Người chữa căn bệnh viêm tắc động mạch

TP - Thế nào là bệnh viêm tắc động mạch? Vị lương y nhẹ nhàng giải thích: “Xin hãy hình dung, nếu dùng dây cao su buộc chặt ngón tay, phần ngón tay bên ngoài không còn được máu lưu thông nuôi dưỡng sẽ tím bầm và hoại tử.


Lương y Nguyễn Văn Thuân đang rửa ngón chân đau cho ông Phạm Đức Tăng. Ảnh: Sáu Nghệ
Quá trình đó diễn ra rất đau đớn. Bệnh viêm tắc động mạch biểu hiện ra bên ngoài tương tự như thế nhưng hậu quả thì ghê gớm hơn”.

Bài thuốc gia truyền

Cuối cùng chúng tôi cũng tìm được nhà lương y Nguyễn Văn Thuân ở cuối ngõ 70, một con ngõ hẹp ngoằn ngoèo của đường Nguyễn An Ninh, phường Tương Mai (Hoàng Mai, Hà Nội).

Ngôi nhà tầng không rộng nhưng ngăn nắp, sạch sẽ, một người đàn ông còn trẻ, dáng mảnh mai ra đón và mời ngồi thì hơi băn khoăn: Đây là vị lương y chúng tôi tìm? Bởi chẳng biết từ đâu chúng tôi vẫn nghĩ: Lương y có bài thuốc gia truyền chữa được căn bệnh hiểm nghèo thì phải già cả, nhà cửa cổ xưa. Người trước mặt chúng tôi thật trẻ trung, đồ đạc trong nhà thảy đều mới mẻ.

Nhưng đó chính là lương y đa khoa Nguyễn Văn Thuân, năm nay 38 tuổi.

Lương y Nguyễn Văn Thuân cởi mở: “Bài thuốc chữa bệnh viêm tắc động mạch truyền đến tôi là đời thứ 4. Bố tôi tên là Trần Trường, quê ở Tuy Hòa (Phú Yên), tập kết ra bắc năm 1954”. Chúng tôi ngạc nhiên: Tại sao bố và con không cùng họ? Vị lương y cười giải thích: “Tôi là con nuôi” và kể cơ duyên đến với bài thuốc quý.

Nguyễn Văn Thuân sinh ra trong gia đình nông dân nghèo ở huyện Gia Lâm (Hà Nội). Năm 13 tuổi, Thuân bị bệnh xơ gan cổ trướng, không có điều kiện chữa trị kịp thời nên bệnh phát nặng và gia đình đã tính chuyện khâm liệm, đem đi chôn. Ông Trần Trường biết được liền hết lòng cứu chữa. Bệnh khỏi, Thuân trở thành con nuôi của ông Trần Trường và được truyền cho bài thuốc.

Bài thuốc có đặc điểm lạ, các đời trước đều truyền cho học trò vì thầy không có con. Đến đời Nguyễn Văn Thuân, lúc đầu ơn thầy nên làm con nuôi giúp việc, về sau đam mê việc cứu người mà theo luôn nghiệp thầy. Khi biết các đời trước đều không có con, Thuân không nản lòng, chỉ nghĩ “trời kêu ai nấy dạ”. Thế nhưng lấy vợ, lương y Nguyễn Văn Thuân đã có 2 con trai. Ông tâm sự: “Chắc trời đã thương bài thuốc”.

Nguyễn Văn Thuân theo bố nuôi Trần Trường hơn 13 năm. Đến năm 1997, ông Trần Trường qua đời thì Nguyễn Văn Thuân mới tính chuyện mở cơ sở độc lập chữa bệnh. Ông đi học lấy bằng lương y đa khoa của Bộ Y tế, dành căn nhà của bố nuôi cho người khác, mua căn nhà cuối con hẻm mà nay chúng tôi đang ngồi.

“Bệnh nhân bị viêm tắc động mạch đến đây nhiều không ạ?”, chúng tôi hỏi. Lương y Nguyễn Văn Thuân trả lời: “Có ngày một vài người, có ngày hàng chục người, đủ các miền Nam, Trung, Bắc. Mấy năm gần đây bệnh nhân nhiều hơn, nhất là mạn Hưng Yên, chắc do môi trường bị ô nhiễm. Bệnh phát nhiều vào mùa lạnh và mùa lạnh cũng rất khó chữa. Mùa nắng chữa khỏi bệnh 10 phần thì mùa lạnh chỉ khỏi được 2, 3 phần”.

Cơ chế lành bệnh không giải thích được nhưng lương y Nguyễn Văn Thuân cho biết, có trường hợp lành bệnh kỳ diệu. Đó là động mạch bẩm sinh bị tắc, khi uống thuốc, cơ thể đã tạo ra một động mạch mới tựa như làm đường mới bên cạnh đường cũ đã bị vùi lấp.

Căn bệnh kinh hoàng

Một buổi sáng đầu tháng 6/2008, chúng tôi đang ngồi ở nhà lương y Nguyễn Văn Thuân thì thấy một người đàn ông đi vào. Ông bị cụt chân phải tới đầu gối nên phải chống nạng, và chân trái cũng đang đau ngón chân cái nên đi đứng rất khó khăn. Ông ngồi nhăn nhó một hồi, biết chúng tôi đi lấy thuốc cho mẹ già, có lẽ đồng cảm với người chung cảnh ngộ, ông kể.

Ông là Phạm Đức Tăng năm nay 69 tuổi, ở Hải Phòng. Ban đầu ông bị đau ngón cái bàn tay phải, lần theo thông tin trên một tờ báo, ông tìm đến ông lang Chum ở Lạng Sơn. Ông lang ra giá “chữa khoán” 20 triệu đồng. Hàng ngày bó thuốc và uống rượu. Vợ chồng ông phải nằm lại trên đó, tốn kém rất nhiều. Sau 4 tháng, ngón tay hết đau, ông trở về. Được thời gian ngắn, bệnh phát trở lại ở ngón chân phải.

Ông trở lên Lạng Sơn, thầy lang bảo: Chỉ chữa bệnh phát ở ngón tay, không chữa được bệnh phát ở ngón chân. Ông ngán ngẩm tìm vào một bệnh viện ở Hà Nội và bệnh viện đã thực hiện biện pháp chấm dứt những cơn đau khủng khiếp bằng cách: Cắt chân.

Cắt cụt chân phải được 2 năm, trước Tết 2008, bệnh lại phát ở ngón cái của bàn chân trái. Nhờ người mách, ông tìm được nhà lương y Nguyễn Văn Thuân và đã uống thuốc 3 tháng nhưng chưa hết đau. Ông nói: “Đau không ngủ được. Chỉ lúc nào mệt quá thì thiếp đi lơ mơ vài chục phút”. Lương y Nguyễn Văn Thuân xem vết thương cho ông, khẳng định: “Sẽ chữa khỏi”.

Khi ông Tăng về rồi, lương y Nguyễn Văn Thuân cho chúng tôi xem mấy cuốn sổ ông lưu ảnh và địa chỉ của một số người bệnh đã được ông chữa lành. Khủng khiếp quá! Dù đã chứng kiến sự tàn phá ghê gớm của căn bệnh quái ác qua mẹ của chúng tôi thì chúng tôi vẫn rùng mình khi nhìn những bức ảnh trong cuốn sổ ấy. Ở đó, sự khủng khiếp hiện lên còn gấp nhiều lần.

Ông Nguyễn Đức Sửu 58 tuổi ở xã Giang Sơn (Đức Sơn, Nghệ An) phát bệnh cả 20 ngón tay, ngón chân. Ông được cõng đến nhà lương y ngày 5/8/2006, khi đầu ngón tay ngón chân đã thối đen. Uống thuốc 6 tháng thì các ngón tay ngón chân rụng và lành. Uống tiếp đủ 12 tháng và lành đến nay.

Ông Hồ Văn Hòa 60 tuổi ở xã Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu, Nghệ An) bị bệnh đã phải cắt 2 chân, chân phải cắt đến đầu gối, chân trái cắt bàn chân. Sau đó, vết cắt ở chân phải lại phát bệnh, phát bệnh cả các ngón tay. Ngày 19/5/2007, ông tìm đến nhà lương y nhưng nghèo quá nên không đủ tiền mua thuốc uống đều đặn.

Ông Phạm Chiêm Ngưỡng 68 tuổi, ở phố Khâm Thiên (Hà Nội) đau ngón chân cái và đã phải cắt cả chân trái. Yên ổn nhiều năm, đến đầu năm 2007 bệnh phát trở lại ở mấy ngón của bàn tay trái, chữa 3 tháng ở một bệnh viện, càng chữa càng sưng đau, không ăn ngủ được. Ngày 15/8/2007, ông tìm đến nhà lương y, uống thuốc 5 tháng thì hết đau, các ngón tay nay đã trở lại bình thường.

Bệnh viêm tắc động mạch gây đau đớn và hoại tử bắt đầu từ những vị trí cuối cùng ở bàn chân, bàn tay, nhiều nhất là từ ngón cái. Tuy nhiên, không phải tất cả đều như vậy. Có người bắt đầu từ gót chân và đã bị rụng mất gót chân trước khi đến với lương y Nguyễn Văn Thuân. Khi hoại tử, có người bị loét rơi hết da thịt trên bàn chân, có người lại rơi hết da thịt ở gan bàn chân. Lương y Nguyễn Văn Thuân cho biết, có một ông già 85 tuổi đến với lương y khi gan hai bàn chân đã lở loét đến lòi xương, chữa 8 tháng da thịt mới liền trở lại.

Ít tuổi nhất bị bệnh viêm tắc động mạch mà lương y Nguyễn Văn Thuân đã gặp là một cháu bé mới 4 tuổi. Cháu phát bệnh ở ngón tay, chữa 5 tháng thì lành. “Tuổi nhỏ phát bệnh dễ chữa và ít tái phát”, lương y Nguyễn Văn Thuân nói.

Vui buồn trong nghề chữa bệnh nan y

Nghỉ tay khám bệnh, lương y Nguyễn Văn Thuân kể: “Buồn nhất là gặp những người nghèo, không có tiền lấy thuốc uống cho đến nơi đến chốn. Bởi căn bệnh nan y, khi phát ra ngoài là đã ủ trong người nhiều năm, lại gặp người tuổi cao, không thể chữa một vài tháng mà lành được. Và bệnh lành rồi thì vài năm tiếp theo, vào mùa lạnh cũng cần uống nhắc lại vài tháng cho bệnh đứt nọc.

Không phải ai cũng có khả năng theo như thế. Tôi chỉ có thể giúp công chứ không có khả năng cấp thuốc miễn phí bởi thuốc khá đắt. Hiện nay, giá các mặt hàng đều tăng nên giá thuốc tôi mua về để chế biến cũng đã tăng theo”.

Giọng lương y chợt trầm xuống: “Có người đem bố bị bệnh đến hỏi tôi có chữa khoán hay không? Tôi trả lời là chưa được thầy truyền cho bài chữa khoán. Lại có người bảo tôi, chỉ cần mau lành bệnh, thuốc đắt mấy cũng có thể mua, hàng tỷ đồng cũng được và yêu cầu tôi cho thuốc tốt nhất. Tôi trả lời: Chỉ có thuốc chữa đúng bệnh và giàu nghèo đều được chữa như nhau. Gặp những trường hợp bệnh như thế, tôi rất buồn là biết trước sẽ không chữa được”.

Chúng tôi ngạc nhiên, bèn hỏi: “Những trường hợp ấy bệnh đã quá nặng ư?”. “Không phải”, lương y trả lời: “Tôi được phù hộ cho bài thuốc quý thì phải giữ để cứu người, không phải để làm giàu, phải tìm đường sống cho người bệnh. Nhưng chẳng hiểu sao, có người vừa bước vào nhà tôi cất lời nói là tôi linh cảm không chữa được và quả thực không chữa được”. q

Sáu Nghệ
http://www.tienphong.vn/Tianyon/Inde...10&ChannelID=9