Chuyên gia Nga đánh giá vũ khí Trung Quốc

(ĐVO)-Dư luận vẫn có định kiến rằng Trung Quốc không tự sản xuất được các loại vũ khí mà hầu hết đi sao chép của nước ngoài. Tuy nhiên, thực tế cho thấy đất nước tỷ dân này đã có những bước tiến đáng kể mà ngay cả các cường quốc như Nga và Mỹ cũng không thể coi thường.

3. Lợi ích của sự tiện dụng và giá rẻ

Nói chung, hiện nay các chuyên gia quân sự ngày càng hiểu rõ là việc quá quan tâm đến việc sử dụng loại vũ khí chính xác cao đắt tiền, đặc biệt là của các nước phương Tây là cực kỳ không kinh tế và thường là không những không nâng cao được khả năng tác chiến mà còn làm giảm khả năng tác chiến của quân đội các nước này (các loại vũ khí chính xác cao được sản xuất với số lượng ít và nhanh chóng cạn kiệt và như vậy không thể tác chiến được nữa. Còn để sản xuất các vũ khí thay thế thì rất lâu và rất đắt). Nếu nhìn với quan điểm như vậy thì sự lạc hâu của Trung Quốc về các loại vũ khí này nhiều khi không phải là nhược điểm mà chính là lợi thế, đặc biệt trong các cuộc chiến tranh truyền thống quy mô lớn (quân đội đối đầu quân đội).

Khả năng sản xuất vũ khí với số lượng lớn và đa dạng giúp Trung Quốc chiếm ưu thế trong một cuộc chiến tranh truyền thống

Công nghiệp quốc phòng Trung Quốc được định hướng sản xuất vũ khí –trang bị kỹ thuật chính là cho một cuộc chiến tranh truyền thống. Nếu đứng ở góc độ này thì phải thừa nhận nó thuộc vào loại tốt nhất trên thế giới. Năng suất xuất xưởng phương tiện kỹ thuật tác chiến còn vượt cả Mỹ (trừ sản xuất máy bay không người lái và tàu sân bay), vượt đáng kể so với Nga và tất nhiên là hơn hẳn tất cả các nước có sản xuất vũ khí- trang bị kỹ thuật khác. Chất lượng thấp của một số loại vũ khí (số lượng các loại vũ khí chất lượng thấp đang ngày càng ít đi) có thể hoàn toàn được bù lại bằng số lượng, các xí nghiệp quốc phòng của Trung Quốc đủ nhiều để tự đảm bảo sản xuất và cung cấp trang thiết bị quân sự, vũ khí và vật tư tiêu hao liên tục trong trường hợp có chiến tranh ở bất kỳ quy mô nào. Không có một dòng sản phẩm quân sự nào của Trung Quốc bị phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ và các sản phẩm đồng bộ từ nước ngoài.

Có một điều đáng ngạc nhiên là cho đến nay chưa một nước nào trên thế giới, thậm chí cả các nước có chung đường biên giới với Trung Quốc và coi nước này là mối đe dọa lớn nhất, nhận thức được thực tế này. Họ vẫn cho rằng các tổ hợp công nghiệp quốc phòng Trung Quốc chỉ có công nghệ lạc hậu và chỉ có khă năng sao chép một cách vụng về các mẫu của nước ngoài.

Ngoài ra còn một quan điểm rất sai lầm, không có căn cứ nhưng lại rất phổ biến nữa về công nghiệp quốc phòng Trung Quốc là: Nền công nghiệp này chỉ sản xuất các mẫu vũ khí phương tiện kỹ thuật hiện đại với một số lượng rất hạn chế. Ngay cả Viện SIPRI Stockholm trong các bản báo cáo hàng năm được công bố cũng chỉ đáng giá là kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc chỉ có khoảng từ 200 đến 250 đầu đạn. Trong khi đó, theo đánh giá khiêm tốn nhất thì Quân đội Trung Quốc có khoảng 850 đầu đạn hạt nhân. Một đánh giá khác cho rằng Trung Quốc có khoảng 3.000 đầu đạn, thậm chí còn cho rằng Trung Quốc có tới 20.000 đầu đạn hạt nhân.

Không thể biết chính xác Trung Quốc hiện sở hữu bao nhiêu đầu đạn hạt nhân

Liên quan đến vũ khí thông thường, như trên đã nói, Trung Quốc có công suất sản xuất tất cả các lớp vũ khí thông thường đứng đầu thế giới. Không những thế, ở một số loại vũ khí thông thường (như xe tăng) nước này có công suất sản xuất hơn tất cả các nước khác trên thế giới cộng lại .

