Câu đối Tết

Câu đối Tết là một trong những thể loại văn chương phổ biến nhất được làm vào dịp Tết để mừng xuân, mừng năm mới và cũng là để trang trí cho đẹp nhà đẹp cảnh xuân. Ngày xưa, Tết thiếu gì thì thiếu còn “thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ” là không thể thiếu.

Khái niệm câu đối

Câu đối là một sáng tác văn học, thuộc thể loại văn biền ngẫu gồm hai vế đối nhau, nhằm biểu thị một ý chí, quan điểm, tình cảm của tác giả trước một hiện tượng, một sự việc nào đó trong đời sống xã hội.

Câu đối còn thể hiện tài trí thông minh, nhanh nhậy. thể hiện phong cách tài tử trong việc đối đáp ứng xử. Câu đối không dài, không nhiều chữ nghĩa như những bài văn bài thơ, tuy chỉ có hai vế nhưng nó vẫn thể hiện được những ý tưởng mhững quan điểm một cách rõ ràng, cô đọng và súc tích. Ngôn từ của câu đối được cân nhắc chọn lọc, âm điệu nhịp nhàng, kết cấu chặt chẽ, nhiều câu tài tình đến mức người đọc người nghe cảm thấy kỳ thú một cách bất ngờ khi nó bật ra ý tưởng mới lạ. “Văn hay chẳng lọ ngắn dài”.

Những câu đối trí tuệ tài hoa biểu lộ được những quan điểm tư tưởng đúng dắn thường được lưu truyền rộng rãi cũng giống như những câu ca dao, câu thơ hay sẽ mãi mãi trường tồn. Tóm lại câu đối không chỉ là thể loại văn học mà còn là một thể loại văn học đặc biệt và là một nét đẹp của phong tục cổ truyền của bản sắc văn hóa dân tộc.

Có thể cho rằng câu đối Việt Nam được bắt nguồn từ thực tế đời sống xã hội, bắt nguồn từ cách nói đối ngẫu tự nhiên của ngôn ngữ dân tộc. Từ những câu thành ngữ, tục ngữ ca dao trong văn học dân gian đến những câu nói quen miệng hàng ngày cũng thường hình thành những vế đối ứng tự nhiên.

Câu đối Tết

Những ngày giáp tết ở những nơi phố đông, những phiên chợ thường có những ông đồ ngồi viết câu đối thuê, như nhà thơ Vũ Đình Liên đã viết:

"Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua..."

Phần lớn câu đối tết của các nhà nho tự làm là những câu đối tức cảnh ngẫu hứng, những câu vịnh cảnh tết, cảnh nhà, cảnh mình nhưng cũng có nhiều câu chính luận thời đàm. Nhiều người nghĩ đến tình thế xã hội, nghĩ đến cuộc sống khó khăn nên đã viết những câu đối tết như:

"Thiên hạ xác rồi còn đốt pháo
Nhân tình đã bạc lại bôi vôi"

"Tối ba mươi công nợ rối Canh Tân những ước mười năm dồn lại một
Sáng mồng một rượu chè say Quý Tỵ lại mong ba bữa hóa ra mười"

"Duyên với văn chương nên treo chữ;
Nợ cùng trời đất phải trồng nêu"
"Đuột trời ngất nghểu một cây nêu tối bữa ba mươi ri cũng tết;
Vang đất đì đùng ba tiếng pháo rạng ngày mồng một rứa là xuân"

"Mua pháo đốt chơi để anh em nghe có tiếng
Giật nêu đóng lại cho làng nước biết không xiêu"

Câu đối thờ viết trên giấy đỏ dán ở cột, ở cửa nhà nội dung thường bày tỏ lòng biết ơn của cháu con đối với tiên tổ:

"Tuế hữu tứ thời xuân tại thủ
Nhân ư bách hạnh hiếu vi tiên"

(Năm có bốn mùa, mở đầu bằng mùa xuân;
Người ta có trăm tính nhưng tính hiếu thảo là cần trước hết)

Ở làng trang Đông Hồ câu đối trên đã được cải biên chút ít và đưa vào bộ tranh chủ treo ở bàn thờ gia tiên, hai bên là chữ Phúc, chữ Thọ và đôi câu đối:

"Từ thời xuân tại thủ
Ngũ phúc thọ vi tiên"

Những chữ Hán được trang trí cách điệu: một bên là con rồng, một bên là con phượng trên nền giấy điểm xuyết hoa, lá, chim muông.

Những câu đối này thường kèm theo mấy chữ đại tự cũng viết trên giấy đỏ treo thành bức hoành: "Ấm hà tư nguyên" (Uống nước sông nhớ đến nguồn); "Ðức lưu quang" (Ðức chan hòa ánh sáng).

Dịp Tết còn có các câu đối tức cảnh xuân của các bậc văn hay chữ tốt, cũng được viết trên giấy đỏ treo ở cổng.

Vậy tục treo câu đối Tết có từ bao giờ? Sách xưa có kể phong tục của người dân Bách Việt, trong ngày Tết Nguyên Đán theo bùa gỗ có hình hai vị thần Thần Ðồ và Uất Lũy treo hai bên cửa ngõ. Ðó là hai vị thần sống dưới gốc đào lớn dưới núi Ðộ Sóc chuyên cai quản đàn quỷ, hễ quỷ nào "phá rào" đi làm hại dân thì thần hóa phép trừ đi. Sau này việc treo bùa gỗ "Ðào phù" được thay bằng câu đối hai bên cửa.

Ðời sống khấm khá dần, mỗi người, tùy hoàn cảnh, gửi gắm vào câu đối những ý tứ, những niềm vui cùng ước vọng vào một năm mới đang đến. Vào thế kỷ 15, thú chơi câu đối Tết đã trở nên phổ biến, khắp Kinh kỳ, từ dinh thự của quan lại tới các tư gia, đâu đâu cũng treo câu đối Tết. Lại có cả cấu đối nói về nghề nghiệp dán ở cửa hàng, cửa hiệu. Tương truyền, vào một năm, sắp tới giao thừa, vua Lê Thánh Tông ra phố phường xem dân ăn tết. Thấy một nhà không treo câu đối, vua vào hỏi, biết đó là nhà một người thợ nhuộm vợ góa, con trai đi vắng, vua bèn lấy giấy bút và viết.

"Thiên hạ thanh hoàng giai ngã thủ;
Triều đình chu tử tổng ngõ gia
(Xanh vàng thiên hạ đều tay tớ
Ðỏ tía triều đình tự cửa ta)