THÊM MỘT ĐIỀU KỲ DIỆU VỀ ANH HÙNG NGUYỄN VĂN HIỆU

37 năm trôi qua, trong tiềm thức của gia đình và đồng đội, ai cũng nghĩ máu xương của anh đã hoà quyện cùng biển khơi.

Nhưng bất ngờ, thêm một điều kỳ diệu đã đến...

Có được điều kỳ diệu ấy là nhờ tài năng của các nhà ngoại cảm của Liên hiệp Khoa học - Công nghệ tin học ứng dụng (UIA) và sự quan tâm đầy trách nhiệm của Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an, của các sĩ quan, chiến sĩ Vùng 5 Hải quân - đồng đội của người anh hùng.

Người con đất Quảng anh hùng

Nguyễn Văn Hiệu là một người con của đất Quảng Nam giàu truyền thống cách mạng. Năm 1951, rời quê hương anh nhập ngũ. Năm 1954, tập kết ra Bắc, anh được cử đi học rồi xuất ngũ chuyển ngành về công tác tại Đoàn đánh cá Hạ Long.

Nhưng, như những người tập kết ra Bắc, anh chỉ mong chờ từng ngày được trở về miền Nam chiến đấu. Năm 1962, khát vọng ấy đã thành hiện thực, Nguyễn Văn Hiệu được trở lại quân đội, biên chế vào Đoàn 125 - Bộ Tư lệnh Hải quân. Nguyễn Văn Hiệu trở thành sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam, là chính trị viên kiêm bí thư chi bộ của tàu 645 - Đoàn 125.

Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu luôn là chỗ dựa tinh thần của cả đơn vị. Anh cùng đồng đội đã vận chuyển thành công 13 chuyến hàng vào Nam. Đến chuyến thứ 14, tàu 645 hai lần nhổ neo ra đi, song đều bị tàu địch kèm chặt, nên đành quay lại.

Ngày 12.4.1972, lần thứ ba tàu ra khơi, mang hàng cho quân khu 9. Đúng 17 giờ ngày 23.4.1972, khi chỉ còn cách Phú Quốc chừng 60 hải lý, tàu nhận được bức điện báo ngắn ngủi từ Bộ Tổng Tham mưu: "Bến động!".

Không còn cách nào khác, thuyền trưởng Lê Hà và chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu quyết định cho tàu quay mũi, lao ra vùng biển quốc tế. Đang lúc quay ra tàu ta chạm trán với một tàu khu trục Mỹ từ phía vịnh Thái Lan đi tới. Ngoài ra, phía trước còn có ba tàu địch nữa. Trong tình thế bị bao vây tứ phía, thuyền trưởng Lê Hà và chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu cho tàu phóng thật nhanh ra vùng biển quốc tế. Tàu khu trục Mỹ kèm sát, muốn "bắt sống" tàu 645. Đôi bên vờn nhau tới 5 giờ sáng hôm sau. Đến 7 giờ 45, địch xác định tàu 645 là của "Bắc Việt giả dạng", chúng lập tức gọi loa dụ hàng. Gọi hàng không xong, chúng bắn một loạt đạn uy hiếp trước mũi tàu ta. Lúc này, tàu 645 của ta mới nổ súng đánh trả.

9 giờ sáng. Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu vẫn bình tĩnh động viên các chiến sĩ, phát huy hết hoả lực quyết liệt chống trả địch. Nhưng, bất ngờ, một quả đạn pháo lớn của địch bắn trúng bánh lái, tàu không thể di chuyển được nữa! Lại thêm 6 thuỷ thủ ta hy sinh, bị thương. Nguyễn Văn Hiệu yêu cầu thuyền trưởng Lê Hà dẫn anh em nhảy xuống biển, rời tàu. Chính anh sẽ là người cuối cùng rời tàu. Chất nổ được ém sẵn vào khoang máy.

Khi đồng đội đã xuống biển, Nguyễn Văn Hiệu vừa phát tín hiệu giả để kìm chân địch, vừa huỷ hết tài liệu. Xong đâu đấy, anh định nhảy xuống nước, thì thấy một tình huống vô cùng nguy hiểm: 16 chiến sĩ ta, phần lớn bị thương, phải cụm lại dìu nhau bơi. Con tàu mất lái, chạy vòng tròn, lúc thì đến gần đồng đội của anh, lúc thì lùi ra xa. Nếu tàu nổ tung, tính mạng của 16 đồng đội sẽ lâm nguy! Chính vì vậy, anh quyết định không rời tàu, thay đổi cách thức điểm hoả huỷ tàu.

