TS Trịnh Hòa Bình: Không thể dẹp được mê tín dị đoan
07:00 | 17/02/2014

(PetroTimes) - Cứ đến đầu năm, chuyện lễ lạt, xin xỏ, cầu cúng… càng trở nên sôi động. Sở dĩ có câu chuyện này là bởi hiện xã hội đang có quá nhiều bất trắc, rủi ro. Trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới, TS Trịnh Hòa Bình cho rằng, mê tín dị đoan phát triển là có một phần người ta mất lòng tin ở cuộc đời thực, thậm chí không tin vào chính bản thân mình.

Năng lượng Mới số 296

PV: Ông lý giải thế nào về hiện tượng ngay từ những ngày đầu năm, cụ thể là mồng Một tết người dân đã ùn ùn kéo nhau đi đình, chùa…?

TS Trịnh Hòa Bình: Mọi năm người ta cũng đi đền chùa, chỉ khác là năm nay lượng người đi hành hương nhiều hơn. Tôi cho rằng vì bây giờ chúng ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn về đời sống, kinh tế, tâm linh. Chúng ta thấy rõ những bất ổn cả trong đời sống của thể chế lẫn làm ăn tăng trưởng nên khi khó khăn như vậy, nhu cầu viện dẫn đến các yếu tố đời sống tâm linh, lực lượng có thể gọi là siêu nhiên nhiều hơn, người ta muốn thiết lập quan hệ trực tiếp để cầu cúng. Tất nhiên không phải mọi người đến chùa, đến đình chỉ để cầu cúng nhưng khi lượng người đông kéo đến để xin xỏ khiến những người xem vì tò mò cũng tăng lên tương ứng.
Năm nào cũng thế, cứ tết đến là những sinh hoạt kiểu như vậy lại bùng nổ và những lực lượng chuẩn bị cho nó cũng mang tính chất kích hoạt, hối thúc mọi người cùng tham gia. Năm nay, đặc biệt khó khăn, vì thế người dân đi cầu, đi cúng cũng nhiều hơn.



PV:
Đi cầu, đi cúng, đi lễ, đi chùa… tức là con người ta đang tin vào một thế giới khác, cá nhân ông có tin vào đời sống tâm linh không?

TS Trịnh Hòa Bình: Nói tin hoàn toàn hay phản đối hoàn toàn thì đều không đúng, cái gọi là nửa tin nửa ngờ cũng không hẳn nhưng rõ ràng xét về mặt logic, tôi không tin vào những điều cầu cúng xin xỏ như thế. Nhưng tôi ủng hộ chuyện đó vì như thế là người ta đang tìm đến một thế lực, một bình diện khác để kiểm soát cuộc đời này. Mà có chỗ kiểm soát, đánh giá thậm chí xem xét trừng phạt mình thì người ta mới có thể sống tốt hơn ở nơi trần thế. Không phải hoàn toàn là trông mong vào lực lượng siêu nhiên nhưng dẫu thế nào đi chăng nữa niềm tin vào tôn giáo đang sống dậy ở một bộ phận rất lớn trong cộng đồng.

Trong khoảng thập niên 60, 70 của thế kỷ trước khi chúng ta hủy diệt toàn bộ những niềm tin kiểu như thế trên diện rộng chỉ còn đối diện với chính quyền, với các thiết chế hiện hữu đã thấy cuộc sống bỗng dưng trở nên xơ cứng, thiếu đi phần nhuần nhụy. Dường như người ta ít tự vấn lương tâm hơn khi đối diện với các thế lực siêu nhiên, với những gì không phải là trần thế. Giai đoạn bấy giờ tôi dám chắc là con người ta sống không sâu sắc mà bị hành xử theo mô hình của số đông nhiều hơn, áp lực của cộng đồng, áp lực theo mục tiêu của đời sống chính trị lúc bấy giờ là huy động cả nước làm nhiệm vụ cơ bản, chiến đấu bảo vệ dân tộc, độc lập tự do cũng như xây dựng đất nước chủ nghĩa xã hội. Nó triệt tiêu mọi nguồn gốc cá nhân để hướng đến những lý tưởng chung. Tôi nói như thế không phải để phê phán giai đoạn đó theo khía cạnh “đào đất đổ đi” hay tuyệt diệt mà tôi muốn nói, mỗi mô hình văn hóa ứng xử, một thái độ sống với từng thời kỳ. Giai đoạn đó, người ta sống như vậy, khi xóa đi tính cá nhân mới tập trung được sức mạnh tối đa của cộng đồng để thực hiện những nhiệm vụ căn bản lúc bấy giờ. Giai đoạn này, khi con người ta được khẳng định hơn, tính cá nhân được coi trọng hơn, màu sắc đa dạng hơn chúng ta hay nói đến thống nhất trong sự đa dạng thì con người ta lại trở về cái của riêng mình nhiều hơn và như vậy nhu cầu đối thoại với các lực lượng siêu nhiên, các khía cạnh của đời sống tâm linh nhằm kiểm soát hành xử của mình trong cuộc đời này tăng lên, nó giúp người ta duy trì giữ gìn đạo lý, thực hiện đạo đức chỉn chu hơn. Khi người ta đi làm những việc ấy, ngay lúc đó họ soi rọi mình lành mạnh hơn, sáng suốt hơn, nhìn lại những gì mình đã làm hay chưa làm được, việc gì có lỗi với tiên tổ, với cộng đồng… Tôi cho đó là một hình thức sám hối để kiểm điểm lại mình hơn có thể góp phần cắt nghĩa cho hiện tượng lượng đông người đi cầu cúng như vậy.

PV: Nhưng nếu cứ để mặc người dân đi lễ chùa nhiều cũng sẽ tốn không ít thời gian, của cải vật chất của cá nhân mỗi người và cả cộng đồng người, thưa ông?

TS Trịnh Hòa Bình: Tôi tán thành ý kiến đó nhưng nếu phản biện người ta sẽ nói rằng đó là một sự quay vòng thì tổng lượng của cải xã hội vẫn ở đấy thôi. Như sản xuất vàng mã, cành vàng lá ngọc… cũng sẽ kích thích một khu vực sản xuất những thứ hàng mã đó, tạo ra nghề nghiệp cho một bộ phận xã hội đáng kể sinh sống thậm chí là sống tốt, sống khỏe. Người ta mua như vậy sẽ kích thích sức mua.

Nếu chúng ta quản lý tốt thì mọi việc sẽ khác đi. Ví như dùng khoản tiền người ta công đức trở thành nguồn thu để tái đầu tư xã hội, tất nhiên trước hết vẫn ưu tiên khu vực đình chùa miếu mạo. Chỉ có điều rằng, đôi khi người ta sẽ cảm thấy xót lòng khi những thứ bị đốt vào thinh không, họ sẽ nghĩ không đầu tư trực tiếp cho sản xuất mà lại ô nhiễm môi trường nên sẽ tốn một lượng tiền bạc để xử lý. Lại dẫn đến một vòng luẩn quẩn lại sử dụng một phần tiền công đức đó để làm sạch môi trường cũng như thực hiện việc kiểm soát của khu vực đình chùa miếu mạo, đặc biệt là những người hành nghề tôn giáo.


Cảnh sắm lễ tấp nập trước lối vào Đền Bà Chúa Kho

PV: Bây giờ có rất nhiều hình thức kinh doanh, thậm chí đình, chùa… cũng tham gia vào các hình thức kinh doanh đó. Ông nhìn nhận gì về hiện tượng này?

TS Trịnh Hòa Bình: Rất nhiều trò kinh doanh. Hiện nay, trò phái sinh mà chúng ta nhìn thấy hiển hiện như là đổi tiền lẻ, đó chỉ là đám “tiểu yêu” ở ngoài vòng thôi còn những người nhân danh việc đó họ cũng có thể trở thành tỷ phú nhà chùa, trăm tỷ chứ không phải một tỷ. Dẫn đến có những chỗ họ “bịa” ra chùa. Nghĩa là chùa thậm chí còn trở thành công cụ kiếm ăn của bộ phận người đó, nhân danh thần quyền, từ đó lại móc ngoặc với chính quyền. Tôi cho rằng không thể chống lại được, có chăng chỉ làm lành mạnh hóa về phương diện hình thức mà thôi. Khi mà xu hướng đến với các yếu tố tâm linh là bất khả kháng, thậm chí giống như là sự chia sẻ thì chính quyền cũng bất lực. Nếu có một phép thánh nào đó để ghi âm được tất cả các lời khẩn cầu sẽ thấy rất hay, họ nói không thiếu một thứ gì kể cả cầu chúc cho “đứa khác” sa hầm sảy hang.

PV: Ông ủng hộ việc đi lễ bởi vì ông thấy người ta có thể sám hối khi đi đến những chỗ đó, nhưng tôi lại thấy rằng người dân đi chủ yếu là để cầu để xin cho mình làm ăn phát đạt, thăng quan tiến chức…?

TS Trịnh Hòa Bình: Đúng vậy, toàn mong cho mình thôi và không loại trừ mong hại cho kẻ khác để mình dẫm đạp lên họ mà đi lên.Thường là trước tiên cầu cho mình, tiếp nữa nếu có tiền người ta sẽ diễn hành vi từ thiện trên bình diện chung để mọi người thấy tôi sẵn lòng chứ không phải từ tâm thật sự. Nó chính là xuất phát từ những hành vi vị kỷ thôi, người ta cầu cúng quá mức trung bình hay diễn hành vi cúng tiến cho đâu đấy cũng là vị kỷ.

PV: Ngay trong hệ thống chùa chiền cũng xảy ra nhiều vấn đề. Vừa rồi ở địa bàn Hà Nội đang xôn xao câu chuyện đưa tượng lạ vào chùa… với rất nhiều ý kiến phản đối. Ông thấy gì qua câu chuyện này?

TS Trịnh Hòa Bình: Những người hành nghề tôn giáo họ cũng chỉ là một con người giữa đời thường, cũng phải làm ăn. Khi hành xử như thế nghĩa là họ tính chuyện làm ăn có gặt hái. Khi họ tụng kinh gõ mõ, khi khoác áo cà sa có thể khi đó họ đã nhập thần trở về đúng chức vị của đời sống tôn giáo. Việc ở chùa Bà Đá, người ta đưa tượng như thế trong khoảng thời gian nhất định giống như một cú hích để tổ chức một chiến dịch làm ăn không khác với hành vi của nhà sư trụ trì nọ đưa một pho tượng giống mình vào trong chùa. Cũng vì xuất phát từ cái tôi vị kỷ như dùng tiền công đức để mua ôtô, xây toilet gần khu chính điện. Khi đó họ lại trở về là một con người giữa đời thường, lao vào cuộc “tranh giành” để có được lợi nhuận, sân si của đời sống kinh tế thị trường.

PV: Có không ít câu chuyện buồn về các tăng ni, về các đình chùa miếu mạo, mà ở đó mang nặng tính trần tục khiến cho nhiều người bây giờ cũng đã có cái nhìn khác. Ông có thấy đó là điều đáng buồn không?

TS Trịnh Hòa Bình: Trước hết, phải xác định họ đều là con người. Và trong số họ không phải ai cũng “đắc đạo”. Phàm đã là con người thì ai cũng có lòng tham. Thế nên, ta cứ xem như đó là một tổ chức mà trong đó cũng có người xấu, người tốt, người tham, người thảo… Vì vậy chúng ta phải hướng đến một xã hội luật pháp, xã hội pháp trị tức là trong lĩnh vực này cũng cần luật hóa.
Phải xác định rõ rằng tôn giáo tồn tại như một hiện tượng có thực và thậm chí nó đang ngày một phát triển chứ không có chuyện tiêu vong. Chúng ta phải chấp nhận sự tồn tại của nó trong đời sống tinh thần, tình cảm thậm chí là đời sống kinh tế của xã hội hiện nay để nó hoạt động lành mạnh hơn, góp phần tham gia vào guồng máy hành tiến xã hội nên phải buộc lòng luật hóa những phạm vi hoạt động của nó để quản lý.


Hàng nghìn người tham gia lễ hội Yên Tử

PV: Nhưng ngay cả các cấp quản lý nhiều khi cũng còn chưa xác định được rành mạch mà chính họ còn cúng bái, lễ lạt nhiều hơn cả người dân. Không ít người xem lực lượng siêu nhiên như đấng tối cao, nói gì nghe nấy, thưa ông?

TS Trịnh Hòa Bình: Đó là điều đáng buồn của xã hội chúng ta ngày nay. Bạn nhìn mà xem, nhiều người cho chữ thậm chí còn không biết ý nghĩa những văn tự mình viết ra, chỉ viết một cách máy móc. Tất nhiên không phải tất cả đều thế, một bộ phận lớn vẫn biết ngữ nghĩa của từ mình viết nhưng vẫn còn bộ phận có hoa tay họ có thể “vẽ” ra được những chữ như thế. Bây giờ cho chữ mà nhiều người thậm chí còn phải tra từ điển để bắt chước vẽ theo. Xã hội dường như rơi vào trạng thái “điếc không sợ súng”, bất cứ ai cũng có thể làm thầy, làm thợ, làm nhà chùa được. Trong đạo Phật có ngạch ăn xin nhưng không phải ăn xin để sống mà chỉ là cách hành xử của ngạch đó thôi. Nhưng có rất nhiều người khoác tấm áo cà sa đi ăn xin để cho có thu nhập. Chúng ta cứ nương nhẹ, lẽ ra phải có luật pháp để răn đe đến nơi đến chốn. Ở đây không phải bảo vệ những người khác hành nghề mà tiêu diệt những kẻ hành nghề dởm, mà điều quan trọng là phải luật hóa, phải đưa vào khuôn khổ luật pháp để những cái giả bị bài trừ tận gốc.

PV: Chuyện thật - giả là một vấn đề, nhưng ông có nghĩ rằng điều đáng lo nhất là rất nhiều người dân ngày càng mê tín dị đoan đến mức cuồng tín?

TS Trịnh Hòa Bình: Chỉ vì người ta quá tin, ranh giới giữa tín ngưỡng và mê tín quá mong manh. Tôi khẳng định bây giờ có mê tín dị đoan vì người ta mất lòng tin ở cuộc đời thực. Càng mất lòng tin vào thế giới này bao nhiêu họ càng thêm tin thế giới siêu thực kia bấy nhiêu. Tin quá mức thành mê tín, thế thôi. Khi người ta uống lấy từng lời từng chữ của nhà sư… tự nhiên trở thành dị đoan. Và cái này là tự bản thân mỗi người, chứ chùa chiền, miếu mạo không biến họ thành như thế.

PV: Theo ông, có cách nào để giải quyết câu chuyện này?

TS Trịnh Hòa Bình: Không thể dẹp được, nó chỉ tự mất đi bằng sự tăng trưởng chung của nền kinh tế xã hội, con người ta bắt đầu phải đối diện với những vấn đề có thật của cuộc đời mình và với một bức tranh sáng sủa hơn. Phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa thiết chế chính trị để con người không bị mất lòng tin vào hệ thống quản lý, họ tin vào những người đang tồn tại, tin vào các mối quan hệ xã hội thay vì phải đi viện dẫn những thế lực siêu nhiên mà kỳ thực cuối cùng lại hóa ra bị lừa bịp. Điều đó đúng thôi bởi thiết chế chính trị bao giờ cũng là chung chi phối các thiết chế khác, bao gồm tôn giáo, đạo đức, luật pháp. Nhưng chúng ta phải có công cụ luật pháp để điều chỉnh lại tất cả những cái đó. Cho dù đôi lúc sẽ không tránh khỏi phải bị cưỡng chế.

PV: Nói vậy nhưng cũng có những điều ở thế giới tâm linh không thể giải thích được? Vậy nên bây giờ ai cũng thích xem bói, kể cả những ông to, bà lớn… có việc gì cũng cầu đến thầy, thưa ông?

TS Trịnh Hòa Bình: Thế mới bảo làm sao dân không tin được mặc dù Nhà nước vẫn chủ trương là chống mê tín dị đoan. Thực ra, điều đó vẫn có thể cắt nghĩa được bằng khoa học rằng lực lượng siêu nhiên, âm hồn, linh hồn có thể vẫn tồn tại dưới dạng vật chất rất nhỏ hay dưới dạng sóng, khi tập trung hay không tập trung nó có thể tác động đến con người.

Có chuyện phù hộ không? Rõ ràng nhìn những tấm gương này, tấm gương kia là có, có thể là do tương tác của những nguồn lực dạng siêu vật chất. Nó là tinh thần chứ không phải vật chất, chuyển hóa hay không cũng chuyển thành vật chất. Ví dụ củng cố ý chí niềm tin để người ta thêm nghị lực vượt qua khó khăn gian khổ. Được quy chiếu là sự ủng hộ của âm hồn, linh hồn nào đó, phù hộ này khác nhưng kỳ thực sự ủng hộ đó được siêu vật chất hóa thông qua những làn sóng, sự tương tác này khác để họ tự tin hành xử, vượt qua cám dỗ, khó khăn làm nên những kỳ tích.

Nhưng nếu có tâm linh như thế thật tôi nghĩ cũng tốt bởi như thế người ta sống tốt với nhau hơn vì họ vẫn sợ ở cuộc đời thứ hai, thứ ba nào đó của mình. Chẳng hạn đang là người có thể trở thành con lợn một ngày nào đó không biết chừng, chỉ nằm đó ăn no và chờ mang đi thịt. Chắc không ai thích thân phận như thế.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Thái Linh (thực hiện