Xin chào các huynh, tỉ,muội

Tôi nghĩ mình thật may mắn, khi biết đến diễn đàn này, để học hỏi trao đổi, để được giúp đỡ. Trên diến đàn nhà mình đa phần là người tốt, và nhiều người học rộng hiểu sâu. Tôi có cơ duyên được bác Trần Tình nhiệt tình mà giúp đỡ, trên con đường đạo này. Bác đã cho tôi những lời khuyên chân thành, giúp tôi hiểu nhiều hơn về con đường mình đang đi và sẽ đến. Hôm nay tôi mạn phép xin post một mail riêng mà bác gửi cho tôi, chỉ mong bác lượng thứ vì hậu bối cứ nhắm mắt mà " Tiền trảm, hậu tấu". nhưng vì tôi nghĩ lá thư này có thể giúp không chỉ riêng tôi mà còn cho cả mọi người. Tôi nghĩ nếu chúng ta có 10 câu hỏi thắc mắc về đạo, về con đường tu. Thì lá thư này của bác, chắc cũng đã trả lời được ít nhất 5 phần. Đọc những lời tâm huyết của bác xong, tôi thấy mình thực sự đã lỗi đạo rất nhiều, thực sự còn phải tu sửa bản thân rất nhiều. Còn các bạn không biết có như tôi không?
Một lần nữa, vô cùng xin lỗi bác vì sự chia sẻ này. Nhưng quả thực, trong cái riêng có rất nhiều cái chung.

Mail sent by Tran Tình

Hôm qua tôi cũng suy nghĩ nhiều về tâm sự của bạn về Đạo về Đời.

Nay tôi xin một chút thời gian để nói về cái lý sự này nhé.

Bạn thân mến,
Sống ở trên cõi Ta Bà này đường đời đường đạo, sự tu sự học phải viên dung điều hòa.
Không thể quá coi trọng việc tu mà bỏ qua việc đời cũng như không nên vì đời vô thường mà không tu không học, than trời trách đất để cho đường tu đứt đoạn.
Nói như việc của bạn, tôi thấy có điều cần góp ý, mong bạn hoan hỉ cho.


1. Đạo Đời- Mê Tỉnh:
Người đời ta chỉ vì u mê tăm tối mà chẳng nhận ra lý đạo phép trời, nên vì đời mà quên đạo hoặc ngược lại thì đều là mê.

Các Thầy có dạy tôi rằng, nếu con có 10 đồng, mà con để 7 đồng phụng dưỡng cha mẹ- nuôi con con khôn lớn..., 2 đồng chăm lo việc đời và một đồng mua hương lễ Phật lễ Trời thì là đạo chính.
Nếu bạn giành hết cả tâm sức của mình, có nghĩa là thời gian, tiền của, sức lực, tâm tâm nguyện nguyện phụng sự Phật Thánh mà quên mất trách nhiệm với nhân gian xã hội như cha mẹ, đạo hữu, con cái, chồng vợ, công việc... thì cái sự tu ấy mới được một phần. Sự tu viên dung phải gồm có 2 mặt đủ đầy là đời và đạo.

Tu Đạo để lấy tâm lấy tuệ, là tu để hiểu nghĩa thánh hiền, hiểu ý trời xa. Tu là để xả bỏ oán thù, gieo nhân trồng nghĩa, đắp gốc trồng cây, trả nợ đất trời, trả nghiệp tiền kiếp và hiện kiếp... để trở thành người có nhân có nghĩa, có trí có dũng, có tâm từ của cửa Phật Trời cao xa.
Nhưng tu đạo mà quên mất tu đời thì cái đó nó như người đi một chân, người nhìn một mắt. Tu đời là thực hành những đạo lý trong đạo mà phổ độ chúng sinh, mà giúp người giúp mình, giúp cho thân nhân, cho gia đình, cho bạn hữu, rộng ra cho đến những người không thân không thích, không phải anh em, chẳng phải họ hàng, gần xa hết thảy chúng sinh đang nổi chìm lặn lội trong sáu ngả luân hồi trong ba cõi pháp giới.

Vậy có thể hiểu nôm na, tu trong cõi này là trải nghiệm, là trả nghiệp cũ, là gieo nhân lành mới. “Tu Đạo” là sự “Học” và “Tu Đời” là sự “Hành”.
Học hành phải song song, có học mà không có hành thì cuồng loạn, có hành mà chẳng chịu học thì sớm muộn cũng lầm lạc vào đường mê.
Tu đến khi nào Đạo Đời Viên Dung, không còn giới hạn, không còn ngăn cách, để nhị nguyên quy nhất diện mới tròn công đạt quả.
Đời ta sống trong cõi Ta-Bà vô thường này thì chỉ mong trả một góc nợ đời là đã mãn nguyện rồi chứ chẳng mong ngôi cao lộc cả làm vương làm tướng gì.

Bởi thế tôi rất tâm đắc câu thơ của Đức Vua Thiền Sư Trần Nhân Tông:

“Cư trần lạc đạo thả tuỳ duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”.

Bản dịch:

Ở đời vui đạo hãy tuỳ duyên
Đói đến thì ăn mệt ngủ liền
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Đối cảnh không tâm chớ hỏi thiền.
Vậy nên, tôi khuyên bạn hãy thong dong nhẹ bước hồng trần, thõng tay vào chợ xuôi dòng nhân gian.

2. Đạo Đời Viên Dung:
Trừ các bậc Sa-di xuất gia cứu đời, còn như chúng ta ai chẳng có thân nhân gia đình.
Gia đình ấy phải hiểu là mối quan hệ qua lại tương hỗ giữa người với người, là quan hệ cha mẹ với mình. mình với con cái, mình với chồng/ vợ, mình với đạo hữu (trong gia đình nhà đạo), mình với chúng sinh vạn vật hữu tình.
Chính những người xung quanh ta là các vị hành giả, là các vị chủ nợ, là ân tình là thù oán, là nhân là nghĩa...

Vậy thì khi bạn hiểu rằng những người xung quanh ta đến với ta để thực hiện nhân quả, trả ân báo oán thì ta nên vui vui vẻ vẻ để mà càm hóa, để mà thương yêu.
Mình mình tu được đã là điều tốt, nhưng nếu mình tu mà lại bỏ chức phận của mình, thì lậy Phật đãi xá, tu thế là mang thêm tội đấy.

Tôi nói ví dụ thế này hôm nay là ngày trọng đại, kỉ niệm ngày cưới của 2 vợ chồng, bạn vì mải khóa lễ mà muộn giờ ăn tối.
Hôm nay là đêm giao thừa, mọi người hồ hởi chúc mừng nhau, bạn lại mải mê niệm Phật cầu an.
Hôm nay là ngày con bạn tới trường buổi đầu tiên, bạn lại mải đi cứu tế giúp cho trẻ em nghèo cơ nhỡ....
Hôm nay bạn phải giao lô hàng này đúng giờ mà mải vì đi công quả quét chùa, bạn làm việc chậm trễ...

Có thể nói hàng ngàn hàng vạn ví dụ, nhưng trong tất cả các ví dụ ấy, chúng ta cần rút ra một kinh nghiệm rằng một mình ta gánh vác không hay bằng cả nhà gánh vác để cùng chia cùng xẻ. Thực hành hoặc học đạo phải đúng lúc đúng nơi, tùy duyên mà phương tiện, phải biết sắp xếp cho chu viên hoàn hảo, không nên khiên cưỡng để cho 2 việc phải hợp hòa mới là lẽ đúng.

Bạn đi lễ Phật mà mọi người trong nhà bạn âu lo, bạn đi hầu Thánh mà chồng, con, vợ, bạn sợ hãi lánh xa là lỗi đời lỗi đạo.

Tất nhiên, tôi không nói là việc lấy được sự cảm thông của mọi người là dễ dàng gì.

Người ta trên đời, người thượng căn, người trung căn, kẻ hạ căn, duyên nghiệp mỗi người một khác, không thể một sớm một chiều mọi người hiểu và thông cảm được.

Trên hết, ta cần phải tôn trọng mọi người, yêu thương trân trọng cuộc sống hiện tại, sống có nhân có nghĩa, thực hành hạnh nhẫn nhục & hạnh bố thí, phát tâm từ bi phát hạnh nguyện Bồ-tát thì mới mong dần cảm hóa được mọi người.

Bạn nên dũng cảm nói ra sự thật lòng mình và tùy cơ khuyến khích mọi người hành thiện tích đức.
Với tùy từng trường hợp mà có biện pháp và ngôn ngữ sử dụng cho thích hợp để sao cho lí trời pháp đạo thâm nhập được vào mọi người bằng con đường ngắn nhất.

Đấy mới là đúng chứ nếu cứ phải nói dối mãi thì e rằng là không được.

Đôi lời tâm sự cùng bạn, mong bạn hoan hỉ nhé.

Trân trọng,
Trần Tình.