Bí ẩn một hủ tục
Thứ Bảy, 14/06/2008 --- cập nhật 02:30 GMT+7


Mỗi khi cười, già Bớt khoe hàm răng có bốn chiếc bị mài cụt ở hàm trên và sáu chiếc được vót nhọn, đen bóng ở hàm dưới. Những chiếc răng kỳ lạ này là dấu hiệu nhận biết thành viên của tục “cà răng căng tai”. Đây là tập tục của người Stiêng xưa, ẩn chứa nhiều điều bí hiểm.

Dấu ấn của sự trưởng thành

Sóc Bom Bo (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) được nhiều người biết đến với câu chuyện về những nhịp chày giã gạo nuôi bộ đội trong thời kháng chiến chống Mỹ. Nhưng mấy ai biết sau những con suối, ngọn núi ở vùng đất hào hùng năm nào còn có bóng hình của nhiều cư dân cổ với những người đàn ông trên 60 tuổi đều sở hữu những chiếc răng kỳ lạ.


Già làng Điểu Bớt với 6 chiếc răng được chẻ nhọn hình mũi tên

Tại ngôi nhà sàn ẩn sau một tán rừng, giọng lơ lớ, già làng Điểu Griêm nói: “Đời ông cha rồi đến đời mình đều phải cà răng. Có nơi người ta cà mòn đến 6 cái!”.
Già Griêm đưa chúng tôi đi khắp buôn làng để gặp gỡ những người già cà răng. Vì là dân “thổ địa”, lại là người nắm giữ linh hồn của buôn làng nên già rành rẽ lý lịch của từng người. “Người trên 50 mùa rẫy đều có răng bị cụt. Có bao nhiêu người già thì có bấy nhiêu người cà răng”. Già Điểu Len, Điểu Liêl, Điểu Kuốt... mà chúng tôi gặp đều sở hữu những hàm răng với “hàng tiền đạo” bị loại khỏi đội tuyển. Già Điểu Kuốt mách: “Ở xã Đắk Nhau, cách Bom Bo khoảng 2km theo đường chim bay có già Bớt với cái răng ở trên giống mình nhưng ở dưới thì khác”. Dò đường tìm đến Đắk Nhau, thật bất ngờ khi chúng tôi được một cụ già dáng người nhỏ nhắn cười khoe hàm trên cụt, hàm dưới có sáu chiếc răng được chẻ nhọn như đầu hình tam giác, xác nhận: “Đúng, mình là già Bớt, Điểu Bớt”.

Sau vài câu xã giao, già Bớt bật mí: “Ngày trước, đồng bào sống trong rừng sâu, sống xa người Kinh nên ít người biết đến tục cà chẻ răng. Bây giờ đường sá đi lại dễ nên nhiều người, nhất là mấy khách du lịch hay ghé nhà già hỏi chuyện cà răng rồi chụp ảnh”. Già giải thích căn nguyên của hiện tượng chẻ răng: “Ngày xưa, buôn làng sống cách xa nhau. Mỗi làng có tục riêng. Cà răng ở trên thì làng nào cũng có. Nhưng chẻ cái răng như mình thì chưa thấy. Nghe ông cha nói cái tục này chỉ có ở dân sóc nằm dưới chân núi Yumbra thôi (ngọn núi cao nhất vùng)”.

Vì sao các bộ tộc người Stiêng nói riêng, đồng bào ở các tỉnh Tây Nguyên nói chung duy trì tục cà răng căng tai? Tại sao việc cà chẻ răng lại được thực hiện phổ biến ở đàn ông, tục căng tai lại gắn liền với người phụ nữ từ khi họ còn nhỏ đến lúc về già? Đem những điều khó hiểu này hỏi các già làng, chúng tôi biết nhiều lý giải thú vị.

Già Griêm nói, mỗi buôn làng có ý nghĩa khác nhau khi tiến hành lễ cà răng, căng tai. “Mình không biết ở làng khác thì sao. Chỉ biết là tổ tiên truyền lại cà răng để phân biệt con người và con thú thôi”.

- Nghĩa là sao, thưa già?

- Ông cha bà mẹ nói con người phải khác con thú. Con thú có răng, nó dùng răng cắn xé thịt. Con người không giống con thú nên phải cà mòn cái răng thôi!

Già Bớt cho biết thêm: “Phải chẻ cái răng dưới hình mũi tên để khi gặp con thú dữ, mình nhe răng hù nó sợ”. Già lưu ý: “Chỉ thợ săn giỏi, người có sức khoẻ mới được chẻ răng đấy!”.

Ngược sâu vào các buôn làng ở Bom Bo, chúng tôi ghi nhận nhiều ý nghĩa sâu xa khác quanh tục cà - chẻ răng. Tục lệ này chỉ tiến hành khi “đứa trai, đứa gái đến tuổi trưởng thành”. Già Điểu Kuốt đưa mắt về phía đại ngàn xanh thẳm buông lời: “Thanh niên đến tuổi hỏi vợ đều phải chẻ cà cái răng. Làm như vậy đau lắm nhưng nếu không thì mọi người cười mình đấy! Cười vì mình không vượt qua được thử thách đó”.

- Thử thách gì, thưa già?

- Đứa gái xỏ cái tai càng rộng thì càng nhiều người thương vì nó là đứa chịu khó, biết nhẫn nại. Đứa trai nào trải qua cà răng thì nó là người dũng cảm, được mọi người khen, được các cô gái thích. Nếu không vượt qua được, nó là đứa hèn nhát. Đau một chút không chịu được, khi có thú dữ, có kẻ thù vào làng, nó sao dám cầm nỏ, cầm lao chiến đấu được!

Luật tục - Hủ tục?

Khi chúng tôi đến thăm, già Bớt đang dùng cơm. Cơm gạo lúa rẫy ăn cùng cá suối nướng và canh lá bép (còn gọi là lá nhíp, món khoái khẩu của tê giác) rất ngon, mềm nhưng già nhai rất khó nhọc. “Hậu quả của tục chẻ răng đấy” - già biện giải.
Già Griêm cũng thở than: “Ăn uống khó lắm. Cơm phải nấu thật mềm. Cá thịt làm thật mềm mới ăn được. Nhưng đồ ăn mềm quá ăn không ngon”. Già dùng tay bưng mặt nhăn nhó vì cái răng làm mình đau rồi kể lể: “Hồi còn trai trẻ có sức thì không thấy sao, bây giờ già rồi nên cái răng yếu. Với lại cái răng chính để giữ thức ăn không có nên ăn uống thật khó khăn”.

Theo tâm sự của những người già, khi bắt đầu đến ngưỡng 40 mùa rẫy là đến lúc khổ vì răng đau, răng rụng. Có người thậm chí rụng hết răng, mới 40 tuổi mà móm mém như ông ngoài 60 tuổi. Một già làng tên Điểu K’Sơm lý giải: “Lúc cà răng, người lớn dùng một hòn đá ở suối cà cho đến khi cái răng cụt đến lợi mới thôi. Cà xong rồi, thì miệng sưng to, cái hàm đau ê ẩm, nhiều ngày liền chỉ uống nước thôi”. Già K’Sơm còn kể chuyện sau khi cà răng, có nhiều người vì bị nhiễm trùng phải chết đau đớn. Một người em của già chưa kịp cho cha mẹ uống rượu vui đã phải làm ma vì miệng bị nhiễm trùng nặng.

Khi đất nước toàn thắng, làn sóng văn hóa mới đã được phủ khắp buôn làng nên đồng bào các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên đã đoạn tuyệt với luật tục cà - chẻ răng vì đó chính là hủ tục. Già Griêm tiễn chúng tôi bằng nụ cười lạc quan với “hàng tiền đạo” trống lốc: “Ngày xưa lạc hậu không biết nên mới cà răng. Bây giờ tiến bộ rồi, mấy đứa trai, đứa gái không làm như ông bà già nữa đâu. Tụi nhỏ đứa nào cũng biết giữ cho răng sạch, miệng thơm”.

Theo Vitinfo