Em đang tìm hiểu muốn học khí công
Xin các Bác cho ý kiến môn này học được không
Nhà em thấy thầy Nguyệt Quang Tử giảng về đạo thấy hay hay

************************************************** ********************

PHẦN I: HỌC ĐẠO
I. Người xưa nói về Đạo
Đường đời chật hẹp muôn kẻ lấn
Lối đạo thênh thang ít người tìm.

* Một người hỏi Thiền sư về Đạo.
Thiền sư trả lời: “Nói ra cho người thì quả là không khó. Nhưng người cần phải bắt kịp lời nói của ta vừa thoát ra khỏi cửa miệng. Được vậy đã là gần Đạo rồi. Bằng không người sẽ đâm ra suy luận viển vông, rốt cuộc lại đổ lỗi về ta. Vậy thà nên im lặng còn hơn, để tránh cho nhau những điều lầm lẫn”.
* Ngày xưa bên Đông Phương, các bậc Thánh hiền không bao giờ trình bày học thuyết của mình bằng sự quả quyết một chiều. Họ nói toàn bằng giọng nghịch thuyết, mâu thuẫn….là vì họ sợ đưa ra những kiến thức chân lý phiến diện…Họ bắt đầu nói chuyện như người ngu, nhưng rồi họ làm cho người nghe tỉnh ngộ.
* Các Thiền sư thường căn dặn: “Mỗi khi một câu hỏi được nêu ra, hãy trả lời nghịch lại hoặc làm thinh….vì chân lý có hai chiều, coi chừng bị kẹt. Nếu ai có hỏi ta về cái hữu, hãy trả lời bằng cái vô. Nếu hỏi ta về cái vô, hãy trả lời bằng cái hữu”.

II.Tại sao lại như vậy?

1/ Chuyện anh mù tự phụ.
Có một người kia sinh ra thì đã bị mù.
Sống trong một gian phòng, nhưng bởi anh không thấy gì cả, nên anh phủ nhận tất cả những gì người chung quanh quả quyết là có. Anh ta thường nói: "Tôi không tin, vì tôi không thấy"
Một vị lương y đem lòng thương hại, đi tìm cho ra một thứ linh dược trên Hy Mã Lạp Sơn về trị lành bệnh mắt cho anh ta. Anh ta đã nhìn thấy được những vật ở gần, anh ta sung sướng tự phụ bảo: “Giờ đây tôi thấy được tất cả sự thật xung quanh tôi rồi”!
Nhưng, có người lại bảo với anh ta: “Bạn ơi! Bạn mới chỉ thấy được những vật xung quanh bạn trong căn phòng này thôi. Có đáng là bao. Ngoài kia, người ta còn thấy được mặt trời, mặt trăng cùng rất nhiều các vì tinh tú. Còn biết bao vật xấu, đẹp, lộng lẫy màu sắc huy hoàng mà bạn chưa được thấy”.
Anh chàng không tin, nói: "Làm gì có những cái đó! Tôi chưa thấy những cái đó. Cái gì có thể thấy được, tôi đã thấy tất cả rồi"
Một vị lương y cao cấp hơn bèn lên tận núi cao gặp được Sơn thần xin được một thứ linh dược khác đem về giúp cho anh ấy được cặp mắt sáng hơn, mắt anh ta đã sáng như mắt người bình thường và nhìn thấy xa hơn, nhìn thấy cả những vật ở ngoài căn phòng của anh ta nữa. Bấy giờ, anh ta thấy được mặt trời, mặt trăng, các vì tinh tú trên không trung… Mừng quá, và lòng tự phụ, tự đắc lại tăng thêm. Anh ta lại nói:"Trước đây tôi không tin, nhưng bây giờ tôi thấy, tôi tin. Như thế, giờ đây không còn có gì mà tôi chẳng thấy chẳng biết nữa. Đâu còn ai hơn tôi được nữa!"
Nhưng, lại có một hiền giả có cặp mắt thần, bảo với anh ta: "Cậu ơi! Cậu vừa hết mù, nhưng cậu vẫn chưa biết gì cả. Tại sao quá tự phụ như thế? Cũng như khi cậu ở trong phòng và khi tầm con mắt cậu không vượt khỏi bốn bức tường, cậu không tin có vật gì ngoài căn phòng của cậu. Giờ đây, tầm mắt cậu vượt khỏi bốn bức tường, thấy được nhiều vật xa hơn, nhưng với chừng mực của tầm mắt và lỗ tai của cậu, cậu làm gì biết có những vật ngoài ngàn dặm khi mà tai mắt của cậu không làm sao nhìn thấy được, nghe thấy được. Cậu có thấy những nguyên nhân nào đã cấu tạo ra cậu khi cậu còn nằm trong bào thai của mẹ cậu chăng? Ngoài cái trái đất nhỏ bé mà cậu đang sống đây, còn không biết bao nhiêu hành tinh khác to lớn và nhiều không thể kể như cát ở sông Hằng. Lớn hơn Trái đất còn có Thiên hà, lớn hơn Thiên hà còn có Thế giới, lớn hơn Thế giới còn có Vũ trụ và còn lớn hơn Vũ trụ là không gian vô tận nữa… Tại sao cậu dám tự phụ bảo rằng: Tôi thấy cả, tôi biết cả? Trong một chừng mực nào đó cậu vẫn còn là một anh mù, cậu vẫn còn là người lấy tối làm sáng, lấy sáng làm tối thôi".

Lời bàn:
Bài văn u mặc này không biết muốn nhắm vào ai ?
Chừng như câu nói tự tôn tự đại này: "Tôi không tin, bởi tôi không thấy" dường như muốn nhắn với tất cả những kẻ khoa học nửa mùa nhất là với những kẻ "học mót" cái học thuyết chủ yếu của khoa học là “Con người là chủ thể cao nhất của Vũ trụ”.

2/ Chuyện về các nhà khoa học.
Một nhà khoa học về nguyên tử lực hiện đại đã long trọng tuyên bố:
"Chính cái vô hình chỉ huy những cái hữu hình". Thật là một nhát búa trên đầu những nhà khoa học đến nay vẫn còn luôn luôn ngạo nghễ chê bai những gì họ không thấy được đều là dị đoan mê tín cả. Sự hiểu biết của những con người càng thiển cận bao nhiêu thì lại càng làm cho những con người ấy tự đắc bấy nhiêu. Trái lại, sự hiểu biết của những con người có tầm hiểu biết càng rộng lớn bao nhiêu thì càng làm cho những người đó càng khiêm tốn bấy nhiêu.

* Socrate nói: "Điều mà tôi biết rõ nhất, là tôi không biết gì cả".

*Pauli, nhà vật lí nguyên tử lừng danh của thế kỷ XX đã nhận định rằng: "Nếu Vật lý và Tâm linh được xem như các mặt bổ sung cho nhau của thực tại thì sẽ cực kỳ thỏa mãn". Khoa học và Tâm linh không đối nghịch nhau. Nó là hai mặt đối ngẫu bổ sung cho nhau để nghiên cứu thực tại.

*Einstein đã phát biểu về Đạo Phật như sau: “Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực trên trong cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa. Phật giáo sẽ đáp ứng được các điều kiện đó.
Nếu có một tôn giáo nào đương đầu với các nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để xu hướng theo khoa học, vì Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học.
Einstein cũng đã nói lên quan điểm về sự tương đồng giữa Khoa học hiện đại và Phật giáo. Có thể dẫn ra một ví dụ minh họa như sau: Tiên đề của thuyết lượng tử là "Nguyên lý bổ sung đối ngẫu" khẳng định rằng, Sóng và Hạt là hai mặt bổ sung cho nhau của thực tại. Nguyên lí này dẫn đến một hệ quả cực kỳ quan trọng là vật thể vi mô chuyển động không theo bất cứ một quỹ đạo xác định nào, có nghĩa là chuyển từ vị trí này sang vị trí khác theo vô số con đường cùng một lúc.
Suy rộng ra là vật thể vi mô có thể cùng một lúc có mặt tại vô số vị trí khác nhau, cùng một lúc có thể ở vô số trạng thái khác nhau, cùng một lúc có thể làm vô số việc khác nhau. Điều này gợi cho ta liên tưởng tới việc làm của những người có trình độ tu luyện cao, bởi vì cùng một lúc họ có thể có mặt ở nhiều nơi vì thời gian và khoảng cách đối với họ không có ý nghĩa.

* Robert Andrews Millikan một nhà Vật lý học nổi tiếng và Sir James Jeans một nhà thiên văn học nổi tiếng đã từng nghiên cưú về những lẽ huyền bí của vũ trụ nhưng ý kiến thường trái ngược nhau. Cuối cùng Millikan đã phải tuyên bố: “Có điều mà cả hai chúng tôi biết rõ một cách chắc chắn là về điểm này, chính chúng tôi không ai biết gì cả”
Khoa học càng ngày càng phát triển, và chính sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của khoa học sẽ giúp cho chúng ta nhận thức được rõ, chúng ta cả thảy đều là những anh mù tự phụ và luôn bảo thủ với quan điểm.
Tôi không thấy thì tôi không tin !
Tôi không tin vì tôi không thấy !

Khi nào chúng ta nhận thức được mình là một anh mù thì chúng ta sẽ bớt mù để sáng dần lên.

3/ Chuyện uống rượu, uống trà
* Khi ta nhắp một chén rượu ngon, hay uống một chén nước trà thượng hạng thì liệu ta có thể cắt nghĩa cho một người khác không biết uống rượu, uống trà, hoặc chưa được uống loại rượu loại trà này bao giờ, để cho họ biết hết cái ngon của nó hay không?
Thế mà tại sao người ta lại cứ bắt tôi giải thích cho họ: “Rượu ngon như thế nào?”, “trà ngon như thế nào?” Khi chính bản thân người ta không thích uống rượu.
* Anh sẽ không thể nào biết gì về Thế giới Tâm linh nếu chính anh không trực tiếp đi vào Thế giới Tâm linh. Khi đã có hiểu biết về Thế giới Tâm linh rồi thì lại cũng chính anh chỉ nói chuyện với những người có hiểu biết về Thế giới Tâm linh bởi vì: Đồng thanh thì tương ứng, đồng khí mới tương cầu.
* Tâm Linh là: “Vậy mà không phải vậy, không phải vậy mà lại vậy”.
Hiện nay Tâm linh được người ta sử dụng gần như là một cái mốt, ai
cũng thích nói đến tâm linh. Họ nói để thể hiện ta đây có kiến thức, họ nói để thể hiện ta đây có trình độ, ta đây đang thức thời…Chỉ tiếc rằng có rất nhiều người sau khi họ nói xong thì chính họ cũng chẳng hiểu gì cả !...

III. Muốn hiểu về Đạo
* Lão Tử nói:
“Thượng sỹ văn đạo, cần nhi hành chi.
Trung sỹ văn đạo, nhược tồn nhược vong.
Hạ sỹ văn đạo, đại tiếu chi bất tiếu, bất túc dĩ vi đạo.”
Dịch:
Bậc cao nghe nói đến đạo thì cố gắng làm theo
Bậc trung nghe nói đến đạo thì thoạt nhớ thoạt quên
Hạng thấp nghe nói đến đạo thì cười to lên, không cười to lên thì sao đủ gọi đó là đạo cả.
Cái tiếng cười to của hạng người hạ sỹ khi nghe nói đến Đạo đâu có làm cho Đạo nhỏ hơn, mà lại làm cho Đạo càng thêm lớn rộng, càng thêm “ Bất khả tư nghị” đối với hạng người như ếch nằm đáy giếng đó.

1/ Phải đi học.
* “Làm một người có trí đã là khó, mà làm người thông minh thì khó hơn. Thông minh cũng còn dễ, chỉ có thông minh mà như ngu mới thật là khó”.
* Sự thông minh của con người thực sự không phải ở trên đầu, nghĩa là không ở trong những bộ óc thông minh lý trí của con người. Sự gìn giữ lẽ thăng bằng được quyết định đâu phải do một bộ óc đầy cơ trí. TRÍ HUỆ không liên quan gì tới bộ óc thông thái cả. Khi ngồi thiền mà đã nhập định là lúc trong đầu ta không suy nghĩ gì cả, lúc đó tất cả về không... Lúc đó thử hỏi bộ óc của một anh kỹ sư thậm trí của một nhà bác học so với bộ óc của một bác nông dân quê mùa hoặc một bà bán cá ngoài chợ thì có khác gì nhau đâu.
Hãy tạm thời xếp sang một bên tất cả những kiến thức mà mình đã có để bắt đầu học lại từ đầu. Hãy mở ra một trang trắng để có chỗ mà ghi chép vào đấy những kiến thức mới, những kiến thức mang tính gốc rễ của mọi loại kiến thức.

2/ Học đến khi biết “Ngộ” là thế nào???
* Muốn trở về Đạo phải thực hiện cho được cái tâm hư vô “vô thị phi, vô thiện ác”.
* Muốn “Phục kỳ bản, phản kỳ chân” thì phải lo “Tắc kỳ đoài – Bế kỳ môn – Giải kỳ phân – Hoa kỳ quang – Đồng kỳ trần”.
Tức là muốn nhận biết được cái bản chất sâu xa, cái chân tướng của sự vật ta phải "bế ngũ quan ", gạt bỏ ra khỏi ta tất cả những cái mà ta đã biết (dù kiến thức của ta trước đó có được đánh giá là rất cao siêu), lúc đó một trang trắng sẽ mở ra, nó tạo điều kiện cho ta tiếp nhận những nguồn năng lượng mới, những thông tin mới. Chỉ có những nguồn thông tin mới mang tính nguyên bản về một sự vật hoặc hiện tượng nào đó mới có khả năng giúp ta nhận biết được chân tướng sự thật của chính sự vật hoặc hiện tượng ấy.Có một điều hiển nhiên là một trang giấy trắng nguyên vẹn thì dễ viết những điều mới mẻ lên đấy hơn nhiều so với một trang giấy đã có vẽ sẵn một số thứ nào đó. Chữ cũ càng dày đặc thì càng không có chỗ để viết những chữ mới. Phương pháp tư duy càng phiến diện bao nhiêu thì nó lại càng dễ được quyết đoán bấy nhiêu và vì vậy nó càng khó thay đổi. Khi đã có ai đó khẳng định “con voi giống cái cột đình” thì họ khó có thể nhận biết con voi một cách hoàn chỉnh!
Có những loại thông tin cố tình được bóp méo để phục vụ cho lợi ích của người đưa tin thì tất cả những thông tin đó đều là thông tin độc hại.
Có hai trạng thái đi đến bản chất của sự vật hiện tượng:
* Tiệm ngộ: Là dạng kiến thức được tích lũy dần dần, làm cho người tu càng ngày càng có nhiều kiến thức, càng ngày càng tiến dần đến bản chất của sự thật. Tiệm ngộ diễn ra trong thời gian lâu dài, có thể là nhiều kiếp.
* Đốn ngộ: Là hiện tượng đột nhiên kiến thức ùa đến như thác lũ và người tu đạt được đỉnh cao kiến thức ngay sau đó. Bản chất của hiện tượng sự vật hiển lộ và người tu nhận thức được bản chất đó ngay lập tức. Đốn ngộ thường dành cho những người gặp được kỳ duyên, đốn ngộ chỉ dành cho những người quyết tâm mở ra một trang trắng và thành tâm chờ đợi. Đốn ngộ xảy ra ngay lập tức và không ai có thể dự đoán được.

3/ Đi tìm Thầy để học !
* Để học tốt cần có 3 yếu tố:
- Có cơ địa tốt.
- Có quyết tâm và phương pháp học tập, tu luyện tốt.
- Có Thầy tốt và giỏi.
* Thầy là một cần thiết nhưng Thầy cũng là một trở ngại ! Tìm được đúng Thầy mình cần tìm để theo học, tức là “có Thầy” đã là khó. Học đến lúc “quên được Thầy” là rất khó. Học đến lúc “mất Thầy” là vô cùng khó. Khi nào vượt qua cái vô cùng khó ấy thì chúng ta sẽ chứng được Đạo.
* Muốn có nhiều kiến thức thì phải đọc rất nhiều loại sách khác nhau, hiểu được sách nói gì và chuyển hóa được kiến thức từ sách trở thành kiến thức của mình. Chăm chú nghe Thầy giảng, học rất nhiều người để chắt lọc lấy cái tinh hoa của mỗi người.
Thí dụ: Khi đọc kinh Phật thì đừng có “nhai đi nhai lại” giống như con trâu nhai cỏ. Ngồi đâu cũng dở ra nói, viết gì cũng dẫn chứng theo sách…Khi người khác hỏi lại thì lại ngẩn ra vì chẳng hiểu gì ! Đọc Kinh Phật là phải hiểu được ý Phật định nói với chúng ta điều gì.
* Nghe Thầy giảng xong thì phải nghiền ngẫm suy nghĩ xem Thầy nói thế nghĩa là thế nào ? Nếu chưa hiểu thì hỏi lại cho đến kỳ hiểu mới thôi. Hiểu được rồi thì phải chuyển hóa được kiến thức của Thầy thành kiến thức của mình. Đừng nên thông minh quá, chưa thuộc bài đã thích sáng tạo! Đầu tiên là thuộc điều Thầy nói, rồi đến hiểu điều Thầy nói sau đó biết vận dụng điều Thầy nói…Đến lúc đó có sáng tạo gì thì hãy sáng tạo, có phê phán Thầy cái gì thì lúc đó hãy phê phán.
* Không có ông Thầy nào là hoàn hảo cả, đi học là học những cái tốt của Thầy, không học hoặc bắt chước những cái Thầy chưa tốt. Đặc biệt không dựa vào cái Thầy chưa tốt để nói xấu Thầy sau lưng. Không học Thầy này thì đi tìm học Thầy khác, đã theo học Thầy rồi thì phải tôn trọng Thầy đúng mức. Học trò mà không tôn trọng Thầy là loại học trò không nên đào tạo, những học trò này không bao giờ là người tốt được. Tôn trọng Thầy thì phải tôn trọng từ suy nghĩ, lời nói và hành động. Có mặt Thầy cũng tôn trọng, không có mặt Thầy cũng tôn trọng. Nếu có ai đó, khi cần Thầy thì nịnh nọt, xong việc thì phớt lờ, đó là loại vô ơn.
Một người Thầy chân chính là người có tầm nhìn rất xa,nhìn cho hàng trăm hoặc hàng ngàn năm sau nên ông ta phải hiểu được rằng “Qui luật phát triển là một trong những quy luật tất yếu, học trò giỏi hơn Thầy là một điều may mắn cho xã hội”
Người Thầy mà tôi nói ở đây, có thể là Thầy đời thực, có thể là Thầy trong không gian, hoặc ai may mắn thì có được cả hai. Còn những ai không may mắn mà gặp phải thầy dởm hoặc thầy xấu thì hậu quả thật là tai hại.

4/ Có Thầy, có sách rồi thì đã tin được chưa?
* Theo tuệ giác của Đức Thế Tôn, đối với mọi quan điểm tư tưởng nên thận trọng, chớ vội tin, cần hoài nghi và xét lại tất cả. Mặc dù hoài nghi là một trở ngại lớn lao trên con đường tu luyện, nhưng trong nhận thức, hoài nghi là một biểu hiện của trí tuệ vì “Đại nghi tức Đại ngộ”. Sau hoài nghi mới đi đến niềm tin vững chắc là lộ trình của Chính tín & Tịnh tín của những người con Phật. Nếu không được nghi, không được xét lại, chỉ nhắm mắt tin theo thì niềm tin ấy chỉ là mê tín, vô cùng ngây thơ tăm tối.
Chúng ta cũng cần biết: Nghi không có nghĩa là phủ nhận, nghi ngờ là để kiểm tra xem xét một cách cẩn thận kỹ càng trước khi quyết định có đi theo con đường ấy không. Chỉ khi nào chứng minh được con đường ấy sai thì mới phủ nhận, khi chưa chứng minh được con đường ấy sai thì chỉ nên ghi nhận có thể chưa đi theo nhưng cũng đừng vội phủ nhận. Khi đã khẳng định được con đường mình đi là sai thì dứt khóat rũ bỏ, đừng bao giờ nuối tiếc hoặc “cố đấm ăn xôi”. Trong thực tế thì chúng ta nên làm như thế này: “Hãy nhúng mình vào mà chiêm nghiệm. Không nhúng mình vào thì làm sao mà chiêm nghiệm được. Không chiêm nghiệm được thì làm sao biết được đúng hay sai.” Theo tôi thì ta nên nhúng mình một cách tỉnh táo để mà chiêm nghiệm, có như thế thì chúng ta không bị lún sâu đến mức muốn quay lại mà không quay được.

4.1/ Thiền là một cách học hay nhất
* Khi dâng hương thì ta khấn:
Con xin dâng năm thức hương thơm: Hương Giới, hương Định, hương Tuệ, hương Giải thoát, hương Giải thoát tri kiến.
Giới là để ngăn ngừa kiềm chế tiếp xúc các duyên, có giữ được giới thì trong tâm mới bớt vọng tưởng. Tâm bớt vọng thì dễ yên, có yên rồi thì khi ngồi thiền Tâm mới Định. Tâm đã định rồi thì trí tuệ chân thật sẽ hiện tiền, tức là ta đạt đến Tuệ. Có trí tuệ chân thật ta sẽ biết cách Giải thoát. Có giải thoát được cho mình thì mới có khả năng để tìm cách giải thoát cho người khác, đó chính là Giải thoát tri kiến.
Hiểu rõ như vậy mới thấy việc tọa thiền rất quan trọng. Ta ngồi im lặng nhưng thực ra là ta đang làm một việc chuyển con người mê muộn thành một con người sáng suốt, giác ngộ. Đó là một chuyện phi thường chứ đâu phải là chuyện bình thường. Trong khi ngồi thiền có thể giúp chúng ta học đươc nhiều thậm chí rất nhiều những kiến thức mà ở cuộc đời trần tục không bao giờ học được. Đến bây giờ thì có thể nói thẳng ra rằng : “Khoa học hiện đại ngày nay ở mọi lĩnh vực luôn luôn chỉ là những kiến thức tiệm cận với khoa học của không gian mà thôi. Và mãi mãi sau này cũng là như vậy, bởi vì cái mà chúng ta biết bao giờ cũng rất nhỏ so với cái mà chúng ta chưa biết”.
* Chúng ta ăn ít thức ăn vật chất nhưng thay vào đó phải có chất dinh dưỡng nuôi tinh thần, là Pháp thực và Thiền thực, đó là 2 thức ăn quan trọng mà người tọa thiền phải tìm thấy mà dùng. Tiêu chuẩn của người tham gia thiền định thực thụ thành công là: Ăn ít, ngủ ít, làm việc nhiều nhưng cơ thể luôn luôn khỏe mạnh.

* Có hai điều cần ghi nhớ và hai điều này chỉ xảy ra khi Thiền:
- Quyển sách khó đọc nhất nhưng ở trong ấy có đầy đủ mọi loại kiến thức nhất đó là: Vô tự thư.
- Theo Đạt Ma Sư Tổ cách học nhanh nhất là: “Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”.

4.2/ Có kiến thức rồi thì phải đi giúp người khác.
Sau khi học được, ta cần phải đem kiến thức đã học đi giúp đỡ những người khác. Đem nhữg kiến thức này để đi giúp đỡ chứ không phải để đi khoe khoang, hoặc dùng nó là một phương tiện để kiếm tiền làm giàu
* Khi Phật thành Đạo ở Cội Bồ Đề, Ngài biết rằng hiểu biết của Ngài quá cao siêu trong khi tham vọng của con người lại quá lớn. Lý tưởng của Phật và tham vọng của con người khó gặp được nhau. Làm thế nào mà dạy họ lý tưởng này được? Tham vọng của con người là tiền bạc và quyền lực làm cản trở ý chí giải thoát của họ. Vì thế bước chân giáo hóa đầu tiên của Phật không phải để giành cho những người ở xung quanh mình mà Phật đã tìm đến những người đang có tấm lòng khao khát được giải thoát và Người truyền đạo cho những người đó. Chỉ có những con người đó mới có thể tiếp nhận được những tri thức cần thiết cho việc giải thoát.Và cũng chỉ những con người đó mới có khả năng hiểu được Phật nói gì, cũng vì vậy Phật phải đi tìm những con người đó mà truyền dạy.
Vì lẽ đó mà tôi đề nghị mọi người đừng có vận động người khác học Khí công Tâm linh, chỉ giới thiệu thôi và hãy để họ tự suy ngẫm, tự chiêm nghiệm.
* Thiền là một trong những cách học tốt nhất, Phật Tổ Thích Ca đã nói:
“Khi ta nhập định, nếu có năm trăm cỗ xe ngựa chạy qua thì ta biết, năm trăm cỗ xe này đi từ đâu đến, trên xe trở cái gì và xe đi về đâu”.
Đều đó có nghĩa là khi nhập định thì Phật Tổ biết được quá khứ, hiện tại và cả tương lai.
Thiền là để học những cái tinh hoa của thế giới Tâm linh, học xong
thì phải tìm cách chuyển tải những kiến thức đó về thế giới trần tục để góp phần làm cho thế giới Trần tục tốt hơn.
Có lần tại chùa Duệ Tú, Phật Bà đã cho tôi ăn một miếng đu đủ, khi tôi ăn xong thì Phật Bà đưa cho tôi một nắm hạt đu đủ. Phật Bà nói: “Ta sẽ cho đủ, nhưng cũng phải gieo cho đủ”.
Nước mình còn nhiều khó khăn, dân mình còn nhiều vất vả... Người tu hành chân chính dứt khoát phải đóng góp sức mình để xây dựng và bảo vệ đất nước làm cho đất nước chúng ta ngày càng to đẹp hơn đàng hoàng hơn. Góp phần mình để làm cho “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.
Quyền năng chỉ đến thực sự khi ta quyết tâm hành Đạo đúng.
Quyền năng sẽ mất đi khi những kẻ hành Đạo làm những việc trái Đạo và những người đó hoặc con cháu họ phải gánh chịu hậu quả ngay tại kiếp này. Sau khi rời bỏ thế giới trần tục này tất cả bọn chúng sẽ phải trả lời trực tiếp với Pháp Vương về tất cả những việc trái Đạo mà chúng đã làm và một lần nữa phải chịu sự phán sét nghiêm minh.

Phần II: MỘT VÀI NÉT ĐẶC THÙ CỦA MÔN HỌC KCTL

I. Đặc thù môn học
1/ Là môn học tuân theo nguyên tắc Tĩnh khí công ý thức.
* Trong trạng thái tọa thiền tĩnh, dùng ý thức của mình để “dụng tâm dẫn ý, sinh khí tạo lực” nhằm điều chỉnh khí, điều chỉnh năng lượng của cơ thể tuân theo qui luật “thuận tự nhiên”. Việc điều chỉnh này sẽ giúp chúng ta khai mở, khai thông được hệ thống Huyệt đạo, Luân xa, Kinh mạch, Huyết mạch, Thần kinh, hệ thống đường ống dẫn các chất dịch và toàn bộ đường ống dẫn năng lượng trong cơ thể từ đó giải tỏa được khí xấu, năng lượng xấu ra khỏi cơ thể. Từng bước tiếp nhận năng lượng sạch và siêu sạch từ không gian Vũ trụ nhằm tăng cường sức khỏe và phát triển tiềm năng con người.
Môn học này có đặc điểm quan trọng là :
- Dùng Linh pháp để khai mở và khai thông trước, sau đó dùng Thực pháp để sinh khí và tạo lực. Sau khi đã tạo được lực khá tốt rồi thì kết hợp Linh pháp & Thực pháp để phát triển tiềm năng con người, hướng người tập đạt đến tinh hoa của việc luyện khí.
- Hầu hết các bài luyện đều là một trận pháp nên nó tạo ra được một môi trường thiền định rất tốt. Trận pháp tạo ra một trường lực mạnh bao quanh khu vực luyện tập cho nên nó loại trừ được các ảnh hưởng xấu từ môi trường xung quanh nó không chỉ ảnh hưởng tới người chủ động ngồi tập mà còn ảnh hưởng tới tất cả những người có mặt trong khu vực ấy, đặc biệt là rất tốt cho các cháu nhỏ. Trận pháp giúp cho người luyện dễ nhập thiền hơn, quen với môi trường của một không gian mới, một không gian mà ở trong đó có thể tiếp xúc được với nhiều người của thế giới khác. Giúp cho người luyện tập làm quen dần với Thế giới Tâm linh.

2/ Là môn Thiền của phái thiền Trúc Lâm do Tam Tổ Trúc Lâm Yên Tử khởi xướng và chủ trì.
Thiền pháiTrúc Lâm Yên Tử, một phái Thiền để lại dấu ấn đặc sắc nhất trong lịch sử tư tưởng Phật giáo Việt Nam.Trần Nhân Tông thực sự là một triết gia lớn của Phật học, giúp triết học Phật giáo Việt Nam phát triển rực rỡ thể hiện đầy đủ trí tuệ, bản lĩnh Việt Nam. Lý thuyết của phái Trúc Lâm do Sư Tổ khởi xướng là không kêu gọi tín đồ lìa bỏ cuộc sống trần tục, không ép xác khổ hạnh, mà đề cao nhân nghĩa, giáo dục lòng nhân đạo, không phân biệt giàu sang, không phân biệt đẳng cấp, luôn luôn nhớ đến cội nguồn.
Với chủ trương “Cư trần mà lạc Đạo”, cứ ở cõi đời mà vui đạo và hoàn toàn có thể tu luyện tốt trong khi chúng ta vẫn phải lo toan những công việc trần tục. Đây là một quan điểm tôn giáo sâu sắc và rất tiến bộ “Đời-Đạo Song-Tu”.Việc đầu tiên của tu đạo theo quan điểm này là hãy làm một người tốt,một người thẳng thắn trung thực biết hạn chế lợi ích của cá nhân vì lợi ích của cộng đồng và đất nước, của dân tộc. Hãy tìm Phật ở chính Tâm của mình và hãy sử dụng ngay sức mạnh ấy, nguồn năng lượng vô tận ấy để cải tạo cuộc đời trần tục này.Tu luyện để làm cho cuộc sống trần tục của chúng ta tốt đẹp hơn lên, góp phần làm cho đất nước chúng ta tốt đẹp hơn lên.
“Đạo Phật cấm sát sinh song giết giặc cứu dân không có gì trái đạo…, ăn mặn nói ngay còn hơn ăn chay nói dối, ở đâu tu cũng được lúc nào tu cũng được, tu thì lâu cạo đầu mấy chốc, thứ nhất tu tại gia thứ hai tu chợ thứ ba tu chùa.”
Tinh hoa của Thiền phái trúc lâm việt Nam đã được thể hiện trong đôi câu đối ca ngợi Điều Ngự Giác Hoàng Trúc Lâm sư Tổ như sau:

Dạy dân tu Thiền giáo, yêu Đạo - yêu Đời,
Dẹp giặc độ chúng sinh, làm Vua – làm Phật.

Đôi câu đối tuy ngắn gọn nhưng lại nói lên nhiều điều để chúng ta suy ngẫm mà học tập và làm theo.
Tôi khẳng định: Môn học của chúng ta đang học là môn học đang kế thừa và phát huy được tinh hoa của Thiền phái Trúc lâm Yên tử.
Ngày 30/3/2006, Điều Ngự Giác Hoàng Trúc Lâm Sư Tổ đã tặng tôi bài thơ và một quyển sách:

Thiên thu nay đã thỏa ước nguyền,
Gươm thiêng trao trọn với niềm tin,
“Định pháp vô minh” ta truyền lại,
Cho con giữ mãi một đức tin.

“Định pháp Vô minh” là cuốn sách ghi lại những tinh hoa của Thiền phái Trúc Lâm, hay nói cách khác đó chính là Y – Bát của Thiền phái mà Sư Tổ đã trao lại cho tôi.

II. Học để làm gì? Học như thế nào?
1/ Học để làm gì?
1a. Mục đích.
Mục đích cuối cùng của môn học này là để GIẢI THOÁT. Giải thoát khỏi những tư duy phiến diện, những tư duy què quặt, những tư duy vụn vặt để từng bước có được một tư duy toàn diện chính xác về tất cả các sự vật và hiện tượng diễn ra quanh ta. Đánh giá đúng vai trò của thế giới Tâm linh quanh ta, xác định hợp lý vai trò của thế giớ Trần tục trong mối tương quan với thế giới Tâm linh. Trên cơ sở những tư duy toàn diện và chính xác đó chúng ta sẽ có được một cách hành sử hợp lý với nhau và với tất cả vạn vật muôn loài. Hành xử hợp lý với những sinh vật chúng ta nhìn thấy và cả với những sinh vật chúng ta không nhìn thấy, hành xử hợp lý với cả môi trường mà chúng ta đang sống. Chỉ có cách hành sử hợp lý đó thì ta mới xây dựng và duy trì được một cuộc sống chung cân bằng, ổn định và bền vững.

1b. Giai đoạn: Luyện Tinh – Sinh Khí – Hóa Thần.
Luyện tập khí công, luyện tập cách thức tư duy để có sức khỏe, để được khai tâm mở huệ và phát triển tiềm năng con người và bước đầu học Đạo.
Giai đoạn này người học phải tạo dựng, củng cố lòng tin sau đó là rèn luyện để có được đức tin. Phải “kiên quyết, kiên trì và kiên tâm” thì mới có thể tập luyện lâu dài và đều đặn được. Khi tập thiền thì đừng chờ mong và đòi hỏi cái gì cả. Cứ tập, cứ luyện, cứ tập luyện thật chăm chỉ đều đặn rồi cái gì đến nó sẽ đến. Chấp nhận thiền tức là chấp nhận thử thách, sự thử thách này nhiều khi tưởng là đơn giản mà lại vô cùng nghiệt ngã, ghê gớm…Có những trường hợp luyện mãi, luyện mãi…không thấy gì cả! Đến lúc chán quá rồi, muốn vứt bỏ tất cả rồi…thì cái cần đến nó mới đến. Khi ta “Ngộ” thì lượng kiến thức và thành quả nó sẽ ào đến có khi như thác lũ để bù đắp và thỏa mãn tất cả công sức ta đã bỏ ra. Có người khi đã đi gần đến chỗ “Ngộ” thì lại bỏ
thiền! Thật đáng tiếc!
* Nếu nhìn nhận những người tu luyện này dưới giác quan năng lượng thì đây là giai đoạn:
- Các trung tâm năng lượng trong cơ thể bắt đầu được khai mở, trước nhất là Đan điền hạ, một số người có thể được khai mở Đan điền trung và tìm kiếm những người có hy vọng khai mở được Đan điền thượng.
- Trục sinh lực đang được khai thông và mở rộng, hệ thống đường ống dẫn năng lượng đang được xem xét để hoàn chỉnh.
- Lớp hào quang bệnh lý đang được phá bỏ để hình thành một lớp hào quang khác sáng hơn, sạch hơn.
- Tiềm năng con người đang được đánh thức để khai mở bước đầu.

1c. Giai đoạn: Học Đạo và Hành Đạo
Học cách tư duy phi trần tục, học cách tiếp nhận và xử lý thông tin từ các thế giới khác, từ không gian. Tự mình luyện tập bằng thiền định chủ động, nghe đồng Đạo kể chuyện, nghe Thầy giảng bài để có được những hiểu biết về:
- Tính rộng lớn vô hạn của không gian.
- Cơ cấu tổ chức của Không gian gồm: Thiên Hà, Thế Giới, Vũ Trụ, những Vũ Trụ xung quanh…
- Tính phức tạp của thế giới Trần tục về mặt thành phần. Vai trò của thế giới trần tục trong Vũ trụ. Vị trí của loài người trong không gian.
- Bản nguyên thần là gì ?
- Ta từ đâu về đây ?
- Ta về đây có nhiệm vụ gì ?
- Ta đi về đâu sau khi chết ?
Phải trải qua nhiều giai đoạn để đạt được những thành tựu cơ bản của thiền định được thể hiện qua các bước:

a/ Khí cảm.
- Cảm nhận được có mấy sợi tóc rung rung ở chỗ Bách Hội.
- Cảm thấy có khí chạy ra khỏi các đầu ngón tay.
- Cảm thấy có cái gì đó chảy từ đầu xuống, rất chậm, rất chậm …như là khi ta đốt nến thì nến bị chảy dọc thân cây nến vậy.
- ………….
- Cảm nhận được cơ thể mình đang thay đổi theo chiều hướng tốt lên. Cụ thể là thấy tinh thần và sức khỏe kể cả thiện tính trong mình tốt hơn
hẳn trước đây. Nhất định phải đạt được “Thân Tâm khang thái”.

b/ Khí quang.
- Ngồi thiền nhắm mắt nhưng lại thấy như có luồng ánh sáng dọi vào mặt.
- Ngồi thiền mà thấy trong đầu sáng bừng lên, rồi lại tối.
- Ngồi thiền nhắm mắt mà thấy ánh sáng xanh đỏ tím vàng túa lua trước mặt.
- Ngồi thiền và thậm chí cứ nhắm mắt lại là thấy trong đầu sáng như có bóng đèn ở bên trong.
- Ngồi thiền đột nhiên thấy có ánh sáng rồi một ô hình chữ nhật xuất hiện phía trước trán , lúc mờ lúc tỏ.
- …………

c/ Khí hình.
*Thiên nhãn. Cái ô hình chữ nhật mà ta đã có lần trước chính là màn hình, các hình ảnh sẽ xuất hiện trên màn hình ấy.
- Lúc đầu thì màn hình mờ và hơi méo mó…Thế rồi màn hình rõ hơn, vuông vắn hơn…
- Ta bắt đầu dùng ý nghĩ để điều chỉnh được độ sáng tối, độ gần xa, độ vuông vắn của màn hình…
- Có một số tín hiệu nhập nhằng trên màn hình…Thế rồi hình ảnh lờ mờ xuất hiện…Hình ảnh muốn nhìn thì không thấy, hình ảnh cứ tự nhiên xuất hiện rồi mất mà ta không chủ động chỉ huy nó được!
- Hình ảnh bắt đầu rõ hơn, bước đầu hình ảnh xuất hiện đã tuân theo ý nghĩ chỉ huy của ta…
- Khi Thầy hỏi cái gì đây ? Ta bắt đầu nhìn thấy lúc đúng lúc sai, lúc mờ lúc tỏ…
- Thế rồi hình ảnh rõ dần, nhìn càng ngày càng chính xác, nhìn càng ngày càng xa…Thiên nhãn hay còn gọi là mắt thần đã được khai mở. Thiên nhãn là con mắt nhìn xuyên thấu mọi vật và nhìn xa ngàn dặm đấy.
*Thiên nhĩ. Đối với việc khai mở thiên nhĩ cũng vậy: Lúc đầu là nghe loáng thoáng như có ai nói…Sau rồi nghe rõ hơn và phân biệt được giọng nói của người đó…Lúc đầu thường chỉ là mấy từ rõ ngắn, thường là nghe thấy Thầy nói vào lúc ngồi thiền một mình hoặc là ngủ mơ nghe thấy Thầy nói…Thế rồi sẽ nghe rõ dần, rõ dần cho đến khi nghe được các đối tượng trong không gian nói…
Có một điều kỳ lạ là: Bất cứ đối tượng nào nói dù là bề trên, con người, con vật, cây cối…thì ta đều nghe đúng là thứ tiếng mẹ đẻ mà ta vẫn thường nghe.

