Bí mật bùa ngải và những cuộc 'huyết chiến' giữa các thầy tào

05.01.2014 | 08:07 AM
Thời sự Xã hội







Người dân tộc thiểu số quan niệm, thày tào (thầy cúng, thầy bùa) nào cũng có bùa, bùa của thầy tào có những bí mật khó giải thích.

Những trận “chơi” mâm cúng của đối thủ luôn có quy tắc nhất định và không phải ai cũng làm được tào và cũng không phải bùa nào cũng là bùa xấu.




Bùa ngải và những câu chuyện kinh dị

Từ xa xưa, khi người Nùng đến với vùng Hương Nê (nay là xã Hương Nê thuộc huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn) nơi nổi tiếng với những tin đồn kỳ quái, đặc biệt là việc các thầy tào có những phép thuật hay bùa ngải hơn hẳn các nơi khác.

Theo những tin đồn, thầy tào ở nơi đây có thể giết người bằng một cái móng tay hay chỉ dùng một ngón tay chấm xuống chén nước người ta đã uống, vẽ một hình thù kỳ quái, đọc một câu thần chú, người bị bỏ bùa vài ngày sau có thể bị chết mà không rõ nguyên nhân. Rồi những câu chuyện về ma gà hay ma cà rồng. Đồn rằng, khi người bị loại ma này nhập phải, chỉ cần chào người lạ, nếu họ đáp lại, ngay lập tức người đó sẽ bị nhập và có thể chết một cách tức tưởi. Những câu chuyện kinh dị về thế giới dị thường của người Nùng vùng Hương Nê thôi thúc chúng tôi tìm hiểu về những kỳ quái khó hiểu như thế.


Sách dạy cách làm bùa và giải bùa.


Vượt qua con đèo Giàng quanh co, một trong 4 con đèo nổi tiếng của tỉnh Bắc Kạn, ngay dưới chân đèo, vùng Hương Nê cũng như bao vùng quê yên ả mang những dấu nét đặc trưng của làng bản miền núi phía Bắc. Thật may mắn chúng tôi được diện kiến thầy tào Bọc, một thầy tào nổi tiếng không chỉ vùng Ngân Sơn mà thậm chí còn nổi tiếng toàn tỉnh Bắc Kạn. Gia đình ông đã có rất nhiều đời làm thầy tào, và những ngón nghề của thầy tào xưa và nay ông đều biết cả. Trong gian nhà của ông, hàng thùng sách cổ từ xưa để lại được lưu giữ qua nhiều đời khác nhau. Trong các thùng sách đó, các bài văn khấn, các sách dạy bùa đều được ghi lại bằng những ký tự cổ, cả chữ Nôm và chữ Hán.

“Trong phong tục tập quán của người dân tộc, ma cà rồng (ma gà) là loại ăn sống cũng được, ăn chín cũng xong. Loại ma này thực chất là vía của một nhóm người biến thành, người ta quan niệm, ma cà rồng không làm cho người chết nhưng khi nó nhập vào người nào thì người đó bị ốm yếu, đau đớn triền miên, tinh thần hoảng loạn, gia đình sẽ bị khuynh gia bại sản dẫn đến đổ vỡ. Ma cà rồng muốn hại người thì phải bán khoăn (vía) cho quỷ để đổi lấy cái mà nó cần”, thầy tào Bọc bắt đầu câu chuyện với loài ma gà đặc trưng của các vùng dân tộc. Theo thầy tào Bọc: “Ma cà rồng chẳng khác gì những kẻ nổi loạn của loài người, con ma này thường xúi bẩy cho làng xóm mất đoàn kết, gia đình lục đục. Để đối phó với loại ma này, thầy tào phải mời đến một loại ma khác là ma cao công đến mới trị nổi vì nó là anh em ruột thịt với vua Xích Ca”!.

Ngoài là một thầy tào nổi tiếng, thầy tào Bọc cũng là một cao thủ trong việc giải bùa hay phá bùa. “Có rất nhiều loại bùa khác nhau như bùa yêu, bùa ghét, bùa phát, bùa diệt. Mỗi loại bùa tương ứng với một loại thần chú và một con ma. Việc bỏ bùa không hề đơn giản. Người bỏ bùa sẽ bị nguy hiểm nếu không am hiểu pháp thuật. Ma gà thì trừ đơn giản, không khó đối với những thầy tào cao tay. Cái khó đối với các thầy tào của người là phải biết làm bùa và giải bùa”, thầy tào Bọc giảng giải.


Chủ tịch xã Hoàng Văn Tuất.


Khi các thầy tào “đấu súng”

Theo thầy tào Bọc, khi xưa, người dân tộc vùng cao còn thưa thớt, người biết làm tào nhiều mà khách hàng lại ít, một bản của người Nùng hay người Tày có khi có đến 5 - 7 người biết làm tào nên việc cạnh tranh giữa các thầy tào khi đó cũng rất lớn, sự ghen ăn tức ở và cạnh tranh nhau khiến cho các cuộc chiến của các thày tào nhuốm màu huyền bí. Theo thầy tào Bọc: “Việc bỏ bùa để phá mâm cúng của các thầy tào khác khi xưa vẫn thường xuyên diễn ra. Thế nhưng, các thầy tào bị bỏ bùa phá mâm cúng của mình lại không được phép trả thù thầy tào khác mà chỉ có thể dùng pháp thuật hay bùa chú để làm mất tác dụng của loại bùa đã phá mình. Nếu trả thù lại người phá mình có thể bị bùa vật, thậm chí có thể đánh đổi cả tính mạng”.
Cũng theo thầy Bọc, các cuộc cạnh tranh thường diễn ra âm thầm và rất ít khi biết thủ phạm. Tuy nhiên, một thầy tào cao tay, họ hoàn toàn có thể làm mất tác dụng của những âm mưu phá hoại mình.

Đồng hành với việc bỏ bùa, việc giải bùa đối với thầy tào cũng quan trọng không kém, nhưng chỉ có thầy cao tay mới có thể làm được việc này, bởi một số thầy chỉ biết bỏ bùa nhưng không biết giải bùa.

Thầy tào Bọc cho biết: “Lễ vật giải bùa khá cầu kỳ. Ngoài một con gà và con lợn nhỏ, còn có một món cỗ tạp là thịt sống nhuộm máu gà, một bát tiết tươi, củ nâu, chuối xanh thái lát nhuộm máu. Tất cả bày thành một mâm cỗ tạp đặt cạnh mâm gà và đầu lợn. Địa điểm đặt mâm ở một góc ngoài của ngôi nhà. Mỗi loại bùa đều có một con ma nên không thể đưa mâm cỗ vào nhà, khi hành lễ phải mời khéo con ma về nhận lễ. Khi con ma đi ra khỏi nhà, thầy phá bùa phải dùng thần chú yểm không cho nó quấy phá. Trong bài cúng giải bùa phải mời tổ thư, pháp thư, binh thư, binh mã đến nhà sau đó đọc thần chú xin quẻ. Tuy nhiên, cũng có những kiểu phá bùa đơn giản bằng cách dùng mẹo dân gian chứ không cần thiết phải lễ vật hay thần chú”.


Thầy tào Bọc kể chuyện “cuộc chiến” của các thầy bùa.


Hại người, người hại

Việc bỏ bùa xấu đối với các thầy tào hay thầy bùa của vùng dân tộc thiểu số vùng cao ngày nay đã không còn lưu giữ. Các thế hệ thầy tào khi truyền lại cho các con cháu đều gạt bỏ hết những điều xấu, chỉ giữ lại những gì tinh túy nhất. Theo thầy tào Bọc, nếu làm bùa xấu làm hại người khác thì con cháu họ cũng bị liên lụy.

Các loại bùa sức khỏe, bùa bình an, mưu cầu hạnh phúc thì vẫn được duy trì hay các loại bùa sức khỏe để chữa một số bệnh đơn giản gần như chữa mẹo của người xưa thì vẫn được dùng. Cũng theo thầy tào Bọc, nếu ngày xưa có bùa yêu, bắt một chàng trai hay một cô gái phải theo mình thì ngày nay họ bỏ bùa xấu đó đi chỉ còn giữ lại bùa làm cho đôi trai gái đã nên vợ chồng không bỏ nhau mà yêu thương nhau trở lại. Các loại bùa giúp tránh gió, mưa, ngộ độc khi đi rừng vẫn được các thầy tào truyền lại cho đệ tử theo nghề. Theo thầy tào Bọc, thầy tào là những người có thể đưa linh hồn con người đến với thế giới bên kia. Trong đời sống người dân tộc, linh hồn của con người tồn tại như ý nghĩ. Nếu ý nghĩ của bạn chân thành, trong sáng khi chết đi, linh hồn bạn sẽ rực rỡ ánh hào quang, bay lượn ở tầng cao nhất của thế giới thần linh. Còn khi sống có những ý nghĩ xấu xa, cũng sẽ khiến linh hồn nặng nề, đen tối và bị chìm xuống tầng thấp nhất của thế giới linh hồn. Các thầy tào sẽ nói chuyện với các thần linh để đưa các linh hồn đó về với miền cực lạc để con cháu sống yên ổn về sau.
Không còn hiện tượng người dân bị trúng bùa ngải

Ông Hoàng Văn Tuất, chủ tịch xã Hương Nê cho chúng tôi biết: “Những năm gần đây, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" đã được Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong xã Hương Nê (Ngân Sơn, Bắc Kạn) tích cực hưởng ứng. Các thầy tào trong địa bàn xã cũng cam kết xây dựng đời sống mới, thực hiện tiết kiệm trong ma chay, cưới hỏi. Tình hình trật tự trên địa bàn những năm gần đây rất ổn định và không có hiện tượng hay tin đồn gì về việc nhân dân bị trúng bùa, ngải của các thầy bùa thầy tào”.



Lại Cường