Người đưa chữ Nôm ra thế giới

Chữ Nôm, công cụ duy nhất “hoàn toàn Việt Nam” ghi lại lịch sử văn hóa dân tộc từ thế kỷ X đến đầu thế kỷ XX đang có nguy cơ mai một đã được một số nhà nghiên cứu Việt kiều “số hóa” và đưa lên Internet để phổ biến khắp thế giới trong năm nay.

Một trong số những người tâm huyết đó có cô Sinh. Shih Jing- yi là tên đầy đủ của cô Sinh theo gốc Hoa. Nếu theo phiên âm Hán Việt là Thi Cạnh Nghi. Mọi người gọi chệch theo tiếng Việt là Sinh.


Cô Sinh tại Thư viện Quốc gia Việt Nam
Những người “vá” quá khứ

Trong vài năm gần đây, cô Sinh (các đồng nghiệp Việt Nam thường gọi như thế) đã trở về Việt Nam nhiều lần để thu thập, phân loại và số hóa chữ Nôm tạo kho dữ liệu đưa lên Internet nhằm giúp những người quan tâm và yêu thích chữ Nôm có thể tìm đọc toàn văn trên trang web.

Trước mắt, cô Sinh sẽ chọn lựa một số cuốn cơ bản nhất như Kinh- Sử - Tự - Tập trong hơn 4000 cuốn sách chữ Nôm đang lưu giữ tại Thư viện Quốc gia Việt Nam để chụp lại. Nhiều cuốn trong số đó đã bị rách lem bem.

Cô đã về Bắc Ninh mua giấy dó vá lại, sau đó tìm kiếm những văn bản tương tự còn nguyên vẹn ở những nơi khác như Viện Hán Nôm,Viện Khoa học Xã hội Việt Nam để chép lại. Bên cạnh chiếc máy ảnh chuyên dụng, còn có thêm bảng màu đo độ sáng tối của văn bản để có thể chụp bức ảnh với độ nét cao nhất.

Cô Sinh được coi là “linh hồn” của dự án này vì cô không chỉ rành chữ Nôm, nghiệp vụ thư viện mà còn am hiểu việc phân loại theo qui chuẩn quốc tế. Cô về Việt Nam lần thứ này là lần thứ 10, để theo dõi dự án này.

Cô Sinh là một người say mê công việc hiếm có. Chính sự say mê của cô đã kích thích niềm đam mê chữ Nôm đối với các bạn trẻ trong nước. Chẳng bao lâu nữa, kho tàng chữ Nôm được cất giữ tại Thư viện Quốc gia bao đời nay sẽ vươn xa ra thế giới

Ông Phạm Thế Khang, Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam.


Ngày thứ bảy, Chủ nhật, mọi người đều được nghỉ, nhưng cô Sinh vẫn cần mẫn làm việc tại kho lưu trữ của Thư viện Quốc gia Việt Nam. Ai cũng muốn cô Sinh nghỉ ngơi đôi chút bằng việc mời cô đi tham quan Hà Nội hay thưởng thức vài món ăn quê hương vào những ngày nghỉ cuối tuần, nhưng cô đều từ chối vì luôn lo không có đủ thời gian hoàn thành công việc trước khi trở lại Mỹ.

Là người chủ trì dự án số hóa chữ Nôm của Hội bảo tồn di sản chữ Nôm tại Hoa Kỳ, nhiệm vụ chính của cô Sinh là giúp Hội đánh giá kho sách, phân loại và làm danh sách để số hóa nhằm giúp cho những ai muốn tìm hiểu về kho tàng Hán Nôm có thể tìm được một cách dễ dàng và chính xác trên Internet.

Về Việt Nam, công việc chính của cô là giúp các bạn trẻ làm việc tại kho lưu trữ Hán Nôm của Thư viện Quốc gia Việt Nam viết chú thích theo qui cách quốc tế. Cô ao ước một ngày nào đó, khi gõ một số từ khóa trên Google là có thể tìm được tất cả những gì liên quan đến chữ Nôm.

Sau khi đã hoàn thành dự án này, cô sẽ tiếp tục tìm kinh phí để số hóa hết hơn 4.000 cuốn sách quí còn lưu lại ở Thư viện quốc gia VN.

“Công việc này không những giúp bảo quản được kho tàng văn hóa quí giá mà còn góp phần truyền bá chữ Nôm ra thế giới” - cô Sinh khẳng định.


Một trang trong “Đại Việt sử ký tiệp lục tổng tự” bị rách khá nhiều

Chữ Nôm ở... Mỹ

Cô sinh ra tại Sài Gòn nhưng trưởng thành tại Mỹ. Vốn là người gốc Hoa, nên cô nói thông và viết thạo tiếng Hoa. Cô đã tốt nghiệp đại học tại Đại học Cornell, Ithaca, New York.

Vốn theo ngành Đông Nam Á học, cô Sinh rất thích lịch sử Việt Nam. Nhưng cô không ngờ được rằng, cô được học về chữ Nôm ngay trên đất Mỹ. Từ nhỏ tới giờ, cô chỉ biết tiếng Việt theo chữ quốc ngữ, chứ không hề biết Việt Nam còn có một kho tàng chữ Nôm khổng lồ. Cô được học về lịch sử Việt Nam ở Mỹ.

Thấy cô trò ham học, thầy giáo đã khuyên cô nếu mặn mà với chữ Nôm thì nên về Hà Nội tầm sư học đạo. Chính thầy giới thiệu cho cô Sinh các nhà nghiên cứu giỏi về chữ Nôm như Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn ở Mỹ, GS Phan Văn Các, Nguyễn Quang Hồng của Viện Hán Nôm Việt Nam...

Càng nghiên cứu chữ Nôm, cô Sinh càng say mê. Cô đã nhiều lần về Việt Nam và học thêm về chữ Nôm qua các chuyến đi dã ngoại tới chùa Hương, Côn Sơn (nơi sản sinh ra các tác phẩm trứ danh của Nguyễn Trãi và Nhị Khê (quê hương Nguyễn Trãi).

Qua những chuyến đi đó, cô đã hiểu thêm nhiều về phong cảnh và nơi xuất xứ của những vần thơ bất hủ. Khi bảo vệ luận án thạc sỹ, cô Sinh đã lấy “Ức Trai thi tập” của Nguyễn Trãi làm đề tài luận văn.

Năm 2004, cô Sinh được mời về Việt Nam tham dự Hội nghị quốc tế với tham luận Xây dựng thư viện số hóa Hán Nôm. Sau đó, Hội bảo tồn di sản chữ Nôm tại Hoa Kỳ và Thư viện Quốc gia Việt Nam đã hợp tác với nhau trong một dự án nhằm số hóa kho di sản chữ Nôm.

Từ đó, cô thường xuyên đi về hai quốc gia nhằm đưa những công nghệ lưu trữ mới cho chữ Nôm. Hiện, cô Sinh đã có ba bằng Thạc sỹ (một về ngành thư viện thông tin, một về Đông Nam Á học và nghiên cứu châu Á).

Công việc chính hiện nay của cô là phụ trách về thư viện Đông Nam Á tại Đại học California (Berkerly, Hoa Kỳ). Sau chữ Nôm, cô Sinh sẽ giành thời gian nghiên cứu thêm về lịch sử của một số nước khác trong khu vực Đông Nam Á và tất nhiên nghiên cứu chữ Nôm luôn là niềm đam mê của cô.

Theo Tiền phong Online