1d/ Giai đoạn Hoàn Hư - Hợp Đạo.
Tức là giai đoạn mà ta phải nhìn nhận hiện tượng sự vật trong trạng thái Hư Tĩnh để hiểu rõ bản chất chân thật của nó. Nhưng ta cũng không nhìn nhận sự vật hiện tượng một cách thụ động, đồng thời cũng không áp đặt tư tưởng chủ quan của mình. Phải nhìn nhận sự vật hiện tượng sao cho thuận tự nhiên để từ đó thấu hiểu được quan điểm Đạo của mình. Nói theo kiểu tư duy trần tục thì chúng ta không được Duy Tâm, tức là không cho rằng mọi việc đã được sắp đặt trước và do Thần, Thánh hay một lực lượng vô hình nào đó quyết định toàn bộ. Chúng ta cũng không được Duy Vật mà cho rằng con người là chủ thể trong mọi lĩnh vực, con người quyết định tất cả.
Chúng ta cần xác định càng chính xác càng tốt:
- Vai trò vị trí của thế giới vô hình đối với chúng ta và mức độ tác động của thế giới ấy đến cuộc sống của chúng ta như thế nào ?
- Vai trò chủ quan của chúng ta đối với chính cuộc sống của chúng ta được quyết định ở mức độ nào ?
- Làm thế nào để hài hòa được cả hai nhân tố Vô hình và Hữu hình một cách thuận tự nhiên để tạo ra một cuộc sống Hợp lý nhất và Hạnh phúc nhất.
- Vai trò của chúng ta đối với thế giới vô hình như thế nào ?
Ở giai đoạn 2 thì quyền năng sẽ đến với chúng ta và quyền năng chỉ được phát triển đến đỉnh cao khi chúng ta phải trải qua đủ các bước:
Luyện tinh – Sinh khí – Hóa thần – Hoàn hư – Hợp đạo.

* Có người nói rằng: “Có quyền năng thì có tất cả”
Theo tôi “Hợp Đạo” ở đây cũng không nên hiểu theo cái nghĩa gì đó
quá cao xa. Trước tiên là “Đạo làm Người”, khi chúng ta còn đang sống ở
trần tục thì đạo làm Người cũng có thể hiểu đơn giản là:
- Là con thì phải hiếu thảo với Ông, Bà, Cha, Mẹ và những người ruột thịt, những người ở bên có tác động trực tiếp và thân cận với mình.
- Là bề dưới thì phải kính lễ và nghe lời bề trên. Là cấp dưới thì phải phục tùng cấp trên. Là trò thì phải kính trọng và nghe lời Thầy, Cô.
- Phải biết yêu thương hàng xóm láng giềng, dân làng mình. Là người Việt Nam thì phải yêu nhân dân Việt Nam, yêu Tổ quốc Việt Nam, là người Nga thì phải yêu nhân dân Nga, yêu Tổ quốc Nga..Và rồi mới có thể yêu tất cả vạn vật, muôn loài được.
Tóm lại là trước khi muốn làm việc lớn thì phải biết làm và làm tốt các việc nhỏ đã.

* Nếu chưa học xong cái “Đạo làm Người” thì đừng bao giờ mơ đến Thần, Thánh, Tiên, Phật và cao hơn nữa.
Nếu nhìn nhận những người tu luyện này dưới giác quan năng lượng thì:
- Cả ba Đan điền của họ đã được khai mở, trục sinh lực đã được khai thông và mở rộng, hệ thống đường ống dẫn năng lượng trong cơ thể được cải tạo hoàn chỉnh.
- Cả ba Đan điền đã được nối thông bằng trục sinh lực và có thể điều tiết năng lượng để chuyển hóa năng lượng cho nhau.
- Cơ thể năng lượng đang được hoàn chỉnh mà biểu hiện cụ thể là lớp hào quang xung quanh người sáng hơn, dày hơn, và đang hình thành lớp hào quang cứng bao quanh cơ thể. Hào quang cứng là hào quang có tính chất như một áo giáp có khả năng chống lại hầu hết các loại ngoại tà xâm nhập.
- Cơ thể năng lượng của họ bắt đầu được giao nhiệm vụ trong không gian với những tính chất phức tạp tăng dần.
Lưu ý:
Trong quá trình tu luyện mà chúng ta đã chính thức được công nhận là người trong một Đạo nào đó…Các bạn nên nhớ rằng khi được một Đạo công nhận mình là người của Đạo đó thì phải có một cuộc họp, có công bố quyết định, được nhận Pháp danh… Nó không đơn giản như mấy ông tự xưng “ông nọ bà kia” đâu. Đến lúc đó thì mình phải tuân thủ theo Giới luật và những qui định khác của Đạo ấy.
Lúc ban đầu chúng ta đi theo Đạo nào thì cũng chỉ là đang đi trên con đường của Đạo ấy thôi. Khi nào hợp với Đạo thì mới đến được chỗ Đạo.

1e/ Giai đoạn: Đã hợp Đạo.
Khi đã qua được ba giai đoạn trên thì người tu luyện đã đạt đến trạng thái năng lượng cao cấp. Lúc này họ có thể chính thức có nhiệm vụ làm việc trong không gian. Lúc này ngoài thân xác trần tục thì họ có một cơ thể năng lượng mạnh, trước hết là họ có nhiều vía hoặc rất nhiều vía. Các cơ thể năng lượng (vía) có thể đi đến nhiều nơi trong không gian mà khoảng cách và qui mô tùy thuộc vào quyền năng của người đó. Khi có quyền năng đủ lớn thì khoảng cách và thời gian theo quan niệm trần tục gần như không còn ý nghĩa nữa, mọi việc trong không gian được diễn ra gần như tức thời. Cơ thể năng lượng của những người này tạo ra được một trường năng lượng rất lớn ở xung quanh, trường năng lượng này không chỉ tác động đến người và vật ở xung quanh mà còn có thể tác động làm thay đổi được môi trường ở xung quanh họ. Lúc này cơ thể năng lượng làm việc dưới sự chỉ đạo từ ý nghĩ của chủ thể, nếu người này tham gia chữa bệnh thì chỉ cần nhìn bệnh nhân và chỉ đạo năng lượng của mình thực hiện việc chữa bệnh. Cao cấp hơn nữa là người luyện đạt đến năng lượng biết tư duy, tức là dạng năng lượng biết tự xử lý các tình huống trong không gian khi gặp phải nhưng lại xử lý đúng quan điểm và cách nhìn của người đó. Khi cơ thê năng lượng đã chính thức có nhiệm vụ thì người này có thể có mặt ở nhiều nơi trong cùng một thời điểm.
Những người này có nhãn quan khác những người khác ở chỗ: “Họ nhìn nhận mọi sự vật hiện tượng theo quan điểm năng lượng”. Với cách nhìn như thế thì họ không bị chi phối bởi hiện tượng, không bị chi phối bởi những quan điểm khác, không bị chi phối bởi những giáo lý khác mà họ luôn luôn tìm đến gốc gác bản chất của hiện tượng để từ đó có biện pháp hành xử hợp lý.
Ảnh hưởng của những người này đạt được một qui mô rộng lớn, nó có khả năng chỉ đạo hoặc mang tính dẫn dắt, chỉ đường cho nhiều hoặc rất nhiều những đối tượng khác. Một số những đối tượng chịu ảnh hưởng có thể nhận biết được tầm mức ảnh hưởng đó nhưng cũng có nhiều đối tượng không nhận biết được điều này vì sự tác động tư tưởng đã đạt đến mức thuận tự nhiên.

2/ Học như thế nào?
2a. Đầu tiên là phải xây dựng lòng tin, rồi củng cố lòng tin đó cho thật sự bền vững. Từ lòng tin phải xây dựng được Đức tin, chỉ khi có được Đức tin thì ta mới có thể đi đến cùng con đường mà ta đã chọn.
2b. Phải thừa nhận một số lý thuyết mang tính Tiên đề để bắt đầu học.
Khi kiến thức được nâng cao dần lên thì tự chúng ta sẽ lý giải dần được các hiện tượng xảy ra và sẽ tiến dần đến bản chất chân thật của hiện tượng, sự vật.
2c. Học miệt mài giống như con ong chăm chỉ.
Trong khi học, không so đo tính toán, không kỳ vọng vào cái gì cả. Tôi thấy hợp lý thì tôi học, tôi thấy con đường này phù hợp với tôi thì tôi đi… Rồi cái gì đến nó sẽ đến. Cứ “gieo cho đủ thì sẽ có đủ” hay nói cách khác “Khi không cần cái gì cả thì sẽ có tất cả”.
2d. Học được đến đâu thì thực hành ngay đến đấy
Bắt đầu của việc thực hành là thay đổi tư duy cũ, thay đổi cách nhìn cũ của chính mình. Đưa những điều tốt đẹp mà mình đã nhận thức được rõ ràng, ứng dụng ngay vào cuộc sống của chúng ta khi điều kiện cho phép.
Làm việc thiện không chỉ thể hiện ở việc bố thí cho người ăn xin hoặc công đức vào chùa!... Một ông Giám đốc giỏi, công minh, liêm khiết; một Giám đốc thường xuyên tạo được nhiều việc làm cho công nhân và trả được lương cao cho công nhân thì đấy chính là người làm việc thiện tốt nhất. Một người hiếu thảo với ông, bà, cha, mẹ, sống tốt với mọi người xung quanh đó là con ngườ thiện.

3/ Ba giai đoạn luyện tập.
a/ Giai đoạn một.
Học để khai mở, khai thông và giảm bệnh để dưỡng sinh.
b/ Giai đoạn hai.
Học để tự giải quyết những bệnh cơ thể đã mắc phải, bước đầu phát
hiện ra một số bệnh nghiệp kiếp của mình và được Thầy giúp giải
nghiệp kiếp. Có thể được khai mở thiên nhãn, thiên nhĩ. Tiếp cận được một số người không ở thế giới trần tục. Chữa được hầu hết các bệnh thông thường cho người khác. Giải được bùa và các vong thông thường. Trấn đất, trừ tà.
c/ Giai đoạn ba.
Học nâng cao, thiên nhãn thiên nhĩ đã làm việc tốt, tiếp cận và được cùng làm việc với nhiều đối tượng trong không gian. Giải được nhiều loại bùa. Giải được hầu hết các vong. Chữa được nhiều loại bệnh cho người khác. Bản thân mình thì phải được giải từ 5 nghiệp kiếp trở lên trong số 10 nghiệp kiếp cần phải giải.
Bắt đầu tham gia vào những việc của Thế giới Tâm linh mà trong đó chữa bệnh chỉ là một phần nhỏ của công việc cần phải làm.
Mức năng lượng đã đủ lớn để có ảnh hưởng tốt tới nhiều người với qui mô ngày càng phát triển.
d/ Giai đoạn bốn.
Thầy sẽ dạy những bài chuyên biệt, tự mình tu luyện nâng cao là chính. Cùng tham gia làm việc với Thầy. Phiá trước là tương lai rạng rỡ mà cánh cửa đi đến đó đã mở rộng, đi thế nào thì do chính mình quyết định.

III. Môn học này chịu ảnh hưởng của những Đạo nào?
* Môn học này chịu sự ảnh hưởng của tất cả các phái chính đạo, đầu tiên là đạo Phật, đạo Tiên, đạo Thánh, đạo Thiên Chúa, đạo Hồi. ….
Trong đó vai trò ảnh hưởng của mỗi Đạo cũng được xếp thứ tự đúng như trên.
Ngoài ra còn chịu ảnh hưởng lớn từ một số Đạo trong không gian mà những đạo ấy chưa xuất hiện ở trần tục.

IV. Kết luận.
Sau quá trình tu luyện của mình, tôi rút ra được mấy kết luận cho bản thân như sau:

1/ Không gian là vô cùng vô tận, vì vậy ta không thể biết đâu là xa nhất và ai là người cao nhất.
2/ Tất cả mọi quan điểm, giáo lý, tư tưởng …chỉ là tương đối! Vì vậy không nên dùng khái niệm đúng sai để đánh giá hiện tượng sự vật, chỉ nên dùng quan điểm “hợp lý hay chưa hợp lý” để nhìn nhận sự vật hiện tượng.
3/ Luật nhân quả có tác động đặc biệt lớn trong cuộc sống của chúng ta, xu hướng chung trong không gian hiện nay là “đời nay nhân quả nhãn tiền”. Chính vì vậy mọi người:

Hãy gieo giống tốt để mùa sau
Mong cho đời giảm bớt khổ đau.
Cứ tin như thế tin như thế
Chắc chắn cao xanh thấu mọi điều.