kết quả từ 1 tới 1 trên 1

Ðề tài: Chuyện Huyền Linh

Threaded View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1

    Mặc định Chuyện Huyền Linh

    CHUYỆN HUYỀN LINH
    *Nông Huyền Sơn


    Từ bấy lâu nay song hành với cuộc sống đời thường, xã hội luôn có một thế giới riêng của một số người dị biệt, đó là những pháp sư. Không những dị biệt về nhân sinh quan với mọi người xung quanh mà họ còn dị biệt cả về thế giới quan. Họ luôn sống với một thế giới trong cõi “âm”, tức là lực lượng vô hình của các âm hồn. Họ tin rằng, với những điều kiện nào đó, họ có thể gián tiếp điều hành thế giới âm binh, thế giới vô hình để tác động trực tiếp đến đời sống xã hội của người sống.



    PHÁP SƯ LÀ AI?

    Trong căn nhà nhỏ nấp trong con hẻm thuộc quận Bình Thạnh, thầy Th. tiếp đón tôi thật trịnh trọng nhờ một lá thư của “sư huynh” Bảy Tiến. Bảy Tiến là đồ đệ của Thầy Ba Cao Lãnh. Thầy Ba Cao Lãnh là em ruột của bà ngoại tôi đã qua đời hơn 10 năm nay ở cái tuổi gần 100.

    Thầy Ba Cao Lãnh là đồ đệ duy nhất của Thợ Đức Sa Đéc – Một thầy pháp nỗi tiếng như cồn khắp vùng miền Tây Nam bộ vào đầu thế kỷ trước, thuở Pháp thuộc. Cho đến tận bây giờ, những bậc cao niên sống ven hai bờ sông Hậu, sông Tiền vẫn còn nhắc nhiều đến Thợ Đức bằng nhiều huyền thoại. Thợ Đức Sa Đéc lại là một trong những đại đệ tử của Cử Đa. Cử Đa là một nhân vật được người đời nhắc đến như một vị phật sống của vùng Thất Sơn mười đỉnh ở An Giang. Hiện nay, tại Tịnh Biên vẫn còn một ngôi chùa được cho là nơi Cử Đa luyện phép, tu tiên. Cử Đa là đại đệ tử của Đức Phật Thầy Tây An – Người sáng lập tôn giáo Bửu Sơn Kỳ Hương, một hệ phái Phật Giáo Việt Nam rất thịnh hành ở ĐSCL giữa và cuối thế kỷ 19.
    Tôi nhắc như vậy để cho thấy rằng, cái gốc pháp sư của Bảy Tiến có “phả hệ, tổ tông” hẳn hòi. Ông Ba tôi, tức Thầy Ba Cao Lãnh chỉ có duy nhất 2 đệ tử. Một là Bảy Tiến, hai là tôi. Năm nay, Bảy Tiến đã hơn 70 tuổi, sinh trước tôi một thế hệ. Nếu tính theo môn quy thì Bảy Tiến phải gọi tôi là “sư huynh” mới đúng, vì tôi được truyền nghề trước. Còn tính theo gia tộc thì tôi gọi Bảy Tiến bằng anh họ xa.

    Vì thưở sinh tiền, Thầy Ba Cao Lãnh muốn “tuyệt gốc” cái nghề pháp sư nhưng khi đến gần cuối đời, ông suy ngẫm và “ngộ” ra điều gì đó nên truyền hết những hiểu biết của mình cho tôi. Ông biết tôi là người không thuộc về thế giới tâm linh. Ông thường mắng tôi là “đồ vô thần, chỉ biết sống kiếp này”. Vì xem tôi là “kẻ vô thần” nên ông mới truyền hết kiến thức “huyền linh học” cho tôi. Nói cho đúng hơn là ông bắt tôi ghi chép lại tất cả những kiến thức về huyền linh của ông theo đúng nghĩa: Lưu lại để không mất. Ông không hề bắt tôi làm lễ bái sư. Lúc đó, tôi chỉ là một chú nhóc còn cắp sách đến trường nên chưa hiểu hết những điều ông tôi làm.

