarita: Tâm hài lòng, hoan hỷ trong 10 ác nghiệp.

    Ví dụ: Tạo ác nghiệp sát sinh

    1. Một hạng người tự mình sát hại chúng sinh.

    2. Một hạng người tự mình không sát hại chúng sinh, mà sai khiến, ra lệnh cho người khác sát hại chúng sinh.

    3. Một hạng người tán dương, ca tụng, khuyến khích sát hại chúng sinh.

    4. Một hạng người tự mình không sát hại chúng sinh, không sai khiến người khác sát hại chúng sinh, cũng không nói lời tán dương ca tụng, khuyến khích người khác sát hại chúng sinh, nhưng lại phát sinh ác tâm hoan hỷ khi thấy người khác sát hại chúng sinh.

    Nếu chúng sinh ấy bị sát hại chết, thì người tự mình sát hại chúng sinh ấy; hoặc người sai khiến, ra lệnh người khác sát hại, giết chết chúng sinh ấy; hoặc người tán dương, ca tụng người giết hại chúng sinh ấy, cả 3 hạng người này đã tạo ác nghiệp sát sinh hội đầy đủ 5 chi pháp. Còn hạng người phát sinh ác tâm hoan hỷ khi thấy người khác sát hại chúng sinh ấy, thì người ấy đã tạo ác nghiệp sát sinh không hội đầy đủ 5 chi pháp.

    Cũng tương tự như ác nghiệp sát sinh, các ác nghiệp khác còn lại cũng nên hiểu như vậy.

    Như vậy, 10 loại ác nghiệp nhân với 4 hạng người thành 40 loại ác nghiệp.

    Quả của thân hành ác (kāyaduccarita) và khẩu hành ác (vacīduccarita)

    Trong kinh Duccaritavipākasutta Đức Phật thuyết dạy về quả của thân hành ác và quả của khẩu hành ác như sau:

    - “Này chư Tỳ khưu, người nào đã tạo ác nghiệp sát sinh, thường sát sinh, sát sinh nhiều. Sau khi người ấy chết, ác nghiệp sát sinh ấy cho quả tái sinh trong cõi địa ngục, trong loài súc sinh, trong loài ngạ quỷ. Nếu ác nghiệp sát sinh nhẹ nhất không có khả năng cho quả tái sinh kiếp sau (trong cõi ác giới), mà do thiện nghiệp khác cho quả tái sinh kiếp sau làm người, thì người ấy sẽ là người có tuổi thọ rất ngắn (chết yểu).

    - Này chư Tỳ khưu, người nào đã tạo ác nghiệp trộm cắp, thường trộm cắp, trộm cắp nhiều. Sau khi người ấy chết, ác nghiệp trộm cắp ấy cho quả tái sinh trong cõi địa ngục, trong loài súc sinh, trong loài ngạ quỷ. Nếu ác nghiệp trộm cắp nhẹ nhất không có khả năng cho quả tái sinh kiếp sau (trong cõi ác giới), mà do thiện nghiệp khác cho quả tái sinh kiếp sau làm người, thì người ấy sẽ là người có của cải, tải sản bị khánh kiệt, nghèo khổ thiếu thốn.

    - Này chư Tỳ khưu, người nào đã tạo ác nghiệp tà dâm, thường hành tà dâm, hành tà dâm nhiều. Sau khi người ấy chết, ác nghiệp tà dâm ấy cho quả tái sinh trong cõi địa ngục, trong loài súc sinh, trong loài ngạ quỷ. Nếu ác nghiệp tà dâm nhẹ nhất không có khả năng cho quả tái sinh kiếp sau (trong cõi ác giới), mà do thiện nghiệp khác cho quả tái sinh kiếp sau làm người, thì người ấy sẽ là người có nhiều người thù, có nhiều người oan trái.

    - Này chư Tỳ khưu, người nào đã tạo ác nghiệp nói dối, thường hay nói dối, nói dối nhiều lần. Sau khi người ấy chết, ác nghiệp nói dối ấy cho quả tái sinh trong cõi địa ngục, trong loài súc sinh, trong loài ngạ quỷ. Nếu ác nghiệp nói dối nhẹ nhất không có khả năng cho quả tái sinh kiếp sau (trong cõi ác giới), mà do thiện nghiệp khác cho quả tái sinh kiếp sau làm người, thì người ấy sẽ là người thường bị vu oan giá họa với những điều không có thật.

    - Này chư Tỳ khưu, người nào đã tạo ác nghiệp nói lời chia rẽ, thường hay nói lời chia rẽ, nói lời chia rẽ nhiều lần. Sau khi người ấy chết, ác nghiệp nói lời chia rẽ ấy cho quả tái sinh trong cõi địa ngục, trong loài súc sinh, trong loài ngạ quỷ. Nếu ác nghiệp nói lời chia rẽ nhẹ nhất không có khả năng cho quả tái sinh kiếp sau (trong cõi ác giới), mà do thiện nghiệp khác cho quả tái sinh kiếp sau làm người, thì người ấy sẽ là người thường bị bạn bè xa lánh.

    - Này chư Tỳ khưu, người nào đã tạo ác nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), thường hay nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), nói lời thô tục nhiều lần. Sau khi người ấy chết, ác nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) ấy cho quả tái sinh trong cõi địa ngục, trong loài súc sinh, trong loài ngạ quỷ. Nếu ác nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) nhẹ nhất không có khả năng cho quả tái sinh kiếp sau (trong cõi ác giới), mà do thiện nghiệp khác cho quả tái sinh kiếp sau làm người, thì người ấy sẽ là người thường nghe những lời nói cay độc, không đáng hài lòng.

    - Này chư Tỳ khưu, người nào đã tạo ác nghiệp nói lời vô ích, thường hay nói lời vô ích, nói lời vô ích nhiều lần. Sau khi người ấy chết, ác nghiệp nói lời vô ích ấy cho quả tái sinh trong cõi địa ngục, trong loài súc sinh, trong loài ngạ quỷ. Nếu ác nghiệp nói lời vô ích nhẹ nhất không có khả năng cho quả tái sinh kiếp sau (trong cõi ác giới), mà do thiện nghiệp khác cho quả tái sinh kiếp sau làm người, thì người ấy sẽ là người nói điều gì cũng không được ai tin tưởng, thường bị chống đối.

    - Này chư Tỳ khưu, người nào đã tạo ác nghiệp uống rượu và các chất say, thường hay uống rượu và các chất say, uống rượu và các chất say nhiều lần. Sau khi người ấy chết, ác nghiệp uống rượu và các chất say ấy cho quả tái sinh trong cõi địa ngục, trong loài súc sinh, trong loài ngạ quỷ. Nếu ác nghiệp uống rượu và các chất say nhẹ nhất không có khả năng cho quả tái sinh kiếp sau (trong cõi ác giới), mà do thiện nghiệp khác cho quả tái sinh kiếp sau làm người, thì người ấy sẽ là người điên cuồng loạn trí.

    (Xong bài kinh Duccaritavipākasutta)

    Trong 3 loại nghiệp: Thân ác nghiệp, khẩu ác nghiệp và ý ác nghiệp này, thì ý ác nghiệp có nhiều năng lực hơn thân ác nghiệp và khẩu ác nghiệp.

    Thật vậy, tìm hiểu bài kinh Upālisutta, được tóm lược như sau:

    Một thuở nọ, Đức Thế Tôn đang ngự tại khu rừng xoài của phú hộ Pāvārika gần thành Nālandā. Khi ấy, vị Đạo sư Nigaṇṭha Nāṭaputta cùng nhóm đệ tử cùng trú tại xứ Nālandā. Một hôm, người đệ tử của vị Đạo sư Nigaṇṭha tên là Dīghata-passī đi vào thành Nālandā khất thực, sau khi thọ thực xong, tu sĩ Dīghatapassī đến hầu viếng Đức Thế Tôn tại khu vườn xoài của phú hộ Pāvārika, sau khi thăm hỏi xong ngồi một nơi hợp lẽ, Đức Thế Tôn truyền hỏi tu sĩ Dīghatapassī rằng:

    - “Này Tapassi, vị Nigaṇṭha Nāṭaputta chế định nghiệp trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp có bao nhiêu loại?”.

    Tu sĩ Dīghatapassī thưa rằng:

    Dī: Kính thưa Ngài Samôn Gotama, vị Đạo sư Nigaṇṭha Nāṭaputta không chế định nghiệp, mà chế định “Daṇḍa (hành hạ)” là thường xuyên.

    ĐP: Này Tapassi, vị Nigaṇṭha Nāṭaputta chế định sự hành hạ trong việc tạo ác nghiệp trở thành ác nghiệp có bao nhiêu loại?

    Dī: Kính thưa Ngài Samôn Gotama, vị Đạo sư Nigaṇṭha Nāṭaputta chế định sự hành hạ trong việc tạo ác nghiệp trở thành ác nghiệp có 3 loại là:

    - Kāyadaṇḍa: Sự hành hạ bằng thân.

    - Vacīdaṇḍa: Sự hành hạ bằng khẩu.

    - Manodaṇḍa: Sự hành hạ bằng ý.

    ĐP: Này Tapassi, trong 3 loại hành hạ là loại hành hạ bằng thân, loại hành hạ bằng khẩu và loại hành hạ bằng ý, vị Nigaṇṭha nāṭaputta đã chế định loại hành hạ nào có tội ác nghiêm trọng nhất trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp?

    Dī: Kính thưa Ngài Samôn Gotama, trong 3 loại hành hạ khác nhau ấy, vị Đạo sư Nigaṇṭha nāṭaputta đã chế định “Sự hành hạ bằng thân (kāyadaṇḍa)” có tội ác nghiêm trọng nhất trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp. Và chế định sự hành hạ bằng khẩu và sự hành hạ bằng ý không thể có tội ác nghiêm trọng trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp như sự hành hạ bằng thân, thưa Ngài.

    Đức Phật đã hỏi lại 3 lần, vị tu sĩ Dīghatapassī cũng khẳng định lại 3 lần như trước, rồi tu sĩ Dīghatapassī bạch hỏi Đức Phật rằng:

    Dī: Kính thưa Ngài Samôn Gotama, Ngài chế định “sự hành hạ (daṇḍa)” trong việc tạo ác nghiệp trở thành ác nghiệp có bao nhiêu loại? Thưa Ngài.

    ĐP: Này Tapassi, Như Lai không chế định “sự hành hạ (daṇḍa)” mà thường chế định “Nghiệp (kamma)”.

    Dī: Kính thưa Ngài Samôn Gotama, Ngài chế định “nghiệp (kamma)” trong việc tạo ác nghiệp trở thành ác nghiệp có bao nhiêu loại? Thưa Ngài.

    ĐP: Này Tapassi, Như Lai chế định “nghiệp (kamma)” trong việc tạo ác nghiệp trở thành ác nghiệp có 3 loại là:

    - Thân ác nghiệp.

    - Khẩu ác nghiệp.

    - Ý ác nghiệp.

    Dī: Kính thưa Ngài Samôn Gotama, trong 3 loại ác nghiệp là thân ác nghiệp, khẩu ác nghiệp, ý ác nghiệp, Ngài đã chế định loại ác nghiệp nào có tội ác nghiêm trọng nhất trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp? Thưa Ngài.

    ĐP: Này Tapassi, trong 3 loại ác nghiệp khác nhau ấy, Như Lai đã chế định loại ý ác nghiệp có tội ác nghiêm trọng nhất trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp, và chế định loại thân ác nghiệp và khẩu ác nghiệp không thể có tội ác nghiêm trọng trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp, bằng ý ác nghiệp.

    Tu sĩ Dīghatapassī bạch hỏi lại Đức Thế Tôn 3 lần, Đức Thế Tôn cũng khẳng định lại 3 lần như trước, rồi tu sĩ Dīghatapassī xin phép từ giã Đức Thế Tôn trở về gặp vị Đạo sư Nigaṇṭha Nāṭaputta.

    Khi ấy, vị Đạo sư Nigaṇṭha Nāṭaputta đang ngồi tại hội trường giữa các nhóm đệ tử tu sĩ và cư sĩ có ông phú hộ Upāli, người trưởng nhóm, nhìn thấy Dīghatapassī từ xa trở về, nên vị Đạo sư Nigaṇṭha Nāṭaputta hỏi rằng:

    Ni: Này Tapassi, con từ đâu trở về lúc xế trưa như vậy?

    Tu sĩ Dīghatapassī thưa rằng:

    Dī: Kính thưa Ngài, con từ nơi tu viện của Samôn Gotama trở về. Thưa Ngài.

    Ni: Này Tapassi, con có đàm luận với vị Samôn Gotama về vấn đề gì hay không?

    Dī: Kính thưa Ngài, con có đàm luận với vị Samôn Gotama.

    Vị tu sĩ Dīghatapassī liền tường thuật đầy đủ cuộc đàm luận giữa y với Đức Phật cho vị Đạo sư Nigaṇṭha nāṭaputta nghe. Sau khi nghe xong, vị Đạo sư Nigaṇṭha Nāṭaputta tán dương ca tụng rằng:

    - Này Tapassi, những điều mà con đã trình bày cho Samôn Gotama là đúng, con thật xứng đáng là một người đệ tử hiểu rõ, biết rõ đúng theo lời dạy của thầy:

    - “Thật ra, sự hành hạ bằng ý có đáng gì so với sự hành hạ bằng thân. Sự thật, chỉ có sự hành hạ bằng thân mới có tội ác nghiêm trọng nhất trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp mà thôi. Còn sự hành hạ bằng khẩu và sự hành hạ bằng ý không thể có tội ác nghiêm trọng trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp hơn sự hành hạ bằng thân đâu!”

    Phú hộ Upāli xin phép đi đấu trí với Đức Phật

    Khi nghe vị Đạo sư Nigaṇṭha Nāṭaputta nói như vậy, phú hộ Upāli liền thưa với vị Đạo sư Nigaṇṭha Nāṭaputta rằng:

    - Kính thưa Ngài, vị Dīghatapassī đã trình bày đúng thật! Hay thật! Những điều mà vị Dīghatapassī đã trình bày cho Samôn Gotama đúng theo điều con đã nghe Ngài dạy. Vị Dīghatapassī đúng là một người đệ tử đã hiểu rõ, biết rõ đúng theo lời dạy của Ngài. Thật ra, sự hành hạ bằng ý quá ít ỏi không đáng gì so với sự hành hạ bằng thân quá lớn lao. Sự thật, chỉ có sự hành hạ bằng thân mới có tội ác nghiêm trọng nhất trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp mà thôi. Còn sự hành hạ bằng khẩu và sự hành hạ bằng ý không thể có tội ác nghiêm trọng trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp, bằng sự hành hạ bằng thân đâu!

    - Kính thưa Ngài, như vậy, con sẽ đi đến đấu trí về vấn đề này với Samôn Gotama. Nếu Samôn Gotama vẫn khẳng định với con như đã khẳng định với vị Dīghatapassī như vậy, thì con sẽ hỏi vặn, hỏi vẹo, hỏi xuôi, hỏi ngược, hỏi qua, hỏi lại, bằng lời lẽ của con đối đáp lại lời lẽ của Samôn Gotama, ví như một người đàn ông mạnh mẽ nắm bộ long dài của con cừu non kéo qua kéo lại như vậy. Con sẽ bắt bẻ, hỏi vặn vẹo bằng lời lẽ của con đối đáp lại lời lẽ của Samôn Gotama, ví như một người đàn ông mạnh mẽ làm việc trong xưởng nấu rượu ném đồ vớt rác xuống nồi rượu kéo qua kéo lại như vậy. Con sẽ vặn, chà xát, bóp nát bằng lời lẽ của con đối đáp lại lời lẽ của Samôn Gotama, ví như người đàn ông mạnh mẽ là người nghiền rượu cầm chén rượu nghiêng qua ngửa lại như vậy, v.v…

    Kính thưa Ngài, con sẽ đến gặp Samôn Gotama đấu trí về vấn đề này bằng lời lẽ của con đối đáp lại với lời lẽ của Samôn Gotama.

    Vị Đạo sư Nigaṇṭha Nāṭaputta động viên khuyến khích rằng:

    - Này ông phú hộ, ngươi nên đi, ngươi là người nên đi đấu trí về vấn đề này bằng lời lẽ của ngươi đối đáp lại với lời lẽ của Samôn Gotama.

    Khi nghe vị Đạo sư Nigaṇṭha Nāṭaputta động viên khuyến khích như vậy, vị Dīghatapassī thưa với vị Đạo sư Nigaṇṭha Nāṭaputta rằng:

    - Kính thưa Ngài, điều mà Ngài động viên khuyến khích ông phú hộ Upāli đến gặp Samôn Gotama để đấu trí bằng lời lẽ của mình đối đáp lại với lời lẽ của Samôn Gotama ấy, con không hài lòng chút nào, con không yên tâm chút nào, bởi vì Samôn Gotama là Bậc có nhiều xảo thuật kỳ diệu, cho nên đã có nhiều người đệ tử ngoại đạo chịu thuần phục, xin làm đệ tử của Samôn Gotama.

    Vị Đạo sư Nigaṇṭha Nāṭaputta tin tưởng chắc chắn rằng điều đó không thể xảy ra đối với phú hộ Upāli, cho nên ông quả quyết bảo rằng:

    - Này Tapassi, điều mà phú hộ Upāli sẽ trở thành đệ tử của Samôn Gotama là điều không phải nhân, không phải duyên có thể xảy ra được, nhưng ngược lại, điều mà Samôn Gotama sẽ trở thành đệ tử của phú hộ Upāli là điều có thể xảy ra được.

    - Này phú hộ Upāli, ngươi nên đi, ngươi là người nên đi đấu trí về vấn đề này bằng lời lẽ của ngươi đối đáp lại với lời lẽ của Samôn Gotama.

    Tuy tu sĩ Dīghatapassī khuyên can vị Đạo sư Nigaṇṭha Nāṭaputta không nên cho phú hộ Upāli đi đầu trí với Samôn Gotama đến 3 lần, nhưng vị Đạo sư Nigaṇṭha Nāṭaputta không quan tâm đến lời khuyên của vị Dīghatapassī, mà vẫn động viên khuyến khích phú hộ Upāli đi đấu trí về vấn đề ấy bằng lời lẽ của mình đối đáp lại với lời lẽ của Samôn Gotama.

    Phú hộ Upāli đến gặp Đức Phật

    Được sự động viên khuyến khích của vị Đạo sư Nigaṇṭha Nāṭaputta, ông phú hộ Upāli lễ bái vị Đạo sư Nigaṇṭha Nāṭaputta rồi xin phép đi đến khu rừng xoài của ông phú hộ Pāvārika gặp Đức Phật. ông phú hộ Upāli cung kính đảnh lễ Đức Phật xong, ngồi một nơi hợp lẽ, bèn bạch hỏi Đức Phật rằng:

    - Kính bạch Ngài Samôn Gotama, vị tu sĩ Dīghatapassī có đến nơi đây hay không? Bạch Ngài.

    Đức Thế Tôn truyền dạy rằng:

    - Này phú hộ Upāli, vị Dīghatapassī có đến tại nơi đây.

    - Kính bạch Ngài, Ngài có đàm luận với vị Dīghatapassī về vấn đề gì hay không? Bạch Ngài.

    - Này phú hộ Upāli, Như Lai có đàm luận với vị Dīghatapassī.

    Đức Thế Tôn truyền dạy lại cho phú hộ Upāli cuộc đàm luận giữa Ngài với vị tu sĩ Dīghatapassī.

    Khi nghe Đức Thế Tôn truyền dạy xong, ông phú hộ Upāli bèn bạch với Đức Thế Tôn rằng:

    Upā: Kính bạch Ngài Samôn Gotama, vị Dīghatapassī giỏi thật! Những điều mà vị Dīghatapassī đã trình bày cho Đức Thế Tôn là đúng theo những điều mà tôi đã nghe, đã học hỏi từ vị Đạo sư. Vị Dīghatapassī là một người đệ tử đã hiểu rõ, biết rõ đúng theo lời dạy của vị Đạo sư.

    Thật ra, sự hành hạ bằng thân mới có nhiều năng lực nặng nề nhất, còn sự hành hạ bằng ý thì có ít năng lực, không đáng kể.

    Kính bạch Ngài Samôn Gotama, sự thật, chỉ có sự hành hạ bằng thân mới có tội ác nghiêm trọng nhất trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp mà thôi. Còn sự hành hạ bằng khẩu và sự hành hạ bằng ý không thể có tội ác nghiêm trọng trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp, bằng sự hành hạ bằng thân đâu!

    ĐP: Này ông phú hộ Upāli, nếu nhà ngươi quả quyết, khẳng định những điều đó là đúng, thì Như Lai và nhà ngươi sẽ đàm luận về vấn đề ấy.

    Upā: Kính bạch Ngài Samôn Gotama, con xin quả quyết, khẳng định những điều đó là đúng. Vậy con xin tranh luận với Ngài về vấn đề ấy.

    Đức Phật hỏi những câu hỏi

    ĐP: Này ông phú hộ Upāli, nhà ngươi nhận thức thế nào về điều này:

    “Trong đời này, người đệ tử Nigaṇṭha bị lâm bệnh nặng, đau khổ, bệnh trầm trọng, mà bệnh nhân ấy bị cấm không được uống nước lạnh, chỉ được phép uống nước nóng mà thôi. Bệnh nhân ấy đã bị chết vì không được uống nước lạnh”.

    Này ông phú hộ Upāli, vị Nigaṇṭha Nāṭaputta chế định sự tái sinh kiếp sau của người đệ tử Nigaṇṭha ấy nơi cõi giới nào?

    Upā: Kính bạch Ngài Samôn Gotama, vị Nigaṇṭha Nāṭaputta chế định cõi chư thiên có tên là cõi “Manosatta (chư thiên có tâm dính mắc)”. Trong lúc lâm chung, người đệ tử Nigaṇṭha có tâm dính mắc trong cõi chư thiên manosatta, cho nên, sau khi bệnh nhân chết, sẽ tái sinh kiếp sau trong nhóm chư thiên manosatta ấy. Tại sao?

    Kính bạch Ngài Samôn Gotama, bởi vì người đệ tử Nigaṇṭha ấy, trong lúc lâm chung, tâm dính mắc trong cõi chư thiên manosatta ấy.

    ĐP: Này ông phú hộ Upāli, nhà ngươi nên suy xét kỹ, nên thận trọng trả lời, đừng để cho lời nói sau trái với lời nói trước, hoặc đừng để lời nói trước nghịch với lời nói sau.

    Này phú hộ Upāli, chính nhà ngươi đã từng nói với Như Lai rằng:

    Kính bạch Ngài Samôn, con xin quả quyết, khẳng định những điều đó là đúng (điều đó là “chỉ có sự hành hạ bằng thân này có tội ác nghiêm trọng nhất trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp. Còn sự hành hạ bằng khẩu và sự hành hạ bằng ý không thể có tội ác nghiêm trọng trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp, bằng sự hành hạ bằng thân đâu!”). Vậy con xin tranh luận với Ngài về vấn đề ấy.

    Upā: Kính bạch Đức Thế Tôn, Ngài đã thuyết dạy lời lẽ đúng sự thật. Mặc dù vậy, đối với con sự hành hạ bằng thân này có tội ác nghiêm trọng nhất trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp. Còn sự hành hạ bằng khẩu và sự hành hạ bằng ý không thể có tội ác nghiêm trọng trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp, bằng sự hành hạ bằng thân.

    ĐP: Này ông phú hộ Upāli, nhà ngươi nhận thức thế nào về điều này:

    “Trong đời này, người đệ tử Nigaṇṭha là người phải nên thu thúc thận trọng 4 điều cấm:

    - Hoàn toàn không được phép uống nước lạnh (trong nước lạnh có sinh vật, còn có nghĩa là tránh xa mọi tội ác).

    - Hoàn toàn không được làm các điều ác

    - Phải diệt mọi tội ác bằng cách tránh xa hoàn toàn hành ác.

    - Khi tiếp xúc, hoàn toàn không làm mọi tội ác.

    Vậy, khi bước tới trước, khi bước lui lại sau, đạp nhằm những chúng sinh (sinh vật) nhỏ bé bị chết”.

    Này ông phú hộ Upāli, như vậy, vị Nigaṇṭha Nāṭaputta chế định quả của nghiệp ấy như thế nào đối với người đệ tử Nigaṇṭha ấy.

    Upā: Kính bạch Đức Thế Tôn, vị Nigaṇṭha Nāṭaputta không chế định nghiệp trong hành động không có tác ý. Hành động không có tác ý thì không có tội ác nặng nào cả.

    ĐP: Này phú hộ Upāli, nếu có tác ý thì sao?

    Upā: Kính bạch Đức Thế Tôn, nếu có tác ý thì có tội ác nặng.

    ĐP: Này phú hộ Upāli, vị Nigaṇṭha Nāṭaputta chế định khi hành động có tác ý thì thuộc về loại daṇḍa (sự hành hạ) nào trong 3 loại hành hạ?

    Upā: Kính bạch Đức Thế Tôn, vị Nigaṇṭha Nāṭaputta chế định khi hành động có tác ý thì thuộc về sự hành hạ bằng ý (manodaṇḍa).

    ĐP: Này phú hộ Upāli, nhà ngươi nên suy xét kỹ, nên thận trọng trả lời, đừng để cho lời nói sau trái với lời nói trước, hoặc đừng để lời nói trước nghịch với lời nói sau.

    Này phú hộ Upāli, chính nhà ngươi đã từng nói với Như Lai rằng:

    Kính bạch Ngài Samôn Gotama, con xin quả quyết, khẳng định những điều đó là đúng (điều đó là “Chỉ có sự hành hạ bằng thân này có tội ác nghiêm trọng nhất trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp. Còn sự hành hạ bằng khẩu và sự hành hạ bằng ý không thể có tội ác nghiêm trọng trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp, bằng sự hành hạ bằng thân đâu!”). Vậy con xin tranh luận với Ngài về vấn đề ấy.

    Upā: Kính bạch Đức Thế Tôn, Ngài đã thuyết dạy lời lẽ đúng sự thật. Mặc dù vậy, đối với con sự hành hạ bằng thân này có tội ác nghiêm trọng nhất trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp. Còn sự hành hạ bằng khẩu và sự hành hạ bằng ý không thể có tội ác nghiêm trọng trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp, bằng sự hành hạ bằng thân.

    ĐP: Này phú hộ Upāli, nhà ngươi nhận thức thế nào về điều này:

    “Thành phố Nālandā là thành phố rất trù phú, rất phát triển, có nhiều loài chúng sinh, có nhiều người đông đúc, có phải không?”

    Upā: Kính bạch Đức Thế Tôn, đúng vậy! Thành phố Nālandā là thành phố rất trù phú, rất phát triển, có nhiều loài chúng sinh, có nhiều người đông đúc. Bạch Ngài.

    ĐP: Này phú hộ Upāli, nhà ngươi nhận thức thế nào về điều này:

    “Trong thành phố Nālandā này, có một người đàn ông cầm dao rồi tuyên bố rằng: Tôi sẽ làm thịt tất cả mọi loài chúng sinh, mọi người và chúng sinh hết thảy trong thành phố Nālandā này, rồi bằm nát gom lại thành một đống thịt to lớn chỉ trong một khoảnh khắc (sát-na), một chớp nhoáng mà thôi”.

    Này phú hộ Upāli, nhà ngươi nhận thức thế nào? Người đàn ông ấy có thể làm thịt tất cả mọi loài chúng sinh, mọi người và chúng sinh hết thảy trong thành phố Nālandā này rồi bằm nát gom lại thành một đống thịt to lớn chỉ trong một khoảnh khắc (sát-na), một chớp nhoáng được hay không?

    Upā: Kính bạch Đức Thế Tôn, dù có 10 người đàn ông, 20 người đàn ông, 30 người đàn ông, 40 người đàn ông, 50 người đàn ông hay nhiều người đàn ông hơn nữa cũng không thể làm thịt tất cả mọi loài chúng sinh, mọi người và chúng sinh hết thảy trong thành phố Nālandā này, rồi bằm nát gom lại thành một đống thịt to lớn chỉ trong một khoảnh khắc (sát-na), một chớp nhoáng, huống hồ chỉ có một người đàn ông thì làm sao mà làm nổi được! (chắc chắn là không làm được).

    ĐP: Này phú hộ Upāli, nhà ngươi nhận thức thế nào? Một vị Samôn hoặc một vị Bàlamôn có năng lực thần thông phi thường, là bậc thuần thục trong thần thông. Đến thành phố Nālandā này, vị Samôn hoặc một vị Bàlamôn ấy tuyên bố rằng:

    “Ta sẽ làm cho thành phố Nālandā này trở thành tro bụi với chỉ một tâm sân phát sinh nghĩ tiêu diệt mà thôi”.

    Này phú hộ Upāli, nhà ngươi nhận thức thế nào? Vị Samôn hoặc một vị Bàlamôn ấy có năng lực thần thông phi thường, là bậc thuần thục trong thần thông, có thể làm cho thành phố Nālandā này trở thành tro bụi với chỉ một tâm sân phát sinh nghĩ tiêu diệt được hay không?

    Upā: Kính bạch Đức Thế Tôn, dù có 10 thành phố, 20 thành phố, 30 thành phố, 40 thành phố, 50 thành phố như thành phố Nālandā này, vị Samôn hoặc một vị Bàlamôn ấy có năng lực thần thông phi thường, là bậc thuần thục trong thần thông, cũng có thể làm cho những thành phố ấy trở thành tro bụi với chỉ một tâm sân phát sinh nghĩ tiêu diệt, huống hồ chỉ có một thành phố Nālandā này thôi, sao mà không trở thành tro bụi được! (chắc chắn trở thành tro bụi mà thôi). Bạch Ngài.

    ĐP: Này phú hộ Upāli, nhà ngươi nên suy xét kỹ, nên thận trọng trả lời, đừng để cho lời nói sau trái với lời nói trước, hoặc đừng để lời nói trước nghịch với lời nói sau.

    Này phú hộ Upāli, chính nhà ngươi đã từng nói với Như Lai rằng:

    “Kính bạch Ngài Samôn Gotama, con xin quả quyết, khẳng định những điều đó là đúng (điều đó là “chỉ có sự hành hạ bằng thân này có tội ác nghiêm trọng nhất trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp. Còn sự hành hạ bằng khẩu và sự hành hạ bằng ý không thể có tội ác nghiêm trọng trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp, bằng sự hành hạ bằng thân đâu!”). Vậy con xin tranh luận với Ngài về vấn đề ấy.

    Upā: Kính bạch Đức Thế Tôn, Ngài đã thuyết dạy lời lẽ đúng sự thật. Mặc dù vậy, đối với con sự hành hạ bằng thân này có tội ác nghiêm trọng nhất trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp. Còn sự hành hạ bằng khẩu và sự hành hạ bằng ý không thể có tội ác nghiêm trọng trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp, bằng sự hành hạ bằng thân.

    ĐP: Này phú hộ Upāli, nhà ngươi nhận thức thế nào về điều này:

    “Khu rừng Daṇḍakī, khu rừng Kāliṅga, khu rừng Mejjha, khu rừng Mātaṅga, những khu rừng ấy trước khi trở thành khu rừng, nhà ngươi đã có nghe câu chuyện xảy ra hay không?”.

    Upā: Kính bạch Đức Thế Tôn, đúng như vậy, khu rừng Daṇḍakī, khu rừng Kāliṅga, khu rừng Mejjha, khu rừng Mātaṅga, những khu rừng ấy trước khi trở thành khu rừng, con đã từng nghe câu chuyện xảy ra. Bạch Ngài.

    ĐP: Này phú hộ Upāli, nhà ngươi nhận thức thế nào, khu rừng Daṇḍakī, khu rừng Kāliṅga, khu rừng Mejjha, khu rừng Mātaṅga, những khu rừng ấy trước khi trở thành khu rừng, nhà ngươi đã từng nghe thế nào? Do nguyên nhân nào trở thành những khu rừng ấy?

    Upā: Kính bạch Đức Thế Tôn, con đã từng nghe kể rằng:

    “Sở dĩ khu rừng Daṇḍakī, khu rừng Kāliṅga, khu rừng Mejjha, khu rừng Mātaṅga trở thành khu rừng, là vì chư thiên phát sinh tâm sân nghĩ tiêu diệt bởi do ác nghiệp của con người làm khổ vị Đạo sĩ, làm hại vị Đạo sĩ”.

    ĐP: Này phú hộ Upāli, nhà ngươi nên suy xét kỹ, nên thận trọng trả lời, đừng để cho lời nói sau trái với lời nói trước, hoặc đừng để lời nói trước nghịch với lời nói sau.

    Này phú hộ Upāli, chính nhà ngươi đã từng nói với Như Lai rằng:

    “Kính bạch Ngài Samôn Gotama, con xin quả quyết, khẳng định những điều đó là đúng (điều đó là “chỉ có sự hành hạ bằng thân này có tội ác nghiêm trọng nhất trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp. Còn sự hành hạ bằng khẩu và sự hành hạ bằng ý không thể có tội ác nghiêm trọng trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp, bằng sự hành hạ bằng thân đâu!”). Vậy con xin tranh luận với Ngài về vấn đề ấy.

    Phú hộ Upāli kính xin thọ phép quy y

    Upā: Kính bạch Đức Thế Tôn, con vô cùng hoan hỷ với lời giáo huấn của Đức Thế Tôn, ngay điều ví dụ đầu tiên, nhưng con rất tha thiết muốn nghe tài ứng đáp lưu loát bằng nhiều cách, những ví dụ khác nhau vô cùng sâu sắc của Đức Thế Tôn. Do đó con đã làm ra vẻ như cứng đầu, khó dạy, đối lập với Ngài, thực ra trong tâm của con hết lòng tôn kính Ngài.

    Kính bạch Đức Thế Tôn, lời giáo huấn của Ngài thật rõ ràng quá! Ví như lật ngửa ra vật bị che đậy, hoặc mở ra vật bị đóng chặt, hoặc chỉ đường cho người đang đi lạc đường, hoặc rọi đèn soi sáng vào nơi tăm tối để cho người có đôi mắt sáng được thấy rõ tất cả mọi vật hiện hữu như thế nào, Đức Thế Tôn đã thuyết giảng giáo pháp bằng nhiều cách cũng như thế ấy.

    Kính bạch Đức Thế Tôn, con nguyện đem hết lòng thành kính xin quy y nương nhờ nơi Đức Thế Tôn.

    Con nguyện đem hết lòng thành kính xin quy y nương nhờ nơi Đức Pháp.

    Con nguyện đem hết lòng thành kính xin quy y nương nhờ nơi chư Tỳ khưu Tăng.

    Kính xin Đức Thế Tôn chấp thuận con là người cận sự nam đã thọ phép quy y Tam Bảo kể từ nay cho đến trọn đời.

    ĐP: Này phú hộ Upāli, con nên suy xét kỹ lưỡng chu đáo trước, rồi mới nói lên bằng lời; người có tiếng tăm như con càng phải nên đắn đo cân nhắc kỹ lưỡng, rồi mới nói nên bằng lời. Đó là điều hay!

    Upā: Kính bạch Đức Thế Tôn, con vô cùng ngạc nhiên nghe Ngài khuyên dạy con rằng:

    “Này phú hộ Upāli, con nên suy xét kỹ lưỡng chu đáo trước rồi mới nói lên bằng lời; người có tiếng tăm như con càng phải nên đắn đo cân nhắc kỹ lưỡng, rồi mới nói nên bằng lời. Đó là điều hay”.

    Với lời khuyên dạy của Ngài làm cho con càng thêm vô cùng hoan hỷ, vô cùng tôn kính Ngài hơn nữa.

    Kính bạch Đức Thế Tôn, nhóm ngoại đạo được con là đệ tử của họ, họ sẽ cầm cờ reo hò đi khắp thành phố Nālandā này thông báo cho mọi người biết rằng: “Từ nay, phú hộ Upāli là đệ tử của chúng tôi”

    Nhưng còn Đức Thế Tôn lại khuyên dạy con rằng: “Này phú hộ Upāli, con nên suy xét kỹ lưỡng chu đáo trước, rồi mới nói lên bằng lời, người có tiếng tăm như con càng phải nên đắn đo cân nhắc kỹ lưỡng, rồi mới nói nên bằng lời. Đó là điều hay”.

    Kính bạch Đức Thế Tôn, một lần nữa con nguyện đem hết lòng thành kính xin quy y nương nhờ nơi Đức Thế Tôn.

    Con nguyện đem hết lòng thành kính xin quy y nương nhờ nơi Đức Pháp.

    Con nguyện đem hết lòng thành kính xin quy y nương nhờ nơi Chư Tỳ khưu Tăng, lần thứ nhì.

    Kính xin Đức Thế Tôn chấp thuận con là người cận sự nam đã thọ phép quy y Tam Bảo kể từ nay cho đến trọn đời.

    ĐP: Này phú hộ Upāli, đã từ lâu, gia đình của con đã thường hộ độ, phụng dưỡng các thứ vật dụng cho nhóm Nigaṇṭha, gia đình con như là một giếng nước đối với họ. Từ nay về sau, gia đình con cũng nên tiếp tục hộ độ, cấp dưỡng họ, mỗi khi họ đến gia đình con.

    Upā: Kính bạch Đức Thế Tôn, một lần nữa, con vô cùng ngạc nhiên nghe Ngài khuyên dạy con rằng:

    “Đã từ lâu, gia đình của con đã thường hộ độ, phụng dưỡng các thứ vật dụng cho nhóm Nigaṇṭha, gia đình con như là một giếng nước đối với họ. Từ nay về sau, gia đình con cũng nên tiếp tục hộ độ, cấp dưỡng họ, mỗi khi họ đến gia đình con”.

    Với lời khuyên dạy của Ngài làm cho con càng thêm vô cùng hoan hỷ, vô cùng tôn kính Ngài hơn nữa.

    Kính bạch Đức Thế Tôn, con đã từng nghe rằng: “Samôn Gotama khuyên dạy như vầy: Chỉ nên làm phước thiện bố thí đến Như Lai mà thôi, không nên làm phước thiện bố thí đến người khác; chỉ nên làm phước thiện bố thí đến các hàng Thanh Văn đệ tử của Như Lai mà thôi, không nên làm phước thiện bố thí đến các hàng đệ tử của các phái khác; chỉ có phước thiện bố thí mà thí chủ dâng cúng đến Như Lai là chắc chắn có quả báu nhiều mà thôi, còn phước thiện bố thí mà thí chủ đã dâng cúng đến vị khác sẽ không có quả báu nhiều; chỉ có phước thiện bố thí mà thí chủ đã dâng cúng đến các hàng Thanh Văn đệ tử của Như Lai mới có quả báu nhiều mà thôi, còn phước thiện bố thí mà thí chủ đã dâng cúng đến các hàng đệ tử của các phái khác không có quả báu nhiều”.

    Nhưng sự thật, Đức Thế Tôn khuyên dạy con nên tiếp tục làm phước thiện bố thí hộ độ, cấp dưỡng cho nhóm Nigaṇṭha.

    Kính bạch Đức Thế Tôn, con sẽ biết tùy thời nên làm phước thiện bố thí.

    Và một lần nữa, con nguyện đem hết lòng thành kính xin quy y nương nhờ nơi Đức Thế Tôn.

    Con nguyện đem hết lòng thành kính xin quy y nương nhờ nơi Đức Pháp.

    Con nguyện đem hết lòng thành kính xin quy y nương nhờ nơi Chư Tỳ khưu Tăng, lần thứ ba.

    Kính xin Đức Thế Tôn chấp thuận con là người cận sự nam đã thọ phép quy y Tam Bảo kể từ nay cho đến trọn đời.

    Phú hộ Upāli chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu

    Tiếp theo, Đức Thế Tôn thuyết pháp Anupubbikathā để tế độ phú hộ Upāli, thuyết pháp theo tuần tự đó là: Pháp thiện bố thí, pháp hành giữ giới, các cõi giới của chư thiên, tội lội của ngũ trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc) làm cho tâm ô nhiễm, quả báu trong sự xa lánh ngũ trần (xuất gia).

    Đức Thế Tôn biết rõ tâm của phú hộ Upāli trong sáng dễ dạy, khi ấy, Đức Thế Tôn nâng đỡ tâm của phú hộ Upāli bằng pháp Tứ Đế: Khổ đế, Nhân sinh khổ đế, Diệt khổ đế, Pháp hành diệt khổ đế (Đạo đế) ví như tấm vải trắng sạch sẽ không còn chất dơ bẩn, nên nhuộm dễ thấm màu tốt đẹp như thế nào, thì thiện tâm trong sạch của phú hộ Upāli làm nền tảng phát sinh pháp nhãn (dhammacakkhu) trong sáng thanh tịnh cũng như thế ấy, thấy rõ rằng:

    “Tất cả các pháp nào trong tam giới có trạng thái sinh, thì tất cả các pháp ấy đều có trạng thái diệt”.

    Khi ấy, phú hộ Upāli đã phát sinh trí tuệ chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, đã đạt đến chân lý Tứ Thánh Đế, đã biết rõ đúng theo chân lý Tứ Thánh Đế, đã thấu rõ, thông suốt chân lý Tứ Thánh Đế, nên đã diệt đoạn tuyệt hoàn toàn mọi điều hoài nghi nơi Đức Phật, nơi Đức Pháp, nơi Đức Tăng… không còn hoài nghi nào nữa, với trí tuệ thiền tuệ của mình đã chứng ngộ đúng theo lời giáo huấn của Đức Thế Tôn, nên không còn tin nơi người nào khác nữa.

    Phú hộ Upāli đã chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu trong giáo pháp của Đức Phật tại nơi ấy.

    Phú hộ Upāli thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn rồi xin phép trở về nhà.

    Quả của 10 ác nghiệp

    * Quả của 10 ác nghiệp trong kiếp hiện tại

    10 bất thiện nghiệp (10 ác nghiệp) đó là tác ý tâm sở (cetanācetasika) đồng sinh với 12 bất thiện tâm (12 ác tâm), mà 12 ác tâm này có khả năng sinh quả trong kiếp hiện tại đó là 7 bất thiện quả vô nhân tâm (đó là 7 tâm không có nhân thuộc quả bất thiện) tiếp nhận những đối tượng xấu, không đáng hài lòng ngay trong kiếp hiện tại như sau:

    Nhãn thức tâm thuộc bất thiện quả vô nhân tâm nhìn thấy sắc trần, những hình ảnh xấu, không đáng hài lòng.

    Nhĩ thức tâm thuộc bất thiện quả vô nhân tâm nghe thanh trần, các âm thanh dở, không đáng hài lòng.

    Tỷ thức tâm thuộc bất thiện quả vô nhân tâm ngửi hương trần, các mùi hôi, không đáng hài lòng.

    Thiệt thức tâm thuộc bất thiện quả vô nhân tâm nếm vị trần, các loại vị dở, không đáng hài lòng.

    Thân thức tâm thuộc bất thiện quả vô nhân tâm xúc giác xúc trần, tiếp xúc những hiện tượng cứng mềm, nóng, lạnh, xấu, không đáng hài lòng.

    Tiếp nhận tâm thuộc bất thiện quả vô nhân tâm tiếp nhận những đối tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc xấu, không đáng hài lòng.

    Suy xét tâm thuộc bất thiện quả vô nhân tâm suy xét những đối tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc xấu, không đáng hài lòng.

    * Quả của 10 ác nghiệp trong kiếp sau

    10 bất thiện nghiệp (10 ác nghiệp) đó là tác ý tâm sở (cetanācetasika) đồng sinh với 12 bất thiện tâm (12 ác tâm), mà 12 ác tâm này có khả năng cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) và trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu (pavattikāla) như sau:

    - Thời kỳ tái sinh kiếp sau (paṭisandhikāla)

    Thời kỳ tái sinh kiếp sau trong 12 ác tâm này, chỉ có 11 ác tâm (không có tâm si hợp với phóng tâm, bởi vì tâm si này có năng lực yếu không có khả năng cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, nhưng có khả năng cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu) có khả năng sinh quả là suy xét tâm hợp với thọ xả thuộc về bất thiện quả vô nhân tâm làm phận sự tái sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) trong 4 cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh tùy theo quả của ác tâm.

    Nếu suy xét tâm hợp với thọ xả thuộc về bất thiện quả vô nhân tâm là quả của tâm tham có nhiều năng lực, thì suy xét tâm hợp với thọ xả này làm phận sự tái sinh kiếp sau trong loài ngạ quỷ hoặc loài atula, bởi vì 2 loài chúng sinh này thường có tâm tham thèm khát...

    Nếu suy xét tâm hợp với thọ xả thuộc về bất thiện quả vô nhân tâm là quả của tâm sân, có nhiều năng lực, thì suy xét tâm hợp với thọ xả này làm phận sự tái sinh kiếp sau trong loài chúng sinh trong cõi địa ngục, bởi vì loài chúng sinh cõi địa ngục chịu nóng nảy khổ cực.

    Nếu suy xét tâm hợp với thọ xả thuộc về bất thiện quả vô nhân tâm là quả của tâm si, có nhiều năng lực, thì suy xét tâm hợp với thọ xả này làm phận sự tái sinh kiếp sau trong loài súc sinh, bởi vì loài súc sinh có tính hay si mê.

    - Thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu (pavattikāla)

    Thời kỳ sau khi đã tái sinh kiếp sau, kiếp hiện hữu, tất cả 12 ác tâm này có khả năng sinh quả là 7 bất thiện quả vô nhân tâm. Trong 7 bất thiện quả vô nhân tâm ấy, suy xét tâm hợp với thọ xả nào thuộc về bất thiện quả vô nhân tâm làm phận sự tái sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) trong cõi ác giới xong, rồi suy xét tâm hợp với thọ xả ấy lại làm phận sự hộ kiếp (bhavaṅgakicca) giữ gìn kiếp cho đến mãn kiếp; rồi cuối cùng, chính suy xét tâm hợp với thọ xả ấy làm phận sự tử (chết) (cutikicca) chấm dứt kiếp hiện tại.

    Nhãn thức tâm thuộc bất thiện quả vô nhân tâm nhìn thấy sắc trần, những hình ảnh xấu, không đáng hài lòng.

    Nhĩ thức tâm thuộc bất thiện quả vô nhân tâm nghe thanh trần, các âm thanh dở, không đáng hài lòng.

    Tỷ thức tâm thuộc bất thiện quả vô nhân tâm ngửi hương trần, các mùi hôi, không đáng hài lòng.

    Thiệt thức tâm thuộc bất thiện quả vô nhân tâm nếm vị trần, các loại vị dở, không đáng hài lòng.

    Thân thức tâm thuộc bất thiện quả vô nhân tâm xúc giác xúc trần, tiếp xúc những hiện tượng cứng mềm, nóng, lạnh xấu, không đáng hài lòng.

    Tiếp nhận tâm thuộc bất thiện quả vô nhân tâm tiếp nhận những đối tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc xấu, không đáng hài lòng.

    Suy xét tâm hợp với thọ xả thuộc bất thiện quả vô nhân tâm suy xét những đối tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc xấu, không đáng hài lòng.

    Đó là 7 bất thiện quả vô nhân tâm có khả năng phát sinh trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp sau trong 11 cõi dục giới và một số cõi sắc giới, tùy theo mỗi hạng chúng sinh, và tùy theo mỗi cõi, nếu ác nghiệp cho quả của nó.
    Itipi so Bhagavà Araham, Sammàsambuddho, Vijjàcaranasampanno, Sugato, Lokavidù, Anuttaro purisadammasàrathi, Satthàdevamanussànam, Buddho, Bhagavà.

  10. #10
    Đai Nâu Avatar của raucucai
    Gia nhập
    Mar 2012
    Nơi cư ngụ
    Sơn La
    Bài gởi
    302

    Mặc định

    2. Kāmāvacarakusalakamma: Dục giới đại thiện nghiệp

    Phần 10 ác nghiệp và quả của 10 ác nghiệp đã giải thích xong, tiếp theo giải thích 10 dục giới đại thiện nghiệp và quả của 10 dục giới đại thiện nghiệp.

    10 dục giới đại thiện nghiệp

    Đức phật dạy:

    “Cetanā’haṃ bhikkhave kammaṃ vadāmi, cetayitvā kammaṃ karoti kāyena vācāya manasā”.

    (Này chư Tỳ khưu, sau khi đã có tác ý, rồi mới tạo nghiệp bằng thân, bằng khẩu, bằng ý. Do đó Như Lai dạy “Tác ý gọi là nghiệp”).

    Vậy tác ý tâm sở (cetanācetasika) gọi là nghiệp (kamma).

    Tác ý tâm sở đồng sinh với 8 dục giới đại thiện tâm tạo nên 10 thiện nghiệp bằng thân, bằng khẩu, bằng ý.

    10 thiện nghiệp phân loại theo 3 môn:

    * Thân thiện nghiệp là thiện nghiệp phát sinh do nương nhờ nơi thân môn tạo 3 thiện nghiệp bằng thân:

    Thiện nghiệp tránh xa sự sát sinh.

    Thiện nghiệp tránh xa sự trộm cắp.

    Thiện nghiệp tránh xa sự tà dâm.

    3 thân thiện nghiệp này còn gọi 3 thân hành thiện.

    * Khẩu thiện nghiệp là thiện nghiệp phát sinh do nương nhờ nơi khẩu môn tạo 4 thiện nghiệp bằng khẩu:

    Thiện nghiệp tránh xa sự nói dối.

    Thiện nghiệp tránh xa sự nói lời chia rẽ.

    Thiện nghiệp tránh xa sự nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc).

    Thiện nghiệp tránh xa sự nói lời vô ích.

    4 khẩu thiện nghiệp này còn gọi 4 khẩu hành thiện.

    * Ý thiện nghiệp là thiện nghiệp phát sinh do nương nhờ nơi ý môn (không liên quan đến thân và khẩu) tạo 3 thiện nghiệp bằng ý:

    Thiện nghiệp không tham lam của cải của người khác.

    Thiện nghiệp không thù hận người khác.

    Thiện nghiệp chánh kiến thấy đúng, hiểu đúng theo sự thật chân lý.

    3 ý thiện nghiệp này còn gọi 3 ý hành thiện.

    10 thiện nghiệp hoặc 10 pháp hành thiện này sinh trong 8 dục giới đại thiện tâm thuộc về dục giới đại thiện nghiệp.

    30 loại dục giới đại thiện nghiệp >tính theo 3 thời kỳ tác ý

    10 loại dục giới đại thiện nghiệp này nếu tính theo 3 thời kỳ tác ý thiện, thì có 30 loại dục giới đại thiện nghiệp như sau:

    - Pubbacetanā: Tác ý thiện phát sinh trước khi tạo 10 thiện nghiệp.

    - Muñcacetanā: Tác ý thiện phát sinh trong khi đang tạo 10 thiện nghiệp.

    - Aparacetanā: Tác ý thiện phát sinh sau khi đã tạo 10 thiện nghiệp.

    Do đó 10 loại dục giới đại thiện nghiệp nhân với 3 thời kỳ thành 30 loại dục giới đại thiện nghiệp hoặc 30 pháp hành thiện.

    40 loại dục giới đại thiện nghiệp tính theo 4 hạng người

    10 dục giới đại thiện nghiệp này, nếu tính theo 4 hạng người, thì có 40 loại dục giới đại thiện nghiệp như sau:

    - Sāhatthikasucarita: Tự mình tạo 10 thiện nghiệp.

    >- Āṇattikasucarita>: Sai khiến người khác tạo 10 thiện nghiệp.

    - Vaṇṇabhāsanasucarita: Tán dương, ca tụng, khuyến khích tạo 10 thiện nghiệp.

    - Samanuññāsucarita: Tâm hài lòng, hoan hỷ phát sinh trong 10 thiện nghiệp.

    Do đó 10 loại dục giới đại thiện nghiệp hoặc 10 pháp hành thiện nhân với 4 hạng người thành 40 loại dục giới đại thiện nghiệp hoặc 40 pháp hành thiện.

    Chi pháp của 10 dục giới đại thiện nghiệp

    * Chi pháp của 3 thân thiện nghiệp hoặc 3 thân hành thiện:

    Sammākammantacetasika: Chánh nghiệp tâm sở.

    Sammā-ājīvacetasika: Chánh mạng tâm sở.

    * Chi pháp của 4 khẩu thiện nghiệp hoặc 4 khẩu hành thiện:

    Sammāvācācetasika: Chánh ngữ tâm sở.

    Sammā-ājīvacetasika: Chánh mạng tâm sở.

    * Chi pháp của 3 ý thiện nghiệp hoặc 3 ý hành thiện là:

    Chi pháp của ý thiện nghiệp không tham lam hoặc ý hành thiện không tham lam là alobhacetasika: Vô tham tâm sở.

    Chi pháp của ý thiện nghiệp không thù hận hoặc ý hành thiện không thù hận là adosacetasika: Vô sân tâm sở.

    Chi pháp của ý thiện nghiệp chánh kiến hoặc ý hành thiện chánh kiến là paññācetasika: Trí tuệ tâm sở.

    Nguyên nhân gọi thân thiện nghiệp, khẩu thiện nghiệp

    Thân thiện nghiệp có 3 loại thiện nghiệp: Thiện nghiệp tránh xa sự sát sinh, thiện nghiệp tránh xa sự trộm cắp, thiện nghiệp tránh xa sự tà dâm.

    Khẩu thiện nghiệp có 4 loại thiện nghiệp: Thiện nghiệp tránh xa sự nói dối, thiện nghiệp tránh xa sự nói lời chia rẽ, thiện nghiệp tránh xa sự nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), thiện nghiệp tránh xa sự nói lời vô ích.

    Thật ra, 3 thân thiện nghiệp, 4 khẩu thiện nghiệp này phần nhiều phát sinh trong tâm, mà không liên quan trực tiếp đến thân môn và khẩu môn. Bởi vì, 2 loại thiện nghiệp này chỉ cần phát sinh tác ý thiện tâm tránh xa 3 thân ác nghiệp, tránh xa 4 khẩu ác nghiệp mà thôi. Do đó gọi tên là: 3 thân thiện nghiệp hoặc 3 thân hành thiện; 4 khẩu thiện nghiệp hoặc 4 khẩu hành thiện.

    Thân ác nghiệp khác với thân thiện nghiệp như thế nào?

    Khẩu ác nghiệp khác với khẩu thiện nghiệp như thế nào?

    * Thân ác nghiệp có 3 loại ác nghiệp: Ác nghiệp sát sinh, ác nghiệp trộm cắp, ác nghiệp tà dâm. 3 loại ác nghiệp này phát sinh do nương nhờ phần nhiều nơi thân môn hành động; khác với thân thiện nghiệp có 3 loại thiện nghiệp: Thiện nghiệp tránh xa sự sát sinh, thiện nghiệp tránh xa sự trộm cắp, thiện nghiệp tránh xa sự tà dâm. 3 loại thiện nghiệp này phát sinh do nương nhờ nơi tâm mà không liên quan trực tiếp đến thân môn.

    Đó là điều khác biệt giữa thân ác nghiệp và thân thiện nghiệp.

    * Khẩu ác nghiệp có 4 loại ác nghiệp: Ác nghiệp nói dối, ác nghiệp nói lời chia rẽ, ác nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), ác nghiệp nói lời vô ích. 4 loại ác nghiệp này phát sinh do nương nhờ phần nhiều nơi khẩu môn nói lời; khác với khẩu thiện nghiệp có 4 loại thiện nghiệp: Thiện nghiệp tránh xa sự nói dối, thiện nghiệp tránh xa sự nói lời chia rẽ, thiện nghiệp tránh xa sự nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), thiện nghiệp tránh xa sự nói lời vô ích. 4 loại thiện nghiệp này phát sinh do nương nhờ nơi tâm mà không liên quan trực tiếp đến khẩu môn.

    Đó là điều khác biệt giữa khẩu ác nghiệp và khẩu thiện nghiệp.

    * Có trường hợp nào thân thiện nghiệp, khẩu thiện nghiệp liên quan trực tiếp với thân môn hành động, khẩu môn nói lời hay không?

    Tuy thân thiện nghiệp, khẩu thiện nghiệp phát sinh phần nhiều do nương nhờ nơi tâm, nhưng cũng có những trường hợp thân thiện nghiệp, khẩu thiện nghiệp phát sinh do nương nhờ, liên quan trực tiếp đến thân môn hành động, khẩu môn nói lời trong những trường hợp như sau:

    Thân thiện nghiệp có 3 loại thiện nghiệp

    - Thân thiện nghiệp tránh xa sự sát sinh: Một người cận sự nữ tự mình làm đồ ăn. Khi bắt con cá lên làm thịt, con cá còn cử động chưa chết; người cận sự nữ bắt con cá ấy thả xuống sông, hồ.

    Đó là thân thiện nghiệp tránh xa sự sát sinh liên quan trực tiếp đến thân.

    Tích tiền kiếp của bà Sujātā, chánh cung Hoàng hậu của Đức vua trời Sakka trị vì trên cõi trời Tam Thập Tam Thiên, sinh làm con cò giữ gìn ngũ giới. Một hôm đi kiếm ăn, con cò nhìn thấy một con cá nằm trên bãi sông, đưa mỏ kẹp con cá thì con cá liền vẫy vùng. Con cò biết con cá còn sống, chưa chết nên kẹp nhẹ con cá đem xuống bỏ dưới nước cho nó bơi đi nơi khác v.v…

    Đó là trường hợp thân thiện nghiệp tránh xa sự sát sinh được phát sinh do nương nhờ nơi thân môn, liên quan đến thân môn hành động.

    - Thân thiện nghiệp tránh xa sự trộm cắp: Một người cận sự nam đi trên đường bắt gặp một gói tiền mà người đã đánh rơi. Người cận sự nam ấy nhặt lên, thấy một số tiền khá lớn, đem gói tiền đến gửi trạm công an, nhờ ra thông báo để chủ nhân đến nhận lại gói tiền…

    Đó là trường hợp thân thiện nghiệp tránh xa sự trộm cắp được phát sinh do nương nhờ nơi thân môn, liên quan đến thân môn hành động.

    - Thân thiện nghiệp tránh xa sự tà dâm: Một cô gái đã từng làm kỹ nữ. Về sau, cô ấy đã nhận lời hứa hôn với một người con trai, hai người chờ làm lễ thành hôn.

    Một hôm, cô gái này gặp lại một người đàn ông mà cô đã từng sống chung, nhưng lần này cô chỉ tiếp đón người đàn ông ấy như một người khách đến thăm viếng mà thôi.

    Đó là trường hợp thân thiện nghiệp tránh xa sự tà dâm phát sinh do nương nhờ nơi thân môn, liên quan đến thân môn hành động.

    Trường hợp thân thiện nghiệp này phát sinh do nương nhờ nơi thân môn, liên quan đến thân môn hành động, có chi pháp là chánh nghiệp tâm sở, chánh mạng tâm sở tùy theo mỗi đối tượng của chúng.

    - Khẩu thiện nghiệp có 4 loại thiện nghiệp

    Khẩu thiện nghiệp tránh xa sự nói dối: Một người đàn ông có thói quen nghề nghiệp hay nói dối người khác. Sau đó, người đàn ông ấy gặp bậc thiện trí trong Phật giáo, lắng nghe chánh pháp của bậc thiện trí, phát sinh đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, nhận thức thấy rõ, biết rõ rằng nói dối là điều tội lỗi, là ác nghiệp đáng sợ. Người đàn ông ấy kính xin Ngài thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì ngũ giới, trở thành cận sự nam. Từ đó, người cận sự nam ấy giữ gìn ngũ giới cho được trong sạch và trọn vẹn, trong đó có điều giới tránh xa sự nói dối, chỉ nói lời chân thật.

    Khẩu thiện nghiệp tránh xa sự nói lời chia rẽ: Một người đàn bà vốn có tính hay ganh tỵ. Khi nhìn thấy một người đàn ông và một người đàn bà thân thiết với nhau, người đàn bà ấy phát sinh tâm ganh tỵ nên tìm đến gặp người đàn ông kia để nói lời chia rẽ, rồi tìm đến người đàn bà cũng để nói lời chia rẽ, cốt làm cho người đàn ông và người đàn bà kia ngờ vực lẫn nhau rồi ghét bỏ nhau, chia tay nhau.

    Về sau, người đàn bà tính hay ganh tỵ có duyên lành gặp bậc thiện trí trong Phật giáo, phát sinh đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, nhận thức thấy rõ, biết rõ rằng nói lời chia rẽ là điều tội lỗi, là ác nghiệp đáng sợ, bởi vì quả của ác nghiệp ấy có hại trong kiếp hiện tại và cho nhiều kiếp trong vị lai. Người đàn bà ấy kính xin Ngài thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì bát giới ājīvaṭṭhamakasīla, trở thành cận sự nữ. Từ đó, người cận sự nữ ấy giữ gìn bát giới ājīvaṭṭhamakasīla cho được trong sạch và trọn vẹn, trong đó có điều giới tránh xa sự nói lời chia rẽ, chỉ nói lời hòa hợp đối với mọi người.

    - Khẩu thiện nghiệp tránh xa sự nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc): Một người đàn bà vốn có tính hay nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) người khác mỗi khi nổi cơn giận dữ.

    Một hôm, có duyên lành gặp bậc thiện trí trong Phật giáo, phát sinh đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, nhận thức thấy rõ, biết rõ rằng nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) là điều tội lỗi, là ác nghiệp đáng sợ, bởi vì quả của ác nghiệp ấy có hại trong kiếp hiện tại và cho nhiều kiếp trong vị lai. Người đàn bà ấy kính xin Ngài thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì bát giới ājīvaṭṭhamakasīla, trở thành cận sự nữ. Từ đó, người cận sự nữ ấy giữ gìn bát giới ājīvaṭṭhamakasīla cho được trong sạch và trọn vẹn, trong đó có điều giới tránh xa sự nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), chỉ nói lời dịu ngọt làm cho người nghe êm tai.

    - Khẩu thiện nghiệp tránh xa sự nói lời vô ích: Một người đàn ông vốn có tính hay nói lời vô ích nhảm nhí, hoang đường,… làm cho người nghe mất thời gian mà không đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc nào cả.

    Một hôm, có duyên lành gặp bậc thiện trí trong Phật giáo, lắng nghe chánh pháp của bậc thiện trí, phát sinh đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, nhận thức thấy rõ, biết rõ rằng nói lời vô ích là điều tội lỗi, là ác nghiệp đáng sợ, bởi vì, quả của ác nghiệp ấy có hại trong kiếp hiện tại và cho nhiều kiếp trong vị lai. Người đàn ông ấy kính xin Ngài thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì bát giới ājīvaṭṭhamakasīla, trở thành cận sự nam. Từ đó, người cận sự nam ấy giữ gìn bát giới ājīvaṭṭhamakasīla cho được trong sạch và trọn vẹn, trong đó có điều giới tránh xa sự nói lời vô ích, chỉ nói lời hữu ích đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc cho người nghe.

    Đó là những trường hợp khẩu thiện nghiệp phát sinh do nương nhờ nơi khẩu môn, liên quan đến khẩu môn nói lời, có chi pháp là chánh ngữ tâm sở, chánh mạng tâm sở tùy theo mỗi đối tượng của chúng.

    Như vậy, thân thiện nghiệp có 3 loại thiện nghiệp, khẩu thiện nghiệp có 4 loại thiện nghiệp. 7 loại thiện nghiệp này khi thì có thể phát sinh trong tâm mà không nương nhờ nơi thân môn, khẩu môn, không liên quan trực tiếp đến thân môn, khẩu môn. Khi thì 7 loại thiện nghiệp này phát sinh do nương nhờ nơi thân môn, khẩu môn, liên quan trực tiếp đến thân môn, khẩu môn, như đã trình bày trên đây.

    Vậy phân biệt thân thiện nghiệp, khẩu thiện nghiệp khi phát sinh trong tâm và thân thiện nghiệp, khẩu thiện nghiệp khi phát sinh do nương nhờ nơi thân môn, nơi khẩu môn như thế nào?

    Để phân biệt thân thiện nghiệp, khẩu thiện nghiệp khi phát sinh trong tâm và khi phát sinh do nương nhờ nơi thân môn, nơi khẩu môn, thì phải căn cứ theo chi pháp.

    Nếu chi pháp chỉ là tác ý tâm sở (cetanācetasika) thì thân thiện nghiệp, khẩu thiện nghiệp ấy phát sinh trong tâm, không liên quan trực tiếp đến thân môn, khẩu môn.

    Nếu chi pháp là chánh nghiệp tâm sở (sammākammanta-cetasika), chánh ngữ tâm sở (sammāvācācetasika), chánh mạng tâm sở (sammāājīvacetasika), thì thân thiện nghiệp, khẩu thiện nghiệp ấy phát sinh do nương nhờ nơi thân môn hành động, nơi khẩu môn nói lời, liên quan trực tiếp đến thân môn, nơi khẩu môn.

    * Tên gọi thân thiện nghiệp, khẩu thiện nghiệp, ý thiện nghiệp

    Thân thiện nghiệp có 3 loại thiện nghiệp, khẩu thiện nghiệp có 4 loại thiện nghiệp, ý thiện nghiệp có 3 loại thiện nghiệp. Trong khi hành thiện, thân thiện nghiệp, khẩu thiện nghiệp, ý thiện nghiệp được thành tựu bằng 2 cách như sau:

    Cách thứ nhất:

    >Trong 10 pháp sinh phước thiện (puññakiriyāvatthu)

    10 pháp sinh phước thiện là:

    1. Bố thí

    2. Giữ giới

    3. Hành thiền

    4. Cung kính

    5. Hỗ trợ trong mọi việc thiện

    6. Hồi hướng (phần phước thiện)

    7. Hoan hỷ (phần phước thiện)

    8. Nghe pháp

    9. Thuyết pháp

    10. Có chánh kiến

    Trong 10 pháp sinh phước thiện này:

    Nếu phước thiện nào được thành tựu do nương nhờ nơi thân môn hành động, thì phước thiện ấy có thêm tên gọi thân thiện nghiệp.

    Nếu phước thiện nào được thành tựu do nương nhờ nơi khẩu môn nói lời, thì phước thiện ấy có thêm tên gọi khẩu thiện nghiệp.

    Nếu phước thiện nào được thành tựu do nương nhờ nơi ý môn suy nghĩ, thì phước thiện ấy có thêm tên gọi ý thiện nghiệp.

    Như vậy, 10 pháp sinh phước thiện nhân với 3 thiện nghiệp trở thành 30 loại thiện nghiệp, 30 pháp sinh phước thiện.

    Ví dụ:

    * Phước thiện bố thí được thành tựu trong 3 môn: Thân, khẩu, ý.

    Phước thiện bố thí bằng thân: Tự mình làm phước thiện bố thí thân của mình.

    Phước thiện bố thí bằng khẩu: Tự mình nói lên lời làm phước thiện bố thí hoặc sai bảo, nhờ người khác làm phước thiện bố thí thay mình.

    Phước thiện bố thí bằng ý: Tâm nghĩ đến việc làm phước thiện bố thí hoặc tâm làm phước thiện bố thí.

    * Phước thiện giữ giới được thành tựu trong 3 môn: Thân, khẩu, ý.

    Phước thiện giữ giới thu thúc thân: Giữ gìn thân không để phạm điều giới.

    Phước thiện giữ giới thu thúc khẩu: Giữ gìn khẩu không để phạm điều giới hoặc khi thọ trì ngũ giới, bát giới uposathasīla,…

    Phước thiện giữ giới thu thúc ý: Tác ý tránh xa sự sát sinh, tránh xa sự trộm cắp,... không để phạm điều giới nào.

    * Phước thiện hành thiền được thành tựu trong 3 môn: Thân, khẩu, ý.

    Phước thiện hành thiền do nương nhờ nơi thân: Đang ngồi nghe pháp, đang ngồi thực hành thiền định, đang đi, đang đứng, đang ngồi, đang nằm,… thực hành thiền tuệ với 4 oai nghi,…

    Phước thiện hành thiền do nương nhờ nơi khẩu: Khi đang tụng kinh, khi đang ngồi niệm 9 Ân đức Phật, niệm 6 Ân đức Pháp, niệm 9 Ân đức Tăng, niệm tưởng đề mục kasiṇa,…

    Phước thiện hành thiền do nương nhờ nơi ý: Đang thực hành thiền định với đề mục thiền định; đang thực hành thiền tuệ với đối tượng danh pháp, sắc pháp, đối tượng của thiền tuệ.

    7 pháp sinh phước thiện còn lại là phước thiện cung kính, phước thiện hỗ trợ trong mọi việc thiện v.v… mỗi pháp đều được thành tựu trong 3 môn: Thân, khẩu, ý tương tự như 3 pháp sinh phước thiện đã trình bày trên đây.

    * Cách thứ nhì:

    Thu thúc thân, khẩu, ý

    Phàm nghiệp phát sinh do nương nhờ nơi 3 môn (cửa): Thân môn (cửa thân), khẩu môn (cửa khẩu), ý môn (cửa ý). Nếu nghiệp nào phát sinh do nương nhờ nơi môn (cửa) nào, thì nghiệp ấy mang tên của môn ấy.

    Ví dụ:

    Nếu thiện nghiệp nào phát sinh do nương nhờ nơi thân môn, thì thiện nghiệp ấy mang tên là thân thiện nghiệp.

    Nếu thiện nghiệp nào phát sinh do nương nhờ nơi khẩu môn, thì thiện nghiệp ấy mang tên là khẩu thiện nghiệp.

    Nếu thiện nghiệp nào phát sinh do nương nhờ nơi ý môn, thì thiện nghiệp ấy mang tên là ý thiện nghiệp.

    Nghiệp có 2 loại:

    Thiện nghiệp.

    Bất thiện nghiệp (ác nghiệp).

    * Thiện nghiệp phát sinh nghĩa là tác ý tâm sở đồng sinh với thiện tâm.

    * Ác nghiệp phát sinh nghĩa là tác ý tâm sở đồng sinh với bất thiện tâm (ác tâm).

    Khi nào, nếu hành giả biết thu thúc thân, khẩu, ý, giữ gìn cẩn trọng, thì thiện tâm phát sinh. Khi ấy, thiện nghiệp phát sinh do nương nhờ nơi thân, khẩu, ý đã được thu thúc.

    Khi nào, nếu hành giả không biết thu thúc thân, khẩu, ý, (cửa mở) không giữ gìn cẩn trọng, thì bất thiện tâm (ác tâm) phát sinh. Khi ấy bất thiện nghiệp (ác nghiệp) phát sinh do nương nhờ nơi thân, khẩu, ý không được thu thúc.

    Nếu khi tạo thiện nghiệp nào mà có sự thu thúc thân môn, đặc biệt được giữ gìn cẩn trọng, để thiện tâm phát sinh, thì thiện nghiệp ấy có tên là thân thiện nghiệp hoặc thân hành thiện.

    Nếu khi tạo thiện nghiệp nào mà có sự thu thúc khẩu môn, đặc biệt được giữ gìn cẩn trọng để thiện tâm phát sinh, thì thiện nghiệp ấy có tên là khẩu thiện nghiệp hoặc khẩu hành thiện.

    Nếu khi tạo thiện nghiệp nào mà có sự thu thúc ý môn, đặc biệt được giữ gìn cẩn trọng để thiện tâm phát sinh, thì thiện nghiệp ấy có tên là ý thiện nghiệp hoặc ý hành thiện.

    Thật ra, dù là thân thiện nghiệp, khẩu thiện nghiệp, ý thiện nghiệp vẫn có sự thu thúc ý môn, giữ gìn cẩn trọng ý môn, để làm cho thiện tâm được trong sạch, không bị ô nhiễm bởi phiền não.

    Vậy, cách thứ nhì thu thúc thân, khẩu, ý, giữ gìn cẩn trọng để thiện tâm phát sinh, làm duyên hỗ trợ cho thiện nghiệp phát sinh từ dục giới thiện nghiệp, sắc giới thiện nghiệp, vô sắc giới thiện nghiệp cho đến Siêu tam giới thiện nghiệp (4 Thánh Đạo Tâm).

    Bởi vậy cho nên cách thứ nhì thu thúc thân, khẩu, ý là cách chính yếu, quan trọng trong Phật giáo.

    10 dục giới đại thiện nghiệp với 8 dục giới đại thiện tâm

    10 dục giới đại thiện nghiệp đó là 10 tác ý tâm sở đồng sinh với 8 dục giới đại thiện tâm. Trong mỗi dục giới đại thiện tâm có 36 đến 38 tâm sở đồng sinh tùy theo mỗi dục giới đại thiện tâm, nhưng chỉ có 1 tác ý tâm sở (cetanā-cetasika) mà Đức Phật gọi là “nghiệp” ở đây có nghĩa là “10 dục giới đại thiện nghiệp” mà thôi.

    Khi tác ý tâm sở tạo thiện nghiệp nào, các tâm sở còn lại cùng nhau hỗ trợ tác ý tâm sở tạo thiện nghiệp ấy cho được thành tựu. 10 dục giới đại thiện nghiệp được tạo bằng 8 dục giới đại thiện tâm.

    Thực ra, 8 dục giới đại thiện tâm này, không những tạo 10 dục giới đại thiện nghiệp, mà còn tạo được 10 phước thiện: Bố thí, giữ giới, hành thiền, cung kính, hỗ trợ, hồi hướng, hoan hỷ, nghe pháp, thuyết pháp, chánh kiến.

    Trong cõi người này, tất cả mọi dục giới đại thiện nghiệp, đó là 10 dục giới đại thiện nghiệp: 3 thân thiện nghiệp, 4 khẩu thiện nghiệp, 3 ý thiện nghiệp và 10 phước thiện: bố thí, giữ giới, hành thiền,… Như vậy, 10 thiện nghiệp và 10 phước thiện này được phát sinh và phát triển tốt đẹp nhất chỉ có đối với con người trong cõi người này mà thôi.

    Ngoài ra, tất cả chúng sinh trong 30 cõi còn lại trong tam giới, không có cơ hội thuận lợi như con người trong cõi người này.

    Thật vậy, chúng sinh trong 4 cõi ác giới đang chịu quả khổ của ác nghiệp, cơ hội để cho mọi thiện nghiệp, mọi phước thiện phát sinh rất hiếm có, nhưng không phải hoàn toàn không có, chúng sinh trong 4 cõi ác giới cũng có khi tạo được dục giới đại thiện nghiệp.

    - Chư thiên trong 6 cõi trời dục giới đang ham hưởng quả an lạc của dục giới đại thiện nghiệp, mà mình đã tạo trong những kiếp quá khứ. Mọi phước thiện có cơ hội phát sinh, nhưng vì ham mê say đắm ngũ trần tuyệt vời trong cõi trời ấy, nên không nghĩ đến phước thiện khác. Trừ phi Đức Phật xuất hiện trên thế gian, phần đông chư thiên hiện xuống hầu kính lễ Đức Phật, lắng nghe Ngài thuyết pháp tế độ nhóm chư thiên ấy. Sau khi nghe chánh pháp xong, phần đông chư thiên chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh chư thiên, thấp hoặc cao tùy theo năng lực của pháp hạnh ba-la-mật của mỗi vị chư thiên. Có khi Đức Phật xuất hiện lên cõi trời dục giới thuyết pháp tế độ chư thiên, trên các cõi trời ấy.

    - Chư Phạm thiên trong 16 cõi trời sắc giới, 4 cõi trời vô sắc giới, đang hưởng sự an lạc quả của sắc giới thiện nghiệp hoặc quả của vô sắc giới thiện nghiệp trong một thời gian lâu dài hằng đại kiếp trái đất. Do đó, một số Phạm thiên hưởng quả của thiện nghiệp ấy, cũng có một số Phạm thiên cố gắng tạo các thiện nghiệp khác. Khi Đức Phật xuất hiện trên thế gian, phần đông chư Phạm thiên trong các cõi trời có cơ hội hiện xuống hầu kính lễ Đức Phật, lắng nghe Ngài thuyết pháp tế độ nhóm chư Phạm thiên ấy. Sau khi nghe chánh pháp xong, phần đông chư Phạm thiên, chứng đắc thành bậc Thánh thấp hoặc cao tùy theo năng lực của pháp hạnh ba-la-mật của mỗi vị Phạm thiên. Có khi Đức Phật xuất hiện lên cõi trời sắc giới thuyết pháp tế độ chư Phạm thiên trên các cõi trời sắc giới ấy.

    Như vậy, trong 31 cõi trong tam giới, con người trong cõi người có cơ hội thuận lợi nhất trong việc tạo 10 dục giới đại thiện nghiệp, 10 phước thiện, đặc biệt nhất là tạo 10 pháp hạnh ba-la-mật để trở thành bậc Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Phật, hoặc tạo 20 pháp hạnh ba-la-mật để trở thành Chư Phật Độc Giác, hoặc tạo 30 pháp hạnh ba-la-mật để trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác.

    10 thiện nghiệp, 10 phước thiện, các loại pháp hạnh ba-la-mật, v.v…chỉ là cách gọi theo đời, nhưng theo Chân nghĩa pháp (Paramatthadhamma) đó là 8 dục giới đại thiện tâm phát sinh khi tạo mỗi pháp thiện ấy.

    Khi nào dục giới đại thiện tâm nào phát sinh, khi ấy, dục giới đại thiện tâm ấy điều khiển thân, khẩu, ý tạo thiện nghiệp, hoặc điều khiển thân, khẩu, ý hành thiện, hoặc điều khiển thân, khẩu, ý bố thí, giữ giới, hành thiền, v.v…

    Ngược lại, khi nào ác tâm nào (trong 12 ác tâm) phát sinh, khi ấy, ác tâm ấy cũng điều khiển thân, khẩu, ý trực tiếp tạo ác nghiệp.

    Trong cuộc sống hằng ngày của mỗi người, khi nào dục giới đại thiện tâm phát sinh, khi ấy ác tâm không thể phát sinh. Ngược lại, khi nào ác tâm phát sinh, khi ấy, thiện tâm không thể phát sinh. Trừ khi người nào nằm ngủ say, không mộng, người ấy chỉ có loại tâm hộ kiếp (bhavaṅgacitta) phát sinh liên tục không ngừng trong suốt thời gian đang ngủ say (không mộng), khi ấy, thiện tâm hoặc bất thiện tâm (ác tâm) không phát sinh, thì cũng không có thiện nghiệp hoặc ác nghiệp nào phát sinh. Nhưng khi nằm mộng thấy ác mộng, tâm sân sợ hãi phát sinh thuộc bất thiện tâm (ác tâm) tạo ác nghiệp; hoặc nằm ngủ thấy mộng lành như bay đi lễ bái ngôi Tháp Bảo, v.v… thiện tâm hoan hỷ phát sinh, đó là thiện nghiệp. Những ác nghiệp hoặc thiện nghiệp trong lúc mộng có năng lực rất yếu, không có khả năng cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, mà có khả năng cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu, nếu nghiệp ấy có cơ hội cho quả của nó.

    Quả của 10 dục giới đại thiện nghiệp

    10 dục giới đại thiện nghiệp đó là tác ý tâm sở (cetanā-cetasika) trong 8 dục giới đại thiện tâm.

    10 dục giới đại thiện nghiệp đó là: 3 thân thiện nghiệp, 4 khẩu thiện nghiệp, 3 ý thiện nghiệp trong 8 dục giới đại thiện tâm.

    10 phước thiện đó là bố thí, giữ giới, hành thiền, cung kính, hỗ trợ, hồi hướng phước thiện, hoan hỷ phước thiện, thuyết pháp, nghe pháp, có chánh kiến cũng trong 8 dục giới đại thiện tâm.

    8 đại thiện tâm là:

    Dục giới đại thiện tâm thứ nhất đồng sinh với thọ hỷ, hợp với trí tuệ, không cần tác động.

    Dục giới đại thiện tâm thứ nhì đồng sinh với thọ hỷ, hợp với trí tuệ, cần tác động.

    Dục giới đại thiện tâm thứ ba đồng sinh với thọ hỷ, không hợp với trí tuệ, không cần tác động.

    Dục giới đại thiện tâm thứ tư đồng sinh với thọ hỷ, không hợp với trí tuệ, cần tác động.

    Dục giới đại thiện tâm thứ năm đồng sinh với thọ xả, hợp với trí tuệ, không cần tác động.

    Dục giới đại thiện tâm thứ sáu đồng sinh với thọ xả, hợp với trí tuệ, cần tác động.

    Dục giới đại thiện tâm thứ bảy đồng sinh với thọ xả, không hợp với trí tuệ, không cần tác động.

    Dục giới đại thiện tâm thứ tám đồng sinh với thọ xả, không hợp với trí tuệ, cần tác động.

    * 8 dục giới đại thiện tâm, nếu phân loại theo thọ, thì có 2 loại:

    - 4 dục giới đại thiện tâm đồng sinh với thọ hỷ.

    - 4 dục giới đại thiện tâm đồng sinh với thọ xả.

    * 8 dục giới đại thiện tâm, nếu phân loại theo trí tuệ, thì có 2 loại:

    - 4 dục giới đại thiện tâm hợp với trí tuệ.

    - 4 dục giới đại thiện tâm không hợp với trí tuệ.

    * 8 dục giới đại thiện tâm, nếu phân loại theo sự tác động, thì có 2 loại:

    - 4 dục giới đại thiện tâm không cần tác động.

    - 4 dục giới đại thiện tâm cần tác động.

    * 8 dục giới đại thiện tâm, nếu phân loại theo nhân, thì có 2 loại:

    - 4 dục giới đại thiện tâm thuộc loại tam nhân thiện nghiệp (tihetukakusalakamma).

    - 4 dục giới đại thiện tâm thuộc loại nhị nhân thiện nghiệp (dvihetukakusalakamma).

    Giải thích:

    * 10 dục giới đại thiện nghiệp được tạo với 4 dục giới đại thiện tâm đồng sinh với thọ hỷ khác với 10 dục giới đại thiện nghiệp được tạo với 4 dục giới đại thiện tâm đồng sinh với thọ xả như thế nào?

    - Một số người có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, tin rằng: “Thiện nghiệp là của riêng ta..., ta sẽ là người thừa hưởng quả an lạc của thiện nghiệp ấy”. Nếu khi họ tạo thiện nghiệp nào (thân thiện nghiệp, khẩu thiện nghiệp hoặc ý thiện nghiệp) với đại thiện tâm đồng sinh với thọ hỷ, thì thiện nghiệp ấy có nhiều năng lực.

    - Một số người có đức tin kém, có sự hiểu biết về nghiệp không sâu sắc. Nếu khi họ tạo thiện nghiệp nào (thân thiện nghiệp, khẩu thiện nghiệp hoặc ý thiện nghiệp) với đại thiện tâm đồng sinh với thọ xả, thì thiện nghiệp ấy có ít năng lực.

    10 dục giới đại thiện nghiệp được tạo bằng 4 dục giới đại thiện tâm đồng sinh với thọ hỷ có nhiều năng lực hơn 10 dục giới đại thiện nghiệp được tạo bằng 4 dục giới đại thiện tâm đồng sinh với thọ xả.

    * 10 dục giới đại thiện nghiệp được tạo với 4 dục giới đại thiện tâm hợp với trí tuệ, khác với 10 dục giới đại thiện nghiệp được tạo với 4 dục giới đại thiện tâm không hợp với trí tuệ như thế nào?

    Một số người có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, có chánh kiến về nghiệp là của riêng mình (kammassakatā sammādiṭṭhi), có trí tuệ hiểu biết sâu sắc rằng:

    Thiện nghiệp cho quả tốt, quả an lạc.

    Ác nghiệp cho quả xấu, quả khổ não.

    Nghiệp là của riêng ta...,

    Ta sẽ là người thừa hưởng quả an lạc của thiện nghiệp ấy.

    Nếu khi họ tạo thiện nghiệp nào (thân thiện nghiệp, khẩu thiện nghiệp hoặc ý thiện nghiệp) với đại thiện tâm hợp với trí tuệ, thì thiện nghiệp ấy có quả lớn lao và phong phú nhất.

    Một số người có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, có trí tuệ hiểu biết về nghiệp không sâu sắc. Nếu khi họ tạo thiện nghiệp nào (thân thiện nghiệp, khẩu thiện nghiệp hoặc ý thiện nghiệp) với đại thiện tâm không hợp với trí tuệ, thì thiện nghiệp ấy có quả không lớn và không phong phú.

    10 dục giới đại thiện nghiệp được tạo với 4 dục giới đại thiện tâm hợp với trí tuệ có quả lớn và phong phú hơn 10 dục giới đại thiện nghiệp được tạo với 4 dục giới đại thiện tâm không hợp với trí tuệ.

    * 10 dục giới đại thiện nghiệp được tạo với 4 dục giới đại thiện tâm không cần tác động khác với 10 dục giới đại thiện nghiệp được tạo với 4 dục giới đại thiện tâm cần tác động như thế nào?

    - Một số người có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, có chánh kiến về nghiệp là của riêng mình (kammassakatā sammādiṭṭhi), là người học nhiều hiểu rộng, đa văn túc trí. Nếu khi họ tạo thiện nghiệp nào (thân thiện nghiệp, khẩu thiện nghiệp hoặc ý thiện nghiệp) với đại thiện tâm không cần tác động, thì thiện nghiệp ấy có nhiều năng lực nhất, có khả năng tự quyết định làm mọi thiện nghiệp của mình.

    - Một số người có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, đến gần gũi thân cận với bậc thiện trí, lắng nghe chánh pháp của bậc thiện trí, phát sinh đức tin, tin nghiệp và quả của nghiệp; được bậc thiện trí tác động, động viên, khuyến khích mới tạo mọi thiện nghiệp, bởi vì thiện nghiệp là của riêng mình. Nếu khi họ tạo thiện nghiệp nào (thân thiện nghiệp, khẩu thiện nghiệp hoặc ý thiện nghiệp) với đại thiện tâm cần tác động, thì thiện nghiệp ấy có năng lực yếu, bởi vì cần sự tác động, động viên, khuyến khích của người khác.

    10 dục giới đại thiện nghiệp được tạo với 4 dục giới đại thiện tâm không cần tác động có nhiều năng lực, có khả năng tự quyết định làm mọi thiện nghiệp của mình hơn 10 dục giới đại thiện nghiệp được tạo bằng 4 dục giới đại thiện tâm cần sự tác động.

    * 10 dục giới đại thiện nghiệp được tạo với 4 dục giới đại thiện tâm thuộc loại tam nhân thiện nghiệp khác với 10 dục giới đại thiện nghiệp được tạo với 4 dục giới đại thiện tâm thuộc loại nhị nhân thiện nghiệp như thế nào?

    - Một số người có chánh kiến về nghiệp là của riêng mình (kammassakatā sammādiṭṭhi), có trí tuệ hiểu biết rõ rằng: “Nghiệp là của riêng ta, ta là người thừa hưởng quả của nghiệp ấy... ”. Nếu khi họ tạo thiện nghiệp nào (thân thiện nghiệp, khẩu thiện nghiệp hoặc ý thiện nghiệp) với 4 đại thiện tâm hợp với trí tuệ, thì thiện nghiệp ấy thuộc loại tam nhân thiện nghiệp (thiện nghiệp hợp đủ 3 nhân: Vô tham, vô sân và vô si).

    Thiện nghiệp thuộc loại tam nhân thiện nghiệp có quả lớn lao và phong phú.

    - Một số người có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp mà không có trí tuệ hiểu biết sâu sắc. Nếu khi họ tạo thiện nghiệp nào (thân thiện nghiệp, khẩu thiện nghiệp hoặc ý thiện nghiệp) với 4 đại thiện tâm không hợp với trí tuệ, thì thiện nghiệp ấy thuộc loại nhị nhân thiện nghiệp (thiện nghiệp hợp với 2 nhân: Vô tham và vô sân, không có vô si).

    Thiện nghiệp thuộc loại tam nhân thiện nghiệp có quả lớn lao và phong phú hơn thiện nghiệp thuộc loại nhị nhân thiện nghiệp.

    Tác ý tâm sở với thiện nghiệp

    Tất cả mọi thiện nghiệp nói chung, 10 dục giới đại thiện nghiệp nói riêng, tác ý tâm sở đồng sinh trong 8 dục giới đại thiện tâm, không những có tầm quan trọng trong công việc tạo nên thiện nghiệp mà còn đóng vai trò quan trọng để cho thiện nghiệp ấy trở thành tam nhân thiện nghiệp hoặc nhị nhân thiện nghiệp, thiện nghiệp bậc cao hoặc thiện nghiệp bậc thấp…

    Mỗi thiện nghiệp thường trải qua 3 thời kỳ tác ý:

    1. Pubbacetanā: Tác ý trước khi tạo đại thiện nghiệp.

    2. Muñcacetanā: Tác ý đang khi tạo đại thiện nghiệp.

    3. Aparacetanā: Tác ý sau khi đã tạo đại thiện nghiệp.

    Mỗi giai đoạn tác ý có một năng lực đặc biệt, đóng một vai trò quan trọng tạo nên tính chất đặc biệt của thiện nghiệp và cho quả đặc biệt của thiện nghiệp ấy.

    * Pubbacetanā: Là tác ý tâm sở đồng sinh với đại thiện tâm trước khi tạo đại thiện nghiệp trong thời gian lâu hoặc mau không có giới hạn.

    * Muñcacetanā: Tác ý tâm sở đồng sinh với đại thiện tâm đang khi tạo đại thiện nghiệp nào để cho đại thiện nghiệp ấy trở thành tam nhân đại thiện nghiệp hoặc nhị nhân đại thiện nghiệp.

    * Tác ý muñcacetanā trở thành tam nhân đại thiện nghiệp hoặc nhị nhân đại thiện nghiệp như thế nào?

    - Nếu tác ý tâm sở đồng sinh trong đại thiện tâm đang khi tạo đại thiện nghiệp nào với đại thiện tâm hợp với trí tuệ, thì chắc chắn đại thiện nghiệp ấy thuộc loại tam nhân đại thiện nghiệp (thiện nghiệp hợp đủ tam nhân: Vô tham, vô sân và vô si).

    Nếu tác ý tâm sở đồng sinh trong đại thiện tâm đang khi tạo đại thiện nghiệp nào với đại thiện tâm không hợp với trí tuệ, thì chắc chắn đại thiện nghiệp ấy thuộc loại nhị nhân đại thiện nghiệp (thiện nghiệp hợp với nhị nhân: Vô tham và vô sân, không có vô si).

    Tam nhân đại thiện nghiệp, nhị nhân đại thiện nghiệp phân loại theo 3 thời kỳ tác ý
    Tam nhân đại thiện nghiệp, nhị nhân đại thiện nghiệp phân loại theo 3 thời kỳ tác ý có 2 bậc đại thiện nghiệp:

    1. Ukkaṭṭhakusalakamma: Đại thiện nghiệp bậc cao.

    2. Omakakusalakamma: Đại thiện nghiệp bậc thấp.

    * Đại thiện nghiệp bậc cao như thế nào?

    Khi tạo đại thiện nghiệp nào bằng thân, bằng khẩu, bằng ý, người ấy có tác ý đại thiện tâm trong 2 thời kỳ: Tác ý đại thiện tâm trước khi tạo đại thiện nghiệp ấy, và tác ý đại thiện tâm sau khi đã tạo đại thiện nghiệp ấy xong rồi, với thời gian không giới hạn. Nếu cả 2 thời kỳ tác ý đại thiện tâm ấy hoàn toàn trong sạch, đại thiện tâm không bị ô nhiễm, bởi không có bất thiện tâm (ác tâm) nào phát sinh xen lẫn trong 2 thời kỳ tác ý thiện tâm tạo đại thiện nghiệp ấy. Do đó, đại thiện nghiệp ấy dù tam nhân đại thiện nghiệp hoặc dù nhị nhân đại thiện nghiệp vẫn thuộc đại thiện nghiệp bậc cao (ukkaṭṭhakusalakamma).

    * Đại thiện nghiệp bậc thấp như thế nào?

    Khi tạo đại thiện nghiệp nào bằng thân, bằng khẩu, bằng ý, người ấy có tác ý đại thiện tâm trong 2 thời kỳ: Tác ý đại thiện tâm trước khi tạo đại thiện nghiệp ấy, và tác ý đại thiện tâm sau khi đã tạo đại thiện nghiệp ấy xong rồi, với thời gian không giới hạn. Nếu trong 2 thời kỳ tác ý đại thiện tâm ấy không hoàn toàn trong sạch, thiện tâm bị ô nhiễm, bởi có bất thiện tâm (ác tâm) phát sinh xen lẫn trong 2 thời kỳ tác ý đại thiện tâm tạo đại thiện nghiệp ấy. Do đó, đại thiện nghiệp ấy dù tam nhân đại thiện nghiệp hoặc dù nhị nhân đại thiện nghiệp vẫn thuộc đại thiện nghiệp bậc thấp (omakakusalakamma).

    Phân loại đại thiện nghiệp bậc cao và bậc thấp

    Tam nhân đại thiện nghiệp và nhị nhân đại thiện nghiệp, mỗi loại có 2 bậc: Bậc cao và bậc thấp. Do đó đại thiện nghiệp có 4 bậc:

    1. Tam nhân đại thiện nghiệp bậc cao.

    2. Tam nhân đại thiện nghiệp bậc thấp.

    3. Nhị nhân đại thiện nghiệp bậc cao.

    4. Nhị nhân đại thiện nghiệp bậc thấp.

    Thật ra, trong 2 thời kỳ tác ý thiện tâm để phân định đại thiện nghiệp bậc cao hoặc đại thiện nghiệp bậc thấp, thì tác ý thiện tâm sau khi đã tạo đại thiện nghiệp ấy xong (aparacetanā), rồi trải qua thời gian mau hoặc lâu không hạn định, đóng vai trò quan trọng để phân định đại thiện nghiệp ấy thuộc về đại thiện nghiệp bậc cao hoặc đại thiện nghiệp bậc thấp. Bởi vì, tác ý thiện tâm sau khi đã tạo đại thiện nghiệp ấy xong, rồi trải qua thời gian không hạn định nên có nhiều năng lực hơn tác ý thiện tâm trước khi tạo đại thiện nghiệp ấy (chưa tạo). Do đó, tác ý thiện tâm sau khi đã tạo đại thiện nghiệp xong có tầm quan trọng để phân định đại thiện nghiệp ấy thuộc về loại đại thiện nghiệp bậc cao hoặc bậc thấp.

    Ví dụ 1: Một người đi tìm kiếm kẻ thù; một hôm bắt được kẻ thù, người ấy có ý định giết chết để trả thù. Nhưng kẻ thù run sợ van xin tha tội chết, người ấy phát sinh tâm bi thương xót, nên tha chết cho kẻ thù.

    Người ấy có tác ý thiện tâm hoan hỷ trước khi tha chết kẻ thù, tác ý thiện tâm hoan hỷ đang khi mở trói tha chết kẻ thù; người ấy đã tạo thiện nghiệp tránh xa sự sát sinh (không giết kẻ thù) và tác ý thiện tâm hoan hỷ sau khi đã tạo đại thiện nghiệp tránh xa sự sát sinh. Nhưng thời gian sau, chính kẻ thù ấy trở lại tìm mọi cách làm khổ người ấy. Cho nên, người ấy phát sinh tâm sân thù hận kẻ thù ấy, rồi nghĩ rằng: “Nếu ngày hôm ấy ta giết chết nó, thì ngày nay ta đâu có chịu khổ như thế này!”.

    Như vậy, người ấy đã tạo đại thiện nghiệp tránh xa sự sát sinh (không giết kẻ thù) với tác ý thiện tâm hoan hỷ trước khi tha chết cho kẻ thù, nhưng tác ý thiện tâm sau khi đã tha chết, ban đầu hoan hỷ, về sau, ác tâm phát sinh làm ô nhiễm đại thiện nghiệp tránh xa sự sát sinh. Cho nên thiện nghiệp ấy trở thành thiện nghiệp bậc thấp.

    Ví dụ 2: Một người nghèo sống trong nhóm nhà nhỏ, một hôm trên đường đi làm việc, ông nhìn thấy một cái cặp xách tay mà người nào đánh rơi, ông nhặt mang theo. Khi làm xong công việc trở về nhà, ông mở cái cặp ra nhìn thấy một số tiền quá lớn, xem qua giấy tờ tài liệu trong cặp, ông biết rằng: “Đây là một số tiền của công ty mà người nhân viên lãnh từ ngân hàng đem về, có lẽ do chở sau xe, nên cái cặp bị đánh rơi mà không biết!”.

    Ông lấy ra thấy số tiền từng gói niêm phong rất đẹp mà cuộc đời của ông chưa từng thấy bao giờ. Ông cảm thấy vui mừng lắm, nỗi vui mừng mà ông chưa từng có.

    Ban đầu ông nghĩ rằng: “Nếu mình có được số tiền lớn như thế này, thì cuộc đời mình được sung sướng biết dường nào!” Ông có ý muốn lấy toàn bộ số tiền ấy làm của riêng (tạo nghiệp ác trộm cắp). Nhưng sau đó ông lại nghĩ rằng: “Người nhân viên làm mất số tiền của công ty lớn như thế này, anh ta sẽ bị kỷ luật và phải chịu bồi thường số tiền ấy… chắc chắn phải chịu khổ nhiều lắm!”.

    Ông nhớ lại lời cha mẹ thường dạy: “Nghèo cho sạch, rách cho thơm”. Thế rồi ông đem sắp các gói tiền lại vào cặp như cũ, rồi đem đến trình ban công an xã, nhờ công an thông báo với công ty cho người đến nhận lại số tiền của họ.

    Thanh thản ra về, ông lại vui mừng lẫm nhẫm lời khuyên dạy của cha mẹ lúc sinh tiền: “Nghèo cho sạch, rách cho thơm”.

    Như vậy, ban đầu người nghèo ấy nhìn thấy số tiền lớn chưa từng thấy, liền phát sinh tâm tham muốn chiếm đoạt làm của riêng. Nhưng về sau, nghĩ lại lời khuyên dạy của cha mẹ năm xưa, ông liền phát sinh tâm thiện không tham tiền của người khác. Như vậy, người nghèo ấy có tác ý ác tham muốn trước khi trả lại số tiền (chưa trả), nhưng tác ý thiện tâm hoan hỷ sau khi đã giao trả số tiền ấy cho người khác rồi. Do đó, đại thiện nghiệp tránh xa sự trộm cắp của người ấy thuộc về đại thiện nghiệp bậc cao.

    Quả của 8 dục giới đại thiện tâm

    10 dục giới đại thiện nghiệp đó là tác ý tâm sở trong 8 dục giới đại thiện tâm có khả năng cho quả ngay trong kiếp hiện tại và trong những kiếp sau không có giới hạn.

    1. Quả của 8 dục giới đại thiện tâm trong kiếp hiện tại:

    10 dục giới đại thiện nghiệp này trong 8 dục giới đại thiện tâm, mà 8 dục giới đại thiện tâm này có khả năng sinh quả trong kiếp hiện tại là 8 thiện quả vô nhân tâm (vô nhân tâm là tâm không có 3 thiện nhân là vô tham, vô sân, vô si; và không có 3 ác nhân là tham, sân, si. Vô nhân tâm là tâm không có nhân tham, sân, si, vô tham, vô sân, vô si.) tiếp nhận những đối tượng tốt đáng hài lòng ngay trong kiếp hiện tại như sau:

    - Nhãn thức tâm thuộc về thiện quả vô nhân tâm, nhìn thấy sắc trần, những hình dáng tốt đẹp đáng hài lòng.

    - Nhĩ thức tâm thuộc về thiện quả vô nhân tâm, nghe thanh trần, các âm thanh hay đáng hài lòng.

    - Tỷ thức tâm thuộc về thiện quả vô nhân tâm, ngửi hương trần, các thứ mùi đáng hài lòng.

    - Thiệt thức tâm thuộc về thiện quả vô nhân tâm, nếm vị trần, các thứ vị đáng hài lòng.

    - Thân thức tâm thuộc về thiện quả vô nhân tâm, xúc giác xúc trần, cứng, mềm, nóng, lạnh… đáng hài lòng.

    - Tiếp nhận tâm thuộc về thiện quả vô nhân tâm, tiếp nhận những đối tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc đáng hài lòng.

    - Suy xét tâm đồng sinh với thọ hỷ thuộc về thiện quả vô nhân tâm, suy xét những đối tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc đáng hài lòng.

    - Suy xét tâm đồng sinh với thọ xả thuộc về thiện quả vô nhân tâm, suy xét những đối tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc đáng hài lòng.

    2. Quả của 8 dục giới đại thiện tâm trong những kiếp sau:

    10 dục giới đại thiện nghiệp trong 8 dục giới đại thiện tâm, mà 8 dục giới đại thiện tâm cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) và trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu (pavattikāla) không có hạn định.

    8 dục giới đại thiện tâm này có 2 loại tâm mà mỗi loại có 2 bậc:

    - 4 dục giới đại thiện tâm hợp với trí tuệ gọi là tam nhân đại thiện tâm.

    - 4 dục giới đại thiện tâm không hợp với trí tuệ gọi là nhị nhân đại thiện tâm.

    * Tam nhân đại thiện tâm có 2 bậc:

    2.1 Tam nhân đại thiện tâm bậc cao (tihetuka ukkaṭṭha).

    2.2 Tam nhân đại thiện tâm bậc thấp (tihetuka omaka).

    * Nhị nhân đại thiện tâm có 2 bậc:

    2.3 Nhị nhân đại thiện tâm bậc cao (dvihetuka ukkaṭṭha).

    2.4. Nhị nhân đại thiện tâm bậc thấp (dvihetuka omaka).

    Quả của đại thiện nghiệp trong mỗi loại đại thiện tâm theo mỗi bậc cao, bậc thấp khác nhau trong thời kỳ tái sinh kiếp sau và trong thời kỳ sau khi đã tái sinh như sau:

    2.1 Quả của dục giới đại thiện nghiệp trong tam nhân đại thiện tâm bậc cao trong 2 thời kỳ:

    a) Thời kỳ tái sinh (paṭisandhikāla)

    Dục giới đại thiện nghiệp trong tam nhân đại thiện tâm bậc cao là trong 4 dục giới đại thiện tâm hợp với trí tuệ cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, đó là 4 dục giới đại quả tâm hợp với trí tuệ làm phận sự tái sinh kiếp sau:

    - Nếu tam nhân đại thiện tâm bậc cao sinh quả là 4 dục giới đại quả tâm hợp với trí tuệ làm phận sự tái sinh kiếp sau làm người trong cõi người này, thì người ấy là người có trí tuệ thuộc về hạng người có tam nhân (tihetukapuggala), nghĩa là người ấy có đủ 3 nhân: Vô tham, vô sân, vô si từ khi tái sinh đầu thai làm người.

    Trong kiếp hiện tại người ấy vốn là người có trí tuệ, nếu người ấy thực hành pháp hành thiền định thì có khả năng chứng đắc các bậc thiền hữu sắc và các bậc thiền vô sắc; hoặc thực hành pháp hành thiền tuệ thì cũng có khả năng chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Nhân trong Phật giáo.

    Nhưng nếu người ấy tạo ác nghiệp, thì sau khi chết, ác nghiệp ấy có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới, trở thành chúng sinh vô nhân cõi ác giới (duggati ahetukapuggala, chúng sinh vô nhân cõi ác giới nghĩa là chúng sinh trong 4 cõi ác giới tái sinh bằng suy xét tâm hợp với thọ xả thuộc về bất thiện quả vô nhân tâm, là quả tâm này không có nhân nào trong 6 nhân (tham, sân, si, vô tham, vô sân, vô si). Như trường hợp Tỳ khưu Devadatta thuộc về người có tam nhân, Ngài chứng đắc các bậc thiền hữu sắc, chứng đắc thần thông, nhưng về sau Ngài đã tạo ác nghiệp vô gián trọng tội, cho nên sau khi chết, ác nghiệp ấy cho quả tái sinh trong cõi đại địa ngục Avīci.

    - Nếu tam nhân đại thiện tâm bậc cao sinh quả là 4 dục giới đại quả tâm hợp với trí tuệ làm phận sự hóa sinh kiếp sau làm chư thiên trong cõi trời dục giới nào thì vị chư thiên ấy có trí tuệ, nhiều oai lực, hào quang sáng ngời lan tỏa rộng lớn trong cõi trời ấy. Nếu vị chư thiên ấy có cơ hội lắng nghe chánh pháp của Đức Phật thì mau chóng chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Chư Thiên trong Phật giáo.

    b) Thời kỳ sau khi đã tái sinh (pavattikāla)

    Tam nhân đại thiện tâm bậc cao

    Dục giới đại thiện nghiệp trong tam nhân đại thiện tâm bậc cao là trong 4 dục giới đại thiện tâm hợp với trí tuệ sinh quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu, đó là 8 dục giới đại quả tâm và 8 thiện quả vô nhân tâm.

    Như vậy, dục giới đại thiện nghiệp này cho quả sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu gồm có 16 quả tâm: 8 dục giới đại quả tâm hữu nhân và 8 thiện quả vô nhân tâm.

    * 8 dục giới đại quả tâm hữu nhân:

    4 dục giới đại quả tâm hữu nhân hợp với trí tuệ đó là 4 dục giới đại quả tâm làm phận sự hộ kiếp (bhavaṅgacitta) phát sinh sau khi vừa chấm dứt mỗi lộ trình tâm (vīthicitta), lúc nằm ngủ say không chiêm bao, mộng mị, giữ gìn duy trì sinh mạng cho đến trước lúc chết.

    4 dục giới đại quả tâm hữu nhân hợp với trí tuệ làm phận sự cuối cùng, phận sự tử (chết) (cutikicca) chấm dứt mỗi kiếp.

    8 dục giới đại quả tâm này còn làm phận sự tiếp nhận đối tượng (tadārammaṇakicca) từ tác hành tâm (javanacitta) còn dư lại 2 sát-na tâm hết tuổi thọ của đối tượng, để chấm dứt mỗi lộ trình tâm.

    8 dục giới đại quả tâm này chỉ có thể phát sinh trong 11 cõi dục giới mà thôi, không thể phát sinh trong 15 cõi sắc giới (không có cõi Vô Tưởng Thiên), 4 cõi vô sắc giới.

    * 8 thiện quả vô nhân tâm:

    8 thiện quả vô nhân tâm là quả tâm của 4 dục giới đại thiện tâm hợp với trí tuệ, tiếp nhận những đối tượng tốt đáng hài lòng như sau:

    - Nhãn thức tâm thuộc về thiện quả vô nhân tâm, nhìn thấy sắc trần, những hình dáng tốt đẹp, đáng hài lòng.

    - Nhĩ thức tâm thuộc về thiện quả vô nhân tâm, nghe thanh trần, các âm thanh hay, đáng hài lòng.

    - Tỷ thức tâm thuộc về thiện quả vô nhân tâm, ngửi hương trần, các thứ mùi, đáng hài lòng.

    - Thiệt thức tâm thuộc về thiện quả vô nhân tâm, nếm vị trần, các thứ vị, đáng hài lòng.

    - Thân thức tâm thuộc về thiện quả vô nhân tâm, xúc giác xúc trần, cứng, mềm, nóng, lạnh…, đáng hài lòng.

    - Tiếp nhận tâm thuộc về thiện quả vô nhân tâm, tiếp nhận những đối tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc, đáng hài lòng.

    - Suy xét tâm đồng sinh với thọ hỷ thuộc về thiện quả vô nhân tâm, suy xét những đối tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc ,đáng hài lòng.

    - Suy xét tâm đồng sinh với thọ xả thuộc về thiện quả vô nhân tâm, suy xét những đối tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc, đáng hài lòng.

    - 8 thiện quả vô nhân tâm này có khả năng phát sinh trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu trong 11 cõi dục giới, 15 cõi sắc giới (không có cõi Vô Tưởng Thiên) tùy theo mỗi hạng chúng sinh và tùy theo mỗi cõi, nếu thiện nghiệp có cơ hội cho quả của chúng.

    Trong cõi người, nếu số người bình thường có đầy đủ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân không bị bệnh tật, thì 8 thiện quả vô nhân tâm có thể phát sinh đầy đủ tiếp nhận những đối tượng tốt đáng hài lòng.

    Nếu số người bị mù, bị điếc… trong kiếp hiện hữu, thì nhãn thức tâm, nhĩ thức tâm không thể phát sinh, cho nên những số người ấy không thể nhìn thấy sắc trần, hình dáng; không thể nghe thanh trần, âm thanh v.v…

    Trong 6 cõi trời dục giới, chư thiên có đầy đủ 8 quả thiện vô nhân tiếp nhận những đối tượng tốt đáng hài lòng nhất.

    Trong các cõi trời sắc giới phạm thiên, chư phạm thiên chỉ có nhãn thức tâm phát sinh khi chiêm ngưỡng Đức Phật hoặc chư Thánh Arahán; và nhĩ thức tâm phát sinh khi lắng nghe chánh pháp của Đức Phật hoặc chư Thánh Arahán mà thôi. Ngoài ra, còn tỷ thức tâm, thiệt thức tâm, thân thức tâm không phát sinh lên đối với chư phạm thiên, bởi vì trong các cõi trời sắc giới không có đối tượng hương trần, vị trần, xúc trần.

    Đặc biệt có số loài súc sinh gia súc nuôi trong nhà như con chó, con mèo, con voi, con ngựa… 8 thiện quả vô nhân tâm có thể phát sinh lên đối với chúng, để tiếp nhận những đối tượng tốt đáng hài lòng.

    Tuy những con gia súc này đã tái sinh bằng suy xét tâm hợp với thọ xả thuộc về quả bất thiện vô nhân tâm, nhưng sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu, những gia súc này được hưởng những quả tốt của thiện nghiệp mà những tiền kiếp của chúng đã từng tạo trong quá khứ, cho nên, chúng nó được sống trong nhà, chuồng trại sạch sẽ, có người chăm nom, săn sóc, được nghe những lời ngon ngọt của chủ, được ăn uống đầy đủ, khi bị bệnh chúng nó được bác sĩ thú y đến chữa trị v.v… Đó là những quả thiện vô nhân tiếp nhận những đối tượng tốt đáng hài lòng.

    2.2. Quả của dục giới đại thiện nghiệp trong tam nhân đại thiện tâm bậc thấp và nhị nhân đại thiện tâm bậc cao trong 2 thời kỳ:

    a) Thời kỳ tái sinh (paṭisandhikāla)

    Dục giới đại thiện nghiệp trong tam nhân đại thiện tâm bậc thấp và nhị nhân đại thiện tâm bậc cao tương đương với nhau cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau đó là 4 dục giới đại quả tâm không hợp với trí tuệ làm phận sự tái sinh kiếp sau như sau:

    Nếu tam nhân đại thiện tâm bậc thấp và nhị nhân đại thiện tâm bậc cao sinh quả là 4 dục giới đại quả tâm không hợp với trí tuệ làm phận sự tái sinh kiếp sau làm người trong cõi người này, thì người ấy là người không có trí tuệ thuộc về hạng người có nhị nhân (dvihetukapuggala) nghĩa là người ấy chỉ có 2 nhân là vô tham và vô sân, không có vô si từ khi tái sinh đầu thai làm người.

    Trong kiếp hiện tại người ấy vốn là người không có trí tuệ, nếu người ấy thực hành pháp hành thiền định, thì không có khả năng chứng đắc được bậc thiền hữu sắc nào; hoặc thực hành pháp hành thiền tuệ, thì cũng không có khả năng chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả nào, không thể trở thành bậc Thánh Nhân trong Phật giáo.

    Tuy kiếp hiện tại là hạng người có nhị nhân, nhưng người ấy cố gắng tinh tấn tạo mọi dục giới đại thiện nghiệp bậc cao, nên sau khi chết, thiện nghiệp ấy có thể cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, trở thành hạng người có tam nhân.

    Nếu tam nhân đại thiện tâm bậc thấp và nhị nhân đại thiện tâm bậc cao sinh quả là 4 dục giới đại quả tâm không hợp với trí tuệ làm phận sự hóa sinh kiếp sau làm chư thiên trong cõi trời dục giới nào, thì vị chư thiên ấy không có trí tuệ, ít oai lực, hào quang tỏa ra không lớn. Nếu vị chư thiên ấy có cơ hội lắng nghe chánh pháp của Đức Phật, thì cũng không thể chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả nào.

    b) Thời kỳ sau khi đã tái sinh (pavattikāla)

    Dục giới đại thiện nghiệp trong tam nhân đại thiện tâm bậc thấp và nhị nhân đại thiện tâm bậc cao sinh quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu, đó là 4 dục giới đại quả tâm không hợp với trí tuệ và 8 thiện quả vô nhân tâm.

    Như vậy, dục giới đại thiện nghiệp này cho quả sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu, gồm có 12 quả tâm: 4 dục giới đại quả tâm không hợp với trí tuệ hữu nhân và 8 thiện quả vô nhân tâm.

    * 4 dục giới đại quả tâm không hợp với trí tuệ hữu nhân:

    4 dục giới đại quả tâm không hợp với trí tuệ hữu nhân đó là 4 dục giới đại quả tâm không hợp với trí tuệ làm phận sự hộ kiếp (bhavaṅgakicca) phát sinh sau khi vừa chấm dứt mỗi lộ trình tâm, lúc nằm ngủ say không chiêm bao, mộng mị; giữ gìn sinh mạng cho đến trước lúc chết.

    4 dục giới đại quả tâm không hợp với trí tuệ làm phận sự cuối cùng, phận sự tử (chết) (cutikicca) chấm dứt mỗi kiếp.

    4 dục giới đại quả tâm không hợp với trí tuệ còn làm phận sự tiếp nhận đối tượng (tadārammaṇakicca) từ tác hành tâm còn dư lại 2 sát-na tâm hết tuổi thọ của đối tượng, để chấm dứt mỗi lộ trình tâm.

    4 dục giới đại quả tâm này chỉ có thể phát sinh trong 11 cõi dục giới mà thôi, không thể phát sinh trong cõi sắc giới.

    * 8 thiện quả vô nhân tâm:

    8 thiện quả vô nhân tâm là quả tâm của 4 dục giới đại thiện tâm không hợp với trí tuệ, tiếp nhận những đối tượng loại vừa (không xấu, không tốt):

    - Nhãn thức tâm thuộc về thiện quả vô nhân tâm nhìn thấy sắc trần, những hình dáng loại vừa.

    - Nhĩ thức tâm thuộc về thiện quả vô nhân tâm nghe thanh trần, các âm thanh loại vừa.

    V.v...

    8 thiện quả vô nhân tâm này có khả năng phát sinh trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu, trong 11 cõi dục giới, một số cõi sắc giới tùy theo mỗi hạng chúng sinh và tùy theo mỗi cõi, nếu thiện nghiệp có cơ hội cho quả của chúng.

    2.3 Quả của dục giới đại thiện nghiệp trong nhị nhân đại thiện tâm bậc thấp trong 2 thời kỳ:

    a) Thời kỳ tái sinh (paṭisandhikāla)

    Dục giới đại thiện nghiệp trong nhị nhân đại thiện tâm bậc thấp là trong 4 dục giới đại thiện tâm không hợp với trí tuệ sinh quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, đó là suy xét tâm hợp với thọ xả (upekkhāsantīraṇakusalavipākacitta) thuộc về thiện quả vô nhân tâm làm phận sự tái sinh kiếp sau:

    Nếu thiện quả suy xét tâm hợp với thọ xả làm phận sự tái sinh kiếp sau làm người trong cõi người này, thì người ấy là người có tật nguyền như bị câm điếc, bị đui mù, người đần độn, người khờ khạo… thuộc về hạng người Sugati ahetukapuggala (hạng người vô nhân cõi thiện giới) nghĩa là người ấy không có nhân nào trong 3 nhân vô tham, vô sân, vô si từ khi tái sinh đầu thai làm người. Nhưng nếu trường hợp, người bị đui mù, bị câm điếc v.v… sau khi đã tái sinh làm người, thì người ấy không phải thuộc về hạng người vô nhân cõi thiện giới, mà có thể thuộc hạng người có tam nhân, hoặc hạng người có nhị nhân nào đó. Trường hợp người ấy bị đui mù, bị câm điếc v.v… chỉ là do ác nghiệp hãm hại nào đó của họ có cơ hội cho quả khổ mà thôi.

    Trong kiếp hiện tại hạng người vô nhân này vốn là người không có trí tuệ, cho nên người ấy không thể hiểu biết sâu sắc trong chánh pháp, có sự hiểu biết tầm thường trong cuộc sống, sau khi chết, nếu có dục giới đại thiện nghiệp đã từng được tạo trong những kiếp quá khứ của họ có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, thì cũng là người có tam nhân hoặc người có nhị nhân.

    Như trường hợp tiền kiếp của Đức Phật Gotama, có khi tái sinh làm con chim, con khỉ… thậm chí còn là chúng sinh trong cõi địa ngục nữa. Thế mà sau mãn quả của ác nghiệp, thoát ra khỏi địa ngục, nhờ thiện nghiệp cho quả trong thời kỳ tái sinh làm Thái tử, như Thái tử Temiya v.v… Cho nên, nghiệp và quả của nghiệp là một trong bốn điều bất khả tư nghì.

    b) Thời kỳ sau khi đã tái sinh (pavattikāla)

    Dục giới đại thiện nghiệp trong nhị nhân đại thiện tâm bậc thấp là trong 4 dục giới đại thiện tâm không hợp với trí tuệ sinh quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu, đó là 8 thiện quả vô nhân tâm.

    Như vậy, dục giới đại thiện nghiệp này cho quả sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu, chỉ có 8 quả thiện vô nhân mà thôi (không có dục giới đại quả tâm hữu nhân), do đó, thiện nghiệp này có năng lực rất yếu.

    8 thiện quả vô nhân tâm là quả tâm của 4 nhị nhân đại thiện tâm bậc thấp này, tiếp nhận những đối tượng quá tầm thường như:

    - Nhãn thức tâm thuộc về thiện quả vô nhân tâm nhìn thấy sắc trần, những hình dáng loại quá tầm thường.

    - Nhĩ thức tâm thuộc về thiện quả vô nhân tâm nghe thanh trần, các âm thanh loại quá tầm thường

    v.v…

    Tóm lại, 10 dục giới đại thiện nghiệp trong 8 dục giới đại thiện tâm, mỗi thiện nghiệp được tạo bằng mỗi dục giới đại thiện tâm. Nếu phân chia đại thiện nghiệp theo loại tâm và bậc cao, bậc thấp thì có 4 loại thiện nghiệp như sau:

    - Dục giới đại thiện nghiệp trong tam nhân đại thiện tâm bậc cao.

    - Dục giới đại thiện nghiệp trong tam nhân đại thiện tâm bậc thấp.

    - Dục giới đại thiện nghiệp trong nhị nhân đại thiện tâm bậc cao.