Hiện nay Trung Quốc đang sản xuất đồng thời 4 kiểu máy bay: máy bay ném bom chiến trường JH-7, máy bay tiêm kích J-16 (sao chép không phép Su-30), J-11B (sao chép không phép Su-27) và J-10. Tổng cộng xuất xưởng không ít hơn 100 chiếc tiêm kích và ném bom một năm (nhiều hơn tất cả các nước NATO, kể cả Mỹ). Trong một số lĩnh vực của ngành đóng tàu, Trung Quốc còn vượt cả Mỹ, đóng đồng thời 6 khu trục dự án 052C/D (Mỹ chỉ đóng khoảng 2 chiếc) và đưa vào trang bị một chiếc tàu tuần tiễu dự án 056 mỗi tháng. Nguyên tắc thay thế vũ khí và phương tiện kỹ thuật quân sự của Trung Quốc là “một đổi một”, có nghĩa là tăng mạnh chất lượng trong khi vẫn duy trì số lượng . Khả năng sản xuất của các tổ hợp công nghiệp quốc phòng có thể tăng số lượng xuất xưởng các loại vũ khí trang bị lên gấp 3-10 lần chỉ trong vòng vài tháng.

4. Không đánh giá đúng là rất nguy hiểm

Ngay cả tại Nga hiện nay cũng có rất nhiều người không đánh giá hết khả năng quân sự của Trung Quốc và vẫn tin rằng nước này sản xuất không nhiều vũ khí và phần lớn là sao chép không mấy thành công các sản phẩm quân sự của Nga. Các chuyên gia Nga cũng thường xuyên trích dẫn các số liệu từ các nguồn của Mỹ vốn chỉ tập trung chú ý vào sự phát triển hải quân Trung Quốc (nguyên nhân rất dễ hiểu) và hoàn toàn không để ý đến sự phát triển của Lục quân dù đã nhiều năm nay số lượng xe thiết giáp và các hệ thống pháo binh của nước này đã vượt tất cả 28 nước NATO cộng lại.

Trong năm nay có một sự kiện rất đáng quan tâm nhưng ít ai để ý đến đó là vào tháng 5/2012 trong một trận chiến giữa Sudan và Nam Sudan tại thành phố Herling, các xe tăng “Type 96” do Trung Quốc sản xuất của Sudan đã có những chiến tích đầu tiên kể từ khi loại này được xuất xưởng và tin này được các phương tiện truyền thông của Trung Quốc hồ hởi loan báo. Sự kiện này còn làm người Trung Quốc hân hoan gấp bội vì chính các xe tăng “Type 96” đã đánh bại đối thủ cạnh tranh chủ yếu (trên thị trường buôn bán vũ khí) là T-72 mà Nam Sudan mua của Ucraina.

Đánh giá sai Trung Quốc là điều nguy hiểm!


Sự hân hoan này là hoàn toàn dễ hiểu vì “Type 96” và loại tăng hiện đại hơn là “Type 99” (Quân đội Trung Quốc đã được trang bị khoảng 3.500 đến 4.000 chiếc cả 2 loại này và mỗi năm Trung Quốc sản xuất khoảng vài trăm chiếc) được sử dụng để đối đầu không phải với “Abrams”, “Leopard”. “Leclerk” hoặc “Merkava”. Sự kiện trên một lần nữa khẳng định là người Nga nên từ bỏ ảo tưởng là sản phẩm quân sự của Nga chất lượng hơn của Trung Quốc . Chất lượng tuyệt đại đa số các loại vũ khí Trung Quốc đã đuổi kịp Nga, trong một số chi tiết nào đó còn vượt cả Nga và các xe tăng mới của Trung Quốc hoàn toàn không thua kém các xe tăng của Nga. Kết cục cuộc chiến bây giờ được quyết định không phải là sự vượt trội về chất lượng nào đó mà là tình huống chiến thuật, kỹ năng và tinh thần tác chiến của kíp lái cũng như số lượng vũ khí và phương tiện kỹ thuật. Ít nhất về mặt số lượng thì Trung Quốc bây giờ đã vượt hẳn Nga, kể cả về xe tăng, pháo và không quân.

Như vậy, đến bây giờ thậm chí cả Mỹ, đặc biệt là cả Nga đã rất khó để duy trì được cân bằng quân sự với Trung Quốc theo cách hiểu về cân bằng truyền thống và sẽ ngày càng khó hơn. Còn đối với bất kỳ một nước nào khác (thậm chí cả Ấn độ và Nhật bản) thì nhiệm vụ trên đã là bất khả thi. Chỉ trong vòng 10 năm, công nghiệp quốc phòng Trung Quốc đã có bước nhảy vọt chưa từng có tiền lệ và đến thời điểm này thì đã không thể hóa giải được nữa. Phương án duy nhất để có thể gây khó khăn cho việc tăng ưu thế quân sự của Trung Quốc đối với các nước láng giềng hiện nay chỉ có thể có được trong hai trường hợp, một là có một chấn động nội bộ nào đó rất lớn của Trung Quốc và hai là phải tìm ra được những phương thức chiến tranh phi đối xứng nào đó (ví dụ sử dụng các loại vũ khí trên những nguyên tắc vật lý mới).

Nhưng cũng phải thấy một điều rằng bản thân nước này cũng có thể chế tạo được những loại vũ khí như vậy, thậm chí còn nhanh hơn các nước láng giềng vì giới lãnh đạo Trung Quốc luôn không tiếc tiền để nghiên cứu sản xuất các loại vũ khí mới.
  • Hùng Lê