    Sau khi hoàn tất việc “truyền” cho tôi, Thầy Ba Cao Lãnh hất bàn thờ tổ xuống sông, thề “bế nghiệp”. Ngay sau đó, ông bị “tổ hành”. Ông vò đầu bức tai, nhảy lên mái nhà la hét, lăn lộn rồi nhảy xuống đất húc đầu vô mấy gốc xoài. Chuyện đó xảy ra vào năm 1981. Chính quyền địa phương nghe tin ông “gây mất an ninh trật tự” đã xuống hiện trường lập biên bản và áp giải ông về trụ sở. Một số người cho rằng ông giả vờ. Tuy nhiên, không ai giải thích được vì sao sức lực của ông già 70 tuổi, ốm gầy giơ xương mà cả chục thanh niên khỏe mạnh không trói được ông. Tuy trán ông nổi mấy cục u như trái ổi nhưng mấy gốc xoài cũng bị rách bươm vì những cú húc đầu. Do trước đó, ông bị “công khai hóa” trước tập thể nhân dân ấp và đi cải tạo tập trung mấy lần vì hành nghề mê tín dị đoan nên nhiều người đoán già đoán non là căm tức nên “bế nghiệp”.

    Khi được thả về, ông lặng lẽ ra song lặn vớt bàn thờ tổ lên rồi gọi Bảy Tiến tới. Bảy Tiến theo ông tôi hơn 20 năm để phụ giúp các công việc vặt khi đăng đàn nhưng vẫn chưa được cho phép bái sư. Bây giờ được sư phụ gọi tới cho bái sư, Bảy Tiến mừng như chết đi sống lại. Tôi còn nhớ Bảy tiến đã lại ông tôi hì hụi như thế nào. Từ đó, suốt ngày, ông và Bảy Tiến đóng cửa trong nhà hì hụi luyện phép, không cho ai chứng kiến đến khi ông qua đời. Suốt thời gian đó, hầu như ông tôi không bước chân ra khỏi nhà. Sau này, khi ông tôi qua đời, Bảy Tiến gặp tôi than: “Ổng dạy tôi chưa hết. Ổng giấu nghề. Ổng dạy tôi mà lại cấm tôi hành nghề, là sao?”. Qua lời kể của bảy Tiến, tôi biết sư phụ không giấu nghề, chỉ tại cái trình độ văn hóa vừa đủ biết đọc nhưng chưa biết viết của Bảy Tiến không hiểu hết “thánh ý”.
    Mới đây, khi gặp lại, Bảy Tiến biết tôi muốn nghiên cứu lại chuyện huyền linh, đã than: “Thầy dạy không thật tâm nên luyện cả chục năm nay, chỉ có vài món trị bệnh lặt vặt là công hiệu. Còn những món lớn, luyện hoài có thấy công hiệu gì đâu”. Trong suốt thời gian luyện, Bảy Tiến còn lang thang đi tìm thêm vài pháp sư để trao đổi học pháp. Bảy Tiến giới thiệu tôi bằng một miếng giấy ngoằn nghèo chữ “bùa” để tôi tìm gặp thầy Th. ở Bình Thạnh. Theo lời Bảy Tiến, thầy Th. vẫn còn nuôi một số ngãi.

    Vừa bước vào ngôi nhà nhỏ của thầy Th., tôi nhận ra ngay “ấn pháp” của môn phái được dán kín đáo trên bàn thờ treo tuốt trên cao. Thầy Th. ốm nhách –Nét đặc trưng của dân luyện bùa. Thầy Th. than: “Tôi thỉnh ngãi của sư phụ ở núi Cấm từ năm 1973, nuôi đến năm 1980, tự dưng chúng chết sạch”. Ông dắt tôi ra cái vườn nhỏ phía sau nhà. Nơi đó vẫn còn một ô xi măng thấp lè tè, trong đó có vài khúc chân gà và đầy chân nhang. Tuy ngãi đã chết từ lâu nhưng ông Th. vẫn cúng chân gà hang tuần và làm đám giỗ cho ngãi hàng năm. Ông Th. không còn làm nghề từ cái dạo ngãi chết nhưng hàng ngày vẫn luyện.

    Qua trao đổi “nghiệp vụ”, tôi nhận ra thầy Th. cũng thuộc phái Lỗ Ban nhưng có pha lẫn chút Pa Li đạo pháp. Thầy Th. thật lòng: “Pháp học mênh mông quá! Học hoài, luyện hoài vẫn chưa đên đích cuối cùng. Nói thiệt anh em nghe, những món lặt vặt thì hiệu nghiệm, những món cao pháp cứ rớt lên rớt xuống hoài. Chắc sư phụ tôi giấu nghề”. Hầu như gặp ai trong giới huyền linh, tôi cũng nghe cái điệp khúc “sư phụ giấu nghề”. Họ có biết đâu, cái bí quyết cuối cùng trong nghề mà ông tôi đã “ngộ” ra và khiến ông hất bàn thờ tổ xuống sông, chính là nguyên nhân thôi thúc tôi viết một quyền sách về huyền linh, sẽ xuất bản trong thời gian gần đây.

    Một số người thường nhầm lẫn pháp sư, tức thầy pháp với thầy bói, thầy địa lý, thầy toán số tử vi hoặc đạo sỹ, thầy tu mặc dù tất cả họ đều tin rằng khi con người vào cõi chết đều bắt đầu sự sống ở thế giới khác với thế giới con người đang sống.

    Điểm khác biệt quan trọng nhất ở chổ: Các đạo sỹ, thầy tu, thầy toán số, thầy địa lý và thầy bói là lực lượng “chánh phái, còn thầy pháp thuộc lực lượng “tà phái”. Diễn giải cho dễ hiểu là: Chánh phái làm những việc giúp đỡ hoặc không làm hại người sống lẫn người chết. Còn tà phái thì sử dụng huyền năng (khả năng huyền bí) để bắt linh hồn người chết làm nô lệ cho mình và nếu cần, họ sẵn sàng dùng huyền năng hãm hại người sống, mặc dù họ vẫn trị bệnh cứu người. Điều này, trong giáo lý Phật giáo có lý giải.

    Thật khập khễnh nếu so sánh thầy pháp với phù thủy của các nước phương tây. Phù thủy cỡi chổi chà mới bay nỗi. Phù thủy sử dụng hóa chất để đầu độc con người. Phù thủy phải dùng quả cầu thủy tinh mới thấy quá khứ vị lai. Còn thầy pháp chỉ cẩn 3 thứ bảo bối căn bản là: Bùa, thần chú, ấn quyết và ngãi là có thể đi mây về gió, sái đậu thành binh, trị bệnh hoặc làm cho ai đó bị bệnh. Có thể nói, phù thủy của phương tây có chung mục đích, tôn chỉ hoạt động với thầy pháp khu vực Châu Á nhưng là hai lực lượng khác nhau.
    Có người cho rằng, thầy pháp Việt Nam bắt nguồn từ đạo Phật. Điều đó chỉ đúng một phần. Bởi thầy mo – Một dạng thầy pháp của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam hoàn toàn không có khái niệm gì về Phật giáo vẫn có hẳn một “trường phái” riêng. Tuy khác biệt văn hóa tâm linh nhưng lực lượng thầy mo cũng có cùng tôn chỉ, mục đích hoạt động với lực lượng thầy pháp. Vì vậy, có thể nói thầy mo của dân tộc thiểu số cùng “chủng” với thầy pháp của người kinh.

    Một số tài liệu khảo cứu cho thấy, dù có bản sắc riêng nhưng môn huyền linh, tức học pháp của pháp sư Việt Nam vẫn chịu một phần ảnh hưởng của Phật giáo từ nhiều hướng. Từ thưở xa xưa, người Việt đã sử dụng một vài yếu tố huyền linh để trị bệnh. Ngày nay, một số vùng ở khu vực phía Nam, người dân vẫn dung. Ví dụ như, để trị mục lẹo ở mắt trái, người ta dung chỉ đỏ buộc ngón chân cái rồi ném tay không xuống giếng, miệng hô: “Cắt dụt (cắt rồi ném)!”. Khi bị mụn cóc, người ta dùng nhang vẽ hình chữ thập ngoài không khí cách chỗ mụn khoảng 1 cm, rồi dùng hơi trong miệng thổi nhè nhè cho hơi nóng của nhang phả vào mụn cóc. Thổi ba hơi, xong, miệng hô: “Cóc nhảy!”. Ấy vậy mà lại hiệu nghiệm 50%. Nhiều người làm thử và hết thật nhưng cũng có người không hết. Có thể một số người may mắn gặp yếu tố trùng hợp dẫn đến hết bệnh nhưng khoa học chưa chứng minh được, tất người ta tin rằng phép thuật có thật.