    - Dục giới đại thiện nghiệp trong nhị nhân đại thiện tâm bậc thấp.

    Quả của mỗi dục giới đại thiện nghiệp sinh từ tam nhân thiện tâm bậc cao, bậc thấp; nhị nhân đại thiện tâm bậc cao, bậc thấp là dục giới đại quả tâm hữu nhân, quả thiện tâm vô nhân trong 2 thời kỳ: Thời kỳ tái sinh kiếp sau và thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu, khác biệt nhau
    Như vậy, dục giới đại thiện nghiệp trong tam nhân thiện tâm (trong 4 dục giới đại thiện tâm hợp với trí tuệ) bậc cao và bậc thấp cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau và trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu, khác biệt nhau quá rõ ràng. Điều khác biệt ấy chứng tỏ rằng: “Tác ý thiện sau khi đã tạo đại thiện nghiệp xong rồi đóng vai trò quan trọng cho quả của thiện nghiệp ấy trong thời kỳ tái sinh kiếp sau và trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu”.

    Thật vậy, dục giới đại thiện nghiệp trong tam nhân đại thiện tâm (trong 4 dục giới đại thiện tâm hợp với trí tuệ) bậc thấp và dục giới đại thiện nghiệp trong nhị nhân đại thiện tâm (trong 4 dục giới đại thiện tâm không hợp với trí tuệ) bậc cao, khi cho quả của 2 loại dục giới đại thiện nghiệp ấy trong thời kỳ tái sinh kiếp sau và trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu, thì quả của 2 đại thiện nghiệp ấy tương đương với nhau. Như vậy, dục giới đại thiện nghiệp trong nhị nhân đại thiện tâm bậc cao có năng lực rất mạnh nâng đỡ quả của dục giới đại thiện nghiệp ấy lên tương đương với quả của dục giới đại thiện nghiệp trong tam nhân đại thiện tâm bậc thấp.

    Bởi vậy cho nên, mỗi khi đã tạo đại thiện nghiệp nào xong rồi, dù đại thiện nghiệp ấy trong tam nhân đại thiện tâm hoặc trong nhị nhân đại thiện tâm, chúng ta vẫn nên phát sinh thiện tâm hoan hỷ sau khi đã tạo dục giới đại thiện nghiệp ấy xong, trong suốt thời gian lâu dài theo ngày, tháng, năm, thì đại thiện nghiệp ấy sẽ thuộc về đại thiện tâm bậc cao. Nên cố gắng tinh tấn tạo nhân duyên để cho thiện tâm phát sinh, để ngăn ác tâm phát sinh. Nếu có ác tâm phát sinh không hoan hỷ về đại thiện nghiệp ấy, sẽ làm cho tâm bị ô nhiễm, thì đại thiện nghiệp ấy trở thành đại thiện tâm bậc thấp, quả của đại thiện nghiệp ấy sẽ bị giảm sút xuống quá thấp, thì thật là đáng tiếc biết dường nào!

    - Nếu dục giới đại thiện nghiệp trong nhị nhân đại thiện tâm bậc thấp, thì có quả của dục giới đại thiện nghiệp thấp nhất trong các quả của dục giới đại thiện nghiệp.

    - Nếu đại thiện nghiệp trong đại thiện tâm hợp với trí tuệ không cần tác động thuộc về bậc cao, thì chắc chắn sinh quả là dục giới đại quả tâm cao nhất trong các dục giới đại quả tâm.

    Trong Chú giải, trình bày rằng:

    “Đức Bồ Tát Setaketu, tiền kiếp của Đức Phật Gotama, từ bỏ kiếp thiên nam ở cõi trời Tusita (Đấu Xuất Đà Thiên) đã tái sinh kiếp chót bằng đệ nhất dục giới đại quả tâm (là dục giới đại quả tâm thứ nhất đồng sinh với thọ hỷ hợp với trí tuệ không cần tác động) làm phận sự tái sinh đầu thai vào lòng mẫu thân Mahāmayādevī nhằm vào ngày thứ năm canh chót đêm rằm tháng sáu”.

    Cho nên, chúng ta cố gắng tinh tấn tạo dục giới đại thiện nghiệp bằng dục giới đại thiện tâm đồng sinh với thọ hỷ hợp với trí tuệ, không cần tác động thuộc về dục giới đại thiện tâm bậc cao để cho được quả của dục giới đại thiện nghiệp đáng hài lòng nhất.

    Điều kiện dục giới đại thiện nghiệp - bất thiện nghiệp cho quả

    a) Điều kiện dục giới đại thiện nghiệp cho quả

    Dục giới đại thiện nghiệp có cơ hội cho quả của nó cần phải hội đủ 4 điều kiện thuận lợi (sampatti) cần thiết, thì dục giới đại thiện nghiệp ấy mới có cơ hội cho quả của nó được.

    4 điều kiện thuận lợi để cho dục giới đại thiện nghiệp cho quả là:

    1. Gatisampatti (cõi giới thuận lợi): Chúng sinh ở trong cõi thiện giới (sugatibhūmi) như cõi người, 6 cõi trời dục giới, 16 cõi trời sắc giới, 4 cõi trời vô sắc giới, là những cõi giới thuận lợi để cho dục giới đại thiện nghiệp có cơ hội cho quả của nó, tùy theo mỗi dục giới đại thiện nghiệp và mỗi cõi giới ấy.

    Nếu chúng sinh ở trong cõi ác giới (duggatibhūmi) như cõi địa ngục... là cảnh giới bất lợi, thì dục giới đại thiện nghiệp khó có cơ hội cho quả của nó.

    2. Kālasampatti (thời kỳ thuận lợi): Chúng sinh sống trong thời kỳ Phật giáo đang còn tồn tại trên thế gian; trong thời kỳ Đức vua Chuyển Luân Thánh Vương đang trị vì đất nước; trong thời kỳ thiện pháp đang tăng trưởng, con người sống lâu, là những thời kỳ thuận lợi để cho dục giới đại thiện nghiệp có cơ hội cho quả của nó.

    Nếu chúng sinh ở trong thời kỳ Phật giáo hoàn toàn tiêu hoại trên thế gian, hoặc thời kỳ không có Phật giáo; trong thời kỳ chiến tranh loạn lạc; trong thời kỳ ác pháp tăng trưởng, con người yểu thọ... là những thời kỳ bất lợi, thì dục giới đại thiện nghiệp khó có cơ hội cho quả của nó.

    3. Upadhisampatti (thân thể đầy đủ 5 giác quan): Chúng sinh có mắt sáng, tai thính, mũi nhạy, lưỡi biết vị tốt, thân thể khỏe mạnh ít bệnh hoạn..., là những điều kiện thuận lợi để cho dục giới đại thiện nghiệp có cơ hội cho quả của nó.

    Nếu chúng sinh có mắt mù, tai điếc, mũi bị bệnh, lưỡi không tốt, thân bị tê liệt, thường bệnh hoạn ốm đau..., là những điều kiện bất lợi, thì dục giới đại thiện nghiệp khó có cơ hội cho quả của nó.

    4. Payogasampatti (sự tinh tấn trong thiện pháp): Chúng sinh có sự tinh tấn trong mọi thiện pháp: Tinh tấn trong thân hành thiện, tinh tấn trong khẩu nói thiện, tinh tấn trong ý nghĩ thiện..., là những sự tinh tấn đúng, chánh tinh tấn để cho dục giới đại thiện nghiệp có cơ hội cho quả của nó.

    Nếu chúng sinh có sự tinh tấn trong ác pháp: Tinh tấn trong thân hành ác, tinh tấn trong khẩu nói ác, tinh tấn trong ý nghĩ ác..., là những điều tinh tấn bất lợi, thì dục giới đại thiện nghiệp khó có cơ hội cho quả của nó.

    b) Điều kiện bất thiện nghiệp (ác nghiệp) cho quả

    Bất thiện nghiệp (ác nghiệp) có cơ hội cho quả của nó, do hội đủ 4 điều kiện bất lợi (vipatti), (thì bất thiện nghiệp (ác nghiệp) ấy mới có cơ hội cho quả của nó được).

    4 điều kiện bất lợi để bất thiện nghiệp (ác nghiệp) có cơ hội cho quả là:

    1- Gativipatti (cõi giới bất lợi): Chúng sinh ở trong 4 cõi ác giới (duggatibhūmi) như cõi địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh là những cõi giới bất lợi, thì bất thiện nghiệp (ác nghiệp) có cơ hội cho quả của nó, tùy theo mỗi cõi ác giới ấy.

    Nếu chúng sinh sống trong cõi trời dục giới, hoặc cõi trời sắc giới, hoặc cõi trời vô sắc giới, thì mọi bất thiện nghiệp (ác nghiệp) không có cơ hội cho quả của nó được, vì không hội đủ điều kiện để bất thiện nghiệp (ác nghiệp) cho quả.

    2- Kālavipatti (thời kỳ bất lợi): Chúng sinh sống trong thời kỳ Phật giáo hoàn toàn bị tiêu hoại, khi ấy con người không biết pháp thiện, pháp ác; không biết hổ thẹn tội lỗi; không biết ghê sợ tội lỗi. Chúng sinh sống trong thời kỳ chiến tranh loạn lạc, trong thời kỳ pháp ác tăng trưởng, con người yểu thọ... là những thời kỳ bất lợi, thì bất thiện nghiệp (ác nghiệp) có cơ hội cho quả của nó.

    Nếu chúng sinh sống trong thời kỳ có tuổi thọ sống lâu như các hàng chư thiên trong các cõi trời dục giới, chư phạm thiên trong cõi trời sắc giới, trong cõi trời vô sắc giới, hoặc con người sống trong thời kỳ thiện pháp tăng trưởng, con người có tuổi thọ tăng lên hằng vô số tỷ năm đến a-tăng-kỳ năm (10140)... là những thời kỳ thuận lợi, thì bất thiện nghiệp (ác nghiệp) không có cơ hội cho quả của nó được, vì không hội đủ điều kiện để cho bất thiện nghiệp (ác nghiệp) cho quả.

    3- Upadhivipatti (thân thể không đầy đủ 5 giác quan): Chúng sinh có mắt mù, tai điếc, mũi bệnh, lưỡi đau, thân ốm yếu, tê liệt... là những điều kiện bất lợi, thì bất thiện nghiệp (ác nghiệp) có cơ hội cho quả của nó, tùy theo mỗi giác quan.

    Nếu chúng sinh là loài người, chư thiên trong các cõi trời dục giới, chư phạm thiên trong cõi trời sắc giới có đầy đủ các giác quan... là điều kiện thuận lợi, thì bất thiện nghiệp (ác nghiệp) không có cơ hội cho quả của nó được, vì không phải là điều kiện để cho bất thiện nghiệp (ác nghiệp) cho quả.

    4- Payogavipatti (sự tinh tấn trong ác pháp): Chúng sinh có sự tinh tấn trong mọi ác pháp: Tinh tấn trong thân hành ác, tinh tấn trong khẩu nói ác, tinh tấn trong ý nghĩ ác là những sự tinh tấn sai, bất chánh, tà tinh tấn thì bất thiện nghiệp (ác nghiệp) có cơ hội cho quả của nó.

    Nếu chúng sinh có sự tinh tấn trong mọi thiện pháp: Tinh tấn trong thân hành thiện, tinh tấn trong khẩu nói thiện, tinh tấn trong ý nghĩ thiện... là những sự tinh tấn đúng, là chánh tinh tấn, thì bất thiện nghiệp (ác nghiệp) không có cơ hội cho quả của nó được, vì không phải là điều kiện để cho bất thiện nghiệp (ác nghiệp) cho quả.

    * Tóm lại: Thiện nghiệp và bất thiện nghiệp (ác nghiệp) cho quả trong các cõi như sau:

    - Chúng sinh đang sống trong cõi địa ngục, thì bất thiện nghiệp (ác nghiệp) có cơ hội cho quả, còn dục giới đại thiện nghiệp khó có cơ hội cho quả. Khi mãn quả của bất thiện nghiệp (ác nghiệp) trong cõi địa ngục, được thoát ra khỏi cõi địa ngục; nếu bất thiện nghiệp (ác nghiệp) có cơ hội cho quả, thì tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới khác; nếu dục giới đại thiện nghiệp có cơ hội cho quả, thì tái sinh làm người (hoặc làm chư thiên).

    - Chúng sinh là chư thiên đang sống trong các cõi trời dục giới, thì chỉ có dục giới đại thiện nghiệp có cơ hội cho quả mà thôi, còn bất thiện nghiệp (ác nghiệp) không có cơ hội cho quả. Đến khi mãn quả của dục giới đại thiện nghiệp; nếu dục giới đại thiện nghiệp có cơ hội cho quả, thì tái sinh kiếp sau làm chư thiên trong cõi trời dục giới hoặc tái sinh kiếp sau trở lại làm người trong cõi người. Nếu bất thiện nghiệp (ác nghiệp) có cơ hội cho quả, thì tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh).

    - Chúng sinh là chư Phạm thiên đang sống trong cõi trời sắc giới, trong cõi trời vô sắc giới, thì chỉ có thiện nghiệp có cơ hội cho quả mà thôi, còn bất thiện nghiệp (ác nghiệp) hoàn toàn không có cơ hội cho quả. Đến khi mãn quả của sắc giới thiện nghiệp hoặc vô sắc giới thiện nghiệp, thì chỉ có các thiện nghiệp có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau trong cõi trời sắc giới, hoặc cõi trời vô sắc giới, hoặc cõi thiện dục giới (cõi người, cõi trời dục giới) mà thôi, tùy theo quả của thiện nghiệp. Bất thiện nghiệp (ác nghiệp) hoàn toàn không có cơ hội cho quả của nó.

    - Chúng sinh là loài người đang sống trong cõi người, khi thì thiện nghiệp có cơ hội cho quả an lạc, khi thì bất thiện nghiệp (ác nghiệp) có cơ hội cho quả khổ, cứ như vậy cho đến khi chết. Sau khi người ấy chết, nếu thiện nghiệp có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp kế tiếp, thì được tái sinh trở lại làm người, hoặc tái sinh làm chư thiên trong cõi trời dục giới, hoặc tái sinh làm Phạm thiên trong cõi trời sắc giới, hoặc cõi trời vô sắc giới, hoàn toàn tùy thuộc vào quả của thiện nghiệp ấy. Nếu bất thiện nghiệp (ác nghiệp) có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp kế tiếp, thì bị tái sinh trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh) tùy thuộc vào quả của bất thiện nghiệp (ác nghiệp) ấy.

    Tất cả chúng sinh dù nhỏ dù lớn cũng đều bị chi phối do quả của nghiệp, tùy thuộc vào quả của nghiệp mà chính mình đã tạo.

    Đức Phật đã dạy về nghiệp:

    “Kammassako’mhi kammadāyādo kammayoni kamma-bandhu kammappaṭisaraṇo, yaṃ kammaṃ karissāmi kalyānaṃ vā pāpakaṃ vā, tassa dāyādo bhavissāmi”.

    (Ta có nghiệp là của riêng, ta là người thừa hưởng quả của nghiệp, nghiệp là nhân sinh ra ta, nghiệp là bà con thân quyến của ta, nghiệp là nơi nương nhờ của ta. Ta sẽ tạo nghiệp nào ‘thiện nghiệp hoặc bất thiện nghiệp’, ta sẽ là người thừa hưởng quả của thiện nghiệp hoặc quả của bất thiện nghiệp ấy).

    Nhận xét nghiệp và quả của nghiệp trong cõi người

    Tất cả mọi chúng sinh trong ba giới bốn loài, trong vòng tử sinh luân hồi từ vô thủy cho đến kiếp hiện tại này, trải qua vô sô kiếp không sao kể xiết được. Mỗi chúng sinh nói chung, mỗi người nói riêng đã từng tạo và tích lũy vô số ác nghiệp và vô số thiện nghiệp.

    Kiếp hiện tại này, chúng ta sinh làm người, điều đó chắc chắn là quả của đại thiện nghiệp mà chúng ta đã từng tạo trong những kiếp quá khứ; nhưng mỗi người trong chúng ta đã không giống nhau về tâm tính, đó cũng chắc chắn là mỗi người chúng ta đã tạo đại thiện nghiệp khác nhau, cho nên, quả của thiện nghiệp cũng khác nhau.

    Trong vòng tử sinh luân hồi từ vô thủy cho đến kiếp hiện tại này, trải qua vô số kiếp, mỗi người chúng ta chắc chắn đã từng tạo và tích lũy vô số thiện nghiệp và vô số ác nghiệp.

    Khi thì thiện nghiệp có cơ hội sinh quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trong cõi thiện giới: Cõi người, hoặc cõi trời dục giới, hoặc cõi trời sắc giới, hoặc cõi trời vô sắc giới, tùy theo quả của mỗi thiện nghiệp ấy. Và khi thì thiện nghiệp có cơ hội sinh quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu, hưởng mọi quả an lạc của đại thiện nghiệp ấy của ta.

    Khi thì ác nghiệp có cơ hội sinh quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trong 4 cõi ác giới: Cõi địa ngục, hoặc cõi atula, hoặc loài ngạ quỷ, hoặc loài súc sinh, tùy theo quả của ác nghiệp ấy. Và khi thì ác nghiệp có cơ hội sinh quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu, chịu mọi quả khổ của ác nghiệp ấy của ta.

    Tác ý tâm sở là nghiệp: Tác ý tâm sở đồng sinh với 12 bất thiện tâm (12 ác tâm) gọi là 12 ác nghiệp. Tác ý tâm sở đồng sinh với 21 thiện tâm gọi là 21 thiện nghiệp.

    Như vậy, 12 ác nghiệp và 21 thiện nghiệp thuộc về danh pháp đó là tâm sở. Nếu khi người nào đã tạo ác nghiệp nào hoặc thiện nghiệp nào xong rồi, thì ác nghiệp ấy hoặc thiện nghiệp ấy được lưu trữ, được tích lũy trong tâm của chủ nhân từ đời này sang đời khác, từ kiếp này sang kiếp khác, được giữ gìn nguyên vẹn không bao giờ bị thất lạc, bị mất mát, bị giảm bớt một chút nào cả.

    Nếu khi ác nghiệp nào có cơ hội sinh quả của nó, thì chủ nhân phải chịu quả khổ của ác nghiệp ấy dưới hình thức này hoặc hình thức khác, tùy theo năng lực quả của ác nghiệp ấy.

    Ví dụ: Ngài Đại đức Mahāmoggallāna - Bậc Thánh Tối Thượng Thanh Văn xuất sắc nhất về thần thông trong hàng Thanh Văn đệ tử của Đức Phật, thế mà nhóm ngoại đạo thuê mướn bọn cướp đến đánh đập Ngài đến tan xương nát thịt; chúng tưởng Ngài đã chết, đem bỏ xác Ngài trong bụi rồi bỏ đi, Ngài dùng thần thông bay về đảnh lễ Đức Phật, xin phép tịch diệt Niết Bàn.

    Ngài Đại đức Mahāmoggallāna bị bọn cướp đánh đập đến chết, đó là quả của ác nghiệp mà trong tiền kiếp xa xưa Ngài đã từng đánh đập cha mẹ đui mù của mình đến chết rồi bỏ xác trong rừng.

    Kiếp hiện tại dù Ngài là bậc Thánh Arahán và còn là bậc Thánh Tối Thượng Thanh Văn xuất sắc nhất về thần thông, nhưng Ngài vẫn không tránh được quả của ác nghiệp giết cha mẹ đui mù của mình, mà Ngài đã từng tạo trong tiền kiếp xa xưa ấy (trong bộ Chú giải Dhammapadaṭṭhakathā).

    Đức Phật Gotama của chúng ta, Ngài vẫn còn phải chịu 12 quả của ác nghiệp mà Ngài đã từng tạo trong những kiếp quá khứ, khi Ngài còn là Đức Bồ Tát (trong bộ Apadāna).

    Như vậy, ác nghiệp và quả của ác nghiệp rất công bình, không hề thiên vị một ai cả. Nếu khi ác nghiệp có cơ hội cho quả thì dù Đức Phật, chư Thánh Arahán cũng không tránh khỏi, huống hồ gì mỗi người trong chúng ta.

    Nếu khi thiện nghiệp nào có cơ hội sinh quả của nó, thì chủ nhân được hưởng quả an lạc của thiện nghiệp ấy dưới hình thức này hoặc hình thức khác, tùy theo năng lực quả của thiện nghiệp ấy.

    Ví dụ: Những tiền kiếp của Đức Phật Gotama là Đức Bồ Tát, Ngài đã từng phát nguyện trong tâm có ý nguyện muốn trở thành một Đức Phật Chánh Đẳng Giác để tế độ chúng sinh, rồi Ngài đã từng tạo các pháp hạnh ba-la-mật suốt 7 a-tăng-kỳ. Đến thời kỳ Đức Bồ Tát tiền kiếp của Đức Phật Gotama phát nguyện ra bằng lời để chúng sinh biết rõ ý nguyện muốn trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác của Ngài, rồi Ngài đã từng tạo các pháp hạnh ba-la-mật suốt 9 a-tăng-kỳ. Đến thời kỳ Đức Bồ Tát Đạo sĩ Sumedha (tiền kiếp của Đức Phật Gotama) được Đức Phật Dīpaṅkara thọ ký xác định thời gian còn lại 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất nữa, Ngài sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác có danh hiệu Đức Phật Gotama.

    Đức Bồ Tát Đạo sĩ Sumedha vô cùng hoan hỷ tiếp tục tạo bồi bổ 30 pháp hạnh ba-la-mật cho tròn đủ, suốt thời gian 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất.

    Đến kiếp chót Đức Bồ Tát đầu thai vào lòng bà chánh cung Hoàng hậu Mahāmayādevī của Đức vua Suddhodana, khi Đức Bồ Tát đản sinh được đặt tên là Thái tử Siddhattha. Đức Bồ Tát Thái tử Siddhattha có đầy đủ 32 tướng tốt của Bậc Đại Nhân và 80 tướng tốt phụ, đó là quả của các thiện nghiệp pháp hạnh ba-la-mật mà Đức Bồ Tát Thái tử Siddhattha (tiền kiếp của Đức Phật Gotama) đã từng tạo trong những tiền kiếp quá khứ.

    Năm 29 tuổi, Đức Bồ Tát Siddhattha xuất gia, năm tròn 35 tuổi, Đức Bồ Tát Siddhattha thực hành thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não, mọi tham ái, đặc biệt diệt đoạn tuyệt được mọi tiền khiên tật, trở thành bậc Thánh Arahán đầu tiên trên toàn cõi thế giới chúng sinh, đồng thời trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác có danh hiệu Đức Phật Gotama vào cuối đêm rằm tháng tư âm lịch.

    Đức Bồ Tát Siddhattha trở thành Đức Phật Gotama đó là quả của các thiện nghiệp 30 pháp hạnh ba-la-mật đầy đủ trọn vẹn của Ngài.

    Các hàng Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Phật từ bậc Thánh Nhập Lưu, bậc Thánh Nhất Lai, bậc Thánh Bất Lai, bậc Thánh Arahán, đó cũng là quả của các thiện nghiệp 10 pháp hạnh ba-la-mật của mỗi hàng Thánh Thanh Văn ấy.

    Ông phú hộ Anathapiṇḍika, bà đại thí chủ Visākhā mahā upāsikā v.v... đó cũng là quả của thiện nghiệp bố thí mà họ đã tạo trong những kiếp quá khứ.

    Chánh kiến về nghiệp của ta

    Các hàng Thanh Văn đệ tử Đức Phật là bậc thiện trí có chánh kiến về nghiệp của mình (kammassakatā sammādiṭṭhi) nên có nhận thức đúng đắn và công bình:

    Khi hưởng được những sự an lạc hạnh phúc, có được những điều tốt lành trong đời, thì nên có nhận thức đúng đắn rằng: Đó là quả tốt của đại thiện nghiệp mà mình đã tạo.

    Phải chịu những cảnh khổ, gặp những điều bất hạnh trong đời, thì nên có nhận thức đúng đắn rằng: Đó là quả xấu của ác nghiệp mà mình đã tạo.

    * Nhận thức đúng đắn về nghiệp và quả của nghiệp:

    Nếu khi ta đang hưởng được sự giàu sang phú quý, có quyền cao chức trọng v.v... những điều tốt lành trong đời, thì ta có đức tin nơi nghiệp và quả của nghiệp của mình, cho nên ta không dể duôi trong mọi thiện pháp, cố gắng tinh tấn tạo mọi thiện nghiệp để nâng đỡ cuộc đời của ta càng thêm cao quý.

    Nếu khi ta đang chịu những cảnh khổ, gặp những điều bất hạnh trong đời, thì ta cũng có đức tin nơi nghiệp và quả của nghiệp của mình, cho nên ta không than thân trách phận, không hề trách cứ một ai; ta không dể duôi trong mọi thiện pháp, mà quyết tâm tránh xa mọi ác nghiệp, cố gắng tinh tấn tạo mọi thiện nghiệp để cứu giúp ta thoát khỏi cảnh khổ.

    * Đức tính công bằng của nghiệp và quả của nghiệp:

    Nếu khi thiện nghiệp của ta có cơ hội cho quả tốt, quả an lạc, thì ta hoan hỷ thừa hưởng quả của thiện nghiệp ấy của ta; và nếu khi ác nghiệp của ta có cơ hội cho quả xấu, quả khổ, thì ta cũng nhẫn nại chịu đựng quả của ác nghiệp ấy của ta; với thiện tâm trong sáng, không hề than thân trách phận, cũng không trách cứ một ai cả. Đó là do có chánh kiến về nghiệp của mình.

    Các hàng Thanh Văn đệ tử của Đức Phật là bậc thiện trí có đức tin trong sạch nơi Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng, tin nghiệp và quả của nghiệp của mình, tự làm chủ bên trong tâm của mình, không để bị chi phối bởi các đối tượng bên ngoài, có thiện tâm trong sáng chủ động điều khiển thân, khẩu, ý thực hành theo thiện pháp. Như vậy, chúng ta sống được an nhiên tự tại trong cuộc đời này.
    Itipi so Bhagavà Araham, Sammàsambuddho, Vijjàcaranasampanno, Sugato, Lokavidù, Anuttaro purisadammasàrathi, Satthàdevamanussànam, Buddho, Bhagavà.

  11. #11
    Đai Nâu Avatar của raucucai
    Gia nhập
    Mar 2012
    Nơi cư ngụ
    Sơn La
    Bài gởi
    302

    Mặc định

    Quả khổ của ác nghiệp - Quả an lạc của thiện nghiệp

    Tích Đức vua Bồ Tát Nemirājā là tiền kiếp của Đức Phật Gotama trong bộ Jātaka, được tóm lược như sau:

    Đức vua Bồ Tát Nemirājā trị vì xứ Vedeha ngự tại kinh thành Mithilā.

    Đức vua trời Sakka cõi Tam Thập Tam Thiên truyền lệnh vị thiên nam Mātali đánh chiếc xe ngựa gồm 1.000 con ngựa từ cõi trời Tam Thập Tam Thiên xuống thỉnh Đức vua Bồ Tát Nemirājā lên cõi trời Tam Thập Tam Thiên để Đức vua trời Sakka cùng tất cả chư thiên ở cõi trời Tam Thập Tam Thiên được diện kiến Đức vua Bồ Tát Nemirājā.

    Vị thiên nam Mātali tuân theo lệnh của Đức vua trời Sakka, đánh chiếc xe ngựa gồm 1.000 con ngựa hiện xuống tâu với Đức vua Bồ Tát Nemirājā rằng:

    Tâu Bệ hạ, hạ thần kính thỉnh Bệ hạ ngự lên chiếc xe ngựa trời của Đức vua Sakka. Đức vua trời Sakka cùng tất cả chư thiên ở cõi trời Tam Thập Tam Thiên muốn diện kiến Bệ hạ tại hội trường Suddhammasabhā.

    Đức vua Bồ Tát Nemirājā ngự lên chiếc xe ngựa trời xong, vị thiên nam Mātali bèn tâu rằng:

    - Tâu Bệ hạ, hạ thần đánh chiếc xe ngựa này thỉnh Bệ hạ đi con đường nào trong hai con đường:

    - Một con đường, Bệ hạ có thể nhìn thấy chúng sinh đã từng tạo ác nghiệp, nay họ đang chịu quả khổ của ác nghiệp ấy.

    - Một con đường, Bệ hạ có thể nhìn thấy chúng sinh đã từng tạo thiện nghiệp, nay họ đang hưởng quả an lạc của thiện nghiệp ấy.

    Đức vua Bồ Tát Nemirājā truyền dạy rằng:

    - Này Mātali, nhà ngươi hãy đưa Trẫm đi xem cả hai con đường ấy!

    - Tâu Bệ hạ, hạ thần sẽ đánh xe đưa Bệ hạ ngự theo con đường nào trước?

    - Này Mātali, nhà ngươi hãy đánh xe đưa Trẫm đi theo con đường của những chúng sinh đã từng tạo ác nghiệp trước, để Trẫm nhìn thấy quả của ác nghiệp.

    * Con đường của những chúng sinh đã tạo ác nghiệp

    Tuân theo lệnh của Đức vua Bồ Tát Nemirājā, vị thiên nam Mātali đánh xe đưa Đức vua Bồ Tát Nemirājā đi xem con sông Vetaraṇī (con sông khó vượt qua khỏi), nước sông có vị cay, nước sôi sùng sục bốc hơi lên nghi ngút.

    Nhìn thấy các chúng sinh địa ngục đang chịu quả khổ chìm đắm trong con sông Vetaraṇī này, Đức vua Bồ Tát Nemirājā cảm thấy kinh sợ bèn hỏi vị thiên nam Mātali rằng:

    - Này Mātali, những chúng sinh ấy đã từng tạo ác nghiệp nào trong kiếp quá khứ, mà kiếp hiện tại này phải chịu quả khổ chìm đắm trong con sông Vetaraṇī này như vậy?

    Vị thiên nam Mātali tâu với Đức vua Bồ Tát Nemirājā rằng:

    - Tâu Bệ hạ, khi sống trong cõi người, những người nào có quyền lực, có sức mạnh ức hiếp, đàn áp, hành hạ làm khổ người dân lành, đã tạo ác nghiệp ấy; sau khi những người ấy chết, ác nghiệp ấy cho quả tái sinh làm chúng sinh trong cõi địa ngục có con sông Vetaraṇī này, chịu quả khổ của ác nghiệp ấy. Tâu Bệ hạ!

    Nhìn thấy những con chó màu vàng, con chó màu đốm, bầy quạ, bầy diều, bầy kên kên... hung dữ xúm nhau cắn xé, mổ ăn thịt những chúng sinh địa ngục ấy, Đức vua Bồ Tát Nemirājā kinh sợ bèn hỏi vị thiên nam Mātali rằng:

    - Này Mātali, những chúng sinh ấy đã từng tạo ác nghiệp nào trong kiếp quá khứ, mà kiếp hiện tại này phải chịu quả khổ bị bầy chó màu vàng, chó màu đốm, bầy quạ, bầy diều, bầy kên kên... hung dữ xúm nhau cắn xé, mổ ăn thịt như vậy?

    - Tâu Bệ hạ, khi sống trong cõi người, những người nào có tính bủn xỉn keo kiệt của cải của mình, thường chửi rủa, mắng nhiếc Samôn, Bàlamôn có giới đức, đã tạo ác nghiệp ấy; sau khi những người ấy chết, ác nghiệp ấy cho quả tái sinh làm chúng sinh trong cõi địa ngục, chịu quả khổ của ác nghiệp ấy, nên bị bầy chó màu vàng, chó màu đốm, bầy quạ, bầy diều, bầy kên kên... hung dữ xúm nhau cắn xé, mổ ăn thịt như vậy. Tâu Bệ hạ!

    Nhìn thấy những chúng sinh địa ngục có thân hình cháy đen, phải đi lại trên tấm sắt cháy nóng, bị Chúa địa ngục đánh đập bằng cây sắt nóng, Đức vua Bồ Tát Nemirājā kinh sợ bèn hỏi vị thiên nam Mātali rằng:

    - Này Mātali, những chúng sinh ấy đã từng tạo ác nghiệp nào trong kiếp quá khứ, mà kiếp hiện tại này phải chịu quả khổ có thân hình cháy đen, phải đi lại trên tấm sắt cháy nóng, bị Chúa địa ngục đánh đập bằng cây sắt nóng như vậy?

    - Tâu Bệ hạ, khi sống trong cõi người, những người nào thường chửi rủa, mắng nhiếc người có giới đức, có thiện pháp, đã tạo ác nghiệp ấy; sau khi những người ấy chết, ác nghiệp ấy cho quả tái sinh làm chúng sinh trong cõi địa ngục, chịu quả khổ của ác nghiệp ấy, có thân hình cháy đen, phải đi lại trên tấm sắt cháy nóng, bị Chúa địa ngục đánh đập bằng cây sắt nóng như vậy. Tâu Bệ hạ!

    Nhìn thấy những chúng sinh địa ngục bị thiêu đốt nóng bỏng, khóc than rên xiết trong hầm lửa, Đức vua Bồ Tát Nemirājā kinh sợ bèn hỏi vị thiên nam Mātali rằng:

    - Này Mātali, những chúng sinh ấy đã từng tạo ác nghiệp nào trong kiếp quá khứ, mà kiếp hiện tại này phải chịu quả khổ bị thiêu đốt nóng bỏng, khóc than rên xiết trong hầm lửa như vậy?

    - Tâu Bệ hạ, khi sống trong cõi người, những người nào hay bịa đặt chuyện dối trá để lường gạt lấy của cải, tài sản của người khác, đã tạo ác nghiệp ấy; sau khi những người ấy chết, ác nghiệp ấy cho quả tái sinh làm chúng sinh trong cõi địa ngục, chịu quả khổ của ác nghiệp ấy, bị thiêu đốt nóng bỏng, khóc than rên xiết trong hầm lửa như vậy. Tâu Bệ hạ!

    Nhìn thấy chúng sinh địa ngục trong nồi đồng sôi sùng sục, lửa cháy sáng rực; những chúng sinh trong nồi đồng sôi bị nhào lên nhào xuống, Đức vua Bồ Tát Nemirājā kinh sợ bèn hỏi vị thiên nam Mātali rằng:

    - Này Mātali, những chúng sinh ấy đã từng tạo ác nghiệp nào trong kiếp quá khứ, mà kiếp hiện tại này phải chịu quả khổ trong địa ngục nồi đồng sôi, bị nhào lên nhào xuống như vậy?

    - Tâu Bệ hạ, khi sống trong cõi người, những người nào thường chửi rủa, mắng nhiếc bậc Samôn, bậc Bàlamôn có giới đức, đã tạo ác nghiệp ấy; sau khi những người ấy chết, ác nghiệp ấy cho quả tái sinh làm chúng sinh trong cõi địa ngục nồi đồng sôi, chịu quả khổ của ác nghiệp ấy, bị nhào lên nhào xuống trong địa ngục nồi đồng sôi như vậy. Tâu Bệ hạ!

    Nhìn thấy Chúa địa ngục cột cổ chúng sinh địa ngục bằng sợi dây sắt, rồi chặt đầu ném xuống chảo dầu sôi, Đức vua Bồ Tát Nemirājā kinh sợ bèn hỏi vị thiên nam Mātali rằng:

    - Này Mātali, những chúng sinh ấy đã từng tạo ác nghiệp nào trong kiếp quá khứ, mà kiếp hiện tại này phải chịu quả khổ bị cột cổ, rồi chặt đầu ném xuống chảo dầu như vậy?

    - Tâu Bệ hạ, khi sống trong cõi người, những người nào làm nghề săn bắn thú rừng, săn bắn chim..., rồi giết bán thịt để nuôi mạng, đã tạo ác nghiệp ấy; sau khi những người ấy chết, ác nghiệp sát sinh ấy cho quả tái sinh làm chúng sinh trong cõi địa ngục, chịu quả khổ của ác nghiệp ấy, bị Chúa địa ngục cột cổ bằng sợi dây sắt, rồi chặt đầu ném xuống chảo dầu sôi như vậy. Tâu Bệ hạ!

    Nhìn thấy con sông sâu đầy nước, bờ bến thoai thoải, những chúng sinh địa ngục bị thiêu đốt nóng nảy, khát nước đi xuống sông tìm nước uống, những chúng sinh địa ngục ấy bước đến nơi nào, thì nước sông biến mất trở thành cát sạn, lúa lép, Đức vua Bồ Tát Nemirājā kinh sợ bèn hỏi vị thiên nam Mātali rằng:

    - Này Mātali, những chúng sinh ấy đã từng tạo ác nghiệp nào trong kiếp quá khứ, mà kiếp hiện tại này phải chịu quả khổ khát nước, đi xuống sông tìm nước uống, thì nước sông biến mất trở thành cát sạn, lúa lép như vậy?

    - Tâu Bệ hạ, khi sống trong cõi người, những người nào buôn bán lường gạt, đem cát sạn và lúa lép trộn chung với lúa chắc để bán cho người khác, đã tạo ác nghiệp ấy; sau khi những người ấy chết, ác nghiệp ấy cho quả tái sinh làm chúng sinh trong cõi địa ngục, chịu quả khổ thiêu đốt, khát nước, đi xuống sông tìm nước uống, thì nước sông biến mất trở thành cát sạn, lúa lép như vậy. Tâu Bệ hạ!

    Nhìn thấy Chúa địa ngục dùng giáo, gươm đâm vào thân hình của chúng sinh địa ngục, chúng sinh địa ngục phải chịu đau khổ, nằm quằn quại rên xiết, Đức vua Bồ Tát Nemirājā kinh sợ bèn hỏi vị thiên nam Mātali rằng:

    - Này Mātali, những chúng sinh ấy đã từng tạo ác nghiệp nào trong kiếp quá khứ, mà kiếp hiện tại này phải chịu quả khổ bị Chúa địa ngục dùng giáo, gươm đâm vào thân hình, phải chịu đau khổ, nằm quằn quại rên xiết như vậy?

    - Tâu Bệ hạ, khi sống trong cõi người, những người nào làm nghề trộm cắp của cải, tài sản, trâu bò... của người khác để nuôi mạng, đã tạo ác nghiệp ấy; sau khi những người ấy chết, ác nghiệp trộm cắp ấy cho quả tái sinh làm chúng sinh trong cõi địa ngục, phải chịu quả khổ bị Chúa địa ngục dùng giáo, gươm đâm vào thân hình, phải chịu đau khổ, nằm quằn quại rên xiết như vậy. Tâu Bệ hạ!

    Nhìn thấy một số chúng sinh bị Chúa địa ngục cột treo cổ; một số chúng sinh bị Chúa địa ngục chặt thân hình ra thành nhiều đoạn..., Đức vua Bồ Tát Nemirājā kinh sợ bèn hỏi vị thiên nam Mātali rằng:

    - Này Mātali, những chúng sinh ấy đã từng tạo ác nghiệp nào trong kiếp quá khứ, mà kiếp hiện tại này phải chịu quả khổ bị Chúa địa ngục cột treo cổ, bị Chúa địa ngục chặt thân hình ra thành nhiều đoạn..., như vậy?

    - Tâu Bệ hạ, khi sống trong cõi người, những người nào làm nghề sát sinh giết gà, giết vịt, giết heo, giết bò, giết trâu... để bán thịt nuôi mạng, đã tạo ác nghiệp ấy; sau khi những người ấy chết, ác nghiệp sát sinh ấy cho quả tái sinh làm chúng sinh trong cõi địa ngục, phải chịu quả khổ bị Chúa địa ngục cột treo cổ, bị Chúa địa ngục chặt thân hình ra thành nhiều đoạn..., như vậy. Tâu Bệ hạ!

