Chuyện làm dâu trong gia đình 'danh gia vọng tộc' của nhà văn hóa Vương Hồng Sển

Ít ai biết rằng, gần mười năm làm dâu, cô thậm chí chưa một lần được phép bước chân lên phòng khách.

Là một phụ nữ tân thời, học trường Tây, nói tiếng ngoại quốc rành như tiếng Việt nhưng khi bước vào nhà chồng, cô phải mặc áo bà ba, đi guốc mộc, đội nói lá. Nhìn bên ngoài, ai cũng ngỡ cô là một phụ nữ sung sướng bởi đâu phải người phụ nữ nào cũng may mắn được làm dâu con của gia đình “danh gia vọng tộc”. Nhưng ít ai biết rằng, gần mười năm làm dâu, cô thậm chí chưa một lần được phép bước chân lên phòng khách. Chị Võ Ngọc Liên (SN 1951, tạm trú ở Nguyễn Thiện Thuật, Q. Bình Thạnh, TP.HCM) con dâu nhà văn hóa lỗi lạc Vương Hồng Sển đã kể về cuộc đời làm dâu của mình như thế.


Căn nhà của cụ Sển, nơi chị Liên từng gắn bó nhiều kỷ niệm buồn vui. Ảnh: T.G

Một thời vàng son

Chị quen Vương Hồng Bảo con trai cụ Sển từ nhỏ, lúc học chung trường Tây nên rất thân thiết, nhưng ban đầu, mỗi người lại chọn cho mình một hạnh phúc riêng. Chị Liên lập gia đình với một bác sĩ người Pháp và khăn gói theo chồng sang xứ người. Trong khi đó, Bảo kết hôn với bạn gái người Ấn Độ. Tâm sự cùng phóng viên, chị tâm sự, đời mình là một chuỗi những đổ vỡ đầy ngang trái.

Sang Pháp chưa được ba năm, chị đã phải hứng chịu bi kịch khi chồng đột ngột qua đời. Quá đau đớn, chị phải ôm đứa con mới một tuổi về nước. Tình cờ gặp lại Bảo, chị mới biết hoàn cảnh anh cũng chẳng hơn gì mình. Vợ chồng Bảo từng có với nhau hai cô con gái xinh xắn nhưng bé gái lớn yểu mệnh mất sớm. Từ đó, cũng không ai hiểu vì sao, vợ anh đột ngột ẵm cháu nhỏ bỏ về Ấn Độ và cắt đứt mọi liên lạc với gia đình chồng.

Sau bao năm xa cách, cuộc gặp gỡ ấy như thể định mệnh gắn kết hai mảnh đời rạn vỡ. Họ bắt đầu hò hẹn, tâm sự với nhau nhiều hơn như một cách sẻ chia những tổn thương từng phải gánh chịu. Rồi cứ thế, một tình yêu lặng thầm nảy nở nhưng không ai dám ngỏ lời. Bao đêm trằn trọc suy nghĩ, chị Liên sợ mình và con gái sẽ trở thành gánh nặng cho Bảo. Mang theo tâm lý nặng nề ấy, người phụ nữ đã qua “một lần đò” quyết định sẽ sang Mỹ định cư với gia đình. Thế nhưng khi biết người thương sẽ rời Việt Nam, Bảo vội vàng chạy tới hỏi như trách móc. Giây phút ấy, Liên nửa đùa nửa thật trả lời: “Chừng nào anh cưới thì em mới ở lại”. Ngỡ chỉ là câu nói bông đùa, ai ngờ chỉ mấy ngày sau, anh Bảo đem sính lễ sang hỏi cưới thật. Năm 1979, đôi bạn học cũ nên duyên vợ chồng.

Hạnh phúc khi tìm được người mình yêu nhưng đối với chị, làm dâu trong gia đình “danh gia vọng tộc”, phải khép mình theo những lễ nghi truyền thống không dễ dàng chút nào. Về nhà chồng, chị mới biết cụ Sển buộc phải đồng ý hôn sự vì con trai thúc ép chứ thực lòng cụ chẳng ưa gì người phụ nữ đã qua một lần đò lại Tây hóa như mình. Yêu chồng thì phải yêu cả gia đình chồng. Là người tân tiến, chị biết uốn mình để nhập gia tùy tục.
Trước kia, cuộc sống của chị ồn ào, gấp gáp bao nhiêu thì nay lặng lẽ bấy nhiêu. Nhà chồng có quy tắc riêng, phàm là khách khứa bạn bè đến viếng thăm đều phải đặt hẹn trước, không hẹn hoặc có hẹn mà đến trễ thì đừng mong được cụ tiếp chuyện. Khách khứa cũng chia ra nhiều loại, thứ bậc khác nhau, khách nào chỉ được tiếp chuyện ngoài cửa, khách nào được phép đến ngồi ở bàn trà giao lưu, và phải là người rất thân thiết mới được mời lên phòng khách ngồi dưới bàn thờ gia tiên đàm đạo. Làm dâu con phải hiểu để phân biệt được từng loại khách mời ngồi ở đâu cho phù hợp.

Chị Liên chia sẻ, đáng ra mình phải làm con gái cụ Sển mới đúng bởi trong nhà, chị là người hiểu ông nhất. Bất kể việc nhỏ việc lớn, chị đều làm rất đúng ý cha chồng. Thế nhưng trong mắt ông cụ, Liên vẫn là một người giúp việc. Gần mười năm làm dâu, chị chưa một lần được ông cho phép bước chân lên phòng khách. Chị kể, một hôm có người khách Pháp lại chơi, khi đi vào sân được chị chào hỏi bằng tiếng Tây nên tỏ vẻ rất bất ngờ. Song khi khách hỏi cha chồng người phụ nữ đó là ai mà phát âm tiếng Pháp chuẩn như thế, cụ Sển trả lời ngay chỉ là một người giúp việc bình thường trong nhà. Tủi thân đến phát khóc nhưng chị không trách cụ. Bao năm làm dâu, chị hiểu, với ông đàn bà là người giúp việc, phải quanh quẩn trong xó bếp để làm tốt việc nội trợ, việc lớn nhỏ đã có đàn ông gánh vác.

Bị cắt khẩu khi chồng có tình nhân

Thời gian đầu làm dâu, chị phải gồng mình để phù hợp với gia phong nhà chồng. Nhưng lâu dần, Liên đâm quen với cuộc sống vô lo, đầy đủ, ngày ngày đi làm, tháng tháng nhận lương. Nhưng chính sự bao bọc quá mức của cụ Sển đã vô tình đẩy cuộc sống vợ chồng Liên thành địa ngục.

Là người con độc nhất trong gia đình giàu có, đi lại bằng xe hơi riêng, giao du với toàn doanh nhân thành đạt nhưng chồng chị, Vương Hồng Bảo lại chỉ là một công chức bình thường làm trong Hãng phim Giải phóng. Muốn bằng bạn bằng bè, rạng danh tổ tông, năm 1989, anh quyết định nghỉ việc ra ngoài hùn hạp cùng bạn bè mở tiệm kinh doanh vàng bạc. Tính Bảo vốn thật thà, cả tin lại quen sống trong an nhàn, yên ổn nên chẳng bao lâu, anh đã bị bạn hàng lừa ôm hết vốn liếng bỏ trốn. Hơn 300 cây vàng đầu tư ban đầu, chưa đầy một năm sau chỉ còn lại 20 cây, kế hoạch trở thành ông chủ của Bảo hoàn toàn phá sản.


Chị Võ Thị Liên kể về những ngày làm dâu của trong gia đình danh gia vọng tộc. Ảnh: T.G

Cú sốc quá lớn khiến con người Bảo trở nên ngang ngạnh. Cầm số vốn sót lại, anh tuyên bố chỉ cần ba năm, anh sẽ gây dựng lại sự nghiệp. Ít lâu sau tuyên bố đó, Bảo bỏ nhà ra đi biệt tích, vợ can ngăn thế nào cũng không được. Lỗi là ở anh, nhưng mọi trách móc đều đổ hết lên đầu chị. Bao năm làm dâu đã quen sống trong chỉ trích, chị chẳng còn để tâm đến lời nói mọi người, chỉ có cha chồng, đến bữa lại gõ đũa lên bát than thở, sợ đến chết không được gặp con trai khiến lòng chị quặn đau. Bỏ qua sĩ diện, chị đi khắp nơi, đăng cả tin để tìm chồng. Một tháng sau, Bảo viết thư về cho biết đang trốn nợ, nếu gia đình chịu trả số nợ 400 triệu đồng sẽ trở về nhà trong vòng ba ngày. Nhận được thư, cụ Sển liền cho thư hồi đáp ngay. Một tối mùa đông lạnh giá, Bảo về nhưng chỉ đứng thập thò ngoài cửa không dám vào nhà.

Nghe tin, cụ Sển chống gậy tất tả đi ra ôm chầm lấy con khóc lóc. Để hai cha con hàn huyên, Liên lặng lẽ rút vào phòng chờ chồng vào nói tiếng xin lỗi. Thế nhưng, đêm hôm đó và tiếp hai ngày sau, anh vẫn im lặng. Đến ngày thứ ba, cô con gái đưa cho chị tờ giấy hủy hôn nói của ba gửi. Không cần biết chị nghĩ gì, cũng chẳng chờ câu trả lời, ngày hôm sau anh đưa một người phụ nữ về nhà giới thiệu rồi sống chung như vợ chồng. Lúc này, chị mới biết hai người đã dan díu với nhau từ khi anh làm ăn riêng. Cô bồ mới này là người khiến ba năm đằng đẵng, anh bỏ mặc vợ con, cắt đứt mọi liên lạc với cha mẹ. Lòng chị càng tan nát khi nhà chồng không ai phản đối, trong khi chồng lại cương quyết sống chung với người phụ nữ mới. Tuyệt vọng, chị để lại ba đứa con trở về bên ngoại sống, quyết định nông nổi kia khiến cụ Sển giận, cắt tên chị khỏi hộ khẩu họ Vương.

Nhưng nghĩa vợ chồng không thể nói bỏ là bỏ được, khi hay tin chồng và cô vợ hờ bị bắt vì tội lừa đảo gần chục tỷ đồng, chị lại tất tả trở về nhà thăm nuôi chồng và chăm sóc các con. Lúc này, cụ Sển đã già yếu, dường như ông hiểu mình không đủ sức bao bọc con trai cả đời nên đã viết di chúc hiến tặng tất cả gia sản, tâm huyết của đời mình cho Nhà nước. Năm 1996, chồng chị chết trong nhà lao. Cũng năm đó, bố chồng qua đời, cuộc sống chị lật sang trang mới sóng gió hơn.

Trở thành trụ cột gia đình, một mình nuôi ba con nhỏ dại mà trong tay không một đồng bạc, không nghề ngỗng, cuộc sống trăm ngàn khó khăn có khi phải chạy ăn từng bữa. Thế nhưng khi kinh tế gia đình đã ổn định thì những tranh chấp nội bộ lại bắt đầu khiến tình cảm anh em, mẹ con sứt mẻ không thể hàn gắn. Chị xót xa chia sẻ: “Giá như tôi làm dâu trong một gia đình bình thường, ở trong một ngôi nhà bình thường thì cuộc đời sẽ bớt sóng gió, hay ít ra cũng được sống vui vẻ với các con của mình”.

Những khoảnh khắc hạnh phúc hiếm hoi
Chị Liên kể: “Cấm phụ nữ lo chuyện tiền bạc, hàng tháng, cha tôi đều gọi con dâu lại bàn, tự tay phân phát các khoản chi tiêu trong tháng, nào là tiền ăn, tiền trả công người giúp việc… đến tiền đổ rác. Hai vợ chồng tôi đi làm nhưng tiền lương thì bỏ túi tiêu riêng. Hàng tháng vẫn được ông phát tiền ăn sáng và các khoản chi tiêu vặt khác”. Ngày chị sinh con, cụ Sển mừng ra mặt, cứ ôm lấy cháu nội lặp đi lặp lại câu nói: “Vợ Bảo bắt được vàng rồi”, sau đó còn đưa rất nhiều cổ vật quý đến giường nói với chị giá trị từng món cổ vật. Đây là lần đầu tiên, ông công nhận chị là con dâu, nhờ đó chị được “nhập khẩu” vào gia tộc.

(Theo GĐ&XH Cuối tuần)