Cho "tứ thiền" trong ngoặc kép là bởi vì mình không biết nó có hoàn toàn giống với những gì Phật muốn nói đến hay không. Và bởi lẽ mình cũng chẳng thấy có thần thông hay có gì đặc biệt cả :straight_face:
Câu chuyện bắt đầu từ hồi tháng 4, khi mình bắt đầu thực hành thiền. Đầu tiên mình thực hành theo quyển Thanh Tịnh Đạo. Theo quyển sách này thì khi ngồi thiền phải làm xuất hiện ánh sáng và tập trung vào ánh sáng đó để đạt định. Tuy nhiên sau đó mình đọc lại trong kinh gốc thì không thấy nhắc đến ánh sáng gì cả, vậy nên mình thử thực hành theo kinh gốc chứ không theo phương pháp của Thanh Tịnh Đạo nữa.
Đầu tiên là ly dục ly bất thiện pháp, chứng và trú thiền thứ nhất, một cảm giác hỷ lạc do ly dục sinh, có tầm có tứ.
Đến đây thì thật khó để lý giải tầm và tứ là gì. Theo một số tài liệu thì: tầm là hướng tâm đến đối tượng, tứ là phân tích đối tượng. Theo Vi Diệu Pháp thì: tầm là một tâm sở nhấn mạnh các tâm sở cùng phát sinh lên đối tượng, tứ thì là một tâm sở có đặc tính phân tích đối tượng, hướng tâm đến đối tượng là một tâm sở khác chứ không phải tầm. Theo kinh Song Tầm trong Trung Bộ Kinh thì: tầm là các suy tư, lý luận... Theo một kinh khác trong Tăng Chi Bộ Kinh thì tầm cũng là các tư tưởng, lý luận, tầm thuộc loại vi tế nhất là: tư tưởng lý luận về pháp.
Vậy nên mình quyết định thực hành theo phương pháp: dần dần làm biến mất những tư tưởng lý luận, vẫn rõ biết hơi thở dài ngắn, mọi thứ xung quanh, nhưng không áp đặt tâm trí lên chúng, không phân tích, suy diễn, vẫn nghe những âm thanh, cảm giác về mọi thứ, thậm chí là rõ ràng hơn.
Dần dần đầu óc nhẹ nhàng hơn, thân thể khinh an thoải mái, mình tạm gọi là chứng thiền số 2 :big_grin:
Lên thiền số 3 thậm chí còn dễ hơn thiền 1 lên thiền 2, chỉ cần bỏ đi sự sung sướng trong lòng, đơn giản chỉ là một sự thoải mái về thân thể. Mình gần như lên 3 ngay sau khi lên 2, bởi lẽ sự sung sướng trong lòng (hỷ) mình không có nhiều.
Vậy còn thiền số 4, không khổ không lạc thì như thế nào? Đầu tiên mình nhận rõ biết cái "lạc", sau đó suy nghĩ nhẹ nhàng: cái lạc này ta hãy vứt bỏ đi, cũng không còn cái khổ về thân nữa, chỉ còn sự thanh tịnh :laughing:. Và sau đó một thời gian, mọi thứ khá là kỳ diệu: lạc biến mất dần, cơ thể trở nên thanh tịnh, nhẹ nhàng, sáng suốt, cảm giác như bị mất trọng lượng. Đầu óc thì: nghe mọi âm thanh rõ ràng hơn (chứ không phải là không nghe thấy gì nữa), cảm nhận mọi thứ rõ ràng hơn, chi tiết hơn.
Đến đây thì bỗng nhiên mình chẳng biết phải làm gì nữa :confused:. Thử nhớ lại vài chuyện quá khứ thì cũng rõ ràng hơn, nhưng không đầy đủ và chi tiết, vẫn có chỗ mất chỗ thiếu. Về kiếp trước thì hoàn toàn mù tịt :laughing:
Có mấy giả thiết thế này: 1. thực hành sai, 2. không có chuyện nhớ lại kiếp trước, 3. thực hành đúng nhưng chưa biết cách nhớ lại chuyện kiếp trước. Và cuối cùng kết luận là: thực hành tứ thiền như trong kinh điển đã nêu cũng bình thường thôi :hee_hee: (nếu không sao ngày xưa bao nhiêu người thành công liền, và mình cũng chỉ mới thực hành 6 tháng)