    Nhìn thấy ao nước đầy phẩn và nước tiểu dơ dáy, có mùi hôi thối khó chịu, chúng sinh địa ngục đói khát phải ăn phẩn, uống nước tiểu dơ dáy, hôi thối ấy, Đức vua Bồ Tát Nemirājā kinh sợ bèn hỏi vị thiên nam Mātali rằng:

    - Này Mātali, những chúng sinh ấy đã từng tạo ác nghiệp nào trong kiếp quá khứ, mà kiếp hiện tại này phải chịu quả khổ đói khát phải ăn phẩn, uống nước tiểu dơ dáy, hôi thối như vậy?

    - Tâu Bệ hạ, khi sống trong cõi người, những người nào thường hay làm khổ người khác, làm khổ chúng sinh khác, đã tạo ác nghiệp ấy; sau khi những người ấy chết, ác nghiệp ấy cho quả tái sinh làm chúng sinh trong cõi địa ngục, phải chịu quả khổ đói khát phải ăn phẩn, uống nước tiểu dơ dáy, hôi thối như vậy. Tâu Bệ hạ!

    Nhìn thấy ao nước đầy máu và mủ dơ dáy, hôi thối khó chịu, những chúng sinh địa ngục bị thiêu đốt, khát nước phải uống máu mủ dơ dáy, hôi thối ấy, Đức vua Bồ Tát Nemirājā kinh sợ bèn hỏi vị thiên nam Mātali rằng:

    - Này Mātali, những chúng sinh ấy đã từng tạo ác nghiệp nào trong kiếp quá khứ, mà kiếp hiện tại này phải chịu quả khổ bị thiêu đốt, đói khát, phải uống máu mủ dơ dáy, hôi thối như vậy?

    - Tâu Bệ hạ, khi sống trong cõi người, những người nào giết cha, giết mẹ, giết bậc Thánh Arahán, đã tạo ác nghiệp vô gián trọng tội ấy; sau khi những người ấy chết, chắc chắn ác nghiệp vô gián trọng tội chỉ cho quả tái sinh làm chúng sinh trong cõi địa ngục Avīci chịu thiêu đốt, đói khát phải uống máu mủ dơ dáy, hôi thối như vậy. Tâu Bệ hạ!

    Nhìn thấy Chúa địa ngục dùng lưỡi câu móc lưỡi của những chúng sinh địa ngục; dùng câu sắt móc thịt, lột da rồi đặt nằm lăn lóc; chúng sinh địa ngục khóc than, rên la thảm thiết như con cá bỏ trên bờ, Đức vua Bồ Tát Nemirājā kinh sợ bèn hỏi vị thiên nam Mātali rằng:

    - Này Mātali, những chúng sinh ấy đã từng tạo ác nghiệp nào trong kiếp quá khứ, mà kiếp hiện tại này phải chịu quả khổ bị Chúa địa ngục dùng lưỡi câu móc lưỡi, dùng câu sắt móc thịt, lột da rồi đặt nằm lăn lóc. Chúng sinh địa ngục khóc than, rên la thảm thiết như vậy?

    - Tâu Bệ hạ, khi sống trong cõi người, những người nào có thế lực mua bán đồ đạc có tính cách gian trá, che giấu sự gian trá của mình bằng lời nói ngon ngọt, như người câu cá móc miếng mồi nhỏ vào lưỡi câu để lừa cho cá ăn nuốt vào miệng bị mắc lưỡi câu, đã tạo ác nghiệp lừa dối; sau khi những người ấy chết, ác nghiệp ấy cho quả tái sinh làm chúng sinh trong cõi địa ngục, bị Chúa địa ngục dùng lưỡi câu móc lưỡi, dùng câu sắt móc thịt, lột da rồi đặt nằm lăn lóc. Chúng sinh địa ngục khóc than, rên la thảm thiết như vậy. Tâu Bệ hạ!

    Nhìn thấy những chúng sinh đàn bà địa ngục có thân hình bị nứt nẻ đầy máu mủ, ruồi bâu quanh mình đáng ghê tởm; một số đàn bà địa ngục khác bị chôn vùi đến thắt lưng, có 4 hòn núi lửa cháy ngùn ngụt từ 4 hướng lăn đến đè nát những đàn bà địa ngục ấy, Đức vua Bồ Tát Nemirājā kinh sợ bèn hỏi vị thiên nam Mātali rằng:

    - Này Mātali, những chúng sinh ấy đã từng tạo ác nghiệp nào trong kiếp quá khứ, mà kiếp hiện tại này phải chịu quả khổ có thân hình bị nứt nẻ đầy máu mủ, ruồi bâu quanh mình đáng ghê tởm; một số đàn bà địa ngục khác bị chôn vùi đến thắt lưng, có 4 hòn núi lửa cháy ngùn ngụt từ 4 hướng lăn đến đè nát như vậy?

    - Tâu Bệ hạ, khi sống trong cõi người, những người đàn bà nào phạm giới tà dâm với người đàn ông khác (không phải là chồng của mình); hoặc những người đàn bà làm nghề mại dâm, phá hoại hạnh phúc gia đình người khác, đã tạo ác nghiệp tà dâm; sau khi những người ấy chết, ác nghiệp ấy cho quả tái sinh làm chúng sinh trong cõi địa ngục, chịu quả khổ có thân hình bị nứt nẻ đầy máu mủ, ruồi bâu quanh mình đáng ghê tởm; một số đàn bà địa ngục khác bị chôn vùi đến thắt lưng, có 4 hòn núi lửa cháy ngùn ngụt từ 4 hướng lăn đến đè nát như vậy. Tâu Bệ hạ!

    Nhìn thấy Chúa địa ngục nắm hai chân chúng sinh địa ngục đưa lên cao, đầu chúc xuống dưới, rồi ném vào hầm địa ngục lửa, Đức vua Bồ Tát Nemirājā kinh sợ bèn hỏi vị thiên nam Mātali rằng:

    - Này Mātali, những chúng sinh ấy đã từng tạo ác nghiệp nào trong kiếp quá khứ, mà kiếp hiện tại này phải chịu quả khổ bị Chúa địa ngục nắm hai chân đưa lên cao, đầu chúc xuống dưới, rồi bị ném vào hầm địa ngục lửa như vậy?

    - Tâu Bệ hạ, khi sống trong cõi người, những người đàn ông nào dụ dỗ, lường gạt vợ của người đàn ông khác, rồi phạm giới tà dâm với vợ của người khác, đã tạo ác nghiệp tà dâm; sau khi những người ấy chết, ác nghiệp ấy cho quả tái sinh làm chúng sinh trong cõi địa ngục, bị Chúa địa ngục nắm hai chân đưa lên cao, đầu chúc xuống dưới, rồi bị ném vào hầm địa ngục lửa như vậy. Tâu Bệ hạ!

    Nhìn thấy những chúng sinh trong các cõi địa ngục lớn và nhỏ, những chúng sinh địa ngục ấy chịu quả khổ bị hành hạ vô cùng đau khổ, không sao tả được, Đức vua Bồ Tát Nemirājā kinh sợ bèn hỏi vị thiên nam Mātali rằng:

    - Này Mātali, những chúng sinh ấy đã từng tạo ác nghiệp nào trong kiếp quá khứ, mà kiếp hiện tại này phải chịu quả khổ bị hành hạ vô cùng đau khổ, không sao tả được như vậy?

    - Tâu Bệ hạ, khi sống trong cõi người, những người nào không biết hổ thẹn tội lỗi, không biết ghê sợ tội lỗi, đã phạm giới, phá giới, đã tạo mọi ác nghiệp khác nhau, có ác nghiệp nặng hoặc nhẹ khác nhau; do đó, sau khi những người ấy chết, nếu có ác nghiệp nặng thì cho quả tái sinh trong cõi địa ngục lớn, chịu quả khổ nhiều và thời gian lâu dài; hoặc nếu có ác nghiệp nhẹ thì cho quả tái sinh trong cõi địa ngục nhỏ, chịu quả khổ ít và thời gian không lâu. Tâu Bệ hạ!

    * Con đường của những chư thiên đã tạo thiện nghiệp

    Tâu Bệ hạ, hạ thần đưa Bệ hạ đi theo con đường lên cõi trời Tam Thập Tam Thiên, để Bệ hạ nhìn thấy chư thiên đang hưởng quả an lạc của thiện nghiệp.

    Nhìn thấy một lâu đài có 5 đỉnh được phát sinh do thiện nghiệp thật nguy nga tráng lệ. Một nàng thiên nữ xinh đẹp có nhiều oai lực, trang điểm những đồ trang sức quý giá đang ngồi trong lâu đài, có nhiều thiên nữ xinh đẹp hầu hạ, Đức vua Bồ Tát Nemirājā cảm thấy hoan hỷ bèn hỏi vị thiên nam Mātali rằng:

    - Này Mātali, nàng thiên nữ này đã từng tạo thiện nghiệp như thế nào trong tiền kiếp quá khứ, mà kiếp hiện tại này, nàng thiên nữ ấy được hưởng quả an lạc trong cõi trời dục giới có lâu đài 5 đỉnh thật nguy nga tráng lệ, có nhiều thiên nữ hầu hạ như thế này?

    - Tâu Bệ hạ, nàng thiên nữ ấy tên là Biranī, tiền kiếp của nàng khi sống trong cõi người là người cận sự nữ đã quy y Tam Bảo, có đức tin nơi Tam Bảo, có ngũ giới trong sạch; là con gái của người tớ gái trong nhà Bàlamôn. Một hôm, nhìn thấy vị Tỳ khưu đến đứng trước cổng nhà khất thực, người cận sự nữ này thỉnh vị Tỳ khưu vào nhà, rồi cung kính cung dường vật thực đến vị Tỳ khưu, với thiện tâm vô cùng hoan hỷ, đã tạo thiện nghiệp bố thí ấy. Sau khi người cận sự nữ ấy chết, thiện nghiệp bố thí ấy cho quả tái sinh làm thiên nữ trong lâu đài 5 đỉnh thật nguy nga tráng lệ được phát sinh do thiện nghiệp, nàng thiên nữ hưởng mọi quả an lạc của thiện nghiệp của mình như vậy. Tâu Bệ hạ!

    Nhìn thấy lâu đài có 7 đỉnh thật nguy nga tráng lệ, có ánh sáng rực rỡ như mặt trời (được phát sinh do thiện nghiệp). Trong lâu đài ấy, một vị thiên nam có nhiều oai lực, trang điểm những đồ quý giá đang ngồi, có số đông thiên nữ xinh đẹp ca hát, nhảy múa, hầu hạ vị thiên nam ấy, Đức vua Bồ Tát Nemirājā cảm thấy hoan hỷ bèn hỏi vị thiên nam Mātali rằng:

    - Này Mātali, vị thiên nam này đã từng tạo thiện nghiệp như thế nào trong tiền kiếp quá khứ, mà kiếp hiện tại này, vị thiên nam ấy được hưởng quả an lạc trong cõi trời dục giới có lâu đài 7 đỉnh thật nguy nga tráng lệ, vị thiên nam có nhiều oai lực, có số đông thiên nữ xinh đẹp ca hát, nhảy múa, hầu hạ suốt ngày đêm như vậy?

    - Tâu Bệ hạ, vị thiên nam ấy tên là Soṇadinna, tiền kiếp của vị thiên nam khi sống trong cõi người là người cận sự nam đã quy y Tam Bảo, có đức tin nơi Tam Bảo, có ngũ giới trong sạch; là người thí chủ xây cất 7 cái cốc dâng cúng dường đến chư Đại đức Tăng, và hằng ngày hộ độ các thứ vật dụng cần thiết đến chư Đại đức Tăng như vật thực, y phục, thuốc trị bệnh... Đặc biệt người cận sự nam thọ trì bát giới uposathasīla trong những ngày giới hằng tháng v.v..., đã tạo nhiều thiện nghiệp. Cho nên, sau khi người cận sự nam ấy chết, thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh làm vị thiên nam trong cõi trời dục giới có lâu đài 7 đỉnh thật nguy nga tráng lệ, vị thiên nam có nhiều oai lực, hưởng mọi sự an lạc trong cõi trời dục giới ấy có số đông thiên nữ xinh đẹp ca hát, nhảy múa, hầu hạ suốt ngày đêm như vậy. Tâu Bệ hạ!

    Nhìn thấy lâu đài rất đẹp đẽ, nguy nga tráng lệ (được phát sinh do thiện nghiệp), có số đông thiên nữ điểm trang bằng những nữ trang quý giá rất lộng lẫy đang ca hát, nhảy múa rất vui vẻ, có ánh sáng tỏa ra từ vách ngọc, có đầy đủ món ngon vật lạ..., Đức vua Bồ Tát Nemirājā cảm thấy hoan hỷ bèn hỏi vị thiên nam Mātali rằng:

    - Này Mātali, tiền kiếp của những thiên nữ ấy đã từng tạo thiện nghiệp như thế nào, mà kiếp hiện tại này, họ được hưởng những quả an lạc trong cõi trời dục giới này như vậy?

    - Tâu Bệ hạ, tiền kiếp của những thiên nữ ấy khi sống trong cõi người, họ là những người cận sự nữ đã quy y Tam Bảo, có đức tin nơi Tam Bảo, có ngũ giới trong sạch, hoan hỷ trong phước thiện bố thí, thọ trì bát giới uposathasīla trong những ngày giới hằng tháng, có tính không dể duôi trong mọi thiện pháp, đã tạo mọi thiện nghiệp. Cho nên sau khi những người cận sự nữ ấy chết, thiện nghiệp ấy cho quả đều được tái sinh làm các thiên nữ xinh đẹp, có lâu đài đẹp đẽ, nguy nga tráng lệ được hưởng những quả an lạc trong cõi trời dục giới ấy như vậy. Tâu Bệ hạ!

    Nhìn thấy lâu đài rất xinh đẹp, có ánh sáng tỏa ra từ vách tường tại nơi cảnh trí thật ngoạn mục (được phát sinh do thiện nghiệp). Vị thiên nam đang ngồi trong lâu đài thưởng thức những tiếng nhạc trời, nhìn các thiên nữ điểm trang lộng lẫy ca hát, nhảy múa, hưởng mọi sự an lạc trong cõi trời dục giới ấy, Đức vua Bồ Tát Nemirājā cảm thấy hoan hỷ bèn hỏi vị thiên nam Mātali rằng:

    - Này Mātali, tiền kiếp của vị thiên nam này đã từng tạo thiện nghiệp như thế nào, mà kiếp hiện tại này, được hưởng những quả an lạc trong cõi trời dục giới này như vậy?

    - Tâu Bệ hạ, tiền kiếp của vị thiên nam ấy khi sống trong cõi người, là người cận sự nam đã quy y Tam Bảo, có đức tin nơi Tam Bảo, có ngũ giới trong sạch, là người không dể duôi trong mọi thiện pháp, đã xây cất chỗ ở rồi dâng cúng đến chư Đại đức Tăng, đào giếng nước, làm cầu bắc qua sông để mọi người đi lại thuận tiện. Hằng ngày, người cận sự nam hộ độ các thứ vật dụng cần thiết như vật thực, y phục, thuốc trị bệnh... đến chư Đại đức Tăng. Đặc biệt người cận sự nam thọ trì bát giới uposathasīla trong những ngày giới hằng tháng v.v... không dể duôi trong mọi thiện nghiệp. Cho nên sau khi người cận sự nam ấy chết, thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh làm vị thiên nam trong lâu đài xinh đẹp, được hưởng mọi sự an lạc trong cõi trời dục giới ấy như vậy. Tâu Bệ hạ!

    Nhìn thấy lâu đài thật nguy nga tráng lệ, ở giữa 2 con sông có 2 cái cầu bắc qua sông, hai bên bờ sông nhiều loại hoa có màu sắc xinh đẹp (được phát sinh do thiện nghiệp). Trong lâu đài ấy, một vị thiên nam có số đông thiên nữ xinh đẹp hầu hạ, vị thiên nam ấy đang ngồi thưởng thức những tiếng nhạc trời, nhìn các thiên nữ xinh đẹp lộng lẫy ca hát, nhảy múa, hưởng mọi sự an lạc trong cõi trời dục giới ấy, Đức vua Bồ Tát Nemirājā cảm thấy hoan hỷ bèn hỏi vị thiên nam Mātali rằng:

    - Này Mātali, tiền kiếp của vị thiên nam ấy đã từng tạo thiện nghiệp như thế nào, mà kiếp hiện tại này, được hưởng những quả an lạc trong cõi trời dục giới ấy như vậy?

    - Tâu Bệ hạ, tiền kiếp của vị thiên nam ấy khi sống trong cõi người, là người cận sự nam trong xứ Mithila đã quy y Tam Bảo, có đức tin nơi Tam Bảo, có ngũ giới trong sạch và đầy đủ, là thí chủ xây cất một ngôi chùa rồi dâng cúng đến chư Đại đức Tăng, đào giếng nước, đặc biệt đào 2 hồ nước dài ở trước và sau chùa, làm 2 cái cầu đi qua chùa. Hằng ngày, người cận sự nam hộ độ các thứ vật dụng cần thiết như vật thực, y phục, thuốc trị bệnh... đến chư Đại đức Tăng. Đặc biệt người cận sự nam thọ trì bát giới uposathasīla trong những ngày giới hằng tháng v.v... không dể duôi trong mọi thiện nghiệp. Cho nên sau khi người cận sự nam ấy chết, thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh làm vị thiên nam trong cõi trời dục giới, được hưởng mọi sự an lạc trong cõi trời dục giới ấy như vậy. Tâu Bệ hạ!

    Nhìn thấy lâu đài bằng vàng nguy nga tráng lệ, màu vàng sáng ngời như mặt trời mọc (được phát sinh do thiện nghiệp). Một vị thiên nam có nhiều oai lực, có số đông thiên nữ xinh đẹp hầu hạ, ca múa, nhảy hát... an hưởng quả an lạc trong cõi trời dục giới ấy, Đức vua Bồ Tát Nemirājā cảm thấy hoan hỷ bèn hỏi vị thiên nam Mātali rằng:

    - Này Mātali, tiền kiếp của vị thiên nam ấy đã từng tạo thiện nghiệp như thế nào, mà kiếp hiện tại này, được hưởng những quả an lạc trong cõi trời dục giới ấy như vậy?

    - Tâu Bệ hạ, tiền kiếp của vị thiên nam ấy khi sống trong cõi người, là người cận sự nam đã quy y Tam Bảo, có đức tin nơi Tam Bảo, có ngũ giới hoàn toàn trong sạch và đầy đủ, đã từng nghe chánh pháp mà Đức Phật tế độ chúng sinh, người cận sự nam ấy đã thực hành thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo - Nhập Lưu Thánh Quả và Niết Bàn trở thành bậc Thánh Nhập Lưu, có đức tin vững chắc không lay chuyển. Sau khi bậc Thánh Nhập Lưu ấy chết, thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh làm chư thiên trong lâu đài bằng vàng nguy nga tráng lệ, được hưởng mọi sự an lạc trong cõi trời dục giới ấy như vậy. Tâu Bệ hạ!

    - Tâu Bệ hạ, Bệ hạ đã nhìn thấy những chúng sinh trong các cõi địa ngục, họ chịu những quả khổ của ác nghiệp mà họ đã tạo trong những kiếp quá khứ. Và Bệ hạ đã nhìn thấy những chư thiên trong các cõi trời dục giới, họ được hưởng những quả an lạc của thiện nghiệp mà họ đã tạo trong những kiếp quá khứ.

    - Tâu Bệ hạ, hạ thần xin kính thỉnh Bệ hạ ngự lên lâu đài của Đức vua trời Sakka cõi Tam Thập Tam Thiên. Đức vua trời Sakka cùng chư thiên đang chờ đón rước Bệ hạ tại hội trường Suddhammasabhā để diện kiến Bệ hạ.

    Đức vua Bồ Tát Nemirājā ngự trên thiên xa có 1.000 (một ngàn) con ngựa quý kéo, Đức vua Bồ Tát nhìn thấy dãy núi bèn hỏi vị thiên nam Mātali rằng:

    - Này Mātali, dãy núi ấy có tên gọi là gì?

    - Tâu Bệ hạ, dãy núi này gồm có tất cả 7 hòn núi lớn, mỗi hòn có mỗi tên gọi là: Hòn núi Suddassana, hòn núi Karavika, hòn núi Vinataka, hòn núi Isindhara, hòn núi Yugandhara, hòn núi Nemindara và hòn núi Assakaṇṇa. 7 hòn núi cao lớn theo tuần tự ở giữa đại dương Sidantara là cõi trời Tứ Đại Thiên Vương.

    Nhìn thấy cái cửa ra vào chạm trổ những hình ảnh rất đẹp, có gương mặt lạ thường như hình ảnh Đức vua trời Inda và các chư thiên hầu hạ trong bối cảnh rừng núi trùng điệp thật ngoạn mục tuyệt vời, Đức vua Bồ Tát Nemirājā cảm thấy hoan hỷ bèn hỏi vị thiên nam Mātali rằng:

    - Này Mātali, cửa ra vào ấy có tên gọi là gì?

    - Tâu Bệ hạ, cửa ra vào ấy có tên gọi là Cittakūṭa (ngự ra vào của Đức vua), cửa này là cửa chính vào cung điện lâu đài của Đức vua trời Sakka. Cung điện của Đức vua trời Sakka tọa lạc trên đỉnh núi Sineru (Tu Di Sơn) hùng vĩ lạ thường.

    - Tâu Bệ hạ, kính thỉnh Bệ hạ ngự đến cảnh giới bằng phẳng này.

    Đức vua Bồ Tát Nemirājā ngự trên thiên xa có 1.000 (một ngàn) con ngựa quý kéo đến hội trường lớn của cõi trời Tam Thập Tam Thiên. Nhìn thấy hội trường to lớn xinh đẹp lạ thường, vách ngọc tỏa ra ánh sáng trong xanh như da trời vào thu, Đức vua Bồ Tát cảm thấy hoan hỷ bèn hỏi vị thiên nam Mātali rằng:

    - Này Mātali, hội trường to lớn xinh đẹp tuyệt vời ấy có tên gọi là gì?

    - Tâu Bệ hạ, hội trường to lớn xinh đẹp tuyệt vời ấy có tên gọi là Suddhammasabhā có vách bằng ngọc quý tỏa ra ánh sáng màu xanh trong trẻo lạ thường, các cây cột có 8 cạnh bằng ngọc quý được phát sinh do từ thiện nghiệp. Hội trường này là nơi tụ hội của tất cả chư thiên cõi Tam Thập Tam Thiên có Đức vua trời Sakka chủ trì, thường bàn luận về sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc của chư thiên và nhân loại.

    - Tâu Bệ hạ, kính thỉnh Bệ hạ ngự theo con đường này vào hội trường Suddhammasabhā. Đức vua trời Sakka cùng tất cả chư thiên đang chờ đón tiếp, diện kiến Bệ hạ.

    Nhìn thấy Đức vua Bồ Tát Nemirājā đang ngự vào hội trường Suddhamma, Đức vua trời Sakka cùng tất cả chư thiên ngự ra hoan hỷ đón tiếp, diện kiến Đức vua Bồ Tát Nemirājā.

    Đức vua trời Sakka cùng tất cả chư thiên vô cùng hoan hỷ đồng thanh tán dương chúc tụng Đức vua Bồ Tát Nemirājā rằng:

    - Đức vua Bồ Tát Nemirājā trường thọ!

    Đức vua trời Sakka thỉnh Đức vua Bồ Tát Nemirājā ngự vào hội trường Suddhamma, thỉnh Đức vua Bồ Tát Nemirājā ngự trên ngai vàng cao quý, Đức vua trời Sakka ngự bên cạnh, rất thân mật và tôn kính, bèn tâu với Đức vua Bồ Tát Nemirājā rằng:

    - Tâu Bệ hạ, Bệ hạ ngự đến cõi trời này thật vô cùng hy hữu, Bổn vương cùng tất cả chư thiên trong cõi trời này rất diễm phúc được diện kiến Bệ hạ. Bổn vương kính thỉnh Bệ hạ thọ hưởng sự an lạc ở cõi trời Tam Thập Tam Thiên này.

    Đức vua Bồ Tát Nemirājā đáp rằng:

    - Tâu Đức vua trời Sakka, Bổn vương không thỏa thích hưởng quả an lạc của thiện nghiệp người khác, bởi vì sự an lạc ấy ví như là đồ mướn của người khác. Cho nên, Bổn vương cần phải nên tự mình tạo mọi thiện nghiệp, rồi sẽ hưởng quả an lạc của thiện nghiệp mà chính mình đã tạo.

    Vị thiên nam Mātali đã đưa Bổn vương đi xem các cảnh địa ngục, nơi mà những chúng sinh địa ngục phải chịu quả khổ đau, bởi do ác nghiệp mà họ đã tạo trong những kiếp quá khứ. Và vị thiên nam Mātali đã đưa Bổn vương đi xem cảnh lâu đài nguy nga tráng lệ của chư thiên được phát sinh do từ thiện nghiệp của mỗi vị thiên nam hoặc thiên nữ, mà họ đã tạo thiện nghiệp ấy trong những kiếp quá khứ.

    Khi về cõi người, Bổn vương sẽ cố gắng tinh tấn tạo mọi thiện nghiệp như bố thí, giữ gìn giới cho được trong sạch và đầy đủ, hành thiền, tạo các pháp hạnh ba-la-mật v.v... Bởi vì, chỉ có thiện nghiệp mới cho quả an lạc mà thôi.

    Đức vua Bồ Tát Nemirājā ngự tại kinh thành Mithilā trị vì xứ Vedeha, thần dân thiên hạ được sống an lành thịnh vượng.

    Một hôm, nhìn thấy trên đầu có sợi tóc bạc Đức vua Bồ Tát Nemirājā hội triều rồi truyền dạy các quan cùng thần dân trong xứ Vedeha rằng:

    - Tóc trên đầu Trẫm đã có tóc bạc rồi, thời trẻ trung đã qua, thời lão niên đã hiện rõ. Ngay bây giờ, Trẫm nên đi xuất gia, từ bỏ ngai vàng để lại cho các người.

    Đức vua Bồ Tát Nemirājā làm lễ bố thí, rồi đi vào rừng xuất gia trở thành Đạo sĩ, giữ gìn giới trong sạch và đầy đủ, thực hành pháp hạnh cao thượng cho đến hết tuổi thọ.

    * Tích vị Đạo sĩ Saṅkicca

    Trong tích vị Đạo sĩ Saṅkicca, tiền kiếp của Đức Phật Gotama, có trích một đoạn nói về quả khổ của ác nghiệp, được tóm lược như sau:

    Đức vua Brahmadata đang ngự tại kinh thành. Một hôm, Đức vua Brahmadata đến hầu đảnh lễ vị Đạo sĩ Saṅkicca, bèn bạch hỏi vị Đạo sĩ Saṅkicca về ác nghiệp và quả khổ của ác nghiệp như thế nào? Và thiện nghiệp và quả an lạc thiện nghiệp như thế nào?

    Vị Đạo sĩ Saṅkicca thuyết giảng dạy Đức vua Brahma-data về ác nghiệp tà dâm và quả của ác nghiệp tà dâm như sau:

    - Thưa Đại vương, những người đàn bà nào đã có chồng rồi, lén lút quan hệ, ngoại tình với người đàn ông khác, phạm điều giới tà dâm. Và những người đàn ông nào đã có vợ rồi, lén lút quan hệ tình dục với đàn bà khác, phạm điều giới tà dâm. Sau khi những người ấy chết, ác nghiệp tà dâm ấy cho quả tái sinh làm chúng sinh trong cõi địa ngục. Hằng ngày đêm, chúng sinh địa ngục ấy bị thiêu đốt, bị những gai bằng sắt đâm vào thân mình, bị Chúa địa ngục dùng lưỡi giáo đâm thân hình từ bên này thủng sang bên kia, rồi lại đâm từ thân hình bên kia thủng qua bên này; Chúa địa ngục nắm hai chân đưa lên trên, cái đầu chúc xuống, rồi ném chúng sinh địa ngục ấy vào địa ngục nồi đồng sôi có sức nóng cao độ. Những chúng sinh địa ngục ấy nhào lên rồi nhào xuống ví như hạt gạo trong nồi cháo lỏng đang sôi. Suốt thời gian lâu dài chúng sinh địa ngục ấy phải chịu quả khổ của ác nghiệp tà dâm mà họ đã tạo.

    - Thưa Đại vương, những người mẹ nào phá thai giết hại con của mình, sau khi những người mẹ ấy chết, ác nghiệp sát sinh giết con cho quả tái sinh làm chúng sinh trong cõi địa ngục dao đâm bén nhọn đâm vào thân hình của chúng sinh địa ngục ấy suốt ngày đêm trải qua thời gian lâu dài cho đến khi thoát ra khỏi địa ngục dao đâm bén nhọn, rồi Chúa địa ngục ném chúng sinh địa ngục ấy xuống con sông Vetaraṇī nước sông có vị cay và nóng sôi; hai bên bờ sông đầy những gai bằng sắt nhọn dài đầu chỉa thẳng xuống sông, chúng sinh địa ngục này khó thoát ra khỏi, phải chịu quả khổ của ác nghiệp sát sinh phá thai giết hại con của mình suốt thời gian lâu dài.

    - Trong đời này, những bậc thiện trí tin nghiệp và quả của nghiệp, tin rằng: “Ác nghiệp cho quả khổ, còn thiện nghiệp cho quả an lạc” hay nói cách khác: “Mọi quả khổ do sinh từ ác nghiệp, mọi quả an lạc được sinh từ thiện nghiệp”. Do đó, bậc thiện trí là người có giới trong sạch và đầy đủ, tránh xa mọi ác nghiệp, cố gắng tinh tấn hành mọi thiện nghiệp để cho đời sống của mình càng ngày càng trở nên cao quý.

    3. Rupāvacarakusalakamma: Sắc giới thiện nghiệp

    Phần 10 dục giới đại thiện nghiệp và quả của 10 dục giới đại thiện nghiệp đã giải thích xong, tiếp theo giải thích sắc giới thiện nghiệp và quả của sắc giới thiện nghiệp.

    Trong quyển sách này chỉ trình bày, giải thích nghiệp và quả của nghiệp, cho nên, phần sắc giới thiện nghiệp này không trình bày phương pháp thực hành pháp hành thiền định để phát sinh các bậc thiền hữu sắc, mà chỉ trình bày, giải thích về sắc giới thiện nghiệp và quả của sắc giới thiện nghiệp mà thôi.

    Phương pháp thực hành pháp hành thiền định để phát sinh các bậc thiền hữu sắc sẽ trình bày, giải thích trong chương 9 Nền Tảng Phật Giáo quyển 7 “Pháp Hành”.

    Pháp hành có 2 loại: Pháp hành thiền định và pháp hành thiền tuệ.

    Sắc giới thiện nghiệp

    Sắc giới thiện nghiệp đó là tác ý tâm sở (cetanācetasika) đồng sinh với 5 sắc giới thiện tâm, cho nên sắc giới thiện nghiệp có 5 loại.

    5 sắc giới thiện nghiệp không phát sinh nơi thân môn và khẩu môn, mà chỉ phát sinh nơi ý môn thuộc về ý thiện nghiệp mà thôi.

    5 sắc giới thiện tâm đó là 5 bậc thiền hữu sắc phát sinh do nương nhờ nơi đề mục thiền định.

    Pháp hành thiền định có 40 đề mục:

    - 10 đề mục hình vòng tròn kasiṇa.

    - 10 đề mục tử thi bất tịnh (asubha).

    -10 đề mục tùy niệm (anussati).

    - 4 đề mục tứ vô lượng tâm (appamaññā).

    - 1 đề mục quán tưởng vật thực đáng nhờm (āhāre paṭikkūlasaññā).

    - 1 đề mục tứ đại (catudhātuvavatthāna).

    - 4 đề mục vô sắc (āruppa).

    Trong 40 đề mục thiền định này, mỗi đề mục có tính chất thô hoặc vi tế khác nhau, dẫn đến sự chứng đắc bậc thiền hữu sắc khác nhau, được phân loại các đề mục thiền định như sau:

    * 10 đề mục dẫn đến cận định (upacārasamādhi):

    1. Đề mục niệm Ân đức Phật.

    2. Đề mục niệm Ân đức Pháp.

    3. Đề mục niệm Ân đức Tăng.

    4. Đề mục niệm về giới trong sạch của mình.

    5. Đề mục niệm về sự bố thí của mình.

    6. Đề mục niệm 5 pháp của chư thiên ở trong mình.

    7. Đề mục niệm về sự chết.

    8. Đề mục trạng thái an lạc tịch tịnh của Niết Bàn.

    9. Đề mục suy xét vật thực đáng nhờm.

    10. Đề mục phân tích tứ đại: Đất, nước, lửa, gió.

    10 đề mục thiền định này thuộc Chân nghĩa pháp (Para-matthadhamma) vô cùng vi tế, sâu sắc, ý nghĩa rộng lớn mênh mông bao la, vì vậy, định tâm không thể an trú vững chắc một nơi nhất định nào được. Do đó, 10 đề mục thiền định này chỉ có khả năng dẫn đến cận định mà thôi, không thể dẫn đến an định. Cho nên, vẫn còn là đại thiện tâm thuộc về dục giới thiện tâm.

    * 11 đề mục thiền định dẫn đến chứng đắc đệ nhất thiền hữu sắc:

    10 đề mục tử thi bất tịnh.

    1 đề mục niệm 32 thể trược trong thân.

    11 đề mục thiền định này có tính chất thô nên chỉ có khả năng dẫn đến chứng đắc đệ nhất thiền hữu sắc mà thôi, không thể chứng đắc các bậc thiền hữu sắc bậc cao.

    * 3 đề mục vô lượng dẫn đến chứng đắc 4 bậc thiền hữu sắc:

    Đề mục niệm rải tâm từ đến chúng sinh đáng yêu, đáng mến.

    Đề mục niệm rải tâm bi đến chúng sinh đang khổ, mong được cứu khổ.

    Đề mục niệm rải tâm hỷ đến chúng sinh đang hưởng sự hạnh phúc, an lạc.

    3 đề mục thiền định này có khả năng dẫn đến chứng đắc từ đệ nhất thiền hữu sắc cho đến đệ tứ thiền hữu sắc nhưng không có khả năng dẫn đến chứng đắc đệ ngũ thiền hữu sắc, bởi vì 3 đề mục này còn có thọ lạc là 1 trong các chi thiền.

    * Đề mục niệm rải tâm xả dẫn đến chứng đắc đệ ngũ thiền hữu sắc:

    Hành giả đã thực hành đề mục niệm rải tâm từ, hoặc đề mục niệm rải tâm bi, hoặc đề mục niệm rải tâm hỷ đã chứng đắc từ đệ nhất thiền hữu sắc đến đệ tứ thiền hữu sắc xong, rồi muốn chứng đắc đệ ngũ thiền hữu sắc, hành giả cần phải thay đổi sang thực hành đề mục niệm rải tâm xả để chứng đắc đệ ngũ thiền hữu sắc.

    Đặc biệt đề mục niệm rải tâm xả chỉ có khả năng dẫn đến chứng đắc đệ ngũ thiền hữu sắc mà thôi, cho nên, ngay khi bắt đầu hành giả không thể thực hành đề mục niệm rải tâm xả này.

    * 11 đề mục thiền định dẫn đến chứng đắc 5 bậc thiền hữu sắc:

    - 10 đề mục hình tròn kasiṇa.

    - 1 đề mục niệm hơi thở vô - hơi thở ra.

    11 đề mục thiền định này có khả năng dẫn đến chứng đắc từ đệ nhất thiền hữu sắc cho đến đệ ngũ thiền hữu sắc. Cho nên, hành giả thực hành thiền định sử dụng 1 trong 11 đề mục thiền định này có khả năng dẫn đến chứng đắc từ đệ nhất thiền hữu sắc cho đến đệ ngũ thiền hữu sắc, mà không cần thay đổi sang đề mục thiền định khác. Đặc biệt 10 đề mục hình tròn kasiṇa, khi hành giả thực hành thiền định sử dụng 1 trong 10 đề mục hình tròn kasiṇa dẫn đến chứng đắc từ đệ nhất thiền hữu sắc cho đến đệ ngũ thiền hữu sắc xong rồi; hành giả muốn thay đổi sang đề mục hình tròn kasiṇa khác, cũng dẫn đến chứng đắc từ đệ nhất thiền hữu sắc cho đến đệ ngũ thiền hữu sắc một cách dễ dàng, trong trường hợp hành giả muốn luyện phép thần thông: Iddhividha abhiññā (thần túc thông).

    Tính chất của 5 sắc giới thiện nghiệp

    - 5 sắc giới thiện nghiệp trong 5 bậc thiền hữu sắc này chỉ có thể phát sinh đối với hạng người có tam nhân: Vô tham, vô sân, vô si (tihetukapuggala) mà thôi; không thể phát sinh đối với hạng người có nhị nhân: Vô tham và vô sân không có vô si (dvihetukapuggala).

    - 5 bậc thiền hữu sắc này chỉ có thể phát sinh trong 22 cõi là cõi người, 6 cõi trời dục giới, và 15 cõi trời sắc giới phạm thiên, không có cõi trời sắc giới Vô Tưởng Thiên, bởi vì cõi này không có tâm, chỉ có thân mà thôi.

    - 5 sắc giới thiện nghiệp này cho quả tái sinh (hóa sinh) trong 15 cõi trời sắc giới, không có cõi trời sắc giới Vô Tưởng Thiên, bởi vì tái sinh lên cõi trời sắc giới Vô Tưởng Thiên này bằng nhóm sắc pháp gọi là jīvitanavakakalāpa làm phận sự tái sinh (paṭisandhikicca), làm phận sự hộ kiếp (bhavaṅgakicca), và làm phận sự chuyển kiếp (chết) (cutikicca).

    5 bậc thiền hữu sắc

    Hành giả thực hành thiền định sử dụng đề mục thiền định có khả năng dẫn đến chứng đắc theo tuần tự từ đệ nhất thiền hữu sắc đến đệ ngũ thiền hữu sắc như sau:

    Ban đầu, hành giả thực hành thiền định với đề mục thiền định ấy, định tâm phát sinh có 5 chi thiền (jhānaṅga) có khả năng diệt bằng cách đè nén chế ngự (vikkhambhanapāhāna) được 5 pháp chướng ngại (nivaraṇa) ví như lấy đá đè cỏ, làm cho cỏ không thể vươn lên được.

    5 chi thiền (jhānaṅga)

    1. Vitakka: Hướng tâm đến một đề mục thiền định duy nhất làm đối tượng.

    2. Vicāra: Quan sát trong đề mục thiền định ấy.

    3. Pīti: Hỷ được phát sinh do trú tâm quan sát nơi đề mục thiền định ấy.

    4. Sukha: An lạc được phát sinh do tâm hoan hỷ trong đề mục thiền định ấy.

    5. Ekaggatā: Nhất tâm, định tâm vững chắc được phát sinh do an lạc trong đề mục thiền định ấy.

    5 pháp chướng ngại (nivaraṇa)

    1. Kāmacchanda nivaraṇa: Tham dục trong ngũ trần: Sắc, thanh, hương, vị xúc là pháp chướng ngại của thiền định.

    2.Byāpāda nivaraṇa: Sân hận là pháp chướng ngại của thiền định.

    3.Thīnamiddha nivaraṇa: Buồn chán - buồn ngủ là pháp chướng ngại của thiền định.

    4. Uddhaccakukkucca nivaraṇa: Phóng tâm - hối hận là pháp chướng ngại của thiền định.

    5. Viccikicchā nivaraṇa: Hoài nghi là pháp chướng ngại của thiền định.

    5 chi thiền đè nén, chế ngự 5 pháp chướng ngại như thế nào?