    Do sự du nhập và giao thoa văn hóa giữa các sắc tộc thưở xưa, giới huyền linh Việt chịu ảnh hưởng rất nhiều hệ phái. Phía Bắc chịu ảnh hưởng của giới huyền linh Trung Quốc. Phía Trung chịu ảnh hưởng của giới huyền linh Xiêm, Chăm Pa. Phía Nam chịu ảnh hưởng của giới huyền linh Miên (Campuchia ngày nay). Và hầu hết những luồng ảnh hưởng đó lại chịu ảnh hưởng nặng từ giới huyền linh Tây Tạng và Phật Giáo. Có thể nói, “pháp” của giới giáo sỹ Tây Tạng và “thuyết” của Phật Giáo đã tạo nên một luồng “học thuyết huyền linh” lan tỏa đi khắp khu vực Châu Á. Đến nước nào, “học thuyết huyền linh Tây Tạng” giao thoa và tạo thành một trường phái của nước đó. Do chịu ảnh hưởng từ nhiều hướng nên giới huyền linh Việt Nam đa dạng, phong phú về trường phái: Lỗ Ban (ảnh hưởng tử Trung Quốc); Bùa Năm Ông (thuần Việt); Pa Li ( ảnh hưởng từ Malaixia qua Xiêm, tức Thái Lan); Trà Kha (Miên); Chà và (Chăm pa); Bùa ông Nặc, bùa Tà (Miên); Lão Đam (Gốc Việt ảnh hưởng Phật Giáo Trung Quốc); Thất Sơn (Gốc Việt ảnh hưởng Phật Giáo Pa Li)….

    Cho dù ảnh hưởng nền văn hóa nào, các tôn giáo vẫn xem pháp sư là Bàng Môn, Tả đạo. Theo cách giải thích của những pháp sư Việt thì lý do bị gọi là tả đạo vì các pháp sư đã làm đảo lộn quy luật của trời đất, biến người “tới số chết” thành người “cải số” để sống; Dám dùng phép thuật “sai khiến” các bậc thánh, tiên, phật làm chuyện “vặt”; Chuyên dùng bùa chú, ngãi tư yểm người…

    Cũng theo các thầy pháp Việt, muốn trở thành một pháp sư thực thụ, người đời phải học và khổ luyện ít nhất 10 năm. Nhưng không phải ai cũng học được. Người có “duyên” mới được sư phụ chấp nhận cho bái sư. Và khi đã “nhập môn bái tổ” thì suốt cuộc đời không thể “chạy trốn” được mà phải luôn trung thành với sư phụ và tổ nghiệp. Nếu phản bội, “tổ hành” mãi, sống không yên lành, chết cũng không được, suốt đời chịu cảnh trừng phạt như té song, xe đụng, cây đổ khiến què cụt, đui mù, khùng điên….

    Sau khi nhập môn, bái tổ, tân môn sinh bắt đầu học từ thấp đến cao 4 món căn bản gồm: Phù phép, thần chú, ấn quyết, đồ ngãi. Giải nghĩa nôm na như sau: Phù là chữ viết, chú là ngôn ngữ, ấn là dấu hiệu mật bằng tay, đồ là vũ khí bảo bối bí ẩn do luyện mà có.
    Mỗi môn phái có “chữ viết” và “ngôn ngữ” khác nhau như đa số đều dùng tiếng Phạn (xuất xứ từ Tây tạng) hoặc tiếng Pali (xuất xứ từ đã Pa Li của Malaixia). Những môn phái hòa nhập từ phía Bắc Trung Quốc thì dùng tiếng Phạn. Những môn phái hòa nhập từ phía Nam thì dùng tiếng Pa Li. Có nhiều câu chú cùng nghĩa nhưng phái Pa Li đọc khác phái Lỗ ban. Ví dụ như để trừ ma, Lỗ Ban có câu: Án ma ni bát rị hồng, còn phái pali có câu khan khàn sắc sắc ngũ lang, phái bùa Chàm lại đọc Ế tế bế sô pha ca qua. Có thể tạm dịch chưa sát nghĩa là: Ê ma quỷ, xem oai lực của ta này!

