Suối Reo Rừng Trúc

Thích Nhật Quang
PL. 2548 – DL. 2004

Lời Đầu Sách.
Vua Trần Nhân Tông sau khi rời bỏ ngôi vị đế vương, Ngài đã dứt khoát chọn cuộc sống sơn tăng, an nhàn tiêu sái, tự tại trên non thẳm, không gì có thể buộc ràng. Đắc Thú Lâm Tuyền Thành Đạo Ca đã ra đời nơi đây, hòa với suối reo rừng trúc thành bản Thiền ca thánh thót vi vu.

Để từ đó,

Trong từng phút giây hiện thực những trống vắng đảo điên không còn nữa. Khoảnh khắc hiện thân sống lại con người thực của mình, không thêm thắt họ tên hay bất cứ gì khác. Phút giây này thiên thu. Người xưa nói “một niệm muôn năm”, cũng nói “khoảnh khắc tròn đầy xưa nay, không hề vắng thiếu.” Đột phá vào được chỗ này rồi thì suối reo trắng gội mà tất cả hiện thành. Suối reo rừng trúc, muôn cây nội cỏ cho đến tất cả pháp giới chúng sanh, mười phương các bậc Hiền Thánh thảy đều ở trong ấy. Nhi nhiên tĩnh tại.

Ô hay! Chừ,

Đường trần thênh thang, niệm trần vô vàn ta luôn bình yên. Chừng ấy, riêng tư biền biệt vắng bóng muộn phiền, tròn đầy bi nguyện hiện tiền. Và như thế, Suối Reo Rừng Trúc nhập bước cô thôn, trời Thiền rực sáng. Bài ca thành đạo của Sơ Tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã cùng muôn sinh reo vang khúc diệu thường, từ muôn xưa cho đến muôn sau.

Thường Chiếu, 04 - 10 - 2004

Thích Nhật Quang.

Đắc Thú Lâm Tuyền Thành Đạo Ca.
“Đắc Thú Lâm Tuyền Thành Đạo Ca” là bài ca thành đạo của Sơ Tổ Trúc Lâm, khi Ngài xuất gia tu trên núi rừng, được niềm vui đạt đạo.

Bài này với tư cách người xuất gia đạt đạo, Ngài khuyên dạy hàng tu sĩ hãy nuôi ý chí xuất trần, nỗ lực tu hành để đạt được kết quả mỹ mãn. Sau khi tự lợi cho mình rồi, kế đến phải nghĩ đến chúng sanh, vì lợi ích của muôn loài mà truyền bá chánh pháp. Đó là công đức và lợi ích lớn lao của hàng xuất gia. Vì thế vua Trần Nhân Tông đã bỏ ngôi vị đế vương, xuất gia vì lợi ích của mình và chúng sanh.

Nguyên bài ca thế này:

Sinh có nhân thân,

Ấy là họa cả;

Ai hay cốc được,

Mới ốc là đã.

Tuần này mà ngẫm,

Ta lại xá ta;

Đắc ý cong lòng,

Cười riêng ha hả.

Công danh chẳng trọng,

Phú quý chẳng màng;

Tần Hán xưa kia,

Xem đà nhàn hạ.

Yên bề phận khó,

Kiếm chốn dưỡng thân;

Khuất tịch non cao,

Náu mình sơn dã.

Vượn mừng hủ hỷ,

Làm bạn cùng ta;

Vắng vẻ ngàn kia,

Thân lòng hỷ xả.

Thanh nhàn vô sự,

Quét tước đài hoa;

Thờ phụng Bụt trời,

Đêm ngày hương hỏa.

Tụng kinh niệm Bụt,

Chúc thánh khẩn cầu;

Tam hữu tứ ân,

Ta nguyền được bả.

Niềm lòng vằng vặc,

Giác tính quang quang;

Chẳng còn bỉ thử,

Tranh nhân chấp ngã.

Trần duyên rũ hết,

Thị phi chẳng hề;

Rèn một tấm lòng,

Đêm ngày đon đả.

Ngồi cong trần thế,

Chẳng quản sự thay;

Vắng vẳng ngàn kia,

Dầu lòng dong thả.

Học đòi chư Phật,

Cho được viên thành;

Xướng khúc vô sinh,

An Thiền tiêu sá (sái).

Ai ai xá cốc,

Bằng huyễn chiêm bao;

Xẩy tỉnh giấc hòe,

Châu rơi lã chã.

Cốc hay thân huyễn,

Chẳng khác phù vân;

Vạn sự giai không,

Tựa dường bọt bể.

Đem mình náu tới,

Cảnh vắng ngàn kia;

Dốc chí tu hành,

Giấy sồi vó vá.

Lành người chăng chớ,

Dữ người chăng hay;

Ngậm miệng đắp tai,

Hề chi họa cả.

An thân lập mệnh,

Thời tiết nhân duyên;

Cắt thịt phân cho,

Dầu là chim cá.

Thân này chẳng quản,

Bữa đói bữa no;

Địa thủy hỏa phong,

Dầu là biến hóa.

Pháp thân thường trụ,

Phổ mãn thái hư;

Hiển hách mục tiền,

Viên dung lõa lõa.

Thiền tông chỉ thị,

Mục kích đạo tồn;

Không cốc truyền thanh,

Âm hưởng ứng dã.

Phô người học đạo,

Vô số nhiều thay;

Trúc hóa nên rồng,

Một hai là họa.

Bởi lòng vờ vịt,

Trỏ Bắc làm Nam;

Nhất chỉ đầu Thiền,

Sát na hết cả.


Kệ rằng:

Cảnh tịch an cư tự tại tâm,

Lương phong xuy đệ nhập tùng âm.

Thiền sàng thụ hạ nhất kinh quyển,

Lưỡng tự thanh nhàn thắng vạn câm (kim).

Dịch:

Cảnh vắng ở yên lòng thong dong,

Gió lành thổi lộng giữa bóng tùng.

Giường Thiền dưới gốc, kinh một cuốn,

Thanh nhàn hai chữ quá muôn đồng.


Chúng ta sẽ đọc và tìm hiểu lại ý nghĩa từng đoạn để nắm được đường lối tu hành qua lời chỉ dạy của Tổ. Trong đây tôi chia ra từng đoạn, mỗi đoạn nhỏ là bốn câu, dưới mỗi đoạn có phần chú thích giải nghĩa tiếng nôm xưa ra chữ Việt bây giờ cho độc giả tiện việc tham khảo.

ĐOẠN 1

Sanh có nhân thân,

Ấy là họa cả;

Ai hay cốc được,

Mới ốc là đã.

Chú thích:

- Cốc: Biết.

- Ốc: Gọi.

- Đã: Thấu suốt.

Giảng:

Vào đầu bài Thành Đạo ca này, Tổ nói phàm có thân là khổ, là họa. Người biết được như vậy là thông suốt lý đạo, nhận được lý đạo. Nếu chúng ta biết thân này là gốc khổ, có thân là có họa hoạn thì sẽ không mê chấp thân, không tạo nghiệp vì thân nữa. Trong kinh Phật nói người kiến đế hay người thâùy được chân lý là thấy được lẽ thật của các pháp, nhận ra lý duyên sinh của các pháp.

Nhận ra lý duyên sinh tức là thấy rõ nguyên nhân sinh ra các pháp. Thấy được lẽ thật của các pháp tức thấy các pháp là không. Chúng ta quán chiếu, hành trì như thế nào thấy rõ thân này là họa hoạn thì sẽ không còn mê đắm nó nữa. Lão Tử ở Trung Quốc cũng đã nói: “Ngô hữu đại hoạn, vị ngô hữu thân. Ngô nhược vô thân, hà hoạn chi hữu?”, nghĩa là ta có cái khốn khổ lớn vì ta có thân, nếu ta không thân thì có khổ gì? Thấy được lẽ thực đó là người thấu được lý đạo, nhận ra chân lý.

Chúng ta cứ ngỡ rằng phải tụng kinh, ngồi Thiền hoặc làm gì dữ lắm mới thấy được chân lý, chứ không ngờ thấy được lẽ thực của các pháp là thấy chân lý. Ở đây Sơ Tổ Trúc Lâm dạy chúng ta thấy rõ gốc của thân này là họa hoạn, khổ đau tức là thấy đạo. Người thấy được như vậy rồi thì không còn bị lệ thuộc bởi thân này. Dù cho thân đang sống đây, được người ta công kênh cũng an nhiên, bị người ta khinh khi biếm nhẽ cũng bình thường, hoặc những bệnh tật bủa vây cũng không lo sợ. Tự tại trước tất cả các cảnh duyên đó, là người thực sự an ổn.

Bây giờ quán chiếu lại việc tu hành của chúng ta, làm sao để thấy được lẽ thật đó? Ngồi Thiền hoặc tụng kinh nhiều, hay đóng cửa không tiếp ai hết mới thấy được lẽ thật? Không phải vậy. Chúng ta tiếp duyên xúc cảnh một cách bình thường nhưng làm sao đối với thân này biết rõ gốc của nó là họa hoạn. Nó không bền bĩ, không thể ôm giữ được, không làm sao cho nó còn hoài được. Như vị Giáo chủ của chúng ta đến năm 80 tuổi thân cũng hoại, Ngài xả báo thân nhập Niết-bàn. Chư Thánh trước có phúc duyên nhiều đời thân tướng trang nghiêm tốt đẹp, nhưng tới một lúc nào rồi, duyên hết cũng xả thân thôi. Đến rồi đi, có rồi mất, sự đổi thay liên tục nên các Ngài đến, làm việc xong thì đi. Chúng ta cũng thế đến rồi đi, nhưng các Ngài đến đi do bi nguyện nên không đau khổ, còn chúng ta đến đi theo nghiệp nên bị nghiệp chi phối thành ra khổ vì thân.

Hiểu rõ như vậy, đừng bao giờ nghĩ rằng chúng ta có mặt hoài ở đây, cũng không đắm luyến những gì của mình, không mong mỏi chi nơi cõi tạm. Thân này chỉ có trong một giai đoạn thôi, nếu phúc duyên chúng ta lớn, thân tương đối sáng sủa một chút. Giống như người đi chợ nấu ăn hằng ngày, tiền khá thì mua những thức ăn ngon, tương đối khoái khẩu, tiền ít thì được bữa ăn thường thôi, nghèo nữa thì cơm hẩm, nước lã... Biết phúc mình kém không nên đua đòi, mà phải lợi dụng thân này nỗ lực tu. Tu là không đắm trước thân, cảnh chung quanh mà thường tạo các công đức lành. Người như thế là người biết đầu tư, biết tu hành, biết thương mình và lo cho mình.

Vua Trần ở địa vị Nhân vương, vua trong một nước mà cũng là bậc Tổ sư đã đạt đạo, thành đạo sau khi xuất gia tu hành. Ở tại thế Ngài đã thâm ngộ được yếu chỉ Phật pháp, phát tâm tu Thiền. Khi xuất gia Ngài trở thành Sơ tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, một Thiền phái Việt Nam. Lời dạy của Ngài không khác với lời của các bậc Thánh trước. Ngay bốn câu đầu của bài ca thành đạo, Ngài dạy người tu phải giải thoát sanh tử mới hết khổ, còn trong sanh tử là không bao giờ chấm dứt khổ đau. Nghĩa là phải làm sao tự tại được đối với vấn đề sanh tử. Biết thân này là tạm, tất cả những nguyên nhân sinh ra nó cũng giả tạm, ta không thể ôm giữ hoài được, chỉ sử dụng nó trong một giai đoạn thôi, nên tranh thủ tu hành để thoát khỏi sanh tử. Được vậy chúng ta mới sử dụng thân đúng nghĩa của nó.

ĐOẠN 2

Tuần này mà ngẫm,

Ta lại xá ta;

Đắc ý cong lòng,

Cười riêng ha hả.

Chú thích:

- Xá: Phục.

- Cong lòng: Trong lòng.

Giảng:

Đoạn này Ngài diễn tả tâm trạng của mình khi suy gẫm về thời gian được lên núi rừng làm một người tu, Ngài rất đắc ý, vui thích trong lòng. So lại với khi ngồi tại triều, mới thấy đời sống của một đạo nhân nơi chốn núi rừng, thanh thoát hơn một vị vua nhiều. Ngài gẫm lại thấy phục mình quá, phục vì tìm ra lẽ sống thực rất an vui, không có gì buồn cả nên cười ha hả.

Có người khi ở núi hoặc vào chùa cảm thấy buồn. Ngài thì không như thế. Ở đời làm vua, vào đạo lên núi tu khổ hạnh, rất thích thú, vui vẻ. Niềm vui đó không chỉ do cảnh duyên bên ngoài, mà đích thực từ tâm hồn liễu đạo phát ra. Thấy rõ nguyên nhân sinh diệt của tất cả các pháp, Ngài hài lòng với sinh hoạt, với cuôïc sống tu hành của mình. Đã từng làm vua, bây giờ được lên núi tu hành, so sánh hai đời sống ấy Ngài thấy một vị đạo nhân tu hành ở núi cao, rừng thẳm không có gì thích thú bằng, đời sống một vị vua đương triều trăm công ngàn việc, nhiều mối lo toan buộc ràng, làm sao sánh nổi. Vì vậy Ngài yên lòng nỗ lực tu hành cho tới sáng đạo.

Chúng ta thường không hài lòng với những gì mình có, người ta hay nói câu “Đứng núi này trông núi nọ”, cuối cùng không có núi nào để đứng hết. Cũng thế, chúng ta tu mà không xác định được mục đích, đường lối tu hành cho mình, cuối cùng không có pháp nào giúp ta giải thoát, giác ngộ cả. Bởi không yên lòng nỗ lực phấn phát công phu, nên việc tu không đi tới đâu, không đạt được kết quả nào. Chúng ta không ở yên một chỗ, cứ hướng tới nơi này, nghĩ tới chốn kia thì tâm trí luôn loạn động, làm sao chuyên tâm vào việc tu cho được.

Ở đây các vua thời Trần đã từng lập chiến công, gầy dựng nên những trang sử vàng son cho đất nước, vậy mà một khi quyết chí tu rồi, các Ngài từ bỏ địa vị quân vương, phủi rủ tất cả thú vui tột đỉnh để sống đời tu sĩ thanh thoát, an nhàn trên non cao rừng thẳm. Sống như vậy các Ngài thật thích thú, công phu phấn phát nên chóng được thành đạo. Đây là lời ca nói lên tâm trạng của vua Trần Nhân Tông khi thành đạo. Với kinh nghiệm bản thân, Tổ dạy người tu chúng ta muốn thành công, trước hết phải dứt được những bôn chôn, không nên đứng núi này trông núi nọ, mà phải quyết tử, phấn phát công phu để sáng được việc của mình. Như vạây mới có ngày vui đạo thành đạo như các Tổ. Người xưa nói tất cả chúng sanh đều mày ngang mũi dọc không khác. Cũng là một con người, mà các bậc đi trước, đặc biệt có những đấng vua chúa tu hành đã thành tựu đạo quả, thì không lý do gì chúng ta tự lui sụt, tự đánh mất khả năng giác ngộ của chính mình. Cho nên chúng ta phải cố gắng.

Ở đây Ngài cười ha hả vì ngẫm lại mình đã vui vẻ hài lòng với đời sống giữa núi rừng, so sánh với đời sống chốn triều ca thì thích thú hơn nhiều. Ngài thấy sao hay như vậy nên phục mình quá đi! Phục là Ngài đã đi đúng con đường, sắp đặt đúng việc, sống thanh thoát ở chốn non thâm, chớ không chạy theo dục lạc thế gian. Ngược lại, chúng ta thường không làm đúng những gì sắp đặt. Các huynh đệ có đồng ý như vậy không? Sắp đặt rất hay nhưng khi bắt tay vào việc thì làm không được. Nên rồi dù sự sắp đặt đó có hay bao nhiêu cũng chỉ là không tưởng mà thôi, không có ý nghĩa gì cả. Khi nào chúng ta nói được làm được, cuộc sống mới có ý nghĩa.

Nếu trong thời gian hành đạo chúng ta chưa có niềm vui, chưa khắc phục được những điều bất như ý thì khó mà kiếm được một nụ cười, khó gầy dựng niềm vui cho chính mình. Cứ buồn tủi, mặt dàu dàu, rồi tưởng tượng thế này thế khác v.v… Tất cả những thứ vọng tưởng ấy đẩy lệch đường, khiến chúng ta mất mình, mất ông chủ. Người biết tu là người từ chỗ đó lấy lại thế chủ động của mình. Khi nào làm chủ được các dấy niệm, ta mới yên lòng hành đạo. Chúng ta nên nhớ trên thế gian này không tìm đâu được cái hoàn toàn thích hợp, vừa ý với mình. Khó lắm! Ở gia đình chúng ta không yên lòng mới vào chùa, vào chùa cũng không yên lòng. Bây giờ biết đi đâu nữa? Đi đâu rồi cũng thấy không yên lòng. Sở dĩ không yên lòng là vì mình còn ngổn ngang trăm thứ, chưa thấy được lẽ thực của tất cả các pháp nên sống toàn bằng tưởng tượng. Vì thế cứ bị nó gạt hoài. Nhiều vị mất rất nhiều thời gian tìm nơi này nơi khác, cuối cùng tới hết đời không gầy dựng được gì cho việc hành đạo của mình.

Lời Tổ dạy có một sức mạnh lớn, nhắc nhở chúng ta phải ý thức thân này là khổ, là tai họa, đừng mê đắêm theo nó nữa, bỏ hết ngũ dục thế gian và tìm cho mình nơi an ổn tu hành. Biết rõ thân này vô thường, không thật, mình buông được niệm tham đắm thân. Đó là gốc của sự tu hành. Gốc này không thấu triệt, không giải quyết cho xong thì quá trình hành đạo của chúng ta dài vô tận, tìm một chút an lành cũng không có. Bởi vì ở đâu chúng ta cũng thấy bất an bất ổn, phương pháp nào ta cũng thấy có vấn đề, nên không thực hiện tới nơi tới chốn được. Loay hoay tới già, bệnh, chết. Có khi chưa già mà đã bệnh chết, hoặc không bệnh cũng chết. Duyên của mình ra sao không ai biết được. Chúng ta không biết được mình sống bao nhiêu tuổi, sự việc kế tiếp như thế nào?

Căn cứ trên nhân quả ta cứ nỗ lực tu hành, phát tâm làm những điều thiện là tốt nhất. Làm sao biết được quá khứ mình đã gây những nhân gì, sẽ bị quả báo thế nào? Những điều ấy ta hoàn toàn mờ mịt. Bởi mờ mịt nên gặp những việc bất như ý, ta ngỡ ngàng nói “Cái này hồi nào giờ tôi không nghĩ tới, không gây tạo….” Ta cứ tưởng bất thần ở đâu nó tới, nhưng sự thực là trong vòng lẩn quẩn luân hồi mình đã gây tạo. Tất cả đều tuân theo luật nhân quả, chớ không có gì tự nhiên cả.

Ở đây muốn nói người thấy suốt được nguyên nhân có thân là người đầy đủ phúc duyên lớn nên dễ yên tu. Người còn lớ ngớ về thân này, về những gì xung quanh thân này như giòng tộc, của cải, sự nghiệp, thì dù nói tu hành nhưng công phu không tiến triển được. Vì họ cứ loay hoay lẩn quẩn trong những mối liên hệ giữa mình với người thân, hoặc liên hệ pháp tu, Thầy tổ, đạo tràng, huynh đệ… Mất thì giờ, mất hết tất cả những thuận lợi trong việc tu hành. Thiền sư Đại Giác dạy phải chặt thẳng cội nguồn, dùng dao bén Trí tuệ chặt đứt tất cả những thứ đó thì việc tu mới tiến. Chúng ta ngồi lại bình yên, thấy lòng rỗng rang, trong mọi sinh hoạt mình không mong cầu điều chi, không để bất cứ thứ gì dẫn đi, an nhiên tự tại.

Sở dĩ vua Trần thích đời sống sơn tăng hơn đế vương là vì Ngài đã thấy rõ tất cả nguyên nhân, sự kiện đó, không cho chúng dẫn đi. Ở núi rừng là ở núi rừng, không để xen chuyện triều đình vào đó. Nếu Ngài bị vọng tưởng, những dấy niệm thế tục kéo lôi thì không còn gì thích thú cả, mà sẽ thấy trên núi thiếu cái này ngại cái kia. Từ đó trở ngại trong việc tu hành. Đôi khi những trở ngại rất thông thường, nhưng không tỉnh giác lâu ngày nó trở thành lớn. Vì vậy nói đến tu là nói những cái bỏ bớt, không mắc mứu, không đắm mê bởi cơm ăn áo mặc, bởi sự thụ hưởng vật chất chung quanh đời sống. Làm chủ được những thứ ấy mình mới tu được.

Người thấy đạo là người thấy được lẽ thật của mọi vấn đề. Tổ đã dạy chúng ta rõ ràng trong cái hết sức bình thường, ta làm chủ được thì chiến thắng, không làm chủ được thì thất bại. Bản thân Ngài thực hành và đạt được kết quả cụ thể, không bị trói buộc, không bị kéo lôi bởi bất cứ thứ gì, cũng không cái gì có năng lực dẫn dắt Ngài theo chúng được. Do vậy Ngài rất thích thú. Nói thích thú là có ý vị chứ không phải nói suông. Chúng ta cũng vậy, huynh đệ nào tu được sẽ thấy bình yên và thích thú. Ngồi nghỉ là ngồi nghỉ, thụ trai là thụ trai, tọa Thiền là tọa Thiền, tụng kinh là tụng kinh… Không có cái nào dính cái nào, cũng không có vấn đề gì đủ sức kéo lôi ta. Sở dĩ bây giờ chúng ta chưa bình yên, còn ngổn ngang, tưởng tượng như vầy như khác là vì mình chưa thấy được lẽ thực của muôn pháp.

Đây là vấn đề nhiều đời nhiều kiếp, nó như những sợi dây vô hình không đáng chi, nhưng khi đã trói buộc mình rồi thì khó cởi ra được, nó cột cứng ngắt không nhúc nhích cục kịch gì nổi hết. Cứ sanh ra, lớn lên, chết đi… ở trong vòng lẩn quẩn ấy trăn trở, tạo nghiệp, để rồi bị nghiệp dẫn đi trong vòng luân hồi sanh tử, đời này kiếp khác vô cùng vô tận. Người nào biết rõ điều đó là rất hay, vì sẽ không chạy theo nó nữa, nên sẽ được bình yên.

ĐOẠN 3

Công danh chẳng trọng,

Phú quý chẳng màng;

Tần Hán xưa kia,

Xem đà nhàn hạ.

Chú thích:

- Nhèn: hèn.

Giảng:

Với Ngài, công danh không trọng, phú quý không màng. Tại sao? Vì nghiệm các bậc anh hùng, các bậc đế vương những đời trước, như Tần Hán thuở xưa lẫy lừng một cõi, gồm thâu thiên hạ, rốt cuộc chết hèn hạ không ra gì. Cho nên biết, công danh phú quý đâu đáng để cho người tu phải bận tâm.