Lo lắng cho tính mạng đồng đội, anh hét to: "Các đồng chí, khẩn trương lên chứ! Tôi sẽ về sau! Hãy báo cáo với Đoàn là tôi đã hoàn thành nhiệm vụ!". Quay vào buồng lái, anh đánh bức điện cuối cùng về miền Bắc: "Báo cáo với Đoàn, tôi, chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu, đã hoàn thành nhiệm vụ. Cho tôi gửi lời chào chiến thắng!". Sau tín hiệu ấy, thấy tàu địch đang đến gần và biết chắc đồng đội đã ở khoảng cách an toàn, anh điểm nổ. Con tàu phát ra tiếng nổ long trời, tung lên cột nước trắng xoá, cao hàng chục mét.

Chính trị viên, bí thư chi bộ Nguyễn Văn Hiệu đã ra đi như thế! Năm ấy, anh vừa tròn bốn mươi.

Trung uý Nguyễn Văn Hiệu đã được Nhà nước ta tặng thưởng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhất, hạng Nhì. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, anh được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

16 thuỷ thủ, chiến sĩ còn lại của con tàu 645 đều bị địch bắt, giam tại nhà tù Phú Quốc. Năm 1973, sau Hiệp định Paris, các anh mới được trao trả về miền Bắc.

Vợ con anh nơi đất cảng Hải Phòng và những người đồng đội của anh ai cũng nghĩ rằng, kể từ ngày 24.4.1972 ấy, cùng với con tàu 645 nổ tung, chắc hẳn thân thể của anh đã hoà cùng sóng nước nơi vùng biển xa phía tây nam của Tổ Quốc...

Các chiến sĩ hải quân miệt mài tìm kiếm hài cốt Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Hiệu.

Tín hiệu đầu tiên
Nguyễn Văn Hiệu ra đi, để lại mấy đứa con nhỏ cho người vợ trẻ ở phường Máy Tơ, quận Hồng Bàng, Hải Phòng. Vượt lên nỗi đau, sự mất mát, chị một mình nuôi con khôn lớn, trưởng thành.

Noi gương ông, giờ đây, người con trai đầu, anh Nguyễn Đình Phương, hiện giữ chức Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra Công an thành phố Hải Phòng. Như các anh em mình, anh Phương tự hào về ba mình và luôn mong được một lần gặp linh hồn ba dù chỉ trong mơ.

Vũ Tuấn là cháu rể của anh Phương. Tuấn thường được nghe chú kể về người cha của chú, Anh hùng Nguyễn Văn Hiệu. Và Tuấn nung nấu suy nghĩ phải làm được một điều gì đó, dù nhỏ bé, để giúp đỡ chú.

Những lần về thăm bố mẹ ở Hà Nội, Tuấn vẫn nghe bà con, bạn bè nói về ngôi nhà số 1 phố Đông Tác, phường Kim Liên, Hà Nội. Được biết, đó là trụ sở của Liên hiệp Khoa học - Công nghệ Tin học ứng dụng (UIA). Tuấn bàn với chú Phương "Để con lên đăng ký. May ra mình sẽ gặp được linh hồn ông nhà ta".

Mất một ngày trời lân la tìm hiểu, mắt thấy tai nghe, Tuấn mới tin nơi đây là một "linh địa" để các gia đình triệu hồn các vong linh người thân đã mất trở về gặp gỡ, chuyện trò. Nhưng hỏi những gia đình đang đến đó "áp vong", họ cho Tuấn biết là đã đăng ký cách đây những 3-4 tháng.

Tuấn gọi điện thoại cho PGS-TS Ngô Tiến Quý - Viện trưởng Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công An nhờ chú giúp đỡ. Ông Quý nhiệt tình" Đây là trường hợp của liệt sĩ Anh hùng nên sẽ được ưu tiên". Rồi chú cho gia đình địa chỉ của cô Nguyễn Thị Nguyện (một nhà ngoại cảm thuộc UIA quản lý). Sau khi nghe anh trình bày, cô Nguyện nói: "Khó lắm đấy. Cháu nên đi "áp vong" xem có tín hiệu không đã rồi mới triển khai các bước tiếp theo". Câu cuối cùng cô Nguyện nói với anh lúc ấy là: "Quay lại đây, nếu cháu và cô có duyên với nhau!".

Liền sau đó, Tuấn lại đến số 1 Đông Tác, Hà Nội xin tìm gặp ông Tổng Giám đốc Vũ Thế Khanh để trình bày. Nghe xong chuyện, ông Khanh lập tức chỉ đạo để xếp lịch ưu tiên "giao lưu sớm"- "Vì đây là trường hợp liệt sĩ Anh hùng!".

Một tuần sau, gia đình anh Phương và Tuấn có mặt tại Liên hiệp. Đúng 6 giờ, gia đình thắp hương trên tam bảo tầng 4 và xuống tầng 2. Thật bất ngờ, khoảng hơn 1 giờ sau, liệt sĩ linh hiển về nhập ngay vào người con dâu là Thoa, vợ anh Phương. Điều đặc biệt, bất ngờ nhất là linh hồn liệt sĩ Nguyễn Văn Hiệu nói: "Các con hãy đi tìm ba! Xương cốt ba vẫn còn. Ba sẽ phù hộ để các con tìm thấy. Ba muốn được về. Chứ ở đây, ba không có đồng đội, buồn lắm!".

Sau lần "giao lưu trực tiếp", các cán bộ của UIA tiếp tục hướng dẫn gia đình anh Phương làm lễ cầu siêu cho tất cả hương linh họ tộc và liệt sĩ trước. Sau đó, Liên hiệp khoa học UIA sẽ sắp xếp để gia đình được gặp nhà ngoại cảm.

Đãi cát đi tìm

Dù vẫn còn có người bàn ra tán vào, cuối cùng anh Nguyễn Đình Phương vẫn quyết tâm sẽ lên đường đi tìm hài cốt. Trước khi đi, anh Phương lại lên Liên hiệp UIA. Ông Vũ Thế Khanh - Tổng Giám đốc Liên hiệp UIA - ân cần, dặn dò anh Phương rất kỹ và cung cấp thêm một số điện thoại của các nhà ngoại cảm khác, trong đó có số điện thoại của cô Năm Nghĩa (tức Nguyễn Minh Nghĩa - một nhà ngoại cảm tận tâm, tài năng và hiện cũng đang tìm mộ liệt sĩ tại đảo Phú Quốc), rồi nói thêm: "Vào trong đó, có gì khó khăn thì cứ gọi cho chị Nghĩa, nói là được anh Khanh giới thiệu!".

Ngày 15.4.2009, gia đình anh Phương lên đường đi Phú Quốc. Từ sân bay Cát Bi đến TPHCM sau đó bay tiếp đến Phú Quốc. Xuống sân bay Phú Quốc, đoàn được Vùng 5 Hải quân đón về đơn vị, cách đó khoảng 35km. Đến nơi, đoàn được các đồng chí ở Phòng Chính sách của Huyện đảo tiếp đón thân thiện và tạo điều kiện giúp đỡ tận tình.

Sau khi ăn cơm tối xong, khoảng 9 giờ, cả đoàn thuê taxi tìm đến nghĩa trang liệt sĩ lớn nhất đảo để thắp hương. Viếng xong về đến doanh trại là 10 giờ 30, cả đoàn lại giở bản đồ ra để kiểm tra xác định lại vị trí khu vực mình đang ở và gọi điện cho nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Lư thì được biết: "Cụ Nguyễn Văn Hiệu cũng vừa về chỗ cả đoàn vừa giở bản đồ ra xem đấy. Nơi mọi người ở đã rất gần cụ rồi!". Nhà ngoại cảm nói thêm: "Đảo Phú Quốc như hình giọt nước ngược và phần nhỏ nhất là vị trí cụ nằm. Sáng mai thức dậy, anh Phương đi ra cổng có một ngã ba gần đó, anh đi về phía Đông Nam khoảng 2km thì rẽ phải khoảng vài trăm mét là đến gần mép biển, sẽ có một người tên là Long hay Phong gì đó dáng cao cao, da đen đen sẽ chỉ cho anh chỗ cụ nằm".

Mừng quá, đoàn cùng hai đồng chí đại đội phó vệ binh nhanh chóng xác định vị trí nhà ngoại cảm nói chính là mũi Con Dương trên bản đồ của hải quân. Một lát sau lại có thêm đồng chí Tham mưu phó huấn luyện tên là Mùi đến cùng nghiên cứu hải đồ. Và thật may, đồng chí Mùi cho biết:"Tôi đi biển đã 30 năm nên rất rõ tình hình khu vực này. Nếu đúng là khi điểm hoả cho tàu nổ ở vị trí phía Tây Nam đảo Phú Quốc thì rất có khả năng Cụ sẽ trôi dạt vào đây, vì ở đây có một xoáy nước, thường xuyên chạy theo hướng Nam, sau đó cuộn vào phía Đông Nam đảo Phú Quốc rồi tấp vào bờ. Các thuỷ thủ, ngư dân đánh bắt cá khi gặp bão biển đánh đắm tàu bè thường đều được dạt vào đây". Những thông tin mới này thật sự bổ ích vì góp phần củng cố thêm niềm tin chắc chắn cho gia đình.
Ngày thứ hai (16.4.2009), đúng 5giờ30, cả nhà bật dậy, rồi cùng ra ngoài đi ăn sáng. Ăn xong, có đồng chí Phong - Trưởng phòng chính sách của Vùng 5 Hải quân - đến đón (hệt như thông tin của nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Lư đã cung cấp trước). Cả đoàn lên xe đi theo hướng dẫn đã biết của nhà ngoại cảm (được đánh dấu trên bản đồ).

Sau sự hướng dẫn qua điện thoại của nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Lư, tất cả mọi người có mặt ai vào việc nấy, người thì bày lễ, người quay về huy động thêm nhân lực. Cúng lễ xong, đang hoá vàng dở thì cô Thoa (vợ anh Phương) bỗng dưng ngồi thụp xuống, nước mắt chứa chan, thân thể thì lắc lư giống hệt hôm "áp vong" ở Hà Nội. Đã có kinh nghiệm từ trước, Anh Phương hỏi: "Có phải ba về với chúng con không?". Cô Thoa mắt nhắm nghiền, toàn thân đung đưa, chợt gật đầu lia lịa. Anh Phương hỏi nhanh: "Thế đây có phải là chỗ ba nằm không?". Cô Thoa lại lắc lư gật đầu, càng lúc càng khóc nhiều. Thấy thế anh Phương lại nói: "Hôm nay chúng con đến cất bốc hài cốt của ba, ba có vui không? Ba có dặn dò gì chúng con không?". Cô Thoa lại gật đầu. Cả đoàn lúc ấy đều nghẹn ngào khóc. Một lúc sau, cô Thoa mới trở lại trạng thái bình thường.

Cả gia đình cùng với một trung đội hơn 30 con người hăng hái bắt tay vào việc tìm kiếm. Nhưng cứ đào tới đâu, cát sụt xuống tới đó. Đoàn chia làm hai đội, một đội đào, một đội dùng tay tát nước, cứ như vậy liên tục. Sức người quá nhỏ bé với thiên nhiên. Cát lở rồi cát lại bồi. Cả đoàn nhìn nhau không ai nói câu gì... Bắt đầu đào là từ 9 giờ 30, ai cũng hăng hái kẻ xúc người đổ, đến 12 giờ, nhìn phạm vi đã đào được cũng mới chỉ toen hoẻn...

Nắng càng lúc càng gay gắt, không khí ngột ngạt. Tưởng do nhân lực chưa đủ, gia đình anh Phương lại yêu cầu đơn vị cho thêm một đại đội nữa. Có đông người hỗ trợ, diện tích đất cũng dần mở rộng ra đáng kể, tuy nhiên so với yêu cầu của nhà ngoại cảm thì mới chỉ được 1/4. Gia đình anh Phương thống nhất phải báo cáo với Tư lệnh Vùng 5 và xin được giúp đỡ. Không ngờ, buổi chiều cùng ngày, chính đồng chí Chính uỷ Vùng 5 đã đến thăm động viên gia đình, rồi ngay lập tức liên lạc với Quân khu 9 cạnh đó thuê ngay một cái máy xúc.

Ngày thứ tư (18.4.2009), cả buổi sáng công việc vẫn chỉ tập trung đào và theo dõi nhưng chưa thấy có dấu hiệu gì đặc biệt.

Gọi điện cho nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Lư, Tuấn được chỉ đạo thêm "Cứ đào mở rộng sang hướng tây nam khoảng 3-5m nữa sẽ tìm thấy xương của cụ". Niềm hy vọng đó tiếp thêm sinh lực cho mọi người. Thời gian như chậm lại. Cả đoàn lại lao vào việc với một quyết tâm lớn. Cuối giờ chiều, khi đoàn đã đào sâu thêm được 6m, rộng dài 10m nữa, phần đã đào thành cả một núi cát sừng sững mà vẫn chẳng thấy gì. Tuấn gọi điện cho nhà ngoại cảm. Nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Lư nói: "Đã đào hết diện tích tôi nói chưa?". Tuấn quả quyết: "Dạ, đã đào hết khu vực thầy yêu cầu rồi ạ" và nhanh nhẩu: "Thế thầy thấy cụ em như thế nào ạ?". Nhà ngoại cảm bảo: "Hôm qua trông vẻ mặt cụ tươi tỉnh, phấn khởi lắm. Nhưng hôm nay thấy cụ cứ rầu rầu. Không biết có phải vì mình đã bỏ sót chỗ nào đó không? Hay đào chưa tới? Tôi e là...".

Nghe nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Lư nói xong, cả gia đình anh Phương hoảng thật sự. Lúc này thì tâm trạng mọi người đã thật sự rất bi quan, mệt mỏi, lo lắng và tỏ vẻ hoang mang lắm lắm. Liên lạc với nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Lư thì... " Dễ thường gia đình ta đành phải về thôi. Cụ vẫn đang đứng sau lưng anh Phương, mặt rất rầu và nói rằng đoàn đã đào sai vị trí! Bây giờ đoàn hãy tiếp tục đào theo hướng rừng thông xem sao. Tôi sẽ giao lưu thêm với cụ rồi báo cho gia đình tiếp...".

Tuấn nhanh nhẩu rút điện thoại ra tìm số điện thoại các nhà ngoại cảm khác, hy vọng có thêm được manh mối gì... Gọi cho cô Nguyện, sau khi nghe Tuấn trình bày, cô nói: "Đúng vị trí rồi đấy. Cứ triển khai đào theo hướng Đông Nam đi, chắc chắn sẽ thấy cốt".

Cả đoàn lại bắt tay vào việc. Khoảng 10 giờ 30, trời vẫn đang nắng nhưng lại lác đác có mưa.
Đào một lát, Tuấn lại gọi cô Nguyện, lần này thì cô nói: " Nhìn theo hướng tây nam có thấy một chạc ba cây gỗ giống hình cái súng caosu không?". Tuấn thưa: "Có thấy ạ". Cô Nguyện bảo tiếp "Vậy thì hãy đào theo hướng tây nam, tây nhiều nam ít. Chiều nay chắc chắn sẽ thấy". Cả đoàn lại tiếp tục đào theo hướng mới.

Ăn cơm trưa xong, mọi người lại tiếp tục đào. Tuấn gọi cho nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Lư thì thầy vẫn khẳng định: "Cứ theo hướng tây nam mà đào tiếp". Chiều, Tuấn lại gọi cho cô Nguyện thì bị mắng: "Gia đình đang dùng máy để đào phải không? Dừng lại ngay. Đi tìm hài cốt mà dùng máy thì không thể tìm được đâu. Bây giờ hãy sàng chỗ cát đã xúc đi. Xương cốt cụ ở hết trong đó rồi".

Nghe lời cô Nguyện, đoàn lại huy động phương tiện để sàng cát. Đến khoảng 15giờ30 đoàn tìm được mảnh xương đầu tiên. Đó là một mẩu xương được dính bởi một đoạn rễ cây thông rất khó thấy. Qua năm tháng, nhựa thông bám vào xương khiến cho mảnh xương chuyển thành màu tro đen, bị lẫn bởi lòng đất đen không dễ gì thấy rõ. Nhưng cầm mảnh xương trong tay, anh Phương có một cảm giác khác lạ ngay.

Ngày thứ năm (19.4.2009). Sáng sớm, cả đoàn lại bắt tay vào việc với một tinh thần hăng hái đặc biệt. Việc tìm thấy mảnh xương hông thật sự đã khích lệ khí thế lạc quan. Cả đoàn hôm nay với hơn 100 con người lại cần mẫn kiếm tìm.

Nghĩa tình đồng đội và tình huyết thống hun đúc và thôi thúc lòng quyết tâm của mọi người. Đúng 15 giờ 30, các chiến sĩ tìm được 1 mẩu xương đùi. Không tả hết niềm sung sướng của gia đình anh Phương và toàn đoàn. Rồi lần lượt các mảnh xương dần dần lộ ra: xương cánh tay, xương đòn vai, xương ức... Tiếp tục sàng sẩy và vê từng nắm cát, các phần xương cơ bản của các bộ phận cơ thể của cụ đã khá đầy đủ.

