Cà Mau: Đổ xô lấy chồng công nhân Trung Quốc
Thứ Sáu, 19/08/2011 --- cập nhật 02:25 GMT+7




Ông Quách Văn Hợp, Chủ tịch UBND xã Khánh An (U Minh, Cà Mau), nơi xây dựng Nhà máy đạm Cà Mau, nói: “Chúng tôi không có chức năng quản lý công nhân Trung Quốc, chỉ tìm hiểu thì biết chừng chục trường hợp phụ nữ có quan hệ với công nhân Trung Quốc nhưng không có cơ sở kết luận”.

Các cuộc hôn nhân Việt-Trung


Qua tìm hiểu của PV, chúng tôi được biết có hai công nhân Trung Quốc làm việc trên công trường Nhà máy đạm Cà Mau đã lấy hai cô gái Việt Nam, trong đó một cô hiện đang sống hạnh phúc, còn một cô có hôn nhân không suôn sẻ.

Cô đầu lấy chồng công nhân Trung Quốc là em vợ anh Nguyễn Hoàng Dân, chạy đò khách ở chợ Cái Tàu. Vợ chồng anh Dân ở huyện Cái Nước (Cà Mau), lên chợ Cái Tàu tạm trú để chạy đò, khi công nhân Trung Quốc về đông thì khách chủ yếu của anh cũng là công nhân Trung Quốc. Em vợ của anh Dân sống chung với anh chị, tình cảm yêu thương nảy sinh giữa cô em xinh đẹp với khách phương xa. Cô tên là NAH 18 tuổi, lấy anh A Chĩn, 29 tuổi.



Công nhân Trung Quốc tan ca lúc chạng vạng tối.
Vợ anh Dân kể: “Em rể tôi làm công nhân tại C14, Nhà máy đạm Cà Mau, lương ngày hơn 400.000 đồng. Khi lấy nhau, vợ chồng nó cho mẹ tôi vài chục triệu đồng, rồi đưa nhau về quê chồng ở Trung Quốc, sinh được một cô con gái vừa tròn tháng”.

Khi đã vui chuyện, vợ anh Dân kể tiếp: “Em tôi điện thoại về là gia đình bên chồng ở Trung Quốc làm rẫy, trồng đậu phộng, cũng sống được. Sắp tới, vợ chồng nó về đây, chồng vẫn làm công nhân. Đợi em tôi đủ 20 tuổi, gia đình bên chồng mới làm đám cưới, mọi thủ tục làm ở luôn bên Trung Quốc”.

Cô thứ hai lấy chồng công nhân Trung Quốc là con út một gia đình ở trung tâm chợ Cái Tàu, nhưng sớm gãy gánh giữa đường. Tên cô là LNB, 19 tuổi, lấy chồng công nhân Trung Quốc vào tháng 4-2011. Láng giềng của gia đình cô LNB là ông Võ Tấn Hưng kể: “Nghe nói làm đám cưới trên thành phố Hồ Chí Minh”.

Sau cưới, vợ chồng cô LNB về thăm gia đình ở chợ Cái Tàu. Theo bà con kế cận thì cô LNB không còn vui vẻ như hồi nào. Ở chơi mấy ngày, đôi vợ chồng trẻ đưa nhau sang Trung Quốc và xảy ra sự cố. Ông láng giềng Võ Tấn Hưng kể tiếp: “Lên đường chưa được bao lâu, chợt thấy anh chồng công nhân Trung Quốc quay về nhà mẹ vợ ở chợ Cái Tàu la khóc dữ lắm vì mất hết tiền, mất vợ. Theo anh ta thì trên đường đi Trung Quốc, cô LNB kêu chồng đưa bóp để lấy tiền mua đồ và trốn mất tiêu. Anh chồng cũng chỉ bập bẹ được vài câu tiếng Việt nên nói chuyện với nhà vợ mà khóc nhiều, hiểu nhau ít. Rồi phải mượn tiền nhà thầu quen biết để về quê một mình”.



Nhà ở của công nhân Trung Quốc. Ảnh Nguyễn Tiến Hưng.
Ông Quách Trường Giang, Trưởng công an ấp 4, xã Khánh An, thở dài: “Vụ hôn nhân của cô LNB khi đổ bể, chúng tôi mới biết và không giúp được gì”. Bà Võ Thị Kiều Nga, Tổ trưởng phụ nữ ấp 4, xã Khánh An, nói thêm: “Tôi cũng có nhắc nhở nhưng họ chung sống với nhau, cưới gả như thế nào thì không biết”. Bà Nguyễn Kiều Oanh, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Khánh An (U Minh), nói: “Công nhân Trung Quốc đến đông, chúng tôi có nhắc nhở chị em chú ý bảo vệ bản thân, bảo vệ gia đình”.

Công nhân Trung Quốc: cuộc sống nghèo nàn và tạm bợ

Trên công trường xây dựng Nhà máy đạm Cà Mau, nhiều công nhân Trung Quốc làm việc chung với lao động Việt Nam như bẻ sắt, hàn, chuyển vật liệu. Lao động thủ công được trả khoảng 100.000 đồng cho một ngày 9 giờ làm việc.

Công nhân Trung Quốc sinh sống trong khu vực tách biệt ngay trên công trường, có căng tin, ra vào có bảo vệ. Nhà ở công nhân Trung Quốc là những dãy lán trại tường xây, mái tôn. Nhà ăn nằm cạnh bên, việc ăn uống thuê người nấu theo nhóm, hoặc một số khác tự nấu ăn cho hợp khẩu vị.

Nhà ăn công trường tuyềnh toàng, tạm bợ. Bàn ăn là mấy tấm ván lớn kê trên mấy thanh gỗ bắt chéo, ghế ngồi là những thùng phi nhỏ lật úp. Cơm, canh, rau, thịt đều đựng trong những thau nhôm nhỏ.

Đêm tối, PV bắt gặp một công nhân Trung Quốc còn trẻ tuổi, đang ăn cơm một mình. Quần soóc, đánh trần, trước mặt là một chậu nhôm lớn đựng nước trắng đục như canh, một chậu nhôm nhỏ hơn đựng đậu hủ và vài thứ như rau, một bát thịt và một chậu nhôm nhỏ nhất đựng cơm. Mỗi chậu nhôm đựng thức ăn có môi và anh múc húp trực tiếp...

Một phiên dịch người Việt Nam cho biết: “Sau giờ lao động, công nhân Trung Quốc tận dụng khoản sân trống bên nhà để đánh cầu, nhảy dây hoặc lên mạng tùy sở thích. Sinh hoạt tinh thần ở đây rất hạn chế vì lao động phải làm việc nhiều giờ trong ngày, sau đó đã khá mệt mỏi rồi”.

Một sĩ quan công an ở Đồn công an Cụm khí- điện- đạm Cà Mau nói: “Công nhân Trung Quốc chỉ quanh quẩn trong lán trại hoặc sang chợ Cái Tàu. Dường như lương chính đều được gởi về gia đình, số tiền làm thêm giờ, tiền thưởng nhận tại công trường được bao nhiêu xài từng ấy”...

Theo VTC.vn