    Mỗi chi thiền có mỗi trạng thái, mỗi tính chất riêng biệt; và mỗi pháp chướng ngại cũng có mỗi trạng thái, mỗi tính chất riêng biệt. Cho nên, mỗi chi thiền có khả năng đặc biệt đè nén, chế ngự được mỗi pháp chướng ngại của thiền định như sau:

    1.Vitakka: Hướng tâm đến một đề mục thiền định nên diệt được 1 pháp chướng ngại buồn chán - buồn ngủ. (thīna-middha nivaraṇa)

    2. Vicāra: Quan sát trong đề mục thiền định nên diệt được 1 pháp chướng ngại hoài nghi. (viccikicchā nivaraṇa)

    3. Pīti: Tâm hoan hỷ trong đề mục thiền định nên diệt được 1 pháp chướng ngại sân hận. (byāpāda nivaraṇa)

    4. Sukha: An lạc trong đề mục thiền định nên diệt được 1 pháp chướng ngại phóng tâm - hối hận. (uddhacca-kukkucca nivaraṇa)

    5. Ekaggatā: Nhất tâm trong đề mục thiền định nên diệt được 1 pháp chướng ngại tham dục. (kāmacchanda nivaraṇa)

    Thiền hữu sắc có 5 bậc thiền

    Hành giả thực hành thiền định thuộc hạng hành giả manda-puggala có trí tuệ bậc trung, có khả năng diệt được một chi thiền để chứng đắc mỗi bậc thiền. Do đó, thiền hữu sắc có 5 bậc thiền như sau:

    1- Hành giả thực hành thiền định với một đề mục duy nhất ấy, định tâm phát sinh có đầy đủ 5 chi thiền đồng thời diệt bằng cách đè nén, chế ngự được 5 pháp chướng ngại, hành giả chứng đắc đệ nhất thiền hữu sắc.

    * Đệ nhất thiền hữu sắc có 5 chi thiền là hướng tâm, quan sát, hỷ, an lạc và nhất tâm.

    2- Sau khi đã chứng đắc đệ nhất thiền hữu sắc, hành giả tiếp tục thực hành thiền định, xem xét thấy rõ chi thiền hướng tâm (vitakka) còn thô, nên cần phải diệt, rồi tiếp tục thực hành thiền định với đề mục thiền định ấy, định tâm phát sinh có khả năng diệt bằng cách đè nén, chế ngự chi thiền hướng tâm đồng thời chứng đắc đệ nhị thiền hữu sắc.

    * Đệ nhị thiền hữu sắc còn 4 chi thiền là quan sát, hỷ, an lạc và nhất tâm.

    3- Sau khi đã chứng đắc đệ nhị thiền hữu sắc, hành giả tiếp tục thực hành thiền định, xem xét thấy rõ chi thiền quan sát (vicāra) còn thô, nên cần phải diệt, rồi tiếp tục thực hành thiền định với đề mục thiền định ấy, định tâm phát sinh có khả năng diệt bằng cách đè nén, chế ngự chi thiền quan sát đồng thời chứng đắc đệ tam thiền hữu sắc.

    * Đệ tam thiền hữu sắc còn 3 chi thiền là hỷ, an lạc và nhất tâm.

    4- Sau khi đã chứng đắc đệ tam thiền hữu sắc, hành giả tiếp tục thực hành thiền định, xem xét thấy rõ chi thiền hỷ (pīti) còn thô, nên cần phải diệt, rồi tiếp tục thực hành thiền định với đề mục thiền định ấy, định tâm phát sinh có khả năng diệt bằng cách đè nén, chế ngự chi thiền hỷ đồng thời chứng đắc đệ tứ thiền hữu sắc.

    * Đệ tứ thiền hữu sắc còn 2 chi thiền là an lạc và nhất tâm.

    1. Sau khi đã chứng đắc đệ tứ thiền hữu sắc, hành giả tiếp tục thực hành thiền định, xem xét thấy rõ chi thiền an lạc (sukha) còn thô, nên cần phải diệt, rồi tiếp tục thực hành thiền định với đề mục thiền định ấy, định tâm phát sinh có khả năng diệt bằng cách đè nén, chế ngự chi thiền an lạc thay bằng chi thiền xả đồng thời chứng đắc đệ ngũ thiền hữu sắc.

    * Đệ ngũ thiền hữu sắc còn 2 chi thiền là xả và nhất tâm.

    Thiền hữu sắc có 4 bậc thiền

    Đối với hành giả là tikkhapuggala có trí tuệ bậc thượng, sắc bén có khả năng đặc biệt diệt bằng cách đè nén, chế ngự cả 2 chi thiền hướng tâm và quan sát cùng một lúc, để chứng đắc đệ nhị thiền hữu sắc. Do đó, đối với hành giả là tikkhapuggala có trí tuệ bậc thượng, sắc bén, các bậc thiền hữu sắc có 4 bậc thiền như sau:

    1. Đệ nhất thiền hữu sắc có 5 chi thiền là hướng tâm, quan sát, hỷ, an lạc và nhất tâm.

    2. Đệ nhị thiền hữu sắc có 3 chi thiền là hỷ, an lạc và nhất tâm.

    3. Đệ tam thiền hữu sắc có 2 chi thiền là an lạc và nhất tâm.

    4. Đệ tứ thiền hữu sắc có 2 chi thiền là xả và nhất tâm.

    Đó là 4 bậc thiền hữu sắc, đối với hành giả là tikkha-puggala có trí tuệ bậc thượng, sắc bén.

    Quả của 5 sắc giới thiện nghiệp

    5 bậc thiền hữu sắc là 5 sắc giới thiện tâm. 5 sắc giới thiện nghiệp trong 5 sắc giới thiện tâm, mà 5 sắc giới thiện tâm cho quả là 5 sắc giới quả tâm.

    5 sắc giới quả tâm làm phận sự tái sinh (hóa sinh) (paṭisandhikicca) trong 15 cõi sắc giới (không có cõi sắc giới Vô Tưởng Thiên), rồi làm phận sự hộ kiếp (bhavaṅga-kicca) và cuối cùng làm phận sự đổi kiếp (cutikicca) (chết) chấm dứt kiếp sắc giới phạm thiên.

    15 cõi trời sắc giới chia thành 4 tầng trời sắc giới

    Hành giả thực hành thiền định có khả năng chứng đắc 5 bậc thiền hữu sắc, mà mỗi bậc thiền hữu sắc cho quả tâm tái sinh (hóa sinh) trong 1 tầng trời sắc giới tương ứng như sau:

    * Quả của đệ nhất thiền sắc giới thiện tâm:

    Hành giả thực hành thiền định có khả năng chứng đắc đệ nhất thiền sắc giới thiện tâm. Sau khi chết, đệ nhất thiền sắc giới thiện tâm ấy cho quả là đệ nhất thiền sắc giới quả tâm làm phận sự hóa sinh trong tầng trời sắc giới đệ nhất quả thiền có 3 cõi tùy theo năng lực của đệ nhất thiền sắc giới quả tâm ấy như sau:

    - Đệ nhất thiền sắc giới thiện tâm bậc hạ cho quả là đệ nhất thiền sắc giới quả tâm bậc hạ làm phận sự hóa sinh trong tầng trời sắc giới gọi là Phạm Chúng Thiên, có tuổi thọ 1/3 a-tăng-kỳ trụ(1).

    - Đệ nhất thiền sắc giới thiện tâm bậc trung cho quả là đệ nhất thiền sắc giới quả tâm bậc trung làm phận sự hóa sinh trong tầng trời sắc giới gọi là Phạm Phụ Thiên, có tuổi thọ 1/2 a-tăng-kỳ trụ.

    - Đệ nhất thiền sắc giới thiện tâm bậc thượng cho quả là đệ nhất thiền sắc giới quả tâm bậc thượng làm phận sự hóa sinh trong tầng trời sắc giới gọi là Đại Phạm Thiên, có tuổi thọ 1 a-tăng-kỳ trụ.

    * Quả của đệ nhị thiền sắc giới thiện tâm và đệ tam thiền sắc giới thiện tâm:

    Hành giả thực hành thiền định có khả năng chứng đắc đệ nhị thiền sắc giới thiện tâm và đệ tam thiền sắc giới thiện tâm. Sau khi chết, 2 bậc thiền sắc giới thiện tâm này tuy cho quả là đệ nhị thiền sắc giới quả tâm và đệ tam thiền sắc giới quả tâm, nhưng 2 bậc thiền sắc giới quả tâm này làm phận sự cùng hóa sinh trong tầng trời sắc giới đệ nhị quả thiền có 3 cõi tùy theo năng lực của 2 bậc thiền sắc giới thiện tâm ấy như sau:

    - 2 bậc thiền sắc giới thiện tâm bậc hạ cho quả là 2 bậc thiền sắc giới quả tâm bậc hạ làm phận sự hóa sinh trong tầng trời sắc giới gọi là Thiểu Quang Thiên, có tuổi thọ 2 đại kiếp trái đất.

    - 2 bậc thiền sắc giới thiện tâm bậc trung cho quả là 2 bậc thiền sắc giới quả tâm bậc trung làm phận sự hóa sinh trong tầng trời sắc giới gọi là Vô Lượng Quang Thiên, có tuổi thọ 4 đại kiếp trái đất.

    2 bậc thiền sắc giới thiện tâm bậc thượng cho quả là 2 bậc thiền sắc giới quả tâm bậc thượng làm phận sự hóa sinh trong tầng trời sắc giới gọi là Quang Âm Thiên, có tuổi thọ 8 đại kiếp trái đất.

    * Quả của đệ tứ thiền sắc giới thiện tâm:

    Hành giả thực hành thiền định có khả năng chứng đắc đệ tứ thiền sắc giới thiện tâm. Sau khi chết, đệ tứ thiền sắc giới thiện tâm ấy cho quả là đệ tứ thiền sắc giới quả tâm làm phận sự hóa sinh trong tầng trời sắc giới đệ tam quả thiền có 3 cõi tùy theo năng lực của đệ tứ thiền sắc giới thiện tâm ấy như sau:

    Đệ tứ thiền sắc giới thiện tâm bậc hạ cho quả là đệ tứ thiền sắc giới quả tâm bậc hạ làm phận sự hóa sinh trong tầng trời sắc giới gọi là Thiểu Tịnh Thiên, có tuổi thọ 16 đại kiếp trái đất.

    Đệ tứ thiền sắc giới thiện tâm bậc trung cho quả là đệ tứ thiền sắc giới quả tâm bậc trung làm phận sự hóa sinh trong tầng trời sắc giới gọi là Vô Lượng Tịnh Thiên, có tuổi thọ 32 đại kiếp trái đất.

    Đệ nhất thiền sắc giới thiện tâm bậc cao cho quả là đệ nhất thiền sắc giới quả tâm bậc thượng làm phận sự hóa sinh trong tầng trời sắc giới gọi là Biến Tịnh Thiên, có tuổi thọ 64 đại kiếp trái đất.

    * Quả của đệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm:

    Hành giả thực hành thiền định có khả năng chứng đắc đệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm. Sau khi chết, đệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm ấy cho quả là đệ ngũ thiền sắc giới quả tâm làm phận sự hóa sinh trong tầng trời sắc giới đệ tứ quả thiền có 7 cõi tùy theo các hạng người như sau:

    Hành giả là hạng phàm nhân, bậc Thánh Nhập Lưu và bậc Thánh Nhất Lai đã chứng đắc đến đệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm, cho quả là đệ ngũ thiền sắc giới quả tâm làm phận sự chỉ hóa sinh trong tầng trời sắc giới gọi là Quảng Quả Thiên mà thôi, có tuổi thọ 500 đại kiếp trái đất. Quảng Quả Thiên này là tầng trời tột đỉnh của cõi trời sắc giới đối với hạng phàm nhân.

    Đặc biệt hành giả là hạng phàm nhân, khi đắc đệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm này cùng với tâm nhàm chán 4 danh uẩn (thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn) phát nguyện rằng: “Khi tái sinh kiếp sau kế tiếp không có 4 danh uẩn, mà chỉ có 1 sắc uẩn mà thôi”. Do nguyện lực của hành giả chứng đắc đệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm, cho nên sau khi chết, đệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau bằng pháp gọi là jīvitanavakakapāla: Nhóm 9 sắc pháp có sắc mạng chủ là chính làm phận sự tái sinh (paṭisandhikicca) trong cõi trời sắc giới Vô Tưởng Thiên, rồi tiếp tục làm phận sự hộ kiếp (bhavaṅgakicca) và cuối cùng của kiếp phạm thiên làm phận sự đổi kiếp (chết) (cutikicca).

    Trong cõi trời sắc giới Vô Tưởng Thiên, vị Phạm thiên này chỉ có 1 uẩn là sắc uẩn mà thôi, nghĩa là vị Phạm thiên này không có tâm. Trước khi chết, nếu vị hành giả này đang ở trong tư thế nào trong 3 tư thế: Tư thế ngồi hoặc tư thế đứng hoặc tư thế nằm (không có tư thế đi), thì sau khi chết, hóa sinh lên cõi trời sắc giới Vô Tưởng Thiên, vị Phạm thiên ấy ở trong tư thế ấy là tư thế ngồi hoặc tư thế đứng hoặc tư thế nằm. Cõi trời sắc giới Vô Tưởng Thiên này có tuổi thọ 500 đại kiếp trái đất.

    Vị Phạm thiên trong cõi trời sắc giới Vô Tưởng Thiên này không có tâm chỉ có thân mà thôi, có tuổi thọ 500 đại kiếp trái đất. Đến khi hết tuổi thọ ở cõi trời sắc giới Vô Tưởng Thiên này, sau khi vị Phạm thiên ấy chết, thiện nghiệp mà vị Phạm thiên ấy đã từng tạo kể từ kiếp thứ 3 trở về trước trong quá khứ cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trong cõi thiện dục giới: Cõi người hoặc 6 cõi trời dục giới.

    * Tại sao phải là thiện nghiệp kể từ kiếp thứ 3 trở về trước trong quá khứ?

    Bởi vì kiếp thứ nhất hiện tại, vị Phạm thiên tại cõi sắc giới Vô Tưởng Thiên ấy là hạng chúng sinh không có tâm, chỉ có thân mà thôi, cho nên, trong kiếp thứ nhất hiện tại hoàn toàn không có tạo nghiệp nào cả. Kiếp thứ nhì, kiếp trước của vị Phạm thiên là hành giả đã chứng đắc đệ ngũ thiền sắc giới thiện nghiệp đã cho quả tái sinh trong cõi trời sắc giới Vô Tưởng Thiên rồi.

    Do đó, kể từ kiếp thứ 3 trở về trước trong quá khứ, những thiện nghiệp nào mà tiền kiếp của vị Phạm thiên ấy đã tạo sẽ có khả năng, có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trong cõi thiện dục giới: Cõi người hoặc 6 cõi trời dục giới.

    Hành giả là bậc Thánh Bất Lai đã chứng đắc đến đệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm. Sau khi chết, đệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm này cho quả là đề ngũ thiền sắc giới quả tâm làm phận sự tái sinh kiếp sau trong 5 cõi trời sắc giới Phước Sinh Thiên tùy theo năng lực của 5 pháp chủ:

    Nếu bậc Thánh Bất Lai đã chứng đắc đệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm và đặc biệt tín pháp chủ có nhiều năng lực hơn 4 pháp chủ khác, thì đệ ngũ thiền này cho quả là đệ ngũ thiền sắc giới quả tâm làm phận sự tái sinh trong cõi trời sắc giới Phước Sinh Thiên gọi là Vô Phiền Thiên, có tuổi thọ 1.000 (một ngàn) đại kiếp trái đất.

    - Nếu bậc Thánh Bất Lai đã chứng đắc đệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm và đặc biệt tấn pháp chủ có nhiều năng lực hơn 4 pháp chủ khác, thì đệ ngũ thiền này cho quả là đệ ngũ thiền sắc giới quả tâm làm phận sự tái sinh trong cõi trời sắc giới Phước Sinh Thiên gọi là Vô Nhiệt Thiên, có tuổi thọ 2.000 (hai ngàn) đại kiếp trái đất.

    - Nếu bậc Thánh Bất Lai đã chứng đắc đệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm và đặc biệt niệm pháp chủ có nhiều năng lực hơn 4 pháp chủ khác, thì đệ ngũ thiền này cho quả là đệ ngũ thiền sắc giới quả tâm làm phận sự tái sinh trong cõi trời sắc giới Phước Sinh Thiên gọi là Thiện Hiện Thiên, có tuổi thọ 4.000 (bốn ngàn) đại kiếp trái đất.

    - Nếu bậc Thánh Bất Lai đã chứng đắc đệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm và đặc biệt định pháp chủ có nhiều năng lực hơn 4 pháp chủ khác, thì đệ ngũ thiền này cho quả là đệ ngũ thiền sắc giới quả tâm làm phận sự tái sinh trong cõi trời sắc giới Phước Sinh Thiên gọi là Thiện Kiên Thiên, có tuổi thọ 8.000 (tám ngàn) đại kiếp trái đất.

    - Nếu bậc Thánh Bất Lai đã chứng đắc đệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm và đặc biệt tuệ pháp chủ có nhiều năng lực hơn 4 pháp chủ khác, thì đệ ngũ thiền này cho quả là đệ ngũ thiền sắc giới quả tâm làm phận sự tái sinh trong cõi trời sắc giới Phước Sinh Thiên gọi là Sắc Cứu Cánh Thiên, có tuổi thọ 16.000 (mười sáu ngàn) đại kiếp trái đất.

    Bậc Thánh Bất Lai chắc chắn chứng đắc Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả trở thành bậc Thánh Arahán, rồi tịch diệt Niết Bàn tại 1 trong 5 cõi trời sắc giới Phước Sinh Thiên.

    Nếu bậc Thánh Bất Lai chưa chứng đắc thành bậc Thánh Arahán trong 4 cõi trời sắc giới: Cõi Vô Nhiệt Phiền, cõi Vô Nhiệt Thiên, cõi Thiện Hiện Thiên, cõi Thiện Kiên Thiên, thì chắc chắn sẽ chứng đắc thành bậc Thánh Arahán trong cõi Sắc Cứu Cánh Thiên, rồi sẽ tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

    * Do năng lực của pháp nào mà phân loại mỗi bậc thiền sắc giới thiện tâm làm 3 bậc: Bậc hạ, bậc trung, bậc thượng?

    Trong 5 bậc thiền sắc giới thiện tâm, mỗi bậc thiền ấy được phân loại làm 3 bậc: Thiền bậc hạ, thiền bậc trung, thiền bậc thượng là do năng lực của 2 pháp:

    1. Năng lực của 5 pháp thuần thục, khi hành giả nhập bậc thiền (jhānasamāpatti).

    2. Năng lực của 4 pháp thống chủ (adhipati).

    * 5 pháp thuần thục (vasī)

    1. Āvajjanavasī: Thuần thục trong sự suy xét chi thiền. Hành giả có khả năng nhập bậc thiền nào, rồi suy xét chi thiền của bậc thiền ấy liên tục với nhau.

    2. Samāpajjanavasī: Thuần thục trong sự nhập thiền. Hành giả có khả năng nhập bậc thiền một cách rất mau lẹ.

    3. Adhiṭṭhānavasī: Thuần thục trong sự phát nguyện. Hành giả có khả năng phát nguyện muốn bậc thiền nào phát sinh liên tục suốt thời gian hạn định 1 giờ, 2 giờ, 3 giờ... rồi nhập bậc thiền ấy.

    4. Vuṭṭhānavasī: Thuần thục trong sự xả thiền. Hành giả có khả năng xả thiền đúng theo thời gian đã phát nguyện.

    5.Paccavekkhaṇavasī: Thuần thục trong sự suy xét tính chất của mỗi chi thiền theo mỗi lộ trình tâm một cách mau lẹ.

    Đó là 5 pháp thuần thục (vasī) mà hành giả thực hành thiền định cần phải hành mỗi khi chứng đắc bậc thiền sắc giới thiện tâm ấy. Bậc thiền sắc giới thiện tâm ấy thuộc bậc thiền hạ, hoặc bậc thiền trung, hoặc bậc thiền thượng là do năng lực của 5 pháp thuần thục.

    Ví dụ: Hành giả sau khi đã chứng đắc đệ nhất thiền sắc giới thiện tâm.

    - Nếu hành giả không thường xuyên nhập đệ nhất thiền sắc giới thiện tâm, thì 5 pháp thuần thục (vasī) của bậc thiền ấy không có năng lực, cho nên đệ nhất thiền sắc giới thiện tâm ấy trở thành đệ nhất thiền sắc giới thiện tâm thuộc thiền bậc hạ, không thể làm nền tảng tiếp tục thực hành thiền định để chứng đắc đệ nhị thiền sắc giới thiện tâm.

    Nếu hành giả thường xuyên nhập đệ nhất thiền sắc giới thiện tâm, nhưng 5 pháp thuần thục (vasī) của bậc thiền ấy chưa đủ năng lực, thì đệ nhất thiền sắc giới thiện tâm ấy trở thành đệ nhất thiền sắc giới thiện tâm thuộc thiền bậc trung, cũng không thể làm nền tảng tiếp tục thực hành thiền định để chứng đắc đệ nhị thiền sắc giới thiện tâm.

    - Nếu hành giả thường xuyên nhập đệ nhất thiền sắc giới thiện tâm, khi 5 pháp thuần thục (vasī) của bậc thiền ấy có nhiều năng lực, thì đệ nhất thiền sắc giới thiện tâm ấy trở thành đệ nhất thiền sắc giới thiện tâm thuộc thiền bậc thượng, rồi hành giả có khả năng sử dụng bậc thiền ấy làm nền tảng tiếp tục thực hành thiền định để chứng đắc đệ nhị thiền sắc giới thiện tâm.

    Tương tự cách hành như vậy, 4 bậc thiền sắc giới thiện tâm còn lại là đệ nhị thiền sắc giới thiện tâm, đệ tam thiền sắc giới thiện tâm, đệ tứ thiền sắc giới thiện tâm và đệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm được phân loại làm 3 bậc thiền: Thiền bậc hạ, thiền bậc trung, thiền bậc thượng như đệ nhất thiền sắc giới thiện tâm.

    * 4 pháp thống chủ (adhipati)

    1. Chandādhipati: Tâm hài lòng làm thống chủ. Hành giả có tâm hài lòng mạnh nhất trong khi thực hành thiền định.

    2. Vīriyādhipati: Tâm tinh tấn làm thống chủ. Hành giả có tâm tinh tấn mạnh nhất trong khi thực hành thiền định.

    3. Cittādhipati: Tâm quyết tâm làm thống chủ. Hành giả có quyết tâm mạnh nhất trong khi thực hành thiền định.

    4. Vīmaṃsādhipati: Trí tuệ làm thống chủ. Hành giả có trí tuệ mạnh nhất trong khi thực hành thiền định.

    4 pháp thống chủ này là 4 tâm sở đồng sinh trong một đại thiện tâm.

    Nếu pháp nào có năng lực mạnh nhất, thì pháp ấy trở thành pháp thống chủ, 3 pháp còn lại trở thành pháp hỗ trợ cho pháp thống chủ ấy.

    Năng lực của 4 pháp thống chủ này có 3 bậc: Bậc hạ, bậc trung, bậc thượng.

    Nếu pháp thống chủ có năng lực bậc nào đồng sinh với bậc thiền sắc giới thiện tâm, thì bậc thiền sắc giới thiện tâm ấy thuộc năng lực bậc ấy.

    Như vậy, trong 5 bậc thiền sắc giới thiện tâm, mỗi bậc thiền sắc giới thiện tâm được phân loại làm 3 bậc thiền: Thiền bậc hạ, thiền bậc trung, thiền bậc thượng do hai năng lực của 5 pháp thuần thục và 4 pháp thống chủ.

    Đệ nhất thiền sắc giới thiện tâm có 3 bậc: Thiền bậc hạ, thiền bậc trung, thiền bậc thượng sinh quả là đệ nhất thiền sắc giới quả tâm có 3 bậc: Thiền bậc hạ, thiền bậc trung, thiền bậc thượng làm phận sự hóa sinh trong tầng trời sắc giới đệ nhất quả thiền, có 3 cõi Phạm thiên: Phạm Chúng Thiên, Phạm Phụ Thiên, Đại Phạm Thiên theo tuần tự 3 bậc quả thiền.

    Đệ nhị thiền sắc giới thiện tâm và đệ tam thiền sắc giới thiện tâm có 3 bậc: Thiền bậc hạ, thiền bậc trung, thiền bậc thượng sinh quả là đệ nhị thiền sắc giới quả tâm có 3 bậc: Thiền bậc hạ, thiền bậc trung, thiền thượng làm phận sự hóa sinh trong tầng trời sắc giới đệ nhị quả thiền, có 3 cõi Phạm thiên: Thiểu Quang Thiên, Vô Lượng Quang Thiên, Quang Âm Thiên theo tuần tự 3 bậc quả thiền.

    Đệ tứ thiền sắc giới thiện tâm có 3 bậc: Thiền bậc hạ, thiền bậc trung, thiền bậc thượng sinh quả là đệ tam thiền sắc giới quả tâm, có 3 bậc: Thiền bậc hạ, thiền bậc trung, thiền bậc thượng làm phận sự hóa sinh trong tầng trời sắc giới đệ tam quả thiền, có 3 cõi Phạm thiên: Thiểu Tịnh Thiên, Vô Lượng Tịnh Thiên, Biến Tịnh Thiên theo tuần tự 3 bậc thiền quả.

    Đệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm có 3 bậc: Thiền bậc hạ, thiền bậc trung, thiền bậc thượng sinh quả là đệ tứ thiền sắc giới quả tâm, có 3 bậc: Thiền bậc hạ, thiền bậc trung, thiền bậc thượng làm phận sự hóa sinh trong tầng trời sắc giới đệ tứ quả thiền có 7 cõi phạm thiên tùy theo hành giả phàm nhân và bậc Thánh Bất Lai.

    * Về các hạng phạm thiên trong tầng trời sắc giới Quảng Quả Thiên

    Đối với hạng phạm thiên còn là phàm nhân (puthujjana) chưa phải bậc Thánh Nhân, đã chứng đắc đến đệ ngũ thiền hữu sắc thiện tâm cho quả là đệ ngũ thiền hữu sắc quả tâm làm phận sự hóa sinh trong tầng trời sắc giới gọi Quảng Quả Thiên có tuổi thọ 500 đại kiếp trái đất. Trong khoảng thời gian tại tầng trời sắc giới Quảng Quả Thiên, nếu vị Phạm thiên này thực hành thiền định có khả năng chứng đắc lại đệ ngũ thiền hữu sắc thiện tâm thì đến khi hết tuổi thọ trong tầng trời ấy, đệ ngũ thiền hữu sắc thiện tâm cho quả là đệ ngũ thiền sắc giới quả tâm làm phận sự hóa sinh trở lại tầng trời sắc giới gọi Quảng Quả Thiên ấy.

    Nếu vị Phạm thiên không chứng đắc đệ ngũ thiền hữu sắc thiện tâm, thì đến khi hết tuổi thọ 500 đại kiếp trái đất trong tầng trời sắc giới Quảng Quả Thiên ấy, thiện nghiệp mà tiền kiếp của vị phạm thiên ấy đã tạo sẽ cho quả tái sinh trong cõi thiện dục giới: Cõi người hoặc 6 cõi trời dục giới.

    Đối với hạng Phạm thiên là bậc Thánh Nhập Lưu, bậc Thánh Nhất Lai, bậc Thánh Bất Lai ở tầng trời sắc giới Quảng Quả Thiên, nếu các bậc Thánh phạm thiên đã chứng đắc thành bậc Thánh Arahán, thì đến lúc hết tuổi thọ 500 đại kiếp trái đất tại tầng trời sắc giới Quảng Quả Thiên này, bậc Thánh Arahán phạm thiên ấy tich diệt Niết Bàn tại tầng trời sắc giới Quảng Quả Thiên ấy.

    Nếu các bậc Thánh phạm thiên này chưa chứng đắc thành bậc Thánh Arahán, thì đến lúc hết tuổi thọ 500 đại kiếp trái đất tại tầng trời sắc giới Quảng Quả Thiên này, bậc Thánh Nhân ấy sau khi chết, chắc chắn đệ ngũ thiền hữu sắc thiện tâm phát sinh rồi cho quả là đệ ngũ thiền hữu sắc quả tâm làm phận sự hóa sinh trở lại tầng trời sắc giới Quảng Quả Thiên ấy và cứ như thế cho đến khi chứng đắc thành bậc Thánh Arahán, rồi tịch diệt Niết Bàn tại tầng trời sắc giới Quảng Quả Thiên ấy.

    Bậc Thánh phạm thiên tại tầng trời sắc giới Quảng Quả Thiên đến khi hết tuổi thọ, sau khi chết, không tái sinh trở xuống tầng trời thấp hơn, chỉ hóa sinh trở lại tầng trời sắc giới Quảng Quả Thiên ấy cho đến khi chứng đắc thành bậc Thánh Arahán, rồi tịch diệt Niết Bàn tại tầng trời sắc giới Quảng Quả Thiên mà thôi.

    Tính Chất Của 4 Bậc Thánh Nhân

    Trong Phật giáo có 4 bậc Thánh từ thấp đến cao theo tuần tự:

    1. Bậc Thánh Nhập Lưu.

    2. Bậc Thánh Nhất Lai.

    3. Bậc Thánh Bất Lai.

    4. Bậc Thánh Arahán.

    1. Bậc Thánh Nhập Lưu có 3 hạng

    a) Bậc Thánh Nhập Lưu chỉ còn tái sinh 1 kiếp trong cõi thiện dục giới (cõi người, cõi trời dục giới). Trong kiếp ấy, vị Thánh Nhập Lưu ấy sẽ chứng đắc thành bậc Thánh Arahán, rồi tịch diệt Niết Bàn chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới.

    b) Bậc Thánh Nhập Lưu còn tái sinh từ 2 kiếp đến 5 kiếp trong cõi thiện dục giới (cõi người, cõi trời dục giới). Vị Thánh Nhập Lưu ấy sẽ chứng đắc thành bậc Thánh Arahán, rồi tịch diệt Niết Bàn chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới.

    c) Bậc Thánh Nhập Lưu còn tái sinh nhiều nhất 7 kiếp nữa trong cõi thiện dục giới (cõi người, cõi trời dục giới). Trong kiếp thứ 7 ấy, vị Thánh Nhập Lưu ấy sẽ chứng đắc thành bậc Thánh Arahán, rồi tịch diệt Niết Bàn chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới.

    2. Bậc Thánh Nhất Lai là bậc Thánh chỉ còn tái sinh 1 kiếp nữa trong cõi thiện dục giới (cõi người, cõi trời dục giới). Trong kiếp ấy, vị Thánh Nhất Lai sẽ chứng đắc thành bậc Thánh Arahán, rồi tịch diệt Niết Bàn chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới.

    3. Bậc Thánh Bất Lai là bậc Thánh không còn tái sinh trở lại cõi thiện dục giới (cõi người, cõi trời dục giới) mà chỉ còn tái sinh (hóa sinh) trong cõi trời sắc giới phạm thiên mà thôi.

    Tính chất đặc biệt của bậc Thánh Bất Lai

    Như vậy, trong cõi người và 6 cõi trời dục giới, tất cả mọi bậc Thánh Bất Lai sau chết, chắc chắn chỉ có sắc giới thiện nghiệp cho quả hóa sinh trong cõi trời sắc giới phạm thiên mà thôi.

    Trường hợp, trong cõi người nếu bậc Thánh Bất Lai là bậc Thánh “Sukkhavipassaka” nghĩa là bậc Thánh Bất Lai không có sắc giới thiện nghiệp nào trước, thì Bậc Thánh Bất Lai ấy sau khi chết được hóa sinh trong cõi trời sắc giới phạm thiên bằng cách nào?

    Thật ra, bậc Thánh Bất Lai là bậc Thánh đã diệt đoạn tuyệt được “kamāchanda nivaraṇa” tâm tham dục trong ngũ trần: Sắc, thanh, hương, vị, xúc là pháp chướng ngại của thiền định”. Bậc Thánh Bất Lai không còn kāmarāga (dục ái): Tham ái trong cõi dục giới nữa. Như vậy, tuy bậc Thánh Bất Lai không chứng đắc bậc thiền nào, nhưng tâm định lúc nào cũng không lay chuyền bởi những đối tượng ngũ trần. Do đó, bậc thiền hữu sắc thiện tâm được phát sinh một cách dễ dàng và mau lẹ đối với bậc Thánh Bất Lai.

    Cho nên, trước lúc lâm chung, đối với bậc Thánh Bất Lai, chắc chắn bậc thiền hữu sắc thiện tâm được phát sinh lên trước, sau khi chết, chính bậc thiền hữu sắc thiện tâm ấy cho quả hóa sinh trong tầng trời sắc giới phạm thiên, tương ứng với bậc thiền hữu sắc quả tâm ấy.

    Bậc Thánh Bất Lai không có sắc giới thiện nghiệp đang nằm ngũ say. Thậm chí, nếu có người đến giết bậc Thánh Bất Lai ấy, vừa tỉnh giác, bậc thiền hữu sắc thiện tâm được phát sinh một cách dễ dàng và mau lẹ trước, sau đó chết, thì bậc thiền hữu sắc thiện tâm ấy cho quả hóa sinh trong tầng trời sắc giới phạm thiên tương ứng theo bậc thiền hữu sắc quả tâm ấy.

    Trong cõi trời dục giới, nếu vị chư thiên nào có đủ duyên lành lắng nghe chánh pháp của Đức Phật, rồi chứng đắc thành bậc Thánh Bất Lai. Khi trở lại cõi trời dục giới, vị chư thiên Thánh Bất Lai ấy suy xét thấy cõi trời dục giới đầy đủ ngũ trần không còn thích hợp với bậc Thánh Bất Lai nữa. Cho nên vị chư thiên Thánh Bất Lai ấy phát nguyện từ bỏ cõi trời dục giới, thì bậc thiền hữu sắc thiện tâm được phát sinh trước, rồi mới chết. Sau khi chết, chính bậc thiền hữu sắc thiện tâm cho quả tái sinh (hóa sinh) trong tầng trời sắc giới phạm thiên, tương ứng với bậc thiền hữu sắc quả tâm ấy.

    Như vậy, trong cõi người, cõi trời dục giới tất cả mọi bậc Thánh Bất Lai dù đã chứng đắc các bậc thiền sắc giới thiện tâm, hoặc dù chưa chứng đắc được bậc thiền sắc giới thiện tâm nào; trước lúc lâm chung, tất cả mọi bậc Thánh Bất Lai chắc chắn đều có bậc thiền sắc giới thiện tâm. Cho nên, sau khi chết, bậc thiền sắc giới thiện tâm ấy phát sinh hoặc sắc giới thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh (hóa sinh) trong tầng trời sắc giới phạm thiên, tương ứng với bậc thiền sắc giới quả tâm ấy.

    Trong 16 cõi trời sắc giới phạm thiên, có 5 tầng trời sắc giới gọi là Phước Sinh Thiên: Vô Phiền Thiên, Vô Nhiệt Thiên, Thiện Hiện Thiên, Thiện Kiến Thiên, Sắc Cứu Cánh Thiên. 5 tầng trời sắc giới Phước Sinh Thiên này chỉ dành riêng cho những bậc Thánh Bất Lai có đệ ngũ thiền hữu sắc thiện tâm mà thôi. Ngoài ra, các hàng phàm nhân, bậc Thánh Nhập Lưu, bậc Thánh Nhất Lai dù có đệ ngũ thiền hữu sắc thiện tâm, cũng không thể tái sinh (hóa sinh) trong 5 tầng trời sắc giới Phước Sinh Thiên này.

    Tuy nhiên, không phải tất cả mọi bậc Thánh Bất Lai có đệ ngũ thiền hữu sắc thiện tâm đều được hóa sinh trong 5 tầng trời sắc giới Phước Sinh Thiên.

    Nếu bậc Thánh Bất Lai nào tuy có đệ ngũ thiền hữu sắc thiện tâm, nhưng 5 pháp chủ: Tín pháp chủ, tấn pháp chủ, niệm pháp chủ, định pháp chủ, tuệ pháp chủ thuộc về loại thường hoặc loại trung bình, thì bậc Thánh Bất Lai ấy sau khi chết, đệ ngũ thiền hữu sắc thiện tâm chỉ cho quả hóa sinh trong tầng trời sắc giới Quảng Quả Thiên mà thôi, không thể cho quả hóa sinh trong tầng trời sắc giới Phước Sinh Thiên.

    Bởi vì, được hóa sinh trong 5 tầng trời sắc giới Phước Sinh Thiên, bậc Thánh Bất Lai không chỉ có đệ ngũ thiền hữu sắc thiện tâm, mà còn có 4 điều kiện như:

    1. Vị Phạm thiên Thánh Bất Lai đã hóa sinh trong 5 tầng trời sắc giới Phước Sinh Thiên rồi, sẽ không hóa sinh trong tầng trời sắc giới khác hoặc trong tầng trời vô sắc.

    2. Không hóa sinh trở lại tầng trời sắc giới Phước Sinh Thiên cũ.

    3. Sau khi chết tại tầng trời sắc giới Phước Sinh Thiên nào, sẽ không hóa sinh trong tầng trời sắc giới Phước Sinh Thiên bậc thấp, mà chỉ hóa sinh tầng trời sắc giới Phước Sinh Thiên bậc cao mà thôi.

    4. Phạm thiên Thánh Bất Lai chắc chắn sẽ chứng đắc thành bậc Thánh Arahán trong tầng trời sắc giới gọi là Sắc Cứu Cánh Thiên, rồi tịch diệt Niết Bàn tại tầng trời sắc giới phạm thiên ấy.

    Thực ra, trong mỗi tầng trời sắc giới Phước Sinh Thiên vị phạm thiên Thánh Bất Lai đều có thể chứng đắc thành bậc Thánh Arahán tại mỗi tầng trời sắc giới ấy, rồi tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới.

    Nếu vị Phạm thiên Thánh Bất Lai chưa chứng đắc thành bậc Thánh Arahán trong 4 tầng trời sắc giới Phước Sinh Thiên bậc thấp là Vô Phiền Thiên, Vô Nhiệt Thiên, Thiện Hiện Thiên và Thiện Kiến Thiên, thì chắc chắn sẽ chứng đắc thành bậc Thánh Arahán trong tầng trời sắc giới Phước Sinh Thiên bậc cao gọi Sắc Cứu Cánh Thiên, rồi sẽ tịch diệt Niết Bàn tại tầng trời sắc giới Sắc Cứu Cánh Thiên ấy.

    4. Bậc Thánh Arahán là bậc Thánh đã diệt đoạn tuyệt được mọi tham ái (taṇhā) mọi phiền não (kilesa) không còn dư sót nữa.

    Do đó, bậc Thánh Arahán không còn tạo nghiệp mới nào. Tất cả mọi nghiệp cũ dù là thiện nghiệp, dù là bất thiện nghiệp (ác nghiệp), mà Ngài đã từng tạo và đã tích lũy từ vô thủy, vô lượng kiếp trong quá khứ cho đến kiếp hiện tại trước khi chứng đắc thành bậc Thánh Arahán, những nghiệp cũ ấy vẫn có thể cho quả của chúng trong kiếp hiện tại của Ngài, cho đến trước khi tịch diệt Niết Bàn. Sau khi Ngài đã tịch diệt Niết Bàn rồi đồng thời cũng chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới. Tất cả mọi nghiệp cũ gồm cả thiện nghiệp lẫn bất thiện nghiệp (ác nghiệp) đều trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosi kamma) không còn hiệu lực, không còn có cơ hội nào cho quả được nữa.

    4. Arūpāvacarakusalakamma: Vô sắc giới thiện nghiệp

    Phần sắc giới thiện nghiệp và quả của sắc giới thiện nghiệp đã giải thích xong, tiếp theo giải thích vô sắc giới thiện nghiệp và quả của vô sắc giới thiện nghiệp.

    Vô sắc giới thiện nghiệp đó là tác ý tâm sở (cetanā cetasika) đồng sinh với 4 vô sắc giới thiện tâm đó là 4 bậc thiền vô sắc thiện tâm.

    Như vậy, vô sắc giới thiện nghiệp có 4 loại thiện nghiệp thuộc về ý thiện nghiệp phát sinh do nương nhờ ý môn.

    4 vô sắc giới thiện nghiệp ở trong 4 vô sắc giới thiện tâm là:

    1. Không vô biên xứ thiện tâm.

    2. Thức vô biên xứ thiện tâm.

    3.Vô sở hữu xứ thiện tâm.

    4. Phi tưởng phi phi tưởng xứ thiện tâm.

    4 vô sắc giới thiện tâm là 4 bậc thiền vô sắc thiện tâm mà mỗi bậc thiền vô sắc thiện tâm này đều có 2 chi thiền giống nhau, chỉ khác nhau về đối tượng thiền định của mỗi bậc thiền vô sắc thiện tâm mà thôi.

    4 bậc thiền vô sắc thiện tâm là:

    1. Đệ nhất thiền vô sắc giới gọi là không vô biên xứ thiền có 2 chi thiền: Xả và nhất tâm, và có đề mục là “hư không vô biên” làm đối tượng.

    2. Đệ nhị thiền vô sắc giới gọi là thức vô biên xứ thiền có 2 chi thiền: Xả và nhất tâm, và có đề mục “thức vô biên” (thức là tâm không vô biên xứ thiền) làm đối tượng.

    3. Đệ tam thiền vô sắc giới gọi là vô sở hữu xứ thiền có 2 chi thiền: Xả và nhất tâm, và có đề mục là “vô sở hữu” làm đối tượng.

    4. Đệ tứ thiền vô sắc giới gọi là phi tưởng phi phi tưởng xứ thiền có 2 chi thiền: Xả và nhất tâm, và có đề mục là “rất vắng lặng, rất vi tế” của tâm sở hữu xứ thiền làm đối tượng.

    Đó là 4 bậc thiền vô sắc thiện tâm, mà mỗi bậc thiền vô sắc thiện tâm có mỗi đề mục thiền định riêng biệt làm đối tượng, nhưng mỗi bậc thiền vô sắc thiện tâm đều giống nhau là có 2 chi thiền là xả và nhất tâm.

    Điểm khác biệt giữa các bậc thiền hữu sắc và các bậc thiền vô sắc

    Trong 5 bậc thiền hữu sắc thiện tâm, mỗi bậc thiền hữu sắc thiện tâm có chi thiền khác nhau, nhưng đề mục thiền định của mỗi bậc thiền hữu sắc thiện tâm có thể giống nhau như 10 đề mục hình tròn kasiṇa và đề mục niệm hơi thở vô - hơi thở ra, bởi vì 11 đề mục thiền định này có khả năng dẫn đến chứng đắc 5 bậc thiền hữu sắc thiện tâm từ đệ nhất thiền hữu sắc thiện tâm cho đến đệ ngũ thiền hữu sắc thiện tâm.

    Và trong 4 bậc thiền vô sắc thiện tâm, mà mỗi bậc thiền vô sắc thiện tâm đều có 2 chi thiền là xả và nhất tâm giống nhau. Nhưng mỗi bậc thiền vô sắc thiện tâm có mỗi đề mục thiền hoàn toàn khác nhau, bởi vì mỗi bậc thiền vô sắc thiện tâm có mỗi đề mục thiền riêng biệt làm đối tượng.

    Quả của 4 vô sắc giới thiện nghiệp

    Hành giả thực hành thiền định, sau khi đã chứng đắc 5 bậc thiền hữu sắc thiện tâm xong, rồi tư duy rằng: “Sở dĩ mọi bệnh hoạn như bệnh đói, bệnh khát, bệnh đại tiện, bệnh tiểu tiện... phát sinh khổ đau là vì có thân. Nếu không có thân thì không có những loại bệnh ấy”.

    Do sự tư duy như vậy, nên hành giả tiếp tục thực hành thiền định với mỗi đề mục thiền vô sắc để chứng đắc mỗi bậc thiền vô sắc thiện tâm.

    Có 4 đề mục thiền vô sắc riêng biệt, mà mỗi đề mục ấy dẫn đến chứng đắc mỗi bậc thiền vô sắc thiện tâm riêng biệt. Do đó, có 4 bậc thiền vô sắc thiện tâm như sau:

    1) Không vô biên xứ thiền thiện tâm.

    2) Thức vô biên xứ thiền thiện tâm.

    3) Vô sở hữu xứ thiền thiện tâm.

    4) Phi tưởng phi phi tưởng xứ thiền thiện tâm.

    Quả của 4 vô sắc giới thiện nghiệp và 4 cõi vô sắc giới

    4 vô sắc giới thiện nghiệp ở trong 4 bậc thiền vô sắc giới thiện tâm.

    4 bậc thiền vô sắc giới thiện tâm cho quả là 4 bậc thiền vô sắc giới quả tâm làm phận sự tái sinh trong 4 cõi vô sắc giới theo tuần tự như sau:

    1) Không vô biên xứ thiền thiện tâm cho quả là không vô biên xứ thiền quả tâm làm phận sự hóa sinh trong tầng trời vô sắc giới gọi là Không Vô Biên Xứ Thiên, có tuổi thọ 20.000 (hai mươi ngàn) đại kiếp trái đất.

    2) Thức vô biên xứ thiền thiện tâm cho quả là thức vô biên xứ thiền quả tâm làm phận sự hóa sinh trong tầng trời vô sắc giới gọi là Thức Vô Biên Xứ Thiên, có tuổi thọ 40.000 (bốn mươi ngàn) đại kiếp trái đất.

    3) Vô sở hữu xứ thiền thiện tâm cho quả là vô sở hữu xứ thiền quả tâm làm phận sự hóa sinh trong tầng trời vô sắc giới gọi là Vô Sở Hữu Xứ Thiên, có tuổi thọ 80.000 (tám mươi ngàn) đại kiếp trái đất.

    4) Phi tưởng phi phi tưởng xứ thiền thiện tâm cho quả là phi tưởng phi phi tưởng xứ thiền quả tâm làm phận sự hóa sinh trong tầng trời vô sắc giới gọi là phi tưởng phi phi tưởng xứ thiên, có tuổi thọ 84.000 (tám mươi bốn ngàn) đại kiếp trái đất.

    Đó là quả của 4 vô sắc giới thiện nghiệp.

    Chư phạm thiên trong 4 cõi trời vô sắc giới chỉ có tâm mà không có thân, hoặc chỉ có 4 danh uẩn: Thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn, mà không có sắc uẩn. Do đó gọi là cõi vô sắc giới.

    Như vậy, 5 sắc giới thiện nghiệp và quả của 5 sắc giới thiện nghiệp; 4 vô sắc giới thiện nghiệp và quả của 4 vô sắc giới thiện nghiệp đã được trình bày.

    Đối với phạm thiên còn là phàm nhân (chưa phải Thánh Nhân) ở trong 11 cõi trời sắc giới (không có 5 cõi Phước Sinh Thiên) và 4 cõi trời vô sắc giới, mặc dù ở trong tầng trời thấp hoặc tầng trời cao nào trong 11 cõi trời sắc giới, 4 cõi trời vô sắc giới, đến khi hết tuổi thọ trong tầng trời ấy, cũng đều phải tái sinh kiếp sau, tùy theo thiện nghiệp của mình.

    - Trong cõi trời sắc giới, vị Phạm thiên nào trong khoảng thời gian đang hưởng sự an lạc trong tầng trời sắc giới ấy, và tiếp tục thực hành thiền định để chứng đắc bậc thiền sắc giới thiện tâm nào, có thể thấp hơn, hoặc ngang bằng, hoặc cao hơn bậc thiền hữu sắc mà vị Phạm thiên đang hưởng quả tại tầng trời sắc giới ấy. Đến khi hết tuổi thọ tại tầng trời sắc giới ấy, sau khi chết thiện nghiệp cho quả tái sinh kiếp sau như sau:

    Nếu chứng đắc bậc thiền sắc giới thiện tâm thấp hơn bậc thiền cũ, thì sẽ tái sinh kiếp sau xuống tầng trời thấp hơn, tùy theo quả của bậc thiền ấy.

    Nếu chứng đắc bậc thiền sắc giới thiện tâm ngang bằng với bậc thiền cũ, thì sẽ tái sinh kiếp sau trở lại tầng trời cũ như kiếp trước.

    Nếu chứng đắc bậc thiền sắc giới thiện tâm hoặc vô sắc giới thiện tâm cao hơn bậc thiền cũ, thì sẽ tái sinh kiếp sau lên tầng trời cao, tùy theo quả của bậc thiền ấy.

    Nhưng nếu không chứng đắc được bậc thiền nào, thì dục giới đại thiện nghiệp mà vị Phạm thiên ấy đã từng tạo trong những kiếp quá khứ cho quả tái sinh xuống cõi thiện dục giới: Cõi người, 6 cõi trời dục giới.

    - Trong các cõi trời vô sắc giới, vị Phạm thiên nào đang hưởng sự an lạc trong cõi trời vô sắc giới ấy và thực hành thiền định chỉ có thể chứng đắc bậc thiền vô sắc thiện tâm ngang bằng với bậc thiền vô sắc cũ, hoặc có thể chứng đắc bậc thiền vô sắc thiện tâm bậc cao hơn bậc thiền vô sắc cũ, nhưng không thể chứng đắc bậc thiền vô sắc thiện tâm bậc thấp hơn bậc thiền vô sắc cũ, bởi vì không có đề mục thiền định vô sắc là đối tượng.

    Như vậy, vị Phạm thiên ấy đến khi hết tuổi thọ trong cõi trời vô sắc ấy, sau khi chết, vô sắc giới thiện nghiệp chỉ cho quả tái sinh kiếp sau tại tầng trời vô sắc cũ, hoặc tầng trời vô sắc bậc cao hơn tầng trời vô sắc cũ, tùy theo quả của bậc thiền ấy. Nhưng không thể tái sinh kiếp sau trong tầng trời vô sắc thấp hơn tầng trời vô sắc cũ.

    Trường hợp nếu vị Phạm thiên trong tầng trời vô sắc ấy, không chứng đắc được bậc thiền vô sắc nào, đến khi hết tuổi thọ, thì dục giới đại thiện nghiệp tiền kiếp mà vị Phạm thiên đã từng tạo trong những kiếp quá khứ sẽ cho quả tái sinh trong cõi thiện dục giới: Cõi người hoặc 6 cõi trời dục giới.

    Trường hợp vị Phạm thiên ở trong tầng trời vô sắc giới gọi là Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Thiên, có tuổi thọ 84.000 (tám mươi bốn ngàn) đại kiếp trái đất. Vị Phạm thiên này chỉ có thể thực hành thiền định chứng đắc trở lại bậc thiền vô sắc phi tưởng phi phi tưởng xứ thiền thiện tâm mà thôi, bởi vì tầng trời vô sắc Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Thiên là tầng trời tột đỉnh của cõi vô sắc giới.

    Vị Phạm thiên ấy, hết tuổi thọ trong cõi trời vô sắc tột đỉnh ấy, sau khi chết, bậc thiền phi tưởng phi phi tưởng xứ thiện tâm cho quả hóa sinh trở lại cõi trời vô sắc tột đỉnh Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Thiên.

    Nếu trường hợp không chứng đắc được bậc thiền vô sắc phi tưởng phi phi tưởng xứ thiền thiện tâm này, đến khi hết tuổi thọ, sau khi chết, dục giới đại thiện nghiệp mà vị Phạm thiên ấy đã từng tạo và tích lũy trong những kiếp quá khứ cho quả tái sinh kiếp sau xuống cõi thiện dục giới: Cõi người hoặc 6 cõi trời dục giới.

    Tóm lược các nghiệp và quả của các nghiệp

    Theo bộ Abhidhammatthasaṅgaha (Vi Diệu Pháp Yếu Nghĩa) của Ngài Đại Trưởng Lão Anuruddhamahāthera trình bày về nghiệp có 4 phần (kammacatukka):

    Các loại nghiệp

    1) Phần nghiệp phân loại theo phận sự, có 4 loại nghiệp.

    2) Phần nghiệp phân loại theo tuần tự cho quả của nghiệp, có 4 loại nghiệp.

    3) Phần nghiệp phân loại theo thời gian cho quả của nghiệp, có 4 loại nghiệp.

    4) Phần nghiệp phân loại theo cảnh giới cho quả của nghiệp, có 4 loại nghiệp.

    4 phần nghiệp mà mỗi phần có 4 loại nghiệp thành 16 loại nghiệp.

    16 loại nghiệp này gồm có 2 loại nghiệp là:

    1) Bất thiện nghiệp (ác nghiệp) đó là tác ý tâm sở đồng sinh với 12 bất thiện tâm (12 ác tâm: 8 tâm tham + 2 tâm sân + 2 tâm si); có 12 bất thiện nghiệp (12 ác nghiệp) tính theo 12 bất thiện tâm.

    Bất thiện nghiệp (ác nghiệp) được tạo do nương nhờ nơi thân, khẩu, ý; có 10 bất thiện nghiệp (10 ác nghiệp) tính theo 3 môn.

    1. Thiện nghiệp đó là tác ý tâm sở đồng sinh với 21 thiện tâm, có 21 thiện nghiệp tính theo 21 thiện tâm.

    21 thiện nghiệp phân loại theo tam giới thì có 4 loại thiện nghiệp như sau:

    - 8 dục giới đại thiện nghiệp đó là tác ý tâm sở đồng sinh với 8 dục giới đại thiện tâm. Dục giới thiện nghiệp được tạo do nương nhờ thân, khẩu, ý có 10 thiện nghiệp tính theo 3 môn.

    - 5 sắc giới thiện nghiệp đó là tác ý tâm sở đồng sinh với 5 bậc thiền sắc giới thiện tâm.

    - 4 vô sắc giới thiện nghiệp đó là tác ý tâm sở đồng sinh với 4 bậc thiền vô sắc giới thiện tâm.

    - 4 Siêu tam giới thiện nghiệp đó là tác ý tâm sở đồng sinh với 4 Thánh Đạo Tâm.

    Con người hoàn toàn có quyền chọn tạo ác nghiệp nào hoặc tạo thiện nghiệp nào tuỳ theo khả năng của mình. Như vậy, chúng ta hoàn toàn chủ động trong việc tạo ác nghiệp hoặc tạo thiện nghiệp. Những ác nghiệp nào hoặc những thiện nghiệp nào mà chính ta đã tạo, những ác nghiệp ấy hoặc những thiện nghiệp ấy là của riêng ta, hoàn toàn không phải của chung một ai, không liên quan đến người khác, chúng sinh khác. Như Đức Phật dạy:

    - “Kammassako’mhi: Nghiệp là của riêng ta”.

    Quả của các ác nghiệp - Quả của các thiện nghiệp

    1) Quả của các ác nghiệp

    a) Quả của các ác nghiệp trong kiếp hiện tại:

    12 loại ác nghiệp hoặc 10 loại ác nghiệp trong 12 ác tâm, nếu ác nghiệp nào có cơ hội cho quả trong kiếp hiện tại, thì ác tâm ấy sinh 7 quả tâm đó là 7 bất thiện quả vô nhân tâm, tiếp nhận những đối tượng xấu, không đáng hài lòng.

    b) Quả của các ác nghiệp trong kiếp sau có 2 thời kỳ:

    Thời kỳ tái sinh kiếp sau:

    11 ác nghiệp trong 11 ác tâm (không có tâm si hợp với phóng tâm) sinh quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau có 1 quả tâm đó là suy xét tâm hợp với thọ xả thuộc bất thiện quả vô nhân tâm làm phận sự tái sinh trong 4 cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh, tuỳ theo năng lực của quả của ác nghiệp ấy.

    Thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu:

    12 ác nghiệp trong 12 ác tâm sinh quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu, có 7 quả tâm đó là 7 bất thiện quả vô nhân tâm tiếp nhận những đối tượng xấu, không đáng hài lòng.

    2) Quả của các thiện nghiệp

    a) Quả của dục giới đại thiện nghiệp

    * Quả của dục giới đại thiện nghiệp trong kiếp hiện tại:

    Dục giới đại thiện nghiệp trong 8 dục giới đại thiện tâm.

    Nếu dục giới đại thiện nghiệp nào có cơ hội cho quả trong kiếp hiện tại, thì dục giới đại thiện tâm ấy sinh 8 quả tâm đó là 8 thiện quả vô nhân tâm tiếp nhận những đối tượng tốt, đáng hài lòng.

    * Quả của dục giới đại thiện nghiệp trong kiếp sau có 2 thời kỳ:

    - Thời kỳ tái sinh kiếp sau:

    8 dục giới đại thiện nghiệp trong 8 dục giới đại thiện tâm có cơ hội sinh quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau có 9 quả tâm đó là 8 dục giới đại quả tâm và 1 suy xét tâm hợp với thọ xả thuộc thiện quả vô nhân tâm, 9 quả tâm này làm phận sự tái sinh kiếp sau trong 7 cõi thiện dục giới: Cõi người và 6 cõi trời dục giới.

    - Thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu:

    8 dục giới đại thiện nghiệp trong 8 dục giới đại thiện tâm có cơ hội sinh quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu, có 16 quả tâm đó là 8 dục giới đại quả tâm và 8 thiện quả vô nhân tâm, tiếp nhận đối tượng tốt, đáng hài lòng.

    b) Quả của 5 sắc giới thiện nghiệp

    5 sắc giới thiện nghiệp trong 5 bậc thiền sắc giới thiện tâm, mà 5 bậc thiền sắc giới thiện tâm sinh quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau có 5 quả tâm đó là 5 bậc thiền sắc giới quả tâm làm phận sự hoá sinh trong 15 cõi sắc giới Phạm thiên. Còn tái sinh kiếp sau lên cõi sắc giới Vô Tưởng Thiên bằng nhóm sắc pháp Jīvitanavakakalāpa.

    c) Quả của 4 vô sắc giới thiện nghiệp

    4 vô sắc giới thiện nghiệp trong 4 bậc thiền vô sắc giới thiện tâm, mà 4 bậc thiền vô sắc giới thiện tâm sinh quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau có 4 quả tâm đó là 4 bậc thiền vô sắc giới quả tâm làm phận sự hoá sinh trong 4 cõi trời vô sắc giới Phạm thiên.

    d) Quả của 4 Siêu tam giới thiện nghiệp

    4 Siêu tam giới thiện nghiệp trong 4 Thánh Đạo Tâm cho quả không có thời gian ngăn cách (akālika) đó là 4 Thánh Quả Tâm tương ứng, nghĩa là Thánh Đạo Tâm nào sinh rồi diệt liền thánh quả tâm ấy sinh 2 hoặc 3 sát-na tâm không có thời gian ngăn cách trong cùng Thánh Đạo lộ trình tâm ấy ngay trong kiếp hiện tại.

    4 Thánh Đạo – 4 Thánh Quả tương ứng:

    - Nhập Lưu Thánh Đạo Tâm → Nhập Lưu Thánh Quả Tâm.

    - Nhất Lai Thánh Đạo Tâm → Nhất Lai Thánh Quả Tâm.

    - Bất Lai Thánh Đạo Tâm → Bất Lai Thánh Quả Tâm.

    - Arahán Thánh Đạo Tâm → Arahán Thánh Quả Tâm.

    4 bậc Thánh Nhân trong Phật giáo:

    Hành giả sau khi chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả trở thành bậc Thánh Nhân như sau:

    Chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo - Nhập Lưu Thánh Quả trở thành bậc Thánh Nhập Lưu.

    Chứng đắc Nhất Lai Thánh Đạo - Nhất Lai Thánh Quả trở thành bậc Thánh Nhất Lai.

    Chứng đắc Bất Lai Thánh Đạo - Bất Lai Thánh Quả trở thành bậc Thánh Bất Lai.

    Chứng đắc Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả trở thành bậc Thánh Arahán.

    4 Siêu tam giới thiện nghiệp trong 4 Thánh Đạo Tâm cho quả là 4 Thánh Quả Tâm không có thời gian ngăn cách (akālika) ngay trong kiếp hiện tại.

    4 Siêu tam giới thiện nghiệp hoàn toàn không cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, mà ngược lại làm giảm tái sinh kiếp sau như sau:

    Bậc Thánh Nhập Lưu chỉ còn tái sinh nhiều nhất 7 kiếp nữa trong cõi thiện dục giới. Đến kiếp thứ 7 chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh Arahán rồi tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới.

    Bậc Thánh Nhất Lai chỉ còn tái sinh kiếp sau 1 kiếp nữa trong cõi thiện dục giới. Trong kiếp ấy chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh Arahán rồi tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới.

    Bậc Thánh Bất Lai không còn trở lại tái sinh trong cõi dục giới, chỉ còn tái sinh trong các cõi trời sắc giới rồi sẽ trở thành bậc Thánh Arahán rồi tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới.

    Bậc Thánh Arahán ngay trong kiếp hiện tại khi hết tuổi thọ, đồng thời tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới.

    Thiện nghiệp thần thông (abhiññā kusala)

    Trường hợp đặc biệt, một số hành giả chứng đắc đệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm, rồi luyện phép thần thông thuộc về thần thông tam giới (lokiya abhiññā).

    Thần thông trong tam giới (lokiya abhiññā) có 5 loại:

    1. Iddhividha abhiññā: Thần túc thông là phép thần thông được thành tựu có nhiều loại như:

    Nguyện một người thành nhiều người làm mỗi công việc khác nhau, như trường hợp Ngài Đại đức Cūḷapantha-katthera nguyện thành nhiều vị như Ngài, mỗi vị có khả năng làm mỗi công việc khác nhau.

    Nguyện bay đi hư không như đi trên mặt đất; nguyện xuất hiện đến một nơi khác; nguyện đi qua thành, qua núi như đi qua khoảng trống; nguyện biến hóa thành người già, người trẻ v.v...

    2. Dibbacakkhu abhiññā: Thiên nhãn thông là phép thần thông có khả năng nhìn thấy xa trong thế giới này hay các thế giới khác, cõi chư thiên, cõi phạm thiên, cõi địa ngục v.v... không có gì ngăn che được, như mắt của chư thiên, phạm thiên.

    3. Dibbasota abhiññā: Thiên nhĩ thông là phép thần thông có khả năng nghe rõ tất cả những âm thanh tiếng nói trong thế giới này hay các thế giới khác, cõi chư thiên, cõi phạm thiên; dù âm thanh nhỏ nhất của các loài sinh vật nhỏ bé cũng có khả năng nghe rõ được, như tai của chư thiên, phạm thiên.

    4. Pubbenivāsānussati abhiññā: Túc mạng thông là phép thần thông có khả năng ghi nhớ lại tiền kiếp của mình đã từng sinh trong cõi nào, kiếp ấy như thế nào được ghi nhớ lại rõ mọi chi tiết.

    5. Paracittavijānana abhiññā: Tha tâm thông là phép thần thông có khả năng biết được tâm của người khác đang phát sinh là tâm gì v.v...

    5 phép thần thông này thuộc về thần thông thiện nghiệp trong thần thông thiện tâm được phát sinh do nương nhờ đệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm làm nền tảng. Thần thông thiện nghiệp đã cho quả ngay sau khi thần thông lộ trình tâm phát sinh.

    Quả của thần thông thiện nghiệp chỉ hiện hữu ngay khi ấy trong kiếp hiện tại mà thôi. Cho nên thần thông thiện nghiệp không có khả năng sinh quả tái sinh kiếp sau nữa.

    Và 1 phép thần thông thứ 6 gọi là āsavakkhaya abhiññā: Trầm luân tận thông là trí tuệ thiền tuệ của bậc Thánh Arahán đã tận diệt, đã diệt đoạn tuyệt được hoàn toàn 4 pháp trầm luân không còn dư sót.

    4 pháp trầm luân (āsava) là:

    - Kāmāsava: Trầm luân trong ngũ dục (sắc, thanh, vị, hương, xúc).

    - Bhavāsava: Trầm luân trong kiếp sống

    - Diṭṭhāsava: Trầm luân trong tà kiến

    - Avijjāsava: Trầm luân trong vô minh

    Bậc Thánh Arahán mới có khả năng diệt đoạn tuyệt được hoàn toàn 4 pháp trầm luân này mà thôi, còn các bậc Thánh Nhập Lưu, bậc Thánh Nhất Lai, bậc Thánh Bất Lai chưa có đủ khả năng diệt đoạn tuyệt được hoàn toàn 4 pháp trầm luân này.

    Trầm luân tận thông (āsavakkhaya abhiññā) thuộc về trí tuệ thiền tuệ Siêu tam giới của bậc Thánh Arahán.

    Tóm lại, ác nghiệp nào, thiện nghiệp nào mà ta đã tạo xong, thì ác nghiệp ấy, thiện nghiệp ấy chỉ thuộc về của riêng ta mà thôi, hoàn toàn không liên quan đến người khác, đến chúng sinh khác. Còn quả của ác nghiệp, quả của thiện nghiệp không chỉ trực tiếp ảnh hưởng đến riêng cho ta, mà còn gián tiếp ảnh hưởng đến những người gần gũi, thân cận với ta nữa.
    Itipi so Bhagavà Araham, Sammàsambuddho, Vijjàcaranasampanno, Sugato, Lokavidù, Anuttaro purisadammasàrathi, Satthàdevamanussànam, Buddho, Bhagavà.

  12. #12
    Đai Nâu Avatar của raucucai
    Gia nhập
    Mar 2012
    Nơi cư ngụ
    Sơn La
    Bài gởi
    302

    Mặc định

    ĐOẠN KẾT

    Bộ Nền Tảng Phật Giáo gồm có 7 quyển:

    - Nền Tảng Phật Giáo quyển I: Tam Bảo trình bày về Đức Phật Bảo, Đức Pháp Bảo, Đức Tăng Bảo.

    - Nền Tảng Phật Giáo quyển II: Quy Y Tam Bảo trình bày về quy y Phật Bảo, quy y Pháp Bảo, quy y Tăng Bảo.

    - Nền Tảng Phật Giáo quyển III: Hành Giới trình bày về các loại giới của người tại gia cư sĩ và các loại giới của bậc xuất gia Tỳ khưu, Sadi.

    - Nền Tảng Phật Giáo quyển IV: Nghiệp và Quả Của Nghiệp trình bày về các loại ác nghiệp, các loại thiện nghiệp; và quả của các loại ác nghiệp, quả của các loại thiện nghiệp trong kiếp hiện tại, trong kiếp kế tiếp và những kiếp tiếp theo không giới hạn, cho đến kiếp chót của bậc Thánh Arahán trước khi tịch diệt Niết Bàn.

    Đức Phật dạy:

    “Kammassako’ mhi kammadāyādo kammayoni kamma-bandhu kammapaṭisaraṇo, yaṃ kammaṃ karissāmi kalyāṇaṃ vā pāpakaṃ vā tassa dāyādo bhavissāmi”.

    (Ta có nghiệp là của riêng, ta là người thừa hưởng quả của nghiệp, nghiệp là nhân sinh ra ta, nghiệp là bà con thân quyến của ta, nghiệp là nơi nương nhờ của ta; ta sẽ tạo nghiệp nào ‘thiện nghiệp hoặc ác nghiệp’, ta sẽ là người thừa hưởng ‘quả của thiện nghiệp hoặc quả của ác nghiệp ấy’).

    Danh từ kammassako’ mhi: Ta có nghiệp là của riêng nghĩa là ta đã tạo thiện nghiệp nào hoặc ác nghiệp nào, rồi thiện nghiệp ấy hoặc ác nghiệp ấy là của riêng ta, hoàn toàn không phải của người khác, những người khác không liên quan đến nghiệp ấy của ta.

    Như vậy, trong đời này, ta còn có nhiều tài sản quý báu như cha mẹ, anh chị em, vợ chồng, con cái, bà con thân quyến, nhà cửa, đất đai, ruộng vườn, của cải, tài sản, sự nghiệp v.v… tất cả mọi tài sản quý báu ấy không phải của riêng ta, có phải vậy hay không?

    Kammassako: Nghiệp là của riêng mình, mỗi chúng sinh đều có nghiệp là của riêng họ, họ là người thừa hưởng quả của nghiệp của họ, nghiệp của họ sinh ra họ, nghiệp của họ là thân quyến theo hộ trì, hỗ trợ suốt cuộc đời của họ, nghiệp của họ là nơi nương nhờ của họ từ kiếp này sang kiếp khác trong vòng tử sinh luân hồi trong 3 giới 4 loài. Cho nên, nếu họ đã tạo thiện nghiệp nào thì họ được thừa hưởng quả an lạc của thiện nghiệp ấy của họ. Và nếu họ đã tạo ác nghiệp nào thì họ phải chịu thừa hưởng quả khổ của ác nghiệp ấy của họ.

    Như vậy, ta có nghiệp chắc chắn là của riêng ta, thì mỗi chúng sinh cũng đều có nghiệp là chắc chắn của riêng họ. Cho nên, ngoài nghiệp chắc chắn là của riêng ta ra, còn lại tất cả tài sản quý báu khác ở trong đời đều là của chung mà mỗi người tạm thời thay phiên nhau làm chủ, song vẫn còn tuỳ thuộc vào năng lực quả của nghiệp của họ.

    Ví dụ: Ông A và bà B là vợ chồng của nhau (ông A là chồng của bà B và bà B là vợ của ông A). Vợ chồng ông A và bà B sinh ra những đứa con.

    Bây giờ, ông A là cha của các đứa con, và bà B là mẹ của các đứa con. Và ông A, bà B còn là con của 2 gia đình ông bà khác, là anh chị em, chú bác, cô dì, v.v… của những người trong gia đình dòng họ của ông A và bà B.

    Nếu vợ chồng ông A và bà B sống chung hòa thuận với nhau đến trọn đời; khi ông A chết trước, nều thiện nghiệp của ông A có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, ví dụ tái sinh làm người đàn ông hoặc đàn bà, nếu là đàn ông thì ông sẽ có vợ khác, nếu là đàn bà thì bà sẽ có chồng khác.

    Khi bà B chết sau, nếu thiện nghiệp của bà B có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, ví dụ tái sinh làm người đàn ông hoặc người đàn bà, nếu là đàn ông thì ông sẽ có vợ khác, nếu là đàn bà thì bà sẽ có chồng khác.

    Nếu vợ chồng ông A và bà B sống chung không hòa thuận với nhau, vợ chồng phải ly dị với nhau. Ông A có vợ khác, bà B có chồng khác. Khi ấy ông A không phải là chồng của bà B nữa, mà là chồng của người đàn bà khác. Và bà B không phải là vợ của ông A nữa mà là vợ của người đàn ông khác.

    Trường hợp đặc biệt nếu ông A hoặc bà B thực hành thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc đến Bất Lai Thánh Đạo - Bất Lai Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Bất Lai, thì chắc chắn ông A và bà B không còn là vợ chồng sống chung với nhau nữa.

    Cho nên, vợ chồng không phải là chắc chắn của riêng nhau được.

    Tương tự như vậy, nhà cửa, đất đai, ruộng vườn, của cải, tài sản, sự nghiệp, … trong đời này, tất cả đều là của chung mà mỗi người tạm thời thay phiên nhau làm chủ, song cũng vẫn còn tuỳ thuộc vào năng lực quả của nghiệp của họ, vậy duy nhất chỉ có thiện nghiệp, ác nghiệp chắc chắn là của riêng mình mà thôi.

    Thật ra, thiện nghiệp, ác nghiệp đó là tác ý tâm sở thuộc về danh pháp (nāmadhamma) không phải là vật chất bên ngoài, không phải hình ảnh màu sắc để thấy bằng mắt; cũng không phải âm thanh để nghe bằng tai; cũng không phải các thứ mùi để ngửi bằng mũi; cũng không phải các thứ vị để nếm bằng lưỡi; cũng không phải thể chất cứng mềm, nóng lạnh để biết bằng thân. Thiện nghiệp, ác nghiệp chỉ biết bằng tâm và được lưu trữ, tích luỹ bên trong tâm trải qua vô số kiếp từ vô thuỷ cho đến kiếp hiện tại này.

    Mỗi người chúng ta đã tạo thiện nghiệp nào, ác nghiệp nào thì tất cả mọi thiện nghiệp ấy, tất cả mọi ác nghiệp ấy chắc chắn chỉ là của riêng ta mà thôi. Còn các thứ tài sản, đất đai, ruộng vườn, nhà cửa, xe cộ, v.v… hiện hữu trong đời này, cũng chỉ là một thứ quả của thiện nghiệp của họ mà thôi; quả của thiện nghiệp này có thời gian mãn hạn.

    Ví dụ: Một gia đình giàu sang có nhiều của cải, tài sản đó là quả của thiện nghiệp của chủ nhà; gia đình chỉ có duy nhất một đứa con, nên nó được hưởng mọi sự an lạc. Khi cha mẹ qua đời, đứa con ấy có quyền thừa hưởng mọi gia tài của cha mẹ để lại. Nhưng gia tài ấy vốn là quả của thiện nghiệp của cha mẹ, không phải là quả của thiện nghiệp của đứa con. Do đó, thời gian trải qua không lâu, tất cả của cải tài sản ấy, đứa con không có khả năng giữ gìn làm chủ được, cho nên, nhà cửa đất đai, ruộng vườn v.v… đều bị bán lại cho người khác làm chủ. Về sau, người con trở thành người nghèo khổ, bởi vì những kiếp quá khứ không tạo phước thiện bố thí của cái đến cho những người khác.

    Thật ra, thiện nghiệp nào, ác nghiệp nào mà ta đã tạo trong những kiếp quá khứ từ vô thuỷ trải qua vô số kiếp cho đến kiếp hiện tại này, tất cả mọi thiện nghiệp ấy, tất cả mọi ác nghiệp ấy chắc chắn là của riêng ta, được tích luỹ lưu trữ trong tâm từ kiếp này sang kiếp khác.

    Dĩ nhiên sắc thân phải thay đổi theo từng mỗi kiếp, còn tâm sinh rồi diệt, diệt rồi sinh, từ kiếp này sang kiếp khác, từ vô thuỷ trải qua vô số kiếp cho đến kiếp hiện tại này, mà trong tâm ấy đều có tích luỹ, lưu trữ tất cả mọi thiện nghiệp của ta, tất cả mọi ác nghiệp của ta; trong vòng tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài:

    Nếu khi nào thiện nghiệp có cơ hội sinh quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, thì được tái sinh trong cõi thiện giới, hưởng được mọi quả an lạc của thiện nghiệp ấy của ta.

    Nếu khi nào ác nghiệp có cơ hội sinh quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, thì phải tái sinh trong 4 cõi ác giới, chịu quả khổ của ác nghiệp ấy của ta.

    Ví dụ: Những tiền kiếp của Đức Phật Gotama là Đức Bồ Tát có trí tuệ ưu việt đã từng tạo các thiện nghiệp gọi là pháp hạnh ba-la-mật trải qua 3 thời kỳ:

    Thời kỳ đầu: Đức Bồ Tát tiền kiếp của Đức Phật Gotama đã từng phát nguyện trong tâm, có ý nguyện muốn trở thành một Đức Phật Chánh Đẳng Giác để tế độ cứu vớt chúng sinh giải thoát khỏi biển khổ tử sinh luân hồi; rồi Ngài cố gắng tinh tấn tạo các pháp hạnh ba-la-mật suốt thời gian 7 a-tăng-kỳ.

    Thời kỳ giữa: Đức Bồ Tát tiền kiếp của Đức Phật Gotama đã từng phát nguyện ra lời, để cho chúng sinh nghe hiểu ý nguyện của Ngài muốn trở thành một Đức Phật Chánh Đẳng Giác; rồi Ngài cố gắng tinh tấn tạo các pháp hạnh ba-la-mật suốt thời gian 9 a-tăng-kỳ.

    Đức Bồ Tát đã từng tạo các pháp hạnh ba-la-mật trải qua 2 thời kỳ gồm 16 a-tăng-kỳ vẫn còn là Đức Bồ Tát bất định (aniyatabodhisatta).

    Thời kỳ cuối: Đức Bồ Tát tiền kiếp của Đức Phật Gotama là Đức Bồ Tát Đạo sĩ Sumedha đến hầu Đức Phật Dīpaṅkara, Đức Bồ Tát Đạo sĩ Sumedha được Đức Phật Dīpaṅkara thọ ký xác định thời gian còn lại rằng:

    “Trong thời vị lai, còn 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất nữa, vị Bồ Tát Đạo sĩ Sumedha này sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác có danh hiệu là Đức Phật Gotama…”

    Sau khi Đức Phật Dīpaṅkara thọ ký xong, bắt đầu từ kiếp ấy, Đức Bồ Tát trở thành Đức Bồ Tát cố định (niyata-bodhisatta). Đức Bồ Tát cố gắng tinh tấn tiếp tục bồi bổ 30 pháp hạnh ba-la-mật cho được đầy đủ trọn vẹn.

    Đến kiếp chót là Đức Bồ Tát Thái tử Siddhattha đản sinh ra đời, Đức Bồ Tát Thái tử Siddhattha có đầy đủ 32 tướng tốt của Bậc Đại Nhân và 80 tướng tốt phụ chắc chắn sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác.

    32 tướng tốt của Bậc Đại Nhân và 80 tướng tốt phụ đó là quả của các thiện nghiệp gọi là 30 pháp hạnh ba-la-mật mà những tiền kiếp của Ngài đã từng tạo các thiện nghiệp ấy, rồi được tích luỹ lưu trữ trong tâm từ kiếp này sang kiếp khác cho đến kiếp chót là kiếp Đức Bồ Tát Thái tử Siddhattha đã trải qua 20 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất.

    Vào năm tròn 35 tuổi, Đức Bồ Tát Thái tử Siddhattha đã trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác có danh hiệu là Đức Phật Gotama. Đó cũng là quả của 30 pháp hạnh ba-la-mật đầy đủ trọn vẹn của Ngài.

    Cũng như vậy, chư Đức Bồ Tát Độc Giác, chư Đức Bồ Tát Tối Thượng Thanh Văn Giác, chư Đức Bồ Tát Đại Thanh Văn Giác, chư Đức Bồ Tát Thanh Văn Giác cũng đã tạo các thiện nghiệp gọi là các pháp hạnh ba-la-mật, rồi các pháp hạnh ba-la-mật ấy của mỗi vị được tích luỹ, lưu trữ trong tâm từ kiếp này sang kiếp khác, trải qua vô số kiếp quá khứ cho đến kiếp hiện tại, cho đến khi các pháp hạnh ba-la-mật ấy của mỗi vị đầy đủ trọn vẹn, rồi mới có khả năng trở thành Đức Phật Độc Giác, bậc Thánh Tối Thượng Thanh Văn Giác, bậc Thánh Đại Thanh Văn Giác, bậc Thánh Arahán bậc thường tuỳ theo hạnh nguyện của mỗi vị.

    Điều chắc chắn chư Đức Bồ Tát ấy tạo các pháp hạnh ba-la-mật không phải chỉ trong một kiếp hiện tại mà có thể trở thành Đức Phật Độc Giác, bậc Thánh Tối Thượng Thanh Văn Giác, bậc Thánh Đại Thanh Văn Giác, bậc Thánh Arahán bậc thường được.

    Ví dụ: Các thí sinh tốt nghiệp phổ thông không phải chỉ có ngày thi hôm ấy, mà thực ra mỗi thí sinh đã từng tích luỹ, lưu trữ kiến thức học tập từ các thầy, cô trải qua nhiều năm từ lớp mẫu giáo cho đến lớp 12. Người thí sinh thi đậu, được cấp bằng tốt nghiệp phổ thông, đó là kết quả học tập tốt suốt nhiều năm qua.