Ngày thứ bảy (21.4.2009). Gia đình anh Phương cùng các chiến sĩ, bị bày lễ cảm ơn thần Biển và các vị thần Thổ Địa, thỉnh hương hồn anh hùng Nguyễn Văn Hiệu và đồng thời nói lời cảm ơn, tiễn biệt các vong linh bị tai nạn đắm tàu thuyền phiêu bạt nơi đây, bao năm đã kề cận sẻ chia với liệt sĩ.
Cả gia đình anh Phương rưng rưng cảm động không nói nên lời bên cạnh các cán bộ chiến sĩ của Tiểu đoàn Hải quân anh hùng đã trọn một tuần lễ không quản gian khó, chung sức chung lòng với gia đình tìm được hài cốt của Anh hùng.

Ngày trở về...

Ngày 29.4. 2009 Hải Phòng bắt đầu vào hạ. Nhưng hôm chúng tôi từ Hà Nội về đất cảng để dự lễ truy điệu Anh hùng Nguyễn Văn Hiệu thì trời đổ mưa rào, không khí mát mẻ lạ thường. Trên đường đi, chúng tôi được nghe Tuấn say sưa kể lại những toàn bộ hành trình của việc đi tìm hài cốt của anh hùng. Hết buổi sáng, xong các nghi thức thủ tục phúng viếng tại nhà, đoàn xe rước linh cữu của Anh hùng đi về phía Nghĩa trang của Thành phố Hải Phòng.

Vừa đến cổng nghĩa trang trời chợt hửng những tia nắng vàng hanh khiến cho khu nghĩa trang như được dát vàng nhẹ, nắng chiếu lên những hàng cây lấp lánh sao. Cho tới khi, đại diện chính quyền và đơn vị hải quân đọc lời truy điệu và gửi gắm những tình cảm tri ân tiễn đưa Anh hùng về với cõi vĩnh hằng thì trời lại đổ mưa rào rào... Đây là lần thứ hai gia đình và đồng đội của Anh hùng làm lễ truy điệu cho anh. Lần thứ nhất là vào năm 1978.

Nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Lư cùng đi với đoàn Liên hiệp KHCN tin học ứng dụng UIA có về dự lễ. Khi vừa bước vào để làm lễ và đi vòng quanh linh cữu để tiễn biệt anh hùng, nhà ngoại cảm nói nhỏ với tôi: "Liệt sĩ đang đứng bên phải linh cữu chào mọi người và nói lời cảm ơn chúng ta đấy!".

Thay cho lời kết

Anh hùng Liệt sĩ Nguyễn Văn Hiệu hy sinh vì đất nước. Chiến công của anh cũng như các kỳ tích của các chiến sĩ " tàu không số" đã làm nên bài ca bất tử về một - "con đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên biển Đông". Những chiến sĩ của "tàu không số", trước khi ra khơi đã tự làm lễ truy điệu cho mình, ngày rời bến cũng có thể xem là ngày hy sinh. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng với chúng ta, những việc làm tri ân các anh hùng là điều không thể nào quên. Quê hương anh và mảnh đất Hải Phòng nơi vợ con anh sống, mãi mãi không thể nào quên người con anh hùng, ưu tú Nguyễn văn Hiệu. Một tượng đài mang tên anh trong lòng nhân dân và đồng đội của Đoàn 125 - Bộ Tư lệnh Hải quân thì đã có, nhưng tượng đài ghi tạc công lao và kỳ tích anh hùng của anh thì sao? Và ở Quảng Nam, Hải Phòng có lẽ nên có đường phố hoặc trường học mang tên người anh hùng Nguyễn Văn Hiệu.

"Có những cái chết hoá thành bất tử", mà không chỉ vậy, chính sự hy sinh của anh cũng như bao người lính đã ngã xuống đã góp vào hồn thiêng sông núi Việt Nam. Việc đi tìm kiếm hài cốt của anh cũng kỳ diệu hiếm có. Sự linh ứng của của Anh hùng Nguyễn Văn Hiệu đã giao cảm với trái tim của các nhà ngoại cảm UIA, các nhà nghiên cứu của Viện KHHS Bộ Công An cùng bao người lính Hải quân - đồng đội của người anh hùng đã góp sức để làm nên thêm một điều kỳ diệu.


MỌI CHI TIẾT LIÊN LẠC NHÀ NGOẠI CẢM: NGUYỄN VĂN LƯ
sỐ ĐIỆN THOẠI: 0983375468
ĐỊA CHỈ: LÊ HỒ KIM BẢNG HÀ NAM
NƠI LÀM VIỆC TẠI HÀ NỘI: SỐ 1 ĐÔNG TÁC KIM LIÊN - ĐỐNG ĐA HÀ NỘI