Câu này nhẹ nhàng lắm, nhưng là lời dạy rất cần thiết đối với chúng ta. Là một người tu hành mà còn nặng lòng vướng víu công danh, phú quý thì thật là không xứng đáng chút nào. Cái nhìn của người thấy suốt lẽ đạo, không chạy theo tuồng ảo hóa phù du ấy. Ngài nói các vị đế vương, các bậc anh hùng hảo hán ngày xưa giờ nhìn lại, còn ai? Ai rồi cũng chết, tới một lúc nào đó, thân thể danh tiếng cũng hoại cũng phai nhạt tàn lụn. Như Hạng Vũ chẳng hạn, một anh hùng được xem là “cái thế” tức trùm đời, không ai hơn. Nhưng sau thời gian tranh hơn tranh thua ngắn ngủi, ông đã tiêu tan hết tất cả, người ông yêu thương nhất là Ngu Cơ đã tự sát bên giòng Ô Giang lúc Hạng Vũ chỉ mới ba mươi hai tuổi.

Nếu nhìn theo phương diện ấy còn gì để chúng ta mê muội, say đắm, vướng mắc nữa. Ý Tổ Trúc Lâm nhắc người tu phải tỉnh để chuẩn bị cho mình con đường vượt thoát mọi buột ràng mới mong chấm dứt dòng sanh tử khổ đau. Có thể nói người tu hành mà còn vướng mắc trong vòng công danh sự nghiệp thì thật quá uổng. Tại sao? Bởi vì vướng mắc những thứ ấy thì không hành đạo được. Miệng nói tu mà không hành đạo, chỉ là nói suông thôi, không thể chấp nhận được. Nói tu là tu, nói hành đạo là hành đạo, không chỉ nói suông trên miệng.

Vướng vô vòng danh lợi rồi cứ gây nhân trả quả đời đời kiếp kiếp, không tu được, không có chỗ nào để gầy dựng đạo lý. Chuyện này nói dễ mà làm khó. Thực sự nếu ở thế gian ai cũng tu được hết thì Thái tử Sĩ Đạt Ta đã không vượt thành vào rừng, thay đổi y phục, làm một người tu. Ở trong đời sống đế vương mà tu được thì không có chuyện giữa đêm Ngài bỏ đi. Đắm đuối trong ngũ dục, trong thụ hưởng thì không thể gầy dựng được tâm đạo, không có chuyện tu hành. Cho nên Ngài phải cắt ngang, từ bỏ tất cả để hành đạo. Cũng vậy, nếu vua Trần ngồi tại triều mà thành tựu được đạo lý rốt ráo thì Ngài đã không chạy lên Yên Tử, vào chỗ rừng sâu núi thẳm, không cần năm sáu năm tu hạnh đầu đà v.v… Sở dĩ các Ngài hành đạo như vạây vì người tu hành mà vướng mắc mùi vị ngũ dục ở thế gian thì khó tu tiến.

Người có hành đạo thấy rất rõ điều này, thấm thía trong công phu của mình. Chúng ta phải bảo vệ, nỗ lực hành trì từng li từng tí mà chưa bình yên, nói gì xông pha, lăn xả vào những cục diện rườm rà như thế, làm sao bình yên được! Nói tu phải có phương tiện, có thời gian, có phương thức rõ ràng, chứ không thể nói suông. Không phải gõ mõ tụng kinh thật to mà gọi là tu đâu. Công phu thăng trầm trải dài nhiều năm tháng khi tiếp duyên xúc cảnh cũng như khi ẩn thân nơi chốn rừng núi. Quá trình bước đầu của người tu phải áp dụng như vạây. Kế nữa, từ công phu phấn chấn, ta sẽ bình yên dần trước mọi cảnh duyên, luôn luôn tỉnh sáng. Nhờ tỉnh sáng nên ta làm chủ được tất cả, những dấy niệm về thân, về cảnh, về con người, về xã hội, về địa vị, về tiền tài danh vọng v.v… tất cả đối với người thức tỉnh đều bình thường.

Được vậy một chân trời rỗng rang sáng suốt mở ra. Không nói giác ngộ giải thoát, nhưng chúng ta không vướng mắc gì cả. Đây là một pháp tu mà ai cũng có thể áp dụng được. Chỉ cần chịu nhìn lại, quán niệm, chiếu soi thì bất cứ lúc nào, ở đâu chúng ta cũng có thể tu được. Người tu là người sống bình thường an nhiên tự tại. Chư Tổ dạy chúng ta, không nói những điều xa vời khó khăn. Các Ngài dạy những việc hết sức gần gũi như đừng ham ăn, đừng ham ngủ, đừng ham vui, đừng buồn bã âu sầu mãi. Rất là bình thường! Đối với Thiền sư nghỉ là nghỉ, ăn là ăn, tu là tu, làm việc là làm việc… Bình thường, không phải thêm thắt gì hết, khỏi tụng thêm kinh chi ở chỗ đó.

Đôi khi chúng ta tụng kinh nhiều mà bị kinh chuyển chớ không chuyển được kinh. Như tụng kinh Bát nhã, Phật dạy phải chiếu kiến ngũ uẩn giai không. Tối ngày mình cứ tụng “… chiếu kiến ngũ uẩn giai không …”, mà không hành như thế thì có được gì đâu! Sáng cũng vậy, tối cũng vậy, chiều cũng vậy, ở đâu cũng vậy; chiếu kiến ngũ uẩn trên miệng mà thân ngũ uẩn này thì thấy nó to bằng núi Tu Di, chứ không vừa.

Ngài nói như Tần Hán thuở xưa lẫy lừng một cõi, gồm thâu thiên hạ, rốt cuộc đều chết, hèn hạ không ra gì. Cho nên biết, công danh phú quý đâu đáng để cho người tu phải bận tâm. Qua đó Ngài nhắc nhở người tu chúng ta hãy nhìn gương xưa, lấy đó làm bài học. Chúng ta phải tu, phải sống, phải làm sao đừng để bị lụy trong vòng công danh phú quý, làm rối loạn lòng mình thì tu không được.

ĐOẠN 4
Yên bề phận khó,

Kiếm chốn dưỡng thân;

Khuất tịch non cao,

Náu mình sơn dã.

Chú thích:

- Phận khó: Phận nghèo.

Giảng:

Ngài dạy người tu phải yên phận nghèo, chọn nơi núi rừng dưỡng thân. Trong kinh Bát Đại Nhân Giác có câu “an bần thủ đạo, duy tuệ thị nghiệp.” Yên phận mặc áo nhuộm, ăn cơm hẩm, sống bình thường giản dị trên núi non. Những nơi vắng vẻ thanh tĩnh là chốn thích hợp với người tu hành.

Lúc đức Thế Tôn còn tại thế, một hôm Ngài đến nơi chư Tăng an trú trong núi rừng, thấy có Thầy nằm nghỉ một cách nhàn nhã, Ngài không quở gì hết, vẫn vui vẻ bình thường. Sau Ngài đến chỗ chư Tăng tu hành gần thành thị, thấy có nhiều Thầy đang tích cực ngồi tu, nhưng Ngài nói không yên tâm. Ở đây, vua Trần dạy chúng ta cũng thế. Người tu thì phải yên phận nghèo, nỗ lực tu hành ở những nơi xa vắng người đời mới dễ tu. Nói thế không hẳn là bắt buộc người tu nào cũng phải lên núi hết, chúng ta phải tùy duyên. Song chủ yếu ở đây Ngài dạy làm sao chúng ta tránh tiếp xúc với các duyên bên ngoài, để chuyên tâm nhất ý vào việc tu. Ở đâu yên tu đó, nhưng phải thấy được lẽ thực, đừng vướng vào danh lợi. Chỗ vắng vẻ cũng nỗ lực tu, nơi thành thị chợ búa cũng nỗ lực tu. Người nào thấy được lẽ thực của các pháp, không bị danh lợi buộc ràng, đó là người có công phu, tu hành sẽ mau tiến bộ.

Chúng ta sống tùy duyên nhưng phải biết tùy duyên như thế nào? Trong điều kiện thuận lợi mình nỗ lực tu hành, khi gặp hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn hoặc bị trở ngại, chúng ta vẫn cứ nỗ lực tu. Chính sự nỗ lực, sự phấn đấu đó mới đưa chúng ta đến thành công trong công phu. Người xưa nói không một thành quả nào thành tựu dễ dàng mà có giá trị. Tất cả những thành quả có giá trị đều từ chỗ chịu khó, gắng gổ, phấn đấu tích cực mà nên. Lời dạy đó cho chúng ta kinh nghiệm để tu hành. Ở đây không nói sự thành công hoàn hảo, mà tất cả huynh đệ chúng ta đều phải phâùn đấu tích cực để có được niềm an vui tối thiểu nào đó trong việc tu hành.

Hòa thượng thường dạy, chúng ta do thương mình mà nỗ lực tu hành. Có nỗ lực tích cực, có phấn đấu tu hành mới nếm được giá trị của thành quả do mình gầy dựng. Chúng ta không ngồi đó đợi chờ, ỷ lại, trông mong cái gì khác, mà tự phấn đấu tất cả những điểm dở khuyết của mình, tự làm thành, tự gắng gổ, tự vươn lên để cuối cùng thừa hưởng thành quả xứng đáng. Biết rõ như vậy, lúc nào công phu của chúng ta cũng tiến được, không vì lý do gì, không có khó khăn nào làm cản trở mình được. Ở đây Ngài dùng từ “dưỡng than”, tức là tu để nuôi dưỡng đạo lực, Trí tuệ của mình. Người tu ngoài việc tự lợi còn có năng lực làm người khác phát sinh Trí tuệ, nên gọi là lực sinh. Trước nhất tự phát triển Trí tuệ của mình, kế đến có năng lực hỗ trợ, động viên cho người phát triển Trí tuệ.

Theo lời dạy của Sơ Tổ Trúc Lâm, Thiền tăng tu hành trong các Thiền viện đặt nặng cái nhìn lại nơi chính mình. Thấy được những nguyên nhân hình thành các sự kiện, hình thành thân này là giả tạm. Đó là cái thấy của Thiền tăng trong Thiền viện. Chúng ta vẫn tụng kinh, nhưng trong công phu hành trì phải lấy Trí tuệ làm căn bản. Thấy rõ như vậy mọi việc trong đời sống đều xoay chuyển theo cái nhìn tuệ giác. Biết đâu là nguyên nhân ràng buộc, chúng ta tu để làm chủ, không cho nó ràng buộc mình.

Mỗi người cần phải tự gắng gổ nỗ lực, không ai có thể giúp mình, cũng không ai cản trở mình được. Chúng ta tự khắc phục những điểm khuyết dở để tăng tiến hoàn chỉnh hơn. Tu ngay từ trong lòng mình, dùng Trí tuệ quán chiếu tất cả các pháp, thấy rõ nó không thật thì buông được. Khi thấy rõ như thế rồi, các pháp không làm gì mình được, tức là ta đã tự tại nên sống rất bình yên. Cho nên những duyên trái nghịch, những sự chống đối đó là yếu tố cần thiết, bổ sung cho đời sống tu hành của mình được hoàn chỉnh.

Nếu bình tâm xem xét, chúng ta thấy kẻ hay dùng lời chỉ trích, biếm nhẽ, bình luận người khác, họ dùng cái gì để nói? Phật dạy sở dĩ phát ra thành âm thanh, là do môi, lưỡi, răng, miệng, thanh quản, khoảng trống trong miệng… hợp lại mới phát ra tiếng được. Bây giờ ta thử đặt lại vấn đề, nếu có người hai hàm răng không đủ, hai môi bị sứt, thiếu cái miệng, không có lưỡi hoặc khoảng trống… thì không thể nói thành tiếng được. Hoặc người miệng có cấu trúc đầy đủ nhưng thiếu lỗ mũi nói nghe cũng khó, môi thiếu nói cũng khó nghe, lưỡi ngắn nói cũng khó nghe… Như vậy âm thanh hoàn chỉnh là do cơ chế cấu trúc hình thành bởi nhiều thứ, nếu thiếu đi một hai thứ thì không có tiếng nói, làm sao ta phân biệt đâu là khen là chê. Tiếng chửi đâu có thật mà sao ta lại chấp vào đó rồi sanh phiền não? Nhờ soi rọi, quán chiếu như thế nên mình buông được.

Trong cuộc sống con người bận rộn với những chuyện cơm ăn áo mặc, địa vị danh lợi, cuối cùng không biết Ta là cái gì? Quẩn quanh theo những thứ đó từ đời này sang kiếp khác, tạo những nghiệp nhân đưa đến hậu quả khổ đau. Bây giờ gặp được Phật pháp, gặp chư Tổ, các thiện hữu tri thức chỉ thẳng cho chúng ta gốc gác việc tu hành. Thay vì chúng ta cứ luẩn quẩn loay hoay đời này kiếp khác, trồi lên trụt xuống vì cơm ăn áo mặc, vì thân này, vì danh lợi v.v… Bây giờ các Ngài chỉ thẳng cho mình những thứ đó không thiệt, không đáng để chúng ta bám víu, khổ sở. Ân nghĩa của các ngài đối với chúng ta thật lớn lao vô cùng, chỉ có tu hành được giác ngộ mới đền trả nổi. Cho nên chúng ta phải ráng tu làm sao để được giác ngộ. Như vậy đâu có thời gian ngồi đó nói trăng nói cuội, nói ngô nói ngã gì nữa, lớn nhỏ già trẻ, người mới tu người tu lâu gì đều bắt tay vào việc nỗ lực tu hành.

Hòa thượng Viện trưởng đã già, tới lúc phải nghỉ ngơi, bao nhiêu năm tháng Ngài đã dốc túi dạy hết, không còn giấu giếm chúng ta điều gì. Bây giờ nơi mỗi người phải tự nỗ lực nhận ra và áp dụng. Có áp dụng chúng ta mới hưởng được lợi lạc, giá trị thiết thực của Phật pháp. Đó là việc làm duy nhất của người con Phật, không còn việc khác. Mong tất cả huynh đệ cùng thương tưởng, đùm bọc nhau nỗ lực tu hành, nhất định chúng ta sẽ thành công.

http://daitangkinhvietnam.org/