    Mỗi chúng sinh còn là phàm nhân (chưa phải bậc Thánh Arahán), mỗi khi chúng sinh ấy chết, phần thân (sắc uẩn) được hỏa táng chỉ còn xương và tro, còn phần tâm (4 danh uẩn) sinh rồi diệt, diệt rồi sinh có tích luỹ, lưu trữ tất cả mọi thiện nghiệp, mọi ác nghiệp từ vô thuỷ trải qua vô số kiếp cho đến kiếp hiện tại trước khi chết:

    Nếu thiện nghiệp có cơ hội sinh quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, thì được tái sinh trong cõi thiện dục giới (cõi người hoặc các cõi trời) tuỳ theo quả của thiện nghiệp ấy, được hưởng quả an lạc của thiện nghiệp của mình trong cõi thiện giới ấy cho đến khi mãn quả của thiện nghiệp ấy.

    Nếu ác nghiệp có cơ hội sinh quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, thì phải chịu tái sinh trong 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh) phải chịu quả khổ của ác nghiệp của mình, cho đến khi mãn quả của ác nghiệp ấy.

    Tóm lại, nghiệp và quả của nghiệp có các điểm chính như sau:

    - Ta có nghiệp chắc chắn là của riêng (kammassako’mhi) không phải của chung với ai.

    - Ta sẽ tạo nghiệp nào ‘thiện nghiệp hoặc ác nghiệp’ (yaṃ kammaṃ karissāmi kalyāṇaṃ vā pāpakaṃ vā) nghĩa là ta chưa tạo nghiệp nào, hoặc trước khi tạo nghiệp nào, chính ta hoàn toàn chủ động lựa chọn nên tạo nghiệp nào và không nên tạo nghiệp nào. Đó là quyền lựa chọn của ta.

    Đối với chư bậc thiện trí là người có đức tin nơi Tam Bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, tin chắc chắn rằng:

    “Thiện nghiệp cho quả tốt, quả an lạc,

    Ác nghiệp cho quả xấu, quả khổ đau”.

    Chư bậc thiện trí có trí tuệ sáng suốt, có chánh kiến về nghiệp của mình (kammassakatā sammādiṭṭhi) hoàn toàn chủ động lựa chọn nên tạo mọi thiện nghiệp, và tránh xa mọi ác nghiệp.

    Đối với hạng người không có đức tin nơi Tam Bảo, không tin nghiệp và quả của nghiệp, nên thường hay chủ động lựa chọn tạo mọi ác nghiệp mà không tạo mọi thiện nghiệp. Mặc dù họ không tin nghiệp và quả của nghiệp, song nghiệp vẫn hiện hữu và quả của nghiệp vẫn hiện hữu.

    Ta sẽ là người thừa hưởng quả an lạc của thiện nghiệp ấy của ta hoặc thừa hưởng quả khổ của ác nghiệp ấy của ta (tassa dāyado bhavissāmi) nghĩa là khi ta đã tạo thiện nghiệp nào hoặc đã tạo ác nghiệp nào rồi, chắc chắn ta sẽ là người trực tiếp thừa hưởng quả tốt, quả an lạc của thiện nghiệp của ta hoặc thừa hưởng quả xấu, quả khổ của ác nghiệp của ta; ta hoàn toàn bị động thừa hưởng quả tốt, quả an lạc của thiện nghiệp của ta, hoặc ta hoàn toàn bị động phải chịu quả xấu, quả khổ của ác nghiệp của ta. Đó là sự công bằng của nghiệp và quả của nghiệp.

    Đối với bậc thiện trí có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, có trí tuệ sáng suốt nhận thức đúng đắn về nghiệp và quả của nghiệp, cho nên, khi bị động thừa hưởng quả tốt, quả an lạc của thiện nghiệp của mình, thì không phát sinh tâm tham ái, chấp thủ nơi quả tốt, quả an lạc ấy, mà cố gắng tạo mọi thiện nghiệp hơn nữa. Như vậy, bậc thiện trí không tự làm khổ mình, không làm khổ người, không tự làm khổ mình lẫn người.

    Đối với người không có đức tin nơi Tam Bảo, không tin nghiệp và quả của nghiệp, không có trí tuệ sáng suốt, không biết nhận thức đúng đắn về nghiệp và quả của nghiệp, cho nên, khi bị động gặp phải quả xấu, quả khổ của ác nghiệp của mình, thì phát sinh tâm sân hận trách người này, người khác, trách số phận của mình v.v... Người ấy chỉ tự làm khổ mình, làm khổ người, tự làm khổ mình lẫn người mà thôi.

    Sự thật nghiệp và quả của nghiệp

    Thiện nghiệp nào hoặc ác nghiệp nào mà ta đã tạo, thiện nghiệp ấy hoặc ác nghiệp ấy chỉ thuộc về riêng mình ta mà thôi, không liên quan đến người khác. Song quả tốt, quả an lạc của thiện nghiệp của ta không chỉ trực tiếp thuộc riêng ta, mà còn ảnh hưởng gián tiếp đến những người thân cận, gần gủi với ta nữa; cũng như vậy, quả xấu, quả khổ của ác nghiệp của ta cũng không chỉ trực tiếp thuộc riêng ta, mà còn ảnh hưởng gián tiếp đến những người thân cận, gần gủi với ta nữa.

    Quả tốt, quả an lạc của thiện nghiệp

    Ví dụ:

    Tiền kiếp của Ngài Đại đức Sīvali là một người cận sự nam trong một gia đình giàu có. Một hôm đến chùa nghe Đức Phật Padumuttara thuyết pháp. Khi ấy, Đức Phật tuyên dương một vị đệ tử tên Sudassana là bậc Thánh Đại Thanh Văn có tài lộc bậc nhất trong hàng đệ tử của Ngài. Người cận sự nam, tiền kiếp của Ngài Đại đức Sīvali nhìn thấy vị Đại đức Sudassana, liền phát sinh thân tâm trong sạch, có nguyện vọng muốn trở thành bậc Thánh Đại Thanh Văn có tài lộc bậc nhất như vị Đại đức Sudassana, trong hàng Thanh Văn đệ tử của Đức Phật vị lai.

    Người cận sự nam ấy đã làm phước thiện bố thí những món vật thực ngon lành suốt 7 ngày, đến ngày thứ 7 còn cúng dường tam y đến Đức Phật Padumuttara cùng 500 (năm trăm) vị Tỳ khưu Tăng mỗi vị 1 bộ. Sau khi dâng tam y xong, người cận sự nam ấy đến đảnh lễ Đức Phật, rồi ngồi một nơi hợp lẽ, bèn bạch rằng:

    - Kính bạch Đức Thế Tôn, phước thiện bố thí mà con đã tạo suốt 7 ngày qua, con không cầu mong gì khác hơn là có nguyện vọng muốn trở thành bậc Thánh Đại Thanh Văn có tài lộc bậc nhất trong hàng Thanh Văn đệ tử của Đức Phật trong vị lai như ngôi vị cao quý của Ngài Đại đức Sudassana, bậc Thánh Đại Thanh Văn của Đức Thế Tôn bây giờ.

    Đức Phật Padumuttara dùng trí tuệ vị lai kiến minh thấy rõ, biết rõ nguyện vọng của người cận sự nam này sẽ thành tựu trong kiếp vị lai, nên Ngài thọ ký rằng:

    - “Này chư Tỳ khưu, kể từ kiếp trái đất này, trong thời vị lai sẽ trải qua 100 ngàn đại kiếp trái đất, đến kiếp trái đất gọi Bhaddakappa có Đức Phật Gotama((1)) xuất hiện trên thế gian. Khi ấy, người cận sự nam này sẽ sinh trong hoàng tộc, từ bỏ nhà xuất gia sẽ trở thành bậc Thánh Đại Thanh Văn có tài lộc bậc nhất trong các hàng Thanh Văn đệ tử của Đức Phật Gotama, như Sudassana bậc Thánh Đại Thanh Văn của Như Lai bây giờ”.

    Lắng nghe lời thọ ký của Đức Phật Padumuttara, người cận sự nam vô cùng hoan hỷ tạo phước thiện bố thí 4 thứ vật dụng đến Đức Phật cùng chư Đại đức Tỳ khưu Tăng đến trọn đời.

    Trong vòng tử sinh luân hồi do phước thiện ấy chỉ cho quả tái sinh khi thì làm chư thiên cao quý trong các cõi trời dục giới, hoặc khi thì làm người cao quý trong cõi người. Khi làm người thì là người có thiện tâm hoan hỷ tạo mọi phước thiện bố thí mà ít có người nào sánh được. Cho nên trong vòng tử sinh luân hồi, kiếp nào cũng không hề bị sa đọa vào trong 4 cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh.

    Trong thời kỳ Đức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, hậu kiếp của người cận sự nam trong thời kỳ Đức Phật Padumuttara do thiện nghiệp cho quả tái sinh vào lòng Công chúa Suppavāsa xứ Koliya.

    Từ khi Ngài tái sinh vào trong lòng mẹ, thường ngày mọi người đem những thứ lễ vật quý giá đến kính biếu bà và mọi người xung quanh trong dòng họ của bà.

    Khi Ngài hạ sinh ra đời, được đặt tên là Công tử Sīvali, Ngài xuất gia lúc 7 tuổi lẻ 7 ngày. Ngài Đại đức Sāriputta sẽ là vị thầy tế độ, và Ngài Đại đức Mahāmoggallāna sẽ là vị thầy truyền tam quy. Trong khi Ngài Đại đức Mahāmoggallāna bắt đầu cạo tóc, giới tử Sīvali thực hành thiền định căn bản niệm tưởng 32 thể trược và tiếp tục thực hành thiền tuệ, phát sinh trí tuệ thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc từ Nhập Lưu Thánh Đạo - Nhập Lưu Thánh Quả và Niết Bàn cho đến chứng đắc Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả và Niết Bàn trở thành bậc Thánh Arahán cùng với Tứ tuệ phân tích, Lục thông v.v... ngay khi lễ cạo tóc vừa xong, rồi giới tử Sīvali làm lễ thọ Sadi.

    Kể từ ngày Đại đức Sīvali trở thành Sadi, hằng ngày không những các hàng cận sự nam, cận sự nữ dâng cúng dường 4 thứ vật dụng đến cho Ngài cùng chư Đại đức Tỳ khưu, mà còn chư thiên, Long vương cũng dâng cúng dường nữa.

    Từ đó, những thứ vật dụng được phát sinh đến chư Đại đức Tỳ khưu càng ngày càng dồi dào, sung túc mà trước đây chưa từng có.

    Khi Ngài Đại đức Sīvali tròn 20 tuổi, được làm lễ nâng lên bậc Tỳ khưu, những thứ vật dụng lại càng được phát sinh dồi dào đến chư Đại đức Tỳ khưu nhiều hơn nữa.

    Hễ mỗi khi có đoàn chư Tỳ khưu đông đảo phải đi tế độ chúng sinh từ xứ này sang xứ khác trên con đường dài, đi qua vùng hẻo lánh, không có dân cư; nhưng nếu có Ngài Đại đức Sīvali cùng đi trong đoàn, đến giờ khất thực, do năng lực phước thiện bố thí của Ngài Đại đức Sīvali, thì khiến cho chư thiên hóa ra xóm làng, thành thị, hiện ra dân cư đông đúc cúng dường y phục, vật thực, chỗ ở, thuốc trị bệnh đầy đủ đến chư Đại đức Tỳ khưu.

    Khi đoàn chư Đại đức Tỳ khưu đi khỏi vùng ấy, thì xóm làng, thành thị kia biến mất.

    Một hôm, chư Tỳ khưu hội họp bàn về Ngài Đại đức Sīvali có nhiều tài lộc đặc biệt không chỉ được phát sinh đến cho Ngài, mà còn đến tất cả chư Tỳ khưu, dù nhiều bao nhiêu vị cũng vẫn đầy đủ, sung túc.

    Thật là điều phi thường, không những các hàng cận sự nam, cận sự nữ, mà còn có chư thiên, Long vương cũng đem lễ vật, các thứ vật dụng dâng cúng dường đến cho Ngài cùng tất cả chư Tỳ khưu bao nhiêu vị cũng vẫn đầy đủ, sung túc.

    Trong khi chư Tỳ khưu đang bàn luận về lợi lộc đặc biệt của Ngài Đại đức Sīvali, thì Đức Thế Tôn ngự đến, Ngài truyền dạy rằng:

    - “Các con đang bàn luận về chuyện gì vậy?”

    Chư Tỳ khưu bạch rằng:

    - Kính bạch Đức Thế Tôn, chúng con đang bàn về quả phước thiện đặc biệt của vị Đại đức Sīvali.

    Nhân dịp ấy, Đức Thế Tôn chủ trì buổi hội chư Tỳ khưu Tăng, Ngài tuyên dương Đại đức Sīvali trước các hàng Thanh Văn đệ tử rằng:

    - “Etaggaṃ bhikkhave, mama sāvakānaṃ lābhīnaṃ yadidaṃ Sīvali!”

    (Này chư Tỳ khưu, Sīvali là bậc Thánh Đại Thanh Văn có tài lộc bậc nhất trong các hàng Thanh Văn đệ tử của Như Lai).

    Ngài Đại đức Sīvali là bậc Thánh Đại Thanh Văn có tài lộc bậc nhất trong các hàng Thanh Văn đệ tử của Đức Phật Gotama. Đó là kết quả thành tựu của nguyện vọng mà Ngài đã từng phát nguyện từ thời Đức Phật Padumuttara trong quá khứ.

    Quả xấu, quả khổ của ác nghiệp

    Ví dụ:

    Trong thời kỳ Đức Phật Kassapa, tiền kiếp của Ngài Đại đức Losakatissa là một vị Tỳ khưu chủ chùa. Một hôm, một vị Tăng khác là bậc Thánh Arahán đến vùng ấy; người thí chủ là người xây dựng ngôi chùa và hộ độ chư Tỳ khưu trong chùa, khi nhìn thấy vị Tăng khách, liền phát sinh đức tin trong sạch nơi Ngài, ông bèn thỉnh Ngài vào nhà, để bát cúng vật thực xong, rồi kính thỉnh vị Tăng khách đến nghỉ lại tại ngôi chùa.

    Vị Tỳ khưu chủ chùa nhìn thấy người thí chủ lần đầu tiên gặp vị Tăng khách này tiếp đón quá niềm nở, khiến cho vị Tỳ khưu chủ chùa nghĩ rằng:

    “Ta là chủ chùa đã nhiều năm, mà ông thí chủ không từng đối xử tốt, niềm nở với ta như vị Tăng khách này”.

    Do đó, vị Tỳ khưu chủ chùa đón tiếp vị Tăng khách một cách lạnh nhạt.

    Chiều hôm ấy, người thí chủ đến chùa kính thỉnh vị Tăng khách cùng với vị Tỳ khưu chủ chùa ngày hôm sau đến tư gia để cúng dường vật thực.

    Vị Tỳ khưu chủ chùa phát sinh lòng ganh tỵ, nên sáng hôm sau làm bộ dùng ngón tay đánh chuông báo giờ khất thực, rồi một mình đến nhà thí chủ.

    Người thí chủ hỏi về vị Tăng khách, vị Tỳ khưu chủ chùa nói xấu vị Tăng khách đủ điều. Người thí chủ vốn có đức tin trong sạch nơi vị Tăng khách, nên không tin lời của vị Tỳ khưu chủ chùa. Người thí chủ cúng dường vật thực ngon lành đến vị Tỳ khưu chủ chùa, sau khi vị Tỳ khưu chủ chùa độ xong, ông thí chủ để trong bát một phần gửi đem về cúng dường vị Tăng khách. Trên đường đi, vị Tỳ khưu chủ chùa nghĩ rằng:

    “Nếu ta đem vật thực ngon lành này về cho vị Tăng khách ấy, thì dù ta lôi ông ra khỏi chùa, chắc gì ông đã chịu đi; tốt hơn ta nên đổ bỏ bát vật thực này”.

    Vị Tỳ khưu chủ chùa đã thực hiện ý định ấy. Khi về đến chùa, không nhìn thấy vị Tăng khách nữa, vị Tỳ khưu chủ chùa hối hận việc làm tội lỗi của mình. Sau khi vị Tỳ khưu chủ chùa chết, ác nghiệp cho quả tái sinh trong cõi địa ngục, khi mãn quả của ác nghiệp trong cõi địa ngục, do năng lực ác nghiệp ấy còn dư sót lại cho quả tái sinh làm ngạ quỷ, làm súc sinh... dù tái sinh kiếp nào cũng chịu cảnh đói khát.

    Thời kỳ Đức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, hậu kiếp của vị Tỳ khưu chủ chùa, do thiện nghiệp cho quả tái sinh đầu thai trong gia đình ở xóm nhà có 1.000 (một ngàn) gia đình dân chài; do năng lực quả ác nghiệp trong tiền kiếp của thai nhi, khiến cho 1.000 gia đình dân chài phải chịu cảnh đói khổ. Ông trưởng xóm dân chài đoán biết rằng: “Chắc có người kālakaṇṇī (người xúi quẩy) trong xóm dân chài mình, ta nên chia xóm dân chài thành 2 nhóm, mỗi nhóm 500 (năm trăm) gia đình”.

    Gia đình cha mẹ của thai nhi ở nhóm 500 gia đình nào, thì nhóm 500 gia đình ấy cũng phải chịu cảnh đói khổ; còn nhóm 500 gia đình kia vẫn làm ăn sinh sống bình thường.

    Thấy vậy, ông trưởng xóm lại chia nhóm gia đình có cha mẹ thai nhi ra làm 2 nhóm, mỗi nhóm 250 (hai trăm năm mươi) gia đình, và cứ như vậy lại chia ra làm 2 nhóm, mỗi nhóm 125 (một trăm hai mươi lăm) gia đình v.v... cuối cùng chỉ còn 2 gia đình, gia đình cha mẹ của thai nhi, do năng lực quả ác nghiệp trong tiền kiếp của thai nhi, khiến cho gia đình cha mẹ phải chịu cảnh đói khổ cùng cực. Cho đến khi đủ tháng, người mẹ sinh ra Ngài đặt tên là Losakatissa, cha mẹ của Ngài vất vả khổ cực lắm mới nuôi dưỡng Ngài lớn lên được 7 tuổi.

    Một hôm, người mẹ dẫn Ngài đi xin ăn, trao cho Ngài một cái bát để đi xin ăn, rồi người mẹ trốn đi, bỏ Ngài một mình bơ vơ đói khổ.

    Khi ấy, Ngài Đại đức Sāriputta nhìn thấy đứa bé Losaka-tissa khốn khổ nên phát sinh tâm bi mẫn muốn cứu giúp nó, Ngài dẫn nó về chùa cho làm lễ xuất gia trở thành Sadi.

    Hằng ngày vị Sadi Losakatissa đi khất thực, có được rất ít vật thực nên thường chịu cảnh đói khổ. Đến khi đủ 20 tuổi, Ngài Đại đức Sāriputta làm lễ nâng vị Sadi Losakatissa lên bậc Tỳ khưu.

    Tuy đã trở thành Tỳ khưu Losakatissa, nhưng Ngài đi khất thực mỗi ngày độ vẫn không đủ no, thường chịu cảnh đói khổ. Song Ngài cố gắng tinh tấn thực hành thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Arahán cao thượng; do nhờ thiện nghiệp pháp hạnh ba-la-mật mà Ngài đã từng tạo và tích lũy từ nhiều đời, nhiều kiếp trong quá khứ.

    Tuy nhiên, suốt cuộc đời của Ngài từ khi sinh ra đời cho đến trước khi tịch diệt Niết Bàn vẫn thường chịu cảnh đói khổ, bởi do quả ác nghiệp ngăn cản vật thực của bậc Thánh Arahán.

    Mỗi người đều có quyền chủ động lựa chọn tạo thiện nghiệp hoặc ác nghiệp; khi đã tạo thiện nghiệp hoặc ác nghiệp xong rồi:

    - Nếu thiện nghiệp có cơ hội cho quả, thì người ấy là người thừa hưởng quả tốt, quả an lạc của thiện nghiệp ấy một cách bị động mà không có quyền lựa chọn, chỉ chấp nhận dễ dàng quả tốt, quả an lạc của thiện nghiệp ấy mà thôi.

    - Nếu ác nghiệp có cơ hội cho quả thì người ấy cũng là người thừa hưởng quả xấu, quả khổ đau của ác nghiệp ấy một cách bị động mà không có quyền lựa chọn, chỉ chấp nhận quả xấu, quả khổ đau của ác nghiệp ấy mà thôi, không thể tránh khỏi được.

    Như vậy, muốn được quả tốt, quả an lạc thì nên biết lựa chọn tạo thiện nghiệp. Và không muốn quả xấu, quả khổ đau, thì không nên lựa chọn tạo ác nghiệp.

    Đức Phật dạy:

    “Asevanā ca bālānaṃ,

    Paṇḍitānañca sevanā...

    Etaṃ maṅgalamuttamaṃ”

    Ý nghĩa:

    Không nên gần gủi thân cận với kẻ ác,

    Nên gần gủi thân cận với bậc thiện trí...

    Đó là điều hạnh phúc an lành cao thượng nhất.

    Nhận thức về nghiệp và quả của nghiệp

    Tất cả mọi chúng sinh nói chung, con người nói riêng hoàn toàn chịu sự chi phối bởi quả của thiện nghiệp hoặc quả của ác nghiệp không ngoại trừ một ai, dù là Đức Phật Chánh Đẳng Giác cũng vẫn không tránh khỏi quả của ác nghiệp, huống hồ những chúng sinh khác.

    Định luật nhân quả nghiệp và quả của nghiệp như sau:

    - Thiện nghiệp có cơ hội cho quả tốt, quả an lạc trong kiếp hiện tại và những kiếp vị lai cho đến kiếp chót của bậc Thánh Arahán trước khi tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

    - Ác nghiệp có cơ hội cho quả xấu, quả khổ trong kiếp hiện tại và những kiếp vị lai cho đến kiếp chót của bậc Thánh Arahán trước khi tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

    - Thiện nghiệp nào hoặc ác nghiệp nào, nếu khi có đầy đủ điều kiện và cơ hội, thì thiện nghiệp ấy hoặc ác nghiệp ấy mới có cơ hội cho quả của nó. Và nếu không có đủ điều kiện và cơ hội, thì thiện nghiệp ấy hoặc ác nghiệp ấy không có cơ hội cho quả của nó được.

    Tất cả mọi thiện nghiệp hoặc tất cả mọi ác nghiệp không nhất thiết đều phải cho quả của chúng, nhưng nếu một khi quả tốt, quả an lạc phát sinh, được hiện hữu, thì điều chắc chắn phải phát sinh từ thiện nghiệp của mình; hoặc nếu một khi quả xấu, quả khổ phát sinh, được hiện hữu, thì điều chắc chắn phải phát sinh từ ác nghiệp của mình. Ngoài thiện nghiệp hoặc ác nghiệp của mình ra chắc chắn không một Đấng nào có quyền năng tối thượng ban phước lành đặc biệt đến cho riêng ai được an lạc; và chắc chắn cũng không một Đấng nào có quyền năng tối thượng hành tội đặc biệt đến cho riêng ai phải khổ đau.

    Tuy nhiên, nếu người nào có tác ý thiện tâm trong sạch tôn kính Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng, tin nghiệp và quả của nghiệp, đó là thiện nghiệp, thì người ấy được hưởng sự an lạc do nhờ thiện tâm của họ đối với Tam Bảo. Còn nếu người nào có tác ý ác tâm khinh thường Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng, không tin nghiệp và quả của nghiệp, đó là ác nghiệp, thì người ấy phải chịu quả khổ do bởi ác tâm của họ đối với Tam Bảo.

    Quả của thiện nghiệp nào hoặc quả của ác nghiệp nào đều có thời hạn mau hoặc lâu hoàn toàn tùy thuộc vào năng lực của thiện nghiệp ấy hoặc ác nghiệp ấy.

    Những quan niệm về nghiệp và quả của nghiệp

    - Một số người có quan niệm rằng:

    “Hễ còn nghiệp thì còn có quả của nghiệp, còn phải tái sinh kiếp sau”.

    Điều ấy chắc chắn không đúng đối với chư bậc Thánh Arahán, bởi vì quý Ngài vẫn còn mọi thiện nghiệp, mọi ác nghiệp mà quý Ngài đã từng tạo và tích lũy từ vô thủy trải qua vô số kiếp quá khứ cho đến kiếp hiện tại trước khi trở thành bậc Thánh Arahán. Thực ra, chư bậc Thánh Arahán tuy không tạo thêm nghiệp mới, nhưng tất cả mọi nghiệp cũ vẫn còn, nếu thiện nghiệp nào hoặc ác nghiệp nào có cơ hội cho quả của nó, thì thiện nghiệp ấy hoặc ác nghiệp ấy vẫn chỉ có khả năng cho quả cho đến trước khi tịch diệt Niết Bàn mà thôi. Khi bậc Thánh Arahán tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới, đồng thời tất cả mọi thiện nghiệp, và mọi ác nghiệp đều trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosi kamma) vĩnh viễn không còn hiệu lực cho quả của nghiệp nữa.

    Như vậy, sau khi chư bậc Thánh Arahán tịch diệt Niết Bàn, không còn tái sinh kiếp sau nữa, bởi vì quý Ngài đã diệt đoạn tuyệt được tất cả mọi tham ái, mọi phiền não không còn dư sót nữa, chứ không phải vì hết nghiệp.

    - Một số người có quan niệm rằng:

    “Cố gắng làm phước để xóa tội” có nghĩa là cố gắng tạo thiện nghiệp để xóa bỏ ác nghiệp.

    Điều ấy cũng không thể được, bởi vì ác nghiệp đã tạo trong thời quá khứ đã qua, còn thiện nghiệp đang tạo trong lúc hiện tại, không thể trở lui lại thời gian quá khứ để xóa bỏ ác nghiệp ấy. Nhưng khi tạo thiện nghiệp trong thời hiện tại, có khả năng làm giảm bớt tiềm năng cho quả của ác nghiệp quá khứ ấy.

    Ví dụ: 1 kg muối có vị mặn nhiều, người ta đem 1 kg muối ấy đổ vào trong hồ lớn, rồi đổ nhiều khối nước vào hồ lớn, thì làm cho vị mặn của 1 kg muối ấy bị tan loãng ra, cho nên vị mặn của muối không còn như trước nữa. Cũng như vậy, một người nào trước kia đã tạo ác nghiệp, về sau người ấy cố gắng tinh tấn tạo nhiều thiện nghiệp, chính nhờ thiện nghiệp sau này làm giảm bớt tiềm năng cho quả của ác nghiệp trước kia, nhưng không thể xóa được ác nghiệp trước kia.

    - Một số người có quan niệm rằng:

    “Ráng chịu quả khổ để trả cho xong ác nghiệp” có nghĩa là nghiệp như món nợ, ráng cố gắng chịu đựng khổ để trả cho hết nợ.

    Thật ra, ác nghiệp không phải là món nợ, nếu ác nghiệp nào có cơ hội, thì ác nghiệp ấy có khả năng cho quả khổ trong kiếp hiện tại, trong những kiếp vị lai cho đến kiếp chót của bậc Thánh Arahán trước khi tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới.

    - Một số người thấy quả hiện hữu trong kiếp hiện tại, có quan niệm sai về nghiệp:

    Trong đời này, một số người không học hỏi hiểu biết về nghiệp và quả của nghiệp, thì chỉ thấy quả hiện hữu trong kiếp hiện tại, rồi có quan niệm sai về nghiệp và quả của nghiệp.

    Thực ra, quả hiện hữu như thế nào, chắc chắn quả ấy phải phát sinh từ nghiệp như thế ấy. Như vậy, quả nào thì nghiệp ấy, nghiệp nào thì quả ấy; nghiệp và quả của nghiệp luôn luôn tương ứng với nhau.

    Ví dụ: Ông cận sự nam Mahākāla là bậc Thánh Nhập Lưu đến ngôi chùa Jetavana để thọ trì bát giới uposathasīla, rồi nghe pháp suốt đêm. Đến rạng đông, trên đường trở về nhà ông ghé xuống hồ nước trước ngôi chùa Jevanata để rửa mặt. Khi ấy, một tên trộm lấy của cải người khác chạy theo con đường đến ngôi chùa Jetavana; biết có người đang đuổi theo sau, khi chạy ngang qua hồ nước, y liền ném gói đồ của cải xuống hồ để thoát thân. Gói của cải ấy rơi ngay chỗ của người cận sự nam Mahākāla đang ngồi rửa mặt. Nhóm người đuổi theo nhìn thấy gói đồ của cải bên cạnh người cận sự nam, họ liền bắt ông cận sự nam Mahākāla, với tang vật rõ ràng họ kết tội ông là tên trộm và đánh đập ông cho đến chết (sau khi ông chết, thiện nghiệp cho quả tái sinh lên cõi trời dục giới).

    Nếu chỉ nhìn theo quả hiện hữu trong kiếp hiện tại, thì ông cận sự nam Mahākāla bị chết oan. Nhưng sự thật, tiền kiếp của ông cận sự nam Mahākāla là người trạm trưởng đã từng vu oan người chồng trẻ ăn trộm viên ngọc maṇī của mình, rồi đánh người chồng trẻ ấy chết, để chiếm đoạt người vợ trẻ đẹp của người chồng ấy.

    Do ác nghiệp vu oan giết người chồng trẻ mà ông cận sự nam Mahākāla đã tạo trong quá khứ ấy, cho nên, mỗi khi được tái sinh làm người, ông thường bị đánh chết oan như vậy.

    - Trường hợp một người cận sự nam có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, thường làm phước thiện bố thí tùy theo khả năng, có giới hạnh trong sạch, làm nghề lương thiện đúng theo chánh nghiệp và chánh mạng; thế mà, ông cận sự nam ấy thường bị thất bại trong lĩnh vực kinh doanh, phải vay mượn, mắc nợ người khác, lâm vào cảnh nghèo khó, túng thiếu, thậm chí còn bị người ta xiết nợ...

    Nếu xét theo quả hiện hữu trong kiếp hiện tại, thì người cận sự nam ấy làm phước thiện (tạo thiện nghiệp) mà không được quả tốt, quả an lạc. Nhưng nếu xét theo nghiệp và quả của nghiệp, thì đó là trường hợp ác nghiệp mà người cận sự nam ấy đã từng tạo trong những kiếp quá khứ hoặc đã từng tạo trước kia (trong kiếp hiện tại) có cơ hội cho quả làm hãm hại công việc làm ăn, còn thiện nghiệp đã tạo trong kiếp hiện tại chưa có cơ hội cho quả của nó.

    - Trường hợp khác, một số người không tin nơi nghiệp và quả của nghiệp, hằng ngày họ hành nghề ác nghiệp sát sinh giết trâu, bò, heo, gà, vịt... để bán thịt nuôi mạng; họ là người tạo tà nghiệp sống bằng tà mạng; thế mà họ vẫn giàu sang, có nhiều của cải tài sản, nhà cao cửa rộng, xe cộ sang trọng, đời sống sung túc đầy đủ.

    Một số người làm vũ khí săn bắt, giết hại chúng sinh, hoặc buôn bán các chất say như heroin, ma túy, rượu, thuốc lá... thế mà họ vẫn giàu sang, có nhiều tiền của.

    Một số người trộm cắp, tham nhũng, hối lộ của công, của tập thể, của nhà nước... thế mà họ vẫn giàu sang, có quyền cao chức trọng.

    - Nếu xét theo quả hiện hữu trong kiếp hiện tại, thì số người ấy đã tạo ác nghiệp mà không bị quả xấu, quả khổ thân.

    - Nếu xét theo nghiệp và quả của nghiệp, thì ác nghiệp đang tạo trong kiếp hiện tại hỗ trợ cho kiếp hiện tại của số người ấy có nhiều của cải tài sản, cuộc sống đầy đủ sung túc... Nhưng nếu khi ác nghiệp ấy có cơ hội trực tiếp cho quả, thì ngay trong kiếp hiện tại người ấy phải chịu nhiều quả khổ. Và sau khi chết, ác nghiệp ấy cho quả tái sinh kiếp sau trong 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh)... và ác nghiệp ấy còn cho quả trong những kiếp sau không có giới hạn.

    Nghiệp và quả của nghiệp vô cùng sâu sắc, vi tế, khó hiểu, cho nên, chỉ có đức tin nơi nghiệp và quả của nghiệp mà thôi. Ác nghiệp hoặc thiện nghiệp nếu có cơ hội, có khả năng cho quả ngay trong kiếp hiện tại, kiếp kế tiếp và trong những kiếp sau không có giới hạn. Những quả hiện hữu trong kiếp hiện tại được sinh từ nghiệp quá khứ của kiếp hiện tại, hoặc được sinh từ nghiệp của những kiếp quá khứ.

    “Quan niệm về thuyết định mệnh của con người”

    Theo quan niệm về thuyết định mệnh, thì mỗi người có số mệnh đã định sẵn từ trước, không thể cưỡng lại được số mệnh của mình, mà đành phải chịu những điều may hoặc rủi, hên hoặc xui, an lạc hoặc đau khổ, giàu hoặc nghèo v.v... đều là do số mệnh của mỗi người.

    Những điều ấy hoàn toàn khác với nghiệp và quả của nghiệp. Vì sao?

    Bởi vì thiện nghiệp nào hoặc ác nghiệp nào có cơ hội, hội đủ điều kiện của nó, thì thiện nghiệp ấy hoặc ác nghiệp ấy mới có cơ hội cho quả của nó. Quả an lạc của thiện nghiệp hoặc quả khổ của ác nghiệp ấy đều có thời gian lâu hoặc mau hoàn toàn tùy thuộc vào năng lực của thiện nghiệp ấy hoặc ác nghiệp ấy.

    Đặc biệt, trong kiếp hiện tại, nếu người nào tạo thiện nghiệp nào có nhiều năng lực do hội đủ điều kiện; hoặc ác nghiệp nào có nhiều năng lực, thì thiện nghiệp ấy hoặc ác nghiệp ấy có cơ hội cho quả của nó ngay trong kiếp hiện tại đối với người ấy. Quả của nghiệp trong kiếp hiện tại này có thể làm giảm bớt tiềm năng hoặc thay đổi được quả hiện hữu của nghiệp quá khứ.

    Ví dụ:

    - Trường hợp ông bà Puṇṇa là người nghèo khó đi làm thuê. Một buổi sáng hôm ấy, ông Puṇṇa và bà Puṇṇa làm phước thiện bố thí cúng dường đến Ngài Đại đức Sāriputta vừa xả diệt thọ tưởng đi khất thực. Sau khi làm phước xong, ngay ngày hôm ấy thuở ruộng mà ông Puṇṇa đã cày, những luống đất cày ấy trở thành những thỏi vàng ròng. Và cũng trong ngày hôm ấy, Đức vua ban cho vợ chồng ông Puṇṇa tước vị đại phú hộ có nhiều vàng.

    Như vậy, quả của thiện nghiệp ấy làm thay đổi kiếp nghèo khổ trở thành người đại phú hộ chỉ trong một ngày.

    - Trường hợp tên Nandamāṇava hãm hiếp Đại đức Tỳ khưu ni Uppalavaṇṇattherī vừa xong, thì mặt đất nứt làm hai phun lửa lên rút tên Nandamāṇava vào trong lòng đất. Sau khi tên Nandamāṇava chết, ác nghiệp ấy cho quả tái sinh trong cõi địa ngục Avīci, chịu quả khổ thiêu đốt suốt thời gian lâu dài.

    Như vậy, quả của ác nghiệp ấy đã chuyển kiếp người của Nandamāṇava trở thành kiếp chúng sinh trong cõi địa ngục Avīci ngay trong ngày hôm ấy.

    - Một số người có quan niệm: “Có sự hên xui, may rủi”

    Trong đời này, có một số người không có đức tin nơi nghiệp và quả của nghiệp, không biết đến nghiệp và quả của nghiệp; họ chỉ tin hên xui, may rủi mà thôi.

    Ví dụ:

    Một đứa trẻ được sinh ra trong một gia đình giàu sang phú quý, có quyền cao chức trọng, có nhiều của cải tài sản,... Đứa trẻ ấy được mọi người trong gia đình hết mực thương yêu, quý mến, cho nên nó được chăm nom nuôi dưỡng rất đặc biệt, nó được hưởng mọi sự an lạc từ nhỏ cho đến lúc trưởng thành... Người ta cho rằng: “Đứa trẻ ấy gặp hên, gặp may được sinh ra trong gia đình giàu sang phú quý”.

    Thực ra, đứa bé được sinh ra trong gia đình giàu sang phú quý... đó là quả của thiện nghiệp mà tiền kiếp của đứa bé ấy đã từng tạo trong những kiếp quá khứ. Khi thiện nghiệp ấy có cơ hội cho quả được sinh ra trong gia đình giàu sang phú quý... không phải đứa bé ấy gặp hên, gặp may.

    - Trong một đoàn người đang làm việc, có một người bị tai nạn gãy chân, rồi bị thương tật chịu khổ suốt đời. Người ta nói rằng: “Người ấy gặp xui, gặp rủi nên bị tai nạn gãy chân, bị thương tật chịu khổ suốt đời”.

    Thực ra, gãy chân bị thương tật chịu khổ suốt đời, đó là quả của ác nghiệp mà người ấy đã từng tạo trong những kiếp quá khứ. Khi ác nghiệp ấy có cơ hội cho quả nên bị tai nạn làm gãy chân bị thương tật suốt đời.

    - Trong đời này, chỉ có sự hiện hữu quả tốt, quả an lạc của thiện nghiệp; và quả xấu, quả khổ của ác nghiệp mà thôi. Do không hiểu biết về nghiệp và quả của nghiệp, cho nên người ta nói là hên xui, may rủi.

    Chư Đức Bồ Tát là bậc thiện trí có quan niệm đúng đắn về nghiệp nên cố gắng tinh tấn tạo mọi thiện nghiệp gọi là các pháp hạnh ba-la-mật cho đầy đủ trọn vẹn để trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, hoặc Đức Phật Độc Giác, hoặc bậc Thánh Tối Thượng Thanh Văn Giác, hoặc bậc Thánh Đại Thanh Văn Giác, hoặc bậc Thánh Arahán hạng thường, rồi tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài, giải thoát khỏi sự ảnh hưởng, sự chi phối của nghiệp và quả của nghiệp.

    Mùa an cư nhập hạ P.L 2551

    Tại rừng núi Viên Không

    Tỳ khưu Hộ Pháp

    (Dhammarakkhita Bhikkhu)
    Itipi so Bhagavà Araham, Sammàsambuddho, Vijjàcaranasampanno, Sugato, Lokavidù, Anuttaro purisadammasàrathi, Satthàdevamanussànam, Buddho, Bhagavà.

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. kinh nghiệm luyện thần quyền!
    By ledaithanh2009 in forum Thần Quyền
    Trả lời: 54
    Bài mới gởi: 10-09-2012, 10:10 AM
  2. Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 03-04-2012, 11:54 AM
  3. Đại thừa trang nghiêm kinh quyển bốn
    By khoatin in forum Mật Tông
    Trả lời: 2
    Bài mới gởi: 05-09-2011, 04:50 PM
  4. Những cô gái theo nghiệp quyền anh
    By hungdac in forum Võ Thuật
    Trả lời: 2
    Bài mới gởi: 07-04-2011, 03:57 PM
  5. Kinh Thủ Lăng Nghiêm-quyển Bốn
    By kieplangthang in forum Mật Tông
    Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 28-02-2008, 12:43 PM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •