Xếp sau đỉnh Thiên Cấm Sơn (An Giang), đỉnh núi Chứa Chan (Đồng Nai) được mệnh danh là “đệ nhị thiên sơn”, có độ cao hơn 800 m so với mặt nước biển. Việc chinh phục đỉnh núi này để chiêm ngưỡng huyền thoại dưới ngọn cây ba gốc, chùa Bửu Quang, khe Gia Lào... khiến chúng tôi quyết tâm lên đường


Chúng tôi gởi xe máy sau chặng đường hơn 100 km từ TPHCM xuống vùng sơn linh này cho “tập đoàn” giữ xe phía dưới chân núi, để bắt đầu cuộc hành trình lên đỉnh.



Trước ngày đi, phải chuẩn bị giày leo núi, nước thì đã có người bán sẵn, khát ở đâu mua ở đó. Theo kinh nghiệm leo núi những lần trước ở núi Bà Đen (Tây Ninh), bạn phải dang rộng hai chân, bước từng bước thật rộng, dài cho đỡ tốn sức, lại không mỏi chân. Kinh nghiệm quả không sai...


Trên đỉnh miệng rồng

Con đường dẫn lên đỉnh núi nối tiếp qua đường bậc thang, hai bên là những ngôi nhà của người dân dựng lên để làm ki-ốt bán hàng hóa, phục vụ khách hành hương. Khách đến “Đệ nhị thiên sơn”, đông nhất là vào tháng giêng và ngày rằm. Đi được nửa đường, để tiết kiệm sức, bạn nên tấp vào một chiếc võng đong đưa để uống cà phê, loại cà phê được trồng ở độ cao hơn 500 m cạnh đó, ngắm nhìn đất trời giao hòa. Giá mỗi lần nằm võng – cà phê 5.000 đồng, nhưng khách trả 3.000 đồng cũng được vì tính tình phóng khoáng của người dân phố núi chông chênh.


Trên đường đi, chúng tôi thật khâm phục những đội quân “sống tầm gửi” ở các bậc thang, mỗi ngày bốn lượt họ lên xuống để bán nước cho khách. “Một lần lên xuống được 40.000 đồng. Mỗi ngày đi năm lượt là... chết luôn, nhưng nếu không làm thì biết làm gì ra tiền”- Hải, thanh niên gốc ở đây, cho biết khi luôn tay quệt mồ hôi đang tuôn chảy. Đội quân này làm đủ thứ việc: khiêng người già, trẻ em, xách thuê, bán nước uống...


Sau khi nạp đủ năng lượng là tô mì Quảng ngon tuyệt chúng tôi tiếp tục chinh phục đỉnh cao 800 m. Càng lên cao, khí trời càng lạnh, từng áng mây bay lững lờ, không khí như Đà Lạt, thật tuyệt vời. Trên bước hành trình, chợt quay đầu nhìn lại, những ngôi nhà nhỏ bé chìm khuất giữa sự hùng vĩ bao la của màu xanh cây cỏ, được đong đầy nước từ khe Gia Lào. Một bên là núi, một bên là vực sâu thăm thẳm. Đỉnh miệng rồng là đây, nơi có khe suối Gia Lào, hình thành từ mao mạch trong lòng núi. Mùa mưa, cá trong lòng suối uốn lượn, đi dọc theo suối chỉ thấy một màu cá. Tiếng suối chảy róc rách từ chín mao mạch, mang âm hưởng của đất trời giữa nơi thâm sơn cùng cốc làm bạn mát lạnh, sảng khoái đến lạ kỳ.



Sự tích dưới ngọn cây ba gốc

Nửa đường lên đỉnh, bạn đã tới ngọn cây ba gốc. Cây to lớn, một thân vươn thẳng lên nền trời tỏa bóng rợp mát, nhưng phía dưới thân cây chẻ ra làm ba phần, cắm sâu vào lòng đất, san sẻ dòng sữa ngọt của đất mẹ để vươn lên. Cây to lớn lạ thường. Tên cây ba gốc trở thành huyền thoại.


Đường lên đỉnh “đệ nhị thiên sơn”

Cụ Chín Lành, tuổi đời hơn 90, tóc bạc trắng, cười khà khà bảo: “Cây này không ai biết nó có từ khi nào, chỉ biết rằng người già nhất làng này sinh ra đã thấy nó sừng sững”. Và chỉ vì huyền thoại mà dòng khách hành hương tận Trà Vinh, Bạc Liêu cũng rủ nhau thành đoàn đến đây cầu phước để được bình an. Theo người dân sở tại, chẳng biết tự bao giờ, mỗi khi bất an trong cuộc sống, họ đến đây cầu an, là được thảnh thơi. Tiếng lành đồn xa, rồi đông đặc người kéo đến, và cả làng bên chân núi nghèo nàn lao ra kinh doanh dịch vụ, khấm khá hẳn lên! Theo lời cụ Chín Lành, gốc cây này thiêng là bởi bọn lâm tặc không thể chặt nổi nó, dù đã nhiều lần thử đốn chặt. Sau đó, không hiểu sao khi về đến nhà, bọn chúng đều đau dặt dẹo. Và “cây ba gốc” bắt đầu... linh thiêng!

Miền đất những ngôi chùa

Điểm đến tiếp theo trong hành trình là chùa Bửu Quang. Ngôi chùa thờ vị sư trụ trì đầu tiên đã an nghỉ nơi đây. Các gian thờ tự của chùa được hình thành từ nhũ đá của các hang động, nên cuốn hút du khách. Trưa đến, các nhà sư hiếu khách mời bạn dùng bữa cơm chay dân dã nhưng rất ngon. Đặc biệt, nhà chùa không nhận tiền cúng dường của du khách, nếu có lòng thành chỉ cần bạn mang vài bó nhang cúng Phật. Đêm đến sau khi thết đãi bữa cơm chay, sư trụ trì còn bố trí cho chúng tôi phòng nghỉ đêm. Trăng sáng vằng vặc, thoảng qua tiếng kinh tiếng mõ giữa núi rừng cô tịch, càng làm cho du khách như được đến cõi niết bàn thanh tịnh...



Thật lạ, vùng đất này có rất nhiều chùa, ngoài chùa Bửu Quang, còn có chùa Quảng Đạo, chùa Phụng Hoàng Sơn Lâm lẫn các tịnh xá dành riêng cho các sư cô muốn thoát khỏi cõi thế... Gặp nhà sư Minh Tâm, trụ trì chùa Phụng Hoàng Sơn Lâm. Sư mời chúng tôi tịnh dưỡng vài ngày tại chùa, ăn bữa cơm chay, đọc giáo lý Phật, để thấy lòng nhẹ nhõm hơn nhiều. Trước đây, sư Minh Tâm tu tại một ngôi chùa có tiếng ở Bà Rịa - Vũng Tàu, sau đó lên vùng núi sơn linh này để sống nốt quãng đời còn lại.


Còn sư cô Ngọc Thanh thì miên man kể về những ngày rời ngôi chùa ở Bến Lức (Long An) để lên núi hòa trong dòng chảy của thuyết giáo luân hồi nơi cửa Phật, trong một tịnh xá ở lưng chừng núi...


“Báu vật” của thiên sơn?

Sau khi chinh phục đỉnh núi, thân thể đã mệt nhoài, bạn có thể ghé quán bên đường làm một ly nhỏ rượu ngâm với chuối hột rừng mà người dân mến khách đãi. Đây là loại quả mọc hoang trên núi, người dân dùng làm phương thuốc chữa trị một số bệnh như mệt mỏi, đau lưng, viêm họng...

Không chỉ có chuối hột rừng, ngâm mình trong các hang đá là các loại củ quả rừng mà không một vùng núi nào có được, người sở tại phải đi đào khi vào mùa để dùng bào chế các bài thuốc dân gian, như củ hoa rừng, củ tắc kè (có hình dáng giống tắc kè)... Những cái tên rất lạ mà theo người dân, mỗi thứ đều có công hiệu chữa một vài loại bệnh nào đó như thấp khớp, đau bụng, suyễn, viêm xoang...


Sự thật những loại cây củ quả này có tác dụng ra sao thì phải còn xem lại, vì theo lương y Đinh Công Bảy, Chủ nhiệm Hội Đông y TPHCM: “Chưa có kết luận nào về các bài thuốc lẫn rễ cây được đào ở “đệ nhị thiên sơn” chữa được bệnh cả!”.


Để có những mặt hàng thuốc tả pí lù này, chúng tôi đã đi theo những đội quân sơn tràng chuyên làm nghề đào củ. “Vũ khí” của họ là những cây xà beng nặng hàng chục ký lô. Tới bên cạnh những tảng đá to, thấy những cây nào to lớn, uốn lượn quanh phiến đá là họ lập tức “khai quật” để tìm củ (bất cứ củ gì!) mang về bán.

Không hiểu sao những loại củ ấy được nhiều người dưới xuôi lên đây đặt đem về bào chế thuốc nam!

Chinh phục đỉnh “đệ nhị thiên sơn” là cách để bạn thử sức mình, hiểu hơn về một vùng đất, khám phá ra nhiều điều mới mẻ, trong đó có tình người nơi thâm sơn cùng cốc...

PHẠM AN HÒA

http://www.nld.com.vn/tintuc/chinh-t...-su/231055.asp