Ngôi nhà cổ "triệu đô" và ông già gàn xứ Bắc!
Thứ Hai, 23/06/2008 --- cập nhật 08:58 GMT+7


Có một ông già nghèo đang gìn giữ ngôi nhà cổ của tổ tiên. Nhiều năm qua, có nhiều đoàn cả trong nước lẫn nước ngoài đến gạ gẫm mua nhưng ông dứt khoát không bán. Ông bảo “bán nhà là bán tổ tiên”. Vừa qua, lại có phái đoàn của Malaysia đến trả 1 triệu USD nhưng ông vẫn giữ quan điểm của mình, khiến cho người dân trong vùng tò mò đổ đến xem. Đó là ông Nguyễn Văn Trang ở làng Mẫn Xá, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.




Ngôi nhà cổ và sự vinh danh của một dòng họ


Ngôi nhà có tuổi thọ hơn 234 tuổi.


Mẫn Xá là làng có nghề đúc nhôm, không khí nồng nặc mùi phôi nhôm. Kinh tế đang phát triển có ảnh hưởng đến bộ mặt của ngôi làng. San sát những ngôi nhà cao tầng hiện hữu một ngôi nhà cổ độc đáo. Theo gia phả dòng họ Nguyễn Văn ở Mẫn Xá thì cụ tổ ông Trang là Nguyễn Văn Cẩn, sinh năm 1753, đến đất này lập nghiệp và được coi là một bậc “phú gia địch quốc” (ý nói có tài sản sánh ngang quốc gia) tại đất Kinh Bắc xưa. Cũng theo gia phả chép lại, ngôi nhà cổ này được xây dựng vào năm 1774. Cụ làm nghề bốc thuốc và dạy học, năm 21 tuổi cụ đã có khối tài sản khổng lồ. Ông Trang hiện là trưởng họ, là cháu 7 đời của cụ Cẩn, rất đỗi tự hào về dòng họ của mình, càng tự hào vì mình được vinh danh dòng họ, gìn giữ ngôi nhà cổ các cụ để lại. Ông Trang kể “Cụ giàu đến nỗi ngày xưa tôi đào đất san nền và làm công trình phụ, chỗ nào cũng thấy chum lọ đầy tiền xu. Vì nó là tiền xu của ngày xưa nên các cháu tôi chỉ bán cho đồng nát”


Ngôi nhà được làm hoàn toàn bằng gỗ lim.


Được xây dựng vào năm 1774 cho đến nay ngôi nhà có tuổi thọ hơn 234 tuổi. Nhà được làm hoàn toàn bằng gỗ lim, có 7 gian và 48 cột, với nhiều trạm trổ tinh vi. Vừa qua, phái đoàn nghiên cứu văn hóa châu Á, Thái Bình Dương của Malaysia đề nghị mua lại căn nhà với giá 1 triệu USD nhưng ông Trang từ chối. Chính vì điều này mà ông bị nhiều người gọi là “tỷ phú gàn”…

Năm 2000 giáo sư Yamada Yukimasa - giảng viên Trường đại học Tokyo và giáo sư Trần Thị Quế Hà - giảng viên Trường ĐH Showa Nhật Bản đến Việt Nam, kết hợp với Bộ Văn hoá- Thông tin làm cuộc khảo cứu về nhà ở dân gian truyền thống. Sau nhiều ngày rong ruổi tại Bắc Ninh, đoàn chuyên gia đã tìm được ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Trang và họ khẳng định ngôi nhà độc đáo và được xây dựng vào thời vua Minh Mạng. Sau khi nghiên cứu kỹ ngôi nhà cũng như gia phả dòng họ Nguyễn Văn, họ đề nghị mua lại toàn bộ khung ngôi nhà để mang về trưng bày với giá 57 ngàn USD. Đề nghị này quả là hấp dẫn. Ngay tối đó ông Nguyễn Văn Trang đã tụ tập anh em dòng họ để bàn xem có nên bán ngôi nhà của dòng họ. Ngoài 57 ngàn USD họ còn ngỏ ý sẽ dựng cho ông ngôi nhà y hệt như vậy trên nền đất cũ, mà chỉ lấy cái khung nhà cổ mang đi. Ông Trang đưa ra quyết định là không bán. Quyết định kiên quyết của ông khiến họ hàng ông còn phải họp nhiều lần nữa nhưng với sự dứt khoát của ông Trang, ngôi nhà vẫn không được bán.

Sở dĩ ông Trang không bán nhà là vì ông tin rằng bán nhà cổ của tổ tiên là bán tổ tiên, sẽ mất phúc. Vả lại dòng họ Nguyễn Văn là dòng họ lớn, có đức, cho nên những gì các cụ để lại phải gìn giữ. Ông tâm sự: “Cụ Cẩn nhà tôi giàu có lương thiện chứ không phải địa chủ cường hào. Dòng họ nhà tôi phát chẩn cho xã 3 lần. Giá thóc hạ thì cụ mua vào, giá cao thì cụ bán ra để ổn định thị trường giá. Cụ lại là người cho vay rất nhiều, nhưng cho mỗi người chỉ có lượng nhất định thôi. Khi đã khoá sổ thì cụ tuyên bố xoá nợ không lấy lại. Đó là hình thức phát chẩn của cụ”

Sửa nhà và những sự kiện mới


Các cháu trong ngôi nhà cổ của ông Trang.


Năm 2002, do ngôi nhà bị dột và xuống cấp, ông Trang đã họp anh em họ mạc bàn cách tu sửa. Ông Trang kể lại rằng, việc tu sửa là vịêc rất khó khăn bởi vì các cột đều to, ngôi nhà lớn nên nếu sửa không khéo sẽ hỏng hết mộng. Do đó, nhà được dỡ ngói xuống, khung để nguyên. Các cột đều dùng kích ôtô để bắn lên. Và phải bắn làm hai lượt. Mỗi lần chèn một hòn đá dày 50cm. Xong một lượt thì quay ra bắn lần hai. Nguyên công đoạn bắn cột lên cao 1 mét cũng mất 2 tuần. Và sửa toàn bộ mất 3 tháng, chi phí khoảng 70 triệu. Ông Trang nhớ lại: “Khi đó ngôi nhà đã xuống cấp, có rất nhiều người trong dòng tộc, bạn bè khuyên tôi nên bán. Tôi đã phải triệu tập cuộc họp gia tộc. Trong cuộc họp, tôi đưa ra quan điểm là không bán thì có rất nhiều người tưởng… tôi điên. Tôi lại phải gạt bỏ tất cả những lời bàn ra tán vào. Mà nếu giữ được ngôi nhà, có thành người điên tôi cũng chấp nhận”.

Một sự kiện nữa được gọi là “động trời” xảy ra, đó là năm 2005 có một đoàn nghiên cứu của Malaysia đến Việt Nam, họ cũng tìm đến ngôi nhà cổ của ông Nguyễn Văn Trang và gạ gẫm ông bán với giá 1 triệu USD, đồng thời sẽ dựng cho ông một ngôi nhà như vậy. Độ đó, giữa ông và con trai xảy ra mâu thuẫn, suýt nữa từ mặt nhau cũng chỉ vì ông khăng khăng không bán nhà. Người ngoài cho ông là điên, là gàn, thậm chí người con trai của ông cũng bảo ông là ấu trĩ. Lời đề nghị và cơ hội đó ngàn năm có một, khiến ai cũng khó chối từ, vậy mà... Ông Trang có giàu gì cho cam, cả đời làm ruộng, giờ vẫn nghèo.

Có độ, để ép bố bán nhà, con trai ông đã ra ngoài ở riêng. Điều đó khiến cho ông thực sự đau đầu. Cuộc chiến để giữ lại nhà của ông rất cam go và ác liệt. Một mình ông ở phe “chủ giữ” còn những người khác ở phe “chủ bán”. Nhưng tất cả đã thất bại bởi kinh nghiệm của công tác “binh vận” mà ông tích luỹ được từ hồi đi bộ đội. Con trai cả của ông là anh Nguyễn Văn Tốn lúc đầu cũng muốn ông Trang bán nhà, sau thấy bố quả quyết quá, lại được ông “giáo huấn” và hiểu ra tấm lòng của người cha, anh đã ủng hộ ông. Dân làng ai cũng muốn ông bán đi để có tiền ăn, hưởng vinh hoá phú quý. Nghe bà con nói thế ông chỉ cười trừ.
Trong nhà ông còn bức hoành phi câu đối và cả một bức tranh gỗ cổ đã được ông sao chép lại. Với ông già tuổi 70 mắt đã mờ, răng đã rụng thì đó là tài sản vô giá của tổ tiên mà ông và thế hệ con cháu có trách nhiệm gìn giữ. Ngôi nhà là báu vật của quốc gia, của họ tộc ông. Bán đi là mất. Vả lại, vợ chồng ông cũng đã già rồi, nhu cầu về ăn uống chỉ cần đạm bạc thôi, có nhiều nhặn gì đâu. Ông nói: “Bán đi cũng chẳng làm vợ chồng tôi thọ hơn đâu. Con trai cả của tôi, và các cháu tôi sau này nữa, sẽ vẫn gìn giữ ngôi nhà này”.

Những lời khẳng định chắc nịch của ông Trang sẽ lại làm nản lòng những ai có ý định gạ gẫm mua bán. Ai đến với ông, tham quan, nhìn ngắm nhà, ông sẵn sàng mời nước, tiếp chuyện tận tình, còn đòi mua của ông thì không thể được.
Theo Vietimes