    Ấn là “ngôn ngữ ám hiệu”. Miệng đọc thần chú chưa đủ sức trấn áp cường quỷ thì vẽ thêm lá bùa. Nếu chưa đủ “đô” làm cho cường quỷ sợ thì tay kia bắt ấn quyết để trợ lực. Nếu vẫn chưa “xi nhê” thì dùng “đồ”. Đồ là một món bảo bối do chính pháp sư luyện như: Thiên linh cái, ngãi…

    ĐẲNG CẤP

    Mỗi môn phái có một cách luyện level khác nhau, vì vậy việc phân đẳng cấp cũng khác nhau nhưng hầu hết đều chia làm 4 đẳng cấp: Nhập môn, tiểu sư, trung sư và đại sư. Các tân môn sinh mới nhập học đều phải trải qua bài học vỡ lòng là bài tổ. Đó là bài “xưng danh” môn phái hoặc “xưng danh” tổ phái. Ví dụ như tân môn sinh của phái Lỗ Ban dòng Thất Sơn phải học bài đầu tiên là bài chú Thỉnh Tổ Hội và bùa Sắc lệnh. Bài chủ Thỉnh Tổ Hội được Hán nghĩa như sau: “Nam mô thập hương chư phật, chư vị đại thần đại thánh đại hải, chư vị bồ tát…thập bát la hán, bát quái tổ sư…Án Lỗ ban tiên sư phù, Lỗ Ban đại sát, dụng hưng yên bất dụng hương đăng hoa quả vật thực chơn hình trợ kỳ đệ tử thần tự…hội Tà Lơn Thất Sơn, 5 non, 7 núi, rừng rú, tổ lục, tổ lèo, tổ xiêm, tổ mọi, tổ chà đồng lai đáo hạ hộ giá quang minh, chấp kinh trì chú cứu thế trợ dân cấp cấp như luật lịnh sắc”. Sau khi học thuộc lòng bài thỉnh tổ và thuộc mặt chữ sắc tổ, môn sinh mới bắt đầu vào học “chính khóa” và cúng tổ vào ngày 20 tháng chạp âm lịch hang năm.

    Sau đó sẽ học bài đầu tiên sẽ là Lục Tự Đài minh Chú và bùa thần để hộ thân.
    6 chữ niệm chú là : Om Ma Ni Patme Hum, dịch Hán âm là Án Ma Ni Bát Di Hồng. Với 6 chữ chú này, các thầy Pháp tập sự có thể tự bảo vệ mình khỏi sự ăn hiếp của tà ma, quỷ dữ. Khi gặp chuyện, môn sinh chỉ việc đọc câu chú đó để trấn an mình, tai sẽ qua, nạn sẽ khỏi. Một chi phái khác của Lổ Ban xuất xứ từ Trung Quốc lại có bài tổ khác: “Nam mô a di đà Phật. Nam mô hách hách dương dương, nhựt xuất đông phương, vạn sự thấn pháp kiết tường độ thần đệ tử thủ chấp phần hương họa linh phù tiên sư, tổ sư chứng giám, thiên linh linh, địa linh linh, ngã linh thần phù lai ứng hiện, án thiên viên, địa phương thập nhị công chương, thần phù đáo thử trừ tà ma, quỉ mị bất đáo vãng lai, trừ bá bệnh, trừ tai ương… cấp cấp như lực lịnh”.
    Ngoài ra, môn sinh còn phải luyện bùa thần nhập môn. Sư phụ bắt đệ tử vẽ thành thuộc một chữ Thần bằng Hán tự rồi dán lên bức vách phía trước mặt. Đệ tử ngồi xếp bằng tròn, miệng niệm chú, mắt nhìn chăm chăm vào lá bùa theo kiểu ám thị cho đến khi hình ảnh lá bùa xoay tròn. Thông thường, phải bỏ ra ít nhất 3 tháng, đệ tử mới làm cho lá bùa xoay tròn trên tường. Khi lá bùa chịu xoay tròn trên tường, người học bắt đầu “dời” hình bùa lên không trung. Luyện đến khi gặp chuyện, chỉ cần định thần là thấy lá bùa quay tít trong mặt kẻ đối diện ngay, tức là thành công. Với lá bùa thần và bài chú thỉnh tổ, người học được xem là bước chân vào ngưỡng tiểu sư, có thể vác túi đi trị một số bệnh ma nhập cho thiên hạ.

    Vượt qua ngưỡng tiểu sư, người học mới được sư phụ truyền thụ tiếp các kiến thức luyện phép, luyện bùa và ấn quyết của bậc trung sư. Ở cấp này, người luyện Lỗ Ban nhìn đèn cầy, nhang, mặt trời, mặt trăng và sấm chớp để định thần và học trạch cát, bát sát, nhâm độn để làm… thợ mộc, đoán quẻ. Để vẽ một lá bùa trấn yểm, người Lỗ Ban phải nín thở đọc chú khai chỉ, khai bút. Khi vẽ nín thở đọc thần chú. Vẽ xong nín thở ngậm nước xoay lá bùa về hướng đông phun bụi nước. Ở cấp này, học trò còn học các bài thư yểm, giải bệnh, hộ mạng, trừ tà, hội tổ, cầu tài, thuận nhĩ. Học xong cấp này, học trò được quyền mang túi vãi đỏ đi làm phép cho thiên hạ và bước vào ngưỡng học làm đại sư.

    Ở đẳng cấp đại sư, học trò xem như đã học hết các món của thầy truyền dạy và bắt đầu luyện những “đồ pháp” như thiên linh cái, linh ngãi, đồng thời luyện phép đằng vân giá vũ, để thành …tiên. Theo lý thuyết, cấp đại sư có thể ngồi tịnh thiền một nơi và dự họp với các bậc đại sư khác ở một nẻo. Cũng theo khuyến cáo của sư phụ, học trò phải chứng tỏ được bản lĩnh thần thông những món của cấp trung sư mới được luyện các món của bậc đại sư. Nếu không theo trình tự ấy, người luyện sẽ bị tẩu hỏa nhập ma, khùng điên, bại liệt. Thế nhưng đó chỉ là lý thuyết, trên đời này chưa ai hoàn tất được giai đoạn trung sư.

    Tuy mỗi môn phái có một kiểu luyện khác nhau, ngôn ngữ khác nhau nhưng dịch nghĩa ra đều có dính đến Phật tổ Tây Tạng. Ví dụ như phái Trà Kha có xuất xứ từ Tây Tạng, truyền xuống phía Nam, vào Thái Lan, qua Campuchia nên nét bùa ảnh hưởng chữ viết của Thái, Miên nên uốn lượn như rắn. Trà Kha có những bài Tam Giáo quy nguyên, thỉnh tổ, hội phép, chú âm binh… giống như của Lỗ Ban nhưng khác câu thần chú. Nếu dịch nghĩa các câu thần chú ra Hán âm thì trùng hợp với nhiều bài chú của Lỗ Ban. Hóa ra, tất cả các loại bùa chú đều có “bà con” với nhau và đều xuất nguồn từ Tây Tạng. Chỉ có điều, trong quá trình di chuyển, do giao thao văn hóa bản địa, nên các môn phái dần biến thể, mất gốc.

    CHUYỆN BÁ LÁP

    Khoan nói về tính hiệu nghiệm của bùa chú.
    Hầu như tất cả những thầy pháp vác túi đi hành nghề luôn cho rằng mình đã tu luyện thành công và sư phụ cho xuất sơn khai pháp. Nếu ở phái Nam thì các thầy khẳng định mình luyện bùa ở Tà Lơn hao85c núi Cấm Thất Sơn. Nếu ở miền Trung thì các thầy khoe mình luyện phép ở Ngũ Hành Sơn hoặc bên Lèo (tức Lào), còn ở phía Bắc thì như rằng các thầy luyện phép ở Trung Quốc. Hóa ra, các nơi ấy trở thành “thương hiệu” có uy tín trong làng huyền thuật. Tôi đã từng gặp một thầy pháp tên B. hoạt động rất ăn khách ở vùng Đức Hòa, Long An vào những năm 1992. Thầy Bách chỉ hơn 40 tuổi khoe đã luyện xong bậc đại sư ở Tà Lơn. Thế nhưng tôi hỏi núi Tà Lơn nằm ở đâu, thầy Bách lại bảo núi Tà Lơn là một ngọn của Thất Sơn ở An Giang. Thầm chí bài chú bùa thần, thầy cũng đọc sai. Tuy nhiên cách trị bệnh của thầy cũng khá bài bản, chứng tỏ thầy cũng đã từng khăn gói theo sư phụ nhưng chưa được truyền thụ.

    Theo pháp quy, người luyện bùa kiêng kỵ rất nhiều thứ như không được ăn thịt chó, thịt trâu, tỏi; Không được chui dưới sào phơi đồ vì các vị tổ luôn bay lượn trên đầu; Không được đứng gần phụ nữ có thai…v…v… Thế mà có người lấy thịt chó bảo là thịt nai mời ăn, thầy cũng xơi. Do bị mất mối làm ăn, một thầy pháp địa phương ở cấp trung sư thách thầy Bách đấu bùa. Hai ông ra sân quần thảo như đóng kịch cho đến khi bị công an mời mới thôi.

    Do mang tính huyền linh nên những khi bị đệ tử truy vấn những chuyện khó giải thích, các sư phụ luôn sử dụng câu chú rất đời là: “Thiên cơ bất khả lậu”. Có lần tôi hỏi một pháp sư là chánh tế của một ngôi đình. “Đại sư đã luyện pháp rất lâu, để chứng tỏ khả năng huyền diệu của pháp, đại sư thử làm một cái gì đó ngay tại chỗ để chứng minh”. Tất nhiên là pháp sư tìm cách lẫn tránh.

    Một đạo sỹ đang tu luyện trên đỉnh núi Sam đã hơn 90 tuổi cũng không thể thực hiện một phép căn bản nhất, đơn giản nhất là làm cho ly nước trà đổi thành màu đen. Mặc dù vị đạo sỹ thuộc bậc đại sư này nói thông làu tất cả các phép luyện Lỗ Ban lẫn Năm Ông.
    Nhiều bậc trưởng lão trong hang pháp sư được người địa phương ca ngợi về tài trị bệnh bằng nước lã, trừ tà ma, thư ếm cũng không thể làm được điều tôi đề nghị. Tất cả họ đều được học, luyện rất bài bản.
    Một thầy nước lã ở Kiên Giang bị bắt vì “truyền bá mê tín dị đoan”. Một cô gái bị bệnh tâm thần, người nhà trói lại mang đến cho ông ta trục tà. Ông ta xông khói, đánh đập bệnh nhân te tua, xuýt chết nhưng vẫn không làm cô nọ hết tà ám. Chính quyền địa phương tổ chức đưa ra quần chúng phê phán hành vi mê tín của ông ta và quản lý giáo dục. Tôi gặp ông ta trong thời gian đó. Ông ta thú thật: “Tôi học và luyện rất bài bản từ một sư phụ ở Thất Sơn. Học sao làm vậy, chứ tôi có phịa ra đâu”. Thế nhưng ông ta không thể làm được điều tôi yêu cầu. Sau khi nghe tôi đề nghị, ông ta gãi đầu: “Tôi chưa luyện xong phần nhập môn nhưng tôi nói với thầy là đã luyện xong để thầy dạy tiếp cấp cao hơn”.

    Điều đó cho thấy, hầu hết những pháp sư điều tự lừa dối mình. Không ai dám tự nhận mình u mê tăm tối luyện mãi không thành bài sơ học.
    Theo lý thuyết của huyền môn, 4 món phù, chú, ấn, pháp không có tác dụng nếu không có một đấng tối thượng phù trợ. Nói chính xác hơn là, phù, chú, ấn, pháp chỉ là công cụ kêu gọi các bậc tối thượng, các thế lực cõi âm xuất hiện trợ giúp. Để trấn áp một con ma nhập vào người, thấy pháp dùng bùa và chú gọi… Tề thiên Đại thánh xuất hiện. Nếu con ma vẫn ngoan cố chưa chịu bỏ chạy thì “gọi” thêm các vị tổ sư khác trợ lực, trong đó có cả Phật Tổ, Quan Âm, Quan Công cho đến Đức Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt (Bài thỉnh tổ hội)… Có người còn cho rằng mình có thể gọi được cả sư đoàn âm binh, đầy đủ khí giới trợ lực.

    Trong phái Trà Kha và một số phái khác có món “thư”. Một bà bị chồng bỏ theo vợ bé đến nhờ thầy pháp cho bùa “chuộc” chồng về, đồng thời “thư” cho kẻ cướp chồng một phát. Tức là thấy pháp dùng quyền năng của mình “gởi” một cây đinh vào bụng kẻ cướp chồng khiến bụng sinh trướng lên. Người bị thư phải nhờ một thầy pháp khác “trục thư” hay còn gọi là “trục tà” ra khỏi bụng, nếu không sẽ chết. Người “trục thư” phải cao tay ấn hơn người “thư” nếu không chính người “trục thư” sẽ phải “dính bùa” hộc máu mồm mà chết. Đa phần các vụ trục thư thường diễn ra theo 2 chiều hướng. Thứ nhất, một người mang cái bụng to chướng đến do bị bệnh sơ gan, thầy pháp sẽ than người thư ếm cao tay ấn quá, thầy bó tay. Thứ hai: Một người hay bị chóng mặt đến, thầy “ếm xì bùa” rồi rút từ từ trong bụng nạn nhân một cây đinh bảo rằng, đây là vật thư ếm.
    Người có máu cả tin sẽ tin thầy đến sái cổ mà không quan tâm đên các chi tiết vô lý khác.

    Ở mức độ thấp, các bậc trung sư chưa đáng lo ngại bằng các bậc đại sư. Vì ở cấp này, ai cũng mong luyện được nhiều món pháp thần, còn gọi là “đồ”. Trong đó có món thiên linh cái. Thiên Linh Cái là thai nhi còn trong bụng mẹ. Người luyện Thiên Linh Cái “cấy giống” vào một người phụ nữ rồi mổ bụng lấy thai nhi luyện Thiên Linh Cái. Một vụ án gây xôn xao dư luận ở Đồng Tháp là một bằng chứng cho thấy mức độ nguy hiểm đối với xã hội của các pháp sư tà giáo. Một món “đồ” khác cũng không kém phần nguy hiểm, đó là bạch cốt pháp. Người luyện dùng đầu lâu của người mới chết luyện phép để linh hồn người quá cố luôn đi theo nghe lời sai khiến của thấy pháp.

    Ở San Jose (Mỹ), một bà thầy pháp quốc tịch Mỹ gốc Việt tự xưng tên là Kha Lay May mở Cty bùa được cấp giấy phép. Tại cửa hàng bà chưng bày một cái tủ có ghi chữ Việt: Bùa thương yêu, bùa chuộc chồng, bùa bán nhà, bùa trục tà, bùa hộ mạng… Không hiểu mức độ linh nghiệm của bà cỡ nào mà một tờ báo tiếng Việt hết lời ca tụng. Về Việt Nam mấy lần nhưng bà không dám ho he chuyện bùa chú để báo chí quê nhà có dịp thăm hỏi.

    Có một loại bùa “ếm” trị chứng đau bụng mà thầy pháp chân truyền nào cũng thực hiện thành công khiến người đời khâm phục, tin tưởng. Những đại sư xưa thường nuôi 2 loại ngãi: Ngãi ăn thịt và ngãi độc. Ngãi ăn thịt là một loài thực vật chỉ ăn thịt sống hoặc tưới bằng máu tươi (sẽ lý giải loại ngãi này trong một dịp khác). Ngãi độc được tưới bình thường, hoa hình bình vôi có mùi thơm rất quyến rũ. Thầy pháp dùng nhựa của hoa này luyện thành (nấu cô đặc) một thứ mực màu đen dùng để họa chữ bùa lên giấy đỏ.. Người đau bụng dữ dội vì tất cả các chứng bao tử, đường ruột hay trúng gió được thầy đốt lá bùa lấy tro hòa vô nước lã uống là hết đau ngay tắp lự. Nhiều học trò đã phải cất công cả năm trời luyện bài chú và họa bùa, sư phụ mới cho áp dụng thử, tuy nhiên, người “phàm” không cần luyện, dùng thứ mực ấy vẽ ngoằn ngoèo lên giấy thường, đốt uống cũng hết đau. Bởi cây ngãi độc chính là cây … thuốc phiện.

    Nếu hiểu đúng, huyền linh cũng là một thứ văn hóa dân gian phi vật thể mà thuở khai sơn lập địa, ông cha ta đã dùng để tạo niềm tin đối đầu với sơn lam chướng khí vùng đất mới khai phá. Thuở ấy, khi khoa học chưa phát triễn, con người phải tựa vào chính niềm tin của mình đề tồn tại. Ngày nay, nếu loại bỏ tính chất di đoan, môn huyền linh pháp thuật cũng đáng để nghiên cứu lưu giữ như một nét văn hóa dân gian.

    Và lại, nạn mê tín dị đoan là do chính con người tạo nên. Muốn dẹp bỏ, phải biết cội nguồn của nó.




    PSVN (Theo NXB Công An Nhân Dân)
    Last edited by Bin571; 27-06-2008 at 10:49 PM.
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •