Một chút phong tục, nghi lễ của người dân đi biển, kể từ Quảng Trị mà vào miền Nam
Tác giả: Đạt Luận



Sau Tết Âm lịch là những dân bạn biển bắt đầu vào nghề. Nhưng trước đó họ đã chuẩn bị đồ nghề của họ một cách kỹ càng. Vá lưới, lật đít ghe mà sơn sơn phết phết ... xem lại dàn đồ câu, lưỡi móc có bén hay không ... Khi Tết đến, lúc đó là vừa hết mùa Đông, nhưng biển vẫn còn gào thét ầm âm nơi xa. Ba ngày Tết trôi qua, không hẹn mà nên mọi ngư dân từ sông Gianh (Quảng Trị) cho đến Rạch Giá, Kiên Giang đều mong đến ngày làm một buổi lễ long trọng hơn lễ Tết nữa. Người ta gọi là lễ Cúng Ông, hay nôm na hơn là lễ hát Án. Họ hát bội trên sân đình thờ Ông. Ông đây là Nam Hải Đại Tướng Quân ... nghĩa là Cá Voi lớn ... Nhiều người ngoại quốc, tuy hiểu lờ mờ về buổi lễ này nhưng khi chứng kiến sự thành tâm của ngư dân với một loài cá lớn hơn Voi, mình mẩy đen bóng lưỡng, con mắt thật nhỏ nhưng hiền hòa khác xa mắt cá mập lừ đừ sát nhân. Còn trong khi đó cũng cùng mang danh biển Thái Bình, nước Nhật họ lại săn cá Voi làm thực phẩm thuộc loại cao cấp nhất trong loại cá cho thịt ngon.

Hát chầu Ông, hay hát Án là một nghi lễ đặc biệt cho ngư dân thuộc miền Nam Trung Phần, diễn ra trên sân đình hay lăng thờ Ông. Lễ thường diễn vào tháng 2 hoặc tháng 3 âm lịch. Hát cúng Ông (hay hát Án) gồm cả hát lễ và đóng tuồng tích nếu phường hộ ngư dân nào khá giả, còn nếu nghèo thì chỉ hát lễ mà thôi. Nhiều gánh hát thường đi xe ngựa, xe thồ hay cả chiếc xe đò nhỏ đến những nơi mà ngư dân phường ngư nghiệp đặt mối từ năm trước. Một buổi lễ hội mà du khách phương xa khi đến dự, đời đời không bao giờ quên đượ..Trên xuân đình Xương Huân, duyên hải Nha Trang, hàng trăm người chen chút ngồi xếp bằng, chồm hổm có gió Lào thổi từ núi ra, nóng rát cả mặt ... Họ đang say mê xem đoàn hát diễn tuồng tích kéo dài từ 3 ngày qua, từ sáng, đến trưa, rồi sẩm tối. Mệt thì nghỉ, ăn cơm hay ăn chút cháo cá, rồi ra sân đình xem tiếp ít khi phường này mời được 2 đoàn hát đến trình diễn ...

Ngư dân tuyệt đối không bao giờ đụng đến chiếc ghe hay chiếc thuyền mà ra khơi, nếu không tham dự lễ cúng đình. Ghe lớn thì lễ hậu, có khi do cả một giòng họ khấn trả lễ ... Rồi một đình trưỡng tụ tập tiền lễ này mà mướn đoàn hát làm lễ.

Có khi, trường hợp đặc biệt ... Ông lụy ... thì cả làng đều phải tiếp người con trưởng mà hành lễ. Người con trưởng, có nghiã là một ngư dân nào đó thấy Ông lụy trước hết ... Nghèo ba năm, vì phải cư tang không làm việc ... Sau đó Ông trả lại gấp bội phần, đánh chỗ nào thì trúng cá chỗ đó ... toàn là cá ngon, đắt tiền.

Từ bãi biển Đại Lãnh đến Cam Ranh (Khánh Hòa) đã có đến 50 lăng thờ Ông ... Đi càng xuống phương Nam thì có khá nhiều lăng. Lăng của Ông thường là ba gian. Giữa thờ Ông, bên trái thờ Thiên Y Thánh Mẫu, bên phải thờ bà Vạn Lạch ... Phía sau lăng là nơi mộ táng xương Ngài.

Ngày trước, thời Pháp nền kinh tế mần ăn dễ dàng, thuyền ghe ra khơi là có cá, không ai dùng mìn nổ, hay thuốc độc đánh cá ... nên chỗ nào cũng có cá. Có làng cúng lễ suốt 7 ngày 7 đêm liên tiếp, hàng quán ăn mọc lên khắp nơi, xe đò xe kéo nhộn nhịp ... Ngày chánh lễ cúng Ông, thường do bô lão chọn xem lịch, đôi khi còn xin âm dương ... nhưng thường thường chọn giờ nước lên (gọi là nước trào). Thoạt tiên, cả làng ăn mặc tề chỉnh làm lễ rước sắc phong của vua ban từ miếu về đến lăng, làm lễ xong thì rước sắc từ lăng trở về miếu ... nơi này có ông từ trông coi miếu ngày đêm. Lương tiền có khi từ vua xuất quỹ làng mà trả, có khi làng mới chưa được vào sổ bộ của triều đình, nên dân làng dóng nhau trả lương cho ông từ giữ miếu. Làng mới lập làm gì có sắc phong ... thôi đành ... mượn làng kế vậy. Mượn thì phải trả lễ, nói nôm na là trả tiền thuê bằng sắc vậy ... Nếu làng kế bên giận ... thì rất khó mượn cho kỳ sau, đành làm lễ ... trơn vậy thôi. Có nhiều làng ở xa đường xá, nghĩa là ngăn sông cách núi ... thì bàu đoàn thê tử phải gồng gánh đến trình diễn buổi lễ, người phải khiêng trống, chiêng, giáo mác, người khiêng rương đựng áo quần sặc sở, phấn son. Người khiêng gồng gánh nồi cơm, ô nước vv ... vv ... Hát đình rất cực khổ, nhiều nơi đình không ra đình, chùa không ra chùa ... chỉ có nóc mà ngói bị gió bão từ khơi thổi mất một khúc, phải giăng màn, ngăn một phần trước cho diễn viên đang múa hát, dàng sau thì đào đang thoa son điểm phấn thì cơn gió mạnh thổi giựt mất tấm màn ... lòi ra đào đang đứng sượng trân ngó khán giả, còn khán giả thì cười ngoặt nghẽo ... có khi gió thổi tốc cả cát biển vào miệng đang hả họng mà hát cho xong một khúc hát ân tình.

Diễn viên thì đủ mọi hạng người, có người làm nông dân, làm rẫy ... bị thất bất sang bang, nghe rủ cần đào hát ăn cơm miễn phí thì đồng ý liền. Nhưng đi liền chừng hai năm ... thì bị tổ nhập nghiệp không cách chi bỏ nghề được hết rồi có chồng, có con cũng dẫn theo đoàn hát luôn.

Nhưng khi hát trên một sân đình, có tuồng tích hẳn hoi trước báo oán hậu đoàn viên có khi được một sự linh thiêng huyền bí nào đó nhập về hát như say ngũ thì lúc đó dân làng cũng bị hớp hồn luôn, ngó trân trân ... chính họ cũng bị ảnh hưởng bởi bầu không khí huyền hoặc. Nhiều điều không thể giảng theo khoa học được ... như có lần giữa biển khơi, vào trưa nắng gắt ... chân trời không có một chút mây mù gì báo điềm hết, mà bỗng nhiên thiên hồn địa ám, bàn tay xòe ra cũng không thấy được tất cả đen nghịt, bầu ttrời không có và biển cả cũng không có luôn, ghe xuồng tự nhiên được lực vô hình nào đó kéo chạy phăng phăng. Trái tim mọi người như vỡ tung ra ... không thở được, phổi bị ép cực mạnh bởi một sức mạnh khôn tả. Niệm Phật, niệm Chúa ... vô ích. Rồi sau đó bỗng nhiên bầu trời sáng chói chang về trưa ngọ như cũ thì lưới cá nhiều, trĩu nặng vô cùng ... Thuyền công vội vào khoang lấy một loại cũi dầu ... đốt cho khói bốc lên cao ... đó là kêu những ghe gần đó đến ăn hàng tiếp ... trên khơi sóng nước, ghe xuồng tấp nập ... Mọi người la hét vui cười, cá về ... cá về ... cám ơn Ông cho, cám ơn Ông cho ... lần sau tụi con ... xin cúng lớn cho Ông ... Lời hứa luôn luôn được tôn trọng ... vì ngư dân họ đã gặp những giây phút kỳ bí ấy rồi, họ không dám giỡn mặt với biển cả ngàn trùng. Núi có Sơn Thần, Biển có Long Vương ... vào nghiệp thì phải theo luật pháp của chư vị mới được ... không một ai được sai trái.

vantuyen.com