Bí ẩn ‘thần y bấm huyệt’ cao thủ hơn cả Võ Hoàng Yên

(VTC News) - Với cao nhân này, lương y Võ Hoàng Yên chỉ là học trò.


Kỳ 1: Cao thủ hơn Võ Hoàng Yên

Thời gian gần đây, người dân hai thành phố lớn, là Hà Nội và TP.HCM, rủ nhau đi học môn bấm huyệt, có tên Thập chỉ liên tâm pháp. Bác sĩ, nhà cảm xạ Dư Quang Châu chính là người đứng là tổ chức học tập môn bấm huyệt lạ lùng này.

Chúng tôi đã vào cuộc tìm hiểu và được những người tham gia các khóa học cho biết, khi học môn bấm huyệt Thập chỉ liên tâm pháp, thì mới hiểu được rằng, “thần y bấm huyệt” Võ Hoàng Yên không có gì ghê gớm.

Tiếp tục tìm hiểu, chúng tôi phát hiện ra rằng, ở TP.HCM từng có một cao nhân “bấm huyệt” chẳng khác gì thần y, cải tử cho không biết bao nhiêu phận người. Đó là bà Huỳnh Thị Lịch, nổi tiếng với môn bấm huyệt Thập chỉ đạo. Với cao nhân này, lương y Võ Hoàng Yên chỉ là học trò.

PV VTC News đã gặp gỡ những nhân chứng, học trò của vị “thần y” bí ẩn này để tìm hiểu môn bấm huyệt thần thông, cũng như số phận kỳ lạ của vị lương y nổi danh một thời.

Người dân Hà Nội đi học bấm huyệt
Nhà cảm xạ Dư Quang Châu dẫn tôi đi vòng vèo qua những con phố ở trung tâm TP.HCM, rồi dừng lại trước ngôi nhà cũ kỹ, thấp lè tè, bên cạnh những tòa nhà cao tầng.

Chủ nhà dáng nhỏ bé, gầy còm, giọng nói nhỏ nhẹ đẩy cửa tiếp khách. Bà là Trần Thị Hường, người học trò thân thiết như con của vị lương y bí ẩn.

Bà Hường bảo: “Bà Huỳnh Thị Lịch ngày xưa nổi tiếng lắm, ở Sài Gòn nhắc đến ai mà không biết. Nhưng bà mất đi rồi, không ai học được hết bí kíp của bà, nên tên tuổi bà cũng vì thế mà bị người đời lãng quên. Bà có nhiều học trò lắm, nhưng mỗi người chỉ học được vài môn, trị được vài bệnh mà thôi.

Lâu nay, nhắc đến chuyện bấm huyệt, người ta biết đến ông Võ Hoàng Yên, nhưng là truyền nhân của cụ Huỳnh Thị Lịch, tôi biết rằng, khả năng bấm huyệt của cụ lịch còn là bậc thầy.

Môn bấm huyệt Thập chỉ đạo của cụ Lịch thần thông lắm, chúng tôi học bao nhiêu năm nay mà chỉ biết được một chút xíu thôi. Cụ mất đi thật là tiếc. Cũng may là anh Dư Quang Châu đã ra sức khôi phục môn bấm huyệt của cụ”.

Bác sĩ Dư Quang Châu đang bấm huyệt theo phương pháp Thập chỉ liên tâm pháp của bà Huỳnh Thị Lịch

Bà Hường là cán bộ trong quân đội, công tác ở Cục Quân trang, thuộc Tổng cục Hậu cần. Bà đã về hưu từ năm 1990.

Năm 1977, ba mất, bà gặp cú sốc lớn, cơ thể suy nhược, rồi bệnh tật triền miên. Công việc nặng nề, tăng ca ngày đêm, khiến bà kiệt sức. Cơn đột quỵ làm bà gục hẳn.

Sau mấy tháng nằm viện, bà mới tỉnh lại, nhưng đôi tai điếc đặc, mặt mũi rúm ró, liệt nửa người.

Gia đình đã đưa bà đi điều trị khắp nơi, cả đông y lẫn tây y, nhưng suốt bao năm, bệnh tình không hề thuyên giảm. Nhiều lần bà tuyệt vọng, nghĩ đến cái chết.

Một lần, khi điều trị ở Bệnh viện Quân đội 175, một bác sĩ khuyên bà thử đến gặp lương y Huỳnh Thị Lịch, bởi bệnh viện không thể giúp gì được bà. Còn nước còn tát, gia đình khênh bà Hường đến ngã ba Hàng Xanh.

Bà Hường kể về người thầy của mình
Ký ức bà Hường vẫn rõ mồn một buổi đầu tiên đến nhà bà Lịch. Hàng trăm bệnh nhân xếp hàng đợi đến lượt được bà bấm huyệt trị bệnh. Người nào đến gặp bà cũng trọng bệnh, người câm, người điếc, người bại liệt, teo cơ, bướu cổ…

Bà Hường kể: “Chờ đợi hết một buổi rồi tôi cũng được gặp bà. Bà chỉ nhìn tôi rồi bảo bệnh nặng lắm, phải điều trị rất lâu, mất nhiều công sức.

Lúc đó tôi vẫn nhận thức được mọi thứ xung quanh, nhưng nói khó nghe lắm, giọng cứ ứ trong cổ, thốt mãi chẳng ra lời. Thế mà bà bấm một lúc, tôi bỗng thấy nhẹ cả người, nói năng lưu loát hơn. Lúc đó thì tôi có niềm tin vào bà lắm.

Sau hôm đó, ngày nào người nhà cũng đưa tôi đến để bà bấm huyệt cho. Chừng nửa năm thì tôi đã hồi phục gần như hoàn toàn. Tôi xin được làm học trò của bà. Bà cũng nhận, nhưng chỉ sai tôi làm việc lặt vặt giúp bà, ghi chép sổ sách.

Khi tôi đã nắm được một số kiến thức về huyệt đạo, thì bà mới dạy cho tôi. Tôi học bà mấy chục năm, nhưng cũng chỉ học được một phần nhỏ kiến thức của bà.

Giờ tôi mang những kiến thức bà truyền dạy phục vụ cộng đồng, truyền lại cho người khác. Mong muốn của bà trước khi nhắm mắt là truyền được môn bấm huyệt Thập chỉ đạo càng rộng càng tốt, để cứu được nhiều người”.

Bà Hường bấm huyệt cho bệnh nhân
Chính vì sống gần gũi với lương y Huỳnh Thị Lịch mấy chục năm, nên bà Hường hiểu khá rõ về cuộc đời của vị lương y bấm huyệt bí ẩn này.

Lương y Huỳnh Thị Lịch tên thật là Trần Thị Kim Thanh, sinh năm 1917.

Quê bà ở vùng Ý Yên (Nam Định). Trong ký ức của bà chỉ có vậy, còn làng, xã nào, tên bố mẹ, không thấy bà nhắc đến.

Ngay từ nhỏ, cô bé Thanh đã gặp cảnh éo le. Mẹ mất sớm, cha lấy vợ hai, người thân đói khát, bỏ làng bỏ xứ đi cả. Bé Thanh bơ vơ, không ai nuôi dưỡng.

Lương y Huỳnh Thị Lịch đang bấm huyệt trị bệnh
Ngày đó, dân làng kể nhiều về những đồn điền cao su rộng mênh mông ở miền Nam. Công nhân cao su tuy vất vả, nhưng có cái ăn, cái mặc. Người dân trong làng kéo nhau vào Nam rất nhiều để làm việc trong các đồn điền cao su.

Chỉ nghe kể rằng, làm công nhân cao su sẽ có miếng ăn, cô bé Thanh 11 tuổi, đã tìm đường vào Nam.

Tiền không có, nên chỉ có mỗi cách… cuốc bộ. Ban ngày vừa đi vừa xin ăn, tối ghé đình chùa, bờ bụi, chợ, nhà ga ngủ.

Đi bộ 2 năm thì vào đến Bình Dương. Thanh hỏi đường tìm đến đồn điền cao su. Tuy nhiên, đồn điền cao su chẳng nhận cô bé đen nhẻm, còi cọc, mới 13 tuổi đầu.

Không xin được việc ở đồn điền cao su, bé Thanh lang thang vạ vật ở chợ, rồi tính nước về Sài Gòn xin ăn.

Trong một lần đi xin ăn, Thanh đã gặp một võ sư người Bình Định, lập nghiệp ở Bình Dương, với một lò dạy võ nổi tiếng. Cuộc đời bé Thanh đã rẽ sang một hướng khác.

Còn tiếp…