kết quả từ 1 tới 15 trên 15

Ðề tài: Long Tuyền Kiếm - Truyền kỳ trong Đai đạo Tam Kỳ Phổ Độ

Threaded View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1

    Mặc định Long Tuyền Kiếm - Truyền kỳ trong Đai đạo Tam Kỳ Phổ Độ

    Long Tuyền Kiếm - Truyền kỳ trong Đai đạo tam kỳ phổ độ

    Trong Đạo Cao Đài có một việc hết sức huyền diệu là Đức Phạm Hộ Pháp được Bát Nương mách bảo cho biết, người Tàu dùng Long Tuyền Kiếm ếm vào huyệt kết phát nhân tài của VN, để khi VN có sản xuất nhân tài thì kiếm báu nầy giết chết lúc còn trẻ tuổi. Bát Nương cũng chỉ cho biết, kiếm ấy ếm ở tại làng Phú Mỹ, tỉnh Mỹ Tho, và kêu Đức Hộ Pháp nên đến lấy kiếm và giải phép ếm thì VN mới sản xuất được nhơn tài.

    Ngài Hiền Nhơn Lê Văn Trung và Ngài Đinh Công Trứ (Giám Đốc Trường Qui Thiện) có tham dự vào việc tổ chức phái đoàn do Đức Phạm Hộ Pháp hướng dẫn, đi ghe vào Láng Cát ở làng Phú Mỹ để lấy phép ếm Long Tuyền Kiếm.

    Ngài Hiền Nhơn Lê Văn Trung, sau nầy có thuật rõ lại trong Bài Phủ Dụ, đọc trong dịp Lễ An Vị Phật Mẫu tại Đền Thờ Phật Mẫu nơi Trí Giác Cung (Địa Linh Động) ngày 19-12-Bính Ngọ (dl 29-1-1967).
    Sau đây xin chép lại một đoạn trong Bài Phủ Dụ trên của Ngài Hiền Nhơn Lê Văn Trung nói về việc đi lấy phép ếm Long Tuyền Kiếm của Đức Phạm Hộ Pháp:

    "Nhưng đến ngày 28-3-1930, Đức Ngài đến có hai vị nữ phái (vì lâu nên không nhớ tên) và bốn vị nam phái là ông Tri, Chiêu, Lư, với Lễ Sanh Thái Chia Thanh, hiện nay là Giáo Sư Tần Nhơn. Đức Ngài đến lần nầy là để đi tìm Long Tuyền Kiếm, do Bát Nương mách bảo với Đức Ngài khi trước.

    Đức Ngài chấp bút, được Đức Lỗ Ban giáng nói phải đến Thảo Đường. Thảo Đường nầy là chỗ do Đức Phật Mẫu chỉ dạy, khẩn một lô đất hoang 60 mẫu và khai một con kinh, về các năm trước là năm 1928, theo bài thi của Đức Phật Mẫu, nguyên văn như sau:

    Thảo Đường phước địa ngộ tùng hoa,
    Lục ức dư niên võ trụ hòa.
    Cộng hưởng phàm gian an lạc nghiệp,
    Thế đăng Bồng đảo định âu ca.


    Khi đến con kinh mà ông Đinh Công Trứ và tôi với bổn đạo khai thác, có tạo một ngôi nhà tạm bằng cây lá để thờ Đức Chí Tôn, Đức Lỗ Ban dạy: bước về phía Tây Nam 280 bước thì lấy cái ếm. Lấy xong, Đức Ngài giải nghĩa liền rằng: Long Tuyền Kiếm nầy là do đời Tàu cai trị VN, ếm để sát hại nhơn tài, dầu có trạng ra đời cũng bị vớt đứt (là yểu mạng). Đức Lỗ Ban cho Bần đạo biết, có hai vị Thần ở đây giữ, chỉ dành riêng cho kẻ mạng Trời đến lấy món ếm nầy mà thôi.
    Ếm nầy vào năm 1849, khi Pháp chiếm VN. Đến năm 1914, giặc Âu Châu bùng nổ, Tàu có sai một người Triều Châu độ 65 tuổi qua ếm một lần nữa.
    (Chuyện trên đây ở địa phương nầy, hàng lão thành nhiều người hiểu biết)."

    Một tài liệu khác tựa đề: Một Kỷ niệm thiêng liêng cứu quốc do ông Hà Văn Biện, Cai Quản Ban Tổng Trạo Trung Ương, sao y nguyên văn, ngày 20-9-Nhâm Tý (dl 26-10-1972), xin chép ra sau đây, để độc giả có thêm tài liệu khảo xét.
    "Đêm 18-10-Mậu Thìn (192Cool, Đức Hộ Pháp chấp bút, Bát Nương về mách rằng: Nơi làng Phú Mỹ có Long Tuyền Kiếm, phải đến đó lấy cho được thì sau nầy dân VN được phát triển và đất đó sẽ thành Thánh địa.
    Qua đến ngày 29-2-Kỷ Tỵ (1929) [ngày nầy còn tồn nghi?], Đức Hộ Pháp mới khởi sự đi lấy Long Tuyền Kiếm do cơ bút chỉ ở giữa đồng, nơi hiện giờ là Sở Thảo Đường, có dạng hình núi, núp ở mé bên kia sông, hướng mặt Trời mọc, cánh đông bắc, trước Thánh Thất Khổ Hiền Trang.
    Thánh Thất ở tây nam, phải đi theo rạch chợ Thầy Yến vô Láng Cát tràm sập độ chừng 5 cây số mới đến.
    Khi đến địa điểm, đậu ghe lên bờ, đi bộ chừng 700 thước, thấy nước nơi rạch ao hồ phèn trong vắt, còn đồng thì toàn là năng. Xa hơn nữa là đưng, bàng, đất đen như mực, cả đồng ruộng mà không thấy lúa và trồng cây chi cả. Dân bản xứ sống về nghề đưng, bàng, tranh, còn dài theo rạch thì lò gốm sản xuất chén, dĩa, tộ, v.v...
    Khi tìm thấy khoảnh đất màu vàng nơi gò, bề ngang độ chừng 70 thước, chiều dài từ Bắc chí Nam chừng 50 thước.

    Đoạn Đức Ngài chấp bút, có Đấng vô hình nhập vào xưng là Lỗ Ban, chỉ chỗ đào ngay chót núi sâu xuống chừng 3 tấc tây thì đụng đá, vì núi sắp nổi lên chưa khỏi mặt đất. Đức Lỗ Ban cho biết đây là phép ếm của Trạng Tàu khi xưa vì Trạng Tàu biết chỗ nầy là núi vàng có linh huyệt, sợ sau nầy núi nổi lên thành hình thì nước VN có Trạng ra đời sẽ phục nghiệp. Khi có vua rồi, Việt Nam sẽ cường thịnh, làm bá chủ mà Tàu phải bị lệ thuộc, nên Tàu quyết định đưa người lén sang ếm Long Tuyền Kiếm, vì phép ếm nầy lạ lắm, nếu có nhơn tài hay Trạng ra đời, đều bị lưỡi kiếm nầy vớt chết hết.

    Đến năm 1914, giặc Âu Châu bùng nổ, có người Tàu Triều châu độ 65 tuổi, len lỏi qua ếm ngay nơi đó, đúng như lời mấy ông lão nhắc cho con cháu nghe.

    Đức Lỗ Ban cho biết, nơi đây có một vị Thần vâng sứ mạng Ngọc Đế ở đây gìn giữ vật báu, không cho ai biết mà lấy được, chỉ dành riêng cho Trạng Trời lấy vật báu nầy mà thôi.
    Đức Hộ Pháp, khi tìm được, đào lên, thấy phép Tàu ếm có: 1 ông nghè, 1 lưỡi dao cùn, 6 con cờ tướng, 6 đồng tiền kẽm đời vua Minh Mạng. Đào xuống nữa thấy một hộp bao chì vuông, chiều dài 9 tấc. Đức Ngài cho biết trong đó là Long Tuyền Kiếm, nhưng cấm không cho coi và gói kín lại.

    Đức Hộ Pháp nói: Ngày kỷ niệm giống Lạc Hồng được hưởng Đạo Trời khai, sẽ gỡ ách nhơn loại và sẽ cởi ách nô lệ, và dòng dõi tổ phụ sẽ phục nghiệp, có thể dân tộc xuất hiện nhiều nhân tài, phá tan xiềng xích, chẳng còn lệ thuộc với sắc dân nào. Nếu chậm trễ là do dân tộc VN không tôn thờ chủ nghĩa của Đức Chí Tôn, không đủ yêu mến nhau, cứ tranh giành phúc lộc mãi, và vì tổ phụ vay nợ máu Chúa Trịnh, chúa Nguyễn, còn dính dòng máu ấy nên dân tộc phải trả, nên chưa hưởng sớm. Vì tội Chúa mà tôi mang, cha làm mà con phải trả, ai có mang dòng máu ấy thì phải trả mới mong vãn hồi độc lập.
    Đức Ngài dạy đào một con kinh từ ngọn tràm sập (chỗ đậu ghe) đào băng ngang chót lưỡi Long Tuyền Kiếm cho bứt, ấy là phép để trừ tuyệt cái ếm sát nhân tài. (Sau khi cả anh em Minh Thiện Đàn cố đào ngày đêm cho xong con kinh ấy. Gần ngoài vàm, phần đất tư, chủ họ nằm ngang đường cản trở, mà anh em cố đào cho xong).
    Đúng 1 giờ chiều cùng ngày đó về dùng cơm tại nhà ông Lê Văn Trung và về đến Khổ Hiền Trang là 4 giờ./."

    Một tài liệu khác kể lại khá chi tiết phép ếm của người Tàu bằng Long Tuyền Kiếm như sau:
    "Sau khi Đức Phạm Hộ Pháp xác định được chỗ ếm Long Tuyền Kiếm, do Sư Trưởng Lỗ Ban chỉ dẫn, Ngài liền cho đào xuống. Đào xuống được 1 thước 3 tấc thì gặp một phiến đá lớn, khiêng miếng đá ấy lên rồi tiếp tục đào xuống nữa, đào thêm 3 tấc thì gặp một phiến đá lớn nữa, trên miếng đá nầy có một hình nhân bằng đồng đen cao 1 tấc 8 (ông Nghè), 1 lưỡi dao gãy cán đặt trên 6 con cờ tướng bằng ngà gồm: 1 con Tướng, 2 con Sĩ, 2 con Xe, 1 con chốt, và 6 đồng tiền kẽm đời vua Minh Mạng. Khiêng khối đá ấy lên thì gặp một cái hộp bọc chì dài 9 tấc, ngang 3 tấc, dầy 1 tấc 8.
    Đức Phạm Hộ Pháp cho biết đó là cái hộp đựng Long Tuyền Kiếm và bên trong có một đạo linh phù.

    Vừa lấy hộp Long Tuyền Kiếm lên khỏi chỗ ấy thì ở dưới có một mạch nước phun thẳng lên. Đó là long mạch.
    Đức Hộ Pháp hành pháp giải khai long mạch và chỉ cho các tín đồ tùy tùng thấy đây là long mạch rất quan trọng, cần phải đào một con kinh băng ngang qua long mạch nầy để dẫn nước trong long mạch đi theo các sông rạch mà châu lưu khắp miền Nam VN để mọi người VN đều được hưởng nhờ."

    Ông Chơn Nhơn Phạm Duy Hoai, hồi làm việc chung với Ngài Hiền Nhơn Lê Văn Trung, được Ngài Trung thuật lại cho nghe những việc liên quan đến Long Tuyền Kiếm. Nay Ông Chơn Nhơn Hoai (Ông Tám Hoai) kể lại, ghi được như sau:

    "Thuở nhỏ, lúc ông Trung còn ôm cặp đi học, ông đi bằng xuồng đến trường học ở chợ Phú Mỹ, ông có biết một đám xác đem chôn nơi Láng Cát. Sau đó, lúc ở quán bên đường, ông có nghe một ông lão chuyên môn làm mướn trong vùng, ai mướn chi, ông cũng làm để kiếm sống, ở làng Phú Mỹ, mọi người đều biết ông. Ông lão cằn nhằn lông bông là bữa hổm có đi chôn một bà, phải đào huyệt tới bốn lần mới chôn được.

    Nghe vậy, một người Tàu, đã có mặt tại Phú Mỹ và quanh quẩn nơi đây cả tháng rồi, ông Tàu nói là đi tìm bà con nhưng chưa gặp. Người Tàu nầy từ bàn kế bên bước qua hỏi ông lão là đám xác chôn ở đâu? Ông lão đáp là chôn ở Láng Cát. Người Tàu hỏi vì sao lại đào tới bốn huyệt vậy?

    Ông lão đáp: Bởi vì đào xuống gặp đá, đá cứng quá, mới bỏ chỗ đó, qua đào chỗ khác, cứ thế mà đào đến cái thứ tư là ra bìa gần kinh thì mới đào xuống được để chôn, nhưng chôn cũng không sâu vì đá, hơn nữa trời cũng quá khuya, phải về.
    Người Tàu liền mướn ông lão chèo ghe đưa ông ta đến chỗ đó để ông coi, giá là 2 cắc.

    Ông lão kể câu chuyện tại quán.
    Sau khi người Tàu đó đi xem xong thì trở về. Người Tàu ấy lại hẹn với ông lão là ngày mai nhờ ông lão chèo đưa đi một chuyến nữa. Ông Lão nói rằng: không hiểu ông Tàu đi lên bờ vào trong Láng Cát kiếm cái gì không biết, chỉ thấy ổng cầm trên tay một cái bọc gói kín và bưng một hủ cải bắc thảo.

    Thế rồi thời gian trôi qua, ông lão làm mướn cũng không còn, và người Tàu cũng vắng đi từ dạo đó.
    Cho đến một hôm, gần 14 hay 15 năm sau, sau khi Đạo Cao Đài khai mở, Đức Phạm Hộ Pháp được quyền thiêng liêng chỉ bảo đến ngay tại Láng Cát làng Phú Mỹ lấy phép ếm là Long Tuyền Kiếm của người Tàu.
    Lúc bấy giờ, một sự trùng hợp như có sắp xếp, khiến vùng ký ức của ông Trung chợt được đánh thức, khiến ông nhớ lại tất cả. Nếu không có Đức Phạm Hộ Pháp xuất hiện đi lấy Long Tuyền Kiếm thì câu chuyện của thời quá khứ đã nằm yên trong dĩ vãng.
    Cho nên, lần lượt tất cả những gì ông Trung ghi nhớ được lúc thiếu thời, giờ đây thuật lại cho Đức Hộ Pháp nghe.

    Tiếp đến là đoàn người được Đức Hộ Pháp chỉ định, không quên mang theo những vật dụng cần thiết cho công cuộc đào bới, lên đường vào buổi sáng sớm hôm đó.

    Xuồng đến Láng Cát, dừng lại cặm sào. Đức Hộ Pháp bảo đặt một cái bàn ở một nơi cao nhứt, đoạn Ngài ngồi vào bàn, định thần chấp bút.
    Lỗ Ban Sư giáng, tường thuật lại gốc tích từ giai đoạn và chỉ cách tháo gỡ.

    Đức Ngài hỏi: Họ ếm nơi nào, nhờ Lỗ Ban Sư chỉ giùm.
    Lỗ Ban đáp: Lấy bàn nầy làm trung tâm, đi về hướng mặt Trời lặn 30 bước, đào xuống sẽ gặp.

    Đức Hộ Pháp chọn một người cao bước dài và một người thấp bước ngắn hơn, cùng bước một lượt, đúng 30 bước thì dừng lại. Ngài mới lấy trung bình, rồi sắp người bày đứng hàng ngang, mỗi người một cái cuốc, đồng đào xuống.

    Cả một hàng cuốc, cuốc mỗi lúc một sâu thành đường rảnh, thế mà vẫn không thấy chi cả. Đã mệt mà chưa phát hiện được gì, nên tinh thần họ có vẻ hồ nghi. Trong lúc mọi người đang chống cuốc nghỉ xả hơi, đột nhiên có một vị nói: còn bụi cỏ chác trước mặt nầy để làm gì! Vừa nói thì vị nọ vừa cuốc bụi cỏ lật ngang, thấy có dấu lạ, vị nọ moi lên thì thấy đó là một cái dao lớn dài gãy cán, đầy sét và một hủ bịt kín. Trút hủ ra thì có: một cái hột gà đen thui, 6 con cờ tướng bằng ngà, mấy đồng tiền kẽm đời Minh Mạng. Mọi người mừng rỡ thỉnh Đức Hộ Pháp đến xem.

    Đức Ngài biểu ông Trung đem đi rửa. Ông Trung nói là sau khi rửa sạch liền đem dâng cho Đức Hộ Pháp, ông quên xem là con cờ gì, và lại ông không dám hỏi....

    Tại cái gò đất vàng, Đức Ngài nói: đây là một cái núi chưa nổi. Sau nầy, nếu núi nổi lên thì tại đây có một thứ đá rất đẹp, nằm từng lớp, cứ lấy lên mà bán rất nhiều tiền vì nơi khác không có.

    Tại Báo Ân Từ Tòa Thánh , Ông Tám Hoai cùng các vị Phạm Môn có nghe Đức Phạm Hộ Pháp thuật lại về cây Long Tuyền Kiếm ếm tại Láng Cát Phú Mỹ như sau:
    Ở sâu dưới đất 300 thước, có một long mạch (mạch nước ngầm) chạy từ núi Bà Đen, qua nội ô Tòa Thánh, xuống tới làng Phú Mỹ, trổ lên tại Láng Cát ở Phú Mỹ tỉnh Mỹ Tho. Cho nên Láng Cát là một linh huyệt, và vùng Phú Mỹ sẽ sản xuất nhiều nhơn tài cho nước VN.
    Các nhà chiêm tinh và phong thủy Tàu biết được điều đó, nên sai người đem Long Tuyền Kiếm sang ếm ngay linh huyệt ấy, để khi có nhơn tài xuất hiện thì kiếm đó giết chết lúc còn trẻ, để nước VN không người tài giỏi chống lại người Tàu. Nhưng nghiệp quả của nước VN đã hết, Bát Nương DTC giáng cơ nói với Đức Phạm Hộ Pháp đi lấy cái ếm Long Tuyền Kiếm.

    Sau khi lấy xong, Đức Ngài dạy ông Trung đào một con kinh nhỏ băng ngang linh huyệt cho nước trong long mạch tràn lên, châu lưu khắp sông ngòi, phá tuyệt cái ếm của Tàu.
    Hôm nay, nhân hay tin Thiếu Tá Tòng, con trưởng của ông Trung tử trận, Đức Phạm Hộ Pháp nói: Bần đạo biểu đào con kinh băng qua linh huyệt mà làm không xong sao vậy?
    Ông Trung bước đến gần Đức Hộ Pháp nói nho nhỏ gì đó, Đức Ngài mới nói tiếp: Nhạc Vân bao giờ cũng chết yểu."

    (ST )
    Last edited by Bin571; 04-07-2008 at 02:05 PM.
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •