Tràng An nước Việt ở đâu?

TP - ...Nơi dựng quần thể chùa Bái Đính là trên dãy đồi cao, phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, thuộc địa phận xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình gần chùa Bái Đính cổ.



Pho tượng Phật lớn nhất Việt Nam hiện nay


Cách chân đồi không xa có con sông Hoàng Long mang một vẻ đẹp huyền hoặc; bên kia sông là thôn Điềm Xá, xã Gia Thắng, quê hương của Quốc sư triều Lý Nguyễn Minh Không.

Theo chính sử, Nguyễn Minh Không từng chữa khỏi bệnh “hoá hổ” cho vua Lý Thần Tông, được triều đình phong quốc sư. Nguyễn Minh Không chính là người phát tâm xây dựng chùa Viên Quang (Ninh Bình), chùa Keo (Thái Bình), chùa Cổ Lễ (Nam Định).

Nguyễn Minh Không còn được coi là ông tổ của nghề đúc đồng, chế tác ra “tứ đại khí” nổi tiếng: tháp chùa Báo Thiên, chuông chùa Quy Điền, tượng Phật chùa Quỳnh Lâm và vạc đồng chùa Phổ Minh. Hiện nay vẫn có một đường phố Lý Quốc Sư (tức Quốc sư nhà Lý Nguyễn Minh Không) và ngôi đền thờ ông ở thủ đô Hà Nội.

Từ Bái Đính nhìn về phía đông nam trong mờ mờ ảo ảo sương khói là Dục Thúy Sơn mà dưới chân núi ấy có đền thờ một người con ưu tú nữa của Ninh Bình: danh nhân Trương Hán Siêu, một người có học vấn uyên thâm, văn võ toàn tài.

Trương Hán Siêu là môn khách của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, từng bên cạnh Trần Quốc Tuấn xông pha trận mạc, rồi được Trần Quốc Tuấn tiến cử vào làm quan trong triều.

Dưới triều vua Trần Anh Tông, Trương Hán Siêu giữ chức Tham tri chính sự, được vua giao cầm quân đi đánh dẹp phương Nam và trấn thủ Châu Hóa.

Trương Hán Siêu được các vua Trần coi như người thầy khả kính. Ông là tác giả của nhiều bài thơ viết bằng chữ Hán trong đó có bài Bạch Đằng Giang phú nổi tiếng mà cho đến nay học sinh trong trường phổ thông vẫn đang học.

Quần thể chùa Bái Đính gồm các công trình: nằm trên đồi cao nhất là Điện Tam Thế, ba tầng, mái cong, gồm 12 mái ở bốn phía, chiều cao 30 mét, chiều dài 52 mét, chiều rộng 47 mét.

Ba tầng mái có hai hàng cổ lâu mang tác dụng nâng độ cao của điện thờ lên, đồng thời lấy ánh sáng và thông khí. Bốn phía nền của Điện Tam Thế có tường đá thấp, xây nhiều bậc theo độ dốc lên xuống. Trong điện đặt ba pho tượng (Tam thế) bằng đồng, mỗi pho nặng 50 kg.

Xuống thấp hơn, theo đường chính đạo, là một vườn sinh vật cảnh, dựng những hòn non bộ độc đáo và những cây cảnh quý. Đi xuống thêm một quãng nữa, theo độ dốc của sườn đồi, là Điện thờ Pháp Chủ, gồm hai tầng mái cong, có 8 mái ở 4 phía, có một hàng cổ lâu để lấy ánh sáng và thông khí.

Điện này cao 27 mét, dài 47,7 mét, rộng 43,2 mét. Trong điện đặt một pho tượng A Di Đà bằng đồng khổng lồ, nặng tới 100 tấn. Đây chính là pho tượng to nhất Việt Nam.

Trước đại sảnh Điện thờ Pháp Chủ là một sân rộng, dựng một pho tượng Quan thế âm Bồ Tát bằng đá trắng. Qua sân, thấp dần xuống, là điện thờ Quan thế âm, một tầng, mái cong.

Tiếp đến một sân chùa và một vườn cảnh nữa rồi đến tháp chuông. Tháp chuông rất lớn, kiến trúc hình mái bát giác theo kiểu chồng diêm, gồm ba tầng mái cong, tất cả là 24 mái ở 8 phía với 8 đầu đao. Trong tháp treo một quả chuông đồng nặng 36 tấn; to nhất Việt Nam.

Trên đồi cao, về phía trái Toà Tam Thế có một tháp chuông nữa, cao 5,6 mét, treo một quả chuông đồng nhỏ hơn nhưng cũng nặng tới 27 tấn. Vẫn theo đường chính đạo, hai bên đường là hai dãy vườn chùa rộng lớn; đi xuống thấp hơn nữa có Tam Quan, 3 tầng, mái cong. Từ hai phía của Tam Quan có các dãy nhà hành lang bao bọc quần thể chùa.

Trong các nhà hành lang này sẽ đặt 500 pho tượng La Hán bằng đá trắng, mỗi vị ngồi một tư thế khác nhau. Hiện nay thì 500 pho tượng La Hán đã được bàn tay tài hoa của những người thợ đá xã Ninh Vân tạc xong, đưa đến vườn tượng chờ ngày cẩu đến nơi đặt.

…Cách đây hơn một ngàn năm, tức là vào năm Mậu Thìn (968), sau khi dẹp loạn thành công 12 xứ quân, thống nhất giang sơn, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, đặt niên hiệu Đại thắng Minh Hoàng đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, chọn Hoa Lư làm kinh đô.

Ngoài địa thế thuận lợi về quân sự, cả thế tiến công cũng như thế phòng thủ, Hoa Lư - Tràng An còn là một vùng non xanh nước biếc, đẹp mê hồn, bất cứ ai có chút máu thi ca đến đây đều mê ly đắm say, tha hồ buông thả trí tưởng tượng lãng mạn.

Chỉ tính trong phạm vi 2.000 ha xung quanh kinh thành đã có tới 50 hang động. Hang ngắn vài chục mét; hang dài hàng trăm mét, mang đủ mọi hình thù kỳ ảo.

Các hang được nối với nhau bởi gần 30 thung, mỗi thung mang một vẻ đẹp riêng, y như những bức tranh thủy mạc. Liền kề khu Hoa Lư - Tràng An là những cánh rừng nguyên sinh có hệ thống sinh thái đa dạng, với những loài động vật quý hiếm như phượng hoàng đất, vượn yếm trắng...vẫn còn tồn sinh đến ngày nay.

Rồi sông Hoàng Long, sông Tào Khê uốn lượn; buổi sáng khi bình minh ló rạng, buổi chiều lúc hoàng hôn buông thả, mặt sông lấp loáng trong sương khói huyền hoặc, linh thiêng.

Xa hơn một chút là Tam Cốc - Bích Động, núi Non Nước, động Tiên, động Địch Lộng, động Sinh Dược - nơi có vườn thuốc Nam của Thiền sư Nguyễn Minh Không, suối nước nóng Kênh Gà, động Vân Trình, khu sinh thái ngập nước Vân Long. Rồi rừng quốc gia Cúc Phương, hồ Động Chương, hồ Yên Thắng, hồ Đồng Thái. Sang cuối thế kỷ 19, người Ninh Bình còn tạo ra một kiệt tác: nhà thờ đá Phát Diệm.


Vườn tượng 500 vị La Hán

Thành Hoa Lư chỉ giữ vị trí kinh đô 42 năm, với triều Đinh 12 năm, triều tiền Lê 28 năm, triều Lý 5 tháng, nhưng những gì hai vị Hoàng đế - Đinh Tiên Hoàng - Lê Đại Hành , Hoàng hậu Dương Vân Nga và các tướng lĩnh làm được đủ để cho ngàn năm sau con cháu chiêm bái, bầu bạn năm châu bốn biển chiêm ngưỡng.

Sự chiêm bái ghi ơn của người đời sau được thể hiện bằng những đền đài, tông miếu, lăng tẩm bao giờ cũng ấm lửa khói hương. Chỉ tính trên đất Ninh Bình đã có tới 84 di tích lịch sử - văn hoá liên quan đến hai triều Đinh - Lê, trong đó có 12 nơi thờ vua Đinh Tiên Hoàng, 12 nơi thờ vua Lê Đại Hành.

Người đàn bà là Hoàng hậu của hai vua, một cái nhịp cầu nối giữa hai triều đại - Dương Vân Nga - cũng có 6 nơi thờ tự. Nhân dân không lập đền thờ riêng bà. Có nơi bà được phối thờ với người chồng trước: Đinh Tiên Hoàng; có nơi thờ với chồng sau: Lê Đại Hành.

Các bậc Tứ trụ triều đình, là những anh hùng đã cùng vua xông pha trận mạc như Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú, Lưu Cơ...cũng được nhân dân lập đền thờ nhiều nơi.

Chẳng thanh cũng thể hoa nhài

Chẳng lịch cũng thể con người Tràng An

Tràng An trong hai câu ca dao trên, nhiều ý kiến cho rằng chỉ kinh đô của nước Đại Cồ Việt ta xưa, vì kinh thành Hoa Lư có một phần nằm trên đất làng Tràng An, xã Trường Yên.

Mỗi lần đến thăm viếng hai ngôi đền chính ngự trên nền cung điện xưa - một đền thờ vua Đinh, một đền thờ vua Lê cùng hoàng hậu Dương Vân Nga - trong tôi lại dâng lên một niềm cảm xúc thành kính.

Bên cạnh sự cảm phục hai vị Hoàng đế anh hùng và người đàn bà từng làm Hoàng hậu của hai vị, tôi cũng cảm phục lắm cái văn hoá ứng xử của người dân ở đây.

Ngay sau khi vua Lý Công Uẩn dời đô ra Thăng Long, Hoa Lư trở thành cố đô, nhân dân đã lập hai ngôi đền thờ hai vua ngự song song nhau, cách nhau một khoảnh ruộng đồng.

Trải qua thời gian mưa dầm nắng xói, đền hư hỏng, đã một lần phải làm lại, hai lần trùng tu; mỗi lần như thế, nhân dân lại gửi gắm tình cảm tôn kính, biết ơn một cách công bằng, khẳng khái vào từng nét trạm khắc trên từng khúc gỗ, bức đại tự, những đôi câu đối đến từng pho tượng.

Có thể nói hai ngôi đền này là hai công trình kiến trúc cổ mang một vẻ đẹp hoàn bích. Tôi dường như học thuộc lòng những câu đối trong hai ngôi đền. Chẳng hạn đền vua Đinh có câu: Ngã Nam đế thống đệ nhất kỷ/ Trường Yên miếu mạo vạn thiên niên; nghĩa là; Nước Nam thống nhất kỷ thứ nhất/ Trường Yên đền miếu vững ngàn năm.

Và ở đền vua Lê thì: Thần vũ thiếp tứ lân, thịnh Tống cường Chiêm thử nhật/ Tinh linh tồn thiên cổ, Long Giang mã trục chi gian; nghĩa là: Thần vũ động bốn bên trong lúc Chiêm cường Tống thịnh/ Thiêng liêng còn muôn thủa trong vùng núi Mã sông Long. Hai câu đối ấy đủ khái quát hoàn cảnh xã hội, vai trò, công đức của hai vị vua đầu triều Đinh - Lê, mở đầu cho một nhà nước trung ương tập quyền phong kiến Việt Nam.

Tôi càng cảm phục khi nhìn thấy bên ngoài Ngọ Môn có bốn chữ Bắc môn tỏa thược; nghĩa là Khoá chặt cửa Bắc để tránh gió bấc, nhưng ngầm chứa một nghĩa sâu xa hơn: Đề phòng giặc phương Bắc!

Người xưa nghĩ xa, cảnh báo với hậu thế cái điều hệ trọng sống còn của nòi giống Lạc Hồng chỉ bằng bốn chữ; cái văn hóa của người Việt xưa mới thâm hậu, trí lự làm sao!

Điều làm tôi cảm phục nữa là tài tạc tượng của người xưa. Các pho tượng trong hai ngôi đền Đinh - Lê đều tạc bằng gỗ quý, từ thế kỷ 17, rất tinh sảo, nhìn mặt tượng là nhận ra tính cách, số phận.

Oai hùng lẫm liệt nhưng khắc khổ, bạc mệnh như Đinh Tiên Hoàng; thao lược, quả cảm mà phóng khoáng như Lê Đại Hành; bạc ác và dâm dục như Lê Ngoạ Triều...

Tôi đặc biệt chú ý tới pho tượng bà Hoàng hậu Dương Vân Nga. Vua Đinh có 5 Hoàng hậu (trong đó có Dương Vân Nga); vua Lê cũng có 5 Hoàng hậu (trong đó cũng có Dương Vân Nga), nhưng trong số Hoàng hậu ấy chỉ một mình Dương Vân Nga được nhân dân đúc tượng.

Đây là một pho tượng có vẻ đẹp đa chiều, nhiều tầng. Khuôn mặt trái xoan, má bồ quân, da trắng hồng, mắt đen và sáng, môi son cắn chỉ, các đường nét thanh tú, hài hoà, vừa toát ra vẻ thánh thiện vừa có nét đời thường bản năng đàn bà; vừa dịu dàng, trang nhã vừa dữ dội, quyết đoán.

Câu chuyện tình tay ba Đinh Bộ Lĩnh - Dương Vân Nga - Lê Hoàn, theo thiển ý của tôi, nếu nhìn bằng con mắt nho giáo độc tôn thì quả thật, còn có những điều cấn cá; song nhìn bằng con mắt mang tầm tinh hoa văn hoá chung của nhân loại thì đó lại là một trong những câu chuyện tình (không cần phải hư cấu) đặc sắc của trần gian, hàm chứa giá trị nhân văn thăm thẳm. Hẳn là vì thế mà khách du lịch trong và ngoài nước đến Tràng An, có thể bỏ điểm nọ điểm kia, nhưng đền vua Đinh - vua Lê thì không thể không đến.

Rồi đây, khi quần thể chùa Bái Đính xây dựng xong, địa chỉ này sẽ có một vị trí đáng kể trong hệ thống chùa chiền Việt Nam.

Đứng ở góc độ du lịch thì đó là một trong những điểm du lịch tâm linh lớn. Với hệ thống danh lam thắng cảnh, di tích Tràng An, quần thể chùa Bái Đính có một vị trí như một cây đại hồ cầm trong dàn nhạc dây, nó cầm chịch, chi phối tất cả các nhạc cụ khác. Cái sự đồ sộ, hoành tráng của chùa Bái Đính phù hợp với tâm lý, thị hiếu, tình cảm, tư duy tâm linh của con người thời hiện đại.

Bái Đính sẽ càng sáng giá hơn nếu những di tích cổ xung quanh nó cũng được bảo gìn cẩn trọng, bởi chính những nơi ấy, từ tấc gỗ đến phiến đá, viên gạch... đều tích tụ hồn thiêng sông núi ngàn năm. Chính quá trình tích tụ ấy dẫn đến sự hình thành quần thể chùa Bái Đính kỳ vĩ hôm nay.

Thị trấn Liễu Đề,tuần Đại lễ Phật Đản tháng 5 năm 2008

Lê Hoài Nam